Làm cách nào để quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ thời TT Biden vững như bàn thạch ?
RFI
Đăng ngày:
Sẽ không thể có chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan. Tân chính quyền Mỹ của Joe Biden đã muốn ghi dấu ấn riêng và thể hiện rõ quan điểm : kiên quyết ủng hộ Đài Bắc ; nói không với chủ nghĩa đơn phương gây bất ổn của Donald Trump
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nguyên : Đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình, phải làm thế nào để vận mệnh chung của Đài Loan và Mỹ gắn kết lâu dài ? Chính quyền Đài Bắc có cần tiếc nuối Donald Trump hay không ? Sự thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo Mỹ, với phe Dân Chủ của Joe Biden, liệu có thể dự báo Mỹ sẽ bớt chống Trung Quốc ?
Trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 27/01/2020, nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, đồng sáng lập tạp chí Monde Chinois Nouvelle Asie [Thế giới Trung Hoa-châu Á mới], cố gắng giải đáp những thắc mắc này trong bài viết « Vững chắc như bàn thạch : Tương lai nào cho quan hệ Đài Loan và Mỹ thời Biden ? ».
Quả thực mức độ ủng hộ dành cho Đài Loan mà chính quyền Trump thể hiện trong 4 năm qua vô cùng cao. Washington đã bán cho Đài Bắc nhiều loại vũ khí tinh vi như tên lửa Harpoon, xe tăng Abrams và chiến đấu cơ F-16. Các phương tiện pháp lý cũng được tăng cường : Đạo luật Du lịch Đài Loan, Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Đạo luật Đài Bắc, Đạo luật Không phân biệt đối xử với Đài Loan, Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan, Đạo luật Phòng thủ Đài Loan.
Các quan chức Hoa Kỳ đã thực hiện hoặc dự kiến nhiều chuyến công du đến Đài Bắc : chuyến thăm của thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, Keith Krach, hồi tháng 09/2020 ; chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Alex Azar vào tháng 10/2020. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, dự kiến thăm Đài Loan hồi tháng 01/2021 nhưng chuyến đi sau đó bị hủy sau khi xẩy ra vụ tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ Donald Trump. Đỉnh điểm là vào ngày 10/01, Washington thông báo hủy hỏ mọi biện pháp hạn chế quan chức Mỹ trong các cuộc tiếp xúc với đồng sự Đài Loan.
Mức độ ủng hộ đã cao đến mức mọi dấu hiệu giảm nhẹ hay lui bước đều bị cả Trung Quốc và Đài Loan coi đó là thái độ bỏ mặc, thậm chí là hèn nhát. Chính vì thế, ngày từ đầu, tân chính quyền Biden đã chọn cách tạo ấn tượng.
Lời mời đại diện Đài Loan đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Biden
Biểu hiện mang tính tượng trưng đầu tiên cho sự ủng hộ của tân chính quyền Mỹ đối với Đài Bắc chính là lời mời đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Joe Biden. Đây là lần đầu tiên đại sứ trên thực tế của Đài Loan được mời đến lễ nhậm chức tổng thống Mỹ kể từ năm 1979. Emily Horne, tân phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng đã « thông ngôn » cho những ai có thể chưa hiểu thông điệp nói trên : « Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch ».
Biểu hiện thứ hai cho thấy Washington sẽ ủng hộ Đài Bắc lâu dài qua những phát biểu của Antony Blinken trong phiên điều trần tại Thượng Viện vào ngày 20/01 để được xác nhận làm tân ngoại trưởng Mỹ. Chính quyền Biden thừa nhận và nói rõ sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Trump về Trung Quốc và Đài Loan. Tân ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ.
Antony Blinken cũng thể hiện mối quan tâm duy trì và củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, trước tiên là sự hiện diện của Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế : Đối với các tổ chức không cần quy chế quốc gia thành viên thì « Đài Loan cần trở thành thành viên ». Còn đối với các tổ chức quốc tế còn lại thì sẽ « có các cách khác » để Đài Loan tham gia, và trong mọi trường hợp, « Đài Loan cần có vai trò lớn hơn trên thế giới ».
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ủng hộ quyết định của người tiền nhiệm Mike Pompeo giảm nhẹ các hạn chế về quan hệ chính thức với Đài Bắc. Ông Blinken muốn tân chính quyền Mỹ hành động phù hợp với mục đích của Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan. Cuối cùng, tân ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ Đài Loan : ông không chỉ tiếp bà Thái Anh Văn tại bộ Ngoại Giao khi bà là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan mà ông còn nói chuyện với bà nhiều lần sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống hồi năm 2016.
Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông
Chủ nhật 24/01, một ngày sau khi 15 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam Đài Loan (ADIZ), hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, được hai khu trục hạm và một tàu tuần dương hộ tống, đã tiến vào Biển Đông để thúc đẩy « các quyền tự do trên biển », cùng lúc một trinh sát cơ tàng hình U2 của Mỹ bay trên vùng biển này.
Trong một thông cáo bằng văn bản viết cụ thể về vụ xâm nhập này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định quan điểm chính thức của Hoa Kỳ và tân chính quyền : « Chúng tôi liên tục kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế chống lại Đài Loan, thay vào đó hãy tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đại diện Đài Loan được bầu lên một cách dân chủ. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các quốc gia bạn hữu và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - và điều đó bao gồm cả việc đưa mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan dân chủ trở nên sâu sắc hơn. […] Cam kết của chúng tôi đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch và góp phần vào việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực. »
Tuy nhiên, mối quan hệ của nước Mỹ thời Joe Biden với Đài Loan của Thái Anh Văn không thể « sao y bản chính » mối quan hệ Mỹ - Đài Loan mà chính quyền Donald Trump khởi dựng.
Không còn một đồng minh gây khó xử
Trước tiên, trong quan hệ sắp tới sẽ không còn một nhân tố quan trọng : Donald Trump. Cho đến hết nhiệm kỳ, Donald Trump vẫn là một đồng minh gây khó xử. Trong khi các cộng sự của ông Trump quyết tâm gạt Trung Quốc ra bên lề cộng đồng quốc tế qua việc lên án, buộc Bắc Kinh phải “phòng thủ” trong các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, thì mối quan hệ cá nhân mà Trump từng muốn thiết lập với tổng thống Nga Putin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, thậm chí ban đầu là với cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm lu mờ các thông điệp của Washington.
Vụ chiếm điện Capitol do những người ủng hộ ông Trump tiến hành hôm 06/01 cũng đã làm át đi những lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ các nhà hoạt động Hồng Kông bị trấn áp, dựa theo luật An ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở thành phố này. Về ý thức hệ, vụ chiếm Điện Capitol như một món hời trên trời rớt xuống cho Tập Cận Bình, cũng như các nhà tư tưởng của Trung Quốc và các nước khác, tạo cho họ cơ hội bình luận về « sự phá sản » của nền dân chủ Mỹ.
Chính quyền Trump đôi khi hành động quá đơn phương, không tham khảo ý kiến Đài Bắc đầy đủ về một số quyết định có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong khu vực, trong khi việc tăng cường quan hệ phải mang tính tương hỗ, tuần tự từng bước và đa phương : Washington phải thuyết phục các đối tác tăng cường quan hệ với Đài Bắc để củng cố vị thế của chính nước Mỹ.
Trò chơi mơ hồ của Quốc Dân Đảng
« Trở ngại » cuối cùng được dỡ bỏ không phải là từ Washington hay Bắc Kinh mà là ở chính Đài Bắc, trong nội bộ đảng đối lập, Quốc Dân Đảng. Chiến lược của Quốc Dân Đảng hiện giờ vẫn rất mơ hồ. Liên tục chỉ trích là Đài Loan bị cô lập về ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Thái Anh Văn, nhưng Quốc Dân Đảng không chịu công nhận Đài Loan đã được quốc tế biết đến nhiều hơn nhờ tổng thống Thái Anh Văn và việc xử lý dịch Covid-19.
Đầu tháng 10/2020, Quốc Dân Đảng đề xuất lên Quốc Hội do Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số hai dự thảo nghị quyết : Thứ nhất là chính phủ nên nỗ lực thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ dựa vào Đạo luật Quan hệ Đài Loan giúp Đài Bắc phòng thủ trước mối đe dọa từ Trung Quốc bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế hoặc an ninh, nếu Bắc Kinh rõ ràng gây nguy hiểm cho an ninh và các định chế xã hội - kinh tế của Đài Loan ; thứ hai là các nỗ lực ngoại giao của chính phủ với Hoa Kỳ cần có mục tiêu là hướng tới việc nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Washington.
Hai dự thảo nghị quyết nói trên khiến nhiều người ngạc nhiên và có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Quốc Dân Đảng muốn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ qua đó chứng tỏ là họ thay đổi ? Phải chăng Quốc Dân Đảng tìm cách đặt đảng Dân Tiến vào tình thế khó khăn là phải đối mặt với một giải pháp triệt để rồi sau này chỉ trích DPP mạnh hơn và trách cứ đảng Dân Tiến lẩn tránh trách nhiệm nếu giải pháp này bị phủ quyết (giải pháp này đã được chấp thuận) ? Hay Quốc Dân Đảng muốn Bắc Kinh gây áp lực với Đài Bắc nếu dự thảo nghị quyết được thông qua để rồi sau đó lại cho rằng Đài Loan không thể được bảo vệ và không thể dựa vào Hoa Kỳ để phòng thủ ?
Nên hiểu thế nào về chuyện trong hai ngày 21-22/01, Quốc Dân Đảng đề xuất phong tỏa một phần chi phí hoạt động của đại diện Đài Loan tại Mỹ (Hsiao Bi-khim) và tại CH Séc (Ke Liang-ruey) ? Chuyện này diễn ra một ngày sau khi Hsiao Bi-khim chính thức được mời dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Biden và nhiều tháng sau chuyến thăm Đài Bắc của phái đoàn chính thức của CH Séc do Miloš Vystrčil, chủ tịch Thượng Viện, dẫn đầu. Đây rõ ràng là hai thành công ngoại giao lớn nhất của Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Thái Anh Văn cho tới nay. Phải chăng đảng Cộng Sản Trung Quốc cài người vào lũng đoạn Quốc Dân Đảng ? Đây là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng ? Quốc Dân Đảng tạo sự mơ hồ về chiến lược để tránh bị cuốn vào cuộc xung đột gần như không thể tránh khỏi giữa Bắc Kinh và Washington ? …
Sự phụ thuộc kép
Trong khu vực ASEAN, mong muốn duy trì « cân bằng chiến lược » trên thực tế thường có nghĩa là khuất phục chính trị trước trật tự khu vực theo ý Bắc Kinh, kèm theo đó là sự lệ thuộc kinh tế vào trật tự tài chính toàn cầu do Mỹ và Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế ấn định. Tuy nhiên, sự phân chia không còn đơn giản như vậy nữa. « Con đường tơ lụa mới » muốn tăng cường khía cạnh thương mại (cho vay, đầu tư) và quân sự (căn cứ, tập trận chung) trong tiến trình chư hầu hóa chính trị trong khu vực của Bắc Kinh. Trong khi đó, chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương » có ý định gắn ý thức hệ (thế giới tự do chống lại các chế độ độc tài) với sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ.
Đối với Đài Bắc, tình hình hơi khác một chút : Đài Loan « lệ thuộc » Bắc Kinh về thương mại (40% xuất khẩu) nhưng lại « lệ thuộc » quân sự vào Washington. Quốc Dân Đảng, muốn tăng vế thứ nhất, giảm vế thứ hai, nên duy trì câu chuyện về bản sắc Trung Hoa của Đài Loan. Còn đảng Dân Tiến cầm quyền, để củng cố vế thứ hai, phải giảm vế thứ nhất và dựa vào việc củng cố bản sắc Đài Loan. (Theo một khảo sát hồi năm 2020, 67% dân Đài Loan coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,4% nhận mình người Hoa)
Đảng Dân Chủ của tổng thống Mỹ Biden và đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn có thời hạn đến năm 2023 để gắn kết vận mệnh chính trị chung của Đài Loan và Mỹ, đối chọi lại với quyết định luận về địa lý và văn hóa. Và điều này chắc chắn sẽ phải dựa vào chủ nghĩa đa phương cả về quân sự (thông qua bộ tứ QUAD) và kinh tế (thông qua việc mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).
0 comments