Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo ¨Pháp – 01/08/2020

Saturday, August 1, 2020 2:08:00 PM // ,

Đọc báo ¨Pháp – 01/08/2020

Vừa Hán hóa vừa thực dân,

‘giấc mộng Trung Hoa’ sẽ chỉ là giấc mộng ?

Thụy My
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và đảng Cộng Sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là « Giấc mộng Trung Hoa » : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua « Con đường tơ lụa mới ».
Đại dịch corona là trọng tâm chính của các tuần san kỳ này, bên cạnh đó là mối đe dọa từ Trung Quốc. L’Express dành 30 trang báo cho việc « Tìm lại chỗ đứng », nói về cuộc chiến gay go trên lãnh vực kinh tế sau khi bị con virus từ Vũ Hán phá hoại. Trong đó nước Pháp có nhiều ưu thế, với điều kiện có chọn lựa đúng đắn, có lòng can đảm và phải tiến hành ngay lúc này. Le Point giải thích về mặt khoa học virus corona di chuyển trong không khí như thế nào, với hàng tựa « Những gì chúng ta đang hít thở thực sự ».Courrier International đặt vấn đề « Nếu chúng ta thay đổi cuộc sống » sau thời kỳ phong tỏa.
Bức màn sắt đã phủ xuống Hồng Kông
Riêng tuần báo L’Obs có ảnh bìa đỏ chói với một con rồng màu đen đang cuộn mình, ẩn trong đó những khuôn mặt Donald Trump, cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, Tập Cận Bình và những con virus corona…với hàng tựa lớn : « Trung Quốc, siêu cường tự do tung hoành ».
Ở trang trong, hồ sơ 12 trang của tờ báo bắt đầu bằng tấm ảnh nổi tiếng : một thanh niên Hồng Kông biểu tình bị trói quặt nằm dưới đất. Tờ báo tóm lược : cưỡng bức Hồng Kông, đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ, ngoại giao hung hăng, khiêu khích quân sự…Trung Quốc của Tập Cận Bình mỗi ngày lại tỏ rõ chủ nghĩa dân tộc toàn trị với chiến lược đế quốc.
Bài viết chính mở đầu bằng nhận xét, một thành phố quốc tế vừa chết đi trước mắt chúng ta : Hồng Kông, đô thị quyến rũ, phương Tây và phương Đông hòa quyện. Lưỡi gươm Damoclès đầy đe dọa từ lúc Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013 cuối cùng đã rơi xuống.
Những tội danh với định nghĩa mù mờ trong luật an ninh quốc gia có thể ập xuống đầu bất kỳ ai. Một lời tố cáo nặc danh có thể làm một giáo viên bị điều tra và sa thải. « Khủng bố trắng » cũng diễn ra tại các doanh nghiệp, nơi mỗi người phải cẩn trọng lời nói và dè chừng kẻ chỉ điểm. Năm mươi năm sau khi bức tường ô nhục mọc lên ở Đông Berlin, người Hồng Kông bừng con mắt dậy bỗng thấy một bức màn sắt phủ xuống.
Vì sao Trung Quốc tả xung hữu đột, gây hấn khắp nơi ?
Bắc Kinh muốn thanh toán dứt điểm các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Nhưng phải chăng « phương án nguyên tử » này là chọn lựa duy nhất ? Tại sao lại hủy hoại trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, nơi 60% vốn đầu tư ra vào Hoa lục ? Và tại sao vài ngày sau đó, Bắc Kinh kết thúc nhiều thập niên tương đối hòa bình với Ấn Độ qua cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới Ladakh, với những quả chùy đinh làm đổ những giọt máu đầu tiên từ 40 năm qua ?
Vì sao Trung Quốc lại « phóng hỏa » lần thứ hai ở phía bên kia rặng Himalaya, khi yêu sách một phần lãnh thổ quốc gia tí hon Bhutan, đồng minh của Ấn Độ ? Vì sao hôm 30/03, cả một đoàn tàu « dân quân biển » lại lao vào một khu trục hạm Nhật trong hải phận Nhật ? Tại sao một trong vô số tàu hải cảnh Trung Quốc lại đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam hôm 02/04 ? Tại sao tàu Trung Quốc thản nhiên đi vào vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines ? Sao Bắc Kinh lại điều tàu sân bay đến bờ biển Đài Loan hai lần trong tháng trước ?
Không chỉ gây hấn tứ tung với các nước về quân sự, Trung Quốc còn tấn công tin học vào Úc và các bệnh viện, phòng thí nghiệm châu Âu đang nghiên cứu vaccin chống virus corona. Một chiến dịch ngoại giao hung hăng nhắm vào Úc, Hà Lan, Anh, Pháp và nhiều nước khác, chưa nói đến những trận khẩu chiến dữ dội với Mỹ.
Ở Hoa lục, hai công dân Canada bị tù tội từ cuối 2018 để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ. Đảng trấn áp các luật sư, nhà báo phản biện, phá hủy mấy chục nơi thờ tự, và tiếp tục quy trình diệt chủng tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp người Tây Tạng.
Con virus làm bộc lộ bộ mặt thật đầy thủ đoạn
Tất cả các chuyên gia về Trung Quốc đều sững sờ, kinh ngạc. Cả thế giới cũng vậy, từ giới tinh hoa cho đến dư luận quần chúng. Họ bất ngờ khám phá bộ mặt thật của một siêu cường đầy đe dọa, thủ đoạn, ngạo mạn, khác hẳn với hình ảnh một đất nước cần cù, ít phô trương. Con virus corona đã làm người ta mở mắt, xóa đi mọi ảo tưởng.
Khi xảy ra tai nạn Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào điều tra và hoàn toàn nhận trách nhiệm về thảm họa. Còn Trung Quốc nhất quyết từ chối cho điều tra về virus corona, vào phút cuối dưới áp lực của khoảng 100 nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới miễn cưỡng đồng ý, nhưng đòi phải do ông tổng giám đốc vốn ngoan ngoãn với Bắc Kinh phụ trách.
Rồi đến chiến dịch « ngoại giao khẩu trang » nhằm biến Trung Quốc thành ân nhân của nhân loại, chiến dịch bóp méo thông tin tởm lợm, quy trách nhiệm cho…Hoa Kỳ đã gây ra đại dịch, thậm chí cả Ý trong lúc nước này đang khốn đốn vì Covid-19. Một loạt những thủ đoạn thay vì đánh bóng lại làm hình ảnh Trung Quốc thêm xấu xí.
Vừa Hán hóa vừa thực dân
Theo chuyên gia Valérie Niquet, việc phô trương cơ bắp này có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn tất cả các chính khách Ấn Độ hiện rất bức xúc, đòi hỏi thủ tướng Modi phải cứng rắn hơn. L’Express tiết lộ, ông Modi đã đặt mua 33 chiến đấu cơ của Nga cùng với hỏa tiễn và đạn dược trị giá 4,7 tỉ euro. New Delhi đã chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó TikTok bị mất đi 1/3 thị trường.
Nhà sử học François Godement nhận định, chế độ Bắc Kinh đang chuyển sang hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thậm chí phát-xít. Theo nhà nghiên cứu chính trị François Heisbourg, sở dĩ Trung Quốc hung hăng khiêu khích một loạt các nước vì cho rằng thời cơ của mình đã đến. Một đế quốc coi các nước khác kể cả châu Âu là những chư hầu, như trong thời nhà Minh trước đây, như nước Đức trước Đệ nhất Thế chiến và nước Nhật trước Đệ nhị Thế chiến.
Nhà báo François Bougon phân tích, Hán tộc được coi là chủng tộc ưu việt, và đảng Cộng Sản có nhiệm vụ đưa một Trung Quốc của người Hán vào vị trí trung tâm thế giới. Thế nên phải thực hiện mưu đồ đế quốc mà Bắc Kinh gọi là « Giấc mộng Trung Hoa » : vừa Hán hóa các sắc tộc trong nước, vừa thực dân hóa thế giới bên ngoài qua « Con đường tơ lụa mới ».
Giấc mộng Trung Hoa sẽ chỉ là giấc mộng
Nhưng liệu giấc mơ có thành sự thực ? Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) ở California cho rằng Trung Quốc đang lặp lại sai lầm của Liên Xô cũ – bám vào những quan điểm lỗi thời, tập trung quyền hành vào tay cá nhân. Một chế độ trước đây vươn lên được nhờ thực dụng, nay ý thức hệ cứng nhắc và biến tướng sang toàn trị. Cách đây một thập niên, đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều luồng tư tưởng khác nhau và quyết định theo tập thể, nay là một bộ máy chỉ phục vụ cho Tập Cận Bình.
Theo L’Obs, giấc mộng Trung Hoa có thể chỉ là một giấc mộng. Nhiều quốc gia đang đưa sản xuất trở về nước hoặc đa dạng hóa nguồn cung, dịch chuyển sang các nước gần hơn hoặc đáng tin cậy hơn. Phân nửa các con nợ của chương trình « Con đường tơ lụa mới » 1.000 tỉ đô la có nguy cơ không trả nổi, nhất là Kyrgyzstan và Sri Lanka.
GDP Trung Quốc năm nay có thể chỉ tăng 1%, nợ công cùng với các món nợ của địa phương và công ty quốc doanh đã lên đến 300% GDP, 80 triệu người thất nghiệp trong đó có 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Bất bình đẳng xã hội tiếp tục : chính thủ tướng Lý Khắc Cường thú nhận hiện có 600 triệu người Trung Quốc thu nhập dưới 125 euro một tháng.
Đài Loan, nạn nhân sắp tới ?
Kinh tế suy sụp, giới trung lưu thất vọng, người nghèo phẫn nộ…có thể thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh. Đài Loan có thể là mục tiêu sắp tới.
« Một khi thanh toán xong Hồng Kông, chúng tôi sẽ giải quyết Đài Loan. Việc thống nhất bằng giải pháp quân sự là không thể tránh khỏi ». Nội dung từ một tài khoản Twitter của chính quyền Trung Quốc tháng 9/2019 lập tức khiến Đài Bắc và Washington chú ý. Mười tháng sau, lời đe dọa thứ nhất đã trở thành sự thực, còn lại Đài Loan trong tầm ngắm.
Theo các nhà phân tích của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc với ngân sách gấp 15 lần Đài Loan, đã có tất cả những phương tiện cần thiết cho việc đổ bộ. Và theo lời đồn đãi thì cuộc xâm lăng sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng. Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông đã được hạ thủy cuối 2019, có thể chặn phía Thái Bình Dương để ngăn tăng viện của Mỹ.
Hồng Kông : Một đất nước, hai quốc tịch
Về Hồng Kông, trong bài « Một đất nước, hai quốc tịch », The Economist cho biết những người dân muốn ra đi có nhiều lựa chọn. Canada là nước có nhiều người Hồng Kông sinh sống nhất, có thể cấp giấy phép thường trú nếu đầu tư 112.000 đô la, một món tiền không cao so với giá nhà đắt đỏ ở đặc khu. Úc đề nghị gia hạn 5 năm cho những người Hồng Kông hiện đang cư trú, còn visa theo đầu tư tốn đến 1,1 triệu đô la.
Đài Loan với tương đồng văn hóa và ngôn ngữ, là hướng đến ưa thích của 50% người Hồng Kông muốn đi tị nạn. Đặc biệt Anh sẵn sàng tạo điều kiện cho 2,9 triệu dân cựu thuộc địa cư trú, với khả năng nhập tịch sau này. Các công ty tư vấn di trú như Andrew Lo trước đây nhận 10 yêu cầu một ngày, nay lên đến 200 hồ sơ/ngày, đơn xin cấp tư pháp lý lịch vốn cần thiết để xin visa tăng 40%.
Cảnh giác với những vi phân tử mang mầm bệnh Covid trong không khí
Chuyển sang lãnh vực y tế, Le Point dành trọn hồ sơ cho virus corona chủng mới. Lá thư ngỏ của 239 nhà nghiên cứu trên tạp chí Clinical Infectious Diseases được New York Times đăng lại ngày 04/07 cảnh báo : con virus lan tràn trong không khí bằng những hạt nhỏ li ti ở khoảng cách xa hơn hai mét. Họ khuyến cáo nên mang khẩu trang, và nếu có thể thì nên hạn chế hô hấp. Lá thư hướng đến Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi tổ chức này không ngừng lặp lại là con virus lan đi qua những giọt bắn lớn.
Một con virus đường hô hấp lây lan trong không khí thật ra không có gì đáng ngạc nhiên, như virus SARS (2002), cúm H1N1 (năm 2009), MERS (2012). Và đầu năm nay, đã có những vụ một người nhiễm Covid ở cuối xe hắt hơi, tài xế xe buýt bị lây như tại Trung Quốc, trong hành trình một tiếng rưỡi 23/67 hành khách đã bị nhiễm. Cũng tại Trung Quốc, 10 thực khách ngồi cách nhau 1 mét và không tiếp xúc với nhau bị lây vì máy lạnh, phân nửa 30 người tham gia một khóa đào tạo trong phòng máy lạnh khoảng 4 tiếng đồng hồ trở thành nạn nhân của virus corona…
Các phân tử lớn hơn 20 micromét (micromét = 1 phần triệu mét) không đi vào sâu, trong khi những phân tử nhỏ hơn vào tận phổi và lập tức gây nhiễm trùng thể nặng. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh : một người bệnh hắt hơi trong một lò sát sinh khép kín gây tai họa nhiều hơn ở một vùng đất vắng người. Giáo sư Arnaud Fontanet cảnh báo, lượng virus corona chủng mới trong không khí đậm đặc hơn virus SARS có thể đến 1.000 lần, và theo bác sĩ Bruno Grandbastien, virus corona lơ lửng trên không suốt 24 tiếng đồng hồ. Thế nên khuyến cáo chung là : hãy đeo khẩu trang, chú trọng việc thông gió.
Virus corona làm người nghèo khốn khó, tỉ phú thêm giàu
Về mặt kinh tế, tác giả Pierre-Antoine Delhommais trong bài « Covid-19, cuộc sống và chứng khoán » nói lên một nghịch lý, con virus corona gieo rắc đau thương ở những nơi nó đi qua, nhưng trên thị trường tài chính, có nhiều người nhờ đó lại làm giàu.
Chẳng hạn cổ phiếu của nhà sản xuất găng tay latex Top Glove của Malaysia đã tăng 403 %, phòng thí nghiệm Mỹ Moderna Therapeutics có cổ phiếu tăng giá 325 %. Thật kỳ lạ khi kinh tế Mỹ bị suy thoái nặng nhất kể từ một thế kỷ, chỉ số S&P 500 của Wall Street lại tăng 1,4 %. Cần nhớ rằng thị trường chứng khoán New York đã lao dốc 33 % trong khủng hoảng tài chính 1929, và đến 30 năm sau mới hồi phục được. Đặc biệt chỉ số Nasdaq các cổ phiếu công nghệ vượt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Một phần đáng kể trong số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la, euro, yen, nhân dân tệ từ các Nhà nước và ngân hàng trung ương nhằm đối phó với đại dịch và khủng hoảng kinh tế, thay vì vun xới cho nền kinh tế thực, cho tiêu dùng và đầu tư, sẽ rơi vào Wall Street và các thị trường chứng khoán khác. Không ít người Mỹ dùng tấm séc 1.200 đô la nhận được chính phủ để mua cổ phiếu thay vì mua sắm hàng hóa, còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp lợi dụng lãi suất 0 % để đặt cược vào chứng khoán.
Từ đầu năm nay, tài sản của Jeff Bezos, ông chủ Amazon đã tăng thêm 69 tỉ đô la, Elon Musk, chủ Tesla giàu thêm 47 tỉ đô la. Ngược lại theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 100 triệu người trên thế giới sẽ lâm vào cảnh đói nghèo với thu nhập dưới 1,9 đô la một ngày. Con virus corona rõ ràng không ưa người nghèo – tỉ lệ tử vong nơi người Mỹ da đen cao gấp 3,8 lần so với người da trắng. Sự cất cánh của cổ phiếu Amazon và Tesla chứng tỏ Covid rất thích người giàu.

Tin tổng hợp
(AFP) – Chính quyền bắt giữ lãnh đạo giáo phái Tân Thiên Địa, ổ lây nhiễm virus corona đầu tiên tại Hàn Quốc. 
Ông Lee Man-hee, 88 tuổi, bị bắt giam hôm nay 01/08/2020 vì các cáo buộc cản trở chính sách chống dịch của chính phủ.  Nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tại thành phố Daegu được xác định là ổ lây nhiễm đầu tiên virus corona tại Hàn Quốc. Sau khi dịch bùng phát, lãnh đạo của giáo phái bị cáo buộc đã không cung cấp thông tin chính xác về các cuộc tập họp của nhà thờ cũng như danh sách các thành viên của giáo phái. Trong khi đó những người liên quan đến giáo phái này chiếm hơn nửa trong số 4000 ca nhiễm virus tại Hàn Quốc hồi tháng Hai. Đến giữa tháng 7, các thành viên Tân Thiên Địa vẫn chiếm 38% trên tổng số hơn 14 nghìn ca Covid-19 của cả nước, theo thống kê của chính quyền Hàn Quốc. Ngoài ra ông Lee còn bị truy tố vì tội biển thủ công quỹ.
(Reuters) – Facebook bị phạt vì chống lệnh khóa tài khoản phát tin giả ở Brazil.
Tòa án Tối cao Brazil, hôm qua 31/07/2020 đã ra phán quyết phạt Facebook một khoản tiền tương đương khoảng 350.000 đô la vì đã không tôn trọng lệnh khóa một số tài khoản đã phát tán những thông tin bị bóp méo của những người ủng hộ tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Tòa nhận định, Facebook chỉ khóa truy cập vào các tài khoản này ở Brazil, trong khi ở nước ngoài vẫn để mở. Theo lệnh, Facebook phải khóa truy cập trên toàn thế giới với các tài khoản trên. Trước khi có thông báo trên, nhà mạng xã hội Mỹ đã cho biết sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa Án Tối Cao Brazil.
(Reuters) – Trung Quốc chỉ trích Đức về việc Berlin quyết định tạm ngưng hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. 
Trong một thông cáo vào hôm qua 31/07/2020, Bắc Kinh tố cáo Đức vi phạm luật quốc tế. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố việc Hồng Kông hoãn bầu cử lập pháp và loại 12 ứng viên phe đối lập khỏi cuộc bầu cử lại một lần nữa cho thấy có sự vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Berlin sẽ ngưng hiệp định dẫn độ với Hồng Kông.
(AFP) – Điện Kremlin đòi Belarus trả tự do cho 33 người Nga.
Đây là những người Nga bị Minsk bắt với cáo buộc chuẩn bị khủng bố và lật đổ chính quyền Belarus. Phát ngôn viên điện Kremlin ngày 31/07/2020 nhận định các vụ bắt giữ này là không có cơ sở và cho rằng họ bị bắt khi đang trên đường đến một nước thứ ba. Minsk hôm qua hứa tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Nga với nhóm người bị bắt nói trên.
(Reuters) – Nga chuẩn bị chiến dịch diện rộng tiêm vac-xin ngừa virus corona vào tháng 10/2020. 
Các hãng tin Nga ngày 01/08/2020 cho biết Viện Gamaleya, cơ quan nghiên cứu của Nga tại Matxcơva, đã hoàn thành công tác thử nghiệm vac-xin và đang cho đăng ký vac-xin. Các bác sĩ và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng.

Điểm tin thế giới sáng 1/8:

Hơn 17,7 triệu người nhiễm

và 680.000 người chết vì Covid-19

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (1/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hơn 17,7 triệu người nhiễm, 680.000 người chết vì Covid-19
Theo thống kê cập nhật dữ liệu thời gian thực của trang Worldometers, tính đến sáng nay (1/8), có 215 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 17,744,784 ca nhiễm Covid-19 và 682,191 ca tử vong.
Các nước hiện có số ca lây nhiễm cao nhất gồm Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Mexico, Chile, Iran, Anh, Nga… Theo VOA Việt ngữ, Wisconsin là bang mới nhất của Mỹ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn bang trong bối cảnh các ca nhiễm virus corona ở Mỹ tiếp tục gia tăng và tranh cãi chính trị xung quanh việc đeo khẩu trang vẫn kéo dài. 33 trong tổng số 50 bang của Mỹ đã có lệnh bắt buộc người dân phải che mặt ở nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 150.000 người ở Mỹ.
Mỹ trừng phạt binh đoàn sản xuất Tân Cương
Bộ Tài chính Mỹ hôm 31/7 ra thông cáo cho biết, Mỹ trừng phạt Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) cùng cựu bí thư đảng ủy XPCC Tôn Kim Long và phó bí thư đảng ủy XPCC Bành Gia Thụy với cáo buộc “vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ” ở Tân Cương.
Washington sẽ đóng băng mọi tài sản ở Mỹ của các cơ quan và cá nhân bị trừng phạt cũng như ngăn người Mỹ giao dịch với họ. Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Mỹ áp trừng phạt với bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Phe “diều hâu” chống Trung Quốc thắng thế tại Nhật sau nhiều năm chia rẽ
Những diễn biến ở Hồng Kông và quan hệ ngày càng xấu giữa Bắc Kinh với các nước phương Tây, cũng như việc Trung Quốc khiêu khích trên biển Hoa Đông đã giúp phe diều hâu chống Trung Quốc dần chiếm ưu thế trên chính trường Nhật Bản, phe ôn hòa trong giới bảo thủ Nhật Bản đang dần thất thế, khiến chính phủ Abe đứng trước áp lực phải gia tăng sức ép với Bắc Kinh.
Theo Japan Times, hồi tháng 3, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Thủ tướng Shinzo Abe đã buộc phải hoãn kế hoạch tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức cấp nhà nước. Bốn tháng sau, chuyến thăm tiếp tục bị hoãn và trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của ông Abe. Đầu tháng 7, một nhóm nghị sĩ LDP thúc đẩy một nghị quyết yêu cầu chính thức hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập. Động thái này đẩy Thủ tướng Abe vào thế đối đầu với chính các thành viên trong đảng của mình.
Đức ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Hãng AFP đưa tin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31/7 thông báo quyết định ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, với lý do chính quyền Hồng Kông tuyên bố nhiều ứng cử viên đối lập không đủ tiêu chuẩn tham gia bầu cử và quyết định hoãn cuộc bầu cử vào tháng 9.
Ông Maas nói rằng những hành động này của chính quyền Hồng Kông gây ảnh hưởng đến quyền của công dân Hồng Kông. Như vậy, Đức trở thành nước thuộc Liên minh châu Âu đầu tiên tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Trước đó, các thành viên liên minh chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn gồm Anh, Úc, Canada và New Zealand, đã đưa ra quyết định tương tự. Về phần Mỹ đã hủy bỏ chính sách ưu đãi đặc biệt về thương mại và nhiều lĩnh vực khác cho Hồng Kông.

Điểm tin thế giới tối 1/8:

Quan chức Australia, Trung Quốc

‘đấu khẩu’ về Biển Đông

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (1/8) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Quan chức Australia, Trung Quốc ‘đấu khẩu’ về Biển Đông
Cao ủy Úc Barry O’Farrell hôm thứ Sáu (31/7) đã đáp trả sau khi Đại sứ Trung Quốc chỉ trích những bình luận của ông về Biển Đông, theo PTI.
Hôm thứ Năm (30/7), ông O’Farrell nói rằng Úc hiện vẫn quan ngại sâu sắc bởi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm “gây bất ổn và có thể kích động căng thẳng”.
Trong một dòng đăng tweet sau đó, ông Tôn đã phản đối những nhận xét của nhà ngoại giao Úc khi chỉ trích ông “coi thường sự thật”.
Ông O’Farrell, trong một phản ứng mạnh mẽ, đã nhắc nhở đặc phái viên Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016, theo đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Cảm ơn Đại sứ Trung Quốc. Tôi hy vọng kế tiếp ông có thể xem lại phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài vốn là kết luận cuối cùng và có tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế, đồng thời kiềm chế các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng”, vị Cao ủy Úc viết trên Twitter.
Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu cho biết họ đã liệt Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, còn được gọi là XPCC, cùng cựu bí thư Đảng ủy Tôn Kim Long, và phó bí thư Đảng ủy Bành Gia Thụy  vào danh sách đen vì các cáo buộc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương, theo Reuters.
“Các vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương, chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác có thể là vết nhơ của thế kỷ”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền đã mô tả công ty này như là “một tổ chức bán quân sự bí mật, thực hiện nhiều chức năng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
“Họ trực tiếp tham dự vào việc giám sát, giam giữ và truyền bá toàn diện các lý thuyết của ĐCSTQ … mà tất cả chúng ta đều biết là người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các thành viên dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương”, báo cáo chính thức nói.
Trung Quốc phản đối quyết định của Đức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Trung Quốc đã phản đối quyết định của Đức đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông sau quyết định trì hoãn bầu cử dân chủ một năm tại thành phố này, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).
Hôm thứ Sáu (31/7), Đức trở thành quốc gia phương Tây mới nhất có động thái đối với luật an ninh quốc gia, khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chỉ trích quyết định trì hoãn bỏ phiếu một năm như “một hành vi khác nhằm xâm phạm quyền lợi của người dân Hồng Kông”.
Nhưng đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã bày tỏ “sự phẫn nộ mạnh mẽ” trước những bình luận của Maas, khi nói rằng: “Các vấn đề của Hồng Kông là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Các nhận xét sai lầm của Đức về Hồng Kông và việc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông là những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản thiết lập nên mối quan hệ quốc tế và sự vi phạm thô bạo đối với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Hàn Quốc thông qua lệnh bắt giáo chủ Tân Thiên Địa
Chính quyền Hàn Quốc hôm nay đã bắt giữ người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa có liên quan ổ dịch Covid-19 lớn nhất đất nước vì cáo buộc che giấu thông tin quan trọng trước những viên chức truy vết bệnh nhân Covid-19, bên cạnh các cáo buộc khác.
Ông Lee Man-hee – giáo chủ Tân Thiên Địa – có dính líu đến hơn 5.200 ca nhiễm virus corona, hay 36% tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc.
Các công tố viên nghi ngờ Lee, 89 tuổi, đã cấu kết với các nhà lãnh đạo giáo phái khác để che giấu thông tin khỏi giới chức trách vào thời kỳ đỉnh cao của dịch bệnh về hơn 200.000 người tín đồ.
Lee bị cáo buộc che giấu thông tin chi tiết về các thành viên và nơi gặp gỡ của họ khi chính quyền cố gắng truy vết các tuyến lây nhiễm vào tháng 2, hãng tin Yonhap đưa tin.
Lee cũng bị nghi ngờ tham ô khoảng 5,6 tỷ won (4,7 triệu USD) trong các quỹ nhà thờ, bao gồm khoảng 5 tỷ won mà ông bị cáo buộc sử dụng để xây dựng một nơi ẩn dật và tổ chức các buổi lễ tôn giáo trái phép.
Ông Trump nói sẽ cấm TikTok
Tổng thống Trump hôm thứ Sáu (31/7) cho biết ông có kế hoạch cấm nền tảng truyền thông xã hội TikTok hoạt động tại Mỹ, theo The Hill.
“Đối với TikTok, chúng tôi có thể cấm ứng dụng này khỏi Mỹ”, ông Trump trao đổi với các phóng viên trên chiếc Không lực Một.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết ông có thể sử dụng các đặc quyền kinh tế khẩn cấp hoặc quyền hành pháp để chính thức cấm công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc này khỏi Hoa Kỳ. Ông cũng không ủng hộ việc cho phép một công ty Mỹ mua lại TikTok.

Tạp chí đặc biệt

Hồng Kông, Hoa Vi, Biển Đông, Lãnh sự:

Những trận đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc

Minh Anh
Quan hệ Mỹ – Trung gia tăng cường độ với « cuộc chiến lãnh sự » ; Mỹ – Trung phô diễn sức mạnh tại Biển Đông, dịch Covid-19 hoành hành dữ dội tại Mỹ đe dọa cuộc tái tranh cử của TT. Donald Trump và châu Á đối mặt với làn sóng dịch virus corona thứ hai. Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tháng 7/2020.
Trung – Mỹ và những mặt trận nóng
Chỉ trong vòng có một tháng, căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước phương Tây khác đột ngột gia tăng cường độ. Việc Bắc Kinh hồi đầu tháng 7/2020 chính thức áp đặt luật an ninh mới với Hồng Kông đã khiến nhiều nước phương Tây có những phản ứng mạnh mẽ. Canada, Úc, Anh và cả New Zealand lần lượt thông báo đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông.
Chính quyền Washington có những biện pháp mạnh mẽ hơn, thông báo rút quy chế đặc biệt đối với khu tự trị, trong khi Liên Hiệp Châu Âu phải đến cuối tháng 7 mới quyết định giới hạn xuất khẩu vũ khí sang Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh lập tức lên tiếng cáo buộc những nước này « can thiệp » vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Căng thẳng leo thang thêm một nấc khi các nước Anh (ngày 14/07) và Pháp (22/07) cũng lần lượt thông báo gạt dần Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G chiến lược. Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu lo ngại mối họa gián điệp Trung Quốc, do Hoa Vi bị cáo buộc có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh.
Đỉnh điểm của cuộc đọ sức Phương Tây – Trung Quốc là trong cùng ngày 22/07, Hoa Kỳ bất ngờ kỳ hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự ở Houston, bang Texas. Ngoại trưởng Mike Pompeo tố cáo lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức « đánh cắp các sở hữu trí tuệ » của Mỹ.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, bộ Tư Pháp Mỹ lần lượt thông báo truy tố hai tin tặc Trung Quốc, tìm cách đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu về Covid-19, và bắt giữ bốn công dân Trung Quốc khác cũng bị tình nghi hoạt động dọ thám.
« Ăn miếng trả miếng », ngày 24/07, Bắc Kinh yêu cầu đóng cửa lãnh sự Mỹ tại Thành Đô, một trong những lãnh sự quan trọng nhất của Mỹ cho phép bao phủ các vùng phía tây nam của Trung Quốc như Tân Cương và Tây Tạng.
Phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến tranh lạnh mới như nhận xét của nhiều nhà quan sát ? Ông Pierre-Antoine Donnet, nguyên thông tín viên hãng tin Pháp (AFP) tại Bắc Kinh, trên đài France Culture lưu ý, cuộc chiến tranh lạnh lần này khác rất xa so với những gì xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô năm xưa.
« Khác là bởi vì cuộc đọ sức này chủ yếu nhắm vào những khía cạnh công nghệ và thương mại. Trên hai lĩnh vực này, đúng là có một sự đối đầu cực kỳ gay gắt, đã được khởi động để rồi kéo dài trong thời gian rất lâu. Hơn nữa, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 có ra sao, một điều chắc chắn đây là chủ đề duy nhất mà cả Joe Biden và Donald Trump có cùng một quan điểm. »
Julien Nocetti, chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật số, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, trên đài phát thanh France Culture cũng có cùng quan điểm cho rằng công nghệ kỹ thuật số mới chính là cốt lõi của cuộc đọ sức này.
« Tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của một chu kỳ, với việc Hoa Kỳ chấm dứt thái độ ʺngây thơʺ một cách hơi thô bạo. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, người ta hy vọng là sự hội nhập với toàn cầu hóa, sự đổi mới không ngừng trong nền kinh tế sẽ đưa Trung Quốc đi đến việc dân chủ hóa đất nước.
Hai mươi năm sau, người ta rơi vào một bối cảnh hoàn toàn khác biệt, đầy biến đổi, rất hỗn loạn, với sự bật dậy của mô hình Trung Quốc khác rất nhiều so với những gì Mỹ từng hy vọng. Và mô hình Trung Quốc đó còn biết cách trục lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số chỉ trong vòng có 20 năm. Tôi cho rằng những gì đang làm cho căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xơ cứng, một phần lớn chính là vì vấn đề công nghệ kỹ thuật số ».
Trung – Mỹ « so găng », Biển Đông dậy sóng
Đối đầu Mỹ – Trung gia tăng còn làm cho Biển Đông dậy sóng dữ dội. Lần đầu tiên, Hoa Kỳ điều đến ba chiến hàng không mẫu hạm đến tập trận tại Biển Đông. Ngày 04/07/2020, Hải Quân Mỹ ra thông cáo khẳng định hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành các cuộc tuần tra và diễn tập tại Biển Đông nhằm « bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do ».
Hoạt động quân sự này của Mỹ diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang tổ chức các cuộc tập trận có quy mô lớn gọi là « Tam đại chiến địa » ở ba vùng biển lớn : Hoàng Hải, Hoa Đông và Nam Hải mà Việt Nam gọi là Biển Đông, xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam.
Báo Le Monde số ra ngày 07/07, trong bài viết có tựa đề « Bắc Kinh và Washington ghìm nhau ở Biển Đông », dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris, cho rằng việc Trung Quốc chọn tập trận ở Hoàng Sa còn là « lời cảnh báo nhắm vào Việt Nam, vào lúc nước này ngày càng có ý định đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế ».
Điều đáng chú ý là ngày 14/07/2020, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mạnh mẽ cho rằng các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là « bất hợp pháp ». Do vậy, vẫn theo ông Mathieu Duchatel, khi trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng Việt, thái độ cứng rắn này của Mỹ, ít nhiều cũng mang lại lợi thế cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam chẳng hạn.
« Có một lịch trình phòng thủ và một lịch trình tấn công. Tôi cho rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, có quy mô quan trọng hơn, có thể là nhằm gây khó khăn cho các hành động đơn phương của Trung Quốc mà nước này dự trù nếu như không có sự hiện diện của Mỹ, ví dụ chiếm thêm các đảo hoặc hung hăng bắt nạt các nước cũng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.
Về phương diện « tấn công », ví dụ thúc đẩy những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôi cho rằng khuôn khổ những gì Hoa Kỳ đang làm là nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc đơn phương hành động, hơn là cho phép các nước khác đạt được những yêu sách chủ quyền của riêng họ. Chúng ta thấy chính sách của Mỹ là bảo vệ nguyên trạng. »
Tháng 7: Virus corona và hệ quả chính trị trên Donald Trump
Nhưng có lẽ sự kiện đáng lo nhất trong tháng 7 này là tình hình dịch bệnh virus corona chủng mới. Xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 chưa cho thấy có dấu hiệu suy giảm đà lây lan. Dịch bệnh đặc biệt tăng tốc tại Mỹ và châu Mỹ Latinh, khiến hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người nhiễm bệnh, nền kinh tế bị lao dốc.
Đáng chú ý là virus corona đang len lỏi vào đời sống chính trị Mỹ. Việc dịch bệnh hoành hành dữ dội tại Mỹ, nhất là trong suốt nhiều tuần liền số ca nhiễm mới thường nhật luôn ở mức kỷ lục trên 60.000 người đã khiến số người ủng hộ cách xử lý dịch bệnh của nguyên thủ Mỹ, hiện đang vận động tái tranh cử sụt giảm mạnh, chỉ còn ở mức 39% và còn bị đối thủ tranh cử Joe Biden dẫn trước mấy điểm.
Trong hoàn cảnh này, tổng thống Mỹ đã quyết định thay giám đốc chiến dịch tranh cử và quay trở lại với các cuộc họp báo thường nhật. Một chiến lược mà giáo sư về Quan hệ Quốc tế Pháp, Philippe Golub, trường đại học Mỹ tại Paris trên đài RFI đánh giá là đầy rủi ro.
« Điểm yếu cơ bản của Trump ngày nay có khá nhiều : Đầu tiên hết là việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ đầy tai ương, ngày càng gia tăng cường độ cùng với việc mỗi bang mỗi phách, rồi cùng với cách xử lý thảm hại các vấn đề kinh tế có liên quan đến việc xử lý dịch virus corona. Tiếp đến là khó khăn mà đảng Cộng Hòa gặp phải trong việc thực thi chương trình phục hưng cho phép nền kinh tế trụ được trong lâu dài.
Tôi nghĩ đây có thể là một ý tưởng tồi khi cho phục hồi lại các buổi họp báo, điểm đáng báo động làm ông sụt điểm tín nhiệm trong các cuộc thăm dò. Đúng là có ông bị mất điểm nhiều và đều đặn. Dù vậy, cơ sở cử tri chủ yếu của ông không bị thu hẹp. Vẫn còn có đến vài tháng chiến dịch vận động cực khổ, trong quãng thời gian này, người ta sẽ được xem những cuộc đối đầu công khai giữa Trump và Biden. Vào lúc đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn các đường hướng của chiến dịch vận động tranh cử. »
Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam, châu Á và châu Âu
Nhìn sang các châu lục khác, Châu Á và Châu Âu đang khấp khởi mừng thầm tưởng chừng đại dịch sắp qua, cuộc sống sắp trở lại bình thường, nào ngờ những hy vọng mong manh đó đã bị dập tắt. Virus corona vẫn rình rập và bùng phát lại ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đặc biệt là tại Việt Nam, sau gần 100 ngày cầm cự với virus corona để không có một ca lây nhiễm mới nào, ngày 31/07/2020, chính quyền thông báo ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 và số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tăng mức kỷ lục 45 người.
Ổ dịch mới được phát hiện ở Đà Nẵng hồi cuối tuần 25-26/07/2020 đã lan ra nhiều tỉnh thành khác, trong đó có thủ đô Hà Nội (2 ca dương tính) và Tp. Hồ Chí Minh (2 ca). Thành phố Đà Nẵng buộc phải cho áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa.
Tình hình này cũng tương tự cho nhiều nước tại châu Âu. Một số nước như Tây Ban Nha hay Bỉ buộc phải áp dụng trở lại các biện pháp ngăn ngừa nghiêm khắc. Tại Pháp, với hiện tượng số ca nhiễm mới thường nhật cũng có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, chính phủ ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi không gian khép kín và yêu cầu người dân nên tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội.


0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.