Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông– 27/05/2019

Monday, May 27, 2019 4:03:00 PM // ,

Tin Biển Đông– 27/05/2019

Tàu Trung Quốc đeo bám tàu Australia ở Biển Đông


Trung Quốc đã Theo dõi các tàu của Hải quân Australia khi những tàu này đi qua khu vực Biển Đông trong chuyến hoạt động kéo dài 3 tháng của Hải quân nước này ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, bao gồm các chuyến thăm đến 7 nước trong đó có Việt Nam.

Hãng tin ABC của Australia hôm 27/5 trích lời của Chỉ huy không quân Australia Richard Owen co biết như vậy khi tàu HMAS Canberra về lại cảng Darwin.

Chuyến đi của các tàu Australia lần này có sự tham gia của 3 tàu hải quân, máy bay và khoảng hơn 1.200 nhân sự.

Ông Richard Owen cho biết các tàu đã đi qua khu vực Biển Đông hai lần và quân đội Trung Quốc đã theo dõi rất sát các hoạt động của hải quân Australia khi những tàu này đi qua vùng nước tranh chấp.

“Chúng tôi đã đi qua khu vực phía bắc và nam Biển Đông trong vùng nước quốc tế và chúng tôi có hoạt động cùng với hải quân các nước khác như thương lệ”, ông Richard Owen cho biết.

Theo ABC, các tàu của Hải quân Australia đã bị các tàu Trung Quốc Theo đuôi khi đi đến Việt Nam và rời cảng Cam Ranh.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Thời gian gần đây, Hoa Kỳ và các nước Anh, Pháp, Australia, Canada đã gia tăng các hoạt động tuần tra đi qua khu vực Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận.

Hôm 20/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Hoa Kỳ cho tàu USS Preble đi vào khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hoà bình, an ninh và trật tự trong khu vực.




Vì sao phải xây dựng lòng tin


để góp phầnlàm giảm căng thẳng ở Biển Đông


trong bối cảnh hiện nay


Dường như, Trung Quốc đang sẵn sàng đương đầu cho một cuộc phiêu lưu mà trong đó, họ là một bên duy nhất, chống lại lẽ phải, chống lại cả cộng đồng còn lại.

Năm 2014, sau khi tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vấp phải sự phản ứng và đấu tranh quyết liệt của phía Việt Nam, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan, bình yên trên Biển Đông trở lại, song chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Trung Quốc lại bắt đầu chuyển sang tiến hành bồi đắp, cơi nới mở rộng các bãi đá, bãi cạn tại khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của

Việt Nam. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), “phương án xây dựng công trình dân sự tại quần đảo Trường Sa là để cải thiện cuộc sống sinh hoạt và công tác cho nhân viên và binh lính Trung Quốc đồn trú trên đảo, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông, tăng cường hợp tác với các quốc gia”. Theo đó, kế hoạch xây dựng các công trình dân sự trái phép của Trung Quốc tại Trường Sa chủ yếu gồm các công trình sau: (1) Xây dựng hải đăng cỡ lớn, đồng thời lắp đặt thiết bị dẫn hướng không dây như trạm AIS, các thiết bị an toàn thông tin trên biển như trạm VHF; (2) Xây dựng các công trình cứu trợ khẩn cấp trên biển, tại các công trình cứu trợ này có bố trí thiết bị cứu vớt khẩn cấp và xử lý cứu hộ tràn dầu, bảo đảm an toàn hàng hải. Các công trình này cũng có thể được sử dụng làm nơi cung cấp cơ sở vật chất phục vụ tiếp tế hậu cần, tránh gió bão cho các tàu qua lại trên Biển Đông; (3) Xây dựng trạm quan trắc khí tượng biển; (4) Xây dựng công trình điều trị y tế tổng hợp và khẩn cấp trên biển; (5) Xây dựng công trình xử lý rác thải và nước thải. Tất cả những lời khoa trương hoa mỹ trên, phần nào cũng khiến dư luận một vài nước trong khu vực Đông Nam Á bị mê hoặc. Nhưng theo thời gian, những gì Trung Quốc tiến hành xây dựng ở các thực thể được bồi lấp trên đã bộc lộ chân tướng mục đích, ý đồ sâu xa của Trung Quốc không phải như họ nói.

Chỉ trong vòng 3 – 4 năm, Trung Quốc đã dốc toàn lực ra để bồi đắp, cơi nới, mở rộng 7 thực thể họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, bao gồm các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi và Vành Khăn. Tại các thực thể trên, Trung Quốc huy động hạm đội tàu hút cát do họ chế tạo với công năng phù hợp cho hoạt động hút cát trên biển, có công suất lớn ngày đêm nạo vét đất cát, sỏi, đá đào được từ đáy biển khơi phun lên, bồi đắp mở rộng diện tích. Kèm với đó là hàng đoàn xà lan lớn chở đất đá, vật liệu bồi lấp từ đất liền Trung Quốc hoặc từ các nước khác mà Trung Quốc “mua” được cũng ngày đêm lũ lượt kéo về Trường Sa, đổ lên các thực thể. Hàng ngàn công nhân, lao động Trung Quốc được tuyển chọn kỹ lưỡng, đưa ra tham gia hoạt động san lấp, xây dựng ở Trường Sa. Tất cả các hoạt động đó, không tuyên truyền, không phô trương, lẳng lặng gấp rút tiến hành.

Có thể nói, quy mô xây đắp, bồi lấp các bãi đá, bãi cạn để hình thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa là rất lớn. Theo một tờ báo của Australia, Trung Quốc đã và đang tiến hành chương trình “xây đảo” lớn nhất thế giới, với một diện tích hơn 800 ha đất đá đã được bồi lấp trên các bãi đá ngầm, cuối cùng sẽ tạo ra các đảo nhân tạo có kích thước lớn gấp nhiều lần so với nguyên trạng. Tờ báo này nhấn mạnh: “Trung Quốc đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trên Biển Đông lên khoảng 400 lần, tương đương với 800 ha kể từ tháng 1 năm 2014, ¾ diện tích này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay”. Còn theo tờ Liberation, chi phí tiền bạc Trung Quốc bỏ ra cải tạo các đảo đá tại Trường Sa khó mà tính hết. Ví dụ, đá Chữ Thập từ một rạn san hô chìm, chỉ trong vòng vài tháng, Trung Quốc đã bồi đắp thực thể này trở thành đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, diện tích của Đá Chữ Thập đã được mở rộng lên gấp 11 lần, khoảng 2 km2. Chi phí cho việc cải tạo riêng bãi đá này đã lên đến khoảng 12 tỷ USD. Tại các thực thể mà Trung Quốc mở rộng diện tích, người ta thấy mỗi ngày, công trình được xây dựng trên đó mỗi khác đi. Ngay như tại đá Chữ Thập, đã hình thành một đường băng sân bay dài 3.000 mét và một hải cảng nước sâu đủ lớn cho tàu chở dầu cỡ lớn neo đậu. Ngoài ra, còn có các kho bãi và cơ sở vật chất cung cấp dịch vụ khác đủ khả năng hỗ trợ cho hàng trăm tàu cá, tàu Hải giám hoạt động.

Được biết, theo các bằng chứng của Mỹ ghi nhận, Trung Quốc đã bồi đắp các rạn san hô, bãi đá thành các đảo nhân tạo, với diện tích khoảng hàng chục cây số vuông. Người Mỹ nhận xét rằng, việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo cho thấy “nhu cầu thiết yếu” của Trung Quốc nhằm mở rộng không gian kiểm soát trên biển, bởi khi hoàn thiện việc bồi đắp các đảo đá, Trung Quốc sẽ tự động mở rộng thêm ít nhất 12 hải lý là chiều rộng lãnh hải của các đảo này.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Ẩn sau tất cả các công trình dân sự trên thì mục đích lớn nhất của Trung Quốc là phải triển khai được lực lượng quân sự, căn cứ quân sự ở các thực thể được tôn tạo này. Vì nếu không có lực lượng quân sự, căn cứ quân sự ở Trường Sa thì mọi tuyên bố hay hoạt động của Trung Quốc đều trở nên vô nghĩa. Một viên tướng cấp cao nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc đã nói toạc ra rằng, khu vực biển của Trung Quốc là rào chắn chiến lược thứ nhất đối với an ninh nội địa. Khu vực duyên hải là tiền tuyến của sự tăng trưởng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội dân sự của Trung

Quốc. Nếu phòng thủ bờ biển rơi vào vòng nguy hiểm thì những khu vực trung tâm quan trọng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ bị phơi bày ra trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Trong bối cảnh của chiến tranh hiện đại, những kỹ năng quân sự như tấn công tầm xa chính xác phát triển, điều đó khiến cho khu vực duyên hải càng trở nên ý nghĩa hơn đối với phòng thủ trên bờ, là khu vực tạo nên chiều sâu chiến lược và thời gian cảnh báo sớm quý giá. Tóm lại, khu vực duyên hải là cửa ngõ của an ninh quốc gia tổng thể của Trung Quốc.

Như vậy, ý tưởng mà Trung Quốc muốn kiểm soát các vùng biển duyên hải dựa trên căn cứ vào cách tiếp cận với địa chiến lược của một nước có nhiều lo ngại về an ninh liên quan đến cả biển lẫn đất liền. Nước này thường theo các chiến lược an ninh vốn cân bằng sức mạnh trên bờ và trên biển, nhằm phát triển các vòng tròn đồng tâm của sự kiểm soát chiến lược, ảnh hưởng và vươn tới xung quanh khu vực trung tâm mang lợi ích quốc gia thiết yếu của họ. Vì vậy, Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải là những khu vực mà trong đó các chiến lược gia Trung Quốc cho là cần phải phát triển kiểm soát quân sự, để loại bỏ các mối đe dọa từ bên ngoài và qua đó nâng cao mức độ an ninh của khu vực duyên hải của Trung Quốc.

Thế là, chính nhằm vào mục đích trên mà Trung Quốc tiến hành bồi lấp các thực thể ở Trường Sa chứ không phải vì mục đích dân sự. Cái mục đích này được người Trung Quốc lập luận là “An ninh nâng cao nhằm bảo đảm sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông, tạo ra một vùng đệm an ninh biển để bảo vệ các trung tâm dân cư lớn thuộc các vùng công nghiệp và văn hóa khu vực duyên hải phía Đông của Trung Quốc”.

Và cũng thế là, 7 thực thể chiếm đóng trái phép ở Trường Sa đã bồi lấp liền được chuyển sang xây dựng các công trình quân sự, hay được gọi theo cách khác là “quân sự hóa”. Tuy nhiên, các hoạt động “quân sự hóa” trên các thực thể bồi lấp trái phép ở Trường Sa không thể che mắt được thiên hạ, nhất là các nước lớn có những phương tiện theo dõi, phát hiện hiện đại. Vì thế, những gì Trung quốc đã làm được truyền thông quốc tế vạch ra như sau:

Tại các thực thể mới được bồi lấp này, ngoài việc xây dựng các sân bay quân sự, nhiều tổ hợp phòng không, không quân đã được lắp đặt, triển khai, nhiều lực lượng vũ trang đồn trú đã được hiện diện. Thậm chí, Trung Quốc đã bố trí cả tên lửa hành trình YJ-12B, có thể tấn công mục tiêu trong bán kính 546km và tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách 296km. Chính bãi đá Chữ Thập cũng đang được Trung Quốc biến từ một bãi đá san hô thành một căn cứ hải quân và không quân trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tại đây, đã xuất hiện các trạm ra-đa, vài trận địa tên lửa tầm trung và tầm xa, tàu chiến, máy bay. Có thông tin cho biết, hiện Bắc Kinh đã xây dựng được 27 căn cứ các loại hiện đại ở các thực thể trên và hầu hết các thực thể đều có đường băng cất hạ cánh cho máy bay quân sự. Có thể nói, những hòn đảo này đã và đang trở thành trung tâm kiểm soát quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau khi bị truyền thông quốc tế và các nước liên quan chỉ tên, vạch mặt đúng bản chất sự việc, Trung Quốc buộc phải công khai ý định thật của mình. Ngày 16/06/2015, Trung Quốc đã công khai thừa nhận, sau khi xây dựng xong các đảo nhân tạo (phi pháp) trên Biển Đông, nước này sẽ tiếp tục xây dựng trên đó các công trình để phục vụ cho nhiều mục đích khác, bao gồm cả quân sự. Đến lúc này, bất cứ ai cũng có thể nhận ra được những ý nghĩa thật sự của vấn đề. Đó là: Thứ nhất, Trung Quốc đã thực hiện bước đi chiến lược mới nhằm gây áp lực đối với các nước láng giềng bằng việc đẩy mạnh bồi đắp các đảo nhân tạo và triển khai lực lượng vũ trang đồn trú cũng như xây dựng, lắp đặt các loại phương tiện quân sự hiện đại trên đó. Thứ hai, Trung Quốc thể hiện ý định nâng cao an ninh của họ bằng cách cạnh tranh quyết liệt, cứng rắn với các bên yêu sách khác về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Nó cho thấy, Trung Quốc đã không quan tâm đến lợi ích của các nước khác.

Đương nhiên, các nước trong khu vực và các nước có liên quan khác không thể vô tư khoanh tay ngồi nhìn. Hành động của Trung Quốc trước hết đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các nước cho rằng, việc xây dựng bất hợp pháp và “quân sự hóa” các đảo nhân tạo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái ở Biển Đông, bởi các rạn san hô và các đảo chìm là nơi trú ngụ của các loài cá và đây là nguồn lợi thủy sản phong phú đối với ngành khai thác thủy sản, nó nuôi sống hàng ngàn ngư dân ở các nước ven biển, nhưng những thực thể này đang lâm vào tình

trạng nguy hiểm bởi các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc. Càng nguy hiểm hơn là khi Trung Quốc mở rộng các đảo đá thì dẫn tới việc nước này sẽ kiểm soát được hoàn toàn khu vực Biển Đông. Bởi “logic ẩn chứa trong đó là dần dần biến chuyển tình hình theo hướng có lợi cho sự bành trướng của Trung Quốc bằng cách khéo léo dùng thủ đoạn này để thay đổi thế chiến lược tại khu vực”. Chính vì thế, các nước một mặt gia tăng củng cố tiềm lực quốc phòng bản thân để “tự bảo vệ”, nhưng cũng đồng thời đang ngày càng đồng thuận hơn trong việc mở cửa cho các nước có tiềm lực quân sự lớn như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn… can dự vào Biển Đông.

Thế nhưng, bất chấp những phản ứng của các nước trong khu vực cũng như dư luận của thế giới, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bồi đắp, công khai mục đích quân sự và còn có ý định tiến xa hơn trên con đường xâm chiếm Biển Đông. Ngày 07.05.2015, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh tuyên bố, nước này “có quyền lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quyết định về vấn đề này phụ thuộc vào việc an toàn hàng không có bị thách thức hay không và bị thách thức đến mức nào”. Dường như, Trung Quốc đang sẵn sàng đương đầu cho một cuộc phiêu lưu mà trong đó, họ là một bên duy nhất, chống lại lẽ phải, chống lại cả cộng đồng còn lại. Nếu vậy có thể nói, Trung quốc đang mù quáng và điên rồ trong việc hạ thấp và có thể đánh mất lợi ích quốc gia, nhất là lợi ích của nhân dân đất nước mình.




Tám biện pháp để xây dựng lòng tin


giữa các nước liên quan, nhằm ngăn chặn


xung đột xảy ra trên Biển Đông


Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có liên quan ở Biển Đông sẽ giúp cho quan hệ giữa các nước ổn định hơn, giảm bớt hiểu lầm, không để dẫn tới xung đột, chiến tranh không đáng có trên vùng biển trù phú này.

Căng thẳng trong tranh chấp giữa các nước có liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông những năm gần đây đang thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của các nước trong khu vực mà còn của toàn thế giới. Nếu tình hình căng thẳng ở Biển Đông không được kiểm soát, sẽ dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột, và dù ở cường độ nào cũng sẽ làm cho Đông Nam Á nói riêng, khu vực Đông Á nói chung và rộng ra là cả thế giới mất ổn định. Vì vậy, các nước trong, ngoài khu vực đã và đang nỗ lực tìm mọi phương cách, giải pháp nhằm hạn chế tranh cãi, bất đồng về vấn đề chủ quyền liên quan, giảm thiểu những căng thẳng đang ngày càng gia tăng, nhằm ngăn chặn xung đột, chiến tranh xảy ra trên Biển Đông. Một trong những giải pháp được cộng đồng khu vực quan tâm là xây dựng lòng tin giữa các nước liên quan và đây là giải pháp cần được coi trọng để triển khai thực hiện có chiều sâu và thiện chí.

Vậy, xây dựng lòng tin với nhau trong vấn đề Biển Đông bao gồm những biện pháp nào để giữa các nước không dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm và nhất là không phải động đến “binh đao”. Đại thể có các biện pháp sau:

Một là, hợp tác tuần tra chung trên Biển Đông. Biển Đông là một khu vực biển nửa kín với diện tích hàng triệu cây số vuông nên tại đó hàng ngày diễn ra biết bao nhiêu hoạt động cần đến bảo đảm an toàn và an ninh. Nào là hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân các nước ven Biển Đông, nào là hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản dưới lòng đại dương của các nước trong khu vực, nào là hoạt động giao thông, hải hành trên biển của tàu, thuyền vận tải các nước, nào là những hoạt động thăm dò khí tượng, địa chất hải dương, trong khi trên Biển Đông vẫn tồn tại các loại cướp biển, các thế lực ly khai, cực đoan, khủng bố… Tất thảy những hoạt động trên đều đòi hỏi phải được đảm bảo an toàn, an ninh và nó hầu hết được thực thi bởi lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… của các nước. Trước đây, mối quan hệ giữa các lực lượng trên của các nước trong khu vực hầu như không được chú trọng, đề cao. Có quá ít các cuộc thảo luận ở cấp khu vực về thỏa thuận tuần tra chung, nghiên cứu khoa học biển chung và các cuộc thảo luận như vậy thường có xu hướng bị mất hiệu lực bởi việc tiến hành mang tính tự phát, không có sự hợp tác rộng rãi và đồng

thuận cao giữa các quốc gia trong khu vực. Nhưng mấy năm gần đây, các nước đã nhận ra vấn đề và cùng nhau giải quyết. Nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và ký kết về hợp tác tuần tra trên biển đã diễn ra; những hoạt động tuần tra chung giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực đã diễn ra ngày càng nhiều và được đề cao, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, ổn định và điều đó có thể dẫn tới các biện pháp xây dựng lòng tin như: Thiết lập các thủ tục giữa các quốc gia trong khu vực để giải quyết các va chạm hải quân trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và bảo đảm an toàn hàng hải nhằm giảm bớt xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Thực tế đã chứng minh, những hành động thiết thực trong hợp tác tuần tra chung của lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các quốc gia trong khu vực trong thời gian qua cho thấy môi trường hòa bình của khu vực và an ninh, an toàn hàng hải được bảo đảm tốt hơn. Một biện pháp quan trọng xây dựng lòng tin trên biển giữa các quốc gia trong khu vực đã dần dần đi vào cuộc sống.

Hai là, giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương. Thực tiễn cho thấy, mỗi khi tình hình an ninh Biển Đông nóng lên, có nhiều diễn biến phức tạp, đều do những hành động đơn phương vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền diễn ra, dù các hành động đó không ở quy mô lớn, nhưng đều dẫn đến phản ứng đáp trả của đối tượng liên quan. Đặc biệt gần đây, những hành động mang tính đơn phương của Trung Quốc như hạ đặt giàn khoan, cấm đánh bắt cá, xây đảo nhân tạo… đã vi phạm quyền và chủ quyền của Việt Nam, Philippines… làm cho các quốc gia trong và ngoài khu vực quan ngại, an ninh trên biển ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, còn có một nguy cơ khác nữa là sự hiểu lầm đối với hoạt động trên Biển Đông do các lực lượng hải quân, cảnh sát biển của một số quốc gia trong khu vực được trang bị các tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm và máy bay hiện đại tiến hành. Nguy cơ này còn cao hơn bởi sự có mặt của các tàu ngầm, tàu sân bay và các hệ thống tên lửa tầm xa. Những thiết bị hiện đại đó đòi hỏi trình độ làm việc của các chiến binh phải chính xác, hệ thống chỉ huy và điều hành phải đạt hiệu quả cao mới không mắc lỗi dẫn đến tính toán nhầm lẫn khi tiến hành các hoạt động như tập trận, diễn tập, huấn luyện bắn đạn thật… Đương nhiên, khi các hành động quân sự đơn phương diễn ra, bao giờ cũng thu hút sự chú ý, theo dõi, đề phòng hay đáp trả của các nước có liên quan. Chỉ cần một sai sót nhỏ không cố ý cũng có khi trở thành mồi lửa gây ra xung đột khu vực. Vì vậy, càng giảm bớt các hành động đơn phương hay các hành động quân sự đơn phương sẽ càng giảm sự chú ý, đề phòng, theo dõi của các nước. Nhất là giảm được những lỗi không đáng có vô tình dẫn đến xung đột, chiến tranh gây chết người.

Ba là, tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực. Xu hướng hiện nay cho thấy, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang và sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI. Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Gần một nửa khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đều đi qua eo biển Malacca ở phía tây nam Biển Đông. Biển Đông chắc chắn sẽ là một phần thiết yếu trong lợi ích chung toàn cầu. Nó đặt ra nhu cầu cho các nước phải tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông dù rằng đây là vùng biển đang có nhiều tranh chấp chủ quyền về biển, đảo. Cần phải nhận thấy, việc thừa nhận Biển Đông vừa có vấn đề lợi ích chung, vừa có vấn đề lãnh thổ, chủ quyền đã là một sự khởi đầu tốt. Sự diễn giải khác nhau về chủ quyền của các quốc gia có liên quan là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là nhìn nhận thực tế về điều này chính là bước khởi đầu cần thiết để giảm bớt những căng thẳng.

Do những thay đổi và sự phức tạp của lịch sử và luật pháp quốc tế, việc phán xét quyền sở hữu chính xác đối với các vùng lãnh hải, các thực thể đảo và các nguồn tài nguyên dưới đại dương và đáy biển là vô cùng khó khăn. Không một quốc gia hay thể chế nào có thể áp đặt giải pháp riêng rẽ mà cần phải có những giải pháp chung mang tính chia sẻ. Đây được xem là cơ sở hình thành quan điểm hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông trên cơ sở lợi ích chung cho các quốc gia có liên quan ở vùng biển này.

Những năm gần đây, thực hiện hợp tác cùng phát triển trên biển là mô hình được nhắc tới khá nhiều từ các bên, được cho là khả thi nhất đối với các bên trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mô hình này đặt ra giải pháp phân định biển hoặc cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Hợp tác cùng phát triển không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Về đại thể, đó là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên

quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Trên thực tế, tại khu vực Biển Đông cũng đã có nhiều hiệp định phân định biển được ký kết trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Việt Nam đã tiến hành phân định biển với hầu hết các nước liên quan. Trong đó có thể kể tới Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam với Thái Lan trong vịnh Thái Lan, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam với Campuchia, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, Thỏa thuận khai thác chung Việt Nam – Malaysia …Tuy nhiên, vấn đề phân định biển không phải ở khu vực nào cũng có thể tiến hành một cách dễ dàng vì gặp phải khó khăn trong vấn đề giải quyết chủ quyền. Vì thế, một giải pháp dễ chấp nhận hơn là các bên tranh chấp cùng hợp tác cùng phát triển vùng biển này trên cơ sở các bên cùng có lợi.

Đã có nhiều đề nghị cho phương án hợp tác cùng phát triển trên vùng biển có tranh chấp này. Các quốc gia hữu quan nên áp dụng các biện pháp hòa bình và đưa ra tuyên bố chủ quyền về biển đảo phù hợp với những quy định của UNCLOS 1982 và các vùng biển chồng lấn cần tiến hành đàm phán để xác định rõ. Như vậy, nó sẽ góp phần làm giảm nguy cơ gây bất ổn và bảo đảm môi trường hòa bình, tự do hàng hải trên Biển Đông. Thực tiễn luật pháp quốc tế cho thấy, một khi các vùng biển chồng lấn chưa được xác định, UNCLOS yêu cầu các nước liên quan tiến hành các bước đàm phán trực tiếp để dàn xếp tạm thời, có thể bao gồm các thỏa thuận cùng nhau phát triển thủy, hải sản hoặc cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và khí đốt.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông hàm chứa nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề về cạnh tranh địa chiến lược và địa quân sự xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan đến nhiều nước và nó có nguy cơ để lại hệ lụy mang tính toàn cầu. Do đó, cần có những cơ chế và giải pháp mang tính toàn cầu và thời hạn thực hiện chúng dài hay ngắn tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể cần giải quyết.

Tuy nhiên, những khó khăn, căng thẳng phức tạp và nguy cơ dễ dẫn đến xung đột, chiến tranh ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các quốc gia trong khu vực trước hết phải tuân thủ nghiêm các quy định của hệ thống luật pháp quốc tế, luật Biển quốc tế và các cam kết ở khu vực như DOC, TAC… Vì bỏ qua những thể chế này, không duy trì nó thì Biển Đông chẳng khác gì một khu vực “vô chính phủ” mà ở đó “mạnh ai nấy được”, dễ xảy ra cảnh “đầu rơi, máu chảy”.

Năm là, thành lập các trung tâm lưu trữ, chia sẻ thông tin về Biển Đông. Biển Đông với vô vàn hoạt động diễn ra hàng ngày, đối với bất cứ tổ chức hay quốc gia nào cũng đều cần có thông tin liên quan đến vùng biển này khi họ khai thác, sử dụng nó cho mục đích nào đó. Vì vậy, nhu cầu thông tin liên quan đến Biển Đông là rất cần thiết và sự chia sẻ thông tin về nó lại là một trong những cầu nối khiến người ta xích lại gần nhau, hiểu biết và thông cảm cho nhau hơn. Do đó, thành lập các trung tâm lưu trữ, chia sẻ thông tin về Biển Đông để cùng nhau phối hợp xử lý có hiệu quả về các lĩnh vực an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Đây cũng là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng, củng cố lòng tin trong khu vực.

Sáu là, thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải khu vực. Trong bối cảnh khu vực Biển Đông rơi vào tình trạng căng thẳng, phức tạp, an ninh hàng hải cũng rất dễ xảy ra các sự cố do nguyên nhân từ tự nhiên như sương mù, bão biển, sóng thần, động đất… nhưng còn có cả sự cố do nguyên nhân từ con người và kỹ thuật như va chạm tàu thuyền, hải tặc, tàu chìm, máy bay rơi…Vấn đề kiểm soát an ninh hàng hải tốt sẽ giúp các bên liên quan kịp thời nhận biết nguy cơ, nguy hiểm đang rình rập, có biện pháp ứng phó hiệu quả. Từ đó, góp phần làm giảm nguy cơ xung đột, thúc đẩy các thành phần của kinh tế biển quốc tế phát triển. Do đó, các học giả nghiên cứu và các nhà khoa học đề nghị sớm thành lập các trung

tâm kiểm soát an ninh hàng hải ở khu vực. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để các quốc gia có cơ sở thực hiện xây dựng lòng tin và cùng nhau phối hợp hành động.

Bảy là, thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc. Nguy cơ tiềm ẩn xung đột hay chiến tranh ở Biển Đông vẫn còn hiện hữu do những bất đồng, mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền biển, đảo và tham vọng khai thác nguồn tài nguyên phong phú từ biển, nhất là tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Đến nay, lại thêm những tham vọng mới về địa chính trị, địa chiến lược khu vực giữa các nước lớn, kèm theo đó là các bước đi chính trị, quân sự, ngoại giao của các nước đó. Biểu hiện rõ nhất là năm 2018 và 2019, hàng loạt tàu chiến, máy bay hiện đại của hải quân các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc… đều hiện diện ở Biển Đông. Nhiều cuộc tập trận, diễn tập quy mô lớn cấp độ đơn phương, song phương và đa phương đã diễn ra. Trong khi đó, giữa ASEAN và Trung Quốc hiện chưa có cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột. Giả sử các nước ASEAN hay Trung Quốc mắc sai lầm trong xử lý các tranh chấp và thiếu kiềm chế, mọi việc sẽ rất dễ thẳng tiến đến bờ vực của xung đột. Do đó, Trung Quốc và ASEAN nên nghiên cứu, sớm thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột trên biển.

Tám là, các bên có liên quan cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Quân sự hóa Biển Đông là vấn đề phức tạp và dễ dẫn đến nguy cơ xung đột cũng như làm cho tình hình khu vực rơi vào bất ổn. Vì nếu một nước tiến hành quân sự hóa Biển Đông thì các nước còn lại tất không thể ngồi yên hay khoanh tay đứng nhìn. Họ tất yếu sẽ cũng phải tự trang bị vũ khí hay tìm “liên minh” quân sự. Dẫn tới diễn ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông. Thực tế hiện nay đã bắt đầu diễn ra chạy đua vũ trang, nhưng chưa ở mức độ cao mà thôi. Chính vì vậy, các quốc gia trong và ngoài khu vực rất tích cực theo dõi những động thái quân sự của các bên hữu quan trên Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc đang có biểu hiện quân sự hóa trên các đảo đá nhân tạo tại Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc đã làm giảm lòng tin đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác phát triển kinh tế quốc tế. Do đó, Trung Quốc và ASEAN cần sớm ký kết thỏa thuận về không quân sự hóa Biển Đông. Nếu đạt được thỏa thuận này, nguy cơ xung đột, chiến tranh ở Biển Đông sẽ được đẩy lùi một bước.

Nhìn lại lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc cách đây 1.800 năm cho thấy một bài học: Vua nước Thục là Lưu Bị mặc dù được Vương nước Ngô là Tôn Quyền gả em gái cho để kết tình huynh đệ, hòng xây dựng liên minh Ngô – Thục chống lại Ngụy Tào, nhưng Lưu Bị không hề tin tưởng Đông Ngô, vẫn dấy binh chinh phạt Tôn Quyền để rồi liên minh Thục – Ngô tan vỡ, cả hai nước Thục, Ngô đều suy yếu vì chiến tranh, dẫn đến cơ hội cho nước Ngụy, kế thừa là nước Tấn mạnh lên, sau này tiêu diệt cả Ngô lẫn Thục, bá chủ thiên hạ. Do đó, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có liên quan ở Biển Đông sẽ giúp cho quan hệ giữa các nước ổn định hơn, giảm bớt hiểu lầm, không để dẫn tới xung đột, chiến tranh không đáng có trên vùng biển trù phú này.




Mỹ kêu gọi các nước


tăng cường tuần tra tự do hàng hải Biển Đông


Tư lệnh Hải quân Mỹ kêu gọi các nước Đông Nam Á cần đưa ra phản ứng đối với các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia sẽ có cách đánh giá tình hình và cách tiếp cận của riêng họ. Nhưng đến một lúc nào đó, các lực lượng hải quân cũng phải triển khai, hiện diện và đưa ra phương án lựa chọn cho lãnh đạo của đất nước họ. Cách họ lựa chọn như thế nào là vấn đề quan trọng đối với cách tiếp cận quốc gia và chủ quyền của họ”, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nói với báo Sydney Morning Herald hôm 16/5.

Đô đốc Richardson cho rằng các lực lượng hải quân Australia và Indonesia nên tăng cường hiện diện trên Biển Đông. Tư lệnh Hải quân Mỹ cho rằng cả Australia và Indonesia đều là những nước ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), Indonesia không tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên Indonesia muốn xác lập chủ quyền tại khu vực mà nước này gọi là vùng biển Bắc Natuna và Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này. Australia cũng không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, song nhiều lần kêu gọi các quốc gia khác đảm bảo tự do đi lại tại vùng biển này.

“Nơi mà chúng tôi có thể nhìn thấy những cơ hội để hợp tác cùng nhau, diễn tập cùng nhau, hiện diện cùng nhau, đó là những gì mà chúng tôi không ngừng tìm kiếm. Chúng tôi có một mối quan hệ gần gũi với lực lượng hải quân của cả hai nước, và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì điều đó”, Đô đốc Richardson nói.

Bình luận về các chiến dịch đảm bảo “tự do hàng hải” của Mỹ tại Biển Đông, Đô đốc Richardson nói rằng đây chắc chắn không phải là những hành động “mang tính khiêu khích”.

“Đây là một phần trong cách mà Mỹ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho trật tự dựa trên luật lệ”, Tư lệnh Hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Tuần trước, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Preble và Chung Hoon của Hải quân Mỹ đã di chuyển gần các bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc rất không hài lòng và kịch liệt phản đối động thái này của Mỹ.

Đáp lại, Đô đốc Richardson đã phản đối phát ngôn của Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện. Chúng tôi có rất nhiều lợi ích quốc gia tại đó. Khoảng 1/3 dòng chảy thương mại của thế giới đi qua Biển Đông. Mỹ là một quốc gia hàng hải. Chúng tôi có nhiều lợi ích to lớn trên biển. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện”, Đô đốc Richardson nhấn mạnh.

“Liên quan tới các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, điều quan trọng là cần hiểu rằng Hải quân Mỹ ủng hộ việc tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải, mở cửa vùng biển, trước sau như một và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Và chúng tôi tiến hành việc này trên toàn thế giới”, ông Richardson nói thêm.

Đây không phải lần đầu tiên Đô đốc Richardson lên tiếng về các hoạt động của hải quân Mỹ trên Biển Đông. Tại Philippines hồi tháng 10/2018, Tư lệnh Hải quân Mỹ từng tuyên bố Washington đã hiện diện tại khu vực Biển Đông suốt 7 thập niên qua và sẽ tiếp tục hiện diện, đồng thời ủng hộ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.