Tin khắp nơi – 01/08/2020
Saturday, August 1, 2020
1:43:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Donald Trump: ‘Tôi sẽ cấm TikTok
hoạt động ở Hoa Kỳ’
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ cấm app TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ.
Ông nói có thể ra sắc lệnh ngay cuối tuần này.
Mỹ bày tỏ lo ngại app của công ty Trung Quốc ByteDance có thể thu thập dữ liệu của người Mỹ.
TikTok bác bỏ cáo buộc chính phủ Trung Quốc kiểm soát công ty.
Hiện có khoảng 80 triệu người dùng TikTok ở Mỹ.
Có tin nói Microsoft định mua TikTok nhưng không rõ việc này có được cho phép hay không.
App chia sẻ video ngắn TikTok đã là hiện tượng toàn cầu thời gian qua, rất được giới trẻ dưới 20 tuổi ưa chuộng.
Ấn Độ đã cấm TikTok và nhiều app Trung Quốc.
Úc cũng nói đang cân nhắc cấm TikTok, sau khi đã cấm Huawei và ZTE.
Chính giới Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng ByteDance, thông qua TikTok, có thể thu thập dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, ByteDance có app tương tự gọi là Douyin.
Công ty nói dữ liệu người dùng Mỹ được đặt ở Mỹ và server dự phòng đặt ở Singapore.
CEO của TikTok, Kevin Mayer, tuần này nói: “Chúng tôi không hề chính trị, không nhận quảng cáo chính trị, không có nghị trình che giấu.”
Cuộc chiến đất hiếm:
Mỹ tìm cách vô hiệu hóa “át chủ bài” của TQ
Mỹ tìm hướng để giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm vốn được coi là “át chủ bài” của Bắc Kinh trong mối quan hệ với các nền kinh tế lớn.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cam kết cấp ngân sách cho hai nhà máy phân tách đất hiếm trên đất Mỹ. Đây là một bước đi của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc về loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng với ngành công nghệ cao này. Tuy nhiên, việc Lầu Năm Góc phải can dự trực tiếp cho thấy thách thức không hề nhỏ trong việc tìm kiếm một nguồn cung thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng đối với việc sản xuất điện thoại thông minh, tên lửa, pin… dành cho các thiết bị điện và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Mỹ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu kim loại và hợp chất đất hiếm. Trung Quốc trong khi đó vẫn là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 80%, dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết.
Sự phụ thuộc Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự này trở thành “gót chân Asin” của Washington trong mối quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt khi mối quan hệ này leo thang căng thẳng gần đây. Để phá vỡ sự phụ thuộc này đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược hỗ trợ trực tiếp của chính phủ hay sự hỗ trợ từ các nước có chung quan điểm.
Liên kết chuỗi cung
Mỹ hiện sản xuất đất hiếm tại mỏ Mountain Pass ở California. Mỏ này chỉ mới được mở lại sau khi bị đóng cửa năm 2017. Năm ngoái, mỏ Mountain Pass sản xuất được khoảng 26.000 tấn ôxit đất hiếm ở dạng cô đặc, chiếm 12% sản lượng toàn cầu.
Thế áp đảo của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm đang bị suy yếu dần, một phần do sự trở lại của Mountain Pass, một phần do sự dịch chuyển của lĩnh vực khai thác đất hiếm gây ô nhiễm nặng từ Trung Quốc sang Myanmar. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vẫn nắm thế thượng phong về phân tách đất hiếm. Đất hiếm được khai thác tại Mountain Pass vẫn phải chuyển đến Trung Quốc để phân tách thành các hợp chất và thành phẩm sau đó mới được vận chuyển trở lại Mỹ.
MP Materials là 1 trong 3 doanh nghiệp được nhận ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chính phủ liên bang. Trong khi đó, công ty Lynas (của Australia), nhà sản xuất đất hiếm lớn duy nhất ngoài biên giới Trung Quốc, đã ký kết hợp đồng với công ty Blue Line trụ sở tại Texas (Mỹ) nhằm chuẩn bị việc mở nhà máy tại Mỹ. Hoạt động sản xuất sẽ có thể bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên, vấn đề là ôxit đất hiếm từ hai nhà máy phân tách này vẫn phải chuyển đến Trung Quốc để xử lý thêm. “Trên thực tế, những nhà máy phân tách đất hiếm loại nặng chỉ tồn tại ở Trung Quốc trong khi đất hiếm loại nặng lại vô cùng quan trọng”, giám đốc điều hành (CEO) của Lynas, bà Amanda Lacaze cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei.
Khi Mỹ tìm cách bắt kịp Trung Quốc trong chuỗi giá trị đất hiếm, họ nhận ra rằng công đoạn nào cũng có vấn đề. Mỹ hầu như không có khả năng sản xuất nam châm đất hiếm (NdFeB) vốn đóng vai trò quan trọng đối với ngành chế tạo ô tô, xe điện. Tuy nhiên, tập đoàn General Motors của Mỹ, một trong hai đơn vị nắm bản quyền chế tạo NdFeB, đã bán lại thương quyền cho Trung Quốc. Trong khi đó, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản cũng bán bản quyền còn lại cho Hitachi.
“Hầu hết nam châm đất hiếm được sản xuất tại Trung Quốc. Liệu chúng tôi có thể mở rộng thị trường ở đâu? Ở Mỹ hay châu Âu? Nhưng ở đó rất ít sản xuất nam châm. Vì vậy, nếu chúng tôi sản xuất thêm ôxit, khách hàng duy nhất là Trung Quốc”, Pol Le Roux, phó chủ tịch bộ phận kinh doanh và marketing của Lynas, cho biết. Theo ông Le Roux, để thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn thiện cần có sự hỗ trợ của chính phủ đặc biệt là khi các doanh nghiệp chế tạo ô tô có xu hướng lựa chọn sản phẩm nam châm đất hiếm giá thành thấp hơn sản xuất tại Trung Quốc thay vì của các doanh nghiệp phương Tây.
Liên minh kim loại
Cuộc chiến nhằm phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc cũng giúp Mỹ nhận ra rằng họ cần tìm kiếm đồng minh để giành lại một phần kiểm soát lĩnh vực này. “Tôi cho rằng, rõ ràng ở giai đoạn này nếu thực sự muốn thiết lập một chuỗi cung đất hiếm bên ngoài Trung Quốc, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia”, Ian Higgins, giám đốc điều hành một công ty sản xuất kim loại của Anh, nhận định.
Việc Lynas xây dựng nhà máy ở Texas (Mỹ) có khả năng phân tách cả dysprosium – một nguyên tố thiết yếu trong sản xuất pin cho thiết bị điện vốn chủ yếu do Trung Quốc sản xuất – được kỳ vọng sẽ thay đổi sân chơi đất hiếm toàn cầu.
Mỹ từ lâu nỗ lực xây dựng các mối liên kết với cả Australia và Canada về hàng loạt khoáng sản quan trọng và rõ ràng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, Mỹ cũng cần sự hỗ trợ của Nhật Bản – quốc gia cũng tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Năm 2010, sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Trung Quốc đã giảm nguồn cung đất hiếm cho Tokyo. Nhật Bản buộc phải chuyển sang nhập khẩu từ công ty Lynas. Năm 2011, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản cùng với Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản đã hỗ trợ 250 triệu USD để giúp Lynas thúc đẩy sản xuất, đổi lại Lynas cam kết ổn định nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản. Nhật Bản mất một thập niên để giảm dần phụ thuộc đất hiếm vào Trung Quốc và Mỹ cũng không phải ngoại lệ.
“Các chuỗi cung hàng tỷ USD không thể chuyển dịch một sớm một chiều, nhưng việc dịch chuyển này là cần thiết và sẽ diễn ra”, James Litinsky, Chủ tịch công ty MP Materials, nói. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ cấp ngân sách cho MP Materials và liên minh Lynas – Blue Line là một bước đi quan trọng trên chặng đường dài đó.
Sách trắng của viện chính sách Mỹ:
ĐCSTQ vừa công khai vừa ngầm ‘tẩy não’ quốc tế
Bình luậnMinh Thanh
Viện Hoover của Đại học Stanford đã xuất bản một cuốn sách trắng với tiêu đề “Kể chuyện Trung Quốc: Vận động của ĐCSTQ để đắp nặn một câu chuyện toàn cầu”. Trong đó, đã tiết lộ cách ĐCSTQ “kết nối với thế giới” đồng thời thông qua các hoạt động công khai và ngầm, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại như một phương tiện để “tẩy não” cộng đồng quốc tế, thay đổi nhận thức toàn cầu về chế độ độc tài của nó.
Tuyên truyền cả công khai và ngầm của ĐCSTQ
Sách trắng do Đài quan sát Stanford Internet (SIO) và Viện nghiên cứu Hoover phối hợp cho ra mắt. Các tác giả bao gồm Renee DiTesta – Giám đốc nghiên cứu kỹ thuật của SIO và John Pomfret – Cựu chủ tịch của Văn phòng báo Washington Post tại Bắc Kinh, cùng 5 người khác.
Sách trắng đề cập rằng trong những năm gần đây, các hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng như vậy do chính phủ Trung Quốc tài trợ mặc dù nhắm vào truyền thông xã hội, nhưng cho thấy sự bao phủ toàn diện từ truyền thông truyền thống đến truyền thông xã hội.
Sách trắng nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dựa vào một loạt các bộ máy tuyên truyền để mở rộng lũng đoạn quyền lực trong nước và đòi nắm vị thế lãnh đạo toàn cầu. Ảnh hưởng này kéo dài vượt qua cả truyền thông in ấn và truyền thông truyền hình, và nó đã lợi dụng kinh nghiệm vận hành thông tin từ gần một thế kỷ…”.
Sách trắng cũng tuyên bố rằng bộ máy tuyên truyền công khai của ĐCSTQ rất mạnh, vươn ra thao túng cả trong nước lẫn nước ngoài. Hai trụ cột của nó là Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Công tác Mặt trận Thống nhất, điều phối và quản lý các nhóm có ảnh hưởng bên ngoài đảng.
Một học giả thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Hoover và là nhà sử học Trung Quốc hiện đại, ông Glenn Tiffer cho biết: “Các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Iran có khả năng thực hiện một cuộc tấn công thông tin toàn diện thông qua truyền thông, thường đan xen hoạt động trên truyền thông xã hội với truyền thông truyền thống”.
Tiến sĩ Hàn Liên Triều (Han Lianchao), cựu thỉnh giảng nghiên cứu tại Học viện Hudson, Mỹ, nói với VOA rằng cộng đồng quốc tế cuối cùng mới giật mình giải mã được thủ đoạn tuyên truyền của ĐCSTQ. Ông nói: “Trước đây, người phương Tây không rõ lắm về ý đồ của ĐCSTQ. Những năm gần đây, ĐCSTQ đã đẩy mạnh việc mở rộng toàn cầu và tăng cường đàn áp trong nước, cộng thêm với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’, Mỹ và các nước phương Tây cuối cùng mới nhìn ra bản chất đối địch của Trung Quốc”.
Nghiên cứu của Sách trắng cho thấy hầu hết các kênh truyền thông như Tân Hoa Xã, CCTV, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Toàn cầu, China Daily và China.com đều có tài khoản công khai trên Twitter, Facebook, YouTube và Instagram. Số lượng người theo dõi dao động từ ít nhất hàng chục nghìn đến nhiều nhất tới hàng trăm triệu. Các trang mạng xã hội này đều bị chặn ở Trung Quốc. Nói tóm lại, đối với hoạt động công khai, tuyên truyền của ĐCSTQ là để nhắc lại các quan điểm của ĐCSTQ và chi rất nhiều tiền để quảng bá các quan điểm này đến khán giả quốc tế. Tại hoạt động ngầm, họ trả lương cho lượng lớn “đội quân” thông qua video và bình luận để bày tỏ sự cho các quan điểm của ĐCSTQ. Cả hai ‘kẻ xướng người họa’, đầu độc quốc tế trong môi trường truyền thông tự do.
Kinh nghiệm phong phú trong “tẩy não quốc tế ” và kịch bản thành thục để cải biến dư luận
Theo Sách trắng, ĐCSTQ đã hoàn thiện các kỹ năng tuyên truyền “đổi trắng thay đen” cực kỳ thành thục, có thể thông qua các đặc vụ ở nước ngoài cải tạo “phong thủy” của dư luận và quốc tế.
Thời kỳ nổi tiếng diễn ra trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1952, ĐCSTQ tuyên bố rằng sự bùng phát của bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh tả và viêm não ở các vùng của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là do người Mỹ phát động chiến tranh sinh học.
Do đó, ĐCSTQ và phe xã hội chủ nghĩa tiến hành xây dựng dư luận xã hội trên trường quốc tế. Họ công bố “lời thú tội” của tội phạm chiến tranh, trích dẫn những người nước ngoài đến thăm cái gọi là triển lãm tội ác chiến tranh ở Trung Quốc, và thành lập một cơ sở hoạt động ở Prague, phát triển một nhóm các nhà hoạt động cánh tả và chống chiến tranh phương Tây. Những người này ở phương Tây đóng vai trò nâng cao danh tiếng của ĐCSTQ.
Mặc dù Hoa Kỳ quả quyết phủ nhận các cáo buộc của ĐCSTQ, nhưng nhiều người nước ngoài vẫn tin vào các tuyên bố của ĐCSTQ. Ông John Powell, một nhà báo người Mỹ ở Trung Quốc vào thời điểm đó, nói: “Sự tàn bạo của Hoa Kỳ còn hơn cả Hitler của Đức và Hoàng đế Showa của Nhật Bản… khiến cả thế giới sợ hãi”.
Giám mục của Canterbury, Hewlett Johnson, người sau này có biệt danh là “Giám mục đỏ”, cũng tin vào điều này, yêu cầu tổng giám mục và tất cả người dân Anh tin vào ĐCSTQ. Người đoạt giải Nobel về hóa học Jean Frederick Juliot-Curie và nhà hóa sinh của Đại học Cambridge - Joseph Needham đều là những người ủng hộ tuyên bố của ĐCSTQ.
Joseph Needham, người nói tiếng được Trung Quốc, đã được Liên Xô cũ mời sang Trung Quốc cùng với 6 nhà khoa học tả khuynh khác đến từ các nước phương Tây. Dù chưa có bất kỳ cuộc điều tra khoa học nào, Needham đã một mực phản đối việc cho rằng các thuyết pháp của ĐCSTQ có thể là sai, và đã đưa ra một báo cáo cuối cùng. Đồng thời, ĐCSTQ không đồng ý cho phép Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Hội Chữ thập đỏ Quốc tế điều tra và xác minh, cho rằng cả hai tổ chức đều có thành kiến với ĐCSTQ.
Sách trắng nói rằng trên thực tế, Mao đã từng so sánh Cục Công tác Mặt trận Thống nhất với một trong ba “thần khí” cho phép ông ta nắm quyền lực, theo kịp Quân đội Giải phóng Nhân dân và ĐCSTQ.
Ở trong nước kiểm soát nghe nhìn, ở hải ngoại ra sức lên giọng
Ông Pomfret, cựu Chánh văn phòng Bắc Kinh của The Washington Post, nói rằng vào cuối những năm 1990, truyền thông truyền thống Trung Quốc đã trải qua một “thời đại hoàng kim”. Họ dám xuất bản những bài báo tiết lộ sự thật, như về AIDS, về bạo lực của cảnh sát, về tham nhũng, v.v.
Ông Pomfret nói rằng thời kỳ hoàng kim này đã kết thúc vào những năm 2000. ĐCSTQ đã bắt đầu tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông, thay thế nhiều nhà biên tập và lãnh đạo truyền thông. Theo lời của ĐCSTQ, đó là tiến hành “hài hòa” các kênh truyền thông, chuyển hướng sang tìm kiếm lợi ích của ĐCSTQ và phản ánh hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, ông bắt đầu biến đổi hoàn toàn phương tiện truyền thông thành công cụ phục vụ cho đảng.
Năm 2012, sau khi New York Times và Bloomberg News đưa tin về câu chuyện gia tộc giàu có ở nước ngoài của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình, truyền thông trong nước bắt đầu bước vào thời kỳ tăm tối hoàn toàn. Ông Tập trực tiếp đẩy mạnh truyền thông vì đảng phục vụ, để “kể câu chuyện tốt về Trung Quốc”.
Ông Pomfret chỉ ra rằng trong khi kiểm soát các kênh truyền thông ở trong nước, ĐCSTQ đã chi hàng tỷ USD để xây dựng một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho truyền thông đảng ở nước ngoài. Hiện tại, Tân Hoa Xã là cơ quan thông tấn lớn nhất thế giới. Nó có 7 văn phòng tại Hoa Kỳ. Thành phố nào có đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, ở đó sẽ có văn phòng Tân Hoa Xã. Điều này cho thấy truyền thông đảng ở nước ngoài và ĐCSTQ có mối quan hệ hợp tác ‘cùng tiến cùng lùi’ với nhau. Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) có mặt khắp nơi trên thế giới, trụ sở ở nước ngoài của nó nằm ở Washington, thủ đô của Hoa Kỳ. Nhân dân Nhật báo được kẹp vào Washington Post và truyền đến độc giả Mỹ với mức giá lên tới 250.000 USD.
Ông Pomfret nói, hãy nhìn vào truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài. Ba mươi năm trước, các kênh truyền thông tiếng Hoa địa phương ở Hoa Kỳ, Úc và các nơi khác có quan điểm riêng của họ. Tuy nhiên, bây giờ, thông qua đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, ĐCSTQ về cơ bản đã làm “hài hòa” các kênh truyền thông này, và tiếng nói thân Cộng đã chiếm vị trí chủ đạo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có nhiều hành động, như thiết lập kênh truyền thông ở Hoa Kỳ, cung cấp viện trợ tài chính, cũng giúp đào tạo các nhà báo, cho phép các kênh truyền thông này sử dụng các dịch vụ tin tức từ Trung Quốc, cung cấp cho họ tin tức từ Bắc Kinh, gồm cả các phiên bản quốc tế của thông tin thống nhất từ Bắc Kinh, v.v.
Về điểm này, VOA cũng cảm thấy rõ ràng thực tế rằng tiếng nói tự do của người Hoa ở nước ngoài chịu sự uy hiếp. Một số chuyên gia Trung Quốc đã định cư tại Hoa Kỳ trong nhiều năm đã từng nói với các phóng viên VOA rằng họ “không dám” chấp nhận các cuộc phỏng vấn với VOA.
Hong Kong – Đài Loan – virus Corona Vũ Hán, ĐCSTQ đều dùng cách giá họa
Một trong những tác giả của Sách trắng, bà Renee DiTesta, nói rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Đài Loan, ĐCSTQ cũng đồng thời sử dụng tuyên truyền công khai và bí mật làm giả. Nhiều nội dung trong tuyên truyền truyền thông truyền thống có thể được truy nguồn gốc từ tin tức bịa đặt ở Đại Lục, các kênh YouTube đáng ngờ, tài khoản Twitter giả mạo, v.v.
Bà DiTesta nói rằng cấp độ công khai thì sử dụng bài phát biểu thống nhất với Bắc Kinh hoặc ngôn luận hữu hảo để giúp Han Kuo-yu (Hàn Quốc Du, một chính trị gia người Đài Loan thân Bắc Kinh). Thủ đoạn bí mật là gây lẫn lộn cho độc giả thông qua các tài khoản giả trên các trang mạng xã hội như YouTube và Twitter. Vương Lập Cường (Wang Liqiang), người từng tuyên bố là gián điệp của ĐCSTQ,
nói rằng trong cuộc bầu cử Đài Loan 2018, ông được lệnh mở 200.000 tài khoản mạng xã hội để phá hoại cuộc bầu cử. Ông cũng tiết lộ rằng ông đã chi 1,5 tỷ nhân dân tệ cho một số truyền thông ở Đài Loan để giúp Han Kuo-yu bầu cử. Sau khi Han Kuo-yu được bầu làm thị trưởng, ông lập tức lên kế hoạch tham gia cuộc bầu cử tổng thống vì ông là lãnh đạo Đài Loan theo ý của Bắc Kinh. Sau khi vụ việc gián điệp bị phơi bày, truyền thông ủng hộ Quốc dân đảng và truyền thông ủng hộ Bắc Kinh của Đài Loan đều giữ nguyên theo giọng điệu của Bắc Kinh, công kích tuyên bố của Vương Lập Cường, thậm chí đã xuất bản một bài báo có câu từ tương tự bài xã luận ở China Daily.
Finacial Times của Anh đưa tin rằng China Times (Thời báo Trung Quốc) đã nhận lệnh biên tập bài từ văn phòng Đài Loan ở đại lục. China Times thậm chí còn tuyên bố rằng Văn phòng ĐCSTQ Đài Loan đã xác nhận rằng câu chuyện gián điệp Vương Lập Cường là một trò lừa đảo của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến của bà. Bà Ditesta nói rằng nghiên cứu cho thấy việc phổ biến tin tức trực tiếp từ truyền thông ĐCSTQ tới độc giả ở Đài Loan là rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu nó được chuyển qua truyền thông Đài Loan như China Times, thì việc lan tỏa có thể tăng hàng chục đến hàng trăm lần.
Sách trắng nói rằng trong các cuộc biểu tình kéo dài hơn một năm ở Hong Kong, ĐCSTQ cũng vận dụng phương cách thành thục này. Bằng cách dùng các kênh truyền thông xã hội ở nước ngoài, nó đã tạo ra một lượng lớn tin tức giả bêu xấu người biểu tình. Vào tháng 8/2019, lần đầu tiên, các công ty công nghệ bao gồm Facebook, Twitter và YouTube đã phát hiện hàng loạt tài khoản zombie và nội dung liên quan có nguồn gốc là từ ĐCSTQ.
Sách trắng nói rằng những tin đồn lan truyền gây hoang mang cho công chúng như một chiến lược tuyên truyền chung đã được Liên Xô và ĐCSTQ cố gắng lặp đi lặp lại. Đầu những năm 1980, Liên Xô cũ đã phát động “Chiến dịch Denver”. Đây là một phong trào vận động toàn cầu sử dụng các mạng lưới tuyên truyền màu xám và các nhà khoa học có ảnh hưởng để truyền bá tin tức giả rằng virus HIV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của chính phủ Hoa Kỳ tại Fort Detrick, Maryland. Trong vòng vài tháng đến nhiều năm, thuyết âm mưu này đã lan rộng khắp các quốc gia được nhắm tới. Thực tế là Fort Detrick đã thực hiện chương trình vũ khí sinh học của Mỹ từ năm 1943 đến 1969, vì vậy có căn cứ củng cố cho câu chuyện này. Vào tháng 3/2020, Fort Detrick một lần nữa trở thành mục tiêu, lần này liên quan đến virus Corona Vũ Hán. Virus này lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và phát triển thành đại dịch toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ một viện nghiên cứu virus học ở Vũ Hán. Truyền thông Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã chế tạo virus ở Fort Detrick và mang nó đến Vũ Hán. Trận chiến đổ lỗi này đã được phát động thông qua các kênh truyền thông chính thức, video trên YouTube và tài khoản Twitter của các chính trị gia. Tin tức lan truyền khắp thế giới chỉ trong vài ngày.
Thế lực khổng lồ của ĐCSTQ ở hải ngoại, có khi một người cũng có thể là Ban Tuyên giáo Trung ương
Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), từng là học giả thỉnh giảng tại Viện Hoover của Đại học Stanford trong một năm, nói với VOA: “Trong các tổ chức như Viện Hoover, ĐCSTQ cũng có hợp tác cố định. Mỗi năm hỗ trợ tài chính cho Hoover, chuyển tới đây một số quan chức Trung Quốc, bao gồm hai hoặc ba người từ Bộ Ngoại giao, và những người từ Bộ Thương mại. Những người này đến với tư cách là các học giả tới thăm, nhưng không làm nghiên cứu. Vào các hoạt động giao lưu học thuật và diễn giảng quan trọng của Viện, hiếm khi nhìn thấy họ. Tuy nhiên, họ thực sự làm việc trong khu vực đó và tiếp xúc với các học giả từ nơi khác. Nhiệm vụ của họ là gì? Tôi không biết”.
Ông Hạ nói rằng ở các nước phương Tây, các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, còn có rất nhiều các Viện nghiên cứu Đông Á và Trung tâm nghiên cứu Đông Á ở nhiều trường đại học, phần lớn các nhà nghiên cứu là những người cánh tả và đồng tình với với chủ nghĩa cộng sản.
Fairbank của Đại học Harvard là một trong những người đồng tình và ủng hộ như thế. Mãi đến khi xảy ra vụ thảm sát Lục Tứ năm 1989, ông mới tỉnh ngộ và thay đổi quan điểm. Tất cả họ đều đóng vai trò thân cộng sản. Không thể lên án họ về mặt đạo đức, bởi vì lúc đó họ có lý tưởng, hy vọng thông qua tiếp xúc sẽ thay đổi suy nghĩ của ĐCSTQ. Nhưng thời gian trôi qua, nó trở thành một câu hỏi rằng ai đang đồng hóa ai.
Ông Hạ chỉ ra rằng bao gồm cả Giáo sư Fukuyama, số tiền tài trợ nghiên cứu lớn nhất nhận được cũng là từ ĐCSTQ, nhưng nó được công khai là từ một doanh nhân ở nước ngoài tên Eric Li. Eric được biết đến như một nhà đầu tư mạo hiểm, nhưng thực tế, như chính ông nói, “bạn không cần phải làm việc để giàu có”. Năm 1986, Eric học tại Đại học California tại Berkeley bằng chi phí của mình và lấy bằng cử nhân kinh tế, và sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford. Ông là bạn học với Mao Đạo Lâm (Mao Daolin), con rể của Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Chính ông là người đã thành lập một số trang web diễn đàn cánh tả. Chính ông cũng đã chi tiền để quảng bá ĐCSTQ, được Tập Cận Bình
đánh giá cao. Ông là tác giả nhiều bài báo trên New York Times, South China Morning Post, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) và nhiều tờ báo khác.
Ông Hạ nói: “Về cơ bản, Eric đồng ý rằng chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cộng sản có tính hiệu quả và phù hợp hơn cho thế giới tương lai. Ông ấy cho rằng chủ nghĩa cộng sản và dân chủ bầu cử đều dựa trên “tường thuật” các giá trị phổ quát… Đôi khi, chỉ mình ông ấy đã gánh vác vai trò của cả một Ban Tuyên giáo Trung ương”.
Minh Thanh
Theo NTDTV
Nhận diện “điểm nóng mới”
trong xung đột Mỹ-TQ ở châu Á
Trong bài viết mới đây trên SCMP, chuyên gia Michael Vatikiotis nhận định rằng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang định hình lại bàn cờ địa chính trị ở châu Á, làm dấy lên nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa hai cường quốc.
Từ Biển Đông đến Mekong
Ở Biển Đông, Mỹ đang thúc giục các nước Đông Nam Á cùng các đồng minh trong khu vực kháng cự mạnh mẽ hơn với yêu sách hàng hải của Trung Quốc và có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ các quốc gia này. Trong năm 2020, Hải quân Mỹ đã thực hiện 6 cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực, với sự góp mặt của các tàu khu trục có tên lửa hành trình và tàu sân bay hạt nhân.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bác bỏ các yêu sách trên biển của Trung Quốc vì “đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Theo nhiều chuyên gia về quốc phòng, tuyên bố này có thể dẫn đến các động thái quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực.
Theo chuyên gia Michael, Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng chủ động gây xung đột, tuy nhiên hai bên đều lo ngại nguy cơ xảy ra những tình huống không thể lường trước, chẳng hạn như một vụ va chạm tình cờ trên biển. Với việc hệ thống liên lạc giữa giới quân sự Mỹ và Trung Quốc rất hiếm khi được sử dụng, các chuyên gia lo ngại, trong trường hợp một vụ va chạm xảy ra, căng thẳng sẽ leo thang nhanh chóng và có thể biến thành một cuộc xung đột không thể tránh khỏi.
Kể cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm được cách tránh xung đột trực tiếp trên Biển Đông, nhiều dấu hiệu cho thấy, hai quốc gia này sẽ thúc đẩy các cuộc “xung đột ủy nhiệm” trong khu vực. Xu hướng này đang diễn ra trong cả những lĩnh vực vốn không có xung đột, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Bên cạnh đó, một điểm nóng đang nổi lên là sông Mekong – con sông dài thứ 7 châu Á và cung cấp nước cho nhiều vựa lúa lớn của khu vực với hơn 100 triệu dân. Năm 2015, Trung Quốc thành lập Diễn đàn Hợp tác Mekong – Lan Thương và sử dụng các khoản viện trợ, đầu tư và biện pháp ngoại giao để kéo các nước trong khu vực vào các dự án phát triển chung.
Trong khi đó, Mỹ khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI) với sự tham gia của cả Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam từ năm 2009. Sáng kiến này sử dụng các nguồn vốn từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đào tạo kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước trong khu vực. Trong thời gian gần đây, Mỹ đã tăng cường sự ủng hộ với LMI và kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Những “chiến địa” mới
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang, Đại sứ quán của hai quốc gia trong khu vực trở thành “tiền đồn” của những tranh cãi. Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar, Thái Lan và Campuchia đã gọi các dự án hợp tác và đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa với chủ quyền quốc gia.
Theo đó, Đại sứ quán Mỹ ở Yangon tuyên bố các dự án của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và đặc khu kinh tế ở Myanmar “ngập trong nợ” và “có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn người dân Myanmar”. Đại sứ quán Trung Quốc đáp trả rằng, Washington đang dùng các biện pháp “ghê tởm” để kiềm chế Bắc Kinh.
Có những nghi ngờ rằng, Trung Quốc đang viện trợ vũ khí và tài chính cho các nhóm phiến quân ở Ấn Độ và Myanmar. Mặc dù Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc này, song cuối tháng 6 vừa qua, một lô vũ khí có nguồn gốc Trung Quốc đã bị giữ lại ở biên giới Thái Lan – Myanmar. Trong khi đó,
theo truyền thông Ấn Độ, một số nhóm phiến quân ở Đông Bắc Ấn Độ đang tiếp cận Trung Quốc trong bối cảnh cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới Ấn – Trung vừa nổ ra không lâu.
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc còn được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, với việc Mỹ đang gây sức ép, yêu cầu nhiều quốc gia từ chối các khoản đầu tư và công nghệ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lớn khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm các dự án đầu tư sau đại dịch Covid-19.
Tháo ngòi nổ xung đột?
Thời gian tới, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều Chính phủ đã phải chịu tác động do dịch Covid-19. Các quốc gia trong khu vực có thể góp phần ngăn chặn xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách chống lại những áp lực buộc họ phải chọn phe trong tranh chấp, cũng như tạo ra một cơ chế cân bằng có hiệu quả giữa hai cường quốc.
Cựu ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã kêu gọi ASEAN trở thành trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Kế hoạch này sẽ khả thi nếu các cường quốc tầm trung như Canada, Australia hay Nhật Bản cùng tham gia vào nỗ lực kéo Mỹ và Trung Quốc vào một diễn đàn đa phương nhằm ngăn chặn đà leo thang xung đột. Tuy vậy, dự án này khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Hoa Kỳ trừng phạt thêm 2 quan chức Trung Quốc
vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương
Bình luậnNguyễn Minh
Hoa Kỳ mới đây trừng phạt thêm 2 quan chức Trung Quốc và một tổ chức thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do các cá nhân và tổ chức này có các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngày 31/7, Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố trừng phạt Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) – một lực lượng bán quân sự khu vực thuộc ĐCSTQ, và các cựu quan chức cũng như đương nhiệm của XPCC.
Đầu tháng Bảy, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt với 4 quan chức ĐCSTQ, trong đó có ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) là thành viên thuộc Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ, vì đã tham gia vào cuộc đàn áp ở Tân Cương.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Những người sống sót trong các trại này cho biết, họ đã bị tra tấn, hãm hiếp và bị cưỡng ép nghe tuyên truyền chính trị trong thời gian bị giam giữ. Người dân ở Tân Cương cũng bị giám sát, kiểm soát và thu thập dữ liệu với một hệ thống mạng lưới camera an ninh gắn AI.
Quân đoàn XPCC, ông Tôn Kim Long (Sun Jinlong) – cựu Bí thư Đảng ủy XPCC, và ông Peng Jiarui – Phó Bí thư Đảng ủy XPCC đã bị xử phạt theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu. Điều luật liên bang này cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, bằng việc đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và cấm người Mỹ giao thương với họ.
Đồng thời, ông Tôn và ông Peng sẽ không thể đến Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết: “Hoa Kỳ cam kết sử dụng toàn bộ quyền hạn tài chính của mình để buộc những kẻ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và trên toàn thế giới phải chịu trách nhiệm”.
Ông Trần là Bí thư Đảng ủy khu vực Tân Cương, đồng thời là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của XPCC đã bị xử phạt hồi đầu tháng Bảy.
Ông Trần đã áp đặt chương trình giám sát, giam giữ và tuyên truyền toàn diện ở Tân Cương, nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số khác. XPCC đã trực tiếp tham gia vào việc thực hiện các biện pháp này, ông Pompeo cho biết.
“XPCC tăng cường kiểm soát nội bộ đối với khu vực Tân Cương bằng cách thúc đẩy tầm nhìn phát triển kinh tế của Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc kế hoạch hóa và khai thác tài nguyên”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.
“Cấu trúc của XPCC cho thấy đó là một tổ chức quân sự, với 14 sư đoàn và hàng chục trung đoàn”.
Trước đây, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã liệt 37 công ty Trung Quốc và các tổ chức chính phủ nước này vào danh sách đen thương mại do liên quan đến các vi phạm nhân quyền và giám sát người dân tại Tân Cương.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Wisconsin là bang mới nhất của Mỹ
bắt buộc đeo khẩu trang
Wisconsin là bang mới nhất của Mỹ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn bang trong bối cảnh các ca nhiễm virus corona ở Mỹ tiếp tục gia tăng và tranh cãi chính trị xung quanh việc đeo khẩu trang vẫn kéo dài.
Tính đến nay có 33 trong tổng số 50 bang của Mỹ đã có lệnh bắt buộc người dân phải che mặt ở nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh Covid-19 vốn cướp đi sinh mạng của trên 150.000 người ở Mỹ. Địa khu Columbia (thủ đô Washington) và lãnh thổ Puerto Rico cũng đã ra quy định này.
Thống đốc Wisconsin, Tony Evers, ngày thứ Năm ra lệnh cho tất cả cư dân ở bang thuộc vùng Trung tây này đeo khẩu trang ở những nơi công cộng có không gian kín. Lệnh có hiệu lực từ ngày 1/8 cho đến cuối tháng 9.
Bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt 200 đôla, AP đưa tin.
“Virus này không quan tâm tới bất cứ thành thị hay ranh giới quận hạt và chúng ta cần có một phương sách với quy mô toàn bang để đưa Wisconsin trở lại đúng hướng,” ông Evers nói.
Ông đưa ra quyết định này trong cùng ngày Wisconsin chứng kiến hơn 1.000 ca nhiễm mới – tiếp tục xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây, theo báo Milwaukee Journal Sentinel.
Cùng với quy định mới về việc đeo khẩu trang, ông Evers tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới về y tế cộng đồng Wisconsin liên quan tới các ca nhiễm đang leo thang.
Chỉ thị của ông Evers, một người theo Đảng Dân chủ, vấp phải sự chống đối của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vốn chiếm thế đa số trong các cơ quan lập pháp cấp bang. Họ lập luận rằng quy định đó sẽ khơi ra những vấn đề hiến pháp mà có phần chắc sẽ đưa tới những thách thức pháp lý.
“Khẩu trang không có vấn đề gì, nhưng chúng ta không cần sắc lệnh toàn bang bắt buộc chúng ta phải chấp hành. Nhiều người vẫn đang đeo khẩu trang đấy thôi,” Scott Fitzgerald, Lãnh đạo Khối Đa số Cộng hòa ở Thượng viện Wisconsin, nói.
Anh Nguyễn, một cư dân ở thành phố Franklin ngay sát đô thị lớn Milwaukee, cho biết ông ủng hộ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vừa được thống đốc ban hành vì cần thiết trong bối cảnh nghiêm trọng của dịch bệnh.
“Mình cũng coi tin tức ở Việt Nam, ở thế giới, ngày nào cũng cập nhật tin tức nên lo chứ. Lo nhất là cho cơ sở kinh doanh của mình. Bây giờ càng ngày [tình hình] càng như vậy, đóng cửa nữa thì mình chỉ có nước dẹp tiệm thôi,” ông nói.
Ông Anh, người sở hữu một tiệm làm móng ở trung tâm Milwaukee, cho biết tiệm của ông có quy định là khách bước vào phải đeo khẩu trang mới được phục vụ. Ông nói hầu hết khách hàng đều chấp hành ngoại trừ một số ít không muốn bị bắt buộc, và những người này rời đi ngay sau khi được giải thích quy định.
Ông nhận định nhiều cư dân có thái độ “chủ quan” trước sự lây lan của dịch bệnh.
“Tôi ngồi ở tiệm thấy ngoài đường họ không có đeo khẩu trang. Vô tiệm của tôi vì bắt buộc nên họ mới mang chứ ra khỏi tiệm là họ không mang nữa. Đặc biệt ở đây là khu trung tâm nữa nên người rất là gần nhau.”
Nhiều thành phố và quận hạt trên khắp Wisconsin trước đó đã ban hành các quy định đeo khẩu trang, bao gồm các quận Milwaukee và Dane, Green Bay, Racine, Superior và Whitwater. Thống đốc không ngăn cản các chính quyền địa phương ban hành các quy định thậm chí nghiêm ngặt hơn.
Wisconsin có hơn 52.000 ca nhiễm COVID và 919 người chết vì căn bệnh này kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo AP. Con số tử vong này cao thứ 28 trong cả nước và cao thứ 35 tính theo đầu người, với gần 16 người chết trên 100.000 người. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày đã tăng lên 90 ca, hơn 11%.
Dù vẫn tập trung nhiều nhất ở khu vực thành thị, virus đang lan sang nhiều quận nông thôn mà phần nhiều trước đó đã tránh được căn bệnh này.
New York
‘trở lại cuộc sống bình thường trong cảnh giác’
Sau thời gian bị dịch COVID hoành hành dữ dội, cuộc sống tại New York, Hoa Kỳ, ‘đã trở lại gần như bình thường’ nhưng người dân vẫn cảnh giác cao độ, tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, một số cư dân gốc Việt địa phương cho VOA biết.
Từng là tâm dịch ở Mỹ trong giai đoạn đầu với số người nhiễm và số tử vong cao nhất, tình hình dịch bệnh ở bang New York hiện bình ổn và đi xuống trong khi COVID đang bùng phát mạnh mẽ ở những tiểu bang khác.
Với 415.000 ca nhiễm và gần 32.700 ca tử vong, theo thống kê của Đại học John Hopkins, New York hiện đứng thứ tư toàn quốc về số ca nhiễm – tức là đã bị các bang California, Florida và Texas vượt qua.
‘Vẫn còn lo ngại’
Anh Đinh Trần Tuấn, cư dân New York, cho VOA biết hiện giờ ‘tất cả ngành nghề ở New York đã trở lại hoạt động bình thường’. Tuy nhiên, những ngành không cần sự có mặt trực tiếp ở sở làm như công nghệ thông tin đều cho nhân viên tiếp tục làm việc ở nhà.
Anh cho biết, cuộc sống ‘bình thường mới’ ở New York bây giờ là ‘hạn chế tập trung đông người vào một chỗ, giữ khoảng cách an toàn 6 feet (2 mét) và bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng’.
“Người dân New York vẫn còn rất cảnh giác cao độ,” anh cho biết. “Họ đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, cho dù là đi chợ, vào nhà băng hay vào các công sở.”
Nhiều nhà hàng đã cho phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng không được phục vụ hết công suất; các trường học đang tính cho học sinh đi học lại bình thường một phần dù các hoạt động thể thao thì cấm hoàn toàn ‘vì sợ phụ huynh đến xem và cổ vũ cho con em,’ anh cho biết thêm.
“Tôi vẫn còn rất lo ngại vì chỉ cần 1, 2 người bị bệnh, bị lây từ nguồn nào đó thì mình có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhất là những tiểu bang có số lượng người bị rất là cao,” anh nói.
Mặc dù công việc không bị ảnh hưởng trong mùa dịch, thậm chí còn bận rộn hơn khi công ty anh chuyển sang sản xuất nước sát khuẩn, nhưng anh Tuấn nói dịch bệnh đã làm đảo lộn phần nào cuộc sống của anh.
“Mùa hè này tôi không thể đưa các con đi chơi được. Tụi nói chỉ có quanh quẩn ở trong nhà,” anh nói và cho biết anh đã cho tạm ngưng hoạt động của một gia đình Phật tử gốc Việt mà anh là huynh trưởng ‘vì lo ngại sức khoẻ cho các cô bác lớn tuổi’.
Cư dân lâu năm của New York này hoan nghênh việc tiểu bang lập danh sách gần 30 bang mà người dân New York đến đó trở về hay người dân từ các bang đó qua New York đều phải cách ly 14 ngày, đồng thời tán dương việc New York là ‘một trong những bang đầu tiên bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang’ trong khi những bang bị dịch nặng khác vẫn còn đang tranh cãi về chuyện đó.
‘Suy nghĩ thay đổi’
Bà Thanh, một thợ cắt, uốn tóc ở New York, nói với VOA từ giờ đến cuối năm bà và gia đình không đi chơi xa vì ‘biết là không thể đi hay không dám đi’.
Theo quan sát của bà Thanh, người dân New York ‘không hề lơi lỏng trong các biện pháp phòng ngừa.’
Riêng tiệm của bà ‘tuân thủ rất kỹ tất cả những yêu cầu phòng dịch của chính quyền’ như ‘đi khám sức khoẻ, đi xét nghiệm, hạn chế số lượng khách, lau chùi kỹ lưỡng và bắt buộc khách phải đeo khẩu trang mới được phục vụ,’ bà chia sẻ.
“Khách hàng nào trùm càng nhiều, tôi càng thích,” bà nói thêm và cho biết các khách hàng vô tiệm của bà đều phải để lại tên tuổi, thông tin liên lạc theo yêu cầu của chính quyền.
Sau mấy tháng ‘cố thủ trong nhà’ lúc dịch ở đỉnh điểm, giờ đây bà Thanh ‘không còn căng thẳng như trước.’
“Mình biết cách làm sao để bảo vệ cho mình, cho khách, cho con cái, cho gia đình đàng hoàng hết rồi thì mình không sợ gì hết nữa.”
Bà Thanh nói sẵn sàng cho con cái đến trường trở lại nếu nhà trường yêu cầu vì trường lớp có chuẩn bị và hướng dẫn rõ ràng, kỹ lưỡng. “Nếu con người ta đi được, thì con mình đi được,” bà bày tỏ.
Cuộc sống ở New York đang dần hồi phục, nhưng theo cư dân này, ‘sẽ không thể nào giống lúc trước’.
“Vẫn có xe chạy, cửa tiệm, cửa hàng vẫn mở nhưng không còn ào ào, rần rần như hồi xưa.”
Bà Thanh nói dịch bệnh đã khiến bà ‘thay đổi cách suy nghĩ’.
“Hồi xưa làm việc suốt 6 ngày một tuần để mong kiếm được nhiều tiền. Bây giờ hổng biết sống nay chết mai, nên cứ vui vẻ mà sống, cứ làm tàng tàng để có tiền trả hóa đơn chút đỉnh thôi, chứ không mong làm giàu được nữa. Để chừng nào qua dịch rồi làm lại,” bà giãi bày.
Florida: Tử vong vì COVID tiếp tục tăng kỷ lục
Bang Florida, một trong những điểm nóng COVID tại Mỹ, ngày 31/7 báo cáo thêm một kỷ lục mới về số tử vong do COVID.
Florida ghi nhận thêm 257 ca tử vong, số tăng kỷ lục trong bốn ngày liên tiếp dù có dự báo tâm dịch tại Mỹ sẽ chuyển sang vùng trung tây.
Có thêm 9.007 người nhiễm COVID trong bang Florida, nâng tổng ca nhiễm tại đây lên trên 470.000, đứng hàng thứ nhì tại Mỹ, sau bang California.
Florida nằm trong số ít nhất 18 bang có số ca nhiễm tăng hơn gấp đôi trong tháng 7, trong lúc gần 25.000 người Mỹ đã qua đời vì COVID.
Trên toàn quốc, số ca tử vong vì COVID đang tăng với nhịp độ nhanh nhất kể từ đầu tháng 6 tới nay. Trong ngày 29/7, hôm ghi nhận số ca tử vong tăng cao nhất trong tháng này, cứ chừng một phút có một người Mỹ chết vì COVID.
Mỹ cam kết hơn 2 tỷ USD
cho Sanofi và GSK tạo vắc-xin chống Covid
Chính phủ của Tổng Thống Trump sẽ cung cấp tới 2,1 tỷ USD cho hai đối tác Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) để phát triển vắc-xin Covid-19. Đây là ngân khoản đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ tính cho tới bây giờ để đốt giai đoạn hầu nhanh chóng tạo ra vắc-xin, và tồn trữ một kho vắc-xin lớn.
Nằm trong khuôn khổ Chiến dịch ‘Warp Speed’, ngân khoản này sẽ hỗ trợ các cuộc thử nghiệm lâm sàng và cả giai đoạn bào chế thuốc, bảo đảm Hoa Kỳ được dành riêng 100 triệu liều vắc-xin, nếu dự án thành công, hai công ty vừa nêu tên cho biết hôm 31/7.
Ngoài ra, Hoa Kỳ có giải pháp chọn nhận thêm 500 liều vắc-xin phụ trội trong lâu dài.
Với tin này, cổ phần Glaxo lập tức tăng 1,6% trên thị trường London trong khi cổ phần của công ty Sanofi tăng 1,4% trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán Paris hôm nay.
Các bên đã đạt được thỏa thuận này sau khi Hoa Kỳ tung ra nhiều tỷ đôla cho các dự án phát triển vắc-xin khác, trong số này, chưa có vắc-xin nào tỏ ra hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm.
Nhưng cùng lúc, thỏa thuận này cũng làm dấy lên lo ngại rằng một số nước không đủ phương tiện và nghèo hơn sẽ bị bỏ lại sau lưng.
Đài CNBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ Alex Azar nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng tất cả các khoản đầu tư của Mỹ vào nhiều vắc-xin khác nhau sẽ tăng cơ may cho nhân dân Hoa Kỳ tiếp cận được các vắc-xin hữu hiệu mà an toàn, ông bày tỏ tin tưởng rằng “Hoa Kỳ sẽ có ít nhất là một vắc-xin hữu hiệu chống Covid-19 sớm sủa, có thể trước cuối năm nay”.
Trong bối cảnh hiện nay, vắc-xin được coi là thiết yếu khả dĩ có thể đưa thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của khoảng 675.000 người chỉ nội trong vài tháng.
Covid-19: Dịch bệnh lan mạnh tại Mỹ,
nhưng xét nghiệm rất thiếu
Mai Vân
Với hơn 1.400 ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ, hôm qua 31/07/2020 là ngày thứ tư liên tiếp mà nước Mỹ bị hơn 1.200 người chết trong một ngày. Số trường hợp nhiễm virus corona chủng mới cũng vẫn ở mức cao, với xấp xỉ 70.000 ca trong 24 tiếng đồng hồ. Tình hình dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng vào lúc giới y tế lo ngại trước tình trạng xét nghiệm tìm virus rất thiếu.
Theo số liệu của đại học Mỹ Johns Hopkins, tính đến hết ngày hôm qua (31/07), Hoa Kỳ đã ghi nhận thêm 1.442 trường hợp tử vong trong 24 giờ. Đây là ngày thứ tư liên tiếp mà nước này có hơn 1.200 người chết trong một ngày.
Từ đầu dịch đến sáng nay 01/08, Mỹ như vậy là đã ghi nhận tổng cộng 153.314 ca tử vong vì Covid-19, theo số liệu cập nhật của đại học Johns Hopkins.
Số ca nhiễm vẫn tiếp tục ở đỉnh cao. Riêng trong ngày hôm qua, đã có thêm 69.160 trường hợp nhiễm virus corona, một con số giảm nhẹ so với ngày hôm trước, nâng tổng số bị nhiễm vượt mức 4,5 triệu ca.
Thiếu xét nghiệm nghiêm trọng
Điều đáng nói là Nhà Trắng trước số trường hợp lây nhiễm tăng vọt, Nhà Trắng vẫn khẳng định rằng: Sở dĩ số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, đó là vì số lượng xét nghiệm gia tăng. Có điều là, theo giới chuyên gia y tế, Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu xét nghiệm nghiêm trọng.
Thông tín viên RFI Thomas Harms tại Houston nhận định:
Theo thống kê của Dự Án Theo Dõi Covid (COVID Tracking Project), Hoa Kỳ đang thực hiện 800.000 xét nghiệm mỗi ngày, so với vỏn vẹn 100.000 lượt vào cuối tháng Ba. Thế nhưng, các nhà khoa học ước tính rằng trên đất nước 328 triệu dân này, phải cần từ 6 đến 10 triệu xét nghiệm mỗi ngày.
Vấn đề đối với Mỹ không phải là thiếu máy xét nghiệm, mà là thiếu các loại hóa chất, các loại ống hút lấy mẫu bằng nhựa sử dụng một lần.
Theo các chuyên gia y tế, đó chính là lý do tại sao các máy xét nghiệm không chạy với công suất tối đa và kết quả thường mất gần hai tuần mới có, một thời hạn quá muộn để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, trong trường hợp có kết quả dương tính.
Các chuyên gia về nhiễm trùng hiện đang xem xét việc hạn chế quyền được xét nghiệm. Lý do là vì việc thiếu xét nghiệm ngăn không cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại, cũng như cản trở các chuyến du lịch, mở lại trường học, với hệ quả là làm ngưng trệ một nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu lún vào suy thoái.
Thế giới vượt 373.909 ca tử vong vì virus corona
Theo tổng kết của hãng tin Pháp AFP dựa trên các nguồn số liệu chính thức tính đến 11h ngày hôm qua 31/07/2020, con số ca tử vong vì virus corona trên thế giới đã lên đến 673.909 người, còn số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 17 triệu người.
Sau khi trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong vì virus corona, sau Mỹ và Brazil, Mêhicô hôm qua 31/07/2020 lại ghi nhận số ca mới nhiễm cao kỷ lục ở nước này : 8.458 người trong vòng 24 giờ, số ca tử vong trong ngày hôm qua là 688 người. Tuy nhiên, nếu tính theo quy mô dân số thì tỉ lệ tử vong ở Mêhicô vẫn thấp hơn một số nước châu Âu và châu Mỹ Latinh. Còn Brazil, nước bị dịch bệnh gây tác hại nặng thứ hai thế giới, hôm qua ghi nhận thêm hơn 52.300 ca mới nhiễm và 1.212 người tử vong.
Các biện pháp phòng chống được tăng cường khắp nơi
Đối mặt với đà lây lan mạnh của Covid-19, nhiều nước tăng cường các biện pháp dịch tễ. Tại Nhật Bản, trước sự bùng phát các ca lây nhiễm ở Okinawa, thống đốc Denny Tamaki hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp trong vùng và kêu gọi dân chúng tự cách ly trong vòng 2 tuần, chỉ đi ra ngoài nếu thực sự cần thiết. Thống đốc Okinawa cũng thông báo các bệnh viện đã quá tải. Trong ngày hôm qua, Okinawa ghi nhận 71 ca nhiễm mới. 248 ca trong tổng số 395 ca nhiễm ở tỉnh Okinawa là từ các căn cứ quân sự của Mỹ.
Canada tối hôm qua thông báo kéo dài biện pháp đóng cửa biên giới đến hết ngày 31/08 thay vì đến hết ngày 31/07 như dự kiến ban đầu. Riêng với Mỹ, biên giới Canada sẽ chỉ đóng đến ngày 20/08. Biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến Canada cũng được duy trì đến ngày 31/08. Ngoài ra, thủ tướng Canada Justin Trudeau còn thông báo từ sáng hôm qua người dân bắt đầu có thể tải ứng dụng định vị tracking về điện thoại di động để theo dõi khả năng tiếp xúc với những người nhiễm virus corona.
Tại châu Âu, chính phủ Anh Quốc hôm qua quyết định lùi ít nhất 2 tuần bước giải tỏa tiếp theo. Ban đầu giai đoạn này được dự kiến bắt đầu từ hôm nay với việc mở cửa trở lại nhiều địa điểm công cộng.
Cũng trong ngày hôm qua, Đức xếp ba vùng Aragon, Catalunya và Navarrecủa Tây Ban Nha vào danh sách « khu vực nguy cơ cao » và yêu cầu những người đến hay trở về từ những nơi này phải cách ly 14 ngày, hay ít nhất là phải có chứng nhận âm tính với virus corona.
Đan Mạch thay đổi quan điểm về khẩu trang và khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi dùng phương tiện giao thông công cộng. Còn chính quyền Chypre ra sắc lệnh bắt buộc mọi người đeo khẩu trang trong các cửa hàng, siêu thị và các nơi công cộng có không gian khép kín.
Hoa Kỳ sẽ vượt qua dịch Covid-19 còn VN cần làm gì?
TS. Phạm Đỗ Chí và Nguyễn Tường Tuấn
Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của cả thế giới. Riêng những thay đổi đã và tiếp tục xảy ra ở Mỹ như thế nào và có tầm ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao, sẽ là đề tài của bài này. Đầu tiên chúng tôi xin trình bày về tình hình tại Mỹ.
Quả là bất ngờ khi sau hai tháng 5-6 tạm lắng xuống, số bệnh nhân lây nhiễm lại tăng vụt từ tháng 7, khiến nhiều bang tái đặt giãn cách xã hội , tuy vẫn cho phép mở cửa nền kinh tế.
TT Trump bị đổ lỗi là chậm trễ chống dịch nhưng phải công bằng mà nói rằng Chính phủ Trump đã cố gắng khuyến khích các hãng dược phẩm nhanh chóng tìm ra thuốc chủng ngừa trước ngày bầu cử.
Trong khi chờ đợi, không thể đóng cửa mọi sinh hoạt xã hội lâu dài, sẽ phải học cách “sống chung với lũ”.
Tình hình xã hội ở Mỹ
Các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ phục hồi chậm hơn dự báo vào quý 3 với hai tác động: (i) nạn thất nghiệp có thể vẫn ở hai con số; và (ii) đơn đặt hàng xuất khẩu cho VN và các nước Á châu sẽ vẫn rất chậm.
Trải qua cơn đại dịch chính phủ Mỹ học bài học sinh tử, đắng cay. TT Trump thừa hưởng gia tài tồi tệ để lại từ các đời Tổng thống trước, kể cả Cộng hoà lẫn Dân chủ, đó là: để cho các công ty Hoa Kỳ theo lợi nhuận, bỏ nước Mỹ chạy qua Trung Quốc (TQ) vì giá nhân công rẻ. Đứng đầu danh sách, là các công ty dược phẩm và dụng cụ y khoa, hơn 95% thuốc và dụng cụ y khoa tại Hoa Kỳ sản xuất ở TQ. Kế tiếp là những công ty điện tử, từ những con “chips” tinh vi đến máy vi tính, điện thoại iPhone đều lắp ráp tại TQ.
Sai lầm này sẽ được chính quyền Trump mạnh dạn thay đổi toàn diện: sẽ “thoát Trung” và không theo đuổi toàn cầu hóa nữa.
Chính sách mới được ban hành, các công ty Hoa Kỳ phải trở về Mỹ nếu không muốn bị đánh thuế thật cao, vì sản phẩm của họ sản xuất từ TQ. Lưỡng viện Quốc hội còn đưa ra những đạo luật chi tiết, bắt buộc nguyên liệu phải sản xuất tại Hoa Kỳ, đề phòng trường hợp công ty tránh né luật (nhập cảng nguyên liệu từ TQ, lắp ráp tại Hoa kỳ, và mang nhãn hiệu “Made In USA”). Cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đều đồng ý điểm này.
Hai thí dụ để bớt ảnh hưởng của TQ: (i) Công ty sản xuất “chip” điện tử dùng trong máy vi tính, điện thoại, xe hơi lớn nhất thế giới của Đài Loan, “Taiwan Semiconductor Manufacturing Co” đầu tư $12 tỷ đô la xây dựng nhà máy tại Tiểu bang Arizona; và (ii) Bộ Y tế Mỹ đã ký hợp đồng 354 triệu USD với công ty “Phlow” tại tiểu bang Virginia để sản xuất dược phẩm trong nước Mỹ.
Làn sóng hồi hương của các công ty Mỹ từ TQ sẽ còn nhanh hơn 3 năm rưỡi qua, dấu hiệu khả quan cho một nền kinh tế Hoa Kỳ mới sẽ cũng là đòn giáng lên kinh tế và nạn thất nghiệp của TQ.
Nhưng quan trọng nhất là làn sóng đổi thay về công nghệ. Chúng tôi tin rằng đại dịch sẽ thúc đẩy nhanh công nghệ Mỹ tiến đến trực tuyến (online) và số hóa (digital) trong vòng 6-12 tháng tới thay vì 3-5 năm như dự trù.
Các tin dồn dập về các khu buildings thương xá (brick&mortar) đóng cửa ở Mỹ cũng như chi nhánh trên thế giới đóng cửa do thua lỗ và không có khách sau trong và sau nạn dịch (Zara, Microsoft,…) chỉ là dấu hiệu mở đầu cho một cuộc cách mạng công nghệ, thay thương mại truyền thống cửa hàng bằng thương mại trực tuyến:
Đó là bỏ bớt nhu cầu về thương xá, văn phòng trong tương lai do các phương tiện làm việc ở nhà và liên lạc video như ZOOM
Hai là vai trò các hãng trực tuyến như Amazon, Shopify… đã được xác nhận qua giá cổ phiếu tăng vụt qua cả mức trước nạn dịch.
Ba là các hãng như Apple và Shopify đã thống lĩnh khu vực âm nhạc, và ngay cả các hãng taxi mới nổi từ vài năm như Uber hay Grab sẽ lần lượt bị thay thế bởi công nghệ xe hơi lái tự động, và cho cả xe vận tải, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thu dụng lao động.
Hoa Kỳ sẽ tăng cường phát minh và áp dụng của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), áp dụng mạnh mẽ các robots trong sản xuất và tiêu thụ.
Chúng ta nhận thấy cách mạng số hóa (digital technology revolution) sẽ tràn ngập; đặc biệt nhất là vai trò của các blockchains. Đây là nền tảng (platform) hay hệ thống thông tin thu thập mọi dữ kiện, có thể được áp dụng ở mọi ngành sản xuất, dịch vụ, thương mại, y tế, tín dụng ngân hàng, bất động sản, tiền tệ. Ví dụ giản dị cho blockchain về y tế, thu thập số liệu về tin tức các bệnh nhân, tiền sử bệnh và điều trị, cùng các phương pháp trị liệu tương lai, được duy trì đầy đủ và hoàn toàn bảo mật.
Thêm vào đó các thứ tiền tệ số hóa (digital currencies) sẽ xuất hiện mạnh mẽ.
Mỹ mạnh mẽ về chính trị quốc tế
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi “Thế Cờ Vây” toàn diện với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn dồn TQ vào chân tường, từ ngoại giao, chính trị, kinh tế, đến quân sự trên Biển Đông, qua một loạt diễn biến mới nhất chúng tôi xin điểm qua:
Ngày 22/7/20 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán TQ tại Houston, kết án các nhà ngoại giao “làm gián điệp trá hình” và trục xuất trong vòng 72 tiếng khỏi Hoa Kỳ.
Và Hoa Kỳ đang nghiên cứu việc cấm trên 90 triệu đảng viên CS cùng thân nhân không được cấp thị thực vào Mỹ. Tín hiệu vô cùng mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao hai nước.
Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi thiếp lập “Liên minh Toàn cầu” đối phó với TQ như một xác định mới về lập trường ngoại giao và địa chính trị.
Về kinh tế, thương chiến tiếp tục ở cường độ cao với áp thuế quan nhập khẩu, khi Mỹ đã đơn phương tuyên bố không thương nghị đợt 2 cho tới sau bầu cử tháng 11.
Mỹ đã đánh thêm vào tử huyệt của kinh tế và công nghệ TQ khi quyết định ngăn chặn tối đa sự phát triển của công nghệ bán dẫn (semiconductor industry) của TQ.
Từ tháng 5/2020 cấm tất cả hãng Mỹ VÀ các hãng trên thế giới có dùng nền tảng kỹ thuật Mỹ (như chips) không được cung cấp chips cho các hãng TQ bất kỳ lớn nhỏ. Điều này sẽ làm cho TQ không thể tự sản xuất được nội địa 40% nhu cầu chips vào cuối năm 2020 và 70% vào năm 2025 như mộng bành trướng “Made in China 2025″ đã phổ biến khắp nơi, và là nguyên nhân khiến khối  Mỹ cảnh giác ‘muốn chặn TQ’.
Ở Biển Đông Mỹ đã đưa các hàng không mẫu hạm cùng các chiến hạm hùng hậu khác diễn tập cùng các nước khu vực, nói là để bảo đảm tự do di chuyển hàng hải trong khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan. Việc này sẽ ảnh hưởng sâu xa giúp bảo đảm lãnh thổ cho Việt Nam.
Ngoài ra chúng tôi tin rằng điểm lợi nữa cho VN là một số các hãng Mỹ sẽ di chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên VN nên thực tế, KHÔNG NÊN CHỈ MƠ ĐẾN ĐÓN ĐẠI BÀNG, mà nên lo tiếp nhiều các hãng trung bình giúp phát triển kỹ nghệ phụ trợ cần thiết, hay ngay cả các sản phẩm bán dẫn thay cho TQ.
Ngoài ra cần thắt chặt liên hệ ngoại giao và thương mại với Hoa kỳ, sẵn sàng cho các chuỗi cung ứng mới , như các sản phẩm thiết yếu chống dịch cho Mỹ, địa hạt VN tương đối có uy tín, và trong bối cảnh nạn dịch sẽ tiếp diễn ở Mỹ sang cả năm 2021.
Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida và ông Nguyễn Tường Tuấn từ Oregon, Hoa Kỳ.
Tai nạn ngoài khơi Nam California:
1 lính thủy quân lục chiến chết, 8 mất tích
Một binh sĩ Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ thiệt mạng và 8 quân nhân khác bị mất tích trong một tai nạn xảy ra trong một hoạt động huấn luyện quân sự thường lệ thực hiện ngoài khơi đảo San Clemente, các giới chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 31/7, đài CBS và báo LA Times đưa tin.
Tai nạn xảy ra vào lúc 5:45 giờ chiều hôm 30/7, khi một tàu đổ bộ tấn công chuyên chở 15 TQLC và một thủy thủ Hải quân bị ngập nước trong một buổi huấn luyện thường lệ, lực lượng TQLC Mỹ cho biết.
Theo đài truyền hình CBS, một binh sĩ TQLC đã được đưa tới bệnh viện ở La Jolla, nhưng qua đời sau đó. Hai quân nhân bị thương, một người trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, 8 TQLC được ghi nhận là mất tích trong tai nạn thảm khốc này.
Quân nhân vừa qua đời tại bệnh viện Scripps Memorial ở La Jolla là thuộc Đơn vị Viễn chinh TQLC số 15, lực lượng Viễn chinh Hàng hải 1.
5 quân nhân khác có mặt bên trong tàu đổ bộ tấn công đã được giải cứu. Nỗ lực tìm kiếm các quân nhân mất tích đang được xúc tiến.
Đài CBS dẫn lời Đại tá Christopher Bronzi, chỉ huy Đơn vị Viễn chinh TQLC số 15, nói:
“Chúng tôi vô cùng đau buồn về tai nạn thảm khốc này. Tôi mong mỏi quý vị hãy cầu nguyện cho các quân nhân TQLC, các thủy thủ và gia đình của họ, giữa lúc cuộc tìm kiếm được tiến hành”.
Nhà chức trách đang tiến hành cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn.
Quyết định cấm khách du lịch
từ Trung Quốc và các nước khác của TT Trump
đã giúp cứu mạng người dân Mỹ
Bình luậnDu Miên
Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) – Tiến sĩ Anthony Fauci khẳng định, ông và Tổng thống Trump “đã thống nhất về hầu như” mọi quyết định quan trọng liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của người dân Mỹ trong thảm họa đại dịch toàn cầu, theo Fox News.
Trong phiên điều trần trước các nhà lập pháp tại Hạ viện Hoa Kỳ ngày 31/7, giám đốc NIAID cho biết, ông tin rằng quyết định của Tổng thống Trump trong giai đoạn dịch virus Corona Vũ Hán mới khởi phát đã cứu mạng người dân Mỹ.
Phiên điều trần diễn ra dưới sự chỉ đạo của Tiểu ban Hạ Viện Chọn lọc về Khủng hoảng Virus Corona, trong đó nghị sĩ Steve Scalise đã đặt câu hỏi về vai trò của ông Fauci trong những quyết định của Tổng thống Trump đầu năm nay.
Khi được hỏi về lệnh hạn chế đi lại từ Trung Quốc do ông Trump công bố hồi tháng Một, Tiến sĩ Fauci khẳng định ông có tham gia và đồng ý với quyết định này. Ông cũng khẳng định quyết định này của Tổng thống Trump đã giúp cứu mạng nhiều người dân Mỹ.
Vị giám đốc của NIAID cho biết, ông đã “tích cực tham gia” vào các quyết định của chính quyền Tổng thống Trump để hạn chế các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu cũng như giữa Mỹ và Anh. Ông tiếp tục khẳng định sự đồng thuận của mình đối với các quyết định này và tin rằng chúng đóng vai trò “cứu mạng” người dân Mỹ trong đại dịch.
Các câu trả lời tương tự được Tiến sĩ Fauci đưa ra khi nghị sĩ Scalise hỏi về một số quyết định quan trọng khác.
Ông Scalise tiếp tục chất vấn: “Vậy, tôi biết là tất cả chúng ta đều đã nghe nhiều thông tin về những bất đồng [giữa ông Fauci và Tổng thống Trump]; và rõ ràng có rất nhiều quyết định được đưa ra. Trên thực tế, có rất nhiều bác sĩ quốc tế rất uy tín đều tham gia vào mỗi quyết định… Vậy nói chung, liệu ông có thể khẳng định ông và Tổng thống Trump đã thống nhất ý kiến đối với hầu hết mọi quyết định?”
Đáp lại câu hỏi này, Giám đốc Fauci khẳng định: “Chúng tôi đều đã nhất trí trong hầu hết tất cả những [quyết định đó]”.
Trong nhiều tháng qua, đặc biệt trong thời kỳ đỉnh điểm của vụ dịch, đã có nhiều lời đồn đoán về vết rạn nứt trong mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Tiến sĩ Fauci, bao gồm cả Cố vấn Thương mại của Nhà Trắng là ông Peter Navarro, nhất là khi vị giám đốc của NIAID ngày càng được nhiều người biết đến.
Đáp lại những nghi ngờ, ông Fauci nói trong cuộc phỏng vấn với The Atlantic rằng: “Khi các nhân viên [chính phủ] tiết lộ điều gì và toàn bộ giới khoa học cũng như giới báo chí đều thúc đẩy nó, cuối cùng điều đó sẽ làm tổn thương ngài tổng thống”.
Du Miên
Theo Fox News
Mỹ bắt 3 nghi can trong vụ hack tài khoản Twitter
người nổi tiếng để lừa Bitcoin
Bình luậnVăn Thiện
Hôm thứ Sáu, các nhà chức trách Mỹ cho biết họ đã bắt được 3 nghi can – một người đàn ông người Anh, một người đàn ông và một thiếu niên đến từ Florida – trong vụ hack tài khoản Twitter của các chính trị gia, những người nổi tiếng và các ông trùm công nghệ để lừa đảo số tiền hơn 100.000 USD thông qua Bitcoin.
Hôm thứ Sáu, các nhà chức trách đã bắt nghi can Graham Ivan Clark, 17 tuổi, tại Tampa, nơi Văn phòng Luật sư của bang Hillsborough sẽ truy tố đối tượng này như người trưởng thành. Theo một thông cáo báo chí, đối tượng này sẽ phải đối mặt với 30 trọng tội. Hai nghi can còn lại là Mason Sheppard, 19 tuổi, ở Bognor Regis, Anh và Nima Fazeli, 22 tuổi, ở Orlando, sẽ bị luận tội tại tòa án liên bang California.
Sau khi hack tài khoản của những người nổi tiếng, 3 đối tượng đã gửi các tweet giả mạo vào ngày 15/7 từ các tài khoản của Barack Obama, Joe Biden, Mike Bloomberg và một số tỷ phú công nghệ bao gồm Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, người sáng lập Microsoft Bill Gates và Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk. Người nổi tiếng Kanye West và vợ, Kim Kardashian West, cũng bị hack.
Các tweet đề nghị gửi lại 2.000 USD cho mỗi 1.000 USD được gửi đến một địa chỉ Bitcoin ẩn danh.
Luật sư của Hoa Kỳ cho Quận Bắc California David L. Anderson cho biết trong một thông báo mới: “Có một niềm tin sai lầm trong cộng đồng tội phạm hacker rằng các cuộc tấn công như hack Twitter có thể được thực hiện ẩn danh và không có hậu quả gì. Thông báo bắt giữ của ngày hôm nay chứng minh rằng sự phấn khích của việc hack bất chính vào một môi trường an toàn để vui chơi hoặc kiếm lợi nhuận sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.
Mặc dù vụ kiện chống lại những hacker thiếu niên cũng được FBI và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra, Luật sư bang Hillsborough Andrew Warren giải thích rằng văn phòng của ông đang truy tố Clark tại tòa án bang Florida vì luật pháp của Florida cho phép trẻ vị thành niên bị buộc tội như người lớn trong các vụ lừa đảo tài chính như thế này khi thích hợp.
Warren nói: “Bị cáo sống ở Tampa, đối tượng phạm tội ở đây và anh ta sẽ bị truy tố ở đây.
Twitter trước đây cho biết tin tặc đã sử dụng điện thoại để đánh lừa nhân viên của công ty để cho chúng quyền truy cập. Công ty cho biết tin tặc đã nhắm mục tiêu vào “một số nhân viên thông qua một cuộc tấn công lừa đảo (Spear Phishing) qua điện thoại”.
Công ty này viết trong tweet: “Cuộc tấn công này dựa trên một nỗ lực đáng kể và được phối hợp để đánh lừa một số nhân viên và khai thác các lỗ hổng con người để có quyền truy cập vào các hệ thống nội bộ của chúng tôi”
Công ty cho biết, sau khi đánh cắp thông tin đăng nhập của nhân viên và xâm nhập vào hệ thống của Twitter, tin tặc đã có thể nhắm mục tiêu vào các nhân viên khác có quyền truy cập vào các công cụ hỗ trợ tài khoản.
Các tin tặc nhắm mục tiêu 130 tài khoản. Chúng quản lý tweet từ 45 tài khoản, truy cập hộp thư đến trực tiếp của 36 tài khoản và tải xuống dữ liệu Twitter từ 7 tài khoản. Nhà lập pháp Geert Wilders đã nói rằng hộp thư đến của ông cũng nằm trong số những nạn nhân bị truy cập.
Twitter cho biết họ sẽ cung cấp một báo cáo chi tiết hơn sau “cuộc điều tra thực thi pháp luật đang diễn ra”.
Twitter trước đây đã nói rằng vụ việc là một “cuộc tấn công phi kỹ thuật có phối hợp” nhắm vào một số nhân viên có quyền truy cập vào các hệ thống và công cụ nội bộ của công ty. Công ty không cung cấp thêm thông tin nào về cách thức thực hiện cuộc tấn công, nhưng các chi tiết được công bố cho đến nay cho thấy tin tặc bắt đầu bằng cách sử dụng phương pháp truyền thống để vượt qua hệ thống bảo mật.
Nhà phân tích an ninh mạng người Anh Graham Cluley cho biết dự đoán của ông là một nhân viên hoặc nhà thầu của Twitter đã nhận được một tin nhắn yêu cầu họ gọi đến một số điện thoại.
Hôm thứ Sáu, Mitch Clulely đã viết trên blog của mình: “Khi nhân viên gọi đến số điện thoại mà họ có thể đã được đưa đến một nhà điều hành trợ giúp thuyết phục (nhưng giả mạo), người sau đó có thể sử dụng các hình thức tấn công phi kỹ thuật để lừa nạn nhân dự định trao lại thông tin đăng nhập của họ”.
Ông cho biết, cũng có thể tin tặc gọi từ đường dây trợ giúp hợp pháp của công ty bằng cách giả mạo số điện thoại.
Văn Thiện
Theo The Epoch Times
Có người ở Mỹ đã trồng những hạt giống bí ẩn,
kết quả ra sao?
Bình luậnĐông Phương
Có ít nhất 3 người phụ nữ ở 3 tiểu bang của Hoa Kỳ nói rằng sau khi nhận được hạt giống bí ẩn từ Trung Quốc, họ đã trồng chúng vì không rõ sự tình. Một số trong số chúng đã mọc lên và có thể nhìn thấy lá.
Hãng truyền thông địa phương WBKO của bang Kentucky đưa tin, một phụ nữ ở bang này nói rằng bà đã nhận được một gói hạt giống hồi tháng Sáu và đã trồng nó.
Bà Tiffany Lowery nói với WBKO rằng đây là gói bưu kiện gửi đến Hoa Kỳ thông qua China Post. Bà Lowery tưởng rằng chúng là quà tặng từ câu lạc bộ trồng trọt và nhóm trao đổi quà tặng trên Facebook mà bà tham gia, vì vậy bà ấy đã gieo hạt giống trong chậu hoa gần nhà và hạt giống đã phát triển.
Bà Lowery nói rằng khi bà thấy cảnh báo về những hạt giống bí ẩn và chính quyền thông báo không nên trồng những hạt giống này, bà đã gọi cho Sở Nông nghiệp bang để được giúp đỡ. Họ bảo bà đốt hạt hoặc bọc 2 lần túi rồi vứt chúng đi.
Bà Patricia Smith ở bang Texas nói rằng bà đã nhận được một gói bưu phẩm hồi tháng Tư, bao bì ghi là hoa tai hình hoa hồng, nhưng mở ra thì lại là hạt giống. Theo kênh truyền thông địa phương KXII, bà Smith cũng là thành viên của nhóm trao đổi quà tặng.
Mặc dù bà Smith cũng cảm thấy những hạt giống này rất kỳ lạ, bà ấy đã trồng 5 hạt vào một cái chậu. Nhưng vì trong chậu không mọc lên gì nên bà cũng quên mất chuyện này, cho đến khi bà thấy rằng những người khác cũng bỗng nhiên nhận được hạt giống qua bưu điện.
Bà Smith đã liên lạc với văn phòng nông nghiệp địa phương và được yêu cầu đặt gói hạt giống trong một túi kín rồi vứt chúng đi.
Sau khi làm theo hướng dẫn, bà Smith bắt đầu lo lắng về việc liệu hạt giống được trồng trước đó có làm ô nhiễm đất hay không. Bà ấy nói rằng các loại rêu mà bà trồng vào trong chiếc chậu từng dùng để trồng các hạt giống lạ kia đều đã chết, nhưng cùng loại rêu này bà trồng ở vùng đất tươi mới khác đã phát triển rất tốt.
Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp bang Louisiana đề xuất rằng nếu ai đó nhận được hạt giống và đã gieo hạt, hãy sử dụng thuốc diệt cỏ để tiêu diệt cây và hạt giống. Nếu hạt giống phát triển trở lại thì lại phun thuốc diệt cỏ một lần nữa. Ngoài ra, sau khi chạm vào bất cứ thứ gì liên quan đến hạt giống, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước trong 20 giây.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra cảnh báo: Nếu bạn nhận được hạt giống, hãy liên hệ với nhân viên kiểm soát và quản lý thực vật của bang sở tại hoặc người quản lý kiểm dịch thực vật ở bang của Cục Kiểm dịch Thực Động vật thuộc Bộ Nông nghiệp, đồng thời giữ lại toàn bộ gói hàng, kể cả nhãn dán, cho đến khi bạn nhận được chỉ dẫn tiếp theo của chính quyền tiểu bang hoặc liên bang.
Đông Phương
Theo The Epoch Times
Mỹ loan báo tăng phí di trú
Chính quyền Mỹ ngày 31/7 loan báo sẽ tăng mạnh phí di trú Hoa Kỳ trong nhiều hạng mục, trong đó có việc lần đầu tiên thu phí các đương đơn xin tị nạn và tăng 80% lệ phí nhập tịch.
Bảng lệ phí mới, do Dịch vụ Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) công bố, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2/10/2020.
Chi phí nộp đơn online xin nhập tịch Hoa Kỳ tăng từ 640 đô la lên thành 1.160 đô la.
Những người nộp đơn xin tị nạn phải nộp lệ phí 50 đô la.
USCIS, đóng cửa các văn phòng và đình chỉ nhiều dịch vụ trong mùa COVID, cho biết bị thiếu hụt nguồn thu có thể dẫn tới việc cho nhân viên tạm nghỉ.
USCIS nói quy định mới sẽ hỗ trợ chi phí trả lương bổng cho nhân viên, các khoản chi cho công nghệ và các hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ.
Các lệ phí về di trú Mỹ trong mấy chục năm nay tăng lên đáng kể. Trong những năm 90, phí nộp đơn xin nhập tịch dưới 100 đô la.
Khác với đa số các cơ quan liên bang khác, quỹ vận hành của USCIS chủ yếu từ các khoản lệ phí.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-loan-b%C3%A1o-t%C4%83ng-ph%C3%AD-di-tr%C3%BA-/5526141.html
Vụ án Mạnh Vãn Châu:
Đủ điều kiện dẫn độ tới Hoa Kỳ
Bình luậnĐông Phương
Các tài liệu được Bộ trưởng Tư pháp Canada đệ trình lên Tòa án British Columbia cho thấy, hiện đã có đủ bằng chứng để dẫn độ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu tới Hoa Kỳ với tội danh gian lận ngân hàng.
Vào tháng 12/2018, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, chính quyền Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu khi bà Mạnh đang quá cảnh tại sân bay. Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh đã che giấu các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran và lừa dối ngân hàng HSBC.
Kể từ đó, bà Mạnh bị quản thúc tại một biệt thự ở Vancouver và bà từ chối bị dẫn độ về Hoa Kỳ. Vụ án này đã gây ra tranh chấp ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Sau khi bà Mạnh bị bắt, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Canada đã đệ trình các tài liệu mới liên quan đến vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu lên tòa án. Hôm 31/7, đại diện của Bộ này tiết lộ với giới truyền thông rằng đây là thủ tục trước khi bắt đầu một phiên điều trần chính thức về vụ án dẫn độ, và sẽ quyết định liệu bà Mạnh có bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay không. Phiên điều trần cuối cùng sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 2021.
Tài liệu mới nhất tổng kết những bằng chứng ủng hộ việc giam giữ bà Mạnh và kết luận rằng các điều kiện trước khi xét xử đã được đáp ứng.
Tài liệu chỉ ra rằng phiên điều trần dẫn độ sẽ không thẩm lí và phán quyết đối với các cáo buộc của Hoa Kỳ, mà sẽ chỉ là nghiên cứu và phán quyết về việc liệu những cáo buộc này có được coi là hợp lệ hay không.
Bộ trưởng Tư Pháp Canada David Lametti đã viết: “Có bằng chứng cho thấy bà Mạnh cố tình khai báo sai với ngân hàng HSBC để duy trì mối quan hệ giữa Huawei và ngân hàng”.
“Bởi vì bà Mạnh thừa nhận rằng bà là người được nêu tên trong yêu cầu dẫn độ và đã bị kiện, vì vậy tất cả các yêu cầu trước khi xét xử chính thức đã được thiết lập”.
Huawei từ chối bình luận về điều này.
Tòa án tối cao British Columbia đã đưa ra phán quyết về vụ án dẫn độ của bà Mạnh Vãn Châu hôm 27/5, và phán định rằng các hành vi phạm tội của bà Mạnh đã đáp ứng các tiêu chuẩn phạm tội kép của Canada và Hoa Kỳ, vì vậy vụ án dẫn độ này vẫn sẽ tiếp tục.
Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Vancouver từ ngày 17 đến 21/8. Cuộc họp sẽ thảo luận về việc liệu Bộ trưởng Tư Pháp có được hưởng đặc quyền trong việc từ chối cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh mà Huawei yêu cầu phải đưa ra không.
Phiên điều trần sẽ đưa ra kết luận vào tháng 4/2021. Cả hai bên đều có thể kháng cáo, vì vậy việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu có thể sẽ tiếp tục trong vài năm tới.
Đông Phương
Theo The Epoch Times
Đệ nhất phu nhân Brazil nhiễm COVID
Đệ nhất phu nhân Brazil, Michelle Bolsonaro, nhiễm COVID và đang được bác sĩ theo dõi sức khoẻ, giới chức nước này loan báo.
Bà Bolsonaro xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng hôm 29/7 trong một sự kiện tại Brasilia bên cạnh Tổng thống Jair Bolsonaro.
Tổng thống Brazil tự cách ly hơn hai tuần qua sau khi hai lần xét nghiệm dương tính với COVID.
Trong cùng ngày đệ nhất phu nhân xét nghiệm dương tính với COVID, thêm một thành viên thứ năm trong nội các của ông Bolsonaro loan báo tự cách ly vì nhiễm COVID.
Brazil có số người nhiễm COVID nhiều nhất ở Châu Mỹ Latin, với trên 2,6 triệu ca và hơn 91.000 trường hợp tử vong.
COVID-19: Những ứng viên sắp sửa về đích
trong cuộc đua tìm kiếm vaccine
Bình luậnHương Xuân
Cuối tháng 7/2020 chứng kiến sự xuất hiện của 2 ứng cử viên bước vào giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm – trong cuộc đua chế tạo vaccine chống COVID-19…
Một cuộc đua với tốc độ kỷ lục. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử nghiên cứu và chế tạo vaccine. Cuộc đua này là để tìm ra vaccine chống lại virus ĐCSTQ, thủ phạm của hàng trăm nghìn cái chết trên thế giới cùng hàng chục triệu ca nhiễm – chỉ trong chỉ vỏn vẹn hơn nửa năm.
Góp mặt trong cuộc đua hiện nay là hơn 100 loại vaccine chống COVID-19 đang được phát triển. Mười trong số đó đang trong quá trình đánh giá lâm sàng, nhưng chỉ có 2 ứng viên bắt đầu bước vào giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm – giai đoạn 3. Giai đoạn 2 có khá nhiều ứng cử viên, nhưng chỉ có 2 sản phẩm là sáng giá. Bốn thí sinh này đến từ các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Anh Quốc.
#4 – CanSino của Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh
Trong giai đoạn 2 của thử nghiệm, mũi tiêm được phát triển bởi CanSino Biologics của Trung Quốc tạo ra phản ứng miễn dịch ở gần 508 tình nguyện viên, dữ liệu được công bố hôm 20/7 trên tạp chí The Lancet.
Đa số người tham gia nghiên cứu có khả năng miễn dịch cao trước virus Ad5-nCoV, một loại virus cảm lạnh thông thường (adenovirus) được biến đổi gen để tạo ra S-protein của COVID-19. Cũng có phản biện cho rằng, việc tiếp xúc rộng rãi với virus vectơ mà CanSino chọn có thể hạn chế tính hữu ích của vaccine.
Giai đoạn 1 của thử nghiệm vaccine CanSino được thực hiện tại Vũ Hán hồi tháng 3, trên 108 người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi 18-60. Giai đoạn 2 được thiết lập với sự tham gia của 500 người lớn: 250 người được tiêm liều trung bình của vaccine – liều đã được thử nghiệm ở trong giai đoạn 1, 250 người còn lại được tiêm liều thấp.
#3 – ChAdOx1 nCoV-19 của Đại học Oxford và AstraZeneca
ChAdOx1 nCov-19 là ứng cử viên đến từ Anh Quốc, cụ thể là từ trường đại học Oxford. Vaccine này cũng được chế tạo dựa phiên bản suy yếu của adenovirus, virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng ở tinh tinh, được biến đổi gen để không thể nhân lên ở người.
Giai đoạn 1 của thử nghiệm này được tiến hành hồi tháng 4 với hơn 1.000 mũi tiêm chủng. Giai đoạn 2 đã diễn ra vào tuần cuối của tháng 5 với quy mô rộng lớn hơn – ở các nhóm tuổi 56-69, trên 70 tuổi, và trẻ em 5-12 tuổi. Quy mô này là do các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem: liệu có sự khác biệt nào về độ tuổi trong việc đáp ứng với vaccine hay là không. Thử nghiệm giai đoạn 3 của ChAdOx1 sẽ được thực hiện với quy mô lớn ở nhóm trên 18 tuổi.
Các thử nghiệm lâm sàng đang được thiết lập và thu hút tổng cộng hơn 10.000 người trên khắp Vương quốc Anh. Nếu hiệu quả, vaccine sẽ được sản xuất và phân phối cùng với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca.
#2 – CoronaVac của công ty dược phẩm tư nhân Sinovac tại Trung Quốc
CoronaVac được phát triển bởi công ty Sinovac của Trung Quốc. Là đồng hương của CanSino, nhưng CoronaVac là chủng vaccine được phát triển dựa trên phiên bản bất hoạt của chính SARS-CoV-2. Đây phương pháp chế tạo vaccine rất truyền thống, một phương pháp đã chứng minh là thành công trong lịch sử.
Ngày 21/7, CoronaVac đã nhanh chân bước vào giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 3, giai đoạn cuối của thử nghiệm sẽ không tiến hành tại Trung Quốc, mà được triển khai tại Brazil. Viện Butantan – một trung tâm nghiên cứu y tế công cộng của Brazil, sẽ là nơi các tình nguyện viên nhận liều đầu tiên của vaccine.
Theo các quan chức Brazil, nếu vaccine này được chứng minh là an toàn và hiệu quả, viện sẽ có quyền sản xuất 120 triệu liều theo thỏa thuận để thay đổi cuộc chơi trong đại dịch.
#1 – Vaccine mRNA-1273 của công ty Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID)
Công ty công nghệ sinh học của Mỹ – Moderna là nơi đầu tiên thực hiện thử nghiệm lâm sàng cho vaccine mRNA-1273. Chỉ 8 tuần sau khi trình tự gen của SARS-CoV-2 được tìm thấy, giai đoạn 1 của thử nghiệm đã được triển khai.
Trong giai đoạn 2 hồi tháng 5, vaccine này đã được thử nghiệm trên 45 người và sau đó tất cả đều sản xuất kháng thể có thể chống lại COVID-19. 45 tình nguyện viên này được chia làm 2 nhóm: từ 18 đến 55 tuổi, và trên 55 tuổi. Nhóm này vẫn đang được theo dõi, kéo dài tới 12 tháng sau khi tiêm chủng.
Giai đoạn 3 của thử nghiệm sẽ diễn ra tại Hoa Kỳ với khoảng 30.000 đăng ký. Các tình nguyện viên đều trên 18 tuổi không nhiễm COVID-19. Họ sẽ được tiêm vaccine tại các điểm nghiên cứu lâm sàng ở trong nước.
Sản phẩm của Moderna thể hiện tính vượt trội khi có thể ngăn ngừa virus nhân lên ở vùng mũi – điều mà chưa vaccine nào khác có thể làm được. Đặc điểm này khiến virus giảm hẳn khả năng phát tán ra môi trường bên ngoài.
Hương Xuân
EU cảnh báo siết đầu tư từ TQ
EU cho rằng có sự bất cân xứng trong việc tiếp cận thị trường giữa các công ty EU tại Trung Quốc và các công ty Trung Quốc tại châu Âu
Ngày 29.6, tờ Financial Times dẫn lời ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách chính sách kinh tế, cảnh báo EU đang chuẩn bị các quy định hạn chế nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc nếu nước này không chấp nhận yêu cầu của EU về việc mở cửa thị trường.
Theo đó, có sự bất cân xứng trong việc tiếp cận thị trường giữa các công ty EU tại Trung Quốc và các công ty Trung Quốc tại châu Âu, vấn đề đã được nêu lên tại hội nghị thượng đỉnh song phương ngày 22.6.
Ông Dombrovskis cho rằng hai bên cần giải quyết nhiều vấn đề như sự hỗ trợ của chính quyền vào doanh nghiệp, bắt buộc chuyển giao công nghệ… trước khi ký thỏa thuận.
Liên Hiệp Châu Âu đặt trước Sanofi
300 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
Anh Vũ
Trong cuộc chạy đua giành vắc xin phòng ngừa Covid-19 trong tương lai, hôm 31/07/2020, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã đặt trước được 300 triệu liều từ hãng bào chế dược phẩm Pháp Sanofi để có thể cung cấp cho 27 nước thành viên một khi vắc xin ra đời.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles:
Sau khi Hoa Kỳ chi gần 6 tỷ đô la dành cho kinh phí nghiên cứu của các công ty bào chế dược Pfizer, Johnson&Johnson, AstraZeneca và còn đặt trước 2 tỷ đô la với tập đoàn Sanofi, GlaxoSmithKline, sau khi Vương Quốc Anh cũng đặt trước gần 60 triệu liều với Sanofi-GSK, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu nhảy vào cuộc đua giành vắc xin.
Liên Hiệp Châu Âu có sẵn hơn 2 tỷ euros dưới nguồn quỹ có tên gọi « công cụ hỗ trợ khẩn cấp ». Với nguồn tiền này, các nước Liên Âu dự tính có thể chơi lại với Hoa Kỳ. Châu Âu như vậy cũng đặt lên bàn tiền đầu tư lớn giúp các nỗ lực nghiên cứu và năng lực sản xuất.
Các hãng bào chế Sanofi và GlaxoSmithKline hồi tháng Tư đã đưa ra sáng kiến chung về nghiên cứu, theo đó Châu Âu sẽ phải rót tiền dưới dạng đặt cọc trước để được cung cấp 300 triệu liều vắc xin khi có. Các nguồn tiền của Châu Âu giúp chia sẻ rủi ro tài chính trong các khoản đầu tư lớn vào nhũng dự án nghiên cứu.
Với các nước châu Âu, mục đích là cố gắng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu để có vắc xin, tạo cho mình đủ sức nặng để được ưu tiên nhanh chóng tiếp cận vắc xin tương lai từ các viện bào chế.
Việc đặt trước vẫn còn chưa hoàn tất, nhưng nguyên tắc là Ủy Ban Châu Âu giải ngân một khoản tiền cần thiết đẩ bảo dảm cho toàn bộ công dân 27 nước thành viên được tiếp cận công bằng với vắc xin tương lai.
Chiến lược này cũng giúp hỗ trợ vấn đề chủ quyền và đưa trở lại Liên Hiệp các năng lực nghiên cứu và sản xuất.
Covid-19 đánh quỵ kinh tế nhiều nước phương Tây
Thùy Dương
Theo số liệu Eurostat, cơ quan thống kê châu Âu, công bố ngày hôm qua 31/07/2020, GDP quý 2 năm 2020 của 19 nước trong khối Đồng tiền chung châu Âu đã giảm 12,1% so với quý 1. Đây là mức sụt giảm nặng nề nhất kể từ năm 1995, khi Eurostat bắt đầu thống kê lĩnh vực này.
So với cùng kỳ năm 2019, GDP khối Euro, tức đồng tiền chung châu Âu, đã giảm tới 15%. Vẫn theo Eurostat, GDP của toàn Liên Hiệp Châu Âu giảm 11,9% so với quý đầu năm và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Reuters cho biết GDP của Pháp giảm ở mức kỷ lục tính từ năm 1949, 13,8%. Nhưng ở châu Âu, suy thoái nặng nhất là Tây Ban Nha, GDP giảm 18,5% so với quý 1. Tỉ lệ sụt giảm GDP của Ý và Đức lần lượt là 12,4% và 10,1%.
Trong khi đó tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là nước bị dịch bệnh nặng nhất thế giới, GDP quý 2 cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019.
« Điểm sáng » duy nhất được công bố trong ngày hôm qua là Canada. Sau hai tháng sụt giảm, GDP tháng 05 của Canada đã tăng 4,5% so với tháng 04.
Cũng trong ngày hôm qua 31/07/2020, Ủy ban khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS tổ chức họp bàn về đại dịch Cvodi-19, 6 tháng sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh.
Theo tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Ghebreyesus, đại dịch lần này là cuộc khủng hoảng y tế 100 năm mới có 1 lần, nhưng những hệ quả của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Covid-19: Ngày thứ ba liên tiếp
Pháp có trên 1.300 ca nhiễm mới
Thùy Dương
Virus corona vẫn đang trên đà lây lan mạnh trở lại tại Pháp. Hôm qua 31/07/2020 là ngày thứ ba liên tiếp Pháp ghi nhận trên 1.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Y tế Pháp ghi nhận ngày càng có nhiều thanh niên nhiễm virus, nhất là ở độ tuổi 20-30.
Theo số liệu của bộ Y Tế Pháp, công bố chiều tối hôm qua 31/07, trong vòng 24 giờ, đã có thêm 1.346 người nhiễm virus corona và 11 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại bệnh viện.
Chỉ riêng ngày hôm qua, Pháp có thêm 22 ổ lây nhiễm, nâng tổng số ổ lây nhiễm trên toàn quốc lên thành 258 ổ. Các ổ lây nhiễm phát triển mạnh nhất ở những khu bãi biển, nơi tập trung rất đông khách du lịch mùa hè.
Hiện tại, Pháp vẫn còn 5.249 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện, số ca bệnh nặng phải điều trị ở khoa hồi sức tích cực là 371, giảm 10 ca so với một hôm trước đó. 71% số ca bệnh nặng tập trung tại các vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), Provence-Alpes-Côte d’Azur, Haut-de-France và vùng hải ngoại Guyane.
Tỉ lệ nhiễm virus ở giới trẻ tăng mạnh
Cơ quan y tế Pháp ghi nhận ngày càng có nhiều trung niên, thanh niên nhiễm virus, nhất là những người ở độ tuổi 20-30.
Điều đáng lo ngại là ở lứa tuổi này, tỉ lệ những trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng lại rất cao, làm tăng khả năng lây lan ra cộng đồng, nhất là lây bệnh cho những người có vấn đề về sức khỏe, người cao tuổi …
Nhật báo Le Figaro dẫn số liệu của Tổng Vụ Y Tế, Bộ Y Tế Pháp, theo đó số ca nhiễm ở độ tuổi 14-44 đã tăng 69% so với tuần trước, trong đó có đến hơn 50% dương tính với virus corona nhưng không có triệu chứng.
Biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng ngoài trời
Trước tình trạng dịch bệnh ngày càng lan mạnh, hôm qua bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Veran thông báo các tỉnh trưởng có quyền ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời, tùy theo diễn biến dịch bệnh ở địa phương.
Trong ngày hôm qua, tỉnh trưởng Nord-Pas-de-Calais miền bắc nước Pháp sát với Bỉ, ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở một số khu vực của thành phố Lille kể từ 00h ngày 01/08. Biện pháp này có hiệu lực trong vòng 1 tháng và có thể được kéo dài trong trường hợp cần thiết. Lille là một trong những thành phố lớn và đông dân nhất nước Pháp.
Sáng hôm nay, theo Reuters, nhiều tỉnh trưởng cũng thông báo sẽ cho áp dụng quy định nói trên kể từ 00h ngày thứ Hai 03/08 tại nhiều thành phố. Nhiều chính khách cho rằng nếu bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời thì Nhà nước phải phát khẩu trang miễn phí cho người dân, bởi vì không phải gia đình nào cũng có tiền mua khẩu trang trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn.
Kinh tế Pháp suy giảm ở mức kỷ lục vì Covid-19
Thanh Hà
2 phút
Tổng sản phẩm nội địa của Pháp giảm 13,8% trong quý 2/2020. Đây là mức tệ hại chưa từng thấy. Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE trong báo cáo công bố ngày 31/07/2020 ghi nhận đây là quý thứ ba liên tiếp kinh tế Pháp sa sút.
Dưới tác động của dịch Covid-19, nước Pháp đang trải qua « giai đoạn đình đốn nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai ». Điều an ủi duy nhất là mức độ sụt giảm nói trên « nhẹ » hơn so với dự phóng được viện INSEE đưa ra một tháng trước đây. Khi đó cơ quan này lo ngại tổng sản phẩm nội địa của Pháp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 sẽ giảm 17%.
Bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire, nhìn nhận virus corona đã « giáng một đòn mạnh » vào kinh tế Pháp, dù vậy các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã « cho phép hóa giải được phần nào » những hậu quả tai hại dịch Covid-19 gây nên.
Kinh tế sụt giảm chủ yếu do tiêu thụ nội địa gần như đóng băng trong giai đoạn nước Pháp phong tỏa phòng dịch trong 2 tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5/2020. Chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình Pháp trong quý 1 và 2 năm nay theo thứ tự giảm 5,8% và 11% so với hồi 2019. Về phía các doanh nghiệp, chỉ số sản xuất trong báo cáo của INSEE giảm hơn 14% trong quý 2/2020. Tổng đầu tư của các doanh nghiệp giảm gần 18% trong quý hai sau khi đã giảm hơn 10% trong ba tháng đầu năm nay. Nhìn đến kim ngạch xuất khẩu của Pháp, trong ba tháng vừa qua đã mất hơn một phần tư so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Virus corona: GDP Mỹ giảm 32,9%
Nền kinh tế số 1 trên thế giới chính thức rơi vào suy thoái do GDP giảm liên tiếp trong hai quý 1 và 2/2020. Theo giải thích của bộ Thương Mại Mỹ ngày 30/07/2020, tiêu thụ nội địa hoàn toàn « sụp đổ » trong 6 tháng đầu năm dưới tác động của các biện pháp phong tỏa chống Covid-19.
Theo thẩm định của chính phủ Mỹ, trong quý 2/2020, tổng sản phẩm nội địa Hoa Kỳ giảm 9,5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Với đà này, GDP của Mỹ trong cả năm 2020 giảm gần 32%. Đây là mức tệ hại nhất kể từ năm 1947.
Đức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Hải Lam
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 31/7 thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, sau khi người đứng đầu đặc khu quyết định hoãn cuộc bầu cử địa phương một năm, theo hãng tin AFP.
“Việc chính phủ Hồng Kông quyết định loại bỏ nhiều ứng cử viên phe đối lập và hoãn cuộc bầu cử là hành động tiếp tục xâm phạm quyền công dân Hồng Kông”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết. “Với những diễn biến hiện tại, chúng tôi quyết định đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông”.
Tờ republicworld.com trích lời ông Mass: “Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ rõ ràng mong muốn rằng, Trung Quốc sẽ tuân thủ các trách nhiệm pháp lý của họ theo luật pháp quốc tế. Điều này bao gồm việc đảm bảo các quyền và sự tự do được quy định trong Luật cơ bản của Hồng Kông, đặc biệt là quyền bầu cử tự do và công bằng, mà người dân Hồng Kông vốn được hưởng”.
Phản ứng trước động thái của Đức, đại sứ quán Trung Quốc đã lên án Berlin vi phạm luật pháp quốc tế, can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh, đồng thời đe dọa sẽ đáp trả.
Trước Đức, Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh với thành phố bán tự trị. Nhiều quốc gia trên thế giới chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn mô hình Một quốc gia, Hai chế độ, vốn đảm bảo sự tự chủ của Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục.
Nơi làm món thịt nướng thần sầu
ngon nhất thế giới
Ben Groundwater
NGUỒN HÌNH ẢNH,BEN GROUNDWATERNhà hàng Asado Etxebarri gần như quá hoàn hảo. Thậm chí với những người đã từng dùng bữa ở đây, nơi đây ẩn chứa điều gì đó như bí ẩn trong tâm trí. Liệu chốn này có thật không? Liệu nó có thực sự tồn tại không?
Không gian nhà hàng không có chút sơ xuất nào: Axpe, một ngôi làng Basque nhỏ xíu nằm giữa dãy núi hiểm trở của Tây Ban Nha, sương mù bao phủ với những trảng có xanh biếc.
Nhà hàng là ngôi nhà nông trang nhỏ xây bằng đá bên cạnh nhà thờ, nơi có tiếng chuông rung, những sợi khói lẩn khuất bay lên từ ống khói và tan vào khí lạnh.
Ngôi làng Basque nhỏ xíu ở Axpe không có vẻ giống với khung cảnh mà một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới tọa lạc
Và ẩm thực. Một bữa ăn tại Etxebarri là đỉnh cao từ tinh hoa ngọn lửa, là khám phá cho thấy gỗ, khói và ngọn lửa giản đơn có thể trở thành kỹ nghệ nấu nướng khi chúng được khai thác và chế biến với những nguyên liệu ngon lành nhất.
Bạn sẽ được phục vụ món txuleta tại nhà hàng Etxebarri: là phần thăn bắp hay thăn bò, nướng tái trên than, vẫn để nguyên trên miếng sườn bò, đây là món kinh điển mà người vùng Basque mê đắm.
Nhưng còn trứng cá muối caviar, những viên trứng cá màu đen nhỏ xíu được làm nóng trên than hồng thì sao?
Hay còn loại phô mai mềm burrata thủ công được làm mỗi sáng từ sữa trâu hun khói nhẹ nhàng trong lò đun củi thì sao?
Hay món tôm đỏ tươi rói, nấu nguyên con bằng sức nóng của ngọn lửa hấp chín lớp thịt tôm bên trong vỏ cứng?
Đầu bếp Bittor Arguinzoniz từ nơi hẻo lánh này đã tự mày mò học và điều chỉnh truyền thống ẩm thực đã có từ hàng thế kỷ – nghệ thuật làm món thịt nướng của người Basque (gọi là “asador“), cách nướng trên củi, và đưa phương thức nấu nướng này lên tầm cao mới.
Đây là món ăn mà đầu bếp Arguinzoniz đã tạo ra bản sắc nấu nướng của riêng ông, phong cách chế biến định hình nhà hàng Etxebarri và giờ đây, thực sự đã định hình toàn bộ vùng quê Basque ở miền bắc Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, đây cũng là nền ẩm thực đậm truyền thống, văn hóa nấu nướng dùng ngọn lửa đã trải qua hàng ngàn năm và giờ đây vẫn phát triển mạnh mẽ trên khắp vùng đất tự trị và độc lập về văn hóa này.
Vai trò của bậc thầy món nướng hiển hiện khắp nơi ở vùng Basque Country: trong món sườn nướng than txuletas phục vụ ở quán rượu táo thô mộc; thể hiện ở món cá tuyết và cá bơn đại dương nướng trên than hồng trong các quán ăn dọc bờ biển nhìn ra Vịnh Biscay; trong các món ăn qua ngọn lửa hồng có
mặt trong thực đơn khắp nơi, từ những nhà hàng thượng hạng đến những quầy bar pintxos bình dâ n nhất, chuyên phục vụ món xiên nướng nhâm nhi ở những trung tâm ẩm thực hàng đầu như San Sebastian và Bilbao.
“Chúng tôi chỉ là bàn tay chuyển những món thực phẩm từ vùng quê, từ vườn nhà hay chợ cá đến bàn ăn,” Arguinzoniz, bậc thầy không đối thủ về món nướng parrilla, và là người thường có những phát ngôn khiêm tốn, nói.
“Không có gì giấu diếm đằng sau phương thức nấu nướng này. Nó có khả năng khiến bạn kinh ngạc nhờ vào những thành phần đơn giản nhất. Nó có thể khiến bạn yêu ngay ẩm thực vùng Basque, với nguyên liệu địa phương thu hoạch từ ngay trên mảnh đất này, các thành phần đó đã được sử dụng qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là điểm nhấn đặc biệt. Sẽ rất khó để xuất khẩu, nếu không nói là không thể, vì ra đến bên ngoài vùng Basque Country là dấu ấn này bị mất đi.”
Ngọn lửa. Đam Mê. Đó là mối liên hệ không thể tách rời giữa hai thành tố trên, và điều này hiển nhiên được minh chứng qua món nướng asadores ở vùng Basque.
Những quán ăn phục vụ món thịt nướng chính là điều khiến vùng quê xinh đẹp và con người nơi đây thật đặc biệt: gỗ trong lò nướng là từ vùng Basque, thịt bò áp chảo là bò từ vùng núi nơi đây; hải sản thu hoạch từ vùng nước sát bờ biển. Không có gì được nhập khẩu hay chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, một ý tưởng có vẻ như tràn đầy nét tinh túy Basque.
Tuy nhiên, thế giới đã để mắt đến nơi này. Nhà hàng Asador Etxebarri hiện đang xếp hạng ba trong những nhà hàng tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng 50 Nhà hàng Ngon nhất.
Restaurante Elkano, một nhà hàng thịt nướng khác ở thị trấn vùng biển Getaria, xếp hạng thứ 30.
Những nhà hàng này nằm giữa danh sách các nhà hàng đương đại sử dụng bọt, chất keo và những mánh khóe nấu ăn khác, nhưng với món nướng vùng Basque, điểm then chốt nằm ở việc kiềm chế ngọn lửa.
“Nấu ăn trực tiếp trên lửa bề ngoài nhìn có vẻ đơn giản,” Elena Arzak, đồng bếp trưởng ở nhà hàng Arzak ba sao Michelin ở vùng San Sebastian, nơi khai sinh ra món ăn hiện đại của vùng Basque, nói.
“Nhưng đây thực sự là một trong những phương thức nấu ăn phức tạp nhất. Nếu bạn đến bất cứ bãi cắm trại nào vào mùa hè, bạn sẽ bắt gặp mọi người nướng thịt với ít nhiều thành công. Thế nhưng sẽ là chuyện khác hẳn khi muốn nấu ăn kiểu này một cách hoàn hảo. Và nấu hoàn hảo là điều cực kỳ quan trọng với người Basque. Nó dựa vào sự nhạy cảm bẩm sinh nhưng luôn có thể tiến bộ dần qua quá trình tập luyện.”
Mặc dù phương thức này trông quá mức tuyệt kỹ qua bàn tay đầu bếp Arguinzoniz và những người như ông, nhưng nghệ thuật làm asador ở vùng quê Basque Country lại thật thân thuộc với tất cả mọi người ở đây.
Đây là món ăn cho số đông, thực phẩm cho mọi người. Chỉ cần ghé thăm một nhà bán rượu táo vào mùa xuân và xem những dẻ sườn liên tục được nướng qua than hồng, hết bàn ăn này đến bàn ăn khác tận hưởng món thịt ngon lành.
Hãy nhìn Elkano, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi đầu bếp Aitor Arregui phục vụ miễn phí cho cộng đồng của ông, nhận giúp ngư dân nướng các loại cá mới bắt được trên quầy nướng ngoài trời, để họ có món ngon mang về nhà thưởng thức.
Thực sự, Elkano là hình ảnh sống hoàn hảo minh họa cho lịch sử nấu nướng trực tiếp trên ngọn lửa ở vùng Basque, và là mối liên hệ thú vị giữa phong cách ẩm thực cực kỳ bản địa này với niềm đam mê khám phá, dịch chuyển của người Basque.
Nhà hàng được đặt theo tên của Juan Sebastián Elcano, một người Getaria bản địa từng trở thành thủy thủ đầu tiên đi vòng quanh thế giới.
Chính là Elcano và những người đi cùng ông, thủy thủ và ngư dân người Basque trong thế kỷ 15 -16, đã nướng cá bắt được trên ngọn lửa củi đun, và mang phương thức nấu nướng này về quê nhà.
Ngày nay, những ngôi làng ven biển như Geraria, Orio và Bermeo tiếp tục lãnh nhận trách nhiệm làm món nướng.
Rất lâu sau đó, vào cuối Thế kỷ 19 và đầu Thế kỷ 20, làn sóng người Basque di cư đến Argentina, mang theo chiếc txapelas - chiếc mũ nồi beret cổ điển kiểu Basque – cùng kỹ thuật làm nông và niềm đam mê cháy bỏng với món nướng đến quốc gia này.
Một số người khác giong buồm đến Mỹ, áp dụng kỹ thuật nướng thịt mà họ bắt gặp ở vùng biển Caribbe và giúp tạo ra nền văn hóa thịt nướng hiện diện mạnh mẽ khắp nơi ở nước Mỹ ngày nay.
Trong khi đó, những người quay về từ vùng Mỹ Latin đã tìm cách khơi lại ngọn lửa lò nướng củi ở vùng Basque Country vào thời thập niên 1960, tạo cảm hứng hồi sinh niềm đam mê nấu nướng tại nhà, và thật sự đã tạo ra những tiến bộ về cách sử dụng nhiên liệu và kỹ thuật nấu nướng, khi các đầu bếp bản địa bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật nướng truyền thống lâu đời.
“Một trong những món nướng tuyệt vời nhất ở vùng Basque Country bắt đầu vào thời gian này,” Arzak kể lại.
“Hai trong số những ngôi đền nướng thịt của chúng tôi, Casa Julian và Casa Nicolas, cả hai đều nằm ở Tolosa, bắt đầu sử dụng “than củi” , một loại than thủ công [thay vì sử dụng củi gỗ] để nướng thịt bò; vào khoảng cùng thời gian đó ở Getaria, Pedro Arregui của nhà hàng Elkano bắt đầu nướng cổ cá tuyết và sau đó nướng cả con cá bơn đại dương trên vỉ nướng than. Và từ những nhà hàng này, một thế hệ mới tiếp tục theo bước chân của họ.”
Trong thời gian bị hạn chế dịch chuyển, nướng thịt sành điệu là cách nấu ăn mà ta có thể thưởng thức mà không cần du lịch; hãy thử và tự mày mò nướng tại nhà. Chỉ cần lửa, và thêm thịt. Thật đơn giản.
Tuy nhiên, để thực sự trải nghiệm nghệ thuật nướng thịt, ta nhất thiết phải đến thăm vùng Basque Country. Hãy đến thăm một nhà hàng chuyên thịt nướng kiểu cổ điển như Trinkete Borda trên đồi phía trên Irun; đến quán Bedua dọc theo cửa sông gần Zumaia, Casa Julian ở Tolosa; Sidreria Zapiain ở Astigarriga; Elkano, Kaia-Kaipe và Iribar ở vùng Getaria thân thiện; Laia ở Hondarribia xinh đẹp.
Và tất nhiên, Asador Etxebarri, nơi có khói và ngọn lửa và đỉnh dãy núi Basque xinh đẹp và những nguyên liệu nấu nướng, được chế biến bởi chính tay của Arguinzoniz, trông huyền ảo như phép thuật giả kim huyền ảo.
Tất nhiên bạn cũng sẽ tìm thấy kỹ thuật nấu nướng hiện đại ở vùng Basque Country đã được cải tiến.
Hầu hết các nhà hàng hiện đại giờ đây đã sử dụng lò gas. Rất nhiều gia đình dân địa phương đã sử dụng bếp điện. Elena Arzak và nhóm làm việc cùng bà nghiên cứu các phương thức tương lai đã mua máy in 3D và đang thử với mực in có thể ăn được.
Nhưng không kỹ thuật nào có thể chạm vào tâm hồn người Basque và bộc lộ danh tính bản địa như vẻ đẹp và sự nguyên sơ của ngọn lửa. Đây là quê hương của người Basque, và vẫn là nơi họ vẫn sinh sống cho đến tận ngày nay.
“Thử thách lớn nhất với tôi là duy trì yếu tố bản sắc trong kỹ thuật nướng thịt Basque đồng thời cố gắng cởi mở đưa nó ra ngoài thế giới,” Arguinzoniz suy tư về con đường theo đuổi sự hoàn hảo.
“Chúng tôi luôn nhớ mình đến từ đâu và không bao giờ quên điều đó. Đó là điều quan trọng nhất.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Cảnh sát Hồng Kông truy bắt
6 nhà hoạt động ở nước ngoài theo luật an ninh
Hải Lam
Cảnh sát Hồng Kông đã phát lệnh bắt 6 nhà hoạt động dân chủ sống lưu vong với cáo buộc kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, theo bản tin ngày 1/8 của BBC.
Theo BBC, 6 nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền Hồng Kông nhắm đến là:
Simon Cheng, một cựu nhân viên lãnh sự quán Hồng Kông của Vương quốc Anh, người gần đây đã được cấp tị nạn chính trị ở Anh. Anh bị cảnh sát Trung Quốc bắt và tra tấn ở Thâm Quyến vào tháng 8/2019. Cảnh sát vu cáo anh là gián điệp, tham gia kích động tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.
Phản ứng trước các tin tức về lệnh bắt giữ, anh Cheng nói với BBC rằng anh vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng về các vấn đề ở Hồng Kông. “Chế độ toàn trị hiện đang kết tội hình sự đối với tôi tôi, và tôi sẽ coi đó không phải là một sự xấu hổ mà là một vinh dự”, anh nói.
Nathan Law, 27 tuổi, là cựu lãnh đạo phong trào Ô dù 2014 và cựu chủ tịch đảng Demosisto, cùng đảng với Hoàng Chi Phong. Gần đây, Nathan Law đã sang vương quốc Anh. “Tôi không biết ‘tội ác’ của mình là gì và tôi không nghĩ điều đó quan trọng. Có lẽ tôi yêu Hồng Kông quá nhiều”, anh viết trên Twitter.
Nathan Law cho biết anh thất vọng, sợ hãi khi phải sống lưu vong, và anh sẽ phải cắt đứt mối quan hệ của mình với gia đình ở Hồng Kông.
Samuel Chu là một công dân Hoa Kỳ. Anh là con trai của Mục sư Chu Yiu Ming – một trong những người sáng lập Phong trào dù vàng năm 2014.Anh Chu điều hành Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington DC. Nhà hoạt động cho biết lần cuối anh đến thăm Hồng Kông vào tháng 11/2019.
“Tôi có thể là người đầu tiên không phải công dân Trung Quốc bị nhắm tới, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Nếu tôi bị nhắm mục tiêu, thì bất kỳ người Mỹ cũng như bất kỳ công dân của quốc gia nào lên tiếng cho Hồng Kông đều có thể cũng như sẽ bị nhắm đến”, anh viết trên Twitter.
Ray Wong, một nhà hoạt động ủng hộ độc lập đã sang Đức vào năm 2017 và hiện đang ở Anh. Anh nói với BBC rằng danh sách những người lưu vong “bị truy nã” đã được đưa ra để đe dọa các nhà hoạt động dân chủ đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp của họ.
Lau Hong, còn được biết đến với tên Honcques Lau, là một thanh niên 18 tuổi ở Anh. Anh trở nên nổi tiếng vào tháng 11/2017 khi anh giơ một biểu ngữ ủng hộ độc lập bên cạnh trưởng đặc khu Carrie Lam.
“Hãy đến bắt tôi ở Anh”, anh nói với một nhà báo vào hôm 31/7.
Wayne Chan là một nhà hoạt động ủng hộ độc lập khác đang ở nước ngoài.
“Đối với tôi, tình huống mà người Hồng Kông phải đối mặt thậm chí còn nguy hiểm hơn những gì tôi phải đối mặt. Tôi không thể nghĩ quá nhiều về sự an toàn cá nhân của mình”, anh nói với hãng tin Reuters.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, 6 nhà hoạt động dân chủ trên bị truy nã vì “kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài”. Động thái này diễn ra khoảng một tháng sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. Một điều đáng chú ý của luật này là Điều 38, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia, cho dù được thực hiện ở nước ngoài, thậm chí bởi người nước ngoài, vẫn có thể bị truy tố. Tờ The Epoch Times nhận định, nếu chính quyền Trung Quốc có thể bắt giữ và kết tội bất cứ ai mà họ thấy “không hợp pháp” theo chủ kiến của họ, và điều này đang đe dọa người dân toàn thế giới.
Gần đây, Mỹ, Anh, Cananda, New Zealand và Đức đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia. Liên minh châu Âu hôm 28/7 đã quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hồng Kông các vật dụng hoặc thiết bị công nghệ có thể được sử dụng để trấn áp và giám sát.
Viện cớ dịch bệnh, Trưởng đặc khu Hồng Kông
hoãn một năm bầu cử dân chủ
Quý Khải
Trong một động thái chưa từng có, Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, đã trì hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm 2020 trong một năm. Bà thực thi quyết định này dựa trên Luật Khẩn cấp Hồng Kông, theo The Epoch Times.
Bà Lam cho biết bà viện đến Pháp lệnh Quy định khẩn cấp để trì hoãn việc bầu cử, đồng thời nói thêm rằng quyết định này được Bắc Kinh ủng hộ. Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc – cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc – sẽ quyết định phương thức lấp đầy khoảng trống lập pháp do quyết định trì hoãn bầu cử, bà nói.
“Bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2020 sẽ kết thúc khi luật khẩn cấp có hiệu lực”, ông Erick Tsang, Thư ký về các vấn đề Lập hiến và Đại lục, nói.
Cuộc gọi được công bố trong cuộc họp báo của chính phủ được tổ chức vào tối thứ Sáu. Bà Lam đã viện dẫn sự gia tăng cục bộ các ca nhiễm virus Vũ Hán như lý do cho việc trì hoãn một năm. Không có ngày tháng cụ thể nào được đưa ra ngoài thông báo về việc trì hoãn.
“Thông báo mà tôi phải đưa ra hôm nay là khó khăn nhất mà tôi đã thực hiện trong bảy tháng qua”, bà nói trong buổi họp báo.
Bà Lam cũng cho biết việc triệu tập hàng triệu nhân viên và cử tri, bao gồm cả những người già dễ bị tổn thương, trong ngày bỏ phiếu đã đe dọa sức khỏe cộng đồng của thành phố trong bối cảnh bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán gần đây. Bà cũng trích dẫn mối lo ngại đối với những thường trú nhân Hồng Kông bị mắc kẹt ở Trung Quốc đại lục và nước ngoài do lệnh hạn chế đi lại, cho biết họ sẽ “không thể” quay trở lại Hồng Kông để bầu cử.
Hôm thứ Sáu (31/7) đánh dấu ngày thứ mười liên tiếp ghi nhận số ca Covid-19 gia tăng ở mức ba chữ số ở Hồng Kông, với 121 ca mới.
AsiaWorld-Expo, khu vực kiểm phiếu ban đầu cho cuộc bầu cử, hiện đang được dùng làm như một cơ sở cách ly cộng đồng. Còn trạm kiểm phiếu dự phòng là Trung tâm Triển lãm & Thương mại Quốc tế Vịnh Cửu Long.
Tuyên bố này là một đòn giáng mạnh vào các đảng phái ủng hộ dân chủ, những người đang muốn chiếm kiểm soát đa số trong hội đồng lập pháp thành phố. Uy tín của các chính trị gia thân Bắc Kinh đã bị sụt giảm sau khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng.
Quyết định trì hoãn theo sau việc loại bỏ hàng loạt các ứng viên ủng hộ dân chủ chủ chốt sẽ ra tranh cử tại cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp sắp tới. Các ứng viên đã bị loại sau khi bị coi là không phù hợp để duy trì luật cơ bản của Hồng Kông hoặc lòng trung thành với chính quyền Hồng Kông vốn nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm (30/7) kêu gọi chính quyền Hồng Kông không trì hoãn các cuộc bầu cử.
“Chúng cần phải được tiến hành đúng thời hạn”, ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. “Người dân Hồng Kông xứng đáng có tiếng nói được đại diện bởi chính các quan chức do họ bầu ra … Nếu họ (Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông) phá hủy điều này, nó sẽ chỉ là một minh chứng khác cho thấy Hồng Kông giờ chỉ còn là một thành phố do chính quyền cộng sản điều hành.
Benedic Rogers, đồng sáng lập tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch ở Anh, cho biết đại dịch này chỉ là cái cớ để giới chức trách kiềm chế các quyền tự do.
“Đầu tiên họ loại bỏ những ứng viên dân chủ. Sau đó, họ trì hoãn các cuộc bầu cử. Đây không phải là vấn đề dịch COVID-19”, ông viết trên Twitter. “Đây là về nỗi sợ hãi của ĐCSTQ đối với việc bầu cử”.
Annie Boyajian, giám đốc vận động chính sách tại tổ chức vận động dân chủ và nhân quyền Freedom House, nói rằng việc trì hoãn bầu cử có thể sẽ gây nên rắc rối.
“Tuy rằng sức khỏe cộng đồng là một vấn đề quan trọng, nhưng việc trì hoãn chỉ nên là biện pháp sau cùng, và quyết định này cần được hỗ trợ bởi luật pháp và sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng các chính trị gia liên quan và các chuyên gia độc lập”, ông Boyajian nói trong một tuyên bố.
“Cộng đồng quốc tế rất quan ngại việc trì hoãn này trên thực tế chỉ là một mánh khóe chính trị nhằm giảm bớt sự nhiệt tình của cử tri, nhằm cấp thêm thời gian để loại bỏ hoặc truy tố các ứng viên ủng hộ dân chủ, và dẹp tan các bất đồng chính kiến”.
Bị bác yêu sách trên Biển Đông,
Bắc Kinh gởi công hàm tố lại Úc
Công hàm của Trung Quốc đã gọi hành động của Úc là ‘sai trái’ và nhấn mạnh việc Úc ‘phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ’.
Công hàm đề ngày gởi là 29-7 được đăng tải trên trang web của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30-7, cùng ngày với một công hàm khác của Malaysia.
Trung Quốc đã phản pháo lại tất cả các nội dung trong công hàm ngày 23-7 của Úc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu ra được điều luật nào của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong công hàm ngày 29-7 để chứng minh các yêu sách trên Biển Đông là đúng luật.
“Các hành động sai trái của Úc như bỏ qua các sự kiện cơ bản trong vấn đề Biển Đông, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ”, công hàm của Bắc Kinh cáo buộc.
Giống như các công hàm trước đó, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên khẳng định chủ quyền đối với “Nam Hải chư đảo”, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa và “quần đảo Trung Sa” (thực chất là bãi ngầm Macclesfield với các thực thể chìm hoàn toàn dưới nước).
Yêu sách này được gọi chung là “Tứ Sa” đã bị Úc bác bỏ trong công hàm ngày 23-7 với lý do không phù hợp với UNCLOS 1982.
Úc cũng dẫn ra một loạt các điều khoản khác của công ước để bác bỏ đường cơ sở thẳng do Trung Quốc tự vẽ, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Đáp trả lại, Bắc Kinh nhấn mạnh yêu sách chủ quyền và các quyền lợi hàng hải liên quan ở Tứ Sa, bao gồm cả đường cơ sở trên Biển Đông là “phù hợp với UNCLOS 1982 và luật quốc tế”. Trên cơ sở đó, nước này cho rằng “có quyền tiến hành các hoạt động xây dựng trên các đảo và đá liên quan trên Biển Đông” – ám chỉ các đảo nhân tạo phi pháp.
Về phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS, Trung Quốc tiếp tục phủ nhận tính hợp pháp của tòa án và phán quyết đã bác bỏ quyền lịch sử, yêu sách 9 đoạn của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đây là công hàm và công thư thứ 7 Bắc Kinh gởi lên CLCS để thể hiện quan điểm, theo sau việc Malaysia đơn phương đệ trình yêu sách ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông tháng 12-2019.
TQ và Ấn Độ vẫn chưa hoàn tất
việc rút quân khỏi biên giới
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ phủ nhận thông tin Ấn Độ và Trung Quốc đã hoàn thành việc rút quân tại hầu hết các địa điểm trên tuyến biên giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân mới đây tuyên bố, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rút khỏi hầu hết các địa điểm trên đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và hai nước vẫn duy trì đối thoại qua các kênh ngoại giao và quốc phòng. Tuy nhiên, trong buổi họp báo thường kỳ chiều 30/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho rằng, thông tin này là không chính xác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay: “Đã có một số tiến bộ hướng tới mục tiêu này nhưng quá trình rút quân, giảm đối đầu vẫn chưa hoàn tất. Các chỉ huy cấp cao của hai bên sẽ gặp nhau trong những ngày tới để đàm phán triển khai các bước đi tiếp theo”.
Phía Ấn Độ cũng nhắc lại rằng, “duy trì hòa bình và yên tĩnh tại khu vực biên giới” là nền tảng của mối quan hệ song phương Ấn – Trung. Ông Srivastava cũng bày tỏ mong muốn phía Trung Quốc hợp tác chân thành để hoàn tất việc rút quân, giảm leo thang căng thẳng và khôi phục hòa bình tại khu vực này sớm nhất có thể như Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới của hai nước đã cùng nhất trí.
Khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ về tiến độ rút quân khỏi khu vực dọc đường LAC xuất hiện sau cuộc gặp hôm thứ 6 tuần trước trong khuôn khổ Cơ chế làm việc để tham vấn và điều phối về vấn đề biên giới. New Delhi kêu gọi Bắc Kinh “triển khai một cách chân thành” nhận thức chung về việc rút quân mà chỉ huy cấp cao của quân đội hai nước đã đạt được.
Bắc Kinh gọi tên mới cho vùng nước gần Hoàng Sa
Bắc Kinh gần đây đã sử dụng từ ngữ mới trong quy định về hàng hải đối với vùng nước giữa quần đảo Hoàng Sa với đảo Hải Nam, một động thái được một số chuyên gia nước ngoài đánh giá là nhằm mục đích tăng mức kiểm soát của Trung Quốc với vùng nước tranh chấp.
Trong quy định về giao thông hàng hải mới được sửa đổi, Bắc Kinh đã gọi vùng nước giữa quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam là “bờ biển” thay vì “ngoài khơi” như trước kia.
Hoàng Sa là quần đảo hiện do Trung Quốc chiếm đóng nhưng là quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Quy định sửa đổi của Trung Quốc, theo trang tin The South China Morning Post, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/8.
The South China Morning Post trích lời Zhang Jie, một chuyên gia về Biển Đông của Viện Xã hội học của Trung Quốc, nói rằng việc thay đổi từ ngữ này nhằm mục đích tăng cường quản lý bằng luật địa phương đối với quần đảo Hoàng Sa.
Chuyên gia này cho rằng mặc dù việc thay đổi từ ngữ có thể không gia tăng khả năng kiểm soát của Trung Quốc nhưng nó có tác động về quản lý.
Hồi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã thiết lập hai huyện đảo ở Biển Đông để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện đảo Nam Sa quản lý Trường Sa, huyện đảo Tây Sa quản lý Hoàng Sa.
Một số nước ở Đông Nam Á bao gồm Việt Nam mới đây đã liên tục gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc để phản đối các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì cho rằng các đòi hỏi này đi ngược lại với luật quốc tế.
Hoa Kỳ và Úc mới đây cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách này của Trung Quốc.
Ý đồ của TQ khi điều oanh tạc cơ tập trận ở Biển Đông
Việc Trung Quốc vừa điều động các máy bay ném bom hạng nặng H-6G và H-6J tập trận ở Biển Đông khiến giới chuyên gia quốc tế đặt ra nhiều lo ngại.
Đêm 30.7, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tập trận ở khu vực Biển Đông.
Từ bãi Chữ Thập, các chiến đấu cơ H-6G và H-6J trên của Trung Quốc có thể tiến hành những phi vụ đe dọa trực tiếp eo biển Malacca, eo biển Sudan và eo biển Lombok. Như thế, cả khu vực rộng lớn ở phía nam của Biển Đông đều nằm trong tầm tác chiến của các máy bay chiến đấu trên
Cũng vào ngày 30.7, tài khoản Twitter của tờ Nhân Dân nhật báo ngày 30.7 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết về một cuộc tập trận không quân tại Biển Đông “đã đạt được các kết quả mong muốn từ các chiến đấu cơ”. Còn tài khoản Twitter của tờ Hoàn Cầu thời báo thì thông tin rằng lực lượng không quân thuộc hải quân của chiến khu miền nam Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận tại Biển Đông có sự tham gia của oanh tạc cơ H-6G và H-6J cùng một số loại máy bay khác.
Theo tờ South China Morning Post, cuộc tập trên không được công bố chi tiết về thời gian cũng như địa điểm cụ thể nào ở Biển Đông. Tuy nhiên, nội dung tập trận bao gồm các nội dung như tác chiến ban đêm và tiến hành tấn công mục tiêu trên biển.
Oanh tạc cơ hỏa lực mạnh
Ngày 31.7, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết: “Máy bay H-6G và H-6J thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, các dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa hành trình. Bên cạnh đó, H-6G và H-6J đều được trang bị khả năng tác chiến điện tử, nên cuộc tập trận có thể kết hợp cả phần gây nhiễu”.
Malaysia tiếp tục gửi công hàm bác bỏ “đường lưỡi bò”
Malaysia đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, theo tờ South China Morning Post. Trong công hàm trình LHQ ngày 29.7, Malaysia phản đối “mọi nội dung” công hàm CML/14/2019 được Trung Quốc gửi ngày 12.12.2019, đồng thời bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò”.
Trong công hàm trên, Malaysia nêu rằng các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và thực chất về quyền lợi hàng hải của Trung Quốc được quy định trong công ước.
Huỳnh Thiềm
Cũng trả lời Thanh Niên ngày 31.7, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Dòng chiến đấu cơ H-6 là máy bay ném bom hạng nặng của Trung Quốc được phát triển từ dòng máy bay Tu-16 của Liên Xô. Tu-16 được bay thử lần đầu vào năm 1952. Vì vậy, H-6 thực sự là thế hệ máy bay rất cũ. Tuy nhiên, oanh tạc cơ H-6 được Trung Quốc trang bị nhiều phương tiện và vũ khí, trong đó bao gồm nhiều loại tên lửa hành trình tấn công tàu chiến, và kết hợp tác chiến cùng các hệ thống tên lửa được phóng từ mặt đất. Vì thế, H-6 là dòng oanh tạc cơ có vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc”.
Đe dọa khu vực rộng lớn
“Phạm vi chiến đấu của những chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia tập trận gần đây giải mã phần nào mưu đồ của Bắc Kinh thông qua các động thái này”, TS Nagao đánh giá và chỉ ra thêm: “Vừa qua, Trung Quốc điều động máy bay tiêm kích J-11 (có phạm vi chiến đấu 1.500 km) và chiến đấu cơ JH-7 (900 km) tập trận. Và đến nay thì H-6G và H-6J có tầm chiến đấu 1.800 km và mang theo tên lửa hành trình chống tàu chiến với tầm bắn từ 1.500 – 1.800 km”.
Trong khi đó, tại các bãi cạn Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, thì Bắc Kinh đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar… Theo một nghiên cứu được công bố bởi Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) vào năm 2018, hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi đáp ứng cho dòng máy bay H-6 hoạt động.
“Từ bãi Chữ Thập, các chiến đấu cơ H-6G và H-6J trên của Trung Quốc có thể tiến hành những phi vụ đe dọa trực tiếp eo biển Malacca, eo biển Sudan và eo biển Lombok. Như thế, cả khu vực rộng lớn ở phía nam của Biển Đông đều nằm trong tầm tác chiến của các máy bay chiến đấu trên. Sự tham gia tập trận của H-6G, H-6J còn mang thông điệp có thể kết hợp hệ thống hỏa lực trên mặt đất để tấn công tàu chiến”, TS Nagao nhận định. Thông điệp đó hướng đến tàu chiến nhiều bên đang hoạt động tại khu vực và tất nhiên bao gồm các chiến hạm Mỹ thường xuyên có mặt tại vùng biển này gần đây.
“Trong tương lai, như Bắc Kinh từng tiết lộ, thì tên lửa chống hạm DF-21 sẽ có phiên bản được phóng từ máy bay chiến đấu dòng H-6. Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch này vào năm 2025 và tầm bắn của DF-21 lên đến 3.000 km. Khi đó, dù oanh tạc cơ H-6 khá cũ nhưng vẫn cung cấp cho Trung Quốc hỏa lực rất mạnh”, TS Nagao nhận xét thêm.
Ông cũng dự báo: “Máy bay chiến đấu H-6 của Trung Quốc vẫn lỗi thời hơn các dòng oanh tạc cơ B-1 Lancer và B-2 Spirit của Mỹ. Hiện tại, Mỹ đã triển khai oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì thế, cuộc cạnh tranh giữa oanh tạc cơ ở khu vực này sẽ còn leo thang trong thời gian tới”.
Tin tặc Trung Quốc do thám
hãng phát triển vắc xin COVID-19 của Mỹ
Triệu Hằng
Tin tặc do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã nhắm mục tiêu vào hãng công nghệ sinh học Moderna có trụ sở ở Mỹ, nhằm đánh cắp các nghiên cứu vắc xin Covid-19 có giá trị gần nửa tỷ đô la.
Thông tin trên được một quan chức an ninh Hoa Kỳ chuyên theo dõi hoạt động của tin tặc Trung Quốc cho biết hôm 31/3, theo Reuters.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khởi tố hai công dân Trung Quốc tên Lý Khiếu Vũ và Đổng Gia Trí với cáo buộc gián điệp 3 mục tiêu tại Mỹ có tham gia nghiên cứu y tế nhằm phòng chống virus corona chủng mới.
Một trong 3 mục tiêu là Moderna, trụ sở ở bang Massachusetts. Hãng này đã nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 từ tháng Một.
Bản cáo trạng nêu rõ các tin tặc Trung Quốc “đã tiến hành do thám” tấn công hệ thống mạng máy tính của Moderna.
Moderna từng công bố “ứng cử viên” vắc xin Covid-19 của mình vào tháng 1, xác nhận với Reuters rằng hãng đã biết về các “hoạt động do thám thông tin” của nhóm tin tặc nêu trên.
“Ứng cử viên” vắc xin của công ty Moderna được chính phủ Trump hỗ trợ phát triển với ngân sách gần nửa tỷ USD và giúp Moderna triển khai thử nghiệm lâm sàng lên tới 30.00 người vào hồi đầu tháng nay.
Trung Quốc nói Ấn Độ đừng ‘tách rời’,
hai nước cần chung sống không thể thiếu nhau
Hương Thảo
Reuters cho hay, Trung Quốc vào ngày 30/7 cảnh báo Ấn Độ rằng, việc “ép buộc tách rời” nền kinh tế giữa hai nước sau các cuộc đụng độ biên giới trên dãy núi Himalaya vào tháng trước, sẽ làm tổn thương cả hai bên.
Đại sứ Trung Quốc nói, Trung Quốc không phải là mối đe dọa chiến lược đối với Ấn Độ, và rằng “cấu trúc chung mà trong đó hai nước không thể sống thiếu nhau vẫn không đổi”.
Tuyên bố được đưa ra sau những động thái gần đây của New Delhi nhằm cấm hoặc gạt sang bên lề những lợi ích kinh tế ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới, thậm chí còn duy trì căng thẳng biên giới với việc điều thêm nhiều binh sĩ tới khu vực hơn bình thường.
“Trung Quốc ủng hộ hợp tác đôi bên cùng có lợi, và phản đối một trò chơi có tổng bằng không”, Đại sứ Sun Weidong viết trên Twitter.
“Hai nền kinh tế của chúng ta có tính chất bổ sung, đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Việc ép buộc tách rời là trái với xu hướng và sẽ chỉ dẫn đến một kết quả thua thiệt”, ông Sun viết.
Giới chức của hai nước láng giềng vũ trang hạt nhân đã thường xuyên đàm phán để giảm leo thang căng thẳng biên giới sau cuộc đụng độ ngày 15/6 tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh của Ấn Độ, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Ấn Độ cho biết các binh sĩ của họ đã bị đánh chết bằng đá và gậy gắn đinh.
Các quan chức Ấn Độ nói rằng quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh địa của họ ở khu vực phía tây xa xôi, trong khi Trung Quốc nói rằng họ không vi phạm biên giới tranh chấp và đã yêu cầu Ấn Độ kiềm chế quân đội tiền tuyến.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một cuộc họp ngắn trực tuyến rằng, quá trình rút bớt binh lính theo thỏa thuận của hai bên vẫn chưa được hoàn thành, và một vòng đàm phán cấp chỉ huy khác sẽ sớm được tổ chức.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột tồi tệ nhất giữa hai quốc gia khổng lồ này trong nhiều thập niên có khả năng đẩy Ấn Độ đến gần Mỹ hơn, cả về chiến lược và thương mại.
Trung Quốc và Ấn Độ từng xung đột biên giới vào năm 1962, và Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan, một kẻ thù lâu đời của Ấn Độ.
Dữ liệu dự trữ lương thực của Trung Quốc
rất đáng ngờ
Bình luậnNguyễn Minh
Trung Quốc tuyên bố có trữ lượng ngũ cốc lớn nhất thế giới, bằng khoảng 45% lượng tiêu thụ hàng năm của nước này; nhưng nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu của quốc gia này lại đánh giá con số đó là “giả”.
An ninh lương thực là nền tảng của sự ổn định kinh tế xã hội ở Trung Quốc, vì quốc gia này chiếm 19% dân số thế giới nhưng diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm 7% trên thế giới. Dữ liệu về quy mô và chất lượng của trữ lượng ngũ cốc là vấn đề rất nhạy cảm với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đến mức Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu Cục Dự trữ và Thực phẩm Nhà nước thiết lập một “hệ thống đánh giá bí mật” do nhân viên có đủ “phẩm chất chính trị” thực hiện.
Ngày 7/3, văn phòng quản lý ngũ cốc báo cáo rằng có tổng số 5.388 doanh nghiệp xử lý khẩn cấp thuộc sở hữu nhà nước và 4.264 doanh nghiệp chỉ mới hình thành.
Không có công bố nào về dữ liệu chính thức của trữ lượng ngũ cốc, nhưng một chuyên gia dự đoán rằng vào cuối năm 2015, tổng trữ lượng ngũ cốc đạt 300 triệu tấn, theo kênh Caixin của Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp cho biết nước này đã tiêu thụ khoảng 650 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2014, có nghĩa là tỷ lệ giữa số lưu trữ và số tiêu thụ là khoảng 45%, trong khi mức an toàn là 17% đến 18% theo mức mà Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ (FAO) đặt ra.
Tuy nhiên, nhà nông học Yuan Longping – người được mệnh danh là cha đẻ của gạo lai, lập luận rằng với việc các trung tâm chế biến phải trả khoảng 75 nhân dân tệ (khoảng 250.000 VNĐ) cho mỗi tấn ngũ cốc được lưu trữ, cho thấy việc thanh toán theo khối lượng dẫn đến “báo cáo các số lượng lưu trữ giả để nhận được tiền [cho lưu trữ]”.
Trung Quốc cần dự trữ lương thực cao hơn mức tiêu chuẩn FAO đưa ra. Một phân tích năm 2019 được công bố trên tạp chí MDPI của Trung Quốc có tiêu đề “Tác động của khí hậu đối với an ninh lương thực ở Đại lục” đã chỉ ra rằng, các thảm họa tự nhiên trong 40 năm qua đã làm giảm ít nhất 15% sản lượng lương thực hàng năm. Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các thảm họa tự nhiên, bao gồm cả thời gian lũ lụt kéo dài xảy ra trong 200 năm qua, dẫn đến tỷ lệ mất mùa lên tới hơn 70%.
Mùa mưa và lũ lụt hàng năm ở Trung Quốc có xu hướng đạt cực đại trong tháng Bảy và tháng Tám, nhưng năm nay đã có 31 ngày mưa liên tục kéo dài từ ngày 2/7. Hơn 433 con sông đã bị ngập lụt trong đợt thiên tai lũ lụt tồi tệ nhất nước này kể từ năm 1940. Đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới với dung tích hồ chứa 5 nghìn tỷ gallon nước, đã buộc phải mở tất cả các cửa xả lũ và xả 28 mẫu nước mỗi giây xuống vùng hạ lưu.
Khoảng 45,2 triệu người Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do lũ lụt tàn phá 27 tỉnh dọc theo sông Trường Giang, sông Hoài và sông Hoàng Hà. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã ban hành một “Cảnh báo số
1” về trận lũ lụt ở miền nam Trung Quốc với mưa lớn đạt kỷ lục 42,7 cm trong vòng 30 giờ kể từ ngày 4/7. Dự báo mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn đến hết tháng Bảy, trong khi tháng Tám thường là tháng mưa nhiều nhất.
Giá ngô tăng 27%, lên mức cao nhất trong 5 năm qua là 2.306 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu VNĐ) mỗi tấn. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mua 1.365 triệu tấn ngô của Mỹ vào ngày 10/7. Ngày 14/7, Trung Quốc tiếp tục mua số lượng ngô kỷ lục là 1,762 triệu tấn trong một ngày.
Ngày 21/7, Reuters đưa tin, Cục Dự trữ và Lương thực Nhà nước đang bán 10 triệu tấn gạo với mức giá thấp chấn động là 1.000 nhân dân tệ / tấn (3 triệu VNĐ). Các thương lái có liên quan cho rằng việc giảm giá bán với khối lượng lớn như vậy từ kho dự trữ quốc gia có thể là một nỗ lực để gây sốc giá thị trường khiến giá cả giảm trong tương lai.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Spectator: Gần 100 tội phạm tham nhũng
trong quá trình xây dựng đập Tam Hiệp
Minh Hòa
“Dự án đập Tam Hiệp là một phép ẩn dụ tương xứng với Trung Quốc hôm nay”, theo Spectator.
Tổ chức Spectator của Úc tiết lộ hôm thứ Năm (30/7) rằng đã có gần 100 khiếu nại tham nhũng trong quá trình xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới – đập Tam Hiệp, hiện đang căng thẳng dưới áp lực của lũ lụt đạt mức kỷ lục thế kỷ.
Theo tác giả John Hayward, trên Breitbart, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không muốn thảo luận về việc có bao nhiêu phần của công trình này có thể đã bị cắt giảm do các khoản tiền bị ăn cắp từ dự án trị giá 30 tỷ USD.
Các quan chức Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp là hoàn toàn an toàn, những sự xô lệch về kết cấu được thừa nhận gần đây đều nằm trong phạm vi an toàn của nó, và những lo ngại chỉ là sự sợ hãi vô trách nhiệm bởi những thế lực thù địch nước ngoài mong muốn phá hủy niềm tin của công chúng vào chính phủ Trung Quốc.
Spectator lưu ý một sự thật nghiệt ngã rằng, các quan chức ĐCSTQ đã từng khẳng định giống như vậy về một số con đập khác ngay trước khi chúng sụp đổ. ĐCSTQ cũng từng mạnh tay đàn áp các bác sĩ cố gắng thu hút sự chú ý đến virus Vũ Hán trong những ngày đầu của đại dịch, và tương tự “những lời chỉ trích dự án Tam Hiệp” đã từng bị cấm. Nhưng đến khi chính quyền này buộc phải thừa nhận vào đầu tháng 7 rằng những bức tường của đập Tam Hiệp đang bị “rò rỉ, dịch chuyển, và biến dạng” thì thực tế còn nghiêm trọng, đáng báo động hơn.
“Đây là sự nghi ngờ hợp lý bởi vì trong quá trình xây dựng đã có gần một trăm trường hợp tham nhũng, hối lộ và tham ô được báo cáo, trong đó có 16 trường hợp liên quan trực tiếp đến việc xây dựng”, tổ chức Spectator cho biết.
“Nhà bảo trợ chính của đập Tam Hiệp, cựu Thủ tướng Lý Bằng, đã sử dụng quyền lực của mình để bổ nhiệm người thân vào các vị trí cấp cao trong công ty xây dựng. Khi con đập hoàn thành, hàng trăm nghìn cư dân bị cưỡng bức di dời đã bị từ chối các quyền lợi tái định cư đầy đủ của họ. Gia tộc của ông Lý cuối cùng đã kiểm soát 15% ngành sản xuất điện của Trung Quốc”, báo cáo cho biết thêm.
“Dự án đập Tam Hiệp là một phép ẩn dụ tương xứng với Trung Quốc hôm nay. Với đầy những lời hứa hẹn và phô trương vào thời điểm đó, nó đã thất bại trong mục tiêu ban đầu là giảm thiểu lũ lụt“, Spectator kết luận.
Trong khi hoan nghênh tinh thần công dân và quyết tâm của một người tên Mei Junzhou ở phía đông tỉnh Giang Tây, hãng tin tức nhà nước Tân Hoa Xã đã vô tình thừa nhận tình trạng kiểm soát lũ là bấp bênh hơn những tuyên bố trước đây của ĐCSTQ:
“Khoảng giờ ăn tối vào ngày 11/7, mực nước tại Dương Tử vượt quá mốc an toàn 22,4 mét, đặt ra mối nguy hiểm nghiêm trọng cho ngôi làng gần đó”, ông Mei nói. “Nước lũ đang dâng cao, và tôi thấy một chỗ rò rỉ ở mặt sau của bờ kè. Tôi đã gửi cho các chuyên gia ngay lập tức”.
Sau khoảng một giờ nỗ lực, các chuyên gia đã có thể ngăn chặn rò rỉ. “Nếu tôi phát hiện ra sự rò rỉ muộn một giờ, bờ kè sẽ gặp nguy hiểm”, ông Mei nói thêm.
Trạm số 85 là trạm nguy hiểm nhất ở Giang Tân Châu vì nước lũ được nắn dòng chuyển hướng ở vị trí đó. Con đê ở đó phải đối mặt với những con sóng dữ dội nhất. Kể từ tháng 7, Mei Junzhou hiếm khi được ngủ trước 2 giờ sáng.
Tờ Daily Mail của Anh đã ghi nhận, sự căng thẳng trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc trở nên còn cao hơn vào tuần trước bởi sự lan truyền của một video không rõ nguồn gốc, mô phỏng những gì có thể xảy ra nếu đập Tam Hiệp sụp đổ hoàn toàn.
Tờ Asia Times hôm thứ Năm dẫn lời một giáo sư giấu tên tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng sự thừa nhận “hiếm hoi” của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng đập Tam Hiệp “chỉ bị biến dạng một chút khi giữ nước mưa để bảo vệ các thành phố ở hạ lưu như Vũ Hán” có thể là một dấu hiệu thay đổi thái độ giữa các các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ về các dự án lớn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện dường như đã biến mất khỏi kế hoạch của Trung Quốc trong tương lai.
“… Liệu đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi thái độ đối với con đập này và các dự án thủy điện lớn khác? Việc xây dựng con đập bắt đầu từ những năm 1990 trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của Giang Trạch Dân. Thủ tướng Lý Bằng, cấp phó của ông ta, là người đề xướng hàng đầu. Các nhà lãnh đạo hàng đầu hiện nay có thể đã trở nên ít say mê với các dự án như thế này, đặc biệt là kể từ khi ông Lý qua đời năm ngoái, và lão trùm Giang Trạch Dân, giờ đã ở tuổi cao niên, cũng suy yếu dần”, giáo sư này suy đoán.
Ngoài việc Giang Trạch Dân không còn hợp thời, tờ Asia Times cũng lưu ý rằng các kỹ sư và nhà khoa học Trung Quốc đang ngày càng táo bạo khi đặt câu hỏi về giá trị của đập Tam Hiệp như là một biện pháp phòng chống lũ lụt.
Một kỹ sư Trung Quốc ước tính con đập chỉ có thể kìm hãm khoảng chín phần trăm trận lũ năm nay, điều này thực sự không thấm vào đâu trước các giả định về trường hợp xấu nhất mà Tam Hiệp được thiết kế để đối phó. Những người khác cho rằng con đập thực sự đã bị nứt lớn trước khi thời tiết cải thiện đôi chút trong vài tuần qua, và có thể đã thất bại thảm hại nếu mô hình mưa tháng Sáu vẫn tiếp tục không suy giảm.
Theo John Hayward, Breitbart
Minh Hòa biên dịch
Lũ kéo về phía bắc, Bắc Kinh và Thiên Tân
đã có thể ‘ngắm biển’
Bình luậnMinh Thanh
Những ngày gần đây, nhiều nơi ở miền bắc Trung Quốc cũng xuất hiện những cơn mưa lớn. Ngày 31/7, một số nơi thuộc thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân đã xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, có thể bắt đầu “nhìn thấy biển”. Điều này khiến các phương tiện khó lưu thông. Vào ngày 30/7, thành phố Tây An cũng bị ngập lụt.
Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, mưa lớn đã xảy ra ở hầu hết các khu vực của Bắc Kinh vào chiều ngày 31/7. Cơn mưa to nhất xảy ra ở khu vực cầu Tứ Nguyên thuộc quận Triều Dương, lượng mưa ở đây lên tới 107 mm trong vòng 1 giờ và tổng lượng mưa cuối cùng đo được là 124,3 mm. Một số nơi ở Bắc Kinh có lượng mưa tương đối nhiều, kèm theo đó là gió mạnh trên cấp 6 trong thời gian ngắn và mưa đá. Tổng cộng có 22 tuyến đường giao thông công cộng ở Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng.
Video chia sẻ trên mạng Internet cho thấy tại Bắc Kinh xuất hiện sấm sét, tia chớp, mưa to và gió lớn. Khi cơn mưa dữ dội nhất, trông nó giống như một “thác nước” đang đổ xuống.
Ngoài ra, Thiên Tân, Tây An và các nơi khác cũng xuất hiện mưa lớn nên đường phố bị ngập úng nghiêm trọng. Lúc 13h ngày 31/7, Đài quan sát khí tượng Thiên Tân đã nâng cấp cảnh báo mưa bão màu xanh lên màu vàng và cho biết tại khu vực quận nội thành, quận Tĩnh Hải và các nơi khác có lượng mưa đạt trên 50 mm; dự báo trong 6 giờ tới sẽ tiếp tục có mưa lớn ở hầu hết các khu vực ở Thiên Tân.
Theo truyền thông Đại Lục, vào chiều ngày 30/7, đã có một trận mưa lớn bất ngờ xảy ra ở thành phố Tây An. Vào lúc 4h21 chiều cùng ngày, Tây An đã đưa ra cảnh báo mưa bão màu cam, tuyên bố rằng trong vòng 3 giờ tới, các quận Liên Hồ, Bá Kiều, Vị Ương, Nhạn Tháp, Lâm Đồng, Tân Thành và Bi Lâm sẽ có lượng mưa lên tới trên 50 mm.
Theo dữ liệu lớn của trang mạng thời tiết Trung Quốc, khu vực Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc chủ yếu có mưa vào tháng 7 và tháng 8, và lượng mưa đỉnh điểm sẽ rơi vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Thời điểm có lượng mưa nhiều nhất trong năm của các khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Tế Nam, Thẩm Dương, v.v. cũng là vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.
Minh Thanh
Theo NTDTV
Philippines thành điểm nóng
khi 1 ngày gần 5.000 người nhiễm Covid-19
Triệu Hằng
Philippines ghi nhận số trường hợp nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng theo cấp số nhân.
Theo Reuters, Philippines hôm thứ Bảy (1/8) báo cáo 4.963 người nhiễm nCoV, mức tăng lớn nhất trong một ngày so với từ trước tới nay. Bộ Y tế Philippines cho biết tổng cộng số ca nhiễm là 98.232, trong khi số người tử vong tăng từ 17 lên 2.039. Trong khu vực, Philippines đứng thứ hai sau Indonesia về số trường hợp nhiễm và tử vong vì virus Vũ Hán.
Trong một lời kêu gọi lớn nhất từ các chuyên gia y tế đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, 80 nhóm đại diện cho 80.000 bác sĩ và một triệu y tá đã cảnh báo rằng, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ sụp đổ do các ca lây nhiễm Covid-19 tăng vọt, trong khi đó ở thủ đô và các tỉnh lân cận chính quyền thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Hơn một triệu bác sĩ và y tá Philippines nói rằng đất nước đang thua trong chiến dịch chống Covid-19, và họ kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte tái áp đặt lệnh phong tỏa Manila và khu vực xung quanh.
Cũng trong thứ Bảy, Nga ghi nhận 95 trường hợp tử vong do virus corona, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 14.058. Giới chức Nga báo cáo 5.462 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 845.443. Trong bối cảnh Covid-19 lan nhanh, hàng ngàn người hôm nay tuần hành tại thành phố Khabarovsk thuộc vùng viễn đông Nga cho cuộc biểu tình cuối tuần lần thứ tư liên tiếp, phản đối việc tổng thống Vadimir Putin xử lý một cuộc khủng hoảng chính trị địa phương.
Indonesia báo cáo 1.560 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 1/8, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á lên tới 109.936, theo dữ liệu từ lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của nước này. Báo cáo cũng cho biết, 62 trường hợp tử vong có liên quan tới dịch bệnh, đưa tổng số ca tử vong toàn quốc lên tới 5.193.
Công hàm của Malaysia phản đối yêu sách
của Trung Quốc nói lên điều gì?
Phan Huyền Thư
Malaysia đưa công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc
“Cuộc chiến công hàm” tại Liên hợp quốc (LHQ) giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông đã có chuyển biến mới khi Malaysia gửi công hàm bác bỏ tuyên bố trước đó của Trung Quốc nói rằng Kuala Lumpur không có quyền xin thiết lập thềm lục địa ở vùng biển phía Bắc của Biển Đông.
Ngày 29/7, Phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ đã gửi công hàm số HA26/20 tới Tổng thư ký LHQ, trong đó khẳng định định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Theo phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ, công hàm HA26/20 thể hiện quan điểm của quốc gia Đông Nam Á này đối với công hàm CML/14/2019 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ.
Nội dung công hàm của Malaysia khẳng định bản đệ trình mà nước này gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) LHQ ngày 12/12/2019 đối với thềm lục địa mở rộng ngoài phạm vi 200 hải lý trong khu vực phía Bắc Biển Đông, tính từ đường cơ sở, được thực hiện theo đúng cam kết về nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phù hợp với các quy định của UNCLOS cũng như Quy tắc tố tụng của CLCS. Công hàm nhấn mạnh, Chính phủ Malaysia khẳng định bản đệ trình phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định ranh giới thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở theo quy định tại Khoản 7, điều 76 UNCLOS.
Nội dung công hàm cũng nêu rõ, liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc trong các đoạn thứ hai và thứ ba của công hàm CML/14/2019, chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng biển thuộc Biển Đông được bao phủ trong phạm vi cái gọi là “Đường 9 đoạn” vì các tuyên bố này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.
Chính vì vậy, Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và quốc gia Đông Nam Á này bác bỏ toàn bộ nội dung của công hàm CML/14/2019.
Bên cạnh đó, phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ cũng đề nghị CLCS tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định đối với bản Đệ trình bộ phận mà quốc gia Đông Nam Á đã gửi ngày 12/12/2019.
Những lưu ý về công hàm này của Malaysia
Có một số lưu ý trong công hàm này của Malaysia. Thứ nhất là công hàm này cho thấy cách thể hiện lập trường về vấn đề biển Đông của Malaysia có những thay đổi nhất định.
Malaysia là bên khởi đầu dẫn tới “cuộc chiến công hàm” với đệ trình về thềm lục địa mở rộng lên CLCS ngày 12/12/2019. Từ đó dẫn tới việc các quốc gia liên quan đã gửi một loạt các công hàm/công thư lên Liên Hợp Quốc để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình ở biển Đông.
Công hàm ngày 29/7/2020 của Malaysia được đưa ra sau các công hàm tương tự của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ và Australia kể từ sau đợt trao đổi đầu tiên giữa Malaysia và Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Các công hàm này không phải là công hàm ngoại giao bình thường giữa các quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký LHQ với đề nghị rằng chúng sẽ được lan truyền tới các nước thành viên khác.
Một trong những nội dung đáng chú ý của công hàm HA26/20 đó là việc Malaysia công khai khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý cũng như phủ nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách biển Đông của Malaysia.
Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc. Tuy nhiên, công hàm này không phải là sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Malaysia trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, mà đây là sự khẳng định tiếp theo chính sách nhất quán giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình của quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc.
Điểm lưu ý thứ hai trong nội dung của công hàm này, đó là mặc dù trong Đệ trình về thềm lục địa mở rộng gửi lên CLCS năm 2019, Malaysia dường như đã dựa trên sự tiến triển của các lập luận pháp lý sau Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, trong công hàm ngày 29/7 này, Malaysia không đả động gì tới Phán quyết 2016. Cho dù, các công hàm/công thư của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ và Australia đều viện dẫn Phán quyết và yêu cầu các bên liên quan thực thị Phán quyết 2016 này.
Điều này thể hiện rằng, mặc dù trước áp lực của “cuộc chiến công hàm”, Malaysia thấy cần phải lên tiếng vừa để bảo vệ lợi ích của mình, vừa không để vuột mất cơ hội đi cùng các quốc gia chống lại tham vọng phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, Malaysia cũng vẫn rất thận trọng, tránh để mích lòng Trung Quốc, khi không nhắc tới Phán quyết, cho dù khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một hàm ý gián tiếp và gây nhiều tranh cãi từ điều này.
Cuộc chiến pháp lý ở biển Đông vẫn tiếp diễn
Như vậy, cùng với công hàm mới đây của Malaysia, nội dung của các công hàm của các nước thành viên ASEAN trước đây về vấn đề biển Đông đều nhấn mạnh rằng các tuyên bố về quyền và quyền tài phán đối với các khu vực biển trên Biển Đông phải tuân thủ UNCLOS mà trong đó Trung Quốc và các nước ASEAN đều là các bên tham gia. Các công hàm của các quốc gia ASEAN này cũng khẳng định thêm rằng việc Trung Quốc tuyên bố về các quyền và quyền tài phán trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.
Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Indonesia đều nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh, trong đó khẳng định Bắc Kinh không có quyền lịch sử tại Biển Đông. Việc các quốc gia ASEAN ban hành các công hàm như vậy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh cãi về tính pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không sớm lắng dịu, cho dù ASEAN và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Australia chọn Mỹ hay TQ
Australia đứng trước chọn lựa khó khăn khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhưng Mỹ lại là đồng minh có chung tiếng nói trong nhiều vấn đề.
Lực lượng của Australia và Nhật Bản tham gia tập trận với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Handout
Chủ nghĩa thực dụng là dòng chảy chính
Tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi thành lập “liên minh các nền dân chủ” nhằm chống lại Trung Quốc, Australia có lẽ nằm trong số các quốc gia mà ông nghĩ là sẽ tham gia.
Tuần này, các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Australia khẳng định, Canberra sẽ không hoàn toàn “đi theo” Washington, thậm chí cả khi hai bên có lợi ích chung và đều chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong một số vấn đề.
Mặc dù các đồng minh sẽ hợp tác với nhau dựa trên nền tảng của “những giá trị chung” nhưng Australia sẽ tự đưa ra “quyết định của mình”, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết hôm 28/7 sau khi bà Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds khép lại cuộc thảo luận thường niên với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Đáng chú ý là Ngoại trưởng Payne đã thẳng thắn trao đổi về hy vọng của Canberra trong việc xây dựng các mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Mối quan hệ mà “chúng tôi có với Trung Quốc rất quan trọng và chúng tôi không có ý định làm tổn hại nó, nhưng chúng tôi cũng không có ý định làm những điều đi ngược lại với lợi ích của mình”, Ngoại trưởng Payne bình luận.
Kết quả của Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia – Mỹ thường niên (AUSMIN) đã phản ánh sự cân bằng mong manh mà Canberra đang tìm kiếm giữa bối cảnh nước này thể hiện lập trường cứng rắn với các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực nhưng vẫn giữ khoảng cách với các chính sách và chiến lược cứng rắn nhất của chính quyền ông Trump.
Mặc dù ngày càng cởi mở hơn với các biện pháp chống lại Bắc Kinh nhưng Canberra sẽ không “thay thế chủ nghĩa thực dụng vốn là dòng chảy chính khi xem xét các mối quan hệ với Trung Quốc”, James Laurenceson – Giám đốc Viện quan hệ Australia – Trung Quốc nhận định.
“Giữa bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang, những yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương sẽ dễ bị bỏ lỡ, chẳng hạn như thương mại và hợp tác nghiên cứu, vốn vẫn đang diễn ra thuận lợi”, chuyên gia Laurenceson nhận định.
“Đến nay, cả Canberra và Bắc Kinh đều có thái độ tốt về việc để các doanh nghiệp Australia và Trung Quốc tiếp tục sự hợp tác mà họ cho là đem lại lợi ích đôi bên. Cho đến khi điều đó thay đổi, các yếu tố cơ bản về kinh tế vẫn được ưu tiên, bất chấp một số bất đồng xoay quanh mối quan hệ này”.
Sự cân bằng mong manh
Hugh White, một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra cho rằng, chính phủ Australia vẫn chưa “giải thích rõ ràng” về việc làm thế nào để xoay xở trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bất chấp quốc gia này khẳng định rằng Canberra sẽ không ủng hộ “một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh”.
“Từ chối cuộc Chiến tranh Lạnh là một chuyện nhưng tìm ra hướng tiếp cận rõ ràng thay thế lại là chuyện khác. Australia dường như vẫn hy vọng vấn đề biến mất một cách đơn giản nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, nhà phân tích White nhận định.
Các cuộc thảo luận trong AUSMIN nhấn mạnh đến cam kết hợp tác lớn hơn giữa Australia và Mỹ trong một loạt vấn đề từ quốc phòng, an ninh mạng và y tế nhằm đẩy nhanh sự khôi phục toàn cầu sau đại dịch Covid-19, cũng như tăng cường “sự ổn định, thịnh vượng và khả năng linh hoạt ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Mặc dù tránh đề cập đến những điểm cứng rắn nhất trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhưng tuyên bố chung sau hội nghị vẫn bao gồm một số chỉ trích trực tiếp và cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, cũng như các yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Washington, tuyên bố này không bao gồm cam kết của Australia nhằm tham gia cùng với Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý ở các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds chỉ nói rằng, vấn đề trên là “chủ đề của cuộc thảo luận” và không bình luận gì thêm. Nhận định trên được đưa ra sau khi Australia có một động thái mang tính bước ngoặt quan trọng về chính sách vào tuần trước khi tham gia cùng với Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.
“Australia và Mỹ có những lợi ích chung liên quan chặt chẽ với nhau khi nhắc đến trật tự khu vực và chính sách với Trung Quốc nhưng những lợi ích này không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Chúng (các lợi ích-ND) chưa giống nhau trước đây và sẽ không giống nhau trong tương lai”, Ashley Townshend, giám đốc về chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney cho hay.
Đại sứ quán Trung Quốc hôm 29/7 đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích tài liệu của AUSMIN về “những cáo buộc vô căn cứ và các tuyên bố công kích chống lại Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông”.
Tuyên bố phía Trung Quốc cũng hối thúc Australia cần “làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa 2 quốc gia”.
Sự phức tạp trong quan hệ Australia-Trung Quốc
Là đồng minh của Mỹ, bất đồng với Trung Quốc về nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận Canberra phụ thuộc vào Bắc Kinh giữa bối cảnh Trung Quốc chiếm 1/3 lượng xuất khẩu của Australia và thương mại 2 chiều của 2 nước năm 2018 – 2019 lên tới 235 tỷ AUD (tương đương 168 tỷ USD).
Sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc đã giảm bớt trong năm nay khi Bắc Kinh áp lệnh hạn chế lên thịt bò và lúa mạch Australia, những động thái được cho là nhằm đáp trả khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Giới quan sát Australia có những quan điểm trái chiều về mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Australia.
Alistair Nicholas, một nhà phân tích thương mại độc lập nhận định: “Việc duy trì mối quan hệ này tốt đẹp là lợi ích chung của chúng ta. Dĩ nhiên, cả hai bên đều sẽ cần nỗ lực trong mối quan hệ này, cả hai bên đều cần quay lại đúng hương và trở nên hợp tác hơn trong các cuộc trao đổi ngoại giao, bao gồm cả những vấn đề khác biệt quan trọng”.
Tuy nhiên, Richard McGregor, một học giả cấp cao tại Viện Lowy có trụ sở tại Sydney thì thể hiện thái độ hoài nghi về sự hợp tác tích cực này do có “quá nhiều gánh nặng” đặt lên 2 bên.
“Australia nói rằng nước này nhìn thấy cơ hội cho sự hợp tác mang tính xây dựng nhưng hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng như vậy”, nhà phân tích McGregor nhận định.
“Vào thời điểm hiện nay, các bộ trưởng Trung Quốc thậm chí từ chối trao đổi cả với những người đồng cấp Australia. Có rất ít nền tảng cho sự cải thiện đáng kể mối quan hệ này”.
0 comments