Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 07/11/2016

Monday, November 7, 2016 7:34:00 PM // , ,

Đọc báo Pháp – 07/11/2016

Mỹ : Kết quả bầu cử tổng thống sẽ rất sít sao

Ngày mai là ngày bầu cử tổng thống Mỹ, các báo Pháp hôm nay dành nhiều trang cho chủ đề này. Nhật báo Le Monde đặt câu hỏi : « Donald Trump liệu còn có thể thắng cử ?»
Ứng viên Cộng Hòa Donald Trump hy vọng thắng đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử diễn ra tại Mỹ vào ngày mai 08/11. Kể từ khi FBI tiến hành điều tra về thư điện tử cá nhân của bà Clinton, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy tỉ lệ ủng hộ nhà tài phiệt bất động sản Donald Trump đã tăng vọt.
Nhưng Le Monde đánh giá để rút khoảng cách với đối thủ Hillary Clinton, ông Donald Trump sẽ phải thắng tại các bang có vai trò chủ chốt hoặc những bang còn nhiều cử tri đang do dự như Florida, Ohio, Nevada hoặc Pensylvania. Bà Hillary Clinton được cử tri gốc châu Mỹ La tinh ủng hộ. Đây là nhóm người đã bị ông Donald Trump bôi nhọ. Nhưng bà Clinton lại không vận động được người Mỹ gốc Phi.
Le Monde cũng cho biết tổng thống Obama, người đã tạo ra 11 triệu công ăn việc làm trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, đang ra sức hỗ trợ bà Clinton bằng cách kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho bà. Còn thị trường Mỹ thì đang “lên cơn sốt” trong những ngày trước bầu cử tổng thống.
Nhật báo Le Figaro thì cho biết 8/10 người Mỹ đều mong ngóng kỳ bầu cử sớm kết thúc, nhưng dự báo nhiều yếu tố khó lường như bạo động, khủng bố có thể xảy ra và ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu. Le Figaro gọi cuộc bỏ phiếu ngày mai 08/11 là “cuộc bỏ phiếu của mọi mối nguy hiểm”.
Theo Le Figaro, nguy cơ khủng bố khiến nhà chức trách lo ngại. Cho dù nguy cơ « khủng bố thực sự » rất mơ hồ, nhưng cũng đã đủ để các bang New York, Texas và Virginia được đặt vào tình trạng báo động. Ở Bắc Carolina, một tòa án liên bang đã ngăn cản chính quyền phe Cộng Hòa gạch tên 4.000 cử tri đã đăng ký bầu cử. Tại bang Ohio, một thẩm phán đã ra lệnh cấm hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ có các hành động hăm dọa gần các khu vực đặt hòm phiếu.
Cơ quan an ninh không lo ngại về nguy cơ tin tặc tấn công các máy kiểm phiếu, vì để làm được điều đó, cần hàng ngàn hacker và các máy này lại không kết nối với nhau. Tuy nhiên, chính quyền liên bang đã cảnh báo về nguy cơ trục trặc trong quá trình truyền kết quả kiểm phiếu trên mạng và công bố các kết quả này trên các trang mạng xã hội.
Le Figaro nhận định kết quả kiểm phiếu càng sít sao thì nguy cơ tranh chấp sẽ càng lớn, có nghĩa là “cuộc đấu kiếm” giữa Hillary Clinton và Donald Trump sẽ còn kéo dài.
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến khía cạnh tài chính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với hàng tựa « Chiến dịch bầu cử 2016 ít tốn kém hơn các chiến dịch bầu cử trước đây ».
Đối với Les Echos, đây là điều đáng ngạc nhiên. So với các ứng viên tổng thống ở các kỳ bầu cử trước, cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều chi ít tiền hơn cho quảng cáo trên truyền hình. Tính tới cuối tháng Chín, các ứng viên, các đảng và các quỹ ủng hộ bầu cử đã tiêu tổng cộng 3,2 tỉ đô la, ít hơn 210 triệu đô la so với dịch bầu cử tổng thống năm 2012.
Bên phe Cộng Hòa, ông Donald Trump tiêu tốn ít hơn 35% so với ứng viên Mitt Romney trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2012. Khác với ông Mitt Romney, ứng viên Donald Trump không chú trọng quảng cáo trên đài truyền hình và phát thanh. Thay vào đó, nhà tài phiệt Donald Trump tập trung nhắm vào các trang mạng xã hội. Điều này đã giúp ông tiết kiệm được gấp 5 lần chi phí quảng bá so với ông Mitt Romney năm 2012. Trong cuổi tranh luận trên truyền hình mới đây nhất, ông Donald Trump tự hào cho biết mình đã tiếp xúc được với 25 triệu cử tri thông qua mạng Internet.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn phải kể đến việc bà ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton đã tiêu tốn ít hơn 26% so với ứng viên Obama trong kỳ bầu cử trước. Bà đã giảm được chi phí quảng cáo khi sử dụng cơ sở dữ liệu một cách khôn khéo. Trong khi đó bà lại quyên được nhiều tiền cho quỹ tranh cử hơn so với ông Obama năm 2012.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Cái nhìn từ nước Nga

Trong bài báo có tiêu đề “Người Nga chọn ứng viên Cộng Hòa – ứng viên của hòa bình”, Le Monde nhận định nhìn từ nước Nga, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gói gọn trong sự lựa chọn giữa Donald Trump – “ứng viên của hòa bình” và Hillary Clinton – “ứng viên của chiến tranh”.
Theo thông tín viên của tờ báo thân chính phủ Nga Rossiiskaïa Gazeta, bà Clinton vốn nổi tiếng với “bản năng săn mồi của kẻ mạnh và niềm tin vào vai trò thống trị của nước Mỹ trên thế giới cũng như sự ủng hộ các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài”. Vì thế, đương nhiên người Nga thích ông Donald Trump hơn.
Mới đây, Viện nghiên cứu Bắc Mỹ WIN/Gallup đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến ở 45 nước trên thế giới cho thấy Nga là quốc gia duy nhất mà ông Trump được nhiều người ủng hộ hơn bà Clinton: 33% số người được hỏi ủng hộ ông Trump, so với con số 10% số người ủng hộ bà Clinton.
Ông Valeri Fiodorov, giám đốc Viện Nghiên Cứu Dư Luận Xã Hội Nga bình luận: « Trong bối cảnh Mỹ và Nga đang đối đầu mạnh mẽ, câu trả lời của người dân Nga là hoàn toàn có thể dự đoán. Họ chọn ứng viên thể hiện công khai cảm tình với tổng thống Nga Vladimir Putin » trong khi đó « bà Hillary Clinton được coi là sẽ kế tiếp con đường xung đột của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, sự ngờ vực nước Mỹ lớn tới mức « nhiều người đã không nhìn ra rằng quan hệ song phương sẽ được cải thiện cho dù cuộc bầu cử Mỹ có kết quả thế nào đi chăng nữa ».
Bà Hillary Clinton bị truyền thông thân Nga cười nhạo, coi thường. Ngày 20/10, trong cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng ở Syria trên kênh truyền hình NTV, bà ứng viên Dân Chủ đã bị nêu đích danh là người sáng lập ra tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Bà Hillary đã phải gánh hậu quả mối hận thù sâu đậm của điện Kremlin. Là ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009 – 2013, chính bà Clinton là người đưa ra ý định nhưng sau đó đã thất bại trong việc thiết lập lại trật tự Nga – Mỹ.
Đây cũng là giai đoạn nhà độc tài Mouammar Kadhafi của Libya bị lật đổ, và nhiều người coi đó là do sai lầm của Nga. Sau đó là tới các cuộc biểu tình lớn phản đối Putin diễn ra ở Matxcơva vào mùa đông năm 2011-2012. Và điện Kremlin đã không ngừng cáo buộc Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình này. Căng thẳng còn tiếp tục gia tăng với vụ tai tiếng về thư điện tử cá nhân của bà ứng viên Dân Chủ, khi FBI nghi ngờ vụ này là âm mưu của một nhóm tin tặc Nga.
Ngày 27/10, ông chủ điện Kremlin đã đả kích là Mỹ đã điên cuồng cáo buộc Nga can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Với giọng điệu hòa giải, tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại là sẽ hợp tác với bất cứ ai trúng cử tổng thống Mỹ. Nhưng ông Putin đã không kìm chế thể hiển cảm tình trước tính cách của ông Donald Trump khi phát biểu :” Tất nhiên, ông ấy cư xử hơi lố, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó không phải vô ích, vì theo tôi, ông ấy đại diện cho điều mà một nhóm người đông đảo trong xã hội Mỹ quan tâm, họ đã chán nản vì những người cầm quyền từ nhiều thập kỷ nay ».

Pháp thắt chặt an ninh

để kéo du khách quốc tế trở lại

Trong bài viết có tiêu đề « Valls thắt chặt an ninh để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại », nhật báo Le Figaro cho biết trước tình hình lượng du khách nước ngoài đến Pháp sụt giảm ở mức chưa từng có từ tháng Giêng tới nay, thủ tướng Pháp Manuel Valls sẽ chủ trì một buổi họp liên bộ nhằm tìm giải pháp hỗ trợ ngành du lịch thu hút khách du lịch quốc tế.
Vẫn là điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới nhưng vụ khủng bố ngày 13/11/2016, kéo theo đó là các vụ khủng bố ở Bruxelles hồi tháng Ba và ở Nice hồi tháng Bảy, đã khiến nhiều du khách không dám đến Pháp. Việc duy trì tình trạng khẩn cấp cũng gây ảnh hưởng xấu đến du lịch.
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề an ninh, thủ tướng Manuel Valls đã quyết định tung ra kế hoạch hành động trị giá 15,5 triệu euro để đảm bảo an toàn cho du khách quốc tế trên lãnh thổ Pháp : tăng cường lực lượng bảo vệ và lắp đặt thêm caméra giám sát tại Paris, trên quốc lộ A1, trong đường hầm Landy, nơi du khách đã bị cướp số nữ trang lên tới 5 triệu euros chỉ tính riêng trong tháng Tư, bên ngoài sân vận động Stade de France và các khách sạn ở các cửa ngõ Paris, tại các công trình văn hóa nổi tiếng như bảo tàng Louvre, Mont-Saint-Michel, các lễ hội văn hóa hay các buổi biểu diễn, …
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách trình báo mỗi khi có vấn đề, các sở cảnh sát và các đội cảnh sát cơ động sẽ được triển khai ở các công trình có đông khách thăm quan và xảy ra nhiều vụ cướp giật. Để đạt hiệu quả trên quy mô quốc gia, mỗi tỉnh sẽ có một « thông tín viên an ninh du lịch ».
Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho tư nhân vay tiền để hiện đại hóa các nhà hàng và khách sạn nhỏ, tạo điều kiện cho họ làm việc chỉ một phần thời gian và hỗ trợ công tác đào tạo. Khoản tiền dự kiến lên tới 11 triệu euro.
Và cuối cùng, Nhà Nước hướng sự quan tâm tới chính du khách người Pháp, đối tượng mang lại tới 2/3 doanh thu cho du lịch Pháp. Thủ tướng Pháp muốn hỗ trợ người có thu nhập thấp, những người đã về hưu và có thu nhập dưới mức phải đóng thuế để kích thích họ đi du lịch, bằng cách ban hành các tấm séc-du lịch có tổng trị giá lên tới 5,7 tỉ euro.

Tin đọc nhanh

(AFP) Trung Quốc ra luật siết chặt kiểm duyệt phim ảnh
Thường vụ quốc hội Trung Quốc, hôm nay, 07/11, thông qua dự luật chỉ cho phép phổ biến các phim « phát huy giá trị xã hội chủ nghĩa » và cấm sản xuất, hợp tác sản xuất phim « có hại cho phẩm giá, danh dự và quyền lợi quốc gia ». Luật này, có hiệu lực kể từ tháng 3, là cơ sở luật pháp để tăng cường chính sách kiểm duyệt đã rất khắc khe tại Hoa lục. Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích giới nghệ sĩ điện ảnh tây phương như Brad Pitt tỏ thiện cảm với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong mà Bắc Kinh xem là kẻ thù chính trị (Bảy năm tại Tây Tạng, Seven Years in Tibet).
(AFP) Trung Quốc ra thêm luật siết internet
Luật thông qua hôm nay, 07/11/2016, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Về lý thuyết luật này nhằm bảo vệ thông tin trên các mạng xã hội và những người sử dụng, nhưng theo các nhà bảo vệ nhân quyền, mục tiêu của luật này chỉ là gia tăng đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến. Các bài viết, bình luận trên các mạng xã hội, và các trang blog, diễn đàn mạng có thể bị kiểm duyệt, thậm chí xóa bỏ. Kiểm duyệt internet tại Trung Quốc đã có từ lâu với « Bức Trường Thành lửa » (Great Firewall), nhưng kể từ năm 2013, internet có xu hướng bị siết mạnh hơn. Hàng trăm nhà báo hay blogger bị đe dọa hay giam cầm.
(AFP)Ấn Độ : Phụ nữ Hồi Giáo biểu tình chống kỳ thị
Hôm nay, 07/11/2016, nhiều phụ nữ Ấn Độ theo đạo Hồi đã tập trung trước trụ sở Tòa Án Tối Cao để phản đối các quy định bảo vệ đặc quyền đơn phương ly dị của đàn ông theo đạo Hồi. Theo một điều tra dư luận, đa số phụ nữ Hồi Giáo Ấn Độ muốn chấm dứt phân biệt đối xử này. Cuộc đấu tranh của phụ nữ Hồi Giáo được thủ tướng Modi lên tiếng ủng hộ đầu tuần trước. Đây là một can thiệp hiếm hoi tại Ấn Độ, một quốc gia tuy được gọi là theo thể chế thế tục, nhưng thiên về bảo vệ quyền của các tôn giáo. Tại Ấn Độ có khoảng 170 triệu tín đồ Hồi Giáo, là cộng đồng Hồi Giáo đông thứ ba thế giới.
(AFP) Bulgari : Bầu tổng thống, ứng cử viên thân Nga về đầu
Kết quả bất ngờ trong vòng một bầu tổng thống Bulgari 06/11/2016. Tướng Roumen Radev, đảng Xã hội, cựu tư lệnh không quân có chủ trương thân Matxcơva giành được 25,67 % phiếu, về nhất. Trong khi đó, đương kim chủ tịch quốc hội, bà Tsetska Tsacheva, thân châu Âu về nhì với 22%, theo kết quả sơ khởi.
(AFP) Thổ Nhĩ Kỳ : Đảng HDP thân Kurdistan tuyên bố tẩy chay Quốc Hội
Tuyên bố được đưa ra hôm qua, 06/11/2016, sau khi hai đồng chủ tịch và 9 nghị sĩ của đảng bị bắt. HDP là đảng lớn thứ ba, với 59 dân biểu. Hôm qua, lần đầu tiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khẳng định HDP chỉ là một chi nhánh của đảng “khủng bố” PKK. HDP phủ nhận cáo buộc liên hệ với PKK. Các nghị sĩ HDP hiện chưa bị bắt đang nỗ lực gặp gỡ cử tri, thu thập ý kiến nhằm xây dựng một kế hoạch hành động mới. Ankara triệu tập các đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu họp sáng nay để thông báo về « các diễn biến mới nhất », trong bối cảnh phương Tây ngày càng lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng tình trạng khẩn cấp để bóp nghẹt mọi chỉ trích.
(AFP) Thượng đỉnh khí hậu COP 22 khai mạc hôm nay, 07/11/2016, tại Maroc
COP 22 dự kiến sẽ kéo dài hai tuần lễ, khoảng 60 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ sẽ tới vào ngày 15/11, để mang lại trọng lượng chính trị cho các đàm phán. Mục tiêu chính của COP 22 là tìm kiếm các biện pháp để thực thi thỏa thuận lịch sử COP 21 đạt được tại Paris năm ngoái, cố gắng giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2°C. Các nhà thương thuyết sẽ phải hoàn thiện « các quy tắc » của thỏa thuận phức tạp này, liên quan đến việc các nước tuân thủ cam kết hạn chế khí thải, các nước phát triển giúp đỡ tài chính các nước đang phát triển gia tăng năng lượng xanh, đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu…

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.