Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 24/04/2020

Friday, April 24, 2020 5:32:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 24/04/2020

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị y án tù chung thân – Khôi Minh

Sáng 24/4, tại phiên phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên án chung thân đối với cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Báo VnExpress đưa tin, cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ với ông Nguyễn Bắc Son như: Khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ (66,5 tỷ đồng), nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu, là thương binh… VKSND Cấp cao thấy không có thêm căn cứ và tình tiết mới để giảm án nên đề nghị giữ nguyên hình phạt.
Báo Zing cho biết, sau khi tổng hợp các quan điểm, công tố viên đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên y án đối với các bị cáo Nguyễn Bắc Son (chung thân); Hồ Tuấn, Phan Thị Hoa Mai, Phạm Thị Phương Anh và Nguyễn Mạnh Hùng (cùng 2 năm 6 tháng tù), Hoàng Duy Quang (3 năm tù).
Đề nghị chấp nhận giảm một phần hình phạt cho bị cáo Lê Nam Trà, giảm 1-2 năm về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng giữ nguyên mức án 16 năm tù về tội Nhận hối lộ.
VKS cũng đề nghị giảm 6 tháng tù cho bị cáo Nguyễn Bảo Long (sơ thẩm tuyên 2 năm 6 tháng tù) và chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cho bị cáo Nguyên hưởng án treo (sơ thẩm tuyên 2 năm tù).
https://www.dkn.tv/thoi-su/cuu-bo-truong-nguyen-bac-son-bi-de-nghi-y-an-tu-chung-than.html

Khởi tố vụ án hình sự Công ty Gang thép Hà Tĩnh

Công an Hà Tĩnh vào ngày 24 tháng 4, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các Tổ chức tín dụng có liên quan, do vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Báo trong nước loan tin cùng ngày.
Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh được thành lập từ đầu năm 2007, do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; Công ty TNHH Vạn Lợi; Công ty CP Mangan cùng góp vốn. Tháng 6 năm 2007, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty này với số vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Ngày 15 tháng 6 năm 2007, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng dự án nhà máy gang thép Hà Tĩnh.
Đến ngày 29 tháng 7 năm 2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng ra Quyết định số 366 về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh trên 1.554 tỉ đồng và hơn 164 ngàn USD.
Cũng tin liên quan, báo cáo kiểm toán 2019 của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cho thấy, công ty này thua lỗ nặng 3 năm liên tiếp, từ 2017-2019.
Cụ thể, năm 2017 lỗ 416 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 414 tỷ đồng; năm 2019 lỗ lên tới 393 tỷ đồng, tăng thêm 36 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Trước đây, PVX cũng từng liên tiếp thua lỗ lớn vào năm 2012 và 2013 nhưng chưa bị hủy niêm yết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hatinh-iron-steel-company-prosecuted-04242020092345.html

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

gây nhiều sai phạm quản lý đất

Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều sai lạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở trong kết luận thanh tra phòng chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco).
Truyền thông nhà nước loan tin hôm 24/4 trích thông báo kết luận của thanh tra TP.HCM cho biết Resco đã sử dụng tiền 100% vốn nhà nước để chi nộp tiền thuê đất và thuế đất của Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần Địa ốc 7, chi trả các chi phí thực hiện dự án chung cư Nguyễn Kim (Khu B) thay cho đối tác, làm lợi cho đối tác. Việc này bị nhận định mang tính rủi ro cao, tuỳ tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, dễ dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước.
Kết luận cũng chỉ ra 6 dự án căn hộ, chung cư ở TP.HCM đều chậm tiến độ thực hiện, một số dự án đã phê duyệt 10 năm nhưng chưa được đưa vào khai thác, gây ảnh hưởng nguồn vốn doanh nghiệp, lãng phí tài sản nhà nước, lãng phí đất đai. Đồng thời, Resco đã có những sai phạm trong việc chỉ thị đầu không đúng quy định, không tổ chức đấu thầu, tự thực hiện các gói thầu không đảm bảo khả năng thực hiện. Việc bán nhà hình thành tương lai   chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện đầy đủ bảo lãnh ngân hàng nhưng đã bán nhà, chưa bảo đảm tính minh bạch, công khai trong quản lý dự án và đầu tư.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặt bằng của một loạt dự án, nhà ở  của các công ty con Resco bị chỉ ra không đúng tượng, mục đích như nhà số 236 Điện Biên Phủ, dự án Rạch Ụ Cây, nhà 26 Nguyễn Thị Diệu, dự án An Hội 3, An Hội 4 (Gò Vấp).
Cũng liên quan đến lĩnh vực nhà đất, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bình Thuận vừa đề nghị truy tố 6 cán bộ lãnh đạo và các nhân viên ngành chức năng thành phố Phan Thiết để điều tra tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Báo trong nước cho biết 6 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Đỗ Ngọc Điệp, (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết); Trần Hoàng Khôi (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết); Phạm Thanh Thái (nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết); Nguyễn Trí, Lê Hoàng Anh Tân và Lê Hồ Khải (đều là nguyên chuyên viên, nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết).
Các bị cáo bước đầu bị xác định đã cố ý cấu kết ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định tổng cộng 132 thửa với diện tích khoảng 170 ngàn m2. Các sai phạm đã làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Phan Thiết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/saigon-real-estate-corporation-caused-many-land-management-violations-04242020085233.html

Thanh tra Bộ Y tế chỉ ra nhiều sai phạm

của bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2

Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 tại Hà Nội bị Thanh tra Bộ Y tế phát hiện có 17 người chưa có Chứng chỉ hành nghề (CCHN) khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình hoạt động.
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 24 tháng 4, Thanh tra Bộ Y Tế đã đến kiểm tra Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 tại quận Đống Đa, TP Hà Nội và chỉ ra một loạt sai phạm.
Phạm vi hoạt động của bệnh viện là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại và có 157 nhân viên. Trong đó, có 40 bác sĩ; 34 điều hưỡng; 13 hộ sinh; 15 kỹ thuật viên; 05 dược sỹ. 50 người không làm chuyên môn y tế. Đáng lưu ý, trong 107 người làm công tác chuyên môn y tế, 90 người có CCHN; còn lại 17 người chưa có là 6 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên, 5 nữ hộ sinh và 2 dược sĩ. Ngoài ra, có 1 hồ sơ bác sĩ, 2 kỹ thuật viên ký Hợp đồng lao động trước khi có CCHN. Những sai phạm khác được phát hiện liên quan đến các điều khoản trong Hợp đồng thực hành và Hợp đồng lao động; việc ghi chép bệnh án; phiếu ghi kết quả xét nghiệm; sổ ghi Biên bản hội chuẩn.
Trước đó, bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 cũng đã từng dính nhiều sai phạm và bị khách hàng phản ánh, tố cáo.
Cũng tin liên quan, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT bị đề nghị y án chung thân trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty AVG.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Son bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, chung thân về tội “Nhận hối lộ”; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Với bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone, được đề nghị giảm 1-2 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, y án về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Lê Nam Trà nhận án tổng cộng 23 năm tù tại phiên sơ thẩm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inspectors-of-ministry-of-health-pointed-out-a-series-of-violations-of-bao-son-2-hospital-04242020084356.html

11 cán bộ tại Thanh Hóa

bị kết án vì liên quan sai phạm về đất đai

11 cán bộ ở Thanh Hóa hôm 24/4 bị kết án do lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vấn đề đất đai.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết trong phiên xử vụ án hình sự này, các bị cáo nguyên là cán bộ huyện, xã, thôn, công dân ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, bị đưa ra xét xử tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và ”Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, xã Quảng Lộc vào năm 2016-2017, được huyện Quảng Xương phê duyệt 27 mặt bằng quy hoạch điểm dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất. Tổng số hộ có tên trong danh sách phải thu hồi đất và được nhận bồi thường là 170 hộ, Ngân sách Nhà nước chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 3,3 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Hoàng Văn Sơn, công chức địa chính xã cùng đồng bọn, đã lập khống hồ sơ giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ tăng diện tích để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước hơn 498,7 triệu đồng.
Hôm 24/4/2020, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Sơn 39 tháng tù, các bị cáo còn lại từ 5 tháng đến 21 tháng tù giam.
Cũng trong ngày 24/4, Công an Đà Nẵng đã đề nghị Viện kiển sát nhân dân truy tố ông Nguyễn Tuấn Anh và đồng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, vào tháng 9/2011, khi UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định đầu tư hơn 105 tỉ đồng xây Khu Tái định cư Hòa Liên diện tích 135.000 m2. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty kinh doanh nhà Đà Nẵng, đã ký hợp đồng giao Công ty B&R lập hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán thi công hạ tầng kỹ thuật dự án này. Đồng thời giao ông Nguyễn Văn Bường, Phó Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm giám sát Công ty B&R.
Tuy nhiên ông Bường không thực hiện việc giám sát… ông Nguyễn Tuấn Anh cũng không kiểm tra, không bổ sung phụ lục về khảo sát địa chất. Hậu quả, Khu tái định cư Hòa Liên, bị sụt lún, thiệt hại hơn 6,7 tỉ đồng. Việc thiếu trách nhiệm của các bị can khiến ngân sách thiệt hại hơn 9,2 tỉ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thanh-hoa-11-officials-were-convicted-of-land-wrongdoing-04242020081202.html

Đà Nẵng: Dân chặn xe bồn bê tông của doanh nghiệp

Sáng 23 tháng 4, người dân thôn Phước Hậu – Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chặn hàng loạt xe bồn bê tông của Công ty CP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng vì cho rằng doanh nghiệp nợ tiền hỗ trợ của người dân.
Theo truyền thông trong nước, từ nhiều năm qua, các xe chở vật liệu của doanh nghiệp này gây ô nhiễm mội trường, khiến người dân khu vực này phải chịu cảnh khói bụi ngày đêm. Doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ 18 triệu đồng/tháng cho tổng cộng 31 hộ dân chịu ảnh hưởng. Đến năm 2019, doanh nghiệp đề nghị giảm dần tiền hỗ trợ xuống còn 10 triệu đồng/tháng và được sự đồng ý của người dân.
Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp ngừng trả tiền hỗ trợ. Người dân phản đối bằng cách chặn xe bồn chở bê tông.
Theo lý giải của phía doanh nghiệp, kể từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà máy ngưng sản xuất hoàn toàn, chỉ tập trung sửa chữa nên doanh nghiệp không đóng tiền hỗ trợ dân nữa. Việc chống bụi, doanh nghiệp đã hợp đồng với một đơn vị chuyên tưới nước đoạn đường trên theo đúng quy định.
Các xe bồn chở bê tông ướt bị chặn từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa, phơi nắng quá lâu bị hỏng, không thể sử dụng. Doanh nghiệp cho biết đã làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người dân khi chặn xe bồn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-people-stop-the-concrete-tank-truck-of-the-business-04232020114430.html

Tin tặc được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn

 làm việc ‘mờ ám, thiếu văn minh’!

Theo FireEye, nhóm tin tặc APT32 được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn đã tìm cách thâm nhập vào trang mạng của Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán vào giữa khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Reuters trích lời ông Ben Read, quản lý cao cấp thuộc FireEye nhận định: “những vụ tấn công (của APT32) cho thấy thông tin tình báo về virus (corona) là một ưu tiên – mọi người làm mọi thứ có thể và đối với Việt Nam, APT32 là cái mà Việt Nam có”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định với RFA hôm 23/4:
“Cái mà gọi là hoạt động tình báo, thì hoạt động tình báo của nước nào cũng có thu thập thông tin đủ loại, đó là chuyện từ đời cổ nhân đến bây giờ đều có cả. Trong việc thu thập thông tin như thế thì họ sử dụng rất nhiều phương tiện… từ đọc báo chí cho đến dùng điệp viên. Và tôi nghĩ trong một thế giới kết nối mạng như hiện nay, thì hoạt động tình báo sử dụng mạng là một chuyện dễ hiểu và không lấy gì làm lạ cả, mà trong tình báo thì có đủ loại, về kinh tế, dịch bệnh, thông tin chính trị…”
Nếu chính sách có mục đích tốt nhưng phương tiện lại không phù hợp với chuẩn mực văn minh của thế giới thì nó sẽ khiến hình ảnh của chính quyền giảm sút.
-TS Nguyễn Huy Vũ
Cụ thể, APT32 đã tìm cách gửi vào các tài khoản email của các chuyên gia và nhân viên của Bộ Quản lý Khẩn cấp và chính quyền thành phố Vũ Hán, các đường dẫn có thể thông báo với hacker một khi người nhận mở ra xem. Sau đó hacker sẽ gửi email với phần đính kèm độc hại có chứa virus gọi là METALJACK giúp họ có thể đột nhập vào máy tính của nạn nhân.
Các chuyên gia của FireEye cho rằng, APT32 đã tận dụng một bộ phần mềm độc hại có đầy đủ tính năng, kết hợp với các công cụ có sẵn trên thị trường, để thực hiện các mục tiêu phù hợp với lợi ích của nhà nước Việt Nam.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, ở Na Uy, khi trao đổi qua tin nhắn với RFA hôm 23/4 về vấn đề nàycho rằng, để xem xét những vấn đề liên quan đến chính sách như vậy, cần phân tích theo hai khía cạnh: mục đích và phương tiện. Nếu chính sách có mục đích tốt nhưng phương tiện lại không phù hợp với chuẩn mực văn minh của thế giới thì nó sẽ khiến hình ảnh của chính quyền giảm sút. Còn nếu mục đích rõ ràng là xấu, không phù hợp với tiêu chuẩn văn minh của thế giới, thì rõ ràng chính quyền sẽ nhận được một hình ảnh tương xứng.
Theo ông Vũ, việc tìm kiếm những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 là việc đúng, có mục đích đúng. Nếu APT-32 là một nhóm của cơ quan an ninh và được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn để thâm nhập vào các trung tâm của chính phủ Trung Quốc nhằm tìm kiếm những dữ liệu mật liên quan đến virus Covid-19 mà kết quả sẽ giúp cho hệ thống y tế Việt Nam phòng chống dịch tốt hơn thì đó là một hành động không có gì sai. Phải nói như vậy vì dù muốn dù không, trong cuộc tranh đua toàn cầu hiện nay giới tình báo các nước khác nhau luôn tìm cách khai thác thông tin của đối phương nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của mình, điều mà Việt Nam luôn cần.
Chuyên gia an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu từ Sydney, Úc, nhận định với RFA hôm 23/4:
“Hầu như tất cả các quốc gia mạnh mẽ không ít thì nhiều đều có những chiêu trò theo dõi, thâm nhập, thu thập thông tin… thậm chí ăn cắp bí mật quốc gia, bí mật kinh tế… Các nước lớn đã làm chuyện đó nhiều năm qua, bây giờ Việt Nam bắt chước học theo những chiêu trò đó, nhưng làm chưa tới, bị lộ ra với truyền thông quốc tế thì sẽ bị đánh giá, vì rõ ràng đó là hành vi ăn cắp… Chính phủ Việt Nam ăn vụng mà bị bắt quả tang thành ra ê chề… Nếu xét về mặt đạo đức, pháp luật, lẽ phải, mình có nói thế nào thì rõ ràng cũng trật. Một tổ chức mang danh do nhà nước hỗ trợ mà để bị lộ ra thì quá kẹt, có nói là vì lợi ích quốc gia, an ninh gì đi nữa thì cũng sai.”
Chính phủ Trung Quốc cho đến hôm nay chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước thông tin về các vụ tấn công mạng mới này.
Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/4 đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc chính phủ Việt Nam đứng sau nhóm hacker APT32 xâm nhập vào trang mạng Trung Quốc.
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng cáo buộc này là không có căn cứ: “Việt Nam ngăn cấm tất cả các cuộc tấn công mạng. Những cuộc tấn công này nên bị lên án và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật…”
Vào tháng 12 năm 2019, các trang tin và truyền hình của Đức loan tin cho biết, nhóm tin tặc ký hiệu APT32, và cũng có tên Ocean Lotus, được nhà nước Việt Nam hỗ trợ, trong mấy tháng trước đó đã thâm nhập mạng máy tính của hai tập đoàn BMW và Hyundai rồi cài đặt công cụ Cobalt Strike để do thám.
Các trang tin của Đức cho rằng nhóm hackers này đã tìm kiếm các bí mật thương mại của BMW để giúp cho VinFast, công ty xe hơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 23/4 cho rằng, làm ăn là phải chính đáng, chứ mờ ám lợi dụng mạng internet tấn công người ta là phi pháp:
“VinFast thì tôi thấy không phải hãng làm ăn chân chính, nó là tập đoàn lợi dụng tài sản đất đai của đất nước để trở thành người giàu nhất Việt Nam. Trong nước lớp thì nó dựa vào ông Trọng, lớp thì nó dựa vào ông Dũng… nó trấn áp những hãng mà có thể vương lên ảnh hưởng đến nó… Chứ nó có thệ sự làm ra xe hơi VinFast đâu, có cái gì về mặt công nghệ để có thể tự hào mở ra ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đâu? Còn nếu có chỉ là tạm thời trước mắt để lòe người ta. Chứ nó không cho thấy cái đàng hoàng chân chính của một hãng xe hơi mang tầm cỡ quốc gia.”
Nếu xét về mặt đạo đức, pháp luật, lẽ phải, mình có nói thế nào thì rõ ràng cũng trật. Một tổ chức mang danh do nhà nước hỗ trợ mà để bị lộ ra thì quá kẹt, có nói là vì lợi ích quốc gia, an ninh gì đi nữa thì cũng sai.
-Hoàng Ngọc Diêu
Theo báo chí Đức, một số các chuyên gia nước ngoài cho rằng, chính phủ Việt Nam đang học theo cách của Trung Quốc là cho tin tặc xâm nhập vào mạng các công ty nước ngoài để đánh cắp bí mật thương mại để sử dụng cho các công ty trong nước.
Trung Quốc đã sử dụng cách này để phát triển công nghiệp hàng không của mình. Các chuyên gia quốc tế tin là giờ đây Việt Nam cũng đang làm tương tự để giúp công ty xe hơi non trẻ VinFast.
Hiện hãng VinFast vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về những cáo buộc này trên báo chí Đức.
Theo bài viết trên trang ZDNET, vào tháng 3 năm 2019, công ty Toyota đã báo động hệ thống máy chủ của mình bị tin tặc tấn công đánh cắp thông tin của khách hàng tại chi nhánh tại Việt Nam và một số chi nhánh khác ở Úc và Thái Lan. Công ty an ninh mạng của Mỹ là FireEye xác định nhóm tấn công Toyota là APT32 hay một tên khác là OceanLotus.
Cho tới nay hãng Toyota vẫn từ chối xác nhận những nghi vấn đó, đồng thời nhà cầm quyền Việt Nam cũng phủ nhận các vụ xâm nhập mạng này.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, việc Việt Nam tìm mọi cách để giúp đỡ ngành công nghiệp xe hơi non trẻ của mình là một điều đúng. Nhưng hành động ngầm ủng hộ nhóm APT-32 đánh cắp công nghệ ở các nước tiên tiến là một hành động không đúng theo chuẩn mực văn minh của thế giới hôm nay, nó khiến cho hình ảnh của Việt Nam xấu trên trường quốc tế. Ông viết tiếp:
“Thế giới công nghệ và kinh doanh giờ đây cổ vũ cho sự cạnh tranh lành mạnh và sự sáng tạo. Hơn nữa, cho dù việc đánh cắp vài thông tin trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh có thành công thì về lâu về dài, muốn có một doanh nghiệp thành công hay một nền công nghiệp thành công, Việt Nam cần tự đứng dựa trên sự sáng tạo và khả năng tri thức khoa học của mình chứ không thể nào dựa trên sự ăn cắp mãi được. Vì ăn cắp có nghĩa là Việt Nam luôn đi sau các nước về công nghệ, và đi sau về công nghệ đồng nghĩa với việc các sản phẩm của Việt Nam không thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các đối tác thế giới. Nền kinh tế do đó sẽ bị tụt hậu lại đằng sau nếu không có khả năng tự sáng tạo.”
Theo ông Vũ, thúc đẩy sáng tạo là một chặng đường dài của Việt Nam và nó cần sự phối hợp của nhiều chính sách khác nhau: chính sách giáo dục và khoa học để cung cấp nhân lực và kiến thức, chính sách thuế và thị trường tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chính sách nhập cư khuyến khích nhân tài tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước, chính sách ngoại thương để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu…
Ông Nick Carr, Giám đốc của công ty an ninh mạng FireEye, khi trả lời hãng tin Bloomberg trước đây cho biết, FireEye đã theo dõi APT32 – còn được gọi là Ocean Lotus và Ocean Buffalo – từ năm 2012. Năm 2017, nhóm của ông đã điều tra một loạt các vụ tấn công mạng ở Mỹ, Đức và nhiều quốc gia ở châu Á và thấy rằng nhóm APT32 đã dành ít nhất ba năm, không chỉ để tấn công các chính phủ nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài vì lợi ích kinh tế, sản xuất… APT32 hay Ocean Lotus cũng nhắm đến các nhà báo, các nhà bất đồng chính kiến và những người cổ xúy cho tự do ngôn luận tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc nhóm APT-32 được sự hậu thuẫn của chính quyền để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến và thu thập các bằng chứng nhằm buộc tội và đàn áp họ là một điều xấu. Thế giới ngày càng văn minh và dân chủ hơn, và vì vậy một chính quyền muốn nhận được nhiều sự ủng hộ cần cởi mở hơn trong việc lắng nghe các tiếng nói đối lập. Lắng nghe không những giúp chính quyền cải thiện các chính sách tốt hơn mà nó còn giúp cải thiện tính chính danh và hình ảnh của nhà cầm quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-hackers-attack-foreign-networks-political-or-economic-04232020113958.html

Hà Nội : Facebook

phải tuân thủ các quy định ở Việt Nam

Thanh Phương
Ngày 23/04/2020, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã lên tiếng về thông tin Facebook phải làm theo yêu cầu của chính quyền Hà Nội, gia tăng kiểm duyệt những nội dung bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam.
Trong bản tin ngày 21/04, hãng tin Reuters tiết lộ là Facebook đã đồng ý gia tăng kiểm duyệt các bài đăng mà chính quyền Việt Nam cho là có nội dung « chống phá Nhà nước », sau khi việc truy cập vào mạng này tại Việt Nam đã bị chậm lại đáng kể hồi đầu năm 2020.
Trả lời hãng thông tấn DPA của Đức về thông tin nói trên, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ngô Toàn Thắng khẳng định : « Là một công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, công ty Facebook đã cam kết tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quan tâm đến việc Facebook sẽ thực hiện các cam kết này như thế nào trong thời gian tới ». Ông Ngô Toàn Thắng nói thêm là các doanh nghiệp công nghệ thông tin nên hợp tác với chính phủ trong việc xây dựng môi trường mạng « an toàn, lành mạnh ».
Hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Amnesty International và Human Rights Watch đã đồng thanh kêu gọi Facebook rút lại quyết định gia tăng kiểm duyệt các nội dung trên mạng xã hội này ở Việt Nam.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 23/4, đại diện bộ Ngoại Giao đã bác bỏ thông tin của tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Việt Nam hỗ trợ một nhóm tin tặc tấn công mạng nhắm vào các cơ quan nhà nước của Trung Quốc đặc trách về phòng chống dịch Covid-19. Ông Ngô Toàn Thắng khẳng định đó là những thông tin « không có cơ sở » và tuyên bố « Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhắm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. »
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200424-facebook-viet-nam-kiem-duyet-mang-xa-hoi

Biển Đông: Ai sẽ liên minh và hậu thuẫn Việt Nam?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt, London
Việt Nam không nên liên minh quân sự với bất cứ nước mạnh nào kể cả Mỹ, và cũng không có nước nào có thể hậu thuẫn Việt Nam trong lúc này, ý kiến các học giả từ đại học Hoa Kỳ nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/4/2020.
Biển Đông: Asean, Việt Nam và Mỹ cần “mạnh mẽ hơn”
Biển Đông: TQ tiếp tục ‘mềm nắn, rắn buông’ và tranh giành ảnh hưởng
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và Trung Quốc học từ Đại học Maine nêu quan điểm:
“Tôi nghĩ Việt Nam không nên liên minh với một nước mạnh, nhất là liên minh với Mỹ. Tăng cường sự hợp tác về an ninh với Mỹ là tốt, nhưng mà liên minh sẽ cho Trung Quốc cái cớ để làm áp lực với Việt Nam đủ mọi việc.
“Chúng ta phải nên nghĩ rằng ngoài Biển Đông còn đất liền nữa, mà đất liền, vấn đề về quân sự, về kinh tế v.v… rất là lớn, Trung Quốc có cớ, thể lực để mà đánh Việt Nam theo kế gọng kìm.
“Việt Nam nên suy nghĩ chín chắn trong vấn đề có liên minh hay là không, nhưng mà tôi nghĩ củng cố an ninh của mình bằng cách tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và Mỹ hay Úc là vấn đề tốt thôi.”
‘Liên minh với ai, ai liên minh?’
Việt Nam cần làm gì nếu Trung Quốc có hành vi được cho là lấn tới, thậm chí có hành động quân sự với Trường Sa và trên Biển Đông như đã từng tiến hành các năm 1974, 1988 trước đây, Giáo sư Long bình luận tiếp:
“Việt Nam phải kêu gọi các nước vì an ninh chung, vấn đề liên minh là vấn đề xưa rồi, chẳng hạn như là Mỹ liên minh với Philippines hay là liên minh với Đài Loan, hay là với Hàn Quốc, đó là thời chiến tranh Lạnh.
“Bây giờ thời đó đã đi qua rồi, có thể trong tương lai xa sẽ trở lại, nhưng mà bây giờ đi đến vấn đề liên minh thì tôi nghĩ rất là nguy hiểm.”
Từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế phát biểu:
“Việt Nam, liên minh quân sự với nước nào để chống Trung Quốc, thì giải pháp ấy là không thực tiễn.
“Việt Nam muốn liên minh thì liên minh với ai? Đông Nam Á, không ai muốn liên minh với Việt Nam cả. Những nước lớn như Ấn Độ thì cứ theo chính sách lờ mờ, trung lập, có thể hiện nay là hơi chống Trung Quốc một chút.
“Nhưng mà truyền thống của Ấn Độ là cứ đứng ngoài diễn thuyết về đạo lý cho người khác thôi, chứ không dính dáng vào.
“Nhật Bản, hiến pháp rất giới hạn việc đó. Thành ra những nước mà đáng có thể giúp cho Việt Nam ở trong vùng thì không có.
“Mỹ hiện nay là một đồng minh không khả tin, là bởi vì thứ nhất trong chính sách nội bộ đối với Trung Quốc thì đã chưa đồng nhất rồi.
“Mỹ luôn luôn tính toán. Liên minh thì phải có lợi cho Mỹ. Tức là hai bên cùng có lợi, tức là khi nào tích sản thì gọi là liên minh, còn nếu là tiêu sản, làm hại cho mình, thì không liên minh nữa.
“Vì thế, nếu Việt Nam dùng Mỹ để liên minh để chống Trung Quốc, thì Mỹ lại sợ rằng nếu trong trường hợp này Việt Nam gan lên, thì Mỹ lại tự nhiên phải đi vào đánh nhau với Trung Quốc, Mỹ sẽ không muốn phải vì Việt Nam mà chiến tranh với Trung Quốc.
“Cho nên tình hình hiện tại cho thấy giải pháp đó không thực tiễn. Việt Nam cũng không muốn và không ai muốn chuyện đó xảy ra trong lúc này.”
Từ tìm hiểu tương quan
Việt Nam cần phải làm gì, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm:
“Trên thực tế, bất cứ luật pháp cũng phải hậu thuẫn được bằng sức mạnh, thành ra phải có một tương quan lực lượng tốt đẹp, thuận lợi nào thì mới có thể ngăn chặn được Trung Quốc.
“Về tương quan lực lượng, nước có thể đối trọng nhất với Trung Quốc là Mỹ và Mỹ hiện nay ở trong rắc rối đó.
“Thí dụ về mặt lý thuyết thôi, Mỹ thấy Việt Nam là quan trọng và Mỹ cũng cần đến cái đó, thì thực sự Việt Nam có thể vận dụng khối các quốc gia Đông Nam Á, với điều kiện là khối đó thuần nhất.
“Hai cái đó tương tác với nhau, nếu mà khối Đông Nam Á thuần nhất, cùng cố gắng chống Trung Quốc, thì lại giúp cho Mỹ can thiệp nhiều hơn và can dự nhiều hơn.
“Ngược lại, Mỹ càng can thiệp ít hơn, các quốc gia kia càng chia rẽ hơn, là vì họ phải tính rằng nếu Trung Quốc trở thành một lực lượng trội ở khu vực đó, nếu Mỹ mà không giúp họ, họ phải tìm cách thích ứng với một quốc gia lớn hơn mình.
“Thì đó là lý do hiện nay mà chúng ta thấy các quốc gia không có quyền lợi thiết thực về Biển Đông thì tìm cách “rón rén” đi dây, nếu Mỹ tiến thì tôi tiến theo, Mỹ lùi thì tôi phải tiếp ứng Trung Quốc.
“Thành ra chúng ta thấy hai yếu tố đáng để ý. Thứ nhất là sự đoàn kết Đông Nam Á và thứ hai, sự can dự của Mỹ. Hai cái có tác dụng hỗ tương với nhau.
“Và trong trường hợp Đông Nam Á, mà theo phương thức đồng thuận thì không bao giờ làm được cái gì lớn cả. Đồng thuận chỉ có tính cách mẫu số chung nhỏ nhất, cái mà ít người chống đối nó thôi. Còn vì thế phải có quyết liệt.”
Đến chính sách, vận dụng
Việt Nam cần khéo léo tìm phương thức vận dụng để thu được lợi ích cho mình, GS Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp:
“Nếu muốn vận động cái đó thì dĩ nhiên phải vận động một khối nào đó nó trở thành một sự thúc đẩy, những nước quan trọng mà thúc đẩy.
“Thì những nước đó có quyền lợi chung, có thể nên vận dụng những nước có quyền lợi chung đó. Và một trong những nước rất quan trọng mà tôi nghĩ là khó lôi họ vào là Indonesia. Indonesia là nước rất mạnh, đông dân.
“Nếu họ có quan tâm đến thì tốt hơn, nhưng theo ước tính của tôi thì Indonesia có đường lối riêng của họ, khó đưa vào. Thì chỉ còn vài nước nhỏ thôi – Philippines, Malaysia, như Việt Nam, là những nước có quan hệ, trên lý thuyết, nên vận động những nước đó và nhất là vận động cả Singapore nữa.
“Thành ra, nếu có sự ủng hộ thêm của Singapore, sẽ tạo thêm uy tín, sức mạnh quốc tế – quyền lợi mềm của họ, nên vận động.
“Do đó, chúng ta thấy mỗi nước đều có quyền lợi riêng, cho nên về lý thuyết thì nên vận động, nhưng mà về thực tiễn, thì tôi thấy cuộc vận động đó rất là khó khăn,” học giả từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ nói với BBC News Tiếng Việt.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi của GS. Nguyễn Mạnh Hùng và GS. Ngô Vĩnh Long với BBC hôm 23/4/2020 từ Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52405172

Liên minh Việt-Mỹ, ý đảng và lòng dân

Đông Phong
Những ngày vừa qua người dân Việt Nam rất hồ hởi về chuyến thăm lần 2 của tàu sân bay Hoa Kỳ, cũng như nước này đã có những động thái quyết liệt lên án sự ngang ngược, tàn bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Những sự kiện này như thắp lên tia hy vọng về một liên minh quân sự Việt-Mỹ trước dã tâm muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, mà giờ đây nhà cầm quyền Việt Nam cần phải có những chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố then chốt là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất có đủ lực và quyết tâm để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Mộng bá quyền Đại Hán
Ngày nay, đại đa số người dân Việt Nam đều quá rõ về mưu đồ bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, khi họ dùng vũ lực để cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đồng thời với yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm biển Đông, họ cấm đánh cá, bắn giết, đâm chìm tàu ngư dân một cách tàn nhẫn, như sự kiện vừa qua, hòng gieo rắc sự sợ hãi kinh hoàng trên toàn biển Đông.
Bên cạnh đó nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tìm cách thao túng chính trị, phá hoại mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam, mà hiện nay toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, nhiễm mặn là một minh chứng.
Những điều đó cho thấy họ đang thực hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán và chưa bao giờ từ bỏ việc dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, vùng ảnh hưởng lên toàn Việt Nam.
Việt Nam trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ
Việc chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ chuyển trục về Biển Đông không chỉ đơn thuần là hòa bình và ổn định ở khu vực này, mà còn xuất phát từ địa chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc đang âm thầm muốn thống lĩnh.
Giới chính trị xem Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất đối với các lợi ích của Hoa Kỳ về lâu dài, vì vậy việc kiểm soát, kiềm chế sức mạnh và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Mặt khác, đồng minh Philippines đang quay lưng lại với Hoa Kỳ, đó là một bất lợi trong cục diện biển Đông. Do đó, họ cần một liên minh chiến lược hơn để lấp lỗ hỏng trước khi Philippines trở thành đồng minh của Trung Quốc.
Một liên minh mới với Việt Nam, quốc gia có địa chiến lược quân sự trọng yếu trong khu vực sẽ đảo ngược chiến thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh và làm cho Trung Quốc mất đi nguồn dầu khí béo bở tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, là mong muốn khó tránh của Hoa Kỳ.
Liên minh đó sẽ là một điển hình cho các quốc gia khác trong khu vực về cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và như vậy sẽ ngày càng bị khóa chặt Trung Quốc ngay trong sân sau của chính mình.
Đớn hèn hay thay đổi?
Trước những hành động ngày một tham tàn của ông bạn “4 tốt, 16 chữ vàng”, nhà cầm quyền Việt Nam dần bị đưa vào thế bí. Vì một khi nhu nhược trước hành động xâm lấn của Trung Quốc thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ vấp phải sự chỉ trích nặng nề hoặc thậm chí những cuộc xuống đường của người dân đe dọa đến sự tồn vong.
Ngược lại, nếu Việt Nam muốn mạnh mẽ để chống lại Trung Quốc thì một liên minh hoặc thậm chí một mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ để tạo được thế đối trọng quân sự và giúp Việt Nam củng cố tiềm năng, cải thiện sức mạnh, là điều bắt buộc.
Bởi nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn Biển Đông thì Việt Nam sẽ bị mất quyền khai thác dầu khí hay đánh bắt cá ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và hơn hết là nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục các hoạt động nhằm kiểm soát hoàn toàn đường biển đi vào Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam vướng vào thế khó khi điều kiện tiên quyết để có được đồng minh ấy là cải cách chính trị, bởi Hoa Kỳ chỉ chấp nhận làm đồng minh với những quốc gia có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền.
Khát vọng của dân và quyền lực của đảng
Sự phấn khởi của người dân khi tàu sân bay viếng thăm, hay những tiếng reo hò hai bên đường mỗi khi tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam đủ để thấy cái khát vọng của họ về nền tảng dân chủ và một liên minh quân sự bền chặt với Hoa Kỳ.
Thế nhưng giới lãnh đạo Việt Nam luôn ý thức được việc người dân đã quá chán ngán với chế độ, đảng cộng sản sẽ mất quyền lãnh đạo nếu để người dân lựa chọn lại bằng một cuộc bầu cử tự do. Như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nhận định: “Đa đảng là tự sát”.
Vì vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn thực hiện chính sách “đu dây”, vừa muốn trấn an dân chúng bằng cách giao lưu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng lại phải vuốt ve không muốn đối đầu với Trung Quốc và càng không bao giờ muốn “tự sát” bằng việc cải cách chính trị.
Cho dù Trung Quốc có xâm lấn ngoài biển Đông thì sự ổn định để đảng còn lãnh đạo vẫn luôn trên hết, như lời ông Nguyễn Phú Trọng: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không?”
Bởi theo họ, còn quá lâu để Bắc Kinh đưa quân vào Hà Nội hay biến Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai, đó là chuyện sau này. Còn bây giờ nếu vì cần đồng minh mà cải cách dân chủ, thì có thể ngay lập tức đảng cộng sản sẽ bị đào thải và những người nắm quyền trong đảng có thể sẽ bị tịch thu tài sản hoặc thậm chí đi tù.
Do vậy, dù những diễn biến ngoài biển Đông kia có như thế nào đi chăng nữa, thì chẳng bao giờ Hoa Kỳ có được đồng minh là Việt Nam, khi chế độ độc đảng kia vẫn còn hiện diện và những kẻ cầm quyền còn đặt lợi ích đảng lên trên mọi quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Như nhạc sĩ Tuấn Khanh từng nhận định: “Đừng nghĩ Việt Nam chỉ có kẻ thù là Bắc Kinh với nụ cười nham hiểm trên môi họ, mà kẻ thù của chúng ta, đôi khi nằm ngay trên đất nước mình với những thỏa hiệp, hám danh lợi, phản bội và sẵn sàng bán rẻ tổ quốc với những lời ngụy biện ngu xuẩn…”
Mặc cái khát vọng của dân chúng và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia từ máu xương cha ông để lại, những kẻ cầm quyền hiện tại một khi đã xem quyền lợi của cá nhân, phe đảng trên mọi quyền lợi của dân tộc thì tự khắc biến mình thành Lê Chiêu Thống – kẻ thù bức hại nhân dân, kẻ không bao giờ muốn có dân chủ hay để Việt Nam trở thành đồng minh của một cường quốc như Hoa Kỳ và kẻ ấy nhất định sẽ phải bị người dân nguyền rủa đến muôn đời sau.
Tác giả Đông Phong (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM)
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/vietnam-us-alliance-the-will-and-the-people-04232020153413.html

Liệu VN có thể thắng TQ trong vụ kiện pháp lý

 hai quần đảo HS – TS và công hàm 1958?

Câu trả lời là có.
Nhà cầm quyền VN gần đây đã gởi 3 Công hàm (30/3, 10/4 và 14/4) cho LHQ khẳng định chủ quyền VN tại HS & TS.
Phía TQ trả đũa bằng cách trưng ra Công hàm của cố Thủ tướng PVĐ ký ngày 14/9/1958 như là một biện minh cho chủ quyền TQ tại HS & TS.
Câu hỏi mà mọi công dân VN yêu nước luôn nêu ra là: Liệu Công hàm PVĐ có giá trị pháp lý, trước một pháp đình nghiêm chỉnh hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải qua một quá trình phân tách như sau:
1. Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần duyệt lại nội dung HP có hiệu lực vào thời điểm ông PVĐ ký Công hàm. Người CSVN kinh qua nhiều HP khác nhau. HP 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Thời điểm ký phù hợp với HP 1946 vì HP 1959 chỉ được Quốc Hội thông qua ngày 31/12/1959 và ông HCM công bố ngày 1/1/1960.
Khi phân tích HP 1946: Quốc hội lúc đó có trách nhiệm chuẩn y các hiệp ước ký với nước ngoài.
Theo điều 32: Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tổng số nghị viên đồng ý.
Sau cùng theo điều 49 chỉ có Chủ tịch nước, tức ông HCM mới có quyền “ký hiệp ước với các nước”.
Trong HP 1946, chức vụ Thủ tướng hoàn toàn chịu sự lãnh đạo của Chủ tịch nước và không có quyền ký một văn bản quan trọng liên hệ đến vận mệnh hoặc chủ quyền quốc gia. Ngay cả trong trường hợp ông HCM đích thân ký Công hàm này, cũng không thể có hiệu lực vì nhân dân chưa có phúc quyết theo điều 32 và QH chưa chuẩn y.
Dĩ nhiên cả hai ông HCM, PVĐ và BCT lúc đó đều ý thức điều này. Nếu muốn Công hàm có hiệu lực, họ phải khởi động (invoke) các điều khoản HP liên hệ và thông qua những thủ tục hiến định. Sau đó đích thân ông HCM, thừa ủy nhiệm của QH, theo điều 49 HP, ký vào Công hàm. Đó là điều bất khả thi.
2. Điều vô cùng quan trọng là vào thời điểm đó, VNCH là một quốc gia có cương thổ, quân đội, chủ quyền pháp lý lẫn thực tế trên HS & TS. VNCH được Hoa Kỳ và 87 quốc gia khác công nhận. Nếu Liên Xô không phủ quyết thì năm 1957, VNCH đã trở thành một quốc gia thành viên của LHQ. Tuy thế VNCH đã là thành viên của nhiều Ủy Ban của LHQ.
Bắc Việt, tức nước VNDCCH bị phần lớn các quốc gia tự do tẩy chay. Chỉ được các nước CS khác công nhận.
Chính vì thế khi Thủ tướng nước VNDCCH ký Công hàm 1958 thì văn kiện này gặp trở ngại lớn lao về pháp lý. Đó là nước VNDCCH, như một quốc gia không có tư cách pháp lý, nhường một phần lãnh thổ (HS & TS) thuộc chủ quyền của một quốc gia khác là nước VNCH, cho một quốc gia là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
3. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague, Hà Lan đã vô hiệu hóa Đường Lưỡi Bò 9 đoạn của TQ, cũng là một án lệ quốc tế vô cùng thuận lợi cho VN.
KẾT LUẬN.
Với các lý do nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, trước một pháp đình có thẩm quyền nghiêm chỉnh, Công hàm 1958 sẽ không có giá trị pháp lý và nhà cầm quyền CSVN cần phải đưa TQ ra tòa càng sớm càng tốt, hầu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc VN.
Năm nay và một vài năm sắp tới sẽ là thời điểm mà uy tín trên chính trường cũng như vũ trường công pháp quốc tế của đảng CSTQ sẽ suy yếu rõ rệt và sẽ là thời điểm tốt nhất để khởi kiện CSTQ.
Vấn đề là có dám kiện hay không ?
http://biendong.net/bi-n-nong/34323-lieu-vn-co-the-thang-tq-trong-vu-kien-phap-ly-hai-quan-dao-hs-ts-va-cong-ham-1958.html

Biển Đông: Các bản đồ cổ

giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Hàng chục năm qua chính phủ Việt Nam đã cho người đi khắp thế giới sưu tập bản đồ để có chứng cứ hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, nhưng giá trị pháp lý của chúng đến đâu?
Một trong những người từng được báo Mỹ gọi là “Người săn bản đồ”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đã tìm thấy nhiều bản đồ quý hiếm, và bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Tranh chấp Biển Đông: Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’
Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?
Biển Đông: VN làm gì để giữ chủ quyền khi ‘ở vào thế yếu’?
Một số nhà nghiên cứu khác, như ông Nguyễn Đình Đầu, cũng sưu tập được khoảng 200 bản đồ quý.
Những bản đồ này đã được chính phủ Việt Nam cho triển lãm trong và ngoài nước để dư luận được tận mắt nhìn thấy Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhưng nếu mang ra cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc thì những bản đồ này có đủ sức nặng không?
‘Cần kèm theo các văn kiện nhà nước’
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho hay các bản đồ Việt Nam sưu tập được cho tới nay chủ yếu dùng cho mục đích tuyên truyền, động viên, để mọi người biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Không thể chỉ dùng mỗi bản đồ để đấu tranh pháp lýNhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Nhưng nói về độ xác thực, ông cho rằng quan trọng nhất là bản đồ phải đi theo các văn bản pháp lý, các văn kiện của nhà nước thời bấy giờ.
“Các văn kiện này phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của một quốc gia đã chiếm hữu vùng đó một cách hòa bình, và khai thác liên tục một cách có hiệu quả,” ông Đinh Kim Phúc nói.
“Không thể chỉ dùng mỗi bản đồ để đấu tranh pháp lý vì nếu vậy, mang ra tòa quốc tế thì không có giá trị.”
“Ví dụ tờ Lệnh Lý Sơn do vua Minh Mạng ban năm 1834, điều động quân và dân các làng chài ở Quảng Ngãi đi coi sóc, thám sát vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là văn kiện có tính chất nhà nước.”
“Giả sử bây giờ chúng ta mang bản đồ ra tòa quốc tế, thì phải dùng các bản đồ được thừa nhận dưới góc độ của công pháp quốc tế. Như tôi nói ở trên, tức là phải đi kèm theo các pháp lệnh của nhà nước thời bấy giờ. Còn sử dụng bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây hoặc của các thuyền nhân lúc bấy giờ đi ngang qua khu vực Biển Đông thì sẽ không có giá trị pháp lý.”
‘Bản đồ phải do bên thứ ba vẽ’
Trong khi đó, giảng viên luật, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt đưa ra một số nhận định khác về các yếu tố làm nên giá trị pháp lý của một tấm bản đồ.
Ông Hoàng Việt nói với BBC News Tiếng Việt: “Nói về bản đồ với ý nghĩa là bằng chứng pháp lý thì không đơn giản.”
“Nó tuỳ thuộc nhiều thứ, như bản đồ đó được vẽ khi nào? Ai vẽ? Nó có các tỷ lệ chính xác như của phương Tây hay không?”
“Trong nhiều án lệ quốc tế về tranh chấp biên giới, lãnh thổ thì việc đưa ra bản đồ cổ chỉ là nhằm hỗ trợ thêm cho các bằng chứng pháp lý khác, chứ bản đồ không đóng vai trò quyết định.”
Bản đồ có những giá trị nhất định trong cuộc chiến pháp lý.Nhà nghiên cứu Hoàng Việt
Trong nhiều yếu tố khác nhau để xem xét giá trị pháp lý một tấm bản đồ, ông Hoàng Việt cho rằng quan trọng nhất là tính khách quan.
“Ví dụ, bản đồ phải được vẽ bởi một bên thứ ba, chứ không phải do hai bên tranh chấp vẽ. Nếu bên tranh chấp đưa ra bản đồ, thì nó phải dựa trên công ước hay hiệp ước nào đó đã ký kết giữa hai bên.”
“Ví dụ, trong lịch sử, Pháp từng đại diện cho người Campuchia ký‎ với người Thái một hiệp ước công nhận một vùng đất gần biên giới hai nước là lãnh thổ Campuchia, trong đó có kèm theo một số bản đồ. Sau này người Thái đòi lại khu vực biên giới đó thì không được vì nó đã được thể hiện trong hiệp ước rồi.”
“Tương tự như vậy, quá trình phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phải dựa chủ yếu vào biên giới đã được phân định thời Pháp-Thanh và các bản đồ kèm theo hiệp ước được ký kết lúc đó.”
Vì sao dựa trên tiêu chuẩn phương Tây?
Lý giải vì sao lấy mốc thời Pháp-Thanh và tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá độ tin cậy của bản đồ, ông Hoàng Việt phân tích:
“Trước khi bị đô hộ, nhiều quốc gia châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam không vẽ bản đồ theo chuẩn phương Tây. Cả Việt Nam và Trung Quốc thời đó đều chưa có tư duy về mốc giới hay đương biên giới, mà chỉ có khu vực biên giới.”
“Sau khi phương Tây sang đô hộ, họ mang theo các tiêu chuẩn phương Tây chặt chẽ, khoa học hơn. Chẳng hạn người Pháp thời đô hộ Việt Nam, khi đại diện Việt Nam ký một hiệp ước phân định các quốc gia trên bộ, đã áp đặt tư duy phương Tây và đưa ra một đường biên giới rõ ràng, với các cột mốc có kinh độ, vĩ độ.”
Về phân định đường biên giới trên Biển Đông, ông Hoàng Việt nhận định đây là câu chuyện ‘phức tạp hơn nhiều’.
“Với các bộ sưu tập bản đồ của Việt Nam mà tôi được tiếp cận, như bộ 200 bản đồ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cá nhân tôi cho rằng chúng có giá trị nhất định.”
“Theo đánh giá sơ bộ của cá nhân tôi, đa phần bản đồ trong 200 chiếc này là của các giáo sỹ phương Tây. Như vậy nó đảm bảo tính khách quan vì không phải của Việt Nam vẽ. Chúng cũng đảm bảo một số tiêu chí như tính chính xác, bởi được đo đạc bằng thiết bị và tư duy của các nhà khoa học phương Tây lúc đó.”
“Các bản đồ này bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa rằng đó là lãnh hải của họ. Bởi cả các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây mà chúng ta có đều không cho thấy như vậy. Chứng tỏ lập luận của Trung Quốc là không có cơ sở.”
‘Việc đưa ra tòa quốc tế còn hạn chế’
Bàn về mức độ ảnh hưởng của bản đồ nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định rằng chúng đóng góp “20%” vào khả năng thành công.
“Tôi nghĩ rằng bản đồ đi kèm với văn kiện của nhà nước thì chiếm khoảng 20% giá trị pháp lý khi đấu tranh chủ quyền trước các nhà tài phán quốc tế.”
“Cái quan trọng nhất là phải dựa vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, thì mới có khả năng chiến thắng trước Trung Quốc,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt thì cho rằng dù Việt Nam đã sưu tầm được một bộ bản đồ đồ sộ, nhưng tính chính xác của chúng tới mức độ nào cần phải nghiên cứu thêm.
“Philippines trước khi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài thường trực năm 2013 đã xuất bản một tập bản đồ trong đó có các bằng chứng về chủ quyền. Và đã được tuyên thắng kiện năm 2016.”
“Điều đó để nói rằng bản đồ có những giá trị nhất định trong cuộc chiến pháp lý, mang tính chất hỗ trợ các bằng chăng pháp lý khác. Chứ không phải là bằng chứng độc lập đủ sức chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
“Việc đưa ra tòa quốc tế còn rất hạn chế do Trung Quốc không chấp thuận vai trò của tòa quốc tế. Như thế tòa quốc tế sẽ không có thẩm quyền giải quyết. Cho nên hiện Việt Nam vẫn tập trung vào vấn đề tuyên truyền và tâm lý nhiều hơn.”
“Đánh giá các bản đồ này đóng góp bao nhiêu phần trăm thành công thì khó vì chưa biết sẽ ra tòa nào. Nhưng tôi cho rằng, không chỉ bản đồ, Việt Nam cần xem xét lại tổng thể về mặt bằng chứng xem mình hiện đang có những gì.”
“Còn riêng với bộ sưu tập bản đồ mà Việt Nam thu thập được qua nhiều dự án cử người đi nước ngoài sưu tầm, tôi cho rằng cần thành lập một ban đánh giá chất lượng.”
“Ban này cần tập hợp các chuyên gia lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Đến nay tôi chưa rõ một ban như vậy từng được thành lập hay chưa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52391830

5 triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Trong 4 tháng đầu năm 2020, gần 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với 59% tạm nghỉ việc, 28% nghỉ việc luân phiên và 13% mất việc.
Đó là con số do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê -Phạm Quang Vinh cho biết vào ngày 24 tháng 4.
Cụ thể, theo ông Vinh, số lao động bị ảnh hưởng lớn nhất trong đợt dịch bệnh COVID-19 thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 1,2 triệu người; kế tiếp là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ khoảng 1,2 triệu người và ngành dịch vụ-lưu trú ăn uống 740.000 người.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho hay từ đầu năm tới nay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm khoảng 75,4% dân số (từ 15 tuổi trở lên), xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua và thấp hơn 1,2-1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm trước.
Bên cạnh đó, 85% doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa.
Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố về tình hình lao động-việc làm trong quý. Với tình hình trên, ông Phạm Quang Vinh cho rằng Chính phủ nên xem xét triển khai chính sách kích cầu nội địa nhằm tạo công ăn việc làm cũng như tăng cường sản xuất trong nước.
Ở một diễn biến khác, theo tờ Lao động loan tin vào ngày 24/4, khoảng 500.000 công nhân lao động đặc biệt khó khăn do COVID-19 sẽ được Công đoàn hỗ trợ để vượt qua giai đoạn dịch bệnh, ổn định cuộc sống.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/5-million-laborers-effected-due-to-covid-19-04242020075149.html

Yêu cầu giãn cách học sinh

1-1,5 mét trong lớp có khả thi?

Sau khi chính phủ Việt Nam quyết định nới lỏng giãn cách xã hội và trao lại quyết định này cho lãnh đạo các tỉnh, thành, vào ngày 22/4 nhiều địa phương đã cho học sinh khối 9 và 12 đi học trở lại để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Cụ thể, 15 tỉnh thành trên cả nước vào sáng 23/4 đã công bố quyết định cho học sinh đi học lại.
Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội: học sinh ngồi cách nhau 1,5 mét. Trong trường hợp lớp quá đông học sinh, trường cần chia số học sinh làm đôi hoặc hơn nữa để đảm bảo phòng học không quá 20 em.
Trước đề xuất này, cô H., hiện đang giảng dạy tại Sài Gòn cho biết thực tế với cơ sở vật chất trường học cô đang giảng dạy hiện nay, việc chia lớp hoàn toàn có thể thực hiện mà không gặp phải khó khăn gì. Tuy nhiên, về phía giáo viên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều:
“Đợi thông báo của trên Bộ hoặc ở Sở để xem có chia lớp nhỏ hay không vì nếu chia thì giáo viên sẽ vất vả. Công việc sẽ làm gấp đôi, buổi sáng cũng chương trình như vậy với bao nhiêu bé đó, buổi chiều cũng vậy. Việc dạy sẽ gấp đôi, việc chấm, sửa bài thì cũng như dạy lớp đông bình thường.”
Còn theo Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang là giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội, thì yêu cầu chia đôi số lớp, có khi chia 3 đảm bảo chỗ ngồi mỗi học sinh cách nhau 1,5 mét hoàn toàn không khả thi và không thực hiện được. Thầy giải thích:
“Trường học không thể giãn ra, kích thước phòng học đã như thế, số lượng phòng học cơ cấu từ đầu năm rồi, bây giờ không thể làm nổi. Làm thế nào mọc thêm ngần ấy phòng học mới chia đôi được lớp ra, vậy ai xây trường học kịp? Không có chi phí xây. Thứ hai là việc ấy mang tính hình thức chứ không có tác dụng. Trường học chứ không phải sân vân động, muốn cách giãn các em như thế thì chỉ có xuống sân trường mắc lều để học. Như thế mỗi lớp tách ra làm 2-3 lớp, cơ cấu giáo viên làm thế nào dạy cho xuể. Mỗi giáo viên trung bình dạy tối đa 17-18 tiết, số lớp mà căng lên thì lại rất khó. Theo tôi việc cách giãn không cần thiết. Ở trường thì cách giãn kiểu gì khi tiết sinh hoạt, tiết chào cờ… nên tôi nghĩ địa phương nào an toàn thì cứ trở lại bình thường như trước khi có dịch, không cần mỗi học sinh phải cách nhau 1,5 mét, điều ấy không thể thực hiện nổi trong điều kiện nhà trường Việt Nam.”
Đồng quan điểm với thầy Khoa, một giáo viên không muốn nêu tên hiện dạy tại một trường ở Đắk Lắk cho rằng tùy từng diện tích lớp học cũng như cơ sở vật chất của trường mới có thể thực hiện được. Riêng với trường học mà cô đang giảng dạy, đề nghị giãn cách học sinh là điều gần như không thể tiến hành:
“Khoảng cách 1,5 mét sẽ khó vì một lớp 30 mấy học sinh mà phòng học nhỏ nên điều kiện để thực hiện khó lắm. Ví dụ như ở những trường có đủ cơ sở vật chất thì có thể làm việc đó vô tư. Như trên đây một số trường cơ sở vật chất còn thiếu không đủ phòng học để làm vậy.”
Vẫn theo cô, nếu vì không đủ giãn cách học sinh mà chia nhỏ lớp học cũng là chuyện không tưởng:
“Cái đó lại còn khó nữa vì cơ sở vật chất của trường không đủ, trường chỉ có 11 phòng học mà có đến 22 lớp. Nên một ngày chia ra 2 buổi, khối 6, 9 học buổi sáng, khối 7, 8 học buổi chiều. Nếu chia ca ra thì cũng không có phòng học.”
Ngoài ra, với trường ở vùng xa và quy mô nhỏ như trường cô đang công tác, mỗi giáo viên với lịch dạy trước khi dịch bệnh diễn ra cũng đã phải dạy cả ngày với số tiết cũng nhiều. Nay chia đôi, chia 3 một
lớp học ra thì công việc giáo viên sẽ phải tăng gấp đôi, gấp 3, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cho người giảng dạy.
Do đó, cô cho rằng:
“Cũng tùy địa phương, như trên Đắk Lắk thì tình trạng dịch bệnh không nguy hiểm như ở Sài Gòn hay Hà Nội nên không thể thực hiện như vậy được.”
Trao đổi với RFA vào tối ngày 23/4, một phụ huynh có con đang học lớp 8 ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho hay cô đồng ý với việc cho học sinh đi học lại. Nhưng xét trên thực tế, mỗi lần đi họp phụ huynh, lớp học nhỏ mà học sinh ngồi vừa đủ lớp thì việc chia lớp ra làm 3 để đảm bảo giãn cách liệu có thực hiện được hay không? Giáo viên có thể đảm đương nổi việc dạy 3 lớp thay vì 1 lớp như trước kia, chất lượng bài giảng thế nào? Đó là những thắc mắc vị phụ huynh này đưa ra.
Vì vậy, vị phụ huynh này cho rằng nếu chưa có phương án giải quyết được hết những bất cập này, thì cô nghĩ học online vẫn tốt cho con cô và các học sinh khác trong lúc này. Dù Việt Nam đã nhiều ngày không có người nhiễm mới nhưng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, cứ nhìn vào sự lây truyền mà bệnh nhân 17 gây ra, không thể lơ là được.
Báo trong nước đăng tin nhiều lãnh đạo các trường học tại các tỉnh thành cho rằng việc giãn cách học sinh chỉ là biện pháp giải quyết tình thế tạm thời. Vì một khi học sinh đồng loạt đi học trở lại, việc giãn cách không thể áp dụng tiến hành cho tất cả các trường trên cả nước.
Vì vậy, một phương án khác khả thi hơn vẫn còn là điều mà không chỉ lãnh đạo nhà trường mà các giáo viên, phụ huynh và học sinh đang mong mỏi từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-feasible-to-request-a-distance-of-1point5-meter-among-students-in-the-classroom-04232020134105.html

Bộ Y tế công bố thêm 2 ca nhiễm mới Covid-19

Hiểu Minh
Bộ Y tế vừa công bố thêm 2 ca bệnh Covid-19 mới là BN269 và BN270, đều là du học sinh trở về từ Nhật Bản và được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.
Theo báo Zing, tính đến 18h ngày 24/4, Việt Nam có 270 trường hợp mắc Covid-19. Hai trường hợp này đều là du học sinh nhập cảnh từ Nhật Bản về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 22/4 trên chuyến bay VN311, được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.
BN269 là nam, 23 tuổi, địa chỉ gia đình ở Hương Mai, Việt Yên, Bắc Giang. BN270 là nữ, 22 tuổi, địa chỉ gia đình ở Đông Thắng, Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang.
Trước đó, ngày 22/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình lấy mẫu sàng lọc, kết quả nghi ngờ nhiễm Covid-19. Sau đó, cơ quan này đã chuyển bệnh nhân đến cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và triển khai các hoạt động phòng chống dịch, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định.
Ngày 24/4, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 trường hợp này đã được chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho hay, số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 68.890. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 352 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 17.832 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 50.706 người.
Theo thông báo của Ban phòng chống dịch Covid-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với Covid-19 là 15 ca, âm tính lần 2 là 2 ca. Như vậy, sau 8 ngày, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca bệnh Covid-19 mới.
Báo Gia Đình Net cũng cho biết, chiều cùng ngày 24/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện đã đưa vào cách ly tập trung 4 người trong một gia đình tại Nhà hàng Tuân Thịnh, thôn Tiền Phong, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia vì đã có tiếp xúc với BN137, có kết quả dương tính trở lại.
https://www.dkn.tv/thoi-su/bo-y-te-cong-bo-them-2-ca-nhiem-moi-covid-19.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.