Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 26/11/2020

Thursday, November 26, 2020 6:11:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 26/11/2020

Quan hệ Âu – Mỹ thời Joe Biden sẽ khác và thú vị hơn? – Thùy Dương

Le Monde tập trung chủ yếu vào thời sự trong nước, đặc biệt là về các biện pháp nới lỏng phong tỏa mà tổng thống Macron đã thông báo trong bài phát biểu trên truyền hình tối 24/11/2020, những thách thức mà nhà nước Pháp phải đối mặt trong thời gian tới, cũng như dự luật « an ninh toàn diện » hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Pháp.

Tuy nhiên, Le Monde lại dành mục thời luận cho chính sách ngoại giao trong tương lai của nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden với châu Âu. Đối với cây bút chuyên luận Sylvie Kauffmann, Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân châu Âu nhất, nhưng có lẽ Biden sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.

Chuyến công du châu Âu lần gần đây nhất của Joe Biden là vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Phát biểu sau Mike Pence, Joe Biden đã cố trấn an các quan chức châu Âu. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Obama hứa « Rồi điều đó cũng sẽ trôi qua thôi. Chúng tôi sẽ trở lại ! » Châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.

Sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu chìm vào một cơn ác mộng chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế : Mỹ đã rời xa châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Nhưng Joe Biden đã giữ lời hứa : Ông ấy đang trở lại. Khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021, Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố hôm 23/11, là « đội hình trong mơ ». Chẳng hạn, Tony Blinken, người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, lớn lên ở Paris và quen thuộc với châu Âu.

Thế nhưng liệu điều đó sẽ mang lại phép màu cho châu Âu hay chỉ là ảo ảnh ? Cây bút thời luận của Le Monde nhấn mạnh cần khẩn trương giúp những người châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu, thoát ra khỏi những suy nghĩ ngây ngô đó. Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong ba tuần qua giữa các chuyên gia châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ đôi bên đã tiết lộ hai điều : tương lai này sẽ khác và sẽ có nhiều điều thú vị hơn.

Khác bởi vì thế giới đã thay đổi, không chỉ từ khi Trump lên nắm quyền : xu hướng bài toàn cầu hóa, sự vươn lên khẳng định của Trung Quốc, sức mạnh của công nghệ, sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị. Ngoài ra, cũng phải nói đến hậu quả của đại dịch Covid-19.

Một số nhân vật trong chiến dịch tranh cử của phe Dân Chủ và chắc chắn nằm trong chính quyền Biden, không giấu giếm là ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là kiểm soát được đại dịch và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Họ ý thức được là việc dân Mỹ bị chia rẽ nặng nề sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, họ cũng ý thức được hình ảnh nền dân chủ Mỹ đã xấu đi. Cố vấn an ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan chủ trương chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

Một nhân vật khác dự đoán chính quyền Biden sẽ dành 80% sức lực cho chính trị trong nước và 20% cho quan hệ đối ngoại. Trong số 20% đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần chính. Vậy thì còn lại bao nhiêu cho các đồng minh châu Âu của Mỹ ?

Tổng thống Biden sẽ biết cách chữa lành vết thương mà Trump để lại. Ông Biden cũng sẽ đưa Washington trở lại cuộc chơi đa phương vốn rất quan trọng, trong bối cảnh thế giới đang đối đầu với những thách thức lớn về khí hậu và sức khỏe, y tế. Biden cũng sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đấu tranh cho các giá trị dân chủ chung, vốn đã chịu nhiều tổn hại. Nhưng phần còn lại là nhiệm vụ của châu Âu. Đó chính là điều thú vị.

Châu Âu muốn tự chủ hơn chăng ? Điều đó là tốt và đúng ý chính quyền Mỹ : Phải quan tâm nhiều đến châu Á, chính quyền Biden sẽ không còn nhiều thời gian và phương tiện cho các cuộc xung đột ở cửa ngõ châu Âu : từ Balkan đến Caucase, từ không gian hậu Xô Viết đến đông Địa Trung Hải, từ châu Phi đến Trung Đông … Châu Âu cũng phải đề phòng khả năng kỳ bầu cử tổng thống trong 4 năm tới sẽ lại làm Mỹ thay đổi chính sách.

Nhà báo Sylvie Kauffmann kết luận để bảo vệ lợi ích và đảm đương trách nhiệm, châu Âu cần có những đề xuất và đặc biệt là phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ. Cả Mỹ và châu Âu đều đang có « một cơ hội », « một cơ may độc nhất vô nhị » : Tái tạo mối quan hệ Âu-Mỹ trong một thế giới khác, kể cả bằng cách hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Chưa biết liệu Âu-Mỹ có giành được thắng lợi hay không, nhưng đó là điều nên thử !

Sức mạnh nền dân chủ Mỹ

Cũng quan tâm đến nước Mỹ, báo công giáo La Croix giới thiệu bài xã luận « Ánh sáng ở phía Tây ». Nước Mỹ đang sang trang mới. Các bang lần lượt chính thức xác nhận kết quả kiểm phiếu. Khả năng phe Donald Trump lật ngược thế cờ pháp lý dường như không còn, khó có điều gì có thể cản trở các đại cử tri bầu cho Joe Biden vào ngày 14/12, nhất là khi tổng thống mãn nhiệm đã bất ngờ cho phép khởi động tiến trình chuyển tiếp quyền lực, cho dù ông Trump không thừa nhận thất bại.

Đối với La Croix, nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ có năng lực thực sự để chống đỡ trước những cám dỗ quyền lực cá nhân. Trước mùa hè, quân đội Mỹ cũng đã có cơ hội để cho thấy họ biết cách giữ khoảng cách với Donald Trump. Lần này, chính các thẩm phán, dân biểu địa phương, thường là các dân biểu Cộng hòa, là những người đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Điều chính quyền Biden cần làm là thuyết phục được hàng chục triệu công dân hiện vẫn còn nghĩ rằng chiến thắng của Donald Trump đã bị Biden đánh cắp. Điều này đặt cho Joe Biden một nhiệm vụ khó khăn phía trước. Tuy nhiên, ông Biden cũng tiếp cận nhiệm vụ khó khăn đó với một tinh thần tích cực. Vị tổng thống tân cử tuyên bố « Tôi muốn đất nước này đoàn kết » và cam kết nối lại các cuộc thảo luận quốc tế, đặc biệt là về đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, La Croix cảnh báo điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ diễn ra trong tình hữu nghị.

Thái Lan : Quân đội chuẩn bị sẵn sàng trấn áp phong trào đấu tranh

Nhìn sang châu Á, La Croix quan tâm đến phong trào biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan. Ngày hôm qua, nhiều chục ngàn người đã tập trung ở khu phía bắc thủ đô Bangkok, trước trụ sở Ngân hàng thương mại Siam (BCS), một trong những nhà băng lớn nhất Thái Lan và quốc vương là một trong những cổ đông chính.

La Croix trích dẫn một nhà giảng dạy nghiên cứu về lịch sử tài chính của nền quân chủ Thái Lan từ thế kỷ XIX đến nay, theo đó Ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng đầu tiên của vương quốc Thái Lan, được thành lập từ năm 1907, là tâm điểm của mọi bi kịch của đất nước này. BCS nằm trong khối tài sản khổng lồ mà hoàng gia Thái tích lũy được từ nhiều thập kỷ qua và một phần có được nhờ các khoản thuế dân chúng đóng góp.

Nhưng lần này, theo ông Pavin Chachavalpongpun, một người Thái Lan tị nạn chính trị tại Nhật, giảng viên Trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á tại Kyoto, chính sự minh bạch của Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia (CPB) mới là đích nhắm công khai của người biểu tình. Trước đây, cơ quan này nằm dưới sự kiểm soát của bộ Tài Chính Thái Lan và có sự phân tách rõ ràng giữa tài sản của nhà vua và tài sản của Nhà nước. Thế nhưng, sau khi Maha Vajiralongkorn lên ngôi, quốc vương đã cho thông qua một đạo luật với sự ủng hộ của thủ tướng Chan-O-Cha, cho phép mọi tài sản quốc gia nằm dưới quyền sở hữu và quản lý kín đáo của ông.

Giờ đây, người biểu tình không chỉ đòi thủ tướng Chan-O-Cha từ chức, đòi Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp và hoàng gia phải cải tổ, mà còn đòi xóa bỏ đạo luật cho phép nhà vua thâu tóm mọi tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện giờ mọi đòi hỏi của phong trào đấu tranh Thái Lan vẫn chưa được hồi đáp.

Một số nhà quan sát nhấn mạnh phong trào khản kháng đang chịu nhiều sức ép, chính quyền có thể sử dụng vũ lực bất cứ lúc nào, các cơ quan tình báo đang được đặt trong tình trạng báo động và quân đội đang chuẩn bị trấn áp người biểu tình, và nếu bạo lực nổ ra, họ sẽ đòi cho áp dụng luật khi quân và chứng minh là có đảo chính.

Châu Âu và chiến lược tự chủ về dược phẩm  

Về thời sự châu Âu, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chiến lược của Ủy ban châu Âu nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc men.

Khi virus corona bùng phát từ Trung Quốc và lan sang châu Âu, các bệnh viện và công dân châu Âu cay đắng nhận ra rằng họ không thể tự chủ về khẩu trang, phương tiện xét nghiệm, thậm chí hoạt chất Paracetamol cũng phải nhập của Trung Quốc và Ấn Độ. Từ bài học kinh nghiệm đau thương này, Ủy Ban Châu Âu đã nhận ra rằng Liên Âu phải phát huy các nguồn lực riêng của mình để đảm bảo nhu cầu dược phẩm. Hôm qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giới thiệu « chiến lược dược phẩm cho châu Âu », cho phép mọi công dân được chăm sóc y tế an toàn và được cung cấp các loại thuốc có chất lượng với giá phải chăng.

Thế nhưng, theo Les Echos, hiện giờ vẫn rất khó dự báo là mục tiêu châu Âu giảm lệ thuộc về dược phẩm vào các nước ngoài khối sẽ kéo theo những khoản đầu tư lớn và tái dịch chuyển sản xuất về châu Âu hay đơn giản chỉ là châu Âu đa dạng hóa sản xuất và thành lập kho dự trữ chiến lược.

Huyền thoại Maradona, khoảng sáng và bóng tối

Trong khi đa phần các báo Pháp hôm nay vẫn tập trung vào tình hình trong nước trên nhiều lĩnh vực, như giảm nhẹ các biện pháp hạn chế phòng dịch, tranh luận về biện pháp cách ly bệnh nhân Covid, làm cách nào để củng cố niềm tin của dân chúng vào vac-xin, thương mại hóa mạng 5G tại Pháp … thì báo Libération lại dành cả trang nhất và gần chục trang bài cho huyền thoại Maradona, người vừa qua đời ở tuổi 60 tại Buenos Aires.

Không chỉ nói về cuộc đời, sự nghiệp của Maradona, với những khoảng sáng, bóng tối … Libération còn dành nhiều bài viết giới thiệu các sắc thái tình cảm mà công chúng dành cho « cậu bé vàng » – « vị thánh sống » Maradona. Mục thể thao của Le Figaro cũng dành để vinh danh Maradona : huyền thoại từ một cậu bé ở khu ổ chuột vươn lên thành ông vua bóng đá, một huyền thoại không chỉ có thành công, mà còn trải qua những cảnh khốn cùng, những vết thương, ma túy, những vụ tai tiếng …

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201126-quan-h%E1%BB%87-%C3%A2u-m%E1%BB%B9-th%E1%BB%9Di-joe-biden-s%E1%BA%BD-kh%C3%A1c-v%C3%A0-th%C3%BA-v%E1%BB%8B-h%C6%A1n

Tin tổng hợp

(AFP & Le Monde) – Iran thả một nhà nghiên cứu phương Tây để đối lấy 3 công dân bị giam ở Thái Lan. 

Nhà nghiên cứu chuyên về Trung Đông mang hai quốc tịch Úc và Anh, bà Kylie Moore-Gilbert, 33 tuổi, đã được Teheran trả tự do hôm qua 25/11/2020 sau 800 ngày bị giam giữ vì cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Đổi lại, ba công dân Iran có liên can đến vụ ám sát hụt các nhà ngoại giao Israel ở Thái Lan năm 2012 đã được thả. Ba người này ra đi với lá cờ Iran trên vai, hô vang những câu ca ngợi Thượng Đế và Mahomet, còn bà Moore-Gilbert đầy vẻ ưu tư, mang khăn choàng Hồi giáo, có nữ đại sứ Úc tại Iran đi kèm. Bà bày tỏ sự cay đắng vì « đến Iran với những ý định tốt đẹp », nhưng lại bị lãnh án 10 năm tù.

(Figaro) – Mạng 5G bắt đầu được triển khai tại Pháp. 

Sau khi nhà mạng SFR tung ra gói cước 5G  cho điện thoại di động tại Nice hôm 20/11, đến lượt Orange hôm nay 26/11/2020 theo chân với mục tiêu phủ sóng trên 160 địa phương từ nay cho đến cuối năm, là mạng lưới 5G rộng nhất hiện nay. Về phía Bouygues Telecom ấn định ngày ra mắt mạng 5G là 01/12, còn Free, như thường lệ, chờ đến phút chót mới thông báo. Riêng Paris tình hình vẫn chưa ngã ngũ. Các cuộc tranh cãi về việc sử dụng mạng 5G vẫn kéo dài. Để sử dụng công nghệ mới này cần phải cư ngụ trong vùng phủ sóng và sở hữu smartphone tương thích, hiện nay có khoảng 30 loại trên thị trường Pháp.

(AFP) – Qatar tố cáo Bahrein vi phạm chủ quyền trên biển.

 Bộ Nội Vụ Qatar hôm qua 25/11/2020 tố cáo hai chiếc tàu của Bahrein đã vi phạm lãnh hải nước mình. Về phía Bahrein nói rằng hai tàu do lực lượng tuần duyên sử dụng đã bị chặn trái phép, một thuyền trưởng báo cáo vì máy hư nên trôi dạt đến Qatar. Đây là sự kiện hiếm hoi vì Bahrein, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập đã cấm vận Qatar cả trên không, trên biển và trên bộ từ tháng 6/2017 vì cho rằng Doha thân thiết với Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan, không có tàu nào được đi vào vùng biển Qatar.

(AFP/RFI) – Cam Bốt: 120 nhà đối lập ra tòa, Liên Hiệp Quốc lo ngại. 

Một vụ án chính trị xét xử 120 nhà đối lập bắt đầu từ thứ Năm 26/11/2020 tại Phnom Penh. Nhiều bị cáo có liên quan đến đảng Cứu Nguy dân Tộc của ông Sam Rainsy, đối thủ của thủ tướng Hun Sen, lưu vong tại Pháp từ năm 2015, để tránh bản án tù mà ông cho là dàn dựng. Trong số bị cáo, có Theary Seng, một trong những người hoạt động thiện nguyện bị cáo buộc « âm mưu tạo phản ». Trả lời phỏng vấn RFI, bà Theary Seng, cho biết « đây là một trò dàn dựng ». Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Rhona Smith tố cáo vụ án « vì động cơ chính trị, vi phạm nhân quyền, không đặt trên một cơ sở pháp lý rõ ràng ».

(Reuters) – Kinh tế Anh « tồi tệ » nhất từ 300 năm qua. 

Thông báo ngân sách cho năm 2021 bộ trưởng Tài chính Anh, Rishi Sunak cho biết Luân Đôn phải đi vay gần 400 tỷ bảng Anh vào năm tới để đối mặt với khủng hoảng kinh tế Covid-19 gây nên. GDP dự trù giảm hơn 11 % đây là mức « tệ hại » nhất từ đầu thế kỷ 18. Một trong những hậu quả kèm theo từ tình trạng ảm đạm này là chính phủ « buộc lòng phải cắt giảm các khoản viện trợ phát triển » dành cho các nước nghèo.

(AFP) – Tập đoàn Disney dự trù sa thải 32.000 nhân viên tại các khu trung tâm giải trí. 

Trong thông cáo ngày 26/11/2020 ban giám đốc Disney cho biết dịch Covid-19 cướp đi công việc làm của 32.000 nhân viên trong những tháng sắp tới. Tháng 9/2020 công ty mẹ đã thông báo cho 28.000 nhân viên nghỉ việc tại các trung tâm giải trí ở Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 11/2020 Disney thua lỗ 710 triệu đô la trên thị trường Hoa Kỳ vì virus corona.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù 337 người vì vụ đảo chính hụt hồi năm 2016. 

Hình phạt vừa được một tòa án tại Ankara đưa ra vào hôm 26/11/2020. Trong số những người này có nhiều tướng lĩnh Kkông Quân. Một số bị lãnh án chung thân. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201126-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 26/11:

Sắp có ‘Tuần hành cho Trump’ vào tháng 12; Thợ sửa máy tính xách tay của Hunter Biden mất tích

Lục Du

Hôm nay, thứ Năm (26/11), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ông Lin Wood có tweet ám chỉ mối quan hệ giữa Biden và ĐCSTQ. Luật sư trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump hôm 25/11 đã đăng tải một tweet với nội dung sau: “Các phương tiện truyền thông xã hội chủ nghĩa và dòng chính là vũ khí tuyên truyền của các phần tử xấu thuộc bên thứ 3 [ĐCSTQ] muốn lật đổ Tổng thống được bầu hợp lệ. Họ là Bậc thầy lừa dối. Họ tuyên bố @realDonaldTrump thua và bây giờ sẽ cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính. [Cần] hiểu rằng: [Tổng thống] Trump đã thắng, Biden và các đồng chí của ông ta giờ sẽ cố gắng đảo chính”. Bên dưới tweet của ông Wood có bức hình ông Tập Cận Bình đang “kéo cổ” ông Joe Biden.

Tập Cận Bình chúc mừng tổng thống ‘truyền thông’ Joe Biden. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình ngày 25/11 đã chúc mừng ông Joe Biden và bày tỏ mong muốn “hợp tác cùng có lợi” trong bối cảnh Mỹ – Trung xung đột về thương mại, công nghệ và an ninh. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, trong bức điện chúc mừng, Tập nói với Biden rằng các mối quan hệ “lành mạnh và ổn định” là “kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế” (Chi tiết).

Truyền thông và ông Biden công khai cấu kết đánh cắp bầu cử Mỹ. Đó là đánh giá của Tucker Carlson, người dẫn chương trình nổi tiếng trên Fox News. Tối 23/11, ông Carlson cho biết cái gọi là những gã khổng lồ công nghệ và truyền thông dòng chính ở Mỹ đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân chủ, bầu cử lần này bị thao túng là kết quả của “sự thông đồng công khai giữa truyền thông và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ [Joe Biden]”.

Đội ngũ của Biden ‘sống trong thế giới giả tưởng’. Đây là nhận xét của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 24/11. Quan chức ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trump cho rằng những nhân vật mà ông Bien lựa chọn cho các vị trí trong nội các của mình (trong trường hợp ứng viên Dân chủ thắng cử) đều là những người có cách nhìn không thực tế đối với tình hình nước Mỹ.

Thợ sửa máy tính xách tay của Hunter Biden mất tích. John Paul Mac Isaac, chủ cửa hàng sửa chữa máy tính tại thành phố Wilmington, tiểu bang Delaware, người giao một bản sao ổ cứng của Hunter

Biden cho luật sư Rudy Giuliani, đã đóng cửa hàng sửa máy tính của mình và rời bỏ thành phố. Hiện người ta chưa biết Isaac ở đâu. Bản sao dữ liệu mà Isaac chuyển cho luật sư Giuliani được cho là chứa nhiều nội dung nhạy cảm, bao gồm các giao dịch trái pháp luật và mối quan hệ mờ ám của cha con ông Biden với ĐCSTQ.

Hoàng Chi Phong bị biệt giam, nghi có dị vật trong bụng. Quản trị viên mạng xã hội của Hoàng Chi Phong cho biết điều này trên Facebook vào đêm 24/11, nói rằng nhà hoạt động trẻ tuổi bị biệt giam tại khu y tế của Trung tâm Giam giữ Lai Chi Kok và phim chụp X-quang của Hoàng cho thấy một “dị vật trong bụng”.

Anh đề xuất dự luật: Dùng thiết bị Huawei phạt 100.000 bảng mỗi ngày. Đây là dự luật được chính phủ Anh đưa ra vào ngày 24/11. Chính phủ Anh cũng đã mở một trang web cùng ngày để cảnh báo các công ty kỹ thuật số và công nghệ nước này về những rủi ro đạo đức, pháp lý và thương mại mà họ có thể gặp phải khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc và tiếp nhận đầu tư từ nước này.

Huyền thoại bóng đá Diego Maradona qua đời. Ông ra đi ở tuổi 60 vì đột quỵ tại nhà riêng vào tối 25/11 (giờ địa phương). Hai tuần trước, ông Maradona được phẫu thuật để loại bỏ những cục máu đông trong não. Ông xuất viện hôm 11/11 nhưng vẫn được chăm sóc và theo dõi hàng ngày. Liên đoàn Bóng đá Argentina đã xác nhận thông tin này trên trang chủ của mình.

Sẽ có một cuộc ‘Tuần hành cho Trump’ vào tháng 12. Các nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành lần ngày sẽ được tiến hành vào ngày 12/12 và dự kiến sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia so với những cuộc tuần hành trong tháng 11. Thời điểm cuộc tuần hành này diễn ra rất quan trọng khi hai ngày sau đó, ngày 14/12, cử tri đoàn tại các tiểu bang sẽ bỏ phiếu để bầu tổng thống.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-26-11-sap-co-tuan-hanh-cho-trump-vao-thang-12-tho-sua-may-tinh-xach-tay-cua-hunter-biden-mat-tich.html

Tạp chí tiêu điểm

75 năm sau phiên tòa Nuremberg : Tòa án Hình sự Quốc tế, di sản kế thừa vẫn chưa hoàn chỉnh

Minh Anh

Ngày 20/11/1945, tòa án quân sự quốc tế bắt đầu xét xử một số lãnh đạo cao cấp chế độ Đức Quốc Xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, những tội ác chiến tranh, tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại được đưa ra xét xử trước một tòa án quốc tế. Sự kiện đánh dấu cột mốc cho sự hình thành Tòa án Hình sự Quốc tế – CPI sau này.

« Mong rằng bốn nước đại cường thắng trận nhưng cũng chịu nhiều thương tổn không có hành động báo thù đối với những kẻ thù tù binh của họ, đây là một trong những vật cống quan trọng nhất mà một cường quốc chẳng bao giờ phải trả cho lẽ phải ». Bằng những lời lẽ trang trọng này, chưởng lý Robert H. Jackson, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, đã khai mạc phiên xử.

Một phiên tòa chưa từng có

Định mệnh trớ trêu, tòa án quốc tế được thành lập tại Cung điện Công lý tráng lệ của thành phố Nuremberg, thành trì đế chế cổ, và thành phố biểu tượng của chủ nghĩa phát xít. Chính tại nơi đây, Hitler thường tổ chức các cuộc tập hợp và ban hành các đạo luật chống người Do Thái năm 1935.

Trong lịch sử ngành luật, Nuremberg được xem như là một phiên tòa ngoại hạng. Hai mươi bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc Xã ngồi ghế bị cáo. Mười tháng xử án, với gần 3.000 tấn tài liệu, 6.600 mẫu vật chứng và hàng trăm nhân chứng.

Phiên xử quy tụ hơn 400 nhà báo, hàng trăm thông dịch viên để chuyển ngữ các cuộc tranh luận theo 4 thứ tiếng và một biên bản nghe luận dầy 16.000 trang. Sau 218 ngày tranh cãi, phiên tòa kết thúc vào ngày 01/10/1946 với 12 bản án tử hình, ba lệnh tha bổng và 7 án tù đi từ 10 năm đến chung thân.

Ông Matthias Gemahlich, tiến sĩ về sử học trên tờ Deutsch Well của Đức, nhắc lại rằng ý định lập một tòa án quân sự đặc biệt xét xử những hành động bạo tàn của các lãnh đạo và quân nhân Đức Quốc Xã, đã được bốn nước đồng minh là Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp bàn thảo ngay từ năm 1943. « Bốn cường quốc đồng minh này đã đạt được một đồng thuận sao cho có được một tòa án quốc tế, một cơ quan có thẩm quyền để xét xử các nhà lãnh đạo, các đại diện và các quan chức cao cấp của Đức Quốc Xã. »

Phiên tòa khai mạc nhưng vắng bóng Adolf Hitler, đã tự sát vì không muốn rơi vào tay Đồng Minh. Nhưng trên ghế bị cáo, vẫn còn có Hermann Goring – nhân vật số 2 của chế độ Đức Quốc Xã, Rudolph Hess, Hans Frank hay Robert Ley, những nhân vật cao cấp.

Do vậy, với nhà nghiên cứu sử học Matthias Gemahlich , « Đây đúng là một điều rất mới trong lịch sử bởi vì trước đó, chưa từng có một định chế, một cấp tòa án nào như thế có được thẩm quyền và trách nhiệm này. Và họ cũng có được đồng thuận sao cho phiên xử này phải được công minh. Tòa án Quân sự Nuremberg lúc đó là độc lập, không có một quân lệnh nào và các thẩm phán cũng độc lập ».

75 năm sau nhìn lại, Nuremberg cho thấy là một phiên tòa ở cấp độ quốc tế với những thẩm phán đến từ nhiều nước khác nhau vẫn là điều có thể. Đó là một phiên tòa có tranh luận. « Các bị cáo vẫn có quyền phát biểu, họ cũng có cả luật sư và do vậy họ có thể chuẩn bị trước khi phiên tòa được mở » theo như ghi nhận của sử gia Ornella Rovetta, trường đại học Bruxelles trên đài RTBF của Bỉ.

Phiên tòa Nuremberg còn là dịp để tìm hiểu điều gì đã dẫn đến những hành động tàn bạo, để rồi từ đó cho ra đời những thuật ngữ pháp lý mới như tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và sau này là diệt chủng. Những khái niệm, những nguyên tắc cơ bản mà theo bà Viviane Dettrich, phó giám đốc Viện nghiên cứu các nguyên lý Nuremberg, khi trả lời đài RFI cho rằng 75 năm sau vẫn còn giữ nguyên các giá trị, làm nền tảng cho các vụ xử quốc tế sau này như nạn diệt chủng tại Rwanda hay như các vụ thảm sát ở Nam Tư cũ.

« Đó là một sự đổi mới về pháp lý. Các từ, thậm chí các thuật ngữ đã được tạo ra vào thời kỳ đó như thuật ngữ ʺtội ác chống nhân loạiʺ chẳng hạn. Đây là lần đầu tiên, loại hình tội phạm mới này nằm trong chương trình nghị sự của phiên tòa Nuremberg.  

Thuật ngữ học giờ đã có những thay đổi. Trước đây, người ta nó đến tội ác chống nhân loại, tội ác chống hòa bình, những thuật ngữ đó đã được đưa vào trong từ vựng quốc tế. Ngày nay, người ta nói đến tội danh gây hấn nhiều hơn là tội ác chống hòa bình .

Nhưng trên thực tế những tội danh đó vẫn là những tội ác quốc tế, chúng cũng chính là những tội ác được tòa án Nuremberg nhìn nhận vào năm 1945. Điều gây ấn tượng chính là khái niệm diệt chủng lại không được đề cập đến trong Hiến chương Luân Đôn, nguồn gốc của phiên tòa Nuremberg. Phải đợi đến năm 1948 khái niệm này mới có trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng (Convention pour la Prevention et la Repression du Crime de genocide). »

Nếu như năm 1945, Nuremberg đã khai cổng, thì con đường đi đến công lý quốc tế thật sự cũng nhiều chông gai. Phải đợi đến hơn nửa thế kỷ, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Tòa án Hình sự Quốc tế – CPI, mới thật sự ra đời năm 1998, đóng trụ sở tại La Haye. Chỉ có điều bối cảnh chính trị ngày nay đã có nhiều đổi khác.

Tuy không có những cuộc đại chiến, nhưng bà Viviane Dettrich cho rằng những cuộc xung đột nhỏ và dai dẳng nổ ra khắp nơi, đang đặt CPI trước nhiều thách thức quốc tế trong việc xét xử các tội ác ngày nay. « Thách thức hiện tại cho chúng ta là tiếp tục duy trì ý tưởng một nền công lý quốc tế do phiên tòa Nuremberg mang lại. Đúng là tình hình hiện nay hoàn toàn khác biệt, nghĩa là các cuộc chiến dai dẳng hơn, những mối đe dọa tái hiện, những kẻ gây tội ác tìm cách lẩn trốn, việc thu thập nhân chứng và bằng chứng nhiều khó khăn hơn. Nền công lý ngày nay đang bước vào bối cảnh bị chính trị hóa sâu sắc và bị chia năm xẻ bảy. »

Công lý của kẻ mạnh?

Nhưng rủi thay những hạn chế của Nuremberg năm xưa cũng là những giới hạn của CPI ngày nay. Ngay khi mở phiên tòa, Nuremberg đã bị chỉ trích là tòa án của bên thắng cuộc đối với bên bại trận. Đó là một nền công lý một chiều và nhiều mảng tối vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vì sao không ai phán xử những tội ác do phe Đồng Minh gây ra ?

Tính chất phổ quát, tính chính đáng của CPI giờ còn thêm phần hạn hẹp do thiếu vắng sự hiện diện của nhiều nước lớn. Vẫn theo nhà nghiên cứu về Nuremberg, việc cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không tham gia vào CPI là những trở ngại lớn cho sự vận hành của định chế quốc tế này. 

« Người ta thấy rõ có một kiểu hợp tác ʺtheo mónʺ. Nhất là ở những nước lớn, người ta chỉ thấy có một sự hợp tác pháp lý quốc tế nếu như điều đó có lợi cho họ. Còn nếu như điều đó gây bất lợi, phiền hà, thì họ thoái lui hay thậm chí đối đầu với các định chế một cách trực diện. Quả thật, đây là một nhược điểm, do còn thiếu sự ủng hộ từ nhiều quốc gia. Nhưng mặt khác, chúng ta có được 123 nước đã tham gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Roma, đó cũng chính là những nước thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI. Dù vậy, cũng nên nhìn nhận là vẫn còn thiếu tính phổ quát, đây thật sự là một khiếm khuyết quan trọng cho CPI. »

Thế giới hẳn chưa quên việc chính quyền Donald Trump hồi đầu tháng 9/2020 đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo CPI nhằm trả đũa tòa án La Haye thông báo mở điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

Làm thế nào một quốc gia có thể đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào lãnh đạo của CPI ? Một hành động mà bà Viviane Dettrich đánh giá là « điều chưa từng thấy, đáng quan ngại », có thể gây ra những « tác động tai hại về việc tôn trọng các quyền cũng như gây trở ngại cho các tòa án tiến hành công việc của mình một cách độc lập ».

Trong bối cảnh này, nhiều câu hỏi được đặt ra : Tương lai nào cho nền công lý quốc tế ? Nên chăng thành lập một tổ chức khác để xét xử các tội ác quốc tế ? Hay là cần phải có nhiều ràng buộc để các nước phải hợp tác nhiều hơn ? Liệu công lý có thể được thực thi theo một cách khác nghĩa là tự bản thân các nước thi hành công lý ? Về điểm này, phó giám đốc Viện Nghiên cứu các nguyên tắc Nuremberg lạc quan dự phóng hướng đi có thể cho nền công lý quốc tế trong tương lai:

« Một trong những nguyên tắc cơ bản của CPI chính là nguyên tắc ʺtính chất bổ sungʺ. Nghĩa là, trước hết, công tác truy tố và xét xử phải được tiến hành ở cấp độ quốc gia. Chỉ khi nào không có thiện chí chính trị và khả năng, các vụ việc mới được xét xử trên bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều quốc gia xem xét nghiêm túc trách nhiệm của họ, đương nhiên các phiên tòa sẽ phải là công minh, hợp pháp và các vụ xử thật sự được nghiên cứu kỹ để đưa những người có trách nhiệm ra trước pháp luật.

Chúng ta cũng thấy là ngày càng có những nước thứ ba xét xử những cá nhân vì những tội ác quốc tế phạm phải ở một nước khác. Ở đây, chúng ta có thể nói đến khái niệm thẩm quyền phổ quát,  và theo nguyên tắc này, một nhà nước có khả năng và đôi khi có bổn phận truy tố một người bị nghi ngờ phạm các tội ác quốc tế ở bên ngoài lãnh thổ của mình.

Chẳng hạn, việc nước Đức cho mở phiên tòa xét xử các nhà lãnh đạo chế độ Syria là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc này, có một sự hợp tác Pháp – Đức về tư pháp trên phương diện hình sự. Tư pháp Đức đã phối hợp với bộ phận chuyên trách về tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh của Viện Công tố Paris để tiến hành các cuộc điều tra chung.

Chúng ta thấy rõ là sự hợp tác này được tiến hành ở cấp độ quốc gia, thế nên đây sẽ là một sai sót nếu phủ nhận vai trò quan trọng của các cấp tòa án quốc gia như là một thành tố của nguyên tắc Nuremberg, nhất là khi đối chiếu với nguyên tắc tính bổ sung do CPI khuyến nghị.

Thế nên, tương lai của luật quốc tế, đôi khi được định đoạt bởi những quân cờ ở cấp quốc gia và do vậy, cũng nên thật sự nhìn nhận những tiến bộ đáng kể đang diễn ra tại Đức và nhiều nơi khác. »

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20201126-nuremberg-cpi-lich-su-toa-an

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.