Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 18/07/2020

Saturday, July 18, 2020 6:55:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 18/07/2020

Mỹ điều oanh tạc cơ B-1 đến Guam ngay sau khi cho tàu sân bay trở lại Biển Đông – Trọng Nghĩa

Không quân Mỹ vào hôm qua, 17/07/2020 đã triển khai hai máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam ở miền tây Thái Bình Dương, vào lúc hai hàng không mẫu hạm Mỹ ít lâu sau khi Hải quân tiếp tục các hoạt động diễn tập phối hợp tác chiến trong khu vực Biển Đông.
Trong một bản thông báo, lực lượng Không Quân Mỹ cho biết là 2 oanh tạc cơ B-1B Lancer thuộc Phi Đoàn Oanh Tạc Viễn Chinh số 37, đóng tại căn cứ không quân Ellsworth ở tiểu bang South Dakota (Hoa Kỳ) được biệt phái đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thực hiện các hoạt động trong khu vực.
Hai chiếc B-1B này sẽ tham gia huấn luyện cùng với các đồng minh, đối tác, cũng như với các lực lượng khác của Mỹ, và nhất là “hỗ trợ các nhiệm vụ răn đe chiến lược, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong khu vực”.
Khoảng 170 phi công cũng được điều động từ căn cứ Ellsworth đến đảo Guam để hỗ trợ cho nhiệm vụ của hai chiếc oanh tạc cơ. Tuy nhiên, Không Quân Mỹ không cho biết thời hạn biệt phái
Như để cho thấy rõ nhiệm vụ của đội oanh tạc cơ, trước khi bay tới Guam, 2 chiếc B-1B đã tham gia huấn luyện đánh chặn trên Biển Nhật Bản cùng với các chiến đấu cơ F-15J của Không Quân Nhật Bản.
Oanh tạc cơ B-1B được biệt phái đến đảo Guan vào lúc hai chiếc tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng nhóm tác chiến đi theo, chở theo 12.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến, tiếp tục các hoạt động diễn tập trở lại trên Biển Đông.
Hải Quân Mỹ nhắc lại: “Các nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” để nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và “một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Cho dù cả Hải Quân lẫn Không Quân Mỹ đều nhấn mạnh rằng đây chỉ là những nhiệm vụ thường xuyên, nhưng giới quan sát đã ghi nhận đà gia tăng của các hoạt động như thường lệ, ngay sau tuyên bố cứng rắn của ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm thứ Hai xác định tính chất phi pháp của hầu hết các yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến Hoàng Sa
Việc Mỹ tăng cường lực lượng trong khu vực cũng diễn ra vào lúc ảnh vệ tinh phát hiện nhiều chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc vùng quần đảo Hoàng Sa.
Theo tạp chí Mỹ Forbes ngày 17/07, ảnh vệ tinh chụp được cho thấy ít nhất 4 chiến đấu cơ Trung Quốc trên phi đạo trên đảo Phú Lâm. Forbes cho rằng các phi cơ này có hình dạng của loại tiêm kích J-11B, tương ứng với loại F-15 Eagle của Mỹ.

Máy bay trinh sát Mỹ lại được phát hiện

gần bờ biển phía Nam Trung Quốc

Một máy bay trinh sát của quân đội Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 17/7 đã được phát hiện gần bờ biển phía nam Trung Quốc lần thứ ba trong tuần này, các nguồn tin Trung Quốc cho biết, cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang tiến hành tập trận ở Biển Đông, theo báo South China Morning Post.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết mục đích cuộc diễn tập là nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng chiến.
Máy bay trinh sát E-8C của Không quân Hoa Kỳ được trang bị hệ thống radar, thông tin liên lạc, và các thiết bị điều khiển chuyên dụng, được trông thấy ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, cách bờ biển khoảng 72 hải lý, theo Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải”, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách của Trung Quốc đặt trụ sở tại Đại học Bắc Kinh.
Tổ chức tư vấn này nói đây là lần thứ ba trong tuần này, máy bay trinh sát của Hoa Kỳ được phát hiện đang hoạt động tại khu vực này.
Giới phân tích cho biết máy bay trinh sát Mỹ có thể theo dõi hoạt động triển khai và những sự di chuyển của quân đội Trung Quốc dọc theo bờ biển.
Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải, theo cách gọi của Trung Quốc, nói rằng máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của Không quân Hoa Kỳ, cung cấp giám sát, chỉ huy, kiểm soát và liên lạc dưới mọi thời tiết, đã được phát hiện trên Biển Đông.
Trong cùng ngày thứ Sáu, Hải quân Hoa Kỳ cho biết hai nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng chiến.
Trong vài tuần qua, Hoa Kỳ đã nhiều lần đưa chiến đấu cơ tới hoạt động xung quanh đảo Đài Loan và gần bờ biển Trung Quốc. Hôm 29/6, ít nhất 4 máy bay trinh sát và một máy bay tiếp liệu của Mỹ đã bay ở khu vực phía nam và tây nam đảo Đài Loan.

Mỹ mạnh tay với các công ty công nghệ TQ

Chính phủ Mỹ tăng cường gây sức ép với Tập đoàn Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua tuyên bố Washington sẽ hạn chế cấp thị thực cho nhân viên của Huawei và các công ty Trung Quốc khác nếu họ có liên quan những hoạt động vi phạm nhân quyền, theo AFP. Ông Pompeo cáo buộc Huawei vi phạm nhân quyền khi cung cấp thiết bị cho chính quyền Trung Quốc để giám sát hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
Ủy ban Về các vấn đề chính phủ và an ninh nội địa của Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 22.7 về dự luật cấm dùng TikTok trên thiết bị do chính phủ cấp. Ngoài ra, chính phủ Mỹ đang đánh giá mối đe dọa an ninh quốc gia và sẽ đưa ra biện pháp cụ thể đối với các ứng dụng TikTok, WeChat của Trung Quốc, theo Reuters. Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Washington “đang xem xét” cấm TikTok vì ứng dụng này cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Bắc Kinh, nhưng TikTok bác bỏ mọi cáo buộc
“Các công ty viễn thông trên thế giới nên tự cân nhắc về lời cảnh báo này: nếu họ đang làm ăn với Huawei thì họ đang làm việc với những người vi phạm nhân quyền. Chính phủ Mỹ cũng sẽ sớm đưa ra một loạt quyết định khác đối với các công ty viễn thông Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
Hồi năm 2018, Canada đã hành động theo yêu cầu từ Mỹ, bắt giữ Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Washington đối với Iran. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cảnh báo nền an ninh toàn cầu cùng dữ liệu cá nhân sẽ bị đe dọa nếu Huawei thống lĩnh chương trình phát triển mạng di động thế hệ mới 5G. Do đó, Washington kêu gọi các nước hạn chế hoặc cấm thiết bị của Huawei. Mỹ đã hoan nghênh chính phủ Anh hôm 14.7 quyết định loại bỏ dần các thiết bị của Huawei
khỏi chương trình phát triển 5G. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu không làm theo lời kêu gọi của Mỹ, theo Reuters.
Trong chuyến thăm châu Âu tuần này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cảnh báo Huawei có thể theo dõi, đánh cắp bí mật quốc gia và một lượng lớn dữ liệu thông tin cá nhân rồi cung cấp cho chính quyền Trung Quốc. “Châu Âu phải thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Hãy tưởng tượng Trung Quốc có thể can thiệp vào bất kỳ cuộc bầu cử nào nếu họ nắm hết thông tin cá nhân của mọi người trên trái đất”, ông O’Brien nói.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua chỉ trích động thái của Mỹ chống lại Huawei là “chơi xấu”. Bà Hoa còn ngỏ ý mời Ngoại trưởng Pompeo đến thăm khu tự trị Tân Cương để thấy rằng không có vi phạm nhân quyền, sau khi Mỹ cấm vận một số quan chức Trung Quốc với cáo buộc liên quan chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Cựu giám sát viên:

TikTok kiểm duyệt cả người dùng quốc tế

Quý Khải
Một cựu kiểm duyệt viên internet của Trung Quốc từng phỏng vấn xin việc tại TikTok tiết lộ mạng xã hội này không chỉ kiểm duyệt người dùng tại Hoa lục mà còn cả người dùng quốc tế, theo The Epoch Times.
Liu Lipeng, người từng làm kiểm duyệt trực tuyến tại Trung Quốc trong một thập kỷ, cho biết anh đã bị khước từ công việc trong cuộc phỏng vấn năm 2018 tại Tik Tok sau khi mạo hiểm đưa ra đề nghị trong cuộc phỏng vấn rằng TikTok không nên kiểm duyệt nội dung quá mức vì người Mỹ coi trọng quyền tự do ngôn luận.
Anh mô tả công ty mẹ TikTok ByteDance Technology Co., gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh với giá trị thị trường ước tính đạt 100 tỷ USD theo báo cáo vào tháng 5, là “một cỗ máy kiểm duyệt lớn nhất và đáng sợ nhất” anh từng gặp trong sự nghiệp kiểm duyệt của mình.
Các tuyên bố của cựu kiểm duyệt viên trùng khớp với mối lo ngại gia tăng về mối quan hệ giữa TikTok và chính quyền Bắc Kinh, và nó đến trong bối cảnh chính quyền Trump xem xét việc cấm ứng dụng này do các lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia. Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng ứng dụng này có thể được sử dụng để do thám và kiểm duyệt người dùng ở Mỹ. Bytedance đã phủ nhận những tuyên bố này.
Liu, đến từ thành phố Thiên Tân phía bắc Trung Quốc, đã xây dựng sự nghiệp của mình trong vai trò một “người đánh giá nội dung” cho các mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc như Weibo, một nền tảng giống Twitter và Leshi, một nền tảng video tương tự YouTube. Ở Trung Quốc, tất cả mạng xã hội phải tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền, khi sử dụng các thuật toán và nhân viên kiểm duyệt nhằm theo dõi và xóa các bài đăng nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhưng Liu không chỉ được yêu cầu giám sát nội dung bên trong mạng lưới internet bị phong bế ở Trung Quốc. Cựu nhân viên kiểm duyệt này cho biết anh đã có cuộc phỏng vấn với ByteDance vào ngày 18/10/2018 cho vị trí quản lý nội dung phụ trách giám sát các nội dung của người dùng hải ngoại của TikTok. Thông báo tuyển dụng cho biết công việc này sẽ bao hàm việc xem xét “các video trên toàn cầu”.
Bên cạnh TikTok, ByteDance cũng có phiên bản tiếng Trung tại thị trường đại lục gọi là Douyin.
Liu, người đã cùng gia đình chuyển đến Mỹ vào tháng 3, đã mô tả cuộc phỏng vấn là một trải nghiệm “lố bịch” – mạng xã hội này đã tiến hành các biện pháp cực đoan để đảm bảo bí mật, và điều này khiến anh khá kinh ngạc.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại văn phòng ByteDance ở Thiên Tân. Một nhân viên của ByteDance đã đến tiếp anh Liu và “đưa anh đi bộ vài vòng tròn” bên trong tòa nhà. Người nhân viên cũng bảo anh không được nhìn xung quanh.
“Tôi như bị bịt mắt vậy”, anh hồi tưởng và kể lại với tờ The Epoch Times. “Cảm giác như đang ghé thăm hang ổ của một trùm ma túy vậy”. Anh không thể nghiêng đầu sang bên, họ cũng không cho phép anh thấy các tủ làm việc, anh nói.
“Giờ đây nếu tôi đến đó [văn phòng Bytedance] tôi sẽ không thể tìm lại được”, anh nói, đồng thời cho biết rằng có các camera giám sát theo dõi các công nhân để đảm bảo họ không lấy đi bất kỳ đồ vật nà
từ khu vực làm việc. Ông ước tính rằng văn phòng ByteDance có ít nhất 4.000 nhân viên tại thời điểm đó, và một phần đội ngũ nhân viên tại đó làm việc cho TikTok.
Mức độ bí mật của khu vực này khiến anh vô cùng kinh ngạc, Liu nói, cho tới khi anh nhận ra nội dung của công việc mà anh được phỏng vấn.
“Họ đang trực tiếp kiểm duyệt ngôn luận của người Mỹ”, anh nói. Các nhân viên của ByteDance “đã trải qua hơn một thập kỷ bị nhồi nhét các tuyên truyền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc … những người rất sợ uy quyền của ĐCSTQ”.
Trong cuộc phỏng vấn, Liu đã bày tỏ một cách hiểu khác cho công việc này. Từng sống ở nước ngoài được một vài năm, Liu cho biết anh đã nói với người phỏng vấn rằng, “Tôi hiểu khá rõ về việc người Mỹ quan tâm như thế nào đến tự do ngôn luận, và do đó chúng ta không nên kiểm duyệt quá mức”.
Liu rốt cục đã bị từ chối công việc vì những quan điểm thẳng thắn này, cựu kiểm duyệt viên cho hay.
ByteDance đã tiếp cận anh để đề nghị một công việc khác sau khi anh đến Mỹ hồi đầu năm, nhưng anh đã từ chối.
TikTok  không trả lời yêu cầu bình luận.
Sống ở Mỹ có nghĩa là Liu cần phải bảo vệ lợi ích của người Mỹ và ở đây “không có điểm dừng”, ông nói.
Liu cho biết bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ đã bành trướng và trở nên mạnh mẽ hơn trong thập kỷ qua.
“Chúng tôi đang làm những công việc bẩn thỉu nhất, âm thầm giấu những khẩu súng ở sau lưng”, ông nói.
Hồi đó có phải đảng viên hay không không phải là điều bắt buộc, và việc tuyển dụng được tiến hành bí mật, anh nói. Nhưng ngày này, việc tuyển dụng được tiến hành công khai, trong khi một trong những phẩm chất chính là cần có một “ý thức chính trị mạnh mẽ”. Liu lưu ý rằng các bài đăng với ý thức hệ được ĐCSTQ ủng hộ, như chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, sẽ được phép tồn tại trên nền tảng này.
Các nhà tuyển dụng cũng nhắm vào các sinh viên tốt nghiệp đại học có thế giới quan được định hình thâm niên trong chương trình giáo dục nhồi nhét tẩy não của chính quyền, anh Liu cho hay. Thế hệ tân binh mới này có xu hướng kiểm duyệt rất nhiệt tình đến mức quá trớn, thế nên họ thậm chí phải được đào tạo “để không xóa nội dung một cách thiếu suy xét”, anh nói.
Kiểm duyệt
Đây không phải lần đầu tiên TikTok thu hút sự dò xét của công luận vì áp đặt kiểm duyệt theo phong cách Bắc Kinh đối với người dùng hải ngoại.
Tờ The Epoch Times gần đây đã báo cáo rằng ứng dụng này đã đóng tài khoản của một sinh viên quốc tế Trung Quốc ở New Jersey sau khi anh này đăng một đoạn video nhại lại quốc ca Trung Quốc.
TikTok vào tháng 12 năm ngoái đã hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ khi đình chỉ tài khoản của một thiếu niên Hoa Kỳ, người đã đăng một đoạn video chỉ trích Bắc Kinh đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào tháng 9/2019, The Guardian báo cáo TikTok đã hướng dẫn người giám sát nội dung của mình kiểm duyệt một số video đề cập đến các chủ đề được coi là cấm kỵ bởi chính quyền Trung Quốc, như Thảm sát Thiên An Môn và Pháp Luân Công, một môn tập tâm linh đã bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Báo cáo được dựa trên các tài liệu bị rò rỉ mô tả chi tiết các nguyên tắc kiểm duyệt của ứng dụng. Phản hồi trước vấn đề này, TikTok cho biết các chính sách như vậy đã được thay thế vào tháng 5/2019 và không còn được sử dụng nữa.
Một ủy ban đánh giá của Mỹ hiện đang thăm dò thương vụ mua lại mạng xã hội Music.ly trị giá 1 tỷ USD của ByteDance, mà sau đó được đổi tên thành TikTok, vào năm 2017. Cuộc điều tra nhằm đánh giá xem liệu thỏa thuận này có làm gia tăng rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Lầu Năm Góc vào năm ngoái đã ra lệnh cho các binh lính Mỹ xóa TikTok khỏi điện thoại dùng trong công việc của họ. Ngân hàng lớn thứ tư trên toàn cầu có trụ sở tại Mỹ Wells Fargo gần đây cũng có động thái tương tự, trong khi hai ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã cảnh báo nhân viên của họ về việc sử dụng ứng dụng này.
Theo sau quyết định cấm gần đây của Ấn Độ đối với TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc, chính quyền Trump xác nhận rằng họ cũng đang xem xét một động thái tương tự. Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết vào ngày 15/7 rằng một số quan chức trong chính quyền “đang đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và các ứng dụng khác”.
“Tôi không biết liệu có bất kỳ thời hạn hành động định sẵn trước đó hay không, nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi đang xem xét [việc có hành động] chỉ trong vài tuần chứ không phải vài tháng tới”.

Ngày Hoa Kỳ ‘cấm cửa’ TikTok đang đến gần

Tuệ Minh
Một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 15/07, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đánh giá rủi ro an ninh quốc gia từ các ứng dụng xã hội bao gồm TikTok và WeChat của Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ sớm có hành động để giải quyết vấn đề này ​​trong vài tuần tới.
Theo tin từ Reuter, Chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Mark Meadows nói với các phóng viên trên đường từ Georgia đến Washington rằng, ứng dụng TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác có khả năng làm lộ an ninh quốc gia, đặc biệt là liên quan đến việc thu thập thông tin về công dân Mỹ.
Ông Mark Meadows cho biết thêm, “Tôi không biết liệu có bất kỳ thời hạn hành động định sẵn trước đó hay không, nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi đang xem xét [có hành động] chỉ trong vài tuần chứ không phải vài tháng tới”.
Giới chức Hoa Kỳ kêu gọi xem xét những lo ngại các ứng dụng này có thể kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị và không lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng một cách an toàn.
TikTok – thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ Bắc Kinh ByteDance – đã phản hồi về các hoạt động bảo mật của mình trong một tuyên bố gần đây, rằng “chúng tôi hoàn toàn cam kết bảo vệ người dùng” đối với vấn đề quyền riêng tư.
“TikTok có một Giám đốc điều hành người Mỹ, Giám đốc An ninh Thông tin với nhiều năm kinh nghiệm thực thi pháp luật và quân đội Hoa Kỳ, và một đội ngũ Mỹ ngày càng gia tăng đang làm việc siêng năng để phát triển cơ sở hạ tầng bảo mật tốt nhất. Dữ liệu người dùng của TikTok ở Mỹ được lưu trữ ở Virginia và Singapore, với sự kiểm soát chặt chẽ đối với quyền truy cập của nhân viên. Đây là sự thật”.
Chủ sở hữu WeChat, Tencent Holdings Ltd chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, nhưng chưa cung cấp thông tin chi tiết.
Theo một báo cáo của Reuters vào tháng 11/2009, một ủy ban liên ngành quyền lực của Hoa Kỳ có tên là CFIUS (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ) đã đưa ra một báo cáo đánh giá an ninh quốc gia về việc ByteDance mua lại ứng dụng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ là Music.ly với giá 1 tỷ USD.
Ông Meadows không cung cấp nhiều chi tiết về các cơ chế đang được xem xét để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ TikTok, nhưng lưu ý rằng đánh giá CFIUS có lẽ đang được tiến hành đồng thời.

Virus corona: Donald Trump thề

sẽ không yêu cầu người Mỹ đeo khẩu trang

Donald Trump lần đầu đeo khẩu trang trước công chúng hôm thứ Bảy
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không yêu cầu người Mỹ đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, ông Anthony Fauci, kêu gọi các nhà lãnh đạo bang và địa phương hãy “quyết liệt nhất có thể” trong việc yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.
Đầu tuần này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi mọi người đeo khẩu trang.
“Chúng ta không phải là không thể chống cự lại COVID-19,” Giám đốc CDC, ông Robert R Redfield nói. “Khẩu trang bằng vải là một trong những vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có để làm chậm và ngăn chặn sự lây lan của virus – đặc biệt là khi được sử dụng phổ biến trong môi trường cộng đồng.”
Đeo khẩu trang, ông Fauci nói thêm, là “thực sự quan trọng” và “chúng ta nên dùng chúng, tất cả chúng ta”.
Việc đeo khẩu trang đã trở nên chính trị hóa ở Mỹ.
Tổng thống Trump, người trước đây đã chống lại việc đeo khẩu trang, lần đầu tiên đeo mặt nạ ở nơi công cộng.
Nhưng nói chuyện với Fox News hôm thứ Sáu, ông Trump nói rằng ông không đồng ý với việc bắt buộc người dân cả nước đeo khẩu trang, và rằng mọi người nên có một “tự do nhất định”.
Tại bang miền nam Georgia, thống đốc đảng Cộng hòa Brian Kemp đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang cho tháng tới.
Ông Kemp đã kêu gọi người dân của bang đeo khẩu tráng dù đã có đơn kiện thị trưởng của Atlanta, Keisha Lance Bottoms, vì bắt buộc dân phải đeo khẩu trang trong thành phố.
Bà Bottoms đã tự xét nghiệm dương tính với virus corona.
Các quan chức thành phố Oklahoma cũng đang xem xét yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà trên toàn thành phố, trong bối cảnh không có lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc.
Các bang nào đang có số ca nhiễm tăng mạnh?
Một số tiểu bang của Hoa Kỳ, chủ yếu là các tiểu bang miền nam, đang trải qua một đợt tăng mạnh số ca nhiễm virus corona.
Hiện tại có hơn 3,6 triệu trường hợp nhiễm virus corona đã được xác nhận tại Hoa Kỳ và đã có hơn 139.000 ca tử vong – con số tử vong cao nhất thế giới.
Hàng trăm nhân viên y tế trong quân đội đã được triển khai ở Texas và California để giúp các quan chức đối phó với các ca Covid-19 mới, và ở Texas và Arizona, những chiếc xe tải đông lạnh đã được đưa đến để giúp lưu trữ xác chết.
Trong những tuần gần đây, các bệnh viện quá tải ở Florida cũng đã báo cáo rằng khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) của họ hoạt động hết công suất và họ không thể nhận thêm bệnh nhân nào nữa.
Một số thành phố và tiểu bang đang vật lộn với nhu cầu cao về các test xét nghiệm virus corona.
Tại Pittsburgh, Pennsylvania, những người bị nghi đã tiếp xúc với virus đang được yêu cầu cách ly tại nhà trong 14 ngày thay vì đến các trung tâm xét nghiệm, trong khi những người tới Hawaii sẽ phải cách ly hai tuần do nơi này đang thiếu các test xét nghiệm virus corona.
Trường học thì sao?
Trong khi đó, hàng triệu trẻ em, bao gồm cả hai bang đông dân nhất Texas và California, đã được thông báo rằng sẽ không trở lại trường trong năm học mới.
Giáo dục, và vấn đề khi nào mở lại trường học, là một vấn đề khác đã trở nên chính trị hóa cao ở Mỹ.
Hướng dẫn mới của CDC về việc mở lại các trường học đã được lên kế hoạch ban hành trong tuần này, nhưng báo chí Mỹ cho biết nó bị trì hoãn.

Hoa Kỳ:

Nhà Trắng muốn kiểm soát dữ liệu về Covid-19

Hoa Kỳ hôm qua 17/07/2020 tiếp tục ghi nhận 77.638 ca nhiễm mới trong 24 tiếng đồng hồ. Đây là ngày thứ ba liên tiếp mà nước Mỹ bị số lây nhiễm kỷ lục trên 70.000 ca nhiễm mỗi ngày. Trong tình hình virus corona hoành hành dữ dội, Nhà Trắng lại cho thấy ý định muốn kiểm soát dữ liệu về Covid-19.
Số tử vong cũng vẫn cao: Theo thống kê Đại Học Johns Hopkins, vào hôm qua đã có thêm 927 người chết tại Mỹ vì Covid-19, khiến tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay chạm ngưỡng 140.000 trường hợp vào tối hôm qua, chính xác là 139 128 ca.
Tình hình nghiêm trọng đến mức mà tại hai bang Texas và Arizona chẳng hạn, chính quyền địa phương đã phải chuẩn bị xe tải đông lạnh để tăng cường sức chứa của các nhà xác.
Trong tình hình virus corona hoành hành dữ dội tại Mỹ, Nhà Trắng lại cho thấy ý định muốn kiểm soát dữ liệu về Covid-19.
Những dữ liệu về virus corona tại Mỹ cho đến nay do Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC tập trung. Các bệnh viện từ đây sẽ phải  cung cấp các dữ liệu thẳng cho Nhà Trắng. Vào lúc mà cách xử lý của chính quyền rất bị chỉ trích, nhiều người e ngại tình hình dịch bệnh sẽ không còn được thông báo minh bạch.
Thông tín viên RFI, Loubna Anaki cho biết chi tiết :
Số người xét nghiêm, nhập viện, đang được chăm sóc tích cực, thiệt mạng, nhu cầu về thiết bị  và thuốc men… kể từ hôm thứ Tư, đều phải chuyển thẳng đến bộ Y Tế và Nhà Trắng.
Cách làm này, theo chính quyền, sẽ hữu hiệu hơn là hệ thống mà cơ quan CDC sử dụng. Bác sĩ Georges Benjamin, đứng đầu hiệp hội Mỹ về y tế công cộng, không hiểu sự thay đổi này.
Ông nói : « Khi người ta đang ở vào tâm điểm một cuộc khủng hoảng, thì không phải là lúc thay đổi triệt để các hệ thống thu thập dữ liệu. Từ 48 tiếng đồng hồ qua, tình hình đã rất hỗn loạn ».
Nếu giám đốc của CDC bảo đảm là cùng làm việc với Nhà Trắng, nhiều người nhìn thấy trong sự thay đổi này một cử chỉ chính trị nhằm giảm đi vài trò của CDC. Những thông tin mà trung tâm này tập trung, được công bố công khai. Nhà Trắng đã không cam kết sẽ làm như thế.
Bác sĩ Benjamin ghi nhận : « Việc tiếp cận các dữ liệu đã không được đảm bảo. Chúng ta sẽ phải đấu tranh với chính quyền để có được sự minh bạch như trước đây ».
Một số nhà phân tích còn đi xa hơn, nói đến một sự kiểm soát của Nhà Trắng mà cách xử lý khủng hoảng bị chỉ trích khắp mọi nơi. Nắm số liệu tức là nắm cách thông tin về dịch bệnh trong nước.

Mỹ: Số ca nhiễm tăng vọt, một số bang

 vẫn ngần ngại ra lệnh đeo khẩu trang

Trong khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tiếp tục gia tăng lên mức kỉ lục, một số bang vẫn ngần ngại ban hành sắc lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng, viện dẫn lý do không thể cưỡng hành và xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Hiện 28 trên 50 bang của Mỹ và khu vực thủ đô Washington đã ban hành sắc lệnh đeo khẩu trang che mặt nơi công cộng, theo thống kê của CNN. Biện pháp này được áp dụng giữa lúc số ca nhiễm Covid tăng mạnh sau khi những hạn chế liên quan tới dịch bệnh được dỡ bỏ ở hầu hết các bang vào tháng 5 và tháng 6.
Sự bất nhất về chính sách giữa các bang càng được nêu bật khi Mỹ lập kỉ lục toàn cầu về số ca nhiễm mới hàng ngày, với 77.000 ca trong ngày 16/7, nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên hơn 3,5 triệu với gần 140.000 người chết, theo Reuters.
Các chuyên gia y tế công kêu gọi các chính trị gia và công chúng che mặt để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, Anthony Fauci, ngày 17/7 cho biết “sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo – các nhà lãnh đạo chính trị địa phương ở các bang và thành phố và thị trấn – hãy thúc bách mạnh mẽ nhất có thể để công dân của họ đeo khẩu trang.”
Thống đốc bang Georgia, Brian Kemp, ngày 17/7 kêu gọi người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, hai ngày sau khi ông ra sắc lệnh hành pháp ngăn cấm các quan chức địa cưỡng hành các quy định riêng của họ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đó, hôm 16/7, vị thống đốc theo Đảng Cộng hòa đã kiện thị trưởng Atlanta, Keisha Lance Bottoms, người theo Đảng Dân chủ, và các thành viên của Hội đồng Thành phố Atlanta, vì đã ra lệnh cho mọi người phải đeo khẩu trang.
“Bạn gửi đi thông điệp gì khi bạn ra sắc lệnh mà người ta sẽ không cưỡng hành?” ông Kemp nói. “Tôi hết sức lo ngại về những người trẻ tuổi và những người khác quá lệ thuộc vào chính phủ đến nỗi chúng ta mất đi nền tảng lập nên đất nước này, và đó là quyền tự do và cơ hội cho bất cứ ai.”
Thị trưởng Bottoms, đã xét nghiệm dương tính với virus corona, nói với CNN hôm 17/7 rằng “Hơn 130.000 người ở bang của chúng tôi đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hơn 3.100 người đã thiệt mạng và … thống đốc này đang lấy tiền của người nộp thuế để kiện cá nhân tôi.”
Bà Lý Thị Thái, cựu Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam Georgia, sống cách thành phố Atlanta 20 dặm, nói bà rất lo ngại về tình hình dịch bệnh lây lan ở bang này và bà ủng hộ một sắc lệnh bắt buộc mọi người đeo khẩu trang vì sức khỏe của cả cộng đồng.
“Chúng ta sống ở một chế độ quá là tự do. Hễ mà đụng tới quyền lợi hay vấn đề cá nhân thì [nhà chức trách] không bao giờ làm mạnh cái gì hết,” bà nêu quan điểm. “Tôi thấy ông Brian Kemp hơi yếu, không bằng bà thị trưởng Atlanta.”
Bà Thái nhận thấy sự cần thiết của một sắc lệnh đeo khẩu trang không chỉ ở nơi bà sinh sống mà ở hầu hết 50 bang của Mỹ. Sở dĩ dịch bệnh đang lây lan nhanh như vậy là do nhà chức trách “thả lỏng” và ngần ngại không áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hoặc kỉ luật, bà nói.
“Muốn nền kinh tế vực lên chúng ta phải làm gì? Mọi người dân đều phải có bổn phận và trách nhiệm gìn giữ sức khỏe để dịch bệnh không lây lan cho người khác.”
Đeo khẩu trang và che mặt là cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu sự lây lan của virus corona từ người sang người, theo kết luận của một nghiên cứu mới đây.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Texas và California đã so sánh khuynh hướng tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở Ý và New York cả trước và sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Cả hai địa điểm bắt đầu thấy tỉ lệ nhiễm giảm xuống sau khi các biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc được ban hành, theo nghiên cứu được đăng ngày 11/6 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng đeo khẩu trang đã giúp ngăn chặn được hơn 78.000 ca nhiễm ở Ý trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến ngày 9/5 và hơn 66.000 ca nhiễm ở thành phố New York trong khoảng thời gian từ 17/4 đến 9/5.
Sau một thời gian từ chối đeo khẩu trang và từng mỉa mai việc đối thủ chính trị Joe Biden đeo khẩu trang, Tổng thống Donald Trump, trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 14/7, đã lên tiếng thúc giục người dân Mỹ mang trang bị bảo hộ này để ngăn virus corona lây lan.

Chuyên gia yêu cầu chính phủ Mỹ

bảo đảm nguồn cung cấp thuốc remdesivir

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ tuần này yêu cầu chính phủ liên bang “sử dụng tất cả quyền hạn” để đảm bảo có nguồn cung cấp đầy đủ thuốc remdesivir chống COVID trong lúc số người nhiễm virus corona tiếp tục gia tăng.
Trong thư gửi Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Alex Azar, Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) bày tỏ quan ngại trước thực tế rằng các nước phát triển đều đang dựa vào một nhà bào chế duy nhất để có được một loại thuốc duy nhất tới nay chứng tỏ hữu hiệu chống lại COVID.
Remdesivur do công ty Gilead Sciences bào chế. Hãng thuốc này đã cam kết cung cấp 500.000 liều thuốc chữa trị cho HHS để phân phối cho các bệnh viện Mỹ vào tháng 7, 8 và 9. Công ty cũng cấp phép remdesivir cho một số công ty dược để bán tại 127 nước có thu nhập thấp.
“Chúng tôi thúc đẩy chính quyền hoàn toàn vận dụng tất cả quyền hạn hiện có kể cả Luật Sản xuất Quốc phòng và những công cụ khác để đảm bảo cung cấp đủ thuốc remdesivir,” IDSA nói.
Công ty Gilead ra giá thuốc 5 ngày chữa trị là 3.120 đô la cho các hãng bảo hiểm Mỹ.
IDSA nói thuốc remdesivir, có sẵn kể từ tháng 5 được Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp, là một công cụ thiết yếu để giảm bớt căng thẳng trong các bệnh viện.
Một vài tiểu bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ chịu tác hại nặng nề vì COVID báo cáo đang cạn kiệt thuốc này, khiến HHS tháng này phải chuyển khẩn cấp thuốc cho Florida, Texas, California, và Arizona.
“Chúng tôi lo ngại là mức cung cấp hiện tại thuốc remdesivir không đủ, đặc biệt trong bối cảnh các ca virus đang gia tăng tại nhiều tiểu bang và có thể tiếp tục gia tăng vào mùa thu và mùa đông,” IDSA nói trong thư.

Chính quyền thành phố Manhattan Beach,

California có thể phạt

người không đeo khẩu trang đến 350 Mỹ kim

Một lệnh khẩn cấp mới có hiệu lực ở thành phố Manhattan Beach, California  hôm thứ Tư (15/07/2020) có thể khiến người dân bị phạt hàng trăm Mỹ kim, nếu họ vi phạm lệnh bắt buộc đeo khẩu trang của quận. Nhiều người dân trong thành phố đã phớt lờ lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng, khiến chính quyền phải ra quyết định này vì lợi ích của sức khỏe và an toàn công đồng.
Người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 100 Mỹ kim, tái phạm lần hai phạt 200 Mỹ kim, lần ba sẽ bị phạt 350 Mỹ kim. Họ sẽ nhận vé phạt hành chính, nghĩa là việc vi phạm sẽ không bị lưu giữ trong hồ sơ lý lịch phạm tội. Tuy nhiên, lệnh này cũng cho phép hành vi vi phạm có khả năng bị truy tố là tội nhẹ.
Theo trung sĩ Tim Zins, phát ngôn viên của sở cảnh sát Manhattan Beach, họ sẽ thực thi lệnh mới, nhưng các viên chức vẫn đang tìm cách thực hiện nó mà không gây nguy hiểm cho cảnh sát. Theo tờ Los Angeles Times, hồi tháng 04/2020, ít nhất 129 người đã vi phạm các quy định khoảng cách xã hội của Manhattan Beach và bị phạt lên tới 1,000 Mỹ kim. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được miễn chấp hành lệnh đeo khẩu trang của Manhattan Beach, bao gồm trẻ em dưới 2 tuổi, những người mắc bệnh hoặc khuyết tật khiến họ không thể đeo khẩu trang, những người khiếm thính hoặc cần giao tiếp với ai đó.
Ngoài ra, người đang bơi hoặc tham gia vào các hoạt động dưới nước cũng không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, bất cứ ai ngồi trong một nhà hàng đều phải che mũi và miệng bất cứ khi nào họ không chủ động ăn hoặc uống. (BBT)

Thống Đốc Newsom: hầu hết các quận

miền Nam California sẽ không được mở lại các lớp

học trực tiếp trừ khi dữ kiện coronavirus được cải thiện

Tin từ Sacramento.–  Thống đốc Gavin Newsom, hôm thứ Sáu 17 tháng 07, tuyên bố chỉ các trường học công cộng trong các quận nằm ngoài danh sách theo dõi coronavirus của tiểu bang trong hai tuần liền sẽ được phép mở lại cho các lớp học trực tiếp khi năm học tiếp theo bắt đầu. Còn không hội đủ điều kiện nói trên thì các trường phải bắt đầu năm học vào mùa thu này thông qua việc học từ xa.
Có ít nhất 31 trong số 58 quận của California, bao gồm hầu hết ở Nam California, đang được các viên chức tiểu bang theo dõi về mức lây lan coronavirus đang tăng cao – những quận này đã nhận được những hạn chế nghiêm ngặt hơn từ thống đốc.
Ông Newsom cho biết, trong các trường học mở cửa trở lại, tất cả nhân viên và học sinh từ lớp ba trở lên phải đeo khẩu trang, trong khi trẻ nhỏ được khuyến khích đeo khiên che mặt. Tất cả những người trong trường phải duy trì khoảng cách ít nhất 6 feet so với những người khác và bắt đầu ngày mới bằng việc kiểm tra nhiệt độ, theo hướng dẫn của tiểu bang. Các trường học sẽ phải liên tục vệ sinh trong khuôn viên trường và có các cách thức kiểm dịch để hạn chế sự lây lan của virus.
Thống đốc cho biết nhân viên nhà trường sẽ phải được xét nghiệm tìm coronavirus trên cơ sở luân phiên.  Một số học khu đã quyết định bắt đầu năm học với việc học trực tuyến, bao gồm các học khu Los Angeles, Long Beach, San Diego, San Francisco, Sacramento và Oakland.
Tại Quận Cam, học khu Santa Ana và hai quận Anaheim đã chọn tiếp tục học trực tuyến khi năm học bắt đầu, trong khi Học khu Irvine cho phụ huynh bốn ngày để chọn giữa ba mô hình học tập, bao gồm học hỗn hợp. (BBT)

Các chủ tiệm cắt tóc nam và nữ đề nghị  Thống Đốc

Newsom cho phép mở lại dịch vụ ở ngoài trời

Tin từ Los Angeles – Một số chủ tiệm cắt tóc nam và nữ, cùng các doanh nghiệp làm đẹp khác đang đề nghị thống đốc California, Gavin Newsom cho phép họ mở lại dịch vụ ở ngoài trời trong đại dịch. Các cửa tiệm làm đẹp cho biết họ muốn mở lại và cung cấp dịch vụ trong bãi đậu xe và vỉa hè như các nhà hàng. Luật pháp hiện hành của tiểu bang quy định rằng các thẩm mỹ viện phải thực hiện dịch vụ của họ trong một cơ sở được cấp phép.
Trong cuộc họp trực tuyến với vài chủ tiệm làm đẹp, ủy viên Hội đồng California Jim Patterson cho hay ông sẽ gửi thư cho thống đốc Newsom để đề nghị ông cho phép các tiệm cắt tóc, làm đẹp thực hiện dịch vụ của họ ngoài trời.
Theo bà Christina Maniaci, chủ tiệm làm tóc ở thành phố Redondo Beach, bà đã sẵn sàng chuyển toàn bộ vật liệu của tiệm ra ngoài trời. Cũng như nhiều chủ tiệm khác, bà Maniaci đã thực hiện một số điều chỉnh trong cách vận hành doanh nghiệp. Một số người lo ngại rằng việc đóng cửa doanh nghiệp kéo dài có thể khiến một số chủ và nhân viên tiệm làm tóc phải làm chui bất hợp pháp.  (BBT)

Các quận chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch

của tiểu bang Arizona và Texas

phải thuê xe vận tải đông lạnh để chứa xác

Vào hôm thứ Năm (16 tháng 7), các quận bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19 của tiểu bang Arizona và Texas đang thuê xe vận gải đông lạnh để chứa xác bệnh nhân, do các nhà xác đang sắp hết chỗ chứa. Quận Maricopa của tiểu bang Arizona cần đến 14 xe đông lạnh để chứa đến 280 xác.
Theo phụ tá giám đốc y tế thành phố San Antonio, ở Texas, thành phố San Antonio và quận Bexar đã thuê 5 xe vận tải đông lạnh để chứa tới 180 xác khi các nhà xác, bệnh viện và nhà quàng đang dần hết chỗ. Hồi tháng 04/2020, New York cũng đã dùng đến hàng chục thùng xe đông lạnh khi số ca tử vong do COVID-19 vượt ngưỡng 700 ca/ngày. Việc Arizona và Texas làm điều tương tự cho thấy các quận miền nam Hoa Kỳ đang dần mất kiểm soát đại dịch.
Hôm thứ Năm (16/07/2020), tiểu bang Texas báo cáo 10,457 ca nhiễm COVID-19 mới, cùng số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, 129 ca. Theo các hãng tin địa phương, quận Cameron và Hildago của tiểu bang đang chia sẻ một thùng xe vận tải để chứa xác bệnh nhân coronavirus.
Ở quận Maricopa, các thùng đông lạnh sẽ được đặt ở văn phòng nhân viên y tế xét nghiệm, địa điểm chứa đến 20% số thi thể của quận. Cùng ngày, bệnh viện Abrazo Health Network ở thành phố Phoenix vẫn còn chỗ trong nhà xác nhưng vẫn thuê thêm thùng đông lạnh để mở rộng sức chứa khi cần thiết. (BBT)

Chính quyền Tổng Thống Trump

miễn hạn chếđi lại do dịch coronavirus

đối với du học sinh Châu Âu

Tin từ Washington – Vào hôm thứ Năm (16 tháng 7), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với văn phòng quốc hội rằng du học sinh từ Châu Âu sẽ được miễn hạn chế đi lại mà Hoa Kỳ đã áp đặt do đại dịch coronavirus.
Theo Reuter, Bộ Ngoại giao cũng đã nói với các nhà lập pháp rằng họ cũng sẽ miễn hạn chế cho một vài trường hợp đi theo chương trình au pair và người thân gia đình của người đã có visa Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực dần mở cửa biên giới trở lại với quốc tế sau nhiều tháng hạn chế do đại dịch.
Từ tháng 03/2020, tổng thống Trump đã cấm du khách từ hầu hết các quốc gia Châu Âu khi số ca nhiễm COVID-19 của lục địa gia tăng nhanh chóng, trước khi dịch bệnh hoành hành ở Hoa Kỳ. Vào tháng trước, Liên minh châu Âu bắt đầu cho phép đi du khách nhập cảnh từ một số quốc gia hạn chế, nhưng du khách từ Hoa Kỳ vẫn bị cấm do quốc gia này có số ca nhiễm coronavirus tăng nhanh trong những tuần gần đây.
Hoa Kỳ quyết định cho phép du học sinh từ châu Âu vài ngày sau khi chính quyền tổng thống Trump đồng ý từ bỏ chính sách có thể buộc hàng chục ngàn du học sinh rời Hoa Kỳ, nếu họ chỉ học trực tuyến. Chính quyền tổng thống quyết định bỏ chính sách sau khi bị nhiều đại học lớn kiện và nhận áp lực từ các công ty kinh doanh và công nghệ.
Trung Cộng, Brazil và Iran cũng bị hạn chế du lịch tương tự, nhưng du học sinh từ các quốc gia đó không được Hoa Kỳ miễn hạn chế. Du học sinh từ Châu Âu đã có visa du học tại Hoa Kỳ sẽ được miễn hạn chế. Bộ Ngoại giao cũng cho biết vợ/chồng và con của một số lao động nước ngoài đến Hoa Kỳ cũng có thể được miễn hạn chế, trong đó có vợ hoặc chồng của lao động lành nghề có visa H-1B. (BBT)

Các hạn chế du lịch không cần thiết được

gia hạn tại biên giới của Hoa Kỳ với Canada, Mexico

Tin từ WASHINGTON/OTTAWA – Vào hôm thứ Năm (16/7), Canada và Hoa Kỳ công bố rằng các hạn chế đối với việc đi lại không cần thiết tại biên giới đất liền của Hoa Kỳ với Canada và Mexico sẽ được gia hạn đến ngày 21 tháng 8.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ Chad Wolf tuyên bố quyết định gia hạn 30 ngày trên Twitter, và cho biết rằng sự hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng cho phép họ phản ứng với COVID-19 theo cách tiếp cận của Bắc Mỹ và làm chậm sự lây lan liên quan đến du lịch của virus.
Vào hôm thứ Hai (13/7), Reuters đưa tin rằng Canada và Hoa Kỳ sẵn sàng gia hạn một lệnh cấm được áp đặt để chống lại sự bùng phát của coronavirus. Các luật này, lần đầu tiên được ban hành vào tháng 3, liên tục được gia hạn theo từng đợt 30 ngày. Những hạn chế này không bao gồm việc giao thương qua biên giới Hoa Kỳ-Canada trải dài 5,525 dặm (8,891 km) hoặc du lịch hàng không. Lượng hành khách giảm từ 90% trở lên tại nhiều cửa qua biên giới và các điểm du lịch phổ biến dọc biên giới Hoa Kỳ.
Vào tháng Năm, lưu lượng hành khách ở Detroit giảm còn 45,000 người, so với 502,000 hành khách trong tháng Hai. Tại San Ysidro, California, ở biên giới Hoa Kỳ – Mexico, lượng hành khách và người đi bộ giảm từ hơn 2.9 triệu người qua lại trong tháng Hai xuống còn 1.3 triệu người trong tháng Năm. Các hạn chế này không áp dụng cho khách du lịch đang đi làm hoặc những người đi du lịch vì lý do chăm sóc gia đình, giáo dục hoặc nhân đạo. (BBT)

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho biết gói viện trợ

coronavirus sẽ có giá trị ít nhất 1.3 ngàn tỷ Mỹ kim,

nhưng con số đó vẫn là chưa đủ

Hôm thứ Năm (16 tháng 7), chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cần phải giải quyết một vài tranh cãi về những gì cần được bổ sung trong gói viện trợ coronavirus tiếp theo, giữa lúc đại dịch đang hoàng hành Hoa Kỳ, và các gói trợ cấp tài chính đang sắp hết hạn.
Các nhà lãnh đạo trong Hạ viện và Thượng viện đều thừa nhận họ cần phê duyệt thêm viện trợ, vừa để chống lại căn bệnh chết người, vừa hỗ trợ nền kinh tế và giáo dục. Nhưng chỉ với khoảng hai tuần cho đến khi Quốc hội có kế hoạch nghỉ hè ở Washington trong suốt tháng 08/2020, bà Pelosi vẫn nhìn thấy sự thiếu hụt mà cả bà và đảng Cộng hòa đang muốn cung cấp.
Hôm thứ Tư (15/07/2020), lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết Thượng viện dự định sẽ công bố kế hoạch viện trợ vào tuần sau, trong đó trẻ em trong trường học, việc làm và chăm sóc sức khỏe sẽ là trọng tâm của gói dự luật viện trợ. Khi bà Pelosi thúc đẩy bổ sung thêm gói trợ cấp thất nghiệp cho cá nhân, ông McConnell nói ông cũng sẵn sàng thực hiện điều đó, nhưng các nhà lập pháp phải xem xét về giới hạn, để xem ai sẽ được nhận trợ cấp. Cả 2 lãnh đạo đều kêu gọi chi viện trợ liên bang hoặc biện pháp khuyến khích để mở lại trường học an toàn nhất có thể vào mùa thu.
Quốc hội chỉ có vài ngày để ngăn hàng triệu người Hoa Kỳ bị thất nghiệp cạn kiệt tài chính, vì trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 Mỹ kim/tuần sẽ hết hạn vào cuối tháng.  Trong khi đảng Dân chủ muốn gia hạn trợ cấp thất nghiệp, thì các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông McConnell và tổng thống Trump muốn kết thúc nó vì nó khiến một số người nhận được nhiều tiền hơn so với lúc họ còn làm việc. Chưa rõ các nhà lập pháp sẽ tạo gói trợ cấp như thế nào, khi nhiều người vẫn đang vật lộn trang trải chi phí sau khi mất việc. (BBT)

Joe Biden cảnh báo Nga đang tìm cách

can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ

Joe Biden, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ chưa tuyên bố chính thức, ngày thứ Sáu cho biết ông đang có các buổi họp báo cáo tình báo, và được cho biết Nga tiếp tục tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang tiến hành các hoạt động được “thiết kế để chúng ta mất niềm tin vào kết quả” của cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden nói với những người ủng hộ trong một buổi gây quỹ trực tuyến cho chiến dịch tranh cử của mình.
“Chúng ta đã biết từ trước, và tôi bảo đảm với quý vị rằng tôi biết bây giờ, vì hiện tôi có các cuộc họp báo cáo tình báo. Người Nga vẫn đang cố gắng phá hoại tính chính danh của quá trình bầu cử của chúng ta. Đó là dữ kiện có thật,” ông Biden nói.
Ông cảnh báo rằng nếu Nga tiếp tục can thiệp thì họ sẽ “thật sự trả giá” nếu ông chiến thắng cuộc bầu cử tháng 11 trước Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Không rõ ông Biden bắt đầu có các buổi họp báo cáo tình báo từ khi nào. Các buổi họp này là bình thường đối với các ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn.
Ông Biden cho biết trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6 rằng ông chưa được cung cấp báo cáo mật và “rất có thể” yêu cầu được báo cáo sau khi ông Trump không có hành động gì về các báo cáo tình báo cho biết Nga đã treo tiền thưởng cho Taliban giết chết binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.
Vị cựu phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích ông Trump về tin tức cho hay ông Trump không đọc các báo cáo tình báo.
Nhiều cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đã hành động để giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, một cáo buộc mà Nga phủ nhận và ông Trump đã liên tục đả kích là một vụ lừa bịp.

Mike Pence: Nếu Tổng thống Trump

không tái đắc cử,

Joe Biden sẽ đưa Mỹ sang ‘chủ nghĩa xã hội’

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm thứ Sáu (17/7) bình luận rằng nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, thì ông Biden sẽ thực thi các chính sách đưa Mỹ hướng sang chủ nghĩa xã hội.
Ông Biden, cấp phó của Tổng thống Barrack Obama, không công khai vận động cho chủ nghĩa xã hội như các đảng viên Dân chủ khác, trong đó có thượng nghị sỹ Bernie Sanders, người tự xưng là “theo chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Ông Sanders đã từ bỏ vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 4/2020,
sau khi một cuộc khảo sát của NPR/PBS NewsHour/Marist cho thấy đa số người Mỹ trả lời rằng họ không có thiện cảm với chủ nghĩa xã hội.
Dù vậy, chương trình nghị sự “Đoàn kết” (Unity agenda) mà ông Biden đang vận động lại phản ánh tư tưởng của ông Bernie Sanders, theo Phó Tổng thống Pence.
“Biden và Sanders gần đây đã công bố một tài liệu từ Lực lượng đặc nhiệm Đoàn kết của họ, trong đó phác thảo chương trình nghị sự của họ dành cho đất nước”, Tổng thống Pence phát biểu tại Wisconsin hôm 17/7, theo thông cáo của Nhà Trắng.
Ông Pence nói: “Tôi tưởng Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nhưng nhìn vào chương trình nghị sự đoàn kết của họ, tôi thấy có vẻ Bernie đã thắng”.
Phó Tổng thống Pence bình luận rằng ông Biden tựa như “một con ngựa thành Troia cho một chương trình nghị sự cấp tiến”. Ông Pence nói chương trình nghị sự của ông Biden và Sanders dựa trên “sự kiểm soát”, thay vì “tự do”.
“Cánh tả cực đoan tin rằng chính phủ liên bang phải tham gia vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta”, ông Pence nói. “Chương trình nghị sự của họ là dựa trên sự kiểm soát. Còn chương trình nghị sự của chúng tôi là dựa trên sự tự do.”
Phó Tổng thống Pence so sánh: Tổng thống Trump cắt giảm thuế, còn ông Biden sẽ tăng thuế; ông Trump cắt giảm các quy định, còn ông Biden sẽ tạo ra nhiều quy định như một trận “lở tuyết” làm nghẹt thở nền kinh tế.
Ông Pence chỉ ra rằng Tổng thống Trump đã đứng lên chống lại Trung Quốc, còn ông Biden thì “giả vờ cứng rắn với Trung Quốc”.
Ông Pence nói tiếp: “Joe Biden ủng hộ biên giới mở toang, chấm dứt trục xuất, cung cấp luật sư miễn phí và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người nhập cư bất hợp pháp, tất cả những chi phí đó là lấy từ túi của những người nộp thuế ở Mỹ”.
Ông Pence nhấn mạnh các cử tri Mỹ đang đứng trước 2 lựa chọn: “Con đường của chúng tôi dẫn đến tự do và cơ hội. Con đường của họ dẫn đến chủ nghĩa xã hội và suy tàn”.
Ông Pence cam kết: “Với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng thêm 4 năm nữa, chúng ta sẽ khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại, vĩ đại hơn nữa”.

AP: TT Trump muốn lập lại lịch sử

trong một năm rất khác so với 2016

Có nhiều lý do tại sao năm 2020 là một năm vận động tranh cử rất khác đối với Tổng thống Trump, so với năm 2016, một bài phân tích của hãng tin AP viết.
Đứng đầu là vị thế riêng của chính ông Trump. Năm 2016, ông ra tranh cử trong tư cách một người ngoài cuộc, một người có thể lay chuyển Washington và đóng góp sự nhạy bén của một doanh nhân. Bây giờ, ông là người lèo lái đất nước ở Washington vào thời điểm khi mà đất nước đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Theo một số đảng viên Cộng hòa, vấn đề cần được giải quyết không phải là cách vận động, mà vấn đề là cá nhân ông Trump.
“Tổng Thống Trump đã làm cho rất nhiều người xa lánh ông đến nỗi thành phần cử tri tiềm năng có thể ủng hộ ông đang co cụm, còn quá ít người để có thể giúp ông giành chiến thắng, đảng viên Cộng hòa Brendan Buck, từng cố vấn cho cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nói. Quản lý chiến dịch tốt sẽ không đủ, nếu tình trạng này không thay đổi.
Hãng tin AP cho rằng trong những tháng gần đây, ông Trump dường như không còn đồng hành với hầu hết người Mỹ. Ông tuyên bố đã chiến thắng đại dịch corona giữa lúc các ca nhiễm lại tăng vọt tại một số khu vực mới trên toàn quốc. Ông tỏ ra ít quan tâm tới việc cải cách lực lượng cảnh sát một cách cụ thể, mà thay vào đó tập trung phần lớn năng lượng của mình vào việc bảo vệ các di tích của Liên minh miền Nam – vốn có lập trường duy trì chế độ nô lệ.
Trong vòng riêng tư, chiến dịch vận động của ông Trump và các cố vấn khác thừa nhận tình hình đang rất tồi tệ và không có dấu hiệu cải thiện. Ban vận động của Tổng Thống Trump lo lắng về mức độ ủng
hộ trong chính các đảng viên Cộng hòa cũng như thành phần độc lập ôn hòa, trong giới phụ nữ và thành phần cử tri da trắng lớn tuổi.
Hôm thứ Tư, việc quản trị viên chiến dịch vận động Brad Parscale bị cách chức là một sự thừa nhận rõ ràng nhất rằng phải thay đổi đường hướng vận động. Ông Bill Stepien, một nhân vật Đảng Cộng hòa có nhiều kinh nghiệm, đã được chọn lên thay thế.
Ông này kêu gọi cử tri hãy tiếp tục gắn bó với Tổng Thống Trump qua cơn suy thoái đi kèm với đại dịch.
Chiến dịch này cũng ngả về những lập luận phân chia sắc tộc hầu như không che đậy mà ông Trump đã sử dụng sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối sự mạnh tay của cảnh sát đối với người da đen, với cảnh báo về tình trạng bạo lực tại các thành phố có đông người thuộc thành phần thiểu số.
Bên cạnh đó, chiến dịch vận động của Tổng Thống Trump cũng đang gặp khó khăn trong việc phát động một cuộc tấn công nhắm vào đối thủ Joe Biden.
Sau nhiều tháng cố gán nhãn cho ông Biden là một nhân vật đã quá thời, và ‘sleepy’- buồn ngủ, các cố vấn hối thúc ông Trump tập trung vào hai mũi tấn công chính: cáo buộc ông Biden mềm mỏng với Trung Quốc, đồng thời, coi ông Biden là “con rối” của phe Dân chủ cấp tiến, bất chấp ông Biden, dựa trên quá trình hoạt động, được biết tiếng là một người ôn hòa.
Vì những hạn chế do đại dịch, chiến dịch của Biden nhận thức rõ tầm quan trọng quá khổ của ba cuộc tranh luận vào mùa thu này.
Priority USA, nhóm chính trị vận động ủng hộ ông Biden, dự kiến, nếu mất đi một tỷ lệ ủng hộ nhỏ trong giới cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động hoặc một sự sụt giảm nhỏ trong số các cử tri thiểu số đi bầu trong tháng 11, cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc cũng sẽ nghiêng về phía có lợi cho tổng thống đương nhiệm.

Bộ Quốc Phòng cấm treo cờ Liên Minh Miền Nam

tại các căn cứ quân sự

Tin Washington DC – Vào thứ Sáu, 17 tháng 7, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã chính thức cấm treo cờ của Liên minh miền Nam thời nội chiến Hoa Kỳ tại các căn cứ quân sự, nói rằng các lá cờ phải thể hiện được các nguyên tắc của quân đội, bao gồm trật tự, kỷ luật, tôn trọng mọi người, và từ chối mọi biểu tượng gây chia rẽ.
Trong thông báo, Bộ Trưởng Esper không đặc biệt nhắc đến cờ của Liên minh miền Nam, nhưng nói rằng lá cờ Hoa Kỳ là lá cờ tiêu chuẩn mà quân đội cho phép và khuyến khích trưng bày. Quyết định của Bộ Quốc Phòng được đưa ra giữa lúc dư luận Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến vấn đề kỳ thị chủng tộc, sau cái chết của người đàn ông da đen tên George Floyd hồi tháng 5.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ngũ Giác Đài đã chú ý đến các biểu tượng của Liên minh miền Nam từ trước đó, khi chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến, Tướng David Berger, vào tháng 4 đã ra lệnh cấm trưng bày cờ của Liên minh miền Nam tại các căn cứ thuộc lực lượng của ông.
Theo thông báo của Bộ Trưởng Esper, ngoài cờ Hoa Kỳ, một số lá cờ khác cũng được quân đội cho phép bao gồm cờ của các tiểu bang, các binh chủng, các văn phòng tướng lãnh và các viên chức được bổ nhiệm, cờ vinh danh tù nhân chiến tranh và binh sĩ tử trận, cờ của các đồng minh Hoa Kỳ, và cờ của các tổ chức mà Hoa Kỳ là thành viên. Cờ của Liên minh miền Nam không xuất hiện trong danh sách quân đội được chấp thuận. (Ngô Bảo)

Lính cứu hỏa dập tắt cháy tàu Hải Quân Hoa Kỳ

 đậu ở San Diego thành công

Tin từ Los Angeles, California – Vào hôm thứ Năm (16 tháng 7), một đô đốc hàng đầu Hải quân Hoa Kỳ cho biết toàn bộ đám cháy trên tàu chiến của Hải quân đã được dập tắt, những chưa rõ liệu tình trạng tàu Bonhomme Richard có còn cứu vãn được hay không.
Chuẩn đô đốc Philip Sobeck ở căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở San Diego cho hay lính cứu hỏa đã kiểm tra khắp ngóc ngách chiếc tàu dài 844 feet (256m) để bảo đảm toàn bộ ngọn lửa đã được dập tắt, trước khi bắt đầu cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Ngọn lửa bùng phát vào sáng Chủ nhật (12 tháng 7), theo sau là ít nhất một vụ nổ lớn trên tàu.
Tàu chiến Bonhomme Richard được đưa vào hoạt động năm 1998 và được đặt tên theo cuộc chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ. Theo ông Sobeck, tổng cộng 63 người, gồm 40 thủy thủ và 23 thường dân đã được điều trị cho những vết thương nhẹ, trong bốn ngày chữa cháy từ đất liền, trên không và trên biển, nhưng không có ai cần phải nhập viện.
Tàu Bonhomme Richard bị thiệt hại nặng nề từ hỏa hoạn, khiến chiếc tàu bị nghiêng về mạn phải, cấu trúc thượng tầng của chiếc tàu sụp đổ và tan chảy. Ông Sobeck cho rằng con tàu có thể được sửa chữa để trở lại làm nhiệm vụ, nhưng Hải quân vẫn chưa quyết định có thực hiện nhiệm vụ khó khăn này hay không.
Theo Hải quân,  vào thời điểm ngọn lửa bùng phát, chiếc tàu đang được sửa chữa, vì vậy chỉ có khoảng 160 trong số 1,000 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu, và tất cả các loại đạn lớn đã được gỡ bỏ. (BBT)

Chủ tịch Microsoft:

Thế giới đối mặt thách thức việc làm ghê gớm

Simon Jack
Ông Smith nói việc Huawei sử dụng các sản phẩm của Microsoft không gây ra bất kỳ rủi ro an ninh nào
Thế giới đang phải đối mặt với thách thức ghê gớm về việc làm với gần một phần tư tỷ người sẽ mất việc trong năm nay, chủ tịch Microsoft nhận định.
Ông Brad Smith nói hàng triệu người sẽ phải học các kỹ năng mới để tìm việc, hay thậm chí để giữ được việc cũ, trong lúc việc số hóa các nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Microsoft gần đây thông báo một chương trình dạy kỹ năng và đào tạo tới 25 triệu người trên toàn cầu trong năm nay.
Hãng này sẽ cung cấp đào tạo, dạy kỹ năng, cấp chứng chỉ và giúp người học tìm việc.
Microsoft sẽ thực hiện chương trình này với sự trợ giúp của LinkedIn, thuộc sở hữu của chính hãng. Tuy nhiên, ông Smith thừa nhận nhiều việc làm ở nhiều nước sẽ vượt quá tầm vươn của đào tạo số.
“Đúng thực là bản chất của công việc là rất khác nhau trên thế giới. Không phải việc nào cũng có thể số hóa, nhất là ở các nước đang phát triển.
“Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng về internet – nếu chúng ta không làm gì [để thay đổi], chúng ta sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề bất bình đẳng khác mà chúng ta đang lo ngại. Đây là một nhiệm vụ vượt khỏi tầm của một công ty hay một chính phủ nhưng nếu chúng ta có thể vươn tới 25 triệu người, chúng ta sẽ thấy mình đều góp phần.”
Microsoft sẽ chi 20 triệu USD cho chương trình này, một khoản có vẻ như tương đối nhỏ đối với một hãng mà giá trị đã tăng thêm 500 tỷ USD trong năm qua.
Khung cảnh bên ngoài cửa hàng Microsoft, hiện đóng cửa, ở Oxford Circus, London
Nếu các hãng công nghệ có vẻ nhiều quyền lực trước đại dịch Covid-19, giờ đây họ lại càng đế vương. Chỉ năm hãng đã chiếm tới 20% giá trị chỉ số S&P 500. (Chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor). Liệu ông Smith có hiểu vì sao nhiều hãng công nghệ lớn có quá nhiều quyền lực và cần phải được kiểm soát?
“Công nghệ là một công cụ đầy sức mạnh nhưng cũng có thể là một vũ khí nguy hiểm khi trao nhầm tay,” ông nói. “Vì vậy đây là thời điểm chủ chốt cho công nghệ, nó có trách nhiệm cao hơn bao giờ hết.”
“Tôi nghĩ mọi người có nhiều câu hỏi hơn bao giờ và đó không phải là điều tồi. Để đảm bảo công nghệ là một thế lực cho điều thiện, các chính phủ cần hành động nhanh chóng để xây dựng luật pháp về công nghệ. Trong khi đó, các hãng công nghệ cần tự kiểm soát một chút.”
‘Không có gì có thể giải quyết được nếu không có chúng tôi’
Đạt được thỏa thuận toàn cầu về việc điều tiết và đánh thuế công nghệ ra sao là điều vô cùng khó khăn. Nhiều quốc gia lo lắng vì nền kinh tế của họ ngày một có xu hướng số hóa cao, khiến cho việc thu thuế để có được nguồn thu họ cần nhằm chi trả cho hàng tỷ đô la thiệt hại do dịch Covid-19 ngày càng khó hơn.
Những tiến bộ trong công nghệ cũng thúc đẩy quá trình tự động hóa và AI cao, đẩy nhanh tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Ông Smith thấy các công nghệ phải có trách nhiệm gì để bù đắp cho những thay đổi về việc làm mà họ mang lại?
“Tôi cho rằng tin vui là các chính phủ có các công cụ họ cần để đảm bảo các hãng công nghệ tiếp tục đáp ứng nhanh và hành xử có trách nhiệm theo pháp quyền,” ông nói.
“Về căn bản, trách nhiệm của các hãng và các công ty và quốc gia là đảm bảo họ có kỹ năng cần thiết để hưởng lợi thay vì gánh chịu hậu quả của những thay đổi diễn ra.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đều cần hiểu rằng công nghệ không thể giải quyết tất cả, nhưng chẳng có gì có thể giải quyết được nếu không có chúng tôi.”

Tổng thống Mexico

tặng một phần lương cho nỗ lực chống COVID

Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, ngày 17/7 tuyên bố trả lại một phần tư lương của mình để giúp đất nước vượt qua cơn khủng hoảng virus corona, đồng thời cũng khuyến khích công chức hiến tặng thu nhập chung tay vì đại dịch.
Căn cứ trên mức lương khoảng 4.806 đô la hàng tháng của Tổng thống, thì khoản đóng góp trên 1.200 đô la của ông Lopez Obrador sẽ được dùng cho các dịnh vụ y tế.
Ông không nói đây là khoản đóng góp một lần hay được tái tục nhiều lần.
Từ khi nhậm chức vào cuối năm 2018, nhà lãnh đạo dân túy Lopez Obrador đã có nhiều cử chỉ biểu tượng để chứng tỏ với người dân ông là người tiết kiệm và không tham nhũng.
Ông cũng đã cắt giảm 40% lương bổng của ông so với những người tiền nhiệm, cắt giảm lương của những công chức cao cấp, bán đi các máy bay và trực thăng của chính phủ, cũng như từ chối sử dụng dinh Tổng thống Los Pinos, nơi các Tổng thống Mexico cư ngụ kể từ những năm 1930. Ông Lopez Obrador đã biến dinh này thành một trung tâm văn hóa.
Chính phủ đã yêu cầu các giới chức cấp thấp tình nguyện đóng góp từ 5% đến 23% lương bổng hàng tháng của họ tùy theo cấp bậc, theo một tài liệu của Bộ Tài chính công bố ngày 16/7.
Yêu cầu này liên hệ với một nghị định của chính phủ vào tháng 4 thi hành một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho đến ngày 31/12, trong đó có ngưng tiền thưởng cuối năm cho các giới chức cao cấp.
“Không thể nào có một chính phủ giàu có với một dân số nghèo khổ,” ông Lopez Obrador nói trong cuộc họp báo, thúc đẩy người khác noi gương ông.
Các nhà phân tách ước lượng nền kinh tế có thể thu hẹp hơn 10% trong năm nay tại Mexico, nơi virus corona đã làm hơn 37.500 người chết, theo con số chính thức của chính phủ.

Brazil: 20% thịt bò bán cho châu Âu

do phá rừng ‘‘bất hợp pháp’’

Nghiên cứu công phu, mang tên « Những trái táo thối của nền thương mại thực phẩm Brazil », đã rút ra kết quả nói trên, dựa trên việc phân tích dữ liệu liên quan đến 815.000 chủ trang trại ở Brazil. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra Brazil – vốn được coi là « cái kho dự trữ thực phẩm của thế giới » – hoàn toàn có đủ khả năng trở thành một cường quốc môi trường.
Gần 2 triệu tấn đậu tương và 4,1 triệu bò thịt được xuất sang châu Âu hàng năm. Trong số này, có khoảng từ 18 đến 22% là được nuôi trồng tại các vùng đất do phá rừng « bất hợp pháp », theo ông Raoni Rajão, phụ trách dự án nghiên cứu, giáo sư Đại học liên bang Minas Gerais (UFMG), Brazil.
Theo AFP, kết quả nghiên cứu được công bố đúng vào thời điểm nhạy cảm : tại châu Âu, rất nhiều tiếng nói phản đối việc phê chuẩn hiệp định tự do thương mại giữa Liên Âu và bốn nước Nam Mỹ trong nhóm Mercosur, trong đó có Brazil, nơi rừng bị phá hoại với quy mô ngày càng lớn từ khi tổng thống Bolsonaro lên nắm quyền.
Lý do phá rừng: Để phục vụ cho việc trồng đậu và nuôi bò. Khu vực rừng bị phá chủ yếu tập trung ở vùng rừng nguyên thủy Amazon và vùng đồng cỏ Carrado (chiếm khoảng 20% diện tích Brazil). Theo các số liệu chính thức, trong nửa đầu năm nay, diện tích rừng bị phá tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghiên cứu cũng chỉ ra trách nhiệm của các thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường các nước châu Âu, trong việc thúc đẩy nạn phá rừng tại Brazil. Trong khi đó, mối đe dọa trực tiếp với rừng Amazon hiện nay tại Brazil là tổng thống cực hữu Bolosonaro.
Brazil có thể trở thành « một cường quốc môi trường »
Chỉ ra mức độ tàn phá khủng khiếp đang diễn ra, nhưng nghiên cứu nói trên cũng khẳng định có đến gần 80% nhà làm nông Brazil tôn trọng các quy định bảo vệ rừng, và Brazil hoàn toàn có đủ khả năng trở thành « một cường quốc môi trường tầm cỡ thế giới, vừa bảo vệ được các hệ sinh thái trong nước, lại vừa góp phần cung cấp thực phẩm cho thế giới ». Theo các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này, cái thiếu ở Brazil là « quyết tâm chính trị ».
Nhóm 10 nhà khoa học đã thực hiện việc xử lý khối lượng dữ liệu nói trên nhờ ở một phần mềm máy tính rất mạnh. Phần mềm này cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc đưa ra « các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả chống lại những kẻ xâm phạm rừng ».
Áp lực quốc tế gần đây dường như bước đầu có kết quả. Hôm 16/07 vừa qua, phó tổng thống Brazil, Hamilton Mourao, hứa hẹn « sẽ cố gắng giảm » nạn phá rừng và đốt rừng. Theo giới quan sát, cho dù chưa có các biện pháp cụ thể đi kèm, và cam kết cũng chưa phải mạnh, dù sao đây cũng có thể coi như là « một cuộc cách mạng nhỏ » trong nhận thức của chính quyền.
Trên thực tế, áp lực lớn nhất đối với chính quyền Brazil là đến từ giới đầu tư. Cuối tháng 6/2020, nhiều quỹ đầu tư của châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, quản lý khoảng 4.000 tỉ đô la, đã đe dọa rút vốn khỏi Brazil, nếu quốc gia này không có các biện pháp giảm thiểu nạn phá rừng. Đầu tuần này, nhiều cựu bộ trưởng Tài Chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil công bố thư ngỏ, khẳng định các tổn hại về môi trường do biến đổi khí hậu (mà phá rừng là một nguyên nhân chính) « có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với đại dịch Covid-19 ».

WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc

Covid-19, nhưng bỏ qua phòng thí nghiệm Vũ Hán?

Quý Khải
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có mặt ở Trung Quốc kể từ cuối tuần trước để điều tra nguồn gốc của Covid-19, nhưng không hề có kế hoạch ghé thăm phòng thí nghiệm gây tranh cãi ở Vũ Hán.
Như đã được chỉ ra trong một thông cáo báo chí tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu của WHO đang ở Trung Quốc để chuẩn bị các phương án khoa học liên kết với các đối tác Trung Quốc nhằm xác định nguồn gốc của nCoV.
Thông cáo của WHO dường như đã loại trừ khả năng nhóm sẽ ghé thăm phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mà nhiều chuyên gia coi là nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán khi thảo luận chi tiết về nguyên nhân của chuyến đi. Thông cáo này thậm chí còn loại trừ khả năng virus có thể được sinh ra hoặc biến đổi trong phòng thí nghiệm, bằng cách khẳng định chắc chắn rằng virus này đã nhảy trực tiếp từ động vật sang người.
“Sứ mệnh của chuyến đi này là thúc đẩy sự hiểu biết về vật chủ lây nhiễm COVID-19 và xác định cách thức virus gây bệnh nhảy từ động vật sang con người”, phát ngôn viên nói trong tuyên bố.
Các quan chức WHO từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các địa điểm họ sẽ điều tra và những người họ sẽ gặp. Yếu tố này làm dấy lên nghi ngờ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ kiểm soát và hạn chế sự di chuyển của nhóm WHO.
Tờ The Independent của Anh chỉ ra rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán chứa một mẫu virus corona giống đến 96,2% so với COVID-19 trong gần một thập kỷ, làm dấy lên nghi ngờ rằng virus có thể có thể bắt nguồn từ đó.
Tuy nhiên, WHO, cho đến tận ngày nay, thậm chí vài tháng sau đó, đã không bày tỏ ý định đến điều tra phòng thí nghiệm Vũ Hán, nằm ở thành phố nơi dịch bệnh phát khởi.
Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers ở bang New Jersey (Mỹ), cho biết:
“Để có bất kỳ giá trị nào, một cuộc điều tra phải giải quyết khả năng virus xâm nhập cơ thể người do một tai nạn trong phòng thí nghiệm”. Ông cũng cho biết thêm, “WHO cũng nên xem xét xem liệu khả năng virus lây nhiễm sang người có thể đã được tăng cường thông qua tác động trong phòng thí nghiệm hay không”.
WHO là trọng tâm của những lời chỉ trích xoay quanh việc xử lý virus Vũ Hán, và ngày càng có nhiều quốc gia và tổ chức yêu cầu một lời giải thích cho lý do tại sao họ mất quá nhiều thời gian để thông báo cho thế giới về virus này, tại sao họ không xem xét những cảnh báo sớm từ Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái về mối nguy hiểm của nCoV.
Một điểm đáng lưu ý là Đài Loan không được chấp thuận làm thành viên của WHO vì WHO ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của ĐCSTQ, theo đó không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
ĐCSTQ chỉ truyền thông tin đầu tiên đến WHO vào ngày 10/1, khi virus này đã lan truyền và lây lan ồ ạt rộng khắp. Bất chấp điều này, tổng giám đốc WHO Tedros hôm 30/1 đã viết trên dòng trạng thái Twitter như sau:
“Tốc độ Trung Quốc phát hiện ra ổ dịch, phân lập virus, giải trình tự bộ gen và chia sẻ nó với WHO và thế giới là rất ấn tượng”.
Trong một tuyên bố khác vào ngày 31/1, ông nói:
“Chúng ta có lẽ đã chứng kiến nhiều trường hợp lây nhiễm hơn bên ngoài Trung Quốc vào thời điểm hiện tại – và có lẽ cả các trường hợp tử vong nữa – nếu không phải nhờ những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh, và những bước tiến mà họ đã đạt được để bảo vệ người dân Trung Quốc và nhân dân thế giới”.
Tờ The BL bình luận, đây là dấu hiệu cho thấy WHO không có hứng thú thực sự nào trong việc tìm ra những người chịu trách nhiệm và xác định bản chất của vấn đề.

Covid-19: Thế giới bị 14 triệu ca nhiễm

với độ lây lan 1 triệu ca trong 100 giờ đồng hồ

Trọng Nghĩa
Theo tổng kết của hãng tin Reuters dựa trên các thông báo từ khắp nơi, vào hôm qua, 17/07/2020, số người bị nhiễm virus corona trên thế giới đã lên 14 triệu. Điều đáng ngại là tốc độ lây lan rất đáng sợ: lần đầu tiên từ ngày xuất hiện dịch Covid-19, đã có thêm 1 triệu người bị  nhiễm chỉ trong không đầy 100 giờ đồng hồ.
Theo ghi nhận của Reuters, kể từ trường hợp đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Trung Quốc vào tháng Giêng, thế giới phải mất 3 tháng để lên mốc 1 triệu ca nhiễm. Thế nhưng mới đây, chỉ cần 4 ngày, để số ca nhiễm tăng thêm 1 triệu ca, từ 13 triệu hôm 13/07 lên thành 14 triệu vào hôm qua, 17/07.
Dịch bệnh cũng đã giết hại hơn 590.000 người trên thế giới, và theo tổng kết của Reuters, dịch đang tăng nhanh nhất ở Châu Mỹ, tập trung phân nửa ca nhiễm cũng như ca tử vong trên thế giới. Đứng đầu châu Mỹ là Hoa Kỳ, với hơn 3,6 triệu ca nhiễm, theo sau là Brazil, với số ca nhiễm lên đến hơn 2 triệu, trong đó có cả tổng thống Bolsonaro.
Châu Á thì có Ấn Độ, đã bị hơn 1 triệu ca nhiễm virus và trong tuần qua hàng ngày ghi nhận trung bình 30.000 ca nhiễm mới.
Covid-19 : Thủ tướng Pháp kêu gọi « cảnh giác hơn »
Thủ tướng Pháp bác bỏ việc coi tình hình tại Pháp là « nghiêm trọng », nhưng kêu gọi « cảnh giác hơn » . Phát biểu trên đài truyền hình France 2, tối hôm qua, 17/07/2020, thủ tướng Jean Castex khẳng định Paris theo dõi sát các diễn biến dịch bệnh tại Tây Ban Nha, đặc biệt là tại vùng Barcelona, sát với nước Pháp, nơi biên giới được mở lại từ cuối tháng 6, sau ba tháng đóng cửa. Tại vùng đô thị Barcelona, gần 4 triệu cư dân được kêu gọi ở nhà, trừ phi có các lý do đặc biệt, do virus đang lây lan mạnh.
Tại Pháp, theo Tổng Cục Y Tế, trong báo cáo hàng tuần công bố hôm qua, virus có dấu hiệu lây lan với tốc độ nhanh hơn tại một số nơi, đặc biệt tại vùng tây bắc Bretagne. Tổng cộng, tính đến hôm qua, có 512 ổ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tuần qua, các bệnh viện Pháp phải đón nhận thêm 600 bệnh nhân Covid, trong đó có 70 người phải điều trị tích cực.

EU thương lượng các thỏa thuận

mua trước vaccine chống COVID

Liên hiệp Châu Âu đang thương lượng các thỏa thuận mua trước vaccine tiềm năng chống COVID với các hãng bào chế thuốc Moderna, Sanofi và Johnson & Johnson và hai công ty công nghệ sinh học BioNtech và CureVac, hai nguồn tin EU nói với Reuters.
Những cuộc đàm phán này tiếp theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng Sáu của 4 nước EU với AstraZeneca về việc mua trước 400 triệu liều vaccine tiềm năng chống COVID, trên nguyên tắc tất cả 27 nước EU đều có thể có được.
Tin tức về các cuộc thương lượng đang tiếp diễn này được Ủy ban Châu Âu, cánh tay điều hành của EU, chia sẻ với các Bộ trưởng Y tế EU tại một hội nghị ở Berlin ngày 16/7, nguồn tin cho hay.
Các cuộc thương lượng liên tiếp diễn ra cho thấy lập trường xác quyết hơn của EU trong việc tậu vaccine và thuốc chống COVID sau khi Washington sớm có hành động tương tự.
“Chúng tôi đang thảo luận với một vài công ty về vaccine COVID-19,” một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu nói với Reuters ngày 17/7, từ chối nói cụ thể tên các công ty vì các cuộc thương lượng này được giữ kín.
Có hơn 150 vaccine tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới. Trong số 23 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, ít nhất có 3 vaccine đang trong Giai đọan 3 thử nghiệm.
Trong các cuộc thương lượng của EU, tiến triển nhất dường như là với công ty Johnson & Johnson và Sanofi vì EU đã thảo luận chi tiết về số liều cần thiết.
Với công ty khổng lồ Johnson & Johnson của Mỹ, EU đang thương thảo về mức cung 200 triệu vaccine tiềm năng, nguồn tin nói và cho biết thêm là việc cung cấp thêm cũng có thể thực hiện được.
Khối EU cũng lên kế hoạch làm sao trong nửa cuối năm sau có được 300 triệu liều vaccine tiềm năng của công ty Sanofi, Pháp, cộng tác với công ty Anh GlaxoSmithKline Plc, nguồn tin cho hay.
Được hỏi về những cuộc đàm phán, Sanofi nói với Reuters là đây là “những cuộc thương thuyết đang tiếp diễn với EU để chuyển giao 300 triệu liều”.
Vẫn theo nguồn tin của Reuters, các cuộc thảo luận cũng đang tiếp diễn với công ty Mỹ Moderna. Vaccine ngừa COVID của Moderna cho thấy an toàn và tạo ra đáp ứng miễn nhiễm trong tất cả 45 người tình nguyện khỏe mạnh trong cuộc nghiên cứu giai đoạn đầu, theo các nhà nghiên cứu Mỹ.
EU cũng thảo luận với công ty công nghệ sinh học Đức BioNtech và CureVac để mua trước vaccine tiềm năng của hai công ty này, nguồn tin nói. Cả hai công ty, đã được đề nghị cấp quỹ của EU để phát triển thuốc, từ chối bình luận.
BioNtech đang phát triển một vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 hợp tác với công ty dược khổng lồ Pfizer của Mỹ để có được 100 triệu liều vào cuối năm nay.
Một khi đạt được thỏa thuận, các nước EU có thể đặt hàng với công ty bào chế để có được số lượng chính xác cho dân số của họ.
Nếu liều lượng vaccine thành công không đủ cho toàn bộ dân số EU, vaccine sẽ được phân phối căn cứ trên dân số học và những dữ liệu dịch tễ học.
Một nguồn tin thứ ba từ EU cho biết khối này cũng tái thương thuyết một thoả thuận mà Đức, Pháp, Ý và Hà Lan đạt được với Astrazeneca để đảm bảo là các nước EU được tiếp cận ngang nhau về số liều đạt được trong thỏa thuận ban đầu
Nguồn tin nói cuộc thương thuyết này được 4 nước ký kết thỏa thuận sơ khởi ủng hộ.

Kế hoạch 750 ti euro chấn hưng châu Âu:

Trọng Thành
Hai mươi bẩy quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles trong hai ngày, thứ Sáu 17/07 và thứ Bảy 18/07/2020, để tìm đồng thuận về kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19. Ngày họp đầu tiên rơi vào bế tắc. Nhóm các nước « khắc khổ », với đại diện là Hà Lan, không chấp nhận kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro, do Đức và Pháp chủ trương, với các điều kiện như trong hiện tại.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước Liên Hiệp Châu Âu gặp mặt trực tiếp kể từ 5 tháng nay, tức kể từ đầu đại dịch Covid-19. Tìm được đồng thuận về kế hoạch chấn hưng trị giá 750 tỉ được coi là thách thức sống còn với khối 27 nước, trong bối cảnh nhiều quốc gia Liên Âu rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng do dịch bệnh. Khu vực đồng euro có nguy cơ tan vỡ, nếu các nước Liên Âu không đạt đồng thuận.
Các cuộc thương lượng kín diễn ra 7 giờ. Theo nhiều nguồn tin tại chỗ, cho dù các thảo luận diễn ra được coi là « mang tính xây dựng », Liên Âu còn rất xa mới đạt được đồng thuận. Lãnh đạo 27 nước tiếp tục gặp nhau trong buổi ăn tối. Căng thẳng hiện rõ xung quanh lập trường bị coi là « quá cứng rắn » của Hà Lan, liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các khoản tín dụng  dành cho những nước gặp khó khăn. Thông tín viên Pierre Benazet từ Bruxelles cho biết cụ thể :
« Nhân danh nhóm các quốc gia khắc khổ, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đòi hỏi quyền được xem xét việc sử dụng các khoản tiền nằm trong kế hoạch chấn hưng. Theo ông, các nước được hưởng các ưu đãi này, trước hết là Tây Ban Nha và Ý, cần đưa ra được các bảo đảm về cải cách, với một mức độ tương tự như với các cải cách khó khăn trong lĩnh vực hưu trí, hay thị trường lao động, được tiến hành những năm gần đây tại Hà Lan.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí yêu cầu là các kế hoạch chấn hưng của những nước được hưởng tài trợ phải được 27 nước nhất trí thông qua. Dư luận cho rằng Hà Lan là một trường hợp cá biệt, đòi hỏi của thủ tướng Hà Lan vượt quá các yêu cầu của các quốc gia khắc khổ khác, tuy  nhiên Phần Lan, Thụy Điển, Áo và Đan Mạch có thể đã cố tình để cho Amsterdam thể hiện quan điểm như vậy.
Đối với đa số các nước, đặc biệt là các nước miền nam châu Âu, việc kiểm soát ở mức độ như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Các quốc gia này vẫn giữ kinh nghiệm cay đắng về các liệu pháp sốc để đổi lại các kế hoạch trợ giúp của châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.
Tuy nhiên, ngược lại, đã có một số thay đổi theo hướng cởi mở hơ, ngay trong nội bộ nhóm các nước khắc khổ : thủ tướng Áo Sebastian Kurz dường như đã từ bỏ thái độ đối lập không khoan nhượng đối với khả năng là, ngân sách hỗ trợ 750 tỉ euro có thể được huy động thông qua các khoản vay trên các thị trường tài chính ».

Cựu quan chức London rơi vào bẫy mỹ nhân kế

tại Bắc Kinh tiết lộ mánh khóe tình báo của ĐCSTQ

Bình luậnĐông Phương
Ông Ian Clement, Chính trị gia người Anh, đã học được cách không được tin vào chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua trải nghiệm đau đớn của mình.
Hôm 14/7, tờ Daily Mail đưa tin, vào năm 2008, ông Ian Clement với tư cách là Phó Thị trưởng London và ông Boris Johnson, khi đó là Thị trưởng London và hiện là Thủ tướng Anh, đã đến Bắc Kinh để tham gia Thế vận hội Olympic 2008, sau đó ông Clement gặp một phụ nữ Trung Quốc xinh đẹp.
Ông Clement kể lại rằng, ông đã rơi vào một cái “bẫy mật ngọt”. Mặc dù đây là “mánh khóe đã rất xưa”, ông vẫn bước chân sa vào đó.
Sau vài ly, ông Clement mời người phụ nữ đó vào phòng khách sạn của mình. Sau này ông cho rằng mình đã bị đánh thuốc mê, khi tỉnh lại ông thấy căn phòng của mình đã bị lục soát. “Ví của tôi bị mở ra, cô ta đã lật tung mọi thứ, nhưng tôi biết cô ta không phải là một tên trộm đơn giản vì không có gì bị mất cả”. Nhưng nội dung trong chiếc điện thoại BlackBerry của ông đã được tải xuống.
Ông Clement nói rằng, nữ đặc vụ ĐCSTQ này nhất định đã cẩn thận sắp xếp cơ hội để gặp được ông. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh năm 2019, ông nói: “Tôi không nghĩ ngợi nhiều vào thời điểm đó”.
Đầu những năm 1990, Cơ quan Tình báo Quân sự (MI5) của Anh đã viết một sổ tay hướng dẫn bảo vệ cho các doanh nhân Anh đến thăm Trung Quốc, trong đó gợi ý: “Đặc biệt chú ý đến sự nịnh hót và khoản đãi quá mức của đối phương”; “Người phương Tây có thể trở thành đối tượng bị chăn dắt trường kỳ và âm thầm, trên danh nghĩa là kết giao ‘bạn bè’”.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ước tính rằng, từ năm 2011 đến 2018, 90% các vụ gián điệp kinh tế có liên quan đến ĐCSTQ.
Tờ Daily Mail đưa tin rằng, Bắc Kinh đã sử dụng rất nhiều nguồn lực để đào tạo các điệp viên thương mại chuyên theo dõi các bí mật thương mại, và các gián điệp quốc gia nhắm vào các bí mật của chính phủ và quân đội. ĐCSTQ thu thập thông tin như máy hút bụi, họ không những bố trí các lực lượng ngoại giao và tình báo để trộm cắp, mà còn thâm nhập vào cộng đồng người Hoa ở nước ngoài để tuyển mộ tay trong và gián điệp.
Các hoạt động gián điệp truyền thống ở các nước phương Tây dựa vào đào tạo chuyên ngành, còn ĐCSTQ thì lại áp dụng sách lược chiến thuật biển người gọi là “trộn cát vào xi-măng”. Nó khuyến khích hàng chục ngàn chuyên gia, doanh nhân, sinh viên và thậm chí là khách du lịch cung cấp thông tin cho Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc.
Nhưng đây không phải là một hoạt động mù quáng, mà được chỉ đạo bởi các chuyên gia trong cộng đồng tình báo của ĐCSTQ. Đầu tiên, những chuyên gia này nhắm vào các quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt được chỉ định, rồi họ sẽ tìm những người Trung Quốc có thể có được những thông tin cần thiết về quyền sở hữu trí tuệ đó, sau đó liên hệ với những người này để thực hiện hành vi trộm cắp.
Tất nhiên, có thể ăn cắp trực tiếp thì lại càng tốt. Năm 2018, Huawei đã tham gia vào vụ đánh cắp thông tin bí mật tại trụ sở của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa. Rất nhiều dữ liệu được tải xuống và gửi đến các máy chủ ở Thượng Hải mỗi đêm trong vòng 5 năm. Huawei khẳng định đây là “rò rỉ dữ liệu”.
Daily Mail cũng phân tích sự khác biệt giữa việc tuyển dụng người cung cấp thông tin phương Tây và người Trung Quốc. Joey Chun, một nhân viên của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đã cung cấp thông tin cho ĐCSTQ và sau đó bị kết án. Trước đó, ĐCSTQ đã cung cấp cho Joey Chun chuyến du lịch quốc tế và gái mại dâm miễn phí.
Glenn Duffie Shriver, một công dân Mỹ, đã bị bắt vì cố gắng đánh cắp thông tin cho ĐCSTQ. Tại phiên điều trần ở Mỹ, ông ta thừa nhận rằng mình bị lòng tham dẫn dắt: “Rất nhiều tiền đang ở trước mặt tôi”.
Nếu các tân binh là người Trung Quốc, ĐCSTQ sẽ sử dụng những lời nói dối như “giúp đỡ tổ quốc”, v.v. để đánh lừa họ. Có khoảng 50 đến 60 triệu người gốc Hoa sống ở nước ngoài, số lượng tương đương với dân số của Vương quốc Anh.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Lãnh sự quán ĐCSTQ, những người Trung Quốc ủng hộ ĐCSTQ đã kiểm soát rất nhiều cộng đồng và hiệp hội người Hoa ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Đông Phương
Theo Epoch Times

Hoa Kỳ và Anh hợp tác về 5G

sau khi cấm Huawei

Bình luậnNguyễn Minh
Hoa Kỳ và Anh sẽ hợp tác phát triển các giải pháp cho công nghệ không dây thế hệ tiếp theo, sau khi quyết định loại bỏ thiết bị của ông trùm công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi hệ thống mạng 5G của 2 nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cho biết, ngày 16/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã thảo luận với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab về quyết định của Anh trong việc ngăn chặn sử dụng công nghệ không an toàn trong các mạng 5G của nước này.
Ngày 14/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson chính thức công bố nước Anh quyết định cấm Huawei và ra lệnh, các thiết bị của công ty Trung Quốc này sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống mạng 5G của Anh vào cuối năm 2027.
Trước đó, tháng 4/2019, Chính phủ Anh đã phê chuẩn cho Huawei thầu các bộ phận “không cốt lõi” trong hệ thống mạng 5G của nước này.
Chính phủ Anh giới hạn Huawei cung cấp 35% phần không cốt lõi trong hệ thống mạng 5G từ tháng 1/2020.
Theo lệnh cấm, trước thời hạn 2027, các công ty viễn thông của Anh cũng sẽ bị cấm mua thiết bị của Huawei bắt đầu từ cuối năm 2020 trở đi.
Trong một tuyên bố, bà Ortagus cho biết: “Ngoại trưởng [Mỹ] và Ngoại trưởng [Anh] đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy phát triển thêm các giải pháp 5G đáng tin cậy”, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về việc hợp tác này.
Ngày 15/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố trước các phóng viên rằng ông chịu trách nhiệm về quyết định cấm Huawei của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi đã thuyết phục được nhiều quốc gia, tôi đã tự mình [thuyết phục] nhiều quốc gia không sử dụng Huawei, vì chúng tôi biết rằng đó là một rủi ro về bảo mật, [nó] không an toàn, đó là một rủi ro lớn về bảo mật”.
Trong cuộc họp báo hàng ngày vào thứ Tư (15/7), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để đáp trả quyết định của nước Anh, đồng thời cáo buộc chính phủ Anh về việc “phân biệt đối xử” với một công ty Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài xã luận ​​vào thứ Năm (16/7), trong đó đề xuất một số biện pháp đối phó mà Trung Quốc có thể dùng để trả đũa Anh. Trong đó có một biện pháp là các công ty thuộc chính phủ Trung Quốc có thể bán hết tài sản ở Anh của họ.
Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của mình vì lo ngại bảo mật.
Quyết định của Thủ tướng Anh đã được nhiều nhà lập pháp ở cả Hoa Kỳ và Anh hoan nghênh.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba (14/7), Dân biểu Michael McCaul của Hoa Kỳ cho biết: “Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn kiểm soát tương lai mạng 5G thông qua công ty ủy quyền của họ là Huawei đặt ra một mối đe dọa to lớn. Dữ liệu quốc gia sẽ không còn an toàn nếu Huawei hay bất kỳ công ty nào liên kết với ĐCSTQ có quyền kiểm soát dữ liệu”.
Ông McCaul khẳng định: “Tôi khuyến khích mạnh mẽ tất cả các nước châu Âu và các quốc gia khác tiếp bước theo nước Anh”.
Cũng trong một thông cáo báo chí ngày 14/7, Thượng nghị sĩ Jim Risch của Hoa Kỳ cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe quyết định này.
Ông Risch nói: “Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thể hiện rõ các ác ý của mình trên trường quốc tế, tôi rất vui mừng trước quyết tâm của các đồng minh phương Tây trong việc đối mặt với những thách thức mới này theo một cách thức rõ ràng, thống nhất”.
Nghị sĩ Anh Tom Tugendhat đã đăng trên tài khoản Twitter cá nhân: “Chiến lược về Trung Quốc của chúng ta cần [làm] nhiều hơn nữa [bên cạnh quyết định loại bỏ] Huawei, nhưng quyết định cấm công ty này tham gia [hệ thống mạng] 5G là một khởi đầu quan trọng”.
Một nghị sĩ khác của Anh, ông Bob Seely, đã viết một bài báo trên tạp chí trực tuyến Spectator, cảnh báo rằng “Huawei sẽ bị cấm, nhưng nó vẫn chưa bị loại bỏ”.
Ông Seely viết: “Trường hợp xấu nhất là trong 6 tháng tới, Huawei sẽ thúc đẩy bán tối đa các thiết bị ở Anh và sau đó tìm cách đảo ngược lệnh cấm sau cuộc bầu cử tiếp theo lấy lý do về chi phí, sự thuận tiện, và địa chính trị”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Pháp-Bỉ thắt chặt quy định

bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Thùy Dương
Trong tuần qua, đại địch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, vượt tầm kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI Việt ngữ tuần này xin tiếp tục được tập trung những đề tài xoay quanh dịch bệnh Covid-19.
Pháp – Bỉ thắt chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều nơi công cộng
Tại châu Âu, nơi từng là tâm dịch Covid-19 của thế giới sau khi virus corona tàn phá Trung Quốc, người dân vốn thích đi du lịch mùa hè, nên chính quyền nhiều nước lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan mạnh trở lại. Nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai vào mùa thu cũng đã được nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo. Để chặn đà lây lan của dịch bệnh, tại một số nước châu Âu, chính quyền quyết định thắt chặt quy định về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại Pháp, nước nằm trong tốp đầu thế giới về số ca tử vong vì virus corona, hôm thứ Bảy 11/07, trên diễn đàn của báo của Parisien, 14 bác sĩ danh tiếng đã kêu gọi chính quyền ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín. Trong ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, tổng thống Emmanuel Macron nói đến khả năng biện pháp trên sẽ được áp dụng từ ngày 01/08. Tuy nhiên, lần này chính phủ Pháp tỏ ra nhanh nhạy hơn. Hôm 16/07, tân thủ tướng Jean Castex thông báo trước Thượng Viện là quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhưng có không gian kín sẽ chính thức có hiệu lực ngay từ thứ Hai tuần tới 20/07.
Nhìn sang nước láng giềng Bỉ, quốc gia có tỉ lệ tử vong vì virus corona thuộc hàng cao nhất thế giới nếu tính theo quy mô dân số, thời gian qua số ca nhiễm mới không tiếp tục giảm mà chững lại trong nhiều ngày và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi nhiễm virus. Vì thế, sau 2 tháng ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, chính phủ liên bang hôm thứ Bảy 11/07 ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi công cộng như tòa án, ngân hàng, trung tâm thương mại, nơi thờ phụng tôn giáo, sòng bạc, rạp phim … Chính quyền Bỉ tỏ ra rất nghiêm khắc khi thông báo những cơ sở để khách vi phạm nhiều lần có thể sẽ bị đóng cửa.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet gửi về bài phóng sự :
« Tôi bắt đầu đeo khẩu trang ngay từ đầu mùa dịch. Bất kể lúc nào, kể cả khi ở ngoài trời. Vì thế, tôi thấy quy định này không gây phiền phức gì cho tôi cả. Tôi chỉ thấy là lẽ ra chính quyền phải làm như vậy ngay từ đầu mùa dịch, nếu làm như thế có lẽ đại dịch đã bớt nghiêm trọng hơn ». Bà Gina Gilbert lấy làm tiếc. Theo bà, ở chỗ nào thì cũng cần phải đeo khẩu trang. Chính phủ đã thông báo là tất cả những ai không tuân thủ quy định mới đều sẽ bị « xử lý hình sự », trừ trẻ em dưới 12 tuổi.
Tại Bruxelles, ngay cả trước khi chính quyền ra quyết định nói trên, một số chủ cửa hàng cửa hiệu đã khuyên khách nên đeo khẩu trang. Ông Yves Manet, một chủ cửa hàng hoa tươi giải thích : « Đeo khẩu trang thật không dễ chịu chút nào, rất phức tạp. Nhưng điều này là bắt buộc. Nếu chúng ta không muốn có làn sóng dịch bệnh thứ hai thì chúng ta bắt buộc phải làm như thế. Nhiều người phản đối việc đeo khẩu trang, vì thế cần ra quy định để buộc mọi người phải tuân thủ ».
Một người đàn ông tên là Bernard khẳng định là ông sống ở Bruxelles từ 79 năm qua và thấy là ở thủ đô mọi người chú ý đến các vấn đề vệ sinh y tế hơn là ở nông thôn. Ông chia sẻ : « Tôi đã mua một ngôi nhà ở làng quê và khi ở đó, tôi đeo khẩu trang lúc đi mua sắm. Tất cả mọi người đều cười nhạo tôi. Nhưng tôi thấy đeo khẩu trang chả phiền phức gì ». Rồi ông cười to và hài hước nói : « Thi thoảng tôi còn thấy hay là đằng khác, nhất là khi tôi chưa kịp cạo râu. »
Đối với các cửa hàng, bảo tàng, quyết định bắt buộc đeo khẩu trang khá được lòng mọi người, nhưng ở những nơi như trong khán phòng xem biểu diễn, hay trong phòng chiếu phim ở rạp thì có lẽ không mấy người thích quy định này. »
Mỹ: Thành phố Phoenix triển khai trạm xét nghiệm tầm soát lưu động miễn phí
Nhìn sang nước Mỹ, tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới cả về số người nhiễm bệnh và số ca tử vong, trong số những bang bị dịch bệnh gây tác hại nặng nề nhất, ngoài Florida, Texas, California, phải kể đến bang Arizona, nhất là thành phố Phoenix. Tỉ lệ người Mỹ gốc Mêhicô nhiễm virus ở thành phố này rất cao. Vì thế, nhiều hiệp hội đã tổ chức xét nghiệm tầm soát miễn phí ở các trạm xét nghiệm drive-in.
Từ Phoenix, đặc phái viên RFI Éric de Salve gửi về bài phóng sự :
« Hãy thư giãn, đừng căng thẳng … việc này không dễ chịu lắm nhưng cũng sẽ không làm cô đau lắm đâu … Một nữ y tá đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, mặc bộ đồ bảo hộ, nói với cô Patricia, một người đến để được xét nghiệm tầm soát virus corona, rồi dùng que thử ngoáy sâu vào trong mũi cô. Cô Patricia kêu lên : « Ôi lạy Chúa, đau quá ! » rồi cô giải thích : « Tôi đã tiếp xúc với một người nhiễm virus, nên tốt hơn hết là thận trọng và làm xét nghiệm tầm soát ». 
Chúng tôi đang ở trong bãi đậu xe của một trường trung học vốn được biến thành một trạm xét nghiệm tầm soát di động rất lớn và miễn phí từ suốt 3 tuần nay. Công tác xét nghiệm do các hiệp hội khu vực nam Phoenix thực hiện. Đó là khu vực nghèo nhất và có nhiều người nhiễm bệnh nhất của thành phố. Một tín hiệu báo động khẩn cấp ! Mới có gần 8h sáng mà đã có một loạt xe hơi nối đuôi nhau xếp hàng dài nhiều cây số. Anh Raul, 34 tuổi, kiên nhẫn chờ suốt hai giờ đồng hồ. Người công nhân xây dựng người Mỹ gốc Mêhicô cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona để có thể được làm việc trở lại.
Anh Raul giải thích : « Một đồng nghiệp của tôi đã được xét nghiệm với kết quả dương tính. Vì thế họ đã yêu cầu tôi làm xét nghiệm trước khi cho phép tôi quay trở lại làm việc. Đó là để đảm bảo an toàn cho các đồng nghiệp. Chúng tôi chỉ cần chú ý một chút. Chúng tôi muốn tránh để dịch bệnh lây lan. Chúng tôi đều lo sợ cho sự an toàn của gia đình mình ».
Virus corona đã lây lan vượt tầm kiểm soát từ một tháng rưỡi nay ở bang Arizona. Những người Mỹ gốc Mêhicô như anh Raul hay cô Patricia là những người dễ bị nhiễm bệnh nhất. Ở thành phố Phoenix, họ chiếm 40% dân số nhưng lại chiếm tới 50% số người nhiễm Covid-19 ».
Indonesia : Nguy cơ bùng nổ dân số vào cuối năm 2020
Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, chính quyền đang lo ngại nguy cơ dân số bùng nổ vào cuối năm 2020 trong khi nền kinh tế đang suy thoái nặng nề. Từ vài tháng nay, cơ quan kế hoạch hóa gia đình của Indonesia tìm đủ cách để hạn chế đà tăng dân số, kể cả dùng loa phát thanh kêu gọi các cặp vợ chồng kiềm chế, đừng để có có thai.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux gửi về bài phóng sự :
“Các bà, các cô, đừng để có thai ! Còn các ông thì hãy kiềm chế ! » Đó là những câu nói được phát trên loa phóng thanh ở các vùng nông thôn Indonesia. Không thể nói rõ ràng hơn thế được nữa ! Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình ngày khó khăn do virus corona gây ra, giờ không phải là thời điểm thích hợp để có con.
Tuy nhiên, cơ quan kế hoạch hóa gia đình cho rằng đến cuối năm nay sẽ có thêm gần 500.000 em bé được sinh ra. Bà Dwi Listyawardani, giám đốc bộ phận quản lý sinh đẻ của cơ quan kế hoạch hóa gia đình giải thích : « Sự bùng nổ dân số – baby boom – sẽ ảnh hưởng đến khắp mọi vùng của Indonesia, từ đô thị đến nông thôn. Ở đâu chúng tôi cũng có mối lo về việc cung cấp các biện pháp ngừa thai. Ở khắp mọi nơi, trong giai đoạn đại dịch hoành hành, nhân viên chăm sóc y tế đều phải ưu tiên chăm sóc người nhiễm Covid-19. Hơn nữa, trên khắp cả nước, người dân nhận được lệnh không đến bệnh viện hoặc các phòng khám tư để khám và điều trị những bệnh không phải là cấp bách.
Và vì chính phủ đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà và làm việc từ nhà, nên các cặp vợ chồng tiếp xúc, gần gũi với nhau lâu hơn, vì thế rất nhiều phụ nữ có thai. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nào, khi Indonesia là đất nước mà con cái vẫn thường được coi là phúc lành ?
Cơ quan kế hoạch hóa gia đình làm sáng tỏ vấn đề qua những đoạn băng vidéo trong đó có liệt kê tất cả những nguy cơ có thể xảy ra : Trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị sinh non, đứa bé sau này sẽ không được hưởng nhiều tình yêu thương, tỉ lệ tử vong cao ở những phụ nữ phá thai chui. Ở Indonesia, việc nạo phá thai chỉ được phép trong trường hợp người phụ nữ có thai sau khi bị cưỡng hiếp, hay mang thai có thể gây nguy hiểm cho bà mẹ. Vì thế, việc nạo phá thai chui có thể dẫn đến kết cục bị thảm cho người phụ nữ. »
Lời khẩn cầu tăng thuế của nhóm “các triệu phú vì nhân loại”
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng vì dịch bệnh, có 83 triệu phú trên thế giới đã có một hành động gây sửng sốt khi gửi một bức thư ngỏ cho các nhà hoạch định chính sách để đề nghị được đóng thuế cao hơn. Bức thư được công bố vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh bộ trưởng Tài Chính nhóm G20.
« Xin hãy đánh thuế chúng tôi, Xin hãy đánh thuế chúng tôi, Xin hãy đánh thuế chúng tôi. Đó là một lựa chọn tốt, sự lựa chọn duy nhất ! » Lời khẩn cầu nói trên thật là khác thường, nhất là vì đó là lời khẩn cầu của một nhóm gồm 83 triệu phú có tên gọi « những triệu phú vì nhân loại ». Đa số các triệu phú này là người Mỹ, chẳng hạn Jerry Greenfield, đồng sáng lập hãng kem nổi tiếng Ben & Jerry’s, hay Tim và Abigail, những người thừa kế đế chế Disney.
Vì không thể trực tiếp chăm sóc, cứu chữa những người ốm đau hay gửi thực phẩm đến tận nhà cho những người khốn khó …, nhóm « những triệu phú vì nhân loại » muốn đóng góp thông qua việc đóng nhiều thuế hơn, vì thế họ yêu cầu có những cải cách tăng thuế ngay lập tức và kéo dài. Theo họ, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ có những hệ quả nặng nề trong suốt vài thập niên và đẩy vài trăm triệu người vào cảnh bần cùng.

Xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan:

Nga muốn làm trung gian hòa giải

Trọng Thành
Từ nhiều ngày nay, đụng độ vũ trang diễn ra tại vùng biên giới hai nước Cộng hòa Liên Xô cũ, Armenia và Azerbaijan. Ít nhất 17 người chết cả hai bên, theo con số chính thức.  Đây là các xung đột bạo lực nhất giữa hai nước kể từ năm 2016. Nga muốn đứng ra làm môi giới hòa giải.
Nguồn gốc của xung đột giữa hai quốc gia vùng Kavkaz là vùng Thượng-Karabakh, một khu vực ly khai khỏi Azerbaijan, nhưng được Armenia ủng hộ. Xung đột diễn ra ròng rã từ những năm 1990 đến nay, đã khiến khoảng 30.000 người chết. Hiện tại, xung đột tạm lắng, sau bốn ngày đụng độ.
Thông tín viên Étienne Bouche tường trình từ Matxcơva :
« Tổng thống Nga đã triệu tập các thành viên Hội Đồng An Ninh vào hôm qua. Trong cuộc họp qua mạng này, ông Vladimir Putin nhấn mạnh ‘‘cần phải khẩn cấp duy trì thỏa thuận ngừng bắn’’ và đề xuất khả năng Nga đứng ra làm môi giới trong hồ sơ này. Cuộc đụng độ là hoàn toàn không cân xứng. Azerbaidjian có tiềm lực quân sự mạnh hơn hẳn và được Thổ Nhĩ Kỳ triệt để hậu thuẫn.
Armenia là quốc gia láng giềng với Nga. Tại Gyumri, thành phố lớn thứ hai của Armenia, có một căn cứ quân sự Nga. Cách đây ít hôm, Erevan đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, với rất ít thay đổi, nhằm siết chặt quan hệ với Matxcơva. Tuy nhiên, Nga cũng có quan hệ tốt với Azerbaidjian và không muốn làm bùng lên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh này, Matxcơva có ý định một lần nữa đóng vai trò trung gian hòa giải.
Armenia và Azerbaidjan, từ nhiều thập niên nay, đối đầu về quy chế của vùng Thượng Karabakh. Những tranh chấp liên quan đến các đường biên giới thời Liên Xô, sau khi Liên Bang Xô Việt sụp đổ năm 1991 là nguồn gốc của nhiều xung đột lãnh thổ giữa các nước cộng hòa Liên Xô cũ ».

Iran công bố số liệu chấn động:

25 triệu người nhiễm COVID-19

Minh Hòa
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 18/7 tuyên bố quốc gia 80 triệu dân này có khoảng 25 triệu người đã nhiễm virus Vũ Hán, và 35 triệu người khác có nguy cơ nhiễm căn bệnh chết người này.
Reuters trích tuyên bố của ông Rouhani được phát sóng trên truyền hình: “Theo ước tính của chúng tôi, hiện có 25 triệu người Iran đã nhiễm virus này và khoảng 14.000 người đã mất đi sinh mạng”.
Ông Rouhani nói tiếp: “Có khả năng 30-35 triệu người khác sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm”. Ông cũng nói đã có hơn 200.000 người đã nhập viện”.
Tổng thống Iran cho biết các số liệu mà ông đề cập là căn cứ theo một báo cáo mới của Bộ Y tế nước này. Những số liệu này vượt xa so với thống kê trước đây mà Iran công bố, đó là 269.440 người nhiễm và 13.791 người tử vong.
Chính quyền Iran hôm 18/7 đã thắt chặt trở lại các biện pháp hạn chế ở thủ đô Tehran, trong đó có việc cấm tụ tập tôn giáo và văn hóa, đóng cửa các trường học, các quán cà phê, bể bơi trong nhà, công viên và sở thú, theo Reuters.
Giới chức Mỹ hồi tháng 5 cáo buộc chính quyền Iran giấu diếm thực trạng dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh lây lan trên khắp Iran. Al Arabiya News đưa tin, lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ali Khamenei hôm 3/5 bác bỏ tính nghiêm trọng của dịch virus Trung Quốc, nói rằng: “Theo quan điểm của chúng tôi, tai ương này không phải là vấn đề lớn. Đã có những vụ lớn hơn trong quá khứ và chúng tôi đã có những trường hợp như vậy ở đất nước này”.

Triều Tiên tuyên bố

tự chế vắc-xin chống viêm phổi Trung Quốc

Minh Hòa
Chính phủ Triều Tiên hôm nay (18/7) tuyên bố họ đang tự chế tạo một loại vắc-xin chống lại virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, theo Yonhap News.
Tờ báo của Hàn Quốc dẫn thông tin từ Mirae, một trang web của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước Triều Tiên, tuyên bố các nhà khoa học tại Bình Nhưỡng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để phát triển vắc-xin COVID-19.
Bản tuyên bố nói rằng cuộc nghiên cứu vắc-xin được chủ trì bởi một viện sinh học y tế thuộc Viện Khoa học Y khoa Triều Tiên và có sử dụng enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2).
Triều Tiên tuyên bố họ đã xác nhận được tính miễn dịch và an toàn của một loại vắc-xin tiềm năng, thông qua các cuộc thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ tháng này.
Tới nay, Triều Tiên chưa công bố có trường hợp nào nhiễm virus Vũ Hán. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát nghiêm trọng ở quốc gia ẩn dật có mối quan hệ thân cận với Trung Quốc.
“Chúng tôi nghi COVID-19 đang lan rộng khắp Triều Tiên và Kim Jung Un đang cố gắng để không bị nhiễm bệnh”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro phát biểu hôm 25/6.
Nguồn tin của RFA cũng nói rằng dịch viêm phổi Trung Quốc đang diễn ra nghiêm trọng tại Triều Tiên.
Tuyên bố về việc chế tạo vắc-xin COVID-19 của Bình Nhưỡng cũng bị giới quan sát nghi ngờ. Yonhap cho biết, các học giả Hàn Quốc nghi ngờ khả năng Triều Tiên có thể tự chế vắc-xin trong bối cảnh khó khăn về tài chính và y tế của Bình Nhưỡng.

Đài Loan tập trận bắn đạn thật

phòng thủ chống đổ bộ

Các lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không của Đài Loan hôm 16.7 đã phối hợp diễn tập bắn đạn thật, mô phỏng kịch bản chống trả trước một thế lực xâm lấn từ bên ngoài, theo Hãng tin Reuters.
Trong nội dung diễn tập chống đổ bộ vào ngày 16.7, các tiêm kích F-16 và máy bay chiến đấu Kinh Quốc đa nhiệm nội địa đã khai hỏa tên lửa vào các mục tiêu giả định, các xe tăng di chuyển vượt địa hình và bắn pháo phá hủy các mục tiêu trên bờ biển.
Vài ngày trước đó, máy bay quân sự Đài Loan, vốn thường được triển khai đến bờ biển phía tây của vùng lãnh thổ này, bay đến căn cứ Giai Sơn ở phía đông để tránh bị tấn công bằng tên lửa và bom theo giả định từ Trung Quốc, theo hãng tin CNA hôm 13.7.
Về phần mình, các binh sĩ phòng thủ ứng phó cuộc không kích từ đối phương, tàu hải quân rời cảng, xe bọc thép di chuyển vào các cống nước và dưới cầu để được che đậy bằng các lưới ngụy trang.
Khoảng 8.000 lính của cả ba lực lượng tham gia cuộc diễn tập được tổ chức trên dải đất ven biển gần thành phố Đài Trung của Đài Loan.
Cuộc tập trận mang tên Hán Quang là hoạt động diễn tập quân sự lớn nhất thường niên được triển khai trên lãnh thổ này.
Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh sự hiện diện quân sự xung quanh hòn đảo, với các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục tiếp cận khu vực.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nhấn mạnh nội dung diễn tập Hán Quang là nhằm đánh giá năng lực chiến đấu của các lực lượng, đồng thời gửi đi thông điệp cho thế giới rằng Đài Loan luôn kiên định bảo vệ lãnh thổ.
Trước tình trạng hăm dọa quân sự từ Trung Quốc ngày càng tăng, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan lần đầu tiên điều động lực lượng dự bị tham gia cuộc tập trận Hán Quang năm nay, bên cạnh các lực lượng đặc nhiệm từ lực lượng phòng vệ, cảnh sát và lực lượng tuần duyên, theo tờ South China Morning Post.

Đài Loan kêu gọi các nước hợp lực chống

sự bành trướng ‘chuyên quyền’ của Bắc Kinh

Đài Loan cảnh báo Trung Quốc có thể dùng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong để phục vụ cho chính sách “ngoại giao con tin”, kêu gọi các nước cùng hợp lực chống lại sự bành trướng “chuyên quyền” của Bắc Kinh.
Ông Trần Minh Thông, người đứng đầu Hội đồng các vụ đại lục của Đài Loan.
Luật an ninh quốc gia áp dụng ở Hong Kong đã gây chấn động cho Đài Loan. Trung Quốc vẫn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và từng tuyên bố không loại trừ biện pháp vũ lực để thống nhất hòn đảo này về đại lục.
Một điều khoản trong luật an ninh của Trung Quốc cho phép Bắc Kinh khởi tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thay vì hệ thống tư pháp độc lập của Hong Kong.
Ông Trần Minh Thông – người đứng đầu Hội đồng các vụ đại lục của Đài Loan, nói với báo giới rằng luật trên sẽ cho phép Bắc Kinh thực hiện chính sách “ngoại giao con tin” của mình.
“Luật an ninh quốc gia Hong Kong đã vi phạm nghiêm trọng sự dân chủ và nhân quyền nhằm ảnh hưởng đến an ninh khu vực, cũng như đe dọa cộng đồng quốc tế”, ông Trần nói.
Đạo luật nêu trên cũng quy định các vi phạm an ninh quốc gia có thể bị truy tố, ngay cả khi chúng diễn ra bên ngoài Hong Kong hay Trung Quốc và do người nước ngoài thực hiện.
Điều này đã gây ra tâm lý hoang mang. Giới quan sát lo rằng những người có quan điểm đối lập với Bắc Kinh có thể bị truy tố và dẫn độ về đại lục, nếu những người này đến hoặc quá cảnh tại Hong Kong.
Ngoài ra, ông Trần kêu gọi các nước “cùng hợp lực để chống lại sự bành trướng chuyên quyền của Trung Quốc một cách hiệu quả”.
Trước đó, Canada đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao con tin” vì Trung Quốc đã bắt 2 công dân Canada ngay sau khi giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Vancouver.
Bắc Kinh cáo buộc 2 công dân Canada tội danh gián điệp.
Theo hãng tin AFP, Bắc Kinh đặc biệt mạnh tay hơn với Đài Loan kể từ sau khi bà Thái Văn Anh đắc cử vị trí lãnh đạo hòn đảo này sau cuộc bầu cử năm 2016. Bà Thái là được xem là người có tư tưởng đối lập với Bắc Kinh.

TQ triệu đại sứ Mỹ, đòi ‘sửa sai’ về vấn đề Hong Kong

Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ Terry Branstad vài giờ sau khi tổng thống Mỹ tước ưu đãi thương mại với Hong Kong. Cùng lúc, Washington tiếp tục gây sức ép trong vấn đề Huawei và các ứng dụng của Trung Quốc.
Theo Hãng tin AFP, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang triệu tập đại sứ Branstad ngày 15-7 để phản đối về Đạo luật tự trị Hong Kong vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua.
“Đây là một sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Trung Quốc sẽ có phản ứng cần thiết đối với các hành động sai trái của Mỹ, bao gồm trừng phạt các cá nhân và thực thể Mỹ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ “sửa chữa sai lầm”, ngưng các điều khoản trong đạo luật tự trị và việc tước quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong. Ông Zheng cũng phản đối các “hành động tệ hại” của Mỹ ở Tân Cương, Tây Tạng và Biển Đông.
Đạo luật tự trị Hong Kong được ông Trump ký thông qua ngày 14-7, trước đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 25-6, bắt buộc Chính phủ Mỹ trừng phạt các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc Trung Quốc kìm hãm quyền tự trị của Hong Kong.
“Điều này sẽ chấm dứt việc đối xử ưu đãi thương mại mà Hong Kong đã hưởng trong những năm qua – không có đặc quyền, không có đối xử đặc biệt về kinh tế và không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Hong Kong bây giờ sẽ được đối xử giống với Trung Quốc” – ông Trump nói sau khi ký thông qua luật.
Trong ngày 15-7, Mỹ tiếp tục có các động thái gây sức ép lên Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ hạn chế thị thực đối với các nhân viên của công ty công nghệ Huawei và các công ty khác của Trung Quốc nếu có dính líu đến “lạm dụng nhân quyền”.
Ông Pompeo thông báo ông sẽ có chuyến thăm Anh sau khi London thông báo loại các thiết bị viễn thông của Huawei khỏi hệ thống mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) của Anh. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc sẽ là vấn đề hàng đầu của ông trong chuyến công du này.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ngày 15-7 cũng cho biết chính quyền ông Trump hiện đang đánh giá nguy cơ về an ninh quốc gia của các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok và WeChat, và dự kiến sẽ có hành động để giải quyết vấn đề “trong vài tuần”.
Ông Meadows cho hay nhiều quan chức chính quyền đang đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác, đặc biệt trong vấn đề thu thập thông tin về công dân Mỹ của một thực thể nước ngoài.
Trước đó, ông Pompeo thông báo Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc, trong đó có TikTok, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, tờ New York Times ngày 14-7 dẫn các nguồn thạo tin cho hay chính quyền Mỹ sẽ hành động theo Luật sức mạnh kinh tế khẩn cấp quốc tế cho phép tổng thống có quyền lực lớn hơn để trừng phạt các công ty nhằm đối phó với những mối đe dọa khác thường.

TQ vẫn đặt nhiều kỳ vọng

vào thỏa thuận thương mại với Mỹ

Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng kiên định với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, bất chấp lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc ngày 16/7 bày tỏ kỳ vọng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà nước này đạt được với Mỹ có thể vẫn sẽ được thực thi.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng kiên định với thỏa thuận này bất chấp lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo bà hoa Xuân Oánh, Trung Quốc luôn thực hiện các cam kết của mình nhưng Mỹ đang có những hành động gây sức ép lên nước này. Với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc sẽ có phản ứng trước những hành động đó.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở trong tình trạng xấu nhất trong nhiều thập niên do những tranh cãi liên quan đến nhiều vấn đề, từ căng thẳng thương mại, cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19 hay luật an ninh quốc gia mới tại Đặc khu hành chính Hong Kong…
Cách đây vài ngày, Mỹ đã tước bỏ những ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong, đồng thời liệt hàng loạt quan chức và doanh nghiệp của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Trung Quốc đã chỉ trích những động thái này và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả.

Dự thảo cấm đảng viên Trung Quốc tới Mỹ:

Dân Đại lục khen ngợi, phong trào ra khỏi đảng

bùng lên trở lại

Phụng Minh
Trái với phản ứng gay gắt của quan chức Trung Quốc, người dân cho hay, chẳng phải ông Trump đang giúp ĐCSTQ giữ người để còn xây dựng chế độ hay sao?
New York Times ngày 15/7 đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến việc cấm toàn diện đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đến Mỹ. Wall Street Journal và Reuters sau đó cũng đưa tin, có một đề nghị khác là đồng thời đưa người của quân đội ĐCSTQ và quản lý cấp cao của doanh nghiệp nhà nước vào trong danh sách hạn chế này. Thông cáo Tổng thống đang được khởi thảo này còn có thể trao quyền cho chính phủ hủy bỏ thị thực của đảng viên ĐCSTQ, người nhà của họ đã ở Mỹ và trục xuất họ ra khỏi nước Mỹ.
Phong trào ra khỏi đảng ‘nóng’ thêm
Tuy nhiên lệnh này cũng có thể có ngoại lệ, ví dụ như nếu xin được giấy chứng nhận bản thân không tự nguyện gia nhập đảng, hoặc trước thời hạn đề xuất xin cấp thẻ xanh, có thể chứng minh bản thân đã thoái đảng thì có thể được xem xét. Theo Trung tâm phục vụ thoái đảng toàn cầu có trụ sở tại New York, “chứng nhận thoái đảng” do họ cấp có thể được chính quyền Mỹ chấp nhận.
Nhiều kênh truyền thông đồng loạt đưa tin, xu hướng tìm kiếm trên Google cho thấy từ “thoái đảng” (ra khỏi đảng) được tìm kiếm nhiều hơn một cách bất thường, có thời điểm tăng gần 100 lần so với tuần trước đó, và hầu hết những tìm kiếm này đều xuất phát từ Trung Quốc.
Xu hướng tìm kiếm từ “thoái đảng” đã tăng đột biến sau ngày 15/7 khi có tin Hoa Kỳ có thể cấm đảng viên ĐCSTQ người thân nhập cảnh vào nước mình (ảnh: Chụp màn hình Google Trends).
Dự thảo này nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người Trung Quốc. Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ tháng trước đã công bố, có khoảng 91.914.000 đảng viên ở Trung Quốc tính tới cuối năm 2019. Theo đánh giá nội bộ của chính quyền Tổng thống Trump, nếu thiết lập hạn chế đối với tất cả đảng viên và người nhà của họ, thì sẽ có đến 270 triệu người bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Phong trào “thoái đảng” đã xuất hiện trong cộng đồng người Hoa từ lâu, tính tới 18h ngày 18/7 đã có 360.140.082 người thực hiện thoái đảng và được công nhận bởi Trung tâm phục vụ thoái đảng toàn cầu (Global Service Center for Quitting the CCP). Nhưng ngay sau thông tin cấm nhập cảnh đối với đảng viên ĐCSTQ và người nhà được đưa ra, độ nóng của từ “thoái đảng” trên công cụ tìm kiếm cho thấy đảng viên ĐCSTQ cơ bản không có sự trung thành với đảng này, một khi thời cuộc có biến đổi, thì sẽ đổ về phía thế giới tự do.
Bà Dịch Dung, Giám đốc Trung tâm Phục vụ thoái đảng toàn cầu trả lời phỏng vấn hôm 17/7 đã cho biết: “Sáng ngày hôm nay đã có 4 người gọi điện thoại đến văn phòng thoái đảng, nói muốn nhận giấy chứng nhận thoái đảng. Họ gọi điện thoại từ các nơi khác nhau tại Mỹ, họ nói là đã đọc được thông tin liên quan”.
Chuyên gia kinh tế có tên “Đại V” đăng bình luận trên tài khoản mạng xã hội của mình, “70% con em của các cán bộ cấp cấp của ĐCSTQ đang học ở phương Tây. Có thể nói rằng chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là cuộc sống. Đây là thái độ phổ biến khiến bách tính phản cảm từ lâu”.
Nhiều năm trước, sau khi di cư sang Mỹ, một dư luận viên của ĐCSTQ là Tư Mã Nam đã được hỏi tại sao chân trước đá Mỹ, chân sau lại đến Mỹ cư trú. Tư Mã Nam nói: “Chống Mỹ là công việc, định cư ở Mỹ là cuộc sống”. Ông ta đã bị dân mạng Trung Quốc gọi là: “Hán gian thời đại mới”.
Ngày 31/5/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu người xin thị thực vào nước này phải khai báo tài khoản mạng xã hội. Chỉ trong vài ngày, số người nói xấu Hoa Kỳ ở các trang mạng Trung Quốc đột nhiên giảm mạnh. Biệt đội “5 hào” hay “ngũ mao”, “hồng vệ quân” (tức dư luận viên) đã biến mất với số lượng lớn. Dân mạng Trung Quốc gửi lời cảm ơn Tổng thống Trump vì đã giúp làm sạch các mạng trong nước. Nhiều người trước đó nghi ngờ về sự tồn tại của đội quân “ngũ mao” đã phải công nhận “hóa ra đó là sự thật” khi lực lượng này biệt tăm trên các trang mạng xã hội mấy ngày sau động thái của Hoa Kỳ.
Không chỉ dư luận viên, mà các quan chức ĐCSTQ cũng đã được nhiều báo cáo ghi nhận có tài sản, người thân ở Hoa Kỳ, bản thân nhiều quan chức cũng chuẩn bị trước cho mình thẻ xanh.
Giáo sư nói ông Trump muốn lật đổ ĐCSTQ, dân Đại lục nói chẳng phải nên cảm ơn ông Trump sao?
Liên quan tới động thái mới mới của chính quyền Tổng thống Trump, giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Thôi Ân Hoằng khi trả lời Minh Báo của Hồng Kông đã nói, mục tiêu của ông Trump rõ ràng là muốn “lật đổ ĐCSTQ”. Người dùng mạng Trung Quốc đã phản ứng lại đầy mỉa mai đối với nhận xét này.
Người có tên Stupidwz nói: “Giáo sư Đại học Nhân dân Thôi Ân Hoằng nói rằng lệnh cấm là để lật đổ sự cai trị của ĐCSTQ. Vậy thì hóa ra đi đến Hoa Kỳ là sự theo đuổi đầu tiên của các đảng viên? Cấm đảng viên ĐCSTQ đến Hoa Kỳ thì là có thể kết liễu nó ư?”
Người dùng mạng có tên Co co nói: “Chính quyền Trump chính là đang giúp ĐCSTQ giữ các đảng viên, gia đình và tài sản của họ ở Trung Quốc, để còn xây dựng chủ nghĩa xã hội và sớm tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Điều này chẳng phải là đang giúp Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ngăn chặn lỗ hổng hay sao?”
Người tên Ryan bình luận: “Không cho sang Mỹ du lịch mua sắm là có thể lật đổ ĐCSTQ? Hóa ra mục đích cuối cùng của ĐCSTQ chỉ có vậy!”
Người dùng mạng tên Cao Du nói: “Thật không thể tưởng tượng tư duy của giáo sư đại học bây giờ lại loạn đến như vậy! Nếu như Trump ký lệnh này, không cho 90 triệu đảng viên đến Mỹ, chẳng phải là càng tốt cho các vị để bảo vệ màu đỏ của giang sơn sao? Cái gì mà lật đổ sự thống trị của ĐCSTQ. Có phải vị giáo sư này muốn đi Mỹ mà không được nữa nên phát điên rồi. Vậy thì người như Hoa Xuân Oánh quả là còn bi quan hơn nữa”.

Ngoại trưởng Trung Quốc và Nga điện đàm,

lên án “chủ nghĩa đơn phương” của Mỹ

Trọng Thành
Hôm qua, 17/07/2020, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã có cuộc điện đàm, hai bên chia sẻ quan điểm chung: lên án hành động « đơn phương » của chính quyền Mỹ trong quan hệ quốc tế.
Theo Tân Hoa Xã, được Reuters dẫn lại, ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) thông báo với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, quan điểm của Bắc Kinh, theo đó Hoa Kỳ đang làm sống lại « không khí Chiến tranh Lạnh » trong quan hệ với Trung Quốc. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, đồng nhiệm Nga cũng khẳng định Matxcơva phản đối « chủ nghĩa đơn phương » trong các quan hệ quốc tế.
Cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Ngoại Giao Trung – Mỹ nhằm tìm kiếm lập trường chung trong quan hệ với Hoa Kỳ diễn ra vào lúc căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tăng vọt, với việc Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông, kể từ ngày 01/07/2020, chưa kể cuộc chiến thương mại, công nghệ, mà Washington và Bắc Kinh đang ngày càng đối đầu, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, hay hồ sơ Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn, sau khi Mỹ công bố lập trường bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Đăng ký ứng cử Nghị Viện Hồng Kông : Lo ngại ứng viên dân chủ trẻ bị loại
Hồng Kông là một trong những điểm đối đầu gay gắt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với Washington, Luật an ninh quốc gia mới báo tử nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ » của Trung Quốc, bóp nghẹt các quyền tự do tại Hồng Kông, mà người dân vẫn được hưởng kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Hoa lục từ năm 1997. Tuy nhiên, đối lập dân chủ tiếp tục kháng cự bằng lá phiếu.
Hôm nay, 18/07, chính quyền Hồng Kông bắt đầu nhận đơn ứng cử của các ứng viên tranh cử vào Nghị Viện đặc khu, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tới. Thời gian đăng ký là trong vòng hai tuần lễ. Đối lập hy vọng dành được ít nhất 35 ghế dân biểu trên tổng số 70 ghế, để có thể kiểm soát được các chính sách của chính quyền đặc khu.  4,47 triệu cử tri Hồng Kông có quyền bỏ phiếu. Một điểm lo ngại lớn của phe dân chủ Hồng Kông là chính quyền sẽ tìm cách loại trừ các ứng cử viên đối lập trẻ, như đã làm trong các cuộc bầu cử trước. Theo Reuters, nếu chính quyền tiến hành việc này trên quy mô lớn, rất có thể dân chúng Hồng Kông sẽ lại xuống đường phản kháng dữ dội.
Thẩm phán Anh sẽ rút khỏi Tòa Chung Thẩm, nếu Hồng Kông mất « độc lập tư pháp »
Tòa Tối Cao Anh Quốc, hôm qua, 17/07/2020, thông báo các thẩm phán của Tòa tại Hồng Kông sẽ từ nhiệm nếu « độc lập tư pháp » không được bảo đảm, sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia. Hiện tại, tại Tòa Chung Thẩm Hồng Kông, tức cấp cao nhất trong hệ thống tòa án của đặc khu, có hai thẩm phán của Tòa Tối Cao Anh Quốc, và nhiều thẩm phán mang quốc tịch Anh, Úc hay Canada. Tòa Tối Cao Anh Quốc cử hai thẩm phán tham gia Tòa án Hồng Kông theo thỏa thuận Anh – Trung.
Chánh án Tòa Tối Cao Anh Quốc, thẩm phán Robert Reed, đã ra một thông báo về vấn đề này. Thẩm phán Robert Reed cũng là thành viên Tòa Chung Thẩm Hồng Kông.

Trung Cộng khẳng định

đã hoạt động trên biển Đông cách đây 2,000 năm

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 17 tháng 7 năm 2020 loan tin, bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Cộng đã đăng lên trang Twitter rằng, từ hơn 2,000 năm trước Trung Cộng đã hoạt động trên Biển Đông, và đường “lưỡi bò” đã được nước này vẽ trong bản đồ từ năm 1948 chứ không phải năm 2009. Và hơn 70 năm qua, Trung Cộng đã lấy lại 2 quần đảo mà Việt Nam gọi là Trường Sa và Hoàng Sa, còn Trung Cộng gọi là Nam Sa và Tây Sa một cách hợp pháp từ Nhật Bản, và thực hiện chủ quyền của mình ở khu vực này.
Trước phát biểu này của phía Trung Cộng, vào chiều ngày 16 tháng 7, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam tiếp tục lặp lại nội dung, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cũng trong ngày 16 tháng 7, giữa cộng sản Việt Nam và Trung Cộng đã có cuộc hội nghị trực tuyến để chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 12 của Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam và Trung Cộng, trong đó có bàn về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nội dung của cuộc họp như thế nào thì không thấy truyền thông nhà cầm quyền loan tin.
An Nhiên

Lũ lụt tại Trung Cộng làm gián đoạn

nguồn cung thiết bị y tế toàn cầu

Tin Thượng Hải, Trung Cộng – Vào thứ Sáu, 17 tháng 7, nhiều vùng tại Trung Cộng tiếp tục chìm trong lũ lụt, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu về thiết bị y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân, vốn hết sức cần thiết trong cuộc chiến chống coronavirus.
Thành phố Vũ Hán cùng các tỉnh An Huy, Giang Tây, và Chiết Giang, đều tuyên bố báo động đỏ sau khi mưa lớn kéo dài làm mực nước ở các sông hồ dâng cao. Thành phố Vũ Hán, nằm bên bờ sông Dương Tử, đã kêu gọi người dân đề phòng khi mực nước sông tăng gần sát mức giới hạn an toàn tối đa.
Trung Cộng hầu như mỗi năm đều bị lũ lụt trong mùa mưa, tuy nhiên, đợt lũ lụt năm nay đang gây ảnh hưởng rộng lớn ra ngoài Trung Cộng, do hàng hóa của nước này đang trở nên hết sức quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu của nhiều sản phẩm, bao gồm cả thiết bị y tế cá nhân.
Hãng Dealmer, một nhà phân phối thiết bị y tế tại Hoa Kỳ, chuyên cung cấp áo choàng y tế dùng một lần và nhiều sản phẩm khác, cho biết lũ lụt khiến hãng sản xuất tại Vũ Hán không thể giao hàng trong khoảng 3 tuần, và đây là một thời gian rất dài trong ngành kinh doanh này. Do mưa lớn tiếp tục kéo dài. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng được coi là không thể tránh khỏi.
Đập Tam Hiệp, nơi đang cố giữ nước để giảm nguy cơ ở hạ nguồn, hiện đang có mực nước cao hơn 10 mét so với mức cảnh báo, và đang nhận lượng nước đổ vào với tốc độ hơn 50,000 mét khối nước một giây. Hồ Bà Dương tại tỉnh Giang Tây, hình thành từ nước tràn từ sông Dương Tử, đã dâng nước cao hơn 2.5 mét so với mức cảnh báo và mở rộng thêm 2,000 cây số vuông, khiến nhiều phần của thành phố lân cận bị ngập nước. (BBT)

Chính quyền Trung Quốc cho phá đê để giảm lũ

Tâm Thanh
Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã cưỡng chế người dân huyện Túc Tùng, tỉnh An Huy ra khỏi nơi sinh sống để tiến hành phá đê nhằm giảm bớt tình trạng lũ lụt.
Kết quả là, nhiều thôn làng bên ngoài con đê bị ngập trong nước. Có nơi nước sâu tới 5,6m, nhấn chìm cả tòa nhà 2 tầng. Ngoài ra, người dân còn cho biết, vì để bảo vệ sông Dương Tử và đảm bảo an toàn cho các thành phố lớn, chính quyền cũng cho phá vỡ một con đập lớn ở huyện Túc Tùng, gây ngập lụt các vùng nông thôn.
Chính quyền phá đê, các thôn làng bên ngoài đê bị ngập.
Sau khi chính quyền huyện Túc Tùng phá vỡ con đê Đồng Mã vào ngày 12/7, nhiều ngôi làng bên ngoài đê đã bị nhấn chìm. Dân làng địa phương nói với tờ The Epoch Times tiếng Trung hôm 17/7 rằng, chính quyền đã phái cảnh sát vũ trang đến cưỡng ép, xua đuổi người dân phải rời đi, sau đó phá đê, xả lũ khiến nhiều ngôi làng chìm trong biển nước, những vật dụng quan trọng cũng chưa kịp mang đi.
Bác sĩ Trương (không phải tên thật) cho biết: “Ở phía trong con đê Đồng Mã thì không vấn đề gì, nhưng ở bên ngoài đê thì toàn bộ thôn trang đều bị ngập lụt, tủ lạnh và điều hòa bị hỏng, hoa màu bị ngâm trong nước, không còn gì nữa”.
“Người dân bên ngoài đê sơ tán vào phía trong con đê, ai có gia đình người thân thì ở nhờ, vì nhà cửa đã bị nước lũ nhấn chìm, có người đến quần áo cũng không có để thay”.
Chia sẻ với tờ The Epoch Times tiếng Trung, bác sĩ Trương nói: “Tất cả mọi người sau khi nghe thấy lệnh thì bắt buộc phải ra khỏi nhà. Nào là cảnh sát giao thông, cảnh sát vũ trang vào nhà đuổi người đi, nếu không di chuyển thì sẽ bị khiêng ra ngoài”.
Ông Lý (không phải tên thật), chủ một cửa hàng tư nhân ở thôn Tứ Châu, xã Châu Đầu, huyện Túc Tùng chia sẻ với tờ The Epoch Times tiếng Trung rằng thôn Tam Châu thuộc thị trấn Hối Khẩu và thôn Tứ Châu thuộc xã Châu Đầu, huyện Túc Tùng đều bị ngập lụt và hiện có hơn 1000 người phải trú ngụ tại một chỗ.
Ông nói: “Chính quyền thông báo thời gian sơ tán quá vội vàng, chỉ khoảng trước 6 giờ. Ở trên nói rằng việc xả lũ đã được sắp xếp, vậy là mọi người để chạy thoát thân nên tài sản cũng như nơi ở của họ đã bị mất”.
“Nhiều người chuyển đồ đạc lên tầng hai, nghĩ rằng như vậy sẽ an toàn, nhưng ngay cả tầng hai cao 5,6m cũng bị ngập”.
Ông Trương chia sẻ: “Nước ở thượng nguồn sông Dương Tử rất cao, nếu như xả lũ để cố gắng bảo vệ con sông và các thành phố lớn, thì các thôn làng bên cạnh sẽ chìm ngập trong nước, lũ lụt 3 tỉnh, 6 huyện sẽ tạo thành 1 cái hồ lớn, giống như một vùng biển nội địa nhỏ”.
Ông phàn nàn: “Chính quyền làm ngập lụt các thôn làng của chúng tôi. Vùng quê chúng tôi vô cùng khổ cực, vì hàng năm đều bị lũ lụt nên các công ty lớn không dám đến phát triển, đầu tư nước ngoài cũng không có. Nơi đây mãi mãi là một vùng nông thôn khó khăn, nghèo nàn. Cuộc sống của người dân rất đáng thương”.
Theo epochtimes.com
Tâm Thanh biên soạn

Đỉnh lũ thứ 2 đi qua Tam Hiệp,

dự kiến 4 ngày tới sẽ đến Vũ Hán

Tâm Tuệ
Trong khi đó, bờ kè thành phố Vũ Hán đang tới mức giới hạn và xuất hiện hiện tượng thấm nước. Nước sông đã vượt mức báo động, đỉnh lũ thứ 2 tràn về sẽ là mối đe dọa lớn.
Vào ngày 18/7, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo về mưa bão, lũ quét và thảm họa địa chất trong lưu vực sông Trường Giang. Theo dự báo thời tiết, mưa lớn sẽ xảy ra ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam và sẽ kéo dài trong 3 ngày. Ngoài ra, Cam Túc, Vân Nam, Hoa Bắc, Sơn Đông, Quý Châu và những nơi khác cũng sẽ có mưa to dữ dội.
Trường Giang Nhật báo cho hay, đỉnh lũ số 2 của sông Trường Giang hiện đang đi qua đập Tam Hiệp và mực nước ở đó đang tăng nhanh, ước tính có thể đến Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc trong 4 ngày tới. Cục Thủy văn sông Trường Giang đã đưa ra cảnh báo lũ khẩn cấp cho vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang, bao gồm khu vực hồ Động Đình, hồ Bà Dương và sông Thủy Dương…
Xem thêm: Tín hiệu đỉnh lũ mới, kè sông ở Vũ Hán đã tới giới hạn chịu đựng
Một video đăng tải lên Twitter cho thấy bờ kè sông Trường Giang tại thành phố Vũ Hán đang xuất hiện hiện tượng thấm nước. Mực nước tại sông cũng đang vượt quá mực nước cảnh báo hơn 1 mét, nếu đỉnh lũ thứ 2 tràn về, thì không biết bờ kè có thể chịu đựng được nữa không.
Trước đó, sáng ngày 17/7, Cục Thủy văn của Ủy ban Tài nguyên Nước sông Trường Giang thuộc Bộ Thuỷ lợi thông báo, do ảnh hưởng của mưa lớn, lượng nước giữa khu vực thượng nguồn sông Trường Giang và Tam Hiệp đã tăng lên đáng kể. Theo thông tin do Bộ Thuỷ Lợi Trung Quốc công bố, vào lúc 8h tối ngày 17/7, cơn lũ tràn vào đập Tam Hiệp với tốc độ dòng chảy 59.000 m3/s, vượt qua tốc độ dòng chảy của đỉnh lũ số 1.
Dữ liệu từ trang web của Cục Thủy văn Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang cho thấy, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa được đo hôm 18/7 lên tới 59.800 m3/s. Theo “Quy định về đánh số lũ của các con sông lớn trên toàn quốc”, do đã đạt tiêu chuẩn đánh số lũ nên thông báo “Đỉnh lũ số 2 trên sông Trường Giang  năm 2020” đã được ban hành.
Hiện tại, các trạm quan trắc nước lũ ở trung và thượng lưu sông Trường Giang đã phát hiện những trận lụt lớn vượt quá mực nước cảnh báo. Vì vậy, nhiều khu vực đã nâng cấp “ứng phó khẩn cấp” phòng chống lũ lên cấp 1 (cấp cao nhất).
Trạm quan trắc thủy văn Hán Khẩu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã đưa ra một thông báo rằng, khu vực này tiếp tục xuất hiện mực nước trên 28 mét, vượt quá mực nước cảnh báo trong ngày thứ 12 liên tiếp.
Theo tờ Hồ Bắc Nhật báo, do chịu ảnh hưởng của mực nước cao của sông Trường Giang, mưa lớn và nước ở thượng nguồn đổ về, vào lúc 8h tối ngày 17/7, mực nước tại trạm Thủy Bích Kiều trên sông Thủy Dương ở thành phố Nam Kinh là 13,35 mét, cao hơn 2,85 mét so với mực nước cảnh báo. Mực nước ở trạm Di Sơn thuộc hồ Thạch Cữu là 12,86 mét, vượt mức cảnh báo 2,46 mét. Thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã quyết định bắt đầu khởi động ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ cấp 1 ở khu vực sông Thủy Dương và hồ Thạch Cữu.

Tín hiệu đỉnh lũ mới,

kè sông ở Vũ Hán đã tới giới hạn chịu đựng

Phụng Minh
Đê Vũ Hán xuất hiện hiện tượng bị thấm, nước sông đã vượt cảnh báo 1 mét, trong khi một đỉnh lũ mới được dự đoán sắp ập tới.
Ngày 17/7, Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc đã thông báo, do mưa lớn, dòng chảy chính của thượng nguồn sông Dương Tử và khu vực Tam Hiệp đã tăng đáng kể. Lưu lượng vào hồ chứa tăng nhanh, lên 50.000 mét khối mỗi giây vào lúc 10h ngày 17/7. “Lũ số 2 trên sông Dương Tử năm 2020” đã hình thành ở thượng nguồn, dòng chảy tối đa vào hồ chứa Tam Hiệp ước tính vào khoảng 55.000 mét khối mỗi giây vào lúc 20h giờ ngày 17.
Tín hiệu đỉnh lũ mới?
Thông điệp về “trận lũ số 2 của sông Dương Tử” trong năm nay có nghĩa là hạ lưu sẽ có thể gặp một thảm họa xả lũ khác. Hiện tại, khu vực hồ Bà Dương đã vượt khỏi tầm kiểm soát, nước ở Vũ Hán đã tới 28,37 mét và tình trạng kiểm soát lũ ở tỉnh An Huy, nơi đang đối mặt với lũ lụt ở phía nam và phía bắc đang rất nghiêm trọng. Khi đạt đến mức kiểm soát lũ cao nhất, chính quyền đã phải đưa ra cảnh báo đỏ, và lũ lụt đang tiếp cận khu vực Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải.
Trang web chính thức của Cục quản lý lưu vực hồ Thái Hồ của Bộ Tài nguyên nước thông báo rằng vào lúc 7h sáng ngày 17, mực nước trong Thái Hồ đạt 4,65 mét, mức kiểm soát lũ cao nhất và cho thấy xu hướng tăng. Cục phòng chống lũ hồ Thái Hồ đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp 1 để kiểm soát lũ vào lúc 8h sáng thứ Sáu và yêu cầu các bộ phận bảo tồn nước của Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và các tỉnh, thành phố khác trong lưu vực phải thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch xử lý khẩn cấp lũ Thái Hồ”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết vào chiều ngày 16/7 rằng dòng chảy vào hồ chứa Tam Hiệp dự kiến sẽ đạt “đỉnh lớn”, kéo dài tình thế bất lợi của lưu lượng nước lớn liên tục trong tương lai gần. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc kiểm tra và bảo vệ đê trong lưu vực hồ Thái Hồ và xả nước lũ đầy đủ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thái Hồ rất rộng và nông, độ sâu trung bình khoảng 1,8 mét, nước dễ vào nhưng không dễ thoát. Một khi Thái Hồ bị ngập, các khu vực xung quanh Tô Châu, Vô Tích, Thường Châu, Hồ Châu và Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng.
Chuyên gia thủy lợi Trung Quốc: Lũ lụt năm nay không chỉ là thiên tai
Vương Gia Hổ, giáo sư tại Trường Thủy văn và Tài nguyên nước thuộc Đại học Hà Hải, nói rằng thảm họa lũ lụt không chỉ do mưa lớn mà còn do sự xâm chiếm của con người đối với các hồ nước.
Ông cho biết thảm họa lũ lụt năm nay vượt xa về lượng mưa so với năm 1998. Kể từ năm 1998, chính quyền đã mất khống chế về phương diện kiểm soát mực nước ở các hồ. Các bãi đất có nhiều hộ gia đình cư dân sinh sống bị lũ lụt từng là nơi thoát lũ tự nhiên. Những năm gần đây, lưu vực thoát nước tự nhiên của hồ đã bị xâm chiếm, gây ra tổn thất lớn cho đợt lũ lụt này.
Vương Gia Hổ nói rằng hồ Bà Dương ban đầu là một vùng trũng lớn. Sau khi lũ lụt đến vùng đồng bằng ngập nước, đất đai trở nên màu mỡ, thu hút mọi người khai hoang, và không gian của hồ Bà Dương thu hẹp. “Thảm họa này chủ yếu do lũ lụt ở khu vực khai hoang của các bãi đất ban đầu thuộc về hồ. Vì mức độ kiểm soát lũ của chúng rất thấp, chúng tôi vẫn cần tăng cường quản lý về mặt hài hòa giữa con người và nước”, ông Vương nói. Tính đến thời điểm Sound of Hope đưa tin, bài báo có lời ông Vương trên truyền thông Trung Quốc đã bị xóa.
Vũ Hán thấp thỏm
Hiện tại, một số bờ kè sông trong khu đô thị Vũ Hán đã thấy dấu hiệu bị thấm nước, 4 cổng bao ở Long Vương Miếu đã đóng chặt, mỗi cổng lại được niêm phong bằng nhiều lớp. Có thể thấy từ video người dân Vũ Hán thực hiện, một số người đang rất quan tâm tới việc kè bị thấm nước.
Người đăng clip lo lăng: “Nước lũ đã lên tới mức cảnh báo của kè sông tại Vũ Hán sau 2 ngày! Hiện tại, nó đã vượt quá mực nước cảnh báo hơn 1 mét. Nếu mực nước cao hơn ba hoặc bốn mét so với khu vực đô thị! Hậu quả có thể là thảm họa”.
Theo Nguyên Minh Thanh, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch

Vũ Hán phát cảnh báo lũ ‘màu đỏ’,

nước hồ chứa Tam Hiệp vượt 10m so với mức an toàn

Phụng Minh
Nước hồ Bà Dương cũng đang cao hơn 2,5 mét so với mốc cảnh báo. Khu vực nước tràn ra đã rộng hơn 2.000 km2.
Hôm qua (17/7), Reuters đưa tin, thành phố trung tâm của Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang đã đưa ra cảnh báo đỏ cho mưa lớn và mức nước tại các sông hồ.
Thành phố Vũ Hán, bên bờ sông Dương Tử, cảnh báo người dân nên đề phòng khi mực nước nhanh chóng đạt đến mức an toàn tối đa được đảm bảo.
Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ, nơi đang tích trữ nhiều nước hơn để cố gắng giảm bớt lưu lượng gây ra rủi ro lũ lụt ở hạ lưu, hiện đang có mức nước cao hơn 10 mét so với mức cảnh báo của nó, và dòng chảy hiện tại vào hồ chứa là hơn 50.000 mét khối/giây.
Cũng theo Reuters, mực nước ở hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, do lưu lượng tại Dương Tử cao nên cũng đã dâng lên cao hơn 2,5 mét so với mức cảnh báo của hồ. Khu vực nước tràn ra đã rộng hơn 2.000 km2 và một phần của thị trấn xung quanh đã bị ngập lụt.
Xa hơn về phía đông, Thái Hồ gần Thượng Hải cũng đã tuyên bố báo động đỏ sau khi mực nước tăng lên gần 1 mét so với mức an toàn.
Các nhà phân tích cho rằng hoạt động kinh tế ở các khu vực khác của Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu xây dựng, thép và xi măng cũng bị tổn thương do lũ lụt. Sau khi hồi phục nhanh hơn dự kiến trong quý 2, nền kinh tế Trung Quốc lại đang có nguy cơ mất một số động lực tăng trưởng.
Chuyên gia phân tích của Morgan Stanley cho biết, “ước tính lũ lụt gần đây ở các khu vực sông Dương Tử có thể hãm tốc độ tăng của GDP mất 0,4-0,8 điểm phần trăm trong quý ba”.

Lũ lụt cây trồng ngâm tẩm trong nước, Bắc Kinh

tuyên bố vụ mùa bội thu, lương thực đầy đủ

Tâm ThanhLũ lụt cây trồng ngâm tẩm trong nước, Bắc Kinh tuyên bố vụ mùa bội thu, lương thực đầy đủ
Các khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc hiện đang bị ngâm trong nước do lũ lụt, nhưng phía chính quyền vẫn tuyên bố rằng lương thực dự trữ vẫn đủ ăn và năm nay đã gặt hái được một vụ mùa bội thu khiến cư dân mạng lên án mạnh mẽ.
Lưu vực sông Dương Tử tại Trung Quốc đã bị lũ lụt tấn công nghiêm trọng và hầu hết các khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc đều bị ngâm trong nước. Người dân lo lắng rằng năm nay, sản lượng nông nghiệp sẽ thất thu. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp vào ngày 16 tháng 7 rằng Trung Quốc đã sản xuất năng suất cao trong nhiều năm, với lượng dự trữ đầy đủ, tác động của lũ lụt và dịch bệnh lên thị trường lương thực không gây ảnh hưởng nhiều, các cánh đồng lúa mì và lúa gạo sẽ khôi phục sản xuất, dự tính sẽ bội thu vào mùa Thu tới. Lương thực, rau, thịt đều đảm bảo cho mọi người sinh hoạt trong vòng nửa năm tiếp theo. Thông điệp vừa được loan truyền, cư dân mạng đã lên án mạnh mẽ.
Trang web của Bộ Nông thôn Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp vào ngày 16/7 rằng nguồn cung nông sản trong nửa đầu năm nay nói chung là đủ: “Giá thị trường đã tăng nhưng sau đó giảm, bao gồm ngô, lúa mì, gạo, v.v., và hiện nay giá cả các mặt hàng đã “trở về mức chuẩn” như hồi đầu tháng 1, lúc mới phát sinh dịch bệnh.  Mặc dù, giá đậu tương trong nước đã tăng đáng kể, nhưng giá đậu nành nhập khẩu đã giảm và tăng về số lượng. Nhìn chung, nguồn cung vẫn ổn định”.
Bộ Nông thôn cũng chỉ ra rằng đối với rau, quả, v.v., biến động giá cả phù hợp với tính quy luật mùa vụ hàng năm. Mặc dù, giá thịt dê, thịt bò và thịt lợn vẫn ở mức cao, nhưng nó đã giảm chậm và giá trứng đã giảm mạnh.
Nói tóm lại, ý của Bộ Nông thôn là “Lương thực mùa hè đã thu hoạch và được mùa”, đủ cho tiêu dùng cả năm ở Trung Quốc, vì vậy trong nửa năm sau “ăn thực phẩm, rau và thịt nói chung vẫn được đảm bảo.”
Bộ Nông thôn cũng cho biết, vào cuối tháng 3 năm nay, do ảnh hưởng của một số quốc gia nên việc xuất khẩu bị hạn chế.  Do đó, tâm lý người dân hoảng loạn dẫn đến việc tích trữ lương thực khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, hiện tại, ngũ cốc mùa hè được thu hoạch và giá cả ổn định.
Đáp lại những tuyên bố trên, cư dân mạng đã chỉ trích:
“ĐCSTQ đã lừa dối chính họ và người dân”.
“Không hổ danh một quốc gia nói dối một cách chân thành nhất trên thế giới …!”
“Các tỉnh chủ yếu sản xuất ngũ cốc đều bị ngập lụt, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng để dọn dẹp sạch sẽ. Bên cạnh đó, các các kho lương thực đều bị biển thủ, nếu nói muốn kiểm tra thì nó sẽ bị bốc cháy vào giữa đêm [để che giấu hiện trạng kho trống]. Người Trung Quốc không cướp lấy lương thực bây giờ, chẳng lẽ muốn ngồi chờ Chính phủ cứu tế sao? Chính phủ Trung Quốc đã từng cứu giúp người dân ư? “
“Quan chức này nói … Ăn thực phẩm, rau và thịt được đảm bảo trong nửa năm sau… Sau trận lụt nghiêm trọng như vậy, nó có thể vẫn được đảm bảo. Nếu thực sự được như vậy thì thật đáng mừng!”
Nazi cộng sản Trung Quốc chính là chuyên gia lừa đảo, nói dối và làm những hành vi sai trái.
Nó thực sự khiến nhiều nhà độc tài tàn bạo phải ghen tị”.
“Một mùa bội thu châu chấu, ăn châu chấu đi…”
Trước đó, truyền thông Đức Deutsche Welle đưa tin, vào ngày 21/4, David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cảnh báo rằng dịch virus viêm phổi Vũ Hán đã tấn công nền kinh tế toàn cầu, và số người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vào năm 2020 có thể lên tới 265 triệu người. Cộng đồng quốc tế phải hành động để đảm bảo rằng đại dịch không biến thành thảm họa khủng hoảng nhân đạo và lương thực, nếu không vài tháng sau, có thể sẽ có một nạn đói lớn giống như nạn đói được đề cập trong Kinh thánh.
Một báo cáo của phương tiện truyền thông, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 21/4 tuyên bố rằng theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Đông Phi là khu vực gặp phải nạn châu chấu tồi tệ nhất trong 25 năm kể từ đầu năm nay. Trong một thời gian ngắn tới, sẽ đón nhận một nạn châu chấu mới.
Hiện tại, Trung Quốc đại lục không chỉ đang phải đối phó với virus Vũ Hán tàn phá, mà còn có có nguy cơ đối mặt với nạn châu chấu sa mạc Châu Phi xâm lược. Vào ngày 2/3, Cục Quản lý Lâm nghiệp và
Đồng cỏ đã ban hành một thông báo khẩn cấp cho biết nạn châu chấu sa mạc đang hoành hành ở Đông Phi, Trung Đông và Nam Á theo gió mùa tháng 6,7 có khả năng tấn công Trung Quốc đại lục thông qua ba tuyến đường, lần lượt xâm chiếm Tây Tạng, Vân Nam và Tân Cương.
Virus Vũ Hán đang hoành hành và gây thiệt hại khắp thế giới. Trong tình hình các thành phố và các quốc gia của các nước trên thế giới đóng cửa để đối phó với dịch bệnh, nhiều quốc gia xung quanh Trung Quốc đã tuyên bố cấm xuất khẩu thực phẩm để đảm bảo nguồn cung lương thực cho đất nước họ.
Trong những năm qua, đại lục đã giảm dần diện tích đất trồng trọt, môi trường xuống cấp và sản lượng ngũ cốc giảm dần qua từng năm. Những yếu tố này đã khiến đại lục trở thành quốc gia nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Không chỉ vậy, kể từ tháng 6, miền nam Trung Quốc đã bị mưa lớn và lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi. Hầu như tất cả các khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc đều bị ngâm trong nước. Cho đến nay, tình trạng lũ lụt vẫn chưa thuyên giảm, việc khôi phục lại sản xuất lương thực ở nhiều nơi là vô vọng.
Bên cạnh đó, các kho chứa ngũ cốc thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc còn xảy ra nạn tham nhũng và thâm hụt, thế giới bên ngoài tin rằng Trung Quốc đang  thực sự phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.
Theo Nguyên Minh Thanh, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch

Mưa lớn khiến một thành phố ở Trung Quốc

ngập trong biển nước

Tâm Thanh
Mưa lớn đã biến thành phố Ân Thi ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc thành thủy thành, khiến chính quyền thành phố phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt lên cấp cao nhất.
Vào ngày 17/7, thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc đã phải hứng chịu cơn mưa lớn khiến cả thành phố bị ngập lụt nghiêm trọng. Do mưa lớn liên tục, mực nước của sông Thanh Giang ở thành phố Ân Thi tiếp tục tăng. Đến 4 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 17/7, mực nước của sông đã vượt quá 418,9 mét. Các tuyến đường chính dọc 2 bờ sông bị ngập sâu, khiến xe cộ và người đi đường bị kẹt trong dòng nước. Chính quyền thành phố Ân Thi đã phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt từ cấp II lên cấp I – cấp cao nhất.
Mực nước của sông Thanh Giang đang tiến đến mức báo động. Nước sông chảy vào khu đô thị, đường cao tốc, đất nông nghiệp khiến cả thành phố Ân Thi chìm trong biển nước.
Cư dân mạng đã đăng tải những video cho thấy rất nhiều ngôi nhà ở thành phố Ân Thi bị sụp đổ do lũ. Tại một số nơi trong thành phố, nước lũ sâu gần 3m. Xe bus gần như bị ngập hoàn toàn trong nước.

Thành phố Ân Thi bị nước nhấn chìm hơn 1m, tất cả những chiếc ô tô đỗ trên đường bị ngâm trong nước và giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Ở một số khu vực, nước sâu tới 2 mét, xe hơi bị chìm nghỉm, khiến người dân phải dùng thuyền để đi lại.
Hiện tại, mưa lớn vẫn đang tiếp diễn và thảm họa tại thành phố Ân Thi có lẽ sẽ còn kéo dài. Mực nước sông Thanh Giang đã cận kề mức báo động, cộng thêm việc hồ chứa Đại Long sắp xả lũ. Một khi hồ chứa Đại Long xả lũ, hàng trăm cư dân dọc theo bờ sông có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt khủng khiếp hơn.

Một tỉnh du lịch của Cambodia cấm buôn bán thịt chó

Tỉnh Siem Reap, một tỉnh du lịch nổi tiếng ở Cambodia, đã cấm buôn bán và giết mổ chó để lấy thịt, vì cho rằng chó là loài vật trung thành, có khả năng bảo vệ tài sản và thậm chí có thể phục vụ trong quân đội. Tỉnh Siem Reap là nơi đầu tiên ban hành lệnh cấm như vậy ở Cambodia, ước tính có ba triệu con chó bị giết thịt mỗi năm tại đây.
Theo tổ chức phúc lợi động vật FOUR PAWS, Siem Reap được xác định là một điểm quan trọng về thịt chó, chịu trách nhiệm cho việc tìm nguồn cung quy mô lớn và buôn bán chó Cambodia. Tỉnh này được hơn 2 triệu khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Cô Katherine Polak, người đứng đầu FOUR PAWS Stray Animal Care ở Đông Nam Á, gọi đây là một lệnh cấm mang tính lịch sử và phản ánh tình cảm của công chúng. Giám đốc Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của tỉnh cho biết nhu cầu được thúc đẩy bởi người ngoại quốc, đặc biệt là người Nam Hàn, đây là nhóm người thường xuyên đến thăm Cambodia. Bất cứ ai bị bắt gặp bán thịt chó sẽ phải ký một thỏa thuận cam kết ngưng bán, nếu sau đó vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị phạt.
Mặc dù có nhiều chiến dịch chống lại việc ăn và buôn bán thịt chó nhưng điều này vẫn diễn ra ở một số vùng của Lào, Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, mặc dù chó được yêu thích như thú cưng trong gia đình. (BBT)

Chuyên gia Singapore chỉ rõ ẩn ý của Mỹ

 trong tuyên bố về Biển Đông

Theo chuyên gia, tuyên bố mới của Mỹ mang nhiều thông điệp mới nhằm bác yêu sách của Trung Quốc và ngầm ủng hộ Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Liên quan đến việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 ra tuyên bố về lập trường của Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, PGS.TS Yongwook Ryu từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore gửi bài viết phân tích các vấn đề cốt lõi xung quanh tuyên bố này của Mỹ.
Thông điệp mới trong Tuyên bố của Mỹ
Lập trường mới của Mỹ là công khai ủng hộ phán quyết Tòa trọng tài Thường trực (PCA) 2016, rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc khẳng định cái gọi là “đường lưỡi bò” hay đưa ra yêu sách “quyền lịch sử” hay bất kỳ yêu sách nào khác ngoài những gì được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép. Và một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa hay bãi cạn Scarboughrough chỉ là đá, nên chỉ có thể đưa ra lãnh hải 12 hải lý.
Tuy nhiên Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền. Cụ thể như ai sở hữu thực thể trên biển, điều nên được giải quyết giữa các bên liên quan. Song Mỹ tái khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Mỹ chưa bao giờ đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền, nên khả năng họ tuyên bố ủng hộ yêu sách của các nước khác sau khi bác bỏ Trung Quốc là không cao. Dù vậy, bằng việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và hoàn toàn ủng hộ phán quyết PCA năm 2016, Mỹ ngầm ủng hộ yêu sách của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể Mỹ phủ nhận bất kỳ yêu sách tài nguyên nào của Trung Quốc nằm ngoài khu vực 12 hải lý (từ các đá ở Trường Sa và bãi cạn Scarborough), ngụ ý rằng phần lớn tài nguyên ở Biển Đông thuộc về các quốc gia bờ biển Đông Nam Á gần nhất.
Bản chất lập trường này của Mỹ không có gì mới, mà cái mới là mức độ rõ ràng và mạnh mẽ mà Mỹ đưa ra tuyên bố.
Điều này đánh dấu sự bắt đầu trong cam kết của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn, trên nhiều phương diện ngoại giao và quân sự, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các vấn đề và khu vực khác.
Có thể dự đoán rằng, các quan chức Mỹ cấp cao sẽ phổ biến lập trường này nhiều hơn trong tương lai và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước cùng quan điểm khác như Australia và Nhật Bản. Tất cả sẽ gia tăng căng thẳng ở khu vực trong thời gian tới.
Mâu thuẫn Mỹ – Trung
Bất chấp lập trường mạnh mẽ của Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ không thay đổi hành vi của mình. Trung Quốc sẽ tiếp tục hung hăng và ngang ngược trong khu vực, để thể hiện quyết tâm, thúc đẩy lợi ích và ảnh hưởng. Do đó, căng thẳng sẽ gia tăng ở Biển Đông, với khả năng ngày càng có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra giữa Mỹ – Trung.
Hơn nữa, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là một mặt, dù rất quan trọng, của sự đối đầu quyền lực rộng lớn hơn giữa hai nước. Điều này biểu hiện trong các vấn đề khác như Hong Kong, Đài Loan, thương chiến,…
Sự xuất hiện lập trường mới của Mỹ về Biển Đông cũng là phản ứng của Mỹ với các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc gần đây trong khu vực, cũng như chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong.
Ông Pompeo đã gặp ông Dương Khiết Trì ở Hawaii ngày 18/6, và nói rõ ràng với Trung Quốc những gì Mỹ muốn từ Trung Quốc, và Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp/chính sách thích hợp với Trung Quốc tương ứng với những gì Trung Quốc làm trong hai tuần tiếp theo.
Sau đó Luật an ninh Quốc gia với Hong Kong được ban hành và Trung Quốc tập trận quân sự ở Biển Đông. Vì vậy Mỹ đang phản ứng với chính sách và hành động của Trung Quốc với chính sách mạnh mẽ và dữ dội của họ.
Ủng hộ Việt Nam, Philippines và ASEAN
Với tuyên bố mới, về cơ bản Mỹ đang dành sự ủng hộ hết mình cho lập trường của Việt Nam và Philippines, cũng như ASEAN trên Biển Đông.
Dù có chiến thắng vang dội mà Philippines giành được ở PCA năm 2016, ASEAN chưa tận dụng được phán quyết này để tăng cường lập trường của mình ở Biển Đông trước Trung Quốc. Thực tế, Mỹ trong quá khứ cũng từng khá “chần chừ” khi làm điều này.
Mỹ dưới chính quyền Trump cuối cùng đã quyết định có lập trường mạnh và rõ ràng trong việc ủng hộ phán quyết PCA 2016, điều này cung cấp sự hỗ trợ về chính trị và ngoại giao cho Việt Nam và ASEAN.
Rõ ràng Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực, và khá chắn chắn rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên. Nhưng các nước khác sẽ phản ứng như thế nào, đặc biệt là các nước ASEAN, họ sẽ phản ứng thế nào và điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của họ với Trung Quốc, vẫn là một câu hỏi.
Các nước đã lên tiếng mạnh mẽ trong việc phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sử dụng lập trường mới của Mỹ để tăng cường thêm cho lập luận của họ trong tương lai, nên chúng ta có thể thấy họ đưa ra một tuyên bố ngoại giao mạnh mẽ hơn ở các hội nghị khu vực và quốc tế. Các nước trong quá khứ đã im lặng hoặc phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh thì có thể sẽ tiếp tục im lặng và né tránh vấn đề.
Trong ASEAN chúng ta có thể sẽ thấy cuộc thảo luận căng thẳng và tranh luận dữ dội hơn về các tranh chấp Biển Đông. Các thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines có thể sẽ muốn ASEAN đưa ra một lập trường mạnh mẽ và rõ ràng tương tự về Biển Đông, trong khi những thành viên khác sẽ muốn bỏ qua vấn đề và giảm nhẹ lập trường về vấn đề này, dẫn đến sự chia rẽ.
Tuyên bố mới của Mỹ không quá ngạc nhiên. Song lập trường của Mỹ tạo cơ hội cho các nước liên quan ở Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines thúc đẩy luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thực hiện hành vi của mình theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam và các nước ASEAN khác nên sử dụng cơ hội này không phải để thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ, mà là để thúc đẩy luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử hợp pháp ở Biển Đông. Mục đích là xây dựng không gian hàng hải này thành một không gian vì lợi ích tập thể, kiên quyết chống lại mọi nỗ lực của bất kỳ ai để biến nó thành một khu vực của xung đột hoặc thống trị.
Một trật tự khu vực và xã hội dựa trên quy tắc là những gì ASEAN nên hướng tới, và Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của ASEAN vào năm 2020 phải hướng tới mục tiêu này.

Indonesia vượt Trung Quốc

với số ca Covid-19 cao nhất Đông Á

Indonesia ngày thứ Bảy vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số ca nhiễm virus corona được xác nhận nhiều nhất ở Đông Á với 84.882 ca, và nhà chức trách cho biết tỉ lệ lây nhiễm thực tế có thể cao hơn do các trường hợp chưa được phát hiện.
Dữ liệu từ lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của nước này cho thấy 1.752 ca nhiễm virus corona mới vào ngày thứ Bảy và 59 ca tử vong, khiến số người chết liên quan đến coronavirus lên tới 4.016 người, Reuters đưa tin.
Trung Quốc, nơi các ca virus corona đầu tiên được báo cáo vào cuối năm ngoái, đã có 83.644 ca tính đến ngày thứ Sáu, với 4.634 ca tử vong.
“Có khả năng các trường hợp dương tính không có triệu chứng vẫn chưa được phát hiện,” người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm Achmad Yurianto cho biết, nói thêm rằng nhà chức trách sẽ tiếp tục ưu tiên truy tầm tiếp xúc.
Các nhà dịch tễ học đã chỉ trích chính phủ vì áp đặt các hạn chế nhẹ hơn so với các nước láng giềng để kiểm soát đại dịch và vì phạm vi xét nghiệm hạn chế.
Một số hạn chế được nới lỏng vào đầu tháng 6, ngay cả khi số ca nhiễm tiếp tục tăng, để cho phép tái tục một số hoạt động kinh tế.
Đô trưởng Jakarta Anies Baswedan trong tuần này đã hoãn lại quyết định nới lỏng thêm các hạn chế, bao gồm hoãn mở lại các rạp chiếu phim. Thủ đô của Indonesia báo cáo 346 trường hợp mới vào ngày thứ Bảy, là mức tăng hàng ngày cao nhất, với tám trường hợp tử vong mới.
Tây Java, tỉnh đông dân nhất của Indonesia, sẽ bắt đầu phạt những người không đeo khẩu trang ở những nơi công cộng bắt đầu từ ngày 27 tháng 7, Tỉnh trưởng Ridwan Kamil cho biết trên Twitter.

Úc tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 16.7 tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.
“Úc giữ vững lập trường nhất quán là ủng hộ rất mạnh mẽ cho tự do hàng hải ở Biển Đông”, Thủ tướng Morrison nói trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra, theo Reuters.
Ông Morrison cho biết thêm Úc đóng “vai trò mang tính xây dựng” ở Biển Đông và sẽ tiếp tục có hành động, tuyên bố cùng sáng kiến riêng của mình.
Thủ tướng Morrison đưa ra tuyên bố này sau khi phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Úc đối với lập trường của Mỹ về Biển Đông, được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vài ngày trước đây.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15.7 tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ các nước tin rằng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông, thông qua những diễn đàn đa phương và hợp pháp.
Ông Pompeo cũng đã đưa ra quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.