Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 16/01/2019

Wednesday, January 16, 2019 12:40:00 PM // ,


Đọc báo Pháp – 16/01/2019

Quốc Hội bác dự thảo Brexit :

 ”Thất bại lịch sử” của chính phủ Anh

Dự thảo Brexit của thủ tướng Theresa May bị nghị viện Anh Quốc bác bỏ đẩy quốc gia này vào tình thế vô định, tổng thống Pháp khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc kéo dài hai tháng, trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn, là các tựa lớn của báo Pháp hôm nay 16/01/2019.
Về chủ đề dự thảo Brexit bị nghị viện Anh bác bỏ, Les Echos chạy tựa trang nhất : « Cú nhảy vào vô định ». Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc dự thảo của thủ tướng May bị bác là điều nằm trong dự kiến, điều bất ngờ là số lượng nghị sĩ bỏ phiếu chống cao hơn nhiều. Với 432 phiếu thuận, 202 phiếu chống, nghị viện Anh đặt thủ tướng May trước một áp lực rất lớn. Les Echos có bài nhận định về « thất bại lịch sử » ở nghị viện Anh.
Theo tờ báo, đây là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ Anh tại nghị viện nước này trong vòng một thế kỷ nay. Chênh lệch 230 phiếu giữa bên chống và bên ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu này đã « phá vỡ kỷ lục » 166 phiếu hồi năm 1924. Đòn trời giáng đối với bà Theresa May này khiến việc tìm ra phương thức để Anh Quốc có thể chia tay « trong trật tự » với Liên Âu đúng thời hạn, ngày 29/03/2019, trở thành điều gần như không thể.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dự báo dù là « bi quan nhất » cũng chỉ là thất bại với 225 phiếu chênh lệch (của Financial Times). Còn theo báo Times, thân chính phủ, thì khoảng cách sẽ là gần 200 phiếu.
Trước mắt thủ tướng Anh phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập yêu cầu.Nhiều khả năng bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu một cách an toàn, vì đa số các nghị sĩ liên minh cầm quyền không muốn tổ chức bầu cử nghị viện sớm. Trước mắt, nếu tiếp tục được tín nhiệm, chính phủ Anh sẽ phải thương thuyết lại với Liên Âu về một dự thảo mới (phương án B) để trình lại nghị viện vào thứ Hai tuần tới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh hứa sẽ đàm phán với các đảng phái trong nghị viện tìm một thỏa hiệp để thương lượng lại với Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngay lập tức tỏ ý tiếc về việc nghị viện Anh bác bỏ dự thảo và yêu cầu Luân Đôn « cho biết rõ lập trường càng sớm càng tốt ».
Nếu phương án này không được chấp thuận thì sao ? Nhiều viễn cảnh để ngỏ : Anh Quốc sẽ rời khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận, hay chính Luân Đôn sẽ từ bỏ quyết định Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit cũng là một kịch bản khác.
« Trái bóng trong chân » thủ lĩnh đối lập
Le Figaro trong bài « Kế hoạch của Theresa May bị bác bỏ » cho hay, đa số các nước châu Âu không muốn thương lượng lại dự thảo, vốn là kết quả của 17 tháng đàm phán cam go.Theo Le Figaro, trái bóng hiện giờ bên sân của Công Đảng, đảng đối lập chính tại Quốc Hội Anh. Nếu thất bại trong việc lật đổ chính phủ bảo thủ, lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn có thể đưa ra đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Đây chính là đòi hỏi của 86% đảng viên đảng này.
Tuy nhiên, khả năng nghị viện Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần nữa không cao, bởi lãnh đạo Công Đảng có lập trường « chống Liên Âu », cũng chủ trương rời bỏ Liên Hiệp. Như vậy, ông Corbyn có thể sẽ thương lượng trực tiếp với thủ tướng May để tìm một thỏa hiệp. Đây là điều mà Le Figaro cho là « rất khó xảy ra », nhưng không phải là không thể xẩy ra. Một số chính trị gia bảo thủ cũng có thể đưa ra một phương án khác với sự phối hợp của đối lập, để xác lập quan hệ đặc biệt giữa Anh với Liên Âu, như kiểu Na Uy hiện nay (tức là vẫn duy trì liên minh thuế quan và thị trường duy nhất với Liên Hiệp Châu Âu). Phủ thủ tướng Anh cho biết sẵn sàng đón nhận mọi đề xuất thiện chí từ các phía.
Cũng như Les Echos và Le Figaro, nhật báo Libération đặc biệt chú ý đến thái độ của những người phản đối việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu. Sau thất bại của chính phủ Anh, rất nhiều người phản đối Brexit đã ăn mừng trước nhà Quốc Hội, với những lá cờ 15 ngôi sao vàng trên nền xanh da trời, cờ của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh đã cảnh báo : nếu các nghị sĩ chống lại dự thảo thỏa thuận hiện tại, thì chỉ còn hai khả năng. Thứ nhất là nước Anh rời châu Âu « no deal », tức không thỏa thuận, cũng có nghĩa là trong hỗn loạn. Và thứ hai là không còn chuyện Brexit nữa.

Châu Âu cũng bị « khủng hoảng niềm tin » chi phối

Nước Anh khủng hoảng với Brexit. Đi cũng khó, ở lại không xong. Nhưng bản thân các nước châu Âu khác, cụ thể là Pháp cũng bị hội chứng « khủng hoảng niềm tin » chi phối. Le Figaro có bài « Phải chăng châu Âu cũng bị cuộc khủng hoảng niềm tin tấn công ? » thông báo một số kết quả rút ra từ cuộc thăm dò dư luận của Cevipof-OpinionWay.
Theo đó, người Pháp có xu hướng « xa rời » với Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Figaro, lý do chính là nhiều người lo ngại cho cuộc sống riêng của họ, chứ không phải việc họ bác bỏ nguyên tắc một châu Âu đoàn kết.
Theo thăm dò dư luận nói trên, 38% người trả lời khẳng định nước Pháp cần phải tự bảo vệ mình nhiều hơn trong tình hình thế giới hiện nay, so với 23% đòi hỏi nước Pháp phải mở cửa hơn. Khoảng cách như vậy là 15 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với hồi năm ngoái.
Một trong các ví dụ cụ thể cho thấy Liên Âu có vẻ như đang trở thành một chủ đề nhạy cảm. Trong số 33 câu hỏi mà tổng thống Pháp gửi đến toàn dân trong cuộc Thảo luận quốc gia vừa khai mạc, chỉ có một câu hỏi nhắc đến châu Âu, nhưng không phải với cách hỏi trực tiếp, mà được gài vào một câu hỏi liên quan đến « cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ở quy mô châu Âu và quốc tế ». Trong khi đó, châu Âu vốn là phần cốt lõi trong dự án chính trị của tổng thống Pháp.
Khu vực euro phải bảo vệ người dân !
Về các thách thức với châu Âu hiện nay, Le Monde có cuộc phỏng vấn chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), bộ trưởng Tài Chính Bồ Đào Nha Mario Centelo. Bài phỏng vấn mang tựa đề : « Liên Âu phải có biện pháp hóa giải nỗi lo sợ của người dân do toàn cầu hóa ».
Trước hết, chủ tịch Eurozone khẳng định: so với cách nay 10 năm khu vực đồng euro vững mạnh hơn nhiều. Châu Âu đã có 22 quý tăng trưởng liên tục, và thêm 9 triệu việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Liên Âu cũng củng cố được liên minh ngân hàng, cho phép sẵn sàng đối phó với các nguy cơ khủng hoảng. Tình hình về cơ bản là tương đối đáng lạc quan. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, để tăng cường ổn định nền kinh tế châu Âu, thị trường lao động và các định chế. Việc các quốc gia Liên Âu tăng cường củng cố khu vực đồng euro hiện nay là theo chiều hướng tích cực.

Khủng hoảng « Áo Vàng »

không chỉ riêng nước Pháp

Về nguy cơ cuộc khủng hoảng « Áo Vàng », làm suy yếu nền kinh tế Pháp và châu Âu, lãnh đạo khu vực đồng euro nhấn mạnh đây không phải là vấn đề của riêng nước Pháp. Nhiều nước châu Âu cũng gặp các khủng hoảng tương tự, với những hình thức khác.
Một trong những định hướng quan trọng là bảo vệ sức mạnh của đồng euro, đồng tiền vốn đã được dân chúng tin tưởng hơn nhiều so với cách nay hai thập niên. Củng cố đồng euro là một trong các biện pháp để khẳng định vị thế của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Chủ tịch khu vực đồng euro cũng nhấn mạnh là không thể dùng biện pháp « bảo hộ mậu dịch », để chống lại « các biện pháp cạnh tranh bất chính » của Trung Quốc, mà phương pháp hiệu quả nhất là thương lượng về mặt chính trị với Bắc Kinh, trong khuôn khổ đa phương.
Pháp khai mạc Thảo luận toàn quốc : Kẻ khen, người chê
Cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng được hầu hết các báo hôm nay quan tâm.Buổi khai mạccuộc Thảo luận, dưới sự chủ trì của tổng thống Macron, tại một làng nhỏ miền tây nước Pháp, gây nhiều phản ứng rất khác nhau. Kẻ khen, người chê.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài « Thảo luận việt dã giữa tổng thống Pháp với các thị trưởng, xã trưởng » chú ý đến việc ông Macron đã dành 7 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của các thị trưởng, xã trưởng, và có nhiều cử chỉ cởi mở. Cụ thể như việc giới hạn tốc độ xe hơi 80km/giờ trên các tuyến đường giao thông phụ, vốn bị người dân ở các vùng hẻo lánh phản đối mạnh. Ngay cả trong vấn đề bỏ thuế ISF (tức thuế đánh vào tài sản của những người giàu), một cải cách mà tổng thống Pháp cho là không thể đảo ngược, ông cũng cho biết sẵn sàng đánh giá lại hiệu quả của biện pháp này.
Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhìn buổi khai mạc Thảo luận toàn quốc hôm qua với vẻ rất hoài nghi, với bài « Eure : Đối diện với các thị trưởng, Macron khởi sự cuộc đối thoại bằng một cuộc độc thoại ». Libération nhấn mạnh là việc tổng thống Macron không mở cửa cho những người Áo Vàng tham gia vào cuộc gặp này, cũng như việc tổng thống chiếm trọn vị trí trung tâm, khiến cho buổi khai mạc mang dáng dấp của một buổi thuyết trình quan điểm của chính phủ. Đây là một cách mở đầu « kỳ lạ » cho một cuộc Thảo luận toàn quốc.
Lẽ ra phải tổ chức Thảo luận trước khi « Áo Vàng » nổi dậy
Nhân dịp Thảo luận toàn quốc khai mạc, Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến của các chính trị gia đối lập. Đáng chú ý có quan điểm của lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot. Lãnh đạo đảng Xanh, cũng là người đứng đầu các đảng vì môi trường tại Nghị Viện Châu Âu khẳng định một cuộc thảo luận như vậy là « điều tuyệt vời », mà lẽ ra không cần phải đợi đến phong trào Áo Vàng, rồi tổng thống mới quyết định tổ chức.
Lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa Laurent Wauquiez cho biết đảng này sẽ đóng góp tích cực vào cuộc thảo luận trong những tuần tới.
Thảo luận toàn quốc : Cơ hội để học cách nghe nhau
Cuộc Thảo luận toàn quốc, dự kiến kéo dài hai tháng, có ý nghĩa hệ trọng đối với đời sống chính trị nước Pháp. Nhật báo Les Echos trong mục « Mỗi ngày một sự kiện » có bài nhận định thú vị về cuộc Thảo luận chưa từng có này, với tựa đề « Cuộc trị liệu tập thể ».
Theo Les Echos, điều cơ bản không chỉ là việc các cử tri Pháp lên tiếng, mà vấn đề chính là người Pháp cần học lại cách nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng cho thấy một vấn đề chính của nước Pháp hiện nay là mức độ phân hóa xã hội vô cùng lớn. Nhiều người thuộc các nhóm xã hội khác nhau, có thể sống ngay sát cạnh nhau, nhưng không hề có quan hệ với nhau, không biết và không hiểu nhau nghĩ gì.
« Tìm lại được một ngôn ngữ chung », mà mọi người có thể chia sẻ được, hay ít nhất là « một số quan niệm chung tối thiểu » là mục tiêu chủ yếu của cuộc thảo luận này. Một người bạn của tổng thống Macron thì gợi ý nên thay đổi về phương pháp, phải biết cách đối thoại mềm mại hơn, nếu muốn nước Pháp qua cuộc thảo luận này đi đến được một số đồng thuận, thay vì tiếp tục bị chia rẽ do thái độ đối đầu không khoan nhượng giữa các bên.

Tin đọc nhanh

 chiến dịch chống tham nhũng. 
Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc vừa cho mở điều tra về ông Triệu Chính Vĩnh (Zhao Zhengyong) cựu bí thư tỉnh Thiểm Tây ở miền trung nước này. Trang web của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 15/01/2019 cho biết là nhân vật này bị tình nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật lệ”, ám ngữ chỉ tội danh tham nhũng. Ông Triệu Chính Vĩnh như vậy đã trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch “đả hổ” của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
(AFP) -Ottawa kêu gọi Bắc Kinh « khoan hồng » với công dân Canada bị kết án tử hình. 
Phát biểu ngày 15/01/2019, ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết « đã nói chuyện với đại sứ Trung Quốc ở Canada và đề nghị khoan hồng » đối với ông Robert Lloyd Schellenberg, bị tòa án Đại Liên kết án tử hình hôm 14/01 vì tội buôn bán ma túy. Bà nhấn mạnh Canada « không có án tử hình. Đó là hình phạt phi nhân đạo và không phù hợp. Và mỗi khi một công dân Canada bị kết án tử hình, chúng tôi phản đối mạnh mẽ ».
(AFP) - Người Kurdistan bác kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ về “vùng an ninh” ở Bắc Syria, 
đặt dưới quyền kiểm soát của Ankara. Ngày hôm nay, 16/01/2019, ông Aldar Khalil, một lãnh đạo cao cấp của chính quyền bán tự trị người Kurdistan tại miền Bắc Syria cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên trung lập, mà là một bên tham chiến, do đó không thể là bên đứng ra bảo đảm an ninh. Ngay từ hôm qua, Damas đã lên án âm mưu xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Thổ Erdogan tuyên bố Ankara sẽ thiết lập « vùng an ninh » tại miền Bắc Syria.
(AFP) - Khủng bố tấn công một khách sạn ở Kenya, ít nhất 14 người chết. 
Lực lượng an ninh Kenya vào sáng nay 16/01/2019 đã tiêu diệt được toàn bộ nhóm khủng bố thuộc tổ chức Hồi Giáo Al-Shabaab của Somalia, đã tấn công vào một khu phức hợp khách sạn và văn phòng ở Nairobi thủ đô Kenya hôm15/01 khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Quân khủng bố đã bị tiêu diệt sau 20 tiếng đồng hồ bị vây hãm. Vấn đề là trong cuộc họp báo về vụ khủng bố, tổng thống Kenya Uhura Kenyatta đã không cho biết là đã có bao nhiêu kẻ khủng bố bị tiêu diệt.
(AFP) - Phó tổng thống Mỹ điện đàm với thủ lĩnh đối lập Venezuela. 
Ông Mike Pence đã điện đàm ngày 15/01/2019 với thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido, nhằm thể hiện hậu thuẫn của Mỹ với người đứng đầu Quốc Hội Venezuela do phe đối lập lãnh đạo, được Mỹ xem là “cơ quan dân chủ và hợp pháp duy nhất tại nước này”. Trước đó Quốc Hội Venezuela chính thức tuyên bố ông Maduro là người “tiếm quyền” sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái.
(RFI) -Ứng viên chức bộ trưởng Tư Pháp Mỹ hứa bảo vệ cuộc điều tra về hồ sơ Nga. 
Điều trần ngày 15/01/2019 trước Ủy ban Tư pháp của Thượng Viện, ông William Barr nhấn mạnh rằng ông không nghĩ là công tố viên đặc biệt Robert Mueller muốn tiến hành « một cuộc truy sát phù thủy » nhắm vào tổng thống Trump và những người thân cận, trong nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
(AFP) - Hơn 1/4 quân nhân nước ngoài rút khỏi Irak trong năm 2018. 
Theo thông báo ngày 15/01/2019 của chính quyền Irak, « vào tháng Giêng 2018, có khoảng 11.000 quân nhân nước ngoài, trong đó 70% là lính Mỹ » đóng tại Irak. « Con số này giảm xuống còn 8.000 người vào tháng 12, trong đó có 6.000 lính Mỹ ». Vào cuối năm 2017, Irak tuyên bố truy quét hết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khỏi những đô thị lớn sau chiến dịch kéo dài ba năm, được liên quân quốc tế hỗ trợ.
(Reuters) - Đoàn di dân Honduras tiến về Mỹ đã đến Guatemala. T
rả lời báo chí sáng 15/01/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Honduras cho biết đợt « bắc tiến » này có khoảng từ 800-1.000 người. Trước đó một ngày, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ quyết định kéo dài thời gian duy trì quân đội ở biên giới với Mêhicô đến ngày 30/09 để kiểm soát tình hình nhập cư bất hợp pháp.
(AFP) - Trùm ma túy El Chapo hối lộ cựu tổng thống Mêhicô Nieto. 
Trả lời trước một tòa án ở New York ngày 15/01/2019, cánh tay phải của trùm ma túy Mêhicô khẳng định tổng số tiền hối lộ cựu tổng thống Enrique Pena Nieto lên đến gần 100 triệu đô la. Ông Francisco Guzman, cựu chánh văn phòng của cựu tổng thống Mêhicô, ngay lập tức lên tiếng bác bỏ « những lời vu khống, sai lệch và vô căn cứ ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.