Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/06/2020

Tuesday, June 9, 2020 5:14:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/06/2020

Hải quan Mỹ thu giữ lô tiền giả từ Trung Quốc

Hương Thảo
Các quan chức Hải quan Mỹ cho biết gần đây họ đã thu giữ được một lô tiền giả có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hơn 351.000 USD tiền giả loại 100 đô la là lượng tiền giả thu giữ được ở Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ, theo The Epoch Times.
Vụ bắt giữ diễn ra tại một cơ sở xử lý các lô hàng chuyển phát nhanh vào ngày 27/5, theo một tuyên bố ngày 3/6 của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Các lô hàng tiền giả, được gửi đến một địa chỉ ở Milwaukee, có nguồn gốc từ Thượng Hải.
CBP cho biết trong một email rằng không có vụ bắt giữ nào được thực hiện sau khi cảnh sát phỏng vấn người nhận gói hàng và “không tìm thấy hành vi bất chính nào”. Người này “không biết gói hàng đó là bất hợp pháp”.
Các tờ tiền giả được làm bằng vật liệu kém chất lượng và không có có vết mờ cần thiết, các nhà điều tra cho biết. Ngoài ra, mỗi tờ tiền giả đều có cùng số sê-ri và có chữ Trung Quốc màu đỏ ở mặt sau. Lô tiền giả sau đó đã bị hủy, theo một tuyên bố.
“Việc nhập khẩu tiền giả có thể là mối đe dọa không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn cả với an ninh quốc gia của chúng ta”, ông William Braun, giám đốc dịch vụ cảng Milwaukee, cho biết trong tuyên bố.
“Việc nhập khẩu trái phép số lượng tiền giả này có khả năng cấu thành nên một hành vi tội phạm rất nghiêm trọng”, ông nói thêm.
Mặc dù Peru được cho là nguồn cung tiền đô la Mỹ giả chính trên thế giới, nhưng tiền giả có nguồn gốc từ Trung Quốc đã liên tục bị chính quyền Hoa Kỳ phát hiện và tịch thu trong sáu tháng qua.
Theo một thông cáo báo chí ngày 22/5, các quan chức hải quan Mỹ đã tịch thu 252.300 USD tiền giả tại một cơ sở chuyển phát nhanh ở Cincinnati hôm 13/5. Chuyến hàng đó đến từ Thâm Quyến, một thành phố cảng ở miền nam Trung Quốc và được gửi đến Guthrie, bang Oklahoma.
Tiền giả có khả năng được sản xuất bởi một máy in cao cấp trên giấy thường, các quan chức Mỹ cho biết vào thời điểm đó. Các chữ tiếng Trung giản thể đã được nhìn thấy ở mặt sau các tờ tiền.
Vào ngày 14/12/2019, Hải quan Mỹ đã thu giữ 900.000 USD tiền giả loại 1 đô la tại Cảng Quốc tế ở Minnesota.
Lô hàng được phát hiện trong một lô hàng thương mại gửi bằng đường sắt có nguồn gốc từ Trung Quốc; Sở Mật vụ – cơ quan chống tiền giả đã được gọi đến và xác định đây là tiền giả.
Chính quyền tại các địa phương ở Mỹ trước đây đã cảnh báo người dân về tiền giả có ký tự tiếng Trung. Tháng 2/2019, các quan chức ở Hilliard, bang Ohio, tuyên bố rằng năm kẻ làm tiền giả đã bị bắt và bị kết án. Cảnh sát đã phát hiện ra giấy, mực và các mặt hàng khác được dùng để sản xuất tiền đô la giả tại nhà của họ.
Chính quyền thành phố đã đưa ra một số đề xuất về cách thức phát hiện tiền giả. Một gợi ý trong đó là: “Hãy tìm kiếm những dấu hiệu lạ. Nhiều tờ tiền giả ở Hilliard có ký tự tiếng Trung. Màu sắc cũng hơi khác thường”.
Theo Epoch Times
Hương Thảo dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hai-quan-my-thu-giu-lo-tien-gia-tu-trung-quoc.html

Mỹ: Đảng Dân chủ công bố dự luật cải cách cảnh sát

sau cái chết của George Floyd

Đảng Dân chủ Mỹ vừa đề xuất dự luật cải cách cảnh sát, sau nhiều tuần biểu tình phản đối sự tàn bạo và phân biệt chủng tộc của cảnh sát lan rộng khắp đất nước.
Dự luật sẽ giúp việc truy tố các vi phạm của cảnh sát trở nên dễ dàng hơn; cấm ‘khóa cổ’ và xử lý các hành vi phân biệt chủng tộc.
Dự luật được đưa ra khi các nhà lập pháp của tiểu bang Minneapolis tuyên bố sẽ giải tán lực lượng cảnh sát thành phố.
Cái chết của George Floyd dưới bàn tay của một cảnh sát da trắng đã gây ra áp lực buộc nước Mỹ phải thay đổi.
Tuy nhiên, không rõ liệu đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ có ủng hộ dự luật có tên ‘Đạo luật Công lý trong việc Hành pháp 2020′ hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “Đảng Dân chủ cấp tiến muốn triệt hạ và từ bỏ lực lượng cảnh sát của chúng ta. Xin lỗi, tôi muốn LUẬT PHÁP & TRẬT TỰ!”
Em trai của ông Floyd dự kiến sẽ làm chứng trước Hạ viện vào cuối tuần này trong một phiên điều trần về dự luật cải cách cảnh sát.
Biểu tình bạo lực tại Washington DC
Mỹ: Trump ‘rời xa’ khỏi hiến pháp, Tướng Colin Powell nói
Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động?
Dự luật nói gì?
Dự luật Công lý trong việc Hành pháp 2020 đã được các nhà lập pháp Dân chủ trình ra hôm thứ Hai, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, các Thượng nghị sĩ da màu Kamala Harris, Cory Booker và những nhà lập pháp người Mỹ gốc Phi.
Khi trình bày dự luật, bà Pelosi đã đọc tên của những người đàn ông và phụ nữ da đen đã chết dưới tay cảnh sát trong những năm gần đây.
Dự luật buộc cảnh sát liên bang sử dụng camera trên người, và camera trong xe, cấm hành vi ‘khóa cổ’ (chokehold), cấm các cuộc đột kích không báo trước, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc bắt cảnh sát phải chịu trách nhiệm về vi phạm quyền dân sự, đồng thời kêu gọi rút tiền tài trợ cho cảnh sát địa phương nếu không thực hiện cải cách.
“Cái chết của George Floyd đã khiến người Mỹ trải qua thời khắc đau buồn, khi chúng ta đau lòng vì những người Mỹ da đen bị giết bởi sự tàn bạo của cảnh sát”, bà Pelosi nói.
“Ngày nay, sự đau buồn này đang được chuyển thành một phong trào hành động quốc gia”.
Dự luật này quy định hành quyết không qua xét xử (lynching) là tội phạm liên bang, hạn chế việc bán vũ khí quân sự cho cảnh sát và trao cho Bộ Tư pháp thẩm quyền điều tra cảnh sát tiểu bang và địa phương để có bằng chứng về sự thiên vị hoặc hành vi sai trái của toàn bộ bộ phận.
Dự luật cũng cho phép thành lập một hệ thống ‘báo cáo hành vi sai trái của cảnh sát cấp quốc gia” – một cơ sở dữ liệu cho các khiếu nại về cảnh sát.
Một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ xét việc viết dự luật của riêng mình, với phiên điều trần dự kiến diễn ra tại ủy ban Tư pháp Thượng viện vào tuần tới.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa phần lớn tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra tín hiệu ủng hộ dự luật.
Trong một động thái tách rời đảng, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney hôm Chủ nhật đã tweet những bức ảnh ông diễu hành tới Nhà Trắng với những người biểu tình Kitô giáo, với khẩu hiệu “Cuộc sống của người da màu đáng được coi trọng”.
Cơ hội nào cho dự luật của đảng Dân chủ?
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên BBC Bắc Mỹ
Gói cải cách, được các nhà lãnh đạo Dân chủ trong Quốc hội trình ra, có thể được xem là quan điểm “chính thức” của đảng này – ít nhất là cho đến nay. Một phần, đó là một nỗ lực nhằm bắt đầu các biện pháp quyết liệt hơn mà một số người cánh tả đang thúc đẩy, về việc đòi cắt giảm ngân sách cho lực lượng cảnh sát.
Nếu đảng Dân chủ có thể có chung tiếng nói, họ sẽ có thể khiến dự luật cải cách này được thông qua tại Hạ viện, nơi họ chiếm đa số. Triển vọng chắc chắn sẽ ít hơn tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát – đặc biệt nếu Donald Trump tìm thấy lợi ích chính trị trong việc cố gắng tô vẽ các đề xuất của đảng Dân chủ thành mối đe dọa đối với “luật pháp và trật tự”.
Mặc dù chắc chắn có rất nhiều lời hoa mỹ từ các chính trị gia quốc gia trong mùa bầu cử tổng thống, nhưng sự thay đổi thực sự có thể chỉ đến từ các quan chức địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp với các cử tri ở các thành phố đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn nhất.
Lời kêu gọi giải tán cảnh sát ở Minneapolis, trong khi phần lớn mang tính biểu tượng vào thời điểm này, có thể chỉ ra rằng những thay đổi sâu rộng rất có khả năng xảy ra trên thực tế – bất chấp có hay không hướng dẫn của liên bang.
Đây có thể là khởi đầu của một loạt các thử nghiệm mang tính địa phương trong cải cách trị an, dưới nhiều hình thức khác nhau, ở các khu vực khác nhau của Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52931404

Tổng thống Trump: Không có chuyện

giải tán cảnh sát, họ là những người tuyệt vời

Bình luậnNguyễn Sơn
Tổng thống Trump khẳng định 99% cảnh sát là những người tuyệt vời và họ đã làm được những kỳ tích cho nước Mỹ.
Hôm 8/6, Tổng thống Donald Trump ca ngợi lực lượng cảnh sát, khẳng định không cắt ngân sách hay giải tán các sở cảnh sát sau những cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.
“Sẽ không có cắt giảm ngân sách, không có giải tán cảnh sát. Lực lượng cảnh sát giúp chúng ta sống trong yên bình”, ông Trump phát biểu tại cuộc thảo luận với các quan chức thực thi pháp luật ở Nhà Trắng.
“Đôi lúc bạn sẽ thấy những điều tồi tệ, nhưng tôi nghĩ 99% cảnh sát là những người tuyệt vời và họ đã làm được các công việc kỳ tích”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
“Có một lý do giúp ít tội phạm hơn, đó là vì chúng ta có lực lượng thực thi pháp luật tuyệt vời. Tôi rất tự hào về họ”, Tổng thống Trump khẳng định.
Tổng thống Trump cũng nói ông muốn loại bỏ “những thành phần xấu” trong lực lượng hành pháp.
“Cảnh sát giúp chúng ta sống trong hòa bình. Chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không còn bất kỳ thành phần xấu nào”, ông Trump nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết Tổng thống Trump cũng không đồng ý với các thị trưởng đang tìm cách chuyển ngân sách của cảnh sát sang những chương trình khác.
“Thị trưởng Los Angeles muốn cắt ngân sách cảnh sát. Thị trưởng New York muốn cắt tiền cho cảnh sát. Điều đó có nghĩa là cắt giảm lực lượng, giảm số sở cảnh sát, thậm chí giải tán hoàn toàn. Tổng thống không đồng ý với điều đó, phần còn lại của nước Mỹ cũng không đồng ý”, phát ngôn viên McEnany cho hay.
Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh 9 thành viên của Hội đồng thành phố Minneapolis hôm 7/6 tuyên bố có ý định giải tán sở cảnh sát sau cái chết của George Floyd. Tuy nhiên, quyết định này chưa được thông qua và cũng gặp những sự phản đối từ chính quyền thành phố.
Một số thành phố như Los Angeles và New York xem xét cắt ngân sách cho cảnh sát, trong khi các nhà hoạt động kêu gọi đầu tư thêm tiền cho các cộng đồng dân cư và chương trình giúp giảm tỷ lệ tội phạm.
Trong một bình luận trên Twitter ngày 7/6, Tổng thống Trump viết: “Joe Biden và phe Dân chủ muốn cắt ngân sách cho cảnh sát. Tôi muốn lực lượng hành pháp tuyệt vời và được trả lương tốt. Tôi muốn luật pháp và trật tự”.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-trump-khong-co-chuyen-giai-tan-canh-sat-ho-la-nhung-nguoi-tuyet-voi-44061.html

Nghị sĩ Mỹ trình dự luật buộc tội cảnh sát nếu

từ chối chăm sóc y tế cho nghi phạm bị giam giữ

Hương Thảo
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Dân biểu Ayanna Pressley cho biết hôm 6/6 rằng họ sẽ đưa ra một dự luật buộc tội cảnh sát nếu lực lượng thực thi pháp luật này không cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những nghi phạm bị giam giữ, theo Epoch Times.
Theo đó, dự luật này “yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật Liên bang và giới chức nhà tù phải thực hiện hoặc cung cấp chăm sóc y tế ngay lập tức cho các cá nhân bị giam giữ nếu họ có biểu hiện kiệt sức”.
Dự luật có tiêu đề “Andrew Kearse Accountability for Denial of Medical Care Act” (Tạm dịch: “Đạo luật chịu trách nhiệm vì từ chối chăm sóc y tế Andrew Kearse”).
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực cải cách các phương pháp trị an sau cái chết của George Floyd, trong lúc ông này bị cảnh sát ở thành phố Minneapolis khống chế hôm 25/5.
Hội đồng Minneapolis vào ngày 6/6 đã bỏ phiếu phê duyệt một đồng thuận không cho phép lực lượng cảnh sát thành phố sử dụng các biện pháp kiềm chế cổ gây nghẹt thở.
Bà Elizabeth Warren là một trong các ứng viên “nặng ký” tranh vị trí đại diện đảng Dân Chủ ra ứng cử tổng thống Mỹ 2020, tuy nhiên bà đã thua cuộc trong tiến trình bầu cử sơ bộ ngay tại bang nhà Massachusetts vào ngày bầu cử “Siêu Thứ ba” (“Super Tuesday”) hồi tháng 3 do không đạt đủ số phiếu. Hơn một tháng sau khi kết thúc chiến dịch vận động của mình, bà chính thức lên tiếng ủng hộ ông Joe Biden – đối thủ của đương kim Tổng thống Donald Trump – trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-trinh-du-luat-buoc-toi-canh-sat-neu-tu-choi-cham-soc-y-te-cho-nghi-pham-bi-giam-giu.html

Mỹ: Joe Biden chia buồn với gia đình George Floyd,

Donald Trump tiếp lãnh đạo cảnh sát

Mai Vân
Một hôm trước ngày lễ tang của George Floyd ở Houston (Texas) vào hôm qua 08/06/2020, ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden đã đích thân đến Houston để chia buồn với gia đình người bị thiệt mạng vì bạo lực cảnh sát, một sự cố đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, biểu tình mà đảng Dân Chủ ủng hộ.
Trong lúc đó, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa lại nhấn mạnh trên nhu cầu duy trì trật tự bằng cách tiếp đón giới lãnh đạo cảnh sát.
Thông tín viên RFI Anne Corpet từ Washington ghi nhận:
Hai cách tiếp cận tình hình hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên là ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, đã lưu lại hơn một tiếng đồng hồ bên cạnh gia đình của George Floyd ở Houston. Theo luật sư của gia đình Floyd thì ông “Joe Biden đã lắng nghe họ”.
Còn phía bên kia là tổng thống Trump, phô trương tư thế người bảo đảm trật tự và an ninh. Trước ngày tang lễ George Floyd, ông đã tổ chức một cuộc gặp với giới lãnh đạo cảnh sát tại Nhà Trắng và khẳng định rằng “sẽ không có việc bãi bỏ ngành cảnh sát. Cảnh sát đã cho phép mọi người sống trong yên ổn, và chính quyền muốn nắm chắc là không có những phần tử xấu trong ngành, để đôi khi xẩy ra những chuyện kinh khủng như đã chứng kiến gần đây”. Đối với tổng thống Mỹ, thì “99,9% hay ít ra là 90% trong số cảnh sát là những con người tuyệt vời, đã làm một công việc vượt bậc”.
Về phần mình, Joe Biden cho biết là ông phản đối việc giải thể hay giảm ngân sách của lực lượng an ninh. Đảng Dân Chủ tuy nhiên mong muốn kiểm soát phương thức hành động của cảnh sát. Họ đã đưa ra một dự luật trong chiều hướng đó để được Hạ Viện nhanh chóng thông qua.
Tuy nhiên, chưa thể biết là văn bản luật sẽ được quyết định như thế nào ở Thượng Viện, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Viên cảnh sát gây nên cái chết của George Floyd ra trước tòa án
Viên cảnh sát Derek Chauvin bị buộc vào tội danh sát nhân trong vụ George Floyd đã trình diện trước tòa án Minneapolis lần đầu tiên vào hôm qua, 08/06. Phiên tòa tổ chức ngắn ngủi qua video từ xà lim của bị cáo. Thẩm phán đã ấn định mức tiền thế chân 1 triệu đô la, trước khi tăng lên thành 1,25 triệu mà viên cảnh sát này phải nộp để được tại ngoại hầu tra với một số điều kiện. Phiên tòa sắp tới được quyết định vào ngày 29/06.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200609-m%E1%BB%B9-joe-biden-chia-bu%E1%BB%93n-v%E1%BB%9Bi-gia-%C4%91%C3%ACnh-george-floyd-donald-trump-ti%E1%BA%BFp-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t

Khoảng 20,000 người tham gia biểu tình

kêu gọi bình đẳng chủng tộc tại Hollywood

Vào chủ nhật (ngày 7 tháng 6), khoảng 20,000 người biểu tình đã xuống đường tuần hành tại Hollywood để kêu gọi bình đẳng chủng tộc và chỉ trích nạn bạo lực cảnh sát sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại Minneapolis vì bị cảnh sát đè lên cổ đến ngạt thở.
Sự kiện bắt đầu vào khoảng 4 giờ chiều trong không khí ôn hòa. Người tuần hành, đi về phía tây dọc theo Hollywood Boulevard, đã đánh trống trên suốt đoạn đường, mang theo những bảng hiệu với dòng chữ “Cắt ngân sách cảnh sát.” Bên cạnh đó, cờ Hoa Kỳ trên đỉnh tòa nhà lịch sử Capitol Records đã được thay bằng lá cờ “Black Lives Matter.”
Cuộc biểu tình trên được tài trợ bởi Black Lives Matter và ca sĩ nhạc rap YG.
Trước đó trong ngày, Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti tuyên bố rằng lực lượng Vệ Binh Quốc Gia – được điều động đến thành phố để giúp đối phó với tình trạng bất ổn dân sự trong tuần qua – rời thành phố vào tối Chủ nhật. Ông cho biết thêm rằng một nhóm nhỏ các thành viên Vệ binh Quốc gia vẫn sẽ tiếp tục đóng quân tại thành phố cho đến ngày 10 tháng 6 để đề phòng các trường hợp khẩn cấp. (BBT)
https://www.sbtn.tv/khoang-20000-nguoi-tham-gia-bieu-tinh-keu-goi-binh-dang-chung-toc-tai-hollywood/

Tổng thống Trump ra lệnh cho Vệ binh Quốc gia

rút khỏi Washington

Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội Vệ binh Quốc gia bắt đầu rút quân tại Washington, lưu ý rằng mọi thứ đều đang “trong tầm kiểm soát hoàn hảo”, sau các cuộc biểu tình bạo lực, hành động phá hoại và đốt phá sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis.
Các quan chức thành phố ở Washington tuần trước đã đưa ra yêu cầu gửi đến một số lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ thực thi pháp luật địa phương.
Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội và các bộ phận hành pháp trực thuộc liên bang vào thành phố để kiểm soát các tuyến đường sau khi nổ ra cướp bóc và bạo động. Vài ngày sau, khi các cuộc biểu tình giảm bớt, Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã kêu gọi Nhà Trắng rút quân đội Vệ binh Quốc gia từ một số tiểu bang đã được triển khai tới thủ đô quốc gia.
Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng: “Tôi vừa ra lệnh cho Vệ binh Quốc gia của chúng ta bắt đầu quá trình rút khỏi Washington, D.C., vì bây giờ mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát hoàn hảo. Họ sẽ về nhà, nhưng có thể nhanh chóng quay lại, nếu cần. Đã có ít người biểu tình xuất hiện đêm qua hơn so với dự đoán!”.
Trong khi có những tuyên bố trực tuyến rằng khoảng một triệu người biểu tình sẽ xuất hiện bên ngoài Nhà Trắng vào ngày 6/6, thì con số thực tế dường như là một phần trong đó. Thị trưởng Bowser đồng tình với những người biểu tình, đã cho viết dòng “Black Lives Matter” bằng chữ màu vàng trên Đại lộ 16th ở Washington.
Đánh giá việc ứng phó với cuộc biểu tình ngày 6/6, Tổng thống Trump đã viết vào đêm khuya rằng “Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Sở Mật vụ và Cảnh sát D.C. đã làm một công việc tuyệt vời. Cảm ơn các bạn!”
Mô tả về cuộc tuần hành vào ngày 6/6, một vài bài báo cho biết cảnh tượng diễn ra có phần giống không khí của lễ hội hơn là căng thẳng. Các nhà chức trách chưa đưa ra ước tính chính thức về số người tham gia, mặc dù có thể dễ dàng thấy có đến hàng chục nghìn người, và thậm chí hàng trăm ngàn người đã tham gia tuần hành trên toàn quốc.
Quốc hội Đảng Dân chủ đang chuẩn bị một kế hoạch cải cách cảnh sát, dự kiến ​​sẽ bao gồm các thay đổi đối với các điều khoản miễn trừ và tạo ra một cơ sở dữ liệu về các sự cố sử dụng vũ lực. Các yêu cầu đào tạo  được lên kế hoạch cải cách.
Một sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis là Derek Chauvin đã ấn đầu gối vào cổ Floyd trong khi bắt giữ người đàn ông gốc Phi này vào ngày 25/5. Viên sĩ quan đã ghìm Floyd xuống đất trong hơn 8 phút. Sĩ quan Chauvin và 3 sĩ quan khác đã bị sa thải vào ngày hôm sau, và Chauvin hiện phải đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ hai và ngộ sát.
Các sĩ quan khác, Thomas Lane, 37 tuổi, Tou Thao, 34 tuổi và J. Alexander Kueng, 26 tuổi, đã bị buộc tội với 2 tội danh giúp đỡ và tiếp tay.
Du Miên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-trump-ra-lenh-cho-ve-binh-quoc-gia-rut-khoi-washington-43877.html

Mỹ : New York ngày đầu dỡ phong tỏa

Thu Hằng
New York phát hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên cách đây 100 ngày và trở thành tâm dịch của cả thế giới (205.000 ca nhiễm và 22.000 người tử vong). Ngày 08/06/2020, New York là một trong những thành phố cuối cùng của Mỹ dỡ phong tỏa giai đoạn 1.
Phóng sự của thông tín viên RFI Loubna Anaki ở New York :
Suốt cả ngày, điện thoại không ngừng reo, Nicole Paniteri, chủ một cửa hàng quần áo, cho biết : « Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ mọi người hỏi thăm ». Giữa đống thùng carton, Nicole Paniteri sắp xếp lại cửa tiệm nhỏ bán quần áo và phụ trang cho phụ nữ. Cửa hàng phải đóng cửa từ gần ba tháng nay vì dịch Covid-19 và cô chỉ có thể bán hàng qua mạng.
Hôm nay là ngày đầu của giai đoạn một dỡ phong tỏa ở New York, cuối cùng thì cô cũng có thể mở cửa trở lại. Cô hào hứng nói : « Thật thoải mái ! Thêm trời đẹp nữa, và chúng tôi hài lòng nhìn thấy những gương mặt qua lại, dù là đeo khẩu trang ! Chúng tôi bắt đầu lại từ từ và khách hàng có thể mua từ bên ngoài cửa kính ».
Vì hiện tại, các cửa hàng còn chưa được đón khách. Mọi giao dịch đều diễn ra ngoài vỉa hè, từ các đơn đặt hàng được chuẩn bị sẵn để khách đến lấy hoặc một món đồ ưng ý bầy ở tủ kính. Nicole Paniteri còn chuẩn bị cho khách xem ảo các sản phẩm của cửa hàng. Cô tỏ ra lạc quan : « Tôi không nói đó là một điểm xuất phát mới. Tôi nghĩ rằng đó là một bước khởi đầu tốt, nhưng con đường vẫn còn dài ».
Giống như Nicole Paniteri, có khoảng 400.000 người dân New York quay trở lại làm việc vào tuần này, từ các cửa hàng quần áo, các công trường xây dựng hay các nhà máy.
Sau 78 ngày phong tỏa, New York, thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất vì dịch Covid-19, từng bước trở lại cuộc sống bình thường, dù rất nhiều cửa hàng quyết định lùi ngày mở cửa do các cuộc biểu tình đang diễn ra. Một số cửa hiệu ở Manhattan đã bị hôi của và bị thiệt hại nặng nề.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, giai đoạn 2 của phong tỏa sẽ được triển khai trong hai tuần nữa : Sẽ có thêm nhiều cửa hàng được phép mở cửa, các hiên cà phê cũng sẽ được đón khách với số lượng có hạn».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200609-m%E1%BB%B9-new-york-ng%C3%A0y-%C4%91%E1%BA%A7u-d%E1%BB%A1-phong-t%E1%BB%8Fa

Nên ra ngoài trời nhiều

để tăng sức đề kháng cho cơ thể

Linda GeddesBBC Future
Trong hai tháng qua, phần lớn dân số thế giới đã phải đóng cửa ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi đi mua hàng hóa thiết yếu.
Điều này có thể làm giảm cơ hội tiếp xúc với virus corona. Tuy nhiên, nó có thể gây tác động, tuy không dễ dàng nhận thấy ngay, đối với hệ miễn dịch của chúng ta, bằng cách khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước các chứng nhiễm trùng khác.
Đeo khẩu trang có thực sự giảm lây Covid-19?
Làm sao để giữ cơ thể không mắc Covid-19?
Covid-19 ra tay tàn độc với nam giới hơn là với phụ nữ?
Vai trò của vitamin D
Con người tiến hóa trên một hành tinh với chu kỳ 24 giờ của ánh sáng và bóng tối, và cơ thể chúng ta được ‘lập trình’ để phối hợp với ánh sáng Mặt Trời.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc này là quá trình tổng hợp vitamin D trong da khi phơi mình trước tia UVB.
Lượng vitamin D được tạo ra hàng ngày có thể giúp củng cố xương và răng, nhưng nó cũng có công dụng đối với các tế bào miễn dịch của chúng ta.
Vitamin D giúp đại thực bào trong phổi – tuyến phòng thủ đầu tiên trước nhiễm trùng đường hô hấp – giải phóng một loại peptide kháng khuẩn gọi là cathelicidin vốn tiêu diệt trực tiếp vi khuẩn và vi trùng.
Nó cũng điều chỉnh hoạt động của các tế bào miễn dịch khác, chẳng hạn như tế bào B và T, vốn điều khiển các phản ứng dài hạn.
Những người có lượng vitamin D thấp có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cúm cao hơn.
Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem liệu các viên vitamin D thậm chí có thể giảm nguy cơ một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh Covid-19 hay không.
Đầu tháng Năm, bà Rose Kenny, chuyên gia lão khoa tại Đại học Trinity ở Dublin, và các đồng nghiệp, công bố dữ liệu theo đó cho thấy người dân các nước châu Âu có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất, trong đó có Tây Ban Nha và Ý, có mức vitamin D thấp nhất.
Điều này nghe có vẻ nghịch lý vì những nước này có khí hậu tràn ngập nắng, nhưng người ta cho rằng lối sống thay đổi đã khiến mọi người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Cạnh đó, việc dùng nhiều kem chống nắng ở các quốc gia này có thể là nguyên nhân khiến hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp hơn.
Mặc dù các yếu tố khác cũng có thể giúp giải thích tỷ lệ tử vong cao do Covid-19 ở các nước này, nhưng “có bằng chứng hoàn cảnh mạnh mẽ về mối liên hệ giữa vitamin D và các cách thức miễn dịch mà chúng ta biết rằng có dính đến Covid-19,” Kenny nói.
Thời tiết nắng nóng có tiêu diệt được Covid-19?
Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác?
‘Giãn cách xã hội’ bao lâu thì chống được Covid-19?
Trước hết, vitamin D dường như làm giảm nồng độ của một chất sinh hóa gây viêm có tên là interleukin-6, vốn có liên quan đến triệu chứng khó thở nghiêm trọng mà các bệnh nhân Covid-19 gặp phải.
Vitamin D cũng thay đổi mức độ sẵn có của cùng một thụ thể ACE2 trên các tế bào phổi mà Sars-CoV-2, tức virus gây bệnh Covid-19, sử dụng để xâm nhập vào các tế bào này và lây nhiễm.
Nếu vitamin D làm thay đổi các thụ thể này, thì virus sẽ khó mà bám được trong cơ thể.
Ích lợi của vận động ngoài trời
Mặc dù cần có thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để xác nhận tác dụng bảo vệ này, Kenny khuyến nghị là tất cả những người trưởng thành nên xem xét uống viên vitamin D trong đại dịch hiện nay.
Nhưng có người đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng nên lấy vitamin D bằng cách ra ngoài trời khi mà nhiều nước đã nới lỏng phong tỏa – nhất là việc này có thể mang lại những lợi ích khác.
Mặc dù không có dữ liệu khoa học chứng minh rằng tập vận động thường xuyên giúp chúng ta ít bị nhiễm Covid-19 hơn, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nó củng cố khả năng phòng vệ của chúng ta trước các bệnh nhiễm trùng khác bao gồm cúm và cảm lạnh thông thường, cũng như tăng tốc phản ứng miễn dịch khi chủng ngừa.
Một cách giải thích cho những ích lợi này là giảm căng thẳng.
“Chúng ta biết rằng mọi người tập thể dục để bao bọc mình trước căng thẳng và một điều rất rõ là mức độ căng thẳng triền miên cao không tốt cho hệ thống miễn dịch,” ông Neil Walsh, vốn nghiên cứu tác động của vận động đối với hệ miễn dịch tại Đại học John Moores ở Liverpool nước Anh, nói.
“Vậy, nếu bạn có thể giảm mức độ căng thẳng bằng cách vận động, thì nó sẽ có tác động tốt cho sức khỏe của bạn.”
Nếu bạn có thể tập thể dục trong công viên, rừng hoặc không gian xanh khác thì tốt hơn nhiều.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc ra ngoài trời giữa thiên nhiên – ngay cả công viên ở thành thị – làm giảm nhịp tim và huyết áp, cũng như bình thường hóa việc tiết hormone gây căng thẳng là cortisol.
Về lâu dài, sống gần gũi và tiếp xúc với thiên nhiên có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 và chết sớm.
Bên cạnh cường độ vận động và nồng độ vitamin D cao hơn, các giả thuyết khác nhau đã được đưa ra để giải thích những phát hiện này.
Một giải thiết là dành thời gian ngoài trời có thể giúp chống lại căng thẳng và cô đơn, bằng cách giúp chúng ta tiếp xúc với người khác.
Nên gọi là ‘virus Vũ Hán’, ‘virus corona’ hay tên khác?
Covid-19: ‘Bệnh nhân số 0′ là ai?
Cúm Tây Ban Nha 1918 giết hàng triệu người bất kể giàu nghèo
Sau đó, còn có Giả thiết về Phục hồi Chú ý, vốn cho thấy các trạng thái và sự vận động của tự nhiên dễ dàng đi vào tâm trí chúng ta, đem đến cho bộ não bị kéo căng của chúng ta cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi.
Tương tác với thiên nhiên
Tuy nhiên, cũng có thể cây cối có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Một số nghiên cứu cho rằng việc dành một vài ngày ở trong rừng dẫn đến tăng số lượng và hoạt động của các tế bào sát thủ tự nhiên trong cơ thể – các tế bào miễn dịch giúp phát hiện và tiêu diệt các virus và tế bào ung thư – trong máu của chúng ta.
Các nhà khoa học tại Nhật Bản cho rằng việc hít vào các chất gọi là phytoncide, thoát ra từ cây cối, có thể là một nhân tố.
Chúng đã được chứng minh là làm thay đổi hoạt động của các tế bào sát thủ tự nhiên trong chúng ta khi chúng phát triển bên ngoài cơ thể, mặc dù cần phải có thêm nghiên cứu để xác nhận xem việc hít những chất này có tác động tương tự hay không.
“Trên thực tế, tôi nghĩ những con đường khác nhau này có thể hoạt động đồng bộ với nhau,” Catharine Ward Thompson, giám đốc trung tâm nghiên cứu của OPENSpace tại Đại học Edinburgh, đồng tác giả bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới về không gian xanh và sức khỏe đô thị, cho biết.
“Phytoncides có thể quan trọng, nhưng có lẽ bạn cần phải đắm mình hoàn toàn trong tự nhiên trong một thời gian mới có được những lợi ích này, trong khi những lợi ích tâm lý như thư giãn và giảm căng thẳng có thể dễ dàng đạt được hơn.”
Cải thiện giấc ngủ
Ra ngoài trời cũng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của chúng ta.
Thời gian chúng ta đóng cửa ở trong nhà trong giai đoạn phong tỏa có thể đã phá vỡ nhịp sinh học của chúng ta – vốn nội sinh, với các chu kỳ gần 24 giờ trong hoạt động của nhiều quá trình sinh học, bao gồm cả giấc ngủ.
Nhịp sinh học của chúng ta thường được giữ đồng bộ, hoặc tương thích với thời gian khi chúng ta ở ngoài trời, thông qua hoạt động của ánh sáng chiếu vào tập hợp các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt.
Những tế bào mắt này giao tiếp với một mảng mô não gọi là nhân trên chéo, vốn hoạt động như đồng hồ chủ của cơ thể.
“Ánh sáng trong nhà thường quá thấp để có thể thúc đẩy sự điều chỉnh nhịp điệu sinh học, vì vậy nếu một người không đi ra ngoài cả tuần, những nhịp điệu này có thể bị gián đoạn, dẫn đến giấc ngủ bị xáo trộn,” bà Mariana Figueiro tại Trung tâm nghiên cứu ánh sáng ở Troy, New York, cho biết.
Nghiên cứu của bà đã chỉ ra rằng những nhân viên văn phòng tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn vào buổi sáng, ví dụ như đi bộ đến chỗ làm, sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn vào ban đêm, và giấc ngủ ít bị gián đoạn hơn so với những người tiếp xúc với ánh sáng mờ hơn.
“Sự gián đoạn nhịp điệu sinh học và ức chế giấc ngủ có liên quan đến phản xạ hệ miễn dịch bị suy giảm,” Figueiro nói.
“Vì vậy, mặc dù ánh sáng có thể không có tác động trực tiếp đến chức năng miễn dịch, nhưng nó có thể có tác động gián tiếp lớn thông qua khả năng điều chỉnh nhịp sinh học và cải thiện giấc ngủ.”
Tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào buổi sáng cũng có tác động tích cực đến tâm trạng và có thể chống trầm cảm.
Về việc cần bao nhiêu thời gian ở ngoài trời để có được những lợi ích này thì khó mà nói.
Mặc dù ánh sáng buổi sáng đặc biệt quan trọng để giữ cho nhịp sinh học của chúng ta được đồng bộ, nhưng mức tổng hợp vitamin D tối ưu xảy ra vào khoảng giữa trưa, khi các tia UVB trong ánh sáng mặt trời nhiều ở mức đỉnh điểm.
Vì vậy, nếu điều kiện phong tỏa cho phép, bạn nên cố gắng ra ngoài ít nhất một lần trong ngày, trong khi duy trì giãn cách xã hội.
Ánh sáng mặt trời và thiên nhiên là phương pháp chữa lành tuyệt vời, và miễn phí.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52980809

WHO: Đại dịch virus corona ‘còn lâu mới hết’,

số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục

Số người bị nhiễm virus corona mới trong một ngày lên cao nhất từ trước đến nay, khi đại dịch vẫn chưa lên đến đỉnh điểm ở Trung Mỹ, WHO cảnh báo hôm thứ Hai, theo Reuters.
“Hơn sáu tháng sau khi đại dịch bùng phát, đây không phải là lúc để bất kỳ quốc gia nào rời chân khỏi bàn đạp”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp ngắn, kêu gọi các nước tập trung vào nỗ lực ngăn chặn virus.
Hơn 136.000 trường hợp bị nhiễm mới, nhiều nhất trong một ngày, được báo cáo trên toàn thế giới hôm Chủ Nhật, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Gần 75% trong số này đến từ 10 quốc gia, đa số ở Châu Mỹ và Nam Á.
Trả lời câu hỏi về Trung Quốc, chuyên gia cấp cứu hàng đầu của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan, cho biết các điều tra và nghiên cứu hồi cứu về cách giải quyết bùng phát của dịch có thể chờ, nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung vào những gì đang làm hôm nay để ngăn chặn đỉnh thứ hai.”
Tiến sĩ Ryan cũng cho biết sự nhiễm trùng ở các quốc gia Trung Mỹ bao gồm Guatemala vẫn đang gia tăng và đại dịch này rất “phức tạp”.
“Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm rất đáng quan tâm”, ông nói, kêu gọi sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ và hỗ trợ quốc tế cho khu vực.
Virus corona: ‘Làn sóng thứ hai’ – chúng ta học được gì từ châu Á?
Anh Quốc bắt đầu áp dụng quy định tự cách ly 14 ngày
Ngân hàng Thế giới: ‘Đại dịch sẽ ảnh hưởng sinh kế hàng tỷ người’
Brazil hiện là một trong những điểm nóng của đại dịch, với số người bị nhiễm được xác nhận cao thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ và số người chết trong tuần tại đây qua đã vượt qua Ý.
Maria van Kerkhove, một nhà dịch tễ học của WHO, nói rằng “cách tiếp cận toàn diện” rất cần thiết ở Nam Mỹ.
Trên toàn thế giới hơn 7 triệu người đã được báo cáo bị nhiễm virus corona và hơn 400.000 người đã chết.
“Đại dịch này còn lâu mới hết ” van Kerkhove nói.
Ít nhất một nửa số người Singapore bị nhiễm virus corona mới được phát hiện không có triệu chứng nào, đồng trưởng nhóm đặc nhiệm virus của chính phủ nói với Reuters hôm thứ Hai, củng cố quyết định của các chính quyền địa phương trong việc dần dà nới lỏng phong tỏa.
Covid-19: Thêm bác sĩ ‘ngã cửa sổ’ và số ca nhiễm tăng mạnh ở Nga
Du học sinh Việt ở Daegu, Hàn Quốc và mối lo ‘ở hay về’
Người Việt và virus corona tại Nga
Được hỏi về hợp tác kỹ thuật với Hoa Kỳ sau tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO của Tổng thống Donald Trump 10 ngày trước, Ryan cho biết WHO phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ .
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi chúng tôi được hướng dẫn hoặc thông báo khác”, ông nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52962952

WHO: COVID còn lâu mới hết,

số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt

Số ca nhiễm virus corona thường nhật tăng cao kỷ lục trong lúc đại dịch trở nên tệ hại trên toàn thế giới và chưa lên đến cao điểm tại Trung Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo ngày 8/6, thúc đẩy các nước gia tăng nỗ lực chế ngự virus.
“Đại dịch đã diễn ra trong hơn 6 tháng nay, đây không phải là thời điểm cho bất cứ nước nào lơi lỏng,” Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo trên mạng.
Ngày 7/6, có trên 136.000 ca mới được báo cáo trên toàn cầu, số cao nhất trong một ngày cho tới nay, ông nói.
75% những ca mới này được ghi nhận tại 10 nước, hầu hết ở Châu Mỹ và Nam Á.
Chuyên gia khẩn cấp hàng đầu của WHO, bác sĩ Mike Ryan, nói lây nhiễm tại các nước Trung Mỹ trong đó có Guatemala vẫn còn tăng cao.
Brazil hiện là một trong những điểm nóng của đại dịch, với số ca nhiễm đứng hàng thứ hai chỉ sau Mỹ và số tử vong trong tuần qua đã vượt qua Ý.
Bà Maria van Kerkhove, một nhà dịch tễ học của WHO, nói “Dịch bệnh này còn lâu mới chấm dứt.”
Có hơn 7 triêu người lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới và hơn 400.000 người chết vì COVID.
https://www.voatiengviet.com/a/who-covid-c%C3%B2n-l%C3%A2u-m%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%BFt-s%E1%BB%91-ca-nhi%E1%BB%85m-h%C3%A0ng-ng%C3%A0y-t%C4%83ng-v%E1%BB%8Dt/5454682.html

Dữ liệu vệ tinh cho thấy

Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc từ rất sớm

Quý Khải
Sự gia tăng đột ngột lưu lượng ô tô quanh các bệnh viện lớn ở Vũ Hán vào mùa thu năm ngoái cho thấy Covid-19 có thể đã xuất hiện và lan rộng khắp miền trung Trung Quốc từ lâu trước khi Trung Quốc báo cáo cho thế giới biết đến lần đầu, theo một nghiên cứu mới của Đại học Y Harvard.
Sử dụng các biện pháp tương tự các cơ quan tình báo, nhóm nghiên cứu đã phân tích ảnh chụp vệ tinh thương mại và “quan sát thấy sự gia tăng đáng kể lưu lượng giao thông bên ngoài năm bệnh viện lớn ở Vũ Hán bắt đầu từ cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2019”, theo Tiến sĩ John Brownstein, giáo sư y khoa Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu.
Trao đổi với ABC News, ông Brownstein cho biết sự gia tăng lưu lượng giao thông cũng “trùng khớp” với sự gia tăng tìm kiếm các từ khóa trên mạng internet Trung Quốc cho “các triệu chứng bệnh nhất định mà sau đó đã được xác định là có liên quan chặt chẽ với virus corona chủng mới”.
Mặc dù ông Brownstein thừa nhận đây chỉ là các bằng chứng gián tiếp, nhưng ông cho rằng nghiên cứu này cung cấp một kho dữ liệu mới quan trọng góp phần làm sáng tỏ bí ẩn về nguồn gốc COVID-19.
“Điều gì đó đã xảy ra vào tháng 10/2019”, ông Brownstein, giám đốc sáng tạo của Bệnh viện Nhi Boston và giám đốc Phòng thí nghiệm dịch tễ học thuộc ĐH Harvard. “Rõ ràng, có một mức độ gián đoạn hoạt động xã hội nhất định diễn ra khá lâu trước thời điểm chính thức khởi đầu dịch bệnh”.
Brownstein và nhóm của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston và Bệnh viện Nhi Boston, đã dành hơn một tháng để cố gắng xác định các dấu hiệu cho thấy dân số tỉnh Hồ Bắc (vùng tâm dịch) bắt đầu bị ảnh hưởng.
Logic trong dự án nghiên cứu của Brownstein khá rõ ràng: các bệnh về đường hô hấp dẫn đến một loạt các hành vi rất cụ thể trong các cộng đồng nơi chúng lan rộng. Vì vậy, những bức ảnh thể hiện những kiểu hành vi này có thể giúp giải thích những gì đang xảy ra ngay cả khi những người nhiễm bệnh không nhận ra vấn đề rộng lớn hơn vào thời điểm đó.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là nhìn vào hoạt động, một bệnh viện bận rộn như thế nào”, ông Brownstein nói. “Và cách chúng tôi làm là đếm những chiếc xe đang ở bệnh viện đó. Bãi đậu xe sẽ trở nên đầy ắp khi bệnh viện bận rộn. Vì vậy, nhiều xe hơi hơn trong bệnh viện, bệnh viện bận rộn hơn, có thể là do có gì đó xảy ra trong cộng đồng, tình trạng lây nhiễm đang gia tăng và người dân phải đi khám bác sĩ. Do đó, bạn thấy sự bận rộn của bệnh viện thông qua những chiếc xe .. Chúng tôi đã thấy hiện tượng này tại nhiều bệnh viện”.
Bức tranh được dựng lên dựa trên các dữ liệu này không phải là kết luận, ông Brownstein thừa nhận, nhưng ông cho rằng những con số này đang nói lên điều gì đó.
“Một lượng lớn thông tin đang chỉ ra có điều gì đó đang diễn ra ở Vũ Hán vào thời điểm đó”, ông Brownstein nói. “Vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu để hé mở đầy đủ những gì đã diễn ra và để mọi người thực sự hiểu được cách thức dịch bệnh này bùng phát và xuất hiện trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, đây chỉ là một bằng chứng khác”.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào năm ngoái và lây lan ra toàn cầu, lây nhiễm cho gần 7 triệu người và cướp đi tính mạng của hơn 400.000 người, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Trong đại dịch, chính quyền Trung Quốc đã bị thế giới lên án vì bịt miệng những tiếng nói cảnh báo dịch bệnh sớm như bác sĩ Lý Văn Lượng, báo cáo hạ giảm số ca nhiễm và tử vong, đồng thời không cho chuyên gia y tế phương Tây vào Trung Quốc để hỗ trợ nghiên cứu dịch bệnh mới nổi. Bên cạnh đó, trước khi dịch bệnh thoát ra toàn cầu và lây nhiễm cho hàng triệu người dân thế giới, Trung Quốc đã ồ ạt thu gom khẩu trang và vật tư y tế toàn cầu để sau đó bán lại để trục lợi với giá cao.
https://www.dkn.tv/the-gioi/du-lieu-ve-tinh-cho-thay-covid-19-bung-phat-o-trung-quoc-tu-rat-som.html

5 cách thức thông minh để kìm hãm TQ

Ông James Jay Carafano, phó chủ tịch về nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng của Quỹ Di sản hôm 6/6 đã đăng bài bình luận trên Fox News chỉ ra 5 cách thức thông minh mà Hoa Kỳ nên áp dụng để kìm hãm Trung Quốc.
Ông James Jay Carafano cho rằng dù Hoa Kỳ đang gặp tình cảnh hỗn loạn trong nước sau cái chết George Floyd, nhưng quan hệ đối ngoại của Washington vẫn phải tiếp diễn.
Ông Carafano hoan nghênh Tổng thống Trump đã đưa ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt được thiết kế để làm nản lòng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng hung hăng và hăm dọa. Hành động này hoàn toàn đồng nhất với chiến lược đối phó Trung Quốc mà chính quyền Trump đã công bố gần đây, một tài liệu giải thích lý do hợp lý về cách thức Hoa Kỳ đã đối phó với Trung Quốc trong ba thập kỷ qua.
Chuyên gia về chính sách đối ngoại này, sau đó đã nêu ra 5 cách thức mà Hoa Kỳ có thể áp dụng để kiềm chế nhà nước Trung Quốc cộng sản:
Cách thứ nhất: Không chơi trò đánh đổi
Các nhà ngoại giao thường bàn luận về “chính sách kết nối”, trong đó các nước chấp nhận đổi một số nhượng bộ về một vấn đề để giành lợi ích từ một vấn đề khác. Kiểu ngoại giao đánh đổi đó sẽ không hiệu quả trong các mối quan hệ phức tạp giữa Washington và Bắc Kinh. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đủ khôn ngoan để không nhượng bộ Bắc Kinh về thương mại với hy vọng chế độ này sẽ giúp lại về vấn đề Bắc Hàn hay Biển Đông. Điều đó sẽ không xảy ra.
Washington đã đúng khi xử lý từng bất đồng dựa trên lẽ phải trái của mỗi vấn đề đó. Tuần trước, bất chấp những gì khác đang diễn ra giữa hai quốc gia, ngay cả khi chúng ta thực thi hiệp định thương mại, tổng thống Hoa Kỳ đã đúng trong việc đe dọa các lãnh đạo Trung Quốc về các chế tài liên quan đến vi phạm nhân quyền.
Cách thứ hai: Theo đuổi điều đúng đắn
Đúng như dự đoán, tuần trước tổng thống Trump đã bị chỉ trích khi hủy các đặc quyền thương mại mà Hồng Kông đã được hưởng từ Mỹ khi hòn đảo này là khu vực tự trị trước Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trump chỉ đang làm theo luật Mỹ; luật yêu cầu chính phủ phải đánh giá những sự vi phạm của Bắc Kinh đối với các cam kết của họ trong việc tôn trọng tự do chính trị và kinh tế của người dân Hồng Kông.
Hành động này có thể khiến Bắc Kinh suy nghĩ kỹ về phạm vi của luật an ninh mới mà họ đang soạn thảo để trừng phạt những người Hồng Kông yêu tự do. Nếu chính quyền Trung Quốc kiên quyết tước đi các quyền của dân Hồng Kông, thì đối tượng duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc gây tổn hại tới Hồng Kông là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đảng này đã từng cam kết tôn trọng quyền tự trị của người dân Hồng Kông.
Hoa Kỳ không thể phớt lờ những lựa chọn cứng rắn như vậy của Trung Quốc. Rốt cuộc, việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những việc làm sai trái của họ luôn là chính sách tốt nhất. Nếu không làm thế, Bắc Kinh sẽ coi Washington không là gì khác hơn chỉ là gờ giảm tốc đối với các tham vọng toàn cầu của họ.
 Cách thứ ba: Duy trì mối quan hệ với các nước bạn
Nhiều nước trên thế giới cùng yêu chuộng tự do, hình thành một cộng đồng các nước gọi là thế giới tự do. Nếu thế giới tự do này không tập hợp cùng nhau để kìm hãm hành động phi pháp của Trung Quốc, thì tương lai của tự do sẽ bị đặt dấu hỏi.
Những nhà phê bình có thể không đồng ý về quyết định rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của tổng thống Trump, nhưng không có vấn đề gì khi mà những chỉ trích của Washington đã khích động cộng đồng quốc tế đòi hỏi nhiều tính minh bạch và chịu trách nhiệm hơn từ tổ chức này. Bây giờ chúng ta cần thêm nhiều quyết định tương tự như thế nữa.
Hoa Kỳ cần lãnh đạo tiến trình phục hồi kinh tế hậu COVID của thế giới tự do, bất chấp những can thiệp từ Trung Quốc. Cuộc họp nhóm G7+ là một hình mẫu tốt để làm thế, nhưng không nên cho Nga tham gia vào nhóm này. Nga không có gì để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế thị trường tự do và họ sẽ chỉ cản trở cuộc thảo luận thẳng thắn giữa các nền dân chủ về cách thức đối phó với Trung Quốc.
Cách thứ tư: Theo đuổi các chính sách dài hơi
Để thu hút và duy trì sự chú ý của Bắc Kinh, Washington cần phải hướng đến chế độ này với những biện pháp có ý nghĩa. Trong đó bao gồm biện pháp tấn công vào nơi Bắc Kinh dễ bị tổn thương nhất: đánh vào túi tiền của họ… nhiều lần.
Chính quyền Trump đang tìm hiểu xem liệu các công ty Trung Quốc có tuân thủ các yêu cầu để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ hay không. Washington thực hiện việc này sau khi có các báo cáo về hãng đồ uống Luckin Coffee của Trung Quốc đã làm sai số liệu trong báo cáo về hoạt động kinh doanh.
Trung Quốc cần tiếp cận thị trường tài chính Hoa Kỳ; do đó, một chiến dịch liên tục xử phạt họ vì sai phạm tài chính chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.
 Cách thứ năm: Không để tự gây thương tích
Việc đầu tiên là phải đưa nước Mỹ trở về trạng thái hoạt động bình thường. Các chính sách bảo vệ tự do, thịnh vượng và an ninh của chúng ta cũng phải hiệu quả như khi chúng được sử dụng để đối phó với Trung Quốc.
Thông báo của tổng thống Trump về hạn chế sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học và các viện nghiên cứu Hoa Kỳ là một ví dụ tốt. Khoảng hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Hoa Kỳ mỗi năm. Nhiều người trong số đó tham gia vào hoạt động gián điệp, đánh cắp sở hữu trí tuệ và các hoạt động chính trị theo sự chỉ đạo của ĐCSTQ.
Chính quyền Trump đã đúng khi bắt đầu trấn áp hoạt động phi pháp này. Động thái đó gửi một cảnh báo mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng họ có thể mất quyền tiếp cận hệ thống đại học Hoa Kỳ nếu họ không ngừng những hành vi lạm dụng tồi tệ. Đây là một kiểu chính sách thận trọng có thể giúp cân bằng cả việc bảo vệ nước Mỹ và ứng phó với Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35169-5-cach-thuc-thong-minh-de-kim-ham-tq.html

Trung Quốc trỗi dậy, lãnh đạo Nato kêu gọi

các nước chống lại ‘thói bắt nạt và cưỡng chế’

Minh Hòa
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) kêu gọi các nước cùng chí hướng tham gia vào liên minh quân sự này để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Radio Free Europe đưa tin, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Nato, hôm thứ Hai (8/6) đưa ra những bình luận này tại một sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi hai cơ quan nghiên cứu, gồm Hội đồng Đại Tây Dương và German Marshall Fund của Hoa Kỳ.
Ông cảnh báo: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, làm nóng cuộc đua giành quyền tối cao về kinh tế và công nghệ, nhân rộng các mối đe dọa đối với các xã hội cởi mở và các quyền tự do cá nhân, cũng như gia tăng sự cạnh tranh đối với các giá trị và cách sống của chúng ta”.
Nhà lãnh đạo Nato tiếp tục nói về Trung Quốc: “Họ đang đến gần chúng ta hơn trong không gian mạng, chúng ta thấy họ ở Bắc Cực, Châu Phi, chúng ta thấy họ đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta”.
Ông Stoltenberg, quốc tịch Na Uy, nói rằng dịch bệnh COVID-19 đã “làm gia tăng căng thẳng vốn có” đối với an ninh của các quốc gia. Ông cho rằng 30 nước thành viên trong Nato cần đưa ra một “phương cách toàn cầu hơn nữa” để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông Stoltenberg phát biểu: “Khi chúng ta nhìn tới năm 2030, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước cùng chí hướng, như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, để bảo vệ các quy tắc và thể chế toàn cầu giúp chúng ta an toàn trong nhiều thập niên qua, thiết lập các chuẩn mực và tiêu chuẩn về không gian và không gian mạng, dựa trên các công nghệ mới và việc kiểm soát vũ khí toàn cầu, cuối cùng là để đứng lên vì một thế giới được xây dựng dựa trên tự do và dân chủ, chứ không phải dựa trên thói bắt nạt và cưỡng chế”.
Đưa tin về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nato, Financial Times đề cập đến cách Trung Quốc xử lý đại dịch đã làm gia tăng căng thẳng vốn có với các nước trong và ngoài Nato. Chính quyền Trung Quốc bị nghi ngờ cố tình phát tán dịch bệnh COVID-19 ra thế giới thông qua việc trì hoãn công bố dịch bệnh và che đậy mức độ nguy hiểm của virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-troi-day-lanh-dao-nato-keu-goi-cac-nuoc-chong-lai-thoi-bat-nat-va-cuong-che.html

Hậu Covid-19 : Dân Pháp tăng 3 kí sau 2 tháng ở nhà

Tuấn Thảo
Đó chỉ là mức tăng trung bình theo thăm dò gần đây, do viện thống kê Odoxa thực hiện cùng với liên đoàn ngành bảo hiểm FG2A tại Pháp. Cuộc khảo sát cho thấy sau hai tháng ở nhà vì lệnh phong tỏa, 35% người Pháp đã lên cân, trung bình là 3,2 kg. Thậm chí, một số người còn ‘‘mập’’ hẳn ra. Cứ trên 10 người, là có đến 2 đã tăng hơn 5 kí.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là nhìn chung dân Pháp đã có thái độ khá ‘‘chừng mực’’ chứ ít có lạm dụng. Họ không uống rượu hay hút thuốc quá nhiều, chuyện ăn uống vẫn điều độ không có quá chất đường hay chất béo. Đối với những người thích chơi thể thao, họ vẫn vận động thường xuyên, ít nhất là một tiếng mỗi ngày, thời gian đầu là tập thể dục ở trong nhà, rồi sau đó là ngoài trời xung quanh khu vực cư trú.
Lệnh phong tỏa đã kéo dài trong hai tháng. Nếu như trong những tuần đầu tiên buộc phải ở nhà, người Pháp đã có chiều hướng ăn nhiều hơn bình thường, dựa theo các chỉ số tiêu dùng thực phẩm của các hộ gia đình, nhưng sau đó nhìn chung, dân Pháp đã ý thức được một điều khá đơn giản : ít vận động bao nhiêu thì cũng nên tránh ăn nhiều bấy nhiêu. Có lẽ cùng vì thế mà theo thăm dò, nếu 35% người tiêu dùng ở Pháp đã lên kí, thì cũng có 19% người Pháp tức là gần một phần năm đã giảm cân.
Nếu như chuyện tăng cân là điều khó thể tránh khỏi, nhất là khi các hộ gia đình ‘‘bất ngờ’’ có thêm nhiều thời gian nhàn rỗi, nhưng theo đánh giá của viện thống kê Odoxa, người Pháp nhìn chung đã biết tự hạn chế, chứ không cần phải nhắc nhở. Tình trạng này đi ngược lại với điều mà nhiều người thường nghĩ : thời gian phong tỏa sẽ làm nảy sinh nhiều thói hư, tật xấu : trẻ em cũng không thức khuya, ngủ dậy muộn hơn, chuyện ăn uống cũng không quá bị lệch lạc, trái giờ. Nếu có, thì hiện tượng này chủ yếu diễn ra trong thời gian đầu, dần dần tự điều chỉnh lấy, để rồi đâu cũng vào đó.
Một cách cụ thể, cuộc thăm dò của viện Odoxa cho thấy, số người Pháp uống rượu thường xuyên (uống vào mỗi bữa ăn) đã giảm từ 57% xuống còn 51%. Ngay khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, mức tiêu thụ rượu và champagne đã tăng nhanh trong trung tuần tháng 05/2020, do dân Pháp đã ‘‘ăn mừng’’ khi tìm lại tự do, dù có điều kiện. Trong khi số người hút thuốc (thường xuyên hoặc không thường xuyên) đã giảm một chút từ 27% xuống còn 23%.
Có một yếu tố chung giải thích cho hiện tượng này. Ăn uống, hút thuốc hay uống rượu đều là những thói quen mang tính xã hội. Tất cả những điều đó, bạn vẫn có thể làm một mình, nhưng khi có thêm đám đông và bối cảnh lễ lạc hội hè, tức là trong những buổi họp mặt với bạn bè, người thân hay gia đình, thì bạn sẽ uống rượu hút thuốc nhiều hơn, như thể những quan hệ tương tác trao đổi làm cho những thói quen ấy thêm vui.
Tuy nhiên, đó là cách nhìn tổng thể, vì khi nhìn kỹ lại từng chi tiết, thì nếu như số người hút thuốc lá không thường xuyên đã giảm hẳn, thì ngược lại, số người  hút thường xuyên lại tăng thêm liều lượng trong vòng hai tháng, nhất là nơi các bạn trẻ, thành phần ở độ tuổi từ 25 đến 34. Mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của họ tăng thêm từ 3 đến 5 điếu thuốc lá. Trên 10 bạn trẻ phải làm việc tại nhà, có đế 4 người cho biết họ đã hút thuốc nhiều hơn.
Ngoại trừ ở các vùng tỉnh thành gần biên giới, lệnh phong tỏa đã làm giảm bớt số người hút thuốc lá, chủ yếu cũng vì giá thuốc  lá đã tăng thêm hồi đầu tháng 03/2020 để gần đạt tới mức 10 euro một bao. Theo cơ quan Tabac Info Service, biện pháp này đã có tác động tâm lý và thúc đẩy một số người ngưng hút thuốc, nhưng chủ yếu ở Paris và các vùng đô thị lớn. Ngược lại, những người sống ở các tỉnh gần biên giới, như gần nước Bỉ, Andorra hay Tây Ban Nha, thì biện pháp lên giá chỉ có tác động nhất thời, vì khi mở cửa biên giới trở lại, người tiêu dùng vẫn sang các quốc gia này mua thuốc lá với giá rẻ hơn. Điều đó giải thích vì sao, ngay sau khi nước Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa, tình trạng kẹt xe ở vùng biên giới lại đột ngột tăng vọt, các cửa hiệu đông khách trở lại mà đôi khi lại quên tôn trọng sự giãn cách xã hội, điều cần thiết trong thời hậu Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200609-h%E1%BA%ADu-covid-19-d%C3%A2n-ph%C3%A1p-t%C4%83ng-3-k%C3%AD-sau-2-th%C3%A1ng-%E1%BB%9F-nh%C3%A0

Iran tuyên bố sẵn sàng trao đổi tù nhân với Hoa Kỳ

Theo hãng tin IRNA chính thức, vào hôm Chủ nhật (7/6), phát ngôn viên Abbas Mousavi của Bộ Ngoại giao cho biết Iran sẵn sàng trao đổi tù nhân với Hoa Kỳ.
Ông Michael White, cựu binh sĩ Hải quân Hoa Kỳ bị giam giữ tại Iran kể từ năm 2018, được trả tự do vào hôm thứ Năm tuần trước như một phần của thỏa thuận Hoa Kỳ cho phép bác sĩ người Hoa Kỳ gốc Iran Majid Taheri đến thăm Iran – một sự hợp tác hiếm hoi giữa Hoa Kỳ và Iran.
Ông White được thả hai ngày sau khi Hoa Kỳ trục xuất ông Sirous Asgari, một giáo sư người Iran bị cầm tù ở Hoa Kỳ sau khi được tha bổng vì ăn cắp bí mật thương mại. (BBT)
https://www.sbtn.tv/iran-tuyen-bo-san-sang-trao-doi-tu-nhan-voi-hoa-ky/

Mỹ – Trung căng thẳng: Nhật khó xử nếu đón ông Tập

Nhật Bản từng coi chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tokyo là biểu tượng cho quan hệ song phương đang khôi phục. Nhưng chuyến thăm đó giờ chưa biết khi nào mới diễn ra.
Khi Washington và Bắc Kinh đang tiến đến một cuộc chiến tranh lạnh mới vì hàng loạt mâu thuẫn, Tokyo không còn cách nào khác ngoài việc thay đổi chiến lược, theo Nikkei Asian Review.
Chuyến thăm của ông Tập đáng lẽ diễn ra vào tháng 4 nhưng bị hoãn do COVID-19, và giờ càng trở nên không chắc chắn. Ngày 4/6, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khi trả lời phỏng vấn truyền hình nói đại ý rằng, chuyến thăm phải chờ sau thượng đỉnh G7. Hội nghị G7 bị đổi lịch đến tháng 9, còn hội nghị G20 dự kiến vào tháng 11.
Nếu chuyến thăm diễn ra, ông Tập sẽ là nguyên thủ thứ hai, sau Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà Nhật Bản tiếp đón từ khi Nhật hoàng Naruhito lên kế vị vào tháng 5 năm ngoái.
Quan điểm của Tokyo về chuyến thăm thay đổi sau khi Trung Quốc hôm 21/5 quyết định sẽ ban hành luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong, bước đi bị cho là sẽ tác động lớn đến quyền tự trị của thành phố. Hôm sau, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, cánh tay phải của Thủ tướng Abe Shinzo, nói Tokyo sẽ nghĩ lại về chuyến thăm. “Chúng tôi sẽ trao đổi (với Trung Quốc) trong khi kiểm tra tổng thể các vấn đề cụ thể”, ông nói.
Ông Suga cũng nói như vậy khi trả lời câu hỏi về tác động của luật an ninh quốc gia mới đối với tình hình Hong Kong hôm 28/5, khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết về việc ban hành luật mới đối với Hong Kong. Cách nói này khác với phát biểu của ông hồi tháng 3, rằng sự kiện sẽ diễn ra “vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên”.
Căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng khiến Tokyo cũng thay đổi cách nói. Ông Trump quyết liệt cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho tình trạng đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới và dọa sẽ “cắt đứt toàn bộ quan hệ” với Bắc Kinh.
Tình hình Hong Kong cũng trở thành điểm nóng sau khi ông Trump tuyên bố sẽ hủy những đối xử đặc biệt với Hong Kong sau bước đi của Bắc Kinh. Theo giới quan sát, nếu Washington áp các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh, Tokyo sẽ bị ép phải ủng hộ đồng minh thân nhất. Dù chuyến thăm của ông Tập diễn ra theo kế hoạch, giới quan sát cho rằng, Nhật Bản cũng có ít tự do để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.
Việc ông Trump muốn mở rộng G7 cũng gây thêm quan ngại. Việc ông gợi ý sẽ mời thêm Nga, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc được hiểu là nỗ lực nhằm cô lập Trung Quốc. Đón ông Tập với tư cách nguyên thủ quốc gia vào thời điểm tham gia G7 mở rộng sẽ khiến Nhật Bản rơi vào tình thế khó xử.
Các yếu tố chính trị trong nước cũng có vai trò. Ông Abe đang vấp phải một số chỉ trích trong đảng LDP rằng đã chậm trễ trong việc hạn chế đi lại từ Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Hoạt động dồn dập của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng khiến Nhật Bản giận dữ. Ngày 29/5, hai ban đối ngoại của LDP trình một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong và thúc giục ông Abe nghĩ lại về chuyến thăm của ông Tập.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35156-my-trung-cang-thang-nhat-kho-xu-neu-don-ong-tap.html

Gọi Nam Hàn là ‘kẻ thù’,

Bắc Hàn cắt đứt đường dây liên lạc

Bắc Hàn tuyên bố sẽ cắt đứt mọi đường dây liên lạc liên Triều với miền Nam, bao gồm cả đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Bình Nhưỡng cho biết đây là động thái đầu tiên trong một loạt hành động, mô tả Nam Hàn là “kẻ thù”.
Cuộc gọi thường nhật từ Hàn Quốc tới văn phòng liên lạc chung của hai miền Triều Tiên đặt tại Bắc Hàn lần đầu tiên đã không có người nghe máy.
Sự gián đoạn diễn ra vài ngày sau khi Bắc Hàn nói họ sẽ rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều, vốn được đặt tại thành phố biên giới Kaesong nằm trên phần đất Bắc Hàn.
Nam Hàn muốn ngăn dân gửi thông điệp bằng bóng bay sang Bắc Hàn
Bắc Hàn rút khỏi văn phòng liên lạc với Nam Hàn
Hai miền Triều Tiên mở văn phòng liên lạc 24/7
Văn phòng này được thiết lập nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia – và là một phần trong thỏa thuận được lãnh đạo hai nước, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, ký hồi 2018.
Văn phòng đã tạm thời đóng cửa trong tháng Giêng do các hạn chế liên quan tới dịch bệnh Covid-9.
Tuy nhiên, hai bên vẫn giữ liên lạc thường xuyên cho tới tận thứ Hai.
Hai miền Triều Tiên có hai cuộc điện thoại mỗi ngày thông qua văn phòng liên lạc, vào lúc 9 giờ sáng và 5 giờ chiều.
Bộ Thống Nhất của Nam Hàn hôm thứ Hai nói rằng lần đầu tiên kể từ 21 tháng qua, cuộc gọi từ Nam Hàn đi đã không có người trả lời.
“Chúng tôi sẽ thử gọi lại vào chiều nay, như kế hoạch mọi khi,” ông Yoh Sang-keu, phát ngôn viên chính phủ, nói.
Bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, hồi tuần trước đã đe dọa sẽ đóng cửa văn phòng liên lạc trừ phi Nam Hàn chấm dứt việc để các nhóm đào tẩu gửi tờ rơi sang miền Bắc bằng cách thả bóng bay, truyền thông nhà nước của Bắc Hàn tường thuật.
Bà nói chiến dịch gửi tờ rơi là hành động thù nghịch, vi phạm thỏa thuận hòa bình mà hai nhà lãnh đạo đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Panmunjom 2018.
Những người đào tẩu Bắc Hàn thỉnh thoảng lại thả bóng bay có gắn theo các tờ rơi chỉ trích cộng sản, cho bay sang phía Bắc Hàn. Có lúc họ gắn thêm cả các món đồ, món quà nhỏ trên đó để khuyến khích người dân Bắc Hàn nhặt.
Người dân Bắc Hàn chỉ có thể biết tin tức thông qua truyền thông do nhà nước kiểm soát chặt chẽ, và hầu như không được tiếp cận internet.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52965583

Triều Tiên tuyên bố cắt đứt

toàn bộ liên lạc với Hàn Quốc từ trưa nay 9/6

Minh Hòa
Sáng sớm nay, thứ Ba ngày 9/6, chính quyền Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc vào buổi trưa cùng ngày, theo thông tin từ NK News, một trang tin chuyên về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc.
NK News trích dẫn thông tin từ KCNA, kênh truyền thông của nhà nước Triều Tiên, tuyên bố “đường dây liên lạc Biển Đông và Biển Tây giữa quân đội miền bắc và miền nam, đường dây liên lạc thử nghiệm
liên Triều, cũng như đường dây nóng giữa tòa nhà văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Nhà Xanh” (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc) sẽ bị chấm dứt hoạt động kể từ 12:00 ngày 9/6/2020.
Tuyên bố nêu rõ: “Biện pháp này là bước đầu tiên của quyết tâm đóng cửa hoàn toàn tất cả các phương tiện liên lạc với Hàn Quốc và rũ bỏ những thứ không cần thiết”.
“Chúng tôi đã đi đến một kết luận rằng không cần phải ngồi mặt đối mặt với chính quyền Hàn Quốc và không có vấn đề gì để thảo luận với họ, vì họ chỉ thích làm mất tinh thần của chúng tôi.”
Hãng tin AFP cho biết, tuần trước Triều Tiên đã đe dọa sẽ đóng cửa văn phòng liên lạc với Hàn Quốc và cảnh báo về các bước tiếp theo nhằm khiến Seoul “đau khổ”.
Bà Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng đe dọa sẽ hủy bỏ một thỏa thuận quân sự đã ký với Seoul, trừ khi Hàn Quốc ngăn chặn các nhà hoạt động gửi tờ rơi cho người dân Triều Tiên.
Các nhà hoạt động thường thả những quả bóng bay từ biên giới phía nam sang miền bắc, trong đó có chứa những tờ thông tin phơi bày tình trạng vi phạm nhân quyền của chế độ họ Kim đối với người Triều Tiên. Bà Kim Yo Jong gọi các nhà hoạt động này là “cặn bã của con người”.
Cũng trong tuyên bố trên, hãng thông tấn KCNA nói rằng bà Kim Yo Jong và một quan chức hàng đầu khác là Kim Yong Chol, đã “nhấn mạnh rằng công tác hướng về phía nam nên được chuyển đổi hoàn toàn thành công tác chống lại kẻ thù”.
Hãng tin AFP tiếp tục trích dẫn tuyên bố của KCNA, trong đó cho biết giới lãnh đạo Triều Tiên quyết định “làm cho những kẻ phản bội và những kẻ ô nhục này phải trả giá cho tội ác của mình, bắt đầu bằng mệnh lệnh cắt đứt hoàn toàn tất cả các đường dây truyền thông và liên lạc” giữa hai nước.
Về nguyên tắc, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và chỉ tạm ngừng bắn thông qua một thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Chiến tranh liên Triều xảy ra từ ngày 25/6/1950 khi Triều Tiên với sự hỗ trợ của Trung Quốc đem quân tấn công Hàn Quốc.
Triều Tiên và Hàn Quốc từng là một quốc gia thống nhất, nhưng bị chia cắt ở vĩ tuyến 38 độ Bắc kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, với sự hiện diện của Liên Xô ở miền Bắc và Hoa Kỳ ở miền Nam. Các cuộc đàm phán thống nhất đã đi đến thất bại, hai miền thành lập hai chính phủ độc lập.
Ở miền Bắc, Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ Kim Il Sung (hay Kim Nhật Thành, ông nội của lãnh đạo Kim Jong Un hiện nay) thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào năm 1948. Trong khi đó miền Nam với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, thành lập Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc) theo chế độ tư bản.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trieu-tien-tuyen-bo-cat-dut-toan-bo-lien-lac-voi-han-quoc-tu-trua-nay-9-6.html

Ý đồ của Bắc Triều Tiên

khi quyết định cắt liên lạc với Hàn Quốc

Thu Hằng
Liệu những quả bóng truyền đơn của người đào tẩu Bắc Triều Tiên thả sang miền Bắc nghiêm trọng đến mức Bình Nhưỡng quyết định cắt đứt liên lạc với Seoul ? Dù sao đây là nguyên nhân được chế độ của Kim Jong Un đưa ra để khẳng định « không cần phải đối thoại trực diện với chính quyền Hàn Quốc và không còn chủ đề nào để thảo luận ».
Đằng sau tuyên bố cắt đứt liên lạc với « kẻ thù » miền Nam được đưa ra ngày 09/06/2020 có lẽ là sự phẫn nộ, hết kiên nhẫn, xen lẫn lo lắng của Bình Nhưỡng. Các cuộc đàm phán quốc tế về hạt nhân Bắc Triều Tiên không tiến triển. Quốc gia khép kín nhất thế giới này vẫn chịu cấm vận nghiêm ngặt. Giao thương với Trung Quốc gần như bị ngưng trệ vì dịch Covid-19. Bắc Triều Tiên hẳn cũng bị thiệt hại về người và kinh tế do virus corona, dù không có bất cứ thông tin chính thức nào.
« Lên gân » để thu hút công luận, huy động người dân Bắc Triều Tiên
Bị cả thế giới « quên » vì ưu tiên chống dịch Covid-19, có thể Bắc Triều Tiên đang cố tiếp tục thu hút chú ý với hàng loạt sự kiện từ đầu năm: Bắt đầu bằng những vụ thử tên lửa, tiếp theo là Kim Jong Un mất tích bí ẩn trong vòng ba tuần và gần đây là những phát biểu đầy khiêu khích nhắm vào chính quyền Seoul.
Theo giới chuyên gia, được nhật báo Pháp Les Echos (09/06) trích dẫn, những lời chỉ trích đầy thù nghịch gần đây nhắm đến Hàn Quốc còn nhằm kích động người dân Bắc Triều Tiên « sát cánh, đồng lòng » thể hiện bất bình của toàn dân trước tình trạng « giậm chân tại chỗ » trong các cuộc đàm phán với Seoul và Washington. Dù đã có nhiều cuộc họp thượng đỉnh, nhưng các biện pháp cấm vận đối với
Bắc Triều Tiên vẫn không được giảm nhẹ, mà một trong những lý do được Mỹ nêu lên là Bình Nhưỡng không thực tâm từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia Jean Lee, thuộc Wilson Center, phân tích : « Bình Nhưỡng không bỏ lỡ cơ hội nhắc Seoul về tình trạng thiếu tiến bộ (trong các cuộc đàm phán). Bắc Triều Tiên biết rằng đây là một điểm nhạy cảm đối với tổng thống Moon Jae In, người luôn coi hòa giải với miền Bắc là một trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông ».
Củng cố « gia đình trị », đẩy Kim Yo Jong phụ trách đối thoại với Seoul
Những chỉ trích gay gắt, những đe dọa hùng hổ và những văn bản chính thức liên quan đến Hàn Quốc trong thời gian gần đây đều có bóng dáng của Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un. Nhiều chuyên gia, được Yonhap (08/06) trích dẫn, cho rằng đó là những bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có ý định củng cố địa vị chính trị của em gái, để Kim Yo Jong đặc trách sự vụ Hàn Quốc và tham gia vào những quyết định chính trị quan trọng.
Tuyên bố cắt đứt liên lạc với Seoul được đưa ra trong cuộc họp ngày 09/06 mà cả Kim Yo Jong, với tư cách là phó trưởng ban thứ nhất ban Tuyên Truyền Cổ Động Trung ương và ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Bắc Triều Tiên cùng tham dự. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy em gái của Kim Jong Un có quyền hạn lớn hơn chức danh chính thức, từ lâu được coi là nhân vật số hai và là một trong những cố vấn thân cận của anh trai Kim Jong Un.
Trước đó, vai trò của Kim Yo Jong từng được khẳng định với tư cách là đặc phái viên của Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang 2018. Kết quả của chuyến đi này là ba lần thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. Kim Yo Jong còn được dân chúng ủng hộ thông qua những cuộc tập hợp được tổ chức gần đây để phản đối truyền đơn từ Hàn Quốc tung sang, mà theo giới chuyên gia, quy mô các cuộc tập hợp như vậy chỉ dành cho các nhà lãnh đạo.
Vẫn quen với chiến lược đàm phán « vừa đấm vừa xoa », Bình Nhưỡng hiện đang chuyển sang thế « tấn ». Dường như thời điểm cũng được cân nhắc để có trọng lượng hơn : Hai miền Triều Tiên chuẩn bị kỉ niệm 20 năm « giai đoạn hòa hoãn mới », được đánh dấu bằng chuyến công du Bình Nhưỡng của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung vào ngày 13/06/2000.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200609-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%93-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-khi-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%E1%BA%AFt-li%C3%AAn-l%E1%BA%A1c-v%E1%BB%9Bi-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c

Chiến đấu cơ Đài Loan xua đuổi tiêm kích Trung Quốc

Bình luậnNguyễn Sơn
Một số máy bay tiêm kích Su-30 của Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và đã bị xua đuổi.
“Chúng tôi đã phát lệnh cảnh báo đến những máy bay Su-30 và các chiến đấu cơ của Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan xua đuổi những kẻ xâm nhập”, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm 9/6.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viết rằng, máy bay tiêm kích Su-30 xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan vì xuất hiện máy bay quân sự Mỹ ở đó.
Trong tuyên bố trên, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng cho biết một máy bay vận tải quân sự C-40A của Mỹ đã được cấp phép bay vào không phận Đài Loan nhưng không hạ cánh tại bất kỳ sân bay nào ở lãnh thổ này.
Chiếc C-40A cất cánh từ đảo Okinawa (Nhật Bản), nơi đặt căn cứ không quân lớn của Mỹ, rồi bay qua phía bắc và tây Đài Loan trong đường bay đến Đông Nam Á.
“Quân đội Trung Quốc coi việc máy bay quân sự Mỹ bay vào vùng trời Đài Loan là hành động khiêu khích”, Thời báo Hoàn cầu viết.
Trong khi đó, tuyên bố của Đài Loan khẳng định: “Quân đội Đài Loan luôn theo dõi chặt chẽ vùng biển và vùng trời, cũng như có biện pháp phản ứng kịp thời để bảo vệ lãnh thổ của chúng ta”, theo trang tin Aljazeera.
Đài Loan cáo buộc chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong những tháng gần đây giữa lúc thế giới tập trung ứng phó đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan không có gì bất thường.
Đồng thời, ĐCSTQ coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Một tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc hồi tháng 5 tuyên bố Bắc Kinh sẽ tấn công nếu không có cách nào khác ngăn chặn Đài Loan độc lập, theo Reuters.
Mới đây theo thông báo từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) hôm 20/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ tiềm năng bán 18 ngư lôi hạng nặng công nghệ tiên tiến MK-48 Mod6 và các thiết bị liên quan cho Đài Loan.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/chien-dau-co-dai-loan-xua-duoi-tiem-kich-trung-quoc-44121.html

2020, cơ hội để kinh tế Đài Loan thoát Trung Quốc ?

Thanh Hà
Dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liệu có là động lực đẩy kinh tế Đài Loan tách xa hơn với Trung Quốc và làm tiêu tan chiến lược của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thôn tính Đài Bắc ?
Thành tích y tế của Đài Loan chống virus corona khiến quốc tế chú ý nhiều đến hòn đảo nhỏ bé, chỉ cách Hoa lục có một eo biển 180 cây số. Báo chí phương Tây không ngớt ca ngợi Đài Bắc phản ứng nhanh và hiệu quả ngay từ khi dịch Covid-19 mới chớm bùng lên tại Vũ Hán, nhờ vậy, tương tự như tại Hàn Quốc, Đài Loan không phải áp dụng biện pháp phong tỏa làm gián đoạn các sinh hoạt kinh tế của 24 triệu dân.
Virus corona không để lại tì vết cho Đài Loan
Không chỉ thành công về mặt y tế khống chế dịch bệnh, mà dường như virus corona để lại rất ít tì vết kinh tế đối với « ông khổng lồ » công nghệ điện tử của thế giới này.
Luôn bị Bắc Kinh xem là một tỉnh của Trung Quốc, Đài Loan là một trong số những « đại cường » kinh tế của châu Á, là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản.
« Công nghệ điện tử » là lá bùa hộ mệnh của Đài Loan. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, một mình Đài Loàn kiểm soát 50 % thị trường thế giới, đem về 1/4 GDP cho hòn đảo này. Nhờ lĩnh vực này mà người lao động Đài Loan gần như không biết đến hai chữ thất nghiệp kể cả dưới tác động virus corona đem lại. Tăng trưởng của Đài Loan trong sáu tháng đầu 2020 không suy sụp.
Phép lạ đó có được chủ yếu là nhờ một số tập đoàn Đài Loan, điển hình là Foxconn hay TSMC đang nắm giữ một phần lớn vận mệnh rất nhiều những tập đoàn công nghệ viễn thông kể cả của Mỹ lẫn Trung Quốc như giải thích của thông tín viên đài RFI Adrien Simorre từ Đài Bắc :
“Ban đầu Đài Loan chuyên gia công cho các tập đoàn ngoại quốc, cho phép số này giảm các chi phí sản xuất. Nhưng với thời gian, công nghiệp của Đài Loan ngày càng tăng cấp, chen chân vào những lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn cao hơn. Trong những thập niên 1990-2000,  Đài Loan đẩy mạnh đầu tư vào Hoa lục, mở nhà máy tại Trung Quốc để tận dụng nhân công rẻ, và sản xuất với một quy mô lớn. Thí dụ như tập đoàn Foxconn hiện đang tuyển dụng hơn 1 triệu nhân viên ở Hoa lục. Trong khi đó, trên lãnh thổ Đài Loan, gần như không còn những cơ xưởng sản xuất máy vi tính cá nhân. Các nhà máy tại Đài Loan tập trung vào mảng linh kiện bán dẫn cao cấp”. 
Nắm giữ « chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21 »
Đành rằng 80 % các phụ tùng trong điện thoại thông minh lưu hành trên thế giới đều có dấu ấn của Đài Loan, nhưng  phó chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Pháp tại Đài Bắc, Denis Forman, trên đài RFI lưu ý rằng, chiến lược phát triển công nghiệp của Đài Loan không được cân đối như của Hàn Quốc bởi : thứ nhất, ngoài lĩnh vực công nghiệp điện tử, đặc biệt là trên thị trường bán dẫn, chẳng mấy ai nhắc nhiều đến xe hơi hay các hãng đóng tàu Đài Loan. Thứ hai nữa, Đài Loan chỉ là một nhà cung cấp không thể thiếu của những tên tuổi từ Apple đến Hoa Vi nhưng lại không có những sản phẩm đã hoàn tất để đến tay người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất Đài Loan lệ thuộc vào các khách hàng nước ngoài và rất dễ bị động.
Denis Forman nói rõ hơn về thế thượng phong của Đài Loan trong một lĩnh vực mà ông xem là « chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21 » :
“Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực tin học. Tháng 3/2020, chỉ số ngoại thương của Đài Loan vẫn tăng so với cùng thời kỳ năm ngoái, cho dù cả thế giới bị đóng băng vì virus corona. Thành tích đó có được là nhờ xuất khẩu về điện tử. Thế mạnh của Đài Loan là đã nắm giữ một lĩnh vực then chốt. Chúng ta biết thị trường này đang phát triển và sẽ còn phát
triển mạnh trong những năm sắp tới, với công nghệ 5G. Thí dụ như tập đoàn TSMC hiện đang là một trong hai nguồn cung cấp hàng đầu của thế giới, cùng với Samsung. Hai đại gia này bỏ lại rất xa các đối thủ khác ở phía sau, kể cả các tập đoàn Mỹ”.   
Tuy nhiên, thành công đó có được một phần nhờ vào hàng loạt các công xưởng của Đài Loan xây dựng tại Hoa lục. Nhiều tập đoàn, đứng đầu là Foxconn, đã mở những nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc để có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của hàng trăm khách hàng trên thế giới. Mathieu Duchâtel, giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện nghiên cứu Montaigne Paris, phân tích :
“Đúng là Đài Loan đã tận dụng nhân lực dồi dào và nhân công rẻ của Trung Quốc để đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Thế nhưng, sản phẩm làm ra là để phục vụ các tập đoàn viễn thông và công nghệ cao như Apple của Mỹ hay Hoa Vi của Trung Quốc. Hãng Foxconn hay ông khổng lồ TSMC chẳng hạn hoàn toàn bị lệ thuộc vào hai khách hàng quan trọng nhất này. Đây chính là điểm yếu của mô hình Đài Loan. Chỉ cần Apple chọn một đối tác Trung Quốc để sản xuất tai nghe cho điện thoại iPhone cũng đủ để Foxconn trong thế bị động.”   
Yếu tố Trump
Trong chiến lược phát triển đó, Đài Loan đã không ngờ đến « yếu tố Hoa Kỳ » và chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Càng gần cuối nhiệm kỳ chính quyền Trump càng quyết tâm ngăn chận Trung Quốc làm chủ những công nghệ cao, để trở thành những đối thủ cạnh trực tiếp với Mỹ. Những tập đoàn như TSMC hay Foxconn có hai khách hàng quan trọng nhất là Trung Quốc và Mỹ  lâm vào thế giữa hai làn đạn và bài toán càng thêm nan giải vì không thể thiên về một phe nào trong lúc chỉ riêng Hoa Vi mua vào 14 % hàng của TSMC ; hãng Mỹ Apple là 10 % và 60 % doanh thu của tập đoàn bán dẫn Đài Loan này lệ thuộc vào các khách hàng Mỹ.
Đoán trước được cuộc đọ sức Mỹ-Trung có chiều hướng gia tăng, Đài Loan đã tự lo thân : trước dịch Covid-19, yếu tố Hoa Kỳ thúc đẩy Đài Bắc khuyến khích các doanh nghiệp di dời cơ sở khỏi Hoa lục trước hết là để tránh các đòn thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng Made in China. Giám đốc khoa châu Á viện nghiên cứu Montaigne Paris, Mathieu Duchâtel nhận định :
“Chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn nắm bắt cơ hội cả về mặt chính trị lẫn thương mại để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên thật ra ngay từ khi các doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu di dời cơ sở sản xuất sang Hoa lục, thì chính quyền Đài Bắc luôn chủ trương giữ khoảng cách với Bắc Kinh, nhưng đôi khi đã gặp nhiều trở ngại, bởi vì Trung Quốc có quá nhiều lợi thế trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan. Nhưng ở thời điểm này, gió đã xoay chiều, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Đài Loan trở về nguyên quán, hoặc di dời cơ sở sang những quốc gia khác,hay xích lại gần với Mỹ và các hãng xưởng đã chóng thích nghi với tình huống, khi hướng tới đầu tư vào Việt Nam, Ấn Độ hay Hoa Kỳ, hoặc quay lại về Đài Loan”.  
Từ tháng 7/2019 chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đã có hẳn một kế hoạch giúp đỡ các công ty Đài Loan trở về nguyên quán (giảm thuế doanh nghiệp, cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, nới lỏng thủ tục tuyển dụng lao động nhập cư…). Tính đến tháng 5/2020 biện pháp này đã thuyết phục được 189 hãng đầu tư trở lại vào Đài Loan 23 tỷ đô la. Cùng thời kỳ, tổng đầu tư của Đài Loan vào Hoa lục giảm 50 % so với hồi năm 2018.
Cơ hội thoát Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan đó là chưa kể Washington phá vỡ tham vọng của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thâu tóm Đài Loan. Mathieu Duchâtel giải thích :
“Trung Quốc có hẳn chính sách chiêu dụ đầu tư của Đài Loan vào hoa Lục. Hiện tại có 2 triệu người Đài Loan làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 200 tỷ đô la một năm. Có mối liên hệ rất chặt chẽ trong ngành công nghệ điện tử, viễn thông của hai bên bờ eo biển Đài Loan. Kể cả trong chiến lược phát triển mạng 5G, cho tới rất gần đây, yếu tố chính trị chỉ có một chỗ đứng rất nhỏ trong các dự án hợp tác. Thế nhưng gần đây đã nảy sinh “yếu tố Hoa Kỳ” muốn ngăn cản Trung Quốc làm chủ một số những lĩnh vực công nghệ cao. Chính điều này đã buộc các tập đoàn Đài Loan đứng đầu là TSMC phải xét lại chiến lược phát triển, có nghĩa là vừa phải xích lại gần hơn với Mỹ. Ít ra là trong mảng công nghệ bán dẫn, Đài Loan không có thể còn tiếp tục trông cậy nhiều vào các đối tác Trung Quốc như từ trước tới nay nữa”.  
Xoa dịu Trump để tiếp tục làm ăn với Trung Quốc ?
Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Foxconn cách nay hai năm và giờ đây đến lượt tập đoàn TSMC thông báo kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ đô la, mở nhà máy ngay tại Hoa Kỳ và tạo công việc làm cho dân Mỹ ?
Trung tuần tháng 5/2020 TSMC rầm rộ thông báo kế hoạch đầu tư 12 tỷ đô la, mở cơ sở sản xuất bọ điện tử cao cấp tại bang Arizona, tạo công việc làm cho 1.600 người lao động Mỹ. Chương trình sẽ được khởi công vào sang năm và nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2024.
Arizona luôn là một trong những bang có lá phiếu quyết định trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã rất hài lòng với dự án này. Có điều giới trong ngành đặt câu hỏi phải chăng trong tâm bão chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, TSMC tìm kế hoãn binh để  mặc cả với chính quyền Trump ? Tập đoàn Đài Loan này đầu tư vào Mỹ để đổi lại chờ đợi Nhà Trắng nới lỏng lệnh cấm giao dịch với Hoa Vi, đối tác nặng ký của TSMC.
Tạp chí công nghệ điện tử EETimes của Mỹ trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư 12 tỷ đô la nói trên thuần túy mang tính chính trị. Nhìn vấn đề dưới góc độ lợi nhuận, năng suất thì dự án tại bang Arizona hoàn toàn không có cơ sở để được cho ra đời.
Đó là chưa kể đến khả năng kế hoạch đầu tư vào Mỹ chết yểu vì với lý do « tình hình trên thị trường đã thay đổi ». Đây là kịch bản đang manh nha tại bang Wisconsin : Foxconn thông báo đang gặp nhiều trở ngại cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD tại Mỹ đã được khởi động từ năm 2018. Chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt trong buổi đặt viên đá đầu tiên cho công trình.
Thách thức đặt ra cho kinh tế Đài Loan là giữ được thế cân bằng tránh để mất một trong hai khách hàng nặng ký là Mỹ và Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200609-2020-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%83-kinh-t%E1%BA%BF-%C4%91%C3%A0i-loan-tho%C3%A1t-trung-qu%E1%BB%91c

Hồng Kông: Các nhà dân chủ nói họ đang bị theo dõi

 bởi những kẻ nói giọng Trung Quốc đại lục

Băng Thanh
Một số nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông nói rằng họ đang bị theo dõi và bị quay phim bởi những kẻ lạ mặt mà họ tin đó là các nhân viên an ninh Trung Quốc.
Hoàng Chi Phong, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông cho biết, sau khi kết thúc một cuộc họp vào tối ngày 6/6, anh và một số cộng sự đã phát hiện họ đang bị 4 người đàn ông theo dõi.
Khi nhóm của Hoàng Chi Phong đối mặt với một trong những kẻ theo dõi và hỏi anh ta rằng, anh ta đang làm việc cho an ninh Hồng Kông hay an ninh Trung Quốc, người đàn ông này đã la lên và cáo buộc nhóm của Hoàng Chi Phong đang cướp đồ của anh ta, rồi nhanh chóng leo lên một chiếc xe taxi và biến mất.
Theo Hoàng Chi Phong, vào thời điểm nhóm của anh đang chất vấn người đàn ông kia, một chiếc ô tô màu trắng đậu gần đó đã được lái đi. Phong cho biết, gần đây, anh đã nhiều lần thấy chiếc ô tô này. Anh nghi ngờ rằng, chiếc xe là để chở những kẻ theo dõi nhưng đã lái đi sau khi bị lộ.
Hoàng Chi Phong cho biết, trong tuần qua, anh đã bị theo dõi bởi một người đàn ông trung niên ngồi trong một chiếc xe hơi và chụp ảnh anh khi anh đến văn phòng của Demosisto, đảng dân chủ mà Hoàng Chi Phong là tổng thư ký.
“Có thể điều này xảy ra mọi lúc ở Trung Quốc đại lục, nhưng Hồng Kông là khác với Trung Quốc. Rốt cuộc, luật an ninh quốc gia vẫn chưa được thực thi tại Hồng Kông. Vậy tại sao các nhà hoạt động dân chủ và ủy viên hội đồng bị theo dõi mỗi ngày?”, Hoàng Chi Phong viết trên Twitter.
“Thật đáng buồn, giám sát chính trị nhằm gây ra hiệu ứng sợ hãi đã trở thành hiện thực mới ở Hồng Kông. Mọi người, hãy bảo trọng. Để giữ an toàn, hãy đừng ra ngoài một mình”, Hoàng Chi Phong cảnh báo.
Trước đó, vào tối ngày 5/6, ông Đàm Văn Hào (Jeremy Tam), ủy viên Hội đồng Lập pháp thuộc Đảng Công dân Hồng Kông cho biết, ông đang bị hai kẻ “nói giọng Trung Quốc đại lục” theo dõi và những kẻ này cũng chạy trốn bằng cách vẫy một chiếc taxi khi ông đối mặt với họ.
Theo ông Đàm, vụ việc cho thấy Hồng Kông không còn an toàn nữa và việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông sẽ khiến quyền tự do của người dân sụp đổ.
“Sau khi luật an ninh quốc gia được thực thi, trong những trường hợp tương tự như vậy, nếu người đó nói rằng anh ta là lực lượng an ninh quốc gia Trung Quốc, tôi có thể làm gì? Nếu tôi đối đầu với anh ta, tôi sẽ bị bắt đi chứ?”, ông Đàm cho biết.
Ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), lãnh đạo đảng Công dân Hồng Kông cho biết, ông Đàm không phải là người duy nhất bị theo dõi, vì các nhà lập pháp, ủy viên hội đồng quận và các nhà hoạt động khác cũng đang gặp tình trạng tương tự. Theo ông Dương, chính quyền đang tạo nên sự sợ hãi trong các chính trị gia và cảnh báo người dân cũng có thể bị bắt cóc khi luật an ninh quốc gia được thực thi tại Hồng Kông.
“Luật an ninh quốc gia chưa được thực thi, nhưng khủng bố trắng đã được thực hiện”, ông Dương nói, nhưng nói thêm rằng đảng của ông sẽ không lùi bước vì sợ hãi và sẽ tiếp tục phản đối việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hong-kong-cac-nha-dan-chu-noi-ho-dang-bi-theo-doi-boi-nhung-ke-noi-giong-trung-quoc-dai-luc.html

Phụ huynh Hồng Kông:

‘Một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà tìm thằng bé’

Băng Thanh
Ở nhà, Sam và cô con gái bé bỏng thường xuyên cùng nhau đọc truyện. Đôi khi cô bé chăm chú lắng nghe cha đọc, nhưng đôi khi bé cũng ê a một mình. Hiện tại, cô bé rất thích câu chuyện kể về một chú hổ con học kung fu.
Những khoảnh khắc hạnh phúc, ấm áp này mang đến sự bình yên tạm thời cho tâm hồn của Sam. Nhưng khi sự bình yên qua đi, cảm giác lo lắng lại bủa vây lấy Sam khi anh nghĩ về tương lai của đứa con gái bé bỏng tại Hồng Kông. Con bé đang bước những bước đầu tiên vào thế giới, trong thời điểm mà các quyền tự do ở Hương Cảng đang bị Bắc Kinh dần bóp nghẹt.
Người Hồng Kông đang ngày càng cân nhắc về tương lai của con mình khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới. Luật an ninh quốc gia mới với mục đích chống khủng bố, chống ly khai và lật đổ được coi là hồi chuông báo tử cho tự do ngôn luận và các quyền khác của người dân xứ Cảng Thơm.
Với việc áp luật an ninh quốc gia mới, các bậc phụ huynh lo sợ hệ thống giáo dục ở Hồng Kông sẽ trở thành một công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngăn chặn con cái họ phát triển tư duy tự do, và lo lắng cho sự an toàn của bọn trẻ khi cảnh sát đàn áp những người ủng hộ dân chủ.
Sau khi nhìn thấy những đứa trẻ luôn chìm ngập trong đám mây hơi cay của cảnh sát trong cuộc biểu tình vào năm ngoái, Sam, vợ và con gái đã chuyển từ khu đô thị nơi họ sống đến một căn hộ ở vùng ngoại ô yên tĩnh. Họ hy vọng con gái bé bỏng của họ sẽ an toàn hơn ở đó.
Sam, khoảng 30 tuổi, gần đây đã nhận thêm việc để có tiền cho con gái theo học trường quốc tế ở Hồng Kông. Sam hầu như không ngủ, làm việc tại một công ty truyền thông vào ban ngày và làm phiên dịch vào ban đêm để đem lại một tương lai tốt hơn cho con gái.
Sam lo ngại rằng hệ thống trường công ở Hồng Kông trong tương lai sẽ là công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Anh hy vọng trường quốc tế sẽ thoát khỏi sự can thiệp chính trị từ Bắc Kinh.
Lo ngại về kiểm duyệt trong các trường học ở Hồng Kông dấy lên vào tháng trước khi văn phòng giáo dục Hồng Kông tìm cách loại bỏ một câu hỏi thi tuyển sinh đại học về sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Hồng Kông có một hệ thống giáo dục tự do hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, nhưng kể từ Phong trào ô dù do sinh viên thực hiện vào năm 2014, các trường học và trường đại học đã bị chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh coi là nơi sản sinh ra các nhà hoạt động dân chủ.
Sam hy vọng rằng bằng cách cho con đi học trường quốc tế, con gái của anh sẽ được học tập trong “một môi trường không căng thẳng, nơi con bé được hưởng cảm giác hạnh phúc khi đi học”. Đồng thời, Sam cho biết, học tập trong trường quốc tế cũng là hành trang cho con gái nếu gia đình quyết định rời khỏi Hồng Kông và ra nước ngoài sinh sống.
“Thật buồn khi con bé không được giáo dục tại một trường công vì ngôn ngữ mẹ đẻ của bé là tiếng Quảng Đông, nhưng chúng tôi cần nghĩ về sự lựa chọn của chúng tôi. Có thể là chúng tôi sẽ rời khỏi
quê hương. Tôi muốn con bé cảm thấy nó là người quốc tế, cảm thấy nó là một công dân toàn cầu”, Sam chia sẻ với HKFP, trang web tin tức có trụ sở tại Hồng Kông.
Các chuyên gia tư vấn về di trú ở Hồng Kông cho biết, họ đã nhận được một loạt các cuộc gọi từ người dân Hồng Kông yêu cầu được tư vấn về việc chuyển ra nước ngoài sau tin tức về việc Bắc Kinh sẽ áp luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông được công bố.
Nhưng rời khỏi Hồng Kông không phải là một quyết định dễ dàng đối với nhiều phụ huynh. Paul, 31 tuổi, sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, lo lắng rằng anh sẽ khó tìm một công việc tốt ở nước ngoài. Mặc dù con trai của anh chưa đầy hai tháng tuổi, anh đã nghĩ về tương lai của con mình.
Giống như Sam, Paul muốn con mình đi học tại một trường quốc tế ở Hồng Kông. Sau đó, anh hy vọng thằng bé sẽ đi du học ở nước ngoài, mặc dù điều này sẽ rất tốn kém.
“Tôi được giáo dục rất hạnh phúc tại một trường công và ban đầu tôi muốn con trai tôi lớn lên ở Hồng Kông và ở lại Hồng Kông. Cho thằng bé đi học tại một trường quốc tế và đi du học sẽ tiêu tốn một khoản rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình của chúng tôi”, anh chia sẻ.
“Tuy nhiên, Hồng Kông đang trở nên tệ hơn và không thể quay trở lại những gì tôi từng thấy trước đây. Nếu trẻ em có thể được học về lịch sử một cách chính xác và cho phép tư duy phản biện, thì sẽ ổn thôi, nhưng chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc chỉ muốn miêu tả mặt tốt của chính quyền Trung Quốc mọi lúc”, anh nói.
Paul tin rằng một chương trình học sai lệch đem từ Trung Quốc đại lục qua và áp cho Hồng Kông là không thể tránh khỏi và đó không phải là điều anh muốn con trai mình được dạy.
“Ít nhất không cho con đi học tại trường công là một lựa chọn của chúng tôi”, anh cho biết.
Một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà tìm thằng bé
Trong khi hành trình làm cha mẹ của Sam và Paul chỉ mới bắt đầu, bà Chan, người mẹ có đứa con trai mới tốt nghiệp đại học lại sống trong nỗi sợ hãi rằng con trai của mình có ngày sẽ bị thương hoặc bị bắt trên đường phố Hồng Kông, nơi thằng bé thường xuyên tham gia biểu tình. Bà đã cố gắng thuyết phục con trai ra nước ngoài sống cùng các thành viên khác trong gia đình, nhưng con trai bà không muốn rời khỏi Hồng Kông.
Nghẹn trong nước mắt, bà Chan nói rằng việc đàn áp các quyền tự do của Hồng Kông và những người biểu tình trẻ đã thay đổi mối quan hệ thân thiết của bà với con trai.
“Mùa hè năm ngoái chúng tôi thường nói về chính trị và các cuộc biểu tình, nhưng bây giờ thằng bé không nói cho tôi biết nó sẽ đi đâu nữa”, bà chia sẻ với HKFP.
Bà Chan nói rằng sự trao đổi giữa hai mẹ con trở nên tệ hơn sau khi con trai bà xem đoạn phim cảnh sát bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông vào tháng 11/2019, trong đó các sinh viên bị mắc kẹt trong khuôn viên trường trong nhiều ngày và bị thương trong khi cảnh sát thì bắn hơi cay và đạn cao su vào trường. Từ đó tâm trạng thằng bé trở nên rất tệ.
Bà Chan chia sẻ rằng, bà vẫn hy vọng bà sẽ thuyết phục được con trai rời khỏi Hồng Kông nhưng đó không phải là một cuộc trò chuyện mà con trai bà muốn nghe.
“Cách đây vài tháng, khi chúng tôi lần đầu tiên nói về việc rời khỏi Hồng Kông, thằng bé nói rằng nó không muốn trở thành một kẻ chạy trốn. Bây giờ thằng bé sẽ tức giận mỗi khi tôi nêu ra vấn đề di cư, nó nói với tôi: ‘Nếu mẹ muốn đi, mẹ cứ đi’”, bà kể.
Bà Chan cũng đã tham dự các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhưng lo cho con trai hơn là lo cho bản thân vì theo bà, thanh niên, sinh viên và học sinh là đối tượng thường bị cảnh sát vây bắt tại các cuộc biểu tình.
“Cho đến nay, thằng bé chưa bao giờ bị bắt, nó rất may mắn”, bà Chan nói với HKFP.
“Nhưng bây giờ, nguy hiểm đã đến với giới trẻ ở Hồng Kông. Có lẽ một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà để tìm thằng bé. Đó là một nỗi lo lớn, một nỗi sợ lớn đối với tôi”, bà chia sẻ.
Bà Chan không muốn lại bắt đầu xây dựng cuộc sống ở một đất nước khác nhưng bà cảm thấy vô vọng về tương lai của con trai nếu hai mẹ con vẫn ở lại Hồng Kông.
“Không có tương lai ở Hồng Kông cho những người trẻ tuổi”, bà Chan nói.
Mọi thứ thay đổi quá nhanh
Nỗi lo lắng về tương lai của những đứa trẻ khi lớn lên ở Hồng Kông đang khiến một số người dân xứ Cảng Thơm suy nghĩ kỹ xem liệu họ có nên sinh con hay không. Cô Tam, khoảng 30 tuổi, nói rằng cô luôn tưởng tượng mình có hai đứa con nhưng bây giờ cô không chắc cô muốn làm mẹ.
“Tôi thực sự muốn có con, nhưng liệu tôi có khả năng đảm bảo cho con tôi được hưởng một nền giáo dục tốt và môi trường sống tốt hay không, tôi không thể chắc chắn về điều đó. Mọi thứ đang thay đổi
quá nhanh và môi trường chính trị đang xấu đi với tốc độ như vậy, nó vượt xa mọi thứ chúng ta mong đợi”, cô chia sẻ với HKFP.
Tam chia sẻ rằng, nếu cô sinh con, có thể cô sẽ đến Canada để em bé được hưởng quyền công dân Canada, giống như một người bạn của cô đã làm.
Giống như Tam, Sam cũng cảm thấy sốc khi môi trường chính trị ở Hồng Kông thay đổi quá nhanh. Theo Sam, việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hương Cảng là “đóng đinh cho chiếc quan tài chứa Hồng Kông bên trong”.
“Chúng tôi hiện đang quay trở lại vấn đề cơ bản, đó là chiến đấu để sinh tồn. Nó không phải là một cảm giác tốt”, anh nói, hình dung một cuộc sống xa Hồng Kông trong tương lai, nhưng anh ngày càng thấy nó là một điều cần thiết.
“Tôi muốn con gái và gia đình ở lại Hồng Kông nếu đó là một nơi tốt, nhưng chúng tôi cần xem xét các lựa chọn của mình. Nếu chúng ta đang bị cai quản theo cách này, chúng ta thực sự cần phải nghĩ ra một lối thoát”, Sam cho biết.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/phu-huynh-hong-kong-mot-ngay-nao-do-canh-sat-se-den-nha-tim-thang-be.html

Một năm chống dự luật dẫn độ: Lãnh đạo Hồng Kông

đe dọa không chấp nhận “hỗn loạn”

Mai Vân
Vào hôm nay, 09/06/2020, đúng một năm sau cuộc biểu tình rầm rộ huy động cả triệu người để phản đối dự luật dẫn độ, mở đầu cho phong trào biểu tình liên tục đòi dân chủ cho Hồng Kông, lãnh đạo đặc khu đã lên tiếng đe dọa chính quyền sẽ không chấp nhận “tình trạng hỗn loạn”.
Trong một cuộc họp báo, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lên tiếng cảnh cáo: “Hồng Kông không thể cho phép hỗn loạn như thế, tất cả các bên phải đều phải rút ra bài học”. Theo nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh: “Người dân Hồng Kông phải chứng minh rằng mình là một công dân đàng hoàng, có hiểu biết của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nếu muốn giữ các quyền tự do, tự trị của mình”.
Lãnh đạo Hồng Kông đã lớn tiếng đưa ra lời đe dọa kể trên trong bối cảnh phong trào dân chủ Hồng Kông giờ đây có dấu hiệu gần như bị tê liệt, sau những đợt bắt giam hàng loạt, trong bối cảnh vì dịch Covid-19, các cuộc tụ tập đều bị cấm và một đạo luật an ninh mới lại sắp được ban hành.
Hôm qua, một lãnh đạo cấp Trung Quốc, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), phó giám đốc Văn Phòng Đặc Trách Hồng Kông và Ma Cao giải thích là luật an ninh áp dụng tại Hồng Kông sẽ giống như “một phần mềm chống virus”. Nhân vật này đồng thời nhấn mạnh là phe đòi dân chủ ở Hồng Kông đã đi quá xa.
Trong bối cảnh đó, các diễn đàn trên mạng được những người phản kháng sử dụng đã kêu gọi dân chúng họp lại tối nay, để đánh dấu ngày kỷ niệm đầu tiên của cuộc xuống đường quy mô cách nay đúng một năm. Nơi tập hợp sẽ được thông báo chỉ một giờ trước, để cảnh sát không kịp ngăn chặn.
Ngoài ra, các tổ chức sinh viên và công đoàn cho biết sẽ thăm dò các thành viên về khả năng đình công trong những ngày sắp tới.
Hồng Kông: Phong trào dân chủ đối mặt với tương lai mất tự do
Cách đây đúng một năm, ngày 09/06/2019, một triệu người đã xuống đường một cách ôn hòa, đòi bãi bỏ dự luật cho dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc. Không ai ngờ là cuộc tuần hành này đánh dấu bước khởi đầu cho một loạt biểu tình sau đó làm đảo lộn xã hội Hồng Kông, dẫn đến những thay đổi bất ngờ. Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy, thuật lại tình hình một năm sau:
Cách đây đúng một năm, một triệu người Hồng Kông đã xuống đường với trẻ em, người cao niên, để đòi rút lại luật dẫn độ sang Trung Quốc. Nhưng ngay buổi chiều, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga xác nhận ý muốn cho thông qua luật, hoàn toàn xem thường dân chúng.
Đối với nhiều người, chính thái độ đó đã khiến người dân tức giận và dẫn đến hàng chục cuộc đối đầu ngày càng dữ dội, đình công, hành động bất phục tùng, chiếm cứ nghị viện, phi trường, trường đại học trước một lực lượng an ninh bị người biểu tình tố cáo là lạm dụng bạo lực.
Quách Vĩnh Khang (Denis Kwok) là một trong những nghị sĩ đối lập dân chủ mà Bắc Kinh đòi loại ra, cho là ông không đủ tư cách vì “ngăn cản (hoạt động) của nghị viện”. Ông đã ghi nhận như sau về hệ quả của một năm lịch sử vừa qua: “Trong một năm, chúng tôi đã bị mất quyền tự do được nguyên tắc ‘một đất nước hai chế độ’ bảo đảm. Còn điều mà chúng tôi đạt được là sự đoàn kết của công dân Hồng Kông và sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tôi thiết nghĩ là cộng đồng quốc tế phải buộc Trung Quốc tôn trọng cam kết của họ”.
Người dân Hồng Kông đặt hy vọng cuối cùng vào sự hỗ trợ của quốc tế, vì một năm sau, nếu luật dẫn độ đã thật sự bị rút lại, nhưng Bắc Kinh lại thông báo muốn áp đặt một luật an ninh đi xa hơn nữa trong việc hạn chế các quyền tự do cá nhân và chính trị của người Hồng Kông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200609-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-d%E1%BA%ABn-%C4%91%E1%BB%99-l%C3%A3nh-%C4%91a%CC%A3o-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-%C4%91e-do%CC%A3a-kh%C3%B4ng-ch%C3%A2%CC%81p-nh%C3%A2%CC%A3n-h%C3%B4%CC%83n-loa%CC%A3n

Trịnh Tư Luật: ‘Trung Quốc không cải tổ,

Hong Kong không hy vọng’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Nhà nghiên cứu chính sách, nhà hoạt động người Hong Kong nói cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” đã bị kết liễu và người Hong Kong cần học Đài Loan, không được thỏa hiệp với Trung Quốc.
“Không riêng gì hệ thống chính trị và pháp lý của chúng tôi bị điều khiển bởi một chính quyền bù nhìn, nền kinh tế, hệ thống giáo dục, xã hội và môi trường cũng bị khai thác”, nhà nghiên cứu Trịnh Tư Luật chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 4/6.
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
Ông Trịnh Tư Luật (Cheng Sze Lut), sinh năm 1988, là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh dân chủ tại Hong Kong những năm gần đây. Ông đồng thời cũng là nhà nghiên cứu chính sách, từng làm phó chủ tịch Công đảng và cũng là thành viên chủ chốt của liên minh gồm 50 nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hong Kong.
Trung Quốc gia tăng kiểm soát
Sau khi nhận chuyển giao Hong Kong từ Anh vào năm 1997, Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp để kiểm soát đặc khu này dù bên ngoài vẫn tuyên bố sẽ thực thi cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Những bước đi mới nhất của Trung Quốc, đặc biệt là việc thúc đẩy các luật hạn chế quyền tự trị của Hong Kong, khiến giới ủng hộ dân chủ tại đặc khu lo ngại. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối Bắc Kinh cũng như để bảo vệ quyền tự do cho người dân Hong Kong.
Mới đây, Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh Quốc gia và dự kiến sẽ đưa vào phụ lục Luật cơ bản Hong Kong ngay trong tháng Sáu.
Vào ngày 4/6, Hội đồng Lập pháp Hong Kong cũng đã bỏ phiếu (vòng 3) do dự luật Quốc ca, dự kiến sẽ được ban hành thành luật cũng trong tháng Sáu này.
Một khi luật Quốc ca có hiệu lực tại Hong Kong, các hành động xúc phạm quốc ca có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền và phạt tù.
Với các nhà đấu tranh dân chủ, đây là những bước đi đánh dấu “sự cáo chung của Hong Kong” trong tư cách là một đặc khu với các quyền tự do được đảm bảo.
“Người dân Hong Kong lo ngại các luật do Bắc Kinh áp đặt một khi được ban hành sẽ kéo theo hoạt động tư pháp theo kiểu Trung Quốc”, ông Trịnh Tư Luật nhận định.
“Chính quyền đặc khu cũng có thể tự ban hành các luật hạn chế tự do của công dân, chẳng hạn Luật Trật tự công cộng. Tuy nhiên, dù thế thì các luật này cũng dựa trên các nguyên tắc luật pháp của hệ thống thông luật Anh mà các nước khối Thịnh vượng chung còn áp dụng”.
“Còn với các luật do Trung Quốc áp đặt, thật khó để đảm bảo một người được xét xử công bằng trước các tòa án do đại lục kiểm soát”, ông nói thêm.
Không chỉ là việc ban hành luật, Bắc Kinh còn hạn chế quyền tự trị của Hong Kong và gia tăng kiểm soát đặc khu này theo nhiều phương cách khác.
“Các giáo viên đăng tải thông tin hoặc hình ảnh chống chính phủ lên Facebook, ngay lập tức họ sẽ bị phòng giáo dục cảnh cáo”.
Người Hong Kong đủ thực tế. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không có tự do và cải tổ thực sự ở Trung Quốc thì không thể đảm bảo được quyền tự trị tại Hong Kong
Mới đây, chính quyền Hong Kong còn cấm người dân tập trung tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, sau đó hàng chục ngàn người đã bất chấp lệnh cấm, vẫn thực hiện cuộc tưởng niệm vào đêm 4/6.
“Hành động của chính phủ là một sự khiêu khích nghiêm trọng trong lịch sử của chúng tôi. Cuộc tập trung tưởng niệm ngày 4/6 là một sự kiện quan trọng. Tôi cho rằng việc cấm đoán tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho tương lai”, ông Trịnh Tư Luật đánh giá.
“Cơ chế ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã cáo chung hoàn toàn rồi”, ông Trịnh đúc kết.
‘Trung Quốc không cải tổ, Hong Kong không hy vọng’
Giáo dục lòng “ái quốc” đối với học sinh và các biện pháp tuyên truyền khác cũng được Trung Quốc triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua.
Ông Trịnh đánh giá các chương trình tuyên truyền và lối giáo dục tẩy não đó không phát huy tác dụng.
Dù thừa nhận trong giai đoạn 2000-2010, nhiều người dân Hong Kong trở nên ủng hộ Bắc Kinh vì ngưỡng mộ thành tựu kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông nói thêm:
“Nhiều người mong chờ Bắc Kinh sẽ cải tổ chính trị và truyền thông vào thời điểm 20 năm kể từ năm 1989. Tuy nhiên, tất cả những gì đã xảy ra thì chúng ta đều đã thấy: Chính quyền Tập Cận Bình đàn áp xã hội dân sự và truyền thông, thúc đẩy ý thức hệ yêu nước đơn nhất vốn đe dọa tự do”.
“Người Hong Kong đủ thực tế. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không có tự do và cải tổ thực sự ở Trung Quốc thì làm sao đảm bảo được quyền tự trị tại Hong Kong”, nhà nghiên cứu họ Trịnh nhận định.
Nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng ngả về Bắc Kinh của chính giới.
“Có thể là việc chia sẻ quyền lực hoặc các món lợi trở nên quá hấp dẫn đối với họ”, ông nói. “Nhưng tôi đặc biệt lo ngại là xu hướng các doanh nhân Hong Kong hoặc các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đặc khu trở nên thân Bắc Kinh hơn”.
Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, Hội đồng Lập pháp (Legco) của đặc khu cũng khó duy trì được tính độc lập.
“Phân nửa số ghế trong Legco được bầu bởi ‘các nhóm chức năng’ gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để lấy lại đa số trong Legco, nhưng thật khó làm được điều này”, ông Trịnh Tư Luật nói.
“Mà ngay cả khi chúng tôi chiếm đa số trong hội đồng, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng quyền lực để tước tư cách các vị tân cử sau cuộc bầu cử vào tháng chín”.
‘Tôi là người Hong Kong’
Duy trì một “căn cước” riêng cũng nằm trong sự quan tâm của nhiều người Hong Kong. Thăm dò trên trang Pori cho thấy từ năm 1997-2019, xu hướng người dân tại vùng đặc khu nhận mình là người Trung Quốc (Trung Quốc nhân, Chinese) giảm dần, trong khi xu hướng người nhận mình là người Hong Kong (Hương Cảng nhân, Hongkongers) tăng lên.
“Tất nhiên tôi là một người Hong Kong. Tôi cũng là một người thiểu số Trung Quốc. Nhưng có một điều rõ ràng, tôi không phải là một người đại lục, hoặc là một người Trung Quốc theo những điều kiện hiện nay của Bắc Kinh”, ông Trịnh nói.
Ông cho biết thêm, lớp người lớn tuổi thường có xu hướng coi mình là người Trung Quốc.
“Bởi trải nghiệm sống của họ liên quan tới Quảng Đông hoặc các nguyên quán khác của họ. Nhưng những căn cước này không dựa trên lòng trung thành về chính trị, mà chủ yếu là gốc rễ văn hóa và bản quán”.
“Ngược lại, hầu hết người trẻ đều tin rằng họ là người Hong Kong và không liên quan gì với Trung Quốc cả”, nghiên cứu gia họ Trịnh chia sẻ.
Sự khác biệt giữa các thế hệ cũng thể hiện trong cách thức mà người Hong Kong phản ứng trước các chính sách của Trung Quốc.
“Phần lớn người cao tuổi nghiêng về các phương thức biểu tình truyền thống, chẳng hạn tuần hành ôn hòa, với hy vọng sẽ có câu trả lời thỏa đáng từ chính phủ”, ông Trịnh Tư Luật nhận xét. “Trong khi đó, người trẻ tin rằng không có cách nào để thỏa hiệp với chế độ hiện tại”.
“Người lớn tuổi cũng có xu hướng thoát ly tới các quốc gia khác để sống. Nhưng đó không phải là lựa chọn của người trẻ tuổi, vốn ít có quan hệ với thời thuộc địa Anh và cũng không đủ giàu có.”
Ông Trịnh nhận định một số người trẻ có thể cho rằng việc thoát ly ra nước ngoài là phản bội, là sự bỏ cuộc.
Hong Kong: Các cựu ngoại trưởng Anh muốn có liên minh chống luật an ninh TQ
Hong Kong ‘xuống giá, bất ổn’ vì luật an ninh mới?
Nhưng ở lại Hong Kong để tiếp tục tranh đấu, tương lai sẽ như thế nào?
Ông Trịnh Tư Luật nói rằng tương lai rất khó đoán định, nhưng có thể học hỏi từ Đài Loan.
“Đó là phải vững vàng và từ chối bất kỳ đề nghị thỏa hiệp nào với Bắc Kinh”.
Ông cũng cho rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đòi hỏi dân chủ của Hong Kong là quan trọng, “dù đó không phải là chiến tuyến chủ lực của chúng tôi”.
“Tôi mong rằng Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác tiếp bước Mỹ trừng phạt Trung Quốc càng sớm càng tốt”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52963382

Hác Hải Đông, Quách Văn Quý, Steve Bannon

 và tuyên bố về “Liên bang Trung Quốc”

Chính phủ Trung Quốc không buồn bình luận về ‘tuyên ngôn kiến quốc’ của một nhóm hải ngoại chống Đảng Cộng sản nhưng cộng đồng mạng lại đầy ắp bình luận.
Tỷ phú họ Quách xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
Hong Kong: Các cựu ngoại trưởng Anh muốn có liên minh chống luật an ninh TQ
Hai sự kiện liên quan đến việc tuyên bố “thành lập Tân Trung Quốc”, một thể chế Liên bang để thay chế độ hiện nay ở CHND Trung Hoa có gây tiếng vang nhất định trên mạng xã hội tiếng Trung và truyền thông Phương Tây.
Ngày 03/06/2020, tại New York, một số dân địa phương và nhà báo ngạc nhiên thấy phi cơ kéo trên bầu trời các biểu ngữ “Chúc mừng Liên bang tân Trung Quốc”.
Nhóm phi cơ cánh quạt bay vòng quanh tượng Nữ thần Tự do và sau đó, một video do nhóm chủ trương của vụ việc này được công bố trên YouTube.
Biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Hoa tuyên bố ra đời một nhà nước thay thế cho chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay.
Sự kiện nhằm “gây tiếng vang” (stunt) của triệu phú lưu vong Quách Văn Quý được BBC News Tiếng Trung ở London và một số báo Hoa Kỳ, gồm cả New York Times, nhắc đến.
Dùng tên tiếng Anh là Miles Guo (hoặc Kwok), ông Quách Văn Quý đã cùng cựu cố vấn chiến lược của Tổng thống Donald Trump là Steve Bannon đọc diễn văn trước tượng Nữ thần Tự do.
Từ Thiên An Môn đến Covid-19
Ông Quách tuyên bố nhân kỷ niệm 31 năm Thảm sát Thiên An Môn (04/06/1989), rằng chính quyền “tội ác” của Đảng CS TQ không còn tính hợp pháp.
Còn Steve Bannon, người đã rời Nhà Trắng năm 2017, gọi Đảng CS TQ là “tổ chức gangster” và nói phong trào mang tên “Pháp quyền” (Rule of Law Movement) có mục tiêu giải thể Đảng CS TQ và thay bằng luật pháp kiểu Phương Tây như ở Anh và Hoa Kỳ.
Hai người này nói cần có cuộc cách mạng (爆料革命 – Bạo liệu Cách mạng) để bảo vệ tự do, nhân quyền và lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mô hình “liên bang” trong văn bản ‘New Federal State of China’ họ đề xuất nước Trung Quốc mới gồm Trung Quốc, Macau, Hong Kong và Tây Tạng, với ba bộ phận sau hưởng tự trị, chỉ để chính phủ liên bang lo về quốc phòng.
Riêng về Đài Loan, họ đề nghị duy trì tình trạng hiện thời, tôn trọng khác biệt và để nhân dân hai bên eo biển Đài Loan quyền quyết định tương lai.
Không chỉ có vậy, họ còn nặng nề đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc “phạm tội ác”, “vi phạm nhân quyền trầm trọng”, và “tung ra dịch Covid-19 để hại nhân loại”.
Các cáo buộc tương tự từng được một số báo chí thiên hữu ở Phương Tây và những người theo thuyết âm mưu nêu ra nhưng bị Trung Quốc bác bỏ.
Bản thân ông Bannon từng tung ra sáng kiến đòi Trung Quốc “bồi thường nhiều tỷ đô la” cho Phương Tây vì dịch virus corona.
Sang ngày 04/06, giờ châu Âu, cộng đồng mạng tiếng Trung lại nhận được phát biểu nữa nêu sự ủng hộ cho “nước Trung Hoa mới” từ Hác Hải Đông (Hao Haidong), cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng.
Doanh nhân Quách Văn Quý từng xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ (2017), nên việc ông ta phê phán chính quyền Trung Quốc không làm ai ngạc nhiên.
Nhưng sự xuất hiện của Hác Hải Đông, cựu thiếu tá Quân Giải Phóng, ngôi sao bóng đá Trung Quốc chính thức ủng hộ một sáng kiến phản kháng, cho dù có vẻ như “hoang tưởng”, đã gây chấn động dư luận.
Trong video mà trang Deutsche Welle của Đức viết rằng có vẻ như “quay tại Tây Ban Nha”, ông Hác Hải Đông cùng vợ, bà Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoyin) tuyên bố ủng hộ cho “Liên bang Trung Quốc Cộng hòa quốc” và kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản.
Cặp vợ chồng này rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì ông Hác từng đem về những bàn thắng và cúp vàng vô địch toàn quốc cho đội Đại Liên Vạn Đại, và là gương mặt của Trung Quốc trong làng bóng đá châu Á. Bà Diệp từng là quán quân môn cầu lông thế giới, đại diện cho đội Trung Quốc ở Olympics tại Sydney 2000.
Trong các dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội sau đó, ông Hác cảm ơn vợ đã dũng cảm cùng ông xuất hiện trên video, ủng hộ cho “Liên bang Trung Quốc”.
Theo các báo tiếng Trung ở hải ngoại, “tuyên ngôn kiến quốc” của vợ chồng Hác Hải Đông khiến cộng đồng người Hoa trên thế giới chú ý.
Có tin nói chỉ trong một ngày, trang Sina-Weibo của ông Hác Hải Đông với trên 7 triệu người hâm mộ đã bị công an mạng ở Trung Quốc khóa ngay lập tức.
Theo trang Nikkei Asian Review (04/06/2020), tài khoản của ông Hác trên Zhihu, một trang hỏi đáp ở Trung Quốc, ngay lập tức bị nhà chức trách xóa.
Nhiều bình luận tiếng Trung và tiếng Anh đã ủng hộ ông Hác và phê phán chính quyền Trung Quốc.
Ba nhân vật đằng sau tuyên ngôn
Theo Deutsche Welle, Hác Hải Đông sinh năm 1970 ở Thanh Đảo và đá cho đội bóng của Quân đội trước khi được đội Đại Liên của triệu phú bất động sản Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn Vạn Đại.
Để rời đội bóng quân đội, Hác Hải Đông phải bỏ quân hàm thiếu tá, và việc ông về đá cho Đại Liên năm 1997 chỉ xảy ra sau khi giới chức bóng đá Trung Quốc không cho ông sang đá ở Tây Ban Nha với một hợp đồng lương 200 nghìn USD/năm.
Sau đó, đội Đại Liên được một triệu phú khác mua lại. Đây là thời gian Bạc Hy Lai làm lãnh đạo thành phố Đại Liên và các đấu đá chính trị sau đó khiến ông bị bắt và xử tù.
Có vẻ như những trải nghiệm tiêu cực trong nền bóng đá bị lũng đoạn bởi tiền bạc, chính trị và chuyện đấu đá nội bộ ở Trung Quốc khiến Hác Hải Đông có cái nhìn phê phán về thể chế ở nước này, theo Deutsche Welle.
Ngoài ra, nhờ có thời gian ra sống ở nước ngoài, Hác Hải Đông đi tới quan điểm như ông vừa bày tỏ.
Theo báo Đức và Mỹ, sau phát biểu vừa rồi, chắc chắn vợ chồng Hác Hải Đông – Diệp Chiêu Dĩng không thể trở về Trung Quốc.
Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc hiện không muốn nói gì về vụ việc.
Trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài, một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “Tôi không buồn bình luận chuyện đó”.
Quách Văn Quý, sinh năm 1970, là doanh nhân đã rời khỏi Trung Quốc vào năm 2014 sau các vụ việc mang tính truy bức chính trị, theo lời tố cáo của ông.
Kể từ đó, ông Quách liên tục đăng tin nhắn và và video trên YouTube để nêu ra điều ông ta cho là “tội tham nhũng của các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng ở Bắc Kinh thời gian đó.
Mặc dù ông Quách không cung cấp đầy đủ bằng chứng đáng kể cho các tuyên bố của ông, nhưng hoạt động chỉ trích đích danh nhiều lãnh đạo cao cấp của ông đã khiến Bắc Kinh giận dữ.
Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 4/2017 ra phát lệnh truy nã đỏ qua Interpol để bắt ông Quách.
Được biết chính quyền Trung Quốc đã điều tra ông Quách về ít nhất 19 tội trạng bao gồm tội bắt cóc, gian lận, rửa tiền và cả tội “hối lộ” cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Mã Kiến, với 60 triệu tệ (8,7 triệu đô la).
Steve Bannon, sinh năm 1953, là nhân vật có tiểu sử phong phú và vẫn được giới báo chí cánh hữu ở Hoa Kỳ và châu Âu, gồm cả phe dân tộc chủ nghĩa tại Nga ngưỡng mộ.
Từng được cho là “tạo bước ngoặt, giúp Donald Trump thắng cử”, Steve Bannon đã làm sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, nhà đầu tư ngân hàng, nhà sản xuất phim Hollywood, nhà báo, chủ show truyền thanh, và chiến lược gia chính trị.
Tuy nhiên, hoạt động quan trọng nhất của ông ta là việc thành lập ra Breibart News, phản ánh quan điểm cực hữu, vào năm 2007.
Ông vào Nhà Trắng cùng Donald Trump sau khi đóng vai trò chủ chốt, CEO của Bộ tham mưu tranh cử cho Trump, và giữ chức “chiến lược gia chính’ (Chief Strategist) cho tổng thống Trump.
Năm 2017, Bannon bị Trump sa thải, nhưng vẫn tiếp tục đi khắp các nước vận động cho phong trào thiên hữu.
Các phát biểu của ông Bannon về Anh Quốc, Nga, EU đều được báo chí chú ý dù một số giới có thể không thích, cho là cực đoan, dân tuý.
Chẳng hạn trả lời Jon Sopel của BBC hồi tháng 7/2019, ông ta “tiên đoán” rằng Boris Johnson sẽ chọn phương án Brexit cứng để Anh rời EU.
Mối quan tâm của Steve Bannon không chỉ giới hạn vào chính trị Mỹ và Anh.
Ông ta có quan hệ với các nhân vật như Alexander Dugin, ‘người cha tinh thần’ của phe dân tộc Đại Nga, người từng được Vladimir Putin sùng bái.
Theo các báo Anh, hai người từng gặp nhau tại Rome năm 2018 và chia sẻ cái nhìn về ‘liên minh vĩ đại Mỹ – Nga’, về thuyết ‘truyền thống’ (traditionalism), một chủ thuyết bảo thủ, chống di dân ‘da màu’ để bảo vệ văn minh Ki Tô giáo.
Nhà báo Luke Harding của tờ The Guardian tại Anh viết rằng ai đó có thể nghĩ Steve Bannon nói toàn điều “lập dị” (crackpot), nhưng nếu nhìn vào cách Donald Trump “xé toang bộ máy chính quyền Mỹ” thì sẽ biết các ý tưởng đó tác động ra sao.
Càng gần đây, Steve Bannon càng chú ý nhiều về Trung Quốc.
Trong hai năm qua, ông ta thường xuyên xuất hiện với Quách Văn Quý trên các video nói về phong trào ủng hộ biểu tình ở Hong Kong.
Cuối năm 2019, theo các báo Đài Loan, Steve Bannon phát biểu qua hội thoại video do hai tổ chức của Nhật Bản và Đài Loan tổ chức, thúc giục cử tri Đài ủng hộ ứng viên Dân Tiến Đảng, bà Thái Anh Văn ra tái tranh cử tổng thống.
Trong đoạn diễn văn được trang Taiwan News (14/12/2019) trích đăng, ông Steve Bannon nói chỉ có bà Thái Anh Văn thực sự xứng đáng bảo vệ nền dân chủ Đài Loan, và cho rằng Quốc Dân Đảng ở Đài Loan “hoàn toàn tham nhũng” và “ôm chặt lấy Trung Quốc”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52980506

Các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu rời khỏi TQ

Theo dữ liệu gần đây của một công ty giám sát chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hồng Kông, các nhà sản xuất Mỹ đã bắt đầu chuyển nguồn lực ra khỏi Trung Quốc, chủ yếu tới Việt Nam, Myanmar, Philippines, và Bangladesh.
Động thái di dời sản xuất khỏi Trung Quốc đã diễn ra do sự không chắc chắn mà cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung năm 2019 gây ra. Sau đó, virus corona Vũ Hán đã làm tăng tốc xu hướng này và đã khuyến khích thêm nhiều công ty giảm sự phụ thuộc quá mức của họ vào nhà cung cấp duy nhất – Trung Quốc.
Theo báo cáo của Qima, công ty giám sát chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng có trụ sở tại Hồng Kông, nhiều nhà sản xuất đang di chuyển tới Đông Nam Á và Nam Á. Báo cáo của Qima dựa trên dữ liệu được thu thập từ hàng chục nghìn cuộc kiểm tra chuỗi cung ứng được thực hiện trên toàn cầu cho các nhãn hàng tiêu dùng và bán lẻ. Các công ty sử dụng các báo cáo giám sát này để đưa ra quyết định về việc liệu họ có chuyển sang một nhà cung cấp mới hay không.
Trong hai tháng đầu năm nay, nhu cầu về các cuộc điều tra giám sát và kiểm toán ở Đông Nam Á của các đơn vị mua hàng tại Bắc Mỹ đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các nước như Việt Nam, Myanmar và Philippines là được hưởng lợi, theo báo cáo của công ty Qima.
Trong khi đó, nhu cầu điều tra giám sát chuỗi cung ứng tại Nam Á đã tăng 52% so với năm ngoái. Bangladesh trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt cho các nhãn hàng dệt và may mặc.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát do Qima thực hiện với hơn 200 công ty vào cuối tháng Hai, 87% doanh nghiệp được hỏi tin rằng đại dịch COVID-19 sẽ kích hoạt những thay đổi đáng kể trong việc quản lý chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết để giảm thiểu nguy cơ thiếu nguồn cung do số nhà máy đóng cửa tăng lên, họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung cấp ở các khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi virus corona.
Tuy nhiên, xu hướng này đã bị gián đoạn trong vài tháng gần đây khi đại dịch COVID-19 đã lây lan tới nhiều khu vực khác trên thế giới. Tương lai của ngành sản xuất Châu Á ngoài Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng các nước trong khu vực sống sót ra sao sau cuộc khủng hoảng sức khỏe này.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp toàn cầu rất quan trọng. Theo Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc chiếm gần 20% thương mại toàn cầu trong ngành sản xuất các sản phẩm tầm trung, tăng từ 4% vào năm 2002.
Phần lớn các công ty Mỹ đã đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở và nguồn nhân lực tại Trung Quốc để được quyền tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này, và họ cũng đã chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ tại đây, coi đó là giấy thông hành để họ được vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19, kết hợp với tâm lý chống chế độ cộng sản Trung Quốc gia tăng trong vài tháng qua đã buộc nhiều tập đoàn nước ngoài phải nghĩ lại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, Apple năm ngoái đã yêu cầu các nhà cung cấp của họ phải xem xét chuyển một số dây chuyền sản xuất nhất định từ Trung Quốc tới Đông Nam Á. Công ty này cũng đã bắt đầu quá trình chuyển sản xuất nhãn hàng AirPods – tai nghe không dây nổi tiếng nhất của hãng, từ Trung Quốc tới Việt Nam.
Trong năm 2019, tối thiểu 50 công ty đa quốc gia, trong đó có các công ty Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan đã thông báo kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ áp lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35168-cac-nha-san-xuat-my-bat-dau-roi-khoi-tq.html

Trung Quốc hạ nhiệt hàng không, Mỹ đáp lời ngọt

Mỹ vừa cho phép 2 hãng hàng không Trung Quốc được thực hiện các chuyến bay đến Mỹ thay vì cấm tiệt.
Bộ Giao thông Mỹ ngày 5/6 thông báo sẽ cho phép các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện tổng cộng 2 chuyến bay đến Mỹ/tuần, sửa đổi các quy định trước đó là cấm các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ.
Trong thông báo, Bộ Giao thông Mỹ nhấn mạnh rằng, họ vẫn tin rằng chính phủ Trung Quốc “làm suy yếu quyền hoạt động của các hãng hàng không Mỹ”, nhưng sẽ cho phép các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện “tổng cộng 2 chuyến bay khứ hồi/tuần đến và đi từ Mỹ”.
Bộ Giao thông Mỹ cho biết thêm, chính phủ Trung Quốc có thể chọn hãng hàng không để thực hiện chuyến bay đến Mỹ và hy vọng động thái mới của bộ này sẽ dẫn tới một “môi trường được cải thiện” cho các hãng hàng không của hai nước.
Trước đó 1 ngày, Bộ Giao thông Mỹ cho hay sẽ cấm mọi chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc đến Mỹ, bắt đầu từ ngày 16/6 hoặc sớm hơn.
Động thái này được cho là nhằm trừng phạt các hãng hàng không Trung Quốc sau khi các hãng hàng không Mỹ, như Delta Air Lines và United Airlines, vấp phải cản trở khi muốn nối lại đường bay đến Trung Quốc sau thời gian ngưng chuyến vì dịch CoVID-19.
Bắc Kinh trước đó đã cho phép các hãng bay quốc tế đến Trung Quốc, nhưng số chuyến bay không được nhiều hơn so với thời điểm giữa tháng 3.
Sau động thái này, Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo sẽ cho phép các hãng hàng không nước ngoài nối lại đường bay có giới hạn đến Trung Quốc đại lục từ ngày 8/6.
Giới quan sát nhận thấy đây là nỗ lực hạ nhiệt từ Trung Quốc trước phản ứng gay gắt của Mỹ.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Chu Phong thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng động thái “nhượng bộ” về hàng không của Trung Quốc sẽ dẫn tới kết quả tích cực vì vấn đề này ít liên quan đến chính trị, theo tờ South China Morning Post.
Cuối cùng thì trái ngọt cũng đến trong thông báo hôm 5/6 của Bộ Giao thông Mỹ. Dẫu vậy, Washington chưa nhanh chóng đáp ứng mọi mong muốn của Bắc Kinh.

Giới quan sát nhận thấy, Mỹ đang tìm cách để mở rộng các lĩnh vực cấm/trừng phạt đối với Trung Quốc. Dịch COVID-19 là một cái cớ rất tốt để Mỹ kiểm soát các yếu tố Trung Quốc trên nước mình, bao gồm việc siết lại đầu tư tài chính, kiểm soát công ty Trung Quốc, vấn đề hàng không, siết chặt công ty công nghệ Huawei, tiếp theo là ngăn chăn chặn đà tăng trưởng của các công ty hàng không Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35166-trung-quoc-ha-nhiet-hang-khong-my-dap-loi-ngot.html

Lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

đối với luật an ninh quốc gia Hong Kong

có thể khiến Trung Cộng thiếu Mỹ kim

Tin Hong Kong City – Theo giới phân tích, việc Tổng Thống Trump gần đây đe dọa trừng phạt Trung Cộng và Hong Kong, liên quan đến việc Bắc Kinh định áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu, có thể sẽ khởi đầu cho quá trình ngăn chận khả năng tiếp cận đồng Mỹ kim của Trung Cộng.
Hiện tại, hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng Hoa Kỳ sẽ không trừng phạt quá mạnh tay đối với các hãng tài chính Trung Cộng, do không muốn làm ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, nhiều khả năng Washington sẽ giảm quan hệ tài chính và thương mại với Trung Cộng, đồng thời trừng phạt các cá nhân tại Trung Cộng và Hong Kong bị cho là vi phạm nhân quyền.
Bất chấp bản chất của các lệnh trừng phạt là gì, việc này có thể khiến các hãng tài chính quốc tế giới hạn hoặc cắt quan hệ với các ngân hàng Trung Cộng, khiến họ khó tiếp cận với thị trường Mỹ kim toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 đã làm tăng đáng kể nhu cầu Mỹ kim tại Trung Cộng, do nước này cần Mỹ kim để trả tiền cho hàng nhập cảng và trả nợ nước ngoài, trong khi nguồn thu Mỹ kim, vốn đến từ xuất cảng, du lịch, và đầu tư nước ngoài, lại giảm mạnh.
Trên bề mặt, Trung Cộng có vẻ không cần phải lo lắng về tình trạng thiếu Mỹ kim, do hơn phân nửa dự trữ ngoại hối 3.1 ngàn tỷ Mỹ kim của nước này đều là tài sản tính bằng Mỹ kim. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số khổng lồ này không thể hiện được áp lực ngầm đối với nền kinh tế Trung Cộng.
Trong trường hợp có khủng hoảng tài chính, tài sản dự trữ của Bắc Kinh sẽ không thể chuyển thành tiền mặt một cách nhanh chóng. Ngoài ra, lòng tin của thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chính quyền Trung Cộng rút một lượng lớn tiền mặt để trả nợ nước ngoài.  (BBT)
https://www.sbtn.tv/lenh-trung-phat-cua-hoa-ky-doi-voi-luat-an-ninh-quoc-gia-hong-kong-co-the-khien-trung-cong-thieu-my-kim/

Điều gì phía sau căng thẳng biên giới

giữa Trung Quốc và Ấn Độ?

Triệu Hằng
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc – Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn đã bùng phát trở lại trong những tuần gần đây, được ví như một cuộc so găng nghiêm trọng nhất giữa hai nước từ lâu vốn nhiều xung đột, từ tranh chấp lãnh thổ, vấn đề liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma, mối quan hệ không ngang bằng Trung – Ấn – Pakistan cho đến cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu gạo.
Vụ đối đầu mới nhất giữa hai bên bắt đầu vào đầu tháng Năm, khi một đội binh sĩ Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ kiểm soát tại ba địa điểm ở Ladakh – khu vực thuộc bang Jammu và Kashmir, dựng lều và cắm chốt gác. Giới chức Ấn Độ nói rằng binh lính Trung Quốc phớt lờ “những cảnh báo bằng lời nói được lặp đi lặp lại” yêu cầu rời khỏi khu vực, gây ra các trận la ó, ném đá và đánh đấm.
Truyền thông Ấn Độ tường thuật, vụ “đánh nhau” đã khiến bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương, tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La thuộc bang biên giới Sikkim phía đông bắc Ấn Độ, giáp biên giới Bhutan, Nepal và Trung Quốc – nơi có tuyến đường núi quan trọng chiến lược gần Tây Tạng.
Nhưng cả hai bên sau đó đã điều động hàng ngàn binh sĩ, họ ở vị trí sẵn sàng phòng thủ và cách nhau chỉ vài trăm mét ở Thung lũng Galwan của Ladakh.
Ấn Độ phản đối Trung Quốc xây dựng một con đường xuyên qua thung lũng kết nối với một bãi đáp máy bay, điều đặt ra khả năng Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát lãnh thổ dọc theo biên giới vốn có nhiều đoạn không phân định rõ ràng.
Ngày 27/5, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo rằng tình hình biên giới “nói chung là ổn định và có thể kiểm soát” và các bên đang liên lạc thông qua kênh ngoại giao để giải quyết sự vụ.
Xung đột Trung – Ấn
Trung Quốc và Ấn Độ từng có cuộc đụng độ trong 73 ngày ở Doklam vào năm 2017, khi đó Ấn Độ huy động quân đội để chống lại động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng hiện diện tại khu vực biên giới với Bhutan. Hai bên đã thiết lập mối quan hệ của họ vào năm 1950, nhưng cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 đã đưa họ về trạng thái “ngoài ấm trong lạnh” kéo dài nhiều thập niên. Chung quy là do Trung Quốc tuyên bố khoảng 90.000 km vuông lãnh thổ ở phía đông bắc Ấn Độ, trong đó có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đây là nơi dân cư có truyền thống theo Phật giáo. Ấn Độ nói rằng Trung Quốc chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của Ấn Độ trong khu vực Bình nguyên Aksai Chin thuộc phía Tây dãy Hy Mã Lạp Sơn, bao gồm một phần của vùng Ladakh.
Đạt Lai Lạt Ma
Mối quan hệ cũng căng thẳng do Ấn Độ chấp thuận cho lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989 nhưng Bắc Kinh gọi là “một kẻ ly khai nguy hiểm”. Đạt Lai Lạt Ma đã chạy trốn khỏi quê hương vào năm 1959 trong một cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc, cuộc phản kháng này đã bị quân đội Trung Quốc dập tắt. Vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã thành lập một chính phủ lưu vong tại thị trấn Dharmsala, phía bắc Ấn Độ, nơi hàng ngàn người Tây Tạng định cư. Xung đột về sự hóa thân tương lai của Đạt Lai Lạt Ma hiện đang ngầm diễn ra giữa chính quyền Bắc Kinh và lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng.
Năm 1993, Ấn Độ và Trung Quốc ký Hiệp định “Duy trì Hòa bình và Trật tự” dọc theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control viết tắt là LAC) giữa biên giới hai nước. Nhưng họ không thể giải quyết các tranh chấp mặc dù hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán cùng với nhiều cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Pakistan
Bắc Kinh ủng hộ Pakistan, đây là một nguyên nhân chính khiến Ấn Độ lo ngại, bởi Ấn Độ và Pakistan là những kẻ thù tranh chấp lãnh thổ biên giới Kashmir. Trung Quốc đã xây một con đường xuyên qua vùng đất Pakistan kiểm soát ở Kashmir và ngăn chặn Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group viết tắt là NSG) đồng thời đòi cho Pakistan được gia nhập tổ chức này.
Ấn Độ từ chối tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), nhưng nhằm “lôi kéo” Ấn Độ tham gia BRI, Trung Quốc đã cho New Delhi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên thường trực.
Mối quan hệ kinh tế
Dù có các cuộc đụng độ biên giới lẻ tẻ nhưng mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã mở rộng trong thập niên qua. Hơn 100 công ty Trung Quốc, nhiều trong số đó là công ty nhà nước, đã thành lập văn phòng hoạt động của họ ở Ấn Độ, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Huawei, Vivo và Oppo chiếm lĩnh gần 60% thị trường điện thoại di động Ấn Độ, trong khi Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bông, đồng thô và đá quý.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên hơn 95 tỷ USD Mỹ trong năm 2018 và trên 53 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, với gần 43 tỷ USD trong đó là xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ. Sự mất cân bằng kinh tế này đã góp phần thúc đẩy Ấn Độ tận dụng chi phí gia tăng của Trung Quốc và tận dụng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia châu Âu để trở thành ngôi nhà thay thế cho các công ty đa quốc gia lớn.
Cuộc chiến trên thị trường xuất khẩu gạo
Trong nhiều thập niên, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, theo sau là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Trung Quốc vốn là một người mua nay lại trở thành người bán khiến Ấn Độ có thêm một đối thủ mới trên thị trường quốc tế, và không chỉ vậy Trung Quốc đang dần thế chân Ấn Độ tại châu Phi, vốn là thị trường mà Ấn Độ thống trị.
Trong cuộc đụng độ biên giới mới nhất với Ấn Độ, Trung Quốc tuyên bố sẽ giải quyết tình hình thông qua kênh ngoại giao, nhưng trong một diễn biến khác, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 7/6 công bố một đoạn video cho thấy Trung Quốc đã huy động hàng ngàn lính dù, xe bọc thép, các khí tài quân sự lên biên giới với Ấn Độ để tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn. Toàn bộ quá trình điều động
chỉ diễn ra trong vài giờ. Giới chuyên gia cho rằng động thái này của Trung Quốc nhằm phô diễn khả năng và gửi cảnh báo tới Ấn Độ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dieu-gi-phia-sau-cang-thang-bien-gioi-giua-an-do-va-trung-quoc.html

Covid-19 đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc

trong Sáng kiến Một vành đai một con đường

Trọng Nghĩa
Chỉ mới cách đây một năm, tại một cuộc họp vào tháng 5/2019 ở Bắc Kinh, tập hợp lãnh đạo các nước trên thế giới đã tham gia vào Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường (BRI), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn phô trương đề án hạ tầng cơ sở to lớn của Bắc Kinh.
Thế nhưng một con virus nhỏ xuất hiện tại Vũ Hán mà Bắc Kinh thoạt đầu muốn che giấu, đã bắt đầu gây hại tại Trung Quốc trước khi lan rộng ra toàn thế giới, gây nên những thiệt hại không kể xiết.
Hậu quả, theo một phân tích của tuần báo Anh The Economist ngày 04/06/2020 vừa qua, là nhiều đề án của cái được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đã bị dừng lại, nhiều nước tham gia đề án đang phải vật lộn để trả các khoản vay của Bắc Kinh, bản thân kinh tế Trung Quốc cũng đang suy yếu. Trong bài viết: “Đại dịch gây hại lớn cho Sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc”, tuần báo Anh nhận định, Con Đường Tơ Lụa lẽ ra phải mượt mà đã trở nên gập ghềnh hơn.
Theo The Economist, Sáng kiến Một vành đai một con đường là yếu tố trung tâm trong chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình, được đưa vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2017, được guồng máy tuyên truyền đồng loạt tán dương. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng “Hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến đã đạt đến cấp độ phát triển thượng thặng”, còn Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh thì khẳng định: “Nhất Đới Nhất Lộ sẽ trở thành chất xúc tác cho việc vực dậy kinh tế toàn cầu”.
Từ năm 2013, khi sáng kiến này bắt đầu khởi động, Trung Quốc đã cấp phát hay cam kết hàng trăm tỷ đô la tín dụng hay viện trợ để xây dựng hàng loạt nhà máy điện, cảng biển, đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Trung Á và châu Âu.
Tuy nhiên, theo The Economist, với dịch Covid-19, bão tố đã nổi lên dọc theo 2 trục trên bộ và trên biển của Con Đường Tơ Lụa Mới.
Sau khi bị đại dịch Covid-19 quét qua, công trình xây dựng nhiều đề án đã bị đình chỉ, một số đã bị bỏ hẳn, một số khác mà lợi ích thực thụ đã bị nghi ngờ ngay từ trước khi có dịch, giờ đây đã bị coi là cồng kềnh, tốn kém mà lại vô ích. Nhiều khoản vay đáo hạn sắp lâm vào tình trạng không khả năng thanh toán, và các nước con nợ, bị Covid-19 đánh quỵ, đang tìm cách khất nợ đến hạn.
Vào tháng Hai vừa qua, Ai Cập đã dời lại vô thời hạn công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Hamrawein do Trung Quốc tài trợ. Qua tháng 3, đến lượt Bangladesh hủy bỏ kế hoạch xây một nhà máy điện than ở Gazaria. Đến tháng Tư, Pakistan yêu cầu Trung Quốc nới lỏng thời hạn trả 30 tỷ đô la cho các đề án về năng lượng.
Nhiều quyết định hủy bỏ cũng kèm theo những lời đả kích cách Trung Quốc cho vay.
Tháng Tư vừa qua, tổng thống Tanzania John Magufuli tuyên bố sẽ hủy bỏ một đề án xây hải cảng trị giá 10 tỷ đô la ở Bagamoy, với lý do là người tiền nhiệm của ông đã ký kết đề án với những điều kiện mà chỉ có “người say rượu” mới chấp nhận – chủ yếu là việc Trung Quốc sẽ hoàn toàn kiểm soát, sử dụng cảng, với hợp đồng thuê nhượng trong 99 năm.
Trong tháng Năm, các nghị sĩ Nigeria cũng bỏ phiếu thông qua việc rà soát lại toàn bộ các khoản vay từ Trung Quốc cho những đề án mà Trung Quốc tài trợ, trong bối cảnh quan ngại nổi lên chung quanh việc các phần tài trợ này kèm theo những điều khoản không thuận lợi.
Công trình cũng bị đình hoãn do các biện pháp cách ly, an toàn y tế liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có việc một số quốc gia hạn chế không cho nhân công Trung Quốc về nước nhân dịp Tết Nguyên Đán được trở lại làm việc.
Ví dụ được The Economist nêu bất là trường hợp Việt Nam. Các biện pháp an toàn cấm người từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc chạy thử tuyến đường metro mới ở Hà Nội. Hơn 100 chuyên gia Trung Quốc tham gia công trình đã không trở lại Việt Nam được. Bản thân dự án này cũng đã bị chậm trễ đến 4 năm so với dự kiến và với cái giá bị đội lên thành 800 triệu đô la cho 8 dặm đường ray, vượt xa ngân sách dự kiến.
Đối với The Economist, các tình huống này tạo ra nhiều vấn đề cho lãnh đạo Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao và chính trị, vì BRI gắn chặt với uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước tiên, sẽ có thua lỗ về tài chính. Nhiều quốc gia dùng tiền thu được nhờ xuất khẩu hàng hóa để chi cho các đề án Con Đường Tơ Lụa. Thế nhưng dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về các hàng hóa này. Vấn đề đối với Trung Quốc là có nên giảm nợ, như một số quốc gia chủ nợ đôi khi làm, hay là vẫn giữ nguyên số nợ và duy trì các dự án trong khuôn khổ BRI càng nhiều càng tốt, bằng cách hoãn lại việc chi trả và kéo dài thời hạn, điều mà Trung Quốc vẫn làm?
Đối với các chuyên gia, dẫu sao thì việc không trả được nợ cho Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Và vấn đề đặt ra ở đây là trái với các thành viên Câu Lạc Bộ Paris, tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, không đòi thế chấp khi cho vay để phát triển, thì theo bà Carmen Reinhart, kinh tế trưởng sắp tới đây của Ngân Hàng Thế Giới, các ngân hàng Trung Quốc lại đòi thế chấp trên khoảng 60% tín dụng mà họ cấp cho các quốc gia đang phát triển.
Trên nguyên tắc một quốc gia chỉ có thể được hoãn nợ khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát một khu mỏ, một cái cảng hay khoản tiền đã thế chấp. Đấy chính là lý do vì sao các ngân hàng Trung Quốc chỉ muốn đàm phán lại các khoản nợ một cách song phương và kín đáo vì như vậy họ có phương tiện gây áp lực để chọn cách xử lý có lợi cho mình.
The Economist nhận định: Đó chính là yếu tố gây nên không ít rủi ro ngoại giao cho Trung Quốc vì đòi lấy tài sản từ những quốc gia vỡ nợ sẽ dẫn đến phẫn nộ.
Điều đó sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc tại những nước mà sáng kiến BRI muốn giúp đỡ, và càng làm tăng mối nghi kỵ trong giới diều hâu phương Tây là Trung Quốc sử dụng chiêu bài Con Đường Tơ Lụa để bắt chẹt các nước con nợ và qua đó giành quyền kiểm soát hạ tầng cơ sở phục vụ Trung Quốc trên mặt chiến lược.
Theo chuyên gia Scott Morris,  thuộc Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Centre for Global Development), một cơ quan tham vấn tại Washington, thì nếu Trung Quốc tịch thu các tài sản mà các quốc gia con nợ đã thế chấp, phản ứng ngược lại sẽ rất nghiêm trọng.
Đối với ông Morris, rất có thể là Bắc Kinh sẽ xử lý một cách thận trọng, và trước khi kinh tế toàn cầu phục hồi lại, chắc chắn số dự án mới trong Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường sẽ ít đi: “Rất khó mà tưởng tượng được là BRI có thể giữ được mức độ tham vọng trước đây”.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200609-covid-19-%C4%91%C3%A2%CC%89y-lu%CC%80i-tham-vo%CC%A3ng-cu%CC%89a-va%CC%80nh-%C4%91ai-va%CC%80-con-%C4%91%C6%B0%C6%A1%CC%80ng-trung-qu%C3%B4%CC%81c

Cựu ngoại trưởng Philippines:

Có thể tịch thu tài sản Trung Quốc vì tàn phá Biển Đông

Quý Khải
Cựu Ngoại trưởng Philippines hôm thứ Hai (8/6) tuyên bố nước này có thể “tịch thu” một số tài sản của Bắc Kinh vì những thiệt hại gây ra trong quá trình xây dựng đảo phi pháp trên Biển Đông.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải thuộc Đại học Philippines kết luận việc cải tạo và bồi đắp hơn 1.850 hecta đất trên Biển Đông tại Bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã dẫn đến thiệt hại 33,1 tỷ peso (1,5 tỷ USD) hàng năm cho Philippines, theo Đài ABS-CBN.
Tính riêng trong năm nay, Trung Quốc nợ Philippines khoảng 200 tỷ peso (9,2 tỷ USD), Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cho biết.  Bà cũng là người thúc đẩy một nghị quyết của Thượng viện Philippines yêu cầu chính phủ Trung Quốc đền bù thiệt hại.
Trước những tổn thất gây ra bởi Trung Quốc, Cựu Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario cho biết nước này có thể tịch thu toàn bộ cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SGCC) trong Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) và trong liên doanh viễn thông DITO Telecommunity.
Trung Quốc sở hữu 40% cổ phần Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines, doanh nghiệp vận hành cơ sở hạ tầng mạng lưới điện hoặc phân phối điện của Philippines. Theo một báo cáo của CNN, sự tham gia của Trung Quốc vào Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines, có thể cấp cho Bắc Kinh quyền kiểm soát toàn hệ thống lưới điện Philippines, thậm chí ngắt điện toàn bộ đất nước.
DITO là một liên doanh giữa China Telecom (một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khác) và Udenna Corp. Liên doanh này hiện là doanh nghiệp viễn thông lớn thứ ba của ở Philippines. China Telecom sở hữu 40% trong DITO.
“Chính quyền Philippines có quyền tịch thu tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Philippines để chi trả cho các khoản nợ của Bắc Kinh đối với người dân Philippines một khi xác định được toàn bộ thiệt hại gây ra”, ông Del Rosario tuyên bố.
“Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc này và chính phủ Philippines cần phải đứng lên vì người dân”, ông Del Rosario. Hồi năm 2012 ông Del Rosario từng đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực để giải quyết một tranh chấp trên biển.
“Chính phủ Philippines nên bày tỏ lập trường rằng đây (việc đòi đền bù) thực sự là một tuyên bố rất hợp lý và hợp pháp”, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros bày tỏ sự ủng hộ với kiến nghị của ông Del Rosario.
Trung Quốc đã xây dựng các pháo đài khổng lồ trên các rạn san hô trong khu vực được Philippines tuyên bố chủ quyền trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức hồi năm 2016. Người tiền nhiệm của ông, Benigno Aquino III, đã thắng trong một vụ kiện tại một tòa án trọng tài của Liên Hợp Quốc, nhưng phán quyết được công bố trong nhiệm kỳ tổng thống đương nhiệm.
Tuy vậy tổng thống đương nhiệm Duterte vẫn đang trì hoãn việc thi hành phán quyết, và thay vào đó tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-ngoai-truong-philippines-co-the-tich-thu-tai-san-trung-quoc-vi-tan-pha-bien-dong.html

Indonesia đã sợ bẫy nợ của TQ

Sau khi dự án đường sắt do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đình trệ và chi phí tăng hơn dự kiến, Indonesia muốn mời thêm đối tác Nhật Bản.
Indonesia bắt đầu thảo luận về khả năng mời Nhật Bản tham gia vào dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. Đây vốn là dự án do Trung Quốc thực hiện, nhưng đã chậm tiến độ khi chi phí tăng.
Đề xuất mới sẽ kết hợp tuyến Jakarta-Bandung với tuyến Jakarta-Surabaya dài 170 km mà Nhật Bản – Indonesia đang nâng cấp. Nhiều thành viên trong chính phủ Indonesia cho rằng một tuyến đường sắt duy nhất chạy từ Jakarta qua Bandung đến Surabaya sẽ hiệu quả hơn so với các tuyến đường riêng từ thủ đô đi về 2 địa điểm trên. Ngoài ra, chi phí vượt mức cho dự án Bandung càng củng cố thêm quan điểm này.
Nhật Bản đã thua thầu dự án Jakarta-Bandung năm 2015. Trung Quốc giành được dự án, với kế hoạch không cần đóng góp tài chính từ chính phủ Indonesia. Tuyến đường sắt dài 140 km khởi công xây dựng tháng 1/2016, dự kiến ra mắt năm 2019.
Bắc Kinh coi đó là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhưng sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (là điều kiện để nhận cấp vốn từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc) đã làm chậm dự án, kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2021.
Gần đây, việc xây dựng tạm thời bị đình chỉ vì dịch COVID-19. Trong khi đó, đánh giá mới về các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã nâng chi phí dự kiến của dự án Jakarta-Bandung lên 6 tỷ USD, so với dự tính 5,5 tỷ USD ban đầu.
Sự thay đổi trong kế hoạch này có thể gây trở ngại cho phía Nhật Bản. Dự án Nhật thực hiện tại Indonesia đang sử dụng đường ray có sẵn và có thông số kỹ thuật khác với dự án Trung Quốc thực hiện.
Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, họ “chưa thể tưởng tượng” về đề xuất của Indonesia. Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia sẽ đảm nhiệm vạch ra kế hoạch mới và chính thức đề xuất cho Nhật Bản sau khi hoàn thành.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35160-indonesia-da-so-bay-no-cua-tq.html

New Zealand sẽ kết thúc quá trình  cách ly xã hội

vào ngày 9 tháng 6

Tin từ Wellington – New Zealand sẽ loại bỏ các yêu cầu về cách ly xã hội sau khi không có trường hợp nhiễm Covid-19 nào được ghi nhận, cho thấy quốc gia này đã đạt được mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.
Hôm thứ hai (8/6), bà Jacinda Ardern, thủ tướng nước này cho biết, tất cả các hạn chế còn lại đối với người dân và các công ty, cùng với các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn chặn virus sẽ được gỡ bỏ vào nửa đêm cùng ngày. Quyết định này sẽ mở đường cho việc nối lại cuộc sống bình thường.
Theo tờ Bloomberg đưa tin, New Zealand trước đó đã xác nhận rằng, những bệnh nhân nhiễm coronavirus cuối cùng đã hồi phục, giúp nước này trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới loại bỏ thành công dịch bệnh.
Trong một cuộc họp báo tại Wellington, bà Ardern cho hay, mục tiêu của New Zealand là thoát ra khỏi dịch bệnh một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể để khởi đầu cho sự phục hồi kinh tế. New Zealand là quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới, yêu cầu mọi người ở nhà và chỉ cho phép các dịch vụ thiết yếu hoạt động. Lệnh phong tỏa kéo dài bảy tuần đã kết thúc vào ngày 14/5.
Hôm thứ hai, nội các nước này quyết định tình hình hiện tại là an toàn để hạ mức khuyến cáo quốc gia xuống mức 1, cho phép loại bỏ các hạn chế còn lại cuối cùng. Mọi người sẽ chỉ được yêu cầu lưu ý đến những người họ đã gặp và nơi họ đã đến, để hỗ trợ tìm kiếm thông tin nếu có ca bệnh trong tương lai.  (BBT)
https://www.sbtn.tv/new-zealand-se-ket-thuc-qua-trinh-cach-ly-xa-hoi-vao-ngay-9-thang-6/

Bộ Ngoại giao Australia tiếp tục

tìm cách tiếp cận tù nhân Châu Văn Khảm

Bộ Ngoại giao & Thương Mại Úc tiếp tục tìm cách tiếp cận công dân Châu Văn Khảm, 70 tuổi,  hiện đang phải thụ án 12 năm tù tại Việt Nam; trong khi đó vẫn hỗ trợ lãnh sự cho gia đình ông này theo đúng qui định.
Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao & Thương Mại Úc trả lời Đài Á Châu Tự Do như vừa nêu sau khi vào ngày 8 tháng 6, RFA loan tin thân nhân và luật sư của ông Châu Văn Khảm bày tỏ quan ngại suốt cả tháng qua không nhận được điện thoại và không được thăm gặp ông này trong nhà tù ở Việt Nam.
Quan ngại vừa nêu được tờ The Guardian loan đi hôm ngày 6 tháng 6. Và cũng theo báo này thì các cuộc thăm gặp của  đại diện lãnh sự quán Úc với ông Khảm từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua đều bị huỷ, trong khi cuộc gặp theo lịch vào tháng 6 vẫn đang phải chờ duyệt.
Con trai ông Châu Văn Khảm cho biết hiện gia đình ông rất lo lắng về tình trạng sức khoẻ của ông vì ông này cao tuổi và đang mắc nhiều chứng bệnh gồm cao huyết áp, mỡ máu, sỏi thận, và cườm mắt.
Công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ vào tháng 1 năm 2019 cùng với hai ông Nguyễn Văn Viễn  và Trần Văn Quyền. Cả ba người bị đưa ra xử sơ thẩm vào ngày 11 tháng 11 năm ngoái với tội danh ‘khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’. Ông Châu Văn Khảm bị tuyên 12 năm tù, ông Nguyễn Văn Viễn 11 năm  và ông Trần Văn Quyền 10 năm tù.
Đến ngày 2 tháng 3, Tòa phúc thẩm Thành phố Hồ Chí Minh y án sơ thẩm đối với ba người.
Ông Châu Văn Khảm là thành viên Đảng Việt Tân tại Úc. Đảng này có trụ sở chính ở Hoa Kỳ và bị chính phủ Hà Nội liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đảng Việt Tân bác bỏ cáo buộc này của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/australian-foreign-trade-department-continues-to-seek-access-to-jailed-chau-van-kham-in-vn-06092020075108.html

Úc tuyên bố

Trung Cộng vẫn phớt lờ lời kêu gọi xoa dịu căng thẳng

Tin từ MELBOURNE, Úc – Vào hôm thứ Hai (8/6), Úc cho biết Trung Cộng vẫn phớt lờ với những lời kêu gọi kéo dài hàng tuần để giảm bớt căng thẳng giữa hai đối tác thương mại. Căng thẳng giữa hai bên gia tăng sau khi Canberra kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của coronavirus mới.
Úc khẳng định rằng lời kêu gọi điều tra độc lập về đại dịch không nhắm vào Bắc Kinh theo hướng chính trị. Họ cho rằng căn bệnh này có nhiều khả năng bắt nguồn từ một khu chợ hoang dã ở thành phố Vũ Hán của Trung Cộng.
Trung Cộng cáo buộc Úc “giở trò lừa bịp” và Đại sứ Trung Cộng tại Úc khuyến cáo rằng người tiêu dùng Trung Cộng có thể tẩy chay các sản phẩm của Úc nếu Úc theo đuổi cuộc điều tra. Kể từ đó, Trung
Cộng cũng đình chỉ nhập cảng thịt bò từ bốn nhà chế biến thịt lớn nhất của Úc và áp dụng mức thuế khổng lồ đối với lúa mạch nhập cảng, mặc dù cả hai bên đều cho rằng những hành động này không liên quan đến cuộc tranh chấp về đại dịch.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc Simon Birmingham, người yêu cầu các cuộc thảo luận với người đồng cấp của Trung Cộng trong nhiều tuần, cho biết Bắc Kinh phớt lờ lời kêu gọi của Canberra. Trung Cộng là thị trường xuất cảng lớn nhất của Úc cho đến nay, chiếm hơn 30% giá trị xuất cảng của Úc.
Nhìn chung, các mối quan hệ trở nên căng thẳng giữa các cáo buộc của Úc về sự can thiệp của Trung Cộng vào các vấn đề nội bộ và mối quan tâm về tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng ở khu vực Thái Bình Dương. (BBT)
https://www.sbtn.tv/uc-tuyen-bo-trung-cong-van-phot-lo-loi-keu-goi-xoa-diu-cang-thang/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.