Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 18/06/2020

Thursday, June 18, 2020 7:34:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 18/06/2020

Mỹ tiếp tục chỉ trích TQ về Biển Đông

Washington sẽ xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong bài viết trên tờ The Straits Times ngày 15.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo Washington sẽ xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific), thông qua hợp tác an ninh, chia sẻ thông tin và tập trận.
Ông Esper nói rằng trong khi Mỹ và các đồng minh, đối tác tại Indo – Pacific ra sức gìn giữ hệ thống toàn cầu tự do và rộng mở, Trung Quốc đã tìm cách làm suy yếu và định hình lại điều đó, hành động đi ngược lại những giá trị và lợi ích chung.
Ông Esper chỉ trích những hành vi gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh sẽ cảnh giác để chống lại những hành động của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu dần chủ quyền của các nước khác và gây tổn hại đến luật lệ quốc tế.

Thực hư về “đường chữ U liền nét” trên Biển Đông

Sau cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc lại chuyển qua yêu sách “Tứ Sa”, mới đây nhất là thành lập hai “quận” Tây Sa và Nam Sa để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, cùng các thực thể xung quanh ở Biển Đông. Chưa hết, Bắc Kinh còn công bố “danh xưng tiêu chuẩn” có tọa độ cụ thể cho 80 thực thể ở Biển Đông, trong đó nhiều thực thể nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố “chủ quyền”. Những việc làm này không có gì khác là Bắc Kinh vẫn quyết tâm theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Họ còn quảng bá rùm beng về cái gọi là “phát hiện mới” về “đường chữ U liền nét” do một số học giả Trung Quốc đưa ra cách đây vài năm. Song việc làm đó lại “hớ hênh” để cho “bàn dân thiên hạ” thấy rõ rằng, Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng mọi “mưu ma chước quỷ” cốt sao để đạt cho được mục đích cuối cùng của mình.
Chuyện là, đầu tháng 4/2018, tờ báo South China Morning Post, tờ nhật báo tiếng Anh do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) sở hữu, có bài viết giới thiệu về một “công trình nghiên cứu” của 6 học giả dưới sự bảo trợ của Chính phủ Trung Quốc về cái gọi là bản đồ “đường chữ U liền nét”. Những học giả này tỏ vẻ hân hoan với “khám phá mới” và cho rằng, “đường chữ U liền nét”, hay còn được biết đến với tên
gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã công khai tuyên bố là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông với thế giới năm 2009, có thể được coi là biên giới trên biển của Trung Quốc.
Điều cần lưu ý là, chuẩn tắc cơ bản, thông dụng trên thế giới khi thể hiện biên giới quốc gia trên bản đồ phải là đường liền nét. Thế nhưng, yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chữ U” hoặc “đường chín khúc” của Trung Quốc đều là đường đứt rời. Vì thế, đường vẽ này không thể gọi là đường biên giới quốc gia được. Chắc có lẽ vì lý do đó nên các nhà nghiên cứu Trung Quốc, được sự hỗ trợ và khích lệ từ chính phủ đã cố gắng tìm kiếm và “phát hiện mới” được tấm bản đồ liền nét để khắc phục điểm yếu này.
Đọc kỹ bài báo gốc đăng trên Tạp chí Khoa học Trung Quốc tháng 3/2017 mới thấy điều thú vị về sức tưởng tượng của các học giả Trung Quốc. Những gì được nêu ra trong bài báo đó thêm một lần nữa bóc trần sự “bất chấp” tính khách quan và chân thực của khoa`học và lịch sử lại bị “cưỡng ép” bởi các học giả Trung Quốc, những người đã bỏ qua các chuẩn mực đạo đức hàn lâm để phục vụ tuyên truyền chính trị. Việc công bố bài báo cũng cho thấy, Trung Quốc có thể vẫn đang nỗ lực nuôi hi vọng để cứu vãn “đường lưỡi bò” khi yêu sách này đã bị cả thế giới phản đối và Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) thẳng thừng bác bỏ vào tháng 7/2016.
Trước tiên, điều hết sức “nực cười” là các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm và tự tin cho rằng, “bằng chứng không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc” là một bản đồ phụ nằm ở góc của một bản đồ mang tên “Bản đồ phân khu hành chính toàn quốc” xuất bản năm 1951 bởi Quang Hoa và Hội Khoa học địa chất. Rất may là thế giới đã sáng chế ra kính lúp để các nhà khoa học Trung Quốc có thể phóng đại bản đồ đó lên để biến nó thành một bằng chứng cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc(!).
Tất nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính xác thực của sự “khai quật” này, bởi lẽ đơn giản là Trung Quốc là quốc gia rộng lớn và có tính “sáng tạo” rất cao. Xưa nay, Trung Quốc luôn khẳng định tìm thấy nhiều cổ vật từ “ngàn xưa” ở các khu vực Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong khi các phát hiện khảo cổ lại cho thấy, Trung Quốc biết đến những vùng này khá muộn so với các nước khác. Tại một số cuộc hội thảo, nhiều học giả chân chính của Trung Quốc đã thừa nhận rằng, Trung Quốc là nước công bố chậm nhất trong khi các nước khác đã tiến hành quản hạt và khai thác từ lâu ở Biển Đông, hơn nữa những công bố của Trung Quốc về chủ quyền ở khu vực biển này đều rất mơ hồ về giới hạn địa lý, nên bị đuối lý về thời gian và pháp lý; đuối lý cả về khái niệm “biển nội địa” và “biển ngõ”. Thật đúng là đôi khi Trung Quốc chỉ cần nói lấy được.
Chưa cần nói đến tính xác thực và chính xác của tấm bản đồ trên, đã có thể thấy một số điểm phi lý trong lập luận của các học giả Trung Quốc, đó là tấm bản đồ đã phát hiện không đủ yếu tố cấu thành đường biên giới biển vì các lý do: (1) Việc phân định, xác định biên giới phải được thực hiện thông qua đàm phán, ký kết bằng điều ước quốc tế giữa các quốc gia liên quan. Các tuyên bố đơn phương của một quốc gia về đường biên giới với một quốc gia khác hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Như giáo sư Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia đã chỉ rõ, bản đồ đơn phương không có giá trị khẳng định chủ quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế trừ phi nó đi liền với một hiệp định quốc tế hoặc một văn kiện hành chính có giá trị pháp lý trong nước và quốc tế. (2) Bản đồ trên không phải của Chính phủ Trung Quốc phát hành mà nó là của một hiệp hội chuyên ngành, Hội Khoa học địa chất. Do đó, phát hiện này nếu có thì cũng không thể trao cho Trung Quốc một chứng cứ lịch sử có giá trị, càng không thể tạo ra một đường biên giới trên Biển Đông. Nói cách khác, nguồn gốc tấm bản đồ mập mờ như “ma trận”.
Thứ hai, họa hình vẽ trong tấm bản đồ đó rất tùy tiện, lộn xộn và lệch lạc. Có thể thấy, các học giả Trung Quốc không bỏ qua bất cứ cách thức nào để có thể chứng minh định đề có sẵn trong tư duy của họ. Nghiên cứu của nhóm học giả cho rằng, “đường chữ U liền nét” trong tấm bản đồ năm 1951 được vẽ bởi hai đường, một đường màu đen được cho là đường biên giới theo chuẩn do Nhà xuất bản Bản đồ Trung Quốc quy ước và một đường màu đỏ được nhóm nghiên cứu chỉ ra là “đường phân khu hành chính”.
Như vậy, các học giả Trung Quốc có công lớn trong việc “gia công” cẩn thận bản đồ này khi đưa kèm theo các chú thích tỉ mỉ về “ký hiệu đường biên giới” hay “đường phân khu hành chính” nhằm ý đồ chứng minh “đường chữ U liền nét” chính là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhìn vào tấm bản đồ, người ta sẽ thấy hai đường màu đen và màu đỏ mà các học giả Trung Quốc gọi là “đường biên giới” đó chỉ là những nét vẽ hết sức tùy tiện.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một đường biên giới nhưng lại được thể hiện qua hai đường khác nhau và nếu hai đường này là một thì lý do gì khiến chúng không trùng nhau? Giả sử như nhóm học giả này lập luận rằng, công nghệ vẽ bản đồ thời điểm đó còn chưa phát triển, thì cũng không thể có một đường biên giới
quốc gia được vẽ bằng hai đường với các khoảng cách khác nhau, chỗ sát vào nhau và chỗ cách xa nhau. Với tỷ lệ tấm bản đồ là 1:30.000.000 như các học giả này đề cập thì khoảng cách giữa những vị trí sai lệch cũng có thể lên đến hàng chục hải lý.
Không những thế, đường này còn được vẽ một cách tùy tiện đến mức đường khung viền bên dưới của tấm bản đồ cắt ngang cả “đường chữ U” – cái mà nghiên cứu này cho là “đường biên giới quốc gia” trên biển, khiến “đường chữ U” bị “lẹm” đi một phần đáng kể.
Thứ ba, ma trận “đường chữ U liền nét” rối mù. Trung Quốc vẫn thường nhắc đến những chứng cứ như “đường lưỡi bò” xuất hiện lần đầu từ năm 1914 do một người có tên là Hu Jinjie vẽ, thế nhưng đến nay vẫn không tìm thấy; hay tấm bản đồ nét liền do Bai Meichu vẽ năm 1936 (tác phẩm cá nhân); và chứng cứ được cho là chính thức nhất là tấm bản đồ nét đứt năm 1948 do Trung Hoa Dân quốc xuất bản. Điểm chung của các tấm bản đồ này là không có địa điểm và tọa độ địa lý chính xác cho các vị trí, các đoạn. Tất nhiên, Trung Quốc có lý do để không xác định tọa độ chính xác của các điểm, tránh “mua dây buộc mình” để còn dễ bề xoay xở?
“Đường lưỡi bò” như đã biết, khi thì được Trung Quốc vẽ với 11 nét, 9 nét, có lúc lại là 10 nét. Tuy nhiên, từ năm 1947 trở lại đây, người ta vẫn thường trích dẫn “đường chữ U” là một đường đứt đoạn. Nay lại có thêm một “sáng kiến” nối liền các đoạn đứt lại với nhau. Tất nhiên, khi nối lại thì các học giả Trung Quốc lại buộc phải tìm ra lý thuyết để giải thích sự biến dạng liên tục của “đường chữ U” trong lịch sử. Thú vị nhất là việc các học giả Trung Quốc đưa ra cách giải thích mới rằng, “đường chữ U” đứt đoạn phản ánh “nước biển luôn chuyển động”. Điều đó có nghĩa là “đường chữ U liền nét” sẽ là biểu hiện nước biển bất động (?). Cách bao biện như vậy hoàn toàn phản khoa học. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc có vẻ cố tình “lờ” đi rằng, trong lịch sử, Trung Quốc là một cường quốc lục địa hơn là cường quốc biển, Trung Quốc chưa bao giờ coi vùng biển là lãnh thổ quốc gia. Hầu hết các bản đồ của Trung Quốc trước thế kỷ XX đều coi cực Nam lãnh thổ Trung Quốc xa nhất là Hải Nam. Trên thực tế, tại thời điểm năm 1951, Biển Đông vẫn là một vùng biển mở, các nước ven biển có quyền đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, tàu thuyền của các quốc gia khác có quyền tự do đi lại qua đây.
Thứ ba, “phát hiện mới” này rất ngụy biện, lập lờ và phi pháp. Điểm mấu chốt là nghiên cứu không làm rõ thêm căn cứ, cũng như yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù “đường chữ U liền nét” có giá trị ước lệ ra sao, dư luận quốc tế vẫn muốn Trung Quốc công khai quan điểm về vị trí chính xác cũng như quy chế pháp lý của vùng nước bên trong “đường chữ U liền nét”. Tuy nhiên, công bố của học giả Trung Quốc thể hiện sự lộn xộn và thiếu nhất quán về pháp lý. Việc sử dụng thuật ngữ “biên giới trên biển” hàm nghĩa Trung Quốc có thể đòi hỏi chủ quyền với vùng biển đó giống như lãnh thổ trên đất liền. Trong bài báo, các tác giả cho rằng, các tàu thuyền có thể “qua lại vô hại ở khu vực này”, hàm ý họ coi khu vực này như là “lãnh hải” của Trung Quốc. Bối rối hơn, trả lời phỏng vấn báo South China Morning Post, các học giả lại cho rằng, Trung Quốc có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển, còn các nước khác có quyền “tự do đi lại”, hàm ý vùng nước này có giá trị như vùng đặc quyền kinh tế theo định nghĩa của UNCLOS 1982.
Tất cả các lập luận của Trung Quốc hòng bảo vệ yêu sách trên cho đến nay đều không có cơ sở pháp lý vững chắc. Dù là “đường chữ U liền nét” được cho là gì và ở đâu, tất cả các diễn giải đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết của PCA năm 2016 đã khẳng định yêu sách lịch sử trong phạm vi “đường lưỡi bò” là trái với UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Tiến sỹ Ian J.Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng, nếu Trung Quốc chính thức công bố cái gọi là “đường biên giới chữ U liền nét” trên Biển Đông như đề xuất của nhóm học giả trên thì sẽ được coi là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của PCA năm 2016.
Thứ tư, câu hỏi lớn nhất là tại sao các học giả và báo chí Trung Quốc lại đưa tin “rùm beng” về “phát hiện vĩ đại” của họ vào thời điểm trên và mục đích của họ là gì?
Sau vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh một mặt ra sức công kích các thẩm phán và phớt lờ phán quyết, mặt khác, tìm mọi cách, trong đó có cả việc sử dụng các nhà khoa học để tìm cách chứng minh cho yêu sách đã bị phán quyết của PCA bác bỏ. Trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa và gia tăng xâm nhập vào vùng biển của các quốc gia khác. Xâu chuỗi các diễn tiến và sự kiện cho thấy, phán quyết của PCA năm 2016 là một trong những trở ngại lớn đối với Trung Quốc trên con đường tìm cách “độc chiếm” Biển Đông. Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế, Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận “thử đẩy” hơn là “quyết đoán” như trước. Việc đẩy mạnh sử dụng kênh “học giả” để tìm cách “lật lại” quyết định của PCA cho thấy, Trung Quốc vẫn tìm cách “hà hơi thổi ngạt” cho “đường lưỡi bò” đang dần “chết yểu” bởi tính chất phi lý của nó.
Thứ năm, qua việc công bố “phát hiện mới” nói trên, có nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là đòn hỏa mù của Trung Quốc giống như các động thái trước. Tháng 9/2017, Trung Quốc cũng đã tung ra khái niệm “Tứ Sa” nhằm thăm dò dư luận nhưng đã bị dư luận quốc tế và khu vực phản đối mạnh mẽ. Hiện nay, Trung Quốc dường như lại đang sử dụng con bài học giả để tiếp tục thử chiếc “bình mới” mang tên “bản đồ năm 1951” nhưng thực chất bên trong vẫn chỉ là “rượu cũ” như những gì Trung Quốc từng yêu sách.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của trí tưởng tượng của chính họ, từ đó có các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Về góc độ nội bộ, Trung Quốc có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên để “trang trải” và trấn an dư luận trong nước sau thất bại thê thảm tại PCA. Nhưng một ngày nào đó, Trung Quốc có thể ngộ nhận cái họ ngụy tạo để chi phối tư duy và hành động. Theo đó, nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy và chính thức hóa yêu sách “đường chữ U liền nét”, các nước khác sẽ không còn cách nào khác phải viện đến công cụ pháp lý để kiện Trung Quốc.
Thứ sáu, đây có thể coi là một nỗ lực vô vọng của Trung Quốc. Dưới sự tài trợ và ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc, các học giả có lẽ sẽ tiếp tục cần mẫn tìm kiếm và ngụy tạo các chứng cứ lịch sử trên danh nghĩa khoa học. Tấm bản đồ năm 1951 không phải lần đầu và cũng có lẽ không phải là điểm chấm hết cho cả một tiến trình đã bắt đầu từ rất lâu. Nếu tiếp tục cố chấp với lỗi lầm của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục lúng túng và bế tắc, càng cố càng sai, càng giải thích càng đi sâu vào ngõ cụt. “Đường chữ U” dù đứt đoạn hay liền nét đều không mang lại chủ quyền và hữu hảo, mà chỉ mang lại cho Trung Quốc sự bất mãn của láng giềng và sự ghẻ lạnh của thế giới.
Do vậy, dù Trung Quốc có cố gắng đến đâu cũng không thể phản bác được các bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nước biển có thể động, nhưng không thể thay đổi sự thật lịch sử rằng, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để cưỡng đoạt Hoàng Sa năm 1956, 1974 và một số thực thể ở Trường Sa từ Việt Nam năm 1988. Dù Trung Quốc có “phát hiện mới” thêm nhiều di vật lịch sử cũng không thể bác bỏ được chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác với vùng biển lân cận theo quy định của UNCLOS 1982. Dù Trung Quốc có thể mạnh, nhưng họ cũng không thể bẻ cong được luật pháp quốc tế và không thể mua chuộc được dư luận quốc tế.
Câu chuyện một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc đưa ra “phát hiện mới” về bản đồ “đường chữ U liền nét” một lần nữa cho thấy tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt, cho dù đã bị dội một gáo nước lạnh với phán quyết của PCA năm 2016. Trung Quốc vẫn ráo riết tìm mọi cách thực hiện trên thực tế để biến “đường lưỡi bò” thành hiện thực. Và một trong những cách đó là họ đã “phát hiện” ra bản đồ có “đường chữ U liền nét” mà họ nói rằng đã xuất bản từ năm 1951. Tuy nhiên, bản chất của cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không hề có tính chất pháp lý nào, nên dù có biện minh kiểu gì đi nữa cũng không được luật quốc tế chấp nhận và đương nhiên, nó sẽ không có chỗ đứng trong luật quốc tế. Mặc dù, Trung Quốc với sức mạnh đang lên, mưu toan “đổi trắng thay đen”, nhưng điều này không thể làm được trong thế giới hiện đại. Vì thế, mọi tuyên bố không có nền tảng luật quốc tế như “đường lưỡi bò”, dù liền nét hay đứt khúc, cũng không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận, Trung Quốc hãy nhớ điều đó!.

Thách thức và cơ hội đối với việc duy trì hòa bình,

 ổn định và phát triển ở Biển Đông

Các chiến lược gia của thế giới đã khẳng định, “thế kỷ XXI là thế kỷ của Châu Á – Thái Bình Dương, quốc gia nào muốn đứng chân ở châu Á – Thái Bình Dương thì nhất thiết phải khống chế được Biển Đông, bởi chiếm cứ được Biển Đông có nghĩa là chiếm cứ được Tây Thái Bình Dương nói riêng, toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung”. Với vị trí quan trọng như vậy nên nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực đã đưa Biển Đông vào trong chiến lược hoặc chính sách của mình. Song, xuất phát từ tham vọng và tính toán lợi ích riêng của từng nước, nên việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, trong khi cơ hội hợp tác bắt đầu có sự suy giảm.
Các chiến lược gia cũng cho rằng, cục diện Biển Đông đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó tập trung vào các yếu tố cơ bản sau: (1) Chiến lược và chính sách của các bên tranh chấp trực tiếp, trong đó tính chất phi lý và tham vọng quá mức của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín khúc” đã khiến cho các nước nhỏ khác trong khu vực kịch
liệt phản đối và vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013 là một minh chứng cho những phản ứng tích cực đó; (2) Từ những tranh chấp chủ quyền và ranh giới biển ở khu vực, Biển Đông đã và đang trở thành một trong những “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc; (3) Chủ nghĩa dân tộc cực đoan gia tăng trong mỗi quốc gia đã làm giảm đi dư địa chính sách của các chính phủ, đồng thời thúc đẩy tính toán trên cơ sở lợi ích vị kỷ quốc gia; (4) Các quốc gia ven biển phải đối phó với một loạt thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng, như sự cạn kiệt nguồn cá, ô nhiễm môi trường và sự suy thoái hệ sinh thái biển, nạn buôn lậu, buôn bán ma túy, cướp biển có vũ trang, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, buộc các nước này phải tăng cường thực thi pháp luật và trong quá trình đó không loại trừ việc sử dụng các biện pháp mạnh tay và vũ lực quá mức.
Chính sự tương tác của các nhân tố trên khiến cho tình hình Biển Đông đang thay đổi theo hướng căng thẳng, rủi ro tiếp tục tăng lên, từ đó tạo ra các thách thức rất lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, cụ thể:
Thứ nhất, nguy cơ xung đột trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Nhân tố làm nên nguy cơ này không ai khác mà chính là Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh chủ trương: Sử dụng tổng hợp và linh hoạt các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, cả “cứng” và “mềm”, từng bước giành quyền kiểm soát Biển Đông, lấy Biển Đông làm “bàn đạp” để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, bảo đảm cho Trung Quốc có vai trò quyết định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phục vụ cho việc thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc hải dương”, tiến tới trở thành “cường quốc thế giới” vào giữa thế kỷ XXI. Để thực hiện chủ trương đó, Trung Quốc đã công khai và ráo riết theo đuổi yêu sách “đường chín khúc” phi pháp, khi đuối lý và bị thế giới phản đối thì chuyển qua yêu sách “Tứ Sa”; tìm mọi cách né tránh luật pháp quốc tế để thực hiện các bước đi ngang ngược ở Biển Đông, cự tuyệt sự trao đổi thẳng thắn, thiện chí của một số nước để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, khiến nhiều bên tranh chấp bất mãn. Việc Trung Quốc áp dụng chiến thuật “vùng xám” với sự tham gia của các lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển được trang bị tàu cá có vũ trang để hỗ trợ cho các hoạt động xâm lấn trên các vùng biển thuộc chủ quyền các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, cùng với đó là bồi đắp, xây mới các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự và đưa các loại vũ khí hiện đại ra bố trí trên đó khiến cho các nước rất lo ngại và buộc phải cân nhắc các biện pháp bổ sung ngoài biện pháp ngoại giao, hòa bình để phòng ngừa các tình huống bất ngờ đến từ Trung Quốc. Chính các biện pháp mang tính chất “răn đe” nói trên của Bắc Kinh đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng, trở thành khu vực có lượng nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, chiếm 42% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2018, vượt xa con số 32% của khu vực Trung Đông, vốn được coi là điểm “nóng” nhất về an ninh của thế giới những năm gần đây.
Thứ hai, lòng tin chiến lược giữa các nước bị suy giảm, gia tăng sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực. Có thể thấy, chưa bao giờ từ khóa “lòng tin chiến lược” trong quan hệ quốc tế lại được đề cập nhiều như hiện nay. Mặc dù tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” và rằng, Trung Quốc sẽ duy trì hòa bình, không quân sự hóa Biển Đông, thúc đẩy hợp tác với các nước để “cùng thắng”… Nhưng, trái ngược với tuyên bố đó, Bắc Kinh lại sử dụng mọi biện pháp, thủ đoạn trong hoạt động tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” Biển Đông theo “đường chín khúc”; đẩy mạnh luật hóa, dân sự hóa các hoạt động ở Biển Đông; tăng cường hoạt động tuần tra, chấp pháp nhằm mở rộng quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông; đẩy mạnh thăm dò khai thác dầu khí, trong khi lại cứng rắn phản đối các nước khai thác, thăm dò trong phạm vi thuộc chủ quyền các nước, thậm chí hạ đặt và đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào ngay trong khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một số nước; tăng cường sức mạnh và mở rộng hoạt động của lực lượng hải quân trên các vùng biển có tranh chấp nhằm “răn đe” đối phương; bồi đắp, mở rộng, xây dựng các công trình quân, dân sự trái phép trên quần đảo Trường Sa với quy mô và tốc độ chưa từng có nhằm hỗ trợ cho các đòi hỏi “chủ quyền” và mở rộng khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông; bắt giữ, đâm chìm tàu cá các nước; thực hiện chính sách ngoại giao vừa lôi kéo, vừa gây sức ép, chia rẽ các nước ASEAN, ngăn chặn “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông… Chính sự trỗi dậy “không bình thường” trên của Trung Quốc đã khiến cho các nước mất niềm tin với những gì Bắc Kinh tuyên bố. Nhiều cường quốc đã phải điều chỉnh chính sách, chuyển từ can dự sang cạnh tranh quyết liệt hơn với Trung Quốc, điển hình trong đó là Mỹ. Sau khi xác định “Trung Quốc là đối thủ số 1”, Mỹ đã triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, từng bước hình thành “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để xây dựng đồng minh, đối tác nhằm bao vây, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo báo cáo “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 01/6/2019, Mỹ đã triển khai hơn 2.000 máy bay, 200 tàu chiến và tàu ngầm cùng 370.000 binh sỹ ở khu vực, lên kế hoạch mua 10 tàu khu trục và triển khai tên lửa đạn đạo trong giai đoạn từ 2020 – 2024 để chuẩn bị cho kịch bản xung đột tại Biển Đông. Có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, đỗ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra sự bất an thường trực ở Biển Đông, từ đó liên tục triển khai nhiều biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến cho khu vực này trở thành điểm “nóng” của thế giới.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản và các nước như Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng tích cực can dự vào Biển Đông nhằm phục vụ cho chiến lược riêng của mỗi nước. Động thái trên cùng với các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích ở Biển Đông của Trung Quốc và các nước trong khu vực, đã và đang làm cho tình hình kinh tế – thương mại, hàng hải tại đây trở nên sôi động hơn, song cũng làm cho vấn đề an ninh ngày càng “nóng” hơn, đẩy khu vực vào vòng xoáy tập hợp lực lượng mới, tạo sức ép rất lớn buộc các nước vừa và nhỏ rơi vào thế phải “chọn bên” nếu không xử lý khéo léo cạnh tranh giữa các nước lớn. Trên thực tế, nội bộ ASEAN đã có sự “rạn nứt” kể từ khi Trung Quốc thực hiện sách lược “bẻ đũa từng chiếc”, tìm cách lôi kéo, gây sức ép với một số nước thành viên để ngăn chặn việc hình thành các lập trường chung gây bất lợi cho nước này.
Ngạn ngữ có câu “có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”. Sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông có khả năng sẽ tạo ra những phản ứng mang tính dây chuyền, làm chậm hoặc thậm chí chấm dứt các chương trình, hoạt động hợp tác cấp bách. Thực tiễn gần một thập kỷ qua cho thấy, không có nhiều dự án hợp tác biển đáng kể được triển khai giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp khác bởi giữa các bên còn tồn tại sự nghi kỵ, lo ngại sâu sắc. Bất chấp việc Trung Quốc và ASEAN ký kết tuyên bố về “Thế kỷ bảo vệ môi trường biển và ven biển ở Biển Đông” ngày 13/11/2017, nhưng đến nay vẫn chưa có chương trình hay sáng kiến cụ thể nào được các bên chấp thuận, chứ chưa nói đến các hoạt động có ý nghĩa thực chất. Tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố mà thôi.
Thứ ba, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị xói mòn nghiêm trọng, có nguy cơ tạo ra những bất ổn cục bộ. Như đã biết, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là bản hiến pháp về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý cao nhất để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích khác của các quốc gia; là căn cứ để giải quyết các tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định cho các khu vực; các nước tham gia ký kết và phê chuẩn phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ Công ước. Nói cách khác, UNCLOS 1982 là nền tảng của trật tự trên biển toàn cầu trong 25 năm qua và đã thiết lập một hệ thống quy tắc, luật lệ trong sử dụng biển và đại dương, hài hòa quyền, lợi ích và trách nhiệm giữa các quốc gia có biển và không có biển, giữa các cường quốc và các nước vừa và nhỏ. Năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước và sử dụng nó để đòi hỏi quyền và bảo vệ các lợi ích của mình. Tuy nhiên, vượt qua thời kỳ “giấu mình chờ thời”, khi mạnh lên, Bắc Kinh đã lộ rõ ý đồ, tìm cách áp đặt một trật tự riêng cho Biển Đông, từ chối quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác. Cách hành xử “bất nhất” và thiên về hành động “cơ bắp”, cường quyền của Bắc Kinh khiến cho các nước vừa và nhỏ trong khu vực cảm thấy lo ngại, không còn tin vào hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như cam kết của các cường quốc.
Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đã bỏ qua UNCLOS 1982 khi bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hoặc cố tình giải thích sai UNCLOS 1982 để vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa nhằm tạo ra EEZ cho riêng mình và đang có ý đồ áp dụng đối với Trường Sa. Đây là một thách thức pháp lý trên biển rất nghiêm trọng và nó chưa dừng lại ở đó. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài việc xâm phạm EEZ của Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, tổ chức tập trận quân sự để “răn đe” các nước, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố thành lập hai “quận” Tây Sa và Nam Sa trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, trong đó có nhiều thực thể nằm dọc theo “đường chín khúc” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố “chủ quyền” và rất gần đất liền Việt Nam; gửi công hàm cho Liên hợp quốc để trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên bố bảo vệ yêu sách “đường chín khúc”. Rõ ràng, tham vọng xâm chiếm phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc là mối đe dọa thật sự đối với chủ quyền các nước chứ không phải là một sự “thổi phòng” như Bắc Kinh thường cáo buộc.
Thực tế trên cũng cho thấy, Trung Quốc đang tỏ ra bất chấp các luật lệ và chuẩn mực hành xử của quốc tế hiện nay, chứng tỏ pháp luật quốc tế chưa đủ mạnh để kiềm chế, điều chỉnh hành vi của nước này, thậm chí còn bị “bẻ cong” để phục vụ cho tham vọng “bành trướng” của họ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc coi thường hay lạm dụng lỗ hổng của luật pháp quốc tế để phục vụ cho lợi ích riêng sớm muộn cũng sẽ vấp phải hệ lụy bởi đó là điều “lợi bất cập hại”, như cổ nhân đã dạy “gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy”. Chính cách hành xử của Trung Quốc đã buộc các nước phải xem xét lại hệ thống pháp lý quốc tế hiện hành, đánh giá lại quan hệ của họ với Bắc Kinh, áp dụng chiến lược cạnh tranh thay vì can dự, hợp tác như trước đây. Các trung tâm quyền lực như Mỹ, Nhật Bản và EU đang điều chỉnh chính sách, nhìn nhận Trung Quốc là “thách thức” hơn là “cơ hội”.
Do Biển Đông có vị trí, vai trò quan trọng, nên ngoài các khó khăn, thách thức như đã nêu, có hai lĩnh vực thuận cho các nước trong khu vực cùng bắt tay hợp tác để giải quyết, đó là nghề cá và bảo vệ môi trường biển vì đây là nguồn lợi, là di sản chung cho tiến trình phát triển của tất cả các nước chứ không riêng của một nước nào, khác với hợp tác khai thác tài nguyên chung vì còn liên quan đến chủ quyền của từng quốc gia, vốn đang xảy ra nhiều tranh chấp.
Nhiều công trình đã đánh giá, Biển Đông là 1 trong 5 khu vực có lượng cá đánh bắt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 12% sản lượng cá toàn cầu. Tuy nhiên, toàn bộ nghề cá ở Biển Đông, vốn sử dụng hàng triệu lao động (khoảng 3,7 triệu người) và giúp nuôi sống hàng trăm triệu người, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng trữ lượng cá ở Biển Đông đã cạn kiệt khoảng 70 – 95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ khai thác đã giảm 66 – 75% trong vòng 20 năm qua. Sự suy giảm nguồn cá ở Biển Đông do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Số lượng tàu đánh cá quá lớn (chiếm hơn 50% tổng số lượng tàu cá thế giới); hoạt động đánh bắt được ưu tiên hơn là bảo tồn, phát triển; xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới quét; ô nhiễm môi trường biển… Đặc biệt, việc phá hoại diện tích lớn hệ thống san hô đã đe dọa nơi cư trú, phát triển của các giống loài, làm suy giảm nghiêm trọng đến đa dạng sinh học biển. Trước thực tế đó, các quốc gia ven Biển Đông không có sự lựa chọn nào khác là phải hợp tác với nhau trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện có để duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, hợp tác phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ càng, công bằng, phù hợp với thực tiễn quốc tế hiện đại. Các hành vi đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên các vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình.
Về bảo vệ môi trường biển, có thể nói, hiện nay ô nhiễm môi trường biển đang trở thành vấn nạn ở Biển Đông. Đa số các nguồn ô nhiễm, đầu độc biển và đại dương đều xuất phát từ các hoạt động trên bờ. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với ý thức bảo vệ môi trường biển thấp kém dẫn đến ô nhiễm biển ven bờ nghiêm trọng, rác thải nhựa theo các dòng sông chảy ra biển ngày càng nhiều. Nếu không có sự hợp tác bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi ngư nghiệp thì Biển Đông sẽ có “nhiều nhựa hơn là cá”. Bên cạnh đó, biển ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải đổ vào nó thông qua nhấn chìm hợp pháp và bất hợp pháp ngày càng nhiều. Rõ ràng, vấn đề môi trường biển ở Biển Đông liên quan chặt chẽ đến hành vi ứng xử khác nhau của con người. Đặc biệt, nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền biển, đảo, Trung Quốc đã phá hủy quy mô lớn các thực thể tự nhiên ở các quần đảo ngoài khơi Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo ở đó. Hậu quả vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu các hành vi hủy hoại môi trường và tài nguyên biển như vậy không được ngăn chặn.
Thực tiễn đó cho thấy, các bên cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại những thách thức và rủi ro đối với môi trường biển, từ đó tìm kiếm các giải pháp mang tính chia sẻ và có sự đồng thuận cao giữa các quốc gia hữu quan. Sự hợp tác này cần được xác định và thực thi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng, hướng tới góp phần giữ gìn di sản chung.
Nhìn chung, Biển Đông sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, các tranh chấp khó có thể giải quyết trong trung hạn. Trong bối cảnh tham vọng chính trị cường quyền gia tăng, hơn lúc nào hết, các nước trong khu vực cần tận dụng các công cụ pháp luật và chính trị sẵn có để tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì dựa vào luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 để đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông, đồng thời triệt để tận dụng mọi cơ hội để đối thoại, hợp tác hướng đến bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.