Vụ án Hồ Duy Hải: Những câu hỏi lớn sau phiên giám đốc thẩm
Tuesday, May 12, 2020
12:30:00 PM
//
- Slider
,
Phân tích
Nhà nghiên cứu
Thứ Ba, ngày 12/5/2020
VietTimes – Việc Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) cuối phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải diễn ra từ ngày 6-8/5/2020 đã để lại nhiều băn khoăn trong dư luận. Rất nhiều người quan tâm tới vụ án vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Điều mà công luận muốn chưa chắc đã là lời minh oan cho bị cáo, mà là một bản án được lập luận chặt chẽ, dựa trên chứng cứ thuyết phục và tôn trọng những nguyên tắc căn bản của pháp luật tố tụng hình sự.
Điểm thứ nhất mà tôi băn khoăn là việc HĐTP kết luận rằng quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không đúng pháp luật, vì quyết định từ chối ân giảm án tử hình cho bị cáo do Chủ tịch nước ký năm 2012 vẫn còn hiệu lực. Đại diện VKSNDTC đã giải thích trước Tòa, sau đó cũng đã có nhiều chuyên gia, luật sư, đại biểu quốc hội có chuyên môn về tố tụng hình sự bàn về vấn đề này, khẳng định rằng việc VKSNDTC kháng nghị hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Về vấn đề này, tôi thiết nghĩ không cần thiết phải bình luận gì thêm.
Tuy nhiên, tôi lấy làm tiếc khi HĐTP đã vội vàng đưa ra kết luận này trước khi khép lại phiên tòa giám đốc thẩm. Trước khi nhận định về tính hợp pháp của quyết định kháng nghị, lẽ ra HĐTP cần cân nhắc thận trọng hơn, bởi đây là trường hợp mà pháp luật chưa có quy định cụ thể, cũng chưa có tiền lệ.
Việc HĐTP cho rằng quyết định kháng nghị của VKSNDTC là trái pháp luật khiến nhiều người dân hoang mang không biết tin vào đâu bởi nếu Tòa đúng thì Viện sai và ngược lại. Hơn nữa, bởi vì VKSNDTC kháng nghị để làm rõ các vi phạm về tố tụng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án này, kết luận của HĐTP dễ khiến người theo dõi phiên tòa cảm thấy TANDTC muốn “quy kết” VKSNDTC ở chính vấn đề thủ tục tố tụng.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tọa phiên tòa phát biểu khai mạc phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
|
Ngoài ra, nếu cho rằng quyết định kháng nghị là trái pháp luật, vì sao ngay từ đầu TANDTC không từ chối VKSNDTC bằng công văn. Còn nếu TANDTC giải thích rằng việc mở phiên tòa giám đốc thẩm là bắt buộc khi nhận được kháng nghị, vậy thì lẽ ra ngay từ buổi làm việc đầu tiên, HĐTP cần xem xét ngay tính hợp pháp của quyết định kháng nghị.
Về nguyên tắc, nếu quyết định kháng nghị không hợp pháp thì HĐTP đâu cần phải xem xét nội dung kháng nghị? Việc HĐTP vẫn thảo luận nội dung kháng nghị suốt hơn hai ngày làm việc nhưng cuối cùng lại kết luận kháng nghị không hợp pháp không phải là tự mâu thuẫn sao?
Chưa kể, giả sử sau đây VKSNDTC làm đúng những gì mà HĐTP mong muốn (chẳng hạn đề nghị Chủ tịch Nước đương nhiệm hủy quyết định bác đơn ân giảm do người tiền nhiệm ký) sau đó gửi lại kháng nghị một lần nữa thì Tòa sẽ xử lý ra sao? Liệu TANDTC có đồng ý xem xét kháng nghị mới (bây giờ đã đúng luật theo quan điểm của Tòa) không? Hay Tòa sẽ trả lời rằng căn cứ vào pháp luật hiện hành, thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành một lần duy nhất, kể cả khi quyết định kháng nghị trước đó bị bác bỏ vì trái luật? Theo tôi, HĐTP chưa lường tới những hệ lụy này khi biểu quyết về tính hợp pháp của kháng nghị giám đốc thẩm.
Thứ hai, sau khi đọc kỹ 17 căn cứ bác bỏ nội dung kháng nghị của VKSNDTC, tôi nhận thấy cách tiếp cận của HĐTP chưa vượt ra khỏi cách tiếp cận của hội đồng xét xử trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. HĐTP vẫn kết luận chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo và các nhân chứng gián tiếp. Lời khai đương nhiên rất quan trọng, nhưng việc dựa chủ yếu vào lời khai trong khi thiếu chứng cứ thuyết phục chính là lý do khiến vụ án này kéo dài tới vậy. Tôi đã kỳ vọng rằng HĐTP sẽ có những kiến giải sâu sắc hơn và kiên quyết không chấp nhận kết tội khi mà chứng cứ chưa đầy đủ.
Tử tù Hồ Duy Hải trong một phiên tòa trước đây (trái) và mẹ là bà Nguyễn Thị Loan đang kêu oan cho con. Ảnh: Internet.
|
Rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tại sao lời khai dù trùng khớp vẫn chưa đủ để kết tội, ta hãy giả sử một câu chuyện như thế này. Theo đúng như cáo trạng, Hải đã tới bưu điện, đưa tiền để V. đi mua hoa quả, rồi nảy sinh ý muốn quan hệ sinh lý với H. Vì H. từ chối nên sau khi V. đi mua hoa quả, Hải cũng ra về vì ngượng ngùng (do đó bịch hoa quả còn nguyên). Hôm sau, nghe tin về vụ án, Hải tuy không liên quan nhưng cũng đốt đi bộ quần áo đã mặc vì tâm lý. Như vậy thì rất nhiều chi tiết đã khớp, nếu điều tra viên căn cứ vào đó mà ép Hải nhận tội thì cũng không có gì quá bất ngờ. Việc ép cung do niềm tin của điều tra viên thực tế đã từng xảy ra mặc dù rất khó để bị cáo chứng minh. Chúng ta đã biết có những vụ án oan mà lời khai hoàn toàn do điều tra viên “nghĩ thay” (như trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn).
Hoặc để dễ hiểu hơn, ta có thể giả định khả năng Hải nhận tội thay người khác. Trong trường hợp đó, việc Hải khai đúng toàn bộ sự việc không có gì là lạ, thậm chí còn lý giải được luôn cả việc không thu được vân tay của Hải ở hiện trường v.v. Xin nhấn mạnh, những giả định trên đây hoàn toàn chỉ để lập luận rằng việc trọng cung hơn trọng chứng trong một vụ án mà chứng cứ, tang vật đều thiếu như vụ án Hồ Duy Hải có thể dẫn tới những sai sót trầm trọng.
Chưa kể, trong vụ án này, thẳng thắn mà nói người ta có cơ sở để nghi ngờ tính khách quan của lời khai. Lý do đến từ chính những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra. Những sai lầm căn bản của cơ quan điều tra trong quá trình khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ,… khiến người ta khó lòng không nghĩ tới sự thiếu minh bạch. Câu chuyện con dao, cái thớt mặc dù đã được cơ quan điều tra giải thích rằng chỉ mua để bị cáo nhận dạng chứ không để làm bằng chứng kết tội, vẫn là một điểm trừ lớn cho tính khả tín của quá trình điều tra.
Chưa kể việc các cơ quan tố tụng tỉnh Long An chỉ định luật sư Q. (nay đã qua đời), vốn là sĩ quan công an, nhiều năm làm công tác điều tra, cũng là một điểm đáng chú ý. Gia đình và các luật sư khác của bị cáo đã nêu vấn đề luật sư Q. không những không bào chữa mà còn có xu hướng kết tội thân chủ, nhưng ý kiến này không được xem xét thấu đáo. Tôi tin chắc một vị luật sư không làm đúng chức năng có thể khiến vụ án sai lệch rất nhiều. Tất nhiên, đây chỉ là những điểm nghi ngờ, song nếu không hóa giải những điểm nghi ngờ như thế, bản án sẽ luôn bị che phủ bởi một màn sương mờ. Để hóa giải điều đó, việc hủy án để điều tra lại một cách khách quan thực sự là một giải pháp hợp lý.
Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa đã trình bày tờ trình về vụ án. Ảnh: TTXVN
|
Thứ ba, tôi chưa thể đồng tình khi HĐTP gộp hai yếu tố “có vi phạm thủ tục tố tụng” và “vi phạm không làm thay đổi bản chất vụ án” vào với nhau. Rõ ràng giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt để xem xét các bản án sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng không. Như VKSNDTC đã chỉ ra, trong quá trình xử lý vụ án này, các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã mắc rất nhiều vi phạm nghiêm trọng ở mọi khâu từ điều tra tới truy tố, xét xử.
Trong phiên giám đốc thẩm, HĐTP cũng thừa nhận sự tồn tại của các vi phạm đó. Rõ ràng, việc hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, hầu mong khắc phục phần nào những sai sót trong quá khứ, là hết sức cần thiết. Còn việc các vi phạm này có làm thay đổi bản chất vụ án hay không thì HĐTP làm sao có thể biết chắc nếu chưa cho điều tra lại?
Một trong những điểm mấu chốt mà Tòa thừa nhận có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án chính là việc cơ quan điều tra không xác định được thời điểm tử vong. Đây là một trong những điểm mà căn cứ vào các biên bản giám định và lời khai của nhân chứng, rất có khả năng có thể xác định lại được. Từ trước tới nay, thời điểm tử vong của các nạn nhân đều được xác định là vào khoảng 20h30-21h ngày 13/1/2008. Song rõ ràng có nhiều chi tiết khiến người ta có thể nghi ngờ điều này: chén bát chưa rửa của bữa ăn tối, thức ăn trong dạ dày một nạn nhân đã tiêu hóa gần hết chứng tỏ cách xa thời điểm ăn, máu vẫn chưa đông hẳn khi công an tới chụp ảnh hiện trường. Ngoài ra, còn có nhân chứng cho biết vào khoảng 22h đêm đèn trên lầu 1 của bưu điện vẫn sáng.
Giả sử nếu việc điều tra lại kết luận rằng các nạn nhân chết muộn hơn so với nhận định trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, điều đó chưa đủ để kết luận Hải vô tội, nhưng cũng có thể vụ án sẽ rẽ sang một hướng khác. Chẳng hạn, nghi phạm N. được cho là có bằng chứng ngoại phạm vì có người xác nhận anh ta đang một ở một quán cà phê vào lúc 20h10 tối hôm xảy ra án mạng. Bằng chứng ngoại phạm này sẽ không còn ý nghĩa nữa nếu thời điểm xảy ra án mạng là sau 22h vì N. có thể tới bưu điện gây án sau khi rời quán. Như vậy cái gọi là bản chất vụ án có thể hoàn toàn thay đổi.
Một lần nữa tôi xin khẳng định những giả định này không phải để gỡ tội cho Hải, hay đổ tội cho nghi can khác. Chính các vi phạm tố tụng đã làm cho việc tìm hiểu điều gì đã thật sự xảy ra trở nên khó khăn hơn, cũng vì thế mà nhiều giả thuyết có thể được đặt ra. Nếu cho điều tra lại một cách khách quan, trong chừng mực nào đó các sai sót trong quá khứ có thể khắc phục được và biết đâu vụ án sẽ có những tiến triển khác. Vì thế việc HĐTP kết luận rằng những vi phạm tố tụng trong quá khứ không làm ảnh hưởng tới bản chất vụ án thật sự đã quá vội vàng.
Nhìn bao quát hơn vụ án này, tôi cảm thấy bất an khi HĐTP đưa ra nhận định về các vi phạm tố tụng không ảnh hưởng tới bản chất vụ án. Tôi lo ngại rằng quan điểm của HĐTP sẽ khuyến khích các cơ quan tố tụng chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng mà coi thường những nguyên tắc căn bản của tố tụng. Các nguyên tắc ấy được đặt ra là để giảm thiểu sai lầm do nhiều yếu tố, trong đó có ý chí chủ quan. Tuân thủ các nguyên tắc tố tụng có thể đưa vụ án vào chỗ bế tắc, nhưng lại giúp tránh được việc định tội sai. Chắc hẳn ai cũng đồng ý rằng không tìm ra thủ phạm không đáng sợ bằng kết án nhầm người, nhất là trong một vụ án có khung hình phạt cao nhất. Việc HĐTP xem nhẹ các vi phạm tố tụng có thể trở thành một tiền lệ không tốt trong công tác điều tra, truy tố và xét xử ở nước ta.
Thứ tư, HĐTP có phần chưa công tâm khi chỉ tuyên đọc các văn bản quan trọng của các cơ quan Trung ương có xu hướng kết tội bị cáo. Trong khi đó HĐTP không hề nhắc tới báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội năm 2015 do bà Lê Thị Nga làm trưởng đoàn, trong đó đã nêu ra hàng loạt sai sót trong quá trình xử lý vụ án. Điều đó tạo cảm giác tất cả các cơ quan trung ương đều đồng ý giữ nguyên hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ án Hồ Duy Hải sát hại 2 nhân viên bưu điện Ảnh: nguoilaodong
|
Trong báo cáo này, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã chỉ ra việc các cơ quan tố tụng Long An chỉ xem xét các chứng cứ buộc tội mà bỏ qua chứng cứ gỡ tội. Chẳng hạn, nội dung kết quả giám định tro than khi trích dẫn đã bị lược bớt có chủ ý. Cụ thể, kết luận giám định cho biết “trong mẫu tro gửi đến có thành phần vải và nhựa polyester.” Nhưng cơ quan điều tra lại bỏ đi câu kết luận có tính chất gỡ tội cho bị cáo: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và SIM card.” Ở phiên tòa giám đốc thẩm, HĐTP đã nhận định rằng tại các thời điểm quan trọng Hải không kêu oan, song thực tế báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội chỉ ra Hải đã kêu oan nhiều lần, được thể hiện trong bản án sơ thẩm và biên bản phiên tòa phúc thẩm.
Rõ ràng nếu HĐTP cho công bố rộng rãi kết luận của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, dư luận xã hội sẽ hiểu rõ hơn vì sao rất nhiều người trong đó có các chuyên gia pháp luật lại không đồng tình với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Cách HĐTP chỉ chọn công bố các văn bản có lợi cho phán quyết của mình dễ tạo ấn tượng sai trên truyền thông, vốn là việc rất nên tránh.
Cuối cùng, tôi muốn đặt câu hỏi vì sao HĐTP không nghi ngờ tính vô tư, khách quan của cơ quan điều tra khi mà các vi phạm của cơ quan này dường như có tính hệ thống. Cơ quan này đã vi phạm những nguyên tắc căn bản trong việc bảo vệ hiện trường, truy tìm, giám định vết máu, ADN, v.v. Các vật chứng quan trọng liên quan đến vụ án bị tiêu hủy gần như ngay lập tức một cách khó hiểu khi công tác điều tra chỉ vừa mới bắt đầu.
Chưa kể, tôi chưa hề đọc được hay nghe nói tới việc Hồ Duy Hải từng được đưa tới hiện trường để thực nghiệm hành vi gây án. Điều này rất quan trọng vì nó có thể làm rõ việc trong khi V. đi mua hoa quả, Hải có đủ thời gian nói chuyện, đòi thực hiện hành vi tình dục với H. không thành, dẫn tới vật lộn, giết chết H., sau đó đi rửa tay, đứng chờ V. về để sát hại nốt như mô tả trong cáo trạng hay không?
Các cơ quan tố tụng cũng chưa bao giờ nỗ lực cho các nhân chứng đối chất và nhận diện Hải. Qua mô tả thì có thể thấy các lời khai khớp nhau song khi các nhân chứng được yêu cầu nhận diện, biết đâu sẽ cho kết quả khác. Quay lại với giả định về trường hợp nhận tội thay, rõ ràng mọi lời có thể khai khớp nhưng nếu để nhân chứng nhận dạng thì sẽ không đúng. Đối với các chủ cửa hàng tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được, cơ quan điều tra còn tự giải thích rằng sau thời gian dài, việc nhận diện dù có được tiến hành cũng không có tác dụng. Tại sao cơ quan điều tra không thử mà đã kết luận như vậy, dù trí nhớ của con người đôi khi rất bất ngờ? Bản thân nhân chứng Thường xác nhận không được mời tới dự phiên tòa sơ thẩm, nhưng trước HĐTP ở phiên giám đốc thẩm, thẩm phán xét xử sơ thẩm lại trả lời rằng anh Thường đã được mời nhưng không đến. Liệu lời giải thích đó có đáng tin cậy hay không?
Như ở trên đã nói, vụ án này đặc biệt ở chỗ nó quá nhiều điểm khiến người ta phải nghi ngờ. Lẽ ra HĐTP cần chất vấn về các vi phạm tố tụng có tính hệ thống trên đây, vì có thể phía sau những vi phạm đó không chỉ là sự yếu kém về nghiệp vụ mà còn có động cơ nào khác. Đây cũng là lý do khiến tôi tin rằng HĐTP lẽ ra nên tuyên hủy cả hai bản án để điều tra lại thì hơn.
Trên đây là những câu hỏi lớn về vụ án Hồ Duy Hải mà tôi muốn nêu lên sau phiên tòa giám đốc thẩm. Những phân tích trên đây đều xuất phát từ mong muốn công lý được thực thi một cách nghiêm minh chứ không vì mục đích nào khác. Các cơ quan tố tụng trước hết phải tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật tố tụng, tuyệt đối không được nhân danh công lý mà bỏ qua các nguyên tắc ấy để đi đường tắt.
0 comments