Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 05/06/2020

Friday, June 5, 2020 8:29:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 05/06/2020

Thiên An Môn: Đài Bắc thách thức đảng Cộng Sản Trung Quốc nhìn nhận tội ác lịch sử – Tú Anh

Tại châu Á, hôm nay là ngày Đài Loan, Hồng Kông tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tại Tây phương, phong trào cáo buộc cảnh sát kỳ thị người da màu có nguy cơ lan rộng từ Mỹ đến Pháp. Đó là hai chủ đề thời sự quốc tế trên báo Pháp hôm nay.
Biểu tình chống kỳ thị màu da lan rộng
Với tựa “Bạo lực cảnh sát: sóng chấn động từ Mỹ lan đến Pháp”, Le Monde so sánh những cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ đòi công lý cho George Floyd với cuộc xuống đường tại Paris chiều thứ Ba 02/06/2020 đòi truy tố những hiến binh Pháp bị cáo buộc gây tử vong cho một thanh niên da đen, Adama Traoré, vào tháng 07/2016.
Cội nguồn phải chăng là do kỳ thị người da đen ? Le Monde không đưa độc giả vào tranh cãi. Trái lại, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến nỗ lực của một phong trào công dân tại Pháp từ 4 năm nay, nỗ lực bài trừ tệ nạn kỳ thị người da đen trong một bộ phận cảnh sát viên da trắng và những khác biệt giữa hai hồ sơ.
Tại Mỹ, George Floyd được giảo nghiệm xác nhận đã chết do hành động bóp cổ của một trong bốn nghi can. Tại Pháp, ba kết quả giảo nghiệm pháp y không quy kết trách nhiệm cho nhóm hiến binh câu lưu Adama Traoré. Thế nhưng, điều tương phản nhất là tại Mỹ, tổng thống Donald Trump đe dọa sử dụng quân đội chống biểu tình và bị chỉ trích. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lên án chủ nhân Nhà Trắng chia rẽ dân chúng. Bộ trưởng đương nhiệm Mark Esper cũng không đồng ý sử dụng quân đội, còn cựu tổng thống Barack Obama khen ngợi vai trò tranh đấu của người dân đa đen “làm thức tỉnh” đất nước, là những phản ứng được Le Monde bình luận rộng rãi.
Le Figaro bổ sung: Cho dù phản ứng của quân đội Mỹ được thể hiện qua các sĩ quan hồi hưu nhưng thái độ bất bình này là yếu tố bất lợi và bất ngờ đối với Donald Trump. Ngay những sĩ quan cao cấp trung thành nhất với chính phủ cũng không sẵn sàng tuân lệnh Lầu Năm Góc một cách mù quáng, bộ trưởng Mark Esper báo trước. Libération, thiên tả, chạy tựa theo hướng nhân quả: Vụ George Floyd, Donald Trump gặt cơn bão lớn.
Trong khi đó, tại Pháp, chính quyền Macron ”giữ thái độ khiêm tốn, tránh thêm dầu vào lửa”. Le Monde nhấn mạnh phản ứng của bộ trưởng Nội Vụ Pháp, cam kết “sẽ nghiêm trị” mọi hành động bạo lực hay phát biểu mang tính kỳ thị sắc tộc trong lực lượng cảnh sát. Nhưng nổi bật hơn hết là thái độ dè dặt của đảng Xã Hội đối lập. Vụ Adama Traoré xảy ra vào thời lãnh tụ đảng Xã Hội François Hollande ngồi ở Điện Elysée. Tổng thư ký Olivier Faure lý giải là không để “trôi dạt” vào xu hướng ngầm chụp mũ cảnh sát là lực lượng kỳ thị.
Đài Bắc quật mồ chế độc tài của Tưởng Giới Thạch để cảnh tỉnh Bắc Kinh
Le Monde bắt đầu bài tường thuật “đào xới tội ác chế độ độc tài” với một trường hợp tiêu biểu cụ thể : Fred Chin, 71 tuổi, bị kết án 12 năm tù với tội danh khủng bố vào năm 1971. Đến tháng 7 năm 2019, nạn nhân bị án oan thời Quốc Dân Đảng độc tôn cầm quyền được tổng thống Thái Anh Văn của đảng Dân Chủ Tiến Bộ chính thức giải oan. Trong buổi lễ, trước hàng ngàn cựu tù nhân, vị tổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến đứng lên tuyên bố:  Một mảnh giấy tống quý vị vào nhà tù, cũng một mảnh giấy tuyên quý vị vô tội.
Thái Anh Văn, vào năm cuối nhiệm kỳ một, đã thề là “tận lực” thi hành “công lý chuyển tiếp” trong nhiệm kỳ hai theo nghĩa thanh toán nợ nần tội ác của chế độ Tưởng Giới Thạch đối với dân Đài Loan. Mục tiêu đi tới không phải chỉ để tưởng nhớ nạn nhân của chính sách “khủng bố trắng” (để phân biệt với Cộng Sản khủng bố đỏ) mà còn để chứng minh Đài Loan là chế độ dân chủ.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngăn cấm triệt để mọi sinh hoạt tưởng niệm biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989, Đài Bắc thách thức Bắc Kinh “xét lại sự kiện 04/06 và xin lỗi nhân dân một cách chân thành”. Tại Đài Loan, cuộc điều tra về tội ác của chế độ độc tài bắt đầu từ năm 2018, giải mật 70.000 hồ sơ, truy tìm tài sản kếch sù do Quốc Dân Đảng thu tóm bất chính, trao trả, bồi thường cho nạn nhân.
Theo chuyên gia Mỹ Thomas Shattuck, để giúp cho người dân Đài Loan có thể biết rõ sự thật như trường hợp Chilê và Nam Phi từ khi được dân chủ hóa, Đài Loan cần một đạo luật cho phép truy lý lịch của những nhân vật đang nắm các chức vụ trọng yếu “có dây mơ rễ má” với chế độ độc tài cũ. Biện pháp này sẽ gây nhiều đau đớn cho xã hội.
Tuy nhiên, mục đích của chính sách truy tìm sự thật lịch sử không phải để trả thù những kẻ gây tội ác. Fred Chin, sinh viên 17 tuổi, bị vu khống là đảng viên Cộng Sản trà trộn, xác định ông chỉ muốn “những kẻ hãm hại ông phải nói rõ chuyện gì đã buộc họ làm như vậy, và chỉ cần một lời xin lỗi mà thôi”. Tiếc thay, trong hồ sơ của Fred Chin chỉ ghi lại phần “thủ tục pháp lý” sau khi nạn nhân bị ép cung, mà không ghi phần cốt lõi: tên tuổi những kẻ tra tấn và đồng loã.
Nói đến Hồng Kông trong gọng kềm Trung Quốc, La Croix tóm gọn trong tựa ngắn: Tuần trăng mật Bắc Kinh-Luân Đôn tan vỡ. Tan rồi những hy vọng khi quyết định trao trả nhượng địa. Với bài phân tích dài “Hồng Kông những ngày u ám”, Le Monde bi quan “năm 2047 sẽ là dấu mốc mọi ảo vọng của Tây phương. Trung Quốc phồn vinh không đồng hành với một Hồng Kông dân chủ, tự do. Tập Cận Bình không thể dung tha cho mô hình kinh tế giàu mạnh đi đôi với tự do dân chủ là Hồng Kông và Đài Loan nằm sát nách Hoa lục. Tư tưởng Tập Cận Bình là “kinh tế, công nghiệp phát triển trong chế độ độc tài, không cần tự do dân chủ”.
Tuyên truyền Trung Quốc khai thác tận lực phong trào biểu tình bạo động tại Mỹ
Le Figaro cho biết, để biện minh cho chính sách đàn áp tại Hồng Kông, báo chí và bình luận gia Trung Quốc không ngần ngại khẳng định “cảnh sát Hồng Kông văn minh hơn cảnh sát Mỹ”. Trong bối cảnh Mỹ-Trung đọ sức từ thương mại cho đến đại dịch Covid-19, hình ảnh biểu tình bạo loạn tại Mỹ được truyền thông Nhà nước Trung Quốc khai thác triệt để.
Điều trớ trêu là giới nhà báo răm rắp tuân lệnh chế độ lại “lên lớp” Tây phương về tự do báo chí và thản nhiên khai thác thông tin trên Twitter bị tường lửa tại Hoa lục. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên lại có cơ hội bênh vực người da đen trong xã hội Mỹ bị kỳ thị màu da. Nhật báo thiên hữu của Pháp mỉa mai: ông Triệu không nhớ là hồi tháng Tư vừa qua, một loạt quốc gia châu Phi đồng phản đối Trung Quốc phân biệt đối xử với cộng đồng người châu Phi tại Quảng Đông, tập trung trong khu phố được đặt tên là “phố chocolat”.
Xin tạm đóng lại hồ sơ kỳ thị màu da với La Croix. Nhật báo Công giáo đặt câu hỏi với lãnh đạo một công đoàn cảnh sát Pháp và một giáo sư xã hội học. Hai nhân vật này gần như đồng quan điểm: Phải nắm rõ quy mô của vấn đề, không bao che, phải nhanh chóng điểu tra và nhanh chóng thi hành lệnh trừng phạt thủ phạm.
Trở lại thời sự Pháp, Liberation lo ngại: Tương lai nào cho 700.000 sinh viên sắp tốt nghiệp ? Đó là kế hoạch lớn mà tổng thống Macron sẽ thông báo vào tháng 7, dành cho thế hệ 24, 25 tuổi mới ra trường. Le Figaro nhấn mạnh ba lần “việc làm, việc làm, việc làm” trong bài xã luận. Les Echos tiết lộ một vài biện pháp: gia tăng tản quyền, chia sẻ trách nhiệm, treo tiền thưởng 8.000 euro cho công ty mỗi khi ký hợp đồng tuyển dụng một thực tập viên học nghề. Cổ vũ cho dự án này, La Croix kêu gọi nhân viên lớn tuổi, nghĩ đến lúc “bàn giao” trách nhiệm cho thế hệ trẻ.
Trong lãnh vực sinh thái và đại dịch, Libération có một bài phóng sự dài về thị trường thú hoang dã: Thịt khỉ, tê tê, heo vòi, dơi vẫn phát đạt. Tại Phi châu, nạn phá rừng càng lớn, thú rừng càng bị săn bắt. Giá một đùi hưu cao cổ không dưới 130 đô la. Không quy buộc, nhật báo thiên tả mượn lời than thở của hiệp hội “Robin des bois” (Lâm tặc nghĩa hiệp) ở Gabon để kết luận: cặp rằn Trung Quốc ăn cả vòi voi nấu ra-gu.

Tin tổng hợp
(RFI) – Thảm họa sinh thái tại Bắc Cực thuộc Nga.
20.000 tấn nhiên liệu trong một bồn chứa lớn đã thất thoát ra sông Ambarnaïa, một con sông nhỏ ở vùng Bắc Cực thuộc Nga, trước khi lan đến một hồ lớn ở phía bắc thành phố cực bắc Norilsk. Chính quyền đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp. Vụ thất thoát nhiên liệu, được thông báo vào thứ Sáu 29/05/2020, nhưng cho đến nay, chính quyền cũng như các chuyên gia sinh thái chưa xác định được nguyên nhân tai nạn. Thành phố Norilsk được xây dựng trên một lớp đất bị đóng băng thường xuyên. Phải chăng lớp đất này đã tan ra do khí hậu nóng lên? Đây là giả thuyết đang gây lo ngại.
(AFP) – Iran và Mỹ trao đổi tù nhân.
Việc trao đổi diễn ra vào hôm qua, 04/06/2020, mặc dù quan hệ hai bên vẫn căng thẳng. Trong một tin nhắn, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết là Michael White, một cựu quân nhân bị bắt tháng 7/2018
tại Iran sắp trở về với gia đình ở Mỹ. Teheran thì thông báo là nhà khoa học Iran Majid Tahéri bị giam giữ ở Mỹ đã được Washington trả tự do “cùng lúc” với ông Michael White.
(Reuters) – Pháp yêu cầu Iran trả tự do cho nhà nghiên cứu song tịch Fariba Adelkah.
Chính quyền Pháp ngày 05/06/2020, lại lên tiếng yêu cầu Iran trả tự do cho nhà nghiên cứu về nhân chủng học của viện Ceri, bị giam giữ một năm nay tại Iran. Tổng thống Pháp trong một tin nhắn Twitter cho là “đã đến lúc bà Fariba Adelkah bị bắt tùy tiện ở Iran phải được tự do”.
(AFP) – Covid-19: Liên Hiệp Quốc kêu gọi dành vắc-xin Covid-19 cho mọi người.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào hôm qua, 04/06/2020, đánh giá là vắc-xin tương lai chống virus corona chủng mới phải được xem như tài sản chung của thế giới và phải đến tay mọi người. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã nêu nguyện vọng trên nhân cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến về vắc-xin Gavi, đã thu được 8,8 tỷ đô la cho vắc-xin nói chung. Thượng đỉnh này tập hợp hơn 50 nước, và được 35 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham dự.
(AFP) – Paris bác bỏ thông tin về lãnh đạo đối lập Venezuela tị nạn trong đại sứ quán Pháp.
Hôm qua, 04/06, ngoại trưởng Venezuela khẳng định lãnh đạo đối lập Juan Guaido đang có mặt tại đại sứ quán Pháp, và một thủ lĩnh đối lập khác đang ở trong tư dinh của đại sứ Tây Ban Nha. Hồi đầu tuần, tổng thống Venezuela nêu khả năng lãnh đạo đối lập đang ẩn náu trong một sứ quán nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin về ông Juan Guaido đã bị chính quyền Pháp bác bỏ. Bộ Ngoại Giao Pháp khẳng định khủng hoảng chính trị tại Venezuela « chỉ có thể giải quyết thông qua con đường dân chủ, và bầu cử tự do, minh bạch ».
(Reuters) – Đức thông báo kế hoạch chấn hưng 130 tỉ euro.
Hôm qua, 04/06, liên minh cầm quyền tại Đức, do thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo, thông báo đã đạt được thỏa thuận về chương trình chấn hưng kinh tế trị giá 130 euro.Theo bộ trưởng Kinh Tế Đức, Peter Altmaier, đây là kế hoạch chấn hưng kinh tế quy mô lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 1949. Mục tiêu của chính phủ Đức là đưa nền kinh tế số một châu Âu trở lại với mức trước khủng hoảng, từ đây đến cuối năm 2022.

Điểm tin thế giới sáng 5/6:

Trang web của Nga nhấn mạnh Đài Loan

là quốc gia độc lập; Người Hồng Kông

tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (5/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trang web của Nga nhấn mạnh Đài Loan là một quốc gia độc lập
Coronavirus Control, trang web của Nga cung cấp thông tin về đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên thế giới, đang liệt kê Đài Loan là một quốc gia và Hồng Kông, Ma Cao là các thực thể tách biệt với Đại lục, theo bản tin tối 4/6 của Taiwan News.
Tại mục tin về Đài Loan, trang web này đăng cờ Đài Loan kèm dòng tiêu đề “Virus corona hôm nay tại nước Đài Loan”. Đối với Hồng Kông và Ma Cao, họ cũng liệt kê hai vùng lãnh thổ này tách biệt với Trung Quốc với các tiêu đề “Virus corona hôm nay tại Hồng Kông” và “Virus corona hôm nay tại Ma Cao”.
Taiwan News cho hay, một điều thú vị là các nhân viên điều hành trang web của Nga đã đưa từ “quốc gia” phía trước “Đài Loan” trong mục tin về hòn đảo này. Các nước còn lại trên trang web này chỉ xuất hiện với nguyên tên nước, ví dụ như mục tin dành cho Nga, được viết đơn giản là “Virus corona hôm nay ở Nga”.
Người Hồng Kông tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn
Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, hàng ngàn người Hồng Kông đã tập trung tại công viên Victoria tại Vịnh Causeway vào tối thứ Năm để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn cách đây 31 năm (4/6/1989 – 4/6/2020), Washington Post đưa tin.
Trước đó, viện cớ chống dịch viêm phổi Vũ Hán, chính quyền Hồng Kông đã cấm người dân tổ chức sự kiện này. Nhiều người tham gia sự kiện lo sợ rằng nếu Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia cho
Hồng Kông, đây có thể là lần cuối cùng họ được tham gia tưởng niệm những người đã hy sinh vì kêu gọi dân chủ và tự do cho Trung Quốc tại Thiên An Môn.
Reuters đưa tin, cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông những người cầm nến tưởng niệm nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn. Một phụ nữ 70 tuổi cho rằng hành động của cảnh sát Hồng Kông là vô lý, vì “chúng tôi chỉ tưởng nhớ những người đã mất vào ngày 4/6, những sinh viên bị giết chết. Chúng tôi làm gì sai? Suốt 30 năm qua chúng tôi đã đến đây một cách hòa bình và chính đáng”.
Iran: Số người nhiễm mới Covid-19 tăng cao kỷ lục
BBC dẫn tin từ Bộ Y tế Iran hôm thứ Tư cho biết, Iran ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm virus Vũ Hán và 59 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 và tử vong ở quốc gia Trung Đông này lên lần lượt là 164.270 và 8071. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Iran có số người nhiễm mới nCoV vượt quá 3.000, làm dấy lên lo ngại về đợt sóng dịch thứ hai.
Số ca nhiễm mới hôm thứ Tư là con số kỷ lục, trước đó, số người nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận ở Iran là 3.186 vào ngày 30/3.
Trước tình hình này, Tổng thống Iran tuyên bố rằng lệnh phong tỏa có thể được nối lại nếu người dân không tuân thủ các quy định về cách ly và vệ sinh.
Bộ trưởng kinh doanh Anh âm tính với nCov
Bộ trưởng kinh doanh của chính phủ Anh, Alok Sharma, nói rằng ông có kết quả âm tính với virus Vũ Hán, một ngày sau khi ông có biểu hiện giống như nhiễm Covid-19 trong cuộc họp với các nghị viên, theo Reuters.
“Kết quả thử nghiệm Covid-19 của tôi là âm tính”, ông Sharma thông báo trên Twitter. “Rất cảm ơn tất cả mọi người vì những tin nhắn đầy thiện ý trong 24 giờ qua và tôi cũng xin cảm ơn các nhà chức trách và nghị sĩ quốc hội vì đã hỗ trợ tôi trong ngày hôm qua”.
Mỹ xem xét dỡ lệnh cấm với hàng không Trung Quốc
Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ có thể cho phép một số chuyến bay chở khách của Trung Quốc được nối lại, sau khi Bắc Kinh hôm 4/6 thông báo dỡ lệnh cấm đối với các hãng hàng không Mỹ, Reuters dẫn tin các quan chức chính phủ và hàng không Mỹ cho biết.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ hôm 3/6 thông báo cấm máy bay chở khách Trung Quốc từ 16/ 6, đáp trả động thái của Bắc Kinh không cho phép hãng hàng không Mỹ nối lại chuyến bay đến nước này.

Điểm tin thế giới chiều 5/6:

18 nghị sĩ các nước

lập liên minh đối phó Trung Quốc

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (5/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
18 nghị sĩ các nước lập liên minh đối phó Trung Quốc
18 chính trị gia từ 9 cơ quan lập pháp hôm nay thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), theo tờ Time.
IPAC gồm 18 nhà lập pháp, trong đó có Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Robert Menendez. Các thành viên khác đến từ Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nghị viện châu Âu.
IPAC cho biết, liên minh có nhiệm vụ tăng cường hợp tác giữa các nhà lập pháp có cùng chí hướng để hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm sau: Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì và bảo hộ các quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, phát triển các chiến lược an ninh bổ sung (chi tiết).
Thủ tướng Singapore nói Trung Quốc không thể thay thế Mỹ
Tờ Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 4/6 nói rằng sức mạnh quân sự Trung Quốc không giúp nước này thay vai trò an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Dù sở hữu sức mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc sẽ không thể thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực”, ông Lý cho biết trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hôm 4/6.
Ông Lý cũng cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông khiến các quốc gia trong khu vực “luôn coi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là âm mưu thúc đẩy những tuyên bố đó”.
Tổng thống Philippines đe dọa giết tội phạm ma túy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay lặp lại lời đe dọa sẽ giết tội phạm ma túy, sau khi cảnh sát Philippines thu giữ 756 kg ma túy đá, theo Reuters.
Lô hàng vừa bị thu giữ có giá thị trường là 5,1 tỷ peso (khoảng 102,22 triệu USD). Đây là lô hàng có giá trị lớn nhất bị thu giữ kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy vào năm 2016.
“Nếu các người hủy hoại đất nước của tôi bằng cách phân phối 5,1 tỷ peso shabu, tôi sẽ giết các người”, Tổng thống Duterte nói. Shabu là cách gọi ma túy tại Philippines.
Ông Duterte không đề cập chi tiết nguồn gốc lô hàng nhưng cảnh báo Philippines đang trở thành một trung tâm vận chuyển cho những băng đảng ma túy Mexico. Tổng thống Philippines cũng vội vã lăng mạ các nhóm nhân quyền vì chỉ trích chiến dịch chống ma tuý của ông.
Triều Tiên tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã gặp đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Cũng theo kênh thông tấn này, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Triều Tiên.
Động thái trên của Triều Tiên diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Nhiều nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và các chính trị gia trên thế giới phản đối luật này, cho rằng nó sẽ làm xói mòn các quyền tự do của đặc khu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.