Con đường tơ lụa quanh co của Tập Cận Bình
TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Elysée, ngày 25/03/2019.
REUTERS/Gonzalo Fuent
Bắc Kinh đan lưới thủy bộ bao vây thế giới. Con đường tơ lụa mới đã đến nước Ý, thành viên duy nhất của G7 tham gia vào dự án khổng lồ xuyên qua ba châu lục Á, Âu, Phi nhân chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc. Tại Pháp, Paris trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình, nhưng kỳ vọng vào trục Paris-Berlin-Bruxelles để chống lại chiến lược kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc.
Bắc Kinh đan lưới thủy bộ bao vây thế giới. Con đường tơ lụa mới đã đến nước Ý, thành viên duy nhất của G7 tham gia vào dự án khổng lồ xuyên qua ba châu lục Á, Âu, Phi nhân chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc. Tại Pháp, Paris trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình, nhưng kỳ vọng vào trục Paris-Berlin-Bruxelles để chống lại chiến lược kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc.
Độc nhất vô nhị. Ngày 26/03/2019, Điện Elysée tổ chức hội nghị tay tư gồm tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào lúc quan hệ giữa Châu Âu và « Đế chế đỏ » căng thẳng trên hồ sơ thương mại. Đây là minh chứng châu Âu tìm cách phối hợp hành động, với sự thúc đẩy của Pháp và Đức, trước chiến lược bị xem là để làm bá chủ thế giới của Trung Quốc .
Châu Âu thức tỉnh
Theo giới thân cận của tổng thống Pháp, đã đến lúc phải thống nhất hành động, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm với hệ quả là bị Trung Quốc chia rẽ. Cụ thể, Châu Âu đoàn kết chống chính sách cạnh tranh bất chính của một đối tác bên ngoài và xây dựng một mối quan hệ mới với Trung Quốc dựa trên cơ sở « luật chơi công bình » : thị trường tự do đúng nghĩa, tôi mở cửa cho anh, anh phải mở cửa cho tôi.
Biết rõ Bắc Kinh mưu tính gì, lợi hại cho bản thân và đối tác ra sao, đó là cách hạ nhiệt tham vọng của Bắc Kinh.
Giáo sư Emmanuel Lincot, chuyên gia về Trung Quốc, Institut Catholique Paris, phân tích.
Trước tiên, vì sao Châu Âu bị Trung Quốc chọn làm đối tượng trong chiến lược « Một vành đai, Một con đường » còn gọi là con đường tơ lụa mới ?
Lúc ban đầu là tuyến Á-Âu theo nghĩa rộng gồm một con đường bộ và đường thủy. Đường bộ đi ngang qua Trung Á, khu vực quan trọng đối với ngành ngoại giao Trung Quốc từ khi Liên Xô sụp đổ. Con đường thứ hai là mạng lưới đường biển, mà theo như tuyên bố của ông Tập Cận Bình hồi năm 2018, kéo dài đến tận Châu Phi đen. Ở mỗi nước nằm trên con đường tơ lụa mới này, Trung Quốc tìm cách thiết lập cơ sở một cách khôn ngoan, sử dụng lá bài đa phương lẫn song phương. Cụ thể là trường hợp Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.
Do vậy, Tập Cận Bình có lợi ích khi viếng thăm nước Ý. Trung Quốc có quyền lợi cốt yếu để xâm nhập thị trường châu Âu hoặc bằng đường bộ hoặc bằng đường biển, và để tiếp cận những canh tân trong lãnh vực công nghệ số mà Trung Quốc còn lệ thuộc vào nước ngoài. Quan hệ Mỹ-Trung hiện rất tệ. Liên Hiệp Châu Âu có thể được xem là cơ hội độc nhất của Trung Quốc.
Mạng lưới vô hình
Trên bản đồ, dự án của Trung Quốc đi theo hai ngã : từ miền tây Trung Quốc vươn sang châu Âu với con đường xe lửa xuyên Á-Âu đến tận Duisbourg, của Đức. Con đường thứ hai, hàng hải đi qua Biển Đông, qua eo biển Malacca, đến Miến Điện, Pakistan, Sri Lanka, vòng qua Ấn Độ Dương ngược lên hướng Sừng châu Phi, Hồng Hải, kinh đào Suez, tới Địa Trung Hải và hai nước trong vùng là Hy lạp, Ý.
Tham vọng của Trung Quốc nhìn bề ngoài thì không khác gì Đế quốc Anh. Bề ngoài mà thôi, do vậy đã làm cho nhiều nước Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lo ngại, tìm cách chống lại. Pháp cảnh giác là chuyện đương nhiên.
Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa. Trung Quốc đúng thật là sử dụng những phương cách của đế quốc Anh thời thịnh trị buôn bán khắp địa cầu. Nhưng điểm khác biệt là Trung Quốc quyết tâm « bảo vệ an toàn » mạng lưới con đường tơ lụa mới với những mục tiêu quân sự. Các hải cảng như Guadar ở Pakistan hay Kyauk Pyu ở Miến Điện, hai trong số các hải cảng ở châu Á mà Trung Quốc ngắp nghé, được sử dụng như thương cảng nhưng nhưng vẫn có thể được Trung Quốc biến thành quân cảng.
Viễn ảnh này làm cho phe đối nghịch, theo nghĩa rộng, tức là Hoa Kỳ cùng các đồng minh, trong đó có Pháp, không thể không suy nghĩ đến khả năng đối phó. Dự án hợp tác « Ấn Độ-Thái Bình Dương » do Ấn Độ và Nhật Bản đề xướng khác biệt với Con đường tơ lụa là một dự án hoàn toàn mang tính chiến lược và quân sự. Trong khi đó, dự án của Trung Quốc là tập họp của nhiều thứ, bên cạnh những mục tiêu được tuyên bố công khai còn có những mảng tối khó hiểu và khó nắm bắt được. Cũng vì thế mà tạo ra những lo ngại nhất là cho nước Pháp.
Thật ra, từ năm 2012, một năm trước khi Tập Cận Bình, tân chủ tịch Trung Quốc thông báo dự án chiến lược này, tại Bruxelles, Ủy Ban Châu Âu, đề nghị các biện pháp « bảo vệ quyền lợi có qua có lại » giữa Châu Âu và Trung Quốc. Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa đặt ra một số điều kiện để bảo vệ quyền lợi châu Âu, buộc các công ty nước ngoài muốn tham gia đấu thầu vào thị trường công ở châu Âu thì nước gốc cũng phải mở cửa thị trường của mình « tương tợ » như thế. Thế nhưng, vào thời điểm đó, chính phủ Đức bác bỏ thẳng thừng. Cho đến khi công ty rô-bô-tic hàng đầu của Đức bị một công ty Trung Quốc mua lại với giá rẻ mạt 4 tỉ euro, chiếm đoạt các kỹ năng sáng chế, lúc đó Berlin mới hối hận.
Từ « có qua có lại » được sử dụng lại trong phiên họp thống nhất ý chí hôm 22/03/2019 vừa qua cho thấy Pháp-Đức muốn khẳng định một lập trường chung, không phải chống Trung Quốc, mà để ngăn chận chiến thuật chia để trị của Bắc Kinh.
Chuyên gia Emmanuel Lincot :
Quan hệ Pháp-Trung là mối quan hệ phức tạp… Sự kiện Tập Cận Bình thăm nước Pháp diễn ra vào lúc hai nước chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày tướng De Gaulle công nhận chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đây là thời điểm quan trọng nếu xét về tính biểu tượng. Đúng là hồi năm 2018, khi đọc diễn văn tại Tây An, tổng thống Pháp dường như tỏ ra thiên về dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Thế rồi, vài tuần sau tại Canberra, lại có vẻ thích dự án Ấn Độ-Thái Bình Dương hơn.
Trên thực tế, lập trường của Pháp là trung dung. Có nghĩa là Pháp có thể cùng lúc tham gia vào dự án này và dự án kia. Hai dự án này không đối chọi lẫn nhau. Hợp tác với Trung Quốc trong các đề án đầu tư ở những nơi mà Pháp quen thuộc như ở châu Phi hoặc ở những khu vực còn xa lạ như ở Trung Á là chuyện cần thiết cho quyền lợi của Pháp, trước khi Bắc Kinh áp đặt chuẩn mực và luật chơi của họ. Lúc đó mới là vấn đề.
Thái độ ngập ngừng của Pháp cũng như của Đức cho thấy có một trục Pháp-Đức đang phác thảo một chiến lược đối đầu với dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc và những thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu như Ý, Bồ Đào Nha cùng một số nước Balkan. Rõ ràng là Con đường tơ lụa của Trung Quốc cho thấy sự chia rẽ trong Liên Hiệp Châu Âu .
Chia rẽ Tây phương : Vũ khí của Trung Quốc
Năm 2017, thượng đỉnh quốc tế để khởi động dự án Con đường tơ lụa, được tổ chức trong bối cảnh Donald Trump co cụm với chính sách bảo hộ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong niềm hân hoan, tự tin là đối trọng với Mỹ, kêu gọi thế giới tham gia vào dự án mà Bắc Kinh gọi là « chính nghĩa của thế kỷ ». Chủ tịch Trung Quốc cam kết cung ứng 113 tỉ đô la, thêm vào ngân khoản sẵn có của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là 800 tỉ.
Thế nhưng, chuyện không ngờ đã xảy ra làm chủ tịch Tập Cận Bình chưng hửng : nữ bộ trưởng kinh tế Đức Brigitte Zypries từ chối ký vào tuyên bố chung. Sáu nước gồm Đức, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Estonia than phiền là dự thảo thông cáo chung không quan tâm đến những yêu sách của Liên Hiệp Châu Âu, lâu nay yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường, chấm dứt tình trạng gây khó khăn, nhiêu khê cho doanh nhân ngoại quốc.
Thái độ khước từ của 6 nước Châu Âu không làm Trung Quốc chùn bước. Chiến thuật « tằm ăn dâu » được tiến hành, lần lượt thu phục Bồ Đào Nha, Ý như đã vào được các nước đang phát triển, với những lời hứa đầu tư khổng lồ ngoài tưởng tượng và khả năng chi trả của con nợ.
Emmanuel Lincot :
Đây là một dự án đầu tư khổng lồ vào các nước mà Tây phương rút lui từ lâu như Pakistan hay Kyrgyzstan… Cùng với thời gian, sẽ tạo ra tình trạng lệ thuộc của những quốc gia này vào Trung Quốc. Tây phương mới chợt tỉnh và bắt đầu hành động muộn màng. Nhưng thà trễ còn hơn không. Đừng ngại Trung Quốc xuất khẩu xe hơi. Trung Quốc vẫn còn cần đến Liên Hiệp Châu Âu trong lãnh vực công nghệ cao cấp, từ viễn thông cho đến thông minh nhân tạo.
Pháp và Đức rất giỏi trong các lãnh vực này và rất được Trung Quốc thèm muốn. Mong muốn của Tập Cận Bình, của Trung Quốc là muốn được chia sẻ công nghệ khoa học này, hoặc ít ra được chính phủ Pháp đồng ý hợp tác nhiều hơn. Nước Pháp có nhiều lá chủ bài hơn các thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu, vì là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Nhưng chủ tịch Trung Quốc ưu tiên nước Ý trong chuyến công du này, bởi vì Ý là thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, thành viên của NATO, của G7. Rõ ràng là Trung Quốc có ý đồ chia rẽ Châu Âu để ngự trị.
Đừng quên Trung Quốc là một chế độ độc tài. Liên kết với những nước nay là « tự do nửa mùa » như Ý và Hungary, những quốc gia giờ đây quay lưng lại với Bruxelles, không phải là động tác ngẫu nhiên của Trung Quốc. Con đường tơ lụa cũng là một phương tiện để xuất khẩu mô hình chế độ độc tài kết hợp với công cụ viễn thông internet phục vụ chính sách kiểm soát lãnh thổ và kềm kẹp những cộng đồng bị xem là bất hảo, như trường hợp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây mới là vấn đề : hợp tác với Trung Quốc tới giới hạn nào để không biến thành đồng lõa ?
Bong bóng đầu cơ : Tử huyệt của kinh tế Trung Quốc
Một ẩn số khác là nguồn gốc khối tiền kếch sù mà Trung Quốc bỏ ra cho vay để « chiêu dụ » các nước đối tượng : 60 tỉ cho Pakistan, 30 tỉ cho Madagascar. Tại châu Phi, Kenya được vay 5 tỉ xây đường sắt nối Nairobi đến cảng Mombasa, đã sử dụng 3 tỉ mà chưa có gì « kể cả thùng rác » (báo The Est African). Đó là không kể những nước nằm ngoài dự án như Ecuador 19 tỉ, Venezuela 50 tỉ ….
Theo chuyên gia Emmanuel Lincot, đây chính là nhược điểm của Trung Quốc và chính xác hơn là của lãnh đạo Tập Cận Bình. Pháp, Đức và Châu Âu có thể khuyến cáo Trung Quốc không nên quá tham lam. Nếu muốn hợp tác thật sự, Trung Quốc chấp nhận một giải pháp quân bình đôi bên cùng có lợi để tránh thiệt hại về lâu về dài.
Emmanuel Lincot :
Kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế đặc biệt có quốc doanh lẫn tư doanh nhưng chính quyền lại can thiệp vào mọi việc, và đương nhiên có nhiều chuyện mờ ám nhất là trong lãnh vực địa ốc.
Nếu các quả bóng đầu cơ ở Trung Quốc là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm (cho kinh tế Trung Quốc) thì chuyện này cho thấy dự án Con đường tơ lụa cũng rất mong manh. Bóng đầu cơ nổ tung thì cả những nền kinh tế lệ thuộc vào cũng sẽ sụp đổ theo mà không thể cứu vãn.
Trong chuyến công du ba nước châu Phi Djibouti, Ethiopia và Kenya vừa qua, tổng thống Pháp đã nhắc nhở ba vị tổng thống đồng nhiệm về nhu cầu đa dạng hóa nguồn đầu tư, không nên tập trung vào một nước. Trung Quốc cho vay ít thì không sao, nhưng cho những nước không có khả năng trả nợ như Pakistan, Madagascar vay hằng trăm tỉ đô la rồi không trả được thì chuyện gì sẽ xảy ra. Có hai trường hợp, trường hợp nào cũng nguy hiểm. Một là những nước vay nợ trở thành nô lệ cho Trung Quốc. Hai là họ làm liều quỵt nợ thì lúc đó nô lệ trở thành chủ nhân của kẻ cho vay.
Mọi người đều biết, cho dù chế độ Trung Quốc luôn giữ bí mật nhưng không che giấu được tất cả. Dự án Con đường tơ lụa mà ông Tập Cận Bình một mình gánh vác càng ngày càng bị chỉ trích trong Bộ Chính trị là một dự án nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc. Vì thế cho nên, Pháp và nhất là Châu Âu có một lá chủ bài phòng ngừa bất trắc : đó là không để cho Châu Phi lệ thuộc vào tiền Trung Quốc.
Nhưng liệu Trung Quốc sẽ chấm dứt tình trạng cạnh tranh bất chính, có nghĩa là mở cửa thương trường một cách đúng nghĩa chứ không phải nói vậy mà không phải vậy ?
Phải chờ, thứ nhất, kết quả đàm phán Mỹ-Trung, thứ hai là thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc ngày 09/04/2019 tại Bruxelles. Khi vấn đề « có qua có lại » được bàn thảo sâu rộng, lúc đó sẽ thấy Bắc Kinh thành thật đến mức độ nào, khi bắt buộc phải thông báo lịch trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo vệ thị trường Trung Quốc.
0 comments