Đọc báo Pháp -12/06/2019
Trung Quốc: Đảng Cộng sản
là « lãnh đạo tuyệt đối» của luật pháp
Trung Quốc lạm dụng luật pháp, dân Hồng Kông thách thức Bắc Kinh, khủng hoảng Sudan đang bị quốc tế hóa, nhân tài ngày càng đông trong làn sóng di dân nhập cư vào các nước giàu, biết thiên nhiên bị rác thải nhựa hủy diệt dần nhưng nhân loại không có cách ngăn chận, đó là những chủ đề được báo chí Pháp đề cập và phân tích sâu rộng hôm nay.
Trung Quốc :Đảng lãnh đạo, toà tuyên án
Vì các quyền tự do, dân Hồng Kông xuống đường chống luật dẫn độ và qua đó là chế độ luật pháp tùy tiện của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc « thế lực nước ngoài » giựt dây phong trào phản kháng từ mấy ngày qua.
Để hiểu rõ vì sao cả triệu người xuống đường, có lẽ phải xem trước bài phân tích « Những bước nhỏ của Trung Quốc về luật quốc tế » trên Le Monde.
Theo nhà báo Frédéric Lemaître, sáng kiến « Một vành đai, Một con đường » của Tập Cận Bình đặt ra nhiều nghi vấn rất quan trọng, trong đó có câu hỏi then chốt: nếu có bất đồng về quyền lợi thì dựa vào luật pháp nước nào ? Câu trả lời tương đối giản dị : luật Trung Quốc.
Tuy nhiên, biết hệ thống luật pháp quốc gia còn đầy thiếu sót, chính quyền Trung Quốc « nỗ lực khắc phục ». Năm 2018, Toà Án Tối Cao thành lập hai toà đặc biệt đặt tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến, và Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa, chuyên xử các vụ tố tụng trong thương mại quốc tế. Vụ án đầu tiên, cuối tháng 05, không liên quan gì đến « Một vành đai, Một con đường » : hai công ty nước giải khát của Thái Lan kiện nhau, bên bị cáo có cơ sở ở đảo Virgo. Thế nhưng, Bắc Kinh làm ồn ào, muốn báo chí quốc tế chú ý đến để chứng minh là Trung Quốc đang tìm cách sánh vai, chen chân với Singapore, Paris và Luân Đôn.
Ngoài các vụ tranh chấp thường xảy ra, hai toà thương mại quốc tế của Trung Quốc còn đứng ra làm trọng tài và mời một nhóm chuyên gia làm cố vấn, gồm 13 người Trung Quốc và 18 người nước ngoài, trong đó có hai luật gia Pháp. Theo một luật gia quốc tế am tường luật thương mại quốc tế, Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều hơn vào lãnh vực này theo chiều hướng đa nguyên hóa để bảo vệ quyền lợi.
Trước đây, toà án Trung Quốc buộc phải sử dụng tiếng Hoa trong các văn kiện, nay tiếng Anh được chấp nhận. Nhưng vấn đề là trong khi ở Singapore, thẩm phán và luật sư có thể là người ngoại quốc, thì ở toà Trung Quốc, chỉ có thẩm phán và luật sư người Trung Quốc mà thôi. Theo luật sư Pháp gốc Hoa Tao Jing Zhou, tuy có chút tiến bộ, Trung Quốc vẫn cố làm hết sức để buộc thẩm pháp áp dụng luật Trung Quốc trong các vụ phân xử và đặt dưới thẩm quyền của chánh án Toà Án Tối Cao.
Thế mà, trong bản báo cáo thường niên hồi tháng ba, chánh án Châu Cường tái khẳng định : đảng Cộng sản là « lãnh đạo tuyệt đối » của tư pháp.
Cuối cùng thì dù là trong lãnh vực thương mại hay trong các lãnh vực kinh tế, Trung Quốc vẫn cố thủ trong chế độ độc đảng, hoàn toàn không tôn trọng tam quyền phân lập, Le Monde kết luận.
Quan điểm « công lý một chiều » của chế độ Trung Quốc chính là nguyên nhân làm cho người dân Hồng Kông nổi giận chống dự luật dẫn độ do chính quyền thân Bắc Kinh đề xuất. Câu hỏi đặt ra ở đây là :
Ai là đối tượng của chính quyền Tập Cận Bình ? Ai chống đối đầu tiên ? Phong trào đã chuẩn bị những bước kế tiếp và hệ quả ra sao ? Le Monde và Libération phân tích :
Trong bài « Hồng Kông thách thức sự chi phối của Bắc Kinh » kèm theo bức ảnh một rừng người biểu tình, nhật báo Le Monde cho biết, theo lời biện minh của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dự luật đã được sửa đổi nhiều lần để thỏa mãn yêu cầu của « các bên ». Tại sao các bên ? Vì điều không ai ngờ, chính phe thân Trung Quốc phản đối trước để bảo vệ quyền lợi của chính họ, đó là giới doanh nhân, giới tài chính. Những thành phần xã hội này rất bực tức và lo ngại trước một đạo luật cho phép bắt họ đem về Hoa lục nếu bị cáo buộc tham ô.
Dự luật không tôn trọng quyền sơ đẳng nhất của một con người là « không có tội trước khi có bản án » đã gây lo ngại cho công luận Hồng Kông lẫn thế giới. Ngoại trưởng Mỹ, phòng thương mại Anh đã lên tiếng. Hàng trăm kiến nghị lan truyền trên các mạng xã hội và biểu tình đã diễn ra tại hơn 30 thành phố trên thế giới tỏ tình đoàn kết với Hồng Kông. Trước phản ứng đồng loạt, Bắc Kinh cáo buộc « thế lực nước ngoài » thúc đẩy « phần tử xấu » gây hổn loạn. Bắc Kinh càng bực tức hơn vì họ xem Hồng Kông là mô hình kiểu mẫu « một quốc gia hai chế độ » để chiêu dụ Đài Loan. Thế nhưng, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm thứ hai, khi hoan nghênh tinh thần « yêu chuộng tự do của Hồng Kông», đã không khác gì thách đố Trung Quốc. Một nhà đối lập dự đoán là tình hình « sẽ nghiêm trọng hơn » trong những tuần lễ tới, vì dân Hồng Kông không để cho cuộc huy động lực lượng hùng hậu như lần này không mang lại kết quả gì.
Cũng đồng điệu với đồng nghiệp, nhật báo Libération dành hai trang để đi sâu vào nội dung dự luật, giải thích vì sao có dự luật này và vì sao dân Hồng Kông không chấp nhận ? Một cách cụ thể, theo một hiệp hội luật gia, Trung Quốc có thể buộc chính quyền Hồng Kông bắt và giao nộp cho Hoa lục bất kỳ một người dân nào hay một người nước ngoài, cho dù người đó chưa bao giờ đến Trung Quốc.
Từ 20 năm qua, Hồng Kông thừa biết luật pháp Trung Quốc như thế nào nên đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước ký thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông. Thế thì vì sao bây giờ lại thay đổi và thay đổi khẩn cấp ? Đối tượng của Bắc Kinh là ai ? Theo nghị sĩ Paul Zimmerman, mục tiêu trấn áp của Trung Quốc là những người có tiền hoặc có tư tưởng, hoặc cả hai, tức là các doanh nhân và các nhà họat động chính trị đối lập. Nhiều người dân Hồng Kông còn cho rằng khôi nguyên Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba chết trong tù hay một nhà hoạt động công đoàn độc lập bị giam từ 2015 đến nay là nạn nhân của hệ thống tư pháp dàn dựng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới doanh nhân quốc tế tại Hồng Kông lo ngại Bắc Kinh trả đũa vào hàng ngàn công dân Mỹ và công ty Mỹ có trụ sở khu vực tại Hồng Kông. Một kiến trúc sư chia sẻ : Tôi chọn Hồng Kông vì không thích sống ở Hoa lục. Nếu Hồng Kông trở thành một thành phố như Hoa lục thì tôi không có lý do gì ở lại.
Không rõ kiến trúc sư này sẽ chọn nơi nào để định cư, nhưng theo thống kê của OCDE,Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tập hợp 36 nước dân chủ và công nghiệp, số dân nhập cư tăng kỷ lục 55% trong 15 năm qua, từ 77 triệu lên 120 triệu. Điểm đặc biệt là càng ngày càng có nhiều người có tay nghề và trình độ học vấn cao, Les Echos ghi nhận.
Tại Châu Phi, khủng hoảng ở Sudan, cuộc biểu tình chống tăng giá bánh mì và xăng dầu hồi cuối năm 2018 cuối cùng đã lật đổ 30 năm chế độ độc tài. Thế nhưng, hơn hai tháng sau ngày tướng Omar el Bechir bị quản thúc, tập đoàn quân sự đảo chính vẫn bám quyền trong khi ước nguyện của người dân là muốn một chính quyền dân sự. Thế lực quốc tế nào chống lưng cho phe quân đội ?
Le Figaro nhận định số phận của Sudan nằm trong bàn tay của các thế lực quốc tế. Đó là lý do vì sao mà tình hình vẫn bế tắc và phe quân đội cảnh sát không ngần ngại nổ súng giết chết ít nhất 120 người biểu tình trong tuần qua. Đằng sau hội đồng tướng lãnh Sudan là Trung Quốc và Nga. Chỉ trong vòng vài tuần, cuộc cách mạng Sudan biến thành khủng hoảng quốc tế. Với quyền lợi dầu khí và đầu tư, Bắc Kinh rất lo ngại thay đổi chế độ. Còn Matxcơva, từ nhiều năm nay, xem Sudan của Omar el Bechir, tổng thống bị lật đổ, là đầu cầu để phục hồi thế lực Nga ở châu Phi. Cũng chính Nga và Trung Quốc đã ngăn chận một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.
Thật ra, không một ai kiểm soát được tình hình : Ai Cập, Ả Rập Xê Út là đồng minh, nhưng mỗi nước có một quân bài. Trong khi nhân vật cầm đầu là tướng Burhan được Cairo đón tiếp, thì người số hai là tướng Hemeti, rất lợi hại, bay sang Ryad. Trong lúc đó, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cũng đẩy các quân cờ của mình. Tuần sau, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Tibor Nagy đến Khartum. Paris ủng hộ biểu tình và đòi thiết lập chế độ dân sự, nhưng lại ngại làm mất lòng Ai Cập và Ả Rập Xê Út, hai bạn hàng vũ khí của Pháp và nhất là e ngại tác hại đến Libya, nơi mà Ả Rập Xê Út và một đồng minh khác của Pháp là Qatar đang xung đột với nhau qua cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Trong bối cảnh này, Tổ chức Liên Hiệp Châu Phi phải lãnh trách nhiệm với biện pháp đầu tiên là « treo giò » thành viên Sudan, cho đến khi có một chính quyền dân sự và bổ nhiệm một nhà trung gian hoà giải. Tân thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed, với tài ngoại giao « tinh tế », đã gặp hai phe quân sự và đối lập dân sự hôm thứ sáu tuần trước để sắp xếp một tiến tình chuyển tiếp, theo nhận định của Le Figaro.
Tại Anh Quốc, cuộc đua thay thế thủ tướng Theresa May bắt đầu kể từ thứ năm 13/06. Cựu ngoại trưởng Boris Johnson tin chắc sẽ đắc cử chủ tịch đảng bảo thủ và nắm chiếc ghế thủ tướng Anh. Tuy nhiên, giới kinh tế tin tưởng vào đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt nhiều hơn. Les Echos nằm trong xu hướng này :
Theo nhật báo kinh tế, trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày mai, 313 dân biểu của đảng bảo thủ Anh sẽ bầu chọn hai nhân vật vào chung kết. Boris Johnson có vẽ chiếm thượng phong với chủ trương cứng rắn của một nhà lãnh đạo phù hợp với tình thế. Tuy nhiên, trong phe « Brexit ôn hòa », đương kim ngoại trưởngJeremy Hunt liên tiếp được thêm nhiều hậu thuẩn : bộ trưởng lao động Amber Rudd và bộ trưởng quốc phòng Penny Mordaunt và giới doanh nhân.
Phải ngưng sử dụng, ngưng chế tạo bao bì plastic. Năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá ở đại dương. Les Echos và La Croix đều đánh động công luận một cách bi thiết.
Với những tấm ảnh chai plastic đủ loại nổi trôi trên biển hay đang được phân loại, nhật báo Les Echos vừa trấn an vừa bất lực : các nhà sản xuất ý thức nguy hại này và đã bắt đầu thích ứng với nhu cầu bảo vệ môi trường, đang bị thảm họa. Công nghiệp plastic đang bị áp lực nặng nề chưa từng thấy. Total đã mở nhà máy chế tạo nhựa sinh hóa từ cây mía ở Thái Lan. Trong khi đó, La Croix thúc giục từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa. Vấn đề là phải làm thế nào cho hiệu quả, bởi vì từ 20 năm nay, plastic đã trở thành một nhu cầu không thế thiếu vì nhẹ, hợp vệ sinh, bền. La Croix đề nghị một số biện pháp : tái tạo, chấm dứt sản phẩm dùng một lần rồi bỏ. Không chỉ vì nhu cầu 20 phút mà để cho môi trường ô nhiểm 400 năm.
Tin đọc nhanh
(AFP) –Chín nước châu Âu sẽ tham dự cuộc diễu binh Quốc khánh Pháp.
Với khẩu hiệu « Cùng bảo vệ cho nhau », mười nước tham gia Sáng kiến Can thiệp Châu Âu (IEI) sẽ là các khách mời danh dự trong cuộc diễu binh mừng Quốc khánh Pháp ngày 14/07/2019 trên đại lộ Champs-Élysées. Tướng Bruno Le Ray, tư lệnh vùng Paris, hôm qua 11/06/2019 cho biết cuộc diễn binh thường niên lần này sẽ vinh danh sự hợp tác quân sự với Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia. Chín nước này sẽ gởi các quân nhân, phi cơ, trực thăng đến Paris tham gia.
(AFP) –Zimbabwe muốn bán ngà voi.
Chính quyền Zimbabwe hôm qua 11/06/2019 cho biết muốn rút khỏi hiệp ước cấm buôn bán các loài thú đang bị đe dọa (CITES), để có thể bán lượng ngà voi dự trữ lấy tiền chi cho các khu bảo tồn. Giá trị của kho ngà voi này được ước tính khoảng 300 triệu đô la, trong khi Zimbabwe đang bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
(AFP) –Bill Clinton là khách mời danh dự của Kosovo trong lễ kỷ niệm « 20 năm tự do».
Kosovo đã mời cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đến dự lễ kỷ niệm 20 năm can thiệp của NATO, tổ chức vào hôm nay 12/06/2019. Ông Clinton được người Albani ở Kosovo coi là nhân vật đã cứu họ : ông quyết định khởi động các cuộc không kích của NATO vào Serbia, và sau ba tháng oanh kích liên tục (không có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc), Slobodan Milosevic buộc phải rút quân vào ngày 10/06/1999.
AFP – 2 kẻ bắt cóc phụ nữ Ba Lan tại Strasbourg bị bắt giữ .
Hai kẻ bắt cóc nữ y tá 47 tuổi người Ba Lan đã bị cảnh sát bắt giữ chiều hôm qua, 11/06/19, tại Strasbourg, Pháp. Hai kẻ bắt cóc là đàn ông cũng có quốc tịch Ba Lan, một người 51 tuổi, một người 23 tuổi. Nạn nhân, có tên Jolanta Szewczyk, hiện đang trong trạng thái bị sốc, đã được đưa vào bệnh viện. Theo nguồn tin của hãng AFP xin được giấu tên, nữ y tá bị bắt cóc tại một bệnh viện tại Struttgart, Đức, vào ngày 03/06/19.
(AFP) – Venezuela : 17 người bị bắt trong điều tra về cuộc nổi dậy chống TT Maduro.
Theo Viện công tố Venezuela, 17 người nói trên bị truy tố về tội lật đổ chính quyền.Trong số những người bị bắt có phó chủ tịch Quốc Hội Edgar Zambrano và một số nghị sĩ. Lãnh đạo đối lập Guaido lên án chính quyền tấn công các dân biểu và Quốc Hội, định chế duy nhất nằm trong tay đối lập.
Reuters – Biến đổi khí hậu đe dọa hòa bình thế giới trong 10 năm tới.
Theo báo cáo thường niên được Viện Kinh tế và Hòa bình (Institute for Economics and Peace) tại Úc công bố hôm nay, 12/06/19, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ đe dọa hòa bình trên thế giới. Báo cáo « Chỉ số Hòa bình Toàn Cầu » cho biết gần 1 tỉ người trên thế giới sống trong các khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, và trong số đó có 40% đang sống tại các quốc gia có xung đột.
(Euractive) – Hơn 1/4 thuốc trừ sâu – diệt cỏ dùng tại Mỹ bị cấm ở châu Âu.
Trên đây là kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Health đầu tháng 6/2019. Cụ thể là trong tổng số 374 hoạt chất chính được sử dụng trong nông nghiệp tại Mỹ năm 2016, có 72 chất bị cấm tại Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Nathan Donley, tác giả của nghiên cứu này, quy định trước đây của Mỹ « chặt chẽ hơn nhiều ». Nghiên cứu nói trên chưa tính đến các năm từ 2017 trở đi, khi Donald Trump lên nắm quyền, mà theo nhiều nhà quan sát, các quy định còn lỏng lẻo hơn nữa.
(AFP) – Kỷ lục vô địch bóng đá nữ : Mỹ hạ Thái Lan 13-0.
Tại giải bóng đá Nữ thế giới, đang diễn ra ở Pháp, hôm qua 11/06/2019, đội tuyển Mỹ hạ đội Thái Lan với tỉ số chưa từng có trong giải vô địch nữ. Kỷ lục trước đó là của Đức hạ Achentina năm 2007, với tỉ số 11-0. Ngôi sao trong trận cầu tại sân vận động thành phố Reims này là Alex Morgan, ghi 5 bàn. Với chiến thắng nói trên, đội Mỹ dẫn đầu bảng F.
0 comments