Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/12/2020

Saturday, December 19, 2020 3:29:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 19/12/2020

Giáo dục Việt Nam một năm với bao tai tiếng

Những tai tiếng – nguyên nhân

Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao Việt Nam vào ngày 17/12 vừa qua đã trả hồ sơ vụ Trường Đại học Đông Đô để điều tra bổ sung vụ việc Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Đồng thời yêu cầu nêu danh sách người được cấp.

Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

Hiện ông Trần Khắc Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Đô đang bị truy nã.

Vẫn tin liên quan, trong tháng 10, có đến 22 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư bị tố cáo “khai gian bài báo khoa học” để qua mặt Hội đồng xét duyệt, 16 Giáo sư, Phó Giáo sư khác bị tố có vấn đề về các bài đăng báo quốc tế.

Bên cạnh những lùm xùm về chuyện bằng cấp, vụ việc sách giáo khoa lớp 1 vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho biết trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được rà soát, thì có đến 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn phát hiện có lỗi ở một số môn như tiếng Việt, Giáo dục thể chất, tiếng Anh… nhưng các lỗi được nhà xuất bản này cho là không lớn.

Trước đó, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối vì chương trình sau khi đổi sách giáo khoa khá nặng so với các em ở độ tuổi vừa bước vào lớp 1, cộng thêm nhiều sai sót nghiêm trọng về kiến thức và ngôn ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều.

Không chỉ vậy, mối quan hệ thầy trò hiện cũng có nhiều vụ việc đáng báo động.

Lương cô giáo không đủ sống, tình trạng các cô giáo hay các giáo chức không đủ điều kiện sinh sống thì từ đấy xảy ra những tệ nạn dạy thêm, thêm điểm… tất cả những tệ đoan đó xảy ra vì chính sách giáo dục không quan trọng vai trò của nhà giáo ở các lớp trung, tiểu học, ngay cả đại học. – GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng

Mới đây, một nữ sinh lớp 10 trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang đã uống thuốc tự tử trong khu vực nhà vệ sinh của trường để chứng minh em không mắc những lỗi mà nhà trường quy kết, đồng thời cho rằng cách xử phạt của các thầy, cô giáo chưa đúng. Việc tự tử của em cũng còn vì mong các giáo viên liên quan trong vụ việc nên ngưng tạo áp lực tinh thần lên học sinh.

Nguyên nhân được nói do nữ sinh này thường xuyên bị giáo viên chủ nhiệm nói về việc mặc áo dài mỏng để lộ ‘nội y’ và em không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức.

Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 6/12. Vụ việc cũng đang được giao cho cơ quan công an điều tra.

Ngoài ra, những vụ việc thầy giáo quan hệ bất chính với học sinh, nữ sinh đánh hội đồng, xé quần áo bạn, tiêu cực thi cử… vẫn thường xuyên được truyền thông trong nước đưa tin.

RFA có trao đổi với chị Khánh Vân, một phụ huynh có con học lớp 2 trường tiểu học ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và được chị cho hay chị cảm thấy may mắn vì trường con chị đang học là trường điểm của quận nên không có những tiêu cực như báo chí đưa tin:

“Giáo dục vẫn bình thường, có nghĩa cô giáo vẫn muốn phụ huynh cho con mình đi học thêm nhưng nếu phụ huynh nói con mình học thêm đâu đó từ trước đó rồi thì mọi thứ vẫn bình thường, không có chuyện kì thị hay chuyện mày không học thêm với tao thì tao không thương mày, chị không thấy cái đó trong trường bao giờ.”

Xác nhận thực trạng vừa nêu, em Thanh Trúc, học sinh cấp 3 trường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Chuyện chửi học sinh thì cũng không nhiều quá vì bây giờ cha mẹ cứ thương con quá thôi. Con thấy trường con các thầy cô mắng học sinh nhưng là muốn học sinh cải thiện cho tốt thôi chứ không thấy là phân biệt thái quá đâu.”

Từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn nhận định về tình hình giáo dục hiện nay:

“Từ quản lý giáo dục từ trung ương xuống tới trường, giáo viên chủ nhiệm, quan hệ thầy trò, nội dung sách giáo khoa, chất lượng giáo dục như vậy thì người ta thấy ngay chất lượng giáo dục, con người học sinh sinh viên được đào tạo ra sẽ méo mó, lệch lạc. Đấy là vấn đề lo lắng của toàn xã hội đối với vấn đề giáo dục.”

Trao đổi với RFA tối 17/12, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam cho rằng những vụ tiêu cực giáo dục không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã 10 năm rồi. Ông đưa ra lý do:

“Lương cô giáo không đủ sống, tình trạng các cô giáo hay các giáo chức không đủ điều kiện sinh sống thì từ đấy xảy ra những tệ nạn dạy thêm, thêm điểm… tất cả những tệ đoan đó xảy ra vì chính sách giáo dục không quan trọng vai trò của nhà giáo ở các lớp trung, tiểu học, ngay cả đại học.

Thứ hai là sự lựa chọn giáo viên các trường không theo quy chế nghiêm túc mà thường thường kiểu cơ cấu con ông cháu cha hay bà con, những người không xứng đáng làm nhà giáo vẫn có thể làm nhà giáo được. Bởi vậy họ có những đối xử không chuẩn đối với học sinh.

Tóm lại sự xuống cấp này phát xuất từ tình hình chung của một chính sách giáo dục thất bại, đi lạc đường, không coi trọng tính nhân văn, tính con người mà lại coi trọng yêu cầu cấp quyền, quyền lực.”

Vì vậy, theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, chính những nguyên nhân mà ông vừa nêu đã dẫn đến những tệ đoan, những điều không hay ngày càng trầm trọng mà ông không biết chừng nào mới có thể chấm dứt.

Ảnh hưởng đến giảng dạy và phẩm chất học sinh

Với hơn 20 năm đi dạy, cô giáo H, một giáo viên trường cấp I tại Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do bảo mật danh tính, nêu lên thực tế những áp lực mà người gõ đầu trẻ phải gánh chịu trong việc giảng dạy thời gian gần đây:

“Do chương trình quá nặng, đâm ra giáo viên dạy áp lực phải dạy chương trình, phải làm sao để học sinh hiểu, nói chung là về thành tích, tức phải đạt mức tiêu chuẩn đó, không thì bị trừ điểm giáo viên. Lúc trước khoán cho giáo viên dạy sao dạy, miễn sao đạt chất lượng. Còn bây giờ nào là phương pháp này, phương pháp đổi mới kia, buộc áp lực lên giáo viên.”

Ở trên thì mấy ông nói không thế này, cứ thẳng tay cho bé ngồi lại lớp mới nhưng thực tế lại không như vậy, thực tế là buộc lòng giáo viên phải cho lên lớp. – cô giáo H.

Cô H. cho biết, từ những áp lực mà cô vừa nêu đã dẫn đến nhiều tiêu cực trong công tác giảng dạy của giáo viên:

“Buộc giáo viên khi thi học sinh không được dưới trung bình, nếu học sinh dưới trung bình thì kêu giáo viên xuống hỏi tại sao em này dưới trung bình, trong thời gian qua học thế nào? Giáo viên thấy như vậy rất phiền phức, thế là có tiêu cực, cho lên (lớp) luôn. Tại vì nếu những bé đó ở lại (lớp) sẽ ảnh hưởng đến điểm thi đua, hạ bậc thi đua, tiền thưởng bị cắt… Đó là những tiêu cực mà chị thấy từ phía trên áp đặt xuống phía dưới. Ở trên thì mấy ông nói không thế này, cứ thẳng tay cho bé ngồi lại lớp mới nhưng thực tế lại không như vậy, thực tế là buộc lòng giáo viên phải cho lên lớp.”

Như vậy, vô hình chung, từ áp lực mà Bộ Giáo dục đè nặng lên vai thầy, cô giáo bằng cách nào đã đẩy xuống khiến học sinh là người chịu hậu quả. Từ thực tế giảng dạy bao năm qua, cô H. nhận định:

“Chị thấy càng ngày chất lượng học sinh càng đi xuống tại vì phân bổ chương trình không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các bé. Ví dụ như các bé mới lớp 1 nhưng cho bài rất nặng, nâng cao như một bài văn, một văn bản dài mà buộc mấy bé phải đọc, phải hiểu, phải trả lời câu hỏi. Trong khi kiến thức lớp 1 ngày xưa là các bé hiểu, biết đọc, biết viết là được tính trong phạm vi căn bản, từ từ khi đã nắm chắc, não bộ phát triển hơn thì kiến thức đi lên từ từ dễ tiếp thu hơn. Đằng này giống như xây nhà mà không đào móng, tức là kiến thức thu góp, buộc mấy bé phải hiểu nhưng căn bản của mấy bé là không có.”

Theo PGS. TS. Mạc Văn Trang, sở dĩ có những tiêu cực gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh là do vấn đề về quản lý giáo dục từ cấp bộ đến các trường học chưa được giải quyết. Trong đó bao gồm cả những quyết định về giáo dục ban hành gần đây đã đi ngược lại với luật định trước đó. Ông đưa ra ví dụ điển hình:

“Thực hiện phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, tức là trẻ em đi học không mất tiền, không phải đóng học phí, những em khó khăn được nhà nước tạo điều kiện để cho đi học, để mọi trẻ em đều được bình đẳng trong giáo dục. Nhưng chính ông Bộ trưởng lại nêu trước Quốc hội năm tới sẽ tăng học phí mười mấy phần trăm, đi ngược lại với chủ trương Luật Giáo dục. Quản lý giáo dục rất lộn xộn từ trung ương xuống như vậy.”

Theo chị Khánh Vân, với tâm lý của một người công dân bình thường thì những quyết định của nhà nước đưa xuống sẽ không được quan tâm nhiều, đến khi người dân phát hiện những quyết định đó ảnh hưởng tới lợi ích:

“Thực tế mà nói người Việt Nam mình không quan trọng ở trên đưa gì xuống, hàng ngày đưa con đi học kiểm tra bài cho con thấy gì sai mới la lên, còn không có gì sai thì vẫn bình thường.”

Biện pháp khắc phục

PGS. TS. Mạc Văn Trang khẳng định giáo dục của một quốc gia là nền tảng của quốc gia đó. Giáo dục tốt thì gia đình ổn định, xã hội ổn định, đạo đức được duy trì phát triển, tương lai của dân tộc được hưng thịnh và có thể vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, PGS. TS. Mạc Văn Trang lại cho rằng giáo dục bấy lâu vẫn đang là một trong những vấn đề dân ta rất lo lắng, rất nhiều bức xúc, mà hiện nay chính phủ Hà Nội vẫn chưa có chủ trương, đường lối, biện pháp nào để khắc phục những việc nói trên. Theo ông, đấy mới là điều lo nhất. Vì vậy, ông đưa ra đề xuất:

“Một là quản lý giáo dục phải rất nghiêm từ cấp chính phủ trở xuống, đối với những người không đạt tiêu chuẩn phải loại ra. Hai là phải đảm bảo đời sống giáo viên đủ sống. Nghiêm cấm việc dạy thêm, bắt chẹt học trò, bắt chẹt cha mẹ học sinh phải đóng tiền. Tôi nghĩ có hai việc ấy là cấp bách và làm được sẽ có tác dụng chuyển biến sự sa sút của giáo dục.”

Bên cạnh đó, PGS. TS. Mạc Văn Trang cũng cho rằng kể cả ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cần được thay vì Bộ trưởng mà nói ngọng.

“Giáo dục phải đảm bảo chân, thiện, mỹ, những gì trái với cái đó thì phải kiên quyết, nếu không thì giáo dục cứ lằng nhằng mãi thôi.”

Còn theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, trước tình hình giáo dục hiện nay ở Việt Nam, nếu cần biện pháp để thay đổi thì đó phải là biện pháp sâu sắc và rộng rãi hơn:

“Thay đổi một ông Bộ trưởng không ăn thua, thay đổi thêm một Thứ trưởng chả ăn thua, viết thêm một vài quyển sách giáo khoa chả ăn thua mà phải có một sự thay đổi sâu đậm, chứ không thể làm bên ngoài được.”

Em Thanh Trúc cho rằng không chỉ cần thay đổi chính sách, mà ngay cả giáo viên cũng cần về đúng bản chất nhà giáo, kiên định trước mọi sai phạm của học sinh:

“Con thấy giáo viên bây giờ không như hồi xưa, kiểu như sợ phụ huynh nói này nói kia nhưng đã gọi là giáo viên dạy chữ thì phải dạy cho con em hiệu quả, giỏi hơn chứ không cần sợ này sợ nọ.”

Một là quản lý giáo dục phải rất nghiêm từ cấp chính phủ trở xuống, đối với những người không đạt tiêu chuẩn phải loại ra. Hai là phải đảm bảo đời sống giáo viên đủ sống. Nghiêm cấm việc dạy thêm, bắt chẹt họ trò, bắt chẹt cha mẹ học sinh phải đóng tiền. – PGS. TS. Mạc Văn Trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vào ngày 31/10 vừa qua đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020.

Theo nội dung hội thảo được Báo điện tử Chính phủ đăng tải, bên cạnh những sai phạm gây bức xúc dư luận, ngành Giáo dục năm qua đã triển khai nhiều nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó có 6 kết quả nổi bật bao gồm: hoàn thành mục tiêu vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong mùa dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến RFA ghi nhận cho rằng những đánh giá vừa nêu của ngành giáo dục cũng tương tự bao ngành khác tại Việt Nam; hoàn thành mục tiêu đề ra, tồn tại là tạm thời… Nhiều người trăn trở với vận mệnh đất nước lo rằng với một thế hệ trẻ được giáo dục như hiện nay thì Việt Nam khó có thể tạo ra được những bứt phá để trở thành một nước giàu, mạnh ‘sánh vai với các cường quốc’ như mong mước. Trái lại, trong một số lĩnh vực, Việt Nam đang thụt hậu so với hai nước bên cạnh là Campuchia và Lào.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-education-has-many-scandals-in-2020-12182020140313.html

Hoa Kỳ có thể áp thuế 25% lên các mặt hàng Việt Nam vì hành vi thao túng tiền tệ

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 17 tháng 12 năm 2020 loan tin, trước thông tin Hoa Kỳ khẳng định nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thao túng tiền tệ, phóng viên của Reuters đã đưa ra trường hợp có thể Hoa Kỳ sẽ áp thuế 25% lên các mặt hàng của Việt Nam khi vào thị trường nước này.

Trước câu hỏi trên, bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản trả lời rằng, nhà cầm quyền đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương theo hướng hài hoà lợi ích đôi bên. Phía nhà cầm quyền luôn duy trì, và tham vấn Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại hai bên.

Được biết, một trong ba vấn đề mà nhà cầm quyền đã thực hiện để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, đó là ngân hàng Nhà nước Cộng sản đã bỏ tiền ra mua ngoại tệ để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong một thời gian dài liên tục trên 6 tháng.

Ngân hàng Nhà nước Cộng sản giải thích là do thị trường nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên đã bỏ tiền ra mua để góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm hoạt động thị trường ngoại tệ được thông suốt, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, dư luận Việt Nam cho rằng, nhà cầm quyền Cộng sản tự in tiền cho nền kinh tế trong nước, và thời gian qua, nhà cầm quyền đã in, rồi đưa một lượng lớn tiền mặt ra ngoài thị trường nhằm kìm hãm tỷ giá chênh lệch giữa tiền Việt Nam đồng với các loại ngoại tệ, trong đó có Mỹ kim. Với mục đích thu mua ngoại tệ giá rẻ trong dân, để thực hiện âm mưu “huy động tiền, và vàng trong dân”

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-co-the-ap-thue-25-len-cac-mat-hang-viet-nam-vi-hanh-vi-thao-tung-tien-te/

Hội nghị TƯ14: Bao giờ đảng công khai hơn về nhân sự?

Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc hôm 18/12 tại Hà Nội, tuy nhiên kết quả về diễn tiến nhân sự còn chưa tường minh và công khai với nhân dân và cán bộ, một ý kiến từ giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam nói với BBC ngay sau phiên họp kết thúc.

Các danh sách và thông tin liên quan đến nhân sự sát đại hội đã có, nhưng đảng vẫn chưa muốn công bố với công chúng và cán bộ, nhân dân, mặc dù một số thông tin được thảo luận không chính thức ở bên ngoài hội nghị có thể có một số phản ánh dường như đúng với tình hình trong hội nghị, một ý kiến khác từ Hà Nội trong giới phân tích chính trị nói với BBC News Tiếng Việt cũng trong dịp này.

Trước hết, từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nghiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển nói với BBC ngay sau khi được tin Hội nghị 14 kết thúc.

Hội nghị TƯ14: ‘Nhất trí cao’ về nhân sự BCT, chưa bàn ‘trường hợp đặc biệt’

Hội nghị TƯ14: Đảng biểu quyết nhân sự và khai trừ Tướng Chung

Hội nghị TƯ14: Vẫn còn chờ “trường hợp đặc biệt”?

Việt Nam: Đốt lò nóng, nhưng tham nhũng quyền lực thì sao?

“Điều đầu tiên có thể nói là đã có những câu hỏi đặt ra và nghe thấy ở trong công luận rằng tại sao ban lãnh đạo của đảng và nhà nước, Ban chấp hành Trung ương, lại không thể công bố công khai những thông tin về nhân sự được bàn thảo, giới thiệu, thậm chí biểu quyết v.v… và các phương án sau hội nghị này cũng như trong suốt quá trình.

“Đảng vẫn nói là đảng công khai, minh bạch và dân chủ, đảng lại là lực lượng lãnh đạo của một nhà nước của dân, do dân và vì dân, và đảng nhận là từ trong dân và ra và vì nhân dân mà phục vụ, thì ngại gì mà không công bố cho nhân dân biết việc làm nhân sự, chọn lựa nhân sự này trong mọi bước một cách minh bạch, công khai? Hay là đảng sợ dân biết, dân bàn, dân tham gia “làm” và dân kiểm tra?

“Trả lời những câu hỏi này mà tôi cho là cũng không phải là không có lý của công luận, thì tôi có thể nói rằng đảng dường như vẫn còn theo truyền thống cũ đó là còn giữ nhiều bí mật trước quần chúng, nhân dân và thậm chí với cả cán bộ.

“Tôi cho rằng tới đây, đảng nên có dũng khí để đổi mới nhiều khâu, mặt trong các công tác đảng và lãnh đạo của mình, trong đó nên có những thay đổi như về dân chủ hóa và minh bạch, cái đó theo tôi chỉ có giúp cho đảng có lợi hơn vì sẽ được quần chúng tin tưởng hơn, thay vì là tiếp tục theo cách làm cũ.

“Tôi có nghiên cứu các dự thảo văn kiện của đảng chuẩn bị cho Đại hội 13 lần này, và tôi thấy cũng đã có những thay đổi nhất định, chẳng hạn như cách nhìn được trình bày trong các dự thảo thể hiện cách hiểu có thể đã thay đổi về Chủ nghĩa tư bản.

“Tôi rà soát các văn bản và dường như không thấy có nhắc nhở hay phê phán gì tới chủ nghĩa tư bản như cách thức trước đây thời chiến tranh và chiến tranh lạnh vẫn làm, mà người ta có chăng thì nhắc tới nền kinh tế thị trường v.v…

“Như thế là đã có dấu hiệu của thay đổi nhất định, và tôi hiểu là thay đổi, cải cách thì đôi khi có thể cần đi theo từng bước, nhưng về công khai, minh bạch như công luận đặt ra ở hội nghị này và cả từ trước đó, tôi nghĩ là đảng nên sớm suy nghĩ và làm.

“Một điểm thứ hai tôi muốn nói là thông báo của đảng về Hội nghị loan rộng rãi trên truyền thông khẳng định rằng Trung ương đã “thống nhất rất cao” về vấn đề nhân sự cấp cao lần này, tức là liên quan cả nội dung giới thiệu ứng cử viên để Đại hội 13 tới đây bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

“Tôi cũng thấy báo chí giật tít nói sẽ có hội nghị 15 và tại hội nghị đó sẽ có thêm công bố, vậy tôi đặt ra một câu hỏi là đã nhất trí và thống nhất rất cao ở hội nghị 14 rồi, thì tại sao còn cần hội nghị Trung ương 15, hay ở đây chỉ là nhất trí và thống nhất cao ở một số nội dung nào đó, còn có thể nội dung hệ trọng hay quyết định then chốt nào đó thì chưa? hay là còn phải đợi? Và tôi xin nhắc lại là vì đảng chưa công khai, nên người dân và các giới, kể cả giới quan sát và phân tích rất khó có thể có thông tin để mà biết chưa kể là để theo dõi, để tư duy v.v…”, PGS Phạm Quý Thọ nói với BBC từ quan điểm riêng.

Cũng trong dịp này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam bình luận với BBC:

“Người ta thực ra là đã có các danh sách và các thông tin cụ thể liên quan tại Hội nghị rồi đấy, nhưng người ta chưa muốn nói ra, công khai ra, thực tế ra là có người cũng có thể nói được về những thông tin đó, nhưng nói ra như thế sẽ rất khó, vì có thể người ta sẽ bị hỏi và truy vấn để lần ra là có thông tin từ đâu, như là có một số bản danh sách nào đó thấy mới xuất hiện ra ngoài mà được người ta cho là có thể “đúng” hay “chính xác”…

“Tuy nhiên, theo những gì mà giới quan sát nghiên cứu và biết được thì cũng đã nhiều sơ đồ, kịch bản về nhân sự cấp cao, đặc biệt là cho tứ trụ, nhưng khó nhất vẫn là dự đoán cho chức Tổng Bí thư…

“Mọi người cũng biết là ông Nguyễn Phú Trọng rất ủng hộ ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, làm Tổng Bí thư, đấy là một khả năng,

“Thế nhưng mà cũng có những đề xuất nói rằng ngoài ông Vượng ra thì cũng có thể đề xuất ông Nguyễn Xuân Phúc làm Tổng Bí thư.

“Chức Chủ tịch nước thì nếu trường hợp trong những người quá tuổi, như là ông Trương Hòa Bình có thể ra ứng cử, nếu như người ta đồng ý cho ông ấy vào trường hợp đặc biệt.

“Còn chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì sao? Về ghế Thủ tướng Chính phủ thì ví dụ nếu như ông Trần Quốc Vượng đã được đề cử làm Tổng Bí thư, thì có khả năng người ta sẽ đề xuất là ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là trường hợp đặc biệt tái ứng cử vào Bộ Chính trị khóa tới để làm Thủ tướng, đấy là một khả năng lớn.

“Tôi không thấy một khả năng lớn nào khác cho chức Thủ tướng cả và đấy là cá nhân góc nhìn của tôi, tôi không thấy.

“Bấy lâu nay người ta dự đoán rằng có khả năng là bà Trương Thị Mai có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội, thế nhưng cũng có thông tin, cũng có người dự báo và nói rằng là có thể bản thân bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có thể được đưa vào danh sách gọi là trường hợp đặc biệt, tức là quá 65 tuổi vẫn ở lại Bộ Chính trị và vẫn ở lại thì là sẽ làm tiếp Chủ tịch Quốc hội.”

Khi được hỏi nếu trong trường hợp trở thành trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Phú Trọng có thể tái cử một lần nữa vào chức Tổng Bí thư hay không, hay đảm nhiệm chức vụ nào và nếu như vậy thì sẽ lưu lại bao lâu (một năm, hay nửa nhiệm kỳ) hay toàn khóa, nếu không phải toàn khóa, thì có thể được thay thế ra sao, bởi ai, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

“Câu hỏi này theo tôi nó thú vị ở chỗ này, bây giờ điều quan trọng nhất ở Việt Nam là việc cả đất nước phải chú ý đến chuyện xây dựng kinh tế và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

“Do đó vai trò của lực lượng vũ trang, đặc biệt của quân đội là vô cùng quan trọng – vừa bảo vệ đất nước, vừa bảo vệ đảng Cộng sản Việt Nam, thế thì nếu trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã làm hai khóa, mà có đề cử ở lại thêm, tức là rơi vào trường hợp đặc biệt, nếu có xảy ra như thế, thì có thể ông sẽ vẫn làm Tổng Bí thư, nhưng sẽ không làm lâu, mà có thể ông làm một thời gian ngắn thôi, rồi ông sẽ chuyển giao cho một người khác.

“Vì sao như thế? Theo tôi là bởi vì vấn đề sức khỏe và thứ hai là do vấn đề Tổng Bí thư có một chức vụ rất quan trọng, ngoài chức lãnh đạo cao nhất của đảng ra, đó là Tổng Bí thư còn là Bí thư quân ủy Trung ương.

“Nhưng bí thư quân ủy Trung ương rất khó bàn giao cho một người nào đó mà sẽ thay ông Trọng làm Tổng Bí thư ở trong khóa 13, mà cũng có thể người ta sẽ đề xuất ông ở lại thêm một thời gian nào đó, có thể là một năm chẳng hạn, để rồi khi mà chín muồi về điều kiện bàn giao, thì ông sẽ bàn giao lại chức vụ Tổng Bí thư cho một người mà Ban chấp hành Trung ương mới của đảng thấy là có đủ năng lực và uy tín để làm Tổng Bí thư của khóa 13. Thì đấy theo tôi là một khả năng lớn, không loại trừ…

“Nhân đây, tôi nói thêm rằng tôi thấy nếu ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, mà thật là khỏe, thì ông vẫn có thể ở lại làm một chức vụ khác, không phải là chức Bộ trưởng, đấy là ý kiến cá nhân của tôi như thế.

“Bởi vì chức Bộ trưởng Quốc phòng trong tình hình hiện nay mà nói, ngoài những vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị trong quân sự, nó còn đòi hỏi một tiêu chuẩn nữa là tiêu chuẩn gọi là chỉ huy tác chiến, thì có lẽ là nếu ông Lịch ở lại, có khi ông làm một chức vụ khác quan trọng hơn, ví dụ như Chủ tịch nước hay là như thế nào đấy thì hơn là ở lại thêm một khóa nữa làm Bộ trưởng Quốc phòng.

“Đấy là trong trường hợp ông ấy khỏe và đủ tín nhiệm, nhưng đây chỉ là một phỏng đoán và chúng ta có lẽ sẽ phải chờ tới sau Hội nghị 15, rồi chắc chắn nhất là tới bế mạc Đại hội 13 để có thông tin rõ nhất về toàn bộ dàn lãnh đạo của đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới,” nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore) bình luận với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55363548

Điểm tin trong nước 19/12: Giải thể Tòa án nhân dân 3 quận ở TP.HCM

Hiểu Minh

Mục lục bài viết

•           Giải thể Tòa án nhân dân 3 quận

•           Thêm vụ gửi vận chuyển iPhone 12 Pro Max, nhận ốc vít và gạch đá

•           Truy tố Chủ tịch Tập đoàn địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm

•           2.000 trẻ em Việt Nam chết đuối mỗi năm

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Bảy (ngày 19/12) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Giải thể Tòa án nhân dân 3 quận

Nghị quyết số 1111 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP. Thủ Đức đã quyết định giải thể TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Theo đó, TAND TP Thủ Đức có năm tòa chuyên trách là Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính và Tòa kinh tế. TAND TP. Thủ Đức, TP.HCM có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định.

Như vậy, TAND TP. Thủ Đức có cơ cấu tổ chức tương đương với TAND TP.HCM. Nghị quyết trên cũng quyết định giải thể Viện Kiểm sát nhân dân các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ và quyền hạn của các Viện Kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021.

Thêm vụ gửi vận chuyển iPhone 12 Pro Max, nhận ốc vít và gạch đá

Trưa 19/12, Công an phường Ba Ngòi (TP. Cam Ranh) cho biết đã tiếp nhận đơn khiếu nại của anh Lê Ngọc Anh và anh Lê Văn Hiệp về vụ iPhone bị đánh tráo thành ốc vít và gạch đá.

Theo đó, anh Nguyễn Ngọc Anh (trú phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh) mua chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max trị giá 38.990.000 đồng vào ngày 27/11 tại cửa hàng Viettel Store có kèm hóa đơn.

5h chiều 16/12, anh đến cơ sở chuyển phát nhanh J&T (phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh) để gửi hàng cho chị gái ở huyện Tuy An, Phú Yên.

Lúc gửi hàng, nhân viên kiểm tra hộp iPhone còn nguyên và đóng gói trước sự chứng kiến của anh và quay video lại. Để đảm bảo an toàn cho hàng hóa, anh Ngọc Anh còn mua thêm gói bảo hiểm trị giá 370.000 đồng, tổng cước phí cộng bảo hiểm gửi gói hàng 425.000 đồng. Nhưng khi gói hàng đến nơi chỉ còn lại… ốc vít và gạch đá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Yến – đại diện pháp vụ của J&T Express – cho biết đơn vị đang chờ phía công an gửi giấy mời lên làm việc để làm rõ vấn đề đôi bên.

Truy tố Chủ tịch Tập đoàn địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm

Cơ quan điều tra TP.HCM ngày 19/12 đề nghị truy tố 23 bị can là lãnh đạo và nhân viên Tập đoàn Alibaba về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Trong đó Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Tập đoàn) bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh sát cáo buộc người này là chủ mưu, lập ra Tập đoàn địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép để huy động và chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của khách hàng.

2.000 trẻ em Việt Nam chết đuối mỗi năm

Báo chí trong nước hôm nay dẫn thông tin từ hội thảo ‘Tăng cường các giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em’ cho biết hằng năm tại Việt Nam có hơn 2.000 trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước. Thống kê cho thấy trẻ bị đuối nước nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 mỗi năm, tức thời điểm nghỉ hè và nắng nóng.

Cũng tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Ông Nam cho rằng dù con số tử vong do đuối nước lớn như vậy nhưng vì nó diễn ra thầm lặng và riêng lẻ nên không được thế giới quan tâm đúng mức.

https://www.dkn.tv/khac/diem-tin-trong-nuoc-19-12-giai-the-toa-an-nhan-dan-3-quan.html 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.