Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 18/06/2020

Thursday, June 18, 2020 7:30:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 18/06/2020

Quan hệ Mỹ – Trung vẫn căng thẳng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước

Hôm qua, 17/06/2020, tại Hawai, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp ông Dương Khiết Trì, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cuộc họp này đã không đủ để làm dịu căng thẳng cao độ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo hãng tin AFP, cuộc hội đàm giữa ông Mike Pompeo và ông Dương Khiết Trì thật ra đã bắt đầu từ tối thứ Ba và đã tiếp diễn hôm qua trong gần 7 tiếng đồng hồ, một dấu hiệu cho thấy hai bên không giải tỏa được các bất đồng. Điều này cũng được thể hiện qua các thông cáo ngắn ngọn được công bố sau cuộc họp.
Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, “hai bên đã khẳng định các lập trường của mình và đã quyết định sẽ tiếp tục giữ liên lạc”. Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc xem đây là một cuộc “đối thoại mang tính xây dựng”. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh đến “sự cần thiết của các trao đổi giữa hai quốc gia trong mối quan hệ thương mại, an ninh và ngoại giao”. Ông Pompeo cũng yêu cầu Bắc Kinh phải hoàn toàn minh bạch trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc vào lúc đầu đã che giấu tầm mức và tính chất trầm trọng của dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán và như vậy phải chịu trách nhiệm trong việc để đại dịch lan ra toàn thế giới, khiến gần 450.000 người chết, trong đó có 117.000 người ở Hoa Kỳ, và khiến nhiều nước phải tạm ngưng hoạt động kinh tế.
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “giam giữ hàng loạt” những người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo. Luật này đã được Hạ Viện thông qua hôm 27/05 với đa số áp đảo, sau khi đã được thông qua tại Thượng Viện trước đó mấy ngày. Hôm nay, Bắc Kinh đã có phản ứng, xem việc ban hành đạo luật nói trên là một cuộc “tấn công sai trái” nhắm vào chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ gánh chịu những “hậu quả” về việc ban hành đạo luật nói trên.
Các tổ chức nhân quyền vẫn tố cáo Trung Quốc đã giam giữ đến cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong những trại cải tạo. Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định là họ chỉ lập các trại huấn nghệ để giúp người dân Tân Cương kiếm được việc làm và để họ không bị lôi kéo vào các nhóm Hồi Giáo cực đoan và khủng bố.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-m%E1%BB%B9-trung-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-sau-cu%E1%BB%99c-g%E1%BA%B7p-gi%E1%BB%AFa-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-ngo%E1%BA%A1i-giao-hai-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Tổng thống Trump:

Cảnh sát ‘không được đối xử công bằng’

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/6 nói rằng cảnh sát Mỹ “không được đối xử công bằng”. Phát biểu của ông Trump được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Fox sau khi viên cảnh sát ở Atlanta, Garrett Rolfe, bị buộc tội giết người hôm 17/6 vì bắn một người Mỹ gốc phi, Rayshard Brooks, từ phía sau và đá vào người anh này khi anh ta đã ngã xuống đất trong vũng máu.
Cái chết của Brooks xảy ra chưa đầy ba tuần sau khi một người da đen khác, George Floyd, tử vong trong lúc bị cảnh sát thành phố Minneapolis bắt giam, làm nổ ra các cuộc biểu tình chống cảnh sát trên khắp nước Mỹ.
“Tôi cho đó là một tình huống tồi tệ, nhưng bạn không được chống lại cảnh sát”, ông Trump nói về cái chết của Brooks trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
“Tôi hy vọng anh ấy được đối xử công bằng vì cảnh sát đã không được đối xử công bằng ở đất nước chúng ta”, tổng thống Mỹ nói thêm.
Cảnh sát Garrett Rolfe bị buộc tội giết người và các cáo buộc khác.
Các công tố viên nói Brooks không đề ra mối đe dọa nào vào lúc anh ta bị bắn chết, và viên cảnh sát da trắng đã đá anh ta và không cung cấp dịch vụ y tế cấp cứu cho anh này khi anh ta đã ngã xuống đất.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump nói rằng ông nghe được giải thích từ luật sư của Rolfe rằng viên cảnh sát đã nghe thấy một âm thanh như tiếng súng và nhìn thấy một tia sáng trước mặt.
“Tôi không biết có nhất thiết nên tin vào điều đó không, nhưng tôi nói với bạn rằng, đó là một chi tiết thú vị và có lẽ vậy. Do đó, người ta sẽ phải xác định thực hư thế nào”, ông Trump nói.
Khi bị bắn, Brooks đang cầm một khẩu súng phóng điện mà anh ta đã cướp được từ cảnh sát nhưng ở vị trí cách đó 5,5 mét và đang chạy trốn, Thẩm phán Paul Howard cho biết khi tuyên bố cáo trạng 5 ngày sau khi xảy ra vụ giết người bên ngoài một nhà hàng Wendy gây chấn động thành phố.
Vụ nổ súng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới ở thủ phủ bang Georgia, chống lại bạo lực của cảnh sát. Cảnh sát trưởng Atlanta, Erika Shields, đã từ chức chưa đầy 24 giờ sau khi Brooks qua đời.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91%E1%BB%91i-x%E1%BB%AD-c%C3%B4ng-b%E1%BA%B1ng-/5467903.html

Tổng thống Trump

gia hạn lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm

Hải Lam
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (17/6) đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm, với lý do chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục gây ra “mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng”, theo Yonhap.
Trong một thông báo gửi tới Nghị viện, Tổng thống Trump cho biết ông tiếp tục duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề Triều Tiên” được ban bố lần đầu vào ngày 26/6/2008, theo sắc lệnh hành pháp 13466. Sắc lệnh 13466 cho phép Washington trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu Tổng thống không gia hạn trong vòng 90 ngày trước ngày 26/6 hàng năm.
“Sự tồn tại và rủi ro của việc phổ biến vật liệu phân hạch có thể dùng trong vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục đặt ra mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”, Tổng thống Trump viết, giải thích lý do gia hạn tình trạng khẩn cấp trước ngày 26/6.
Trong một bức thư đính kèm gửi Nghị viện, ông chủ Nhà Trắng cho biết các chính sách và hành động của Bình Nhưỡng là “gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên và các lực lượng vũ trang, đồng minh cùng các đối tác thương mại trong khu vực”.
Cụ thể, Tổng thống Trump đề cập đến việc theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa, cùng các hành động và chính sách “khiêu khích, gây bất ổn và đàn áp” khác của chính quyền Triều Tiên.
Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau ba lần trong 2 năm để cố gắng đạt được một thỏa thuận là Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, đổi lại, Washington sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gần như đã ngưng trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Việt Nam hồi tháng 2/2019.
Động thái của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Hàn Quốc – Triều Tiên leo thang trong những ngày gần đây. Hôm 16/6, Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở thành phố biên giới Kaesong. Một ngày sau, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cho quân đội trở lại các đơn vị ở khu vực biên giới phi quân sự giữa hai nước. Hôm nay (18/6), tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài viết tuyên bố việc phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều mới chỉ là “bước khởi đầu”, đồng thời đe dọa có thể có các động thái khác “vượt ngoài sự tưởng tượng” nhằm đáp trả Hàn Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-gia-han-lenh-trung-phat-trieu-tien-them-1-nam.html

Nghị sĩ Mỹ trình dự luật cấm

thành viên ĐCSTQ và các tổ chức liên đới nhập tịch

Phụng Minh
Nghị sĩ Đảng Cộng Hoa Hoa Kỳ Guy Reschenthaler hôm 15/6 đã trình dự luật ngăn các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có được thẻ xanh tại Mỹ.
Ông Reschenthaler đề xuất luật mang tên “Đạo luật chấm dứt cộng sản Trung Quốc hưởng đặc quyền công dân” (End Chinese Communist Citizenship Act), theo đó, sẽ sửa đổi các điều khoản về ngăn chặn nhập cư của Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1952 (INA).
Cụ thể, nó sẽ có các quy định chi tiết hơn về việc cấm các cá nhân là Đảng viên, Đoàn viên, Đội viên thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc cả những người “ăn theo” được cấp thẻ xanh thường trú nhân Mỹ.
Theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ hiện tại, có hai ngoại lệ đối với các đảng viên khi xin thị thực nhập cư: một là nếu họ chấm dứt tư cách đảng viên trước khi nộp đơn xin thị thực, hai là nếu họ là người thân của công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân hợp pháp.
Tuy nhiên, dự luật mới đề xuất sẽ loại bỏ cả hai ngoại lệ này. Điều này có nghĩa là nếu một người từng có dính líu với các tổ chức của ĐCSTQ, thì dù họ có từ bỏ tư cách này trước khi xin thị thực; hoặc có người thân là công dân Hoa Kỳ, thì cũng không được chấp nhận.
Ông Reschenthaler cho biết hôm 15/6: “ĐCSTQ tiếp tục tham gia vào các hành vi hung hăng và vô lối trên thế giới, bao gồm ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, vi phạm luật thương mại quốc tế, đàn áp nhân quyền tàn bạo, và gần đây, đã không hành động và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm để ngăn chặn đại dịch chết người COVID-19″.
“Rõ ràng là các thành viên của ĐCSTQ không có cùng những lý tưởng và giá trị như nguoiwf Mỹ chúng ta. Chúng ta không thể để những người đó được hưởng tất cả các đặc quyền của việc trở thành công dân Mỹ”, ông nói thêm.
Vào tháng 6/2019, Tân Hoa Xã cho hay, ĐCSTQ có hơn 90 triệu đảng viên tính đến cuối năm 2018, dựa trên báo cáo của ban tổ chức trung ương. Dân số hiện nay của Trung Quốc là khoảng 1,4 tỷ người. Trong số hơn 90 triệu đảng viên, có khoảng 35% là công nhân và nông dân, 16% là nhân viên chuyên môn, kỹ thuật và gần 11% là nhân viên kinh doanh, quản lý.
Bên cạnh đó, ở Trung Quốc có hàng trăm triệu người đã tham gia vào các tổ chức thanh niên của đảng ở trường tiểu học và trung học cơ sở, gọi là Đoàn viên và Đội viên. Tất cả những người tham gia các tổ chức đó tuyên bố lời thề với ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-trinh-du-luat-cam-thanh-vien-dcstq-va-cac-to-chuc-lien-doi-nhap-tich.html

Chính quyền Trump đề xuất

cải tổ một điều luật bảo vệ các hãng công nghệ lớn

Quý Khải
Bộ Tư pháp đang chuẩn bị đẩy lùi các biện pháp bảo vệ pháp lý mà các tập đoàn công nghệ lớn ở nước này đang lợi dụng để bảo vệ mình trước các vụ kiện nội dung, một động thái được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ đóng cửa các nền tảng này vì có thiên hướng chính trị chống lại phe bảo thủ.
Trong tiếng Việt, từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” (conservatism là chủ nghĩa bảo thủ), nhưng có thể gây hiểu sai nghĩa. Conservatives là những người duy trì những giá trị truyền thống như tín ngưỡng, không nạo phá thai, không đồng tính luyến ái, … Trái ngược với trường phái này là Liberalism (chủ nghĩa tự do).
Là người theo chủ nghĩa bảo thủ, hồi cuối tháng 5 tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chỉnh đốn các mạng xã hội kiểm duyệt người dùng, đặc biệt là những tiếng nói conservative. Một số trang mạng xã hội mục tiêu có thể kể đến như Facebook, Twitter.
Sắp tới Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch nối tiếp và mở rộng hiệu lực chính sách này của tổng thống Trump thông qua các cải cách lập pháp, cụ thể nhắm vào Mục 230 – bộ luật quản lý Internet, theo Daily Mail.
Luật này cho phép các tập đoàn công nghệ lớn miễn trừ trách nhiệm trước các vụ kiện có thể đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp công nghệ đó khi vẫn còn non trẻ, nhưng giờ đây luật này lại đang bảo vệ các gã khổng lồ công nghệ này khỏi các trách nhiệm pháp lý.
Về cơ bản các nền tảng mạng xã hội và tìm kiếm lớn như Facebook, Twitter hay Google hiện đang toàn quyền kiểm duyệt, xóa bỏ hoặc điều chỉnh nội dung người dùng. Nói cách khác, họ hiện có thể muốn gì làm nấy.
Những cải cách sẽ khiến các công ty như Facebook, Google và Twitter trở nên có trách nhiệm hơn, công bằng và nhất quán trong cách xử lý đối với một loạt nội dung được đăng trên trang web của họ. Theo đó các nền tảng này sẽ phải cho thấy họ đã hành động ‘với thiện chí’ khi xóa hoặc đánh dấu cảnh báo những nội dung có vấn đề.
Việc cải tổ mục 230 đã nhận được sự đồng thuận hiếm hoi từ cả hai Đảng, tuy rằng trên cơ sở lập trường khác nhau.
Kìm kẹp những tiếng nói conservative
Phe conservative cho biết những hãng công nghệ lớn đã sử dụng luật này để kiểm duyệt nội dung của các trang tin cánh hữu, đỉnh điểm là sự kiện hôm thứ Ba (16/6) khi Google đe dọa tắt chức năng kiếm tiền của The Federalist, một trang tin tức conservative do chồng của Meghan McCain – một người dẫn chương trình trên đài Fox News, một kênh truyền hình cánh hữu lớn ở Mỹ – thành lập.
Phản hồi trước vụ việc, Meghan McCain đã viết trên Twitter cá nhân:
‘Google hiện đang buôn lậu chủ nghĩa phát xít kỹ thuật số. Còn bao lâu nữa trước khi tất cả các bài phát biểu và ấn phẩm conservative bị cấm hoàn toàn?’
Trong một lá thư gửi Google tối thứ Hai (15/6), Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz cho rằng các hành động của Google ‘làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng rằng họ đang lạm dụng quyền lực độc quyền của mình trong nỗ lực kiểm duyệt các ngôn luận chính trị mà họ không thích’.
Ông cho rằng đó là dấu hiệu vén mở một ‘vấn đề lớn hơn’ – ‘quyền tự do ngôn luận ở đất nước này đang bị tấn công và đe dọa’.
“Và Google đang dẫn đầu phong trào đó”, ông nói tiếp.
Trong một lá thư gửi đến Giám đốc điều hành Google ông Sundar Pichai, Thượng nghị sĩ Hawley nhận định việc Google đã đe dọa tắt chức năng kiếm tiền của trang web conservative này vì những bình luận của họ liên quan cuộc biểu tình của “Người da đen đáng được sống (Black Lives Matter)” gần đây ở Mỹ là không đúng. Ông Hawley cho rằng thật vô lý khi Google bắt trang The Federalist chịu trách nhiệm cho các bình luận của độc giả trên trang của họ trong khi trang YouTube của Google lại không chịu trách nhiệm cho các bình luận của người dùng theo Mục 230.
“Về cơ bản, Google chỉ yêu cầu sự giám sát tối thiểu đối với chính nó, nhưng lại muốn có sức ảnh hưởng tối đa đối với những người sử dụng nền tảng của nó”, ông Hawley viết.
Gã khổng lồ này trước đây đã từng bị cáo buộc quảng bá các trang web cánh tả so với các trang web cánh hữu.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã cùng với ba nghị sĩ đảng Cộng hòa khác đã giới thiệu một dự luật cho phép người dân kiện các hãng công nghệ nếu có dấu hiệu cho thấy ngôn luận của họ bị kiểm duyệt, theo Reuters.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-de-xuat-cai-to-mot-dieu-luat-bao-ve-cac-hang-cong-nghe-lon.html

Bộ Tư pháp Mỹ kiện cựu cố vấn an ninh quốc gia

John Bolton về cuốn hồi ký mới

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa đệ đơn kiện cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một động thái mà truyền thông Mỹ nói là nhằm ngăn chặn ông Bolton xuất bản cuốn hồi ký mới về nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng, với lý do cuốn sách chứa “thông tin mật” có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
CBS dẫn tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ nói việc ông Bolton xuất bản cuốn sách “vi phạm rõ ràng hợp đồng làm việc mà ông đã ký”.
Cuốn sách mang tên “The Room Where it Happened” (tạm dịch: “Căn phòng nơi chuyện xảy ra”) dự kiến sẽ được xuất bản vào ngày 23/6 và các ấn bản đã được chuyển đến nhà kho.
Hồi đầu tháng này, luật sư của ông Bolton cho biết Nhà Trắng vẫn chưa đồng ý về cuốn sách, nhưng luật sư này viết cho Wall Street Journal rằng nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã xem xét cuốn sách và nói với ông Bolton vào cuối tháng 4 rằng bà đã gửi cho ông “bản chỉnh sửa cuối”.
Tuy nhiên, hồ sơ kiện của Bộ Tư pháp nói ông Bolton đã “không hài lòng với tốc độ xem xét của Hội đồng An ninh Quốc gia” và “tự ý thực hiện” bằng cách cứ xuất bản sách trước khi hoàn thành quá trình đánh giá trước khi xuất bản.
Chính phủ liên bang muốn một thẩm phán ra lệnh cho ông Bolton phải thực hiện “tất cả hành động trong khả năng quyền hạn” để ngăn chặn việc xuất bản và phổ biến cuốn sách với bản thảo hiện nay.
“Hội đồng An ninh Quốc gia xác định rằng bản thảo hiện tại có một số đoạn nhất định – một số chỗ có nhiều đoạn dài – chứa thông tin mật về an ninh quốc gia. Trên thực tế, NSC xác định rằng thông tin trong bản thảo được phân loại là không phổ biến, mật và tối mật. Theo đó, việc xuất bản và phát hành The Room Where It Happened sẽ gây tác hại không thể khắc phục được, vì việc tiết lộ các thông tin mật trong bản thảo có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, hoặc vô cùng nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, CBS dẫn đơn kiện của Bộ Tư pháp nói.
Chỉ vài giờ sau khi vụ kiện được đệ trình, ông Jody Hunt, người đứng đầu Cơ quan Dân sự của Bộ Tư pháp, thông báo rằng ông sẽ rời khỏi vị trí này vào ngày 3/7, một quan chức chính quyền cấp cao xác nhận với CBS News. Ông Hunt được xác định là luật sư đứng đầu trong vụ kiện.
Tại một cuộc họp nội các hôm thứ Hai, Tổng thống Trump bày tỏ sự bất mãn sâu sắc của ông đối với ông Bolton và cuốn sách của ông này.
“Nếu ông ấy viết một sách, tôi không tưởng tượng ra rằng ông ấy có thể làm được việc ấy, bởi vì đó là thông tin tối mật. Ngay cả những cuộc trò chuyện với tôi, chúng đều thuộc loại tối mật. Tôi đã nói điều đó với Bộ trưởng Tư pháp trước đây. Tôi coi mọi cuộc trò chuyện với tôi trong tư cách tổng thống đều là tối mật”, ông Trump nói với các phóng viên.
“Vì vậy, điều đó có nghĩa là nếu ông ấy viết sách, và nếu cuốn sách không bị loại, thì ông ta đã vi phạm pháp luật. Và tôi nghĩ ông ta sẽ gặp vấn đề về hình sự”.
Chính quyền Trump cũng đã đệ đơn kiện dân sự chống lại ông Bolton hôm thứ Ba, ngoài việc yêu cầu tòa án ra lệnh hoãn phát hành cuốn sách theo dự kiến.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-t%C6%B0-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-ki%E1%BB%87n-c%E1%BB%B1u-c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-an-ninh-qu%E1%BB%91c-gia-john-bolton-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%91n-h%E1%BB%93i-k%C3%BD-m%E1%BB%9Bi/5467756.html

Bộ Tư pháp khởi tố hơn 80 vụ án hình sự

cấp liên bang trong bối cảnh bạo loạn ở Hoa Kỳ

Bình luậnNguyên Hương
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nỗ lực khôi phục luật pháp và kỷ cương trong bối cảnh bạo loạn xảy ra sau cái chết của George Floyd. Hàng chục người đã bị bắt giữ trong hai tuần qua.
Theo một tài liệu The Epoch Times có được, cho đến ngày 12/6, có ít nhất 81 người đã bị buộc tội theo luật hình sự liên bang, trong đó nêu chi tiết về các vụ bắt giữ được thực hiện kể từ cuối tháng 5, khi bắt đầu bùng nổ các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Trong số 81 người bị cáo buộc, khoảng 40 người đã bị bắt vì có hành vi bạo lực bao gồm ném cocktail Molotov, phóng hỏa, phá hoại tài sản và cướp bóc.
Trong khi nhiều cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra khi người dân tràn ra đường phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và yêu cầu cải cách thể chế giữ gìn trật tự trị an, thì một số thành phố đã phải đối mặt với bạo động và có những thiệt hại đáng kể về tài sản, cũng như hàng chục người vô tội bị thiệt mạng.
Các hoạt động bạo lực trà trộn trong các cuộc biểu tình về cái chết của Floyd ở thành phố Minneapolis được giới chức cấp cao của Hoa Kỳ quy trách nhiệm cho các tổ chức cực đoan như Antifa. Trong cuộc họp báo ngày 3/6, Tổng chưởng lý William Barr cho biết các tổ chức Antifa, các nhóm bạo động khác và các đảng phái chính trị khác nhau đã đứng đằng sau các hoạt động bạo lực này vì nhiều mục đích khác nhau.
Ông Barr cho biết những tổ chức này đang lợi dụng các cuộc biểu tình để chống lại pháp luật, gây loạn tượng xã hội, cướp bóc các doanh nghiệp và tài sản công cộng, tấn công các nhân viên thực thi pháp luật và người dân vô tội, và thậm chí giết chết một cảnh sát  liên bang.
Tại Seattle, những người biểu tình đã chiếm đóng và rào chắn khu Đồi Capitol và đặt tên lại là Khu tự trị Đồi Capitol, sau khi họ chiếm tòa nhà East Precincent của cơ quan cảnh sát, nơi xảy ra các vụ đụng độ dữ dội. Sự việc này khiến Tổng thống Donald Trump phải kêu gọi các quan chức tiểu bang và thành phố hành động để “lấy lại” thành phố.
Theo một phát ngôn viên của Sở cảnh sát, Ngày 11/6, một số sĩ quan đã trở lại văn phòng tại tòa nhà Precinct, và ngày 12/6, họ đã lấy lại tòa nhà. Tòa nhà đã bị phá hoại và trên tường có nhiều chỗ viết “không gian này hiện là tài sản của người dân Seattle”.
Tổng chưởng Lý Barr đã tuyên bố sẽ khôi phục luật pháp và trật tự cho các đường phố Hoa Kỳ và cộng đồng. Ông nói rằng “lực lượng thực thi pháp luật của liên bang sẽ nỗ lực truy tìm những kẻ chủ mưu gây ra bạo lực”.
Ngày 4/6, ông Barr phát biểu rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, bắt giữ và truy tố tội phạm”.
Bắt giữ tội phạm trong hỗn loạn
Tài liệu của DOJ công bố chi tiết các vụ án liên quan đến bạo loạn liên bang do các công tố viên Hoa Kỳ khởi tố trên toàn quốc; tính đến ngày 12/6, có 57 vụ chờ xét xử.
Các cá nhân bị bắt vì các tội sau: chiếu tia laser vào máy bay cảnh sát, đốt xe cảnh sát, mang theo vũ khí đi biểu tình, trộm cắp và cướp bóc, kích động bạo loạn và mạo danh sĩ quan liên bang.
Loren Reed, 26 tuổi, ở Page, Arizona, bị bắt ngày 2/6 vì sử dụng internet và điện thoại để đe dọa đốt một tòa án địa phương. Theo bản cáo trạng, Reed đã tạo nhóm chat riêng trên Facebook để tổ chức một cuộc bạo loạn tại tòa án. Trong cuộc trò chuyện đó, Reed bị cáo buộc đã đăng nhiều tin nhắn về kế hoạch đốt các tòa nhà chính phủ như tòa án và sở cảnh sát địa phương. Cảnh sát đã được một công dân có liên quan báo tin.
Trong một vụ án khác, Branden Michael Wolfe, 23 tuổi, đến từ St Paul, bang Minnesota, bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay cho kẻ phóng hỏa Sở cảnh sát thành phố Minneapolis, Khu vực thứ 3. Wolfe đã bị cảnh sát bắt giữ tại một cửa hàng vật liệu xây dựng và nội thất sau khi nhận được cáo trạng rằng anh ta “mặc áo giáp và thắt lưng cảnh sát, tay cầm dùi cui” đang tiến vào cửa hàng vật liệu xây dựng.
Wolfe là nhân viên bảo vệ tại cửa hàng nhưng vừa bị sa thải trước khi bị bắt. Bản cáo trạng cho biết tại thời điểm bị cảnh sát bắt, Wolfe đang mang trên người một số đồ đánh cắp từ Phân khu 3, bao gồm áo giáp, đai lưng cảnh sát, còng tay, tai nghe, dùi cui và dao. Cảnh sát sau đó đã tìm thấy tại căn hộ của Wolfe những vật phẩm khác đánh cắp từ sở cảnh sát như mũ bảo hiểm chống bạo động, băng đạn súng ngắn 9mm, bộ đàm và bộ thử thuốc phiện của cảnh sát.
Tương tự, ba cư dân New York, Colinford Mattis, Urooj Rahman, Samantha Shader đã bị buộc tội trong hai bản cáo trạng riêng biệt với cáo buộc cố gắng ném các thiết bị gây cháy cocktail Molotov vào xe của Cảnh sát thành phố New York vào tháng 5.
Cả ba người đều bị buộc tội sử dụng chất nổ, đốt phá, sử dụng chất nổ để phạm tội nghiêm trọng, âm mưu đốt phá, sử dụng thiết bị phá hoại, gây rối dân sự và chế tạo hoặc sở hữu một thiết bị phá hoại.
“Cuộc điều tra chủ yếu nhằm” vào cá nhân
Việc các cáo trạng hình sự liên bang không hề đề cập đến Antifa làm dấy lên câu hỏi về việc nhóm cực đoan Antifa có liên quan đến vụ bạo loạn trong những ngày gần đây hay không.
Ngày 8/6, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng chưởng Lý William Barr giải thích rằng Antifa chưa được nhắc đến trong các cáo trạng hình sự liên quan đến vụ bạo loạn vì chính quyền liên bang vẫn đang tiến hành điều tra toàn diện đối với một số cá nhân có quan hệ với nhóm cực đoan.
Ông nói: “Chúng tôi đang tiến hành  một số cuộc điều tra và chủ yếu tập trung vào một số cá nhân liên quan đến Antifa. Nhưng trong giai đoạn ban đầu của việc xác định và bắt giữ tội phạm, chúng tôi chưa cần xác định một nhóm cụ thể hoặc không bắt buộc điều đó”.
Tổng chưởng Lý cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét các thế lực đứng đằng sau các nhóm cực đoan và cả các chiến thuật phối hợp được các nhóm này sử dụng trong các cuộc biểu tình.
Ông nói: “Một số chiến thuật liên quan đến tổ chức Antifa. Một số liên quan đến các nhóm tương tự Antifa. Như tôi đã nói, có một tình huống rất nguy hiểm là các nhóm cực đoan đang cố gắng khuấy động bạo lực ở tất cả mọi phương diện”.
Trước đó, The Epoch Times  đã đưa tin về nỗ lực phối hợp chưa từng có đằng sau các cuộc bạo loạn tại một số tiểu bang trên cả nước. Những nỗ lực này bao gồm việc để sẵn các vật liệu như gạch và chai xăng ở những vị trí thuận tiện để dễ dàng gây bạo loạn.
Cải cách
Tổng thống Donald Trump đã công bố một kế hoạch bốn điểm để xử lý hành vi tàn bạo của cảnh sát và sự kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ trong bối cảnh người biểu tình kêu gọi cải cách.
Kế hoạch của ông bao gồm:
Phát triển kinh tế của các cộng đồng nhỏ
Giải quyết sự chênh lệch về dịch vụ y tế
Ban hành lệnh điều hành để khuyến khích các sở cảnh sát trên toàn quốc đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp hiện hành nhất
Mở rộng hệ thống đào tạo cảnh sát bằng cách yêu cầu Quốc hội ban hành lựa chọn trường học trên toàn quốc.
TT Trump cho biết chính quyền của ông đã xem xét nhiều yếu tố khác nhau để thúc đẩy luật pháp, an ninh trật tự và an toàn. Đồng thời, ông lên án bạo lực trong hai tuần qua.
Tổng thống phát biểu: “Những gì xảy ra hai tuần qua là một sự sỉ nhục. Những loạn tượng xảy ra trong hai tuần qua, những người vô tội bị thiệt mạng là điều rất, rất khủng khiếp và rất, rất vô lý. Một số cảnh sát đã thiệt mạng, và đó là một tình huống rất bất công. Tình hình này không được phép tiếp tục”.
Ông cho biết kế hoạch của ông sẽ khuyến khích lực lượng cảnh sát “đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp nhất hiện nay”.
Tổng thống nói: “Lực lượng cảnh sát phải chuyên nghiệp, nhưng phải ‘thiện’. Tuy nhiên, khi thực sự thi hành nhiệm vụ, nếu ai đó thực sự xấu, thì chúng ta sẽ phải hành động quyết liệt, và thể hiện uy lực”.
Ông Barr, người ở bên cạnh Tổng thống Trump trong cuộc họp bàn tròn đã ủng hộ kế hoạch của TT Trump. Ông nhắc lại cam kết của DOJ trong việc hỗ trợ nỗ lực cải cách của Tổng thống.
Ông Barr nói rằng cải cách không có nghĩa là phá bỏ, và rằng nước Mỹ đã đang thực hiện cải cách trong suốt 50 năm qua. Ông Barr thừa nhận là “phân biệt đối xử” còn tồn tại trong 60 năm qua.
Ông Barr cho biết: “Chúng ta phải thận trọng về vấn đề này và khi gặp vấn đề, cần phải nhân đôi nỗ lực để cải cách thể chế của mình và đảm bảo sự đồng bộ với các giá trị của xã hội Hoa Kỳ”.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/the-gioi/bo-tu-phap-khoi-to-hon-80-vu-an-hinh-su-cap-lien-bang-trong-boi-canh-bao-loan-o-hoa-ky-46157.html

Thương hiệu lớn ‘thay tên đổi họ’ nhãn hàng

sau làn sóng chỉ trích ‘phân biệt chủng tộc’

Triệu Hằng
PepsiCo Inc hôm 17/6 cho biết họ sẽ chuyển tên và thay đổi hình ảnh thương hiệu của loại nguyên liệu dùng làm bánh pancake Aunt Jemima, từ bỏ một hình ảnh vốn được xem là biểu tượng của hãng, do bị chỉ trích có lịch sử phân biệt chủng tộc, theo Reuters.
Biểu tượng trên sản phẩm có lịch sử hơn 130 năm tuổi với hình ảnh một phụ nữ người Mỹ gốc Phi bắt nguồn từ khuôn mẫu một người phụ nữ da màu thân thiện ở nhà làm việc nội trợ đã gây khó chịu cho những người phản đối.
Aunt Jemima đã bị kêu gọi gỡ bỏ trong những tuần gần đây trên phương tiện truyền thông xã hội. Một video trên TikTok gọi là “How To Make A Non Racist Breakfast” (tạm dịch là: Cách làm một bữa sáng không phân biệt chủng tộc) do người dùng @singkirbysing đăng tải, trong đó có hình ảnh một phụ nữ đổ bột pancake xuống bồn rửa bát.
Theo sau động thái của PepsiCo, hãng ConAgra Brands Inc cũng công bố một bản đánh giá đầy đủ về loại xi-rô cho pancake thương hiệu Mrs. Butterworth’s thuộc sở hữu của hãng với bao bì có ý nghĩa là “tình yêu thương của bà”.
Thương hiệu gạo Uncle Ben’s cho biết họ cũng đang xem xét cập nhật cho nhãn hàng có hình ảnh một người đàn ông Mỹ gốc Phi tóc bạc được đặt tên theo tên của một người nông dân trồng lúa Texas.
Các động thái này là một phần theo sau phán quyết của tổ chức Corporate America về việc đối xử với người Mỹ gốc Phi trong nhiều tuần biểu tình ở Mỹ vì lý do cảnh sát phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen thiệt mạng trong khi bị cảnh sát khống chế ở Minneapolis.
Bên cạnh động thái xem xét thay tên đổi họ nhãn hiệu thương mại, PepsiCo hôm 16/6 đã công bố một loạt các sáng kiến trị giá hơn 400 triệu USD trong 5 năm để hỗ trợ cộng đồng da đen và tăng các đại diện người da đen tại PepsiCo.
https://www.dkn.tv/the-gioi/thuong-hieu-lon-thay-ten-doi-ho-nhan-hang-sau-lan-song-chi-trich-phan-biet-chung-toc.html

Du khách Trung Quốc bị kết án tội danh

vận chuyển trái phép radio quân sự sang Trung Quốc

Bình luậnDu Miên
Li Qingshan, 34 tuổi, đã nhận tội vào năm ngoái về một âm mưu vận chuyển đồ quốc phòng mà không có giấy phép. Người này đã mua một radio cầm tay Harris Falcon III AN / PRC 152A ở San Diego, với ý định vận chuyển chiếc radio này từ Tijuana, Mexico, đến Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí vào ngày 12/6 từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông Li đến San Diego bằng visa du lịch vào ngày 28/6/2019, với vé máy bay khứ hồi về Trung Quốc dự kiến ​​vào ngày 7/7/2019. Một ngày sau khi đến nơi, ông ấy đi đến một nhà kho thuộc sở hữu của một người đàn ông có tên là “AB” trong các tài liệu của tòa án.
Các công tố viên cho biết, ông Li đã gặp AB tại đây và mua đài radio “cùng với các radio quân sự khác, ăng ten, thiết bị quân sự bổ sung và bản đồ của Trạm Không quân Hải quân North Island . Ông Li đồng ý trả cho AB tổng cộng khoảng 7.200 đô-la Mỹ (khoảng 167,5 triệu VNĐ) và trả 600 đô-la (khoảng 13.959.300 VNĐ) bằng tiền mặt như một khoản đặt cọc cho giao dịch mua hàng, với lời hứa sẽ trả số tiền còn lại sau đó.
Trạm Không quân Hải quân North Island  là một căn cứ quân sự nằm ở đầu phía bắc của bán đảo Coronado trên vịnh San Diego. Đây là nơi tập kết của một số tàu sân bay của Hoa Kỳ, bao gồm USS Nimitz, vốn được triển khai vào ngày 8/6 cùng với nhóm tấn công hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải toàn cầu.
Trợ lý Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ là ông Alexandra Foster chỉ ra rằng, loại radio này được được liệt kê là vật dụng quốc phòng trong Danh sách Vũ khí Đạn dược của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai muốn xuất khẩu vật phẩm này sẽ cần có giấy phép từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
“Vật dụng này được chứng nhận bởi Cơ quan An ninh Quốc gia để truyền tin qua dây và dữ liệu tuyệt mật. Việc phá vỡ hệ thống truyền tin này có thể dẫn đến hậu quả chết người với Hải quân SEALS và các quân nhân khác của Hoa Kỳ khi họ sử dụng thiết bị này trên chiến trường”, ông Foster nói trong thông cáo báo chí.
Trước khi ông Li chuẩn bị  tới Mexico, ông đã bị các nhân viên hành pháp của Hoa Kỳ chặn lại, cùng với radio và các thiết bị khác trong túi xách của mình. Người này thừa nhận với các sĩ quan rằng ông ấy biết rằng việc xuất khẩu radio này  được kiểm soát nghiêm ngặt và ông ấy đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
Trong một thông cáo báo chí, ông Garrett Waugh, một đặc vụ của Cơ quan Điều tra Tội phạm Hải quân cho biết: “Việc ông Li cố gắng để có được công nghệ liên lạc quân sự nhạy cảm và cung cấp cho Trung Quốc, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ”.
Thẩm phán Tòa sơ thẩm là bà Cathy Ann Bencivengo đã kết án ông Li 3 năm tù giam. Bà cũng cho biết ông ấy sẽ bị trục xuất sau khi thụ án và sẽ bị tước thị thực.
Du Miên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/the-gioi/du-khach-bi-my-ket-an-vi-van-chuyen-trai-phep-radio-quan-su-sang-tq-46509.html

WHO: Nên dành dexamethasone

cho các ca COVID nguy kịch

Một loại thuốc steroid không đắt giá có thể giúp cứu mạng sống của bệnh nhân COVID-19 nặng nên được dành cho những ca nguy kịch vì thuốc này chứng tỏ có nhiều lợi ích, Tổ chức Y tế Thế giới ngày 17/6 tuyên bố.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói nghiên cứu cuối cùng đã gieo mầm hy vọng trong việc chữa trị virus vốn đã giết chết hơn 400.000 người trên toàn thế giới và lây nhiễm hơn 8 triệu người.
Kết quả thử nghiệm được các nhà nghiên cứu Anh loan báo ngày 16/6 cho thấy thuốc dexamethasone, một loại thuốc không đắt được dùng từ những năm 1960 để giảm viêm trong các bệnh như thấp khớp, đã giảm tỉ lệ tử vong khoảng 1/3 trong những bệnh nhân virus corona nặng nhập viện.
Như vậy đây là thuốc đầu tiên chứng tỏ cứu được sinh mạng trong việc chống lại dịch bệnh. Hiện nay các nước đang vội vã đảm bảo là có đủ thuốc trong tay dù các giới chức y khoa nói hiện không thiếu thuốc.
Một số bác sĩ còn dè dặt, nêu lên khả năng thuốc có phản ứng phụ và đang yêu cầu đựơc thấy thêm dữ liệu.
Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, bác sĩ Mike Ryan, nói thuốc chỉ nên được dùng trong những trường hợp bệnh nặng vì thuốc chứng tỏ giúp ích được nhiều.
“Điều quan trọng đặc biệt trong trường hợp này là thuốc dành riêng để sử dụng trong những bệnh nhân nặng, những người rõ ràng có thể được hưởng lợi từ thuốc,” ông nói trong một cuộc họp báo.
Anh đã gia tăng số lượng tồn kho thuốc dexamethasone và đang đặt mua thêm 240.000 liều, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói.
Dù kết quả nghiên cứu về dexamethasone chỉ mới sơ khởi, nhưng các nhà nghiên cứu đằng sau thử nghiệm nói kết quả cho thấy thuốc nên được trở thành chăm sóc tiêu chuẩn ngay cho những bệnh nhân nặng.
Đối với những bệnh nhân đang dùng máy thở, việc chữa trị bằng thuốc này cho thấy tỉ lệ tử vong giảm 1/3, và đối với những bệnh nhân chỉ dùng oxy không thôi, tỉ lệ tử vong giảm 1/5, theo như những phát hiện sơ khởi chia sẻ với WHO.
“Đây là lối chữa trị đầu tiên cho thấy giảm bớt con số tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 phải cần hỗ trợ bằng oxy hay máy thở,” ông Tedros nói trong một tuyên bố cuối ngày 16/6.
“WHO sẽ điều phối một cuộc phân tích tổng hợp để gia tăng sự hiểu biết toàn diện của chúng ta về cách chữa trị này. Hướng dẫn lâm sàng của WHO sẽ được cập nhật để phản ánh cách thức và khi nào thuốc nên được sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19,” cơ quan nói thêm.
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế hàng đầu nước này tỏ ra dè dặt.
“Một số chuyên gia cảnh báo là thuốc không chỉ giảm bớt viêm trong các bệnh nhân, nhưng thuốc cũng làm giảm hệ thống miễn nhiễm và có thể gây nên những phản ứng phụ,” ông Jeong Eun-kyeong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc nói.
Một chuyên gia Ý nói dexamethasone không phải là thần dược.
“Cuộc ngiên cứu cho thấy có giảm bớt tử vong một ít,” ông Lorenzo Dagna, người đứng đầu miễn nhiễm học tại Viện Khoa học San Raffaele ở Milan nói. “Chúng ta còn xa lắm mới có thể nói được chúng ta tìm được thuốc chữa COVID.”
Ông nói thêm, về mặt tích cực thì thuốc này rẻ và dồi dào.
Giữa lúc virus corona chủng mới gây tác hại cho nền kinh tế toàn cầu, một số nước đã nhanh chóng cho phép sử dụng khẩn cấp một số thuốc nhưng sau đó đã phải rút lại.
Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chẳng hạn, rút phép sử dụng khẩn cấp thuốc hydroxychloroquine, một loại thuốc trị sốt rét mà Tổng thống Donald Trump và một số người khác quảng bá để chữa trị COVID-19, sau những cuộc nghiên cứu cho thấy thuốc không giúp được gì cả.
Ngày 17/6 WHO nói thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine để chữa COVID-19 tại nhiều nước đã ngưng lại sau khi nghiên cứu cho thấy thuốc không có lợi
Bác sĩ Kathryn Hibbert, giám đốc đơn vị chữa trị đặc biệt tại Bệnh viện Tổng quát Massachusetts thuộc Đại học Harvard, nói: “Chúng ta đã thất bại trước đây, không chỉ trong thời gian đại dịch virus corona nhưng ngay trước COVID, với những kết quả phấn khởi nhưng khi chúng ta tiếp cận được những dữ liệu thì không thấy thuyết phục như mong muốn.”
https://www.voatiengviet.com/a/who-n%C3%AAn-d%C3%A0nh-dexamethasone-cho-c%C3%A1c-ca-covid-nguy-k%E1%BB%8Bch/5466974.html

Covid-19: WHO ngừng cho thử nghiệm lâm sàng

chất chloroquine

Trọng Nghĩa|Thanh Hà
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) vào hôm qua, 17/06/2020 đã thông báo ngừng việc dùng thuốc chống sốt rét chloroquine và hợp chất phái sinh hydroxychloroquine trong các chương trình thử nghiệm liệu pháp điều trị bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Quyết định được đưa ra sau khi có thêm kết quả thử nghiệm khác cho thấy là thuốc hydroxychloroquine không mang lại hiệu quả điều trị.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong một cuộc họp báo, chuyên gia Ana Maria Henao-Restrepo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết là bộ phận nghiên cứu thuốc hydroxychloroquine trong chương trình thử nghiệm mang tên Solidarity đã ngừng việc thử nghiệm chất thuốc này.
Một thông cáo của WHO công bố sau đó cho biết thêm là những phát hiện của chương trình thử nghiệm Solidarity và của một thử nghiêm khác do Anh Quốc thực hiện, đều đã kết luận rằng thuốc hydroxychloroquine không giúp giảm bệnh hay giảm tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19.
Quyết định ngừng cho thử nghiệm được Tổ Chức Y Tế Thế Giới đưa ra vài hôm sau khi Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm FDA của Mỹ 15/06 vừa qua đã ra lệnh thu hồi giấy phép cho dùng thuốc Chloroquine và Hydroxychloroquine để chữa trị cho người bị nhiễm Covid-19, với lý do là việc uống loại thuốc này không hiệu quả, thậm chí còn nguy hiểm trong một số trường hợp.
Covid-19 : Nửa triệu dân Bắc Kinh bị cách ly
Bộ Y Tế Trung Quốc ngày 18/06/2020 thông báo có thêm 28 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Trong số này 21 bệnh nhân được phát hiện tại Bắc Kinh. Theo chính quyền thành phố các giới chức y tế đã  “khống chế” được đà lây lan và đang tiến hành chiến dịch xét nghiệm ở quy mô lớn.
400 ngàn người được xét nghiệm hôm nay trong lúc lệnh hạn chế đi lại được áp dụng với gần một nửa triệu dân ở khu vực Bắc Kinh và vùng phụ cận. AFP nhắc lại trong tuần qua Trung Quốc phát hiện 158 ca lây nhiễm sau nhiều tuần lễ tưởng chừng đã đẩy lui được virus corona.
Còn tại Đông Nam Á, Indonesia có số ca nhiễm mới cao nhất trong vùng. Jakarta hôm nay thông báo có thêm 1.331 người dương tính với virus corona, nâng tổng số ca nhiễm lên thành gần 43 ngàn. Trong 24 giờ qua 63 bệnh nhân Indonesia đã tử vong.
Châu Mỹ Latinh vẫn là nơi tình hình dịch bệnh đáng lo ngại nhất. Chỉ riêng tại Brazil, thêm gần 1.300 bệnh nhân qua đời hôm 17/06/2020 và chỉ trong 1 ngày Brazil ghi nhận thêm hơn 32 ngàn ca nhiễm mới. Peru tới nay có 240 ngàn ca nhiễm. Chi lê cũng đã vượt ngưỡng 200 ngàn. Tình hình tại Mêhicô cũng không sáng sủa hơn : thêm 770 người Mêhicô chết vì Covid-19 trong ngày hôm qua. Riêng tại Mỹ hãng tin AP cho biết trong một tuần lễ liên tiếp, Hoa Kỳ giữ được số ca tử vong hàng ngày dưới ngưỡng 1.000 bệnh nhân.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-covid-19-who-ng%E1%BB%ABng-cho-th%C6%B0%CC%89-nghi%C3%AA%CC%A3m-l%C3%A2m-s%C3%A0ng-ch%C3%A2%CC%81t-chloroquine

Reopen Europa :

Mạng thông tin hướng dẫn khách du lịch châu Âu

Tuấn Thảo
Bạn có kế hoạch đi chơi tại châu Âu vào kỳ nghỉ hè sắp tới, nhưng do chưa có đầy đủ thông tin cập nhật trong thời hậu Covid-19, cho nên vẫn còn đắn đo, do dự. Trong tuần này, Ủy Ban Châu Âu đã thành lập trang web “Reopen Europa” với mục tiêu hướng dẫn khách du lịch. Mạng thông tin này được cập nhật thường xuyên nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong toàn khối châu Âu.
Ủy Ban Châu Âu điều hành trang web này từ Bruxelles, tập hợp tất cả các thông tin về các phương tiện giao thông, các điều kiện an toàn về mặt y tế và phòng chống dịch tể, các địa điểm tham quan cũng như dịch vụ tiếp đón đã mở lại toàn bộ hay vẫn còn hạn chế : chẳng hạn như bào tàng, rạp chiếu phim, khách sạn, tiệm ăn hay hàng quán hẳn chắc vẫn còn áp dụng nhiều quy định giãn cách xã hội. Trước mắt, mạng thông tin Reopen Europa nhắm vào du khách châu Âu đi lại trong phạm vi khối Schengen và sau đó mới là thành phần du khách đến từ các quốc gia, ngoài khối Liên Hiệp Châu Âu, một cách để giúp cho du khách chọn lựa điểm đến tùy theo nhu cầu, và cũng để tránh phần nào cho khách du lịch khỏi bị thất vọng trong thời gian đi nghỉ mát, vì mùa hè năm nay vẫn còn khá nhiều ràng buộc so với 2019.
Một cách cụ thể, mạng thông tin Reopen Europa bao gồm 23 thứ tiếng và thu thập các thông tin hữu ích từ 27 quốc gia châu Âu. Nước vắng mặt trên bản đồ này là Anh quốc, sau khi Brexit có hiệu lực kể từ đầu tháng Giêng năm 2020. Trên bản đồ, bạn có thể chọn một trong số 27 quốc gia để xem các thông tin có liên quan. Thông tin được xếp theo ký hiệu và có ba màu : màu xanh lá cây (tự do đi lại), màu vàng (vẫn còn hạn chế) và màu đỏ (hoàn toàn bị cấm).
Trong trường hợp du khách chọn nước Pháp làm điểm đến, nếu đến từ khối Schengen, du khách không bị cách ly khi đặt chân lên đất Pháp. Du khách có thể dùng bất cứ phương tiện giao thông nào để di chuyển: máy bay, tàu thủy, xe lửa, xe đò, xe hơi… Tuy nhiên, các biện pháp cách ly vẫn được áp dụng đối với khách dùng máy bay từ Tây Ban Nha đến Pháp. Và tất cả các du khách đến các lãnh thổ hải ngoại (đảo Antilles, Martinique, Réunion, Mayotte …) đều sẽ bị cách ly. Về các biện pháp y tế, khách phải đeo khẩu trang trong các phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm tham quan cũng như các dịch vụ đều đã mở lại (màu xanh) ngoại trừ một số trung tâm thương mại lớn (với diện tích trên 40.000 m²). Các tiệm ăn, khách sạn và bãi biển vẫn còn màu vàng do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và trên nguyên tắc, việc tiếp đón bị hạn chế ở mức 50% du khách.
Trong trường hợp, du khách có kế hoạch đi nghỉ mát ở Bồ Đào Nha, thì các điều kiện nói chung có vẻ khó khăn hơn. Hiện giờ chỉ có khách châu Âu đến từ khối Schengen, hay là du khách đến từ Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Nam Phi và Venezuela có thể vào Bồ Đào Nha qua đường hàng không. Đổi lại, việc dùng xe hơi hay xe đò vẫn còn bị giới hạn , trong khi khách không thể dùng xe lửa để đi từ vùng này sang vùng khác. Cho tới giờ này, Bồ Đào Nha chủ duy trì hệ thống đường sắt để vận chuyển hàng hóa, nhưng lại cấm chuyên chở hành khách. Ngược lại, Bồ Đào Nha ít có hạn chế các dịch vụ tiếp đón, từ khách sạn nhà hàng quán cà phê hay bãi tắm ngoại trừ việc áp dụng khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét đến 2 mét.
Về điểm này, đi du lịch ở Ý có vẻ thuận tiện hơn do khách du lịch được quyền di chuyển tự do mà không cần phải ‘‘kiểm dịch’’ (đo thân nhiệt) hoặc có giấy chứng nhận y tế 72 giờ. Khách có khả năng nhập cảnh nước Ý bằng đường bộ (ô tô, xe máy, xe lửa) hàng không (máy bay) nhưng đổi lại bị cấm bằng đường thủy, rất có thể là Ý chuẩn bị tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn lượng hành khách vào nước Ý bằng du thuyền.
Trong số các quốc gia châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đi lại, có Hy Lạp và Hungary. Hầu hết các ký hiệu của Hy Lạp trên bản đồ đều vẫn mang màu vàng, từ đây cho đến đầu tháng 07/2020, khách đến từ Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển đều bị bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe. Ngược lại, Hy Lạp mở cửa sớm hơn các đường hàng không vào ngày 15/06 thay vì từ 01/07 để tiếp đón du khách nước ngoài, trong đó có lượng khách du lịch đến từ ngoài Liên Hiệp Châu Âu như khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc …
Về phần mình, Hungary cấm hẳn kiều dân nước ngoài vào lãnh thổ, ngoại trừ công dân các quốc gia giáp ranh hay láng giềng gần với Hungary, tức là Áo, Đức, Slovakia, Rumani, Croatia hay Serbia. Đa phần các ký hiệu của Hungary đều có màu vàng, một số mang màu đỏ. Kiều dân các nước còn lại đều bị cấm nhập cảnh cho tới khi chính quyền ban hành lệnh mới. Tất cả các bảo tàng, các cơ sở văn hóa cũng như địa điểm tham quan đều bị đóng cửa cho dù Ủy Ban Châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên từng bước mở lại các sinh hoạt sau mùa dịch Covid-19. Các tiêu chuẩn và nguyên tắc do Liên Hiệp Châu Âu đưa ra chỉ mang tính khuyến nghị, quyết định sau cùng vẫn tùy thuộc vào mỗi quốc gia thành viên.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-reopen-europa-ma%CC%A3ng-th%C3%B4ng-tin-h%C6%B0%C6%A1%CC%81ng-d%C3%A2%CC%83n-kha%CC%81ch-du-li%CC%A3ch-ch%C3%A2u-%C3%A2u

LHCÂ và ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung

về Hồng Kông, Bắc Kinh phản đối

Trọng Nghĩa
Ngoại trưởng các nước trong nhóm G7 cùng với đại diện cấp cao Liên Hiệp Châu Âu đặc trách đối ngoại vào hôm qua 17/06 đã công bố một bản tuyên bố chung, kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật an ninh quốc gia sẽ áp đặt trên Hồng Kông.
Tập hợp 7 cường quốc phát triển bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu đồng thời bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” về nguy cơ luật về an ninh Hồng Kông sẽ đe dọa các quyền và sự tự do của đặc khu Hồng Kông được nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” bảo đảm.
Trung Quốc đã lập tức phản đối bản tuyên bố chung của ngoại trưởng G7 và Liên Hiệp Châu Âu.
Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhân cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hawaii vào hôm nay, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản phụ trách lãnh vực đối ngoại, đã “kiên quyết phản đối” việc Mỹ và G7 xen vào vấn đề Hồng Kông.
Tháng Năm vừa qua, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về việc xây dựng luật an ninh quốc gia sẽ áp dụng cho Hồng Kông, trong đó có việc cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở tại Hồng Kông.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết là dự luật chi tiết về an ninh quốc gia tại Hồng Kông được Ủy Ban Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thảo luận kể từ hôm nay, trong một khóa họp dự trù kéo dài cho đến thứ Bẩy 20/06.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-lhc%C3%A2-va%CC%80-ngoa%CC%A3i-tr%C6%B0%C6%A1%CC%89ng-g7-ra-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-chung-v%C3%AA%CC%80-h%C3%B4%CC%80ng-k%C3%B4ng-b%C4%83%CC%81c-kinh-pha%CC%89n-%C4%91%C3%B4%CC%81i

Chính trị gia Anh Quốc chỉ trích kiểm duyệt

 từ sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học

Bình luậnDu Miên
Tiếp nối các bài báo đưa tin rằng sinh viên quốc tế Trung Quốc tại một trường đại học Anh Quốc đã ngăn chặn một phong trào của hội sinh viên bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hong Kong, một thành viên của quốc hội Anh kêu gọi có chính sách nhập cư mới để khuyến khích nhiều sinh viên từ các nước dân chủ đến học tập tại Vương quốc Anh.
Vào tháng Hai, Hội Sinh viên tại Đại học Warwick, một trường đại học nghiên cứu công lập ở ngoại ô thành phố Coventry, Anh, đã tổ chức một cuộc vận động “ủng hộ phong trào của Hong Kong và bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên trường”, theo tờ báo The Boar của trường đại học này.
Cuộc bỏ phiếu được kêu gọi trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên trường, vì một số sinh viên từ Hong Kong cũng như đại lục tuyên bố rằng họ đã nhận được những lời dọa giết trên mạng xã hội do đã thể hiện sự ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, theo tin tức từ The Times vào ngày 28/5.
Nhưng ngay sau đó, Hội [sinh viên] Trung Quốc Đại học Warwick, một hội sinh viên dành cho sinh viên người Trung Quốc, đã đăng một bài hướng dẫn cho các thành viên của mình về cách bỏ phiếu chống lại cuộc vận động này.
Hơn 2.000 sinh viên Trung Quốc đã bỏ phiếu phản đối lại cuộc vận động, đảo ngược lời kêu gọi của Hội Sinh viên trường này.
Tờ The Boar dẫn lời Hội [sinh viên] Trung Quốc Đại học Warwick: “Chúng tôi chỉ khuyên các sinh viên Trung Quốc bỏ phiếu ‘Phản đối’ trong cuộc vận động cụ thể này, nhưng chúng tôi không ép buộc bất kỳ sinh viên nào làm như vậy”
Tin này đã làm dấy lên những nghi ngại xoay quanh vấn đề kiểm duyệt trong khuôn viên các trường đại học tại Anh Quốc.
Các sinh viên Trung Quốc thường bị ảnh hưởng bởi chính sách tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng về phía chính quyền Bắc Kinh trong các vấn đề chính trị. Ví dụ, liên quan đến Hong Kong, ĐCSTQ đã mô tả các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ là một phong trào ly khai do nước ngoài kích động.
Sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục học tập tại các cơ sở trên khắp thế giới được ghi nhận đã có hành vi quấy rối những người ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Họ phá hỏng các thông điệp ủng hộ cuộc biểu tình và thậm chí còn tấn công trực tiếp những người ủng hộ.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson rời Phố Downing để tham dự buổi trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ tại Tòa nhà Quốc hội ở London, Anh vào ngày 3/6/2020. (Chris J Ratcliffe / Getty Images)
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson rời Phố Downing để tham dự buổi trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ tại Tòa nhà Quốc hội ở London, Anh vào ngày 3/6/2020. (Chris J Ratcliffe / Getty Images)
Chính sách thị thực dành cho sinh viên
Thành viên Đảng Bảo thủ thuộc Nghị viện (MP) Tom Tugendhat đã có một bài báo về các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc, được đăng trên trang web Conservative Home vào ngày 5/6.
Ông Tugendhat là lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại tại Quốc hội.
Trong bài báo, ông Tugendhat đã cảnh báo rằng: “Chúng ta cần một chiến lược toàn cầu [để đối phó với] Trung Quốc nếu chúng ta phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với thế giới tự do kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Ông Tugendhat nhấn mạnh rằng xã hội Anh được xây dựng dựa trên “một hệ thống giáo dục mở, khuyến khích tự do tư tưởng”. Tuy nhiên, hệ thống mở này đang phải đối mặt với đe dọa từ Trung Quốc.
Ông giải thích rằng Vương quốc Anh nên ban hành các biện pháp để chống lại ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh tại các trường đại học của Vương quốc Anh, bao gồm cả cách ĐCSTQ đe dọa đuổi học sinh viên hoặc tài trợ nghiên cứu.
Đồng thời, ông Tugendhat thừa nhận rằng học phí từ một số lượng lớn sinh viên quốc tế Trung Quốc là nguồn thu lớn cho các trường đại học Vương quốc Anh.
Theo số liệu thống kê mới nhất được công bố từ Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học Anh, có tới 34.620 sinh viên không thuộc Liên minh Châu Âu EU ghi danh tại các trường đại học Vương quốc Anh trong năm học 2018/19. 35% trong số những sinh viên ngoài EU này, tức 120.385, là sinh viên Trung Quốc.
Để đa dạng hóa nhóm sinh viên, ông Tugendhat đề xuất thay đổi chính sách thị thực của Vương quốc Anh để khuyến khích nhiều sinh viên từ các quốc gia dân chủ, như Ấn Độ, đến du học ở nước này.
Trong những ngày gần đây, ĐCSTQ một lần nữa gây áp lực buộc các sinh viên phải tuân theo và ủng hộ những tuyên truyền của chính quyền nước này – hiện tượng này đang diễn ra tại Úc.
Úc gần đây đã kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc của đại dịch ở Trung Quốc, và cũng lên án chính quyền Bắc Kinh vì đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Vào ngày 9/6, Bộ giáo dục Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo trên trang web  chính phủ trung ương, kêu gọi tất cả học sinh sinh viên Trung Quốc không học tập tại Úc.
Du Miên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/the-gioi/chinh-tri-gia-anh-quoc-chi-trich-kiem-duyet-tu-sinh-vien-trung-quoc-tai-cac-truong-dai-hoc-46427.html

80 năm kêu gọi kháng chiến chống Đức Quốc Xã,

Anh- Pháp thắt chặt quan hệ

Thanh Hà
Luân Đôn là một chặng dừng quan trọng của tổng thống Emmanuel Macron nhân dịp Pháp kỷ niệm rầm rộ “Lời kêu gọi ngày 18 tháng 6″. Cách nay đúng 80 năm, ngày 18/06/1940 từ Luân Đôn, trên đài phát thanh BBC, tướng de Gaulle kêu gọi toàn dân kháng chiến, giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã. Năm 1940, chính quyền Paris đầu hàng, tướng de Gaulle sang Luân Đôn và thủ tướng Anh, Winston Churchill ủng hộ phong trào kháng chiến, để giành lại tự do và độc lập cho nước Pháp.
Chuyến viếng thăm Luân Đôn của tổng thống Pháp ngày hôm nay mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ Pháp ra nước ngoài sau nhiều tuần lễ châu Âu, đứng đầu là Anh, Pháp, phải đối mặt với dịch Covid-19. Đây cũng là dịp để Paris thắt chặt quan hệ với Luân Đôn vào lúc nước Anh vừa ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán giữa Bruxelles với Luân Đôn cho giai đoạn hậu Brexit đang gặp nhiều trở ngại.
Thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm về chương trình nghị sự của tổng thống Pháp tại Luân Đôn trong ngày :
Thái tử Charles và phu nhân Camilla vào đầu giờ chiều nay tiếp tổng thống Macron tại dịnh thự riêng Clarence House, Luân Đôn. Là một người yêu thích văn hóa Pháp, sử dụng được tiếng Pháp như thân mẫu của ông, vua Charles đệ Tam trong tương lai của nước Anh đại diện cho nữ hoàng Elizabeth, 94 tuổi đang sống tại lâu đài Windsor để tránh dịch Covid-19.
Sau đó tổng thống Macron sẽ đến Calrton Gardens, đây nơi tháng 6 năm 1940 tướng de Gaulle đã đặt trụ sở của Lực Lượng Tự Do Pháp. Dưới sự chứng kiến của đô trưởng Luân Đôn, Londres Sadiq Khan, nguyên thủ Pháp sẽ trân trọng trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh danh dự cho thành phố Luân Đôn từng là một điểm tựa của nền Cộng Hòa Pháp. Kế tới tổng thống Macron sẽ gặp thủ tướng Boris Johnson ở Downing Street và tại đây, thủ tướng Anh sẽ trao tặng danh hiệu MBE -Công dân của Vương Quốc Anh cho bốn người từng tham gia phong trào giải phóng nước Pháp trong Thế Chiến Thứ Hai. Thủ tướng Anh cũng sẽ giới thiệu với nguyên thủ Pháp một số những tài liệu liên quan đến tướng de Gaull và thủ tướng Winston Churchill.
Về mặt chính thức, trong cuộc trao đổi trực tiếp hôm nay, lãnh đạo hai nước không đề cập đến hồ sơ Brexit. Cuộc hội đàm này nhằm khẳng định về mối bang giao bền vững Anh- Pháp. Cuối cùng, lực lượng Không Quân Hoàng Gia Anh – Red Arrows và đội bay Patrouille de France sẽ bay biểu diễn trên bầu trời thủ đô Luân Đôn.
Lễ kỷ niệm Kêu gọi 18 tháng 6 -1940 trên đất Pháp
Trước khi sang Luân Đôn, sáng nay, tổng thống Pháp đã chủ trì nhiều buổi lễ kỷ niệm 80 năm tướng de Gaulle kêu gọi kháng chiến. Emmanuel Macron viếng thăm Bảo Tàng Giải Phóng trong khuôn viên điện Invalides, quận 7 Paris ; đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm Mont Valérien, nơi nhiều kháng chiến quân Pháp đã bị xử bắn trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đội bay của hoàng gia Anh và Patrouille de France bay ngay qua tượng đài của cố thủ tướng Churchill trước điện Petit Palais, ngự tọa ngay trên đại lộ mang tên ông.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200618-anh-ph%C3%A1p-k%E1%BB%89-ni%E1%BB%87m-de-gaulle-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ch%E1%BB%91ng-ph%C3%A1t-x%C3%ADt

Paris tố cáo chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ “hung hăng”

nhắm vào tàu Pháp

Trọng Nghĩa
Pháp vào hôm qua, 17/06/2020, đã tố cáo thái độ “vô cùng hung hăng” của chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, nhắm vào một hộ tống hạm Pháp ở Địa Trung Hải. Paris đồng thời cho rằng, hành động can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya phá vỡ tất cả các nỗ lực hưu chiến.
Trong một cuộc họp qua video với bộ trưởng Quốc Phòng các thành viên trong khối NATO, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cho biết là mới đây, tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thao tác “vô cùng hung hăng” nhắm vào một chiến hạm Pháp tham gia một chiến dịch của NATO ở Địa Trung Hải.
Bộ trưởng Pháp cho đây là một sự cố rất nghiêm trong giữa thành viên NATO với nhau.
Hộ tống hạm Pháp, Le Courbet, khi đang tìm cách nhận dạng một tàu chở hàng bị nghi ngờ chở vũ khí sang Libya, đã ba lần bị tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ dùng radar hướng dẫn bắn chiếu rọi.
Khẩu chiến căng thẳng đã nổi lên giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây. Paris tố cáo Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya. Phủ tổng thống Pháp vào hôm Chủ Nhật đã cho rằng thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ “không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Parly, hôm qua, cũng phê phán thái độ thụ động của khối NATO, cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không thế làm ngơ trước các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ, và đã đến lúc phải thảo luận thẳng thắn về thái độ của thành viên này.
Vào mùa thu 2019, Pháp cũng đã tố cáo sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các lực lượng Kurdistan, đồng minh của phương Tây ở Syria.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-paris-t%C3%B4%CC%81-ca%CC%81o-chi%C3%AA%CC%81n-ha%CC%A3m-th%C3%B4%CC%89-nhi%CC%83-ky%CC%80-hung-h%C4%83ng-nh%C4%83%CC%81m-va%CC%80o-ta%CC%80u-pha%CC%81p

Đức tố cáo Nga ra lệnh ám sát ngay tại Berlin

Đức cáo buộc Nga ra lệnh giết một người đàn ông trong công viên Berlin tháng Tám năm 2019.
Berlin sau 75 năm Thế Chiến 2 và tượng đài bên chiến thắng
Bà Merkel ‘đau đớn’ về việc bị tin tặc Nga tấn công
Công tố viên liên bang Đức nói “các đơn vị chính phủ thuộc chính phủ trung ương Liên bang Nga” đã ra lệnh ám sát.
Một công dân Nga, Vadim K, bị khởi tố tội giết người.
Nga trước đây nói cáo buộc Nga liên quan đều “không căn cứ”.
Zelimkhan Khangoshvili bị bắn chết tại một công viên ở Berlin.
Đây là một công dân Georgia, 40 tuổi, từng chiến đấu trong lực lượng nổi dậy ở Chechnya.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay đại sứ Nga đã được mời tới nói chuyện.
Công dân Nga Vadim K bị Đức cáo buộc đã nhận lệnh của Nga để hy vọng nhận tiền hoặc có thể vì muốn “giết kẻ thù chính trị”.
Công tố viên nói vào tháng Tám 2019 Vadim K bay từ Nga tới Paris, rồi sang Warsaw, và đến Berlin.
Hộ chiếu nghi phạm có tên Vadim S, được Nga cấp chỉ một tháng trước đó.
Ngày 23/8, theo cáo trạng, ông ta đi xe đạp theo sau Zelimkhan Khangoshvili và nổ súng.
Công tố viên nói nghi phạm nổ thêm hai phát vào đầu nạn nhân khi ông ta ngã xuống đất.
Vadim K bị bắt giữ sau đó.
Nạn nhân đã xin tị nạn ở Đức từ 2016.
Người này chiến đấu chống Nga từ 2000 tới 2004, và cũng tham gia bảo vệ Nam Ossetia năm 2008.
Hồi tháng 12, Đức trục xuất hai nhà ngoại giao Nga vì nghi ngờ liên quan vụ giết người.
Nga cũng trục xuất hai nhà ngoại giao Đức để trả đũa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53098076

Virus corona làm thay đổi văn hoá tiêu tiền

của người Đức ra sao

Krystin ArnesonBBC Worklife
Nước Đức nổi tiếng là nước luôn tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ, nhưng chuyện những người mới chân ướt chân ráo đến Đức và du khách gặp rắc rối nho nhỏ khi các quán cà phê và các điểm kinh doanh nhỏ không thanh toán bằng thẻ mà chỉ nhận bằng tiền mặt thì không phải là hiếm gặp.
Mặc dù các hệ thống thanh toán trực tuyến và di động như Apple Pay đã xâm nhập vào đời sống trong những năm gần đây, nhưng với nhiều chủ doanh nghiệp Đức và cả người tiêu dùng nữa, tiền mặt vẫn là nhất.
Tại sao lãnh đạo nói một đằng, làm một nẻo?
Văn phòng sẽ thay đổi thế nào hậu Covid-19
Covid-19: Vì sao không cần hoảng sợ lo thiếu lương thực?
Điều này đặc biệt đúng tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, như cửa hàng nơi góc phố hay quán ăn trong khu dân cư.
Đây là thói quen bắt nguồn từ văn hóa tiết kiệm cùng với sở thích chi tiêu hữu hình của người dân Đức.
Tuy nhiên, do đại dịch virus corona mà lần đầu tiên việc thanh toán bằng tiền mặt đã không còn được hoan nghênh ở Đức.
“Covid-19 có lẽ đã thay đổi thói quen thanh toán của người Đức nhanh hơn bất kỳ phát minh công nghệ nào,” ông Georg Hauer, Tổng giám đốc khu vực Đức-Áo-Thụy Sĩ của N26, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực ngân hàng trực tuyến có trụ sở tại Berlin, cho biết.
Với nhiều người Đức, sử dụng tiền mặt không chỉ là sở thích cá nhân; đó còn là giá trị văn hóa lâu đời đã đi theo cùng nhiều thế hệ – và nó gắn liền với giá trị dân tộc từ bao thế kỷ.
Tiền mặt là giá trị tinh thần của quốc gia
Sự ưa chuộng lâu đời đối với tiền mặt “dựa trên một ưu việt cơ bản là tiền mặt luôn cụ thể dễ hình dung hơn hẳn so với các phương thức trừu tượng khác”, nhà nghiên cứu lịch sử tại Dortmund, Robert Muschalla, nói. Ông là giám tuyển của triển lãm ‘Lịch sử Giá trị Đức’ mở tại Bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin hồi 2018.
Muschalla nói rằng ý thức hệ này xuất hiện vào cuối Thế kỷ 18, khi nền kinh tế phát triển và người Đức bắt đầu xã hội hóa nhằm ưu tiên giá trị hữu hình có được từ sức lao động của mình so với các hình thức trừu tượng khác, chẳng hạn như giấy ghi nợ.
Một thế kỷ sau, với tình trạng các cuộc đụng độ giữa chủ và thợ ngày càng phổ biến, Muschalla nói rằng việc khuyến khích tiết kiệm được xem là một cách để giảm căng thẳng trong nhà máy.
“Phương châm ở đây là, những người làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm thì sẽ có thứ để mất, cho nên họ sẽ không đi làm cách mạng,” ông nói.
Các giá trị tiết kiệm tồn tại xuyên suốt qua những thời kỳ khủng hoảng kinh tế trong cả hai cuộc đại chiến thế giới.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông nói thêm, các ngân hàng nhận giữ tiền tiết kiệm phản đối việc đưa ra các chính sách cấp tín dụng cho người tiêu dùng, do sợ rằng điều này sẽ gây tổn hại cho văn hóa tiết kiệm.
Vào thời điểm các loại thẻ ngân hàng đã được phát hành rộng khắp ở hầu hết châu Âu và Mỹ thì người Đức vẫn hài lòng với văn hoá dùng tiền mặt.
‘Thanh toán bằng thẻ’ ở Đức chủ yếu là dùng thẻ ghi nợ (debit card) – còn ‘thẻ tín dụng’ (credit card) theo kiểu Đức thì gần như là không có chuyện cho nợ cộng dồn trong một thời gian dài mà là khoản nợ mỗi tháng sẽ được khấu trừ từ tài khoản ngân hàng của người dùng vào ngay tháng tiếp theo.
Lớn lên ở Bavaria vào thời thập niên 1980 và 90, Anna Steigemann, phó giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Kỹ thuật Berlin, nhớ rằng gia đình cô thường rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng mỗi tuần một lần.
Năm ‘bí kíp’ đơn giản để lên hình đẹp trong video call
Giãn cách xã hội trên máy bay có khả thi?
Covid-19: Những phi cơ nghỉ bay được cất giữ thế nào?
Cha cô rút tiền vào thứ Năm, rồi cả nhà đi mua hàng hóa các thứ vào thứ Sáu và đi chợ mua thực phẩm vào thứ Bảy, số tiền còn lại thì nằm yên trong tài khoản.
Maik Klotz, 44 tuổi, đồng sáng lập Payment & Banking, một tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực sáng chế trong công nghệ tài chính, nói rằng cha mẹ ông đã dạy ông từ khi còn nhỏ là phải luôn coi trọng tiền mặt.
Khi ông lớn lên, việc thanh toán bằng thẻ ghi nợ cũng chưa phải là phổ biến.
“Hồi đó, nỗi sợ không theo dõi được việc chi tiêu và sự bị lợi dụng thẻ rất là cao,” ông nói, và cho biết thêm rằng cha mẹ ông cho đến nay vẫn ngờ vực độ an toàn của việc thanh toán thẻ.
Thay đổi rộng khắp
Trong những năm gần đây, cách thức chi trả các khoản chi tiêu của Đức đã phát triển nhiều.
Năm 2017, một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Đức đối với các khoản thanh toán của người tiêu dùng ghi nhận thói quen dùng tiền mặt có sự thay đổi một cách chậm chạp nhưng tương đối ổn định, cho thấy 88% người Đức vẫn muốn tiếp tục sử dụng tiền mặt trong tương lai.
Cũng nghiên cứu đó cho thấy người Đức bỏ trong ví trung bình là 107 euro (tương đương 116 đô la Mỹ, 95 bảng Anh); còn một năm trước đó, bản phúc trình của Ủy ban Ngân hàng Châu Âu cho thấy người Đức dẫn đầu trong khối sử dụng đồng tiền chung euro về việc mang tiền mặt trong người.
Năm 2018 là thời điểm lần đầu tiên tổng giá trị các khoản trả bằng thẻ ở cửa hàng cao hơn các khoản trả bằng tiền mặt, theo Viện Nghiên cứu Hoạt động Bán lẻ EHI có trụ sở tại Cologne: 48,6% thanh toán thẻ, 48,3% trả tiền mặt.
Tuy nhiên, tiền mặt đã được sử dụng trong 76% các giao dịch bán lẻ, và vẫn chiếm đa số trong các khoản mua sắm giá trị nhỏ.
“Tại Đức, việc chi trả bằng tiền mặt tại nhà hàng và cửa hàng tạp hóa cao gấp đôi so với mức trung bình ở châu Âu,” chuyên gia Holger Sachse từ hãng tư vấn Boston Consulting Group nói với trang tin The Local hồi năm 2018.
Nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Trung ương Đức cho thấy những người Đức trẻ tuổi đang tìm kiếm các lựa chọn thanh toán mới.
Tuy nhiên, có những quan ngại rằng việc chuyển sang văn hóa không dùng tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến thế hệ người cao tuổi và những người có thu nhập thấp, là những người có thể không dùng tài khoản ngân hàng.
Những văn phòng bí mật trốn đại dịch Covid-19
Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
Covid-19: Vì sao người dân đổ xô đi mua hàng?
Người ta cũng nhắc tới cả mối lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt là trong số những người tiêu dùng lớn tuổi.
“Nhiều người Đức lớn tuổi vẫn còn nhớ như in thời kỳ trước đây, khi chính quyền giám sát tất thảy mọi thứ. Đây là lý do tại sao nhiều người Đức tiếp tục bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của mình một cách quyết liệt, họ ít tin tưởng hơn so với dân chúng tại nhiều nước châu Âu khác khi áp dụng giải pháp công nghệ mới,” Hauer nói.
Không phải chỉ có người tiêu dùng lớn tuổi mới ngại ngần. Các cơ sở làm ăn buôn bán nhỏ vẫn thích sự giản tiện của tiền mặt hơn, bao gồm cả các chủ cơ sở thuộc thế hệ thiên niên kỷ.
Sami Gottschalk, 28 tuổi, sở hữu tiệm hớt tóc MINE ở khu nghệ sỹ của Berlin. Tiệm luôn từ chối thanh toán thẻ vì anh thấy làm vậy thì đơn giản hơn là cứ phải xoay qua đổi lại theo dõi xem trong ngăn kéo thu được bao nhiêu tiền, nhận trả qua thẻ là bao nhiêu.
“Đây là cách tôi quản lý trong một tiệm làm tóc trước đây và tôi thấy là là cách này thì dễ quản hơn,” anh nói.
Tại tiệm hớt tóc nổi tiếng với cả người Berlin và người nước ngoài này, anh nhận thấy rằng khách hàng Đức có xu hướng mang nhiều tiền mặt hơn người Mỹ hoặc người Anh.
Những ai không mang theo tiền mặt sẽ được yêu cầu rút tiền từ máy ATM gần đó để thanh toán. Gottschalk nói rằng khách hàng Đức thường không thấy vấn đề gì, song điều này khiến các khách hàng nước ngoài ngạc nhiên.
Chuyển sang dùng thẻ do Covid-19
Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bắt đầu lây lan khắp thế giới, việc ỷ lại vào tiền mặt của người Đức đã chấm dứt.
Chỉ trong vài tuần, nhiều nơi không còn mặn mà với tiền mặt nữa, có nơi còn từ chối hoàn toàn.
Tất nhiên, Đức không phải là quốc gia duy nhất xảy ra việc phải từ bỏ thói quen dùng tiền mặt do hậu quả của đại dịch: Một cuộc khảo sát ở Anh, nơi 50% người dân được ước tính là không dùng tiền mặt, cho rằng 75% người dân sử dụng ít tiền mặt hơn do sự bùng phát lây nhiễm virus.
Tuy nhiên, sự thay đổi ở Đức trở nên đặc biệt đáng chú ý vì sự ưa thích đối với tiền mặt của người Đức.
“Dịch [Covid-19] là thời điểm đầu tiên các nhà bán lẻ lớn nhất của Đức bắt đầu tích cực thúc đẩy việc sử dụng các phương thức thanh toán không tiếp xúc,” Hauer từ hãng N26 nói.
“Từ các cửa hàng tạp hóa đến các trạm xăng dầu, từ các biển báo trong cửa hàng cho đến thậm chí là các quảng cáo trên đài phát thanh, các nhà bán lẻ lớn đều khuyến khích người Đức thay đổi thói quen dùng tiền mặt.”
Các nhà bán lẻ nhỏ trước đây vốn chỉ nhận tiền mặt nay cũng thay đổi quan điểm: “Không chỉ hầu hết trong số họ bắt đầu chấp nhận thanh toán thẻ, mà một số cơ sở kinh doanh giờ đây còn chỉ nhận thẻ mà thôi, nhất là ở Berlin.”
Một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Đức chỉ ra rằng những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Đức trong thời dịch bệnh Covid-19 còn nhờ vào một một điều chỉnh được đưa ra vào cuối tháng Ba, theo đó tăng gấp đôi hạn mức cho các giao dịch không cần trực tiếp chạm vào thẻ lên tới mức 50 euro. (Ở Anh, hạn mức này đã được tăng từ 30 bảng lên 45 bảng kể từ tháng Tư, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ nhiều hơn.)
Đến cuối tháng Tư, 43% số người được hỏi cho biết họ đã thay đổi thói quen chi trả, so với 25% vào đầu tháng.
Sáu mươi tám phần trăm những người thay đổi thói quen nói rằng từ nay nhiều khả năng là họ sẽ sử dụng thẻ nhiều hơn.
Một cuộc khảo sát mới khác, được thực hiện bởi Sáng kiến Hệ thống Thanh toán Đức, cho thấy rằng 57% người Đức dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng nhiều hơn so với trước khi xảy ra đại dịch, và gần một nửa đã “giảm đáng kể” việc sử dụng tiền mặt.
Tại N26, Hauer cho biết, hãng đã ghi nhận số lần rút tiền ít hơn 56% từ các máy ATM trong tháng đầu tiên nước Đức thực hiện phong tỏa so với tháng trước đó.
Đối với Anna Steigemann, việc chuyển sang dùng thẻ quả là khó khăn.
“Giờ thì tôi rơi vào tình huống là khi tới [siêu thị bán thực phẩm 'sạch'] Bio Company để mua chiếc bánh xoắn thừng hay ổ bánh nhỏ thì cũng phải trả tiền bằng thẻ, bởi họ đòi thế,” bà nói.
“Mà bởi toàn phải trả bằng thẻ nên tôi không biết mình đã tiêu hết bao nhiêu tiền rồi… Lúc này đang là thời điểm rất bất ổn và không an toàn, và việc mất kiểm soát đối với tài khoản của mình khiến tôi càng thêm bất an.”
Nhìn vào những gì từng xảy ra trong lịch sử thì người Đức có vẻ như đang đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại bằng cách chi tiêu thận trọng hơn – và tiết kiệm hơn.
Hauer cho biết một cuộc khảo sát nội bộ của ngân hàng cho thấy 55% người Đức (chọn mẫu từ 10.000 khách hàng trên khắp các thị trường chính của ngân hàng) đã “có những thay đổi trong ưu tiên tài chính cho năm 2020″. Khoảng hai phần ba số người được hỏi cho biết họ đã để dành nhiều tiền hơn trước cuộc khủng hoảng.
Thomas Giese và Marion Coulondre mở quán cà phê Bíchou, một dạng cửa hàng tiện lợi theo kiểu Pháp ở khu quận khá hiền hòa, lịch thiệp Neukölln ở vùng nam Berlin vào năm 2016.
“Khi chúng tôi mở, rất ít doanh nghiệp ở Neukölln cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ,” Coulondre nói. “Mọi người hoàn toàn thấy thoải mái với việc trả tiền mặt và vì chúng tôi là một quán cà phê nhỏ trong khu phố, không có gì to tát mà cần phải thanh toán qua thẻ. Thanh toán tiền mặt đơn giản hơn đối với chúng tôi và đỡ tốn chi phí hơn khi bắt đầu kinh doanh.”
Song quán này bắt đầu nhận thẻ vào đầu năm 2019. Và, trong khi họ tiếp tục chấp nhận tiền mặt, họ đã thấy nhiều khách hàng hơn hẳn từ trước đến giờ trả bằng thẻ trong thời đại dịch – ngay cả những người mọi khi toàn dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, thu nhập của quán lại giảm đi. “Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi có nhiều khoản thanh toán thẻ nhưng đôi khi doanh thu chỉ bằng một nửa,” Coulondre nói. Trong thời gian tới, cô dự đoán thanh toán thẻ sẽ tăng hơn, tiếp tục theo xu hướng mà cô đã chứng kiến hơn hai năm qua.
Hết dịch lại quay về với văn hóa tiền mặt?
Thật khó để tưởng tượng tiền mặt có thể chiếm lại ngôi vua trước đây trong đời sống tiêu dùng của người Đức.
Theo quan điểm của Hauer, Covid-19 đã đem lại một cú hích cho sự thay đổi mà xã hội đã sẵn sàng tiếp nhận. Tất cả những điều này cùng nhau đã giúp thúc đẩy một sự chuyển đổi trong hành vi: tốc độ và mức độ thay đổi cho chúng ta biết rằng đó là điều khó thực hiện, nhưng mọi người cần một lý do mạnh mẽ để phá bỏ thói quen cũ.
Hauer nói rằng N26 tin là Covid-19 sẽ “làm tăng tốc” trên đường hướng tới một tương lai, trong đó “thanh toán bằng tiền mặt sẽ là trường hợp ngoại lệ chứ không phải là chuyện đương nhiên”.
Ingo Limburg, người đứng đầu Sáng kiến Hệ thống Thanh toán Đức, nói với báo DW vào hôm 7/5 rằng ông hy vọng người dân sẽ tiếp tục sử dụng thẻ nhiều hơn: “Chúng tôi cho rằng xu hướng thanh toán thẻ sẽ tăng mạnh.”
Tại tiệm hớt tóc MINE, Gottschalk vào lúc này vẫn ưa tiền mặt – gel khử trùng tay luôn để ngay tại máy tính tiền – nhưng anh cũng sẵn sàng thay đổi.
“Tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ lại quay về dùng tiền mặt nhiều như trước,” anh nói.
“Bây giờ đúng là thanh toán thẻ bắt đầu ngày càng nhiều, và nó chắc chắn là thứ mà chúng ta có thể phải ghi nhận trong tương lai. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể tiếp tục duy trì được thói quen chỉ nhận tiền mặt như trước đây nữa.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-52884709

COVID: Đức cấm tổ chức

các sự kiện lớn cho đến tháng 10

Đức sẽ gia hạn lệnh cấm tổ chức những sự kiện lớn đến ít nhất vào cuối tháng 10 để tránh một đợt lây nhiễm COVID mới, Thủ tướng Angela Merkel loan báo ngày 17/6.
Sau khi nói chuyện với thủ hiến 16 tiểu bang Đức, bà yêu cầu mọi người hãy cẩn trọng và giữ giãn cách xã hội. Tuy nhiên bà cũng nói con số lây nhiễm mới tại quốc gia đông dân nhất Châu Âu đã ổn định ở mức thấp.
Tháng trước bà Merkel trao trách nhiệm nhiều hơn cho các bang để ngăn chặn đại dịch, nhưng cho rằng giãn cách xã hội và mang khẩu trang vẫn cần thiết.
Đức đã giữ được con số người chết vì COVID-19 ở mức độ tương đối thấp dù số ca lây nhiễm cao qua các xét nghiệm rộng rãi. Vào ngày 17/6, Đức báo cáo 345 ca mới so với hôm trước, và 30 người chết.
Lệnh đóng cửa trên toàn quốc bắt đầu vào giữa tháng Ba đã được nới lỏng, với các cửa hàng, xưởng máy, trường học và nhà hàng tái mở cửa.
Bà Merkel và các thủ hiến đồng ý là những sinh hoạt lớn nơi việc theo dõi tiếp xúc và giãn cách xã hội không thể thực hiện được, có thể bị cấm ít nhất cho đến cuối tháng 10, một tài liệu của chính phủ cho thấy.
Các cuộc tuần hành và biểu tình sẽ vẫn tiếp tục được cho phép, nhưng tài liệu của chính phủ nói nhà cầm quyền phải có những bước để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm.
Tại miền bắc nước Đức, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất của Đức, là Toennes, cho biết đã đóng cửa lò mổ tại Gueterslot sau khi có khoảng 400 công nhân xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.
Nhà cầm quyền địa phương đóng cửa các trường học và nhà trẻ để phòng ngừa.
https://www.voatiengviet.com/a/covid-%C4%91%E1%BB%A9c-c%E1%BA%A5m-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-c%C3%A1c-s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n-l%E1%BB%9Bn-cho-%C4%91%E1%BA%BFn-th%C3%A1ng-10-/5466962.html

Nga sử dụng “đường hầm” an toàn

chống Covid-19 để bảo vệ TT Putin

Mai Vân
Tổng thống Nga Vladimir Putin như đã muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông trước virus corona. Theo truyền thông Nga ngày 16/06/2020, tại điện Kremlin cũng như ở tư dinh, nơi ông cư ngụ phần lớn thời gian, ông Putin đã cho thiết lập một “đường hầm”, hay một hành lang, mà tất cả những ai người muốn gặp ông đều phải đi qua, và phải được phun thuốc khử khuẩn.
Thông tín viên RFI, Daniel Vallot, tường thuật từ Matxcơva:
Trên các bức ảnh mà hãng tin Ria Novosti công bố, người ta thấy một người đi vào một cái khoang trước khi toàn thân bị phun một chất khử trùng. Theo hãng thông tấn Nga, khoang này đã được dựng lên tại datcha của Putin, tư dinh nổi tiếng ở Novo-Ogariovo, nơi ông Putin cư ngụ phần lớn thời gian, từ đầu dịch bệnh.
Theo Dmitri Peskov, người phát ngôn của  tổng thống, hai thiết bị tương tự cũng được đặt ở điện Kremlin. Các khoang khử trùng do một nhà công nghiệp Nga sản xuất, cho phép đo nhiệt độ các quan khách và cũng được trang bị một máy nhận diện.
Theo ông Peskov thì “các biện pháp này chính đáng và dễ hiểu”.
Theo báo chí Nga, nhiều khách mời dự buổi lễ trao huân chương mà tổng thống Nga tham dự, đã phải chịu một thời gian cách ly trước, khoảng 12 ngày.
Từ khi rút về tư dinh, tổng thống Nga chỉ xuất hiện trước công chúng có hai lần. Theo điện Kremlin, tất cả những người đến gần ông phải được kiểm tra y tế trước.
Tuy nhiên những biện pháp an toàn mà các giới chức Nga đưa ra đã không giúp nhiều lãnh đạo cấp cao tránh được việc bị nhiễm virus, trong đó có  Dmitri Peskov và thủ tướng Mikhaïl Michoustine.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-nga-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BA%A7m-an-to%C3%A0n-ch%C3%B4%CC%81ng-covid-19-%C4%91%C3%AA%CC%89-ba%CC%89o-v%C3%AA%CC%A3-putin

Triều Tiên đưa lính đến biên giới,

dọa tung thêm các đòn ‘vượt xa tưởng tượng’

Triều Tiên đưa binh lính đến các đồn trống ở khu vực phi quân sự trong khi tờ Rodong Sinmun cảnh báo việc đánh sập văn phòng liên lạc chỉ là khởi đầu, động thái tiếp theo có thể “vượt xa sức tưởng tượng”.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 18-6 dẫn nhiều nguồn tin quân sự cho biết binh lính của Triều Tiên xuất hiện ở các đồn trước đó bỏ trống bên trong khu vực phi quân sự ở biên giới liên Triều chiều 17-6. Bình Nhưỡng có khoảng 150 đồn quân sự trong khu vực này và nhiều nơi bị bỏ trống sau thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký vào tháng 9-2018.
Động thái này khớp với cảnh báo trước đó của Bình Nhưỡng rằng sẽ khôi phục các đồn gác bên trong khu vực phi quân sự và nối lại tất cả các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới với Hàn Quốc.
Đây là động thái mới nhất sau khi Triều Tiên cho nổ sập văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp chung Kaesong ngày 16-6.
Theo truyền thông địa phương, khoảng 100 binh lính Triều Tiên đã xuất hiện tại khu công nghiệp Kaesong sau khi văn phòng trên bị sập. Sau vụ nổ, Bình Nhưỡng tiếp tục dọa sẽ gửi quân đến Kaesong, khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang).
Cùng lúc, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên tuyên bố việc đánh sập văn phòng này chỉ là khởi đầu.
“Tiếng nổ của công lý sẽ tiếp tục vang dội vượt xa sức tưởng tượng của bất cứ ai rêu rao chuyện gì có thể mở ra. Quân đội của chúng tôi đã hết sự kiên nhẫn. Tuyên bố của quân đội rằng họ đang cân nhắc kế hoạch hành động quân sự chi tiết nên được coi trọng”, tờ này viết.
Trước sức ép của Triều Tiên, quan chức cấp cao về hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do Hoon đã đến Washington để gặp các quan chức Mỹ, Đài KBS đưa tin. Chuyến thăm của ông Lee không được thông báo trước, do đó nhiều khả năng ông được cử đến với tư cách đặc phái viên của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Ông Lee có thể sẽ gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien và Thứ tưởng ngoại giao Stephen Biegun, người kiêm nhiệm vai trò đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35329-trieu-tien-dua-linh-den-bien-gioi-doa-tung-them-cac-don-vuot-xa-tuong-tuong.html

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên

tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới

Những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên khiến cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới. Ngay sau khi cho nổ văn phòng liên lạc ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới, Triều Tiên ngày 17/6 tuyên bố sẽ tái triển khai quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và Núi Cưm Cang, đồng thời từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên. Những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên khiến cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại.
Hai ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị cử đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong – em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 17/6 “đã thẳng thừng từ chối đề nghị” này. Không dừng lại ở đó, cùng ngày, người phát ngôn Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng cho biết, Triều Tiên sẽ triển khai lại quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và núi Cưm Cang, đồng thời thiết lập lại các đồn biên phòng đã được tháo dỡ theo thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước.
Động thái mới nhất này của Triều Tiên đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới cùng tên của nước này, sau khi nhiều lần cảnh báo sẽ đáp lại hành động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc. Việc phá hủy văn phòng liên lạc chung đánh dấu một bước lùi mới nhất và lớn nhất trong quan hệ liên Triều. Phản ứng về các động thái mới nhất của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 17/6 cho biết thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều được ký kết năm 2018 cần phải được duy trì. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định đang theo dõi chặt chẽ động thái của Triều Tiên suốt ngày đêm, đồng thời cam kết phản ứng mạnh mẽ nếu chính quyền Triều Tiên có bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào.
Cộng đồng thế giới đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc hôm qua đã kêu gọi các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Điện Kremlin cùng ngày cho biết Nga quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tôi đang giám sát chặt chẽ những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên. Tình hình căng thẳng tại đây đã khiến chúng tôi không khỏi quan ngại. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế. Trong thời gian gần đây, các bên chưa có kế hoạch tổ chức các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu tình hình.”
Mỹ khẳng định hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc trong quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế những hành động phản tác dụng tiếp theo”.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại liên Triều dẫn đến các giải pháp hòa bình có lợi cho hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các bên.
Quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây, khi Triều Tiên liên tục chỉ trích Hàn Quốc nhấn mạnh hoạt động thả truyền đơn chống nước này là hành động thù địch, vi phạm một loạt thỏa thuận hòa bình liên Triều, đồng thời đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc chung cũng như cắt toàn bộ liên lạc với Hàn Quốc. Ngày 13/6 vừa qua, bà Kim Yo-jong, thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, đe dọa cắt quan hệ với Hàn Quốc và chỉ thị quân đội áp dụng những biện pháp cần thiết để trừng phạt Hàn Quốc. Đáp lại, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các thỏa thuận liên Triều đạt được trước đó
http://biendong.net/bi-n-nong/35316-cang-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-tiep-tuc-bi-day-len-nac-thang-moi.html

Trung Quốc cảnh báo đáp trả trừng phạt mới của Mỹ

Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả việc Trump ký luật trừng phạt quan chức Bắc Kinh vì người Duy Ngô Nhĩ và yêu cầu Washington ngừng can thiệp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra tuyên bố nói rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật về người Duy Ngô Nhĩ là cố tình nói xấu tình hình nhân quyền ở Tân Cương, “tấn công độc hại” vào các chính sách của Bắc Kinh ở khu vực Tân Cương và “can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
“Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả sắp tới”,
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, đồng thời yêu cầu Mỹ “sửa chữa ngay những sai lầm của mình”.
Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ được Tổng thống Mỹ ký ban hành hôm 17/6, cho phép trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc. Đạo luật cũng kêu gọi các công ty Mỹ hoạt động tại Tân Cương đảm bảo không sử dụng nhân sự là “các lao động cưỡng bức”.
Quốc hội Mỹ tháng trước đã thông qua dự luật này chỉ với một phiếu chống, dọn đường cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là “trung tâm đào tạo nghề” và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuyên bố trên không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ của nước này.
Đạo luật được ban hành trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi do Covid-19. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, che giấu dịch bệnh và chậm cảnh báo, trong khi Bắc Kinh bác bỏ toàn bộ cáo buộc này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35328-trung-quoc-canh-bao-dap-tra-trung-phat-moi-cua-my.html

‘Vũ khí’ trừng phạt kinh tế ngày một mạnh của TQ

Những bên đối đầu với Trung Quốc về thương mại hay vấn đề Hong Kong, Huawei cũng như Covid-19 gần đây đều phải hứng đòn trừng phạt kinh tế.
Không chỉ có quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang xấu đi, Australia cũng đang rơi vào hoàn cảnh đó sau khi Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 4 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.
Trung Quốc đã nhanh chóng trả đũa. Nước này lập tức áp thuế 80,5% với lúa mạch, cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò giết mổ và cảnh báo công dân không đi du lịch Australia. Global Times của Trung Quốc còn gọi Australia là “con chuột túi khổng lồ phục tùng như một con chó của Mỹ”.
Hai năm trước, thế giới chứng kiến cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nay, chạm trán đã ở quy mô rộng hơn. Các quốc gia khác cũng lo lắng về việc Trung Quốc theo đuổi sự thống trị công nghệ, phân biệt đối xử thương mại, cùng các quyết định địa chính trị khác. Năm nay, lo lắng gia tăng khi Trung Quốc bị cáo buộc chậm công bố thông tin về Covid-19 và thông qua luật an ninh mới cho Hong Kong.
Trong một bài báo gần đây, Richard McGregor, một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Lowy (Australia), nói rằng Trung Quốc đã sử dụng quyền tiếp cận vào thị trường của họ để thực hiện các chính sách đối ngoại từ lâu. “Sự khác biệt bây giờ là Trung Quốc nắm giữ quyền lực kinh tế thực sự”, ông viết, “Các nước khác không sợ lệnh trừng phạt của Trung Quốc vào những năm 1950. Giờ thì họ sợ”.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa Na Uy sau khi Ủy ban Nobel, trụ sở tại Na Uy, trao giải Nobel Hòa bình cho một nhà bất đồng chính kiến. Các quốc gia khác cũng chịu trừng phạt tương tự. Có thể kể đến như Mông Cổ vì đã tổ chức một chuyến viếng thăm cho nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong – Đức Đạt Lai Lạt Ma; Hàn Quốc vì lắp hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ; và Canada vì đã bắt giữ một giám đốc điều hành Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
Tờ Wall Street Journal cho rằng, Trung Quốc còn có chiến thuật gây “bất hòa” giữa các nước vốn chung mặt trận. Thậm chí, nhờ cách tiếp cận thương mại đơn phương của chính quyền Trump, Trung Quốc còn thực hiện dễ dàng hơn.
Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã tăng thuế đối với tôm hùm từ Maine (Mỹ), và giảm thuế đối với tôm hùm từ Canada. Australia thì lo ngại Hiệp định thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 sẽ chuyển các giao dịch mua nông sản của Trung Quốc từ nước này sang Mỹ. Đúng như vậy, Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu lúa mạch từ Australia, và mở cửa nhập khẩu lúa mạch từ Mỹ.
Tuy nhiên, chiến thuật của Trung Quốc vẫn có thể không đủ sức mạnh và khả năng bị phản tác dụng. Đến nay, Australia vẫn chưa nhượng bộ. Việc giam giữ hai công dân Canada và các biện pháp trừng phạt kinh tế đã không giúp bà Mạnh Vãn Chu của Huawei được phóng thích. Thậm chí, dư luận Canada lại bất bình hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn miễn cưỡng đẩy Trung Quốc ra xa, một phần vì nước này không muốn ông Trump áp thuế ôtô Đức, theo ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, trụ sở tại Berlin. Cùng với đó, bà Merkel còn phải đối mặt với áp lực từ Norbert Roettgen, một nhà lập pháp có ảnh hưởng và là người theo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, muốn loại Huawei khỏi các mạng viễn thông Đức.
Tương tự, Anh đang cân nhắc xem có nên loại Huawei Technologies khỏi mạng viễn thông 5G hay không. Nhật Bản trợ cấp cho các công ty định hình lại chuỗi cung ứng, thoát khỏi Trung Quốc. Liên minh châu Âu thì mới dừng ở mức đánh thuế đối với các công ty được Trung Quốc trợ cấp, nhưng đặt trụ sở bên ngoài Trung Quốc.
Tháng này, một liên minh nghị viện về Trung Quốc vừa được thành lập, tập hợp các nhà lập pháp hoài nghi Trung Quốc từ hơn 10 quốc gia. Các thành viên tiêu biểu bao gồm, đảng Lao động và đảng Bảo thủ của Anh, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xanh của Đức, đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ.
Đây là tin tức đáng hoan nghênh cho chính quyền Trump, vốn từ lâu đã tìm cách tập hợp các đồng minh của mình để giúp kiềm chế tham vọng quân sự và công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì thể hiện cho đến nay không phải là một liên minh do Mỹ lãnh đạo mà là các hành động riêng của từng quốc gia.
Nhưng dù thế nào đi nữa, không có đồng minh nào của Mỹ muốn rời khỏi hoặc cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thậm chí, với hầu hết nền kinh tế của họ, Trung Quốc quan trọng hơn Mỹ. Tuy nhiên, các nước cũng không muốn để Trung Quốc chi phối hoàn toàn. Điều này lại khiến họ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, bất kể ai là tổng thống.
Trung Quốc cũng không muốn tách rời. Họ cần có kiến thức, sản phẩm và các thị trường khác. Thách thức là hòa giải các mối quan hệ thương mại đối với hành vi mà các quốc gia khác tin rằng đang gây bất ổn trật tự toàn cầu. “Trung Quốc phải cẩn thận đến việc áp các biện pháp trừng phạt. Họ không muốn làm tổn hại đến nền kinh tế của chính mình”, ông McGregor bình luận. “Tuy nhiên, họ đang chiến đấu trên tất cả mặt trận và dường như họ có thể thắng thế”.
http://biendong.net/bi-n-nong/35325-vu-khi-trung-phat-kinh-te-ngay-mot-manh-cua-tq.html

Vì sao TQ muốn Trump chiến thắng

trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020?

Bất chấp các chỉ trích và cáo buộc nhằm vào Trung Quốc của ông Trump, nước này vẫn muốn ông đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới thay vì ông Joe Biden.
Trung Quốc muốn Trump tiếp tục là Tổng thống Mỹ
Tổng thống Trump thường xuyên nhận định rằng Trung Quốc muốn ông Joe Biden – ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020.
Hồi tháng 5, nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter rằng: “Trung Quốc đang thực hiện chiến lược làm sai lệch thông tin trên quy mô lớn bởi họ tha thiết mong Joe Biden “buồn ngủ” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, để nhờ vậy họ có thể tiếp tục các hành vi gian lận với nước Mỹ như họ đã làm trong hàng thập kỷ, cho đến khi tôi xuất hiện”.
Tuy nhiên, thực tế là tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc lại nghiêng về việc ủng hộ ông Trump tiếp tục thêm 4 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng hơn bởi nhiều lý do khác nhau.
Theo Straits Times, trong một số cuộc trả lời phỏng vấn, 9 quan chức và cựu quan chức Trung Quốc đã thể hiện quan điểm rằng, họ ủng hộ ông Trump tái đắc cử, bất kể trong 4 năm qua, nhà lãnh đạo Mỹ không ít lần đưa ra những cáo buộc mạnh mẽ về Bắc Kinh, từ vấn đề thương mại cho tới đại dịch COVID-19.
Mặc dù một số quan chức lo ngại rằng, căng thẳng Mỹ – Trung sẽ leo thang bất kể người giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là ai, nhưng tác động đến kết quả cuộc bầu cử này sẽ dựa trên việc xem xét ai là người chú trọng đến ảnh hưởng về địa chính trị và ai là người quan tâm đến quan hệ thương mại.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là một thành viên đảng Dân chủ truyền thống, với quan điểm thúc đẩy các mối quan hệ đa phương của Mỹ, cũng như làm giảm những căng thẳng về thương mại.
“Nếu ông Biden đắc cử, tôi cho rằng điều này sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc, bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh để nhắm vào Trung Quốc, trong khi Tổng thống Trump hiện đang phá hủy các liên minh này của Mỹ”, Zhou Xiaoming, từng là nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và là cựu phó đại diện của nước này tại Geneva (Thụy Sĩ) nhận xét.
4 cựu quan chức hiện tại trong chính phủ Trung Quốc cũng đồng quan điểm với ông Zhou Xiaoming. Ngoài ra, nhiều quan chức trong chính phủ Trung Quốc tin rằng, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ giúp ích cho Bắc Kinh, bằng cách làm suy yếu điều mà họ xem là tài sản lớn nhất của Washington, nhằm giám sát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa Trump và Biden
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump tạo ra những rạn nứt với các đồng minh của Mỹ sau khi nhà lãnh đạo này áp thuế lên các đối tác thương mại, gây sức ép để đồng minh tăng chi phí quốc phòng, rút khỏi các thỏa thuận đa phương và ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, hôm 15/6, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã bác bỏ ý tưởng về một liên minh xuyên Đại Tây dương chống lại Trung Quốc, cũng như từ chối sử dụng cụm từ “kẻ thù có hệ thống” với Bắc Kinh chỉ vài giờ trước khi tiến hành trao đổi với người đồng cấp Mỹ.
Vì sao Trung Quốc muốn Trump chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020? – 2
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)
“Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, 2 trục chính của chính trị toàn cầu leo thang căng thẳng, sức ép “chọn bên” đang ngày càng gia tăng. EU phải có “con đường” của riêng mình trước tất cả những thách thức hiện nay”, ông Borrell nói.
Ông Josep Borrell cũng “hạ giọng” khi nói về quan hệ với Trung Quốc: “Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không thể tránh khỏi sự phức tạp và đa chiều. Cụm từ “kẻ thù có hệ thống” thu hút rất nhiều sự chú ý, có lẽ tập trung vào phần “kẻ thù” nhiều hơn là phần “có hệ thống” của cách diễn đạt này”.
Các quan chức Trung Quốc đã kín đáo thừa nhận rằng, chính quyền của một tổng thống đảng Dân chủ sẽ tạo ra thách thức lớn hơn, nếu chính quyền này ưu tiên hợp tác với đồng minh để tạo nên một mặt trận thống nhất.
Theo 2 quan chức Trung Quốc, nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ cởi mở hơn ở những lĩnh vực yêu cầu hợp tác. Chẳng hạn như khôi phục sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận về Biến đổi khí hậu ở Paris, từng được đàm phán khi ông là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Obama.
“Ông ấy sẽ ủng hộ sự hợp tác trong những chủ đề như biến đổi khí hậu, cải cách WTO và TPP”, Wang Huiyao, cố vấn chính phủ Trung Quốc và là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định.
Theo nhà phân tích Janan Ganesh nhận định trên Financial Times, một cuộc “Chiến tranh Lạnh” không chỉ là cuộc chạy đua tên lửa mà còn là một cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng.
Nếu thế giới bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump không phù hợp để trở thành người chiến thắng. Janan Ganesh cho rằng, Trung Quốc sẽ có nhiều điều để mất hơn, nếu ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng thay vì ông Trump.
Chuyên gia này nhận định, “quyền lực mềm” là một cụm từ phản ánh về chiến lược ở đây. Nếu ông Biden trở thành tổng thống, những động thái như: tái cam kết với NATO, giảm bớt những xung đột thương mại, tham gia nghiêm túc vào vấn đề biến đổi khí hậu có thể chấm dứt việc châu Âu, Australia và các đồng minh khác trượt khỏi quỹ đạo của Mỹ.
Thực tế không thay đổi trong quan hệ Mỹ – Trung
Dù vậy, nhận định chung của giới chức Trung Quốc hầu như có rất ít triển vọng đạt được, nhằm chấm dứt những căng thẳng hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Do đó, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường phát triển các ngành công nghiệp nội địa cao cấp, mở rộng sang các thị trường đang phát triển, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước châu Âu và châu Á nhằm đối phó với nỗ lực cô lập của Mỹ.
Một quan chức Trung Quốc nhận định, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không thay đổi được điều gì, bởi mối quan hệ 2 bên sẽ không thể cải thiện. Theo giới chức Bắc Kinh, hy vọng khả quan nhất của họ là mọi thứ sẽ không tiếp tục tồi tệ thêm.
Vì sao Trung Quốc muốn Trump chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020? – 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cẩn Bình tại Hội nghị G-20 năm 2019.
Bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, phía Trung Quốc cũng quan tâm đến một thực tế rằng quan điểm phản đối Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ. Đại dịch COVID-19 với các ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến Washington ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
“Tôi không nghĩ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ thay đổi quan hệ Mỹ – Trung ở những mặt cơ bản. Một tâm lý ngày càng ăn sâu ở Mỹ là nên kiềm chế Trung Quốc. Dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng thì mọi việc vẫn sẽ tồi tệ hơn”, ông Zhou nhận định.
Chính vì thế, mặc dù đảng Cộng hòa có truyền thống tập trung vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump đã điều chỉnh chính sách này theo hướng đối đầu nhiều hơn, qua việc thách thức Bắc Kinh ở gần như mọi khía cạnh trong quan hệ 2 bên (từ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, cho tới các vấn đề về thương mại, y tế cộng đồng và công nghệ).
Thậm chí ông Biden dù là một người từng ủng hộ chiến lược “tham gia” hợp tác với Trung Quốc trong một thời gian dài, cũng thay đổi lập trường cứng rắn hơn trên tư cách là một ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Trong những tháng gần đây, ông Biden chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi những hoạt động thương mại “kiểu săn mồi”.
Bất chấp căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, ông Wang Huiyao vẫn cho rằng: “Ngày nay, Trung Quốc ngày càng hiểu rõ hơn về các mục tiêu của Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa đạt đến thời khắc đen tối nhất trong mối quan hệ này”
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35312-vi-sao-tq-muon-trump-chien-thang-trong-bau-cu-tong-thong-my-nam-2020.html

Vũ khí bí mật nào TQ sẽ sử dụng

trong xung đột biên giới với Ấn Độ?

Truyền thông Trung Quốc liệt kê loạt vũ khí, như xe tăng, pháo tự hành, máy bay trực thăng sẽ được quân đội nước này sử dụng trong xung đột biên giới với Ấn Độ.
Kể từ đối đầu biên giới Ấn – Trung tại khu vực Doklam năm 2017, Bắc Kinh đã mở rộng kho vũ khí của mình với nhiều vũ khí hiện đại. Trong đó có xe tăng Type 15, trực thăng Z-20 và máy bay không
người lái Wing Loong II (GJ-2), mang lại lợi thế chiến đấu cho Trung Quốc trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Năm 2019, trong cuộc diễu binh mừng Quốc khánh, Trung Quốc lần đầu tiết lộ dòng xe tăng Type 15 và pháo tự hành PCL-181 bí mật này.
Các chuyên gia cho rằng, với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và pháo chính xuyên giáp cỡ nòng 105 mm, xe tăng hạng nhẹ Type 15 có thể áp đảo mọi phương tiện bọc thép hạng nhẹ của đối thủ ở các cao điểm.
Theo đó, tăng Type 15 nặng 30 tấn, có vận tốc tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 400 km. Ngoài ra xe tăng này có thể leo được dốc nghiêng 60 độ, vượt vật cản cao 0,8m, vượt hào rộng 2,5m và lội nước ở độ sâu 1 m.
Trong khi đó, pháo tự hành PCL-181 có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn dẫn đường bằng laser và đạn pháo dẫn đường vệ tinh với tầm bắn tối đa 50km.
PCL-181 có thể mang theo 27 đạn pháo và 15 thùng nhiên liệu. Với trọng lượng 25 tấn, PCL-181 nhẹ hơn, nhanh hơn và hoạt động lâu hơn so với pháo tự hành 40 tấn trước đây.
2 loại vũ khí quân sự mới nhất của Trung Quốc này được phát hiện tại Khu tự trị Tây Tạng của Tây Nam (Trung Quốc) vào tháng 1, cách không xa với khu vực Ladakh của Ấn Độ.
Trong cuộc diễu binh ngày 1/10 năm ngoái, hệ thống ống phóng tên lửa đa nòng mới của Trung Quốc cũng được ra mắt. Loại vũ khí này sử dụng khung gầm cơ động cao có bánh xe 8×8 và mang theo 2 bộ đạn pháo 370mm, giúp nó có thể tác chiến ở độ cao lớn.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ra mắt dòng máy bay trực thăng đa năng Z-20 và máy bay trực thăng vận tải lớn Z-8G đầu năm 2020.
Máy bay trực thăng Z-20 có khả năng thích nghi với mọi loại địa hình và thời tiết, có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chở binh sỹ và vận chuyển hàng hóa, tìm kiếm cứu nạn và trinh sát.
Chen Chen Guang, phó Tổng giám đốc công ty Avicopter, chi nhánh trực thăng của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) khẳng định: “Z-20 có thể hoạt động ở các cao nguyên, với điều kiện ít oxy nhờ vào động cơ tự chế mạnh mẽ”.
Tập trung vào các hoạt động ở khu vực cao nguyên, Z-8G là dòng trực thăng vận tải đầu tiên của Trung Quốc có thể cất cánh từ độ cao 4.500 m so với mực nước biển, với trần cao hơn 6.000 m.
Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc, các vũ khí được thiết kế đặc biệt này tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc ở các khu vực cao điểm, cho phép họ chiếm ưu thế vượt trọi trước đối thủ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35313-vu-khi-bi-mat-nao-tq-se-su-dung-trong-xung-dot-bien-gioi-voi-an-do.html

Lý do Trung Quốc giấu thương vong

trong ẩu đả với lính Ấn Độ

Trung Quốc không tiết lộ số binh sĩ thương vong trong vụ đụng độ ở biên giới Ấn Độ, có thể để giảm căng thẳng trước cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6 ẩu đả tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước. Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, khi quân đội Ấn Độ thông báo 20 binh sĩ thiệt mạng.
Tuy nhiên, Trung Quốc tới nay chưa công bố con số thương vong sau vụ xung đột, dù truyền thông Ấn Độ đưa tin khoảng 35-43 binh sĩ Trung Quốc chết hoặc bị thương nặng.
Đại tá Trương Thủy Lợi, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây của quân đội Trung Quốc (PLA), ngày 16/6 nói vụ ẩu đả tại thung lũng Galwan khiến hai phía chịu thương vong, song không nêu chi tiết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết đã cam kết cùng Ấn Độ “giải quyết khác biệt thông qua đối thoại”, song cũng không đề cập đến số thương vong.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc không công bố chi tiết số binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng trong vụ ẩu đả với lính Ấn Độ có thể do muốn giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề trước cuộc hội đàm quan trọng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35326-ly-do-trung-quoc-giau-thuong-vong-trong-au-da-voi-linh-an-do.html

Bắc Kinh “ngậm đắng nuốt cay”

khi Philippines thay đổi quyết định

Ngày 11/02/2020, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ, làm dấy lên mối lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ khiến mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines rạn vỡ và có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông.
Công hàm của Bộ Ngoại giao Philippines gửi Đại sứ quán Mỹ
Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines
Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama. VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo…. Hàng năm, có khoảng 300 hoạt động như vậy, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Philippines đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Philippines từ đó đến nay. Quyết định chấm dứt VFA với Mỹ có thời gian ân hạn 180 ngày. Nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận khác, quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Lúc bấy giờ, chính Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines; nhiều quan chức Philippines cũng cho rằng, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định trong bất cứ trường hợp nào.
Việc Philippines đột ngột đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ và phát biểu kiên quyết của ông Duterte gây bất ngờ cho Washington và làm cho những người cầm quyền Bắc Kinh vui mừng ra mặt bởi họ nghĩ rằng ông Duterte đã trúng mưu kế của Bắc Kinh “đẩy Mỹ ra khỏi khu vực”.
Tình thế đã đảo ngược 180 độ khi ngày 02/6/2020, Philippines thông báo tạm hoãn quyết định chấm dứt VFA. Quyết định mới này của Philippines được đưa ra sau gần 4 tháng “cân nhắc” kể từ khi quốc gia này thông báo sẽ xóa bỏ thỏa thuận quân sự với Mỹ. Thông báo của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 02/6 cho biết: “Việc hủy bỏ VFA bị tạm hoãn theo chỉ đạo của Tổng thống”; quyết định được đưa ra khi “xét tới diễn biến chính trị và các diễn biến khác trong khu vực”.
Quyết định mới này của Philippines ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Đại sứ quán Mỹ tại Manila. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ khẳng định, quan hệ đồng minh lâu nay giữa Mỹ và Philippines mang lại lợi ích cho cả hai. Mỹ muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines.
Các nhà quan sát tình hình khu vực cho rằng, quyết định mới từ bỏ ý định rút ra khỏi VFA với Mỹ của Philippines được đưa ra vì những nguyên nhân sau:
Một là, tình hình căng thẳng gần đây ở Biển Đông khi Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 dồn dập tiến hành các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Những hành động hung hăng của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia, Philippines trong hơn 2 tháng qua càng bộc lộ bản chất hiếu chiến, bá quyền của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Trong một thời gian ngắn, Philippines đã phải trao 2 công hàm liên tiếp phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Những diễn biến ở Biển Đông trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này là một nhân tố hết sức quan trọng để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Philippines nhận thấy rằng nếu không có sự hiện diện của Mỹ, Bắc Kinh sẽ càng lấn tới trong việc bắt nạt các nước láng giềng, trong đó có Philippines.
Hai là, quyết định mới được đưa ra xuất phát từ lợi ích chiến lược của Philippines. Thực tế cho thấy sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, Philippines – nơi mà quân đội Philippines và Mỹ dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của Philippines yếu không đủ sức để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó. Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi Vành Khăn năm 1995 và đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012; tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của
Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh lính đóng trên bãi Cỏ Mây là những bài học mà chính quyền Philippines không thể bỏ qua.
Ba là,có thể nói rằng trong hơn 20 năm tồn tại VFA với Mỹ thì Philippines được hưởng lợi nhiều hơn. Bước đi của Philippines đưa ra sau khi cân nhắc những“ được – mất” mà thỏa thuận quân sự mang lại cho quốc gia Đông Nam Á này.Thực tế thời gian qua, Mỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho Phillipines trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang cực đoan tại miền Nam, viện trợ kịp thời sau các trận bão và động đất… Số tiền viện trợ quân sự hàng năm cũng rất quan trọng trong bối cảnh năng lực quân sự của Philippines vẫn còn hạn chế.
Bốn là, từ khi lên cầm quyền năm 2016, ông Duterte đã thi hành chính sách gần gũi với Trung Quốc và gặp phải nhiều chỉ trích từ trong nội bộ. Những người chống đối ông Duterte tố cáo rằng ông đã mang chủ quyền quốc gia ra đánh cược khi theo đuổi các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, mà trên thực tế chỉ là “những chiếc bánh vẽ”. Ngay từ khi đưa ra tuyên bố hủy bỏ VTA với Mỹ tháng 2/2020, ông Duterteđã không nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong nước,nhất là từ lực lượng quân đội. Trong vòng 4 tháng qua, Trung Quốc cũng không dành ưu đãi gì cho Philippines mà lại còn gây thêm khó khăn cho Philippines trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19. Hiện các lực lượng vũ trang Philippines đang ở tình thế dễ tổn thương do thiếu tàu tuần tra và tiếp tế, nếu việc hủy bỏ VTA có hiệu lực thì càng làm cho quân đội Philippines khó khăn hơn. Chính những vấn đề nội bộ của Philippines buộc ông Duterte phải đảo ngược quyết định của mình.
Năm là, ông Duterte được coi là người có tính khí bất thường, hay đối đầu tranh cãi với các cường quốc phương Tây, đã nhiều lần chỉ trích Washington về một loạt vấn đề. Ông Duterte không ngần ngại thể hiện thái độ bất chấp đối với nước đồng minh quan trọng nhất của mình, là Mỹ. Tuy nhiên, ông Duterte luôn là người có bản lĩnh và kiên định những lợi ích cốt lõi của quốc gia. Một số nhà phân tích cho rằng ông Duterte tỏ ra gần gũi với Trung Quốc cũng chỉ là cách làm của một người “dân túy” để được lợi nhất cho đất nước. Trong những năm đầu khi ông Duterte mới nhận chức Tổng thống, nhiều người lo ngại ông Duterte từ bỏ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, song trên thực tế không phải vậy. Khi cần nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Duterte sẵn sàng làm kể cả trong cuộc gặp với Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc hay tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Một ví dụ khác là nhiều ý kiến lo ngại ông Duterte sẽ “cùng khai thác” với Trung Quốc trong vùng biển của Philippines, tạo ra tiền lệ xấu ở Biển Đông, tuy nhiên cho đến nay chưa hề có bất cứ hành động cụ thể nào với Trung Quốc về “khai thác chung”.
Một số nhà phân tích cho rằng thực ra tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ được ông Duterte đưa ra hồi tháng 2 vừa qua chỉ là phản ứng tức giận tức thời vì Mỹ thu hồi thị thực nhập cảnh của một cựu cảnh sát trưởng, trước khi trở thành thượng nghị sĩ Philippines, do ông này đã từng chỉ huy cuộc chiến tranh chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, bị Mỹ và các nước Tây phương khác lên án.
Việc đảo ngược quyết định của Philippines có thể đã gây cú sốc lớn đối với Trung Quốc bởi Bắc Kinh luôn tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để có thể rảnh tay bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông. Ngay trong đàm phán với ASEAN về COC, Trung Quốc cũng gây sức ép để gài nội dung này vào COC, tuy nhiên trước phản ứng dữ dội của quốc tế, các nước ven Biển Đông trong ASEAN đã tỉnh táo đấu tranh kiên quyết không chấp nhận đòi hỏi vô lý và hết sức thâm độc này của Bắc Kinh.
Tuy hết sức tức tối nhưng Bắc Kinh cũng phải “ngậm bồ hòn” bởi Philippines là một quốc gia độc lập, mọi quyết định của Tổng thống phải xuất phát từ lợi ích quốc gia và người dân Philippines.
http://biendong.net/bien-dong/35320-bac-kinh-ngam-dang-nuot-cay-khi-philippines-thay-doi-quyet-dinh.html

Kịch bản ở Vũ Hán tái diễn:

Bắc Kinh xuất hiện thư cầu cứu

Bảo Thư
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán tái bùng phát tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa nhiều khu đô thị ở thủ đô này, khiến nhiều cư dân không kịp trở tay đã bắt đầu lâm vào “khủng hoảng cuộc sống”.
Với sự tái bùng phát và lây lan của dịch bệnh, Bắc Kinh đã lâm vào tình cảnh “bán phong tỏa”, nhiều khu vực công cộng bị phong bế, các trường tiểu học và trung học cũng đóng cửa, những nhân viên công tác tại khu vực rủi ro cao và trung bình cũng bị cấm rời khỏi Bắc Kinh.
Tuy nhiên việc phong tỏa diễn ra quá nhanh, nhiều người dân chưa kịp chuẩn bị, bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu ngũ cốc, rau và khí đốt, tình trạng tương tự Vũ Hán sau khi thành phố này bị phong tỏa lần thứ nhất.
Vào ngày 17/6, một cư dân đến từ Phong Đài, Bắc Kinh đã đăng tải lá thư cầu cứu đầu tiên trên Internet, sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Nội dung lá thư cầu cứu cho biết, kể từ khi chính quyền Trung Quốc tiến hành phong tỏa vào lúc 3 giờ sáng ngày 13/6, người dân không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ, họ không thể ra ngoài mua sắm, mua sắm trực tuyến cũng không thể nhận được hàng, trong nhà cũng bắt đầu thiết hụt lương thực, rau và gas, người viết thư không còn cách nào khác nên đành phải viết thư cầu cứu.
Tuy nhiên, loại tin tức “tiêu cực” như thế này lại thuộc dạng tin tức “kiểm duyệt” và nó không được phép đăng tải ở Trung Quốc. Một vài người dùng mạng cho biết bài viết của họ đã bị xóa đi trong nháy mắt sau khi chia sẻ bức thư trên trang cá nhân.
Theo NTDTV
Bảo Thư biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/kich-ban-o-vu-han-tai-dien-bac-kinh-xuat-hien-thu-cau-cuu.html

Covid-19: Chợ Bắc Kinh,

mô hình tiêu biểu của khả năng tái phát dịch

Anh Vũ
Sau hơn 50 ngày trở hoạt động bình thường, cuộc sống ở thủ đô Bắc Kinh bỗng nhiên lại bị đảo lộn một cách đáng lo ngại vì xuất hiện ổ lây nhiễm virus corona, cũng lại từ một khu chợ đầu mối thực phẩm lớn, như trường hợp chợ hải sản Vũ Hán từng làm bùng lên thảm họa Covid-19 cho Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới.
Trong khi ở nhiều nước khác, tiến trình gỡ bỏ phong tỏa đang được thận trọng tiến hành từng bước, trường hợp ổ dịch tái xuất hiện ở chợ Tân Phát Địa chứng minh nguy cơ về làn sóng dịch thứ 2 là có thực và có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Đài France 24 tập hợp một số ý kiến phân tích của các chuyên gia y tế xung quanh hiện tượng tái phát dịch ở khu chợ thực phẩm Bắc Kinh. Điều đáng chú ý Bắc Kinh là nơi có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng rất thấp
Các điểm tương đồng giữa chợ Vũ Hán và chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh
Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào nỗi lo sợ ám ảnh từ các khu chợ lớn. Một ở Vũ Hán sau đó trở thành tâm điểm đại dịch toàn cầu, còn khu chợ lần này ở Bắc Kinh giờ đây rất có thể là xuất xứ cho một làn sóng dịch thứ hai đáng sợ.
Hôm thứ Ba vừa qua (16/06), thành phố Bắc Kinh thông báo có hơn một trăm trường hợp nhiễm mới liên quan đến khu chợ thực phẩm được ghi nhận từ một tuần qua ở thủ đô. Thành phố đánh giá việc Covid-19 bùng lên trở lại này là « cực kỳ nghiêm trọng ». Cho đến ngày hôm nay, 18/06, Bắc Kinh ghi nhận 158 trường hợp nhiễm Covid-19, tăng 21 trường hợp so với hôm trước. Thành phố trong tình trạng báo động, gia tăng các biện pháp hạn chế hoạt động, tầm soát bệnh đại trà trong dân chúng….nhằm cố gắng khống chế đường lây truyền của virus.
Đối chiếu trường hợp chợ Bắc Kinh với chợ Vũ Hán có những điều đáng chú ý. « Cả hai đều là những khu chợ đầu mối thực phẩm rất đông người qua lai, khó có thể thực hiện được quy định giãn cách xã hội. Không gian của chợ luôn ẩm ướt, cộng thêm vào đó là hệ thống điều hòa nhiệt độ để bảo quản các mặt hàng thực phẩm. Đó chính là yếu tố môi trường lý tưởng tạo điều kiện để virus corona tồn tại và có thể dễ dàng lây lan», theo nhận xét của Serge Morand chuyên gia về lây truyền mầm bệnh thuộc Viện Khoa Học Quốc Gia Pháp ( CNRS), hiện làm việc tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông học.
Nhưng quy mô rộng lớn của chợ Tân Phát Địa, nằm ở phía nam Bắc Kinh khiến cho mọi so sánh trở nên khó khăn. Khu chợ đầu mối này rộng 112 ha, chia cho 2000 tiểu thương và nằm dưới sự giám sát quản lý thường xuyên của 1200 nhân viên. Hàng ngày từ khu chợ này khoảng 12 nghìn tấn cá, 18 nghìn tấn rau và 20 nghìn tấn quả được bán ra. Có thể nói đây là khu chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á.
Chợ hàng tươi sống: Môi trường lý tưởng cho virus
Đó cũng chính là một trong những lý do để chính quyền Bắc Kinh hết sức lo ngại về ổ lây nhiễm này. Virus corona đã có thể khó tìm được nơi nào lý tưởng hơn như vậy để xuất hiện trở lại ở Trung Quốc.
« Khu chợ này cung cấp ít nhất 70% lượng rau cho các cửa hàng ở thủ đô Bắc Kinh. Những người quản lý y tế của thành phố sợ rằng virus đã có đủ thời gian để lây lan khắp thành phố », trả lời phỏng vấn France 24, William Keevil, giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton nhân mạnh.
Ngoài ra, « chúng ta không quên là nếu như có một trăm ca được xác nhận thì phải thêm vào những người không có biểu hiện bệnh nhưng đã bị nhiễm và có thể làm lây lan virus corona », theo chuyên gia Serge Morand.
Việc lây nhiễm bùng trở lại được chính quyền đánh giá là một tiến triển đặc biệt nghiêm trọng là bởi vì nó nổ ra ở Bắc Kinh, không đơn thuần là vì nơi đây có mật độ dân cư đông đúc. « Chính quyền đã bị bất ngờ vì thủ đô Bắc Kinh  từng là một trong những thành phố cuối cùng Trung Quốc còn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế virus lây lan. Điều này cho thấy virus vẫn có khả năng lọt lưới an ninh được Trung Quốc triển khai », ông Serge Morand ghi nhận.
Bắc Kinh được bảo vệ nhưng chưa đủ miễn dịch
Thủ đô Bắc Kinh cũng nằm trong số  những thành phố áp dụng những biện pháp kiềm chế virus lây lan nghiêm ngặt nhất cả nước.
Bắc Kinh cũng đã « rất nhanh chóng cách ly những ổ dịch khởi phát lây nhiễm », chuyên gia về bệnh phổi Đại học Leicester, Anh Quốc, Julian Tang lưu ý. Giờ đây dịch vẫn có thể trở lại tấn công vào người dân thành phố bởi vì « tỷ lệ miễn dịch cộng đồng với Covid-19  của Bắc Kinh rất thấp so với những nơi khác trong nước bị nhiễm virus nặng hơn. Điều đó có nghĩa là khả năng lây nhiễm tiềm ẩn của Bắc Kinh lớn hơn », chuyên gia Jullian Tang lý giải.
Vì thế việc thành phố cho thực hiện các biện pháp phong tỏa ba chục khu dân cư và đóng cửa các tụ điểm thể thao, văn hóa là rất quan trọng. Chính quyền cũng đã kêu gọi người dân không rời khỏi thành phố.
Nhưng điều khẩn cấp hơn « là liệu chính quyền có nhanh chóng tìm ra nguồn nhiễm hay không, vì như vậy thì mới có thể lần ra chính xác tất cả nhưng người đã bị phơi nhiễm », theo chuyên gia Serge Morand.
Chạy đua với thời gian
Dù sao trong cuộc chạy đua với thời gian này Bắc Kinh đã xuất phát nhanh hơn so với Vũ Hán. « Chính quyền biết phải làm gì và họ có thể, nếu cần, sử dụng những cơ sở đã được xây dựng từ năm 2003 để đối phó với dịch SARS », giáo sư Julian Tang hy vọng Bắc Kinh có thể khống chế được đợt lây nhiễm bùng lên bất ngờ này. Theo ông, nguy cơ chính là từ những người mang virus nhưng không có biểu hiện bệnh hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ và nhất là khi họ đã rời khỏi thành phố. Đây chính là ẩn số lớn nhất hiện nay. Người ta không biết có bao nhiêu trường hợp như vậy và nhất là những người đó đã đi đâu.
« Nếu như họ đến các thành phố lớn khác thì cần nhanh chóng cho triển khai các biện pháp đối phó tái nhiễm thì có thể làm chủ được tình hình. Nhưng nếu những người đó đến các vùng nông thôn ít bị giám sát hơn thì dịch có thể tái phát rộng», nhà nghiên cứu của Đại học Leicester nhấn mạnh.
Nguy cơ xuất khẩu virus corona ra ngoài Bắc Kinh dẫu sao cũng không lớn bằng trường hợp khi virus xuất hiện ở Vũ Hán, đơn giản là vì vấn đề thời điểm. Đối với trường hợp Vũ Hán, « đó là thời điểm Tết Nguyên đán, giai đoạn mà người Trung Quốc đi lại nhiều nhất và chính điều này đã góp phần làm virus lây lan mạnh », ông Julian Tang nhắc lại. Nhưng lần này không có gì bảo đảm có thể hạn chế nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch lần thứ 2 hoành hành trên cả nước.
Vấn đề ở chỗ, việc tái phát lây nhiễm virus hoàn toàn có thể lặp lại trên thế giới trong 6 tháng tới. Chợ Tân Phát Địa là một mô hình tiêu biểu của các ổ Covid-19 trong tương lai trong lúc việc giải tỏa đang được tiến hành gần như khắp nơi trên thế giới.
« Các ổ dịch sẽ xuất hiện chủ yếu trong các thành phố lớn có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp, trong những nơi tập trung rất đông người như các khu chợ và phương tiện giao thông công cộng, và những nơi mà dân người dân sao nhãng dần việc giữ giãn cách xã hội », chuyên gia Julian Tang cảnh báo. Theo ông, điều duy nhất không biết được là sắp tới virus corona chính xác sẽ bùng lại ở đâu.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200618-covid-19-ch%E1%BB%A3-b%E1%BA%AFc-kinh-m%C3%B4-h%C3%ACnh-ti%C3%AAu-bi%E1%BB%83u-c%E1%BB%A7a-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-t%C3%A1i-ph%C3%A1t-d%E1%BB%8Bch

Ổ dịch Bắc Kinh: Cá hồi bị nghi mang virus,

dư luận nói đây là ‘đổ oan và bắt nạt’

Vũ Dương
Chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á Tân Phát Địa, Bắc Kinh đã trở thành ổ dịch viêm phổi Vũ Hán mới ở Bắc Kinh. Mầm bệnh đã được phát hiện trên thớt dùng thái loại cá hồi nhập khẩu ở chợ…
Sau đó, nhiều siêu thị và cửa hàng ở Bắc Kinh đã mau chóng loại bỏ tất cả cá hồi khỏi gian hàng. Theo nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc, ngày 12/6, sau khi tin cá hồi có mang mầm bệnh, nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Bắc Kinh như Wumart, CSF Market và Carrefour đã gỡ bỏ tất cả cá hồi khỏi gian hàng ngay trong đêm. Ngày 13/6, nhiều nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh đã ngừng bán tất cả các sản phẩm cá hồi hoặc tất cả món ăn sashimi cá hồi khác. Nhiều chủ cửa hàng phản ánh rằng công việc kinh doanh của cửa hàng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đồng thời, thị trường bán buôn của trung tâm nông sản Thành Đô cũng tuyên bố loại bỏ tất cả sản phẩm cá hồi khỏi gian hàng, thời gian tiêu thụ phải chờ quyết định từ phía chính quyền.
Sau khi tin tức được đưa ra, nhiều cư dân mạng không đồng ý với cách làm cứng nhắc này, cho rằng đây là “bắt nạt và đổ oan cho cá hồi”.
Có người nói: “Các quán ăn đã làm việc trở lại từ lâu rồi. Nhà hàng Nhật Bản và nhà hàng hải sản tiêu thụ cá hồi nhiều nhất, hơn nữa người mua cá hồi không phải là ít. Nhiều người còn thích ăn sống. Nếu xảy ra chuyện thì đã xảy ra chuyện từ lâu rồi, nguồn gốc mầm bệnh rất có thể không phải là cá”.
“Là cá hồi mang virus vào, hay là người mang bệnh khiến virus dính trên tấm thớt, cái nào hợp lý hơn?”.
“Lệch khỏi trọng điểm rồi: ‘Tấm thớt’ đáng được quan tâm hơn ‘cá hồi’ mới phải! Kiến nghị chỉ loại bỏ sản phẩm tại nơi phát hiện có virus, điều tra dây chuyền thương mại có nhập hàng sản phẩm. Nhưng cần lưu ý rằng không chỉ giới hạn trong cá hồi, các sản phẩm thủy sản khác được chế biến trong cùng một cửa hàng cũng cần được chú ý!”.
Một chuyên gia nghiên cứu virus giấu tên nói với trang Yicai.com rằng vật chủ của virus viêm phổi Vũ Hán là loài động vật có vú, không phải loài hải sản như cá hồi, virus trong phổi người thường không truyền sang cho cá, cũng như virus trên mang cá không thể truyền sang người được. Ông nói rằng cho đến hiện tại vẫn chưa phát hiện mầm bệnh chung giữa người và cá.
Trang Jiemian.com thì trích dẫn một bài luận văn nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu (UCL) của trường đại học London: “Protein gai SARS-CoV-2 về cơ bản sẽ tạo thành các phức hợp ổn định với các chỉnh hình protein thụ thể của vật chủ từ động vật có vú, không phải là từ cá, chim hay bò sát”.
Bài viết này đã phân tích tác dụng của sự tương đồng sinh học giữa các chuỗi protein của 215 loài động vật có xương sống với virus viêm phổi Vũ Hán, cuối cùng kết luận rằng virus viêm phổi Vũ Hán rất khó lây nhiễm cho các loài bò sát, chim và cá.
Đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông báo nói rõ nguồn gốc virus trên sản phẩm hải sản như cá hồi. Phó Giám đốc Trung tâm trao đổi thông tin Thực phẩm và Dinh dưỡng Kexin, Chung Khải, khuyên công chúng tạm thời không nên ăn cá hồi sống. Phòng Thương mại Thực phẩm và Đồ uống Nam Kinh hôm 13/6 cũng đưa ra bản kiến nghị liên quan đến phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, kiến nghị tất cả các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống ở Nam Kinh chế biến thực phẩm chín kỹ, tạm thời ngưng cung ứng gia súc, gia cầm, hải sản và thủy sản tươi sống các loại.
Theo Liu Yi, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/o-dich-bac-kinh-ca-hoi-bi-nghi-mang-virus-du-luan-noi-day-la-do-oan-va-bat-nat.html

Dị tượng trước động đất ở Trung Quốc:

Cá nhảy thành đàn, đám mây hình thù kỳ lạ

Quỳnh Chi
Gần đây, ở Trung Quốc, thiên tai dịch họa xảy ra thường xuyên, nhiều hiện tượng kỳ lạ cũng xuất hiện. Gần đây nhất, trên mạng có một video về hiện tượng mây động đất thu hút sự chú ý của mọi người. Tại tỉnh Vân Nam và một số nơi khác còn có hiện tượng cá nhảy hàng loạt khỏi mặt nước. Rất nhiều người cho rằng, đây là những dấu hiệu dự báo sắp xảy ra động đất, theo NTDTV.
Trong thời gian vừa qua, tại 24 tỉnh thành phía nam Trung Quốc tình trạng ngập lụt xảy ra liên miên, phía Bắc thì nạn châu chấu hoành hành, Bắc Kinh thì càng nguy hiểm hơn khi bùng phát ổ dịch Covid-19 lần 2. Người dân Trung Quốc hiện đang rất lo lắng. Có nhiều lời dự đoán, năm Canh Tý là năm sẽ có nhiều thiên tai dịch họa, sẽ có rất nhiều người gặp nạn. Thông thường, trước khi xảy ra thiên tai sẽ có những hiện tượng kỳ lạ xuất hiện. Đã có rất nhiều những hiện tượng khác thường xảy ra ở các nơi tại Trung Quốc trong thời gian gần đây thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 15-16 tháng 6, nhiều nơi ở Trung Quốc đại lục đã chứng kiến hiện tượng cá nhảy lên hàng đàn. Nhưng con cá không ngừng nhảy lên khỏi mặt nước. Từ hình ảnh video cho thấy, hiện tượng này xảy ra ở hồ Tra Can tỉnh Cát Lâm, khu Linh hồ Thái châu tỉnh Chiết Giang, Nhĩ Hải và Tây Nhĩ Hà tỉnh Vân Nam.
Cư dân mạng đều rất lo lắng vì những hiện tượng cá nhảy này xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều người băn khoăn tự hỏi, không lẽ đây là dấu hiệu sắp có động đất.
Cá ở hồ Tra Can tỉnh Cát Lâm cũng nhảy lên không ngớt, không lẽ chúng đang báo trước một điều gì đó sắp xảy ra? Chiều nay, ở hồ Nhĩ Hải, Tây Nhĩ Hà ở Đại Lý cũng xuất hiện hiện tượng cá nhảy kì lạ. Hình ảnh này do một người nuôi cá trong hồ bắt gặp. Hiện tượng này không thường xuất hiện, hiện tại chưa rõ nguyên nhân.
Ngày 13/6, một tài khoản đã đăng lên Twitter video về những đám mây kỳ lạ trên bầu trời Uy Hải tỉnh Sơn Đông. Những đám mây xếp thành các dải dọc thẳng tắp, trông giống các sóng địa chấn.
Một tài khoản trên mạng khác tiết lộ, “Hồi xảy ra động đất ở Vấn Xuyên, khi đó tôi đang học năm lớp 10. Sáng sớm ra ban công trường nhìn lên trời, thấy phía đông cũng xuất hiện mây kiểu này, nhưng màu hơi đỏ vàng hơn.” Một video khác cho thấy, ngày 15/6, tại Bồn Cẩm Liêu Ninh cũng xuất hiện đám mây lạ. Cư dân mạng không ngừng phán đoán, học cho rằng không lâu nữa thôi khả năng lại có động đất.
Bồn Cẩm Liêu Ninh có mây lạ.
Năm 2020 là năm Canh Tý, năm này được dự đoán là năm có nhiều thiên tai dịch họa. Trong sách Hoàng đế địa mẫu kinh của Trung Quốc đã nói rõ về mùa màng và khí hậu của năm này.
Mùa màng thất bát, người dân bị nhiều bệnh dịch, chết chóc nhiều. Mùa xuân và mùa hạ xảy ra nhiều thiên tai lũ lụt như mưa lũ, sạt lở đất… Mùa thu và mùa đông dễ bị đói kém và hạn hán. Bệnh tật ở đây làm chúng ta liên tưởng tới đại dịch covid đang hoành hành, mùa màng bị ảnh hưởng, người dân các nơi đều bị ảnh hưởng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/di-tuong-truoc-dong-dat-o-trung-quoc-ca-nhay-thanh-dan-dam-may-hinh-thu-ky-la.html

Lũ quét kinh hoàng ở Tứ Xuyên,

có nơi bị san thành bình địa

Vũ Dương
Trong hai ngày qua, cả hai huyện Đan Ba và huyện Kim Xuyên thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên đều xảy ra lũ quét, nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy, có nơi gần như đã bị san thành bình địa, gây thiệt hại to lớn về người và của.
Theo báo cáo từ phương tiện truyền thông Trung Quốc, ngày 17/6, huyện Đan Ba thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, tuyên bố rằng vào lúc 3h20 sáng, một trận lũ quét phát sinh ở thị trấn Bán Phiến Môn, huyện Đan Ba, khiến con sông Tiểu Kim Xuyên bị chặn đứng, tạo nên hồ rào chắn, khiến đoạn đường G350 Lan Shuiwan trên quốc lộ bị gián đoạn, làng A Niang trên đường Lan Shuiwan xuất hiện sạt lở núi.
Cho đến 6 giờ sáng cùng ngày, hồ rào chắn đã ảnh hưởng đến 6 thị trấn nhỏ, 17 ngôi làng, 4 trường học, 3 trung tâm y tế và 2 ngôi chùa ở hạ du, hơn 5.800 người phải sơ tán. Theo thống kê sơ bộ, 15 người đã bị mắc kẹt, 8 người đã được giải cứu, 6 người vẫn bị mắc kẹt và 1 người đã mất tích.
Sau đó, hồ rào chắn khiến bờ kè của con đập bị vỡ, nước sông đổ dồn xuống hạ du. Đường sông gần làng A Niang ở hạ lưu đột ngột thay đổi, lũ quét đã phá hủy toàn bộ nhà cửa và đường xá trong làng. Đêm đó, hơn 20.000 người buộc phải di tản, 2 người mất tích.
Theo video được đăng tải trên mạng cho thấy, có những ngôi nhà giống như hòn đảo giữa sông, hai bên đều là nước lũ, những ngôi nhà khác bị nước lũ phá hủy hoàn toàn chỉ trong nháy mắt.
Ngày 17/6, Ban chỉ hủy phòng chống hạn hán lũ lụt tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc công bố rằng, lúc 23h25 ngày 16/6, thôn Kim Giang, xã Lạc Nhĩ, huyện Kim Xuyên xảy ra lũ quét khiến 451 người phải sơ tán, 3 người bị thương nhẹ và 2 người mất tích.
Theo Xiao Lusheng, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/lu-quet-kinh-hoang-o-tu-xuyen-co-noi-bi-san-thanh-binh-dia.html

Vừa xung đột, vừa cho vay: Trung Quốc

đang gửi con ngựa Thành Troia tới Ấn Độ?

Quỳnh Chi
Một cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ vào hôm 15/6. Phía Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong.
Hai ngày sau, ngày 17/6, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) thuộc kiểm soát của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), đã cấp cho Ấn Độ một khoản vay phòng chống dịch bệnh COVID-19 trị giá 750 triệu USD. Sau cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào hồi tháng trước, Ngân hàng này cũng từng cho Ấn Độ vay tiền.
Ngân hàng AIIB được thành lập tháng 6 năm 2015, với hơn 50 quốc gia tham dự. The Huffington Post đưa tin, giới quan sát nghi ngờ AIIB rất có thể là một con ngựa Thành Troia của Trung Quốc, mục đích là để kiềm chế các nước trong khu vực Châu Á có tranh chấp lãnh thổ với nước này và chống lại thế giới tự do.
Xinhuanet năm 2016 đưa tin, vốn đăng ký của Trung Quốc tại Ngân hàng AIIB là 29,7804 tỷ USD, chiếm 30,34% tổng số vốn cổ phần, giúp Bắc Kinh trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào ngân hàng này.
Giới quan sát nhận định việc AIIB phê duyệt các khoản vay cho Ấn Độ lần này là một động thái đáng chú ý, liệu đây có phải là một hình thức “bồi thường”, hay một con ngựa Thành Troia nhằm phục vụ âm mưu sâu xa hơn của Trung Quốc? Đài truyền hình NTD đề cập đến nghi vấn rằng liệu đây có phải là một “hình thức bồi thường biến tướng”?
Chỉ hai ngày trước đó, một cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra tại biên giới Trung-Ấn, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai nước đang diễn ra căng thẳng.
Ngày 16/6, các quan chức Ấn Độ cho biết, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với các lực lượng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya. Ngoài 3 binh sĩ tử vong đã được công bố trước đó, 17 người còn lại thiệt mạng là do “ở trong môi trường dưới 0 độ C thời gian dài sau khi trọng thương”. Trung-Ấn cũng cho biết hai bên đã bắt đầu đàm phán để giải quyết xung đột.
Theo NTD, chính phủ và công chúng Ấn Độ vô cùng phẫn nộ, người dân đốt cờ Trung Quốc, các chính trị gia tuyên bố “trả thù”, ông Modi cũng tuyên bố rằng ông sẽ “không thỏa hiệp” về vấn đề chủ quyền” và “các binh sĩ sẽ không hy sinh vô ích.”
Truyền thông Ấn Độ trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, phía Trung Quốc có 43 binh sĩ bị thương và thiệt mạng trong cuộc xung đột. Nhưng phía quan chức Trung Quốc từ chối tiết lộ con số thương vong cụ thể. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” tuyên bố, điều này là để tránh kích động “cảm xúc của công chúng”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/vua-xung-dot-vua-cho-vay-trung-quoc-dang-gui-con-ngua-thanh-troia-toi-an-do.html

Đụng độ ở biên giới Ấn – Trung:

Hành động của Bắc Kinh có thể gây hậu quả ngược

Theo chuyên gia, với cách thức mà Trung Quốc khiêu khích dẫn đến căng thẳng có thể khiến hậu quả ngược lại kỳ vọng của Bắc Kinh.
Ngày 16.6, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định biên giới Ấn Độ – Trung Quốc gần đây trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh điều động 5.000 binh sĩ xâm nhập phía New Delhi quản lý ở khu vực đường kiểm soát biên giới hai nước. Và sau một số lần đụng độ chỉ gây thương tích, thì nay xung đột đã khiến quân nhân hai bên thiệt mạng.
TS Nagao đánh giá: Gần đây, Trung Quốc khiêu khích với nhiều quốc gia và điều này ẩn chứa rủi ro rất lớn mà những gì xảy ra tại biên giới Ấn Độ – Trung Quốc chứng minh cho rủi ro đó. Đụng độ chưa nổ súng tưởng chừng “hạ nhiệt”, nhưng rồi đã đánh đổi bằng mạng sống của quân nhân hai bên khi một số binh sĩ Ấn Độ lẫn Trung Quốc được cho là đã thiệt mạng. Từ đó, có thể dự báo chuyện xảy ra như thế nào xoay quanh 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, đây là sự cố sau khi binh sĩ Trung Quốc xâm nhập vào phía Ấn Độ quản lý ở khu vực đường kiểm soát biên giới hai nước. Vì thế, nếu lực lượng Trung Quốc thoái lui khỏi khu vực này thì tình hình có thể tạm ổn.
Thứ hai, Ấn Độ vốn đã phải thích nghi với những vụ đụng độ tương tự tại biên giới với Pakistan, nên về kinh nghiệm thực tế thì rõ ràng New Delhi đang chiếm ưu thế. Nên cũng chính vì thế mà New Delhi sẽ không để cảm xúc lấn át khiến cho căng thẳng ở biên giới Ấn – Trung leo thang.
Thứ ba, trong trường hợp xung đột đang diễn ra ở biên giới Ấn – Trung thì khu vực này rất thưa thớt dân cư, nên khó tạo ra những hậu quả ngoài ý muốn liên quan dân thường. Nhờ đó, cả hai phía sẽ có nhiều điều kiện để giải nhiệt căng thẳng và hạn chế những hậu quả liên quan thường dân. Vì thế, nếu hai bên đồng thuận không để tình hình căng thẳng thì vẫn có nhiều cơ hội để giải nhiệt.
Từ những thực tế trên, nếu Bắc Kinh chịu “xuống thang” xung đột thì vấn đề có thể dễ dàng hạ nhiệt hơn. Thực tế, đây là “chiêu trò” mà Trung Quốc sử dụng để khiến Ấn Độ phải hạn chế việc tham gia nhóm “Bộ tứ an ninh” Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo TS Nagao, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ tiên phong, với nền tảng là bộ tứ an ninh Mỹ – Nhật – Úc – Ấn, đang tiến hành nhiều biện pháp kiềm chế Trung Quốc. Trong nhóm bộ tứ an ninh này, chỉ Ấn Độ có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, nên New Delhi nhiều khả năng trở thành mục tiêu để Bắc Kinh đáp trả.
Tuy nhiên, với cách thức mà Trung Quốc khiêu khích dẫn đến căng thẳng có thể khiến hậu quả ngược lại kỳ vọng của Bắc Kinh. Đó là diễn biến lần này khiến cho Ấn Độ càng có thêm động lực để thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực, mà điển hình là một số quốc gia ở Đông Nam Á, hay rộng hơn là Úc, Mỹ và Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước những diễn biến khó lường từ Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35318-dung-do-o-bien-gioi-an-trung-hanh-dong-cua-bac-kinh-co-the-gay-hau-qua-nguoc.html

Thung lũng Galwan:

Ấn Độ bác bỏ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc

Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố về đất của Trung Quốc tại thung lũng sông Galwan, nơi xảy ra cuộc ẩu đả chết người đầu tiên giữa hai nước trong ít nhất 45 năm.
Đụng độ đường biên Trung-Ấn, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết
Một cuộc ẩu đả vào tối thứ Hai đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với thung lũng là “cường điệu và không có cơ sở”.
Trong khi đó, hình ảnh vũ khí bị cho là được sử dụng để tấn công binh lính Ấn Độ đã gây phẫn nộ ở Ấn Độ.
Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đưa hình ảnh này lên Twitter, đã mô tả việc sử dụng các vũ khí như vậy là “man rợ”.
Việc không có đụng độ bằng súng bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1996 giữa hai bên rằng súng và chất nổ bị cấm tại đường biên giới tranh chấp, để ngăn leo thang xung đột.
Cả hai bên đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.
Trung Quốc không công bố con số thương vong.
Tin đưa chưa được xác nhận trên phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Một số binh sĩ Ấn Độ được cho là vẫn còn đang mất tích.
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã trích dẫn một tuyên bố quân đội nói rằng Trung Quốc “sở hữu chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết các ngoại trưởng của cả hai nước đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về những diễn biến và “đồng ý rằng tình hình chung nên được xử lý một cách có trách nhiệm”.
“Đưa ra những tuyên bố cường điệu và không có cơ sở là trái với cách hiểu này”, ông Srivastava được trích dẫn bởi hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Một tuyên bố của chính phủ Ấn Độ sau cuộc trò chuyện của Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cố dựng một cấu trúc ở phần đất của Ấn Độ tại biên giới thực tế, Đường Kiểm soát thực tế, tại Thung lũng Galwan có tầm quan trọng chiến lược.
Tuyên bố này mô tả đây là “hành động được lên kế hoạch trước và trực tiếp gây bạo lực và thương vong” và kêu gọi Trung Quốc “thực hiện các bước khắc phục tình hình”.
Trong khi đó, một tuyên bố của Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với Ấn Độ và yêu cầu phía Ấn Độ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng … và ngăn chặn mọi hành động khiêu khích để đảm bảo những điều tương tự không tái diễn”.
Thung lũng sông Galwan ở Ladakh, với khí hậu khắc nghiệt và địa hình vùng cao, nằm dọc theo khu vực phía tây của Đường Kiểm soát Thực tế và gần Aksai Chin, khu vực tranh chấp do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.
Tin cho hay bính lính đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.267 mét dọc theo địa hình dốc với một số binh sĩ thậm chí rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết, dài 80km trong điều kiện nhiệt độ âm.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đụng độ mà không có vũ khí thông thường ở biên giới.
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng chéo dọc theo hơn 3,440 km tại Đường Kiểm soát Thực tế.
Vụ nổ súng cuối cùng ở biên giới xảy ra vào năm 1975 khi bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại một đèo ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc.
Cuộc đụng độ được các nhà ngoại giao trước đây mô tả như một cuộc phục kích và cũng có người nói đó là một tai nạn.
Nhưng kể từ đó hai phía không bắn một viên đạn nào.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53095235

Sau cuộc đụng độ khiến 20 lính Ấn Độ hy sinh,

dân Ấn kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc

Băng Thanh
Sau vụ ẩu đả giữa binh lính hai nước Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền vào tối ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, tại Ấn Độ, đã có sự gia tăng đáng kể lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc.
Theo tờ Breitbart, liên minh các thương nhân Ấn Độ (CAIT) vào hôm 17/6 đã lên án sự “hiếu chiến của binh lính Trung Quốc”, đồng thời công bố danh sách của hơn 500 loại hàng hóa mà Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm kêu gọi người dân Ấn tẩy chay.
CAIT cho biết bản danh sách này chỉ là “giai đoạn đầu tiên” trong kế hoạch kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ, và ước tính các loại hàng hóa trong bản danh sách này có giá trị khoảng 13 tỷ USD. Danh sách này bao gồm mỹ phẩm, quần áo, đồ chơi, đồ nội thất, đồ điện tử, trang sức, phụ tùng ô tô và các mặt hàng khác.
“Sản xuất các mặt hàng này không đòi hỏi bất kỳ công nghệ tinh vi nào, và ngay cả khi cần phải có công nghệ tinh vi, Ấn Độ được trang bị công nghệ tốt và do đó hàng hóa sản xuất ở Ấn Độ có thể được sử dụng rất dễ dàng thay cho hàng hóa Trung Quốc, điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ đối với hàng hóa Trung Quốc”, CAIT cho biết.
Ngoài ra, Tổ chức Tình nguyện Quốc gia Ấn Độ (RSS) cũng kêu gọi tẩy chay sự đầu tư đến từ Trung Quốc và các giao dịch đối với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính phủ Ấn Độ hủy bỏ hợp đồng với các công ty Trung Quốc.
Theo kênh India TV, các hashtag với nội dung tẩy chay hàng Trung Quốc đã trở nên vô cùng phổ biến trên phương tiện truyền thông xã hội Ấn Độ.
Trước đó, vào ngày 15/6, tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước Trung – Ấn đều tuyên bố chủ quyền, đã diễn ra một cuộc ẩu đả kéo dài hàng giờ đồng hồ với đá, gậy giữa binh lính hai nước, khiến cho 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Mặc dù không có tuyên bố chính thức nào đến từ Trung Quốc về con số thương vong, nhưng theo ước tính của Ấn Độ, Trung Quốc có khoảng 43 binh sĩ chết và bị thương.
“Thông tin liên lạc do Ấn Độ chặn thu được cho thấy phía Trung Quốc chịu 43 thương vong, trong đó nhiều binh sĩ chết và bị thương nặng, sau vụ ẩu đả tại thung lũng Galwan”, hãng thông tấn Ấn Độ ANI ngày 16/6 dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay.
Trong một tuyên bố hôm 17/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Tôi muốn đảm bảo với người dân rằng, sự hy sinh của những người lính của chúng ta sẽ không vô ích. Đối với chúng ta, sự đoàn kết và chủ quyền của Ấn Độ là quan trọng nhất và không ai có thể ngăn chúng ta bảo vệ nó. Không ai có thể nghi ngờ về điểm này. Ấn Độ muốn hòa bình nhưng có khả năng đáp trả tương xứng nếu bị khiêu khích”.
Tờ The Times of India, tờ báo của Ấn Độ cho biết, vụ việc là cuộc xung đột nguy hiểm nhất giữa hai nước kể từ năm 1967. Trong cuộc đụng độ năm đó ở Nathu La, đèo trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), quân đội Ấn Độ đã giết chết hơn 300 binh sĩ quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), mất 88 lính Ấn Độ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/sau-cuoc-dung-do-khien-20-linh-an-do-hy-sinh-dan-an-keu-goi-tay-chay-hang-trung-quoc.html

Ấn Độ, Trung Quốc

đổ lỗi nhau về cuộc đụng độ biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đều nói họ mong muốn hòa bình nhưng lại đổ lỗi cho nhau hôm 17/6 sau khi binh sĩ hai bên đụng độ trong một cuộc ẩu đả dã man với gậy sắt gắn đinh và đá tại khu vực biên giới Himalaya, khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
“Chúng tôi không bao giờ khiêu khích bất cứ ai”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói trên đài truyền hình quốc gia khi đề cập đến vụ đụng độ thứ hai giữa hai nước. “Không thể chối cãi Ấn Độ mong muốn hòa bình, nhưng nếu bị khiêu khích, Ấn Độ sẽ phải có phản ứng thích hợp”, Thủ tướng Modi nói thêm.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói rằng vụ đụng độ xảy ra sau khi lính Ấn Độ “vượt qua ranh giới, hành động phi pháp, khiêu khích và tấn công Trung Quốc, dẫn đến cả hai bên tham gia vào cuộc ẩu đả, bị thương tích nghiêm trọng và tử vong”.
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói ông không biết có bất kỳ thương vong nào về phía Trung Quốc, mặc dù truyền thông Ấn Độ dẫn lời các quan chức cho biết có ít nhất 45 người chết hoặc bị thương ở phía Trung Quốc.
Ông Triệu nói tình hình chung ở biên giới “ổn định” và “trong tầm kiểm soát”.
Theo một thỏa thuận trước đây, hai bên không được phép bắn súng ở khu vực biên giới, nhưng gầy đây đã xảy những vụ ẩu đả giữa biên phòng hai bên.
Theo các nguồn tin của chính phủ Ấn Độ, cuộc ẩu đả vào tối thứ Hai nổ ra giữa lúc đang diễn ra cuộc họp thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng, và đại tá chỉ huy của phía Ấn Độ là một trong những người đầu tiên bị tấn công và giết chết.
Không giống như ở Ấn Độ, vụ việc không được tường thuật chi tiết tại Trung Quốc, mà truyền thông chính thức chỉ đưa ra một tuyên bố từ người phát ngôn của Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%95-l%E1%BB%97i-nhau-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%99-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi/5468063.html

Đụng độ biên giới khiến Ấn Độ càng ngả theo

các đối thủ của Trung Quốc

Thanh Phương
Sau vụ đụng độ khiến hàng chục binh lính thiệt mạng ở khu vực biên giới Ấn-Trung trên dãy Himalaya, Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua, 17/06/2020, đã dùng lá bài ngoại giao để cố làm dịu căng thẳng tại khu vực này. Nhưng vụ đụng độ đẩm máu nhất giữa hai nước láng giềng khổng lồ kể từ 45 năm qua sẽ càng đẩy Ấn Độ xích gần lại các đối thủ của Trung Quốc, như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã thỏa thuận với nhau là sẽ « làm dịu căng thẳng và duy trì hòa bình tại các vùng biên giới », theo thông cáo của phía Bắc Kinh. Về phần mình, chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận là lãnh đạo ngoại giao hai nước đã đồng ý « sẽ không có hành động nào có thể khiến tình hình leo thang » ở vùng Ladakh, nơi xảy ra vụ đụng độ vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba vừa qua.
Thế nhưng, căng thẳng biên giới Ấn - Trung không thể một sớm một chiều mà dịu đi được. Trong thông cáo nói trên, New Delhi vẫn lên án một « hành động đã được hoạch định trước » của phía Trung Quốc. Dưới áp lực của công luận Ấn Độ, phẫn nộ vì thấy binh lính nước mình bị giết như thế, thủ tướng Narendra Modi, một lãnh đạo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hôm qua tuyên bố : « Sự hy sinh của các binh sĩ của chúng ta không phải là vô ích. Ấn Độ mong muốn hòa bình, nhưng hoàn toàn có khả năng đáp trả thích đáng khi bị gây hấn ». Đồng thời New Delhi hôm qua đã gởi hàng trăm quân tăng viện đến khu vực xảy ra đụng độ với Trung Quốc.
Phía Bắc Kinh cũng tỏ ra kiên quyết không kém, yêu cầu Ấn Độ « tiến hành một cuộc điều tra toàn diện » và trừng trị những kẻ phạm tội, đồng thời cảnh cáo New Delhi là « không nên xem thường quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ».
Cho tới nay, theo truyền thống, Ấn Độ vẫn không muốn có quan hệ quá mật thiết với Hoa Kỳ và vẫn cố duy trì sự cân đối trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ – Trung. Nhưng theo nhận định của đài CNN hôm nay, vụ đụng độ biên giới sẽ thúc đẩy thêm chiến lược « xoay trục » của Ấn Độ, đưa New Delhi rời xa Bắc Kinh hơn, để ngã về phía các đối thủ của Trung Quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như về phía một cường quốc khu vực là Úc.
Trong bài xã luận hôm qua, Hindustan Times, nhật báo rất có ảnh hưởng ở Ấn Độ, đã viết : « Bắc Kinh muốn kềm chế sức mạnh và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc ở châu Á và ngoài khu vực này ». Cho nên tờ báo này kêu gọi New Delhi tăng cường quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, đồng thời tham gia vào bất cứ nhóm nào đang tìm cách ngăn chận thế lực của Trung Quốc.
Hindustan Times còn kêu gọi biến Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) thành một cơ chế mang tính thường trực hơn. QUAD là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong khuôn khổ cơ chế này, bốn quốc gia thường xuyên họp thượng đỉnh, trao đổi thông tin và tổ chức thao dượt quân sự. Tuy chưa phải là một liên minh quân sự chính thức giống như NATO, nhưng QUAD được một số người xem là một đối trọng tiềm tàng với ảnh hưởng ngày càng lớn và sự lấn lướt của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng theo CNN, khối các quốc gia chống Trung Quốc có thể sẽ không chỉ bó hẹp trong QUAD. Trong một cuộc điện đàm vào đầu tháng này giữa tổng thống Donald Trump và thủ tướng Narendra Modi, nguyên thủ quốc gia Mỹ đã mời Ấn Độ tham dự thượng đỉnh nhóm G7 kỳ tới. Trước đây, tổng thống Trump đã từng công khai tỏ ý muốn mở rộng nhóm G7 ( hiện bao gồm chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ ) ra các nước đồng minh thân thiết của Mỹ là Úc và Hàn Quốc.
Theo nhà phân tích Amita Jash, được CNN trích dẫn, việc New Delhi tham gia nhiều hơn vào QUAD và các liên minh quân sự khác với Hoa Kỳ cũng sẽ có lợi cho Washington, bởi vì vị thế vững chắc của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tạo thành một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200618-%C4%91%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%99-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-khi%E1%BA%BFn-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-c%C3%A0ng-ng%E1%BA%A3-theo-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%91i-th%E1%BB%A7-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Tăng cường hợp tác Ấn Độ – Australia là nhân tố

quan trọng cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Ngày 04/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến do Thủ tướng Australia Scott Morrison không thể thực hiện chuyến thăm Ấn Độ trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với những hành động hung hăng trên Biển Đông và lan rộng ra khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương đã trở thành một mối quan ngại cho cả Ấn Độ và Australia. Trong khi Ấn Độ lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở Ấn Độ Dương thì Australia lo ngại Trung Quốc thông qua “vành đai con đường” tăng cường hiện diện quân sự, mở rộng ảnh hưởng ở các quốc đảo nhỏ Tây Thái Bình Dương – khu vực sân sau của Australia lâu nay. Cả Ấn Độ và Australia đều không muốn thấy sự xuất hiện của một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự gắn kết giữa Ấn Độ và Australia.
Ấn Độ và Australia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kể từ năm 2009, và mối quan hệ chiến lược song phương này luôn phát triển ổn định cho đến nay. Hai nước đã có sự trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao kể từ năm 2014. Một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược là việc thông qua dự luật chuyển giao hạt nhân dân sự sang Ấn Độ của Lưỡng viện Australia vào tháng 11/2016.
Virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan ra toàn cầu đẩy cả thế giới vào thảm họa và cả Ấn Độ lẫn Australia đều trở thành nạn nhân của đại dịch; tiếp theo là việc Trung Quốc lợi dụng trong lúc các nước đang bận đối phó với dịch bệnh để hung hăng, dồn dập tiến hành các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ và Australia càng thấy cần phải gia tăng hợp tác để ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc.
Sự gia tăng hợp tác giữa Ấn Độ và Australia là nhân tố hết sức quan trọng cho việc duy trì hòa bình ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông bởi lẽ:
Một là, cả Ấn Độ và Australia đều có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông và tuyến đường hàng hải quan trọng qua Biển Đông, nơi ¼ lượng trao đổi hàng hóa toàn thế giới đi qua. Trong thời gian qua, cả Australia và Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng ở Biển Đông, nhiều lần tàu chiến của Australia và Ấn Độ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông. Australia và Ấn Độ đã cùng với Mỹ, Nhật hoặc một số nước ven Biển Đông tiến hành diễn tập song phương hoặc đa phương ở Biển Đông. Đây là những yếu tố thuận lợi để hai nước tiếp tục phát huy vai trò ở Biển Đông khi tăng cường hợp tác với nhau. Gần đây nhất, Australia đã cử tàu chiến đến cùng 3 tàu chiến Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông gần khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc đang gây hấn, uy hiếp hoạt động dầu khí của Malaysia.
Hai là, cả Ấn Độ và Australia có quan hệ hợp tác chăt chẽ với các nước ven Biển Đông nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, đều là đối tác quan trọng của ASEAN. Cả hai nước đều tích cực tham gia các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +); Diễn đàn an ninh khu vực ARF; Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Tại các diễn đàn này, khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, cả Ấn Độ và Australia đều có chung một quan điểm phê phán những hành vi hung hăng, hiếu chiến, bắt nạt các nước láng giềng. Khi Australia và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh sẽ đóng góp được nhiều hơn cho các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có an ninh ở Biển Đông.
Ba là, cả Ấn Độ và Australia đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ủng hộ hòa bình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối cường quyền; ủng hộ các quốc gia ven biển thực thi những quyền lợi trong các vùng biển hợp pháp được xác định theo UNCLOS 1982; ủng hộ việc duy trì cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông; lên án, phản đối những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế. Hai nước đều ủng hộ, kêu gọi các bên tuân thủ và thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; ủng hộ việc sử dụng các biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là một án lệ quan trọng.
Bốn là, Ấn Độ và Australia là 2 trong số “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở do Mỹ phát động. Ấn Độ và Australia không chỉ chia sẻ những giá trị chung trong quan hệ song phương mà còn có những lợi ích chiến lược tương đồng từ các sáng kiến kết nối khu vực. Hai quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình, trật tự và ổn định, bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; nhấn mạnh các mục tiêu chung về hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trong
khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ và Australia đã thiết lập các cơ chế đối thoại như cuộc đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (đối thoại “2+2”), các cuộc gặp ba bên với Nhật Bản và Mỹ, và cả Nhóm “Bộ tứ kim cương”. Sự hợp tác giữa New Delhi và Canberra, hai mắt xích quan trọng của các sáng kiến kết nối khu vực, sẽ góp phần thiết thực cho sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trong đó Biển Đông luôn có một vị trí quan trọng.
Năm là, Ấn Độ và Australia đều nhận thức sâu sắc rằng họ sẽ không được hưởng lợi từ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nếu Trung Quốc “thống trị”; có mối lo ngại chung về sự phát triển của Trung Quốc và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đại Hán với mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình sẽ là mối hiểm họa cho nhân loại, đe dọa hòa bình, ổn định của thế giới; phản đối mưu toan thôn tính độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ấn Độ – Australia cũng có nhiều lợi ích từ việc chia sẻ các đánh giá chiến lược và thông tin tình báo về hành vi của Bắc Kinh. Do vậy, phát triển khả năng tương tác giữa Ấn Độ và Australia, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chiến tranh chống tàu ngầm và hợp tác để cạnh tranh tốt hơn với các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ “Vành đai, con đường” hay “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc là điều cần thiết để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, hiếu chiến trên biển.
Trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu đi trong con mắt cộng đồng quốc tế vì những hành vi đê tiện của họ giữa lúc đại dịch (hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông, cấm vận hàng hóa nông sản Australia, khuyên khách du lịch và học sinh Trung Quốc không đến Australia, đưa vũ khí, quân đội lên biên giới Trung – Ấn uy hiếp), Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Australia trở thành điểm sáng với những thỏa thuận mang nghĩa lịch sử đối với khu vực và Biển Đông, cụ thể là:
Sau Hội nghị trực tuyến, hai bên đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần chung Ấn Độ – Australia và Thỏa thuận triển khai công nghệ và khoa học quốc phòng. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc phòng bằng việc mở rộng quy mô và nâng cao độ phức tạp của các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động hợp tác khác để phát triển những cách thức mới đối phó các thách thức an ninh chung. Cả hai bên nhất trí tăng cường khả năng phối hợp tác chiến quân sự thông qua các cuộc tập trận phòng thủ trong khuôn khổ thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần tương hỗ.
Tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh, cả hai nước “cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, toàn diện và tôn trọng luật pháp, để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như các hoạt động sử dụng vùng biển một cách hòa bình và hợp tác”. Theo các thỏa thuận trên, hai nước cam kết củng cố hơn nữa hội nhập quân sự thông qua các cuộc diễn tập chung và cấp phép trong việc thăm viếng các căn cứ để phục vụ hỗ trợ hậu cần. Các thỏa thuận được ký kết và Tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến được coi là “bước đầu tiên trong lộ trình củng cố quan hệ quốc phòng” cũng như cam kết nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, những động thái mới tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Australia, nhất là hợp tác quân sự trên biển trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước giúp cả Ấn Độ và Australia phát huy vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Narendra Modi tiến hành một cuộc họp song phương trực tuyến với lãnh đạo các nước với những kết quả cụ thể tích cực. Điều này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Ấn Độ trong việc củng cố quan hệ với Australia và trong việc triển khai chính sách hướng Đông của Ấn Độ với phạm vi mở rộng đến Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thủ tướng Scott Morrison đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông và trong khu vực.
Với vị thế của hai nước lớn trong khu vực, sự tăng cường, củng cố quan hệ giữa Ấn Độ – Australia không chỉ quan trọng với hai quốc gia mà còn có ý nghĩa với cả khu vực và trở thành nhân tố hết sức quan trọng cho việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải trên Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/35321-tang-cuong-hop-tac-an-do-australia-la-nhan-to-quan-trong-cho-hoa-binh-on-dinh-tren-bien-dong.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.