Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 12/03/2020

Thursday, March 12, 2020 7:22:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 12/03/2020

Chính quyền trì hoãn chấp nhận luật sư

do người dân Đồng Tâm chọn!

Chính quyền Hà Nội vào sáng sớm ngày 9/1/2020, đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.
Bộ Công an sau đó cho truyền thông trong nước biết, đã có 22 người bị bắt giữ ở Đồng Tâm với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”… Tuy nhiên, theo người dân Đông Tâm, chính quyền hiện vẫn giam giữ 27 người.
Thân  nhân của những người bị bắt giữ tìm luật sư để bào chữa cho những người bị bắt. Tuy vậy một số luật sư được mời thông báo họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng liên quan.
Trường hợp mới nhất là Công ty luật Công Chính nhận lời mời và cử luật sư tham gia bào chữa cho ba bị can đã bị bắt giữ trong vụ án xảy ra ở Làng Hoành, xã Đồng Tâm. Nhưng đã quá thời hạn theo pháp luật mà luật sư chưa được cấp Thông báo bào chữa để tham gia vào vụ án.
Chúng tôi đề nghị Liên đoàn Luật sư có ý kiến với cơ quan điều tra  tôn trọng quyền bào chữa của luật sư, khẩn trương gởi thông báo bào chữa, để luật sư có tư cách tham gia vào vụ án.
-LS. Ngô Ngọc Trai

Trả lời RFA hôm 11/3, Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công Chính, nói:
“Liên quan việc luật sư tham gia bào chữa cho các bị can trong vụ việc ở Đồng Tâm, thì vào ngày 26/2, tôi có nhận được đơn yêu cầu luật sư của 3 trường hợp người dân bị bắt trong vụ việc xảy ra ở làng Hoành. Sau đó 1 ngày, tôi lập tức gởi các thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia bào chữa, tới cơ quan cảnh sát điều tra cơ quan thành phố Hà Nội. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được các thủ tục hồ sơ của luật sư gởi, thì cơ quan điều tra phải cấp thông báo bào chữa. Nhưng sau nhiều ngày chúng tôi vẫn không nhận được thông báo bào chữa. Thực tế đến hôm nay là đã mười mấy ngày chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo bào chữa của cơ quan điều tra.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết, Công ty luật Công Chính đã phản ánh sự việc tới Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị hỗ trợ các luật sư trong quá trình giải quyết vụ án này. Liên đoàn luật sư đã lắng nghe hồi đáp và có văn bản ý kiến gửi tới các cơ quan tư pháp. Ông nói tiếp:
“Vì chúng tôi hành nghề cũng đã gặp nhiều các trường hợp, các cơ quan tố tụng cản trở gây khó dễ cho luật sư trong việc tham gia các vụ án. Chúng tôi đề nghị Liên đoàn Luật sư có ý kiến với cơ quan điều tra  tôn trọng quyền bào chữa của luật sư, khẩn trương gởi thông báo bào chữa, để luật sư có tư cách tham gia vào vụ án.”
Tuy nhiên sau khi Liên đoàn luật sư Việt Nam gởi văn bản ý kiến gửi tới các cơ quan tư pháp, thì cho đến ngày 11/3, cơ quan chức năng vẫn không gởi bất cứ thông báo gì đến Văn phòng Công ty luật Công Chính hay cá nhân Luật sư Ngô Ngọc Trai.
Đối với trường hợp luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho 5 người ở Đồng Tâm, ông cũng cho biết qua tin nhắn thực tế liên quan trường hợp của các thân chủ:
“Tôi nhận bào chữa cho 5 người dân Đồng Tâm, tất cả đều là người nhà cụ Lê Đình Kình. Trong số đó, tôi mới chỉ nhận được 3 giấy thông báo luật sư bào chữa cho 3 trường hợp, 2 người còn lại thì chưa thấy thông tin gì. Việc này là do phía họ, không phải tự phía mình. Cho nên, mình không thể biết rõ nguyên nhân.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, có thể đúng với sự suy đoán của nhiều người, rằng việc chậm trễ này nhằm gây khó dễ cho các luật sư bào chữa, hoặc nhằm chỉ định luật sư đối với một số trường hợp.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN, một trong số ít luật sư được cơ quan an ninh cảnh sát điều tra chấp thuận sớm cho biết  nhiều người Đồng Tâm bị bắt có mời luật sư, và các luật sư có đăng ký thủ tục luật sư, nhưng không phải luật sư nào cũng được cấp quyền bào chữa như ông. Luật sư Ngô Anh Tuấn là người bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm đang bị bắt giữ. Luật sư Tuấn cho biết tiếp:
“Sắp tới chúng tôi phải kiến nghị việc họ không cấp thủ tục luật sư cho các luật sư khác trong vụ Đồng Tâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe thông tin, họ yêu cầu Liên đoàn luật sư hoặc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cử nhiều luật sư chỉ định, trong khi luật sư gia đình mời thì lại không được. Điều này là trái quy định của luật, vì vậy chúng tôi sẽ có những văn bản kiến nghị tiếp với bên cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội.”
Từ hôm 9/1/2020 đến nay, gia đình của những người dân Đồng Tâm bị bắt giữ, không nhận được bất cứ thông tin nào từ người thân của mình. Vì quá lo lắng cho thân nhân bị bắt giữ không tung tích, vào những ngày cuối tháng 2, người dân Đồng Tâm phải tự tìm đến trại giam để gởi đồ thăm nuôi mặc dù cũng không chắc người thân mình có thể nhận.
Một người dân Đồng Tâm, có thân nhân đang bị bắt giam, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA hôm 11/3:
“Nói chung, không có sự công bằng, công khai. Theo tôi biết, luật sư thì mời ngay từ khi gia đình tôi bị bắt, trong vòng 2, 3 ngày thì gia đình tôi đã gởi thư mời luật sư, nhưng luôn luôn bị chính quyền từ chối, bên điều tra chưa cho vào để gặp. Nhưng mà họ lại cho gặp luật sư chỉ định của bên họ. Nhưng luật sư chỉ định người ta cũng không biết gì về vụ việc người nhà tôi bị bắt… thì người ta cũng chả làm gì được…”
Không có sự công bằng, công khai. Theo tôi biết, luật sư thì mời ngay từ khi gia đình tôi bị bắt, trong vòng 2, 3 ngày thì gia đình tôi đã gởi thư mời luật sư, nhưng luôn luôn bị chính quyền từ chối, bên điều tra chưa cho vào để gặp. Nhưng mà họ lại cho gặp luật sư chỉ định của bên họ.
-Người dân Đồng Tâm

Bà cho biết luật sư chỉ định thì bà không tin tưởng. Nếu chính quyền công khai minh bạch thì phải cho luật sư bào chữa là của gia đình bà mời.
Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, cách hành xử của các cơ quan tư pháp trong vụ Đồng Tâm cho thấy, cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đang có hiệu lực, cũng như thực trạng luật sư bào chữa ở Việt Nam tham gia các vụ án hình sự, vẫn còn thường xuyên bị gây khó khăn trong việc hành nghề.
Hôm 23/2/2020, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế một lần nữa đã lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam cho công an tấn công vào làng Đồng Tâm, đồng thời yêu cầu quốc tế điều tra về hành động mà họ gọi là tội ác này.
Tuyên bố nêu rõ, với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, cực lực lên án việc tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, phải bị trừng trị đích đáng.
Bản tuyên bố cũng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản,phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Những cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập ký tên trong tuyên bố cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các nước lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-gov-not-accept-lawyers-chosen-by-the-people-03112020133800.html

Việt Nam gia tăng kiểm soát dịch cúm gia cầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ đạo triển khai quyết liệt phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 12/3 và cho biết theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhưng vẫn còn 11 ổ dịch đã qua 15 ngày; 6 ổ dịch đã qua 8 ngày và 3 ổ dịch đã qua 3 ngày.
Hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam còn 20 ổ dịch cúm gia cầm với 18 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 là Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình và Hà Nam.
Cơ quan chức năng đã xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, sát trùng ổ dịch bằng hóa chất; khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm… Từ đầu năm đến nay cả nước có tổng số 137.180 con gia cầm chết, buộc tiêu hủy.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phòng, chống dịch bệnh còn nhiều bất cập do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện  nhiều nơi không còn, hoặc đã sáp nhập… Ngoài ra, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp, nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10-20%.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-is-increasing-control-over-bird-flu-03122020093643.html

Nguyên nhân hơn 100 tấn cá lồng tại Hải Dương bị chết

Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương vào ngày 12/3 công bố nguyên nhân khiến hơn 100 tấn cá lồng ở xã Nhân Huệ bị chết vào ngày 6/3 do thiếu ô xy và có thể do nước sông ô nhiễm.
Tin cho biết, kết quả ô xy hòa tan Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hải Dương đo được trong ngày cá chết không đạt quy chuẩn Việt Nam – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Vì vậy, Sở đã tiếp tục lấy mẫu nước vào ngày 7 và 8/3 để xét nghiệm.
Những người nuôi cá lồng trên đoạn sông Thái Bình đi qua thôn Chí Linh 1, Chí Linh 3 cho biết cá bắt đầu ngoi lên đớp vào lúc 19h tối ngày 6/3. Một tiếng sau, cá bắt đầu chết.
Hai thôn này là nơi tiếp nhận cả nước sông Đuống và sông Cầu.
Vẫn theo người dân, nước sông Thái Bình hàng năm thường bị đen và có mùi hôi vào thời điểm này, nhưng chưa bao giờ ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá như năm nay.
Thống kê của xã Nhân Huệ cho biết có 73 lồng cá của 12 hộ dân bị ảnh hưởng với lượng cá chết gần 121 tấn, chủ yếu là cá trắm cỏ và cá lăng. Trong đó, hộ bị thiệt hại nhiều nhất lên tới 51 tấn.
Tại các tỉnh lân cận có sông Cầu chảy qua, nước sông cũng có tình trạng hôi thối và cá tự nhiên chết nhiều trên sông.
Hiện Sở Tài nguyên – Môi trường Hải Dương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này rà soát hoạt động nuôi cá tại địa phương, đảm bảo khoảng cách an toàn và vệ sinh môi trường, xử lý các cơ sở sản xuất xả thải ra sông không đúng quy định.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cause-of-death-of-more-than-100-tons-of-cage-fish-in-hai-duong-03122020081643.html

Nguy cơ mất 600 tỷ USD

đối với các nhà máy nhiệt điện than

Báo cáo mới nhất của tổ chức Carbon Tracker công bố ngày 12/3 cho hay, nhà đầu tư của các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ mất hơn 600 tỷ USD vì nguồn điện từ năng lượng tái tạo giờ rẻ hơn nguồn điện được tạo ra từ các dự án nhiệt điện mới.
Theo báo cáo này, hơn 60% nguồn cung hiện có từ các nhà máy nhiệt điện đắt hơn nguồn điện từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Điều này cho thấy rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư vì các nhà máy nhiệt điện than thường phải mất từ 15 – 20 năm để hoàn vốn. Việt Nam có tên trong danh sách các nước đang tăng gia sử dụng nhiệt điện than.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, đề nghị một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương. Đề nghị của ông Ngãi được gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành công thương hôm 27/12/2019.
Nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại Hội Nghị COP25 về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc chủ xướng tại Chile vào tháng 12/2019, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990, và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính, trong đó nhiều phần đến từ nhiệt điện than.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/coal-fired-power-plants-might-losing-600-billion-dollars-03122020085426.html

Bình Thuận trở thành “ổ dịch” COVID-19 ở Việt Nam

với 9 ca bệnh

Chiều 12-3-2020, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 5 ca dương tính với virus Corona chủng mới ở tỉnh Bình Thuận nâng tổng số người mắc COVID-19 ở Việt Nam là 44 ca, trong đó chỉ riêng Bình Thuận là 9 ca.
Đây là địa phương thứ hai có nhiều ca bệnh COVID – 19 nhất tại Việt Nam sau tỉnh Vĩnh Phúc với 11 ca được phát hiện trước đó.
Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang cho biết, có 5 trong 56 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận gửi đến từ các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp tiếp xúc gần (F2) đối với những bệnh nhân mắc dịch trước đó .
Kết quả xét nghiệm có 5 mẫu của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cụ thể như sau:
Bệnh nhân số 40: Bệnh nhân nữ, 2 tuổi.
Bệnh nhân số 41: Bệnh nhân nam, 59 tuổi.
Bệnh nhân số 42: Bệnh nhân nam, 28 tuổi.
Bệnh nhân số 43: Bệnh nhân nữ, 47 tuổi.
Cả 4 người đều trú tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 34 ở tỉnh này.
Bệnh nhân số 44: Bệnh nhân nam, 13 tuổi, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN37 (nhân viên của BN34).
Trước đó, vào sáng 12-3, ca thứ 39 ở Việt Nam được phát hiện là nam hướng dẫn viên du lịch cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với BN24 khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 44 ca mắc COVID -19, 16 ca đã hồi phục xuất viện, 28 ca mắc mới chỉ trong 6 ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Binh-thuan-becomes-new-epicenter-in-vn-03122020091927.html

COVID – 19: Bệnh nhân thứ 34 tham gia các sinh

hoạt cộng đồng, thêm 5 ca dương tính ở Bình Thuận

Nữ bệnh nhân nhiễm COVID – 19 ở tỉnh Bình Thuận đã có những sinh hoạt cộng đồng trong các ngày 7 và 8 tháng 3 ở địa phương với nhiều người tham gia khiến địa phương lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Truyền thông trong nước hôm 12/3 trích thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết văn phòng đã gửi công văn hỏa tốc đến Hội Nữ doanh nhân Bình Thuận, đề nghị cung cấp thông tin các buổi sinh hoạt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Công văn này gửi đi sau khi có những thông tin trên Facebook cho thấy Hội nữ doanh nhân Bình Thuận có tổ chức các buổi sinh hoạt, liên hoan trong hai ngày 7 và 8/3. Những buổi này đều có liên quan đến bệnh nhân thứ 34. Trong khi đó nữ bệnh nhân lại cung cấp quá ít thông tin, theo lời giới chức địa phương.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận đề nghị Hội nữ doanh nhân Bình Thuận cung cấp đầy đủ thông tin những người tham gia các hoạt động này và cung cấp trong ngày 13/3 để kịp thời phân loại, cách ly.
Bệnh nhân thứ 34 có xét nghiệm dương tính với COVID – 19 sau khi từ Mỹ về Việt Nam và quá cảnh ở Hàn Quốc và Qatar hồi đầu tháng này.
Giám đốc sở Y tế Bình Thuận, ông Lê Văn Hồng, cho biết bệnh nhân đã có tiếp xúc gần với khoảng 20 người.
Hôm 12/3, Bình Thuận đã xác định thêm 5 ca dương tính có liên quan đến ca bệnh thứ 34, đưa số người nhiễm bệnh có liên quan đến ca bệnh 34 lên 8 người.
Trong khi đó, vào ngày 12/3, văn phòng và cửa hàng trưng bày của hãng cung cấp thiết bị vệ sinh Nhật Bản là TOTO tại thành phố Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa vì nhân viên hãng có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 hôm 3/3. Hãng này cho biết văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa đến ngày 17/3.
TOTO cũng cung cấp danh sách 41 người tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 34, trong đó có 40 người Việt và 1 người Nhật.
Tính cho đến chiều ngày 12/3, Việt Nam đã xác định 44 ca nhiễm COVID – 16, trong số này 16 ca đã được chữa khỏi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-scramble-to-find-people-who-contacted-34-th-coronavirus-patient-03122020080347.html

‘Tôi đi cách ly để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng’

Một người dân phố Trúc Bạch, Hà Nội, phải đi cách ly vì bị nghi nhiễm virus corona, nói với VOA rằng ông ‘hài lòng’ với điều kiện cách ly mặc dù có buồn chán, đồng thời nói ông ‘tin tưởng’ vào khả năng phòng dịch của chính quyền Việt Nam.
Hàng trăm người dân sống gần khu vực phố Trúc Bạch, nơi cô N. H. N., bệnh nhân Covid-19 thứ 17 của Việt Nam sinh sống, đã được yêu cầu đi cách ly ngay trong đêm 6/3 sau khi cô N. H. N. được xác nhận là dương tính với virus corona. Ca bệnh thứ 17 này đã phá vỡ chuỗi ngày dài của Việt Nam không có ca bệnh mới, dẫn đến một chuỗi liên tiếp các nhiễm mới ở quốc gia này.
Cho đến giờ, chỉ riêng ở Hà Nội, tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất này, đã thực hiện cách ly gần 2.600 người, theo số liệu báo mạng VnExpress đưa ra. Theo đó, các cơ sở quân sự, trại lính, các bệnh viện đều được trưng dụng làm cơ sở cách ly.
Ông Phạm Quang Long, một cư dân khu Trúc Bạch có nhà phía sau tư gia của bệnh nhân số 17, đã kể cho VOA nghe về trường hợp đi cách ly của ông mà ông gọi là ‘thực hiện trách nhiệm xã hội’.
‘Tìm cách trốn’
Ông cho biết ngay sau khi biết tin mình sẽ bị cách ly, ý nghĩ đầu tiên trong đầu ông là ‘tìm cách trốn’.
“Một số bạn bè cũng nói với tôi rằng ‘Mày né đi’, ‘Mày trốn đi’. Nhưng khoảng chừng 30 phút sau, có người bên Ủy ban Y tế Quận Ba Đình gọi điện cho tôi. Lúc đó tôi hiểu rằng tình hình thực sự nghiêm trọng nên nếu mình muốn trốn cũng khó,” ông kể.
Ông nói ông đã giải thích với nhà chức trách rằng nguy cơ bị lây nhiễm của ông là ‘rất thấp’ vì ông không gặp bệnh nhân 17 bao giờ và xin được cách ly tại nhà thay vì bị đưa đi cách ly tập trung.
“Nhưng người ta giải thích với tôi rất rõ ràng rằng đó là quy định,” ông nói và cho biết ông được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
“Tôi bảo với họ rằng hãy để tôi sắp xếp công việc xong thì tôi sẽ về đi cách ly, họ trả lời là được,” ông Long, vốn là chủ nhà hàng Oak Wines ở Hà Nội, kể.
“Đến nửa đêm thì tôi mới về đến nhà để chuẩn bị hành lý đi cách ly,” ông nói thêm và cho biết ông bị công an phường chặn ngoài phố Trúc Bạch không cho vào cho đến khi ông trình giấy tờ chứng minh ông là cư dân trong phố.
“Đến 2 giờ sang tôi gọi lại cho họ. Chừng 10 phút sau thì có xe y tế đến đón.”
Theo lời ông Long thì điều kiện cách ly ở Bệnh viện Nhiệt đới ‘khiến ông ngạc nhiên’.
“Phòng ốc rất mới, rất đẹp, chăn, ga, nệm đầy đủ hết nhưng không có gối. Có Wifi thoải mái. Có điều hòa nhưng bác sỹ nói là không nên mở mà phải mở toang hết các cửa cho thoáng,” ông Long kể.
Ông cho biết là ông được cung cấp đồ dùng cá nhân và phục vụ cơm nước ‘đầy đủ’ và được cấp một chai nước suối 1,5 lít.
‘Miễn phí’
“Tôi được phát khẩu trang, cặp nhiệt độ, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng,” ông nói và cho biết các bữa ăn mà ông được phục vụ ‘ngon như cơm nhà’.
“Cơm nóng ấm, có món xào, món canh, món mặn, thật sự ngon,” ông nói. “Còn ăn sáng thì họ cho ăn bún hoặc phở.”
Về chăm sóc y tế, ông Long cho biết ngay sau khi vào, ông phải khai báo về y tế và đến sáng hôm sau có người được lấy dịch họng, dịch mũi để làm xét nghiệm.
Đến chiều cùng ngày, bác sỹ có thông báo ông cùng những người khác chuyển đến ‘phòng chung’ còn ‘phòng riêng chỉ dành cho nhóm bệnh nhân có nghi ngờ cao’.
“Bác sỹ nói là ‘an toàn’ rồi và chúng tôi được đưa xuống khu dưới nơi không chuẩn bị sẵn hệ thống máy thở”
Khi được hỏi về khả năng lây nhiễm chéo nếu có người nhiễm bệnh trong điều kiện cách ly tập trung như vậy, ông Long cho biết ‘tất cả mọi người đều cách nhau tối đa 2 mét và còn được yêu cầu phải đeo khẩu trang cả ngày trừ khi ăn’.
“Bác sỹ không coi tôi là bệnh nhân. Tôi được quyền hút thuốc, được quyền uống rượu. Nhưng bác sỹ nói rằng không nên ra ngoài hành lang vì có nhiều người ở đấy. Chừng nào mệt mỏi quá thì mới nên đi ra,” ông kể.
Ông cho biết lúc đầu ông có chuẩn bị đem theo một số tiền mặt nhưng đến nơi thì mới biết ‘tất cả hoàn toàn không mất tiền’.
Về mức độ ảnh hưởng đối với công việc, người chủ nhà hàng này cho biết ông có thể quản lý công việc thông qua mạng Internet.
“Mặc dù không sâu sát được 100% nhưng cũng được 70-80%. Vả lại tôi làm nghề dịch vụ, mùa dịch cũng không có nhiều khách để quá lo lắng.”
‘Không quá đà’
Khi được hỏi biện pháp cách ly đối với ông có ‘quá đà’ vì ông thuộc nhóm nguy cơ thấp – chưa từng tiếp xúc với ca bệnh thứ 17 cũng như rất ít gặp hàng xóm (theo lời ông thì ông thường về nhà rất khuya và sáng đi làm chứ không nói chuyện với ai), ông nói Việt Nam tất cả mọi thứ được như bây giờ (kiểm soát được dịch) là ‘nhờ biện pháp quyết liệt’.
“Tôi biết là cách ly tôi như vậy, phòng ốc như vậy, người phục vụ như vậy, cả trăm con người bị cách ly như vậy thì chi phí rất là cao và hoàn toàn chính phủ trả,” ông giải thích. “Nhưng mình không biết
thế nào là làm quá hay không. Nếu như bỏ sót một người bệnh khiến bệnh lây lan thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.”
Ông nói rằng trong điều kiện tù túng như thế thì ông ‘cảm thấy chán chường’, ‘rất oải vì chỉ nằm suốt’ và ‘cảm thấy thời gian rất dài’.
Ông cho biết do dự trù trước thời gian cách ly sẽ kéo dài nên ông có đem theo ‘rượu, đàn’ và ‘người nhà có gửi trà, cà phê vào’ để cho ông có thể giết thời gian.
“Không ai muốn bị bó buộc như vậy hết, nhưng đối với tôi đó là trách nhiệm với cộng đồng nên phải làm,” ông nói.
Ông cho biết đến hôm sau khi mọi việc đã ổn thì ông mới gọi điện báo cho vợ con ông hiện đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh ‘để mọi người được yên tâm’.
‘Tin vào chính quyền’
Về quyết tâm của chính quyền trong việc phòng chống dịch bệnh, ông Long nói ông ‘rất tin’.
“Cái gì khác thì có thể tôi không tin nhưng riêng việc chống dịch bệnh thì tôi rất tin chính quyền,” ông nói và dẫn ra các đợt bùng phát dịch khác mà Việt Nam đều đã từng đẩy lùi như dịch SARS và dịch cúm gia cầm.
“Ngay cả dịch SARS cách nay 17 năm thì Việt Nam là nước đầu tiên dập được dịch,” ông dẫn chứng những lý do khiến ông tin tưởng. “Đến nay chưa có ai tử vong (vì Covid-19 ở Việt Nam). Chỉ sau thời gian ngắn chính quyền có thể truy ra bao nhiêu người đã đi cùng, đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính.”
Ông giải thích là do mô hình chính quyền Việt Nam nên ‘người dân dễ dàng chấp thuận khi bị buộc cách ly’.
“Chính phủ Việt Nam đã có quá nhiều bài học về dịch bệnh nên họ đã xây dựng hệ thống phòng dịch chặt chẽ từ làng xã,” ông nói thêm. “Một xã có bao nhiêu dân đâu nên có cái gì đó xảy ra thì cách ly và xử lý được ngay.”
Khi được hỏi công tác cách ly có chỗ nào không tốt, ông Long nói ‘có phòng có tivi, có phòng không’. “Điều đó dẫn đến cảm giác hơi bị ganh tị với nhau,” ông nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng bác sỹ không nên nói là an toàn sau kết quả xét nghiệm ban đầu là âm tính. “Nếu nói như vậy thì mọi người tưởng rằng có thể phá bỏ những quy tắc phòng dịch vì âm tính chưa chắc hoàn toàn âm tính mà phải đợi 14 ngày sau mới biết được,” ông giải thích.
Ông đề xuất là nên tránh dùng từ ‘cách ly’ vì từ đó ‘gợi lên cảm giác rất nặng nề’.
“Giống như là cách ly xã hội đối với những người tù tội khiến chúng tôi có cảm giác tội lỗi gì đó. Ai cũng có cảm giác sợ hãi, e dè, nên giấu kín với mọi người xung quanh,” ông giải thích.
“Nên chăng gọi là ‘thực hiện trách nhiệm cộng đồng’ thì người bị cách ly cũng cảm thấy thoải mái hơn vì họ sẽ không có cảm giác là người có thể gây họa cho cộng đồng.”
Khi được hỏi ông có oán trách người hàng xóm của ông là bệnh nhân thứ 17 vốn khiến cho ông và nhiều người khác bị vạ lây, ông nói: “Oán trách là đương nhiên nhưng đó không phải là sự cố ý. Dịch bệnh không thể kiểm soát hết được. Không có cô N. này thì sẽ có cô N. khác.”
“Bây giờ có làm gì cô ấy thì cũng không giải quyết được gì hết. Còn nếu xem xét trách nhiệm thì đó là việc của pháp luật,” ông nói.
Ông nói rằng bất cứ người nào có khả năng nhiễm bệnh ‘hãy thành thật khai báo y tế và chịu cách ly’ vì đó ‘trách nhiệm với cộng đồng’ ở bất kỳ nước nào.
https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%B4i-%C4%91i-c%C3%A1ch-ly-%C4%91%E1%BB%83-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-v%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-/5323492.html

Virus corona: Hàng chục du khách bị cách ly ở Việt Nam

Thanh Phương
Theo hãng tin AFP hôm nay, 12/03/2020, hàng chục du khách, trong đó có một nhóm 25 du khách Hà Lan, đã bị cách ly ở Việt Nam, do chính phủ thi hành những biện pháp gắt gao hơn nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.
Hiện không có số liệu chính thức nào được công bố về những du khách ngoại quốc đang bị cách ly ở Việt Nam. Báo chí chính thức có nêu con số hàng chục du khách, trong đó có một số đến từ Hàn Quốc, một trong những quốc gia bị dịch nặng nhất thế giới.
Một nhóm 25 du khách Hà Lan, đi cùng chuyến bay với một người có thể bị lây nhiễm virus corona, hôm Chủ Nhật vừa qua đã bị cách ly trong 14 ngày tại một trường học ở Hội An.
Mười ba du khách gồm người Bỉ, Ireland, Thụy Sĩ và Phần Lan cũng đã bị cách ly tại Hội An. Các du khách Pháp thì bị cách ly trên một đảo ở miền nam Việt Nam.
Tính từ đầu tháng 2, ở Việt Nam, gần 25 000 người đã bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Để ngăn chận dịch Covid -19, chính quyền Việt Nam đã tạm đóng nhiều địa điểm du lịch, trong đó có Vịnh Hạ Long nổi tiếng, mỗi năm vẫn tiếp đón hàng triệu du khách. Hà Nội cũng đã tạm ngừng miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân của 7 nước Liên Hiệp Châu Âu ( Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Anh ), sau khi đã áp dụng biện pháp này với Ý từ cách đây nhiều ngày.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200312-virus-corona-h%C3%A0ng-ch%E1%BB%A5c-du-kh%C3%A1ch-b%E1%BB%8B-c%C3%A1ch-ly-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam

Tin tổng hợp 12/3: 4 ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội

 tiếp xúc gần với 191 người;

Miền Trung nắng nóng diện rộng

Tâm Tuệ
4 ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tiếp xúc gần với 191 người
Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ Sở Y tế Hà Nội, 4 trường hợp dương tính với COVID-19 tại Hà Nội, có tổng cộng 191 người tiếp xúc gần. Trong đó, có 43 người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 N.H.N, có 18 người tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 18 D.Đ.P, có 14 người tiếp xúc với L.T.H và có 116 tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 21.
Đối với trường hợp tiếp xúc gián tiếp (F2), tính đến thời điểm này, Sở Y tế đã xác định có 569 trường hợp. Tất cả bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết TP đang giám sát và theo dõi 2.325 người được cách ly tại cộng đồng và hơn 2.400 trường hợp đang được cách ly tập trung.
Về chuyến bay VN54, Sở Y tế cho biết, số người trên chuyến bay là 217, số người đang lưu trú tại Hà Nội là 49 và đã được cách ly toàn bộ.
Việt Nam dừng miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu
Tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chính phủ đồng ý tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 00:00 ngày 12/3/2020.
Đồng thời, Việt Nam tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại các nước nêu trên.
Trước đó, từ 0h ngày 3/3, Việt Nam đã tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Italia và tạm dừng việc đơn phương miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/2/2020. Chính phủ cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng.
Không tăng giá điện đến hết quý II
Báo VnExpress cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực, Vụ Thị trường trong nước tính toán, chưa tăng giá điện trong quý I và II nhằm giúp doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đây là những mặt hàng đầu vào của sản xuất, vì thế sẽ tác động không nhỏ tới kinh doanh của doanh nghiệp nếu tăng giá.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý; hoàn thành, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/3.
Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, giá bán điện hiện có nhiều khung, mức khác nhau cho từng nhóm khách hàng. Giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối…) làm giá tăng 3% trở lên so với hiện hành.
Gần nhất, Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,6% từ ngày 20/3/2019, lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) sau khi được Chính phủ đồng ý và được duy trì từ đó đến nay.
Giá vàng liên tục lao dốc mạnh
Theo khảo sát của bảo Zing, giá vàng miếng SJC sáng nay (12/3) tiếp tục sụt giảm về mức 47,25 triệu đồng/lượng, so với đầu tuần, giá kim loại quý trong nước đã giảm 1 triệu đồng/lượng.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) giảm giá bán 200.000 đồng/lượng tại các cửa hàng khu vực TP. HCM hiện ở mức 47,25 triệu đồng/lượng, chiều mua giảm ở mức 46,65 triệu/lượng.
Tại Hà Nội, SJC cũng điều chỉnh giảm giá cả 2 chiều nhưng giá bán ra hiện vẫn cao hơn TP. HCM 20.000 đồng, đạt 47,27 triệu/lượng.
Hiện các cửa hàng của doanh nghiệp niêm yết giá ở mức 46,7-47,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá bán tại DOJI hiện cũng là mức thấp nhất thị trường trong nước.
Miền Trung nắng nóng diện rộng
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương phát đi bản tin dự báo nắng nóng diện rộng tại miền Trung. Hiện, rãnh áp thấp có trục nối với áp thấp phía tây đang phát triển và mở rộng về phía đông.
Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có nắng nóng cục bộ. Đến ngày 13/3, rãnh áp thấp sẽ bị nén và dịch dần xuống phía nam nên nắng nóng tiếp tục phát triển diện rộng. Các tỉnh Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nền nhiệt tăng nhanh lên ngưỡng cao nhất, có nơi 37 độ.
Tuy nhiên, nắng nóng cao điểm chỉ kéo dài trong một ngày sau đó nền nhiệt dịu đi nhanh. Thời kỳ này, thời tiết tại miền Bắc thay đổi liên tục nên người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe và tăng cường sức đề kháng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cơ quan khí tượng cho biết trong 10 ngày tới, thời tiết tại miền Bắc cũng thay đổi liên tục do đón các đợt lạnh ngắn ngày. Đặc điểm của các đợt lạnh này là gây mưa dông, trời rét trong khoảng 1-2 ngày và nền nhiệt tăng nhanh ngay sau đó.
https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-12-3-4-ca-nhiem-covid-19-tai-ha-noi-tiep-xuc-gan-voi-191-nguoi-mien-trung-nang-nong-dien-rong.html

TPHCM lập thêm 2 điểm cách ly tập trung

Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa lập thêm 2 khu cách ly tập trung phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Hai khu này được cho biết ở Củ Chi và Nhà Bè.
Thông tin vừa nêu được Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) TP HCM cho báo chí biết hôm 11/3 và cho biết khu cách ly tập trung có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn cho những người được cách ly tập trung.
Hai khu cách ly tập trung được lập tại trụ sở Trung đoàn 10, số 25 đường Phạm Thị Quy, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và trụ sở khu C, Trường Quân sự TP, ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Cũng trong ngày 11/3, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê3 cho biết, hiện tại các bệnh viện tư ở Hà Nội sẽ không được giữ bệnh nhân mắc Covid-19  lại điều trị.
Ông Khuê nói thêm, nhiệm vụ của các bệnh viện tư là phát hiện sớm, cách ly kịp thời, chuyển người bệnh đến đúng địa điểm tập trung, cách ly.
Cũng tin liên quan, hôm 11/3, tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và một số tỉnh, thành khác đã có quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh duy nhất cho HS nghỉ đến ngày 4 tháng 4.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học đến hết thứ Bảy ngày 4/4.
Tỉnh Bình Thuận cho học sinh các cấp nghỉ học từ hôm nay 11/3 đến khi có thông báo mới. Nhiều tỉnh, thành khác như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam… cũng đã thay đổi lịch nghỉ học do xuất hiện số ca nhiễm mới của dịch COVID-19.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân 8 nước Châu Âu đang có dịch COVID-19 là Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Nghị Quyết có hiệu lực từ 0:00 giờ ngày 12 tháng 3.
Trước đó hôm 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi đến quyết định như vừa nêu vì những lo ngại bùng phát dịch bệnh do chủng virus Corona mới gây ra.
Về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, số nhiễm bệnh tại Ý vượt quá 10 ngàn người nhiễm. Tính đến sáng ngày 11-3-2020, số người chết vì sự bùng phát của virus Corona chủng mới ở nước Ý đã tăng 36%, lên đến 631 người chết so với số 168 trước đó.
Theo hãng tin Reuters, quốc gia châu Âu này đang có số người nhiễm đứng đầu Châu Âu và đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trunbg Quốc.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, trong số những người bị nhiễm ban đầu, có 1004 ca đã hồi phục hoàn toàn và 877 người đang phải chăm sóc đặc biệt.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hsmc-established-2-more-quarantine-locations-03112020093555.html

7 tỉnh, thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học

Sở Giáo dục-Đào tạo 7 tỉnh, thành tại Việt Nam trong ngày 12/3 thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3 để tránh dịch COVID-19. Truyền thông trong nước loan tin này cùng ngày
Bảy tỉnh, thành này bao gồm Vĩnh Long, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hậu Giang và Quảng Bình.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết định cho học sinh khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học đến hết ngày 4/4.
19 trường đại học (chủ yếu tại TPHCM) và hai học viện cũng cho sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3.
Lý giải về nguyên nhân cho sinh viên tiếp tục nghỉ học, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết do dịch bệnh đang lan rộng, sinh viên lại đến từ nhiều nơi nên việc đi học lại sẽ rất nguy hiểm.
Với việc nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch do đó, năm nay sinh viên sẽ không được nghỉ hè và trường cũng không tổ chức học kỳ hè.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/student-in-7provinces-cities-continue-taking-off-school-03122020082621.html

Toà Án Tối Cao Cộng Sản Việt Nam

 dừng các phiên toà vì dịch coronavirus


Nguyễn Tú/THANH NIÊN
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 11 tháng 3 năm 2020 loan tin, Toà án nhân dân tối cao Cộng sản Việt Nam vừa ra văn bản hoả tốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc toà tối cao tạm dừng các phiên toà, các phiên họp đang trong thời hạn giải quyết cho đến khi hết dịch coronavirus 19. Nội dung mà Chánh an toà tối cao yêu cầu những cấp dưới là tạm dừng nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ, và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở các toà án.
Thay vào đó là những người dân sẽ gửi đơn, tài liệu cho cơ quan này qua đường bưu điện. Ngoài ra, các phiên toà, phiên họp, việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến toà trong các vụ án đều được tạm dừng. Chỉ có trường hợp đặc biệt như sự việc đã hết thời hạn giải quyết, và bắt buộc phải mở phiên toà, phiên họp thì mới được thực hiện. Toà án tối cao cũng thông báo, đơn vị này sẽ tạm dừng tất cả các đoàn đi công tác, học tập ở ngoại quốc trong thời gian còn dịch coronavirus 19. Những người này chỉ được đi khi có sự cho phép của ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án toà tối cao.
AN
https://www.sbtn.tv/toa-an-toi-cao-cong-san-viet-nam-dung-cac-phien-toa-vi-dich-coronavirus/

Nhiều nhà hàng chật vật khi coronavirus

biến Seattle thành thành phố ma

Tiệm bánh Pike Place nằm trong khu vực thu hút đông du khách ở Seattle. Nhưng gần đây, toàn bộ khu vực trông như một thành phố ma. Do lo lắng dịch coronavirus, các viên chức khuyến khích mọi người không tụ tập nơi đông người, dẫn tới việc Piroshky Piroshky và các nhà hàng khác phải vật lộn với sự sụt giảm khách hàng. Ca nhiễm coronavirus đầu tiên ở Hoa Kỳ là một người đàn ông sống gần Seattle, và tiểu bang này có nhiều ca tử vong nhất trên toàn quốc với 24 người.
Một số nhà hàng đang cố gắng thay đổi để thích nghi với nhu cầu làm việc tại nhà của khách hàng để tránh nguy cơ nhiễm coronavirus. Các nhà hàng khác, như Pagliacci Pizza, đang cung cấp dịch vụ giao hàng không tiếp xúc, nhà hàng sẽ giao thức ăn và để ở trước cửa nhà khách hàng. Hoặc quán Bluwater Bistro tại Leschi đang cung cấp bổ sung một vitamin Emergen-C khi đặt nước của họ. Một số quán ăn phải cắt giảm nhiều giờ làm việc do nhu cầu giảm, trong khi một số khác phải đóng cửa tạm thời. Trên trang Facebook, quán cà phê Tempesta đã tạm thời đóng cửa “do các tác động xã hội và kinh tế” của coronavirus.
Hôm thứ Ba (10/03/2020) thống đốc Washington, Jay Inslee đã công bố các quy tắc mới và mở rộng của Bộ An ninh Việc làm Washington để giúp đỡ cho công nhân viên và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Công nhân viên sẽ có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu nơi làm việc của họ cần giảm thời gian làm việc hoặc đóng cửa tạm thời, do công nhân viên bị bệnh hay cách ly do coronavirus.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nhieu-nha-hang-chat-vat-khi-coronavirus-bien-seattle-thanh-thanh-pho-ma/

Gần 3/4 doanh nghiệp sẽ phá sản

nếu dịch Covid-19 kéo dài đến 6 tháng

Cục Thuế Hà Nội ngày 12/3 cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có hơn 3.000 hộ kinh doanh giải thể, tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Cụ thể, trên 1.089 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 2.351 hộ tạm nghỉ kinh doanh.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà trong ngày 12/3 một số lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Sun Group, BRG, Thaco, Vietjet…cũng chia sẻ những khó khăn trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đó, Cục hàng không (Bộ Giao thông) ước tính, hàng không VN có thể thiệt hại 25 ngàn tỉ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ). Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT cho biết trên Vnexpress rằng 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, do họ không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, tiền thuê mặt bằng…Bên cạnh đó, khoảng 30% doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% thậm chí doanh thu bị giảm hơn một nửa.
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Ông nói, lúc này mỗi doanh nghiệp, tập đoàn phải là “pháo đài” cùng Chính phủ phòng, chống dịch.
Ông Phúc cho hay Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm… với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ở một diễn biến khác liên quan đến dịch COVID-19, trong ngày 12/3, hai khu du lịch lớn tại Lai Châu gồm khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Ô Quy Hồ và Cầu kính Rồng Mây thông báo ngừng đón khách. Lãnh đạo thành phố Hội An cũng cho biết thành phố tạm dừng bán vé tham quan phố cổ và phố đi bộ từ ngày 12/3 đến 31/3.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/74-percent-enterprises-to-bankrupt-if-covid-19-lasts-up-to-6-months-03122020083519.html

Nhạc sĩ nói về việc bỏ ”Vũ Hán” khỏi lời bài ‘Ghen Cô Vy’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Sáng 10/3, bài hát gây hiệu ứng truyền thông trên thế giới ‘Ghen Cô Vy’ được đăng lại trên kênh Youtube của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường với phiên bản tiếng Việt mới. Cụ thể, từ “Vũ Hán” trong bài hát đã bị bỏ ra.
‘Ghen Cô Vy’ là ca khúc được nhạc sĩ Khắc Hưng viết lại lời từ bản hit Ghen (2017) của Min và Erik.
Với thông điệp kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, bài hát gây chú ý khi được khen ngợi trong chương trình talk show của John Oliver trên kênh HBO.
Ca khúc còn được UNICEF – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – chia sẻ rộng rãi cùng với đoạn vũ đạo của vũ công Quang Đăng. Mới đây nhất ‘Ghen Cô Vy’ vừa được đài truyền hình Pháp và tạp chí Đức đưa tin, đồng thời phóng viên Iran cũng đề nghị muốn chuyển ngữ ca khúc.
Hôm 4/3, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách của TikTok Việt Nam cho BBC News Tiếng Việt biết, ‘Vũ điệu rửa tay’ với nhạc nền ‘Ghen Cô Vy’ đã có 14 triệu lượt xem tại Việt Nam, với hơn 7.000 video được đưa lên mạng.
Sửa lời vì nhạy cảm
Ở phiên bản tiếng Việt mới này, lời bài hát chỉ duy nhất được sửa đổi ở đoạn có nhắc đến thành phố Vũ Hán với ý nghĩa là quê hương của virus corona. Cụ thể, ở giây thứ 20, lời nguyên thủy của bài hát là “Em ở đâu? Quê của em ở Vũ Hán” hiện đã được đổi thành: “Bao ngày qua em tạo ra bao sóng gió.”
Như vậy, với sự thay đổi lời này, tên thành phố Vũ Hán, được coi là nơi xuất phát của chủng virus mới Covid-19 đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi bài hát.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 11/3, nhạc sĩ Khắc Hưng, người sáng tác ca khúc ‘Ghen Cô Vy’ xác nhận là đã thay đổi một chút lời tiếng Việt:
“Tôi chỉ chỉnh sửa một chút để mọi thứ đỡ nhạy cảm vì việc tuyên truyền cần có sự chính xác và khéo léo, tránh những vấn đề khác. Thông điệp chính của bài hát là để cho mọi người biết cách rửa tay đúng cách và bảo vệ sức khỏe, không phải các vấn đề khác”.
Về việc nên sử dụng phiên bản tiếng Việt cũ hay mới, nhạc sĩ Khắc Hưng chia sẻ:
“Việc này là quyết định và chỉ thị của Bộ Y tế, không phải việc mình muốn hay không. Tôi không chắc vấn đề nhạy cảm là gì vì Bộ Y tế bảo sửa. Riêng bản thân tôi luôn muốn đem tinh thần lạc quan nhất cho mọi người. Vì vậy, quan điểm của tôi là truyền đi thông điệp tích cực thì dù phiên bản nào thì thông điệp vẫn luôn ở đấy và mọi người sẽ tìm được ý nghĩa”.
Tôi chỉnh sửa một chút để mọi thứ đỡ nhạy cảm vì việc tuyên truyền cần có sự chính xác và khéo léo, tránh những vấn đề khácKhắc Hưng, Nhạc sĩ
“Khi viết, tôi được Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường và Bộ Y tế cung cấp nhiều tư liệu và đường hướng quý giá. Những tư liệu chỉ là con số nhưng đem lại cho tôi những xót xa. Những câu chuyện với đầy cung bậc cảm xúc của hạnh phúc và cả gian truân chính là niềm cảm hứng, nhất là với người trẻ như tôi. Những bác sĩ, nhân viên y tế, công nhân, người đang ngày đêm lặng lẽ phòng chống bệnh dịch khiến mình viết lời nó có hồn hơn”, nhạc sĩ trẻ nói.
Phiên bản tiếng Việt mới đã bỏ đi cụm từ “Vũ Hán” của bài hát ‘Ghen Cô Vy’ được đăng tải trên kênh Youtube của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường vào ngày 9/3. Sau đó, video này đã được chuyển thành chế độ không công khai.
Với việc chuyển từ chế độ công khai thành không công khai (Unlisted), video mới sẽ không hiển thị trong kết quả tìm kiếm, cũng như video có liên quan và video đề xuất.
Để xem được video này, bạn cần phải có đường liên kết của video mới có thể xem và chia sẻ. Tuy nhiên hôm nay 12/3, video với lời nhạc mới đã được đặt chế độ công khai trở lại. Đồng thời, video nhạc có nhắc đến Vũ Hán vẫn được giữ lại trên kênh Youtube của Viện này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/3, trong cuộc phỏng vấn trên CNBC và Fox News, Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi virus Covid-19 là “virus Vũ Hán” dù virus này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2 (SARS-CoV-2).
Theo tờ South China Morning Post, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích truyền thông và những người sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán” là “vô trách nhiệm”. “Bằng cách gọi nó là ‘virus Trung Quốc’ với ngụ ý về nguồn gốc của nó trong khi không có bất kỳ bằng chứng nào. Họ cố đổ trách nhiệm cho Trung Quốc. Dịch bệnh là một thách thức toàn cầu,” người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói.
Phiên bản tiếng Anh sắp trình làng
Theo lời nhạc sĩ Khắc Hưng, nội dung phiên bản tiếng Anh có thể sẽ ra mắt vào cuối tuần này được chuyển nghĩa sát với lời tiếng Việt ở phiên bản mới. “Lý do tôi muốn viết lời tiếng Anh vì tôi đọc tin tức vẫn thấy nhiều nơi vẫn khá thờ ơ việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Nên tôi muốn góp phần nâng cao ý thức mọi người hơn ở mức độ thế giới, nhất là khi tình hình dịch bệnh đã diễn biến toàn cầu” – nhạc sĩ trẻ nói.
Đồng hành viết lời tiếng Anh cho ca khúc ‘Ghen Cô Vy’, nhạc sĩ Mew Amazing, người nổi tiếng sáng tác các ca khúc hit như ‘Thật bất ngờ’, ‘Ừ thì’ cho biết: “Về đoạn nói về Vũ Hán, chúng tôi không để trong phiên bản tiếng Anh vì tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã mang tính toàn cầu, không còn quan trọng nó đến từ đâu”.
Là người chấp bút viết nhiều ca khúc cộng đồng, người đồng hành chương trình VietPride qua nhiều năm, Mew Amazing chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 11/3:
“Bây giờ dịch bệnh đang tiến sát đến gần mỗi quốc gia, mỗi con người, thì điều quan trọng hơn là ngăn chặn nó. Nên lời bài hát sẽ nhấn mạnh vào sự lây lan của virus Covid-19 và kêu gọi mọi người giữ sức khỏe, rửa tay đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân”.
Dịch bệnh đang tiến sát đến gần mỗi quốc gia, mỗi con người thì điều quan trọng hơn là ngăn chặn nó.Mew Amazing, Nhạc sĩ
“Thông điệp kêu gọi mọi người giữ vệ sinh an toàn trong mùa Covid-19 là điều được đặt lên hàng đầu khi thực hiện lời bài hát. Ekip thực hiện mong muốn đưa thông điệp này đến với tất cả mọi người, nhất là người ban đầu từ chối bài hát vì họ không hiểu tiếng Việt. Nếu phiên bản tiếng Anh được đón nhận hơn nữa thì là niềm hạnh phúc” – nhạc sĩ Mew Amazing thổ lộ.
Theo lời nhạc sĩ Mew Amazing, với phiên bản tiếng Anh này, cả ekip rất cật lực trong vòng hai ngày để “chạy đua” với thời gian để hoàn thiện bài hát: “Giữ những thông điệp trong bài hát đã rất thành công sang tiếng Anh sao cho nghe êm tai nhất là thách thức. Quan trọng là giữ được tinh thần bài hát và diễn giải lời một cách êm tai nhất. Với tôi thành công là mọi người cùng nhau thực hiện, đi qua những nan giải để bài hát mang tính toàn cầu được ra đời”.
‘Ghen Cô Vy’ và ‘Vũ điệu rửa tay’ – khi nhạc và múa tham gia chống dịch
Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý?
Chia sẻ thêm về sự thành công của bài hát, nhạc sĩ Khắc Hưng nói: “Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu và bài hát được đón nhận không chỉ bởi giai điệu, lời nhạc hay vũ đạo mà quốc tế còn dành lời ngợi khen với công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Đó là điều tôi cảm thấy tự hào nhất. Bộ Y tế đã làm rất tốt trong công cuộc này và tôi may mắn khi được đóng phần nhỏ trong chiến dịch”.
Vũ điệu Ghen Cô Vy lan tỏa toàn cầu
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Khắc Hưng cũng chia sẻ niềm mong muốn mọi người nghe đừng chỉ vì vui tai mà hãy cùng làm theo để giữ gìn sức khỏe: “Dù phiên bản tiếng Việt hay tiếng Anh thì 6 bước rửa tay cơ bản đều được lồng ghép khéo léo để mọi người làm theo. Đó là mục đích chính của bài hát và nỗ lực chung: tôi viết lời, chị Min và Erik hát, Bộ Y tế thúc đẩy truyền thông đến mọi kênh như Đại sứ quán các nước đồng lòng chia sẻ”, nhạc sĩ Khắc Hưng nhìn nhận.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51813996

Virus corona: Sân golf Vân Trì

‘có thẻ tiền tỷ’ tạm đóng vì bệnh nhân 21

Không chỉ du lịch mà một doanh nghiệp phục vụ khách hàng chơi golf, môn thể thao cao cấp ở Việt Nam, cũng trở thành là ‘nạn nhân’ của dịch Covid-19.
Câu lạc bộ Sân Golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội) thông báo về việc tạm thời đóng cửa sân này từ ngày 8/3 đến ngày 15/3 vì một khách đến chơi bị mắc virus corona dương tính.
Theo một trang web ở Việt Nam cho hay “Câu lạc bộ thông báo sân tạm thời đóng cửa từ 08/03 đến hết ngày 15/03/2020.”
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Virus corona từ Ý lây lan khắp châu Âu
Covid-19: Bệnh nhân 21 thu hút bình luận bức xúc ở VN
“Tất cả các bookings trong thời gian này sẽ tự động huỷ cho đến khi câu lạc bộ có thông báo mới thay thế.”
Lý do là bệnh nhân 21, mà các báo Việt Nam chỉ ghi tắt là N.Q.Th, người bay từ Anh về Nội Bài trên chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Covid-19, đã chơi goft tại Vân Trì hôm 06/03.
Hôm 9/03, báo Tuổi Trẻ viết rằng bệnh nhân số 21 “tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với gần 400 người”, khiến người đàn ông 61 tuổi, trở thành ‘super spreader‘ – kẻ siêu lây lan, ở nước này.
Được biết sân golf này đã cho tẩy rửa, khử trùng sau khi tin công bố sáng ngày 08/03 nói khách hàng trên là bệnh nhân thứ 21 dương tính với virus Covid-19.
Tuy nhiên, trước đó một hôm, vào ngày 07/03 sân golf vẫn mở cửa và đón một số khách hàng là quan chức vào chơi golf.
Trang vantrigolf.com.vn/membership-fees nó thẻ thành viên là từ 90.000 đến 132.000 USD (từ khoảng 1,8 tỷ VND đến hơn 3 tỷ VND), gấp nhiều thu nhập bình quân của dân Việt Nam (2.566 USD).
Được biết sân golf Vân Trì do vốn nước ngoài đầu tư 100%.
Tại sao lại chơi golf?
Các báo Việt Nam cho hay golf do vua Bảo Đại đem về Việt Nam năm 1920.
Có trang web viết, “không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, người ta vẫn gọi golf bằng những cái tên như “thú chơi quý tộc” hay “môn thể thao của người giàu”.
Trang VnExpress từng gọi đây là “môn thể thao của giới doanh nhân”.
Trong khi đó, ở Phương Tây, ý kiến về golf không đồng dạng như vậy.
Có ý kiến coi đây không phải là một thể thao (sport), mà chỉ là trò chơi (game).
Một số trang web, như lifeline24 ở Anh, trích dẫn khuyến nghị của ngành y tế, coi golf là một số trong 7 hoạt động có ích cho người cao niên.
Họ coi golf đứng thứ 5 trong số các môn thể thao hoặc thể dục “dành cho người già” (sport and fitness activities for older people).
Cũng vẫn có sự khác biệt lớn giữa giới chơi golf ở các nước có thu nhập cao và các nước đang phát triển.
Như đã nói trên, chơi golf ở Phương Tây là bộ môn được người cao tuổi, về hưu ưa chuộng, một phần vì giá thẻ thành viên khá rẻ.
Tại vùng Đông Nam Anh, để chơi golf chỉ cần chi khoảng 13,5 bảng/tuần, hoặc mua thẻ thành viên từ 500-1.500 bảng (645-1.900 USD) một năm, tùy tuổi của người đăng ký.
Đây không phải là khoản tiền lớn, tính trên thu nhập trung bình 34 nghìn bảng Anh/năm của dân vùng này.
Còn ở các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như một số sân golf ở Việt Nam, giá chơi một lần có thể tới 100 USD.
Thẻ thành viên chơi golf có thể từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, tùy thời hạn 5 năm, 7 năm hay suốt đời.
Trước đây, giới bảo vệ môi trường hay lên án trò chơi golf, coi đây là sinh hoạt trưởng giả, tốn đất nông nghiệp và nhất là nguồn nước tưới cỏ.
Một sân golf trung bình có 150 acre đất và ở các quốc gia có khí hậu khô thì tốn nhiều nước để tưới cỏ, và cây xanh xung quanh.
Tuy thế, gần đây, ý kiến về chuyện này đã thay đổi.
Nhiều sân golf ở Phương Tây sử dụng nhiều hơn vật liệu tái tạo khi xây cất và có chương trình ‘eco-friendly’, thân thiện với môi trường.
Một số hội chơi golf còn ghi kèm thẻ thành viên lời cam kết Xanh ‘green golfer pledge‘ để nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường.
Các bạn nhớ giúp BBC chia sẻ bài này vì có trường hợp trang web bị chặn, công chúng không tiếp cận được thông tin và nội dung liên quan đến dịch virus corona.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-51840427

Thư từ Mỹ: Việt kiều làm gì khi Cô Vi tấn công?

Bùi Văn PhúGửi đến BBC từ California
Nạn dịch Covid-19 đã lan tràn khắp nơi trên thế giới, hơn trăm quốc gia có người nhiễm bệnh, trừ miền băng giá Antarctica. Tổ chức Y tế Liên Hiệp Quốc đã chính thức gọi đây là đại dịch toàn cầu.
Tôi gọi corona virus là Cô Vi, một vi-rút nguy hiểm cho sức khoẻ của con người, bùng phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm 2019. Nhân loại lo lắng vì chưa có thuốc tiêm chủng phòng ngừa, chưa có cách chữa.
Trung Quốc với 8 vạn người bị nhiễm và hơn 3 nghìn tử vong, sau đó là Hàn Quốc, Ý, Iran mỗi nước có gần vạn người bị lây nhiễm, hàng trăm tử vong.
Số người nhiễm Cô Vi tại Hoa Kỳ cũng đã lên hơn 1200, với 38 tử vong trong 40 tiểu bang, theo số liệu cập nhật tối thứ Tư 11/3. Quận King ở tiểu bang Washington có nhiều ca nhiễm nhất, gần 400 người và 26 tử vong hầu hết từ một nhà dưỡng lão. Tiểu bang Washington cũng là nơi phát hiện ca nhiễm Cô Vi đầu tiên tại Hoa Kỳ vào ngày 21/1.
California đã có 157 ca và hai tử vong. Vùng Vịnh San Francisco với 9 quận hạt là nơi có nhiều người nhiễm nhất. Riêng Quận Santa Clara với thành phố chính là San Jose có số người nhiễm vi-rút cao nhất, 45 người, có một người chết.
Tình hình quanh vùng đang giao động lên từng ngày vì sự lây nhiễm trong cộng đồng đã có, tức là những người mắc phải vi-rút này đã không du lịch đến những nơi có lây lan nhiều như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ý trong thời gian qua.
Nhiều nơi bán gạo, chất chùi tay, nước uống, giấy đi cầu vào hai cuối tuần qua đã có đông người xếp hàng mua để dự phòng. Điều xấu hổ là có nhiều người châu Á nói chung, người Việt nói riêng vào Costco đẩy xe ra chất quá nhiều những mặt hàng trên. Nhiều siêu thị sau đó phải giới hạn số lượng một khách hàng được mua.
Gạo thương hiệu Ba Cô Gái từ Thái Lan mà nhiều người Việt quen ăn đã hết sạch ở nhiều siêu thị trong những khu dân cư có đông người Việt.
Trong khi có siêu thị Lee’s ở San Jose lại đẩy giá lên cao ngất ngưởng, từ bình thường 40 đôla cho một bao gạo 50 cân Anh, lên 70 đôla. Khách hàng đưa biên nhận lên tố cáo tiệm tăng giá bất hợp pháp, chủ tiệm lo sợ bị nhà nước phạt ít nhất 10 nghìn đôla và có thể bị tù nữa nên đã vội vàng lên sóng phát thanh để thanh minh, xin lỗi và hoàn trả tiền sai biệt.
Sáng thứ Hai 9/3 nhiều công ti đã cho nhân viên làm việc ở nhà, qua internet, như Facebook, Apple.
Cô Vi hiện đang làm nhiều người lo không có thu nhập để chi tiêu trong những ngày tới. Kỹ nghệ du lịch, bán vé máy bay, cửa hàng ăn uống, khách sạn và những dịch vụ liên quan đang trong khủng hoảng, không biết bao giờ mới phục hồi.
Sáng nay du thuyền Grand Princess cũng được phép vào bến, đậu ở cảng Oakland, sau nhiều ngày lênh đênh ngoài khơi, để khoảng 2500 du khách được lên bờ. Trên tầu đã có 21 người được xác định nhiễm bệnh sau khi lấy mẫu thử 46 người có triệu chứng.
Du thuyền đã có người mắc bệnh mấy tuần trước, trong chuyến đi từ California xuống Mexico. Sau đó tầu cập bến San Francisco, đón khách cho chuyến du hành trên biển đến Hawaii.
Một cụ ông 71 tuổi nhiễm vi-rút trên tầu trong chuyến du hành xuống Mexico, về lại nhà ít hôm rồi qua đời ở bệnh viện gần thủ phủ Sacramento.
Du thuyền Grand Princess trên đường đi Hawaii thì nhiều người có dấu hiệu bị vi-rút Cô Vi. Cơ quan y tế Hoa Kỳ cho máy bay trực thăng ra để lấy mẫu xét nghiệm 46 ca, kết quả 21 người bị dương tính, 19 là nhân viên làm việc trên tầu và 2 du khách. Điều đó cho thấy Cô Vi đã có trên tàu từ chuyến du hành trước.
Trưa thứ Hai 9/3 tàu vào cảng Oakland. Những người bệnh được đưa đi trước, còn lại 2500 người, nếu là cư dân Mỹ thì phải cách li 14 ngày tại những căn cứ quân sự, hay khách sạn, nhà trọ được chính quyền liên bang và tiểu bang chỉ định. Du khách nước ngoài được đưa lên máy bay về nguyên quán.
Thống đốc California Gavin Newsom trong họp báo trưa thứ Ba 10/3 cho biết trên du thuyền có công dân từ 54 quốc gia và cư dân của 24 tiểu bang Hoa Kỳ.
Tình hình phòng chống đại dịch Covid-19 ở vùng Vịnh San Francisco trở nên khẩn trương khi Đại học UC Berkeley, UC Santa Cruz, Đại học Stanford, San Francisco State U., San Jose State U. và nhiều trường khác đã chuyển hầu hết các lớp học trực tiếp với giáo sư sang học trên mạng (online) để sinh viên có thể học từ nhà.
Giáo phận San Francisco đã cho 90 trường công giáo từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 nghỉ hai tuần.
Còn các trường công, vấn đề cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 nghỉ học không đơn giản vì liên quan đến thời biểu làm việc của phụ huynh và sự an toàn của trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở xuống không được ở nhà một mình, nên nhiều sở học chánh chưa có quyết định. Cho đến lúc này, chỉ trường nào có một học sinh nhiễm vi-rút Cô Vi thì bắt buộc phải đóng cửa ngay.
Liên đoàn Bóng Rổ Hoa Kỳ đã ra thông báo hoãn các trận đấu vì vận động viên Rudy Gobert bị nhiễm vi-rút. Nam diễn viên Tom Hank và vợ cũng bị nhiễm và đang được điều trị. Thượng Nghị sĩ Ted Cruz từ tiểu bang Texas đang tự cách li vì có tiếp xúc với một người mang dương tính vi-rút tại một hội nghị tuần trước.
Đối với những nước độc tài thì dù nhà nước đưa ra cách phòng nhiễm ra sao, người dân không có quyền phản đối, như tại Trung Quốc, nếu không muốn vào tù hay mất tích. Chính sách kinh tế có ảnh hưởng xấu do nạn dịch gây ra thế nào thì người dân cũng không dám lên tiếng phản đối.
Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý?
Covid-19: Xét nghiệm của VN đã thực sự chính xác?
Virus corona: Ai, đang làm gì, ở đâu, để chặn dịch?
Trong các quốc gia tự do dân chủ, nhà nước phải minh bạch trong chính sách. Truyền thông và người dân sẽ đặt vấn đề trực tiếp với lãnh đạo.
Lãnh đạo Mỹ bị chỉ trích đã không đưa ra những biện pháp ngăn ngừa dịch sớm hơn hay không minh bạch trong cách phòng ngừa, chữa trị. Tổng thống Donald Trump không tin là đại dịch sẽ lan tràn trên đất Mỹ nên không có chính sách quyết liệt. Bạch Ốc chỉ đề nghị chi ngay 2 tỉ đôla cho việc phòng chống. Quốc hội sau đó đã chuẩn thuận 8 tỉ 300 triệu đôla cho việc này.
Một số nhà phân tích thì cho rằng nếu không có những biện pháp phòng chống quyết liệt hơn thì trong vòng hai tuần hệ quả có thể giống nước Ý, nghĩa là phải cách li cả nước.
Tối thứ Tư 11/3 từ văn phòng trong Bạch Ốc Tổng thống Trump đã nói chuyện với toàn dân và ông đưa ra một số biện pháp để đối phó với tình hình trong đó có cấm các chuyến bay đến các nước châu Âu, trừ Anh Quốc, trong vòng một tháng. Để giúp giới tiểu thương và những người bị ảnh hưởng kinh tế, chính phủ sẽ giảm thuế và cho mượn tiền để phục hồi doanh nghiệp.
Phản ứng của chính quyền có làm dân Mỹ hài lòng hay không, điều đó họ sẽ ghi nhớ trong kỳ bầu cử cuối năm nay.
Sự lây lan của Covid-19 ra toàn cầu, ảnh hưởng của nó không chỉ đơn thuần liên quan đến sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế.
Cô Vi từ Trung Quốc đã làm suy sụp kinh tế thế giới vì ảnh hưởng dây chuyền và tròng chéo của những chính sách toàn cầu hoá trong ba thập niên qua, khi Trung Quốc trở thành xưởng làm gia công để có hàng giá rẻ cho toàn thế giới tiêu dùng.
Lúc này vì nạn dịch Covid-19 mà công xưởng ở Trung Quốc không vận hành được, nên kinh tế thế giới đi xuống.
Hai tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước phát triển đã xuống thê thảm. Sau phiên giao dịch ngày thứ Tư 11/3, chỉ số Dow Jones của Mỹ chỉ còn 23,552 điểm so với 29,552 điểm cách đây đúng một tháng, xuống 20%.
Đó là hậu quả của thị trường chứng khoán đã quá nóng trong ba năm qua và đã đến lúc phải hạ nhiệt, kinh tế suy thoái theo chu kỳ cứ khoảng một thập niên một lần – như đã qua các năm 1987, 2000, 2008 – nên chứng khoán phải tuột giốc lúc này, hay đây là đòn kinh tế mà Tập Cận Bình nhắm vào Trump để trả thù?
Nếu xem như có chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong ba năm qua thì sự giảm sút chứng khoán trong mấy tuần qua là bài học cho lãnh đạo Mỹ. Tương lai chính trị của Tổng thống Trump tuỳ thuộc vào kinh tế Mỹ có sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay hay không.
Đến lúc này nhiều người đã nhận ra Trung Quốc không còn là một quốc gia nghèo, kém phát triển nữa. Từ ba mươi năm qua, chính sách kinh tế toàn cầu hoá của khối tư bản đã đưa Trung Quốc vào con đường phát triển, với hy vọng lãnh đạo đất nước đông dân nhất hành tinh này sẽ hội nhập toàn cầu trong tiến trình phát triển nhân bản, tôn trọng con người, nhưng điều đó đã không thành.
Sau ba thập niên, Trung Quốc vẫn là một quốc gia cộng sản về mặt chính trị. Dịch Covid-19 cho thấy những ai nói khác với chính sách nhà nước, đưa ra những dự báo trước về nguy hại của Cô Vi đều không được phép lên tiếng. Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát tất cả mọi thông tin bất lợi cho nhà nước.
Hậu quả từ Vũ Hán kinh hoàng ra sao và ảnh hưởng đến an sinh của nhân loại như thế nào đã cho thấy Trung Quốc nay vẫn có một chế độ độc tài làm cho thế giới lo ngại khi có những khủng hoảng toàn cầu cần chung nhau giải quyết.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51848256

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.