Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/11/2016

Wednesday, November 9, 2016 6:46:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 09/11/2016

Bầu cử Mỹ trên truyền thông Việt Nam

Bầu cử Tổng thống Mỹ đã trở thành tin hàng đầu trên các trang báo điện tử chính thống của Việt Nam hôm 8/11, ngày cử tri trên khắp nước Mỹ đi đầu phiếu.
Được đánh giá là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu trong năm 2016, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang thu hút rất nhiều chú ý của truyền thông thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ này, giữa lúc mối quan hệ với Mỹ đang phát triển và trở nên nồng ấm hơn.
Điểm qua các trang báo chính thống của Việt Nam có thể thấy những bài viết trên trang chủ là những diễn biến ngày bầu cử tại Hoa Kỳ. Tin hàng đầu trên VietNamNet, VNExpress, Tuổi Trẻ, Lao Động, Dân Trí, Thanh Niên đều là những hình ảnh về các cử tri đi bỏ phiếu với các tiêu đề như “Các bang đồng loạt mở cửa điểm bỏ phiếu, thế giới hồi hộp dõi theo” (dantri.com.vn) hay như “Điểm bỏ phiếu mở cửa, Mỹ bước vào thời khắc lịch sử” (vnexpress.com). Trong khi đó các tin chính của VietNamNet, Tuổi Trẻ, Lao Động và Hà Nội Mới đều đưa thông tin về kết quả ở các điểm bỏ phiếu đầu tiên được công bố.
Nói về tầm quan trọng của việc đưa tin về bầu cử Mỹ của truyền thông Việt Nam, một nhà báo cộng tác với một trong những tờ báo lớn (không muốn được nêu tên) nhận xét với VOA Việt Ngữ:
“Quan hệ Việt-Mỹ gần đây cũng khá nồng ấm, chẳng hạn như chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước – gần đây nhất là trong tháng 5 năm nay có ông Obama đến thăm. Như thường lệ thì các cuộc bầu cử người dân đều quan tâm nhưng yếu tố Mỹ luôn là yếu tố hấp dẫn và thu hút không chỉ ở các nước khác mà cả ở Việt Nam nữa. Theo tôi đó là những cái soft power (quyền lực mềm) đối với những người trẻ với lại người trẻ họ cũng thích những giá trị Mỹ khác như các bộ phim Hollywood và giáo dục Mỹ.”
Đây là một trong những phóng viên được cử đi từ Việt Nam sang Mỹ để viết về diễn biến trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ. Nhà báo này cho biết anh tập trung tường trình về cộng đồng người Việt ở California trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Anh nói: “Chẳng hạn như cử tri Việt ở đây đi bầu cử như thế nào. Có những câu chuyện không nhiều người biết mà nếu có biết thì cũng biết khá mơ hồ. Chẳng hạn như là cái bầu cử tổng thống này người cử tri gốc Việt họ nhìn nhận như thế nào. Họ chỉ xem đây là một cái gì đó mang tính giải trí và cuộc bầu cử tổng thống này không ảnh hưởng đến họ và tất cả mọi thứ đều từ sức lao động ra cả.”
Trong bối cảnh Mỹ là nơi tập trung cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất, người Việt cùng với những người Mỹ gốc Á khác, được các ứng cử viên tổng thống Mỹ coi đây là một nhóm cử tri quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử kéo dài hơn 1 năm qua. Theo Trung tâm Nghiên Cứu Pew có trụ sở ở Washington, người Mỹ gốc Á là nhóm dân thiểu số có thu nhập và có học thức cao nhất so với các sắc tộc khác ở Mỹ.
Cũng theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Pew, người Mỹ gốc Á là nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ với số lượng tăng từ 19% đến 36% trong 1 thập kỷ, vượt qua cả nhóm người Mỹ gốc Latinh, từng là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Mỹ. Trong tổng số hơn 18 triệu người Mỹ gốc Á, người gốc Việt chiếm hơn 1.7 triệu.
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, truyền thông Việt Nam đã tăng thời lượng đưa tin về bầu cử Mỹ trên cả truyền hình, báo điện tử và báo giấy và có những góc nhìn đa chiều về cả 2 ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân Chủ và Donald Trump của đảng Cộng Hòa.
Giáo sư Jonathan London của đại học Leiden, Hà Lan, đã được báo Lao Động đặt viết bài bình luận sau các buổi tranh luận giữa 2 ứng cử viên tổng thống – Hillary Clinton và Donald Trump. Ông London nói hai bài viết của ông với tựa đề “Trump-Clinton: Cuộc chạy marathon của huênh hoang và giận dữ” và “Tôi ủng hộ ứng viên mà tôi thấy có lợi hơn cho Mỹ và toàn thế giới” được báo Lao Động đăng tải mà không bị một sự kiểm duyệt nào như những bài viết về nhân quyền. Theo lời tòa soạn, báo Lao Động muốn cung cấp “thêm những góc nhìn về vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.”
Giáo sư London cho biết: “Tôi thấy là nói chung đối với những vấn đề quốc tế thì những tờ báo của Việt Nam đến nay cũng được thư giãn hơn rất nhiều so với những vấn đề trong nước. Vấn đề trong nước thì ai cũng đều sợ không dám viết những bài đề cập đến vấn đề chẳng hạn như là mỉa mai. Hiện nay là một giai đoạn mà ở Việt Nam họ đang cố gắng để kiểm soát những gì được viết, được in, được đăng v.v. Có vẻ là đối với những vấn đề quốc tế, có lẽ là trừ Trung Quốc, thì họ tương đối là thoáng.”
Giáo sư London nhận xét về các tờ báo Việt Nam do bộ Thông Tin và Truyền Thông của nhà nước quản lý trong tương quan với cách đưa tin của truyền thông Trung Quốc:
“Chuyện có một kẻ mị dân như Trump mà lên thì nó là một cơ hội cho những tờ báo của Trung Quốc viết bài rất là xấu về dân chủ của Mỹ. Rõ ràng có một người như Trump lên thì thế nào chắc chắn nền dân chủ của Mỹ có rất nhiều vấn đề nhưng dù có vậy các tờ báo ở Việt Nam không biết vì sao họ không viết bài để nói xấu nhưng tôi nghĩ chưa chắc là nó phản ánh chính xác một quyết định của ngành tuyên giáo của Việt Nam. Nói chung Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm rất muốn để tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt hơn với Mỹ.”
Còn theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói với Reuters, chính phủ Việt Nam không tỏ rõ quan điểm về bất cứ ứng cử viên nào nhưng người dân Việt Nam thì bộc lộ rõ quan điểm muốn bà Hillary Clinton chiến thắng.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn phê chuẩn hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP – khi cuộc họp quốc hội diễn ra trong tháng 10-11 – vì muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Cả 2 ứng cửa viên đều phản đối TPP nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu bà Clinton trở thành Tổng thống, thì Việt Nam có thể hy vọng bà có quan điểm thuận lợi hơn đối với Hiệp định TPP.

Cơn ‘sốt’ bầu cử Mỹ ở Việt Nam

Do chênh lệch múi giờ nửa ngày nên người dân tại Việt Nam có dịp theo dõi sát sao những thời điểm gay cấn trong ngày bầu cử ở Mỹ, nhất là những giờ phút chót công bố tỷ lệ thắng thua giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Clinton ở từng tiểu bang.
Nhiều trang báo chính thống có hẳn một trang hay chuyên mục riêng cập nhật từng phút quá trình bầu cử ở Mỹ. Các Facebookers nổi tiếng cũng không thua kém trong việc cập nhật, phiên dịch và đăng tải tin tức bầu cử Mỹ lên trang cá nhân của mình.
Chị Hoàng Bích, một người làm kinh doanh xuất khẩu từ Sài Gòn, cho VOA biết người dân Việt Nam cũng theo dõi bầu cử Mỹ kỹ không thua gì người dân ở Mỹ.
Chị nói: “Cũng náo nhiệt lắm, không thua ở bển đâu nghe. Giống như bên đó công bố từng bang là ông Trump bao nhiêu, bà Clinton bao nhiêu thì người ta cập nhật liên tục. Mọi người thì buổi sáng, cái giờ mà bên đó cập nhật thì là sáng bên này, người ta cũng thường là thảnh thơi. Sáng sớm ra uống cà phê, ai cũng cầm báo coi để xem số phiếu hai bên chênh nhau như thế nào. Đa phần mọi người lo lắng và rất thất vọng khi ông Trump thắng”.
Trong khi đó, Facebooker Nguyen Chi Tuyen ở Hà Nội, người có danh sách bạn bè trên trang cá nhân đến gần 5.000 người, cho VOA biết tình hình trên mạng xã hội cũng sôi động không kém:
“Danh sách bạn bè của tôi trên tài khoản Facebook của tôi bao gồm rất nhiều thành phần, cả trong và ngoài nước. Tôi theo dõi thì thấy hầu như họ rất quan tâm [đến cuộc bầu cử]. Ngay cả trong cuộc sống đời thường, tức là những người có thể không thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội, họ cũng bàn tán rất rôm rả. Hôm qua, tôi có việc về quê ăn cưới ở làng của tôi, ngay trong đám cưới, các anh, các bác, các chị cũng nói về chuyện hai ứng cử viên là bà Clinton và ông Donald Trump.
Ảnh hưởng của cuộc bầu cử Mỹ tại Việt Nam, theo chị Hoàng Bích, không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử mà còn trong suốt thời gian tranh cử của hai ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Chị cho biết: “Những cái ảnh hưởng như ở bên đây, vào cái đợt mà bà Clinton sắp bị kiểm tra [về vụ email] thì tỷ giá đô rớt xuống. Bên đây người ta lật đật bán tháo ra. Nhưng khi nghe nói bả được giải oan thì người ta lại mua vô rất ồ ạt”.
Theo nữ doanh nhân ở Sài Gòn, có nhiều lý do khiến người Việt Nam quan tâm đến cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong đó, ngoài tâm lý “chuộng Mỹ” của người Việt, thì những chính sách tương lai của Mỹ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng “sát sườn” đến người dân Việt Nam như công việc kinh doanh với các đối tác ở Mỹ, tỷ giá ngoại tệ, việc đi lại với Mỹ…
Trong khi đó, Facebooker Nguyen Chí Tuyen cho rằng sự quan tâm nhiều hơn về chính trị của người dân Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến họ để ý đến bầu cử ở Mỹ.
Nhưng tất cả những người được VOA phỏng vấn đều cho biết việc họ theo dõi được sự cạnh tranh khốc liệt, so kè rõ ràng, minh bạch giữa các ứng cử viên, điều mà họ cho là không có trong bầu cử ở Việt Nam, là nguyên nhân khiến bầu cử Mỹ gây sốt ở Việt Nam.

Tân Tổng thống Mỹ và vấn đề Việt Nam

Tỷ phú Donald Trump hôm 9/11 đạt hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đánh bại bà Clinton trong cuộc đua cam go tới phút chót, và giới quan sát cho rằng kết quả này “sẽ có tác động tới Việt Nam”.
Ông Trump giành một loạt các chiến thắng được coi là gây sốc ở các tiểu bang quan trọng như Florida, Ohio cũng như Pennsylvania.
Sau thắng lợi của ứng viên Đảng Cộng hòa, ông Nguyễn Đình Hà, một ứng cử viên độc lập từng chạy đua vào Quốc hội Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông cũng “khá bất ngờ vì trước đây cũng có nhiều dự đoán và tỷ lệ thăm dò đều rất có lợi cho bà Clinton”.
Khi được hỏi về tác động của chiến thắng của ông Trump đối với chính sách tới Việt Nam, nhà hoạt động xã hội này nói tiếp:
“Có thể ông Trump sẽ thay đổi chính sách xoay trục của ông Obama, và có thể là ông ấy sẽ không hướng sang châu Á nữa, và ông ấy sẽ tập trung phát triển nội lực của nước Mỹ. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ TPP [Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương] và chính sách xoay trục, nhưng bây giờ khi ông Trump thay đổi thì Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông”.
Ông Hà cho rằng việc Hà Nội tiếp tục xích lại gần Mỹ là điều cần thiết, nhưng “chính phủ mới của ông Trump có đón lấy cái tay của Việt Nam hay không mới là điều quan trọng”.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Đại Phượng, nguyên trưởng ban quốc tế của báo Tiền Phong, nói với VOA Việt Ngữ rằng “chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam về cơ bản không có tác động nhiều”.
Ký giả từng theo dõi nhiều cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ trước đây nói thêm: “Chính sách đối ngoại của Mỹ là một chính sách đối ngoại của một cường quốc lớn nhất ở trên thế giới, và nó đã được hình thành, củng cố qua nhiều thế hệ rồi. Việc thay đổi người đứng đầu ở Nhà Trắng, đương nhiên nó có tác động nhất định, nhưng mà nó không thay đổi quá nhiều, đặc biệt là không thay đổi bản chất trong quan hệ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Tổng thống Mỹ giỏi lắm là làm được hai nhiệm kỳ, tức là 8 năm thôi. Nhưng mà những thành quả bây giờ trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì, cho đến nay, nó đã được xây dựng bởi nhiều đời tổng thống rồi. Nếu mà ông Donald Trump áp dụng quan điểm như ông từng phát biểu trong quá trình tranh cử của ông thì tôi nghĩ nó có hơi gây khó khăn nhất định, nhưng mà không phải là sự đảo ngược hoàn toàn”.
Tỷ phú bất động sản trực ngôn từng nhiều lần nhắc tới Việt Nam, nhưng ở một khía cạnh tiêu cực, trong chiến dịch vận động.
Trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng hồi cuối tháng 10, ông Trump nói rằng “hàng hóa của chúng ta đổ vào từ Trung Quốc, đổ vào từ Việt Nam, đổ vào từ khắp nơi trên thế giới”. Còn hồi tháng Hai, ông từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Ba tháng sau đó, vị tỷ phú nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”. Mới nhất, hồi tháng Sáu, ông Trump một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Vì sao người Việt quan tâm?
Cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia cách xa nửa vòng trái đất cũng là tin tức được theo dõi nhiều nhất ở Việt Nam, theo Google, trong ngày 8/11, ngày bầu cử ở Mỹ, cũng như rạng sáng 9/11, khi kết quả được công bố.
Báo chí trong nước cũng đưa tin về nhiều khía cạnh của cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và thậm chí còn trực tiếp cập nhật mọi diễn biến của cuộc chạy đua được coi là “mang tính lịch sử” vào Nhà Trắng lần này.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà cho rằng việc người dân trong nước quan tâm tới cuộc bầu cử Mỹ thể hiện “khát vọng của người Việt Nam, mong muốn có một sự thay đổi trong chính trị ở Việt Nam, và người ta muốn có bầu cử dân chủ, và tự do”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS, có nhận định tương tự. Ông nói trong cuộc trao đổi trực tiếp trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ tối 8/11 (giờ Washington):
“Đây là bài học điển hình để mọi người đang theo dõi ý thức được thế nào là một cuộc tranh cử mở trong một đất nước dân chủ và tự do. Có rất nhiều mâu thuẫn, có rất nhiều bất cập, bất đồng quan điểm này kia, nhưng trong một sự tương kính, và mọi người đều chấp nhận kết quả bầu cử. Tôi cầu mong rằng, tất cả quý vị đang theo dõi chương trình sẽ ghi nhận điều này như là một bài học rất nên giữ lại trong lòng của mình để một ngày nào đó Việt Nam chúng ta cũng có được một thể chế dân chủ. Nó không như Mỹ nhưng nó cũng là một thể chế dân chủ”.
Trong mùa tranh cử lần này, ngoài hai ứng viên tranh cử tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton, còn có các cuộc tranh cử vào Thượng và Hạ viện Mỹ, những người có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam và từng đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đã tái đắc cử ở tiểu bang Arizona. Tỷ phú Trump từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích ông McCain về vai trò của ông trong cuộc chiến đã kết thúc nhiều thập kỷ trước.
Ông McCain hồi tháng Bảy lên tiếng kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Manila.
Chống TPP
Trong cuộc vận động tranh cử, cả ông Trump và bà Clinton đều nhắc tới và phản đối Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một trong 12 nước ký kết.
Ông Trump nói rằng bà Clinton từng hậu thuẫn TPP, coi đó là “tiêu chuẩn vàng”, và nhấn mạnh rằng ông phản đối thỏa thuận thương mại tự do của các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương này.
Thậm chí, hồi tháng Sáu, tỷ phú bất động sản từng tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này.
Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania rằng TPP sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam”.
Mới đây, quốc hội Việt Nam hoãn thảo luận và thông qua hiệp định thương mại này cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
Bà Genie Ngọc Giao Nguyễn, Chủ tịch của Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, nói trong cuộc thảo luận trực tiếp trên Facebook của VOA tiếng Việt:
“Dù kết quả bầu cử này nó có như thế nào đi chăng nữa, thì cái vấn đề của Việt Nam vẫn là vấn đề của người Việt Nam, và dù sao đi nữa, cái nỗ lực chung vẫn là ở chúng ta, và cái hy vọng của chúng ta là chúng ta có rất nhiều người trẻ, đã bước ra thế giới và nhìn thấy rất là nhiều vấn đề”.
Đường lối đối ngoại
Trên Facebook cá nhân, trả lời câu hỏi về “đường lối ngoại giao đối với các nước có gì thay đổi không, đặc biệt là châu Á – Thái Bình Dương, thứ đến là biển Đông” khi tân chính quyền Mỹ lên nhậm chức, cũng như “khi được hỏi ý kiến về việc “ông có quan điểm mới gì thổi tư tưởng mới đối với giới trẻ Việt nam”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trả lời: “Chúng tôi không thể dự đoán được tương lai, nhưng tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ các chính sách về kinh tế. Các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh và sáng tạo, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ để những người trẻ Việt Nam được truyền cảm hứng và thực hiện những kế hoach tương lai”.
Dù trong khi vận động, ông Trump và bà Clinton không trực tiếp đề cập tới biển Đông, một trong các mối quan tâm của người Việt, nhưng hai ứng viên đã nhiều lần tranh cãi về chính sách đối ngoại, trong đó có khu vực châu Á, của chính quyền Tổng thống Obama.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra hôm 8/11, một cuộc thăm dò ý kiến do một tờ báo nổi tiếng ở Hong Kong thực hiện cho thấy người Trung Quốc tin rằng cả hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giải quyết tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington tốt hơn ông Obama.
Cuộc thăm dò ý kiến 1500 người Trung Quốc ở thành thị, do tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong công bố hôm 5/11, còn cho thấy một nửa trong số đó cho rằng ông Trump sẽ xử lý vấn đề biển Đông tốt hơn ông Obama (54%) cũng như về các vấn đề hợp tác về an ninh mạng (59%), thương mại song phương (57%) hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên (52%).
Ngoài ra, khoảng 51% tin rằng tỷ phú bất động sản Mỹ sẽ can thiệp ít hơn vào châu Á so với đương kim Tổng thống Obama.

Tổng thống Trump là một ẩn số đối với Việt Nam

Việc tỷ phú Donald Trump trở thành tổng thống tân cử của Mỹ đã làm nhiều người bất ngờ và các chuyên gia cho rằng ông sẽ là một ẩn số đối với Việt Nam và chính quyền cộng sản cần phải theo dõi và có những bước đi hợp lý trong mối quan hệ với Mỹ.
Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trước đối thủ có nhiều kinh nghiệm Hillary Clinton vào rạng sáng 9/11 đã gây kinh ngạc cho các chuyên gia, họ cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có nhiều chuyển biến nhưng cũng đánh giá rằng những gì ông đã tuyên bố có thể sẽ thay đổi.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore đánh giá về vấn đề này như sau:
“Trước mắt chúng ta cần phải có 1 thời gian để nhìn nhận và đánh giá xem những cái tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử có được chuyển biến thành những chính sách thực tế giống như những gì ông đã tuyên bố hay không. Vì có 1 điều rằng là những tuyên bố của ông có thể chủ yếu nhằm mục đích tranh cử mà thôi. Sau khi thắng cử thì có một khả năng là ông vẫn có thể phải có những chính sách phù hợp – phù hợp hơn với thực tế, phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ ở khu vực cũng như là ở Việt Nam.”
Giáo sư Jonathan London của Đại học Leiden ở Hà Lan và là một nhà nghiên cứu về Việt Nam cũng có những nhận xét tương tự:
“Dù tranh cử đã kéo dài rất lâu thì những quan điểm cụ thể của ông (Trump) đối với những vấn đề quốc tế vẫn còn là một bí ẩn và vì thế chúng ta phải chờ xem ông làm những gì. Và có lẽ trong những tuần tới chúng ta sẽ hiểu một cách nhiều hơn đặc biệt khi chúng ta thấy ông có ý định bố trí những người nào cho những vị trí chủ chốt trong chính phủ của mình.”
Ông Trump được biết tới là người hoàn toàn chống lại các hiệp định thương mại tự do vì ông cho rằng chúng đang lấy đi việc làm của người dân Mỹ. Khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng TPP – hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ, Việt Nam và 10 nước thành viên khác đã ký kết nhưng đang chờ các quốc hội phê chuẩn – “buộc các công nhân Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam.”
Dù nhiều người cho rằng với chính quyền của ông Trump, TPP chắc chắn sẽ không có “cửa” nhưng theo giáo sư Jonathan London, TPP vẫn có khả năng được tiếp tục bởi “trong đảng Cộng Hòa từ trước đến nay đều ủng hộ các hiệp định thương mại lớn.”
Ông nói: “Vì thế không rõ là quan hệ giữa ông và đảng của mình sẽ thế nào cụ thể đối với hồ sơ thương mại và các hiệp định thương mại.”
Theo nhận xét của bà Genie Nguyen, chủ tịch Hội Tiếng Nói người Mỹ gốc Việt, trong cuộc trao đổi trực tiếp trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ đêm bầu cử 8/11, dù nhiều người trong đảng Dân Chủ chống đối TPP nhưng nhiều người của đảng Cộng Hòa lại ủng hộ.
Giáo sư London nhận định việc nắm quyền của ông Trump với sự chống đối các hiệp định thương mại “không có nghĩa là quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không mở rộng” nhưng ông cho rằng “nó sẽ theo một con đường khác.”
Ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn rút Mỹ ra khỏi những sự can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và trên thế giới nhưng theo giáo sư London, ông không cho rằng động thái của Mỹ ở biển Đông sẽ có một thay đổi lớn vì “sự ảnh hưởng từ phía quân đội của Mỹ đối với Trump có lẽ mạnh hơn đối với Obama.”
Giáo sư London cho biết: “Tôi tin rằng trong thời gian tới Việt Nam phải tìm hiểu rất kỹ những gì mà ông Trump định làm và cũng nên tham khảo ý kiến của những người trong chính quyền của Obama hiện nay để giúp cho Việt Nam tìm cách để phản ứng một cách hiệu quả. Đây là một thời điểm ngắn để Việt Nam chuẩn bị một cách đầy đủ cho những sự kiện trong tương lai.”
Nhà nghiên cứu Hồng Hiệp của ISEAS cũng cho rằng với việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp, “Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận chung sống với thực tế này.”
Ông Hiệp nói: “Chính vì vậy tôi nghĩ rằng trong thời gian tới một mặt Việt Nam phải thúc đẩy tận dụng chính quyền mới để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, mặt khác cũng có thể cần phải dự trù một số các điều chỉnh chính sách trong trường hợp quan hệ xong phương cũng như chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực và Việt Nam có những chuyển biến tiêu cực và không phù hợp với lợi ích quốc gia.”
Theo nhận định của ông Hiệp, chính sách của ông Trump không hoàn toàn do ông quyết định “mà có thể có một phần đóng góp hoặc tác động từ những cộng sự hoặc cố vấn chính sách của ông” và những người này, theo ông Hiệp “vẫn muốn phát triển và duy trì quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á cũng như là với Việt Nam.

‘Donald Trump là biểu tượng của thay đổi’

Bùi Văn Phú Gửi cho BBC từ California
Ngày 8/11 đa số dân Mỹ cũng đã đồng lòng như thế và chọn ông Trump, 70 tuổi, làm lãnh đạo Hoa Kỳ qua một cuộc vận động nhiều kịch tính, với Nga muốn phá hoại bầu cử Mỹ, với FBI điều tra ứng cử viên Hillary Clinton cận ngày bầu cử, với WikiLeaks rò rỉ thông tin liên quan đến ban vận động Đảng Dân chủ; đầy kinh ngạc qua những phát biểu của ứng cử viên Donald Trump và sau cùng là một cuộc bầu chọn mang tính lịch sử vì chưa từng có lần nào như thế.
Chiến thắng của Donald Trump làm ngạc nhiên mọi người, nhất là giới truyền thông, mà ứng viên Trump luôn nói với những người ủng hộ tại nơi ông đi vận động là đừng tin vào những kết quả đó vì ông cho là thiên vị, đã được sắp xếp để đưa ra những thăm dò nghiêng phần thắng về Hillary Clinton.
Ông Trump đã nói đúng. Và chiến thắng sau cùng đã thuộc về ông.
Trong suốt thời gian tranh cử, đa số truyền thông Hoa Kỳ đã mạnh mẽ chỉ trích, không phải chính sách bảo thủ ông Trump phác hoạ ra cho nước Mỹ tương lai, mà vì những lời nói miệt thị như tát vào mặt nhiều người, bất kể đó là một chính trị gia, một nhà báo hay cả người tật nguyền.
Cái nhìn của người dân
Nhưng cách đối đáp bỗ bã của ứng cử viên Trump đã không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của cử tri.
Điều quan trọng nhất đa số dân Mỹ muốn là thay đổi cho nước Mỹ. Trong các thăm dò ngay sau khi bỏ phiếu, 83% cử tri cho biết họ muốn thế.
Đó là mong muốn của thành phần cử tri được coi là đa số thầm lặng.
Họ là người da trắng không có bằng đại học, với 72% bầu chọn Donald Trump; là đa số công nhân ở những tiểu bang kỹ nghệ đã mất việc hay đang làm việc với mức lương không tốt như trước vì nhiều hãng xưởng đã dọn ra nước ngoài.
Những người Mỹ thầm lặng là dân ở vùng nông thôn mà đại đa số cho rằng kinh tế Mỹ đang ở thời kỳ xấu và Hoa Kỳ không có hướng đi đúng.
Kỳ bầu chọn năm nay tự nó đã là dấu ấn lịch sử, với một chánh đảng là Đảng Dân chủ tiến cử một phụ nữ tranh chức tổng thống là cựu ngoại trưởng và cũng là cựu Thượng Nghị sĩ Hillary Clinton. Trong khi Đảng Cộng hòa tiến cử một người chưa bao giờ tham gia chính phủ, chưa từng giữ một chức vụ dân cử nào là doanh gia tỉ phú Donald Trump.
Từ ‘Không thể’ đến ‘Có thể’
Từ khi Donald Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào tháng 6/2015 nhiều nhà phân tích chính trị không tin vào khả năng thắng cử của ông.
Làm nhiều người kinh ngạc hơn nữa là cách ăn nói bốc đồng, khinh miệt mọi giới, mọi sắc dân, sàm sỡ với phụ nữ, bỗ bã tấn công các đối thủ cùng đảng hay bất cứ ai có phát biểu quan điểm chống lại ông.
Thế nhưng Donald Trump đã đánh bại 16 ứng viên Cộng hòa khác, nhiều người có bề dày kinh nghiệm chính trường, từ các Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz cho đến các Thống đốc Jeb Bush, Chris Christie, Rick Perry.
Sau khi được tiến cử, thành phần lãnh đạo Đảng Cộng hòa ban đầu ủng hộ ông Trump, kể cả Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Tuy nhiên, sau đó sự ủng hộ giảm dần. Hàng trăm lãnh đạo cao cấp của đảng còn tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton, như cựu Ngoại trưởng Colin Powell, cựu Thống đốc Minnesota Arne Carlson, cựu Thống đốc New Jersey Christine Todd Whitman, cựu Bộ trưởng Nội an Michael Chertoff…hay sẽ không bầu chọn Donald Trump như các Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham, Mark Kirk, Susan Collins, Ben Sasse, các Thống đốc Larry Hogan, Charlie Baker và các Dân biểu Justin Amash, Reid Ribble, Carlos Curbelo, Bob Dold…
Hơn 360 nhà kinh tế, tài chánh danh tiếng của nước Mỹ, trong đó có nhiều Khôi nguyên Nobel, đã lên tiếng kêu gọi cử tri đừng bỏ phiếu cho Donald Trump.
Các thăm dò ý kiến cử tri trong vài ngày sau cùng trước bầu cử không nơi nào Trump được điểm ủng hộ cao hơn Clinton, trừ thăm dò của University of Southern California thực hiện chung với nhật báo Los Angeles Times cho thấy Trump được 46,8% và Clinton 43,6%.
‘Biểu tượng thay đổi’
Sự kiện Donald Trump nổi lên trong kỳ bầu cử năm nay và thắng cử vẻ vang cho thấy đa số dân Mỹ đã rất chán ngán cách vận hành của chính phủ đương thời, của những nhà làm chính sách lâu năm ở Thủ đô Washington.
Với tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, hai viện Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số nên không có sự hợp tác và đã đưa đến trì trệ kinh tế, bế tắc chính sách từ bảo hiểm y tế đến chính sách di dân.
Dân Mỹ muốn phá bỏ những sinh hoạt chính trị theo lối mòn cũ để tiến tới một cuộc cải cách rộng lớn.
Ứng viên Donald Trump đã là biểu tượng và hy vọng đáp ứng được những thay đổi cho nước Mỹ.
Trong suốt những tháng vận động của hai ứng cử viên, ý kiến của cử tri Mỹ nói chung đều đánh giá thấp cả Donald Trump và Hillary Clinton là những người không đáng tin cậy để trao trọng trách lãnh đạo quốc gia, tuy ông Trump được mức tin tưởng cao hơn bà Clinton chút ít.
Hai ứng cử viên cũng không bàn nhiều về khác biệt chính sách, nhưng ồn ào chỉ trích với những phát biểu mang tính sỉ nhục của Donald Trump hay tấn công Hillary Clinton vì dùng máy chủ riêng để gửi email thay vì qua máy của Bộ Ngoại giao nơi bà đứng đầu ngành, và những nghi ngờ trong việc quyên góp tài chánh và điều hành quỹ Clinton Foundation.
Chủ trương của Hillary Clinton được coi là phiên bản của chính sách đương thời do Tổng thống Barack Obama đề xuất từ tám năm qua, ngoại trừ Hiệp định Thương mại TPP khó được Quốc hội phê chuẩn mà bà đã ủng hộ trước đây rồi đổi quan điểm thành chống.
Những gì Donald Trump sẽ làm để thay đổi nước Mỹ, từ kinh tế đến quan hệ quốc tế hiện chưa có những dấu chỉ rõ ràng, vì ông chưa bao giờ tham gia vào việc hoạch định chính sách quốc gia. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi căn bản như ông từng tuyên bố.
Ông sẽ xây bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Những người nhập cư lậu sẽ bị trả về. Hoa Kỷ sẽ không nhận người tị nạn Syria.
Chính sách bảo hiểm y tế Obamacare sẽ được thay thế.
TPP sẽ không được phê chuẩn và các hiệp định thương mại quốc tế bất lợi cho công nhân Mỹ sẽ được xem xét lại.
Ông chủ trương đưa các hãng xưởng trở lại Hoa Kỳ, tạo ra công việc tốt, lương cao để giúp công nhân Mỹ. Những công ti đưa ra nước ngoài sẽ bị đánh thuế cao, công ty trong nước sẽ được giảm thuế từ 35% xuống còn 15% để khuyến khích chủ nhân đầu tư nhiều hơn, thuê mướn thêm công nhân.
Thuế thu nhập cá nhân cũng được thu gọn lại còn bốn mức thuế, cao nhất là 33% cho thu nhập trên 154 nghìn đôla một năm, thay vì tám thang bậc như đề nghị của Hillary Clinton với thu nhập càng nhiều phải trả thuế theo mức càng cao, đến 43,6% cho mức thu nhập từ 5 triệu đôla một năm trở lên.
Khác biệt chính là ông Trump muốn giảm thuế cho người giầu, còn bà Clinton muốn tăng mức thuế người giầu.
Donald Trump coi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là những thất bại, từ sự kiện để Nga đưa quân vào chiếm Crimea cho đến việc không mạnh tay tiêu diệt ISIS, không hết lòng yểm trợ cho các nhóm chống chính phủ Assad ở Syria.
Qua cuộc bầu cử vừa qua, nước Mỹ đã làm nên lịch sử.
Tương lai Hoa Kỳ sẽ có nhiều thay đổi vì ý nguyện của dân đã đặt niềm tin vào tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ: Donald J. Trump.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.

Châu Âu điều tra

về vụ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm 08/11/2016 cho biết : Cơ quan Châu Âu chống gian lận – OLAF, đã mở điều tra để xác định xem các công ty Trung Quốc có phải đã xuất thép sang Châu Âu qua biện pháp gọi là « đổi tàu » hay không, để tránh thuế chống phá giá. Việt Nam bị dính líu trong cuộc điều tra này.
Đổi tàu – tiếng Pháp là transbordement – là một mánh lới, theo đó một nước cho chuyển hàng đến một quốc gia khác, làm thủ tục bốc dỡ nhanh chóng rồi đưa ngay lên một chiếc tàu tàu khác và bán qua nước nhập khẩu thực thụ lô hàng đó, nhưng dưới danh nghĩa của nước trung chuyển đó.
Cơ quan chống gian lận châu Âu không cung cấp chi tiết về cuộc điều tra đang thực hiện. Nhưng theo một tài liệu đăng trên mạng của bộ Công Thương Việt Nam, OLAF muốn điều tra 190 trường hợp thép Trung Quốc xuất qua Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan, nhưng lại đi từ Việt Nam, trong thời gian 2013 – 2014.
Chính quyền Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin điều tra trên. Nhưng Việt Nam đã trả lời Reuters, cho biết sẵn sàng tiếp đón phái đoàn của OLAF.
Một viên chức bộ Thương Mại và Công Nghiệp còn hứa rằng Việt Nam sẽ « tích cực hợp tác với Châu Âu để điều tra (…) và có những những biện pháp thích ứng ».

Việt Nam – Trung Quốc cam kết

thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện

Ông Trương Đức Giang, đại diện đảng, nhà nước và đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và lãnh đạo Việt Nam cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong ngày hôm nay, ông Trương Đức Giang đã có một loạt các cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ông Trương Đức Giang khẳng định với các lãnh đạo Việt Nam mục đích của chuyến thăm là nhằm thể hiện nhận thức chung quan trọng mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đạt được với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, duy trì các chuyến thăm giữa hai bên, tiếp tục xây dựng quan hệ truyền thống hai nước và thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Phía lãnh đạo Việt Nam cũng nhân dịp này đề cập đến tình hình biển Đông, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng lợi ích chính đáng của Việt Nam, tuân thủ Công ước về biển của Liên hiệp quốc năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cùng các nước ASEAN sớm đạt được bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (gọi tắt là COC).
Ông Trương Đức Giang, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc hiện đang ở thăm  Việt nam từ ngày 8 tháng 11 đến 11 tháng 11 theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Lào vẫn tiến hành

dự án đập thủy điện Pak Beng trên sông Mekong

Lào vừa thông báo với Ủy ban sông Mekong rằng nước này sẽ vẫn tiến hành dự án đập thủy điện Pak Beng gây tranh cãi trên dòng chính của sông Mekong.
Ủy ban sông Mekong cho biết cơ quan này sẽ thực hiện quá trình tham vấn về dựa án đập thủy điện này.
Những công việc chuẩn bị cho đập thủy điện có công suất 912 megawatt tại tỉnh Oudomxay, miền Bắc Lào đã được bắt đầu. Thông tấn xã của Lào hồi tháng 7 vừa qua cho hay việc xây dựng sẽ bắt đầu vào đầu năm tới.
Những người chỉ trích các đập thủy điện trên sông Mekong cho rằng các con đập này sẽ phá hoại nguồn cá và vựa lúa của khu vực. Những nước hạ nguồn bao gồm Campuchia và Việt Nam là những nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử Dân biểu Hạ viện Mỹ

Cuộc bầu cử ở Mỹ kết thúc tối qua không chỉ đem lại cho người dân Hoa Kỳ một vị tân tổng thống, mà còn tạo một sự kiện rất lớn trong cộng đồng người Việt sinh sống ở Mỹ, đó là tin bà Ngọc Dung Stephanie Murphy là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử chức Dân biểu Hạ viện Liên bang Hoa Kỳ.
Bà Murphy, 38 tuổi, thuộc đảng Dân Chủ đắc cử ở địa hạt 7, bang Florida, đánh bại đối thủ là ông John Mica của đảng Cộng Hòa. Ông Mica là người có tới 24 năm kinh nghiệm làm đại biểu Quốc Hội, trong khi bà Murphy mới tham gia sinh hoạt chính trị lần đầu tiên.
Tên Việt Nam của bà tân dân biểu là Đặng Thị Ngọc Dung, cùng gia đình vượt biển hồi 1979 lúc mới 6 thàng tuổi, may mắn được tàu hải quân Mỹ vớt và định cư tại Mỹ.
Bà là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình theo học và tốt nghiệp đại học. Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, bà làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, giữ vai trò chuyên viên an ninh đặc biệt, trực tiếp báo cáo với văn phòng tổng trưởng. Sau đó, bà hoạt động trong lãnh vực cố vấn đầu tư và giảng dạy môn kinh doanh tại một trường đại học Rollins College ở, thành phố Winter Park, Florida.
Tháng Bảy vừa rồi, bà được mời phát biểu ở Đại Hội Đảng Dân Chủ tổ chức tại Philedelphia. Khi ra tranh cử, bà được Tổng Thống Barack Obama và nhiều chính trị quyền thế của đảng Dân Chủ ủng hộ.
Cũng xin thưa thêm bà là người Mỹ gốc Việt thứ nhì đắc cử chức dân biểu Hạ viện Liên Bang. Người đầu tiên là ông Cao Quang Ánh thuộc đảng Cộng Hòa, đắc cử hồi 2009, và giữ vai trò này trong một nhiệm kỳ 2 năm.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.