Tin Hoa Kỳ – 09/11/2016
Wednesday, November 9, 2016
6:43:00 PM
//
Slider
,
Thời sự thế giới
,
Tin Tức
Bà Clinton có cơ may lớn làm nên lịch sử
Ngay từ sáng thứ Ba 8/11 khi mà cử tri Mỹ còn xếp hàng dài để đi đầu phiếu, truyền thông báo chí đã tiên đoán bà Hillary Clinton có cơ may cao sẽ đoạt thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy là trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc đang diễn ra, xác suất bà Clinton có thể đánh bại đối thủ Trump lên tới 90%, coi như bà nắm chắc phần thắng trong tay.
Theo kết quả cuộc thăm dò giờ chót này thì bất kỳ bất ngờ nào đẩy cán cân nghiêng về phía ông Trump sẽ tuỳ thuộc vào một loạt yếu tố bao gồm tỷ lệ đi bầu trong thành phần cử tri da trắng, cử tri Mỹ gốc Phi và gốc Châu Mỹ La tinh tại 6 hoặc 7 tiểu bang. Triển vọng ông Trump có thể lật ngược tình thế là điều khó có thể xảy ra…
Về số phiếu phổ thông, bà Clinton dẫn đầu ông Trump 45% trên 42%, và đang đi đúng hướng để đoạt được 303 phiếu cử tri đoàn, so với 235 phiếu cử tri đoàn của ông Trump, như vậy bà Clinton đã vượt qua ngưỡng 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để chiến thắng.
Ông Trump vẫn hy vọng sẽ đạt kết quả thuận lợi tại các bang Florida, Michigan, North Carolina và Ohio. Ông sẽ phải thắng gần hết các bang ấy thì mới có thể tiếp tục hy vọng. Nếu thất bại tại 2 trong 3 bang Florida, Michigan và Pennsylvania, thì kể như phần thắng sẽ về tay bà Clinton.
Ngược lại, muốn còn cơ may trở thành chủ nhân toà Nhà Trắng, thì ông Trump phải thắng ở Arizona, nơi cuộc đua đang rất sít sao, và cùng lúc không bị ứng cử viên độc lập Evan McMullin đánh bại ở Utah, một thành trì khác của Đảng Cộng hoà.
North Carolina, một trong các bang đầu tiên công bố kết quả vào đêm thứ Ba, có thể hé lộ cho chúng ta thấy kết quả cuộc bầu cử chung cuộc. Nếu bà Clinton giành thắng lợi tại bang này, thì có phần chắc điều đó có nghĩa là người Mỹ gốc Phi đã rủ nhau đi bầu đông đảo tương tự như vào năm 2012, khi Tổng Thống Obama dẫn đầu 4 điểm so với đối thủ, Mitt Romney và sau cùng đánh bại ông Romney để vào Toà Bạch Ốc.
Các cuộc thăm dò cử tri đi bầu sớm ở North Carolina cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton ngang ngửa với tỷ lệ bầu cho ông Trump. Ông Trump dẫn trước 1 điểm tại North Carolina, 47 so với 46 bên bà Clinton. Ông dẫn trước 30% trong thành phần cử tri da trắng, trong khi bà Clinton dẫn trước khoảng 85 điểm trong thành phần cử tri da đen.
Với 29 phiếu cử tri đoàn, giành được phần thắng ở Florida sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với ông Trump. Nếu thắng ở Florida, bà Clinton chỉ cần giành thắng lợi tại một trong 3 bang ‘xôi đậu’ Ohio, Michigan và Pennsylvania, trong khi ông Trump phải thắng ở cả 3 bang thì mới có hy vọng.
Theo viện nghiên cứu Ipsos, bà Hillary Clinton dẫn đầu 48 điểm so với 47 điểm của ông Trump ở Florida. Nhưng bà dẫn trước 75 điểm trong thành phần cử tri da đen, và dẫn trước đối thủ 20 điểm trong giới cử tri Châu mỹ La tinh. Sự thành công của bà Clinton tại đây sẽ tuỳ thuộc vào liệu tỷ lệ đi bầu trong thành phần người Mỹ gốc Phi có cao hay không. Nếu không, thì cuộc đua sẽ vô cùng sít sao, dù là các lá phiếu của cử tri gốc Châu Mỹ La tinh gia tăng đáng kể.
Nguồn: Reuters/Ipsos States of the Nation
Bộ Tư pháp Mỹ giám sát bầu cử ở 28 tiểu bang
Nhân viên thuộc bộ phận dân quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã được phái đến 28 tiểu bang để giám sát bầu cử, 5 bang nhiều hơn so với kỳ bầu cử năm 2012, bộ cho biết.
Hầu hết những bang này sẽ tiếp nhận nhân viên Bộ Tư pháp, vốn không có thẩm quyền tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu sau quyết định của Tòa án Tối cao năm 2013 vô hiệu hoá một số điều khoản của Đạo luật Bầu cử, hạn chế khả năng của Bộ Tư pháp cử các quan sát viên có toàn quyền lui tới các địa điểm đầu phiếu.
Hơn 500 nhân viên Bộ Tư pháp sẽ được triển khai trong ngày thứ Ba, so với hơn 780 nhân viên được cử đi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Một người phát ngôn Bộ Tư pháp từ chối cho biết có bao nhiêu người trong số các nhân viên này là quan sát viên được tự do tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử gay cấn hôm thứ Ba giữa ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Bộ Tư pháp chỉ có thể cử quan sát viên có quyền tiếp cận đầy đủ đến các bang nào mà tòa án liên bang cho phép.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra gian lận bầu cử và ông kêu gọi các ủng hộ viên hãy theo dõi hoạt động bầu cử hầu có thể phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có gian lận ở các thành phố lớn. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy gian lận bầu cử Mỹ là điều cực hiếm.
Trong một thông cáo, Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cho biết “Như thường lệ, nhân viên của chúng tôi sẽ thi hành nhiệm vụ một cách vô tư, với một mục tiêu: đó là đảm bảo mỗi cử tri hội đủ điều kiện được tự do tham gia bầu cử theo luật liên bang,”
Tòa án đã cấp phép cho Bộ Tư pháp triển khai quan sát viên có đầy đủ quyền tiếp cận đến 5 tiểu bang: Alaska, California, Louisiana, New York, và Alabama.
Nhân viên Bộ Tư pháp được cử đi giám sát bầu cử ở 24 tiểu bang sẽ phải dựa vào chính quyền địa phương và tiểu bang để cho phép họ tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu.
Người đứng đầu bộ phận dân quyền của Bộ Tư pháp, bà Vanita Gupta, nói rằng trong hầu hết các trường hợp, cử tri tại địa điểm bỏ phiếu sẽ không phân biệt được các giám sát viên và quan sát viên.
Hàng trăm triệu đôla cá cược bầu cử tổng thống Mỹ
Trong lúc các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc hết sức sát sao, nhiều người cá cược đang đổ hàng triệu đôla vào các “sòng” cá cược trực tuyến từ Ireland đến Iowa với hy vọng nắm được một vận may tài chính từ chiến thắng của ứng cử viên bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton hay ứng cử viên bên Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Sàn giao dịch cá cược trực tuyến có trụ sở ở Anh Betfair cho biết hôm Chủ nhật rằng thị trường cá cược về “Next President” (Tổng thống kế tiếp) được mở ra, và nhận được nhiều đặt cược chưa từng thấy mà theo dự đoán có thể vượt quá sự kiện “Brexit,” tức là cuộc trưng cầu dân ý của Anh quốc quyết định rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Hôm Chủ nhật, hơn 130 triệu đôla đã được đặt cược cho người sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp, so với 159 triệu đôla trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, người phát ngôn của Betfair, Naomi Totten, cho biết.
Lượng tiền đặt cược tính đến nay lớn hơn nhiều so với khoản 50 triệu đôla tiền cược trong cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2012.
“Next President” của Betfair lớn nhất trong số hơn 70 cuộc cá cược liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ. Tính đến thứ Sáu tuần trước, 140 triệu đôla đã được đổ vào các cuộc cá cược này, từ việc ai sẽ chiến thắng số phiếu phổ thông cho đến chuyện mỗi đảng sẽ giành được bao nhiêu tiểu bang.
Ở hãng cá cược Paddy Power, mới sáp nhập vào Betfair đầu năm nay, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ là sự kiện chính trị được các cược lớn nhất”, người phát ngôn Féilim Mac An Iomaire cho biết. Trang web này đã có khoảng 4.38 triệu đôla tiền đặt cược cho cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Ladbrokes, một công ty đánh bạc ở Anh, cho biết khoảng hơn 6 triệu đôla đã được đặt cược vào cuộc bầu cử tổng thống 2016 kể từ khi công ty này mở cuộc cá cược của về cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc bắt đầu cách đây 4 năm. Một người phát ngôn của Ladbrokes cho biết, lượng tiền đặt cược “ít nhất là gấp đôi” so với kỳ bầu cử năm 2012.
Ba trang web cá cược đều cho thấy 83% khả năng chiến thắng của bà Clinton. Xác xuất giành chiến thắng của bà tăng vài điểm phần trăm hôm Chủ nhật sau khi FBI thông báo không truy tố hình sự bà trong vụ email mới được tìm thấy một tuần lễ trước đó.
Betfair cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng ông Trump đã nổi lên là người giành ưu thế trong nhóm người ủng hộ Brexit. 2/3 khách hàng của công ty này đã ủng hộ kết quả Brexit cũng ủng hộ ông Trump ở Betfair.
Ông Paul Krishnamurty, một người đánh bạc chuyên nghiệp 15 năm, làm việc với vai trò nhà phân tích ở Betfair và nhà báo ở Politico, lại không phải một người trong số đó. Ông nói với Reuters rằng ông sẽ mất 28 ngàn đôla nếu ông Trump dành chiến thắng.
Ông Krishnamurty cho biết, ông tin bà Clinton sẽ chiến thắng ở cả hai tiểu bang North Carolina và Florida nên việc đắc cử của ông Trump là khó xảy ra. Ông nói: “Cá nhân tôi tin rằng bà ấy sẽ có một chiến thắng long trời lở đất.”
Nước Mỹ đi bỏ phiếu chọn tổng thống
Một nước Mỹ phân cực đang đến phòng phiếu để bầu tổng thống thứ 45 của mình trong ngày thứ Ba, chọn lựa bà Hillary Clinton làm người nữ tổng thống đầu tiên hay là doanh nhân tỉ phú Donald Trump – người chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ công cử nào. Đây là hồi kết cho một chiến dịch tranh cử kéo dài và đầy những lời lẽ gay gắt đã làm đảo lộn nền chính trị của Mỹ.
Người chiến thắng sẽ thừa hưởng một quốc gia đầy lo lắng, tức giận và không tin tưởng những nhà lãnh đạo ở Washington. Ông Trump hay bà Clinton sẽ cai quản một nền kinh tế đang cải thiện nhưng vẫn bỏ nhiều người lại đằng sau, và một quân đội ít mở rộng ra nước ngoài hơn tám năm trước nhưng đang chật vật ứng phó với những mối đe dọa khủng bố mới.
Bà Clinton bước vào Ngày Bầu cử với nhiều ngả tiến tới chiến thắng, trong khi ông Trump phải thắng ở hầu hết tất cả những bang chiến trường để đạt tới 270 phiếu Đại Cử tri Đoàn. Quyền kiểm soát Thượng viện cũng đang trong vòng tranh chấp. Đảng Dân chủ cần phải giành được bốn ghế nếu bà Clinton giành được Tòa Bạch Ốc. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ duy trì thế đa số của họ ở Hạ viện.
Bà Clinton và chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã đến bỏ phiếu tại một điểm bầu cử địa phương ở thành phố Chappaqua, bang New York, ngay sau 8 giờ sáng hôm thứ Ba trong khi một đám đông người ủng hộ hò reo và chụp hình. Ông Trump đi bỏ phiếu ở quận Manhattan ở Thành phố New York khoảng ba giờ sau đó.
“Tôi biết là việc này đi kèm với trọng trách to lớn,” bà Clinton nói. “Rất nhiều người đang trông chờ kết quả của cuộc bầu cử này, ý nghĩa của nó đối với đất nước của chúng ta, và tôi sẽ làm hết sức có thể nếu tôi đủ may mắn giành chiến thắng ngày hôm nay.”
Còn ông Trump thì nói rằng ông muốn khai mở tiềm năng chưa được hiện thực hóa của nước Mỹ.
“Tôi thấy rất nhiều hy vọng và rất nhiều ước mơ đã không thành hiện thực, mà lẽ ra có thể trở thành hiện thực với sự lãnh đạo đúng đắn,” ông nói qua điện thoại trên kênh truyền hình Fox News. “Và người dân bị tổn hại rất nặng.”
Gần 45 triệu người đã bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử. Nhiều cử tri bày tỏ sự nhẹ nhõm khi hồi kết sắp sửa tới sau gần hai năm vận động tranh cử không ngừng, với những luận điệu nặng tính kì thị chủng tộc và những cáo buộc của mỗi ứng cử viên nhắm vào nhau.
Bà Clinton lên án ông Trump vì ông gọi người nhập cư Mexico không giấy tờ là “những kẻ hiếp dâm” và cổ súy một lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, và vì những phát biểu của ông về phụ nữ mà đỉnh điểm là một đoạn ghi âm trong đó ông khoe khoang chuyện chộp lấy bộ phận sinh dục của phụ nữ. Ông Trump gọi đối thủ của mình là “Hillary Gian trá” vì bà sử dụng máy chủ email riêng tư khi còn là ngoại trưởng và vì những mối quan hệ phức tạp của bà với Quỹ Clinton do chồng bà điều hành.
Hai ứng cử viên đều dành cả ngày thứ Ba thực hiện một loạt những cuộc phỏng vấn với những đài phát thanh ở những bang mà họ vẫn đang tranh giành, sau khi đi vận động ở một loạt bang chiến trường còn lại một ngày trước đó.
Tâm điểm của đợt vận động tranh cử cuối cùng của bà Clinton ngày thứ Hai là một cuộc tập hợp khổng lồ 33.000 người tại Quảng trường Độc lập của thành phố Philadelphia, nơi mà những siêu sao của Đảng Dân chủ đều góp mặt để cổ vũ cho bà, trong đó có chồng bà, Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Trong khi đó ông Trump khép lại chiến dịch vận động tranh cử của mình bằng một loạt những buổi tập hợp chật cứng người ủng hộ tại năm bang trong cùng ngày thứ Hai. Ông hối thúc họ đánh bại điều mà ông gọi là “hệ thống hủ bại” và “đem lại công lý.”
Thế giới cũng đã có những phản ứng đầu tiên trong lúc cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang diễn ra.
Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói rằng một chiến thắng cho bà Hillary Clinton trong ngày bầu cử sẽ “truyền cảm hứng” cho những phụ nữ trẻ. Nhưng bà nói đùa rằng điều này sẽ không dẫn tới một “mạng lưới bạn gái toàn cầu.”
Tại một cuộc họp báo ở Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Ba, bà Solberg nói một nữ tổng thống Mỹ sẽ cho phụ nữ thấy rằng chính trị không phải là “thứ thuộc về nam giới.”
Bà Merkel lặp lại ý của của bà Solberg về việc tạo thêm sự cân bằng toàn cầu giữa nam giới và nữ giới trong địa vị lãnh đạo. Bà từ chối bình luận về người mà bà muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chỉ ra rằng “mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương chắc chắn là điều kiện tiên quyết đối với chúng tôi, đặc biệt là sự hợp tác trong khối NATO.”
Phe Dân chủ dẫn trước với cách biệt mong manh
trong cuộc đua vào Thượng viện
Đảng Dân chủ có hy vọng mong manh giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ đang nằm trong tay Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, theo nhận định của một số nhà phân tích. Kết quả cuối cùng sẽ định đoạt mức độ khó khăn của thách thức mà tổng thống kế tiếp sẽ phải đối mặt trong việc thông qua luật pháp.
Hy vọng của phe Dân chủ đạt được tiến bộ lớn trong Hạ viện và Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã suy yếu trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử ngay cả khi ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, giành được chức tổng thống.
Chỉ hai tuần trước, phe Dân chủ hy vọng sẽ thu hẹp thế đa số của phe Cộng hòa hiện đang nắm giữ 246 ghế tại Hạ viện và nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Nhưng họ lo lắng rằng FBI có thể đã hãm đà tiến của họ bằng cách khơi lại tranh cãi về cách thức mà bà Clinton sử dụng email thời bà còn là ngoại trưởng Mỹ, theo nhận định của những trợ lý trong Quốc hội và của những nhà phân tích.
Ngoài việc bỏ phiếu chọn tổng thống, người dân Mỹ cũng đang bỏ phiếu chọn thượng nghị sĩ vào 34 ghế trong số 100 ghế ở Thượng viện và dân biểu cho cả 435 ghế ở Hạ viện.
Website thăm dò ý kiến RealClearPolitics.com hôm thứ Ba cho thấy phe Dân chủ có thể giành lại được một ghế Thượng Viện hiện do phe Cộng hòa nắm giữ và cho biết tám ghế khác của phe Cộng hòa khác vẫn đang ở thế giằng co. Những cuộc đua vào Hạ viện cho thấy không có xu hướng rõ ràng.
Nhưng dự đoán của báo New York Times và website dự báo FiveThirtyEight.com cho thấy xác suất phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện chỉ nhỉnh hơn 50% một chút.
Nếu phe Cộng hòa tiếp tục thống trị trong Quốc hội thì việc này có thể cản trở bất kỳ nghị trình lập pháp nào mà bà Clinton đề ra. Một chiến thắng của ông Trump, cùng với Quốc hội Đảng Cộng hòa, có thể sớm đặt dấu chấm hết cho chương trình cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ.
Quan điểm của ông Trump về châu Á
Khi đánh giá thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ cũng như các tuyên bố lúc vận động tranh cử, bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi phần lớn chính sách của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã đưa ra một loạt các bình luận cho thấy ông sẽ thay đổi đáng kể chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực.
Bắc Hàn
Ông Trump từng gọi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un là “kẻ điên”, “gã khùng” hay “kẻ điên rồ”, nhưng nói rằng ông Kim có “một lợi thế gì đó” và “xứng đáng được công nhận” vì đã bảo vệ quyền lực, sau khi cha qua đời.
Để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp với ông Kim, và thậm chí còn đề nghị tổ chức đối thoại tại Hoa Kỳ. Ông Trump nói hồi tháng Sáu về khả năng gặp ông Kim.
Gợi ý rằng ông sẽ dùng Trung Quốc ám sát ông Kim. “Tôi sẽ dùng Trung Quốc để làm cho gã đó nhanh chóng biến mất,” ông Trump nói với kênh truyền hình CBS.
Sẽ gây áp lực lớn hơn lên Trung Quốc để buộc Bắc Hàn phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân của nước này.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn ca ngợi ông Trump là một “chính trị gia khôn ngoan”, và đưa tin một cách tích cực về việc ông đe dọa đưa các binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc
Ông Trump dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc, trừ phi chính quyền Seoul “trả cho chúng ta [Mỹ] một khoản rất lớn”.
Liên tiếp phát biểu thiếu chính xác rằng Seoul không trả cho Mỹ một xu nào để bảo vệ nước này trước Bắc Hàn
Nói rằng Hoa Kỳ “không nhận được gì” từ việc triển khai 28 nghìn binh sĩ ở Hàn Quốc
Gợi ý rằng Hàn Quốc sẽ thịnh vượng hơn với vũ khí hạt nhân.
Phản đối thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc ký năm 2012, coi đó là hiệp định “tước đoạt công ăn việc làm” [của người Mỹ] và “đáng hổ thẹn”.
Nhật Bản
Gợi ý rằng Mỹ sẽ lưỡng lự can dự vào một cuộc chiến giữa Nhật và Bắc Hàn.
Ông Trump nói hồi tháng Ba rằng Nhật Bản “có thể thịnh vượng hơn” nếu nước này có vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Từng đe dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Nhật Bản, trừ phi Tokyo trả thêm cho sự triển khai quân đó.
Gọi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật là một chiều. Ông Trump nói hồi tháng Tám: “Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải làm gì cả. Họ có thể ngồi nhà và xem TV của hãng Sony”.
Trung quốc
Ông Trump cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ
Sẽ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ
Phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, được coi là nhằm cô lập Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần lặp lại rằng Hoa Kỳ sẽ “đánh bại Trung Quốc”.
Philippines
Liệt Philippines vào danh sách “các quốc gia khủng bố” mà người tị nạn và dân nhập cư không thể được cho phép vào Mỹ. Điều đó đã khiến một số nhà lập pháp Philippines đề xuất cấm ông Trump nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này.
Quan điểm của bà Clinton về châu Á
Khi đánh giá thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ cũng như các tuyên bố lúc vận động tranh cử, bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi phần lớn chính sách của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã đưa ra một loạt các bình luận cho thấy ông sẽ thay đổi đáng kể chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực.
Trung quốc
Khi còn là đệ nhất phu nhân năm 1995, tôi đã có bài phát biểu mạnh mẽ về nhân quyền, với tuyên bố: “Các quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền.”
Nhất quán nêu quan điểm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở biển Đông.
Từng ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng sau đó thay đổi quan điểm, nói rằng nó không đáp ứng các tiêu chuẩn của bà.
Từng là khuôn mặt đại diện cho chính sách xoay trục quân sự và kinh tế sang châu Á, vốn được coi để đáp lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhật Bản
Năm 2009, bà Clinton chọn thăm Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Trong chuyến thăm 2013, gọi liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là “nền tảng của mối quan hệ với khu vực.”
Bắc Hàn
Bà Clinton từng nỗ lực để Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Hàn sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai năm 2009.
Giúp hoạch định chính sách buộc Bình Nhưỡng phải cam kết phi hạt nhân hóa trước khi trở lại bàn đàm phán hạt nhân sáu bên.
Trong thời kỳ bà Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ, Bắc Hàn đã đạt các tiến bộ đáng kể về hạt nhân và tên lửa.
Hàn quốc
Trong chiến dịch vận động để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2008, bà Clinton phản đối hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Mỹ, nói rằng nó “bất công”. Nhưng khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, bà lại ủng hộ thỏa thuận này, coi nó “hết sức có lợi cho Hoa Kỳ.”
Miến Điện
Bà Clinton thường đề cập tới việc Miến Điện cởi mở hơn là một trong những thành công ngoại giao chính của bà.
Năm 2011, bà Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Miến Điện kể từ khi chính quyền độc tài quân sự lên nắm quyền năm 1962.
Philippines
Trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton giúp hoạch định việc phát triển đáng kể mối quan hệ quân sự giữa Washington và quốc gia từng là thuộc địa của mình.
Năm 2011, bà từng gọi biển Đông là “Biển Tây Philippines” theo cách Manila thường sử dụng khi nói về vùng biển tranh chấp.
Ủng hộ quyết định của Philippines, đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế.
Việt Nam
Bà Clinton đã nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, dù từng giúp củng cố mối quan hệ quân sự và kinh tế giữa Mỹ và chính quyền cộng sản ở Hà Nội.
Tại một diễn đàn khu vực ASEAN ở Việt Nam năm 2010, bà Clinton công khai thách thức Trung Quốc, cảnh báo việc “cưỡng ép” để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
Phu quân của bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, giúp ông thu phục được nhiều người bạn ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Donald Trump
trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ
Ông Trump nói ‘Chúng ta sẽ nhân đôi mức tăng trưởng.’ Ông hứa sẽ không làm phật lòng người ủng hộ. Ông nói dù chiến dịch tranh cử kết thúc, nhưng cuộc hành trình mới bắt đầu, để mang lại công ăn việc làm cho người dân, củng cố thế mạnh của nước Mỹ.
Chiến thắng của ông Trump gây chấn động thế giới
Trong một chiến thắng bất ngờ lật ngược tình thế ngoạn mục nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ, ứng cử viên Donald Trump của Ðảng Cộng hòa đã đánh bại bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ sáng sớm thứ Tư 09/11 để trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm tới. Ông Trump đánh bại bà Clinton, đối thủ được cho là có nhiều ưu thế hơn ông, bằng thắng lợi tại các bang quan trọng lâu nay vẫn ủng hộ Ðảng Dân chủ, tạo ra một làn sóng gây chấn động cả thế giới.
Đó là một cảnh tượng mà trước đó vài giờ ít ai có thể mường tượng được.
Ông Donald Trump, luôn bị dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử tổng thống, khiến cả nước Mỹ và cả thế giới kinh ngạc.
Ông Trump phát biểu sau khi kết quả đã rõ rệt: “Bà Clinton vừa gọi điện cho tôi. Bà ấy chúc mừng chúng ta, chiến thắng của chúng ta. Tôi chúc mừng bà về chiến dịch tranh cử quyết liệt của bà. Bà Clinton đã vận động một cách kiên cường.”
Ông Trump sau đó nhanh chóng kêu gọi hòa hợp sau chiến dịch vận động tranh cử dai dẳng, và đầy cay đắng đã chia rẽ đất nước.
Ông cho biết: “Bây giờ đã đến lúc nước Mỹ nên hàn gắn những vết thương của sự chia rẽ. Chúng ta phải đoàn kết với nhau. Tôi kêu gọi tất cả mọi người thuộc Ðảng Dân chủ cũng như Ðảng Cộng hòa hãy đoàn kết với nhau thành một dân tộc thống nhất.”
Ông Trump cũng gửi đi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhiều người mới chỉ vài giờ trước đó, rõ ràng đang trông đợi sự đắc thắng của bà Clinton.
Ông nói: “Tôi muốn nói với cả thế giới rằng, chúng tôi sẽ luôn đặt quyền lợi của Mỹ lên trước, nhưng chúng tôi sẽ làm việc công bằng với tất cả mọi người, với mọi dân tộc và mọi quốc gia. Chúng tôi sẽ mưu tìm một tiếng nói chung chứ không phải sự thù nghịch, một quan hệ đối tác chứ không phải xung đột.”
Bà Hillary Clinton chưa lên tiếng chấp nhận thất cử, và theo trông đợi bà sẽ phát biểu trong ngày hôm nay, thứ Tư 9/11.
Chủ tịch ban vận động của bà Clinton, ông John Podesta đã nói chuyện với đám đông ủng hộ bà Clinton đang rơi vào thất vọng, trong khi trước đó không lâu đang chuẩn bị sẵn sàng để ăn mừng chiến thắng tại một hội trường ở New York.
Ông Podesta nói: “Tôi hiểu quý vị đã chờ ở đây rất lâu rồi trong buổi tối thật dài này và một chiến dịch tranh cử dai dẳng. Nhưng tôi muốn nói rằng, chúng ta có thể chờ thêm một thời gian nữa, có phải không?”
Ðảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện sau cuộc bầu cử.
Ông Trump đã giành thắng lợi tại các bang chiến trường quan trọng, kể cả Florida, Ohio, North Carolina và Wisconsin, tiểu bang mà lần bầu cử vừa rồi bầu cho Ðảng Cộng hòa là vào năm 1984.
Nhà phân tích David Schultz nhận định rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ lớn của thành phần cử tri lao động da trắng.
Ông Schultz nói: “Ông Trump đã rất thành công trong việc lôi kéo được thành phần cử tri phi truyền thống – một thành phần vốn rất khó đoán họ ủng hộ ai. Kế đến là vấn đề mà tôi có thể gọi là thiếu nhiệt tình. Những người ủng hộ ông Trump thực sự thích ông và họ đã hăng hái đi bỏ phiếu. Trong khi những người ủng hộ bà Clinton lại không có cái nhiệt tình ấy.”
Ông Trump giờ đây đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển tiếp quyền lực và chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống vào tháng Giêng năm 2017, điều mà thậm chí một số người ủng hộ ông trước đó không thể ngờ có thể trở thành hiện thực.
Chứng khoán, giá dầu, đồng đôla
sụt giảm trước tin ông Trump đắc cử
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến giá cổ phiếu trên thị trường toàn cầu giảm mạnh, làm suy yếu đồng đôla Mỹ, và khiến dầu rớt giá.
Chỉ số chứng khoán Châu Âu sụt giảm 2,7 phần trăm sáng sớm thứ Tư, nhưng những thiệt hại được bù lại phần nào trong phiên giao dịch sau đó. Ở Châu Á, chỉ số NIKKEI của Nhật Bản giảm gần 5,4 phần trăm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 2,3 phần trăm. Nhiều nhà đầu tư chuyển tiền vào những hình thức đầu tư trú ẩn an toàn như vàng. Giá kim loại quý tăng 3,7 phần trăm.
Tại Bangkok, nhà phân tích Vikas Kawatra của công ty SCB Securities nói với thông tín viên Ron Corben của đài VOA rằng sự sụt giảm nêu bật sự bất định về những lời hứa của ông Trump bãi bỏ những quy định kinh doanh và đưa ra những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thương mại.
Tuy nhiên, nhà đầu tư tỉ phú Carl Icahn và là người ủng hộ ông Trump nói với báo Wall Street Journal rằng ông Trump dự định sẽ bãi bỏ những quy định và điều đó sẽ giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.
Những nhà phân tích khác ở New York nói với thông tín viên Jill Malandrino của VOA rằng nỗ lực bãi bỏ những quy định của ông Trump có thể có ích cho lĩnh vực khoan dầu và ngân hàng. Nhưng họ cũng nói rằng chính sách thương mại hạn chế của ông có thể gây tổn hại doanh thu ở nước ngoài cho những công ty đa quốc gia.
Tổng Thống Obama: gia tài để lại
Trong cương vị một Thượng nghị sĩ, ông Barack Obama đã ra tranh chức Tổng thống Mỹ như một nhân vật mang lại sự đổi thay vào một thời điểm xung đột quốc tế đang diễn ra và nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. 8 năm sau, gia tài mà ông sắp sửa để lại được đánh giá là lẫn lộn, và dường như bị giới cử tri trong nước bác bỏ, khi họ bầu ông Donald Trump, người đã cam kết sẽ lật ngược những thành tích mà ông Obama hy vọng sẽ để lại.
Từ Toà Bạch Ốc, Thông tín viên Cindy Saine của VOA nhìn lại 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama và đặt câu hỏi với các nhà sử học về liệu Tổng thống Obama có thực hiện được những tiêu chuẩn rất cao mà ông đã tự đặt ra cho chính mình hay không.
Vị Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ và gia đình ông đã phá vỡ truyền thống kéo dài suốt 219 năm, thời mà chỉ có những người đàn ông da trắng ngự trị tại Toà Bạch Ốc. Mặc dù vậy, ông Obama xác định rõ rằng ông nhắm đến các mục tiêu rộng lớn hơn thế. Sử gia Allan Lichtman thuộc Đại học American nhận định:
“Rõ ràng ông Obama là vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, nhưng ông cầm quyền trong cương vị là Tổng thống của toàn dân Mỹ chứ không chỉ là Tổng thống của một nhóm nào, và điều đó cực kỳ quan trọng trong việc đưa vào dòng chính các nhóm thiểu số, dù là thiểu số sắc tộc, tôn giáo hay là nữ giới, mở đường cho một phụ nữ có thể trở thành Tổng thống. Ông là một tấm gương sáng để mọi người noi theo, ông hoàn toàn trong sạch, không vấp phải tai tiếng nào. Và ông là một nhà hùng biện có khả năng truyền tải cảm hứng cho người khác.”
Hình ảnh của Tổng Thống Obama trước mắt công chúng trong vai một người cha luôn luôn có mặt trong cuộc sống các con, đã được ca ngợi bởi các chính khách không phân biệt đảng phái, kể cả của các nhân vật bảo thủ như Erik Erickson, người dẫn chương trình của một đài truyền thanh Mỹ. Ông nói với VOA qua Skype:
“Chứng kiến ông bà Obama đóng vai trò làm cha mẹ trước công chúng, đặc biệt khi họ phải đóng vai trò ấy trước sự săm soi của công luận, khi mà mọi chú ý đều đổ dồn về họ và con cái của họ ở mọi nơi mọi lúc, tôi tin rằng cung cách họ nuôi dạy con cái thật đáng khen ngợi. ”
Nhưng về chính sách đối ngoại và đối nội, các sử gia nói rằng thành tích của ông Obama có thể đánh giá là lẫn lộn. Đa số nêu thành tích tiêu diệt Osama bin Laden, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaida, là một sự thành công trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Họ cũng nêu lên việc mở đường cho các quan hệ với Cuba là một bước đột phá lịch sử.
Nhưng cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và tình trạng bất ổn trên khắp vùng Trung Đông được nhiều người coi là những sự thất bại của Obama về mặt chính sách đối ngoại. Đa số cũng đồng ý rằng kế hoạch xây dựng lại các quan hệ với Nga và với Trung Quốc từ con số không của ông Obama cũng không được thực hiện theo đúng kế hoạch đã định.
Ông Lee Edwards thuộc Hội Heritage nhận định:
“Về Trung Quốc, nếu chúng ta có thể nói là Nga đang có những lời lẽ xúc phạm chúng ta, mà điều đó đúng tới một mức độ nào đó, thì Trung Quốc hoàn toàn làm ngơ chúng ta và vẫn tiếp tục xây dựng quân đội của họ, củng cố các đảo nhỏ tại nơi mà họ gọi là Biển Nam Trung hoa.”
Về mặt đối nội, các chuyên gia đơn cử nỗ lực của ông Obama cổ vũ việc hình thành một chương trình chăm sóc sức khỏe để nhiều người dân hơn tiếp cận được hệ thống này, và việc hợp pháp hoá các cuộc hôn nhân đồng tính là những thành tựu lớn nhất của ông, tuy nhiên không phải là ai cũng hài lòng về những thành tựu đó. Ông Erickson nói:
“Về mặt văn hoá, ông Obama đã cơ bản thay đổi đất nước. Tôi không biết sự thay đổi ấy có tốt đẹp về lâu về dài hay không. Ông rời chức vụ giữa lúc có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Mỹ với nhau và họ chống đối nhau mạnh mẽ hơn hơn bất cứ lúc nào.”
Trả lời câu hỏi liệu ông Obama có đạt được mục tiêu do chính ông đề ra trong tư cách là một vị Tổng thống mang lại những thay đổi sâu rộng lâu dài cho đất nước? Sử gia Allan Lichtman quy lỗi cho quốc hội Mỹ đã cản trở cố gắng của ông Obama trong việc thực hiện mục tiêu đề ra.
“Tôi không nghĩ ông là một vị Tổng thống đã mang đến những thay đổi sâu sắc, ông là một Tổng thống quan trọng, và lý do mà ông không tiến xa hơn một bước nữa để trở thành một vị Tổng thống mang lại những đổi thay thực sự đáng kể, như Tổng thống Franklin Roosevelt, hay Tổng thống Ronald Reagan, là vì sự chống đối của phe đối lập.”
Sự thoải mái của ông Obama khi tiếp xúc với giới trẻ, và sức lôi cuốn của ông trong giới trẻ, thể hiện trong những tương tác giữa ông và giới trẻ tại Việt Nam, là một khía cạnh khác mà nhiều người ngưỡng mộ. Ông Lee Edwards.
“Ông Obama là một người rất thông minh, không ai có thể chối cãi điều đó. Ông đọc rộng hiểu nhiều, có tài ăn nói, và có một thái độ nào đó lịch lãm mà thoải mái nơi ông, tăng sức lôi cuốn của ông đối với giới trẻ vốn muốn thấy một người có phẩm chất như thế trong Toà Bạch Ốc.”
Giữa lúc những ngày còn tại chức của ông Obama đang sắp sửa chấm dứt, mức ủng hộ dành cho ông còn cao hơn cả mức ủng hộ dành cho Tổng thống Ronald Reagan vào cùng thời kỳ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Reagan. Đa số người Mỹ dường như rất ngưỡng mộ gia đình Tổng Thống Obama, dù là họ không đồng ý với một số các chính sách của Tổng Thống
Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết làm việc với ông Trump
Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ làm việc với ông Donald Trump sau chiến thắng gây sốc của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng cuộc bầu cử có thể đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên mà trong đó Washington cổ súy những giá trị dân chủ và được những đồng minh xem là nước bảo đảm hòa bình.
Ông Trump, tỉ phú bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế, gửi đi những tín hiệu hòa dịu trong bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ bất ngờ đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton, và tuyên bố sẽ tìm kiếm điểm chung, không phải xung đột, với những đối tác của Mỹ.
Các chính phủ ở Anh, Trung Quốc, Đức, Israel, Nhật Bản, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chúc mừng ông Trump và nói rằng họ sẽ làm việc với ông.
“Đó không phải là con đường dễ dàng, nhưng chúng tôi sẵn sàng làm phần việc của mình và làm tất cả mọi thứ để đưa mối quan hệ Nga-Mỹ trở lại con đường phát triển ổn định,” Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu. Ông Trump từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông hy vọng sẽ đạt được “tầm cao mới” trong quan hệ song phương dưới chính quyền của ông Trump. Và Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng “mối quan hệ lâu dài và đặc biệt” giữa Anh và Mỹ sẽ vẫn nguyên vẹn.
Nhưng những quan chức khác, một số trong số họ có vai trò cao cấp trong chính phủ, đã có một hành động bất thường là lên án kết quả bầu cử, gọi đó là một tín hiệu đáng lo ngại cho nền dân chủ tự do và sự khoan dung trong thế giới.
“Trump là người tiên phong của phong trào quốc tế sô-vanh và độc đoán mới. Ông ta cũng là một cảnh báo cho chúng ta,” Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn báo chí Funke.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin của Nga, đặt nghi vấn về những nguyên lý cốt lõi của liên minh quân sự NATO và gợi ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự phát triển vũ khí hạt nhân để chịu gánh nặng quốc phòng của riêng mình.
Ông đã tuyên bố sẽ hủy bỏ một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu mà các cường quốc thế giới đạt được tại Paris vào năm ngoái, hủy bỏ những hiệp định thương mại mà ông nói là có hại cho người lao động Mỹ, và đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới mà đã đưa tới việc nới lỏng những chế tài nhắm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nhưng những đồng minh của Mỹ thừa nhận là không chắc liệu ông Trump có làm đúng tất cả những cam kết chính sách đối ngoại mà ông đã đưa ra trong khi vận động tranh cử hay không.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif kêu gọi ông Trump tiếp tục theo đuổi thỏa thuận với Iran.
Tổng thống Hàn Quốc thì bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ duy trì chính sách hiện thời của Mỹ gây sức ép với Bắc Triều Tiên về những vụ thử hạt nhân và phi đạn của nước này.
Chính phủ Hàn Quốc lo ngại là ông Trump có thể đưa ra những đề xuất không thể tiên đoán được cho Bắc Triều Tiên, theo lời một quan chức của đảng cầm quyền phát biểu tại Seoul, dẫn lời những quan chức an ninh quốc gia hàng đầu.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản, phát biểu trước khi ông Trump đắc cử, kêu gọi ông gửi một thông điệp trong thời gian sớm nhất có thể để trấn an thế giới về cam kết của Mỹ đối với những nước đồng minh.
“Chúng tôi chắc chắn lo ngại về những phát biểu mà ông Trump đã đưa ra về liên minh và vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản,” quan chức Nhật Bản này nói.
Một số nhà lãnh đạo đang bất bình về những lời sỉ nhục mà ông Trump đã thốt ra trong những tháng qua. Ông gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel là “điên rồ” vì cho phép một triệu di dân vào nước này năm ngoái.
Nhưng những đảng cánh hữu ở Châu Âu có cùng tư tưởng với ông Trump đã ca ngợi chiến thắng của ông. Họ đang hy vọng sẽ gây được ảnh hưởng của riêng mình vào năm 2017, năm mà Đức, Pháp, Hà Lan, và có thể là Ý và Anh, có thể tổ chức những cuộc bầu cử.
0 comments