Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/11/2016

Wednesday, November 16, 2016 6:36:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 16/11/2016

Mỗi năm hơn 100 con hổ bị giết hoặc buôn bán

Hàng năm có hơn 100 con hổ bị giết hại cũng như bị buôn bán bất hợp pháp và chỉ còn khoảng hơn 4.000 con trong rừng.
Đây là số liệu trong một bản báo cáo vừa được công bố vào hôm nay, ngày 16 tháng 11.
Bản báo cáo cho biết kể từ năm 2000 đến nay, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 110 con hổ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã; đồng thời cũng nêu lên tình trạng các quốc gia Đông Nam Á gia tăng việc nuôi hổ cho mục đích thương mại, mà trong đó Thái Lan, Lào và Việt Nam là những quốc gia nuôi hổ nhiều nhất thế giới.
Nội dung bản báo cáo vừa công bố sẽ được các chuyên gia, giới chức thảo luận trong hội nghị quốc tế về động vật hoang dã được khai mạc vào ngày mai, với sự tham dự của đại diện nhiều chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cùng các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.
Các tổ chức bảo vệ động vật hy vọng hội nghị hai ngày ở Hà Nội tạo áp lực đối với các chính phủ trong việc nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn nạn buôn bán hổ cũng như đóng cửa các trang trại nuôi hổ.

Freedom House xếp Việt Nam áp chót về tự do Internet

Tổ chức độc lập Freedom House hôm 14/11 ra báo cáo năm 2016 đánh giá Việt Nam đứng áp chót về tự do Internet và tự do báo chí.
Freedom House xác định Việt Nam đứng ở vị trí 76 về tự do Internet trong số 88 nước mà tổ chức này theo dõi, đánh giá. Tổ chức chuyên thúc đẩy tự do và dân chủ trên thế giới nói Việt Nam không có tự do Internet lẫn tự do báo chí.
Tổ chức có trụ sở ở Mỹ và đã hoạt động 75 năm nay mô tả rằng nhà nước Việt Nam kiểm soát tất cả các cơ quan báo chí, và nhà chức trách tích cực dập tắt tiếng nói của các nhà báo hoặc các blogger hay chỉ trích thông qua bắt bớ, truy tố cũng như các hình thức sách nhiễu khác.
VOA đã cố gắng liên lạc với bộ trưởng và một số cục trưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam để hỏi về phản ứng của họ đối với báo cáo, song họ không trả lời điện thoại.
Lên tiếng từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA ông đồng ý với đánh giá của Freedom House:
“Là người làm báo, đồng thời cũng quan sát cộng đồng mạng lâu nay, tôi thấy đánh giá đó cũng đúng thôi. Nói chung, Việt Nam mà nói chuyện tự do, nhân quyền, đặc biệt là tự do báo chí, tự do ngôn luận thì mọi tổ chức ở trên thế giới người ta đều xếp Việt Nam gần đội sổ. Tôi cũng tán thành đánh giá đó là đúng”.
Nhà báo lâu nay thường lên tiếng thúc đẩy dân chủ và chỉ trích các bất công trong xã hội Việt Nam đã nêu ra những ví dụ về việc nhà chức trách hạn chế tự do Internet và tự do ngôn luận:
“Hầu hết các trang của truyền thông nước ngoài hoặc là trong nước nhưng của các cá nhân mà có tính chất phản biện thì đều bị chặn tường lửa. Có những trang bị chặn theo từng thời gian. Có lúc thì nới, có lúc lại tăng tường lửa chặn. Thì đấy là trở ngại trên Internet. Ngoài ra, đáng lưu ý hơn là hầu hết người có tri thức, có tâm huyết với đất nước, có ý thức phản biện để góp ý cho nhà nước điều chỉnh chính sách sao cho hợp lý, cho tiến bộ văn minh thì đều bị theo dõi, khủng bố, đánh đập, bắt bỏ tù, v.v… liên tục như thế”.
Theo báo cáo của Freedom House, bất chấp các hạn chế của chính phủ, vẫn có nhiều người Việt Nam sử dụng Internet và truyền thông xã hội để tranh luận về chính trị, họ thường sử dụng những kỹ thuật vượt tường lửa để tránh sự kiểm duyệt và tránh để lộ thông tin cá nhân.
Tổ chức này cũng cho biết nhà chức trách đã triển khai lực lượng những người thân chính phủ trên mạng xã hội để thao túng quan điểm của công chúng trên mạng. Ở Việt Nam, những người đó được gọi là dư luận viên.
Là người ở Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng một mặt có những hạn chế đối với những tiếng nói phản biện, chỉ trích chính phủ, song ông cũng thấy có những mảng sáng trong việc phát triển và sử dụng Internet trong nước.
Ông chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội Facebook tự do hơn nhiều so với Trung Quốc, hay việc trao đổi thông tin qua Internet, qua email để kết giao, kinh doanh cũng rất thuận tiện.
Mặc dù vậy, ông Tạo nhận xét các tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực các quyền tự do nói chung và tự do Internet nói riêng còn chậm chạp, dù được các nước và các tổ chức quốc tế khuyến khích, giúp đỡ. Ông nói:
“Các định chế quốc tế hoặc các nước có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam thì họ cũng có cố gắng giúp Việt Nam cải thiện, sửa các điều luật mà không hợp lý, nhất là những điều luật liên quan đến nhân quyền. Thì Việt Nam có tiếp thu chứ không phải không, nhưng mà ở mức độ thấp thôi. Và thậm chí có khi là sửa luật nhưng cuối cùng lại không vận dụng luật”.
Trong vài tháng gần đây, nhà chức trách Việt Nam đã có những động thái gây quan ngại về tự do ngôn luận, tự do Internet. Hồi đầu tháng 10, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm, đã bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cùng thời gian, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đình bản hoặc kỷ luật một số cơ quan báo chí và lãnh đạo báo chí vì đăng tin, bài gây bất lợi cho chính quyền.

Sau Tổng thống Obama,

Hoàng tử William ‘gây bão’ ở Hà Nội

Những hình ảnh của Hoàng tử Anh Quốc William tới Việt Nam đang tràn ngập truyền thông trong nước và quốc tế.
Công tước xứ Cambridge đã tới Hà Nội hôm 16/11 và có rất nhiều hoạt động trong ngày đầu tiên tại thủ đô Việt Nam. Theo các hình ảnh và thông tin từ trang Twitter của điện Kensington, hoàng tử Anh đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thăm phố cổ Hà Nội và uống cà phê vỉa hè.
Đây là lần thứ 2 sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 5 vừa qua, người dân Hà Nội lại có dịp đổ ra đường để hào hứng đón chào một người nổi tiếng trong giới chính trị.
Một trong rất nhiều hình ảnh trên trang Twitter của điện Kensington cho thấy Hoàng tử William bước ra khỏi xe và được nhiều người dân vây quanh chào đón và chụp ảnh trên một đường phố cổ Hà Nội. Điện Kensington viết kèm theo bức hình rằng: “Cám ơn những người dân phố cổ đã ra đón Công Tước tới Việt Nam hôm nay.”
Trước đó trong ngày, Hoàng tử William đã gặp mặt Thủ tướng Phúc trước khi tham gia một hội nghị quốc tế chống buôn bán động vật hoang dã tổ chức tại Hà Nội. Theo điện Kensington, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc, Hoàng tử Anh đã nói về mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam và mong muốn nghe những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm để giải quyết những thách thức của nạn buôn bán động vật hoang dã.
Quỹ Động Vật Hoang Dã Thế Giới WWF và nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong những nơi trung chuyển và tiêu thụ lớn nhất thế giới ngà voi và sừng tê giác. Cuối tuần trước, giới chức Việt Nam đã thiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển lậu.
WWF cho rằng chính phủ Việt Nam đã chưa làm đủ để chấm dứt nạn buôn bán và vận chuyển lậu các động vật hoang dã sắp quý hiếm. Nhưng theo Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời Thủ tướng Phúc nói với Hoàng tử Anh rằng Việt Nam đã rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức trong công chúng về việc bảo tồn động vật hoang dã và đã có những trừng phạt nặng đối với người vi phạm.
Chuyên gia về chống buôn bán lậu động vật hoang dã của WWF ở Việt Nam, Alegria Olmedo, nói với VOA Việt Ngữ rằng chính phủ Việt Nam đã bắt đầu làm 1 số việc nhưng chủ yếu là từ các tổ chức:
“Một chiến dịch của tổ chức Nhân Đạo Quốc Tế (HSI) kết hợp với chính phủ Việt Nam để phát đi một thông điệp rằng sừng tê giác không thể chữa được bệnh ung thư. Họ đã phát động chiến dịch từ năm 2013 để làm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam.”
Trang Twitter của điện Kensington cho thấy hình ảnh Hoàng tử William tới thăm một dự án giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tê giác và trò chuyện với các em học sinh ở đây. Theo trang web VietnamPlus, hoàng tử Anh đã tặng sách bảo vệ tê giác cho 1,5 triệu học sinh Việt Nam.
Với nỗ lực kêu gọi người dân Việt Nam chấm dứt việc sử dụng những sản vật như sừng tê giác trong các thang thuốc Đông Y, Hoàng tử William đã ghé thăm các hiệu thuốc y học cổ truyền trên phố Lãn Ông. Điện Kensington nói trên trang Twitter rằng hoàng tử nói chuyện với các chủ cửa hàng bán thuốc đông y đang tham gia vào chiến dịch chống buôn bán động vật hoang dã.
Hoàng tử William, chủ tịch của một dự án liên hiệp các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới, đã ngồi uống cà phê trên phố Lãn Ông và trò chuyện với các chuyên gia y học cổ truyền và một số nhân vật nổi tiếng và đại diện các tổ chức phi chính phủ. Theo VietnamPlus – một trang mạng của Thông Tấn Xã, tại đây công tước xứ Cambridge đã cùng mọi người thảo luận về thái độ của xã hội đối với các sản phẩm của động vật hoang dã do buôn bán trái phép và hành động của mỗi người để thay đổi nhận thức về vấn nạn này.
VietnamPlus trích lời ca sĩ, nhạc sĩ và đồng thời là nhà hoạt động vì động vật hoang dã Thanh Bùi nói rằng: “Mỗi người Việt Nam chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ những động vật quý hiếm khỏi bị tuyệt chủng bằng việc không mua hay sử dụng sừng tê giác.”

Phố cổ Hội An muốn du khách hành xử đúng mực

Thành phố cổ di sản thế giới của tỉnh Quảng Nam đang soạn thảo một bản quy tắc ứng xử cho du khách khi tới thăm Hội An.
Trang web của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cho biết thành phố Hội An muốn khuyến khích người dân, nhân viên ngành du lịch và du khách ở phố cổ có những ứng xử phù hợp với một di sản văn hóa của thế giới.
Bộ quy tắc mà Hội An đang soạn thảo là những hướng dẫn về “Những điều nên và không nên làm trong phố cổ” cho tất cả mọi người sống, kinh doanh và tới thăm nơi này. Theo UBND thành phố, các điều lệ này nhằm bảo tồn kiến trúc và di sản văn hóa có giá trị của Hội An – nơi từng là thương cảng bận rộn của cả khu vực vào thế kỷ 15.
Từ giữa năm nay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hội An đã phát hành những tờ rơi gấp bỏ túi và bản in gửi đến các hộ dân về “những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ.”
Theo thông tin từ Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, những “sự cố” trước đây liên quan đến hành xử của khách du lịch khi đến Hội An khiến chính quyền thấy cần phải chấn chỉnh một số hành vi tiêu cực. Việc một doanh nghiệp mở nhạc to cho khách nhảy múa tại Khu rừng dừa Cẩm Thanh hay du khách ăn mặc hở hang vào các đình chùa là những lý do thúc đẩy chính quyền thành phố phải soạn thảo bộ quy tắc. Hội An đã liệt kê 7 điều nên làm, 6 điều không nên làm và 5 điều cấm kỵ. Trong các “điều nên làm” và “điều cấm” đều đề cập đến chuyện ăn mặc và nên chọn những tranh phục lịch sự. Một số điểm di tích tâm linh trong khu phố cổ còn lập quy định riêng về trang phục dành cho khách du lịch.
Hành xử của khách du lịch, nhất là từ Trung Quốc, cũng đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam và khiến chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dự tính phân phát các quy định về cách ứng xử cho khách du lịch bằng tiếng Hoa.
Cách đây vài tháng, Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã có những đề xuất áp dụng những hình thức xử phạt nặng với khách Trung Quốc “có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử và văn hóa Việt Nam.”
Cuối tháng 7, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng khách du lịch Trung Quốc đã bị chính quyền Đà Nẵng phát hiện và xử phạt vì các hoạt động chui. Cách đây không lâu, một số khách du lịch Trung Quốc với hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng bị một số chủ nhà nghỉ ở Đà Nẵng từ chối cho thuê phòng.
Theo thống kê của sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch tỉnh Quảng Nam là khoảng 12% bình quân 1 năm trong 6 năm qua. Năm ngoái, Quảng Nam đón 3,85 triệu lượt khách du lịch. Hội An là điểm đến du lịch hàng đầu ở Quảng Nam và du lịch dịch vụ đã chiếm gần 70% trong tổng cơ cấu của thành phố.
Hội An được trang web du lịch của Mỹ TripAdvisor bình chọn là điểm đến tốt nhất thứ 2 ở Việt Nam sau Hà Nội.

Bộ trưởng nói biển miền Trung an toàn,

dân chưa thấy thuyết phục

Báo chí Việt Nam đưa tin Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói trước Quốc hội hôm 16/11 rằng “biển miền Trung đã an toàn”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết bộ của ông trong tháng 8 và tháng 9 đã công bố rằng về cơ bản môi trường biển 4 tỉnh miền Trung – từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế – đã an toàn sau thảm họa do hãng Formosa gây ra hồi tháng 4. Ông Hà nói kết luận của bộ dựa trên những điều tra, đánh giá bài bản và được xác nhận bởi các cơ quan tư vấn trong và ngoài nước.
Báo chí trích lời ông phát biểu rằng: “Hôm nay, trước Quốc hội, tôi xin khẳng định biển miền Trung an toàn. Trên cơ sở phân tích khoa học cho thấy hoạt động du lịch, thể thao, nuôi trồng thuỷ sản…, có thể tiến hành bình thường”.
Ông Hà cũng cho hay Bộ Y tế tiếp tục phân tích hải sản 4 tỉnh miền Trung và ông tin tưởng thời gian tới Bộ Y tế “sẽ công bố toàn bộ hải sản miền Trung an toàn”.
Đánh giá về mức độ thuyết phục của phát biểu của bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA:
“Đây là phát biểu của bộ trưởng trong cuộc chất vấn thì chúng tôi cũng ghi nhận như vậy thôi. Vấn đề còn lại là có bằng chứng, bằng cớ đầy đủ, nhất là làm sao thuyết phục được người dân địa phương ấy, họ cảm nhận được cái chuyện đó, và nó được trở lại từng bước với các sinh hoạt bình thường cũng như các hoạt động kinh doanh hay là khai thác biển ở địa phương này”.
Trong khi đó, từ Nghệ An, nhà hoạt động Hoàng Bình bày tỏ quan điểm với VOA:
“Câu trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà hết sức vớ vẩn và thiếu căn cứ tại vì sau thời gian Formosa xả thải, chưa hề có biện pháp xử lý gì mà ông đã tuyên bố biển miền Trung đã tự đào thải, tự làm sạch, rất là vô lý. Người dân ở đây rất là bức xúc về câu nói đấy. Họ không thể chấp nhận được. Biển không thể đánh bắt hải sản được. Họ không sống bằng biển được mà ông lại nói biển tự làm sạch. Sắp tới thì tôi nghĩ rằng rất nhiều người dân sẽ kiện Formosa và họ không chấp nhận việc Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường nói rằng là biển sạch”.
Ông Bình nói điều người dân cần là nhà chức trách công bố cụ thể các biện pháp đánh giá môi trường, kết quả xét nghiệm các mẫu nước, mẫu cá. Tuy nhiên cho đến lúc này thông tin về những việc đó “vẫn là con số không”.
Ông nói thêm là thời gian gần đây các nhà hoạt động thuộc giới xã hội dân sự đang “phải làm thay công việc nhà nước” khi họ lấy mẫu nước và cá để gửi đi xét nghiệm xem nước và cá đã sạch, an toàn chưa, nhưng chưa có câu trả lời.
Về tình hình đời sống ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, ông Bình cho hay:
“Cuộc sống của họ rất là điêu đứng. Ngay cái vụ biển này, họ phải đi rất là xa, xa gấp 4, 5 lần, vào tuốt biển phía Nam hoặc ra tuốt biển phía Bắc. Họ ra khơi xa thì không thể đánh bắt được. Mà kể cả đi xa thì họ vẫn không thể bán được giá như trước bởi vì tâm lý hoang mang của người dân họ không tiêu thụ hải sản độc hại. Nhiều vùng như vùng Phú Yên, Song Ngọc, Cửa Lò ngoài Nghệ An họ điêu đứng họ chết, phải bán cả thuyền. Đặc biệt nhất, là vùng Kỳ Hà, người dân ở đây coi như là cửa tử của họ rất là gần, họ không thể sống bằng nghề gì. Tại vì họ ở ngay tâm điểm của Formosa. Họ đánh bắt gần bờ, ở ngay eo biển đấy. Bây giờ họ phải ở nhà, hàng ngàn người dân phải ở nhà mà không nhận được hỗ trợ, đền bù”.
Nhà hoạt động Hoàng Bình cho biết thêm việc chính quyền đứng phân phối tiền đền bù của Formosa cho người dân bị ảnh hưởng có nhiều điều bất hợp lý. Ông nói có những vùng bị thiệt hại nặng do thảm họa của Formosa lại chưa được đền bù hoặc được đền ở mức thấp, trong khi những vùng bị nhẹ lại được đền bù sớm và ở mức cao.
Ông Bình cho rằng đây có thể là một “mưu đồ” của nhà chức trách tạo ấn tượng với công chúng là “họ đang tiến hành đền nhưng số tiền không đủ nên họ đền những chỗ ít trước để lấp liếm”. VOA không có điều kiện để kiểm chứng lời cáo buộc này ngay lập tức.
Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 16/11, nói về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ Formosa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói bộ của ông đã “kiểm điểm với tinh thần nghiêm túc, không né tránh từ cao đến thấp. Nội dung kiểm điểm được gửi các cơ quan cấp trên theo đúng quy định, khi có kết quả sẽ công khai”.

Khó kỷ luật hành chính

ông Vũ Huy Hoàng vì chưa có tiền lệ

Theo tin tức trên báo chí Việt Nam, ngày 15/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều phương án kỷ luật hành chính đối với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nhưng Chính phủ chưa quyết định.
Ông Hoàng bị cho là có “những vi phạm, khuyết điểm” khi làm lãnh đạo Bộ Công thương trong các năm từ 2011-2016. Một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định ông “có biểu hiện vụ lợi” trong việc bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải vào những chức vụ quan trọng ở các tập đoàn lớn của nhà nước.
Ngoài ra, ông Hoàng còn có những sai phạm khác về việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ của ông.
Kỷ luật hành chính đối với cựu Bộ trưởng Hoàng có thể là miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng, tước các quyền lợi vật chất, tinh thần khác gắn với chức danh ông nắm giữ sau khi ông đã rời chức vụ.
Tuy nhiên, tiến trình này xem ra còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chỉ ra với báo giới rằng quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam “chưa có nội dung kỷ luật một nhân vật từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn nhưng đã thôi chức vụ, cũng không thể bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Vũ Huy Hoàng do ông không còn là đại biểu nữa”.
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích thêm với VOA rằng có thể xử lý hình sự ông Hoàng về những sai phạm, nhưng xử lý hành chính sẽ dẫn đến một số rắc rối. Ông nói:
“Giả dụ kỷ luật là thôi chức bộ trưởng của ông đó đi, thôi cả một nhiệm kỳ. Như vậy thì được hiểu tất cả những chữ ký với tư cách bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng là nó bị vô hiệu, tiêu vong hết. Như vậy thì những quyết định hành chánh của ông ấy, những văn bản ông ký với nước ngoài thì bị vô giá trị hết. Đó là câu chuyện không bình thường. Kỷ luật những hình thức như vừa qua như là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là khai trừ đảng, kể cả truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể làm được. Nhưng mà bây giờ đưa một giả dụ như là bãi cái chức bộ trưởng đi trong nhiệm kỳ 2011-2016, nó dẫn đến hậu quả của chữ ký của ông ấy suốt nhiệm kỳ, thì đó là câu chuyện không đơn giản một chút nào”.
Nói với báo chí trong nước, ông Mai Tiến Dũng, người cũng là phát ngôn viên của chính phủ, cho hay trong số các phương án do Bộ Nội vụ đề xuất, “chưa thấy phương án nào nổi lên, do vậy phải bàn thêm trước khi trình cấp có thẩm quyền”.
Ông Dũng nói “việc cách chức ‘nguyên Bộ trưởng’” đối với ông Vũ Huy Hoàng có thể sẽ “tiến hành sớm” nhưng “phải có cơ sở pháp lý”. Ông cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ “nghiên cứu, bổ sung” những quy định hiện chưa có vì việc này “không phải để xử lý trường hợp này mà còn áp dụng về sau”.

Nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa lậu vào Anh mất tích

Theo số liệu gần đây của Tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân buôn người (ECPAT UKĐ và tổ chức Người mất tích Mising People, số trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không có người bảo lãnh bị mất tích tại các khu nuôi dưỡng ở Anh đang “tăng lên một cách báo động”.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có số trẻ em bị đưa lậu mất tích lớn nhất tại Anh.
Hai tổ chức này yêu cầu chính phủ Anh và cấp chính quyền địa phương Anh xem xét lại hệ thống bảo vệ trẻ em.
Đại diện của Hội chính quyền địa phương cho biết các hội đồng quận đã “làm tất cả những gì có thể” để phát hiện và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ mất tích cao, nhưng các ủy ban địa phương đều chịu sức ép ngân sách ngày càng lớn.
Thực trạng trẻ em Việt đưa lậu vào Anh bị mất tích
Bà Chloe Setter, từ tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân buôn người ECPAT UK, trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại:
BBC: Xin bà cho biết những con số mà tổ chức ECPAT mới thu được liên quan đến trẻ em Việt Nam bị đưa lậu vào Anh và đã mất tích?
“Theo báo cáo mới của chúng tôi, khoảng 28% trẻ em bị đưa lậu vào Anh bị mất tích ít nhất một lần từ tháng 10/2014 đến 9/2015. Hơn 200 trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không có người bảo lãnh bị mất tích chưa được tìm thấy. Đáng tiếc là chỉ có 10 trong số hơn 200 địa phương chúng tôi gặp có thông tin về quốc tịch các em bị mất tích. Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong số các nước có trẻ em bị mất tích tại Anh. Nguy cơ bị mất tích của các em từ Việt Nam là khá cao, nhưng điều chúng tôi thấy là trên thực tế cảnh sát và những người làm công tác xã hội Anh chưa hiểu hết nguy cơ này.
Chúng tôi biết là có nhiều băng đảng tội phạm Việt Nam đưa lậu trẻ em sang Anh bằng nhiều con đường. Thường thì các em bị buộc tham gia trồng cần sa, khai thác tình dục hoặc lao động nặng nhọc.Chloe Setter, ECPAT UK
BBC: Vì sao trẻ em bị đưa lậu vào Anh có nguy cơ bị mất tích cao?
Khó mà trả lời câu hỏi này. Chúng tôi biết là có nhiều băng đảng tội phạm Việt Nam đưa lậu trẻ em sang Anh bằng nhiều con đường. Thường thì các em bị buộc tham gia trồng cần sa, khai thác tình dục hoặc lao động nặng nhọc. Một số em nói với chúng tôi là các băng đảng này khủng bố tinh thần các em, và dọa là các em nợ chúng tiền vì chúng đưa các em sang Anh. Các em bị ràng buộc với những kẻ buôn người bằng nợ nần.
Lý do các em chạy trốn khỏi những gia đình cưu mang không phải vì các em không thích những gia đình này. Nhiều khi các em rất quý họ nhưng các em trốn để quay trở lại với những kẻ buôn người vì sợ chúng và lo lắng về các khoản nợ. Cac băng đảng này dùng trẻ em vì chúng dễ điều khiển các em hơn người lớn.
BBC: Vậy các cơ quan đã làm gì để tìm các trẻ em này?
Chúng tôi đã nói chuyện với cảnh sát, chính quyền địa phương, lực lượng biên giới và rất tiếc là họ chưa làm gì nhiều để giúp các em. Nhiều khi những dấu hiệu cho thấy các em có nguy cơ bỏ đi bị phát hiện qua muộn. Khó mà đưa ra các biện pháp nếu chúng ta không hiểu các rủi ro mà các em phải đối mặt. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề phải cân bằng.
Phần lớn các trường hợp là các em ở độ tuổi thiếu niên và vị thành niên. Chúng ta không thể nhốt các em trong nhà hay ngăn không cho các em ra ngoài. Việc chăm sóc những trẻ em này là phức tạp và những người nhận chăm sóc các em cần được sự đào tạo đặc biệt. Nhiều em đã trải qua một chặng đường đầy biến cố đế sang Anh, lại xa gia đình và không có mạng lưới trợ giúp. Vì vậy chúng tôi đang vận động đào tạo tốt hơn cho những người làm việc với các em.
BBC: Các chính quyền địa phương Anh đang chịu nhiều sức ép hơn vì ngày càng có nhiều trẻ em tỵ nạn đến địa bàn của họ mà họ cần phải chăm sóc. Vậy điều này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến sự hỗ trợ cho các trẻ em bị đưa lậu sang từ Việt Nam?
Chúng tôi lo ngại vì việc cắt giảm ngân sách ở các chính quyền địa phương làm ảnh hưởng đến các trẻ em cần được trợ giúp. Chúng ta cần đảm bảo cho các trẻ em bất kỳ quốc tịch nào đều được tiếp nhận các dịch vụ cần thiết.
BBC: Gần đây đã có nhiều tranh cãi về yêu cầu xác định độ tuổi và mức độ tổn thương của trẻ em tỵ nạn trước khi các em nhận được sự trợ giúp. Chị nghĩ gì về vấn đề này?
Chúng tôi rất bất bình về việc báo chí đưa tin về độ tuổi các em xin tỵ nạn từ trại Calais. Xác định tuổi là quan trọng nhưng việc này nhiều khi làm người ta không tập trung vào vấn đề chính là các em dễ bị tổn thương đến mức nào. Tuổi là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải tạo được một văn hóa lòng tin – người lớn lắng nghe và các em nói thật về tuổi. Luật cũng quy định chúng ta phải tin lời các em nếu không có cách nào để xác định chính xác tuổi.
Cụ thể với trẻ em Việt Nam cũng như các quốc tịch khác, chúng tôi được biết nhiều trường hợp các em vào Anh với hộ chiếu người lớn giả vì người lớn có thể di chuyển tự do hơn. Người lớn cũng ít bị soi xét kỹ hơn và có rất nhiều trường hợp trẻ em Việt Nam khai tuổi cao hơn tuổi thật của mình. Việc trợ giúp và bảo vệ các em phải được ưu tiên trên hết.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bà Susannah Drury, từ tổ chức Người Mất tích Missing People cho biết trẻ em bị đưa lậu và trẻ em không được bảo lãnh là những người “đặc biệt dễ bị tổn thương và cần được sự bảo vệ nhiều hơn”.
Bà nói điều cốt yếu là khi những trẻ em này bị báo cáo là mất tích, các em phải được “cảnh sát và các cơ quan khác xử lý như những đối tượng có nguy cơ cao. Việc tìm các em và đảm bảo an toàn cho các em phải được ưu tiên trên việc xác minh về tình trạng nhập cảnh và hoạt động tội phạm”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Hội chính quyền địa phương cho biết: “Với nhu cầu cho dịch vụ chăm sóc ngày càng lớn, cho trẻ em ở Anh cũng như hàng trăm trẻ em sắp vào Anh trong những tuần tới sau khi trại tỵ nạn ở Calais được dỡ bỏ. Các hội đồng quận bày tỏ lo ngại về nguồn tiền được cấp, và hệ thống tiếp tục chịu sức ép rất lớn.”
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết bộ “đã thắt chặt” các luật lệ về các khu nuôi dưỡng trẻ em và chính quyền địa phương “có nhiệm vụ cho chúng tôi biết tất cả các trường hợp trẻ em bị mất tích”.
“Chúng tôi biết là các em bị đưa lậu và xin tỵ nạn mà không có người lớn đi cùng là đặc biệt dễ bị mất tích.”
“Vì vậy chúng tôi đã có những lớp đào tạo chuyên môn cho những người chăm sóc các em này, với cam kết có một người đại diện bảo vệ quyền lợi của các em ở mỗi vùng và đưa ra một kế hoạch rõ ràng để xây dựng một chiến dịch chính phủ mới để tính đến những nhu cầu đặc biệt của các em, kể cả việc xét lại chỗ ở cho các em”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.