Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Hoa Kỳ – 16-10-2016

Sunday, October 16, 2016 8:07:00 PM // , ,

Ông Trump thừa nhận mất sự ủng hộ của phụ nữ

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa thừa nhận hôm Chủ nhật, 16/10, là ông đang mất dần sự ủng hộ của các cử tri nữ. Ông đổ lỗi cho những câu chuyện trên truyền thông về phụ nữ mà ông nói đã vu cáo ông một cách sai trái.
Ông viết trên tài khoản Twitter của mình rằng các khảo sát trên toàn quốc cho thấy chiến dịch vận động của ông vẫn rất bám sát bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ. Tuy vậy, ông viết tiếp rằng “nhưng quý vị có thể tin không, tôi bị mất một lượng lớn cử tri nữ vì những chuyện bịa ĐÃ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA. Truyền thông gian lận trong bầu cử!”
Trong một tin nhắn khác trên Twitter, ông Trump, một đại gia bất động sản lần đầu tranh cử, một lần nữa khẳng định truyền thông quốc gia thiên vị chống lại ông. Ông viết: “Trong một nỗ lực phối hợp với chiến dịch tranh cử của bà Clinton, bằng cách ghép những câu chuyện đã không bao giờ xảy ra vào trong tin tức!”
Ứng cử viên phó tổng thống liên danh với bà Clinton, Thượng nghị sĩ Virginia Tim Kaine, đã chế giễu những cáo buộc của ông Trump, ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Ông ta đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông. Ông đổ lỗi [cho người của Đảng Cộng hòa]. Ông ấy nói rằng Mỹ không thể tiến hành một cuộc bầu cử công bằng. Ông đang tung ra mọi bóng ma trong trí tưởng tượng của ông ấy bởi vì ông biết ông sắp thua”.
Tuy nhiên, Thống đốc Indiana Mike Pence, ứng viên Phó Tổng thống liên danh với ông Trump, nói rằng ông và ông Trump sẽ chấp nhận kết quả bầu cử.
Ông nói với kênh truyền hình NBC: “Chúng tôi chắc chắn sẽ chấp nhận kết quả bầu cử. Người dân Mỹ sẽ lên tiếng trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11. Nhưng người dân Mỹ chán ngán với sự thiên vị rõ ràng trên truyền thông quốc gia. Đó chính là nơi cảm nhận được một cuộc bầu cử gian lận”.
Một cuộc thăm dò toàn quốc của Real Clear Politics cho thấy bà Clinton, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, dẫn trước 5,5%. Kết quả hai cuộc thăm dò lớn đã được công bố hôm Chủ nhật, cuộc khảo sát của Washington Post-ABC News cho thấy bà dẫn trước ở mức độ ít hơn, với tỷ lệ là 47-43% trong số các cử tri nhiều khả năng tham gia cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, trong khi NBC News và Wall Street Journal cho biết thăm dò của họ cho thấy bà Clinton dẫn trước nhiều hơn, ở mức 48-37. – VOA

Ông Trump: những người tố cáo muốn phá chiến dịch tranh cử của tôi

Ông Donald Trump với các nữ ủng hộ viên ở Charlotte, North Corolina, ngày 14 tháng 10 năm 2016.
Ông Donald Trump với các nữ ủng hộ viên ở Charlotte, North Corolina, ngày 14 tháng 10 năm 2016.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng các phụ nữ tố cáo ông về những hành vi tình dục không đúng mực đã bịa chuyện nhằm làm tổn hại chiến dịch tranh cử của ông sau khi thêm hai phụ nữ nữa cáo buộc ông đã sờ soạng họ.
Một thí sinh từng tham gia chương trình truyền hình “The Apprentice” của ông Trump cáo buộc vụ việc xảy ra năm 2007 và một phụ nữ tố cáo một vụ việc từ đầu những năm 90.
Với những tố cáo ông Trump đang chiếm hết cuộc tranh cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump đang thua đối thủ bên Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.
Một cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 7 tới 13 tháng 10 và công bố hôm thứ Sáu cho thấy ông thua bà Clinton 7%.
Ông Trump đã dành nhiều thời gian hơn tại các cuộc vận động tranh cử để bác bỏ các cáo buộc sờ soạng kể từ khi một đoạn băng từ năm 2005 được công bố một tuần trước cho thấy ông Trump khoe khoang về việc sờ mó và có những hành động tình dục cưỡng ép.
Hôm thứ Sáu, ngoài việc bác bỏ, ông Trump còn nói rằng ông có lẽ chưa bao giờ thấy hai người phụ nữ cáo buộc ông có gì hấp dẫn.
Summer Zervos, thí sinh trong mùa thứ năm của “The Apprentice” năm 2006 xuất hiện tại một cuộc họp báo với luật sư, nói rằng ông Trump đã hôn cô, chạm ngực cô và tìm cách bắt cô lên giường với ông trong lần ông phỏng vấn cô về đơn xin vịêc.
Ông Trump nói rằng các phụ nữ có động cơ tài chính hoặc chính trị hoặc “đơn giản là muốn ngăn chặn chiến dịch tranh cửa của chúng tôi”.
Trước đó hôm thứ Sáu, tờ Washington Post đăng một cuộc phỏng vấn với một người phụ nữ nói rằng ông Trump đã cố tình đặt tay lên váy của bà tại một hộp đêm đông đúc đầu những năm 1990.- VOA
Theo Reuters

Trump-Clinton: Người Việt chọn ai?

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai, ngày 9 tháng 10 năm 2016.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai, ngày 9 tháng 10 năm 2016.
Trà Mi
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016 đầy gay cấn đang đi vào giai đoạn chót thu hút sự chú ý không chỉ của người Mỹ mà của cả thế giới không vì những mạnh-yếu, hơn-thua trong cương lĩnh của ứng viên mà vì những chỉ trích cá nhân từ hai đối thủ chính Donald Trump và Hillary Clinton.
Sau cuộc tranh luận thứ nhì của ông Trump và bà Clinton tối 9/10 vừa qua, nhiều cử tri, trong đó có các cử tri gốc Việt, đã tỏ ra quan ngại và hụt hẫng trước những kỳ vọng vốn có ở một cuộc tranh tài đọ sức để lựa chọn người xứng đáng làm lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới.
Tiến sĩ chính trị học Ông Thụy Như Ngọc, chủ nhiệm tuần báo Việt Tide tại Nam California, chia sẻ:
“Ngọc thấy khá thất vọng vì trong mỗi cuộc bầu cử Tổng thống, tranh luận là lúc để người dân có dịp được nghe ứng viên thảo luận về chính sách để mà tìm hiểu, nhận định, phê phán, nhưng cuộc bầu cử này đi tới mức độ có nhiều sự đả kích cá nhân, những tấn công bôi bẩn từ hai phía. Dù lượng người quan tâm có thể nhiều hơn vì những trò đấu đá đôi khi cũng mua vui cho thiên hạ, nhưng cái khó chịu là người ta có thể bị phân tâm, không chú ý vào vấn đề chính là chính sách để người dân có thể sáng suốt quyết định trên lá phiếu của mình.”
Đối với cử tri người Mỹ gốc Việt, dù bị chi phối bởi những công kích cá nhân từ đôi bên ứng viên, nhưng xu hướng ủng hộ của có vẻ nghiêng về bà Clinton nhiều hơn ông Trump.
Chủ nhiệm báo Việt Tide tại Little Sài Gòn, thủ đô người Việt tị nạn, tiếp lời:
“Khả năng thắng cử thiêng về bà Clinton nhiều hơn vì cho đến giờ phút này, ông Trump, ngoài chuyện lặp đi lặp lại những chuyện đã cũ để kêu gọi những thành phần mới hoặc lôi kéo cử tri từ phía Clinton, tôi nghĩ ông Trump tới giờ chưa thành công cho lắm. Ngoài ra, uy tín của ông cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những việc ông làm trong quá khứ. Đôi khi người ta bỏ phiếu cho người này hoặc người kia không chỉ dựa trên lập luận hay chính sách, mà đôi chỉ nhìn vào khía cạnh đạo đức của người đó.”
Tổng thư ký báo Người Việt tại California đồng ý rằng bà Clinton dường như có lợi thế hơn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nguyên do, theo anh Đỗ Dzũng, một phần vì bà không bỏ quên thành phần cử tri này:
“Tôi thấy bà đã bắt đầu quảng cáo trong cộng đồng Việt Nam trong khi ông Trump không hề quảng cáo gì cả.Trong cuộc bầu cử sơ bộ, bà Clinton có đến cộng đồng Việt ngay tại Little Sài Gòn mà tôi đi dự. Đó cũng có thể là lợi thế của bà Clinton trong cộng đồng Việt Nam.”
Ông Trump ngày càng ‘thất thế’ dù cả ông lẫn đối thủ Clinton đều có những nhược điểm riêng biệt. Đó là nhận xét của ký giả đang theo dõi sát sự kiện bầu cử Hoa Kỳ từ trung tâm của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Nhà báo Đỗ Dzũng:
“Những scandal của ông Trump được người ta chú ý nhiều hơn những scandal bên bà Clinton dù hai bên đều có. Trong những ngày qua, ông Trump lại bị một số đảng viên cốt cán bên Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ nữa. Ông Paul Ryan tuyên bố không vận động chung với ông Trump. Ông John McCain thì tuyên bố không ủng hộ nữa. Ông Trump đã phản ứng lại với tuyên bố kiểu là ‘Coi như giờ tôi không còn xiềng xích nữa, tôi muốn làm gì thì làm.’ Bây giờ ông cũng đã tuyên chiến với đảng Cộng hòa. Với tình hình vậy, ông đang khá thất thế. Số người ủng hộ vẫn còn, không thay đổi, nhưng những cử tri độc lập đang phân vân có lẽ bỏ ông nhiều hơn vì những scandal liên quan đến phụ nữ, những thành phần bảo thủ cốt cán có thể sẽ không đi bầu.”
Về điểm trội của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton so với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, ký giả Đỗ Dzũng cho rằng:
“Tôi nghĩ sự chín chắn của một chính trị gia dù bà có thể bị nhiều người coi rằng không được trung thực. Đối với ông Trump nhiều người cho rằng có vẻ ông không đủ tư cách của một người lãnh đạo như những phát biểu của ông hoặc những chuyện ông nói về phòng the, về phụ nữ.. Cử tri Mỹ nhìn tư cách người Tổng thống. Anh có thể cụt chân, mù mắt, ngồi xe lăn không sao nhưng anh phải có phong thái của một nhà lãnh đạo. Đối với ông Trump thì không có, ông thua bà Clinton chỗ đó.”
Trong khi đó, các ưu điểm của ông Trump, đối với nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, không mang tính ‘tố chất’ hay ‘tài năng’ mà hoàn toàn nhờ vào các yếu tố ‘ngoại vi’, như nhận xét của anh Đỗ Dzũng:
“Ông Trump bên đảng Cộng hòa, có nhiều người vẫn thích đảng Cộng hòa vì họ cho là đảng này mạnh mẽ hơn. Họ vẫn bị ảnh hưởng phần nào của quá khứ khi cho rằng đảng Dân chủ đóng vai trò làm cho Việt Nam Cộng hòa bị thua, không viện trợ [Việt Nam Cộng hòa] dưới thời Tổng thống Nixon, những chuyện quá khứ 41 năm về trước vẫn nằm trong lòng họ. Họ nghĩ đảng Dân chủ là thân cộng hay thiên tả. Đó là lý do họ theo ông Trump chứ chưa chắc họ thích ông Trump.”
Lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt dựa trên những đo lường cân nhắc thế nào? Cây viết chuyên bình luận cho nhật báo lớn nhất và lâu đời nhất của người Việt tại Mỹ cho rằng:
“Cử tri người Việt thường nghĩ người này lên làm Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào. Nước Việt Nam vẫn là nơi họ để ý. Họ không để ý nhiều đến những chuyện ở đây. Cho nên, người nào có tư thế ‘mạnh bạo’, dám nói dám làm thì họ thích. Đó là nhóm ủng hộ ông Trump. Còn nhóm ủng hộ bà Clinton thì nghĩ rằng bà lên có thể sẽ tiếp tục những gì đang có hiện nay ở Mỹ, nhiều người nói rằng ‘Tôi già rồi, tôi đang hưởng tiền này tiền kia, không muốn thay đổi.’ Còn một nhóm nhìn xa hơn, họ cho rằng ông Trump có thể làm thay đổi thế giới, đặc biệt, theo những gì ông nói, là ông có thể chặn Trung Quốc. Họ rất không ưa Trung Quốc và họ hy vọng điều đó xảy ra, nhưng có làm được chuyện đó hay không phải chờ đến sau ngày bầu cử.”
Ai hơn ai? Ai thắng ai? Đến ngày 8/11 tới đây, cử tri Mỹ và dân chúng trên thế giới mới có câu trả lời chính xác, nhưng Tiến sĩ chính trị học Ông Thị Như Ngọc dự đoán nếu bà Clinton dành được ghế vào Tòa Bạch Ốc, có thể trông thấy những ‘đường hướng tương đối ổn định trong vấn đề chính sách.’
Tiến sĩ Như Ngọc:
“Chúng ta có lẽ không phải chào đón những ‘sự ngạc nhiên’ bởi những điều bà nói hay hứa hẹn cũng tương đối gần giống như là những chính sách của ông Obama. Đối với ông Trump, bất cứ vấn đề gì cũng có thể xảy ra vì chúng ta đã thấy lối ăn nói, hành xử của ông, gần đây lại thấy thêm một số hồ sơ cá nhân lý lịch của ông nữa. Đất nước Hoa Kỳ và đồng minh trên thế giới phải chuẩn bị tinh thần đón bất cứ hành động bất ngờ nào từ một vị Tổng tư lệnh như ông Trump.”
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tin rằng dù nhà lãnh đạo kế tiếp là ông Trump hay bà Clinton, nước Mỹ cũng chẳng có thay đổi gì lớn lao, vì nền tảng dân chủ trong môi trường chính trị Hoa Kỳ.
Nhà báo Đỗ Dzũng:
“Nước Mỹ tam quyền phân lập: hành pháp, lập pháp, tư pháp. Người lãnh đạo giỏi có thể có ảnh hưởng mạnh hơn tí xíu. Chẳng hạn dưới thời ông Reagon, ông đã ảnh hưởng được nhiều thứ. Nhưng giờ cũng khó lắm, thời buổi bây giờ internet làm gì người ta cũng biết. Cho nên, tranh cử thì nói thế thôi, chứ khi lên thì cũng chẳng thay đổi bao nhiêu hoặc nếu có cũng sẽ rất từ từ. Tổng thống muốn làm gì cũng phải có sự ủng hộ của Quốc hội. Ví dụ ông Obama ký lệnh cho phép 5 triệu di dân bất hợp pháp ở lại nước Mỹ. Tòa bác liền. Đâu phải Tổng thống muốn làm gì làm đâu. Tôi tin nền dân chủ của Mỹ vẫn là cái quan trọng nhất. Người Tổng thống sẽ phải đại diện cho toàn dân Mỹ.”
Chưa đầy một tháng nữa chính thức đến ngày bầu cử, đa số các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy cựu đệ nhất phu nhân Clinton đang dẫn trước tỷ phú Donald Trump. – VOA
 Đường dẫn trực tiếp

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.