Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 16/10/2020

Friday, October 16, 2020 3:39:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 16/10/2020

« Bùa mê » của Donald Trump

Thùy Dương

Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ là một đề tài được Le Monde quan tâm. Tờ báo giới thiệu bài viết đáng chú ý của cây bút thời luận Alain Frachon « Bùa mê của Donald Trump ».

Trong kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump được 46% số phiếu của cử tri. Lần này, theo các cuộc khảo sát, ông Trump vẫn được hơn 40% cử tri ủng hộ. Điểm tín nhiệm của Donald Trump không giảm sút nhiều sau 4 năm ồn ào và giận dữ, 4 năm tranh giành chính trị với những lời nói dối hàng ngày. Trong khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi Covid-19 và suy thoái kinh tế, « pháp thuật » của Trump vẫn phát huy tác dụng.

Ông Trump dù không mấy đọc sách nhưng lại là người truyền cảm hứng cho các nhà báo và các nhà viết luận, tất cả đều bận rộn làm sáng tỏ các yếu tố dẫn đến thành công to lớn của Donald Trump. Theo cây bút thời luận của Le Monde, phần lớn là do những thành quả kinh tế trước khi Covid-19 ập đến, với những số liệu tích cực, niềm tin của người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư. Ca ngợi mình là một thiên tài, ông Trump luôn tự nhận hết công lao về mình.

Trong cuốn sách « Nước Mỹ trong những năm dưới thời Trump », nhà xuất bản Gallimard, Jérôme Cartillier, phóng viên AFP tại Nhà Trắng, và Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington, đã khám phá một cách tinh tế một khía cạnh hiếm khi được nêu bật : ông Trump thành thạo về mạng xã hội, giỏi giang trong các chương trình truyền hình thực tế và hiểu rõ ý nghĩ của những người đã bầu cho ông. Một cách nào đó, có thể nói đó là « một tài năng chính trị » !

Cho dù ông Trump đã vi phạm một phần nguyên tắc kinh tế của đảng Cộng Hòa, đặc biệt là về tự do mậu dịch, nhưng tổng thống Mỹ vẫn trung thành với mục tiêu giảm thuế cho người giàu, giảm quyền lực công đoàn … Nhưng Covid-19 đã cho thấy nhà lãnh đạo dân túy không đủ năng lực. Về mặt chính trị, con số 220.000 người chết vì đại dịch ở Hoa Kỳ lẽ ra đã « hạ đo ván » Donald Trump, thế nhưng ông Trump đã tìm ra cách đối phó : gây ra nỗi sợ hãi về một nước Mỹ mà người da trắng mất ưu thế trước các nhóm thiểu số và hứa hẹn đưa đất nước trở lại như những năm 1950 : bảo thủ, da trắng và theo Cơ Đốc giáo.

Tại Mỹ hồi năm 2016, bối cảnh rất thuận lợi cho chiến thắng của Donald Trump. Các mạng xã hội lấn át các phương tiện truyền thông, phổ biến các thuyết âm mưu được phe cực hữu Mỹ ủng hộ. Kênh Fox News dành « cả thể xác và linh hồn » cho Donald Trump. Rất đông người da trắng, thường là người cao tuổi, cuộc sống bị xáo trộn vì toàn cầu hóa, cảm thấy đất nước mỗi ngày một đa chủng tộc và đa văn hóa, khiến họ bị đe dọa, bị coi thường … Người dân Mỹ đã mệt mỏi với những cuộc chiến bất tận ở những vùng đất xa xôi và ông Trump hứa hẹn rút nước Mỹ về « pháo đài ».

Trong suốt 4 năm, tổng thống Trump chỉ quan tâm đến thành phần tri cốt lõi ủng hộ ông. Ông coi họ là những đại diện cho một nước Mỹ thực thụ, trung thành với các giá trị Mỹ, còn người Mỹ ở các thành phố lớn thuộc phe Dân Chủ là « những kẻ phản bội ». Le Monde kết luận ông Trump chỉ là tổng thống của một nửa nước Mỹ !

Macron – vị tổng thống đơn thương độc mã trên tuyến đầu

Trên các nhật báo Pháp hôm nay, thời sự trong nước vẫn được quan tâm nhất. Bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình tối hôm thứ Tư 14/10/2020 và các biện pháp giới nghiêm chống dịch Covid-19 vẫn chiếm nhiều trang báo.

Trên mục thời luận, nhà báo Solenn de Royer của Le Monde nhận định tổng thống Macron đã tỏ ra rất mô phạm với những phát biểu rõ ràng. Tuy nhiên, khi hơi « sa đà » đi vào các tiểu tiết, tổng thống đã phải đóng cùng lúc nhiều vai, từ ông bố trong gia đình đến người cha của cả dân tộc, từ thủ tướng đến bộ trưởng Y Tế … Cây bút thời luận của Le Monde trích dẫn một chính trị gia cấp cao, gọi đó là « hội chứng cô độc ».

Tổng thống Macron hiện đang đơn độc trên tuyến đầu bởi ông đã thay thủ tướng Edouard Philippe, một người khá được lòng dân, bằng ông Jean Castex, một người không mấy được công chúng biết đến và dù mới nhậm chức chưa lâu nhưng điểm tín nhiệm trong các cuộc khảo sát đã sụt giảm. Còn trên sân khấu chính trị Pháp, các đảng phái lâm cảnh bị giằng xé, tan rã và không trọng lực. Chỉ cần tổng thống vừa dứt bài phát biểu là các phe đối lập đã chỉ trích, trong khi họ thường chẳng có đề xuất gì tốt hơn. Tổng thống Macron một mình ra trận, xông pha lên tuyến đầu mà không hề có lá chắn bảo vệ.

Trong bài phát biểu, nguyên thủ Pháp đã gửi gắm đến dân chúng : « Tôi cần từng người trong số tất cả quý vị ». Ông Macron biết rằng ông sẽ là người duy nhất phải trả giá trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2022. Những nhân vật thân cận với tổng thống giải thích là bài phát biểu hôm 14/10 của ông Macron đánh dấu « một bước ngoặt » trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm. Macron đã ra khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng với các cuộc thảo luận toàn quốc, hồi mùa xuân ông cũng đã ghi điểm khi liều lĩnh đưa đất nước ra khỏi phong tỏa sớm nhất có thể cho dù nội các khuyên không nên làm điều đó. Lần nào cũng vậy, tổng thống Pháp đều thành công khi đưa điểm tín nhiệm của ông lên cao được một chút.Lần này ông Macron cũng đã « đặt cược » vào bài phát biểu trên truyền hình.

Người dân ủng hộ quyết định của tổng thống

Trong khi đó, tờ báo thiên hữu Le Figaro cho biết bài phát biểu của nguyên thủ Pháp được được nhiều người theo dõi và bình luận rộng rãi trên các mạng xã hội, với 750.000 tin nhắn, từ xuất hiện nhiều nhất là « bất công », « thiếu logic », « các thanh niên » và « nhà hàng ». Theo cuộc điều tra Odoxa và Dentxu Consulting thực hiện cho Le Figaro và đài France Info, 64% dân Pháp ủng hộ biện pháp giới nghiêm mà tổng thống Pháp đưa ra để đối phó với làn sóng dịch thứ hai.

Tuy nhiên, có đến 52% số người được hỏi nghi ngờ là dân Pháp sẽ không tôn trọng quy định giới nghiêm. 63% cho là các phát biểu của tổng thống đã rất rõ ràng. 55% nhận định nguyên thủ Pháp đã cho thấy ông thấu hiểu được nỗi lo của người dân. Thế nhưng, nhìn rộng ra, Le Figaro cho rằng điều nguyên thủ cần làm hiện nay là thuyết phục được người dân rằng ông có đủ khả năng đưa đất nước « sang trang », thoát khỏi khủng hoảng.

« Cơn mưa chỉ trích » nhắm vào chính phủ

Bài phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron trên truyền hình tối hôm 14/10 vừa dứt, chính quyền Pháp đã phải đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích từ phía các đảng phái chính trị về sự thiếu chuẩn bị trong cách đối phó với dịch bệnh, cách xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng y tế, chiến lược thất bại … Libération cho biết, đối mặt với làn sóng chỉ trích, chính phủ Pháp, mà người đứng mũi chịu sào là thủ tướng Jean Castex, lưu ý giờ là lúc phải tập trung mọi năng lượng cho cuộc chiến chống dịch bệnh và sự lây lan của virus. Một vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh : « Sẽ đến lúc đưa ra các bài học nhưng hiện giờ, trước tiên là phải tránh để xảy ra tử vong ».

Thủ tướng Castex cũng khẳng định không phải chính phủ chậm trễ trong xử lý dịch bệnh mà là trong những ngày qua virus lây lan quá nhanh. Đáp lại lời chất vấn của một chính trị gia về việc chính phủ đã làm gì để tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid tại các khoa hồi sức cấp cứu, bộ trưởng Y Tế cho biết phải mất 11 năm mới đào tạo được một bác sĩ hồi sức cấp cứu, nhưng từ mùa xuân vừa qua, đã có 750 y tá, hộ lý được được đào tạo bồi dưỡng để tăng cường nhân lực hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19. Còn đối với thủ tướng Pháp, không một hệ thống y tế nào có thể đối phó với một đại dịch quy mô lớn đến như vậy và nếu không có các biện pháp ngăn chặn đà lây nhiễm virus thì sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn người bệnh Covid nặng phải nhập viện cấp cứu.

Làn sóng Covid thứ hai : Bài toán hóc búa của châu Âu

Không chỉ là vấn đề nổi cộm tại riêng Pháp, theo báo kinh tế Les Echos, cuộc chiến chống làn sóng Covid thứ hai còn là bài toán hóc búa của cả Liên Hiệp Châu Âu. Hôm nay các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để tìm cách phối hợp chống dịch. Tình hình đã rất khẩn cấp. Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm qua ghi nhận đại dịch Covid-19 đã đến mức « rất đáng lo ngại » ở châu Âu.

Về phần mình, Ủy Ban Châu Âu đã gióng hồi chuông cảnh báo với các nước thành viên, bởi tỉ lệ lây nhiễm virus ở khắp châu Âu đều tăng ngày càng nhanh. Ủy Ban Châu Âu kêu gọi chính quyền các nước thành viên làm mọi việc cần thiết để tránh biện pháp phong tỏa diện rộng với những hệ quả tàn phá cả về mặt xã hội, kinh tế và sức khỏe người dân. Bruxelles còn kêu gọi các nước chuẩn bị sẵn chiến lược tiêm chủng quốc gia, ưu tiên trước cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Một thách thức lớn khác đặt ra cho Liên Âu là tránh lặp lại sai lầm hồi dịch bùng phát đợt 1 vào tháng 03, giai đoạn thiếu vắng hoàn toàn sự phối hợp, các nước đóng cửa biên giới kiểu « mạnh ai nấy làm ».

Thượng Karabakh : Người dân sống chung với mối đe dọa từ máy bay không người lái

Về cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại vùng Thượng Karabakh, Le Monde giới thiệu bài viết « Thắng hay là chết » nói về nỗi sợ và quyết tâm chiến đấu của người dân Stepanakert, thủ phủ vùng Thượng Karabakh, những người đặt niềm hy vọng vào hòa bình, nhưng dù có sợ cũng sẵn sàng chiến đấu và hy sinh.

Còn báo Công giáo La Croix nói về máy bay không người lái do thám và tấn công thông minh đang được quân đội Azerbaijan sử dụng ồ ạt vùng Karabakh. Cuộc sống của người dân vùng này dường như gắn liền với tiếng gầm gừ đe dọa của những máy bay quân sự không người lái Azerbaijan chủ yếu nhập từ Isarael và Thổ Nhĩ Kỳ.

Được sử dụng để do thám các vị trí của đối phương, dẫn đường cho các cuộc pháo kích hoặc tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, những máy bay không người lái này đã mang lại ưu thế cho quân đội Azerbaijan. Thế nhưng, điều đáng buồn nhất, theo La Croix, là các thường dân Thượng Karabakh phải làm quen và sống chung với các máy bay quân sự không người lái, vốn dĩ bị coi là một loại vũ khí « phi nhân tính».

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201016-b%C3%B9a-m%C3%AA-c%E1%BB%A7a-donald-trump

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Quan hệ Nga-Mỹ: Vladimir Putin đề nghị triển hạn thêm một năm vô điều kiện hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New Start. 

Đề xuất được nguyên thủ Nga đưa ra ngày 16/10/2020. New Start được Nga, Mỹ ký kết năm 2010 quy định giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân của cả đôi bên. Hiệp định này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Tới nay các vòng đàm phán liên tục lâm vào vế tắc. Washington và Matxcơva chưa đạt đồng thuận cho giai đoạn kế tiếp.

(AFP) – Quan hệ Canada –Trung Quốc thêm căng thẳng. 

Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa ngày 15/10/2020 cảnh cáo: nếu tiếp tục đón nhận người biểu tình Hồng Kông xin tị nạn tại Canada, thì sẽ có nhiều hậu quả « cả về mặt y tế lẫn an ninh » đối với khoảng 300.000 công dân Canada đang sinh sống tại Hồng Kông và nhiều doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại đặc khu hành chính. Bộ Ngoại Giao Canada xem tuyên bố trên đây là lời lẽ « đe dọa không thể chấp nhận được ».

(AFP) – Chống Covid-19: Thuốc Remdesivir vô dụng. 

Theo nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới được công bố ngày 15/10/2020 thuốc Remdesivir « tác động ít hay không có tác động gì đối với những bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện ». Đây là một loại thuốc từng được xem là có triển vọng nhất để điều trị các ca nhiễm siêu vi corona chủng mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng loại thuốc này.

(AP) – Trung Quốc chỉ trích Mỹ kêu gọi đóng cửa các học viện Khổng Tử. 

Tuần trước ngoại trưởng Pompeo đã khuyến khích các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ xét lại quan hệ với các học viện Khổng Tử và thận trọng trước các « ảnh hưởng xấu » của Trung Quốc. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 16/10/2020 chỉ trích lời lẽ nói trên và cho rằng một số quan chức Hoa Kỳ đang « hủy hoại những nỗ lực trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục » giữa hai nước.

(AFP) – Mạng xã hội Twitter từng bước hoạt động lại bình thường sau một sự cố nghiêm trọng khuya ngày 15/10/2020. 

Vào quãng 12 giờ đêm giờ quốc tế, Twitter gần như bị tê liệt trong gần 2 giờ đồng hồ. người sử dụng tại các khu vực Mỹ và Nhật bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Ban giám đốc tập đoàn có trụ sở tại California này cho biết đã khắc phục được sự cố và Twitter hoạt động lại gần như bình thường vào đầu giờ sáng nay.

(UPI) – Cụm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông. 

Theo thông báo của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ hôm qua 15/10/2020, cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ USS Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông. Thông báo cho biết là cụm tàu sân bay này đã đi qua ngõ eo biển Đài Loan và vào vùng Biển Đông từ thứ hai tuần này và hiện đang « tiến hành các chiến dịch an ninh hàng hải, thao dượt tấn công trên biển và tập huấn phối hợp chiến thuật với các đơn vị trên không và trên bộ ».

(Bloomberg) – Việt Nam hủy cuộc đua Formula One. 

Tập đoàn Vingroup JSC hôm nay, 16/10/2020, ra thông báo cuộc đua xe Formula One Vietnam Grand Prix năm nay đã bị hủy do tình hình dịch Covid-19. Cuộc đua F1 đầu tiên ở Việt Nam theo lẽ đã diễn ra ở Hà Nội vào tháng 4/2020, nhưng đã bị hoãn đến cuối năm nay. Hiện chưa biết cuộc đua này có sẽ được tổ chức vào năm tới hay không.

(AFP) – Nhật sẽ đổ nước nhiễm phóng xạ ở Fukushima ra biển. 

Mặc dù có sự phản đối mạnh của người dân địa phương, sắp tới đây chính phủ Nhật sẽ chính thức hóa quyết định đổ ra biển nước nhiễm phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Fukushima, bị tại nạn sóng thần tháng 3/2011. Gần 3 triệu mét khối nước bị nhiễm phóng xạ hiện đang được trữ trong một ngàn bồn chứa đặt gần nhà máy. Theo nhà chức trách, không bao lâu nữa, các bồn này sẽ không thể trữ thêm nước nhiễm phóng xạ.

(AFP) – Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại bị truy tố. 

Viện Công Tố Tài Chính Quốc Gia hôm nay, 16/10/2020, xác nhận tin của báo chí Pháp rằng ông Sarkozy hôm 12/10 đã bị truy tố về tội « cấu kết với kẻ gian » trong cuộc điều tra về nghi án tài trợ của Libya cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vào năm 2007. Đây là lần thứ 4 cựu tổng thống Pháp bị truy tố trong vụ án này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201016-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 16/10:

Học viên quân sự Mỹ có nửa số môn học

về Trung Quốc; Bắc Kinh yêu cầu

Canada không giúp người Hồng Kông

Lục Du

Mục lục bài viết

Học viên quân sự Mỹ có nửa số môn học về Trung Quốc

Bắc Kinh yêu cầu Canada không giúp người Hồng Kông

Biên giới Mỹ-Canada tiếp tục đóng cửa vì Covid

Biden-Harris đều bay với người nhiễm Covid

Nga bị yêu cầu quay lại đàm phán vụ MH17

Sáng nay, thứ Sáu (16/10), mục Điểm tin của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Học viên quân sự Mỹ có nửa số môn học về Trung Quốc

Các học viên quân sự Hoa Kỳ sẽ dành một nửa số môn học của họ để tìm hiểu về Trung Quốc nhằm chống lại “sự hung hăng” của Bắc Kinh một cách hiệu quả hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết hôm thứ Năm (15/10), SCMP đưa tin.

“Một phần trong mục tiêu top 10 của chúng tôi là tập trung vào Trung Quốc, tôi đã chỉ đạo Đại học Quốc phòng thiết kế lại chương trình giảng dạy của mình bằng cách dành 50% các môn học về Trung Quốc vào năm học 2021”, ông Esper nói trong một bài phát biểu trước các chuyên gia của Viện chính sách The Heritage Foundation.

Đại học Quốc phòng do Lầu Năm Góc điều hành có nhiệm vụ cung cấp các chương trình sau đại học chủ yếu dành cho các thành viên của quân đội Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao, đồng thời đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ.

“Tôi cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan hữu trách của quân đội liệt Quân đội Trung Quốc vào mối đe dọa nguy hiểm trong các trường chuyên nghiệp, kế hoạch đào tạo và việc huấn luyện của chúng tôi”, ông Esper cho biết thêm.

Bắc Kinh yêu cầu Canada không giúp người Hồng Kông

Đại sứ Trung Quốc tại Canada, ông Cong Peiwu, đã chỉ trích chính phủ Canada vì cấp quy chế tị nạn cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, nói rằng việc làm này của Ottawa là hành động “can thiệp”, sẽ khuyến khích những tên “tội phạm bạo lực” này ở Hồng Kông, theo SCMP.

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Năm (15/10), ông Cong cho biết chính quyền Trung Quốc khẩn thiết yêu cầu Canada không cấp quyền tị nạn cho người biểu tình Hồng Kông. “Đó là sự can thiệp vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc và chắc chắn sẽ tiếp tay cho những tên tội phạm bạo lực này”, ông Cong nói. Nếu Canada muốn giữ an toàn cho 300.000 người mang hộ chiếu Canada ở Hồng Kông, thì Canada hẳn là không nên có động thái bảo vệ những ‘tên tội phạm bạo lực’ này như vậy, ông Cong nói thêm.

Ông Cong cũng phủ nhận việc chính quyền Trung Quốc giam giữ hai người Canada, ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, là hành động bắt giữ con tin, đồng thời lặp lại lời kêu gọi thả giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei.

Hồi tháng 6, Trung Quốc đã bị người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế chỉ trích vì ban hành luật an ninh quốc gia mới, luật này đã làm xói mòn quyền tự trị của thành phố cảng, biến “ngọn hải đăng” tự do duy nhất ở Trung Quốc cho đến thời điểm đó thành một thành phố nằm dưới sự quản hạt hà khắc của ĐCSTQ như ở đại lục.

Biên giới Mỹ-Canada tiếp tục đóng cửa vì Covid

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đường biên với Hoa Kỳ sẽ vẫn bị đóng cửa đối với các chuyến đi không thiết yếu cho đến khi dịch Covid ở Mỹ được kiểm soát, Fox News đưa tin hôm thứ Năm (15/10).

Thỏa thuận đóng cửa biên giới hiện tại giữa Hoa Kỳ và Canada dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 21/10, nhưng nó có thể sẽ được gia hạn lần thứ bảy kể từ lần đầu tiên có hiệu lực vào tháng Ba.

Dịch Covid tại Mỹ vẫn chưa cho thấy chiều hướng suy giảm, số người nhiễm mới loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc này vẫn tăng trung bình 53.124 ca mỗi ngày, mặc dù số người tử vong đã giảm đáng kể.

Trong khi đó Canada đối đầu với làn sóng dịch thứ hai, ông Trudeau hôm thứ Tư (14/10) đã mô tả đợt dịch tiếp theo này là điều “thật sự mệt mỏi”. Theo cập nhật của Worldometers, tới sáng 15/10, Canada có 191.730 người nhiễm virus Vũ Hán (tăng 2.343), trong đó có 9.699 người tử vong (tăng 35).

Biden-Harris đều bay với người nhiễm Covid

Joe Biden và Kamala Harris, hai ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ, đều đã đi trên những chuyến bay có người dương tính với virus Vũ Hán, thông tin này bắt đầu nổi lên vào thứ Năm (15/10), theo The Guardian.

Có thông tin cho rằng bà Harris đã có một chuyến bay trong tuần này với hai người trong hai ngày trước khi họ có xét nghiệm dương tính với Covid. Những người này là giám đốc truyền thông của Harris, Liz Allen, và một “thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay”. Bà Harris cũng đã đột ngột hủy chuyến đi của mình trong vài ngày tới.

Trong khi đó, ông Joe Biden cũng đã đi trên chuyến bay mà một thành viên phi hành đoàn có kết quả dương tính với nCoV, mặc dù vậy, phụ tá của ông Biden nói rằng ông không tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Nga bị yêu cầu quay lại đàm phán vụ MH17

Chính phủ Hà Lan đã kêu gọi Nga quay trở lại bàn đàm phán sau khi Moscow tuyên bố hôm thứ Năm (15/10) rằng họ sẽ rút khỏi các cuộc thảo luận liên quan tới trách nhiệm trong việc chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi vào năm 2014, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ rút khỏi các cuộc thảo luận với Hà Lan và Australia, nói rằng họ không thực sự quan tâm đến việc đi tìm sự thật cho những gì đã xảy ra và đã khởi động các thủ tục pháp lý chống lại việc này.

Các nhà điều tra quốc tế cho biết máy bay số hiệu MH17 đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì bị bắn hạ bởi một tên lửa phóng lên từ phần lãnh thổ do phiến quân Ukraine thân Nga chiếm giữ. Tất cả 298 người trên máy bay đều thiệt mạng, 2/3 trong số đó là công dân Hà Lan.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-16-10-hoc-vien-quan-su-my-co-nua-so-mon-hoc-ve-trung-quoc-bac-kinh-yeu-cau-canada-khong-giup-nguoi-hong-kong.html

 

Điểm tin thế giới tối 16/10:

Trung Quốc tung bầy UAV tấn công tự sát;

Thủ tướng Thái tuyên bố không từ chức

Triệu Hằng

Mục lục bài viết

Trung Quốc tung bầy UAV tấn công tự sát

Thủ tướng Thái tuyên bố không từ chức

Quốc vương Malaysia kêu gọi các chính trị gia ngừng gây bất ổn

Các tay súng Pakistan hạ sát 14 nhân viên an ninh, phản đối dự án Vành đai Con đường

Nhật Bản không tham gia ‘Mạng Sạch’ của Mỹ

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (16/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc tung bầy UAV tấn công tự sát

Trung Quốc đã phát triển một loại thiết bị bay không người lái tấn công tự sát với chi phí thấp. Mới đây, chúng đã được điều động bầy đàn để tấn công mục tiêu trong một cuộc thử nghiệm, truyền thông đại lục loan tin, theo SCMP.

Thiết bị này đưa vào hoạt động như một phần của chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự của chính phủ, một người trong Quân đội Trung Quốc giấu tên nói với SCMP. Chính sách này tìm cách thúc đẩy phát triển quân sự với sự hỗ trợ của khu vực dân sự và tư nhân.

Thủ tướng Thái tuyên bố không từ chức

Reuters đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông sẽ không từ chức sau khi hàng chục nghìn người xuống đường bất chấp việc vi phạm các lệnh cấm biểu. Trước đó, ông Prayuth đã ban hành các biện pháp khẩn cấp chống biểu tình kéo dài tới 30 ngày.

Sau cuộc họp nội các khẩn cấp, ông Prayuth nói với các phóng viên rằng luật sẽ được sử dụng để chống lại những người vi phạm lệnh cấm tụ tập với mục đích chính trị.

“Tôi sẽ không nghỉ việc”, ông nói. “Chính phủ phải sử dụng sắc lệnh khẩn cấp. Chúng tôi phải tiếp tục vì tình hình trở nên bạo lực…Lệnh sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, hoặc ít hơn nếu tình hình dịu đi”.

Quốc vương Malaysia kêu gọi các chính trị gia ngừng gây bất ổn

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah hôm thứ Sáu đã kêu gọi các chính trị gia không kéo đất nước rơi vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa và thúc giục họ giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán và theo hiến pháp, theo Reuters.

Bình luận của nhà vua được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực giữa Thủ tướng Muhyiddin Yassin và lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim, chỉ bảy tháng sau một cuộc tranh cãi khác dẫn đến việc Muhyiddin thành lập chính phủ mới.

Vua Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah duyệt binh danh dự ở Putrajaya, Malaysia, ngày 31/8/2019 (ảnh: Reuters).

Anwar đã gặp nhà vua trong tuần này để chứng minh rằng ông có đa số phiếu bầy để thành lập một chính phủ mới với sự giúp đỡ của những người đã rời hàng ngũ chính quyền hiện tại. Nhưng các cuộc họp tiếp theo tại cung điện đã bị hủy do lệnh hạn chế di chuyển nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Các tay súng Pakistan hạ sát 14 nhân viên an ninh, phản đối dự án Vành đai Con đường

Một cuộc phục kích đã giết chết 14 nhân viên an ninh trong đoàn xe hộ tống các nhân viên của Công ty TNHH Phát triển Dầu khí (OGDCL) trên đường cao tốc ven biển ở quận Gwadar của Pakistan hôm thứ Năm (15/10), Nikkei đưa tin.

Các nhân viên của OGDCL, công ty lớn nhất Pakistan về giá trị vốn hóa thị trường, đang tiến hành một cuộc khảo sát địa chất để thăm dò khí đốt trong khu vực rộng 2.407 km vuông. Cuộc tấn công diễn ra tại khu vực Sarpat, cách cảng Gwadar 300 km về phía đông.

Theo Inter-Services Public Relations (ISPR), kênh truyền thông của các lực lượng vũ trang Pakistan, những người thiệt mạng trong vụ tấn công là 7 nhân viên thuộc lực lượng dân quân Frontier Corps và 7 nhân viên bảo vệ cho OGDCL.

Baloch Raji Ajoi Sangar, một tổ chức liên minh các nhóm ly khai dân tộc Baloch, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Cũng chính nhóm này đã tấn công Sở Giao dịch Chứng khoán Pakistan vào

tháng 6/2020 và đã cảnh báo Trung Quốc ngừng thực hiện các dự án Vành đai và Con đường ở tỉnh Baluchistan.

Nhật Bản không tham gia ‘Mạng Sạch’ của Mỹ

Tờ báo Yomiurit trích dẫn các nguồn tin cho biết hôm nay (16/10), Nhật Bản đã nói với Mỹ rằng Tokyo sẽ không tham gia kế hoạch của Washington nhằm loại trừ các công ty Trung Quốc, ít nhất là vào thời điểm này, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã công bố một bản cập nhật kế hoạch mang tên “Mạng Sạch” (Clean Network) cấm các nhà mạng cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây và các ứng dụng thiết bị di động có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-16-10-trung-quoc-tung-bay-uav-tan-cong-tu-sat-thu-tuong-thai-tuyen-bo-khong-nghi-viec.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.