Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 21/07/2019

Sunday, July 21, 2019 7:03:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 21/07/2019

Mỹ có bảo vệ Philippines

trong chiến tranh Biển Đông?

Hôm 17/7, Mỹ có vẻ khẳng định sẽ bảo vệ Philippines nếu xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Đây là nội dung trong thông cáo đưa ra sau một đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Philippines.
Thông cáo viết: “Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của một liên minh Mỹ – Philippines mạnh khi tăng cường hợp tác an ninh, thúc đẩy ổn định và phồn vinh khu vực.”
“Hai bên nhắc lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Pompeo về Hiệp định Tương trợ Quốc phòng 1951, khi ông Pompeo thăm Manila tháng 3/2019, đặc biệt là giải thích rằng Biển Nam Trung Hoa nằm ở Thái Bình Dương, và rằng mọi cuộc tấn công vũ trang vào quân đội, tàu nhà nước, hay máy bay Philippines ở Biển Nam Trung Hoa sẽ kích hoạt Điều 4 của Hiệp địnhTương trợ Quốc phòng.”
Điều 4 của Hiệp định Tương trợ Quốc phòng Philippines – Mỹ nói rằng hai nước sẽ giúp nhau nếu một bên bị tấn công vũ trang ở “khu vực Thái Bình Dương”.
Lâu nay, Mỹ vẫn luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp Biển Đông.
Vì vậy từ lâu Philippines vẫn đòi Mỹ xác nhận hiệp định quốc phòng có áp dụng cho tranh chấp ở khu vực mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Từ tháng 12/2018, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thường xuyên kêu gọi xem lại hiệp định để giải thích các điều “mơ hồ”.
Tháng 3/2019, khi thăm Manila, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói:
“Việc Trung Quốc xây đảo và có hoạt động quân sự ở Biển Nam Trung Hoa đe dọa chủ quyền, an ninh của các bạn, và của cả Mỹ.”
“Mọi cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng Philippines, máy bay hay tàu nhà nước ở Biển Nam Trung Hoa sẽ kích hoạt ràng buộc quốc phòng tương trợ,” ông Pompeo khi đó tuyên bố.
Tuyên bố của ông Pompeo được xem là diễn tiến bất thường của Mỹ so với truyền thống lâu nay.

Mỹ và Philippines bàn về Biển Đông

trong đối thoại chiến lược

Quan chức ngoại giao cũng như quốc phòng của Hoa Kỳ và Philippines mới tiến hành cuộc đối thoại chiến lược ở Manila, trong đó Biển Đông là một vấn đề được mang ra bàn thảo.
Sau khi đồng chủ trì cuộc họp quan trọng kéo dài trong hai ngày, ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 16/7 đã ra một tuyên bố, nhấn mạnh rằng “liên minh vững mạnh giữa Mỹ và Philippines ngăn chặn sự xâm lược và thúc đẩy ổn định khu vực”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, văn bản đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Manila có đoạn: “Là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Philippines có vị thế tốt để bảo đảm rằng văn bản về Bộ Quy tắc ứng xử [trên Biển Đông] của ASEAN hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền tự do hàng hải, quyền bay ngang và việc sử dụng một cách hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước, cũng như các quyền của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm theo đuổi các thỏa thuận an ninh và phát triển với các đối tác mà họ lựa chọn”.
Philippines là chặng dừng chân đầu tiên của ông Stilwell trong chuyến công du khu vực kéo dài từ ngày 10 – 21/7 còn đưa ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà ngoại giao chuyên trách khu vực châu Á này sau khi ông nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ.
Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Philippines diễn ra trong bối cảnh xuất hiện tin về “vụ đối đầu” giữa tàu của cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Tư Chính trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Cuộc họp được cho là cơ hội chính để quan chức cấp cao của Manila và Washington “thảo luận hợp tác về quốc phòng, kinh tế, pháp quyền và ngoại giao khu vực” được tổ chức đúng dịp đánh dấu 3 năm Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về Biển Đông với Trung Quốc.
Ngày 12/7/2016, PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống khi đó của nước này, ông Benigno Aquino, khai mào. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau khi nhậm chức, người kế nhiệm ông Aquino, ông Rodrigo Duterte, dường như “làm ngơ” thắng lợi này và “xích lại” gần hơn với Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời câu hỏi của đài NHK của Nhật liên quan tới tranh chấp Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell nói rằng ông quan ngại về hành động quân sự hóa vùng biển tranh chấp của Trung Quốc.
“Hôm nay tình cờ cũng là ngày đánh dấu 3 năm ngày Tòa Quốc tế về Luật Biển năm 2016 ra phán quyết cũng nói rằng Liên Hợp Quốc và thế giới cùng chia sẻ các quan ngại về việc phát triển các thực thể ở lãnh thổ tranh chấp”, ông Stilwell nói hôm 12/7.
Nhà ngoại giao này nói thêm rằng “dù được dán mác là các ngọn hải đăng hay nơi trú ngụ cho các ngư dân, chúng rõ ràng là các cơ sở quân sự”.
Ông Stilwell cũng kêu gọi các bên tranh chấp “trở lại đàm phán và tránh có các hành động đơn phương đẩy mọi quốc gia vào tình thế xấu”.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hôm 29/5 nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
“Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, vân vân”, vị tướng là sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ nói trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington.
“Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó”.

Dầu khí Biển Đông:

Malaysia cũng bị Trung Quốc ‘ngăn trở’

Malaysia bị Trung Quốc đe dọa ở thềm lục địa trong dự án dầu khí trong lúc có tin Malaysia tịch thu 240 triệu đô la của công ty đường ống dầu khí Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post của Hong Kong hôm 17/7 cho hay, chiếc tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, đã tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia phía nam quần đảo Trường Sa từ ngày 10 đến 27/5, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell.
Khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến khu vực này, tàu hải cảnh Trung Quốc chạy quanh khiêu khích, “tiếp cận trong phạm vi 80 mét”, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) cho biết.
Trong khi đó, Reuters tường thuật, Malaysia tịch thu 243,25 triệu đô la trong tài khoản ngân hàng của công ty đường ống dầu khí quốc doanh Trung Quốc (CPP).
Vụ tịch thu diễn ra gần một năm sau khi Malaysia đình chỉ hai dự án đường ống, trị giá 2,3 tỷ đô la, trong đó CPP là nhà thầu chính.
Chính phủ Malaysia trong tháng 7/2019 đã yêu cầu ngân hàng HSBC chuyển khoản tiền bị phong tỏa trong tài khoản của công ty Trung Quốc sang tài khoản của Suria Strategic Energy Resources, thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Malaysia.
CPP bối rối khi tiền từ tài khoản của họ đơn phương bị chuyển đi mà không cần thông báo.
Giới chức của Bộ Tài chính Malaysia, văn phòng thủ tướng và văn phòng công ty đường ống Malaysia không bình luận về tin này.
Chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc được ghi nhận trở lại cảng ở tỉnh Hải Nam vào cuối tháng 5/2019, nhưng từ thời điểm đó tiến hành tuần tra một khu vực cách bờ biển phía đông nam Việt Nam khoảng 190 hải lý, nhắm vào lô 06-01, ở phía tây bắc bãi Tư Chính (tên tiếng Anh là Vanguard Bank).
Đáng lưu ý, chiếc tàu hải cảnh 35111 gây sự với tàu Malaysia cũng là một trong những chiếc tham gia trong vụ đụng độ với tàu cảnh sát biển Việt Nam tại bãi Tư Chính.
Theo trang chuyên về quốc phòng Jane’s Defence, Hải quân Hoàng gia Malaysia phô diễn năng lực tên lửa của họ gần khu vực hàng hải đang tranh chấp vào ngày 15/7 trong khuôn khổ các cuộc tập trận Kerismas và Taming Sari.
Các tên lửa được bắn từ tàu hộ tống lớp KD Kasturi và trực thăng hải quân Super Lynx. Kasturi bắn tên lửa Exocet MM40 Block II, trong khi Super Lynx phóng một cặp tên lửa chống hạm Sea Skua.

Chuyên gia: TQ cử tàu tới Bãi Tư Chính

để ngăn chặn lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông

Một nhà quan sát cho biết, việc Trung Quốc triển khai các tàu bảo vệ bờ biển và tàu khảo sát tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) là nhằm ngăn chặn Việt Nam thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực trước khi đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin tối ngày 18/9.
Ông Hu Bo, giám đốc Sáng kiến ​​Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông, nói rằng khi các cuộc đàm phán về COC tiếp diễn, các bên liên quan đã thực hiện các bước “quyết liệt” để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình đối với các khu vực có trữ lượng dầu khí ở Biển Đông, để thiết lập một “hiện trạng đã rồi” vào thời điểm đạt được thỏa thuận. Bắc Kinh hy vọng COC sẽ được thông qua vào năm 2021.
Ông Bo nói: “Mục đích của Trung Quốc [khi cử tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 tới Biển Đông] là để ngăn chặn Việt Nam có diễn biến đơn phương đối với nguồn tài nguyên hydrocarbon”.
Ngày 3/7, tàu thăm dò địa chất số 8 của Trung Quốc đã đi vào khu vực nhiều dầu khí ở Bãi Tư Chính, với sự hộ tống của một số tàu bảo vệ bờ biển, để tiến hành nghiên cứu địa chấn. Đáp lại động thái này, Việt Nam đã gửi tàu của mình đến hiện trường và đối đầu với các tàu Trung Quốc trong khoảng một tuần qua.
Tàu số 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động gần Bãi Tư Chính, theo ông Ryan Martinson, giảng viên tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ tại Newport, thuộc bang Rhode Island của Mỹ, trong một bình luận trên Twitter hôm thứ Năm (18/7).
Sự tham gia của Bắc Kinh vào việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử COC ở Biển Đông làm dấy lên hy vọng về khả năng giải quyết tranh chấp, nhưng những người tham gia vào việc phác thảo các điều khoản vẫn có những mối lo ngại về sự chân thành của Trung Quốc, theo Reuters.
“Một số người trong chúng tôi ở ASEAN cho rằng đây chỉ là một phương cách ‘câu giờ’ của Trung Quốc”, một nhà ngoại giao cấp cao quen thuộc với các cuộc đàm phán nói.

SCMP: Cảnh sát biển Việt Nam

đối đầu với TQ trên biển Đông

Hôm nay 12/7 Tờ Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) đưa tin các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong một tuần qua xung quanh một bãi san hô trên biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát, làm dấy lên nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước đang có tranh chấp vùng biển.
Theo tờ báo có trụ ở ở Hồng Kông này, 6 tàu hải giám được trang bị nhiều vũ khí, gồm có 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau trong khi tuần tra vòng quanh Bãi Tư chính thuộc quần đảo Trường Sa từ tuần trước. Vào hôm qua, khoảng một chục con tàu đã được báo cáo nằm trong khu vực xung quanh hòn đảo ngập nước này bởi các trang web theo dõi hàng hải, SCMP cho hay.
SCMP dẫn đoạn tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ nói rằng vào Thứ Tư tuần trước (3/7) tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần Bãi Tư chính Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Tàu khảo sát này được hộ tống bởi tàu hải giám vũ trang 12.000 tấn số hiệu 3901, tàu hải giám 2.200 tấn 37111 và một máy bay trực thăng, SCMP mô tả. Sau khi đội tàu này tiến gần tới Bãi Tư chính mà Việt Nam tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cuộc đối đầu với 4 tàu Việt Nam đã diễn ra.
Vụ đối đầu này có thể bùng phát đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, SCMP nhận định.
Sự việc này diễn ra bất chấp một cam kết vào tháng 5 giữa Bộ trưởng Trung Quốc và Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trên biển bằng hòa bình.
Vài giờ trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận tin tức về vụ đối đầu này, nhưng khẳng định Trung Quốc quyết tâm bảo về các lợi ích của mình trên biển Đông.
“Chúng tôi cũng cam kết xử lý khác biệt thông qua đàm phán với những nước có liên quan” ông Cảnh nói.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương  981 vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã cho tàu hải giám ra chặn và đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc. Làn sóng chống Trung Quốc nổi lên khắp Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình và đập phá 14 nhà máy do người Trung Quốc sở hữu ở Bình Dương.
Chỉ đến tháng 7/2014, khi Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn tất hoạt động và rút về thì căng thẳng mới giảm bớt.
Từ đó, hai bên đã có các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ an ninh với những chuyến thăm của tướng lĩnh và cam kết sẽ giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình.
Bãi Tư chính là một cụm rạn san hô ở phía nam biển Đông, khu vực giàu có tài nguyên về dầu khí.
Theo Wikipedia Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và không thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa và tuyên bố bãi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.
Trên hòn đảo này, Việt Nam đã lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Trung Quốc thì coi hòn đảo này thuộc Nam Sa, tên riêng mà Trung Quốc gọi Trường Sa để chỉ quyền sở hữu. Khu vực bãi Tư Chính đã xảy ra một số vụ đối đầu giữa các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc.
Vào năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 của Trung Quốc rời khỏi khu vực này sau 3 ngày đối đầu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.