Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh trong mối quan hệ ‘tay ba’ ở Biển Đông

Thursday, October 27, 2016 // , ,

26-10-2016

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]
Ông Đinh Thế Huynh đang có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh trong cương vị Thường trực Ban Bí thư mang ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc trước bối cảnh tranh chấp Biển Đông.
 Đường dẫn trực tiếp


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 25/10 đánh giá cao sự phát triển trong mối quan hệ hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã có những sáng kiến trong nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Kerry nói:
“Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong các lĩnh vực ứng phó khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố, tăng cường khả năng thúc đẩy pháp quyền ở Biển Đông”.
Trước khi đến Washington, ông Đinh Thế Huynh cũng đã tới Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và có các cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và một số giới chức trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
Trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 20/10, ông Tập Cận Bình được tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nói “Trung Quốc và Việt Nam cần coi trọng những “giá trị tích cực” trong quan hệ song phương và “xử lý đúng đắn các tranh chấp”.
Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi “2 trong 1” lần nay của ông Đinh Thế Huynh tới Bắc Kinh và Washington là cách làm quen thuộc của các lãnh đạo Việt Nam từ trước tới nay, nghĩa là hoặc thực hiện cùng một lúc hoặc 2 chuyến đi liên tiếp nhau đến hai “trụ” trong mối quan hệ “tay ba” Việt-Mỹ-Trung.
Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Jonathan London của Trường Đại học Leiden, cho rằng chuyến đi của ông Huynh nhằm gửi đi một thông điệp về tầm quan trọng của Mỹ trong chiến lược của Việt Nam. Ông nói:
“Rõ ràng theo nhận xét của nhiều người thì chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á là yếu so với trước đây, nhưng tôi và nhiều người khác không đồng ý. Tôi thấy là phía Việt Nam thì vẫn có quan điểm rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phải là một yếu tố trung tâm của chiến lược giữ chủ quyền trong thời gian tới. Vì thế, tôi nghĩ chuyến đi này như là một thông điệp của chính phủ Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là lãnh đạo của Việt Nam, là vẫn xem Mỹ là một nước hợp tác cần thiết và có vị trí trung tâm. Và cũng hàm ý rằng Việt Nam vẫn chấp nhận vai trò trung tâm của Mỹ đối với vấn đề giữ ổn định trong khu vực”.
Giáo sư Jonathan London cho rằng trong giai đoạn “phức tạp” và “rất khó đoán” hiện nay, có thể thấy Trung Quốc vẫn duy trì tham vọng “đô hộ” cả Biển Đông. Vì vậy, theo Giáo sư London, dù các lãnh đạo Việt Nam có đi Bắc Kinh bao nhiêu lần đi nữa thì quan điểm trong việc quản lý mối quan hệ “tay ba” cũng sẽ không thay đổi, trong đó Mỹ vẫn phải là một đối trọng rất quan yếu cho việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
“Lãnh đạo của Việt Nam thì vẫn thấy là không thể để cho Trung Quốc làm những gì mà họ muốn làm. Mà nước duy nhất có khả năng để bảo đảm một Biển Đông được phát triển theo hướng cân nhắc với nguyên tắc trong luật pháp quốc tế chính là Mỹ. Vì thế tôi nghĩ dù Bắc Kinh có nói gì hoặc các lãnh đạo của Việt Nam có sang Bắc Kinh bao nhiêu lần, thì thực tế vẫn là chỉ có Mỹ mới là nước mà có liên minh với Mỹ thì có thể bảo đảm một Biển Đông phát triển theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry cho biết cuộc gặp của ông Đinh Thế Huynh với các lãnh đạo Mỹ cũng sẽ bàn về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số vấn đề về nhân quyền, bao gồm việc cho phép lập công đoàn độc lập tại Việt Nam.
Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới Mỹ kéo dài từ ngày 23 đến ngày 31/10. - VOA

Vì sao ông Đinh Thế Huynh thăm Mỹ?

27 tháng 10 2016
Một trong những lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đang có chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị mới tới Hoa Kỳ từ ngày 24-30/10/2016 theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đại hội XII của đảng cộng sản Việt Nam và thực hiện các thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm hôm nay 27/10 (được phát từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam) về chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh: http://youtu.be/OZ802lto8Yc
Ngày 25/10, tại thủ đô Washington, ông Đinh Thế Huynh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry, vẫn theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tham dự cuộc hội đàm, về phía Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. Về phía Hoa Kỳ, còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Tại hội đàm, ông Đinh Thế Huynh khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là "coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ theo khuôn khổ Đối tác Toàn diện đã được xác lập trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, con đường phát triển và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin để đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, thực chất, lâu dài, bền vững theo tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới."

Kể cả kênh đảng

Ông Huynh cũng được truyền thông Việt Nam dẫn lời "đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện vì phát triển, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, kể cả theo kênh Đảng; mở rộng các cơ chế tham vấn giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm; củng cố và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư làm nền tảng và động lực cho quan hệ song phương..."
"Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Việt Nam coi trọng và đang chuẩn bị các bước sẵn sàng cho việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết liên quan," Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam hôm 26/10 cho biết thêm.
Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry được truyền thông dẫn lời nói ông đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh ông Đinh Thế Huynh và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ "vào thời điểm quan trọng của chính trường Hoa Kỳ; chuyển lời thăm hỏi và tình cảm tốt đẹp cùng với thông điệp về sự coi trọng phát triển quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang."
Ngoại trưởng Kerry cũng được dẫn lời khẳng định Hoa Kỳ sau bầu cử ngày 8/11 vẫn sẽ "tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược "tái cân bằng" tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, coi trọng quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam"
Ông John Kerry bày tỏ "vui mừng trước sự phát triển tích cực quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam trong thời gian qua, nhất là sau các chuyến thăm lịch sử của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước; cảm ơn những đóng góp quan trọng của các nhà lãnh đạo hai nước trong hơn 20 năm qua đối với việc phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; nhấn mạnh tiếp tục coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực; cam kết tăng cường quan hệ và nỗ lực thúc đẩy triển khai các cam kết với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước năm 2013 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015," hãng tin nhà nước của Việt Nam tường trình.

Lựa chọn chính trị

Trước đó, từ ngày 19-21/10, ông Đinh Thế Huynh đã có chuyến thăm tới Trung Quốc, mà tại đó ông đã gặp gỡ người đồng cấp, ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và tiếp kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc tiếp đón của Chủ tịch Trung Quốc hôm 20/10 với phái đoàn Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh được tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nói "việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam."
Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình được hãng tin nhà nước của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, trích lời, nói "Trung Quốc và Việt Nam cần phải trân trọng những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, phải xử lý tranh chấp một cách cẩn thận và phải phát triển quan hệ hợp tác."
Như vậy, trong cùng một tháng, quan chức cao cấp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh đã có hai chuyến thăm nối tiếp nhau tới hai cường quốc, được coi là hai đối tác quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt về chuyến thăm đang diễn ra của ông Đinh Thế Huynh tại Hoa Kỳ, đâu là ý nghĩa, thực chất và tín hiệu của sự kiện này... là chủ đề của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với sự tham gia của các khách mời từ Việt Nam và hải ngoại là các nhà bình luận, quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế và khu vực.
Chương trình bắt đầu từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày 27/10, mời quý vị sau đây để đón theo dõi: http://youtu.be/OZ802lto8Yc - BBC

Đọc báo Pháp – 27/10/2016

Đọc báo Pháp – 27/10/2016

Không chỉ Đức, cả thế giới sợ đầu tư Trung Quốc

Chính phủ Đức mới đây đã ngăn chặn Quỹ Đầu Tư Phúc Kiến của Trung Quốc (Fujian Grand Chip Investment Fund, FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Quyết định này cho thấy Berlin cảm thấy bị đe dọa trước những khối lượng đầu tư của Trung Quốc, tính trong sáu tháng đầu năm 2016 đã lên đến 10 tỉ euro.
Trong số ra ngày 27/10/2016, Le Figaro nhận định trên trang nhất, nỗi sợ này không chỉ có riêng ở Đức mà « thói háu ăn của Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ ». Chưa hết năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi đến 200 tỉ đô la để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực. Con số thống kê sơ bộ này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình và tăng cường kiểm soát, mà Đức là ví dụ mới nhất.
Tuy nhiên, phải nói là Trung Quốc « háu ăn » nhưng có chọn lọc. Tại Pháp chẳng hạn, theo bài xã luận của Le Figaro, các nhà đầu tư Trung Quốc chi nhiều tỉ đô la trong các lĩnh vực nguyên tử, hóa học, công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ bóng đá.
Vậy « còn ai khác sợ đầu tư Trung Quốc ? ». Trước hết, phải kể đến Úc. Theo Le Figaro, chỉ riêng quốc gia Thái Bình Dương này đã thu hút đến 1/3 tổng số đầu tư ra ngước ngoài của Trung Quốc. Ngay từ cuối thập niên 1990, Úc là một trong những điểm đầu tư được các doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng nhất, dưới sự chỉ đạo của trung ương, để thâm nhập vào nguồn tài nguyên. Sau đó, Bắc Kinh nhắm đến lĩnh vực chăn nuôi và hệ thống điện lực. Tuy nhiên, gần đây, Canberra đã nhanh chóng ngăn chặn một số thương vụ vì lý do an ninh quốc gia.
Việc các tập đoàn Trung Quốc đổ vốn vào kinh đô điện ảnh Hollywood khiến công luận Mỹ lo ngại. Còn Berlin phải chịu thua trước tập đoàn Midea của Trung Quốc khi mua lại công ty Kuka, nổi tiếng trong lĩnh vực robot với các khách hàng quan trọng như Airbus, Audi hay Mercedes.
Nhận thấy sự phản kháng của các nước phương Tây, tại thượng đỉnh G20, tổ chức đầu tháng 09/2016, ở Hàng Châu, Bắc Kinh đã « mở lời » mời các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu tính đến việc tăng cường về mặt pháp lý để có khả năng kiểm tra các thương vụ. Đây cũng chính là nhận định của bài xã luận trên Le Figaro : « bảo vệ mô hình tự do không đồng nghĩa với « ngây thơ » ». Hoa Kỳ hiểu rõ điều này khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Pháp và một số nước khác cũng có những điều khoản đặc biệt để bảo vệ các lĩnh vực được cho là nhạy cảm.
Trung Quốc dùng tiền mua kiến thức và ảnh hưởng
Nhìn từ Trung Quốc, chiến lược đầu tư của Bắc Kinh được Le Figaro cho là để « tìm kiếm bí quyết và ảnh hưởng », đồng thời tăng cường ảnh hưởng của chủ tịch Tập Cận Bình đối với những cơ cấu nhà nước quan trọng, trong đó có lĩnh vực kinh tế.
Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xing Dou), thuộc đại học Công Nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc « có ngân quỹ hơn 3.000 tỉ đô la » phục vụ cho « những đầu tư sinh lợi ở nước ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng có ít cơ hội » do nền kinh tế chững lại. Không còn hài lòng là « công xưởng của thế giới », Bắc Kinh tìm cách bổ xung những gì còn thiếu : kinh nghiệm-bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đam mê đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong chiến lược quy mô hơn nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Với việc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài nước, Trung Quốc tham gia vào hội đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp phương Tây. Một mục tiêu cơ bản là để cải thiện hình ảnh của cường quốc thứ hai thế giới, mà thường được gọi là « quyền lực mềm » : một khi nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (các câu lạc bộ bóng đá hay các công ty sản xuất phim ảnh ở Hollywood), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn Trung Quốc.
« Chính phủ Trung Quốc phản ứng ngay lập tức nếu một doanh nghiệp không được phép kí kết hợp đồng » theo nhận định của một chuyên gia kinh tế về châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis. Anh Quốc là ví dụ điển hình. Cuối tháng 07/2016, khi thủ tướng Theresa May đưa ra ý định hoãn quyết định về nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, đại sứ Trung Quốc tại Anh, tức giận, đã dùng ngôn từ ngoại giao công khai dọa bà về việc trả đũa thương mại. Cuối cùng, Luân Đôn đành chấp nhận để tổng công ty điện hạt nhân CGN Trung Quốc tiếp tục đầu tư với tập đoàn EDF của Pháp vào dự án điện nguyên tử.

Đòn trả thù của tổng thống Philippines

với thượng nghị sĩ đối lập

Vẫn tại châu Á, tổng thống Philippines bị cộng đồng quốc tế lên án vì chiến dịch bài trừ những kẻ buôn ma túy mà không cần xét xử. Ông không ngần ngại miệt thị bất kỳ ai lên tiếng chỉ trích, từ tổng thống Mỹ Barack Obama đến Liên Hiệp Châu Âu.
Tiếng nói phản đối cũng nảy sinh ngay trong nội bộ Philippines, mà người phản ứng dữ dội nhất là nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima, luật sư và từng giữ chức bộ trưởng Tư Pháp trong chính phủ tiền nhiệm. Theo đặc phái viên Le Monde, trong buổi phỏng vấn bà Lima tại Manila, tổng thống Duterte công khai đe dọa nữ thượng nghị sĩ : « Đừng có đấu với tôi, bà sẽ thua ! »
Thực ra, mối « hận thù » giữa hai chính trị gia có lâu, trước khi thị trưởng Davao trở thành tổng thống Philippines. Năm 2009, khi luật sư Lima phụ trách một ủy ban nhân quyền nhà nước, bà đã muốn điều tra về « phi đội tử thần » Davao Death Squad khiến hơn 1.000 người chết trong vòng hai thập kỷ. Và cựu thị trưởng « đã không quên vụ này ».
Sau khi ông Duterte lên làm tổng thống, « bản tổng kết chết chóc » còn trầm trọng hơn, với hơn 3.600 người bị sát hại vì cảnh sát hay vì những biệt đội tử thần. Giữa tháng 09/2016, bà Leima đưa Edgar Matobato, một cựu sát thủ thuộc nhóm Lambada Boys ở Davao, ra làm chứng trước Thượng Viện. Nhân chứng này thuật lại những vụ sát hại dã man, như ném một người cho cá sấu ăn thịt, được nhận lệnh trực tiếp từ « Charlie Mike », bí danh của thị trưởng Davao. Từ khi trở thành tổng thống, phương pháp bài trừ những kẻ buôn bán ma túy, từ quy mô địa phương, đã được mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Dĩ nhiên, tổng thống Duterte không khoanh tay chịu thua. Hàng loạt vụ điều tra được tiến hành nhắm vào thượng nghị sĩ Lima. Ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng viên Duterte cáo buộc bà « ngoại tình » với lái xe riêng, trong khi người này lại là trung gian với tội phạm buôn ma túy đang bị giam ở nhà tù nổi tiếng New Bilibid để chuyển tiền bẩn ủng hộ chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ của bà Lima. Người đứng đầu nhà nước Philippines không ngần ngại tuyên bố : « Bà ấy không chỉ ngủ với lái xe riêng mà còn lừa phỉnh cả nước ».
Chưa dừng ở đó, Hebert Colangco, một kẻ cầm đầu băng trộm cắp từng bị bà Lima triệt hạ khi còn làm bộ trưởng Tư Pháp, được mời đến làm chứng chống lại bà. Trong phiên điều trần được truyền hình trên các kênh quốc gia, người này đã công bố số điện thoại riêng của thượng nghị sĩ. Ngay lập tức bà nhận được hơn 2.000 tin nhắn chửi rủa và đe dọa.
Trả lời phóng viên của Le Monde, bà công nhận mình « không phải là một bậc thánh ». Ngoài bác bỏ những cáo buộc trên, bà cho rằng tổng thống Duterte cố tình dựng chuyện để bà mất tín nhiệm và « ông ta bị ám ảnh bởi ý định tiêu diệt tôi ».

Thỏa thuận CETA buộc Liên Hiệp Châu Âu

suy nghĩ lại cách hoạt động

Thỏa thuận tự do mậu dịch Canada-Liên Hiệp Châu Âu lẽ ra sẽ được phê chuẩn ngày 27/10/2016. Tuy nhiên, ý kiến phản đối của vùng Wallonie, Bỉ, buộc lễ ký kết phải lùi lại, « dù không chính thức bị hủy bỏ » theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Còn trang nhất của Le Monde thì đánh giá, thêm một cuộc khủng hoảng cho thấy « mặt trái chính trị » của Liên Hiệp Châu Âu và chứng tỏ khối này đang bất đồng và suy yếu như thế nào. Ngày 23/06/2016, việc người dân Anh rũ áo rời ngôi nhà chung đã phá vỡ huyền thoại xây dựng một khối đoàn kết. Vẫn theo Le Monde, việc không ký được thỏa thuận CETA đã làm tê liệt hoàn toàn động cơ châu Âu và buộc thực thể này « phải suy nghĩ lại cách hoạt động ».
Về chủ đề này, trong bài viết « Thỏa thuận EU-Canada bị tạm ngừng vì phủ quyết của vùng Wallonie », Le Figaro nhận định thêm một hạt cát trong cỗ máy mà khối 28 nước tưởng như chạy suôn sẻ, việc kéo dài thời gian từ phía vùng Wallonie của Bỉ là một nỗi đau của châu Âu.
Bị yếu đi vì Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp, bị chia rẽ vì cuộc khủng hoảng di dân vẫn chưa có lối thoát và bất lực trước nước Nga trong cuộc chiến tại Syria, Liên Hiệp Châu Âu từng muốn biến thỏa thuận CETA thành biểu tượng đột phá cho sức tăng trưởng và chính sách mở rộng với thế giới. Thế nhưng, cộng đồng châu Âu lại bị dính vào những bất đồng của hệ thống chính trị nội bộ và những tranh giành thể hiện « cái tôi » tại Bỉ.

Người Mỹ gốc Cuba tìm về nguồn cội

Sau khi Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố xích lại gần nhau, những người từng bỏ trốn ra nước ngoài vì chống chế độ Castro đã có cơ hội tìm về nơi chôn rau cắt rốn.
Bài phóng sự « Người Mỹ gốc Cuba khám phá lại quê hương » của Le Figaro cho biết sau chừng 1,2 triệu du khách Canada, khoảng 500.000 người Mỹ gốc Cuba đã trở lại hòn đảo. Cách nhìn của người Cuba tị nạn và người Mỹ gốc Cuba đã thay đổi từ hơn 10 năm nay. Làn sóng tị nạn đầu tiên sau cuộc Cách Mạng, chủ yếu là những người phản đối chế độ Castro, tay trắng rời đất nước. Hiện số này không còn nhiều, nhưng con cái họ vẫn giữ nguyên định kiến về chế độ.
Trong những năm gần đây, chủ tịch Raul Castro đã chìa bàn tay với cộng đồng này ở Miami và giải thích rằng thời thế đã thay đổi so với từ đầu Cách Mạng. Phải nhấn mạnh rằng nguồn ngoại tệ mà những người Cuba sống ở nước ngoài gửi về cho gia đình lên đến 3 tỉ đô la mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập thứ hai của La Habana sau việc cung cấp dịch vụ y tế cho Venezuela và Brazil.
Ngoài việc giúp đỡ gia đình, người gốc Cuba ở Miami còn là những nhà đầu tư chính cho các hoạt động kinh tế đời thường và bất động sản. Không có những nhà đầu tư này, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nằm trong dự án được chủ tịch Raul Castro phát động, có lẽ đã không tồn tại.
Để thể hiện sự khác biệt với người dân địa phương, người Mỹ gốc Cuba không uống bia do Cuba sản xuất mà uống bia ngoại Corona, đắt gấp hai lần. Theo bài phóng sự của Le Figaro, đây là biểu tượng của sự giầu có và thể hiện đẳng cấp của người Mỹ gốc Cuba.

Tin vắn 24h

(AFP) – Triển lãm về cuộc đời hoàng hậu Marie-Antoinette tại Nhật 
Pháp đã gửi 200 hiện vật liên quan toàn bộ cuộc đời của hoàng hậu Marie-Antoinette sang triển lãm ở Nhật. Đây là lần đầu tiên Pháp tổ chức cuộc triển lãm về cuộc đời của hậu Marie-Antoinette ở nước ngoài. Người Nhật rất ấn tượng và ngưỡng mộ gu thẩm mĩ nghệ thuật cũng như số phận bi thương của hoàng hậu Marie-Antoinette. Họ coi hoàng hậu Marie-Antoinette là biểu tượng cho nền văn hóa phát triển rực rỡ và cuộc sống xa hoa của nước Pháp thời xưa.
(Reuters) – Nhật, Mỹ, Hàn Quốc đồng ý gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên về hạt nhân
Sau cuộc họp ngày 26/10/2016 tại Tokyo, thứ trưởng ngoại giao ba nước đồng ý gia tăng sức ép đòi Bình Nhưỡng « từ bỏ các chương trình hạt nhân, các vụ thử nghiệm tên lửa ». Trong cương vị chủ nhà, thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho rằng đã tới lúc chế độ Kim Jong Un cần thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
(AFP) – Ấn Độ trục xuất một nhân viên ngoại giao Pakistan 
Hôm nay 27/10/2016, Ấn Độ thông báo trục xuất Mehmood Akhtar, một nhân viên đại sứ quán Pakistan tại New Delhi vì tội làm « gián điệp ». Một quan chức cảnh sát New Delhi tuyên bố với báo giới là ông Mehmood Akhtar đã được Cơ quan tình báo quân sự Pakistan tuyển dụng cách đây 3 năm. Đại sứ quán Pakistan tại Ấn Độ thì cực lực phản đối lệnh trục xuất này, cáo buộc New Delhi vi phạm thỏa thuận bảo vệ nhân viên ngoại giao của hai nước.
(AFP) – Mạng xã hội Twitter thông báo sa thải 9 % nhân viên
Giám đốc tài chính của Twitter – ông Anthony Noto – thông báo như trên vào sáng ngày 26/10/2016. Từ ngày được thành lập, Twitter luôn bị thua lỗ.  Sau khi có tin cắt giảm nhân sự, cổ phiếu của Twitter trên thị trường chứng khoán New York tăng giá gần 4 %.
(AFP) – Động đất tại Ý
Tối hôm qua 26/10/2016, nước Ý lại bị chấn động một vụ động đất có cường độ mạnh xảy lần thứ hai trong vòng hai tháng qua. Hai đợt dư chấn dao động từ 5,5 đến 6,1 độ Richter làm rung chuyển cả miền Trung nước Ý, thậm chí lan đến thủ đô Roma. Hàng ngàn lính cứu hộ, gần 450 xe và 4 trực thăng đã được huy động. Bộ trưởng Nội Vụ Ý cho biết may mắn thay, cho tới giờ, vụ động đất chưa khiến ai thiệt mạng hay bị thương nhưng thiệt hại vật chất sẽ rất nặng nề.
 (AFP) – Bán đấu giá khẩu súng mà nhà thơ Verlaine dùng để bắn người tình – thi sĩ Rimbaud
Thành phố Charleville-Mézières vừa kêu gọi quyên góp tiền để mua lại khẩu súng mà ngày 10/07/1873 nhà thơ Paul Verlaine đã dùng để bắn vào người tình trẻ là thi sĩ Arthur Rimbaud. Rimbaud suýt mất mạng hôm đó. Ngày 30/11/2016, khẩu súng có dấu tay của Verlaine sẽ được đem ra bán đấu giá tại Paris. Charleville-Mézières, vùng Ardennes, miền đông bắc nước Pháp là quê hương của Rimbaud và cũng là nơi đôi tình nhân Rimbaud-Verlaine từng sống một thời gian.
(AFP) – Hủy lễ ký kết hiệp định thương mại CETA
Ngày 27/10/2016, lễ ký kết hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada CETA bị hủy. Lý do là tất cả các chính quyền cấp địa phương của vương quốc Bỉ không nhất trí ký kết vào văn bản này. Nghị Viện Wallonie, một trong bảy nghị viện cấp địa phương của vương quốc Bỉ cho tới giờ chót vẫn kịch liệt chống đối hiệp định CETA.
(AFP) – Nghị Viện Châu Âu trao giải thưởng nhân quyền Sakharov cho hai phụ nữ Yezidi người Irak
Nadia Murad và Lamia Haji Bachar, người Yezidi Irak, thuộc cộng đồng nói tiếng Kurdistan đều là nạn nhân sống sót sau các vụ bắt cóc, cưỡng bức làm nô lệ tình dục do tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo tiến hành. Giải thưởng được trao cho họ để ca ngợi lòng dũng cảm và tinh thần đấu tranh bảo vệ nhân phẩm. Từ năm 1988, Nghị Viện Châu Âu vẫn trao giải thưởng này hàng năm để vinh danh những nhân vật đấu tranh cho nhân quyền trên toàn thế giới.
 (AFP) – Biểu tình lớn tại Venezuela
Hôm qua, 26/10/2016, theo lời kêu gọi của phe đối lập, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình, yêu cầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia thiết lập lại quy trình trưng cầu dân ý bãi miễn tổng thống Nicolas Maduro. Vào tuần trước, cơ quan bầu cử này đã đột ngột ra quyết định hoãn quy trình xác nhận chữ ký « cho đến khi nào có quy định mới ». Đối với phe đối lập, quyết định trên là một cú đảo chính.
 (AFP) – Mossoul : 900 quân thánh chiến thiệt mạng
Tướng Joseph Votel, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, Trung Đông và Bắc Phi, hôm nay, 27/10/2016, cho biết cho đến ngày thứ 11 của chiến dịch giải phóng Mossoul, quân đội Irak « đã diệt được từ 800 đến 900 chiến binh Daech », nhưng đây chỉ là ước tính, vì quân Daech di chuyển theo từng nhóm nhỏ và thường trà trộn vào dân chúng. Các lực lượng đặc nhiệm Irak hiện đã tiếp cận được các khu vực cách thành phố Mossoul khoảng 5 km.

Tin khắp nơi – 27/10/2016

Tin khắp nơi – 27/10/2016

Du khách Trung Quốc

ăn cắp nắp bồn cầu tại khách sạn Nhật

Một người Trung Quốc, sau chuyến du lịch Nhật trở về, nộp đơn xin từ chức vì bị phát giác đánh cắp một món đồ trong khách sạn Nhật: chiếc nắp bồn cầu đa năng.
Du khách từ Thái Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã nộp đơn từ chức hôm 20/10 trước áp lực công luận về hành vi trộm cắp làm mất thể diện quốc gia.
Hai vợ chồng thủ phạm Li và Chen, ăn cắp chiếc nắp bồn cầu công nghệ cao ‘sơ-cua’ mà họ tìm thấy dưới giường ngủ tại một khách sạn ở Nagoya hôm 17/10, theo tờ Ningbo Daily.
Họ thú tội và trả lại nắp cầu sau khi quản lý khách sạn gọi hướng dẫn viên du lịch đoàn phàn nàn về vụ mất cắp.
Cục Du lịch Ningbo xác nhận tin này hôm 19/10.
Nhiều người lên mạng phê phán cặp vợ chồng này làm hoen ố hình ảnh người Trung Quốc và cảm thấy xấu hổ vì hành vi này.
Trong thư xin lỗi, cặp vợ chồng này nói rằng họ lấy chiếc nắp cầu vì nghĩ là của các khách trọ trước đây bỏ quên lại trong phòng.
Thư xin lỗi có đoạn viết: “Tôi thành thật xin lỗi và lấy làm tiếc. Tôi hy vọng được khách sạn và công ty lữ hành khoan dung. Tôi xin hứa không tái diễn hành vi bất xứng này.”
Tin nói người vợ đảm trách chức vụ quản lý tại một ngân hàng thương mại ở Thái Châu.
Một nắp bồn cầu tiêu biểu của Nhật sản xuất có 14 chức năng khác nhau bao gồm xịt nước rửa, thổi khô, và tự động khử mùi. Sản phẩm này thích hợp với tất cả các loại bồn cầu và rất được dân chúng Trung Quốc ưa chuộng.
Theo Global Times, SCMP, DailyMail, UPI

Ông Trump

đề xuất chính sách kinh tế giúp người da đen

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đề xuất một loạt biện pháp kinh tế để giúp người Mỹ gốc Phi, nhóm sắc dân mà theo các cuộc thăm dò, vẫn ủng hộ bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên đảng Dân chủ.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư tại Charlotte, bang North Carolina, ông Trump vạch ra kế hoạch để tạo điều kiện cho các doanh nhân Mỹ gốc Phi dễ vay vốn, và cho phép các thành phố tuyên bố một số khu vực bị tàn phá là khu vực thiên tai để có thể xây dựng lại.
Ông Trump nói với cử toạ phần lớn là người da trắng rằng “có quá nhiều người Mỹ gốc Phi đã bị bỏ lại đằng sau”.
Trước đó trong ngày, ông Trump có mặt ở thủ đô Washington để cắt băng khánh thành một khách sạn mới của ông nằm gần Tòa Bạch Ốc. Bà Clinton chỉ trích rằng ông Trump chú trọng đến doanh nghiệp riêng của ông hơn là chiến dịch vận động.
Nhưng ông Trump nói ông có quyền tham gia lễ khánh thành khách sạn của ông, và chất vấn tại sao không có ai chỉ trích khi bà Clinton đến dự một buổi diễn của ca sĩ Adele hôm thứ Ba?
Ứng viên đảng Cộng hòa cũng cho biết cá nhân ông đã chi ra 100 triệu đôla vào chiến dịch vận động tranh cử, và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nếu cần.
Vào lúc chỉ còn hai tuần là tới bầu cử, chiến dịch của bà Clinton chi ra nhiều hơn so với chiến dịch vận động của ông Trump theo tỷ lệ hơn 2/3.
Các báo cáo do các ứng cử viên đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ cho thấy bà Clinton đã quyên góp tổng cộng gần 950 triệu đôla và hiện có trong tay khoảng 178 triệu đôla cho quảng cáo trên truyền hình, và nỗ lực kêu gọi cử tri đi bầu trong những ngày cuối cùng trước bầu cử. Chiến dịch của ông Trump đã quyên được khoảng 449 triệu đôla và hiện có trong tay 97 triệu đôla.
Các báo cáo của chính phủ cho thấy 25 ứng cử viên tổng thống của Hoa Kỳ, bao gồm đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và các ứng cử viên của các đảng nhỏ, đã quyên góp được hơn 1,2 tỷ đôla qua những khoản đóng góp trực tiếp cho chiến dịch của họ. Các ủy ban vận động độc lập cũng quyên được hàng trăm triệu đôla để hỗ trợ các chiến dịch của họ.
Ngoài ra, các ứng cử viên tranh giành ghế trong Thượng viện và Hạ viện cũng quyên góp được 1,4 tỷ đôla cho các chiến dịch vận động của họ.

Đa số người Mỹ gốc Á không ưa Trump,

xa lánh Đảng Cộng hòa

Một cuộc khảo sát toàn quốc mới đây cho thấy số người Mỹ gốc Á ủng hộ Đảng Dân chủ giờ cao hơn gấp đôi so với Đảng Cộng hòa, và họ có quan điểm rất tiêu cực về ứng cử viên tổng thống Donald Trump. Kết quả khảo sát này cũng nêu bật sự chật vật của Đảng Cộng hòa trong việc thu hút cử tri thuộc những nhóm dân thiểu số.
Bản báo cáo của tổ chức Khảo sát Người Mỹ gốc Á Toàn quốc (NAAS), công bố hồi đầu tháng 10 có tựa đề “Tiếng nói người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử 2016,” cho biết trong 20 năm qua, sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á dành cho những ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ “tăng mạnh hơn bất kỳ nhóm chủng tộc nào.”
Ngày nay 57 phần trăm người gốc Á nhận mình theo Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, so với 24 phần trăm ủng hộ Đảng Cộng hòa, theo bản báo cáo.
Con số của ông Trump còn tệ hơn nhiều. Bà Clinton dẫn trước ông trong số tất cả những cử tri gốc Á có đăng ký, 55 phần trăm so với 14 phần trăm.
Người gốc Á bao gồm nhiều dân tộc, quốc tịch, tôn giáo – thế nhưng quan điểm tiêu cực về ông Trump vươn xa và sâu vào tất cả những nhóm nhỏ này.
79 phần trăm người Mỹ gốc Ấn được khảo sát cho biết họ có ác cảm với ông Trump.
84 phần trăm người gốc Hàn, 67 phần trăm người gốc Hoa và 62 phần trăm người gốc Philippines có cùng nhận định.
Tuy nhiên người Mỹ gốc Việt là điểm sáng duy nhất cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Số người có quan điểm tích cực và tiêu cực về ông Trump trong khối cử tri người Việt tương đối đồng đều, với 43 phần trăm tiêu cực và 45 phần trăm tích cực.
Lâu nay người Mỹ gốc Việt vẫn thường nghiêng về phía Đảng Cộng hòa và nghiêng nhiều hơn so với bất kỳ nhóm dân nào khác trong khối người Mỹ gốc Á.
Nhà báo Đỗ Dzũng của nhật báo Người Việt cho rằng nguyên nhân một phần là cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Ông nói:
“Trong Chiến tranh Việt Nam, phe Cộng hòa rất quyết liệt và phe Dân chủ thì chống chiến tranh. Những người thuộc thế hệ cũ quan niệm rằng mất nước là tại phe Dân chủ.”
Ông Mike Nguyen, cử tri Quận Cam thuộc bang California, tin rằng chính sách kinh tế của Đảng Cộng hòa đem lại hiệu quả.
Ông nêu quan điểm:
“Tôi bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa bởi vì chính sách, không phải vì ông Trump. Tôi muốn trả tiền đóng thuế lại cho những người tạo ra công ăn việc làm. Nếu bạn đánh thuế họ quá nhiều và đem tiền cho không thì mọi thứ ở đất nước này sẽ lụn bại.”
Ông In Suon, người Campuchia sống ở San Jose, California, thì nói rằng ông chưa biết sẽ bầu cho ứng cử viên nào.
“Bản thân tôi lâu nay từng ủng hộ Đảng Cộng hòa. Tôi không biết tại sao tôi thích Đảng Cộng hòa. Tôi từng theo dõi công tác của đảng này,” ông Suon nói. “Giờ tôi thất vọng về tuyên truyền của đảng vì họ đả kích dân thiểu số ở Mỹ.”
Năm 1992, George H.W. Bush giành được sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á với cách biệt áp đảo 24 điểm phần trăm.
Bob Dole, ứng cử viên Đảng Cộng hòa năm 1996, cũng giành được lá phiếu của khối cử tri này, nhưng với cách biệt nhỏ hơn. Các ứng cử viên Đảng Dân chủ luôn giành được lá phiếu của người Châu Á kể từ khi đó.
Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc công bố một báo cáo kêu gọi đảng nỗ lực tiếp cận với những nhóm dân thiểu số hơn nữa. Nhưng bản chất phân cực của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm nay dường như triệt tiêu hết những tiến bộ mà đảng này đạt được và sự ủng hộ của khối người Mỹ gốc Á dành cho Đảng Cộng hòa giờ còn thấp hơn hồi năm 2012, theo lời ông Karthick Ramakrishnan, giám đốc của NAAS.
Trong những năm trước ông Ramakrishnan cho biết những cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á cho thấy những khác biệt lớn hơn về quan điểm chính trị giữa những nhóm dân trong khối người Mỹ gốc Á và giữa các vùng trong nước.
“Có thể nói rằng ông Trump đang toàn quốc hóa cuộc bầu cử này cho người Mỹ gốc Á,” ông nói.

Thăm dò: Bà Clinton là lựa chọn của cử tri trẻ

Theo một cuộc thăm dò của trường đại học Harvard được công bố hôm 26/10, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đang dẫn đầu trong số các cử tri tuổi từ 18-29 có thể sẽ đi bỏ phiếu.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ được sự ủng hộ của 49% cử tri so với 28% của đối thủ Cộng hòa của bà là ông Donald Trump. Con số này cao hơn con số ứng cử viên đảng Dân chủ, Tổng thống Barack Obama, từng dẫn trước ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Massachusettes Mitt Romney, cùng thời điểm vào năm 2012.
Các cuộc thăm dò trên toàn quốc đối với cử tri đủ mọi lứa tuổi cũng cho thấy bà bà Clinton đang dẫn đầu, dù với một khoảng cách hẹp hơn.
Khoảng 14% những người được hỏi nói họ dự trù bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng tự do, Gary Johnson; 5% ủng hộ ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein; và 11% vẫn chưa quyết định.
Hơn 1 trong 3 người tự nhận là cử tri ủng hộ ông Johnson nói có thể thay đổi ý định trước Ngày Bầu cử.
Đa số những người trả lời, 51%, cho biết họ lo ngại về tương lai nước Mỹ. Chỉ 14% trong số 2.150 người trả lời tin là nước Mỹ đang đi đúng hướng.
Cảm giác lo ngại hầu như chiếm đa số trong số những người trả lời da trắng, dù 85% những người trả lời da đen tin là họ “bị tấn công” trong xã hội Mỹ cận đại.
Khoảng 62% những người trả lời tin là các mối quan hệ chủng tộc tại Mỹ sẽ tệ hại hơn nếu ông Trump đắc cử.
22% cho rằng quan hệ chủng tộc sẽ xấu hơn nếu bà Clinton thắng trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 tới.
36%, tiên đoán là mối quan hệ này vẫn như cũ.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 10.

Mỹ bác bỏ lập luận cho rằng

chặn chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là ‘vô vọng’

Brian Padden
SEOUL —
Washington và các đồng minh của Mỹ tuyên bố vẫn tập trung vào nỗ lực buộc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phải từ bỏ tham vọng hạt nhân bằng các biện pháp răn đe, tăng áp lực, và tăng cường hoạt động ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm thứ Năm 27/10 bác bỏ thẩm định hồi đầu tuần này của Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, kết luận rằng nỗ lực thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân “có lẽ vô vọng.”
Ông Blinken nói:
“Chúng tôi không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Chúng tôi không cho phép Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Dứt khoát như vậy.”
Thứ trưởng Blinken đã họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và Phó Ngoại trưởng thứ nhất của Hàn Quốc Lim Sung Nam tại Tokyo để bàn việc phối hợp một chiến lược thống nhất hầu đối phó với những hành động gây hấn vẫn đang tiếp diễn của Bắc Triều Tiên, kể cả hai vụ thử hạt nhân, và 24 vụ phóng phi đạn đạn đạo trong năn nay.
Ông Blinken nói Washington và các đồng minh tập trung tối đa vào nỗ lực thuyết phục chế độ Kim Jong Un tham gia đàm phán để chấm dứt tham vọng hạt nhân của nước này, bằng việc tăng sức ép, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao và tăng cường các biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của một tổ chức độc lập mang tên Hội đồng Quan hệ đối ngoại hôm thứ Ba, Giám đốc Tình báo Clapper nói giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên “sẽ không chịu đàm phán. Chương trình hạt nhân là chìa khoá cho sự tồn tại của chế độ.”
​Khí tài
Thứ trưởng Blinken hôm thứ Năm tái khẳng định với Nam Triều Tiên và Nhật Bản cam kết của Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp răn đe, kể cả đáp trả bằng vũ lực quân sự áp đảo nếu xảy ra bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào từ Bắc Triều Tiên.
Washington cũng đang chuyển khí tài quy ước như tàu chiến và máy bay ném bom vào khu vực, và các lực lượng đồng minh sẽ triển khai các lá chắn tên lửa, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Nam Triều Tiên.
Tại Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thương thảo để đề ra các biện pháp phụ trội để trừng phạt Bắc Triều Tiên, kể cả các biện pháp hạn chế giao thương và xuất khẩu lao động, đồng thời khép lại những kẽ hở mà Bắc Triều Tiên sử dụng để xuất khẩu than đá và khoáng sản, là các hoạt động thu lợi cao được che giấu dưới vỏ bọc “vì mục đích nhân đạo.”
Không tin tưởng
Các nhà phân tích Nam Triều Tiên trong tuần này đã bày tỏ ngờ vực về hiệu quả thiết thực của sách lược hiện nay. Họ nói hoặc là chiến lược hiện hành không đủ mạnh để buộc Bắc Triều Tiên bỏ chương trình hạt nhân của họ, hoặc là các biện pháp khích lệ trong chiến lược đang được áp dụng, chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh khu vực do Học việc ngoại giao quốc gia Triều Tiên tổ chức, ông Chun Young-woo, trưởng đoàn thương thuyết của Nam Triều Tiên tại vòng đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên năm 2008, nói rằng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ không có tác dụng.
Ông Chun, hiện là chủ tịch Diễn đàn về tương lai của Bán đảo Triều Tiên, nói:
“Bắc Triều Tiên sẽ không thấy có bất cứ biện pháp khích lệ nào đủ hấp dẫn để từ bỏ chương trình hạt nhân, trừ phi sự tồn vong của họ bị đe dọa.”
Trung Quốc trừng phạt
Việc Trung Quốc thực thi các biện pháp cấm vận quốc tế được xem là thiết yếu để các biện pháp này có hiệu quả, bởi vì 90% giao thương của Bắc Triều Tiên đều đi ngang biên giới Trung Quốc-Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh không muốn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chế tài bởi vì họ sợ gây bất ổn dọc theo biên giới nước họ, nếu chế độ Kim Jong Un sụp đổ, dẫn đến một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của Seoul, một đồng minh của Washington.
Mỹ mới đây đã áp dụng đợt trừng phạt thứ hai đối với một tập đoàn kinh tế Trung Quốc bị cáo buộc đã bán cho Bắc Triều Tiên các vật liệu cấm, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, và vì có dính líu đến các vụ chuyển tiền bất hợp pháp.
Nhưng Washington cũng muốn duy trì quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, bởi vì cả hai đều tán thành việc dùng các biện pháp hòa hoãn để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy những bảo đảm về an ninh và viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên Trung Quốc phản đối việc tăng cường các biện pháp răn đe quân sự của Mỹ và các đồng minh. Họ coi đây là một thái độ gây hấn và quan ngại rằng Washington có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng hạt nhân như một cái cớ để biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương, điều mà Bắc Kinh xem như một hành động nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu.
Ông Yoon Young-kwan là cựu chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nam Triều Tiên, nói rằng Washington cần tăng sức ép để đòi Bắc Kinh phải cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên qua đợt chế tài thứ hai, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Ông Yoon, giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Seoul, nhận định:
“Nếu Trung Quốc không chịu hợp tác, chọn lựa còn lại duy nhất của Mỹ là triển khai khí tài và các lực lượng quân sự quanh Bán đảo Triều Tiên.”
Thứ trưởng Ngoại giao Blinken nói Bắc Triều Tiên cho đến nay chưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Mỹ: Chưa liên lạc vụ Philippines dọa cắt quan hệ quân sự

Tòa Bạch Ốc ngày 26/10 loan báo Mỹ chưa liên lạc chính thức với chính phủ Philippines liên quan những lời đe dọa làm trầm trọng mối quan hệ quân sự giữa hai nước.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc đưa ra cùng ngày mà Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp đe dọa cắt đứt các mối quan hệ quân sự với Mỹ.
Ông Duterte phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo trong ngày thứ nhì nhân chuyến công du 3 ngày tới Nhật, đồng minh chính của Mỹ trong khu vực.
Ông nói rằng ông muốn Philippines trong 2 năm tới không có sự hiện diện của binh sĩ quân đội nước ngoài, cho dù ông phải ‘xem lại hoặc hủy bỏ các thỏa thuận.’
Hiện một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại đảo Mindanao miền Nam Philippines để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố trước phong trào Hồi giáo địa phương.

Pakistan cấm tuần hành chính trị

Pakistan vừa ban hành lệnh cấm tất cả các cuộc tụ tập, biểu tình chính trị, và các cuộc biểu tình tại thủ đô Islamabad trong hai tháng, nhằm ngăn cản kế hoạch tuần hành vào tuần tới của phe đối lập chống Thủ tướng Nawaz Sharif.
Ông Sharif đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ công chúng sau khi các thành viên trong gia đình ông được liệt kê trong danh sách những người có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong vụ rò rỉ danh sách Panama. Ông Sharif đã lên tiếng bênh vực hồ sơ tài chính của ông.
Tòa án Tối cao Pakistan ấn định một buổi điều trần về vụ tai tiếng này vào ngày 1 tháng 11.
Nhưng một ngày sau đó, 2 tháng 11, chính trị gia từng là quán quân môn cricket, Imran Khan, đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ở thủ đô, đe dọa làm tê liệt sinh hoạt tại Islamabad để đòi ông Sharif từ chức.
Đảng đối lập của ông Khan đã cùng với bốn người ký kiến nghị khác yêu cầu tòa án tối cao điều tra vụ tai tiếng Panama.
Các phụ tá của Thủ Tướng Sharif yêu cầu ông Khan hoãn biểu tình và chờ quyết định của tòa án, nhưng ông Khan nói cảnh sát đã bắt giam một số nhân viên của ông.
Luật sư của ông Khan cho biết là đang xem xét lệnh cấm biểu tình của tòa án tối cao để xác định xem lệnh này có hợp pháp hay không.
Hôm thứ Năm, ông Khan nói: “Không có quyền lực nào có thể ngăn cản cuộc tuần hành của chúng tôi”. Ông tuyên bố: “Đó là quyền hợp pháp, dân chủ, quyền hiến pháp của chúng tôi”.

Giải nhân quyền Sakharov

cho 2 phụ nữ Yazidi từng bị IS bắt cóc

Hai phụ nữ Yazidi ở Iraq bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bắt cóc năm 2014, vừa được Nghị viện châu Âu trao tặng giải thưởng Sakharov về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.
Bà Nadia Murad và bà Lamis Haji Bashar là hai trong số hàng ngàn phụ nữ Yazidi bị nhóm Hồi giáo cực đoan bắt cóc và bắt làm nô lệ tình dục. Họ bị bắt đi từ ngôi làng của họ ở gần Sinjar, tây bắc Iraq, vào mùa hè năm 2014.
Hai phụ nữ này giờ đây được xem là người lãnh đạo phong trào bảo vệ người Yazidi đang sống trong các khu vực bị quân Nhà nước Hồi giáo tiến chiếm. Họ còn kêu gọi quốc tế công nhận vụ thảm sát người Yazidi là một vụ diệt chủng.
Giải thưởng nhân quyền được đặt theo tên ông Andrei Sakharov, một nhà khoa học bất đồng chính kiến Liên Xô đã qua đời vào năm 1989. Giải thưởng được trao hàng năm cho những người tranh đấu cho nhân quyền.

Động đất ở Ý gây thiệt hại nghiêm trọng

Hai trận động đất mạnh xảy ra ở miền trung Italy hôm thứ Tư đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số nhà thờ và tòa nhà, nhưng nước Ý đã tránh được thảm họa được chứng kiến cách đây 2 tháng, sau trận động đất đã giết chết gần 300 người.
Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về số thương vong, mặc dù hàng chục người đã được điều trị vết thương nhẹ hoặc bị sốc, theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Fabrizio Curcio.
Ông cho biết:
“Cuối cùng, tình hình không đến thê thảm như người ta lo sợ”, xét cường độ của trận động đất.
Ông Marco Rinaldi, thị trưởng thành phố Ussita, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất, nói số lượng người bị thương thấp có lẽ là nhờ thời điểm xảy ra động đất. Nhiều người đã bỏ nhà cửa đi lánh nạn sau khi xảy ra trận động đất đầu tiên, đo được 5,5 độ Richter. Vì vậy khi trận động đất 6,1 độ diễn ra hai tiếng đồng hồ sau đó, thì người dân đã sơ tán.
Ông nói thêm:
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều trận động đất nhưng đây là trận mạnh nhất mà tôi từng trải qua. May là tất cả mọi người đã rời khỏi nhà sau trận động đất đầu tiên nên tôi không nghĩ có bất cứ ai bị thương.
Trong lúc cảm thấy nhẹ nhõm khi không có ai thiệt mạng, ông Rinaldi thừa nhận thành phố Ussita đã bị thiệt hại nặng nề và phải chờ tới khi trời sáng mới có thể thẩm định chính xác mức độ thiệt hại.
Ông nói:
“Nhiều ngôi nhà bị sập. Thị trấn của chúng tôi bị tàn phá”.
Ussita nằm cách thị trấn Amatrice 75 km về hướng bắc. Một trận động đất diễn ra tại Amatrice hồi tháng Tám vừa rồi, giết chết 297 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác.

Nga triển khai chiến hạm ở Kaliningrad, Ba Lan lo ngại

Ba Lan ngày 26/10 bày tỏ quan ngại về những tin tức cho biết Nga đang nhanh chóng nâng cấp hỏa lực của Hạm đội Baltic tại Kaliningrad bằng cách điều động thêm các chiến hạm được trang bị phi đạn hành trình tới đây.
Moscow chưa xác nhận tin tức này trong tờ nhật báo Izvestia của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz, được Thông tấn xã địa phương PAP dẫn lời cho biết: “Việc này rõ ràng gây quan ngại. Chuyển những chiến hạm như vậy đến biển Baltic là làm thay đổi cán cân lực lượng.”
Ông Macierewicz hiện có mặt tại Brussels để tham dự hội nghị các bộ trưởng NATO.

Anh-Mỹ nỗ lực ngăn chặn Nga

Anh ngày 26/10 loan báo sẽ đưa máy bay chiến đấu tới Rumani vào năm sau và Mỹ hứa sẽ gửi binh sĩ, xe tăng và pháo binh sang Ba Lan trong nỗ lực gây dựng quân đội lớn nhất của NATO trên các biên giới của Nga kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay.
Đức, Canada và các đồng minh NATO khác cũng cam kết gửi lực lượng tại một cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ở Brussels trong cùng ngày hai tàu chiến của Nga trang bị phi đạn hành trình tiến vào Biển Baltic nằm giữa Thụy Điển và Đan Mạch, làm nổi bật các căng thẳng Đông-Tây.
Tại Madrid, Bộ Ngoại giao cho biết Nga đã rút yêu cầu đòi tiếp nhiên liệu cho ba tàu chiến tại vùng lãnh thổ tách biệt của Tây Ban Nha thuộc châu Phi là Ceuta sau khi các đồng minh NATO loan báo chúng có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu thường dân ở Syria.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự đóng góp quân lực cho lực lượng mới gồm 4.000 binh sĩ tại vùng Baltic và Đông Âu là một phản ứng trước những gì mà NATO tin là có 30.000 quân Nga đang đóng trên sườn phía tây của Nga gần Moscow.
“Chỉ trong tháng này, Nga đã triển khai phi đạn Iskander có khả năng hạt nhân đến Kaliningrad và đình chỉ một thỏa thuận plutonium với Hoa Kỳ,” ông Stoltenberg nói, đồng thời cáo buộc Nga tiếp tục hỗ trợ cho quân nổi dậy ở Ukraine.
Những phi đạn đạn đạo này có thể bắn trúng các mục tiêu ở Ba Lan và trong vùng Baltic, dù các quan chức NATO từ chối cho biết liệu Nga có đã chuyển các đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad hay chưa.
Kế hoạch của NATO là thiết lập bốn nhóm chiến đấu với tổng cộng khoảng 4.000 binh sĩ từ đầu năm tới, được hỗ trợ bởi một lực lượng phản ứng nhanh 40.000 quân.
Một phần trong kế hoạch này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter loan báo một “tiểu đoàn đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu” gồm khoảng 900 binh sĩ sẽ được gửi đến miền đông Ba Lan, cùng một lực lượng khác được trang bị xe tăng và thiết bị hạng nặng di chuyển qua đông Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Michael Fallon, cho biết London sẽ gửi một tiểu đoàn 800 quân sang Estonia, được hỗ trợ bởi quân đội Pháp và Đan Mạch, bắt đầu từ tháng 5 năm sau. Hoa Kỳ muốn các binh sĩ của họ vào vị trí trước tháng sáu năm sau.
London cũng đang gửi máy bay chiến đấu Typhoon tới Rumani tuần tra Hắc Hải, một phần để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
“Dù chúng tôi đang rời khỏi Liên hiệp châu Âu, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn giúp bảo vệ sườn phía đông và phía nam của NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết.

Ông Tập Cận Bình

nay là ‘hạt nhân’ của Đảng Cộng sản TQ

Hội nghị Trung ương vừa kết thúc của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức gọi ông Tập Cận Bình là ‘hạt nhân trung tâm’ của Đảng này, đánh dấu quyền lực của ông lên tới mức tuyệt đối.
Tuy đây không phải là vị trí chính thức mà chỉ là ngôn từ của văn kiện Đảng Cộng sản, cho tới gần đây chỉ có ba lãnh tụ Trung Quốc được coi là ‘hạt nhân’ (hexin) mà các báo tiếng Anh gọi là ‘core’.
Đó là các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, theo Reuters từ Bắc Kinh hôm 27/10.
Danh xưng này đặt ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên vị trí không ai cạnh tranh nổi trước kỳ đại hội vào năm tới.
Ông Tập Cận Bình cũng đã nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng, kiểm soát bộ máy quân sự và vũ trang của Trung Quốc.
Ai về ai ở năm 2017?
Dự kiến kỳ đại hội năm năm một lần vào cuối 2017 sẽ chỉ xác nhận lại vị thế này của ông trong khi cho về nghỉ một loạt ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị khác vì quá tuổi.
Theo quy định hiện hành về tuổi thì có ít nhất 7 nhân vật cao cấp hàng đầu sẽ phải về nghỉ khi diễn ra Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chỉ có hai người, Tập Cận Bình, khi đó 63 tuổi, và Lý Khắc Cường, 61 tuổi, là còn đủ tuổi ở lại.
Nhưng nhiều bình luận cho rằng khả năng trụ lại của Thủ tướng họ Lý không cao và thời gian qua, vai trò điều hành kinh tế của ông đã bị giảm đi đáng kể.
Kỳ đại hội năm tới có thể sẽ đưa ra chỉ dấu ai sẽ thay ông Tập Cận Bình ở vị trí Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ tiếp theo, từ 2022.
Nhưng trong một số giới bình luận ở bên ngoài Trung Quốc cũng đang có ý kiến về phương án nào đó để ông Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền sau cả năm 2022.
Ông Sebastian Heilmann, từ Viện Mercator chuyên về Trung Quốc tại Berlin nói trên trang New York Times hồi đầu tháng 10 rằng nếu không chỉ định ra người kế nhiệm thì có dấu hiệu là “Tập Cận Bình sẽ nắm luôn nhiệm kỳ ba”.

Trẻ em không có chỗ ngủ ở trại Calais

Hàng trăm người di cư vẫn còn ở lại trại “Rừng rậm” ở Calais, phóng viên BBC tại hiện trường cho biết, dù nhà chức trách Pháp nói khu trại giờ đã không còn ai.
Khoảng 200 trẻ vị thành niên bị bỏ lại mà không có chỗ ngủ, phóng viên Châu Âu của BBC Gavin Lee nói.
Khoảng 30 em đã được cung cấp chỗ ở trong khu nhà kho, nhưng tình hình của những em còn lại hiện chưa rõ.
Các em được cho là ngày càng tuyệt vọng.
Gần 5.600 người đã được đưa về các trung tâm tiếp nhận hôm thứ Hai 24/10, thông cáo của chính phủ cho biết, bao gồm 1.500 thiếu niên không có người thân được sắp xếp chỗ ở trong khu trại cải tạo từ các nhà container.
Đội giải tỏa tiếp tục dọn dẹp các khu lều trại trong khu vực trong khi có nhiều khói lửa bốc lên do những người di cư rời trại đốt.
Faibenne Buccio, Quận trưởng Calais, nói “nhiệm vụ hoàn tất” với chiến dịch này.
Khu trại đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu, khi di dân tuyệt vọng tìm đường sang Anh Quốc.
Dorothy Sang từ tổ chức Save the Children nói với BBC hàng trăm trẻ em không thể đăng ký được và theo diện trẻ vị thành niên.
“Khi lửa đốt lên từ khu trại, khu trại được dọn sạch, nhưng quá trình đăng ký các trẻ em đã đóng và các nhà container đã đầy trẻ. Vì thế chẳng còn chỗ nào cho những đứa trẻ đến,” bà nói.
Rất nhiều em đã bỏ chạy, và không ai biết các em đang ở đâu, bà nói.
Bộ Nội vụ Anh nói nhà chức trách Pháp phải chịu trách nhiệm về “tất cả trẻ em ở Calais trong quá trình giải tỏa – bao gồm cả những em có thể được chuyển tới Anh.”
Thư phản hồi từ Baroness Sheehan đến Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd diễn tả “sự giận dữ cực độ” của bà sau khi nhìn thấy gần 100 thiếu niên nam bị từ chối đến trung tâm chuyển tiếp đêm thứ Ba 25/10.
Khoảng 1.500 trẻ em không có người thân đã được sắp xếp chỗ ở tại chỗ trong một khu trại tạm dựng từ các nhà container, theo một tổ chức từ thiện chăm sóc các em.
Pierre Henry của tổ chức France Terre d’Asile nói nơi ở đã có đầy người.
Lửa cháy ở trại suốt ngày đêm trong quá trình giải tỏa trại.
Các nhân viên cứu trợ nhân đạo nói với BBC họ thấy các nhà hoạt động người Anh và Pháp đốt các khu lều suốt đêm.
Bà Buccio nói với truyền thông địa phương đó là “truyền thống của người di dân sẽ phá hủy ngôi nhà trước khi rời đi”.
Một người bị thương khi một bình khí gas nổ trong đám cháy.
Hơn 1.200 cảnh sát đã được huy động cho chiến dịch dọn khu trại này. Lực lượng an ninh hiện diện rất đông để ngăn cản người di cư đến Anh trên các xe tải và xe lửa qua kênh đào.
Từ đầu tuần, nhà chức trách Pháp đã chuyển hàng ngàn người đến các nhà tạm trú và trung tâm nơi họ có thể đăng ký xin tỵ nạn.
Chiến dịch đã tiến hành nhanh hơn dự kiến và vào chiều thứ Tư 26/10, bà Buccio nói: “Đây là kết thúc của trại Rừng Rậm, nhiệm vụ của chúng ta đã xong. Không còn người di dân nào trong trại nữa.”
Khoảng 5.596 người, gồm cả trẻ em, đã được chuyển từ khu trại Rừng Rậm đến nơi tái định cư, chính phủ Pháp nói, bao gồm 234 trẻ vị thành niên được đưa đến Anh từ tuần rồi. Khu trại có khoảng 6.000-8.000 người cư trú.
Nhà chức trách lo sợ họ sẽ quay lại lập trại sau khi chiến dịch giải tỏa kết thúc.

Dưới áp lực của NATO, Tây Ban Nha

từ chối tầu chiến Nga cập cảng tiếp liệu

Tổ hợp chiến hạm không-hải quân của Nga hôm qua 26/10/2016 thông báo rút yêu cầu xin phép ghé cảng Ceuta do việc Tây Ban Nha vào giờ chót thông báo đóng cửa cảng này tại Địa Trung Hải với các tầu chiến Nga. Căng thẳng Matxcơva – Madrid xảy ra trong bối cảnh quan hệ Nga – NATO ngày càng lạnh giá.
Trong một thông cáo, đại sứ Nga tại Madrid đã giải thích về việc rút lại đơn xin phép là do các tầu chiến Nga đã thay đổi lộ trình. Nga đưa ra quyết định này sau khi bộ Ngoại Giao Tây Ban Nha vài giờ trước đó có yêu cầu Matxcơva giải thích rõ về khả năng tham gia vào chiến dịch oanh kích Aleppo, tại Syria của tổ hợp không-hải quân.
Trên nguyên tắc, hôm qua, nhóm tàu chiến Nga trên đường đến Syria sẽ phải ghé cảng Ceuta của Tây Ban Nha, nằm ở Địa Trung Hải, lọt thỏm giữa vùng lãnh thổ của Maroc để tiếp liệu. Tổ hợp không-hải quân bao gồm chiếc hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov và 8 chiếc tầu chiến hộ tống, trong đó có chiếc tuần dương hạm hạt nhân Pie Đại Đế, tàu khu trục Severomorsk và một chiếc tầu ngầm.
Kế hoạch ghé cảng Ceuta của Nga cũng đã được bộ Quốc phòng Tây Ban Nha xác nhận hôm thứ Ba 25/10/2016. Thế nhưng, tuyên bố trên của Madrid đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía các nước thành viên trong khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO và các tổ chức nhân quyền.
Nghị sĩ châu Âu, cựu thủ tướng Bỉ, ông Guy Verhostadt, với lời lẽ gay gắt đánh giá quyết định này của Tây Ban Nha là « quá đáng ». Ông cho rằng đội tầu chiến của Nga chỉ có một mục tiêu duy nhất là « hủy diệt Aleppo » và « quấy nhiễu các lực lượng quân đội của Liên Hiệp Châu Âu và NATO ».
Anh quốc một cách công khai và tổng thư ký NATO, lời lẽ hòa dịu hơn đã bày tỏ quan ngại về việc Tây Ban Nha – một thành viên của NATO tiếp tế cho các đơn vị của Nga được cho là đến chi viện cho chiến dịch oanh kích tại Syria.
Tuy nhiên, tổng thư ký NATO cũng phải công nhận việc có nên để tầu chiến Nga ghé cảng tiếp liệu hay không là quyền của mỗi thành viên. Bởi vì, theo như lời giải thích của đô đốc Alain Coldefy, cựu chỉ huy hai hàng không mẫu hạm Pháp chiếc Foch và Clemenceau thì « Hiệp ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không mang nhiều tính chất ràng buộc ».
Đây không phải là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Nga Kouznetsov đi vào vùng biển Địa Trung Hải kể từ khi được hạ thủy lần đầu tiên cách nay 20 năm. Lần triển khai mới nhất ngoài khơi Syria là vào năm 2014. Nhưng vào thời điểm đó, tình hình chiến sự chưa dữ dội như lúc này.
Hồi trung tuần tháng 10/2016, NATO đã lo ngại khi Nga thông báo đưa hàng không mẫu hạm và đoàn hộ tống, cùng với việc tăng cường thêm các chiến đấu cơ như MIG-29K mới toanh và trực thăng chiến đấu hỗ trợ cho hoạt động quân sự tại Syria.
Giới chuyên gia xem sự hiện diện của chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga trong vùng biển Địa Trung Hải như là một sự biểu dương lực lượng bất thường. « Đấy vừa là một động thái chính trị đang được toàn thế giới theo dõi sát sao vừa còn là một sự thể hiện tính chủ quyền” của Nga ». Về mặt quân sự, hoạt động triển khai này còn làm tăng thêm đáng kể sức mạnh hỏa lực cho các chiến dịch đang tiến hành tại Syria.
Bất kể Nga có động cơ gì, câu hỏi đặt ra : Phải chăng căng thẳng giữa Matxcơva và Madrid chỉ là bề nổi cho tảng băng chìm trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và NATO trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga ? Có lẽ đấy cũng chính là điều đã khiến cho tổng thư ký NATO quan ngại và tuyên bố « không muốn có chiến tranh lạnh » với Nga sau khi kết thúc phiên họp NATO tại Bruxelles chiều tối qua.
Powered by Blogger.