Tin Biển Đông – 04/04/2019
“Dân quân” TQ đang “phủ khắp đường chín đoạn”
Trung Quốc được cho là đang triển khai một lượng lớn dân quân trong màu áo ngư dân để chi phối hoạt động của các nước láng giềng trên Biển Đông.
Tư lệnh quân đội Philippines Benjamin Madrigal Jr. hôm qua cho biết các tàu cá của Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Tính từ đầu năm đến nay, con số lên tới 200 tàu.
Hồi đầu tháng ba, giới chức Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc ép ngư dân Philippines rời khỏi những bãi cạn nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ. Đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.
Trước đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018.
Trao đổi với VnExpress, Gregory Poling, Giám đốc AMTI, đánh giá các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ chỉ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Dù việc họ ngăn cản ngư dân Philippines không phải là sự kiện mới mẻ nhưng thể hiện “một điều bình thường mới”.
“Hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa”, ông Poling nói.
Phó giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines, nhận xét rằng trong các sách lược đối với ngư dân Philippines, Trung Quốc “lúc thả lỏng, lúc quấy rầy”. Từ khi Tổng thống Philippines Duterte lên nắm quyền, quan hệ với Trung Quốc được cải thiện. Có thời điểm ngư dân Philippines “được phép” tự do đánh bắt ở khu vực gần các bãi cạn và các thực thể khác ở Biển Đông. Nhưng các hoạt động của Trung Quốc ở Thị Tứ mới đây không phải điều gây ngạc nhiên. Bắc Kinh không thay đổi chiến lược.
Với lực lượng dân quân trên biển, Trung Quốc nhắm đến ba mục tiêu: thách thức yêu sách của các bên cùng có tranh chấp ở Biển Đông; mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh quanh các đảo và đá có tầm quan trọng chiến lược; sẵn sàng có chạm trán với bất cứ nước nào để giành quyền kiểm soát, Tiến sĩ Scott Romaniuk, Đại học Alberta, Canada nhận định.
Nói đến chiến lược dài hạn của Trung Quốc, ông Poling tin rằng mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là kiểm soát toàn bộ khu vực trên biển và trên không ở Biển Đông, nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, Bắc Kinh muốn các bên tranh chấp phải từ bỏ và ngừng theo đuổi các quyền kinh tế ở khu vực này.
Poling cảnh báo các dân quân Trung Quốc sẽ dần dần tác động đến hoạt động của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, đến khi hai nước “không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng Bắc Kinh kiểm soát khu vực”.
“Các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ cho phép các hạm đội dân quân, quân đội và hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở toàn bộ khu vực thuộc
đường 9 đoạn. Điều đó có nghĩa là Philippines và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng mọi hoạt động của mình sẽ bị các lực lượng Trung Quốc theo dõi và phản ứng”, Poling nói.
TQ ngang nhiên đưa 200 tàu áp sát đảo Thị Tứ
Philippines cho biết khoảng 200 tàu Trung Quốc đã được nhìn thấy xuất hiện gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines kiểm soát trái phép.
Hãng tin Bloomberg hôm nay 1/4 dẫn lời Tướng Benjamin Madrigal Jr., Tư lệnh quân đội Philippines, tuyên bố các binh sĩ của nước này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực đảo Thị Tứ.
Tướng Madrigal Jr. cho biết các tàu đánh cá Trung Quốc liên tục bị phát hiện xuất hiện gần đảo Thị Tứ. Tính từ đầu năm đến nay, con số này đã lên tới khoảng 200 tàu.
“Đây không chỉ là mối lo ngại đối với quân đội Philippines, mà còn của các cơ quan khác nữa, bao gồm lực lượng tuần duyên. Chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề này”, ông Madrigal nói với các phóng viên bên lề lễ khai mạc cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Philippines.
Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng về tuyên bố của tổng tư lệnh Philippines.
Đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc và Philippines. Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.
Hồi tháng 2, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), một đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy gần 100 tàu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ. Sự hiện diện của hàng loạt tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ diễn ra cùng thời điểm Philippines tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên hòn đảo tranh chấp này.
“Các tàu cá (Trung Quốc) hầu hết đều thả neo ở khu vực cách phía tây đảo Thị Tứ từ 2-5,5 hải lý, trong khi các tàu hải quân và tàu tuần duyên hoạt động xa hơn một chút về phía nam và phía tây. Việc triển khai tàu lần này cũng giống như các trường hợp trước đây cho thấy “chiến lược bắp cải” của Trung Quốc, tức là điều nhiều lớp tàu đánh cá, tàu hải quân và tuần duyên tới quanh khu vực tranh chấp”, báo cáo của AMTI cho biết.
Philippines cáo buộc
tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép gần đảo Thị Tứ
Philippines, vào ngày 4 tháng 4 lên tiếng cho rằng sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Thị Tứ đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông là “bất hợp pháp”.
Cáo buộc vừa nêu của Manila được cho là hiếm hoi vì Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trong thương mại và đầu tư, thay vì tiếp tục lập trường đối đầu như trước đây dưới thời Tổng thống Benigno Aquino tiền nhiệm.
Quân đội Philippines cho biết trong 3 tháng đầu năm 2019 có ít nhất 275 tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại đảo Pag-asa (hay còn gọi là đảo Thị Tứ) do Philippines kiểm soát. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Phi cho rằng động thái này của Trung Quốc là bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Phi.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên Philippines, nước đang có các hoạt động xây dựng tại đảo.
Phát ngôn nhân Salvador Panelo của Tổng thống Duterte cho biết Philippines vào ngày 1 tháng 4 đã đệ đơn phản đối ngoại giao về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pag-asa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho báo giới biết Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vào hôm thứ Tư, ngày 3 tháng 4 và đã “trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng” về vấn đề này.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, là khu vực đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Khả năng bố trí hệ thống pháo
chặn Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông
Washington và Manila đang thảo luận về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực được nâng cấp của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 3 tháng tư loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ các chuyên gia an ninh khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay hai phía Hoa Kỳ và Philippines vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch được mang ra thảo luận vì hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ có thể quá đắt so với nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp của Philippines.
Dù chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch bố trí hệ thống pháo phản lực nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông; hai phía Hoa Kỳ và Philippines tiếp tục khẳng định mối quan hệ liên minh bền vững.
Lãnh đạo quốc phòng của hai nước đồng ý gia tăng các chiến dịch chung của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Philippines, hỗ trợ giúp Manila hiện đại hóa quân đội.
Vào tháng trước, ngoại trưởng Mike Pompeo của Mỹ cũng lên tiếng khẳng định sự vững chắc của liên minh Hoa Kỳ- Philippines. Lúc đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ mối đe dọa từ hoạt động bồi lắp nên những đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng của Trung Quốc.
Một chuyên gia an ninh nói với Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng rằng, hệ thống pháo phản lực HIMARS nếu được bố trí tại khu vực Biển Đông có thể bắn đến các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong cuộc tập trận Mỹ- Phi thường niên năm 2016.
Thông tin về thảo luận giữa Hoa Kỳ và Philippines về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực như vừa nêu được đưa ra khi Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) tại thủ đô Washington ra phúc trình với cảnh báo là ‘các chiến dịch tự do hàng hải’ của Mỹ thất bại trong việc buộc Trung Quốc phải thay đổi tại Biển Đông.
Tin loan đi lâu nay cho thấy Trung Quốc đã bố trí các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm tại ba đảo nhân tạo do bắc Kinh bồi lấp ở Trường Sa gồm Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
Tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông, mang theo tiêm kích F-35B
với số lượng “lớn chưa từng thấy”
Động thái này của tàu chiến Mỹ đã thu hút rất nhiều sự chú ý.
Business Insider đưa tin, tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của Hải quân Mỹ gần đây đã đi qua Biển Đông, trong hành trình tới Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan. Đáng chú ý là trên tàu có mang theo các tiêm kích tàng hình F-35 với số lượng “chưa từng thấy”.
Cụ thể, tàu Wasp mang theo ít nhất 10 chiếc tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II, nhiều hơn so với mức bình thường (6 chiếc).
Tàu USS Wasp sẽ tham gia cuộc tập trận Balikatan, trong đó “các lực lượng Mỹ và Philippines sẽ tiến hành các chiến dịch đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến đô thị, đường không và chống khủng bố”.
Cuộc tập trận thường niên này nhằm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra khủng hoảng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên tàu Wasp và các tiêm kích F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận Balikatan.
Theo Hải quân Mỹ, tàu Wasp và các tiêm kích F-35B đi cùng “cho thấy sự gia tăng trong năng lực quân sự của Mỹ nhằm cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.
Ngoài số lượng ít nhất 10 chiếc F-35B, tàu Wasp còn mang theo 4 máy bay cánh xoay MV-22 và 2 trực thăng MH-60S Seahawk. Thông thường, số lượng tiêm kích hạm và máy bay cánh xoay mang theo sẽ ít hơn mức này.
Business Insider nhận định, việc triển khai F-35 với số lượng lớn hơn thông thường có thể là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu triển khai tàu sân bay hạng nhẹ – một hướng tiếp cận, mà về mặt lý thuyết, có thể giúp tăng cường không chỉ quy mô lực lượng tàu sân bay của Mỹ, mà còn cả hỏa lực của chúng.
Song, đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng. Trong cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ đã mang theo tới 20 máy bay AV-8B Harrier, khiến chúng được gọi là “tàu sân bay Harrier”.
Tờ War Zone cho biết, các tàu đổ bộ tấn công kế nhiệm lớp Wasp thậm chí có thể mang từ 16-20 chiếc F-35 theo cấu hình tàu sân bay hạng nhẹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Thái độ của Mỹ và thế chênh vênh của Việt Nam
Xuân Nam, RFA
Bên lề hội thảo ‘Hoa Kỳ-Việt Nam: Hướng đến hợp tác chiến lược’ diễn ra ngày 3/4/2019 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington nước Mỹ, một trong những nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có một số bình luận sau với Đài Á Châu Tự Do RFA liên quan đến một số diễn biến ở Biển Đông.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại hội thảo, khi ông đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ – ông Randall G.Schriver, về việc làm thế nào đảo ngược vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông, ông đã không nhận được câu trả lời.
“Tôi có đặt câu hỏi là: “Theo một số chiến lược gia và chuyên viên Mỹ, Trung Quốc gần như kiểm soát được Biển Đông, trừ khi Mỹ chấp nhận chiến tranh với Trung Quốc”. Tôi hỏi ông nghĩ gì về bình luận đó thì ông ấy (Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ-PV) tránh không trả lời. Thì tôi thấy đó là những cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang có lợi thế rất nhiều ở Biển Đông, mà khó có thể đảo ngược lại được, trừ khi là đánh nhau. Tôi không nghĩ là Mỹ muốn đánh nhau lúc này. Mỹ không thấy là cần phải đánh nhau, bởi tương quan lực lượng khu vực không thuận lợi cho Mỹ. Đánh nhau thì có thể thắng nhưng tương quan lực lượng không thuận lợi và đánh để làm gì? Sau đó là cái gì…? Thì cũng không thấy rõ. Tôi nghĩ chuyện chiến tranh là Mỹ không có làm.”
Giáo sư Hùng cũng cho biết, gần đây việc không tiếp tục tham gia hiệp định TPP càng làm cho vị trí của Mỹ tại khu vực này bị hụt hẫng.
“Thí dụ như việc bỏ TPP làm cho Mỹ bị hụt hẫng, nó làm cho thế của Trung Quốc cao lên. “
“Sáng kiến Vành đai Con đường là một chiến lược lớn, lâu dài và rất nhiều tham vọng. Bởi vì nó không những đi qua Á Châu, Âu Châu, mà còn đi xuống tận Phi Châu.
“Mặc dù thời gian qua, việc thực hiện chiến lược này gặp khó khăn không ít do kinh tế Trung Quốc suy giảm; đồng thời bị nhiều nước nghi ngờ.”
Tuy nhiên, cục diện này gần đây có thay đổi khi Mỹ và đồng minh lâu năm Châu Âu ngày càng có nhiều điểm khác biệt. Giáo sư Nguyễn Manh Hùng cho biết tiếp:
“Gần đây, khi Ý – một trong 7 nước giàu nhất thế giới – chấp nhận “Một vành đai – Một Con đường”, và gần đây Âu Châu và Mỹ có nhiều mâu thuẫn và bất đồng vì chính quyền Trump, điều này đã khiến cho nước Mỹ ở một cái thế bất lợi. Bởi vì mình hơn người ta là vì mình có đồng minh trên thế giới, mà bây giờ đồng minh không tin tưởng, cần Mỹ nhưng không tin tưởng Mỹ, tôi thấy tình trạng này bất lợi cho Mỹ.”
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc như vậy làm cho thế đứng của Việt Nam rất chênh vênh, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
“Việt Nam ở trong một tình trạng rất là chênh vênh. Việt Nam muốn đứng giữa. Người ta nói trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Nó đánh nhau mình cũng chết, nhưng mà nó bằng lòng với nhau thì mình cũng có thể chết. Nó bán đứng mình thì cái thế đó rất là khó khăn. Phải có những đồng minh thật là tin cẩn.”
“Ngày xưa, trong các cuộc chiến tranh Đông Dương thì Trung Quốc là tin cẩn. Bây giờ thì Trung Quốc không còn là đồng minh nữa và có thể là một mối đe dọa, phải tìm đồng minh khác. Việt Nam đang có chính sách đa phương – đa dạng hóa mối quan hệ ngoại giao, nói chung là tốt, nhưng mà áp dụng như thế nào, thì phải thấy là cuối cùng phải có đối lực. “
“Đối lực ở đâu? Đối lực ở các nước Asean thì Việt Nam thích hơn là bởi vì thoải mái hơn, vì các nước cùng nhỏ với nhau cả, nhưng các nước Asean tình trạng hiện nay rất là chia rẽ. Mặt khác, Trung Quốc cố tình chia rẽ thì nó còn yếu hơn nhiều. Còn các đồng minh khác, nước Nhật hiện không thể làm đối lực khả tín đối với Trung Quốc. Chỉ có một đối lực khả tín nhất là nước Mỹ mà thôi.”
Nhưng vẫn đề đặt ra là lòng tin mà hai nước dành cho nhau như thế nào?
“Đối với nước Mỹ, Việt Nam thấy cần thiết, thế nhưng còn khá nhiều vấn đề. Thí dụ: lòng tin tưởng với nhau thì cũng không có nhiều. Thứ hai là chính quyền này người ta gọi là bất lường, không thể tiên đoán được; rồi lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược. “
“Thực ra là có mâu thuẫn nội bộ. Một số người ở quân đội chẳng hạn, quốc hội thì để ý đến vấn đề chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi ông Trump, và một hai cộng sự viên của ông ấy, thì lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược và thích trao đổi, thích thỏa thuận. Nếu trung Quốc có một cái deal nào thuận lợi, thì ông ấy có thể bỏ những cái bé để lấy những cái lớn. Cái đó là nguy hiểm cho các nước nhỏ ở Á Châu, Đông Nam Á.”
Với những diễn biến và thái độ của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:
“Thành ra đó là bài toán rất là khó khăn không những cho các chiến lược gia Việt Nam mà bất cứ một chiến lược gia nào trên thế giới.”
Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề không chỉ là lòng tin mà hai nước dành cho nhau khi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, mà quan trọng hơn là thái độ của nước Mỹ như thế nào trong mối quan hệ này.
Biển Đông: Sóng Gió
Trần Khải
Liên tục có vấn đề với ngư dân Việt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa… Trong khi đó, sức ép từ Phương Bắc không cho Hoa Kỳ hay các nước đồng minh kết thân quân sự với Việt Nam…
Bản tin Infonet hôm 3/4/2019 ghi rằng: Tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn tại vùng biển Trường Sa… Hình như tai nạn này không do tàu Trung Quốc quậy phá.
Trong khi đó, Việt Nam thú nhận rằng không dám nước nào cho thuê Cảng Cam Ranh…
Thông tấn Nga Sputnik ghi rằng: Vào ngày 23 tháng 5 năm 2018, trên mạng xã hội loan tin rằng, Việt Nam cho Trung Quốc thuê cảng Cam Ranh 10 năm, giá 50 tỷ USD, thông tin trên được Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Thảo cho biết trên báo GDVN.
Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động lấn chiếm, bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, được rất nhiều người quan tâm.
Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông, trở thành đề tài nóng trên hệ thống truyền thông trong nước và quốc tế.
Bờ biển VN, dài trên 3260 km không kể các đảo, từ Bắc vào Nam có nhiều cảng biển có giá trị cả về kinh tế và quốc phòng, như Vân Đồn thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc thuộc Kiên Giang…
Đặc biệt, là quân cảng Cam Ranh mang tầm chiến lược về quân sự, quốc phòng đối với khu vực Đông Nam Á, Biển Đông nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nói chung.
Bản tin Sputnik viết:
“Theo GDVN, có thể khẳng định, Quân cảng Cam Ranh được rất nhiều cường quốc trên thế giới đặc biệt quan tâm và mong muốn được Việt Nam cho thuê để sử dụng cho mục đích quân sự mang tầm chiến lược lâu dài.”
Tuy nhiên, Hà Nội không hề muốn cho “bất kỳ quốc gia nào thuê, mượn Quân cảng Cam Ranh hay một vùng đất, vùng biển nào khác phục vụ cho hoạt động quân sự trên Biển Đông.”
Trong khi đó, bản tin VOA loan tin rằng Mỹ có thể sẽ gửi hàng không mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm nay và cam kết giúp Hà Nội bảo vệ chủ quyền quốc gia giữa lúc Trung Quốc không ngừng các hoạt động quân sự hóa trên vùng Biển Đông có tranh chấp.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết như vậy hôm 3/4 tại cuộc thảo luận làm thế nào để Mỹ và Việt Nam có thể thúc
đẩy các mối quan hệ an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
“Hàng không mẫu hạm của chúng tôi đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh, và chúng tôi rất hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam cho chuyến thăm hàng không mẫu hạm lần thứ hai trong năm nay,” ông Schriver, người từng tháp tùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong chuyến thăm lần thứ 2 của ông tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái, nói tại buổi thảo luận ở CSIS.
VOA cũng nhắc rằng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, tàu USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong chuyến thăm 5 ngày và trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ.
“Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng đây có thể là một thông lệ cho mối quan hệ giữa hai nước. Đây sẽ là dấu hiệu của một mối quan hệ chín muồi và chiến lược. Chúng tôi sẽ làm việc chi tiết với các đối tác tại Việt Nam”, ông Schriver cho biết và nói thêm rằng Mỹ sẽ thảo luận chi tiết với Việt Nam về vấn đề này.
Chuẩn tướng Stephen Michael của Hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho biết hôm 3/4 tại buổi thảo luận ở CSIS rằng họ hy vọng sẽ có chuyến thăm thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chriver còn cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ có thể cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần tra thứ hai để giúp đỡ trong công tác an ninh hàng hải.
VOA nêu câu hỏi: Tại sao Mỹ phải đợi đến hơn một năm sau mới có thể đưa hàng không mẫu hạm thứ 2 tới Việt Nam?
Một trong những lý do đó là vì Việt Nam giới hạn các chiến hạm nước ngoài tới thăm, theo David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương.
Theo người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Trung Quốc có ảnh hưởng tới việc “Hà Nội có thể đi xa đến đâu” và “Việt Nam lắng nghe họ nhưng không nhất thiết làm theo tất cả những gì Trung Quốc muốn.” Tuy nhiên, theo ông Shear, đó là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của Hà Nội.
“Đó là vì sao Việt Nam hạn chế các tàu nước ngoài tới thăm Việt Nam chỉ một lần trong một năm,” cựu Đại sứ Shear nói. “Chúng tôi có thể linh hoạt với việc đó. Nhưng đó là lý do vì sao chúng tôi có thể không bao giờ có liên minh với Việt Nam.”
“Không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3” là một lập trường nhất quán của Hà Nội từ trước tới nay. Chính sách “ba không” của Hà Nội còn gồm có “không liên minh quân sự” và “không cho nước nào lập căn cứ quân sự tại Việt Nam.”
Mặc dù vậy, theo ông Shear, Mỹ mở ngỏ khả năng liên minh với Việt Nam nếu Hà Nội có mong muốn như vậy.
Cũng tại buổi thảo luận, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Schriver cho biết Mỹ “sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình, ngăn cản hành động gây hấn và đẩy mạnh an ninh khu vực và toàn cầu.”
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận tình hình: Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc.
Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 02/04/2019, Washington và Manila, gần đây, đã bàn bạc về khả năng Mỹ cho triển khai tại Philippines một loại pháo phản lực được nâng cấp để răn đe Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Theo tờ báo, đây là loại pháo phản lực cơ động cao gọi là tắt là HIMARS, nếu được triển khai ở Philippines, sẽ đặt các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát ở vùng Trường Sa (Biển Đông) trong tầm ngắm.
Chuyên gia an ninh hàng hải tại Singapore Collin Koh Swee Lean cho rằng nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tầm bắn của dàn pháo HIMARS có thể bao trùm một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc đã quân sự hóa ở Trường Sa.
Một số chuyên gia quân sự, được South China Morning Post trích dẫn, cho biết là hai bên đã có thảo luận, nhưng đàm phán thất bại vì hệ thống HIMARS quá đắt so với ngân sách quân sự hạn hẹp của Philippines.
Thông tin về ý định của Mỹ liên quan đến hệ thống pháo phản lực HIMARS được đưa ra sau khi Trung Tâm về Một Nền An Ninh Mới của Mỹ CNAS công bố một bản báo cáo (ngày 21/03), kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai hệ thống này tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong chiến lược cho quân đội Mỹ luân phiên hiện diện tại khu vực
RFI ghi thêm rằng:
“Nhật báo Hồng Kông tiết lộ rằng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc gặp quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 01/04, đã khẳng định trở lại quan hệ «đồng minh bền vững» giữa hai nước, nhất trí tăng cường năng lực tương tác giữa hai quân đội. Mỹ cũng xác định tiếp tục ủng hộ quá trình hiện đại hóa lực lượng võ trang Philippines.”
Bản tin khác của VOA ghi nhận tình hình lạ: Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Hải quân Hoa Kỳ gần đây được nhìn thấy đi qua Biển Đông trên đường đến Philippines mang theo số lượng F-35 nhiều bất thường.
Tàu Wasp mang theo ít nhất 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Lightning II, nhiều hơn con số thông thường là 6 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Tin này được National Interest đăng tải đầu tiên. Trang tin này cho biết thêm là con tàu có thể đang thử nghiệm khái niệm “tàu sân bay hạng nhẹ” phục vụ chiến tranh.
Căng thẳng vô lường vậy… Hung hiểm vô lường vậy…
0 comments