Tin Biển Đông – 03/05/2019
Thực trạng chiến lược phát triển điện gió hiện nay
của TQ vấn đề đặt ra đối với khu vực Biển Đông
Theo “Kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng gió lần thứ 13”, Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô trang trại điện gió ngoài khơi lên 10 triệu kW vào năm 2020, với công suất kết nối lưới điện đạt hơn 5 triệu kW. Đáng chú ý, nước này cũng nhắm tới việc mở rộng lĩnh vực này ra Biển Đông, tại các thực thế chiếm đóng trái phép đang được Trung Quốc bồi đắp, mở rộng.
Về quy hoạch tổng thể: Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015)và lần thứ 13 (2016 – 2020), Trung Quốc muốn có cách tiếp cận cân bằng hơn về tăng trưởng và phát triển, chú ý đến môi trường và chất lượng sống. Vì vậy, nước này đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái sinh như gió, điện mặt trời, trong đó tập trung xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành “Nguyên tắc thực thi tạm thời quản lý xây dựng khai thác điện gió trên biển”, trong đó quy định khoảng cách từ bờ biển đến các tua bin điện gió ít nhất là khoảng 10km, tại các vùng biển có độ sâu tối thiểu trên 10m và hoàn thành “Phương án xây dựng phát triển điện gió trên toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016”, trong đó đề cập đến 44 dự án, tổng công suất tua bin đạt 10 GW (10.000 MW).
Về đầu tư, phương tiện lắp đặt: Tháng 12/2016 Trung Quốc hạ thủy con tàu chuyên lắp đặt tua bin điện gió trên biển đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. Tàu có chiều dài 85,8m, rộng 40 m, tải trọng 2.500 tấn, có thể hoạt động ngoài khơi 30 ngày liên tục. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng kinh phí khoảng 126,6 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo (tăng 31% so với năm 2016). Con số năm 2018 cũng ở mức tương tự. Với nguồn đầu tư như vậy, năm 2017 – 2018, Trung Quốc hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Quảng Đông, Bột Hải, Thượng Hải… Trong đó, tổng công suất tua bin điện gió ước tính mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển có thể đạt trên 1.000 MW.
Hôm 20/12/2018, sau 202 ngày lắp đặt, trang trại điện gió ngoài khơi xa bờ nhất của Trung Quốc chính thức được kết nối với lưới điện và đi vào hoạt động hết công suất. Trang trại nằm ở phía đông thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cách bờ biển 43km. Với diện tích 90 km2, trại điện gió Đại Phong có công suất lắp đặt lên tới 302,4 nghìn kW. Tổng cộng 72 tua bin gió dự kiến tạo ra khoảng 870 triệu kWh điện mỗi năm.
Hạn chế của TQ trong phát triển điện gió trên biển: Mặc dù đã có nhiều thành tựu về khoa học công nghệ, song Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng thiết kế, sản xuất tua bin công xuất lớn từ 1 MW trở lên, chưa có kinh nghiệm vận hành trạm điện gió cỡ lớn ngoài khơi. Hiện nay chỉ có một số ít công ty Trung Quốc như công ty “Yinhe Avantis Quảng Tây” và “Gold wind” mới đủ khả năng chế tạo các tua bin điện gió đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, do môi trường thi công, xây dựng các trạm điện gió trên biển hết sức phức tạp, cùng với đó là đặc điểm địa chất, kỹ thuật xây lắp và giá thành đầu tư lớn, tính ổn định không cao và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khi ở Biển Đông thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp ngầm và hoạt động giao thông hàng hải khi tiế hành thi công các công trình điện gió.
Về vấn đề đặt ra đối với các nước liên quan Biển Đông: Mặc dù trong quy hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu tìm kiếm và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bắt kịp xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc nước này thúc đẩy phát triển điện gió ở Biển Đông lại có những động cơ, mục đích khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng. Đầu tiên, việc phát triển điện gió hiện nay sẽ tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Theo tờ Asatimes đánh giá, mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hai là, việc Trung Quốc xây dựng các công trình điện gió trên biển là nhằm khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực, giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ, vì hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ba là, việc thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các dự án điện gió được báo chí truyền thông Trung Quốc triệt để sử dụng để tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió sẽ góp phần giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội hẳn so với các nước ở Biển Đông.
Tóm lại, việc Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các hệ thống điện gió trên biển và đưa các công trình này tới các thực thể do Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông rõ ràng là nằm trong những toan tính chiến lược nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông của nước này.
Biển Đông: Mỹ nói sẽ có chiến lược mới để phản pháo lại TQ
Hoa Kỳ sẽ công bố một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới trong tháng này nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn quân sự hóa Biển Đông.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã phản ứng bằng thông điệp là một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới sẽ được khởi động vào tháng Năm.
Chiến lược mới được ông Randall Schriver công bố tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tuần trước và khu vực này đã được xác định là “vùng ưu tiên” trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục tập trung sự quan tâm và hiện diện tại đây.
Quan hệ giữa hai nước có căng thẳng trong những tuần gần đây, sau khi hai tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan và có lời đe dọa của người đứng đầu hải quân Hoa Kỳ nhắm vào các tàu phi vũ trang của Trung Quốc.
Trong số bốn quốc gia được liệt kê là mối đe dọa trong Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2018, hai quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là Trung Quốc, nước đang gây ảnh hưởng mở rộng ở Thái Bình Dương và quân sự hóa các đảo và bãi cạn ở Biển Đông và Bắc Hàn do có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố được đưa ra sau khi người đứng đầu Hải quân Hoa Kỳ đe dọa các tàu không có vũ trang của Trung Quốc hồi đầu tuần này để đáp trả các hành động gây hấn của hải quân Trung Quốc tại đây.
Quân đội Mỹ vào hôm 28/4 cho biết đã điều hai tàu chiến Hải quân qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh Lầu Năm Góc tăng tần suất hoạt động qua tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp phản đối của Trung Quốc, theo Reuters.
Chuyến đi có nguy cơ làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh xích mích ngày càng tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Đài Loan là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, bao gồm cả chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Hoa Kỳ cũng tiến hành các hoạt động tự do tuần tra hàng hải.
Hai tàu khu trục được xác định là William P. Lawrence và Stethem. Eo biển Đài Loan rộng 180 km ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc.
“Hai tàu chiến quá cảnh trên eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở hàng hải,” ông Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội bảy của Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo.
Ông Doss cho biết không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp với tàu của các quốc gia khác trong quá trình hai tàu chiến này di chuyển.
Bắc Kinh lo ngại rằng Đài Loan có thể sẽ làm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay, sau phát biểu vào năm mới của Chủ tịch Tập Cận Bình, đe dọa tấn công Đài Loan nếu không chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần đưa máy bay và tàu quân sự đi vòng quanh Đài Loan trong các cuộc tập trận trong vài năm qua, nỗ lực để cô lập Đài Loan trên phạm vi quốc tế, và làm giảm số đồng minh còn lại của Đài Loan.
Vào tháng trước Hoa Kỳ dường như đã điều một hàng không mẫu hạm tới khu vực gần rặng san hô chiến lược, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.
Phía Mỹ không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ tàu chiến hiện diện gần Bãi cạn Scarborough có phải là tàu USS Wasp hay không.
Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough kể từ 2012 tới nay, sau khi cuộc đối đầu giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc kết thúc.
Kể từ đó, Trung Quốc trên thực tế đã phong tỏa khu vực này, nơi vốn là ngư trường màu mỡ của ngư dân Philippines, và thường xuyên cho tàu cá cùng các tàu “cảnh sát biển” tới nơi.
Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế thái độ của Trung Quốc tại đây, hồi tháng Giêng năm ngoái, hải quân Mỹ đã gửi một tàu khu trục tiến sát phạm vi 12 hải lý của bãi cạn này, nhằm thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
Ngoài Bãi cạn Scaborough, Manila còn đối đầu với Bắc Kinh về nhiều địa điểm khác trên Biển Đông.
Pháp khẳng định “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông
đáp trả mạnh mẽ tuyên bố chỉ trích của TQ
Phản ứng trước việc Trung Quốc (25/4)gửi công hàm ngoại giao phản đối Pháp đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng, Paris ngay lập tức khẳng định quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế” của mình.
Pháp ngày 25/4 một lần nữa xác nhận cam kết của mình trong việc thực thi quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế”, bất chấp phản ứng kịch liệt từ chính quyền Bắc Kinh. Trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố “Hải quân quốc gia (Pháp) mỗi năm đi qua eo biển Đài Loan một lần, không hề xảy ra sự cố hoặc phản ứng gì”.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng “Hải quân Trung Quốc đã xua tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan” hôm 7/4, nhưng không cung cấp thêm chi tiết vụ việc. Động thái của hải quân Pháp diễn ra chỉ sau khoảng 2 tuần kể từ khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Hải quân và tàu Bertholf của tuần duyên Mỹ đi qua nơi này vào ngày 25/3. “Việc các tàu này đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo thông báo của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ. “Mỹ sẽ tiếp tục bay ngang, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.Theo giới quan sát, sở dĩ Trung Quốc phản ứng dữ dội về hoạt động của tàu chiến Pháp vì lo ngại hành động này có thể mở đường cho các đồng minh khác của Mỹ, như Nhật Bản và Australia làm điều tương tự tại eo biển Đài Loan.
Kể từ năm 2015, sứ mệnh thường niên mang tên Jeanne d’Arc của Pháp – một cuộc huấn luyện cho các sĩ quan hải quân tương lai được thực hiện bởi tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ – thường di chuyển qua Biển Đông vào mùa xuân. Thêm vào đó, Pháp còn triển khai nhiều tàu tới vùng Biển quan trọng này, như tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và 2 tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào năm 2016 và 2018.
Theo TS Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, việc Pháp triển khai thường xuyên các khí tài quân sự tại Biển Đông phát đi những tín hiệu nhất định.
Thứ nhất, các động thái của Pháp nhằm trực tiếp vào Trung Quốc cụ thể hơn là chống lại sự hăm dọa của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để tạo “sự đã rồi” ở Biển Đông, Paris muốn Bắc Kinh thấy rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép và Bắc Kinh không thể can thiệp. Đó là lý do tàu Auvergne lớp FREMM đã tiến hành đợt triển khai đầu tiên tại Biển Đông hồi tháng 10/2017 để kiểm tra thiết bị săn ngầm.
Thứ hai, các động thái của Pháp hướng về cộng đồng quốc tế cũng như những quan ngại về sự ủng hộ của Pháp đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Trong khi theo đuổi mục tiêu duy trì và thực thi UNCLOS, Pháp xem những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là sự đe dọa đối với tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Thứ ba, các động thái của Pháp nhằm vào các đối tác chủ yếu của Pháp tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Liên minh châu Âu (EU). Việc thực thi Hiệp ước Lancaster House Anh – Pháp năm 2010 và xây dựng một lực lượng viễn chinh chung giữa hai nước là nền tảng trong quan hệ của Pháp với Anh, đặc biệt trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU. Trong khi đó, ý muốn của Pháp với EU là tạo ra một liên minh nắm sức mạnh quân sự quan trọng và hoạt động trên toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở châu Âu. Cuối cùng, liên quan tới chính sách đang định hình dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron là ủng hộ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
0 comments