Tin Thế giới -29/09/2016
Obama nói Quốc hội ‘sai lầm’
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Quốc hội phạm “sai lầm” khi bác bỏ phủ quyết của ông, thông qua dự luật cho phép người dân kiện Ả Rập Saudi vì các vụ tấn công 11/9/2001.
Ông nói dự luật sẽ tạo ra “tiền đề nguy hiểm” cho người dân toàn thế giới kiện chính phủ Mỹ.
Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Obama về dự luật cho phép các gia đình nạn nhân trong vụ 11/9 có thể kiện các quan chức Ả Rập Saudi.
Trong phủ quyết đầu tiên bị bác bỏ trong nhiệm kỳ tổng thống, Thượng viện bỏ phiếu với kết quả 97-1 và Hạ Viện với kết quả 348 -77, nghĩa là dự thảo đã thành luật.
Ông Obama nói với CNN các nhà làm luật đã “phạm sai lầm”.
Tổng thống tranh luận là dự thảo luật có thể đẩy các công ty Hoa Kỳ, binh lính và quan chức vào khả năng có thể bị kiện ở nước ngoài.
Giám đốc CIA John Brennan nói việc bỏ phiếu chứa đựng những “tiềm ẩn nghiêm trọng” đến an ninh quốc gia, và nói thêm: “Những phiền toái có khả năng sẽ rất lớn.”
Hạ viện và Nghị viện nhất trí thông qua luật có tên gọi Công lý chống Hành động Khủng bố (JASTA), bất chấp nỗ lực vận động của chính quyền Obama.
Dự thảo là luật năm 1976 có sửa đổi, cho phép các gia đình nạn nhân có quyền kiện bất cứ thành viên chính phủ nào của Ả rập Saudi bị tình nghi có liên quan đến cuộc tấn công ngày 11/9.
Ông Obama tranh luận khi phủ quyết, cho rằng dự luật có thể phá hoại quan hệ Hoa Kỳ – Ả Rập Saudi và cảnh báo sẽ xảy ra những vụ kiện trả đũa chống lại các thành viên chính phủ Hoa Kỳ ở những nước như Afghanistan và Iraq.
Ông nói với CNN hôm thứ Tư 28/9: “Đó là một tiền lệ nguy hiểm và đó là ví dụ về việc tại sao đôi khi bạn phải làm điều gì đó khó.”
“Và, nói thẳng là, tôi ước gì Thượng viện ở đây đã làm gì đó khó khăn.”
“Nếu bạn nhận thức được rằng bỏ phiếu chống lại những gia đình nạn nhân 11/9 ngay trước kỳ bầu cử, không có gì đáng ngạc nhiên, đó là một lựa chọn khó khăn”
“Nhưng đó là điều đúng cần phải làm.”
Người phát ngôn Nhà Trắng Johsh Earnest nói với phóng viên cuộc bỏ phiếu là “điều bối rối nhất mà Thượng Viện Hoa Kỳ từng phải thực hiện” trong hàng thập niên qua.
Nhưng những người ủng hộ đạo luật tranh cãi là luật này chỉ áp dụng với những hành động khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.
Các tổng thống từng bị bác bỏ phủ quyết
Tổng thống George W Bush từng phủ quyết số đạo luật bằng với ông Obama là 12 lần, nhưng ông bị bác bỏ bốn lần.
Tổng thống Bill Clinton phủ quyết 37 lần và bị bác bỏ hai lần.
Tổng thống Gerald Ford bị từ chối phủ quyết 12 lần.
Tổng thống gần đây nhất không bị bác bỏ phủ quyết là Lyndon B Johnson
Nhưng kỷ lục thuộc về Andrew Johnson, bị bác bỏ phủ quyết bởi Thượng viện 15 lần khi ông làm tổng thống vào thời gian cuối thập niên 1860.
Ông Obama đã phủ quyết 12 lần trong hai nhiệm kỳ tổng thống, nhưng cho tới giờ chưa có phủ quyết nào bị bác bỏ.
15/19 không tặc trong vụ tấn công 11/9 có quốc tịch Ả Rập Saudi, nhưng vương quốc dầu mỏ – đồng minh thân cận của Hoa Kỳ – đã chối bỏ bất cứ liên quan nào đến cuộc tấn công khiến 3.000 người thiệt mạng này.
Trong khi tình báo Hoa Kỳ nêu những nghi ngờ về một số mối liên hệ của các tên không tặc, ủy ban 11/9 không tìm thấy bằng chứng chứng minh cho cáo buộc các quan chức Ả Rập Saudi hay chính phủ ủng hộ tài chính cho những kẻ tấn công.
Lính Bắc Hàn vượt DMZ sang Nam Hàn
Một người lính Bắc Hàn đã đào tẩu sang Nam Hàn bằng cách đi vượt qua Khu Phi quân sự (DMZ) được canh phòng nghiêm ngặt, các quan chức ở Seoul nói.
Người này vào sáng thứ Năm đã vượt qua khu phía đông của đường biên, không mang theo vũ khí, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) nói; đã không có phát súng nào bắn ra.
Quân nhân này hiện đang được điều tra, JCS nói.
DMZ là khu vực được canh phòng cẩn mật với những bãi mìn, dây kẽm gai, và sự hiện diện của hàng chục ngàn binh lính của cả hai bên. Việc đào thoát qua khu vực này là điều rất hiếm khi xảy ra.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, một thiếu niên Bắc Hàn đã nộp mình cho Nam Hàn tại Hwacheon.
Trong 2012, một quân nhân miền Bắc đã vượt qua các camera theo dõi an ninh và hàng rào điện tử, rồi cuối cùng đã trình diện tự nộp mình, sự kiện khiến ba chỉ huy Nam Hàn ở khu vực bị mất chức.
Đường biên giới và những hoạt động canh phòng cẩn mật đã được áp dụng kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt với thỏa thuận ngừng bắn hồi 1953.
Seoul nói hơn 29 ngàn người Bắc Hàn đã đào tẩu sang Nam Hàn kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt tới nay, chủ yếu là qua ngả Trung Quốc.
Họ được chính phủ Nam Hàn giúp đỡ hòa nhập, tuy nhiên một số người vẫn phàn nàn về khó khăn tài chính và về việc bị phân biệt đối xử.
Vụ đào tẩu mới nhất diễn ra sau khi có các tường thuật nói một thanh niên trẻ Bắc Hàn, người bỏ trốn khi tham dự kỳ thi toán quốc tế tại Hong Kong, đã rời vùng lãnh thổ này tới Nam Hàn trong dịp cuối tuần vừa qua.
Thí sinh 18 tuổi dự kỳ Olympics toán quốc tế đã có hai tháng sống trong tòa lãnh sự Nam Hàn, nơi được canh phòng cẩn mật trong thời gian đó.
Nam Hàn không bình luận gì về các tường thuật trên.
Chính phủ Sudan ‘dùng vũ khí hóa học ở Darfur’
Có cáo buộc hơn chục trẻ em ở Darfur bị giết vì vũ khí hóa học của chính phủ Sudan.
Ân xá Quốc tế nói các trẻ em trong số hơn 200 người được ước tính đã chết vì vũ khí bị cấm từ tháng Giêng.
Những người bị ảnh hưởng vì “khói độc” đã nôn ra máu, khó thở và phải chứng kiến da mình bị lột ra.
Chính phủ Sudan tuyên bố cáo buộc vô căn cứ.
Đại sứ Sudan ở LHQ Omer Dahab Fadl Mohamed được Reuters dẫn lời: “Cáo buộc Quân đội Sudan dùng vũ khí hóa học là vô căn cứ và bịa đặt.”
“Mục tiêu lớn của cáo buộc đó là gây hồ nghi vào tiến trình đang diễn ra nhằm củng cố hòa bình, ổn định, và phát triển kinh tế, gắn kết xã hội ở Sudan.”
Chính phủ ở Khartoum và quân nổi dậy đã đánh nhau ở Darfur suốt 13 năm.
Nhưng xung đột và tác động của nó tới người dân khu vực phía tây đã bớt được quan tâm từ 2004, khi cảnh báo nguy cơ diệt chủng buộc thế giới phải hành động.
Nhưng một báo cáo mới về các vụ tấn công liên tục của chính phủ Sudan chống người dân của mình cho thấy “không có gì thay đổi”, theo lời Tirana Hassan, giám đốc nghiên cứu khủng hoảng của Ân xá Quốc tế.
Điều tra của nhóm nhân quyền này, kéo dài tám tháng, cho thấy “vườn không nhà trống, hãm hiếp hàng loạt, giết người và đánh bom” ở Jebel Marra, một vùng xa xôi của Darfur.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 56 nhân chứng cáo buộc dùng vũ khí hóa học trong ít nhất 30 lần của quân Sudan.
Quân chính phủ Sudan đã mở tấn công nhắm vào Quân Tự do Sudan của Abdul Wahid hồi tháng Giêng.
Ân xá Quốc tế nay kêu gọi có điều tra, và kêu gọi các chính phủ gây sức ép lên Khartoum, để cho phép các cơ quan nhân đạo được tiếp cận người dân ở vùng hẻo lánh của Darfur.
Quân đội Ấn Độ nói đã tiến hành “tấn công chính xác”
chống các nghi phạm dân quân dọc đường biên giới thực tế
với Pakistan ở Kashmir.
Hoạt động nhằm ngăn cản một loạt các vụ tấn công do dân quân ở Pakistan hoạch định, theo lời một viên chức cao cấp quân đội nói với phóng viên.
Quân đội tuyên bố “thương vong lớn đã gây ra cho những tên khủng bố này và những người định ủng hộ chúng”.
Pakistan lại phủ nhận có việc Ấn Độn tấn công dọc biên giới.
“Ý tưởng tấn công chính xác liên hệ căn cứ của nghi phạm khủng bố là ảo tưởng do Ấn Độ cố tình tạo ra để gây hiệu ứng giả,” quân đội Pakistan nói trong thông cáo.
Pakistan xác nhận hai người lính của họ bị giết khi chạm súng dọc Đường Kiểm soát chia cắt khu vực tranh chấp. Pakistan nói không có “khiêu khích” dẫn tới việc Ấn Độ nổ súng.
Căng thẳng dâng cao từ khi có tấn công của dân quân vào một căn cứ quân đội Ấn Độ ở Kashmir, làm 18 lính chết đầu tháng này. Ấn Độ quy trách nhiệm vụ tấn công cho Pakistan, còn Pakistan bác bỏ.
Quân đội Ấn Độ không cho biết nhiều chi tiết về hoạt động quân sự mà họ nói tiến hành trong đêm.
Tại cuộc họp báo chung giữa quân đội và bộ ngoại giao, các viên chức nói “động cơ của chiến dịch là tấn công khủng bố đang định xâm nhập vào lãnh thổ chúng tôi”.
Trung tướng Ranbir Singh, chỉ huy các hoạt động quân sự Ấn Độ, cũng quy trách nhiệm cho Pakistan là “không thể kiểm soát hoạt động khủng bố ở lãnh thổ do họ kiểm soát”.
“Cuộc tấn công chính xác” vào “nơi tiến hành khủng bố” dọc đường biên thực tế đã gây ra “thiệt hại lớn cho khủng bố”.
Nhưng Ấn Độ không đề cập tấn công diễn ra ở đâu và có thương vong không.
Giới chức quân đội Pakistan nói giao tranh bắt đầu vào rạng sáng, kéo dài sáu tiếng.
Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif, chỉ trích “sự xâm lấn trắng trợn, vô cớ của lực lượng Ấn Độ” và nói quân đội của ông có khả năng đánh bại “mọi kế hoạch xấu xa nhằm gây hại chủ quyền Pakistan”.
Cuộc tấn công ngày 18/9 vào căn cứ tại Uri ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát gây thương vong nặng nhất trong nhiều năm.
Islamabad nói lập trường của Ấn Độ là “nỗ lực hiển nhiên” để làm lệch chú y các vi phạm nhân quyền ở vùng này.
Hơn 80 người, hầu hết là người biểu tình chống chính phủ, đã chết trong hơn hai tháng bạo lực phản đối sự cai trị của Ấn Độ.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều nhận chủ quyền toàn bộ với Kashmir, có đa số là người Hồi giáo, nhưng mỗi nước chỉ kiểm soát một phần.
Trump ‘mất 800 triệu đôla’
“Một phần trong cái đẹp của tôi là tôi rất giàu,” Donald Trump từng nói, nhưng theo tạp chí Forbes thì nay ông đã bớt giàu hơn nhiều so với một năm về trước.
Tạp chí kinh doanh đã đánh giá lại khối tài sản cá nhân của ứng viên Tổng thống chạy đua và Nhà Trắng, và thấy ông đã bị giảm mất 800 triệu đôla kể từ 2015 tới nay.
Forbes nay ước tính giá trị ròng của ông trùm bất động sản này là 3,7 tỷ đôla.
Ấn bản này nói việc giảm tổng giá trị tài sản chủ yếu là do thị trường bất động sản New York.
Ông Trump, người từng viết cuốn sách có tên Midas Touch, nói rằng đất nước cần có một người lãnh đạo có khả năng thực hiện được các giao dịch tại Nhà Trắng.
Trong cuộc tranh luận đối đầu trực tiếp với đối thủ Hillary Clinton hôm thứ Hai, ông nói: “Tôi có một khoản thu nhập khổng lồ… nay là lúc đất nước này cần có người điều hành với sự am tường về tiền bạc.”
Tại sao ông mất 800 triệu đôla?
Forbes, từng theo dõi giá trị tài sản của ông Trump từ hơn ba thập niên qua, nói việc suy giảm trong mảng bán lẻ và trong thị trường bất động sản làm văn phòng tại New York khiến khối tài sản của ông giảm giá.
Trong số 28 tòa nhà Forbes xem xét, có 18 tòa bị tụt giá, trong đó có tòa nhà lớn của ông, Trump Tower tại đường Fifth Avenue ở Manhattan.
Bất động sản của ông tại số 40 Wall Street và Mar-a-Lago, câu lạc bộ tư tại Palm Beach, Florida, cũng mất giá theo nhận định của Forbes.
Nhưng bảy khối bất động sản khác, trong đó có tòa nhà cao thứ nhì San Francisco, tăng giá.
Chiến dịch vận động tranh cử tiêu tốn của ông bao nhiêu tiền?
Nội dung chủ chốt được đưa ra trong chiến dịch vận động của ông Trump là ông có khả năng tự tài trợ cho cuộc đua vào Nhà Trắng và điều đó có nghĩa là ông không chịu ảnh hưởng bởi các nhà tài trợ chính như các đối thủ chạy đua với ông.
Ông cho đến nay đã bỏ khoảng 50 triệu đôla tiền túi vào cuộc đua tổng thống, nhưng đã thu hồi lại được ít nhiều, chẳng hạn như việc đặt các văn phòng tại tòa nhà Trump Tower và tính tiền thuê và chi phí tranh cử.
Forbes ước tính những nhận định gây tranh cãi của ông về người nhập cư Mexico trong quá trình tranh cử đã khiến ông thiệt hại thêm chừng 100 triệu đôla do mất các hợp đồng với NBC Universal, Univision and và Macy’s, cùng một số hãng khác.
Giá trị thực khối tài sản của ông là bao nhiêu?
Thực sự khó biết. Khi ông Trump nộp các tiết lộ tài chính lên Ủy ban Bầu cử Liên bang trong năm nay, chiến dịch vận động của ông nói ông có trị giá “trên MƯỜI TỶ ĐÔLA”.
Nhưng Forbes nói tài sản của ông trị giá 3,7 tỷ đôla, trong lúc Bloomberg đưa ra con số là 3 tỷ đô la, còn Fortune nói 3,9 tỷ đôla.
Một lý do dẫn tới sự khác biệt lớn là bởi ông Trump tính cả giá trị thương hiệu của mình, mà theo ước tính của riêng ông là vào khoảng 3,3 tỷ đôla.
Những người chỉ trích cáo buộc ông hay phóng đại thu nhập cá nhân qua việc cộng thêm cả doanh thu và thu nhập của các công ty ông sở hữu.
Hồ sơ khai thuế có thể hiện giá trị thực khối tài sản của ông không?
Việc ông Trump từ chối tiết lộ hồ sơ khai thuế đã làm dấy lên những đồn đoán rằng số dư tài khoản ngân hàng của ông có lẽ không ‘khủng’ như ông nói, hoặc có thể ông đã không đóng thuế đấy đủ.
Bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận hôm thứ Hai nói rằng hồ sơ khai thuế có thể tiết lộ “điều gì đó rất quan trọng, thậm chí khủng khiếp mà ông ấy đang muốn che giấu”.
Nhưng ngay cả khi ông có công bố hồ sơ khai thuế vào ngày mai, thì chúng nhiều khả năng cũng không cho thấy giá trị thực sự khối tài sản của ông.
Hồ sơ khai thuế thể hiện các số liệu về thu nhập, về những khoản thuế đã trả trên khoản thu nhập đó, nhưng sẽ không cho thấy bức tranh toàn cảnh về giá trị các khối tài sản cũng như các khoản nợ của ông.
Ứng viên Tổng thống Mỹ tranh tìm hậu thuẫn
Hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump ngày 28/9 đến các tiểu bang có các cử tri dao động nhưng cần thiết để thắng cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11 năm nay.
Bà Clinton đang vận động tranh cử tại tiểu bang New Hampshire cùng với đối thủ trước đây trong cuộc chạy đua để được đảng Dân chủ đề cử là Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermon, Bernie Sanders. Bà đang tìm cách thu hút các cử tri trẻ là những người trước đây ủng hộ ông Sanders trong cuộc vận động tranh cử kéo dài nhiều tháng với phần thắng cuối cùng thuộc về bà Clinton. Chelsea, con gái bà Clinton, đang vận động cho bà tại tiểu bang North Carolina nơi bà Clinton và ông Trump đã xuất hiện nhiều lần.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama xuất hiện trong một quảng cáo tranh cử của bà Clinton, nói với các cử tri là bà ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ vì “bà Clinton sẽ là một Tổng thống mà con cái chúng ta có thể ngưỡng mộ.” Không đề cập đến tên ông Trump và chiến dịch tranh cử chỉ trích bà Clinton, phu nhân Obama nói: “Con cháu của chúng ta nhìn vào những gì chúng ta làm và người chúng ta bầu chọn làm Tổng thống có quyền lực định hình cuộc sống của chúng trong những năm tới.”
Bà Obama vận động cho bà Clinton tại một tiểu bang bầu cử quan trọng khác là Pennsylvania, miền đông nước Mỹ, với các chặng dừng chân tại hai thành phố lớn Philadelphia và Pittsburgh.
Tại Philadelphia, bà nói với một nhóm cử tri trẻ, “Tôi được truyền cảm hứng từ sự kiên trì, kiên cường, tấm lòng và nhiệt huyết của bà.”
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đến Chicago, thành phố lớn hàng thứ ba của nước Mỹ và là một thành trì vững chắc của đảng Dân chủ, nơi ông ít có hy vọng chiến thắng. Nhưng sau đó ông sẽ xuất hiện trong những cuộc tập họp tại hai tiểu bang gần kề là Iowa và Wisconsin là những tiểu bang mà hai ứng viên đang tranh đua quyết liệt.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không được quyết định bằng số phiếu của cử tri trên toàn quốc, nhưng qua các cuộc vận động riêng rẽ tại 50 tiểu bang, và tầm quan trọng của những tiểu bang này căn cứ vào dân số. Ứng cử viên thắng cử phải được đa số 270 phiếu trong số 538 thành viên của cử tri đoàn căn cứ vào kết quả của từng tiểu bang một.
Với khoảng 40 tiểu bang thường bỏ phiếu theo truyền thống là bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa hay Dân chủ bất kể là nhân vật nào, bà Clinton và ông Trump đang chú trọng đến 10 tiểu bang còn lại, nơi chưa biết được kết quả sẽ như thế nào.
Thượng viện bác phủ quyết của Tổng thống về dự luật 11/9
Thượng viện Mỹ ngày 28/9 biểu quyết với tỷ lệ 97-1 bác phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân bị khủng bố ngày 11/9/2001 kiện Ả Rập Xê Út.
Lãnh tụ phe thiểu số Dân chủ Harry Reid là thượng nghị sĩ duy nhất cùng quan điểm với Tổng thống Obama. Hạ viện dự kiến sẽ theo chân Thượng viện, đây là lần đầu tiên một quyết định phủ quyết của ông Obama bị đảo ngược.
Kết quả này là thắng lợi lớn cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong các vụ khủng bố 11/9. Cho tới nay, những nỗ lực của họ muốn đưa ra các tòa án Mỹ để đòi hỏi công lý cho người nhà bị cản trở bởi sự miễn trừ tư pháp của Ả Rập Xê Út.
Dự luật Công lý chống lại những kẻ tài trợ hành vi khủng bố cho phép các vụ kiện chống lại các định chế nước ngoài tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Dù dự luật không nêu tên một quốc gia cụ thể, nhưng nhiều người xem đây là nỗ lực nhằm buộc Ả Rập Xê Út phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự trợ giúp nào mà những kẻ khủng bố 11/9 có thể đã nhận được từ bên trong vương quốc này.
“Những gia đình này sẽ không bao giờ đòi lại được những người thân yêu của họ, nhưng họ xứng đáng được hưởng công lý và đưa vụ việc ra tòa,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal cho biết.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nói “Sự quan tâm của Mỹ ở đây là cho các nạn nhân của khủng bố truy đòi công lý tại các tòa án luật pháp của chúng tôi.”
Hoa Kỳ sắp đưa thêm quân đến Mosul
Một quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Tư 28/9 cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng đưa thêm quân tới Iraq để giúp tái chiếm thành phố Mosul từ các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.
Quan chức quốc phòng cấp cao nói: “Qua tham vấn với chính phủ Iraq, Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp thêm nhân viên quân sự Mỹ để đào tạo và cố vấn cho người Iraq vào lúc việc lập kế hoạch cho chiến dịch Mosul đang trở nên ráo riết hơn”.
Mỹ hiện có khoảng 4.600 binh sỹ ở Iraq, chưa kể một số người có mặt tại đó để thi hành nhiệm vụ tạm thời.
Văn phòng Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đã đề nghị “tăng lần cuối số lượng nhân viên đào tạo và cố vấn Mỹ” để trợ giúp quân đội Iraq tại thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq.
Nhưng Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng các hoạt động quân sự gia tăng có thể làm một triệu người mất nơi cư trú. Tính đến cuối tháng 8, Cao Uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 213.000 người đã bỏ chạy khỏi Mosul để đến các nơi khác ở Iraq.
Ngũ Giác Đài cũng đã cảnh báo rằng quân Nhà nước Hồi giáo có thể sử dụng khí mù tạt để cố giữ Mosul.
Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã bị Nhà nước Hồi giáo chiếm vào năm 2014 và vẫn là một thành trì của nhóm này ở Iraq.
Trung Quốc tán dương quan hệ với Philippines
Quan hệ Trung Quốc-Philippines đang cải thiện ‘tốt đẹp’ dưới chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, theo tuyên bố của một đại sứ Trung Quốc giữa lúc ông Duterte đang muốn xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích về chiến dịch chống ma túy đẫm máu.
Đại sứ Zhao Jianhua tán dương Tổng thống Philippines trong một bài diễn văn tại sứ quán tối ngày 27/9 và nói rằng Trung Quốc “mạnh mẽ ủng hộ” chiến dịch chống ma túy của ông Duterte vốn đang bị Tây phương lên án về các vụ giết người không qua xét xử.
Tổng thống Philippines bác chỉ trích từ các nước kể cả đồng minh an ninh lâu năm Hoa Kỳ, đồng thời loan báo sẽ tìm cách siết chặt quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc.
“Mây tan, mặt trời đang ló dạng trên chân trời và sẽ chiếu sáng rực rỡ lên chương mới của quan hệ song phương,” theo văn bản phát biểu của ông Zhao do sứ quán Trung Quốc công bố hôm 28/9.
Đại sứ Trung Quốc nói hai nước láng giềng đã có những “tương tác hữu nghị” kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền gần 3 tháng trước.
Đại sứ Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Philippines cũng như trong lĩnh vực thương mại và du lịch.
Diễn tiến này hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ căng thẳng giữa Manila với Bắc Kinh dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, người tiền nhiệm của ông Duterte. Chính quyền Aquino đã đâm đơn kiện bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi năm 2013.
Tháng 7 năm nay, tòa tuyên Philippines thắng kiện và bác những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng thống Duterte nói ông muốn theo giải pháp đối thoại ôn hòa để thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa.
Theo AFP/PhilStar
Đặc sứ Philippines hủy chuyến thăm Trung Quốc
Chuyến thăm Trung Quốc của đặc sứ Philippines có nhiệm vụ xây dựng lại quan hệ với Bắc Kinh đã bị hủy, phụ tá của nhà ngoại giao này cho biết hôm 27/9. Đây là bước chuyển chiều mới nhất trong chính sách ngoại giao khó đoán của tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Fidel Ramos, cựu Tổng thống Philippines 1992-1998, sẽ đi Bắc Kinh khi thời điểm chín muồi, một người phụ tá của ông cho biết. Tin về việc hủy bỏ chuyến đi được đăng trên website của tòa đại sứ Philippines tại Bắc Kinh.
Sau chiến thắng trong vụ kiện bản đồ lưỡi bò hồi tháng 7, Tổng thống Duterte giao nhiệm vụ cho ông Ramos, 88 tuổi, khởi sự các cuộc đối thoại với Trung Quốc.
Trước khi bị hủy, chưa có loan báo chính thức nào được đưa ra về chuyến đi hoặc giả ông dự định sẽ gặp ai.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận về việc này.
Một nguồn thạo tin cho Reuters biết lý do chuyến đi bị hủy là vì trùng lắp với thời biểu của Tổng thống Duterte. Theo dự kiến, Tổng thống Philippines sang thăm Việt Nam bắt đầu từ chiều ngày 28/9.
Trong bài diễn văn hôm 27/9, ông Duterte nhắc lại hy vọng biến Trung Quốc thành một người bạn mới của Philippines cùng với Nga, đồng thời tuyên bố từ giờ tới năm sau, Manila sẽ ‘bước vào nhiều liên minh mới.’
Những phát biểu này được đưa ra giữa lúc tân Tổng thống Philipines khẳng định sẽ không để cho Hoa Kỳ ‘áp đặt lên Philippines điều gì nữa.’
Một giới chức Mỹ cho hay Washington đang cố gắng hợp tác chặt chẽ với Manila càng nhiều càng tốt, bất chấp những lời phát biểu của ông Duterte.
Thủ tướng Ấn Độ không dự hội nghị ở Pakistan
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á, SAARC, tại Pakistan vào tháng 11 do bạo lực gia tăng tại Kashmir.
Vikas Swarup, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói Pakistan tin rằng các cuộc tấn công ở đó sẽ giúp họ giành lãnh thổ ở Kashmir. Người phát ngôn nói Jammu và Kashmir vẫn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ và sẽ luôn luôn là như vậy.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đã tăng lên kể từ khi New Delhi quy cho Pakistan có dính líu đến một cuộc tấn công vào đồn của quân đội vào ngày 18 tháng 9 làm chết 18 binh sĩ Ấn Độ, cùng với 4 kẻ tấn công. Pakistan phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào và chỉ trích Ấn Độ là thiếu bằng chứng. Cuộc tấn công xảy ra giữa lúc bạo lực chống chính phủ trong hai tháng qua đã khiến hơn 80 người chết.
Nhà phân tích về Nam Á Rafiq Dossani thuộc tổ chức RAND nói quan hệ song phương đã xấu đi kể từ khi ông Modi lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014.
Hai nước cũng đang có tranh chấp về nước, liên quan đến Hiệp ước Nước Indus đã có trong 56 năm nay. Rafiq Dossani nói thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, trong đó các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc như Narendra Modi của Ấn Độ đang đạt được quyền lực, làm cho căng thẳng song phương và khả năng xung đột trở nên lớn hơn.
Máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt chiến binh IS
Nhà chức trách ở một tỉnh miền đông của Afghanistan nói một máy bay không người lái Mỹ đã tấn công một nhóm vũ trang bị nghi là người của Nhà nước Hồi giáo. Ít nhất 18 người đã bị giết chết, kể cả dân thường.
Chỉ huy cảnh sát địa phương Mohammad Ali nói với VOA hôm thứ Tư, 28/9, rằng một số người không phải là chiến binh cũng nằm trong số những người bị thương trong vụ tấn công trước bình minh ở huyện Achin của tỉnh Nangarhar, giáp biên giới Pakistan.
Viên cảnh sát cho biết hai viên chỉ huy quan trọng của IS, hay còn gọi là Daesh, nằm trong số người bị thương vong.
Một phát ngôn viên của quân đội Hoa Kỳ, Chuẩn Tướng Charles Cleveland, xác nhận với VOA rằng các lực lượng Mỹ đã tiến hành cuộc không kích chống khủng bố ở khu vực này vào ngày thứ Tư. Nhưng ông không thảo luận thêm chi tiết vì lý do an ninh phục vụ hành quân.
Ông Cleveland khẳng định quân đội Hoa Kỳ tiếp nhận tất cả các cáo buộc về thương vong dân thường “rất nghiêm túc”.
Một số quan chức Afghanistan nói với truyền thông địa phương là máy bay không người lái đã đánh trúng nhà của một quan chức Bộ Y tế, người vừa trở về từ cuộc hành hương hàng năm ở Ả-rập Xê-út.
Bạn bè và người thân, cũng như chiến binh IS, đã tụ tập để chào mừng ông trở về và thực hiện các nghi lễ tôn giáo khi tên lửa đánh trúng căn nhà.
Achin là một trong 4 huyện ở Nangarhar nơi kẻ trung thành với nhóm khủng bố của Trung Đông lập các căn cứ.
Quân đội Mỹ nói rằng các cuộc không kích chống IS của họ trong năm nay đã tiêu diệt 12 nhà lãnh đạo hàng đầu, kể cả chỉ huy khu vực của chúng là Hafiz Sadeed Khan.
Nga ủng hộ ngừng bắn 2 ngày ở Syria
Hôm thứ Năm, Nga cho biết nước này ủng hộ lệnh ngừng bắn 48 giờ tại thành phố Aleppo ở miền bắc Syria, nhưng không ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn dài ngày hơn do Hoa Kỳ đề xuất.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói một cuộc ngưng bắn kéo dài một tuần sẽ tạo điều kiện cho các chiến binh tập hợp lại và bổ sung quân dụng.
Phát biểu của ông Ryabkov được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với vị tương nhiệm Nga Sergei Lavrov rằng Washington đang chuẩn bị cho việc tạm ngưng hợp tác song phương với Nga trong vấn đề Syria, trừ phi Moscow thực hiện các bước tức thời để chấm dứt các cuộc tấn công vào Aleppo, và khôi phục thỏa thuận đình chiến mà hai cường quốc đã thoả thuận vào ngày 9 tháng 9.
Tại nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại Syria, hai cường quốc Mỹ – Nga đã cố gắng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các bên đối nghịch nhằm thúc đẩy hòa đàm và thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng cũng như các thỏa thuận mới nhất về Aleppo, các nỗ lực ấy đã bị bại trong khi giao tranh tiếp diễn.
Hôm thứ Tư, ông Kirby còn cho rằng liên minh giữa Nga và quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã nâng cao mối đe dọa về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra ở trong nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov của Nga chỉ trích phát biểu của ông Kirby. Ông nói điều đó chỉ có thể được hiểu là Hoa Kỳ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng được truyền thông Nga dẫn lời nói Hoa Kỳ đã không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn, là tách các nhóm nổi dậy trung hoà ra khỏi các nhóm chiến binh thuộc nhiều phe phái tham gia cuộc chiến ở Syria.
Thời gian hưu chiến cũng cho phép đưa thực phẩm và thuốc men đến cho người dân ở Aleppo. Tại đây đã xảy ra các cuộc không kích hôm thứ Tư nhắm vào 2 bệnh viện lớn nhất ở khu vực phía đông thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của quân nổi dậy.
Khó thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-EU vì bị chống đối
Phong trào chống mậu dịch tự do ở châu Âu đã phát triển mạnh hơn trong năm qua. Phong trào này đã huy động hàng trăm ngàn người dân ở các nước như Đức, Áo và Bỉ, khiến cho các thỏa thuận thương mại tự do trở thành chủ đề rất nhạy cảm ở cả hai bờ Đại Tây Dương, gây trở ngại cho triển vọng sớm phê chuẩn thỏa thuận Hiệp Định Thương Mại Mỹ-EU.
Hiệp Định Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương, gọi tắt là T-TIP giữa Liên minh châu Âu và Mỹ đã ở trong giai đoạn thương thuyết từ năm 2013, và vòng đàm phán thứ 15 sẽ bắt đầu vào tuần tới. Các cuộc đàm phán giữa EU và Canada về Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) cũng đã được xúc tiến trong bảy năm qua.
Các chính trị gia nói các thỏa thuận thương mại rất quan trọng để phát triển kinh tế, tăng xuất khẩu và tạo ra việc làm.
Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt là ở châu Âu. Nhưng ngay cả những người được các nhà hoạch định chính sách cho là sẽ được hưởng lợi như các chủ doanh nghiệp địa phương, cũng lên tiếng phản đối các thỏa thuận thương mại.
Những mối lo về thực phẩm biến đổi gien, việc bảo vệ môi trường hay các tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn đối với các sản phẩm tiêu dùng đã khiến hàng trăm ngàn người dân ở Đức, Áo và Bỉ biểu tình phản đối các cuộc đàm phán đang diễn ra trong những tuần gần đây.
http://www.voatiengviet.com/a/kho-thuc-hien-thoa-thuan-thuong-mai-my-eu-vi-bi-chong-doi/3530000.html
Úc hối Nga truy tố vụ bắn hạ máy bay Malaysia
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm thứ Năm nói ông sẽ gây sức ép lên Nga để hậu thuẫn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm truy tố những người chịu trách nhiệm trong việc bắn hạ một máy bay của Malaysia ở đông Ukraine hồi tháng 07 năm 2014.
Hôm 28/09, các nhà điều tra quốc tế công bố các kết luận điều tra cho thấy chiếc máy bay đã bị phi đạn địa đối không của Nga bắn hạ. Các phi đạn này đã được vận chuyển vào Ukraine.
Ông Turnbull nói ngoài Hội đồng Bảo an, nơi Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn hành động của tổ chức này, Hà Lan có thể sẽ tiến hành việc khởi tố vụ việc.
Ông nói:
“Mỗi một nạn nhân bị giết chết bởi phi đạn được vận chuyển từ Nga, được bắn đi với sự đồng tình của Nga, từng người trong số họ đòi công lý và chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo đảm công lý được thực thi”.
Những phát hiện được công bố hôm thứ Tư xác nhận một cuộc điều tra trước đó của Ban An toàn Phi hành Hà Lan kết luận rằng chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia đã bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn Buk do Nga chế tạo.
Nhưng Nga đã bác bỏ kết luận này, cho rằng cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu là chủ quan.
Hạ viện thông qua dự luật bảo đảm chính phủ không đóng cửa
Washington, DC. (CBS) - Theo CBS News, hôm qua Hạ Viện vừa thông qua một dự luật với tỷ lệ 342 trên 85, nhằm bảo đảm chính phủ sẽ không bị đóng cửa.
Dự luật H.R. 5325 sẽ giúp chính phủ liên bang có thêm ngân sách hoạt động cho đến ngày 9 tháng 12. Dự luật cũng bao gồm việc cung cấp 1.1 tỷ Mỹ kim cho cuộc chiến chống virus Zika. Ngoài ra, dự luật cũng chấp thuận viện trợ cho Louisiana 550 triệu Mỹ kim, sau khi tiểu bang này trải qua thảm họa ngập lụt vào cuối mùa hè. Nguồn tin thân cận với CBS News cho biết Tổng thống Obama sẽ ký dự luật này thành luật. Vài giờ trước đó, H.R. 5325 được Thượng Viện thông qua với tỷ lệ 72 trên 26. Đây là buổi bỏ phiếu cuối cùng tại Quốc Hội, sau khi họ thông qua việc cấp ngân sách cho khủng hoảng nước ở thành phố Flint. Sau ngày hôm nay, Quốc Hội sẽ giải tán, cho phép các thành viên được về nhà để vận động tranh cử trước cuộc tổng tuyển cử 8 tháng 11. Quốc Hội sẽ nhóm họp trở lại một tuần sau ngày bầu cử.
Theo Reuters, trước việc ngân sách chính phủ liên bang hết hạn kể từ ngày thứ Bảy 30 tháng 9, ông Hal Rogers là Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Hạ Viện nói rằng luật H.R. 5325 là biện pháp cuối cùng, nhưng là biện pháp duy nhất họ có thể làm được trong thời điểm này, để giúp bên trong Tòa Bạch Ốc vẫn rực sáng ánh đèn. (Mai Đức)
Nga tuyên bố tiếp tục không kích ở Syria
Nga hôm nay 29/09/2016 tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động không kích tại Syria, kể cả tại Aleppo, mặc cho lời kêu gọi ngưng ném bom của ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov nói rằng việc tiếp tục không kích nhằm chống lại khủng bố, và đòi hỏi phía Mỹ phải giữ lời hứa tách biệt giữa phe nổi dậy ôn hòa chống lại chế độ Assad với « những kẻ khủng bố ».
Hôm qua ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa ngưng hợp tác với Matxcơva trong hồ sơ Syria. Về phát biểu của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, nói rằng bạo lực nếu tiếp diễn sẽ tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan, có thể « tấn công vào các lợi ích của Nga, và có thể kể cả vào những thành phố Nga », ông Peskov cho rằng tuyên bố này là « vụng về và vô ích ».
Mặc cho căng thẳng giữa đôi bên Nga-Mỹ, Kremlin khẳng định Nga vẫn sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Mỹ sẽ mạnh tay hơn tại Syria ?
Reuters hôm nay cho biết tổng thống Barack Obama dưới áp lực phải cứng rắn hơn trước tình cảnh ngày càng tồi tệ tại Syria, đã nói rằng ông chưa có cách nào khác để kết thúc cuộc chiến mà không phải gởi bộ binh Mỹ sang. Đến nay người ta vẫn chỉ trích ông Obama vì quyết định không oanh kích quân Damas năm 2013 dù chế độ Assas đã bước qua lằn ranh đỏ là sử dụng vũ khí hóa học giết dân Syria.
Ngưng bắn do Hoa Kỳ và Nga sắp xếp đã bị phá vỡ hôm 19/9. Giải pháp ngoại giao thất bại, giới chức Mỹ đang nghĩ đến những biện pháp khác mạnh mẽ hơn, như gởi cho phe nổi dậy các loại vũ khí tối tân – một điều mà đến nay Washington vẫn còn ngần ngại. Hoặc ném bom vào một căn cứ không quân Syria, nhưng sẽ có thể có những nạn nhân Nga.
Trong số ý kiến được nêu ra có việc đưa thêm lực lượng đặc biệt sang huấn luyện cho các nhóm nổi dậy Syria và Kurdistan, triển khai lực lượng Hải quân và Không quân bổ sung ở phía đông Đại Tây Dương, nơi hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp đang hướng đến. Một cầu không vận nhân đạo nối với các khu vực nổi dậy cũng là một đề nghị nhưng sau đó bị bác vì quá nguy hiểm.
Đức Giáo hoàng : Sẽ phải « tính sổ » trước Thượng Đế
Tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô lên tiếng đòi chấm dứt oanh kích « thành phố tử đạo Aleppo », kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm, tuyên bố những người này « sẽ phải chịu sự phán xử của Thượng Đế ».
Trước hàng chục ngàn người tập họp tại quảng trường Thánh Phêrô hôm qua, người đứng đầu giáo hội Công giáo nhấn mạnh đây là « một nghĩa vụ bắt buộc và khẩn cấp ». Tuần trước ngài cũng đã tố cáo « sự im lặng nặng nề của nạn vô cảm ».
Các khu phố do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo đang bị quân Assas vây hãm tiếp tục hứng các trận mưa bom dữ dội từ máy bay Nga và Syria, gây nhiều cảnh thương tâm và khiến cuộc sống của 250.000 cư dân trở thành địa ngục.
Rafale trong ván cờ chiến lược khu vực của Ấn Độ
Sau hai nước Ai cập, Qatar đến phiên Ấn Độ trang bị chiến đấu cơ đa năng của Pháp qua hợp đồng mua 36 chiếc Rafale trị giá gần 8 tỷ euro ký ngày 23/09 tại New Delhi. Chiến đấu cơ của Pháp đánh bại các đối thủ Nga, Thụy Điển, Mỹ và Eurofighter, một tổ hợp của châu Âu. Vì sao Ấn Độ có nhu cầu trang bị Rafale ? đâu là mục tiêu chiến lược của New Delhi trong ván cờ khu vực ?
RFI tiếng Pháp đặt câu hỏi với chuyên gia Gilles Boquerat, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp
Quyết định trang bị máy bay của hãng Dassault đã được thủ tướng Narendra Modi thông báo trong chuyến viếng thăm nước Pháp hồi tháng 4/2015.Trong dạ tiệc tại Điện Elysée, lãnh đạo Ấn Độ vinh danh « quan hệ trường cửu » giữa hai nước. Ngoài những tuyên bố ngoại giao, 36 chiến đấu cơ đa năng này sẽ được quân đội Ấn Độ sử dụng trong mục đích gì. Có nên lo ngại, trong bối cảnh xung khắc trong quan hệ với Pakistan và tranh chấp biên giới với Trung Quốc, sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia có bom nguyên tử ?
Câu hỏi đầu tiên là tại sao không quân Ấn Độ chọn máy bay Pháp ?
Gilles Boquerat :
Đây là một vụ mua bán vũ khí có lợi cho Ấn Độ. Trang bị chiến đấu cơ Rafale của Pháp giúp cho New Delhi thoát ra khỏi phần nào tình trạng độc quyền của Nga, nguồn cung cấp máy bay gần như duy nhất cho không quân Ấn từ Sukhoi-30 cho đến Mig-21 cũ kỹ.
Thật ra, tập đoàn Dassault không phải là bạn hàng mới của Ấn Độ. Dassault đã vào thị trường Ấn Độ từ thập niên 1950, từng bán cho Ấn Độ máy bay oanh tạc phản lực Ouragan, tiếp theo là Mirage-4 và đến thập niên 1970 là chiến đấu cơ Mirage-2000. Phải nói thêm là Ấn Độ chỉ mua của Pháp máy bay chiến đấu tuy rằng hải quân Ấn có đặt mua 6 chiếc tầu ngầm Scorpène vào năm 2015. Phần lớn vũ khí quân đội Ấn Độ sử dụng là do Liên Xô và sau này là Nga cung cấp.
Vì sao bây giờ New Delhi muốn « thoát Nga » trong khi không quân Ấn Độ trang bị ít nhất 250 oanh tạc và chiến đấu cơ MIG và Sukhoi ?
Gilles Boquerat :
Ấn Độ có truyền thống mua máy bay chiến đấu của Liên Xô. Một phần vì hai nước là đồng minh chiến lược thời chiến tranh lạnh. Lý do khác là vũ khí của Nga bền chắc và rẻ hơn vũ khí tây phương. Mua vũ khí của Liên Xô, Ấn Độ còn được hưởng các điều kiện tốt về tín dụng.
Nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, New Delhi tìm cách đa dạng hóa nguồn vũ khí. Đầu tiên là với Israel, sau đó là Hoa Kỳ. Nhanh chóng, nước Mỹ trở thành nguồn cung cấp vũ khí số một cho Ấn Độ và bây giờ là Pháp với hợp đồng chiến đấu cơ Rafale.
Ấn Độ nhập cảng đến hai phần ba nhu cầu vũ khí cho dù ngay từ lúc độc lập, 1947, các chính phủ Ấn nỗ lực xây dựng một nền công nghệ vũ khí độc lập. Nhưng Ấn Độ vì nhu cầu kinh tế tập trung phát triển công nghiệp nặng trước để sửa soạn cho công nghệ vũ khí trong tương lai. Nhưng vì xảy ra chuyện Liên Xô sụp đổ cho nên kế hoạch dài hạn của New Delhi bị chậm trễ
Theo nguồn tin quốc phòng, Không quân Ấn độ hiện có 30 phi đoàn phản lực, mỗi phi đoàn 18 máy bay không đủ bảo vệ lãnh thổ. Nhu cầu an ninh được thẩm định là phải cần 42 phi đoàn. Chiến đấu cơ Rafale có thể mang tên lửa hạt nhân, với ba khả năng vừa trinh sát, vừa nghênh chiến và oanh tạc yểm trợ chiến thuật trên bộ, trên biển. Rafale còn trang bị tên lửa có tầm hủy diệt máy bay đối phương ở độ cao 3000 mét và với khoảng cách 100 km. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ sử dụng Rafale để làm gì ?
Gilles Boquerat :
Từ nhiều năm nay, Ấn Độ suy tính đến khả năng đối phó cùng lúc với hai cuộc chiến : Từ Pakistan và từ Trung Quốc. Mục đích này phải nói là cao vọng của Ấn Độ. Trang bị Rafale nhằm phục vụ quyết tâm này. Với 250 chiếc Sukhoi-30 cộng thêm 36 chiếc Rafale tạo cho quân đội Ấn Độ một bước nhảy vọt so với Pakistan. Tuy nhiên, nói dễ làm khó.
Sau vụ lực lượng trấn đóng ở Cachemir mới đây bị khủng bố từ Pakistan tấn công, cho dù thủ tướng Narendra Modi tuyên bố « không thể không trừng phạt », cuối cùng không quân Ấn Độ vẫn án binh bất động…Người ta còn nhớ sau vụ trụ sở Quốc hội Ấn độ bị tấn công vào năm 2001, New Delhi cũng tuyên bố trả đũa, huy động các đơn vị về biên giới nhưng phải mất đến nhiều tuần lễ. Sự chậm trễ này cho phép Pakistan dàn quân chống cự và cộng đồng quốc tế có thời giờ can thiệp làm giảm căng thẳng giữa hai nước.
Tuy không thực hiện được ý định đánh Pakistan để trả thù nhưng Ấn Độ thắng trên mặt trận ngoại giao, thuyết phục được cộng đồng quốc tế nhìn nhận Pakistan là nơi chứa chấp khủng bố quốc tế.
Quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới thường xuyên nói đến hai mối đe dọa : Một là từ Pakistan và hai là Trung Quốc. Phải chăng đang có một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực nhất là từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch mở rộng ảnh hưởng đến các nước chung quanh Ấn Độ từ Pakistan, Bangladesh cho đến Sri-lanka ?
Gilles Boquerat :
Chúng ta có thể nói là Ấn Độ luôn chậm chân so với Trung Quốc. Không phải chỉ ở khu vực địa phương mà tình trạng này cũng thể hiện ở các nơi khác như ở châu Phi, ở Trung Mỹ, Đông Nam Á và gần đây là Biển Đông. Ấn Độ tìm cách phát triển quan hệ đối tác quân sự với Việt Nam. New Delhi càng ngày càng tiến xa vào vùng được gọi là « Ấn Độ Thái Bình Dương » từ Ấn Độ Dương bung rộng ra phía đông Ấn Độ Dương. Chính trong kế hoạch quân sự này mà New Delhi đặt mua sáu chiếc tàu ngầm Scorpène của Pháp và dự trù đóng thêm hàng không mẫu hạm.
Câu hỏi cuối cùng, liệu tham vọng cường quốc cúa Ấn Độ có phải là một mục tiêu chiến lược lâu dài và thực hiện bằng cách nào và sẽ đi đến đâu ? Đâu là những trở ngại ?
Gilles Boquerat :
Từ trước đến nay, Ấn Độ chỉ tuyên bố cao vọng cường quốc của mình. Bây giờ nước này cần vũ khí đi kèm. Do vậy, mục tiêu của Ấn độ là làm sau có đủ thực lực viễn chinh, tham gia vào một mặt trận ngoài lãnh thổ.
Quyết tâm này không phải chỉ mới xuất phát từ thủ tướng Narendra Modi mà đã có từ nhiều đời thủ tướng trong suốt 30 năm qua. Từ thập niên 90 với những vụ thử hạt nhân đầu tiên đến nay, dù đảng Quốc Đại hay đảng Nhân Dân Ấn Độ BJP của thủ tướng Narendra Modi cầm quyền thì mục tiêu trước sau như một.
Từ thập niên 1980, báo chí Mỹ đã nói đến tham vọng của Ấn Độ phát triển hải quân thành một lực lượng hải thuyền có khả năng « vươn ra đại dương » chứ không chỉ quanh quẩn trong biển Ấn Độ. Vấn đề là quốc gia này có đủ phương tiện hay không ?
Ấn Độ ý thức là nếu muốn có tiếng nói ngang tầm với 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An thì phải có bom nguyên tử. Thế mà Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân, do vậy, Islamabad trở thành cái gai đâm vào gót chân Ấn Độ.
Sau vụ căn cứ quân sự của Ấn Độ tại Cachemir bị tấn công cách nay mấy hôm giết chết 18 binh sĩ (18/09) thủ tướng Narendra Modi cam kết trừng phạt thủ phạm « khủng bố hèn hạ ». Cho dù Pakistan bị lên án là « quốc gia khủng bố », Ấn Độ không động binh.
Vào năm 2030, phân nửa số tầu ngầm quân sự trên thế giới tập trung trong tay các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Pakistan. New Delhi ý thức không thể sử dụng sức mạnh không quân và vũ khí nguyên tử để giải quyết tranh chấp biên giới với Pakistan, một đồng minh của Mỹ, và để cự với Trung Quốc một láng giềng có quân đội hùng mạnh hơn.
Trong bối cảnh Trung Quốc công khai mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông và hệ quả tất yếu là « nhốt » hải quân Ấn Độ trong Ấn Độ dương, New Delhi và Mỹ gia tăng hợp tác trên biển trong chính sách được gọi là « xoay trục » sang châu Á.
Chiến lược này phù hợp với chính sách « Hướng đông » của Ấn Độ và « Kim cương » của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất xây dựng trục bốn nước dân chủ trong vùng Châu Á Thái Bình dương là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.
Không phải là chuyện ngẫu nhiên mà vào tháng 4 năm nay, Canberra chọn Pháp để trang bị 12 tàu ngầm tối tân cho hải quân Úc. Chỉ 5 tháng trước khi Paris ký hợp đồng với New Delhi cung cấp 36 chiến đấu cơ đa năng cho không quân Ấn Độ.
0 comments