‘Thế lực thù địch’ của Hoàng Minh Tường, một góc nhìn vào xã hội VN hôm nay
BBC
26/3/2021
'Thế lực thù địch', tác phẩm mới nhất của nhà văn Hoàng Minh Tường, được cho là một trong các tiểu thuyết chính luận khá hiếm hoi về hiện tình chính trị-xã hội Việt Nam hiện nay.
Di sản Nguyễn Huy Thiệp 'cần nhiều năm nữa để hiểu hết'
Tác phẩm vừa được một nhà xuất bản, Le Fremillerie, ấn hành tại Pháp vì rất khó in chính thức ở Việt Nam.
Trong lời giới thiệu in trong sách, nhà báo Lê Phú Khải, từ Sài Gòn, giải thích về tựa đề:
"Thế lực thù địch là một nỗi ám ảnh và là một cụm từ mà nhà nước toàn trị ở Việt Nam luôn nhắc đến. Nó là "một bóng ma", một hiện thực mà các nhà văn "quốc doanh" ở Việt Nam luôn né tránh."
"Hoàng Minh Tường không né tránh một mảng hiện thực nào đang tồn tại trong xã hội Việt Nam đương đại. Ông đứng giữa dòng sông đang chảy xiết của thời đại để viết."
Ông Lê Phú Khải khen tặng: "Đọc bản thảo tiểu thuyết Thế lực thù địch, của Hoàng Minh Tường, tôi thấy một chủ nghĩa hiện thực huyền ảo xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn tài hoa này.Các thế lực thù địch xuất hiện với tên thực, các nhân vật chính thống xuất hiện với bút pháp hư cấu."
Còn trong lời tựa, ông Bùi Xuân Quang, từ Pháp, nhận định: "Có thể ba trăm năm nữa, không ai khóc Hoàng Minh Tường, nhưng tôi chắc, Thế Lực Thù địch sẽ là một tài liệu lịch sử, giữa một giai đoạn đau thương của dân tộc, của phân hoá xã hội, Thế lực gọi là Thù địch là nơi đầy tràn hy vọng, biết tha thứ, và lòng thương yêu, vì tác giả đã để tâm huyết và sức sống vào các nhân vật trong cái tác phẩm lạ lùng, có một không hai này."
Một độc giả, Phạm Lưu Vũ, đã đọc sách và cho biết:
"Tôi có may mắn được đọc từ lúc còn bản thảo. Và đã nhận xét với bác Hoàng Minh Tường rằng, đây mới là thực lục, thực lục mà trào lộng, trào lộng mà cay đắng… Bác nhất trí và định đổi tên tiểu thuyết thành "ĐÔNG LÀO THỰC LỤC" cho thêm phần trào lộng của vở kịch sơn hà. Nhưng ở nước ngoài họ đã xuất bản, vẫn lấy tên là "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH" để cho thấy sự cay đắng ở cái nước non này."
Nhà văn Hoàng Minh Tường, sinh năm 1948, hiện sống ở Hà Nội.
Năm 2008, ông ra mắt tiểu thuyết " Thời của Thánh thần", gây nhiều tiếng vang, thậm chí có người khi đó gọi là "tiếng bom của văn xuôi".
Tiểu thuyết này khi đó vừa ra đã bị cấm lưu hành. Nhưng các nguồn trong văn giới Việt Nam cho hay đến nay các đầu nậu vẫn in và bán trên các sạp sách vỉa hè, có thể số lượng tổng cộng đã lên tới hàng chục vạn bản.
Thời của thánh thần kể về một làng quê ngoài Bắc có tên là làng Động, huyện Phương Đình, tỉnh Sơn Minh.
Tiểu thuyết này kéo dài từ thời kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất, đến giải phóng miền Nam năm 1975, và những biến động lớn sau đó.
0 comments