Nhân sự lãnh đạo Đảng CS Việt Nam: Phá lệ để duy trì ổn định
Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13 vừa bầu ra một ban lãnh đạo mới, hay đúng hơn là thông qua thành phần nhân sự lãnh đạo đã được Ban Chấp hành Trung ương bầu chọn trước đó theo đề xuất của Bộ Chính Trị. Lần này đảng Cộng Sản Việt Nam lại buộc phải "phá lệ" để duy trì thế cân bằng và ổn định.
Mặc dù chính quyền Hà Nội đã nỗ lực ngăn chận, xem vấn đề chọn lựa ban lãnh đạo mới là bí mật quốc gia, nhưng các thông tin vẫn rò rỉ ra bên ngoài từ một tuần trước khi khai mạc Đại Hội Đảng.
Hai trường hợp "đặc biệt"
Đúng theo các thông tin rò rỉ đó, trong bộ tứ cầm quyền, còn được gọi là “tứ trụ”, được bầu lên trong kỳ Đại Hội lần này, trái với dự đoán của nhiều người, ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã già yếu bệnh tật, và trên nguyên tắc không được lãnh đạo Đảng quá hai nhiệm kỳ, lại tiếp tục nắm chức tổng bí thư. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một tổng bí thư nắm quyền đến 3 nhiệm kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà có lúc được xem là một trong những ứng cử viên “nặng ký” nhất trong cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư, rốt cuộc sẽ được trao chức chủ tịch nước. Ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, hiện là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sẽ thay ông Phúc lên lãnh đạo chính phủ, còn ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, nguyên là một phó thủ tướng và nay là bí thư thành ủy Hà Nội, sẽ được giao chức chủ tịch Quốc Hội. Ba chức vụ nói trên sẽ được Quốc Hội chính thức thông qua trong năm nay.
Hãng tin Reuters ngày 21/01/2021 nhắc lại rằng, tổng bí thư mãn nhiệm Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhân vật có thế lực nhất ở Việt Nam kể từ nhiều thập niên qua, sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực với phe của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại Hội Đảng năm 2016. Nắm chức tổng bí thư từ năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp đến đã kiêm nhiệm luôn cả chức chủ tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018. Hãng tin Reuters ghi nhận, như vậy là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là tổng bí thư nắm quyền lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn, người đã lãnh đạo với một bàn tay sắt, kể từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Trên trang The Diplomat ngày 21/01/2021, tác giả Sebastian Strangio nhận định rằng, với thành phần nhân sự lãnh đạo nói trên, như vậy là đảng Cộng sản Việt Nam đã phá bỏ các thông lệ “bất thành văn”, để có thể tạm thời duy trì nguyên trạng thế cân bằng trong nội bộ đảng, trong bối cảnh mà không có phe nào thật sự đủ mạnh để làm đảo lộn thế cân bằng đó. Nói cách khác, đây là cách sắp xếp theo kiểu “nương nhau mà sống”.
Theo quy định hiện hành, các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi không được quyền tái cử. Đảng đã từng miễn trừ áp dụng quy định đó cho những “ trường hợp đặc biệt ”, nhất là trường hợp tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, nhưng chưa bao giờ có đến hai người được miễn trừ cùng một lúc trong nhóm "tứ trụ". Trong thành phần Bộ Chính trị được bầu lên tại Đại hội Đảng lần này có đến hai “ trường hợp đặc biệt”, đó là ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, và ông Nguyễn Xuân Phúc, 67 tuổi.
Trong bài báo trên trang The Diplomat, tác giả Sebastian Strangio trích dẫn một số nhà phân tích cho rằng, ông Trọng phải tiếp tục giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ 3 là bởi vì Đảng không tìm ra được đồng thuận về nhân vật có thể kế nhiệm ông. Tuy nhiên, có khả năng là ông Trọng sẽ từ chức giữa chừng nếu từ đây đến đó Đảng tìm được một ứng viên thích hợp.
Một điều đáng chú ý khác, đó là trong bộ “tứ trụ” lần này không có nhân vật nào từ miền Nam, phá bỏ một thông lệ “bất thành văn” khác đó là các chức vụ lãnh đạo chủ chốt phải đại diện cho cả hai miền Nam Bắc. Việc đưa ông Phạm Minh Chính lên làm thủ tướng cũng phá bỏ một thông lệ đã có từ năm 1986: lãnh đạo chính phủ thường là những người trước đó đã nắm chức phó thủ tướng, trong khi ông Chính chưa hề nắm vị trí này, mà ông lại không có nhiều kinh nghiệm về kinh tế.
Về phần tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, trả lời RFI Việt ngữ ngày 28/01/2021, ông nhận định về cách sắp xếp nhân sự trong Đại Hội Đảng lần này :
« Tôi nghĩ là việc chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam sẽ được tiến hành một cách rất là cân bằng, tức là kết hợp những vị trí quan trọng của những người có kinh nghiệm khóa trước với những người trẻ hơn, được bổ sung vào Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận hợp lý. Trung ương đã có biểu quyết về những « trường hợp đặc biệt » và tôi nghĩ là những « trường hợp đặc biệt » sẽ được Đại Hội ủng hộ. Thành phần của Bộ Chính Trị của khóa 13 này sẽ gồm những lãnh đạo nắm vị trí quan trọng của thế hệ trước và những lãnh đạo trẻ hơn. Tôi nghĩ đó là một sự kết hợp và chuyển giao thế hệ lãnh đạo một cách cân bằng ở Việt Nam. »
Trong bản tin đề ngày 26/01, hãng ABC News trích lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Úc, cho biết sự kiện này được sắp xếp rất chặt chẽ, các chính sách của Đảng đã được quyết định và nhân sự lãnh đạo đã được biết đến rộng rãi trong giới chính trị Hà Nội. Giáo sư Thayer cũng ghi nhận là đã có trục trặc trong guồng máy chính trị của Việt Nam, tức là ông Trọng đã cố gắng nhưng không tìm ra người kế nhiệm. Ông nói: “Về mặt chính trị Việt Nam, những gì sắp xảy ra là chưa từng có. Đó là bởi vì họ đã không thể đạt được sự đồng thuận về việc ai sẽ thay thế".
ABC News cũng trích lời tiến sĩ Lê Thu Hường, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc ASPI, cho biết đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ cố bảo đảm tính liên tục, bất kể ai nắm giữ các vị trí chủ chốt. Bà cho biết ông Trọng đã nỗ lực để bảo đảm là di sản của ông - đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động - sẽ được duy trì, ngay cả khi ông tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng nếu ông làm tổng bí thư nhiệm kỳ ba, thì đó là một sự sai lệch hoàn toàn so với chuẩn mực và sẽ cho thấy sự kiểm soát của ông vẫn còn rất mạnh.
Tuy vậy, theo nhận định của tờ Financial Times ngày 09/01/2021, cho dù ai nắm giữ các chức vụ tối cao, ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục thi hành chính sách tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mà nhiều công ty đang chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng châu Á. Tờ báo trích lời bà Nguyễn Phương Linh, phó giám đốc Công ty tư vấn Control Risks: “ Các nhà đầu tư có thể cảm thấy yên tâm là dù các lãnh đạo mới là ai, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chính sách thu hút đầu tư, bởi vì các lãnh đạo Việt Nam cần có thành tích kinh tế để biện minh cho chế độ của họ và đầu tư nước ngoài rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của nước này”.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer, được hãng tin Bloomberg trích dẫn ngày 27/01/2021, cũng có cùng nhận định : « Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mang tính thiết yếu tuyệt đối cho tính chính đáng của chế độ, cho sự ổn định của Việt Nam”.
Bất kể ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ là những ai, Đại Hội Đảng lần này trên nguyên tắc cũng đã thông qua một kế hoạch kinh tế 5 năm mà trong đó khu vực kinh tế tư nhân được kêu gọi phát triển mạnh hơn nữa.
Theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg, tuy một vài chi tiết trong kế hoạch của Đảng có thể thay đổi, giới lãnh đạo Việt Nam cho tới nay vẫn kiên trì đi theo con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” kể từ cuối thập niên 1980 khi họ thực hiện chính sách “đổi mới”, mở cửa nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do cựu tổng thống Donald Trump phát động, với việc ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhờ đã thành công trong việc kềm chế dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không những đã không bị suy thoái như đại đa số các quốc gia trên thế giới, mà lại đạt mức tăng trưởng 2,91% vào năm ngoái. Năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ đạt từ 6 đến 6,5%.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được thông qua tại Đại hội Đảng lần này đề ra hai mục tiêu chính là tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người từ đây đến năm 2025 và đạt mức tăng trưởng 6,5%-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Để đạt các mục tiêu đó, đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải tiếp tục tạo điều kiện phát triển cho kinh tế tư nhân, với tham vọng nâng tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế này từ 42% hiện nay lên hơn phân nửa GDP vào năm 2025. Cụ thể là nâng số doanh nghiệp tư nhân từ 700.000 lên thành 1 triệu rưỡi vào năm 2025 và ít nhất 2 triệu vào năm 2030.
Với tỷ trọng 40% GDP, các doanh nghiệp tư nhân nay đã chiếm ưu thế so khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp loại vừa chiếm 2%, còn lại 96% là chỉ là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Mặt khác, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, đặc biệt là sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải cải thiện khung pháp luật đối với kinh tế tư nhân :
« Trong kinh tế tư nhân ở Việt Nam, kinh tế có đăng ký chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại phần lớn vẫn là kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, sắp tới đây, trong việc phát triển kinh tế tư nhân, rất mong là các khung pháp luật sẽ được cải thiện để cho kinh tế hộ gia đình được chuyển lên thành doanh nghiệp có đăng ký, để có thể kết nối với các doanh nghiệp quốc tế.
Về mặt pháp lý, luật doanh nghiệp đã trao quyền tự do kinh doanh cho công dân rồi. Vấn đề bây giờ là phải cải cách bộ máy Nhà nước, vì theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 56% số doanh nghiệp nói rằng họ vẫn có những chi phí « bôi trơn », tức là chi phí ngoài pháp luật, khi giao tiếp với các cơ quan Nhà nước. Rất mong là sắp tới đây, với việc vận dụng chính phủ điện tử và thực hiện công khai minh bạch một cách đầy đủ hơn, chúng ta sẽ có các điều kiện để giảm bớt các chi phí ngoài pháp luật này và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, cũng như toàn bộ kinh tế Việt Nam ».
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do, tạo thêm cơ hội cho phát triển và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng lưu ý là trên con đường hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp tư nhân sẽ đối đầu với nhiều cạnh tranh gay gắt :
« Việt Nam đã ký kết các hiệp định tự do thương mại và tạo điều kiện để cho Việt Nam có thể xuất khẩu. Định hướng đó là tránh cho Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một nước lớn nào, cụ thể là phụ thuộc quá nhiều vào nước láng giềng Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là một định hướng đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.
Sắp tới đây, kinh tế tư nhân Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh rất là gay gắt. Nếu như kinh tế Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam phần lớn bổ sung cho nhau, thì giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ( RCEP ), sẽ có nhiều sức ép, bởi vì cơ cấu kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam có những mặt giống nhau và kinh tế Trung Quốc đang tiến xa hơn Việt Nam rất nhiều ».
0 comments