Tin Việt Nam – 12-10-2016
Mỹ và EU kêu gọi ‘trả tự do’ cho Mẹ Nấm
Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết đến với tên Mẹ Nấm, bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ hôm 10/10 tại Nha Trang.
Hiện bà bị tạm giam tại trại giam Sông Lô, tỉnh Khánh Hòa.
Đại sứ Hoa Kỳ
Sáng 12/10, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ông Ted Osius ra thông cáo nói ông “quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết đến là Mẹ Nấm)”.
“Xu hướng này đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền,” thông cáo này nói về việc bắt giữ và kêu gọi Việt Nam “thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.
Phái đoàn Liên minh Châu Âu
Ông Bruno Angelet – Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng ra tuyên bố về việc bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ.
Một phần tuyên bố này nói: “Việc bắt giữ này đi ngược lại với những cam kết về nhân quyền trong nước và quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nổi tiếng với tên blogger Mẹ Nấm bị bắt.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ
Hôm 11/10, Ủy ban bảo vệ Nhà báo (CPJ), đặt ở New York, ra thông cáo nói “nhà chức trách Việt Nam nên ngay lập tức trả tự do và bỏ các cáo buộc chống lại blogger độc lập Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”
“Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những blogger nổi tiếng và thẳng thắn nhất, nên được trả tự do vô điều kiện và không có trì hoãn,” Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á nói.
“Chúng tôi thúc giục nhà chức trách Việt Nam ngưng quấy rối các blogger độc lập, người đại diện cho tiếng nói khác biệt duy nhất của quốc gia ngoài truyền thông nhà nước, và cho phép các nhà báo tường thuật mà không sợ bị trả thù hoặc bị kết tội chống nhà nước.”
Theo CPJ, vào tháng 9/2009, bà bị tạm giam hơn một tuần sau khi viết blog về tình trạng thu hồi đất trong dự án khai thác bauxite gây tranh cãi tại khu vục Tây Nguyên.
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng được tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền (Civil Rights Defenders, viết tắt là CRD), đặt ở Thụy Điển, trao giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền 2015.
Đây là giải được trao hàng năm cho những nhà hoạt động nhân quyền khắp thế giới và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người thứ ba, đồng thời là người châu Á đầu tiên được nhận giải này. – BBC
Formosa góp phần làm giảm GDP của Việt Nam
12.10.2016
Vụ cá chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp của các tỉnh. (Ảnh tư liệu)
Thiên tai, vụ ô nhiễm do Formosa gây ra, và xuất khẩu gặp khó khăn đã làm cho chính phủ Việt Nam phải hạ mục tiêu tăng trưởng GDP. Tại một cuộc họp chính phủ hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mục tiêu mới của năm 2016 là GDP tăng trong khoảng từ 6,3-6,5%. Các con số này thấp hơn so với mục tiêu 6,7% do Quốc hội đặt ra hồi tháng 11 năm 2015.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia nổi tiếng ở Việt Nam, phân tích với VOA về các nguyên nhân dẫn đến GDP của Việt Nam tăng chậm hơn kỳ vọng. Ông nói:
“Trước hết là tình hình khô hạn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung Nam Bộ và ở Tây Nguyên, đã gây ra tác động khắc nghiệt đối với nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng âm, khoảng -0,18%. Thứ hai là vụ Formosa đã tác động hết sức tiêu cực đối với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung. Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới thì giá các mặt hàng nông sản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp, vì vậy cho nên Việt Nam xuất khẩu dầu và xuất khẩu nông sản cũng đều gặp các điều kiện bất lợi”.
Vụ Formosa mà Tiến sỹ Doanh nhắc đến là việc một nhà máy thép ở Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan đã xả chất thải trái phép hồi tháng 4, gây ra thảm họa môi trường ven biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Vụ này đã làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và một phần du lịch của các tỉnh.
Đến nay dù Formosa đã nhận trách nhiệm và tuyên bố đền bù chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla, song các hậu quả vẫn chưa được đánh giá hết trong khi công tác khắc phục vẫn chưa hoàn tất. Đã có nhiều cuộc biểu tình lớn của các ngư dân mất sinh kế hoặc bị ảnh hưởng. Họ đòi đóng cửa nhà máy của Formosa. – VOA
Lương công chức quá thấp!
12/10/2016 22:55\
Lương công chức thấp làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển
“Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ, một loại lao động đặc biệt – lao động quyền lực. Việc này làm cho các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, dẫn đến hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển”. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã phát biểu như vậy tại hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12-10 ở Hà Nội.
Thu nhập ngoài lương “ngày một phức tạp”
Ông Phúc cho rằng thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của cán bộ, công chức. Đặc biệt, nhiều lần đã bàn việc cải cách tiền lương nhưng khi hỏi tới “tiền đâu?” thì dừng!
Theo ông Phúc, cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hóa tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá trong việc thiết kế lại hệ thống thang, bảng lương cho đơn giản, phù hợp hơn. Phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức – biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính nhà nước với quản lý sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.
PGS-TS Trần Đình Thảo (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) cho rằng việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước; đồng thời, thu nhập của cán bộ, công chức không thực sự được cải thiện. Cách xác định mức lương tối thiểu chung bị phụ thuộc ngân sách nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích cán bộ, công chức có hệ số lương thấp.
Điều này dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương; thu nhập ngoài tiền lương ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát. Tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh; đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính.
700.000 công chức không làm được việc
Các đại biểu cũng chỉ ra thực tế ở nước ta, đội ngũ hưởng lương từ ngân sách quá lớn, quá cồng kềnh. Nói đẩy mạnh cải cách hành chính cụ thể từng bước gắn với tiền lương nhưng thực tế là càng tinh giản, biên chế càng tăng; nhiều cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương, cán bộ lãnh đạo đông hơn chuyên viên; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng giảm.
“Bộ máy hành chính cồng kềnh, công chức nhà nước đang phải chịu mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống hay tình trạng công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, chảy máu chất xám là những nghịch lý khi mô tả thực trạng tiền lương và năng suất lao động của chúng ta” – TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thẳng thắn.
TS Bùi Sỹ Lợi dẫn ra ước tính của chuyên gia: có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm. Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ công chức hành chính, đặc biệt là những người có chức vụ, dù lương thấp nhưng thực tế thu nhập khá cao. Điều đó chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, trong đó nhiều khoản thu nhập công khai có nguồn gốc từ ngân sách.
Để cải cách toàn diện về tiền lương, ông Lợi nhấn mạnh chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ quyết tâm cao giải quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ, công chức đúng vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị – không phân biệt nhà nước hay tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới cải cách hành chính, công vụ, công chức… – Người lao động
Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Tòa án Việt Nam quá yếu quyền trong vụ kiện Formosa?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
gửi cho BBC từ Hà Nội
Mới đây Tòa án thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã trả lại 506 đơn kiện của bà con ngư dân trước đó đã khởi kiện Formosa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lý do tòa án trả lại đơn kiện được cho là vụ việc đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1880 ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Sự việc này có thể được phân tích thành dẫn chứng cho thấy tòa án Việt Nam quá yếu quyền.
Thứ nhất:
Chủ thể gây ra thảm họa cá chết là Formosa và người bị thiệt hại là bà con ngư dân, cho nên trong khi người dân chưa nhận được bồi thường thì việc các ngư dân khởi kiện Formosa là hoàn toàn đúng sự việc, đúng đối tượng. Nếu tòa án không quá yếu kém thì đương nhiên phải thụ lý giải quyết.
Nếu tòa án mạnh thì tòa án sẽ coi Chính phủ cũng chỉ là một chủ thể tham gia vào các giao kết trong đời sống xã hội mà thôi, và Chính phủ cũng có các quyền và nghĩa vụ dân sự, nếu Chính phủ làm sai sẽ phải bồi thường (hiện đã có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước chính là nhằm giải quyết cho các trường hợp Chính phủ làm sai).
Việc trước đó Chính phủ đứng ra nhận khoản tiền 500 triệu USD của Formosa để dùng vào việc đền bù cho ngư dân, sẽ khiến tòa án triệu tập người đại diện của Chính phủ với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa án sẽ làm rõ vì sao Chính phủ nhận tiền đền bù của Formosa rồi mà lại chậm trễ trả cho bà con, và nếu bà con có ý kiến khác về mức bồi thường thì tòa án sẽ đánh giá xác định thiệt hại để yêu cầu Formosa phải chịu tăng thêm khoản mức bồi thường.
Đó là cách làm hợp lẽ đúng đắn. Tuy vậy tòa án Việt Nam lại không thụ lý vụ kiện.
Thứ hai:
Nếu tòa án mạnh thì tòa án phải có thẩm quyền phán xét về tính hợp pháp đúng sai trong việc làm của Chính phủ. Tức là các việc làm và quyết định của Chính phủ có thể là đối tượng bị tòa án xem xét đánh giá nhất là trong trường hợp người dân khởi kiện do bị xâm phạm quyền lợi.
Nhưng hiện tòa án Việt Nam không có thẩm quyền này. Theo quy định của Luật tố tụng hành chính thì tòa án chỉ được quyền giải quyết đối với các quyết định từ cấp Bộ trưởng trở xuống mà thôi, còn đối với quyết định của Thủ tướng hoặc Chính phủ thì tòa án không có thẩm quyền giải quyết.
Ví như khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1880 chỉ tính bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 năm 2016 đến hết tháng 9 năm 2016 thì nếu người dân không đồng ý cũng không khiếu nại hay khởi kiện được và tòa án không có thẩm quyền giải quyết một vụ kiện như vậy.
Luật đã quy định như thế rõ ràng đã giới hạn thẩm quyền của Tòa án trước Chính phủ.
Thứ ba:
Nếu tòa án mạnh thì Chính phủ sẽ không lạm quyền làm thay những việc vốn dĩ thuộc về tòa án, ví như việc xác định lỗi, mức độ thiệt hại và bồi thường.
Về nguyên tắc việc xác định mức độ lỗi và buộc bên này bồi thường cho bên kia là công việc của tòa án. Vậy nhưng trong trường hợp Formosa Chính phủ lại làm việc này, điều này liệu đã hợp lý?
Có phải lỗi hoàn toàn thuộc về Formosa? Trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường ở đâu? Cơ quan này đã có lỗi trách nhiệm quản lý thế nào để Formosa vi phạm gây thiệt hại? Cơ quan này đã yếu kém trong xử lý sự cố thế nào khiến cho thiệt hại không được ngăn ngừa giúp hậu quả ít hơn?
Về mức độ thiệt hại thì dựa vào cơ sở nào Chính phủ áp mức bồi thường cho mỗi người lao động bị mất thu nhập là 2.910.000đ/người/tháng?
Chính phủ đã lấy ý kiến người dân khi đưa ra mức giá bồi thường chưa? Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Quyết định của Thủ tướng được coi là một văn bản quy phạm pháp luật, và khi ban hành thì phải tham khảo ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Vậy các ngư dân có được tham khảo lấy ý kiến khi ban hành Quyết định 1880 chưa?
Và cứ cho mức bồi thường đó là hợp lý đi thì liệu có còn cách giải quyết nào khác? Phải chăng việc Chính phủ giải quyết là giải pháp khả dĩ nhất áp dụng cho vụ việc lớn phức tạp này?
Thực tế vẫn có thể lựa chọn cách giải quyết khác đó là cho người dân cơ chế đại diện ủy quyền để khởi kiện tập thể. Khi đó vụ việc dù phức tạp rộng lớn nhưng cũng chỉ có một hoặc một vài vụ kiện mà thôi (áp dụng cho trường hợp có ngư dân muốn kiện riêng).
Việc lựa chọn con đường tòa án như thế là có thể và đó là cách làm đúng với bản chất vụ việc, làm thế sẽ giúp phát huy ích lợi của giải pháp tòa án mà giải pháp chính phủ không thể nào có được.
Vì dù kết quả người dân nhận được là như nhau nhưng cơ chế giải quyết của Chính phủ vẫn khác so với cơ chế làm việc của Tòa án, mà qua đó phẩm hạnh đạo đức công dân có được trui rèn và công lý có được hiển lộ hay không.
Cơ chế ra quyết định của chính phủ luôn mang tính áp đặt buộc người ta phải chấp nhận. Trong khi cơ chế làm việc của tòa án dân chủ hơn và lắng nghe ý kiến các bên. Việc người dân được lên tiếng đưa ra yêu cầu ở một phiên xử công khai chính là cách để người dân thụ cảm được cái gì là công lý chính nghĩa.
Quá yếu quyền
Trên đây chỉ là phân tích dẫn chứng từ một vụ kiện thực tế mà thôi.
Trong thực tế có nhiều dẫn chứng khác cho thấy tòa án Việt Nam quá yếu quyền.
Ví như xét trong hệ thống chính trị hiện tại, người đứng đầu ngành tòa án cả nước chỉ là một vị ủy viên Trung ương Đảng cộng sản, ngang quyền với khoảng 200 vị khác, trong khi bên trên còn có hàng chục ủy viên Bộ chính trị mà người đứng đầu ngành tòa án phải chấp hành.
Trong khi các nước theo hệ thống tam quyền phân lập thì tòa án nắm quyền tư pháp là một đối trọng lớn quyền, ngang ngửa với Quốc hội nắm quyền lập pháp và Chính phủ nắm quyền hành pháp.
Ở Việt Nam không theo hệ thống tam quyền phân lập mà các cơ quan thực hiện công việc theo cơ chế phân công phối hợp, nhưng phạm vi được phân công và trao quyền của tòa án ở mảng tư pháp lại quá hạn hẹp so với hành pháp.
Dẫn đến nhiều vụ việc có tính chất thuộc về tư pháp nhưng lại được hành pháp giải quyết ví như việc ban hành Quyết định 1880 trong vụ việc Formosa nêu trên.
Khi đó thiết chế tòa án đã không phát huy được chức năng tác dụng trong việc quản trị đời sống xã hội, giúp thúc đẩy tiến bộ và phát triển.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, giám đốc Công ty luật Công chính.
0 comments