Anh Quốc cam kết hiến tặng vaccine cho các nước nghèo hơn
BBC
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức trực tuyến, Thủ tướng Boris Johnson nói Anh Quốc sẽ tặng cho các nước nghèo hơn số vaccine chống Covid dư, sau khi tiêm chủng đại trà ở Anh hoàn tất.
Trước khi tham gia Hội nghị G7 năm nay, khai mạc 19/02/2021 qua video, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước giàu đặt ra 4-5% vaccine của họ cho các nước nghèo hơn.
Lãnh đạo Anh, nước đã tiêm chủng được gần 17 triệu dân với liều vaccine đầu tiên, nói cần đặt ra mục tiêu 100 ngày để phát triển vaccine chống các loại dịch bệnh nảy sinh trong tương lai.
Với dân số gần 67 triệu, Anh đã đặt mua 400 triệu liều vaccine từ các nguồn và nhà bào chế khác nhau, nên sẽ dư ra khá nhiều vaccine sau khi tất cả người lớn được tiêm.
Vấn đề nằm ở đâu?
Tuy thế, với các quốc gia đông dân và thiếu cơ sở hạ tầng về y tế và phân phối dược phẩm, việc tiêm cho đa số người dân của họ sẽ khó hoàn tất đến cuối 2023, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Economic Intelligence Unit tại Anh.
Mục tiêu tiêm chủng toàn cầu, cho 7,8 tỷ người là rất khó đạt được, theo một bài phóng viên BBC News Stephanie Hegarty đăng hôm 13/02/2021 tại Anh.
Nhìn vào vấn đề dân số, bà Hegarty cho rằng "trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ người ta thử làm chuyện đó".
Vấn đề không phải là có đủ, hay thừa vaccine mà là khó khăn về hậu cần.
Nhiều quốc gia thiếu hệ thống phân phối, nhân viên y tế, tình nguyện viên được hướng dẫn để tiêm vaccine cho dân.
Phóng viên BBC trích các đánh giá của Economic Intelligence Unit nói "cường quốc vaccine" như Trung Quốc cũng khó tiêm hết cho dân của họ đến cuối 2022, vì dân số quá đông và tình trạng tương tự sẽ xảy ra ở Ấn Độ.
"Một số quốc gia sẽ không thể tiêm chủng rộng khắp cho dân trong 2023 và có những nước sẽ không bao giờ tiêm chủng hết cho dân."
Tuy thế, quốc gia nào có dân số trẻ có thể sẽ không coi việc tiêm chủng đại trà là ưu tiên.
Tại Anh, giới chức hiện không đưa nhóm thiếu niên dưới 16 và trẻ nhỏ vào diện tiêm chủng. Cùng lúc, vẫn có không ít các cộng đồng dân cư phản đối việc tiêm vaccine chống Covid.
Ngoài ra, vấn đề đi cùng chương trình tiêm chủng là làm sao cập nhật các loại vaccine để chống được những biến thể mới của Covid.
Cùng lúc, người ta cũng bàn nhiều về chi phí mua vaccine từ nước ngoài.
Tính đến tháng 11/2020 thì vaccine Oxford/AstraZeneca là rẻ mất, giá chỉ 4 USD, thấp hơn Pfizer (20 USD) hay Moderna (33 USD).
Vaccine Novavax sắp đưa vào sử dụng có giá khoảng 17 USD, còn Johnson & Johnson giá 10 USD.
Đây là giá chào hàng do các công ty bào chế nêu ra, còn giá tiêm tại chỗ có khi cao hơn, vì phải cộng chi phí phân phối, hoặc thấp hơn nếu chiến dịch tiêm chủng được tài trợ.
Ví dụ giá tiêm một liều vaccine Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 1 vừa qua là 60 USD nhưng vaccine Trung Quốc mà Indonesia nhập về sẽ chỉ còn giá 200 ngàn rupia (13,6 USD) cho dân địa phương, theo BBC News.
0 comments