Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/11/2016

Wednesday, November 9, 2016 6:45:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 09/11/2016

Dư luận Mỹ lo ngại về chiến thắng của Donald Trump

Dư luận Mỹ, kể cả những người ủng hộ ông Donald Trump, đều đã rất bất ngờ trước chiến thắng của ứng cử viên Cộng Hòa, trái với kết quả thăm dò dư luận. Bà Hillary Clinton thất cử vì cử tri da màu đã không đi bỏ phiếu đông đảo, trong khi cử tri là người da trắng tầng lớp lao động ở các miền quê ồ ạt bỏ phiếu cho ông Trump. Vừa bất ngờ, đa số dân Mỹ vừa lo ngại cho tương lai, vì chưa biết các chính sách của ông Trump sẽ ra sao. Đó là nhận định của nhà báo Phạm Trần khi trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, 09/11/2016.

Bầu cử Mỹ: Trump thắng bất ngờ,

thị trường thế giới chao đảo

Một cơn hoảng loạn toàn diện đã lan ra trên các thị trường quốc tế ngay từ sáng sớm hôm nay, 09/11/2016, khi có các dấu hiệu về khả năng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Các thị trường chứng khoán châu Âu đều tuột dốc khi vừa mở cửa, theo gót các thị trường châu Á trước đó.
Bị rúng động đầu tiên là các thị trường châu Á. Chứng khoán Tokyo, mở ra vào lúc chiến thắng của bà Hillary Clinton còn được dự báo, đã phấn khởi tăng 0,64%. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, chỉ số Nikkei đã nhanh chóng lao dốc, giảm mạnh 5,36% khi đóng cửa. Tương tự như vậy, Hồng Kông cũng mất gần 2,2%.
Tại châu Âu, thị trường Paris và Milano, mở cửa lúc tin Donald Trump đắc cử được xác định chắc chắn, đã giảm mạnh, với Paris mất 2,05%, Milan mất 3%. Riêng thị trường Luân Đôn có vẻ bình tĩnh hơn, chỉ giảm 0,51% mười lăm phút sau khi mở cửa.
Tại Bắc Mỹ, hai đồng tiền peso Mêhicô và đôla Canada, hai nước bị Donald Trump đe dọa về các hiệp định mậu dịch đã ký với Mỹ, đều tuột giá. Đồng peso so với đồng đô la Mỹ chẳng hạn đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử của mình, mất 14% giá trị.
Một cách tổng quát, việc ông Trump lên làm tổng thống Mỹ đã khiến cho các thị trường tài chánh thế giới hoảng sợ, vì ông bị coi là một con ngáo ộp, luôn có những lời lẽ đả kích các hiệp định tự do mậu dịch, đồng thời lại thiếu kinh nghiệm chính trị, nguồn gốc của tình trạng bấp bênh.

Chiến thắng của D. Trump :

Quốc tế chúc mừng, nhưng thận trọng

Việc ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã gây nhiều phản ứng thận trọng, ẩn chứa những lo ngại của nhiều nước trên thế giới, bên cạnh đó cũng có không ít tiếng nói ca ngợi người chiến thắng.
Ngay sau khi có kết quả Donald Trump thắng cử, Liên Hiệp Châu Âu đã ra thông cáo chúc mừng thắng lợi của ông Donald Trump. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk đã mời tổng thống đắc cử của Mỹ tới thăm Châu Âu khi có thời gian thích hợp. Thông cáo cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng hơn bao giờ hết là tăng cường mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương” để vượt qua những thách thức lớn hiện nay của thế giới, được Bruxelles dẫn ra như là cuộc chiến chống Daech, hồ sơ Ukraina, biến đổi khí hậu và làn sóng di cư.
Tại Pháp, tổng thống François Hollande, sau phiên họp hội đồng các bộ trưởng, trưa nay đã có một bài diễn văn trang trọng tại phủ tổng thống. Sau khi chúc mừng tổng thống tân cử của Mỹ vừa được bầu nên một cách dân chủ, ông François Hollande đã nhấn mạnh đến những thách thức mới cho các vấn đề quốc tế với sự kiện ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Theo lãnh đạo Pháp, việc ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ mở ra “một thời kỳ bất trắc” .
Lãnh đạo ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier thì dự báo một “thời kỳ khó khăn” trên bình diện quốc tế với việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Trong khi đó, trong một thông cáo của Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi người thắng cử tổng thống Mỹ và ngỏ ý hy vọng quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện.
Về châu Á, một điểm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, mối quan ngại chủ yếu là trên hồ sơ kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong thông cáo chúc mừng ông Donald Trump thắng cử đã hy vọng mối quan hệ đồng minh cũng như quan hệ kinh tế Mỹ – Nhật được duy trì nguyên vẹn.
Còn về phía Trung Quốc, một trọng điểm quan hệ của Mỹ với châu Á, chủ tịch Tập Cận Bình đã gởi điện chúc mừng tổng thống tân cử của Mỹ, cho biết ông rất muốn nhanh chóng làm việc với ông Trump, trên tinh thần “không đối đầu” và theo nguyên tắc” tôn trọng lẫn nhau”. Thật ra, không phải tất cả những tuyên bố sốc trong chương trình tranh cử của ông Donald Trump đều bất lợi cho Bắc Kinh.
Thông tín viên Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
Con khỉ có biệt danh “thánh tiên tri” Gela đã ôm hình nộm của Donald Trump, báo trước chiến thắng của ông vài ngày trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên những đề xuất của ông Trump có nhiều điểm khiến Trung Quốc phải lo sợ.
Là người ủng hộ quyết liệt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, ông Trump hứa sẽ đánh thuế nhập khẩu 45% những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Đó sẽ là một cơn ác mộng với nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng giảm tốc.
Nhưng còn có những hứa hẹn khác liên quan đến nước này. Đó là việc ông hứa sẽ không ký Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương. Trung Quốc không được tham gia Hiệp định này và giờ đây Bắc Kinh hy vọng hiệp định sẽ bị rơi vào quên lãng.
Một điểm tích cực khác với Bắc Kinh. Donald Trump đã chỉ trích nước Mỹ phải chi phí quá tốn kém để hiện diện quân sự trong vùng Biển Đông. Vậy là từ giờ, Bắc Kinh có thể đưa tàu chiến đến các vùng biển tranh chấp mà không lo ngại Washington can dự vào.
Về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc là một vấn đề rất quan trọng với Hillary Clinton. Trong khi đó, Donald Trump có vẻ như không mấy quan tâm đến. Bắc Kinh có thể tiếp tục chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích mà không phải ngần ngại gì“.

Trump đắc cử, thế giới trở nên vô định

Nếu như việc cử tri Anh Quốc bỏ phiếu thuận cho Brexit đã là một trận động đất đối với Liên Hiệp Châu Âu, thì việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống là một trận động đất chính trị còn dữ dội hơn đối với toàn cầu, vì nó đưa Hoa Kỳ và cả thế giới vào một thời kỳ vô định.
Trước hết, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ứng cử viên Cộng Hòa không hề nói rõ về các chính sách mà ông sẽ thi hành, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao. Nhà tỷ phú New York đúng là đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Hoa Kỳ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ, chứ không phải theo hướng để cho cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này can dự ra bên ngoài. Nói cách khác, với Trump làm tổng thống, Hoa Kỳ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập.
Thật ra thì trong thời gian tranh cử, nhà tỷ phú New York, một người chưa hề có kinh nghiệm về ngoại giao hay quân sự, đã có đưa ra một số ý tưởng chủ đạo giúp chúng ta có thể mường tượng về chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Hoa Kỳ.
Đối với châu Âu, ông Donald Trump, vốn ủng hộ Brexit, vẫn cho rằng Liên Hiệp Châu Âu nên tự lo lấy thân và nhất là tự tài trợ cho phòng thủ của họ, hơn là cứ núp mãi dưới cây dù Mỹ. Nói cách khác, theo ông, khối NATO chỉ có thể vận hành được và Hoa Kỳ có thể ứng cứu một đồng minh bị tấn công, nếu các quốc gia châu Âu tăng ngân sách quốc phòng.
Trong thời gian qua, ông Trump vẫn chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Hoa Kỳ, cũng như không chấp nhận các chiến dịch quân sự do chính quyền George W. Bush tung ra. Tuy vậy, ông cũng đã tỏ ý muốn gia tăng lực lượng quân đội Mỹ và thề sẽ « hạ nốc ao » quân thánh chiến Hồi Giáo. Có điều tổng thống tân cử của Mỹ không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào.
Mặt khác, tuy nhà tỷ phú New York đã nhiều lần ca ngợi tổng thống Putin, « một lãnh đạo xuất sắc hơn Obama », nhưng chưa ai rõ là nước Mỹ với tân tổng thống Donald Trump sẽ có quan hệ ra sao với nước Nga. Nhưng có lẽ là ông sẽ không dễ dàng bán rẻ các lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Âu, cho dù sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Matxcơva.
Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump cũng đã từng yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc hãy tự bảo vệ lấy thân, nếu cần sẽ cho các nước này được trang bị vũ khí nguyên tử, hơn là dựa vào sự che chở của Hoa Kỳ. Nhưng ông cũng không nói rõ sẽ có chính sách như thế nào để ngăn chận tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố muốn rút ra khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Chưa biết là tân tổng thống Mỹ sẽ dám làm như thế hay không.
Cuộc vận động tranh cử của nhà tỷ phú New York một phần cũng là đi theo hướng bác bỏ toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại quốc tế, mà ông cho là đã góp phần phá hủy việc làm của dân Mỹ. Ông Trump cũng đã tỏ ý muốn tái lập các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đồng thời ông cũng bác bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa Hoa Kỳ với các nước châu Á.
Về tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ông Trump cũng chưa nói rõ lập trường của ông, trong khi đây là một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.
Các định chế chính trị Mỹ cho tổng thống nhiều quyền hành động trong chính sách ngoại giao hơn là trong các vấn đề chính trị đối nội, tức là ông Trump sẽ rảnh tay thực hiện đường lối ngoại giao của ông theo hướng chủ nghĩa biệt lập. Tuy nhiên, người ta có thể hy vọng là, giống như trường hợp của Ronald Reagan trước đây, tổng thống Trump một khi bước vào Nhà trắng ngày 20/01 năm tới, đối diện với những thực tế, sẽ có thái độ thực dụng hơn. Điều này còn tùy thuộc còn thành phần êkíp mà ông sẽ thành lập trong thời gian chuyển tiếp. Chỉ sợ là ông Trump sẽ làm theo ý mình hơn là nghe lời các cố vấn!

Chân dung tổng thống tỷ phú của nước Mỹ

Là tỷ phú, sao của chương trình truyền hình thực tế, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử hôm 08/11/2016. Khi Donald Trump dấn thân cho tham vọng lớn ở tuổi 70, không mấy ai tin vào một nhà kinh doanh với tính khí bốc đồng, ăn nói văng mạng có thể đi đến đích cuối cùng, bước vào Nhà trắng.
Thế nhưng với một nguồn nghị lực sung mãn hiếm có, nhà tỷ phú thuộc đảng Cộng Hòa đã làm sai lệch mọi dự báo của giới quan sát, làm nên một địa chấn chính trị, trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, lãnh đạo cường quốc kinh tế, quân sự lớn nhất thế giới.
Ông Donald Trump, tên đầy đủ là Donald John Trump, sinh 14/06/1946 tại New York, là con thứ tư trong gia đình có 5 người con. Cha ông là Fred Trump, một nhà tài phiệt trong lĩnh vực bất động sản. Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế tại Đại học Pennsylvania, Donald Trump bước vào sự nghiệp kinh doanh, làm việc tại công ty của cha ông. Đến năm 1974 thì đứng ra lập công ty riêng và cũng nhanh chóng thành công trong lĩnh vực bất động sản.
Donald Trump đã nhanh chóng thành công trong sự nghiệp làm ăn. Hiện ông nắm trong tay vô số danh mục bất động sản, bao gồm các khách sạn nổi tiếng, khu giải trí, casino, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp ở rất nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới. Đế chế bất động sản của Trump đã được xây dựng trên những công trình đồ sộ.
Donald Trump cũng nổi tiếng với những vụ ly dị ồn ào. Kết hôn 3 lần, có 5 người con. Người vợ hiện tại của ông là bà Malania Trump, một người mẫu gốc Slovania, kết hôn cách đây 11 năm.
Sự nghiệp chính trị của Donald Trump chỉ được chú ý tới khi ông thông báo ra ứng cử tổng thống Mỹ hồi tháng 6/2015. Donald Trump đã liên tiếp tạo bất ngờ khi lần lượt đánh bại 12 đối thủ ở cuộc bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ, chạy đua với ứng viên của đảng Dân Chủ Hillary Clinton.
Chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, bằng những phát biểu gây sốc mạnh về những vấn đề chính trị, bằng những hứa hẹn làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, nước Mỹ là trước tiên, bằng cách khơi dậy nỗi lo sợ của người dân Mỹ, Donald Trump đã tạo sự khác biệt về một nhà chính trị có nhãn quan lãnh đạo đất nước.
Với Donald Trump không có gì là kiêng kỵ. Ông dám nói tất cả một cách theo bản năng không cần suy nghĩ cho dù điều đó có đụng chạm đến ai. Donald Trump không ngần ngại lên án “một hệ thống gian lận của các chính trị gia tha hóa”, hay lên án truyền thông “đầu độc tinh thần người dân Mỹ”. Donald Trump biết đưa ra những giải pháp đơn giản nhưng có phần cực đoan cho những vấn đề cho đến giờ là nhạy cảm khó xử với các nhà chính trị truyền thống. Như xây tường, trục xuất người nhập cư lậu đến từ Mêhicô hay cấm cửa với những người Hồi Giáo để đối phó với khủng bố.
Về quan hệ đối ngoại của nước Mỹ, cũng bằng những ngôn từ mạnh mẽ, không ngại thô bạo, Donald Trump là người chỉ trích mạnh mẽ mọi đường lối chính sách của Hoa Kỳ từ trước đến nay, coi đó là nguyên nhân đẩy người dân Mỹ vào cảnh mất công ăn việc làm.
Lúc này trước mắt Donald Trump là làm sao để những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử trở thành hiện thực giống như giấc mơ trở thành tổng thống Hoa Kỳ của ông.

Bầu cử Mỹ: Donald Trump đắc cử,

Cộng Hòa vẫn giữ hai viện Quốc Hội

Đánh bạt mọi dự báo và kết quả thăm dò bất lợi, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016. Chiến thắng của ông Trump diễn ra đồng thời với thắng lợi của đảng Cộng Hòa Mỹ trong hai cuộc bầu cử Quốc Hội, tiếp tục nắm đa số tại Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.
Dù kết quả chính thức và toàn diện chưa được công bố, nhưng vào sáng nay, giờ Paris, hãng tin Mỹ AP và mạng truyền hình Fox đã đồng loạt loan báo sự kiện ông Donald Trump đã giành được 277 đại cử tri, vượt qua ngưỡng cần thiết là 270 phiếu để thành tổng thống Mỹ. Đối thủ của ông là bà Hillary Clinton chỉ được 218 phiếu đại cử tri, nên đã gọi điện cho đối thủ của mình để thừa nhận thất bại.
Một cách khái quát, ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã thành công nhờ chiến thắng tại hầu hết các bang được gọi là “chưa dứt khoát” như Florida, Ohio hay Bắc Carolina, thậm chí còn giành được một số bang có truyền thống bầu cho đảng Dân Chủ như là Wisconsin, vốn từ năm 1984 đến nay không bầu cho đảng Cộng Hòa.
Với chiến thắng vừa dành được, ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ngày 20 tháng Giêng năm 2017 tới đây, kết thúc tám năm nắm giữ quyền hành pháp của đảng Dân Chủ với tổng thống Barack Obama.
Phát biểu tại trụ sở của mình sau khi kết quả được loan báo, ông Donald Trump đã cam kết sẽ trở thành tổng thống của mọi người Mỹ :
Phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump
« Tôi vừa nhận được cú điện thoại từ Hillary Clinton. Bà ấy đã chúc mừng thắng lợi của chúng ta. Tôi hoan nghênh bà Clinton, cùng gia đình, đã đầu tư rất nhiều, chiến đấu quyết liệt trong suốt cuộc tranh cử vừa qua. Bà ấy đã làm việc từ lâu và rất vất vả vì đất nước chúng ta. Chúng ta rất biết ơn những gì bà ấy đã làm để phục vụ đất nước. 
Đã đến lúc Hoa Kỳ phải hàn gắn vết thương chia rẽ. Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết lại. Tôi muốn nói với những người thuộc phe Cộng Hòa, phe Dân Chủ, những người có quan điểm độc lập, các công dân Mỹ ở khắp mọi miền, là đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết muôn người như một. Tôi cam kết với mỗi công dân của đất nước chúng ta : Tôi sẽ là tổng thống của mọi người Mỹ. 
Đối với những ai không ủng hộ tôi trong cuộc tranh cử này, tôi xin chìa tay ra với quí vị, để đón nhận những lời khuyên, những hỗ trợ của quí vị, để chúng ta có thể làm việc cùng nhau, phục vụ đất nước tuyệt vời của chúng ta ».
Đảng Cộng Hòa vẫn làm chủ Lưỡng Viện
Trong cuộc bầu cử hôm qua, đảng Cộng Hòa Mỹ đã toàn thắng, vì cũng đã giành thắng lợi trong hai cuộc bầu cử quan trọng khác: Bầu lại một phần Thượng Viện, và bầu ra một Hạ Viện mới. Một cách tổng quát, đảng Cộng Hòa vẫn duy trì được quyền kiểm soát hai cơ quan lập pháp này. Thành công này sẽ cho phép tổng thống Trump dễ dàng hành động.
Trước lúc mở ra cuộc bầu lại một phần ba Thượng Viện Hoa Kỳ, hiện có 54 thượng nghị sĩ Cộng Hòa so với 46 thượng nghị sĩ Dân Chủ, đảng Cộng Hòa rất lo ngại vì có đến 24 ghế của đảng này trên tổng số 34 ghế phải thay đổi. Các cuộc thăm dò dư luận lại dự đoán là đảng Dân Chủ có thể chiếm được 4 ghế, thậm chí hơn nữa từ tay đảng Cộng Hòa.
Tuy nhiên, kết quả lại không như vậy. Ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa ra tái cử tại ba bang Pennsylvania, Bắc Carolina và Wisconsin vẫn được tín nhiệm trở lại, trái với kết quả thăm dò bất lợi trước đó. Chỉ có duy nhất một thượng nghị sĩ Cộng Hòa mãn nhiệm tại bang Illinois là bị thua vào tay đối thủ đảng Dân Chủ. Còn tại tất cả các đơn vị còn lại, đảng Cộng Hòa đã bảo toàn được lực lượng.
Đối với đảng Cộng Hòa, việc duy trì được quyền kiểm soát Thượng Viện rất quan trọng vì đây là một định chế tối quan trọng, có khả năng cản đường hay hỗ trợ đắc lực cho Nhà Trắng.
Ở Hạ Viện cũng thế. Trong cuộc bầu lại toàn bộ 435 dân biểu, theo kết quả dự phóng được hãng truyền thông NBC công bố, dù giành được thêm 8 ghế dân biểu, nhưng đảng Dân Chủ vẫn chỉ được tổng cộng 196 ghế trong Hạ Viện, trong lúc đảng Cộng Hòa vẫn giữ được đa số tuyệt đối với 236 dân biểu.
Nhìn chung, với quyền kiểm soát cả ba định chế Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ Viện – tức là cả hành pháp lẫn lập pháp, đảng Cộng Hòa Mỹ sẽ có thể dễ dàng thông qua các bộ luật theo ý muốn của mình, từ Hạ Viện qua Thượng Viện (hay ngược lai) để rồi chuyển lên cho tổng thống ban hành.
Những người ủng hộ Trump đón mừng thắng lợi
Bài phát biểu mừng chiến thắng của ông Donald Trump diễn ra khá đơn giản trong khách sạn Hilton tại New York trước khoảng 3.000 người ủng hộ. Không khí đón mừng thắng lợi không ồn ào và náo nhiệt như vốn có của những người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử.
Đặc phái viên Gregoire Pourtier tại New York,
Sau 8 giờ chờ đợi những người đầu tiên đến khách sạn Hilton, những người ủng hộ Donald Trump, trong tâm trạng bất ngờ và thăng hoa khi nghe nhà vô địch của họ phát biểu với tư cách là một tổng thống tương lai của nước Mỹ. Cuộc tập hợp của họ được đặt tên là “tiến lên giành chiến thắng”. Tuy nhiên cô Megane, một người tham gia mít tinh, thừa nhận trước đó đã không tin vào thắng lợi.
Sáng nay tôi thực sự không mấy lạc quan, tôi đã nghĩ là chúng tôi đã thua và rồi các kết quả xuất hiện dần, sự phấn khích bắt đầu dâng cao. Tôi đứng giữa hội trường này trong 7 giờ đồng hồ, tất cả sẽ thay đổi từ bây giờ. Tôi không biết sẽ thế nào, nhưng chắc sẽ rất tuyệt vời”. 
Buổi tối ăn mừng không kéo dài mãi. Rời khách sạn Hilton, những người ủng hộ Donald Trump đều tươi cười mạn nguyện. Nhưng lúc này không có sự huênh hoang, phô trương. Trước đó ít phút, ba nghìn người dự trong hội trường đã gần như bị điếc tai vì tiếng reo hò. Ông Romance, 58 tuổi, không dấu được niềm vui:
“ Thật tuyệt diệu, đó là một cuộc cách mạng, một trận động đất với Hoa Kỳ và cả thế giới nữa, trong đó có nước Pháp. Donald Trump đã có bài phát biểu rất hay và lịch lãm. Ông cảm ơn Hillary Clinton, ông kêu gọi đoàn kết, ông hứa sẽ làm việc hết mình vì đất nước. Ông đã làm tất cả một cách rất chuẩn, không một sai sót”. 
Trên đường phố, không khí có vẻ dịu hơn. Trước cửa khách sạn, vẫn còn vài trăm người ủng hộ Donald Trump đến để bày tỏ niềm vui mừng, nhưng cũng không ồn ào“.

Hungary thật sự muốn ngưng chương trình công trái định cư?

Sau nhiều áp lực của công luận và báo chí, cuối tháng 10/2016 vừa qua, chính quyền Hungary đã tuyên bố sẽ đình chỉ chính sách đổi trái phiếu chính phủ lấy thẻ định cư, mà nước này chủ trương từ vài năm nay cho người ngoại quốc hữu sản.
Lý do là vì, Hungary không còn cần tới việc huy động vốn nữa, và chương trình công trái định cư đã đạt được mục tiêu của nó, theo thủ tướng Orbán Viktor. Tuy nhiên, phe đối lập và báo chí Hungary nhấn mạnh yếu tố an ninh quốc gia và tham nhũng khi chỉ trích gay gắt chương trình này.
Đó là chưa kể đảng đối lập cực hữu JOBBIK còn đặt điều kiện tiên quyết cho chính phủ Hung là phải đình chỉ lập tức chương trình công trái định cư, thì liên minh cầm quyền mới có được lá phiếu ủng hộ của họ trong cuộc bỏ phiếu tu chính Hiến pháp hôm 8/11 nhằm chống việc tiếp nhận người tỵ nạn.
Định cư dễ dàng tại Hungary và Châu Âu
Hãy định cư tại Hungary và sống tại Liên minh Châu Âu” – đó là slogan Việt ngữ quảng cáo cho chương trình công trái định cư của Hungary, được khởi động và xúc tiến tích cực trong những tháng gần đây tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kèm theo những thông tin rất hứa hẹn về viễn cảnh ở Liên Âu.
Nhắc lại, chương trình “quốc trái” định cư được tiến hành từ cuối năm 2012 theo “sáng kiến” của một yếu nhân đảng cầm quyền FIDESZ, ông Rogán Antal, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hung, nhằm “tạo điều kiện” cho những nhà đầu tư hữu sản được nhập cảnh và cư trú ở EU.
Đổi lại, những nhà đầu tư cần mua “quốc trái” (được đảm bảo hoàn trả đầy đủ không tính lãi suất sau 5 năm) mệnh giá tối thiểu 300 ngàn Euro, và chi khoản phí dịch vụ 60.000 Euro/đầu người, và trong thời gian ngắn, họ sẽ được nhận thẻ định cư một cách rất “nhẹ nhàng” và không có rủi ro.
Với những điều kiện rất dễ dàng như không cần thông qua phỏng vấn, không cần chứng minh nguồn tiền đầu tư, không yêu cầu cư trú và có kế hoạch đầu tư tại nước Hung, v.v…, chương trình này tạo điều kiện để bất cứ ai cũng có thể vào Liên Âu miễn là có đủ tiền mua công trái và phí dịch vụ.
Ngoài việc “mua” thẻ định cư cho mình, nhà đầu tư còn có thể “mua” cho thân nhân gần trong gia đình (con cái, bố mẹ…) chỉ với khoản phí dịch vụ 10.000 Euro. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tới hàng chục ngàn người, mà người Hoa và Nga chiếm đa số, được định cư ở Hung bằng cách này.
Không hề có lợi gì cho nước Hung
Ngay từ khi mới được khởi động, chương trình công trái định cư đã gặp phải sự phản đối gay gắt của các đảng đối lập, các nhóm dân sự, cùng sự mổ xẻ, phân tích của giới truyền thông độc lập. Những chỉ trích chủ yếu liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia và “quốc nạn” tham nhũng.
Báo chí Hung phanh phui rằng, mấy năm qua, trong số hàng chục ngàn “nhà đầu tư” nhập cảnh EU theo con đường này (mà công dân Trung Quốc và Nga chiếm đa số), có cả những kẻ tội phạm hoặc có quan hệ tài chính với các lực lượng khủng bố, mà bằng cách này hay cách khác họ không thể vào EU.
Trong chiến dịch trưng cầu dân ý vừa qua về việc bỏ phiếu chống dự án phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch của Liên Âu, đảng đối lập MSZP (Đảng Xã hội Hungary) nhiều lần nhấn mạnh, chính quyền bài xích người tỵ nạn, nhưng lại mở rộng vòng tay đón những kẻ nhập cư hữu sản.
Nhất là, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho thấy nước Hung không có lợi lộc gì với chương trình này, vì tiền vào hết túi của những “công ty ma”, những nhóm lợi ích thân chính phủ, được trao nhiệm vụ bán “quốc trái” thông qua những thủ tục trung gian nhiêu khê và hưởng lợi từ cả nhà nước lẫn thân chủ.
Những tính toán của báo giới cho thấy, khoản tiền mà sau 5 năm nhà nước Hung phải trả cho các nhà đầu tư sau khi huy động từ họ, thật ra Hungary có thể vay nợ được ở bất cứ đâu với lãi suất ít hơn nhiều. Chương trình công trái định cư, rốt cục chỉ rót tiền vào các công ty môi giới thân chính quyền.
Xung đột với phe cực hữu
Sự xuất hiện của đảng cực hữu JOBBIK trong vấn đề này càng khiến ván bài của chính quyền trở nên phức tạp và khó đoán định hơn, khi đảng này gây sức ép và “tối hậu thư” cho liên minh cầm quyền, rằng phải đình chỉ chương trình “quốc trái” thì mới ủng hộ việc tu chính Hiến pháp hôm 8-11.
Phải chăng quyết định đình chỉ công trái định cư một cách gấp gáp như vậy là bởi nội các cánh hữu phải chiều lòng JOBBIK? Báo chí Hungary đã có nhiều phân tích về sự liên quan giữa việc đình chỉ công trái định cư và việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng không tiếp nhận hàng loạt người tỵ nạn.
Sự thật là liên minh cầm quyền dù chiếm “thượng phong” trong Quốc hội Hungary, nhưng vẫn cần thêm 2 lá phiếu của dân biểu đối lập mới đủ để thông quan việc sửa đổi Hiến pháp. Và trước mắt, chỉ có đảng đối lập cực hữu JOBBIK là tỏ ý có thể ủng hộ nội các cánh hữu trong vụ này.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền không đáp ứng đòi hỏi của JOBBIK – tức là không đình chỉ ngay công trái định cư – và do đó, không đủ phiếu để thông qua việc sửa đổi Hiến pháp (điều đã xảy ra trong thực tế), thì FIDESZ cũng vẫn giành phần thắng trong cuộc đua này, như báo Hung bình luận.
Bởi lẽ, FIDESZ vẫn tiếp tục tuyên truyền được rằng, ở Hungary chỉ họ là đảng phái yêu nước và bảo vệ quốc gia trước sức ép của Brussels, và bóng ma về việc Liên Âu “ép” Hungary tiếp nhận người tỵ nạn vẫn tiếp tục được FIDESZ sử dụng, nhiều khi cũng hữu hiệu, trong việc củng cố quyền lực.
Tiếp tới ra sao?
Công trái định cư, tập đoàn lợi ích, người tỵ nạn và di dân, cũng như những tranh giành ảnh hưởng trên chính trường Hungary một năm rưỡi trước kỳ bầu cử Quốc hội 2018 là những yếu tố khiến tuyên bố chấm dứt việc “bán” thẻ định cư cho người nước ngoài hữu sản, tới giờ vẫn còn mập mờ.
Thời điểm của sự đình chỉ chưa được nêu ra, và giới chức chính phủ thì đưa ra những phát biểu khác nhau, rằng nó còn phụ thuộc vào một số điều khác. Trong khi đó, một hãng môi giới dịch vụ định cư và nhập tịch cho công dân Nga tại nước ngoài thì đã công bố trên trang chủ mốc thời gian 27/12.
Câu hỏi tại sao công ty Nga nọ lại biết thông tin đó, trong khi chính quyền Hung còn chưa công bố cụ thể, hiện chưa có lời giải đáp. Báo chí Hung đặt giả thiết, cũng có thể thời điểm dừng phi vụ làm ăn này đã được rò rỉ để các công ty môi giới thúc giục các thân chủ họ “nhanh chân” vào giờ chót.
Bên cạnh đó, truyền thông Hung đưa tin, việc quảng cáo công trái định cư vẫn được tiến hành dồn dập ở nhiều nước, các văn phòng môi giới tiếp tục được mở ngay cả trong siêu thị, ví dụ tại Iraq. Ở Việt Nam, các hội thảo giới thiệu công trái định cư cũng vẫn diễn ra trong thời gian gần đây.
Dầu sao đi nữa, một ước đoán cho thấy, nếu thực sự công trái định cư được chính quyền Hungary đình chỉ vào cuối năm nay theo một số nguồn tin, thì các nhóm lợi ích cũng đã kiếm được hơn hàng trăm tỷ Forint chỉ bằng công việc môi giới rất nhẹ nhàng, do chính phủ trao cho họ độc quyền.

Lãnh đạo các nước Á Châu

chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump

Nhiều nhà lãnh đạo các nước Châu Á đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, sau khi nhà tỷ phú nổi tiếng của đảng Cộng Hòa đánh bại đối thủ Dân Chủ Hillary Clinton để trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Một trong những người đầu tiên lên tiếng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến ông Trump là Tổng thống Rodrigo Duterte của Phillipines, cho hay chờ đợi làm việc với tân chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau để cả 2 nước đều có lợi, và chia sẻ ý tưởng dân chủ, tôn trọng pháp quyền.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines hiện đang ở giai đoạn khó khăn, sau khi Washington lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Phi, liên quan đến việc Tổng Thống Duterte để yên cho cảnh sát và dân phòng nổ súng bắn chết những kẻ kiên quan đến ma túy hay bị tình nghi liên quan đến ma túy.
Để phản ứng lại, ông Duterte quyết định ngưng những cuộc tập trận với quân đội Mỹ, đồng thời bày tỏ ý định thân thiện hơn với Trung Quốc và Nga.
Thủ Tướng Malaysia, ông Najib Razack, cũng gửi lời chúc mừng đến tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, gọi chiến thắng chính trị ông Trump mới tạo được là chiến thắng tuyệt diệu, đồng thời cho rằng quá lá phiếu, người dân Mỹ đã cất tiếng nói đòi chính phủ chú trọng đến đời sống và quyền lợi thiết thực của người dân, thay vì can dự vào chuyện của nước khác.
Điều Thủ Tướng Malaysia muốn nói đến là việc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đang điều tra cáo buộc cho rằng ông và những người thân cận tham nhũng, lấy tiền từ quỹ quốc gia làm của riêng.
Tại Indonesia, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter dầy đặc câu hỏi tại sao cử tri Mỹ có thể chọn ông Trump lãnh đạo đất nước, chỉ trích tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ là người không thích dân Hồi Giáo, nhắc lại điều ông Trump từng nhiều lần nói khi vận động tranh cử là sẽ cấm không cho người theo đạo Hồi vào nước Mỹ.
Giáo sĩ Din Syamsuddin, thuộc Hồi Đồng Hồi Giáo Indonesia e ngại chiến thắng của ông Trump có thể khiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và tập thể Hồi Giáo trở thành căng thẳng hơn.
Với hơn 250 triệu dân, Indonesia là quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới.
Tại Bắc Kinh, thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc viết rằng sẽ làm việc với tân chính phủ, để đảm bảo quan hệ vững chắc cho 2 quốc gia.
Thông cáo không nhắc đi đến những lời phát biểu mang tính bài Trung Quốc mà ông Trump đưa ra trong thời gian vận động tranh cử.
Ông Trump cũng từng nói là sẽ đặt Trung Quốc vào danh sách những nước cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi xuất khẩu hàng vào Mỹ, cũng như hứa sẽ bắt Trung Quốc phải trả mức thuế cao hơn khi đưa hàng sang Hoa Kỳ.
Cũng trong thời gian vận động, ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc lợi dụng giá công nhân rẻ để đánh cắp việc làm của công nhân Hoa Kỳ, cam kết điều này sẽ không xảy ra nếu ông được cử tri chọn để lãnh đạo nước Mỹ.
Tại New Delhi, Thủ Tướng Narendra Modi cũng gửi lời chúc mừng, cho hay sẵn sàng cùng làm việc với tổng thống đắc cử Donald Trump để đưa mối quan hệ song phương lên bậc cao hơn.
Trên trạng mạng cá nhân, Thủ tướng Ấn Độ còn cám ơn những thiện cảm mà ông Trump đã dành cho Ấn trong thời gian vận động tranh cử.
Giữa tháng trước, ông Trump đã tiếp xúc riêng với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn cư ngụ tại bang New Jersey, ca ngợi tài lãnh đạo của Thủ Tướng Modi và cam kết sẽ cùng với New Delhi tiêu diệt khủng bố.
Lời chúc mừng tương tự cũng được Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đưa ra ngay sau khi biết tin ông Donald Trump đắc cử, nhắc đến mối quan hệ bền chặt giữa 2 nước đã giúp xây dựng ổn đình, hòa bình và thịnh vượng cho Châu Á  Thái Bình Dương.
Tin từ Tokyo cũng cho hay vào tuần tới, Thủ Tướng Abe sẽ gửi một vị cố vấn chính trị của ông sang Hoa Kỳ, để làm quen và thảo luận với ban tham mưu của ông Trump.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump nói rõ là không ủng hộ Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ ký kết với một số nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Trump còn tỏ ý đòi Nhật phải trang trải chi phí mà Hoa Kỳ đang gánh vác khi bảo vệ an ninh quốc phòng cho Nhật, cũng như nêu ý kiến Nhật bản nên có võ khí nguyên tử để tự bào vệ, đề phòng chuyện bị Bắc Hàn tấn công.
Cũng cần nói thêm các bản tin chúng tôi thu thập được đều nói chưa rõ chính sách của Tổng Thống Trump với Châu Á sẽ như thế nào, liệu ông có tiếp tục kế hoạch chuyện trục về Châu Á mà Tổng Thống đương nhiệm Barack Obama đang thực hiện hay không?

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.