Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/06/2020

Saturday, June 6, 2020 2:13:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 06/06/2020

Tổng thống Donald Trump ‘sẽ rút bớt quân Mỹ từ Đức’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chuẩn y kế hoạch rút 9.500 lính Mỹ từ Đức về nước trước tháng Chín, theo báo chí Mỹ.
Mỹ và châu Âu bất đồng ngôn ngữ về Trung Quốc?
Trung Quốc có thể thay Mỹ dẫn dắt thế giới?
Thỏa thuận Mỹ – Taliban: Mỹ có thể rút dần quân khỏi Afghanistan
Ông Trump từ lâu than trách rằng các thành viên Nato phải bỏ thêm tiền cho quân đội.
Báo chí Mỹ nói ông muốn giữ quân Mỹ ở Đức chỉ khoảng 25.000 lính.
Căng thẳng Mỹ và Nato đã gia tăng dưới thời ông Trump.
Tổng thống Donald Trump cho rằng Nato đừng nên quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Báo Wall Street Journal nói hôm thứ Sáu, ông Trump chỉ đạo Lầu Năm Góc rút một phần ba lính Mỹ tại Đức.
Theo tờ báo, Bộ quốc phòng Mỹ cần chuẩn y kế hoạch trước khi thực hiện.
Nhà Trắng chưa xác nhận tin này.
Tuy vậy, người phát ngôn John Ullyot nói Hoa Kỳ “cam kết hợp tác với đồng minh lớn, Đức” về quốc phòng.
Năm ngoái, ngân sách quân sự và dân sự của Nato là 1,67 tỉ euro.
Lính Mỹ ở Đức là di sản thời hậu Thế chiến Hai khi quân đồng minh đóng tại Tây Đức.
Tại châu Âu, lính Mỹ đóng ở Đức là nhiều nhất, rồi tới Italy, Anh và Tây Ban Nha
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52950109

Hoa Kỳ không kích Taliban

sau khi lệnh đình chiến hết hạn

Tin Kabul, Afghanistan – Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên nhắm vào Taliban, kể từ khi lệnh đình chiến giữa nhóm phiến quân này và chính phủ Afghanistan kết thúc vào hơn 1 tuần trước.
Phát ngôn viên Sonny Leggett của quân đội Hoa Kỳ vào thứ Sáu, 5 tháng 6, cho biết hai vụ không kích diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tại các tỉnh khác nhau ở Afghanistan. Trước đó cũng trong ngày thứ Sáu, Bộ Nội Vụ Afghanistan nói 10 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhắm vào một xe Humvee quân sự. Chính quyền Kabul tin rằng vụ tấn công là do Taliban gây ra.
Vào tháng trước, Taliban bất ngờ thông báo đình chiến 3 ngày với Kabul nhân dịp lễ Hồi giáo Eid al-Fitr, và lệnh đình chiến này đã kết thúc vào ngày 26 tháng 5. Từ dịp lễ Eid al-Fitr đến nay, nạn bạo lực
nhìn chung đã giảm bớt trên khắp Afghanistan, và chính phủ Kabul nói nước này đã sẵn sàng để khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân.
Vào tháng 2 năm nay, Washington đã ký một thỏa thuận quan trọng với Taliban, cam kết sẽ rút quân hoàn toàn nếu Taliban bảo đảm không tấn công, nhằm mở đường cho việc đàm phán hòa bình giữa các bên đang tham chiến tại Afghanistan. Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Taliban nói rằng hai bên sẽ kềm chế không tấn công lẫn nhau, nhưng thỏa thuận này lại không bao gồm chính phủ Kabul. Kể từ khi thỏa thuận được ký, Taliban đã kềm chế không gây ra các vụ tấn công lớn tại các thành phố Afghanistan, nhưng vẫn tiếp tục nhắm vào lực lượng chính phủ địa phương.
Vào tháng trước, Ngũ Giác Đài tuyên bố sẽ khôi phục các vụ không kích nhắm vào Taliban nếu họ tấn công đối tác Afghanistan. Hoa Kỳ đã rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Afghanistan, nhưng vẫn còn để lại khoảng 8,500 quân tại nước này. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-khong-kich-taliban-sau-khi-lenh-dinh-chien-het-han/

Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tuyên bố rằng

Trung Cộng đang thúc đẩy các tuyên bố

chủ quyền dưới vỏ bọc coronavirus

Tin từ TOKYO, Nhật Bản – Vào hôm thứ Sáu (5/6), chỉ huy Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết Trung Cộng đang sử dụng coronavirus làm vỏ  để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thông qua một đợt gia tăng các hoạt động hải quân nhằm đe dọa các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển.
Trung tướng Kevin Schneider cho biết Trung Cộng gia tăng hoạt động ở Biển Đông với các tàu hải quân, tàu tuần duyên và một đội dân quân hàng hải gồm các tàu đánh cá chuyên quấy rối các tàu trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Trung Cộng cho biết các hoạt động hàng hải của họ trong khu vực là hòa bình. Nhật Bản là nơi tập trung lực lượng Hoa Kỳ lớn nhất ở châu Á, bao gồm một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, một lực lượng viễn chinh đổ bộ và các phi đội chiến đấu cơ.
Ngoài việc bảo vệ Nhật Bản, lực lượng Hoa Kỳ còn được bố trí để ngăn chặn Trung Cộng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, bao gồm cả Biển Đông. Những chỉ trích mới nhất của Hoa Kỳ về Trung Cộng được đưa ra khi các mối quan hệ trở nên căng thẳng giữa những cáo buộc của Washington, rằng Bắc Kinh không khuyến cáo Mỹ đủ nhanh về coronavirus.
Trung Cộng tuyên bố rằng những lời chỉ trích này là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm che đậy những sai lầm của chính họ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/chi-huy-quan-doi-hoa-ky-tuyen-bo-rang-trung-cong-dang-thuc-day-cac-tuyen-bo-chu-quyen-duoi-vo-boc-coronavirus/

Mỹ gửi tín hiệu gì qua công hàm Biển Đông?

Với động thái phản đối công khai và chính thức nhằm vào yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, giới quan sát nhận định với Tuổi Trẻ rằng Mỹ đang bắn tín hiệu cam kết lâu dài với an ninh ở vùng biển này.
Trong một thông báo trên Twitter ngày 2-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kelly Craft đã gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres một lá thư (một dạng công hàm), nhằm phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển.
“Yêu sách phi pháp” của Trung Quốc
Lá thư trên là một dạng công hàm (tạm dịch từ “diplomatic notes”) theo quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nêu quan điểm chính thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Cụ thể trong lá thư đề ngày 1-6, đại sứ Craft nêu rõ nội dung này nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 12-12-2019. Phía Trung Quốc khi đó đã phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.
Trong thư, bà Craft cho rằng phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách quá mức, phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách ấy “mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác”. Vì vậy “Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này”. Ngoài ra, đại sứ Craft khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét tới UNCLOS 1982.
Phía Mỹ cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ trong một dạng công hàm ngoại giao (note verbale) liên quan tới phán quyết của một tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) năm 2016, trong đó đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không tuân thủ phán quyết này.
Lá thư của bà Craft vừa qua được viết ở ngôi thứ nhất, gửi LHQ, và vì vậy được xếp vào dạng “demarche”, một dạng công hàm nêu quan điểm chính thức của Mỹ đối với các vấn đề quan tâm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, TS James Kraska – giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) – đánh giá rằng có sự khác biệt đáng chú ý về ngôn từ trong công hàm của Mỹ.
“Thay đổi lớn nhất trong ngôn ngữ mà tôi có thể thấy, là việc chính quyền Mỹ đã mô tả yêu sách của Trung Quốc bằng cụm từ “yêu sách phi pháp”, thay vì “yêu sách quá mức. Chữ “quá mức” ấy được đẩy mạnh dưới trào cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama. Hiện nay (sự thay đổi này) chứng tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn” – chuyên gia Kraska chỉ ra.
Tính thời điểm
Lá thư của phía Mỹ vừa qua có thể xem là động thái công khai bày tỏ quan điểm lên LHQ đáng chú ý nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump về Biển Đông, kể từ sau công hàm năm 2016 nêu trên. Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng trên nhiều phương diện. Vấn đề là vì sao Mỹ chọn hành động vào lúc này?
Đầu tiên, học giả Carl Thayer – giáo sư danh dự ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc – lưu ý rằng phải mất 6 tháng từ ngày 12-12-2019 (thời điểm Malaysia gửi công hàm), Mỹ mới ra một văn bản phản đối đáp lại công hàm của Trung Quốc. Vì vậy xét tính thời điểm, hành động này có thể mang ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang đặc biệt của Mỹ và Trung Quốc xung quanh đại dịch COVID-19.
Trong giai đoạn COVID-19, Mỹ và Trung Quốc đã có màn khẩu chiến liên quan tới nguồn gốc dịch bệnh, cũng như các màn căng thẳng, thậm chí chạm trán “thiếu an toàn” ở Biển Đông. Theo GS Thayer, thời gian qua tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến đi trong khuôn khổ chiến dịch hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FONOPs), vì vậy gửi công hàm cũng là một cách Mỹ củng cố tính pháp lý, bảo vệ lý do cho các chuyến FONOPs của mình.
Điểm thứ hai, quan trọng hơn, ông Thayer phân tích rằng câu chuyện COVID-19 cũng càng đẩy mạnh tâm lý chống Trung Quốc trong chính quyền ông Trump, Quốc hội Mỹ cũng như dư luận Mỹ. Vì vậy Mỹ quyết định hành động vào lúc này.
Như vậy, Mỹ có vẻ đã bày tỏ lập trường trong cái gọi là “cuộc chiến công hàm”, vốn dĩ cũng chứng kiến Indonesia, Việt Nam và Philippines phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Kịch bản về một mặt trận pháp lý ở Biển Đông giữa một bên ủng hộ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, và một bên ngó lơ phán quyết căn cứ theo UNCLOS 1982, đã dần rõ ràng hơn.
Khích lệ tôn trọng phán quyết Tòa trọng tài
Có thể nói lần đầu tiên Mỹ gửi một văn bản như vậy để phản đối các yêu sách của Trung Quốc thể hiện trong công hàm ngày 12-12-2019.
Văn bản này nối tiếp các văn bản của Philippines, Việt Nam và Indonesia thể hiện quan điểm trước báo cáo thềm lục địa mở rộng của Malaysia ngày 12-12-2019. Tất cả các văn bản liên quan của các quốc gia này đều phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Điều này hàm ý Mỹ ủng hộ các quan điểm của các quốc gia ASEAN trên, và kiên quyết chống lại các yêu sách biển trái với luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trong các văn bản liên quan của Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Mỹ mới đây đều thống nhất ở hai điểm chính. Thứ nhất, phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thứ hai, tỏ ý tôn trọng và viện dẫn phán quyết 2016 của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Điều này rất quan trọng bởi vì Trung Quốc luôn tỏ ý coi thường phán quyết này mặc dù luôn miệng nói tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS. Tuyên bố của Mỹ sẽ khích lệ nhiều quốc gia ASEAN trong việc viện dẫn và tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chờ xem ngoài việc tuyên bố, Mỹ cần có các hành động cụ thể để giúp đưa phán quyết 2016 vào thực tế ra sao.
Hoàng Việt (chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Đại học Luật TP.HCM) – Duy Linh ghi
http://biendong.net/dam-luan/35105-my-gui-tin-hieu-gi-qua-cong-ham-bien-dong.html

Phản đối lên LHQ,

Mỹ đẩy mạnh thách thức TQ trên Biển Đông

Rạng sáng qua (3.6), viết trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo nước này vừa gửi văn bản kháng nghị lên Liên Hiệp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bước ngoặt mới
Cụ thể, nội dung văn bản (tạm gọi là công hàm), do Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đứng tên, đã nêu rõ rằng: Liên quan Công hàm số CML/14/2019 ngày 12.12.2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại LHQ gửi Tổng thư ký LHQ nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa cùng ngày 12.12.2019, thì phía Mỹ khẳng định: Nước này bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Văn bản của Mỹ gửi lên LHQ vẫn tránh đề cập chủ quyền chính thức của các thực thể cụ thể trên Biển Đông. Điều này phù hợp với chiến lược của Washington là hình thành một liên minh pháp lý ở Đông Nam Á liên quan Biển Đông nhằm chống lại yêu sách của Trung Quốc
Mỹ yêu cầu gửi công hàm phản đối trên đến tất cả thành viên của LHQ, đồng thời đăng tải công khai trên website của văn phòng pháp chế LHQ.
Trả lời Thanh Niên ngày 3.6, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Việc Mỹ đưa kháng nghị lên LHQ là một điểm đánh dấu về ngoại giao dựa trên luật quốc tế và điều lệ của LHQ. Như thế, Mỹ đã chính thức tuyên bố phản đối việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông”.
Theo ông Schuster, động thái của Mỹ còn nhằm khuyến khích các nước liên quan Biển Đông sẽ sử dụng các phương thức pháp lý trước những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Hồi sinh nỗ lực pháp lý
Phải hành động nhiều hơn nữa
Động thái của Mỹ là rất quan trọng vì Trung Quốc vẫn luôn tìm cách thống trị khu vực bằng những chiêu trò giảng giải luật pháp quốc tế dựa trên lợi ích riêng. Chính vì thế, việc Washington phản đối lên LHQ là cần thiết, nhằm đảm bảo các quyền tự do hàng hải. Mặc dù vậy, nếu chỉ phản đối như thế thì chắc chắn không đủ để vô hiệu hóa các chiêu trò của Bắc Kinh, mà Washington cần phải hành động nhiều hơn nữa.
TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Tương tự, trả lời Thanh Niên cùng ngày 3.6, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đánh giá: Văn bản của Mỹ gửi lên LHQ vẫn tránh đề cập chủ quyền chính thức của các thực thể cụ thể trên Biển Đông. Điều này phù hợp với chiến lược của Washington là hình thành một liên minh pháp lý ở Đông Nam Á liên quan Biển Đông nhằm chống lại yêu sách của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc chọn cách ký kết một phần Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và chọn cách thể hiện “đường lưỡi bò” một cách mơ hồ. Ký kết UNCLOS 1982, nhưng Bắc Kinh lại diễn giải tuyên bố chủ quyền nặng tính chủ quan về đường cơ sở quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…
“Giờ đây, phản ứng của Mỹ kết hợp cùng động thái của nhiều nước khác có thể hồi sinh cuộc chiến pháp lý, cụ thể là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 – vốn dĩ bị Trung Quốc và chính Philippines phớt lờ. Tuy nhiên, dù cuộc chiến pháp lý đến đâu thì cũng khó ngăn chặn việc Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố hạ tầng và cơ sở quân sự trên Biển Đông để thực hiện chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận”, GS Sato bình luận.
Washington sẽ có biện pháp trừng phạt ?
Hai mục đích của Washington
Động thái của Mỹ bao hàm hai mục đích. Về mặt ngoại giao, đây là cách thu hút sự chú ý về những khía cạnh phi pháp trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhằm gây thêm áp lực cho Bắc Kinh. Về mặt pháp lý, động thái này của Mỹ nhằm thiết lập một hồ sơ về sự phản đối của Washington đối với các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Điều này rất quan trọng khi Trung Quốc liên tục có nhiều chiêu trò để “phù phép” yếu tố pháp lý liên quan chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải – AMTI, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: Động thái của Mỹ thể hiện nhận thức và quyết tâm trong việc can thiệp vào Biển Đông, nên nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường áp lực nhằm vào Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Như thế thì Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt? Nếu có thì kịch bản của biện pháp trừng phạt như thế nào? Có thể, Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng khỏi các cơ sở mà Bắc Kinh đang phát triển hạ tầng trên Biển Đông. Trong giải pháp này thì gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ từ chối và đây chính là lý do để Washington đưa ra phương án trừng phạt bằng cách chế tài về mặt kinh tế nhằm vào Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đang có sẵn một số cơ sở pháp lý để trừng phạt kinh tế Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông. Năm 2017 và 2019, các nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu 2 dự luật trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
Dĩ nhiên, ngoài các biện pháp trên, khó có chuyện Mỹ trừng phạt quân sự hay tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông, vì hành động như vậy ẩn chứa rủi ro rất lớn. Dù sao đi nữa, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ còn kéo dài.
Ngăn chặn Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông
Nội dung Mỹ đệ trình phản đối lên LHQ hoàn toàn phù hợp với những gì mà nước này đã xây dựng, đánh giá về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Việc Mỹ tiến hành động thái trên giữa bối cảnh hiện nay cũng bởi Trung Quốc gần đây liên tục có nhiều hành động thể hiện việc muốn lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông, điển hình như Bắc Kinh thành lập các cơ quan hành chính cấp quận, huyện để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Bàn về động thái của Mỹ sau khi đưa ra phản đối lên LHQ, cựu đại tá Schuster cũng nhận xét: “Công hàm của Mỹ còn nhằm thiết lập sự giảng giải theo luật pháp quốc tế nhằm củng cố cho những phản ứng ngoại giao, kinh tế, thương mại, quân sự… cần thiết mà Washington có thể sẽ đưa ra nhằm ứng phó những hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đây là bước đi đầu tiên trong việc mở đường cho hàng loạt biện pháp cần thiết, phối hợp cùng các nước khác chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ có thể ưu tiên áp dụng những công cụ kinh tế, ngoại giao”.
http://biendong.net/bi-n-nong/35103-phan-doi-len-lhq-my-day-manh-thach-thuc-tq-tren-bien-dong.html

Bộ Tư Pháp Mỹ kiện

công ty Trung Quốc bán khẩu trang giả

Hải Lam
Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện một công ty Trung Quốc vì bán gần nửa triệu chiếc khẩu trang không đạt chuẩn cho nước này, theo AFP hôm 6/6.
Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang ở Brooklyn, New York, Bộ Tư pháp cho biết công ty In ấn và Bao bì King Year có trụ sở tại Quảng Đông đã vận chuyển ba lô khẩu trang chuyên dụng N95 tới Mỹ hồi tháng 4. Công ty này đã nói dối rằng 495.200 khẩu trang mà họ chuyển đến đáp ứng tiêu chuẩn N95 và đã được Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH) chứng nhận.
Đơn khiếu nại cũng cho biết, nhà nhập khẩu đã trả hơn 1 triệu USD cho King Year.
“Các cáo buộc trong đơn kiện cho thấy sự coi thường trắng trợn sự an toàn [và sức khỏe] người dân Mỹ”, đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Douglas Korneski, phụ trách điều tra cáo buộc, cho biết trong một tuyên bố.
“Nếu đội điều tra không vào cuộc, bị cáo này (công ty In ấn và Bao bì King Year) sẽ khiến lực lượng phản ứng nhanh, nhân viên bệnh viện và các nhân viên y tế tuyến đầu khác trực tiếp chịu tổn hại do những thiết bị y tế giả này chỉ vì để bị cáo kiếm lời”.
Công ty Trung Quốc bị buộc 4 tội danh nhập khẩu các sản phẩm y tế không đạt chuẩn, giả nhãn mác và khai man với Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA). Mức tiền phạt tối đa cho mỗi tội danh là 500.000 USD, gấp đôi số tiền công ty thu được nhờ bán khẩu trang.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Nhiều quan chức trên thế giới đã chỉ trích giới chức Trung Quốc không làm tròn trách nhiệm, bưng bít thông tin khiến dịch bệnh cục bộ lan ra thành đại dịch toàn cầu.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn lợi dụng đại dịch để trục lợi, chủ động tích trữ vật tư y tế toàn cầu rồi bán lại với giá cao – có nơi gấp 10 lần giá thu mua. Song song, Trung Quốc cũng nỗ lực quảng bá hình ảnh “cứu giúp thế giới” bằng cách viện trợ một số thiết bị y tế cho các nước khác.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã phàn nàn về chất lượng khẩu trang cũng như các thiết bị y tế khác của Trung Quốc, trong đó có Croatia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ấn Độ, Phần Lan, Anh, Mỹ. Ủy ban châu Âu hôm 14/5 thông báo dừng phân phối 10 triệu khẩu trang Trung Quốc cho các quốc gia thành viên và Anh, sau khi hai nước phàn nàn về chất lượng của lô hàng này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-tu-phap-my-kien-cong-ty-trung-quoc-ban-khau-trang-gia.html

3 người Trung Quốc

bị kết án vì chụp ảnh căn cứ quân sự Mỹ

Minh Hòa
Ba công dân Trung Quốc đã bị kết án tù trong tuần này vì chụp ảnh bất hợp pháp bên trong một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại bang Florida.
Fox News đưa tin, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp ở quận Nam, Florida cung cấp thông tin này trong một bản thông cáo hôm thứ Sáu (5/6).
Thông cáo cho biết, Lyuyou Liao, 27 tuổi, đã bị kết án 12 tháng tù hôm 5/6, với tội xâm nhập trái phép vào căn cứ Không quân Hải quân trên đảo Key West vào ngày 26/12/2019, chụp ảnh và quay video các cơ sở quân sự ở khu vực Truman Annex (thuộc căn cứ Key West).
Theo Mianmi Herald, các công tố viên cho biết Liao khi đó đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại thành phố St. Louis với học bổng toàn phần từ chính phủ trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 4/6, Jielun Zhang, 25 tuổi, đã bị kết án 1 năm tù; và Yuhao Wang, 24 tuổi, bị kết án 9 tháng tù với các tội danh tương tự.
Zhang và Wang đã xâm nhập bất hợp pháp vào ngày 4/1/2020 và chụp ảnh cơ sở hạ tầng trong đảo Sigsbee Park và các thiết bị ở khu vực Trumbo Point thuộc căn cứ Key West. Cả hai thanh niên này đã lái xe đến khu căn cứ quân sự, bảo vệ nói với họ rằng họ không được phép vào nếu không có giấy tờ tùy thân của quân đội. Dù vậy, họ vẫn lái xe vào và bị bắt giữ 30 phút sau đó.
Khi bị bắt, Zhang và Wang đang theo học đại học Michigan, theo Miami Herald.
Fox News cho biết, trạm không quân hải quân Key West ở Florida đã xảy ra một số vụ xâm phạm những năm gần đây, trong đó các công dân Trung Quốc đã xâm nhập bất hợp pháp để chụp ảnh và quay video.
Một người quốc tịch Trung Quốc khác, Zhao Qianli, đã bị kết án 1 năm tù vào năm ngoái sau khi ông này thừa nhận đã chụp ảnh tại căn cứ hải quân Key West, theo Fox News.
https://www.dkn.tv/the-gioi/3-nguoi-trung-quoc-bi-ket-an-vi-chup-anh-can-cu-quan-su-my.html

Joe Biden đạt đủ số đại biểu,

giành đề cử ứng viên TT Mỹ của Đảng Dân chủ

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt đủ số đại biểu để chính thức giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào ngày thứ Sáu, chuẩn bị đối đầu với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Một ứng cử viên cần ít nhất 1.991 đại biểu để giành được đề cử. Ông Biden đã vượt qua ngưỡng này khi kết quả đến muộn vào thứ Sáu sau khi bảy bang và Địa khu Columbia, tức thủ đô Washington, tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống vào đầu tuần này.
Kết quả này mang tính thủ tục sau khi ông Biden gần như chắc chắn trở người được đề cử sau khi đối thủ chính của ông, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, rời khỏi cuộc đua vào tháng 4.
“Tôi vinh dự được cạnh tranh với một trong những nhóm ứng cử viên tài năng nhất mà Đảng Dân chủ từng có – và tôi tự hào nói rằng chúng ta đang tiến tới cuộc tổng tuyển cử này trong tư cách một đảng thống nhất,” ông Biden nói vào ngày thứ Sáu.
Cuộc đua của Đảng Dân chủ có lúc có sự góp mặt của hơn 20 ứng cử viên, với một số người bỏ cuộc khi cơ hội của họ mờ dần.
Ông Biden khởi đầu chậm chạp và giành được chiến thắng đầu tiên ở bang South Carolina vào cuối tháng 2.
Sau đó, một số ứng cử viên khác được xem là có lập trường trung dung hoặc ôn hòa bỏ cuộc ngay trước các cuộc bầu cử được gọi là Siêu Thứ Ba vào ngày 3 tháng 3. Đó là lúc có số lượng đại biểu cao nhất và ông Biden giành chiến thắng trong các cuộc đua trọng yếu.
Sau đó cuộc đua còn lại ông với ông Sanders, người được xem là một ứng cử viên có chủ trương cấp tiến.
Dù ông Sanders dẫn đầu sau các cuộc tỉ thí đầu tiên, ông Biden tận dụng sức bật từ những chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu Siêu Thứ Ba để giành chiến thắng trong các cuộc đua tiếp theo, nới rộng cách biệt dẫn đầu.
Ông Sanders rời khỏi cuộc đua vì không nhìn thấy con đường nào khác giúp ông giành được đề cử trong khi vụ bùng phát virus corona mới khiến cho việc vận động tranh cử và tiếp cận cộng đồng trở nên khó khăn.
Từng là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và sau đó là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã hứa sẽ chọn một người phụ nữ làm ứng cử viên phó tổng thống, với một số ứng cử viên người da đen đang được cân nhắc.
https://www.voatiengviet.com/a/joe-biden-dat-du-so-dai-bieu-gianh-de-cu-ung-vien-tong-thong-my-cua-dang-dan-chu/5452095.html

Tổng thống Trump:

Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh như phóng tên lửa

Hương Thảo
Tổng thống Donald Trump cho biết nền kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ tăng vọt ở mức kỷ lục trong tháng 5, bứt phá các kỳ vọng trước đó, tờ The Epoch Times hôm 6/6 đưa tin.
“Đây là một thời điểm tuyệt vời đối với đất nước chúng ta, một lời khẳng định về tất cả những gì mà chúng ta đã thực sự làm được trong ba năm rưỡi vừa qua”, Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 2,5 triệu việc làm vào tháng Năm khi 31 tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế và nới lệnh phong tỏa. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 13,3% từ mức 14,7% hồi tháng 4, tốt hơn nhiều so với dự kiến. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng hơn 700 điểm sau khi công bố báo cáo việc làm.
“Chúng ta đang mở cửa trở lại, và chúng ta đang mở cửa trở lại [nền kinh tế] bằng một tiếng pháo, dù chúng ta chỉ [hy vọng] về một chữ V”, Tổng thống Trump nói, đề cập đến sự phục hồi kinh tế hình chữ V, có nghĩa là nền kinh tế sẽ phải chịu một giai đoạn suy thoái sâu nhưng ngắn trước khi bật đà trở lại.
“Sự bật đà này tốt hơn cả chữ V. Nó giống như một vụ ‘phóng tên lửa’”, ông nhận định.
“Những con số báo cáo này rất tốt, nhưng những con số tốt nhất vẫn chưa xuất hiện, bởi vì rất nhiều khu vực vẫn còn đang bị đóng cửa hoặc bị đóng cửa một phần”, ông Trump nhấn mạnh, đồng thời thúc giục một số thống đốc các tiểu bang vẫn đang phong tỏa tái mở cửa lại nền kinh tế.
Số liệu do Bộ Lao động công bố mang đến hy vọng nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ đại dịch.
Số liệu việc làm đã giảm khoảng 22,1 triệu trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 do áp dụng các biện pháp phong tỏa gắt gao trên toàn quốc để kiềm dịch.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát ​​của Dow Jones dự kiến nước Mỹ sẽ chứng kiến thêm 8 triệu lao động mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 20%.
Ông Trump cho biết số liệu việc làm này đã gây sốc cho các nhà kinh tế và giới đầu tư.
“Warren Buffett vừa bán cổ phiếu các hãng hàng không”, ông Trump nói.
“Nhưng đôi khi ngay cả những người như Warren Buffett – dù tôi rất tôn trọng ông ấy – cũng có thể phạm sai lầm. Lẽ ra ông ấy nên giữ lại các cổ phiếu hàng không bởi các cổ phiếu này vừa vọt đỉnh trong ngày hôm nay, và các cổ phiếu khác cũng vậy”.
“Chúng ta sẽ thực sự bật đà trở lại cao hơn bao giờ hết vào năm tới. Và điều duy nhất có thể ngăn cản chúng ta là những chính sách tồi tệ. Thẳng thắn mà nói, đó là những chính sách tồi tệ của phe cánh tả trong việc thu thuế cao, bên cạnh các chính sách tăng trưởng xanh mới (Green New Deal)”.
Theo The Epoch Times
Hương Thảo dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-kinh-te-my-phuc-hoi-nhanh-nhu-phong-ten-lua.html

Tưởng niệm George Floyd

‘Hãy lấy đầu gối ra khỏi cổ chúng tôi!’

Phát biểu hôm thứ Năm tại buổi tưởng niệm George Floyd, nạn nhân bạo lực cảnh sát, Mục sư Al Sharpton nói cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình trên toàn quốc là thời điểm nước Mỹ phải nhận thức về vấn đề công lý và chủng tộc, ông lớn tiếng đòi: “Hãy lấy đầu gối ra khỏi cổ của chúng tôi!”
Tại lễ tưởng niệm George Floyd ở Minneapolis, thành phố nơi ông chết vì ngạt thở ngày 25/5, và tại khu Brooklyn, một địa điểm biểu tình dữ dội sau cái chêt của George Floyd, nhiều vòng hoa phúng điếu đã được gửi tới giữa lúc những người biểu tình kéo nhau xuống đường trong ngày thứ 10 liên tiếp, tại nhiều thành phố gồm Atlanta, thủ đô Washington, Denver, Detroit và Los Angeles.
Các cuộc biểu tình này về phần lớn diễn ra trong ôn hòa, khác với các cuộc biểu tình trước. Sự thay đổi này phản ánh quyết tâm của nhiều người biểu tình và những người trong ban tổ chức biểu tình trong những ngày gần đây nhằm biến sự phẫn nộ về cái chết của Floyd thành một phong trào dân quyền mới, nhằm cải cách hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ.
Tại thủ đô Washington, hàng trăm người nếu không muốn nói là hàng ngàn người đã tập hợp để tham gia cuộc biểu tình tại Đài tưởng niệm Tổng Thống Lincoln, nhiều người ngồi trên mặt đất nghe các diễn giả và cầu nguyện, thỉnh thoảng hô tên của nạn nhân – George Floyd, trước khi đám đông giải tán vì một cơn giông bão.
Một nhóm người khác tụ tập biểu tình gần Tòa Bạch Ốc, nơi một hàng rào bê tông được dựng lên để củng cố hàng rào xung quanh Tòa Bạch Ốc.
Đọc điếu văn tại một lễ tưởng niệm bên trong nhà nguyện của trường đại học ở thành phố Minneapolis, Mục sư Sharpton nói cái chết của Floyd khi bị ghim xuống đất dưới đầu gối của một sĩ quan da trắng – tượng trưng cho một trải nghiệm phổ biến về sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi.
“Lẽ ra Floyd không phải chết. Ông không chết vì bệnh tật, mà chết vì lỗi phổ biến của hệ thống công lý hình sự của Mỹ. Xin gọi tên George và hô: “Hãy lấy đầu gối ra khỏi cổ chúng tôi”.
Phần mặc niệm do mục sư Floyd dẫn đầu kéo dài đúng tám phút và 46 giây, thời gian Floyd bị cảnh sát viên Derek Chauvin ấn đầu gối vào cổ cho tới chết vì ngạt thở trên một con đường ở thành phố Minneapolis.
https://www.voatiengviet.com/a/tuong-niem-george-floyd-hay-lay-dau-goi-ra-khoi-co-chung-toi/5451149.html

Hoa Kỳ : Tiếp tục biểu tình rầm rộ

chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát

Thanh Phương
Ngày 06/06/2020, tại Hoa Kỳ sẽ lại có nhiều cuộc tập hợp đông đảo nhằm phản đối những bất bình đẳng sắc tộc và bạo lực cảnh sát, cùng lúc với một buổi lễ mới tưởng niệm George Floyd, mà cái chết đã gây ra một làn sóng phản kháng dữ dội trong những ngày qua.
Theo hãng tin AFP, truyền thông Mỹ cho biết là các cuộc tập hợp lớn sẽ diễn ra tại nhiều thành phố, đặc biệt là tại New York, Miami và Washington, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.
Sau buổi lễ đầu tiên tưởng niệm George Floyd tại Minneapolis hôm 04/06, một buổi lễ thứ hai sẽ được tổ chức hôm nay tại Raeford, bang North Carolina, quê của nạn nhân, đã chết vì ngạt thở do bị một cảnh sát da trắng đè chân lên cổ khi bắt giữ ông tại Minneapolis hôm 25/05.
Ngày càng có nhiều người phẫn nộ trước việc cảnh sát đã đàn áp thô bạo những người biểu tình ôn hòa. Những hình ảnh các vụ đàn áp này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng trong những ngày qua. Hai cảnh sát đã bị đình chỉ công tác do đẩy một người biểu tình 75 tuổi ngã mạnh xuống đất tại thành phố Buffalo, bang New York, trong khi người này lúc đó chỉ có một mình đối diện với hàng chục cảnh sát. Thống đốc bang New York đã yêu cầu sa thải hai cảnh sát này và biện lý ở địa phương đã mở điều tra.
Về phần tổng thống Donald Trump, ông lại tiếp tục gây tranh cãi khi tuyên bố thứ Sáu 05/06 là « một ngày trọng đại » đối với George Floyd, khi ông công bố với báo chí những số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm bất ngờ, trong khi nhiều người nghĩ là thất nghiệp sẽ tăng mạnh do tác động của dịch Covid-19.
Kể từ sau cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình phản đối, mà ban đầu đã kéo theo nhiều vụ cướp bóc, đốt phá tại nhiều thành phố, tổng thống Trump đã chọn thái độ cứng rắn, thậm chí dọa sẽ huy động quân đội để tái lập trật tự, đồng thời chỉ trích các thống đốc bang đã từ chối nhờ đến lực lượng Vệ binh Cộng hòa để đối phó với biểu tình.
Thái độ cứng rắn này đã bị ngay chính các cựu lãnh đạo quân sự, trong đó có cựu bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, chỉ trích. Bộ trưởng Quốc Phòng đương nhiệm Mark Esper, cũng giữ khoảng cách với tổng thống Trump, khi cho rằng không nên huy động đến quân đội.
Trong khi đó, tại Canada ngày 05/06, thủ tướng Justin Trudeau đã cùng với hàng ngàn người quỳ một gối trước trụ sở Quốc Hội nước này để bày tỏ tình liên đới với những biểu tình bên Mỹ chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-hoa-k%E1%BB%B3-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-r%E1%BA%A7m-r%E1%BB%99-ch%E1%BB%91ng-ph%C3%A2n-bi%E1%BB%87t-ch%E1%BB%A7ng-t%E1%BB%99c-v%C3%A0-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t

Người tị nạn Đông Nam Á ‘nợ người da đen’

Trinh Q TruongThành viên PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến
Tại Minneapolis, Minnesota vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, cảnh sát viên Derek Chauvin quỳ gối đè trên cổ người da đen George Floyd hơn tám phút trong khi ba cảnh sát khác đứng gác chung quanh; một trong ba là người Mỹ gốc Hmong.
Cái chết của George Floyd: Trung Quốc xuất hiện ‘vẻ vang’ nhờ các cuộc biểu tình ở Mỹ
30/04/1975: Vào Nam rồi ra đi, u tôi không về lại quê ngoài Bắc
Khi những người đứng ngoài la lối vì hành động của cảnh sát, và bắt đầu quay phim để buộc họ phải chịu trách nhiệm, Floyd thở hổn hển “Tôi không thở được.”
Các cuộc thảo luận về sự tàn bạo của cảnh sát, kỳ thị chủng tộc và đặc biệt là kỳ thị người Da Đen hiện đang vang dội khắp xã hội Mỹ, tạo ra các tranh luận sôi nổi thường xuyên gây chia rẽ do quan điểm chính trị khác nhau.
Có ý tưởng cho rằng những người da màu thường đoàn kết với nhau trong các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đặc biệt là kỳ thị chủng tộc.
Theo tôi đây phần lớn chỉ là một huyền thoại. Khi tội phạm chủng tộc nhắm vào người châu Á quanh COVID-19 gia tăng, chúng ta đã công khai phản đối sự kỳ thị chủng tộc nhắm vào cộng đồng mình, tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn không đoàn kết với những người biểu tình đòi quyền sống cho người Da Đen.
Làm sao chúng ta có thể đòi hỏi mọi người không có thành kiến với người châu Á trong khi chính chúng ta mang thành kiến với giống dân khác? Nếu chúng ta muốn người khác cùng đứng lên thì chúng ta phải đoàn kết với họ. Công bằng chủng tộc không đi đôi với cách suy nghĩ được thua.
Nhiều người Mỹ gốc Đông Nam Á đã im lặng về vấn đề kỳ thị người Da Đen do thành kiến chủng tộc.
Một số người đã ngoảnh mặt trước các vấn đề mà họ tin rằng không ảnh hưởng trực tiếp đến họ; do đó, là người ngoài cuộc họ được hưởng phúc lợi tuỳ theo mức gần gũi với người da trắng.
Nhiều người khác có thể tin vào cái huyền thoại về “nhóm dân thiểu số mẫu mực”, một khuôn mẫu có tính chia rẽ với mục đích che vai trò của nạn kỳ thị chủng tộc trong thành tựu về kinh tế và xã hội.
Khi thiếu hiểu biết hoặc phủ nhận rằng việc kỳ thị người Da Đen vẫn tồn tại, một số người ngụy biện rằng chính những người bị hành hung đã có lỗi khiến cánh sát phải sử dụng bạo lực.
Chúng ta đã chạy trốn khỏi Campuchia, Lào và Việt Nam do chiến tranh, sự áp bức của chính quyền và nạn diệt chủng, với hy vọng có thể bắt đầu cuộc sống mới ở các quốc gia không có bạo lực.
Khi hàng triệu người Đông Nam Á sống mòn mỏi trong các trại tị nạn và trôi dạt ngoài biển khơi, Hoa Kỳ đã tái định cư số lượng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử, giữa lúc có cuộc tranh luận có tính kỳ thị để đánh giá xem mạng sống của chúng ta có đáng được cứu hay không.
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, một cuộc thăm dò của Gallup hỏi người Mỹ rằng có nên thay đổi luật nhập cư để cho người tị nạn Đông Nam Á vào Hoa Kỳ hay không. Phần lớn người Mỹ, chính xác là 57%, phản đối đề nghị này. Đơn giản là việc chào đón chúng ta vào xã hội này nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.
Tuy bước đầu của chúng ta tại Mỹ không được nhiều người chấp nhận, nhưng nay đây đã trở thành nhà của chúng ta. Chúng ta phải nhớ ơn những người đã mở đường cho chúng ta tái định cư.
Hai thập kỷ trước khi những người tị nạn Đông Nam Á đầu tiên đến Hoa Kỳ, các nhà đấu tranh quyền dân sự Da Đen đã thúc đẩy sửa đổi các chính sách nhập cư và sự kiện này đã cứu chúng ta.
Thành công lớn nhất của họ là Đạo luật Quyền Dân sự vào năm 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử vào năm 1965. Những luật này quy định rằng sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử và chống kỳ thị chủng tộc là những chính sách chính thức của đất nước.
Phong trào đấu tranh quyền dân sự mở ra một mô hình buộc luật nhập cư phải thay đổi. Tổng thống Lyndon B. Johnson “dần dần nhận ra rằng luật nhập cư đầy tính kỳ thị chủng tộc đã có từ nhiều thập kỷ trước, và nhất là việc giới hạn số người được nhận vào dựa trên nguồn gốc quốc gia, không còn phù hợp nữa với các quyền dân sự và công bằng chủng tộc.” Do đó, Đạo luật Asian Exclusion Act (Luật Cấm Người Châu Á) từ năm 1924 đã bị bãi bỏ, và thay thế bằng Immigration and Nationality Act ( Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch ) vào năm 1965.
Luật này thiết lập những tiêu chuẩn nhập cảnh công bằng hơn và đã cho phép chúng ta tái định cư vì luật đặt ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình, nhập cư dựa trên kỹ năng và tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia cộng sản.
Các nhà đấu tranh người Da Đen cũng đã trực tiếp ủng hộ người tị nạn Đông Nam Á.
Bayard Rustin, một trong những nhà lãnh đạo đó và là người đồng tính, người đồng tổ chức cuộc diễn hành ở Washington, là thành viên của Ủy ban Công dân Quốc tế về người tị nạn Đông Dương của tổ chức International Rescue Committee.
Rustin đến thăm các trại tị nạn ở Thái Lan vào năm 1978, lắng nghe về những trải nghiệm nhọc nhằn của người tị nạn Campuchia, Hmong, Lào và Việt Nam.
Tổng thống Carter đã ủng hộ chính sách cứu những người tị nạn Đông Nam Á đã bị các quốc gia khác từ chối một phần nhờ vào sự vận động của Rustin.
Rustin cũng đảm nhiệm công tác khó khăn là thay đổi dư luận Mỹ. Nhờ cách tổ chức ở tầm quốc gia, ông đã thuyết phục được hơn 80 nhà đấu tranh Da Đen, nghiệp đoàn lao động, giới kinh doanh và trí thức công khai hỗ trợ việc tái định cư người tị nạn Đông Nam Á.
Họ đã mua một quảng cáo trên tờ báo New York Times số ra ngày 19 tháng 3 năm 1978, kêu gọi quyên góp cho International Rescue Committee và kết nối hoàn cảnh của người tị nạn với những người nghèo và người Mỹ Da Đen. Những nhân vật tên tuổi như Coretta Scott King, Mục sư Jesse Jackson, Daisy Bates, Hazel N. Dukes; và A. Phillip Randolph đã ký tên vào thỉnh nguyện này.
Rustin đã phải đối phó với sự chống đối của cộng đồng người Da Đen lo ngại sẽ bị người tị nạn cạnh tranh gia cư và những công việc làm vốn khan hiếm bằng cách giải thích theo tinh thần nhân đạo.
Ông đi xa đến mức gọi những người tị nạn Đông Nam Á đã bị đẩy vào tình trạng bất ổn là ” người vô hình”.
Người Vô Hình là tên một tiểu thuyết của nhà văn Da Đen trứ danh Ralph Ellison; người vô hình này không hiện hữu như một cá nhân, mà chỉ là một thành phần của các khuôn mẫu dựa trên định kiến.
Cộng đồng của chúng ta trong lịch sử đã sống kề bên các cộng đồng Da Đen khắp Hoa Kỳ. Một số thành viên của cộng đồng Đông Nam Á cũng thuộc vào cộng đồng Da Đen.
Chúng ta chung vai trong các cuộc đấu tranh để chống lại sự nghèo khổ, bị phân biệt đối xử và bạo lực cảnh sát.
Đây không phải để vẽ một hình ảnh sai lệch về sự chung sống hòa bình. Các thời điểm đau đớn khi các sắc tộc xung đột với nhau nhắc nhở cho chúng ta một quá khứ và hiện tại và qua đó chúng ta phải làm tốt hơn trước.
Cuộc đấu tranh để tái định cư của chúng ta đã kết thúc, nhưng cuộc chiến vì quyền dân sự của người Da Đen vẫn tiếp tục.
Vào tháng 5 năm 1978, Rustin đã viết về hoàn cảnh của người tị nạn Đông Nam Á: “Người Da Đen phải quen với những người này vì họ là: anh chị em, không phải kẻ thù và đối thủ cạnh tranh.”
Cộng đồng Da Đen đã giúp chúng ta, và chúng ta phải giúp lại họ: bây giờ đến lượt chúng ta đứng lên tranh đấu đòi quyền sống cho người Da Đen, không phải vì một khoản nợ cần trả, mà là vì chúng ta là người có liêm sỉ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bản gốc tác giả viết tiếng Anh, được Mai Như Bùi, thành viên PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, dịch tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52948363

Quốc Hội Hoa Kỳ soạn thảo các điều luật

liên quan đến tình trạng bạo lực của cảnh sát

Trong các cuộc biểu tình lan rộng trên toàn quốc sau sự kiện một viên cảnh sát giết ông George Floyd, những người biểu tình đang yêu cầu Quốc hội đưa ra các điều luật nhằm buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm vì những hành vi bạo lực và kiềm chế nạn kỳ thị chủng tộc.
Để phản ứng với lời kêu gọi này, các nhà lập pháp liên bang đang bắt đầu soạn thảo các dự luật liên quan đến việc này, đến nay đã có hơn một chục đề nghị khác nhau.
Vào thứ năm (ngày 4 tháng 6), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố rằng một ý kiến mới sẽ được đưa ra vào tuần tới để chấm dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc và sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát. Đồng thời, các nhóm Dân biểu da đen của Quốc hội (CBC) cũng đang dẫn đầu nỗ lực đưa ra các biện pháp cải cách cảnh sát và sẽ công bố các điều luật mới vào thứ hai (ngày 8 tháng 6).
Dân biểu Karen Bass, chủ tịch của CBC, cho biết hiện tại vấn đề lớn nhất đối với quốc gia là làm cách nào để buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm vì các hành vi của họ. Bà nói rằng các dự luật được đưa ra sẽ kết hợp một số cải cách, bao gồm một dự luật do Dân biểu Hakeem Jeffries đề nghị nhằm cấm cảnh sát kiểm soát nghi can bằng cách đè vào cổ.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tán thành dự luật của ông Jeffries trong một bài phát biểu tại Philadelphia vào đầu tuần này. Trong bối cảnh vấn đề bạo lực cảnh sát và sự kỳ thị chủng tộc được đặt lên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông Biden nói rằng luật pháp không thể chờ đợi cho đến khi một chính quyền mới được thành lập và kêu gọi các chính sách mới được đưa ra ngay lập tức. (BBT)
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-hoa-ky-soan-thao-cac-dieu-luat-lien-quan-den-tinh-trang-bao-luc-cua-canh-sat/

Bất chấp bạo lực tiếp diễn,

các nghị sĩ Đảng Dân chủ im lặng trước dự luật

dán nhãn Antifa là tổ chức khủng bố

Hương Thảo
Tất cả thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện đều từ chối thừa nhận tình trạng bạo lực do nhóm Antifa gây ra trong suốt các cuộc biểu tình và bạo loạn xảy ra gần đây sau khi một người da màu qua đời trong khi bị cảnh sát bắt giữ.
Trang Daily Caller đã liên lạc với tất cả các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện để hỏi xem liệu họ có xem xét soạn thảo một dự luật dán nhãn nhóm này là một tổ chức khủng bố hay không.
Antifa – một nhóm tự xưng là chống phát xít nhưng được đánh giá là phong trào của những kẻ cực đoan bạo lực – đã tham gia vào các cuộc biểu tình bạo loạn, cướp bóc và đốt phá của công kể từ sau cái chết của George Floyd – một người da màu qua đời khi bị một cảnh sát khống chế bằng cách ghì đầu gối vào cổ trong hơn 8 phút khi anh này bị còng tay trên mặt đất tại thành phố Minneapolis.
Tuần trước Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chỉ định Antifa là một tổ chức khủng bố, và nhóm này phải chịu trách nhiệm cho hàng chục cuộc biểu tình bạo loạn kể từ khi ông nhậm chức. Năm 2019, hai Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz và Bill Cassidy đã trình dự luật dán nhãn Antifa là một tổ chức khủng bố.
Khi trang Daily Caller hỏi ý kiến thượng nghị sĩ Cruz về sự im lặng của các nghị sĩ đảng Dân chủ đối với tình trạng bạo lực của tổ chức Antifa và dự luật của ông, ông Cruz trả lời:
“Thật đáng xấu hổ khi không một thành viên đảng Dân chủ nào đủ can đảm để thừa nhận một sự thật hiển nhiên: rằng Antifa là một tổ chức khủng bố tại Mỹ. Các thành viên Antifa đang gây bạo loạn và cướp bóc ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, và mọi thành viên đảng Dân chủ phớt lờ điều này đang vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình trong việc phục vụ người dân Mỹ. Chúng ta cần ngăn chặn bạo lực, chấm dứt bạo loạn, bảo đảm an toàn cho mọi người và chỉ đích danh các thành viên Antifa là những kẻ khủng bố”.
Hôm thứ Ba (2/6), nghị sỹ Cruz cho biết ông “rất vui mừng khi Tổng thống Trump hôm qua đã dẫn đầu đoàn đến Nhà thờ St. John”, nơi bị bị nhóm Antifa đốt cháy trước đó. Ông nói: “Điều quan trọng là Tổng thống đã ở đó và khẳng định rằng chúng ta sẽ không bị hăm dọa bởi những tên khủng bố”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Georgia, Kelly Loeffler, một nhà đồng giới thiệu dự luật này, chia sẻ với trang Daily Caller rằng bà không nghĩ đảng Dân chủ sẽ phê chuẩn dự luật bất chấp bạo lực đang tiếp diễn.
Trong một cuộc gọi hôm thứ Tư (3/6) với nghị sĩ Loeffler, Daily Caller đã hỏi quan điểm của bà về việc liệu bà có nghĩ rằng dự luật này có cơ hội nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ đảng Dân chủ hay không, thì bà phản hồi, “Tôi không nghĩ như vậy. Tôi không tin điều đó sẽ xảy ra”.
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ liệu có một nghị sĩ đảng Dân chủ nào đó sẽ xem xét dự luật của bà hay không, bà đáp:
“Tôi hy vọng họ [các nghị sĩ Dân chủ] sẽ làm vậy vì điều chúng ta cần làm là bảo vệ quyền lợi của những người dân muốn biểu tình một cách ôn hòa, trong bối cảnh sự hỗn loạn và bạo lực này, kèm theo những sinh mạng bị mất đi, hai cảnh sát, đang ngáng trở các cuộc biểu tình ôn hòa và những tiếng nói biểu tình đáng được lắng nghe. Vì vậy tôi hy vọng sẽ có những nghị sĩ Dân chủ sẽ đứng lên bảo vệ quyền lợi của những người biểu tình ôn hòa”.
Tham khảo Daily Caller
Hương Thảo dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bat-chap-bao-luc-tiep-dien-cac-nghi-si-dang-dan-chu-im-lang-truoc-du-luat-dan-nhan-antifa-la-to-chuc-khung-bo.html

Tổng thống Trump hoàn toàn đúng:

Antifa đã và luôn luôn là một tổ chức khủng bố

Bình luậnNguyên Hương
Một số nhà bình luận thiếu hiểu biết đã xem phong trào “Antifa” như là phong trào “chống phát xít có tổ chức nghiêm ngặt”, hoặc là tổ chức “chống lại chủ nghĩa phát xít”. Trên thực tế, đây là phong trào của những kẻ bạo lực cực đoan, bắt nguồn từ một triết lý sai lầm vào hồi đầu thế kỷ 20.
Bài xã luận của Washington Examiner cho rằng, khái niệm “chống phát xít” khởi đầu đã là sự lừa dối, và cho đến nay nó vẫn nguyên là sự lừa dối.
Các cuộc bạo loạn đang hoành hành tại các thành phố của Hoa Kỳ không phải là về hành vi sai trái của cảnh sát, mặc dù sự vô cảm và nhẫn tâm của cảnh sát dẫn đến cái chết của George Floyd đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình ôn hòa trong những ngày đầu. Nhưng bây giờ, sự việc đã trở thành “cái cớ” cho một loạt các hành động nổi loạn và cướp bóc chuyên nghiệp. Nhân cơ hội này, nhóm nổi loạn đã ngang nhiên phô trương bạo lực và để cho “bọn tay chân” của chúng sẵn sàng vi phạm pháp luật. Jared Monroe đã phát hiện ra điều này khi ông xâm nhập vào một nhóm bạo loạn ở Utah.
Chín mươi năm về trước, Liên Xô cũ đã tạo ra khái niệm ”chống phát xít” với mục đích tuyên truyền. Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy cần triển khai một thông điệp nhằm xoa dịu các nền dân chủ phương Tây “ngây thơ dễ tin”, và cũng nhằm “đánh lạc hướng” để họ không coi chủ nghĩa Bôn-sê-vích là một mối đe dọa.
Khái niệm “Chống phát xít” hoàn toàn phù hợp cho kế hoạch này. Nó tạo ấn tượng rằng chủ nghĩa Stalin không đối lập với lý tưởng của xã hội tự do. Đây là một công cụ thuyết phục hoàn hảo, một ứng dụng thực tế, sống động để ngụy biện một cách giả dối rằng: “Các bạn chống lại Đức quốc xã? Vậy thì, các bạn phải sát cánh với chúng tôi, hoặc ít nhất là phải cảm thông và tin tưởng vào chúng tôi”.
Hàm ý ở đây là ý tưởng rằng: Nếu các bạn không đồng tình với chúng tôi thì các bạn chắc hẳn là thiên về chủ nghĩa phát xít, vì vậy, bất kỳ hành vi bạo lực nào giáng xuống các bạn đều xứng đáng.
Với ý nghĩa này, “Antifa” đòi hỏi rằng khi những kẻ bạo động đội mũ trùm đầu đen xuống đường cướp phá đánh người trọng thương dưới danh nghĩa chống kỳ thị chủng tộc, chống kỳ thị giới tính, chống tham lam, tham nhũng, thì chúng xứng đáng nhận được sự cảm thông của người dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu nhiều người hơn nữa hiểu rằng mục tiêu lớn của chúng là dùng bạo lực để lật đổ chính phủ Hoa Kỳ, bãi bỏ doanh nghiệp tư nhân, đàn áp những tiếng nói phản đối mục tiêu và hành động bạo lực của chúng, thì liệu người dân Hoa Kỳ có còn dành “thiện cảm” cho chúng hay không.
Nhưng ít khi cái gọi là “chống phát xít” này có điều kiện phơi bày sự dối trá của nó. Chúng ta hiện đang trải nghiệm một trong những khoảnh khắc như thế. Trong bối cảnh loạn tượng này, chiếc mặt nạ của chế độ chuyên chế toàn trị đang được kéo xuống.
Có một từ dành cho những người chuyên dùng bạo lực để bịt miệng và đe dọa người khác vì lý do chính trị; hoặc cố gắng đe dọa mọi người, khiến họ hoảng sợ trong chính thành phố và thị trấn của mình; đó là từ “khủng bố”. Chúng tôi không thể nói chi tiết về tất cả các nhóm Antifa. Nhưng những nhóm và mạng lưới cụ thể liên quan đến việc tổ chức và thực hiện các hành động bạo lực trên đường phố Hoa Kỳ là những kẻ khủng bố trong nước. Những người ném đá và đánh người vô tội trên đường cũng tồi tệ như cảnh sát hay nhóm klan [nhóm gây hận thù] tệ hại nhất ở Mỹ – họ là những kẻ khủng bố. Và đây là bản chất thực của phong trào Antifa.
Chính phủ chính xác là để bảo vệ cuộc sống của con người và ngăn chặn bạo lực. Mục tiêu này bao gồm việc dập tắt các phong trào sử dụng bạo lực đường phố và các chiến thuật đe dọa như một biện pháp xâm phạm quyền của người khác. Đã đến lúc các tiểu bang ở Hoa Kỳ phải thực hiện trách nhiệm để đảm bảo sự tuân thủ luật pháp và trật tự xã hội, bằng cách bắt giữ và truy tố những kẻ bạo loạn ở mức tối đa trong khuôn khổ pháp luật.
Đối với việc Tổng thống Trump đề nghị luật liên bang phải xác định những tổ chức và những kẻ bạo động “Antifa” là khủng bố, thì đây quả là điều nên được xúc tiến.
Đây không phải là việc lên án các quan điểm cánh hữu hay cánh tả, thậm chí đối với cả những quan điểm cực đoan nhất. Đây không phải là việc ngăn chặn những ngôn luận gây tranh cãi. Đây chính là việc ngăn chặn bạo lực, các mối đe dọa, mà Antifa và những kẻ khủng bố khác sử dụng như vũ khí đầu tiên. Đây là về việc ngăn chặn những kẻ xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người khác. Antifa đã tổ chức các vụ đánh phá bạo lực và vi phạm luật pháp ở các thành phố như Berkeley và Portland; đôi khi, điều này đồng nghĩa với sự “gật đầu làm ngơ” từ chính quyền địa phương. Việc khoan dung trước bạo lực như vậy không thể tồn tại cùng với sự tự do thật sự.
Nhà sử học Norman Davies đã viết về thuật ngữ “chống phát xít” rằng nó “mang lại ấn tượng sai lầm rằng các nhà dân chủ có nguyên tắc hành xử theo luật pháp và có quyền tự do ngôn luận, có thể quan hệ thân thiện với những kẻ độc tài của giai cấp vô sản”. Đó cũng là sự dối trá để duy trì phong trào Antifa của ngày hôm nay, và nó đã bị phơi bày thông qua các hành động bạo lực và cướp bóc bởi các tín đồ antifa.
Nguyên Hương
Theo Washington Examiner
https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-trump-hoan-toan-dung-antifa-da-va-luon-luon-la-mot-to-chuc-khung-bo-43259.html

Thế lực nào đang gây ra sự hỗn loạn tại nước Mỹ?

Bình luậnXuân Trường
Cái chết của một người Mỹ da đen tên là George Floyd vào ngày 25/5/2020 đã thổi bùng lên làn sóng bạo lực chưa từng thấy. Những kẻ bạo loạn giả danh đòi Công lý cho George Floyd đã không kiêng dè tấn công bất cứ ai, từ cảnh sát cho tới dân thường và người biểu tình ôn hoà, đồng thời gây ra hàng loạt các vụ đốt phá, hôi của trên toàn nước Mỹ.
Liệu cái chết của George Floyd có nằm trong “kịch bản” hay không, hay nói cách khác, ai đang được hưởng lợi từ cái chết của George Floyd?
Câu trả lời tất nhiên là các thế lực tạo ra sự hỗn loạn và hủy diệt – tức là những phần tử chống nước Mỹ và chống chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Nước Mỹ càng hỗn loạn trong năm bầu cử bao nhiêu, truyền thông cánh tả dưới sự chi phối của quyền lực ngầm và ĐCSTQ càng cường điệu hóa thảm họa và đổ lỗi cho Tổng thống Trump bấy nhiêu.
Về mặt logic, điều này thật vô lý. Vì Tổng thống Trump không liên quan gì đến cái chết của George Floyd. Nhưng nó khởi tác dụng gián tiếp cho chiêu trò chính trị, khi truyền thông cánh tả sẽ tận dụng triệt để xoáy sâu vào cảm xúc của người dân Mỹ, khuếch đại nỗi sợ hãi, tức giận và thất vọng thành “cảm xúc” chống Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Truyền thông cánh tả sẽ xoáy sâu vào cảm xúc của người dân Mỹ, khuếch đại nỗi sợ hãi, tức giận và thất vọng thành “cảm xúc” chống Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Truyền thông cánh tả sẽ xoáy sâu vào cảm xúc của người dân Mỹ, khuếch đại nỗi sợ hãi, tức giận và thất vọng thành “cảm xúc” chống Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. (Getty)
Cứu nguy cho cú “vố miệng” của Joe Biden
Cái chết của George Floyd chỉ xảy ra ít ngày sau khi ứng cử viên Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden trả lời phỏng vấn một người da đen. Ông ta đã hớ hênh khi nói rằng: “You aint Black enough”, hàm ý là “Bạn không phải là người da đen nếu không bỏ phiếu cho tôi”.
Tất nhiên, cộng đồng người da đen đã phản ứng trước phát ngôn phản cảm này, và Đảng Dân chủ đã phải trải qua một phen kinh hoàng bởi bình luận “thiếu suy nghĩ” của Joe Biden. Đảng Dân chủ lo sợ rằng, họ có nguy cơ bị vuột mất những lá phiếu “đen” vào ngày 4/11, khi nhiều người Mỹ da đen sẽ dồn bỏ phiếu cho Donald Trump.
Vừa thật trùng khớp, một kịch bản dường như đã được “dựng sẵn” cho Đảng Dân chủ mà Truyền thông cánh tả hằng mơ ước: Cảnh sát da trắng giết người da đen ngay giữa ban ngày.
Đột nhiên bình luận hớ hênh của Joe Biden nhanh chóng bị lãng quên và truyền thông cảnh tả nỗ lực chuyển hướng đổ mọi “tội lỗi” cho Tổng thống Trump.
Vừa thật trùng khớp, một kịch bản dường như đã được “dựng sẵn” cho Đảng Dân chủ mà Truyền thông cánh tả hằng mơ ước: Cảnh sát da trắng giết người da đen ngay giữa ban ngày.
Một kịch bản dường như đã được “dựng sẵn” cho Đảng Dân chủ mà Truyền thông cánh tả hằng mơ ước: Từ một vụ việc xảy ra tại bang Minnesota, giờ đây những kẻ bạo loạn mượn danh nghĩa đòi Công lý cho George Floyd đã gây bạo loạn trên toàn nước Mỹ. Những kẻ khiêu khích cánh tả đã cổ vũ các “chiến binh” đập phá các cơ sở kinh doanh, đốt phá xe ôtô và các tòa nhà, gây ra tình trạng hỗn loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.
Bằng chứng gây sốc: Các cuộc nổi loạn có bàn tay dàn dựng
Bạo lực đã bùng phát ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ liên tiếp trong vài ngày qua báo hiệu cho sự bất ổn dân sự kéo dài trong những ngày tới. Cái chết của George Floyd là một thảm kịch, và hầu hết người dân Mỹ đều bày tỏ ôn hoà phản đối việc cảnh sát lạm dụng bạo lực quá trớn.
Các cuộc bạo loạn ngày càng phơi bày mặt tối cho thấy những bằng chứng về một thế lực ngầm đang cố gắng điều hướng sự phẫn nộ trước cái chết của George Floyd theo hướng bạo loạn rối ren như một cuộc “nội chiến”.
Các cuộc bạo loạn ngày càng phơi bày mặt tối cho thấy những bằng chứng về một thế lực ngầm đang cố gắng điều hướng sự phẫn nộ trước cái chết của George Floyd theo hướng bạo loạn rối ren như một cuộc “nội chiến”.
Cuộc bạo loạn phơi bày nhiều mặt tối cho thấy bằng chứng về một thế lực ngầm đang cố gắng điều hướng sự phẫn nộ trước cái chết của George Floyd theo hướng bạo loạn như một cuộc “nội chiến”. (Shutterstock)
Hãy bắt đầu từ vụ bạo loạn xảy ra ở New York, nơi người đứng đầu chính quyền tiểu bang là Thống đốc Andrew Cuomo thuộc Đảng Dân chủ đang trở nên bất lực hoặc cố tình bất lực, để những kẻ bạo loạn chiếm lĩnh đường phố, đốt phá và tấn công cả cảnh sát.
Theo ông John Miller, Phó ủy viên cảnh sát chịu trách nhiệm về tình báo và chống khủng bố của New York xác nhận, qua phân tích và điều tra đã có bằng chứng cho thấy nhóm bạo loạn lên kế hoạch chuẩn bị tấn công cảnh sát.
“Trước khi các cuộc biểu tình bắt đầu, những người tổ chức nhóm vô chính phủ đã lên kế hoạch tăng tiền bảo lãnh. Họ đã lên kế hoạch tuyển dụng các đội y tế trong trường hợp có cuộc tấn công xung đột với cảnh sát”.
Các nhà chức trách đã phát hiện một mạng lưới các trinh sát xe đạp phức tạp để hướng dẫn nhóm biểu tình bạo loạn đi theo các hướng khác nhau, nhằm mục đích có thể tập hợp các nhóm lớn hơn đến những nơi có thể dễ dàng thực hiện các hành vi phá hoại, thậm chí tấn công cả cảnh sát và đốt phá xe cảnh sát.
Rõ ràng đây không chỉ là đám đông giận dữ vô tâm mà những nhóm bạo loạn này đang được hướng dẫn và tổ chức có mục đích và điều này rất đáng báo động.
Tại Chicago, bà Thị trưởng Lori Lightfoot (Đảng Dân chủ) đã công khai thừa nhận rằng: “Không nghi ngờ gì nữa. Đây là một nỗ lực có tổ chức. Rõ ràng đã có những nỗ lực để biến tiến trình hòa bình thành một thứ gì đó bạo lực”.
Bà Lightfoot không nói rõ liệu các nhóm này có phải là tổ chức chống phát xít cánh tả thường được gọi là Antifa, hay là các băng đảng đường phố địa phương? Tuy nhiên, bà này đã yêu cầu FBI, Cục Thuốc súng & Chất nổ và Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ giúp đỡ, điều tra các nhóm ném bom xăng và đốt phá.
Các nhà chức trách ở bang Minnesota, nơi khởi nguồn các vụ biểu tình bạo lực đã tìm thấy một số vật liệu dễ cháy được sử dụng để gây bạo loạn.
Ông John Harrington, Ủy viên An toàn công cộng của bang  Minnesota cho biết: Một số vật liệu dễ cháy đã được tìm thấy ở các khu phố nơi đã xảy ra hỏa hoạn. Một số hàng rào chắn được dựng lên cách đây vài ngày. Cảnh sát bang Minnesota cũng tìm thấy những chiếc xe bị đánh cắp dùng để vận chuyển các vật liệu dễ cháy. Hàng hóa và vũ khí bị mất cắp cũng được tìm thấy trong những chiếc xe bị đánh cắp này.
Tại một số thành phố khác, các nhà điều tra cũng đã tìm thấy những chồng gạch được xếp gần hoặc ngay chính tại các địa điểm diễn ra biểu tình bạo động.
Cảnh sát tại thành phố Kansas thông báo rằng họ đã tìm thấy những viên gạch và đá tảng chất đống gần các địa điểm biểu tình xung quanh thành phố. Điều này dấy lên mối lo ngại rằng, các cá nhân hoặc các nhóm bạo động đã lên kế hoạch cướp bóc, phá hủy và tấn công thành phố vào cuối tuần qua.
Tại Baltimore, các quan chức thành phố đã phải phá dỡ các đống gạch và chai lọ tại trung tâm thành phố. Cảnh sát Baltimore xác nhận, họ đang làm việc với các đối tác thực thi pháp luật để tuần tra khu vực.
Tại một số thành phố khác, các nhà điều tra cũng đã tìm thấy những chồng gạch được xếp gần hoặc ngay chính tại các địa điểm diễn ra biểu tình bạo động.
Tại một số thành phố khác, các nhà điều tra cũng đã tìm thấy những chồng gạch được xếp gần hoặc ngay chính tại các địa điểm diễn ra biểu tình bạo động.
Tương tự, tại thành phố New York, người ta phát hiện thấy một đống gạch “ngẫu nhiên” xuất hiện tại St. Marks Place và Seventh Street, mặc dù không có công trường xây dựng nào ở gần đó. Và sau đó, số gạch này đã “được” những kẻ bạo loạn ở Manhattan sử dụng làm vũ khí tấn công dân thường và cảnh sát.
Tại thành phố New York, người ta phát hiện thấy một đống gạch “ngẫu nhiên” xuất hiện tại St. Marks Place và Seventh Street, mặc dù không có công trường xây dựng nào ở gần đó.
Tại thành phố New York, người ta phát hiện thấy một đống gạch “ngẫu nhiên” xuất hiện tại St. Marks Place và Seventh Street, mặc dù không có công trường xây dựng nào ở gần đó.
Ở Texas, một đống gạch lớn xếp chồng lên nhau trước tòa án ở Dallas. Có điều, những đống gạch khổng lồ này được đặt ngay trên đường mà những kẻ bạo loạn sẽ đi qua để vào thành phố Frisco.
Các thành phố Kansas, Dallas và Fayetteville ở Bắc Carolina đều xuất hiện những đống gạch ngay giữa trung tâm các cuộc biểu tình bạo động. Thật khó để tin rằng, những đống gạch pallet đã được dàn dựng này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên tại các địa điểm biểu tình trên khắp nước Mỹ, cho thấy mức độ lập kế hoạch và phối hợp các nhóm bạo loạn ở mức độ rất cao.
Đây là bằng chứng rõ ràng để khẳng định chính quyền Tổng thống Trump đang phải đối phó với một thế lực ngầm phức tạp hơn nhiều, và các nhóm biểu tình chỉ là những quân cờ biết “di động” mà thôi.
Với nền kinh tế vẫn chìm trong suy thoái bởi đại dịch virus Vũ Hán, và cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11 tới, những thế lực ngầm đang nuôi dưỡng cho sự tức giận và thất vọng sẽ dâng cao, kéo dài trong suốt mùa hè để thúc đẩy bạo lực trên toàn nước Mỹ khi ngày bầu cử cận kề.
Những thế lực ngầm đang nuôi dưỡng cho sự tức giận và thất vọng sẽ dâng cao, kéo dài trong suốt mùa hè để thúc đẩy bạo lực trên toàn nước Mỹ khi ngày bầu cử cận kề.
Những thế lực ngầm đang nuôi dưỡng cho sự tức giận và thất vọng sẽ dâng cao, kéo dài trong suốt mùa hè để thúc đẩy bạo lực trên toàn nước Mỹ khi ngày bầu cử cận kề. (Getty)
Những kẻ bạo loạn Antifa có đồng minh là nghị viên Đảng Dân chủ
Mượn danh nghĩa đòi công lý cho George Floyd, nhưng những gì mà nhóm người thuộc tổ chức Antifa cho thấy họ đã làm ngược lại.
Phá hủy tài sản không phải là một hình thức phản kháng hợp pháp. Đốt phá và bắn trả cảnh sát không phải là công lý. Cướp trắng trợn tại các cơ sở kinh doanh và tấn công dân thường không phải là hành động ôn hoà. Đây đều là những hành động khủng bố.
Trong bối cảnh cướp phá bạo loạn và chính quyền các tiểu bang (thuộc Đảng Dân chủ) dường như bất lực để cho tình trạng phá hoại trở nên liều lĩnh, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ liệt Antifa vào danh sách tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, có một thành viên Quốc hội Mỹ lại đang công khai ủng hộ tình trạng bất ổn dân sự và những kẻ bạo loạn đường phố, khuyến khích những hành động thù hận và ác ý “đội lốt” đòi Công lý cho người da màu. Đó chính là dân biểu New York Alexandria Ocasio-Cortez.
Dân biểu New York Alexandria Ocasio-Cortez công khai ủng hộ tình trạng bất ổn dân sự và những kẻ bạo loạn đường phố, khuyến khích những hành động thù hận và ác ý.
Dân biểu New York Alexandria Ocasio-Cortez công khai ủng hộ tình trạng bất ổn dân sự và những kẻ bạo loạn đường phố, khuyến khích những hành động thù hận và ác ý. (Getty)
Nữ dân biểu này đã hướng dẫn những kẻ biểu tình bạo lực cách che giấu danh tính như mặc trang phục màu trung tính và dài tay để che hình xăm, nhằm để được “dán nhãn” là biểu tình ôn hoà. Trong số những vật dụng mà nhóm bạo loạn được khuyến nghị mang theo gồm: Kính bảo hộ, khẩu trang và găng tay chịu nhiệt.
Ngoài ra, Ocasio-Cortez còn nhắc nhở quấn gọn tóc dài và không mang theo những thứ “nhạy cảm” để tránh bị bắt, bằng việc hiển thị hình ảnh con dao và ma túy. Thêm nữa, cô này cũng khuyến nghị những kẻ bạo loạn nên bỏ điện thoại ở nhà, hoặc nếu mang theo thì tắt Face/Touch ID trước, hoặc để chế độ máy bay. Tất cả các khuyến nghị này được đăng trên Twitter và Instagram thu hút tới 2,5 triệu lượt xem.
Bên cạnh đó, nữ dân biểu thuộc Đảng Dân chủ này cũng chỉ trích những người kêu gọi ngăn chặn tình trạng bất ổn dân sự. “Nếu bạn kêu gọi chấm dứt tình trạng bất ổn này, và nếu bạn kêu gọi chấm dứt tất cả những điều này, nhưng bạn không kêu gọi chấm dứt các tiền đề tạo ra tình trạng bất ổn, bạn là một kẻ đạo đức giả”.
Có điều, trong khi nữ dân biểu này lên tiếng bảo vệ những kẻ bạo loạn – mà theo cách suy lý của cô ta thì đó là những kẻ có đạo đức – vẫn tiếp tục đêm “hủy diệt” thứ tư liên tiếp bằng cách đốt cháy một nhà thờ tại Washington DC, phá hủy các di tích quốc gia và khiến một vài nhân viên mật vụ bảo vệ bên ngoài Nhà Trắng bị chấn thương.
Đảng Dân chủ: Để mặc tình trạng hỗn loạn và từ chối Vệ binh Quốc gia
Trong số hơn 40 thành phố đã xảy ra bạo loạn, thì có tới hơn một nửa trong số đó rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ bao gồm Los Angeles, New York, Chicago, Philadelphia, San Francisco, Detroit, Porland, Atlanta…. Điều đáng chú ý là, 22 thành phố này đều có thống đốc hoặc thị trưởng thuộc Đảng Dân chủ.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao sự “nhu nhược” và “bất lực” trước các nhóm biểu tình bạo lực đều rơi vào các tiểu bang do Đảng Dân chủ kiểm soát? Câu trả lời chắc chắn là: Đảng Dân chủ muốn tạo ra sự hỗn loạn, để mặc cho những kẻ bạo loạn đập phá các cơ sở kinh doanh và tấn công dân thường. Mục đích để tạo ra bầu không khí sợ hãi khiến hầu hết người dân Mỹ sẽ chọn cách tiếp tục “trú ẩn” trong nhà, còn các chủ doanh nghiệp không thể mở cửa trở lại do bị cướp bóc và phá hoại.
Hệ quả sẽ là: Phá sản, thất nghiệp, kinh tế tụt dốc trong năm bầu cử. Các thành viên Đảng Dân chủ tiếp tục “ván bài” chính trị sinh tử với Tổng thống Donald Trump như đã từng làm trong đại dịch: Để mặc người già chết trong các viện Dưỡng lão; Khai khống số người tử vong vì virus Vũ Hán, tạo ra sự sợ hãi để “khuyến khích” người dân tiếp tục ở nhà.
Khi các thành phố Mỹ liên tiếp phải hứng chịu các vụ trộm cắp, phá hoại và tấn công cảnh sát, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ gửi quân đội đến để khôi phục lại trật tự nếu các thống đốc tại những tiểu bang do Đảng Dân chủ kiểm soát cố tình không ‘làm gì’.
Hơn 20.000 thành viên thuộc Vệ binh Quốc gia đã được điều động tới 29 bang để đối phó với bạo lực leo thang, tuy nhiên tiểu bang New York không nằm trong số đó. Thị trưởng thành phố New York là Bill De Blasio cho biết ông không muốn có cảnh vệ xuất hiện tại thành phố của mình, trong khi Thống đốc Andrew Cuomo lại tuyên bố sẽ tôn trọng ý muốn của Thị trưởng.
Điều lạ, bang New York lại là “điểm đen” trong bản đồ tấn công của nhóm Antifa, khi thành phố New York “thất thủ” trước sự tấn công điên cuồng của thành viên tổ chức này. Bất chấp lệnh giới nghiêm, cảnh sát New York cho biết đã có gần 700 kẻ bạo loạn đã bị bắt, và một số sĩ quan cảnh sát cũng bị thương trong các vụ tấn công bạo lực này.
Bang New York lại là “điểm đen” trong bản đồ tấn công của nhóm Antifa, khi thành phố New York “thất thủ” trước sự tấn công điên cuồng của thành viên tổ chức này.
Theo số liệu của AP, có hơn 5.600 kẻ bạo loạn đã bị bắt giữ trong một tuần qua vì các hành vi phạm tội như trộm cắp, đập phá, chặn đường cao tốc và phá lệnh giới nghiêm.
Có điều, trong khi từ chối lực lượng Vệ binh Quốc gia mà Tổng thống Trump cử đến, để mặc cho đám bạo loạn đập phá, cướp bóc của dân thường, thống đốc Dân chủ lại tuyên bố những lời dối trá: “Đây là thời điểm để hàn gắn vết thương, để gắn kết mọi người, và cách tốt nhất để bảo vệ các quyền dân sự là tránh xa bạo lực leo thang”.
Phải chăng các quan chức của Đảng Dân chủ tin rằng bạo loạn và cướp bóc là “cuộc diễu hành ôn hoà”?
Truyền thông cánh tả: Các cuộc bạo loạn “gần như ôn hoà”
Truyền thông cánh tả vốn được coi là tứ đại tà quyền tại Mỹ khi hầu hết các tờ báo chính thống tại Mỹ đều thuộc về phe Dân chủ.
Truyền thông cánh tả vốn được coi là tứ đại tà quyền tại Mỹ khi hầu hết các tờ báo chính thống tại Mỹ đều thuộc về phe Dân chủ.
Khi những người Do Thái bị đánh đập và giết chết trong các cuộc bạo loạn ở Crown Heights (New York) vào năm 1991, biên tập viên hàng đầu của tờ New York Times lúc ấy là AM Rosenthal đã viết một bài báo sấm sét lên án bạo lực và những kẻ cổ vũ cho bạo loạn.
Rosenthal viết: “Dùng sự bất bình hoặc tưởng tượng ra như một cái cớ cho bạo lực sẽ không bao giờ được chấp nhận, không phải bởi người da đen hay người da trắng, không phải bởi truyền thông, không phải bởi Tòa thị chính, không phải bây giờ, mà không bao giờ”.
Gần 30 năm sau bài báo của ông, những cảnh tượng tương tự đã diễn ra trên khắp nước Mỹ: Những kẻ bạo loạn bắn chết và gây thương tích cho cảnh sát, dân thường bị tấn công, các cơ sở kinh doanh bị phá hủy, nhà thờ, sở cảnh sát bị đốt cháy… Nhưng các phương tiện truyền thông ngày nay đã đưa ra quan điểm hoàn toàn khác so với thời của AM Rosenthal.
Trong đại dịch virus Vũ Hán, nếu những người biểu tình ôn hoà bày tỏ sự thất vọng với lệnh phong toả hà khắc của bà Thống đốc Dân chủ Gretchen Whitmer (bang Michigan), thì hầu hết truyền thông cánh tả sẽ đồng loạt “bêu rếu” họ là những kẻ gây ra tình trạng hỗn loạn. Nhưng khi những kẻ biểu tình bạo lực đập vỡ cửa sổ và tấn công dân thường trong những ngày qua, truyền thông cánh tả cho rằng đó lại thuộc về phạm trù “công lý chủng tộc”.
Khi những người biểu tình ôn hoà yêu cầu tái mở cửa đất nước, thì truyền thông cánh tả nói họ gây ra tình trạng hỗn loạn. Nhưng đối với những kẻ biểu tình bạo lực, truyền thông cánh tả cho rằng đó lại thuộc về phạm trù “công lý chủng tộc”.
Khi The Times công bố các cuộc gọi khẩn cấp của người dân tới cảnh sát do bị nhóm bạo loạn tấn công, Ban biên tập của tờ New York Times mà khi xưa biên tập viên Rosenthal từng cống hiến không những không có nổi một bài báo phản đối bạo lực như ông, mà thậm chí chỉ xoa nhẹ bằng những ngôn từ “mị dân” dối trá kiểu như “bạo loạn và cướp bóc là đáng tiếc, nhưng là kết quả của sự bất bình chính đáng”.
Kinh khủng hơn, phóng viên Nikole Hannah-Jones của New York Times còn lập luận rằng, việc những kẻ bạo loạn phá hủy tài sản không phải là hành vi bạo lực mà là hoàn toàn hợp lý. Cô này thậm chí còn tuyên bố rằng, chỉ có những kẻ vô đạo đức mới lên án hành vi này.
New York Times cho rằng những bất bình tương tự, chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc điều tra liên bang tích cực, tước bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý cho cảnh sát… và tất nhiên bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.
Thậm chí một biên tập viên của New York Times còn chỉ trích lời hứa của Tổng thống Donald Trump sẽ chấm dứt bạo lực là “một cuộc đàn áp gay gắt đối với những người biểu tình đòi công lý chủng tộc” và viện cớ bạo loạn là “những cuộc biểu tình bất bạo động, đôi khi có đổ máu”.
Để đạt mục đích chính trị của phe cánh tả, những cây bút của tờ New York Times không ngần ngại đánh tráo khái niệm, đảo lộn giá trị tốt xấu, thiện ác khiến một bộ phận không nhỏ những người hùa theo ủng hộ những kẻ bạo loạn, cướp bóc.
Trong khi hãng tin AP cấm phóng viên sử dụng từ “cướp bóc”, NBC kiểm duyệt từ “bạo loạn” nhằm bảo vệ những kẻ côn đồ đang đập phá và đánh người, thì bình luận viên Chris Cuomo của CNN lại mô tả các cuộc bạo loạn là “một nhóm người thiểu số biểu lộ lời cầu xin tuyệt vọng mong được lắng nghe”.  Đứng trước một đồn cảnh sát đang bị đốt cháy, phóng viên Ali Velshi của đài MSNBC đã đưa tin cảm thán rằng, trong khi “các vụ hỏa hoạn đã được bắt đầu” thì những người biểu tình ở Minneapolis “nhìn chung không phải là những người ngang tàng”.
Năm 1991, biên tập viên kỳ cựu Rosenthal hiểu những gì mà những người kế nhiệm ông tại New York Times đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Ông hiểu rằng, bạo lực không phải là một cuộc cách mạng hay “đảo chính” mà là một nỗi khiếp sợ kinh hoàng…
Đảng Dân chủ “chính trị hoá” cảnh sát để “trói tay” lực lượng này
Rạng sáng 2/6, cựu cảnh sát trưởng da màu David Dorn (77 tuổi) đã bị những kẻ bạo loạn bắn chết khi ông đang cố ngăn cảm chúng cướp đồ trong một cửa tiệm tại bang Missouri.
Trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi và tôn vinh cựu cảnh sát trưởng David Dorn trên Twitter, thì hầu như các đảng viên Dân chủ lặng thinh trước cái chết của ông. Nghịch lý là, cùng chung màu da như George Floyd, nhưng David Dorn qua đời khi ông đang thực thi bảo vệ chính nghĩa, và bị sát hại bởi chính những kẻ bạo loạn do Đảng Dân chủ và truyền thông cánh tả đang ra sức o bế.
Trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi và tôn vinh cựu cảnh sát trưởng David Dorn trên Twitter, thì hầu như các đảng viên Dân chủ lặng thinh trước cái chết của ông.
Trong các cuộc trấn áp bạo lực toàn nước Mỹ, các sĩ quan cảnh sát đã bị bắn, bị tấn công bằng gạch, đá và bom xăng. Một cảnh sát bị bắn và thương nặng khi đang cố gắng giải tán đám đông bên ngoài sòng bạc ở Las Vegas. Bốn sĩ quan bị trúng đạn ở thành phố St. Louis (bang Missouri) bởi những kẻ biểu tình có vũ trang. Tại Atlanta, sáu cảnh sát đã bị buộc tội sau khi một đoạn video cho thấy họ kéo hai thanh niên ra khỏi xe trong các cuộc biểu tình. Và tại một cuộc biểu tình ở Buffalo (New York), một chiếc SUV đã lao thẳng vào một nhóm sĩ quan, khiến ba cảnh sát bị thương.
Manny Ramirez, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát địa phương Fort Worth cho biết: “Những cuộc biểu tình kiểu này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của các cảnh sát và tạo ra không ít áp lực”. Trong khi một lãnh đạo cảnh sát ở St. Louis nói rằng: “Chúng tôi cảm thấy mình như những con tốt trên bàn cờ. Như thể có hẳn một kế hoạch và chúng tôi đang bị cả hai bên xoay vần (chính quyền địa phương và đám biểu tình) để họ đạt được mục đích”.
Hiện giờ, tại các tiểu bang do Đảng Dân chủ kiểm soát, các thống đốc, thị trưởng dường như “bỏ lơ” việc kiểm soát tình hình, và để mặc cảnh sát phải đối đầu với đám biểu tình ngỗ nghịch. Đặc biệt tại bang New York, chính quyền của thống đốc Andrew Cuomo dường như bỏ rơi cảnh sát New York phải chống chọi lại với đám cuồng loạn tấn công, mà không có sự hỗ trợ của Vệ binh Quốc gia.
Thậm chí, bình luận viên Chris Cuomo – là em trai của thống đốc Andrew Cuomo còn trắng trợn bảo vệ những kẻ đập phá trênsóng CNN rằng: “Có quá nhiều người coi những cuộc biểu tình là vấn đề. Không. Vấn đề là những gì mà buộc những người dân này phải xuống đường. Đó là sự bất bình đẳng và không có công lý. Xin vui lòng chỉ cho tôi biết chỗ nào những người biểu tình phải lịch sự và ôn hoà. Cảnh sát mới phải là những người được yêu cầu phải ôn hoà, xuống thang và giữ bình tĩnh.”
Tình hình bạo loạn tại New York căng thẳng đến mức vừa qua Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát New York đã phải tweet cầu cứu: “Sở Cảnh sát New York đang bị mất kiểm soát thành phố. Chúng tôi không có vị lãnh đạo xứng hợp (thống đốc Andrew Cuomo). Những người đàn ông, phụ nữ bị ném gạch, xe ô tô bị đốt phá, và sự việc này diễn ra liên tục. Chúng tôi có lệnh giới nghiêm vào lúc 8h tối, nhưng bọn họ vẫn đang náo loạn trên đường. Tổng thống Trump đang theo dõi việc này. Tôi đang yêu cầu Tổng thống làm ơn, xin Ngài làm ơn gửi ngay nhân viên liên bang đến thành phố New York và theo dõi những gì đang diễn ra nếu thống đốc Andrew Cuomo không điều Vệ binh Quốc gia đến ngay lập tức, thì chính quyền liên bang xin hãy vào cuộc. Chúng tôi đang bị trói tay, chúng tôi đang bị buộc phải xuống thang (với nhóm bạo loạn).”
Các vụ đập phá, cướp bóc tài sản và gây ra các cuộc bạo động tại Mỹ hiện nay chủ yếu do các thành viên của nhóm Antifa, hiện được coi là một tổ chức khủng bố trong nước của chính phủ liên bang.
Sự tàn bạo của cảnh sát trước cái chết của George Floyd có thể có hoặc có thể không có động cơ chủng tộc, điều này thật khó chứng minh. Tuy nhiên, bên cạnh việc cảnh sát lạm dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì các hành vi cướp bóc, đốt phá, phá hoại và tấn công dân thường cũng phải bị truy tố bất kể tín ngưỡng hay màu da.
Trớ trêu thay, khi các thống đốc và thị trưởng thuộc Đảng Dân chủ phản ứng mạnh mẽ với bạo lực của cảnh sát, thì họ và các thành viên Quốc hội Dân chủ như nữ dân biểu Ocasio-Cortez lại tảng lờ các cuộc biểu tình phá hoại này. Điều này không khác gì tiếp tay cho đám đông vô pháp, vô chính phủ càng có “đất” để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đe dọa đến an ninh của tất cả mọi người.
Có điều là, khi chính quyền tiểu bang cố tình dung dưỡng cho nhóm bạo loạn Antifa sẽ dẫn đến nguy cơ cảnh sát buộc phải áp dụng các chiến thuật trị an mạnh mẽ hơn. Khi cảnh sát bị đẩy vào tình thế bị đám đông hung dữ tấn công, họ rất khó kiềm chế và buộc phải nổ súng tự vệ.
Điều này sẽ dễ dàng tạo cớ cho những thế lực “chống Trump” chụp mũ đổ thừa cho cảnh sát và chính quyền của Tổng thống Trump tàn bạo với dân thường. Tất cả đều nằm trong kế hoạch đã được các thế lực ngầm dự trù sẵn trong năm bầu cử này: Đó là phải bằng mọi giá ngăn không cho Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ hai…
Xuân Trường
https://www.ntdvn.com/chuyen-de/the-luc-nao-dang-gay-ra-su-hon-loan-tai-nuoc-my-42800.html

Mỹ tố cáo tin tặc và các phần tử nước ngoài

khích động căng thẳng

Jeff Seldin
Các đối thủ của Mỹ đang bắt đầu vũ khí hoá các cuộc biểu tình vốn đã làm tê liệt một phần nước Mỹ “để gieo rắc chia rẽ và bất đồng,” theo các giới chức thi hành luật pháp cấp cao Hoa Kỳ.
Các cuộc biểu tình phản đối cái chết của một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd trong lúc ông này bị cảnh sát da trắng khống chế đã khiến thế giới chú ý và được truyền thông Nga, Trung quốc và Iran ồ ạt đưa tin.
Bộ Tư pháp và FBI tố cáo một số nước đang có một bước thêm nữa, tích cực bóp méo tin tức để làm cho tình hình tại Mỹ tệ hại hơn.
“Tôi tin chúng tôi có bằng chứng rằng một số tin tặc và cácnhóm có liên hệ đến các chính phủ nước ngoài đang chú trọng đến tình hình đặc biệt của chúng ta hiện nay và cố gắng mọi cách làm cho tình hình xấu thêm,” Bộ trưởng Tư pháp William Bar nói trong một cuộc họp báo ngày 4/6 về những cuộc biểu tình.
Ông Barr cáo buộc các phần tử nước ngoài “dùng tất cả các bên để làm bạo động tệ hại hơn.”
Giám đốc FBI Christopher Wray từ chối chia sẻ thêm tin tức, dù ông dè dặt cảnh báo là bất cứ ai điều hành chiến dịch đưa thông tin sai lạc hay có những hoạt động gây ảnh hưởng làm tổn hại nước Mỹ sẽ không thoát khỏi trừng phạt.
“Các phần tử nước ngoài này nên biết là chúng ta theo dõi chúng rất chặt chẽ và đang chuẩn bị hành động nếu cần,” ông khuyến cáo.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-tin-t%E1%BA%B7c-v%C3%A0-c%C3%A1c-ph%E1%BA%A7n-t%E1%BB%AD-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i-kh%C3%ADch-%C4%91%E1%BB%99ng-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng/5451753.html

California cho phép trường học, phòng tập thể dục

và quán bar mở cửa vào tuần sau

California sẽ cho phép các trại hè, quán bar, phòng tập thể dục, khu cắm trại và các môn thể thao chuyên nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần sau.
Vào thứ sáu (ngày 5 tháng 6), tiểu bang đã công bố hướng dẫn mới cho các quận để mở lại một loạt các công ty đã bị đóng cửa từ giữa tháng 3 vì coronavirus. Các trường học tại tiểu bang cũng đã nhận được hướng dẫn để mở cửa trở lại vào học kỳ mùa thu. Các quy tắc dành cho trường học và trại hè sẽ áp dụng trên toàn tiểu bang. Tuy nhiên, lớp học sẽ rất khác khi học sinh đến trường vào học kỳ mùa thu.
Ngoài các yêu cầu về khoảng cách xã hội, tiểu bang có kế hoạch cung cấp cho mỗi trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em nhiệt kế, nước rửa tay, tấm che mặt cho mỗi giáo viên, khăn che mặt cho nhân viên và học sinh, và khẩu trang N95 cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại nhà trường.
Bên cạnh đó, tiểu bang cũng đề nghị học sinh, nhân viên và phụ huynh đến trường tại những thời điểm khác nhau để tránh tiếp xúc, cũng như các bữa ăn trưa được phục vụ ngoài trời hơn là trong các cafeteria. Hướng dẫn cũng kêu gọi các trường học tăng cường làm sạch và khử trùng – ít nhất là hàng ngày – các bề mặt trên xe buýt trường học và trong các tòa nhà, như tay nắm cửa, công tắc đèn, bàn và ghế học sinh.
Chỉ các quận đã đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19, khả năng xét nghiệm và sự chuẩn bị sẽ được phép bắt đầu mở lại các phần khác của nền kinh tế vào thứ Sáu tuần tới (ngày 12 tháng 6). (BBT)
https://www.sbtn.tv/california-cho-phep-truong-hoc-phong-tap-the-duc-va-quan-bar-mo-cua-vao-tuan-sau/

Thủ Tướng Canada quỳ gối trong cuộc biểu tình

chống kỳ thị chủng tộc ở Parliament Hill

Thủ tướng Justin Trudeau xuất hiện bất ngờ trong một cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ở bên ngoài tòa nhà quốc hội Parliament Hill vào hôm thứ Sáu (5 tháng 6), để lắng nghe các bài phát biểu từ các nhà hoạt động yêu cầu cảnh sát đối xử công bằng hơn đối với người thiểu số.
Thủ tướng Trudeau cùng đám đông đã quỳ gối trong 8 phút và 46 giây – khoảng thời gian một cảnh sát da trắng thành phố Minneapolis quỳ lên cổ ông George Floyd trước khi ông thiệt mạng. Người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu thiệt mạng trong khi bị cảnh sát bắt vào ngày 25 tháng 5. Cả bốn cảnh sát tại hiện trường đều phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Cảnh sát trưởng Mark Saunders của Toronto cũng quỳ gối trong một cuộc biểu tình ở thành phố đó vào ngày thứ Sáu.
Vào hôm thứ Sáu (5/6), thủ tướng Trudeau cố gắng hòa mình vào đám đông – nhưng camera TV và nhóm an ninh của cảnh sát hoàng gia Canada khiến khoảng 4,000 nhà hoạt động tập trung quanh Centennial Flame trên bãi cỏ ở Parliament Hill nhận ra sự hiện diện của ông. Thủ tướng Trudeau yêu cầu nhóm an ninh ngừng xô đẩy mọi người khi ông tiến gần đến sân khấu nơi các diễn giả đang phát biểu trước đám đông. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-canada-quy-goi-trong-cuoc-bieu-tinh-chong-ky-thi-chung-toc-o-parliament-hill/

Tổng Thống Jair Bolsonaro đe dọa sẽ rời khỏi WHO

trong khi cứ mỗi phút

có một người Brazil tử vong vì COVID-19

Tin từ BRASILIA, Brazil – Vào hôm thứ Sáu (5/6), Tổng thống Jair Bolsonaro đe dọa sẽ rút Brazil ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cơ quan Liên Hiệp Quốc này khuyến cáo các chính phủ châu Mỹ Latinh về nguy cơ hủy bỏ lệnh phong tỏa trước khi làm chậm sự lây lan của coronavirus mới trong khu vực.
Một kỷ lục mới của Brazil về số tử vong hàng ngày do COVID-19 gây ra đưa số người chết của họ vượt qua Ý vào cuối hôm thứ Năm, nhưng tổng thống Bolsonaro tiếp tục tranh luận về việc nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội, cho rằng chi phí kinh tế vượt xa rủi ro sức khỏe cộng đồng.
Các quốc gia đông dân của châu Mỹ Latinh, Brazil và Mexico, đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm mới cao nhất, và đại dịch cũng đang gia tăng ở các quốc gia như Peru, Colombia, Chile và Bolivia. Nhìn chung, hơn 1.1 triệu người châu Mỹ Latinh bị nhiễm bệnh.
Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo xem đại dịch nghiêm trọng hơn so với ông Bolsonaro, một số chính trị gia từng ủng hộ việc phong tỏa chặt chẽ vào tháng 3 và tháng 4 đang thúc đẩy các nền kinh tế mở cửa trở lại khi nạn đói nghèo gia tăng.
Trong một bài xã luận trên trang nhất của báo Folha de S.Paulio, nhật báo Brazil này nhấn mạnh rằng chỉ 100 ngày trôi qua kể từ khi tổng thống Bolsonaro mô tả virus “đang giết chết một người Brazil mỗi phút” là “một cơn cúm nhẹ”.
Vào cuối hôm thứ Năm (4/6), Bộ Y tế Brazil báo cáo rằng các trường hợp được xác nhận ở nước này vượt qua 600,000 và 1,437 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ, kỷ lục hàng ngày thứ ba liên tiếp. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-jair-bolsonaro-de-doa-se-roi-khoi-who-trong-khi-cu-moi-phut-co-mot-nguoi-brazil-tu-vong-vi-covid-19/

Liên tục đệ trình văn bản lên LHQ về Biển Đông

Gần đây, trước khi Mỹ gửi văn bản lên LHQ ngày 1.6 để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều bên đã có văn bản gửi LHQ để thể hiện quan điểm liên quan vùng biển này.
Ngày 12.12.2019: Malaysia có Công hàm số HA 59/12 đệ trình về thềm lục địa mở rộng của nước này tại Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Cùng ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tại LHQ phản đối đệ trình trên của Malaysia.
Ngày 6.3.2020: Philippines trình Công hàm số 000191-2020 phản đối CML/14/2019 của Trung Quốc, và Công hàm số 000192-2020 phản hồi Công hàm HA 59/12 của Malaysia. Ngày 23.3.2020, Trung Quốc trình Công hàm số CML/11/2020 phản đối Philippines.
Trung Quốc phản ứng công hàm của Mỹ
Trong cuộc họp báo ngày 3.6, khi được phóng viên đề nghị bình luận về thông báo trên Twitter ngày 2.6 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên quan việc Mỹ đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng: “Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp tại Biển Đông. Thay vì tuân thủ cam kết giữ lập trường trung lập liên quan đến những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Mỹ thường xuyên tìm cách gây rối tại Biển Đông, sử dụng việc khiêu khích quân sự và có hành động nhằm phá vỡ mối quan hệ giữa các nước trong khu vực”. Ông Triệu tuyên bố toàn bộ những điều này đều không giúp ích cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông, theo thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cũng vào ngày 3.6, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân đăng ảnh chụp bài viết của Ngoại trưởng Pompeo lên Twitter và tuyên bố: “Trái với cáo buộc vô căn cứ của Mỹ, những căng thẳng và bất ổn chắc chắn không xảy ra tại Biển Đông”. Ông Đặng nói rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông và không phải là thành viên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), “nên sự can thiệp của Mỹ tại Biển Đông chỉ đơn thuần nhằm mục đích chính trị và đi ngược lại với ý chí của các nước trong khu vực”. “Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ kiên quyết giữ vai trò chủ chốt nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong tầm tay chúng tôi”, ông Đặng viết.
Cùng ngày, báo điện tử Rappler của Philippines đưa tin rằng công hàm của Mỹ đã gia tăng sức nặng cho sự phản đối gần đây của các nước Đông Nam Á, chống lại các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông và hối thúc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016.
Vi Trân
Ngày 30.3.2020: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trình Công hàm số 22/HC-2020 để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông được nêu trong Công hàm CML/14/2019 và Công hàm CML/11/2020.
“Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
http://biendong.net/dam-luan/35101-lien-tuc-de-trinh-van-ban-len-lhq-ve-bien-dong.html

WHO khuyến cáo đeo khẩu trang

ở nơi đông người trong vùng dịch

Thụy My
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm 05/06/2020 đưa ra các khuyến cáo mới, theo đó nên mang khẩu trang tại những nơi đông đúc, ở các vùng bị ảnh hưởng nặng bởi virus corona.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố trong cuộc họp báo, theo những diễn tiến hiện nay, các chính phủ nên khuyến khích công chúng đeo khẩu trang khi khó thể giữ giãn cách xã hội, chẳng hạn trong giao thông công cộng, cửa hàng, các địa điểm khép kín hoặc quá đông người.
Tại những nơi virus đang lây lan trong cộng đồng, những người từ 60 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền nên đeo khẩu trang y tế. Còn tại những vùng lây nhiễm rộng, WHO khuyến cáo tất cả các nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế đều mang khẩu trang y tế, trong khi từ trước đến nay họ chỉ đưa ra khuyến cáo này đối với những ai trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.
Ông Tedros nhấn mạnh, các khuyến cáo mới dựa trên những dữ liệu có được và tham vấn nhiều chuyên gia cũng như các nhóm xã hội dân sự. Tuy nhiên, khẩu trang không thể bảo vệ hoàn toàn trước virus corona, mà cần đi kèm với giãn cách xã hội và các động tác vệ sinh căn bản. Để chống Covid-19 hiệu quả, cần xét nghiệm, cách ly và truy dấu vết các tiếp xúc của người bị nhiễm virus.
Trước đây WHO cho rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Chính phủ Pháp cũng dựa trên khuyến cáo của WHO, và sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích của người dân, nay đã bắt buộc mang khẩu trang trong các phương tiện công cộng.
Đại dịch do con virus corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán gây ra đã làm gần 400.000 người thiệt mạng trên thế giới.
Recovery : Hydroxychloroquine không mang lại lợi ích cho bệnh nhân Covid-19
Theo những điều hành chương trình thử nghiệm lâm sàng Recovery ở Anh, hydrochloroquine không chứng tỏ « tác dụng có lợi » đối với các bệnh nhân Covid-19. Từ hôm 05/06/2020, thuốc này đã ngưng được chỉ định dùng cho các bệnh nhân mới.
Recovery, mà kết quả nghiên cứu rất được chờ đợi, là một trong những chương trình thử nghiệm lâm sàng hiếm hoi không ngưng sử dụng hydrochloroquine, sau một bài viết trên The Lancet cho rằng không hiệu quả, thậm chí có hại. Bài này cũng đã bị rút xuống vì dựa trên các số liệu không đáng tin cậy gây tranh cãi.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-who-khuy%E1%BA%BFn-c%C3%A1o-%C4%91eo-kh%E1%BA%A9u-trang-%E1%BB%9F-n%C6%A1i-%C4%91%C3%B4ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-trong-v%C3%B9ng-d%E1%BB%8Bch

9 cơ quan lập pháp phương Tây

liên minh để ‘có lập trường cứng rắn hơn về TQ’

Một nhóm các nhà lập pháp phương Tây hôm thứ Sáu (5/6) tuyên bố thành lập một liên minh để “có lập trường cứng rắn hơn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua các chiến lược tập thể”, theo SCMP.
Nhóm này, có tên Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc (IPAC), được thành lập để đối đầu với sức mạnh địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế phản đối quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và chỉ trích sự thiếu minh bạch của nước này đối với đại dịch Covid -19.
Xung quanh lời kêu gọi ‘loại TQ’ khỏi Hội đồng Bảo an LHQ
Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19
TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?
Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương
IPAC gồm có 18 nhà lập pháp cấp cao hoài nghi về Trung Quốc, đại diện cho 9 cơ quan lập pháp, bao gồm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Robert Menendez; thành viên Nghị viện Châu Âu, ông Reinhard Bütikofer và Iain Duncan Smith, một thành viên của Quốc hội Anh và cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ.
“Cách mà chúng ta phản ứng với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc cùng nỗ lực của ĐCSTQ nhằm định hình lại toàn cầu chính là câu hỏi về chính sách đối ngoại của chúng ta hiện nay,” ông Rubio nói.
Rubio và Menendez là những nhà “chính trị diều hâu” của Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ và từng thúc đẩy nhiều nỗ lực lập pháp trong Quốc hội hiện tại để đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm việc Trung Quốc giam giữ người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương cho đến việc xói mòn của quyền tự trị Hong Kong.
Họ đã đưa ra dự luật năm ngoái kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc về việc giam giữ hàng triệu người Ngô Duy Nhĩ và các nhóm sắc tộc Hồi giáo khác. Dự luật này gần đây đã được lưỡng viện thông qua và chờ chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai ông cũng là thành viên của một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng chịu trách nhiệm trình Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019, đòi hỏi sự giám sát cao hơn về quyền tự trị của Hong Kong đối với Trung Quốc đại lục, được ký thành luật vào tháng 11.
Ông Rubio đóng vai trò là đồng chủ tịch của Ủy ban điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc, một ủy ban có ảnh hưởng được thành lập năm 2000 để tư vấn cho Quốc hội và chính quyền Mỹ về các vấn đề liên quan đến quyền con người và pháp quyền ở Trung Quốc.
Đại diện cho Đức trong nhóm IPAC là Michael Brand, người phát ngôn về nhân quyền của đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo của Thủ tướng Angela Merkel. Trước đây, ông đã lên tiếng phản đối sự ‘khom lưng cúi gối’ của Đức trước Trung Quốc.
Đề cập đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Bütikofer nói: “Trung Quốc của ông Tập kết hợp các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống tại nước mình với những nỗ lực định hình lại trật tự quốc tế theo tham vọng bá quyền. Một điều mà thập kỷ vừa qua dạy chúng ta là không một quốc gia nào có thể một mình bảo vệ sự toàn vẹn của trật tự quốc tế.”
Nhóm này cho biết sẽ tập trung vào năm lĩnh vực trong các hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc, bao gồm: bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế; thúc đẩy quyền con người; thúc đẩy công bằng thương mại; xây dựng chiến lược bảo mật bổ sung; và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.
Các thành viên của IPAC, đại diện cho 9 cơ quan lập pháp, nói trong một tuyên bố chung: “Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCS đại diện cho một thách thức toàn cầu.”
IPAC đại diện cho các nhà lập pháp đến từ Nhật Bản, Úc, Canada, Na Uy và Thụy Điển. IPAC cho hay nhiều thành viên khác đang kỳ vọng sẽ gia nhập liên minh.
“Các chuẩn mực dân chủ giúp chúng ta giữ gìn tự do và an toàn, nay đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết. Trật tự dựa trên luật pháp đang bị tổn thương. Và điều này không thể tiếp tục diễn ra mà không có sự kiểm soát. Không có quốc gia nào phải tự gánh vác gánh nặng này,” tuyên bố chung của IPAC cho hay.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng các chính trị gia phương Tây nên từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh.
“Chúng tôi kêu gọi một số ít chính trị gia tôn trọng sự thật, các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và định kiến tư tưởng, ngừng sử dụng các vấn đề khác nhau để can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và ngừng tham gia thao túng chính trị vì lợi ích riêng của họ.”
“Chúng tôi hy vọng rằng họ có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn trong sự đoàn kết và hợp tác của cộng đồng quốc tế,” ông Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52931401

Bộ trưởng ngoại giao Anh: Để bảo vệ Hong Kong,

sẽ không tiếc

hy sinh ‘Hiệp định Thương mại Tự do Trung – Anh’

Bình luậnMinh Thanh
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh và thúc đẩy mạnh mẽ Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, khiến giới chính trị Anh vô cùng lo ngại. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết để bảo vệ tự do và quyền lợi của người dân Hong Kong, Vương quốc Anh sẽ không tiếc hy sinh Hiệp định Thương mại Tự do Anh – Trung.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông của Anh Sky News vào ngày 3/6, ông Rab nói rằng trừ khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện các cam kết quốc tế và rút lại kế hoạch Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, nếu không danh tiếng của ĐCSTQ trên quốc tế sẽ bị tổn hại. Ông cũng nói rằng nếu Bắc Kinh cứ cố chấp làm theo ý mình, Anh sẽ đàm phán với các đồng minh về các biện pháp đối phó nếu cần thiết.
Về kế hoạch nới lỏng các hạn chế nhập cư đối với người Hong Kong của Anh, ông Rab cho hay phía Anh đã nới lỏng chính sách nhập cư, “bởi vì chúng tôi không thể bỏ rơi người Hong Kong”. Ông nhấn mạnh rằng các thành viên chính của cộng đồng quốc tế phải thực hiện trách nhiệm của mình, nếu không thì “ai sẽ tin được vào lúc nào đó ĐCSTQ lại có được thỏa thuận với ai đó?”
Khi được hỏi liệu nước Anh có hy sinh thỏa thuận thương mại với ĐCSTQ để bảo vệ các giá trị của Anh hay không, ông Rab nói rằng: việc mở rộng quyền lợi của những người nắm giữ BNO (hộ chiếu nước ngoài Anh) không dựa trên thỏa thuận thương mại với ĐCSTQ hoặc một thỏa thuận tương tự. Bởi tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và uy tín quốc tế, nước Anh sẽ không vì các vấn đề nguyên tắc mà cản trở việc thực hiện trách nhiệm của mình.
Ông Rab nhấn mạnh rằng Anh không đưa ra bất kỳ mối đe dọa nào. Vương quốc Anh chỉ nêu rõ rằng ĐCSTQ đã vi phạm ‘Tuyên bố chung Trung – Anh’ mà họ đã ký, và mong Bắc Kinh hoàn thành trách nhiệm của mình. Ông nói rằng phía Anh sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại với ĐCSTQ về vấn đề này.
Ngoài ra, vào ngày 3/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nói trên tờ The Times rằng nếu ĐCSTQ khăng khăng thực thi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, Vương quốc Anh sẵn sàng sửa đổi luật di trú để cho phép người dân Hong Kong đang sở hữu hộ chiếu BNO đi đến Anh.
Ông Johnson chỉ ra rằng nhiều người Hong Kong lo lắng cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa. Ông nói rằng: “Nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thúc đẩy theo theo hướng khiến người dân Hồng Kông lo lắng, thì Anh sẽ không ngồi yên, Anh sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình và đưa ra các lựa chọn thay thế”.
Minh Thanh
Theo SOH
https://www.ntdvn.com/the-gioi/bo-truong-ngoai-giao-anh-de-bao-ve-hong-kong-se-khong-tiec-hy-sinh-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-trung-anh-43229.html

Đang mùa dịch,

Pháp cấm biểu tình chống bạo lực cảnh sát

Thụy My
Sở Cảnh sát Paris ngày 06/06/2020 ra thông cáo cấm các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, nhắc lại quy định cấm tụ tập trên 10 người vì đại dịch virus corona.
Trong một thông cáo, giám đốc cảnh sát Paris Didier Lallement nhấn mạnh, trên các mạng xã hội đã có những lời kêu gọi xuống đường chiều 06/06 gần tháp Eiffel. Các cuộc tập họp này có thể thu hút nhiều người, cho nên bị cấm chiếu theo sắc lệnh ngày 31/05 liên quan đến tình trạng khẩn cấp về y tế, không cho phép tụ tập nơi công cộng quá 10 người.
Ngày 05/06, ông Lallement cũng đã cấm hai cuộc biểu tình khác vào chiều 06/06 trước đại sứ quán Mỹ, nhằm tưởng niệm George Floyd, người da đen bị một cảnh sát da trắng đè chết ở Minneapolis.
Dù vậy tại nhiều thành phố ở Pháp vẫn rục rịch biểu tình. Trước đó hôm thứ Ba 02/06, có ít nhất 20.000 người bất chấp lệnh cấm, đã biểu tình tại Paris để ủng hộ gia đình Adama Traoré, một thanh niên da đen chết năm 2016 sau khi bị hiến binh câu lưu.
Cũng trong ngày 05/06, chính quyền đã Pháp đưa vấn đề phân biệt đối xử trong ngành cảnh sát ra trước tư pháp, sau tiết lộ của trang web Streetpress về một nhóm Facebook. Nhóm « TN Rabiot Police Officiel », gồm 8.000 thành viên, được cho là dành riêng cho lực lượng an ninh, trao đổi nhiều thông tin phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị người đồng tính.
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner cho biết sẽ trừng phạt tất cả các hành động quá đáng, những ngôn từ mang tính phân biệt chủng tộc của nhân viên công lực, ảnh hưởng đến danh dự của ngành.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200606-%C4%91ang-m%C3%B9a-d%E1%BB%8Bch-ph%C3%A1p-c%E1%BA%A5m-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ch%E1%BB%91ng-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t

Pháp tiêu diệt thủ lãnh Al Qaida ở Bắc Phi

Thụy My
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly hôm 05/06/2020 loan báo, thủ lãnh Al Qaida ở Bắc Phi (AQMI) là Abdelmalek Droukdal đã bị lực lượng Pháp ở Mali tiêu diệt.
Abdelmalek Droukdal, người Algérie, thành viên ban lãnh đạo Al Qaida, là thủ lãnh của nhiều nhóm thánh chiến Bắc Phi và vùng Sahel, đã bị trừ khử tại Talhandak, tây bắc thành phố Tessalit của Mali, cùng với nhiều tay chân thân cận. Chiến dịch được thực hiện bằng bộ binh kết hợp trực thăng vận.
Pháp còn bắt được Mohamed el Mrabat, một nhân vật quan trọng của nhóm thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo vùng Đại Sahara (EIGS), mà hội nghị thượng đỉnh Pau của G5 Sahel (Mauritanie, Burkina Faso, Mali, Niger, Tchad) hồi tháng Giêng đã đánh giá là kẻ nguy hiểm số một.
Đại tá Chris Karns, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Phi cho biết, Hoa Kỳ đã cung cấp các thông tin tình báo cần thiết để truy lùng Droukdal và hỗ trợ ngăn chận nhóm này.
Lực lượng chống thánh chiến Barkhane của Pháp, với trên 5.000 quân nhân, trong những tháng gần đây đã tung ra những chiến dịch nhằm chấm dứt bạo lực đã làm 4.000 người chết ở Mali, Niger và Burkina Faso năm 2019. Một nguồn tin cho AFP biết khoảng 500 quân thánh chiến đã bị giết hoặc bắt giữ, trong đó có những kẻ nắm vai trò chỉ huy, tuyển quân, hậu cần…
Việc tiêu diệt Abdelmalek Droukdal mang ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến tại vùng Sahel, có thể làm nhóm thánh chiến AQMI sụp đổ.
Droukdal, sinh năm 1971 tại vùng ngoại ô nghèo của Alger, chỉ huy nhóm thánh chiến GSPC ở Algérie, đã liên kết với tổ chức của Oussame Ben Laden và đổi tên thành AQMI đầu năm 2007.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-ph%C3%A1p-ti%C3%AAu-di%E1%BB%87t-th%E1%BB%A7-l%C3%A3nh-al-qaida-%E1%BB%9F-b%E1%BA%AFc-phi

Chuyên gia Singapore :

“Hoa Kỳ phạm một sai lầm chiến lược to lớn”

Minh Anh
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nay đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực và có nguy cơ chuyển thành một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Hoa Kỳ nêu đích danh hệ tư tưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa cho phương Tây.
Trong một chương trình bình luận chính trị trên kênh truyền hình Fox News, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ rõ mối đe dọa của Trung Quốc là từ hệ tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc : « Khác so với 10 năm trước đây, đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thể hiện ý định phá hoại tư tưởng phương Tây, nền dân chủ và các giá trị phương Tây. Điều đó khiến người Mỹ gặp nguy hiểm ».
Trước đó, ngày 20/10/2020, Sách lược của Mỹ do Nhà Trắng công bố ghi rõ : « Việc sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng nhiều của đảng Cộng sản Trung Quốc để có được ủng hộ của nhiều nước làm tổn hại đến các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ và xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, phẩm cách của nhiều quốc gia và cá nhân trên toàn cầu ».
Theo L’Opinion, khi đặt trọng tâm vào mối họa cộng sản, chính quyền Donald Trump đang tìm cách thổi bùng lên ngọn lửa Chiến Tranh Lạnh, mà Hoa Kỳ từng ghi điểm trước sự tan rã của khối Xô Viết và sự biến mất của Liên Xô.
Trả lời phỏng vấn cho tờ L’Opinion của Pháp, ông Kishore Mahbubani, một nhà cựu ngoại giao Singapore, tác giả tập sách Has China Won ? (Liệu Trung Quốc đã thắng ?) cho rằng, khi chọn đối đầu với Trung Quốc trên bình diện hệ tư tưởng, « Hoa Kỳ đã phạm một sai lầm to lớn chưa từng thấy ». Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin giới thiệu lại.
*****
L’Opinion : Từ vài tháng nay, người ta ngày càng nói nhiều đến sự trỗi dậy của một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này ?
Kishore Mahbubani : Tôi cho rằng thuật ngữ này dễ gây hiểu nhầm. Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, giữa Mỹ và Liên Xô hầu như không có các mối liên hệ trực tiếp. Liên Xô giao thương với Mỹ rất ít, họ cũng chẳng như Trung Quốc gởi chừng 300 ngàn sinh viên đến các trường đại học của Mỹ ; mà cũng chẳng có doanh nghiệp Mỹ nào lập cơ sở trên lãnh thổ Xô Viết với một số lượng quan trọng như tại Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, có rất nhiều hãng Trung Quốc có niêm yết trên sàn chứng khoán ở Wall Street.
Thế nên, tình hình hiện nay rất khác so với giai đoạn căng thẳng Mỹ – Liên Xô. Đây cũng là một trong những lập luận chính trong tập sách của tôi giải thích vì sao Washington đã phạm phải một sai lầm chiến lược to lớn, khi lao vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị chống Trung Quốc, mà không vạch ra một tầm nhìn chiến lược toàn diện dài hạn. Khi sử dụng thuật ngữ « chiến tranh lạnh », người ta tỏ ra « lười suy nghĩ » và người ta không nắm rõ là cuộc cạnh tranh hiện nay phức tạp hơn nhiều so với những gì đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
L’Opinion : Hoa Kỳ dường như đã chọn đối đầu với Trung Quốc trên phương diện hệ tư tưởng…
Chính xác và điều đó minh họa rõ sự thiếu sáng suốt trong tư duy chiến lược của họ. Chẳng có gì là dễ dàng cả nếu như tại Mỹ, thuật ngữ « cộng sản » vẫn đồng nghĩa với « cái ác ». Khi chọn hướng đi này, Hoa Kỳ cuối cùng đã đánh giá thấp, chứ không phải đánh giá cao mối đe dọa Trung Quốc.
Như tôi có nhắc lại trong tập sách, mối đe dọa đó không xuất phát từ đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã ngừng xuất khẩu Chủ nghĩa Cộng sản cách nay 40 năm. Khi Đặng Tiểu Bình công du các nước Đông Nam Á để thiết lập quan hệ, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với ông ấy rằng « Các ông muốn chúng tôi trở thành bạn bè như thế nào trong khi các ông vẫn ủng hộ các lực lượng cộng sản trong khu vực ? ». Hai năm sau đó, tất cả các lực lượng cộng sản trong vùng Đông Nam Á không còn nhận được sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Nếu như Trung Quốc không còn là một mối đe dọa trên bình diện ý thức hệ, thì giờ đây họ lại là một thách thức rất lớn, bởi vì đó là một sự đối đầu với một nền văn minh với biết bao thăng trầm từ hơn 4.000 năm, một nền văn minh đã biết cách vực dậy sau mỗi lần bị chao đảo.
Nền văn minh Trung Quốc mới là một thách thức đáng gờm hơn cả. Nếu quý vị cầm nhầm kính soi, quý vị không thể nào phân biệt rõ điều đó. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc dành nhiều thời gian để suy nghĩ đến công cuộc « đại phục sinh văn minh Trung Hoa », hơn là nghĩ đến tư tưởng Mác Lê-nin. Điều này giải thích tại sao việc lạm dụng thuật ngữ như « mối đe dọa Cộng sản » dẫn đến việc nhầm lẫn về bản chất thách thức Trung Quốc.
L’Opinion : Vậy phải chăng lập luận về cộng sản trước hết là hướng vào công luận trong nước Mỹ ?
Đương nhiên, với lập luận này, việc huy động dân Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều, bởi vì đây vốn là tâm điểm trong trận chiến chống lại Liên Xô trong nhiều thập niên. Đa số dân Mỹ không phân biệt được giữa mối nguy, thách thức cộng sản và văn minh.
Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như thế ! Các nhà lãnh đạo Mỹ biết rằng họ có thể dễ dàng thuyết phục công luận bằng cách bôi xấu đối thủ. Cho dù Trung Quốc đạt được những kết quả, do đảng Cộng sản lãnh đạo quản lý tốt, thì đầu óc dân Mỹ vẫn không thể hình dung và chấp nhận điều này. Nếu làm so sánh giữa hai nước trên phương diện xã hội-kinh tế, người ta nhận thấy rằng, trong số các quốc gia phát triển, Mỹ là nước duy nhất mà thu nhập trung bình của 50% những người nghèo khó nhất đã bị tụt giảm trong 30 năm qua, trong khi đó, cùng giai đoạn này, người dân Trung Quốc lại có được những năm phát triển tốt nhất và kết quả này đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Làm thế nào để giải thích điều này ? Đó là đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ ra rất hiệu quả. Do vậy, cần phải hiểu vì sao và họ làm thế nào. Nếu không tìm hiểu, thì sẽ không thể phân tích đúng tính hình.
L’Opinion : Trong tập sách « Has China Won ? », ông điểm đích danh trách nhiệm của các nhóm chuyên gia cố vấn Mỹ. Vì sao ?
Tôi thuộc thế hệ nhìn vào nước Mỹ để định hướng và giải thích cho chúng tôi về thế giới, do vai trò đầu tầu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Giờ đây tôi kinh hoàng nhận thấy rằng trên phạm vi toàn cầu, thủ đô nước Mỹ đã trở thành nơi mà người ta chi nhiều nhất, hàng trăm triệu đô la, cho nhiều nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược, trong khi mà trình độ tư duy chiến lược lại quá yếu kém. Dường như họ không còn khả năng hiểu được bản chất thực thụ về thách thức Trung Quốc.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ chỉ chăm chăm đề cao sức mạnh của họ, mà quên đi những điểm yếu của chính bản thân mình. Như tôi có lưu ý trong sách, cấu trúc nội tại điều hành của Mỹ có điều gì đó đã bị hỏng hóc. Điều này đã dẫn đến tình trạng xuống cấp điều kiện sống của nhiều người dân và gia tăng nỗi thất vọng.
Ngược lại, về phía Trung Quốc, người ta chỉ nói đến những điểm yếu của nước này. Đương nhiên Trung Quốc có những điểm yếu nhưng Hoa Kỳ không đo lường được sức mạnh to lớn của nước này và khả năng đáng gờm của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm duy trì bằng được các mục tiêu của họ. Trong chiều hướng này, các nhóm tham mưu chiến lược đã thất bại trong việc chuẩn bị cho nước Mỹ đối đầu với thực tế Trung Quốc.
L’Opinion : Rất nhiều người sẽ nói với ông rằng người chịu trách nhiệm chính về tình hình này là Donald Trump, khi ông ta quyết định tiến hành chiến tranh thương mại với Trung quốc
Cho dù Trump không « vô tư », thậm chí ngược lại, trước những căng thẳng hiện nay, nhưng cần nhắc lại rằng chính sách duy nhất mà đương kim tổng thống có được sự ủng hộ của phe đối lập Dân Chủ, đó chính là chính sách liên quan đến Trung Quốc. Vả lại, 9 phần 10 dân Mỹ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Hiện nay, khó mà có những phát biểu « vừa phải » về Trung Quốc. Bởi vì nếu ai làm như vậy thì sẽ bị thất tín, mất uy tín ngay. Chính vì thế, nếu Joe Biden trúng cử vào tháng 11 tới, mọi việc sẽ không thay đổi, bởi vì có một sự đồng thuận trong « thâm tầng chính phủ - Nhà nước thực quyền » (bộ Quốc Phòng, CIA) về việc coi Trung Quốc là mối đe dọa cơ bản đối với sự ưu việt của Hoa Kỳ. Theo tôi, sai lầm của Hoa Kỳ là đặt ưu tiên này lên trên sự ấm no hạnh phúc của người dân Mỹ.
L’Opinion : Để giải thích phần nào căng thẳng gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây hiện nay, ông có nhắc đến thuật ngữ khá phổ biến « hiểm họa da vàng »…
Tôi ý thức được là mình đã mạo hiểm khi đề cập đến chủ đề này. Cùng lúc, với tư cách là một nhà quan sát, tôi không thể nào không tự hỏi tại sao phản ứng của Mỹ trước đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc lại mạnh mẽ đến như thế và tại sao điều đó dẫn đến những quyết định phi lý.
Nỗi lo sợ này đã hằn sâu trong ký ức tập thể. Nó đã có từ thời đế quốc Mông Cổ tìm cách chinh phục châu Âu. Tôi còn nhớ rõ tuổi thơ ấu ở Singapore, tôi đọc nhiều câu chuyện về nhân vật Phó Mãn Châu (Fu Manchu), trong đó nhân vật phản diện là hiện thân của một người đàn ông da vàng.
Vào cuối thế kỷ XIX, nước Mỹ thể hiện nỗi sợ hãi đó khi cấm di dân Trung Quốc đặt chân đến lãnh thổ, trong khi vẫn tiếp tục đón nhận người châu Âu. Trong những năm 1980, khi Nhật Bản bị xem như là một hiểm họa cho nền kinh tế phương Tây, người ta chứng kiến cùng kiểu phản ứng phi lý như vậy.
Khi nêu ra khái niệm « hiểm họa da vàng » này, tôi muốn rằng người ta phải ý thức được điều đó và gột bỏ chúng đi để hiểu đúng về Trung Quốc, một đất nước hiện đại và trong một chừng mực nào đó đã bị phương Tây hóa. Thế nên, việc loại bỏ những bóng ma cản trở tầm nhìn sáng suốt về một thực tế là điều thiết yếu. Nhưng người Mỹ lại sợ nói đến điều này.
L’Opinion : Dường như không có ai phản đối về cách tiếp cận bất hợp lý này của Mỹ đối với hồ sơ Trung Quốc. Điều này có làm ông lo lắng không ?
Đương nhiên là có rồi. Tôi từng sống ở Mỹ với tư cách là đại diện của Singapore tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khi xảy ra vụ khủng bố 11/09/2001. Sự giận dữ của họ là hoàn toàn chính đáng, cũng như việc có được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc tấn công Afghanistan. Điều đó hoàn toàn hợp lý.
Nhưng sau đó, Mỹ đã đi quá giới hạn đó và quyết định mở cuộc chiến tại Irak mà Pháp và Đức đã khôn khéo tìm cách ngăn chận. Tôi còn nhớ trong một bữa ăn trưa ở New York cùng với nhiều nhân vật có ảnh hưởng, người ngồi cạnh tôi, một chủ ngân hàng lớn, đã hỏi tôi là rượu được phục vụ có phải là rượu Pháp không và nói thêm rằng nếu đúng như vậy thì ông ta sẽ không uống, vì nước Pháp đã không ủng hộ Mỹ. Chúng tôi từng sống trong một dạng cả nước điên cuồng phẫn nộ và cuối cùng đẩy họ đến một thảm họa tại Irak.
Bây giờ, người ta thấy lại bầu không khí này khi nói về Trung Quốc, đến mức người ta khó có thể chấp nhận nghe hỏi là liệu nước Mỹ được lợi gì khi khởi động một cuộc tranh đua địa chính trị với Trung Quốc và cuộc đọ sức này phải được tiến hành ra sao khi mà nó đã được khởi động.
Thế nên, tôi mong muốn là một lần nữa là Pháp và Đức tìm cách thuyết phục Washington chấp nhận một cách tiếp cận hợp lý hơn trước thách thức Trung Quốc thay cho phản ứng theo cảm xúc đang làm cho Mỹ bị mù quáng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-singapore-trung-quoc-hoa-ky-chien-luoc-sai-lam

Virus corona: Hà Lan diệt hàng ngàn con chồn

 để tránh lây sang người

Thụy My
Chính quyền của Hà Lan, nơi phát hiện hai trường hợp người bị lây virus corona từ loài chồn, hôm 06/06/2020 đã khởi đầu việc tiêu diệt trên 1.500 con chồn được nuôi trong một trang trại.
Bộ Nông Nghiệp Hà Lan từ hôm thứ Tư 03/06 đã loan báo sẽ tiêu hủy « trên 10.000 con chồn nuôi » ở những nơi phát hiện virus corona, để tránh trở thành ổ dịch. Hôm sau, hai nhóm bảo vệ động vật đã kiện ra tòa để cố ngăn cản, nhưng tối qua tòa án đã bác đơn.
Bà Frederique Hermie, phát ngôn viên Cơ quan an ninh thực phẩm và dịch tễ Hà Lan (NVWA) cho AFP biết việc tiêu hủy được bắt đầu hôm nay, tại một trại nuôi chồn tại Deurne ở miền nam. Trại này có khoảng 1.500 con chồn cái, mỗi con đang nuôi bốn, năm con nhỏ. Việc tiêu hủy sẽ tiếp diễn trong tuần tới tại 9 trang trại khác, những con vật này sẽ bị giết bằng khí monoxit cacbon.
Hồi tháng Năm, chính quyền phát hiện hai nhân viên trại nuôi chồn « rất có thể » đã bị lây nhiễm virus corona từ chồn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai trường hợp người bị nhiễm Covid-19 từ loài chồn ở Hà Lan có thể là « những ca đầu tiên được biết đến về việc virus lây từ loài vật sang người ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-virus-corona-h%C3%A0-lan-di%E1%BB%87t-h%C3%A0ng-ng%C3%A0n-con-ch%E1%BB%93n-%C4%91%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-l%C3%A2y-sang-ng%C6%B0%E1%BB%9Di

Vụ Quế Dân Hải : Cựu đại sứ Thụy Điển

tại Trung Quốc bị xét xử ở Stockholm

Thụy Điển đưa ra xét xử một vụ khá đặc biệt từ ngày 05/06/2020 liên quan đến vụ một chủ nhà sách Hồng Kồng bị bắt và kết án tại Trung Quốc. Bà Anna Lindstedt, cựu đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc, bị cáo buộc đã tự ý thương lượng với những nhà trung gian khả nghi nhằm tìm cách để ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển gốc Hồng Kông, một trong những nhà đối lập với chế độ Bắc Kinh, được trả tự do.
Ông Quế Dân Hải, chủ một nhà sách ở Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt vào tháng 01/2018 khi đang trên tầu từ Hồng Kông đến Bắc Kinh cùng với một nhà ngoại giao Thụy Điển để khám bệnh. Ngày 24/02/2020, ông bị kết án 10 năm tù tại Trung Quốc vì tội “phổ biến trái phép thông tin mật ra nước ngoài”.
Stockholm liên tục yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho ông Quế Dân Hải, người mang cả quốc tịch Thụy Điển, và từng được bộ trưởng Văn Hóa Thụy Điển trao một giải thưởng vào tháng 11/2019 ( nhưng vắng mặt trong lễ trao giải ).
Theo thông tín viên RFI Frédéric Faux tại Stockholm, dường như cựu đại sứ Anna Lindstedt đã “vượt quá thẩm quyền” khi tự ý tổ chức một cuộc gặp tại Stockholm giữa con gái của ông Quế Dân Hải với “những doanh nhân” có liên hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc để tìm cách trả tự do cho ông chủ nhà xuất bản. Bà Anna Lindstedt kêu oan và khẳng định đã thông báo cuộc gặp gỡ này cho cấp trên.
Một đại sứ bị đưa ra xét xử là sự kiện đầu tiên kể từ hai thế kỷ nay ở Thụy Điển. Trước truyền thông, 21 cựu đại sứ đã lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp, ủng hộ bà đã hành động trong phạm vi quyền hạn và vai trò của một đại sứ. Nếu bị kết án, bà Anna Lindstedt có thể sẽ phải lĩnh tới hai năm tù.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200606-v%E1%BB%A5-qu%E1%BA%BF-d%C3%A2n-h%E1%BA%A3i-c%E1%BB%B1u-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-th%E1%BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%83n-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c-b%E1%BB%8B-x%C3%A9t-x%E1%BB%AD-%E1%BB%9F-stockholm

TQ vấp phải phản ứng cứng rắn của Thụy Điển

 trong vấn đề nhân quyền và luật pháp

Bất đồng với Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền và áp dụng các quy định pháp luật được cho là hà khắc và thiếu minh bạch, Thụy Điện đã từ chối cho Bắc Kinh dẫn độ tội phạm tham nhũng và chuyển thẳng sang Mỹ. Đây là động thái mới nhất tiếp theo việc đóng cửa các Viện Khổng Tử của Chính phủ Thụy Điện, cho thấy quan hệ đi xuống của hai nước.
Bộ Tư pháp Mỹ (1/6) cho biết, Kiều Kiến Quân cựu quan chức Trung Quốc tham ô chạy trốn ra nước ngoài đã bị dẫn độ từ Thụy Điển đến Los Angeles và đối mặt với cáo buộc rửa tiền và lừa đảo nhập cư của tòa án Mỹ. Theo một tuyên bố của công tố viên Khu vực Trung tâm, chính quyền Mỹ đã bắt giữ Kiều Kiến Quân vào cuối tuần qua. Quân bị nghi ngờ phạm các tội âm mưu lừa đảo nhập cư, buôn lậu quốc tế và rửa tiền. Kiều Kiến đã phải đối mặt với những lời buộc tội ở cả Mỹ và Trung Quốc, đã trốn thoát khỏi Trung Quốc trong gần 9 năm. Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ và bản khởi tố năm 2018 cho thấy Quân bị nghi ngờ rửa tiền hàng triệu USD trong thời gian từ năm 1998 đến 2011. Ông ta bị cáo buộc đã sử dụng khoản tiền này để mua hai ngôi nhà tại Monterey Park, bang California. Tuyên bố nói, Kiều Kiến Quân trong các năm từ 1998 đến 2011 đã thông qua các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Singapore để rửa số tiền nhiều triệu USD và mua hai ngôi nhà nói trên. Quân đã trốn sang sống ở Thụy Điển từ năm 2013 và bắt đầu xin tị nạn hồi tháng 3/2020. Phía Mỹ đã khởi tố Quân về tội rửa tiền và gian lận nhập cư vào năm 2015. Ông ta bị nghi ngờ làm tài liệu giả và nộp đơn xin nhập cư theo diện đầu tư EB-5 để xin visa Mỹ.
Vào tháng 1/2017, vợ cũ của Kiều Kiến Quân là Triệu Thế Lan thừa nhận tại Tòa án Liên bang ở Los Angeles rằng, đã trốn sang Mỹ với số tiền đánh cắp được và lừa đảo các quan chức nhập cư Hoa Kỳ; các bất động sản của bà ta ở Mỹ sẽ bị tịch thu sung công, với tổng giá trị ước tính là 28 triệu USD. Công tố viên Hoa Kỳ xác nhận rằng hầu hết bất động sản và đất đai của bà ta được biết là được mua bằng tiền tham ô trong nước Trung Quốc của Kiều Kiến Quân. Hai người đã làm thủ tục ly hôn năm 2001. Vào
ngày 9/7/2019, sau khi bắt giữ Quân, chính phủ Thụy Điển chính thức từ chối yêu cầu của Bắc Kinh dẫn độ ông ta về Trung Quốc. Tòa án tối cao Thụy Điển cho biết cùng ngày: vì tình trạng tư pháp và nhân quyền kinh hoàng ở Trung Quốc, tòa án tin rằng nếu Kiều Kiến Quân được đưa trở lại Trung Quốc đại lục, ông ta có khả năng bị bức hại vì các hoạt động chính trị của mình, vi phạm “Công ước châu Âu” đã ký giữa các nước châu Âu với nhau. Kiều Kiến Quân là một tội phạm của Trung Quốc, đứng thứ ba trong danh sách 100 tội phạm bị truy nã Đỏ, từng là giám đốc một kho lương thực của Cục Dự trữ Lương thức Trung Quốc tại Chu Khẩu, Hà Nam. Theo thông báo của Trung Quốc, Quân đã bỏ trốn ra nước ngoài vào tháng 11/2011 mang theo hơn 300 triệu Nhân dân tệ (hơn 1.000 tỷ VND).
Tòa án Thụy Điển năm ngoái đã ra phán quyết rằng, mặc dù Kiều Kiến Quân có thể đã phạm tội ở Trung Quốc, nhưng họ quyết định không dẫn độ ông trở lại Trung Quốc “do hệ thống tư pháp tồi tệ của Trung Quốc”. Họ nói: “Tòa án đã phát hiện chế độ tư pháp và tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc rất kinh khủng, chí ít không thể được tòa án Thụy Điển chấp nhận”. Henrik Olsson Lilja, luật sư của Kiều Kiến Quân, khi đó đã nói: “Thụy Điển sẽ không dẫn độ (Kiều Kiến Quân trở về Trung Quốc) và Trung Quốc không thể kháng cáo quyết định này”. Được biết không có hiệp ước dẫn độ nào được ký giữa Trung Quốc và Thụy Điển. Nếu các tội danh nêu ở trên đây được thành lập, ông ta sẽ phải đối diện với mức án cao nhất là 55 năm tù theo quy định của pháp luật Mỹ.
Theo tư liệu của phía Trung Quốc, Kiều Kiến Quân sinh năm 1963, người Hà Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, từng giữ chức Giám đốc kho Chu Khẩu, Hà Nam trực thuộc Cục Dự trữ lương thực quốc gia. Năm 2008 vợ cũ của Quân là Triệu Thế Lan xin visa nhập cư Mỹ, lợi dụng tài liệu giả để di cư theo diện đầu tư di dân EB-5. Ngày 20/10/2019, Lan được cấp visa di dân loại I-51, Quân được cấp theo diện phối ngẫu I-52. Tháng 11/2011, khi nghe tin bị cấp trên đưa người khác về thay giữ chức, đã mang theo 300 triệu NDT tham ô được trốn sang Mỹ. Lan nói dối đầu tư 500.000 USD nhưng thực ra dùng số tiền này để mua một ngôi nhà ở ngoại ô Seattle. Quân và Lan có 2 bất động sản ở Mỹ, một do Lan đứng tên. Ngoài ra, Lan còn có 1 công ty và 2 ngôi nhà ở Canada. Tháng 4/2015, Cục hợp tác quốc tế, Bộ Công an Trung Quốc công bố Danh sách 100 tội phạm kinh tế và quan chức bỏ trốn bị truy nã Đỏ quốc tế, Kiều Kiến Quân đứng thứ ba. Tháng 11/2011, Trung Quốc đã phối hợp với Interpol truy nã quốc tế đối với Quân.
Ngày 17/3/2015, Bộ Tư pháp Mỹ nói Quân và Lan bị bắt tại Washington về tình nghi phạm tội rửa tiền. Lan bị giam tại nhà giam Seatle, không được bảo lãnh; còn Quân thì bỏ trốn, bị chính quyền Mỹ truy nã. Ngày 27/4, Tòa án Liên bang ở Los Angeles mở phiên tòa xét xử Triệu Thế Lan, cho phép Lan nộp 400 ngàn USD để bảo lãnh. Tháng 7 cùng năm, Lan bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án 25 năm tù, có thể bị trục xuất, cấm nhập cảnh Mỹ; nhưng do hai bên Mỹ – Trung chưa có hiệp ước dẫn độ nên Lan chưa bị đưa về Trung Quốc. Tháng 7/2019, sau khi Thụy Điển bắt giữ Kiều Kiến Quân và tuyên bố không dẫn độ về Trung Quốc, cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng và Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu đều lên tiếng phản đối, “hy vọng Thụy Điển nhanh chóng dẫn độ Kiều Kiến Quân về Trung Quốc, không trở thành thiên đường trốn tội của các phần tử phạm tội, giữ gìn tôn nghiêm pháp trị và công bằng chính nghĩa”.
Hôm 21/4, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa hoàn toàn mọi Viện Khổng Tử. Năm 2005, Trung Quốc đã đặt Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu. Học viện này đã đóng cửa vào năm 2015. Vào thời điểm đó, trang web của Đại học Stockholm đã giải thích rằng tình hình hiện nay đã khác với 10 năm trước. Vào thời điểm đó, việc nhà trường giao tiếp với Trung Quốc là rất quan trọng. “Bây giờ chúng tôi có các cấp độ trao đổi học thuật hoàn toàn khác với Trung Quốc. Sự hợp tác như vậy là không cần thiết nữa”, ông Astid Soderbergh Widding, Phó Hiệu trưởng trường, nói với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter: “Nói chung, việc đặt một học viện được tài trợ bởi một quốc gia khác trong khuôn khổ một trường đại học là một cách làm có vấn đề”.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Trong hoàn cảnh như vậy, Thụy Điển đã chọn cách đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng. Hồi tháng 2/2019, Lục Khảng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói, hoạt động và quản lý hàng ngày của Viện Khổng Tử ở Thụy Điển là “hợp pháp, hợp quy, công khai và minh bạch, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy trao đổi văn hóa”. Ông ta chỉ trích: “Việc chính trị hóa chương trình trao đổi giáo dục bình thường này cho thấy tư duy Chiến tranh Lạnh điển hình và cũng phản ánh sự thiếu tự tin của họ ở một mức độ nhất định”. Vào tháng 11/2019, Trung Quốc đã bắt giữ Quế Dân Hải, một người kinh doanh sách ở Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển. Hiệp hội PEN (Văn bút quốc tế) Thụy Điển sau đó đã trao cho Quế Dân Hải giải thưởng Tuchollsky Prize 2019. Trung Quốc sau đó đã áp đặt các lệnh
trừng phạt thương mại đối với Thụy Điển. Một số chuyên gia nhận xét rằng hành động của Bắc Kinh đã phá hoại nghiêm trọng sự tín nhiệm giữa Thụy Điển và Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/35097-tq-vap-phai-phan-ung-cung-ran-cua-thuy-dien-trong-van-de-nhan-quyen-va-luat-phap.html

Asean làm gì nếu

Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông?

Dư luận Việt Nam đang quan tâm tin đồn rằng Trung Quốc có thể ra tuyên bố về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà Việt Nam xem là thuộc chủ quyền của mình.
Biển Đông: TQ và kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không
Việt Nam làm gì để không ‘bị trói’ bởi Công hàm Phạm Văn Đồng?
Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 31/5 dẫn một nguồn tin quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho việc lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010.
Nguồn này nói cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei, Đại học Bridgeport, bang Connecticut, Hoa Kỳ, bình luận:
“Có thể đoán rằng kế hoạch ADIZ cho Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) có tồn tại.
“Quan tâm chính yếu là liệu Trung Quốc có khả năng thực thi nó trên thực tế không.”
Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei, nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, từng được Connecticut College mời để thuyết trình về chính sách Đông Á của Trung Quốc cho các đại diện bộ ngoại giao Việt Nam.
Bà nói: “Việc Trung Quốc có hoạt động xây đắp thành công tại Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng là bước quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa vùng ADIZ.”
Tuy nhiên, bà nói Trung Quốc nhận thức Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông có thể gây tác hại cho quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á, với Mỹ.
“Vì thế Trung Quốc vẫn thận trọng chưa tuyên bố,” bà nói.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên thành lập vùng ADIZ, năm 1950 trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Nhưng theo tài liệu nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, không có luật quốc tế nào cụ thể để quản trị vùng ADIZ, mà chỉ có một số quy tắc thông thường ví dụ tự do đi lại.
Theo định nghĩa chính thức của chính phủ Việt Nam, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là “vùng trời đặc biệt được thiết lập có kích thước xác định trong đó tàu bay phải tuân theo các phương thức báo cáo hoặc nhận dạng đặc biệt ngoài các phương thức liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không lưu”.
Ngày 23/11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng ADIZ trên biển Hoa Đông, tạo ra phản đối từ nhiều nước gồm cả Nhật và Hàn Quốc.
Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei cho rằng các biện pháp gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng còn là nhắm tới Đài Loan.
“Bắc Kinh thất vọng vì họ là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an chưa hoàn tất thống nhất quốc gia.”
“Vùng ADIZ sẽ giúp tăng cường độ sâu chiến lược của Bắc Kinh trong quốc phòng khi so với Đài Loan và các láng giềng.”
Đối với Việt Nam, nếu Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, dường như có nghĩa là tranh chấp chủ quyền biển đảo đã được đẩy lên cả vùng trời.
Lo ngại về kế hoạch ADIZ của Trung Quốc đặt trong bối cảnh năm 2019 xuất hiện các diễn tiến căng thẳng ở Biển Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thông qua Tuyên bố chung, ngày 31/7/2019, có đoạn: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Tháng 10 năm ngoái phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.”
Gần đây hơn, ngày 9/4/2020, Việt Nam gửi Công hàm tại LHQ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 28/5 Việt Nam lại phản đối Trung Quốc khi có tin binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã thu hoạch nhiều kg rau xanh nhờ công nghệ trồng rau trên cát.
Phản ứng của Hoa Kỳ cũng gây quan tâm lớn.
Ví dụ ngày 29/5, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ nói họ vừa điều khu trục hạm USS Mustin đã đi trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phản ứng Asean?
Nếu một ngày Trung Quốc thực sự tuyên bố đơn phương lập vùng ADIZ ở Biển Đông, liệu có xảy ra xung đột vũ trang?
Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei nhận định rủi ro chiến tranh phụ thuộc ba yếu tố.
“Liệu tuyên bố ADIZ có đưa ra trong bối cảnh một quốc gia khiêu khích Trung Quốc?”
“Washington sẽ tuyên truyền thế nào về việc này, vì nó sẽ tác động tới cái nhìn của quốc tế.”
“Thứ ba, hành động của Mỹ là gì. Yếu tố thứ ba này quan trọng nhất.”
Từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng ADIZ ở biển Hoa Đông năm 2013, không lực Trung Quốc đã tiến hành tuần tra trong vùng này.
Tuy nhiên, có vẻ Trung Quốc ít khi thực thi “chấp pháp” với máy bay quân sự và dân sự tại đây.
Quay lại khả năng xảy ra vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông, Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei nói tiếp.
“Nếu Hoa Kỳ chỉ thỉnh thoảng đưa máy bay vào vùng ADIZ, hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể tự tuyên bố họ thành công, giữ mặt mũi cho nhau.”
Nhưng với Asean, bà cho rằng Asean sẽ khó phản ứng công khai chống Trung Quốc “ngay cả nếu kế hoạch ADIZ được thông báo”.
“10 nước trong Asean vẫn chia rẽ về Trung Quốc,” bà chỉ ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52940437

Em gái Chủ tịch Kim Jong-un dọa

hủy thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc

Quan chức cấp cao Triều Tiên dọa hủy thỏa thuận quân sự vì Hàn Quốc để người Triều Tiên đào tẩu gửi truyền đơn về nước.
Hãng Yonhap ngày 4.6 đưa tin Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong vừa đưa ra tuyên bố dọa sẽ hủy thỏa thuận về giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc và ngưng các dự án trao đổi quan trọng song phương.
Bà Kim, em gái Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên, tuyên bố sẽ đưa ra các quyết định nếu Hàn Quốc không chấm dứt việc để những người Triều Tiên đào tẩu gửi về nước truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Quan chức này nhấn mạnh rằng thiện chí và hòa giải không bao giờ đi cùng những hành động thù địch.
“Giới chức Hàn Quốc sẽ buộc phải trả một giá đắt nếu để tình trạng này tiếp diễn trong khi tìm lý do biện minh”, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của bà Kim nêu rõ.
Theo thông cáo, nếu không hành động, Hàn Quốc sẽ phải “sẵn sàng cho khả năng rút hoàn toàn khỏi khu công nghiệp Kaesong, hiện bị bỏ hoang sau việc dừng du lịch đến núi Kumgang, hoặc đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều mà sự tồn tại chỉ gây thêm rắc rối, hoặc hủy thỏa thuận nam-bắc trong lĩnh vực quân sự vốn không có mấy giá trị”.
Bà Kim nhắc lại thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 và thỏa thuận quân sự nhằm dừng mọi hành động thù địch và gây căng thẳng, và việc gửi truyền đơn chống Triều Tiên đi ngược lại các thỏa thuận này.
Trong tuần qua,  khoảng 500.000 truyền đơn dược những người Triều Tiên đào tẩu gửi về nước bằng bong bóng với nội dung chỉ trích lãnh đạo nước này đe dọa tiến hành “hành động thực sự gây sốc với vũ khí hạt nhân chiến lược mới”.
Theo Yonhap, chính phủ Hàn Quốc luôn khuyến cáo không gửi truyền đơn như thế, đồng thời lo ngại cho sự an toàn của người dân địa phương nơi xuất phát của truyền đơn vì Triều Tiên có thể có hành động quân sự đáp trả.
Tuy nhiên, những nhóm người Triều Tiên đào tẩu thường phớt lờ khuyến cáo và nói rằng họ có quyền tự do thể hiện ý kiến. Theo luật tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng không thể cấm những chiến dịch tuyên truyền kiểu này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35104-em-gai-chu-tich-kim-jong-un-doa-huy-thoa-thuan-quan-su-voi-han-quoc.html

Một số nhà đấu tranh ở Hồng Kông

tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài

khi Trung Cộng thắt chặt quyền kiểm soát

Tin từ HỒNG KÔNG – Một người biểu tình Hồng Kông tên là Crystal vẫn chưa thông báo với cha mẹ rằng cô trốn ra nước ngoài để xin tị nạn ở Canada, một trong số lượng những cư dân ngày càng gia tăng đang chọn cách tự lưu vong khi Bắc Kinh thắt chặt quyền kiểm soát.
Theo tin từ AFP, sinh viên 21 tuổi này dành nhiều tháng trên chiến tuyến của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, lần đầu tiên bùng nổ với những cuộc diễn hành lớn vào tháng 6 năm ngoái và biến thành những trận chiến ngày càng bạo lực với cảnh sát chống bạo động khi mỗi tháng trôi qua. Một năm sau, cô đang chờ đợi xem liệu cá nhân sẽ được cấp tình trạng tị nạn ở phía bên bờ đại dương hay không.
Các nhà hoạt động ở Canada cho biết ít nhất 50 người biểu tình ở Hồng Kông nộp đơn xin tị nạn trước khi đại dịch coronavirus làm ngừng hầu hết các chuyến du lịch quốc tế. Hàng trăm người khác chuyển đến Đài Loan, nơi dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố họ sẽ cố gắng hỗ trợ người Hồng Kông đang tìm cách trốn thoát, với các quyền tự do bị hủy hoại tại Hồng Kong. Tình hình hiện tại có thể trở thành một cuộc di cư lớn sau khi Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với Hồng Kông để đáp trả các cuộc biểu tình.
Trung Cộng tuyên bố rằng một luật chống lật đổ là cần thiết để giải quyết tình trạng “khủng bố” và “ly khai”. Những người phản đối lo sợ rằng việc này sẽ mang lại sự áp bức chính trị kiểu đại lục cho một trung tâm tài chính được bảo đảm quyền tự do và quyền tự trị trong 50 năm sau khi được Anh Quốc chuyển giao cho Trung Cộng vào năm 1997. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mot-so-nha-dau-tranh-o-hong-kong-tim-noi-an-nau-o-nuoc-ngoai-khi-trung-cong-that-chat-quyen-kiem-soat/

Cảnh sát gia tăng bắt bớ

khi hàng ngàn người tham gia sự kiện

tưởng niệm Thiên An Môn của Hồng Kông

Vào hôm thứ Năm (4/6), cảnh sát bắt giữ một nhóm người biểu tình ở Hồng Kông sau khi cố gắng giải tán đám đông bất chấp một lệnh cấm để biểu tình dưới ánh nến nhằm tưởng nhớ cuộc đàn áp dân chủ đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh bóp nghẹt các quyền tự do của họ.
Theo các nhân chứng của Reuters, các vụ bắt bớ nổ ra trong một thời gian ngắn tại khu vực Mong Kok nơi hàng trăm người tụ tập và một số người biểu tình cố gắng chặn đường bằng rào chắn kim loại, khiến các cảnh sát phải sử dụng bình xịt để giải tán họ. Đây là lần đầu tiên tình trạng bất ổn xảy ra trong buổi cầu nguyện Thiên An Môn hàng năm ở Hồng Kông. Sự kiện này bị cảnh sát cấm trong năm nay vì lý do khủng hoảng coronavirus.
Trước đó, vài nghìn người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa ở Victoria Park, nhiều người đeo khẩu trang và hô to các khẩu hiệu như “Liberate Hong Kong, revolution of our time” và “Fight for freedom, stand with Hong Kong”. Nhiều người xuống đường thắp nến và đứng mặc niệm trong một phút. Bảy nhà thờ Công giáo mở cửa. Một số người cầm theo các bức ảnh về các sự kiện năm 1989, bao gồm một bức ảnh nổi tiếng về người đàn ông đứng trước một đoàn xe tăng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-gia-tang-bat-bo-khi-hang-ngan-nguoi-tham-gia-su-kien-tuong-niem-thien-an-mon-cua-hong-kong/

TQ tập trận đêm ở Tây Tạng

giữa căng thẳng biên giới với Ấn Độ

Các lực lượng Trung Quốc ở Tây Tạng đã tổ chức cuộc diễn tập xâm nhập ban đêm trong bối cảnh nổ ra tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Theo tờ South China Morning Post ngày 4.6, Bộ chỉ huy quân đội Tây Tạng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện các cuộc tập trận vào ban đêm, có bao gồm bắn đạn thật ở dãy núi Tanggula có độ cao 4.700m thuộc Tây Tạng.
Lính Trung Quốc ở Tây Tạng tổ chức cuộc diễn tập xâm nhập để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu vào ban đêm trên núi cao, theo tờ South China Morning Post.
Trong cuộc tập trận, các binh sĩ Trung Quốc đã dùng máy bay do thám không người lái và thả nhiều thiết bị nổ khi phát hiện chướng ngại vật của đối phương.
Ông Mã Khiêm, chỉ huy đơn vị trinh sát của quân đội Trung Quốc, cho biết các binh sĩ đã khai hỏa hơn 2.000 lần trong cuộc tập trận, bao gồm cả súng phóng lựu và rốc két.
Ông Mã Khiêm nói thêm đợt diễn tập này là nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc trong các tình huống khắc nghiệt và phức tạp, cũng như để sử dụng các loại vũ khí mới.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1.6 cũng đưa tin về cuộc diễn tập, với nội dung rằng quân đội nước này đã được điều động đến một địa điểm ở dãy núi Tanggula tại Tây Tạng, sử dụng thiết bị nhìn đêm trên xe quân sự nhằm tránh bị máy bay do thám “đối phương” phát hiện.
Cuộc tập trận trên diễn ra giữa lúc căng thẳng biên giới bùng phát giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ ngày 5.5. khi binh sĩ hai bên đụng độ nhau ở vùng biên giới Ladakh (Ấn (Độ), nằm đối diện Tây Tạng (Trung Quốc).
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/35102-tq-tap-tran-dem-o-tay-tang-giua-cang-thang-bien-gioi-voi-an-do.html

Ứng cử viên Trung Quốc không xứng đáng được bầu

làm thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS)

Theo kế hoạch, Hội nghị thường niên lần thứ 30 của 167 quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 19/06/2020. Trong chương trình nghị sự của Hội nghị, sẽ có việc bầu 7 thẩm phán mới vào Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS), thay thế cho 7 thẩm phán hết nhiệm kỳ.
Hiện có 10 ứng cử viên đến từ 10 nước khác nhau, trong đó có ứng cử viên Trung Quốc – ông Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), Đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Trung Quốc đang ráo riết vận động các nước bầu cho ứng cử viên của họ, thậm chí họ đang mua chuộc, gây áp lực cho nhiều nước bỏ phiếu ủng hộ ông Đoàn Khiết Long. Tuy nhiên ứng cử viên Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng được bầu vào cơ quan hết sức quan trọng này vì những lý do sau đây:
Trước hết, xét về mặt chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, thành viên của ITLOS cần phải là những chuyên gia luật pháp giỏi hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm làm việc trên lĩnh vực công pháp quốc tế, nhất là về luật biển; công tâm trong công việc. Nhìn vào quá trình làm việc và trình độ chuyên môn của ông Đoàn Khiết Long ứng viên người Trung Quốc là thấy ngay rằng ông ta thua kém các ứng viên khác về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm luật pháp.
Ông Đoàn Khiết Long là nhà ngoại giao của Trung Quốc (Đại sứ Trung Quốc tại Hungary). Ngay việc Trung Quốc cử một người làm chính trị, ngoại giao tham gia ứng cử thẩm phán ITLOS đã cho thấy rõ mưu đồ của họ muốn chính trị hóa ITLOS chứ không phải dùng luật pháp một cách công tâm như các chuyên gia luật pháp chân chính. Do vậy, nếu ông Đoàn Khiết Long trở thành thẩm phán của ITLOS sẽ làm mất đi tính chất công tâm trong công tác xét xử, ra phán quyết của Tòa án, ảnh hưởng đến uy tín của ITLOS.
Hai là, những hành động hung hăng, hiếu chiến, dọa nạt, bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc trên biển, nhất là ở Biển Đông thời gian qua bất chấp luật pháp quốc tế càng cho thấy ứng cử viên của Trung Quốc không thể trở thành thẩm phán của ITLOS. Thời gian qua, Trung Quốc bị cả cộng đồng quốc tế lên án vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Bắc kinh bị coi là kẻ phá hoại luật pháp quốc tế khi họ ngang nhiên dùng “luật rừng” của Trung Quốc đặt ra để chèn ép, xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông. Chính Bắc Kinh cũng đã bóp méo hoặc viện dẫn sai lệch các nội dung của UNCLOS để biện minh cho những yêu sách và hành vi sai trái của
họ ở Biển Đông. Một kẻ phá hoại luật pháp quốc tế, phá hoại UNCLOS liệu có xứng đáng làm thẩm phán của ITLOS, cơ quan bảo vệ những điều khoản của UNCLOS hay không?
Ba là, Trung Quốc ngang nhiên phủ nhận các cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp của UNCLOS nên hoàn toàn không đủ tư cách để làm thẩm phán của ITLOS – một trong 4 cơ chế giải quyết tranh chấp.
Năm 2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực La Haye với những nội dung liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, trong đó có việc đề nghị xem xét tính hợp lệ của “đường lưỡi bò”. Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và không tham gia vào vụ kiện bởi, điều mà Trung Quốc lo ngại là Tòa bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh thể hiện tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Tòa Trọng tài vẫn được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982, vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý được quy định trong UNCLOS. Sau khi xem xét các nội dung đơn kiện, ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, theo đó bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như những cơ sở mà Trung Quốc viện dẫn để biện hộ cho yêu sách bất hợp pháp của họ ở Biển Đông.
Trung Quốc không những không thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài mà còn tiếp tục lấn tới ở Biển Đông.Trung Quốc đã phê chuẩn và trở thành thành viên UNCLOS năm 1996, nhưng Bắc Kinh lại tấn công vào tính hợp pháp của Tòa Trọng tài Thường trực PCA vốn cũng được UNCLOS công nhận là một trong 4 cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS. Mặt khác, Bắc Kinh đã từng đe dọa về khả năng Trung Quốc rút ra khỏi UNCLOS 1982.
Căn cứ vào các hành vi coi thường UNCLOS của Trung Quốc, thể hiện rõ ràng trong việc Bắc Kinh phủ nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016, cũng như hàng loạt những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng để có đại diện làm thẩm phán trong ITLOS.
http://biendong.net/bien-dong/35099-ung-cu-vien-trung-quoc-khong-xung-dang-duoc-bau-lam-tham-phan-toa-an-quoc-te-ve-luat-bien-itlos.html

TQ chuẩn bị lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010:

Lộ rõ bộ mặt nham hiểm

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin từ giới chức quân đội Trung Quốc cho biết, nước này được cho là đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ 2010 và chỉ chờ thời điểm để công bố.
Theo thông tin trên, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (31/5) dẫn một nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho việc lập ADIZ trái phép ở Biển Đông từ năm 2010 và chỉ chờ thời cơ để công bố. Theo kế hoạch này, ADIZ sẽ bao phủ khu vực Đông Sa, và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Kế hoạch được đưa ra cùng năm Trung Quốc cân nhắc lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Trung Quốc đã ngang nhiên lập ADIZ ở biển Hoa Đông vào năm 2013.
Theo nhận định của giới quan sát, kế hoạch Trung Quốc công bố ADIZ trái phép thứ hai sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á. Lu Li-Shih, một cựu giảng viên thuộc Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng Trung Quốc ngang nhiên xây dựng và phát triển trái phép các đảo nhân tạo, cụ thể là đường bay và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thời gian qua đều nằm trong kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các ảnh chụp vệ tinh gần đây cho thấy, quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn ngầm KQ-200 ở đá Chữ Thập và các cơ sở điều hòa không khí mà Trung Quốc đang xây dựng ở đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sắp triển khai các máy bay chiến đấu tới khu vực này. Một khi quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu ở đây, chúng có thể kết hợp với các máy bay cảnh báo sớm và máy bay săn ngầm để ngang nhiên thực hiện các hoạt động tuần tra ADIZ. Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự Lý Kiệt của Trung Quốc cho rằng thông thường các nước thường chờ đến khi có đủ trang thiết bị và năng lực cần thiết để vận hành mới công bố ADIZ. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể công bố sớm hơn khi có thời cơ.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc khác cho biết, do vấn đề về sự chuẩn bị cũng như Bắc Kinh nhận thấy Biển Đông rộng lớn hơn Hoa Đông nên cần nhiều nguồn lực hơn để tuần tra một ADIZ trái phép ở vùng biển này. Bắc Kinh còn do dự công bố ADIZ ở Biển Đông là bởi nhiều yếu tố cả chính trị, ngoại
giao và kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề thực tế nhất đó là trước kia quân đội Trung Quốc không có khả năng triển khai máy bay chiến đấu để trục xuất máy bay ở Biển Đông, khu vực rộng gấp mấy lần Hoa Đông, và chi phí lập ADIZ cũng rất lớn.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngầm chuẩn bị thiết lập ADIZ ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa “quyền kiểm soát thực tế” trong khu vực. Về ngoại giao, quan chức cấp cao của Trung Quốc (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) từng nhiều lần úp mở về khả năng Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông, cho rằng nước này “có quyền” thiết lập ADIZ nếu cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng thông báo cho biết việc lập một ADIZ là “quyền của một quốc gia có chủ quyền”, và rằng “thời điểm tuyên bố một khu vực như vậy sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có đối diện các mối đe dọa từ trên không và mức độ mối đe dọa an toàn trên không là như thế nào”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên tuyên bố “ADIZ không phải là phát minh của Trung Quốc, mà là của một số cường quốc. Nếu an ninh của chúng tôi bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi có quyền (tuyên bố ADIZ). Tất cả phụ thuộc vào phán đoán tình hình toàn cục”. Trước đó, tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng từng dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh đã hoàn tất kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông, song thời điểm Trung Quốc tuyên bố thiết lập sẽ tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các mối liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước láng giềng, nguồn tin nhấn mạnh “nếu quân đội Mỹ tiếp tục có những hành động để thách thức chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, thì điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông”.
Về quân sự, quốc phòng, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành cải tạo phi pháp nhiều đảo, đá, bãi cạn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm; cải tạo, nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm; xây mới nhiều cầu cảng lớn. Tại Trường Sa, Trung bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại 7 đá, bãi cạn, biến chúng thành 7 đảo nhân tạo; xây dựng một đường băng 3.250m x 55m (dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu) trên đá Su Bi, hai đường băng ngắn hơn ở trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn (2.644 m x 55m); xây dựng nhiều kho chứa máy bay chiến đấu, tên lửa, ụ pháo phòng không… trên các đảo, đá chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh cũng triển khai nhiều khí tài quân sự hiện đại có khả năng tấn công, phòng thủ và cảnh báo ở Biển Đông, trong đó có thiết bị gây nhiễu sóng và các radar quân sự tân tiến. Trung Quốc đã triển khai nhiều loại hình radar hiện đại, máy bay chiến đấu J-8, J-11, máy bay ném bom chiến lược H-6K ở cả Hoàng Sa và Trường Sa; triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi. Thứ ba, Trng Quốc liên tục tiến hành tập trận phòng không, không quân và hải quân trong khu vực nhằm “nâng cao năng lực tác chiến” của các lực lượng quân sự và khả năng ứng phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, tại căn cứ quân sự ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc cũng triển khai hàng loạt khí tài quân sự tiên tiến, hiện đại để phục vụ kế hoạch thiết lập ADIZ trên Biển Đông khi cần thiết. Bên cạnh các tàu chiến, Hạm đội Nam Hải còn được biên chế thêm hai sư đoàn không quân trực thuộc hải quân, trang bị máy bay ném bom Tây An JH-7A và tiêm kích đánh chặn Thẩm Dương J-11B (đều sử dụng hệ thống radar nội địa đa chức năng và có khả năng tác chiến không đối, đủ khả năng thực thi ADIZ). Bắc Kinh cũng triển khai luân phiên máy bay cảnh báo sớm trên không như máy bay Thiểm Tây KJ-200 AEW ở căn cứ Lăng Thủy (Lingshui) trên đảo Hải Nam; triển khai nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, tên lửa đất đối không…
Về pháp lý, Trung Quốc sớm nghiên cứu, đưa ra những căn cứ pháp lý để tiến hành âm mưu kiểm soát, thực hiện quyền bá chủ ở Biển Đông và tạo tiền đề, cơ sở để lập ADIZ trong khu vực, cụ thể: Năm 1996, Trung Quốc đã ra “Tuyên bố các đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa” thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông; năm 1998, Bắc Kinh tiếp tục thông qua “Luật Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc”, trong đó qui định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này kéo dài “200 hải lý tính từ đường cơ sở”.
Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm luật quốc tế, các thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Thứ nhất: Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Trong đó có Điều 3 (quy định “các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm
1982”) và Điều 5 (quy định về việc các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực).
Thứ hai: Vi phạm các quy định về tự do hàng không trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cụ thể, tại Điều 56, 76 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Điều 58 quy định, “trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển… được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm”, khẳng định “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”. Ngoài ra, thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) – một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 2 Hiến chương Liên hiệp quốc.
Thứ ba: Trung Quốc đã vi phạm nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về Biển Đông, trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/10/2011.
Thứ tư: Hoạt động hàng không ở khu vực sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn do các quy định Trung Quốc đưa ra. Việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông đồng nghĩa với việc tất cả máy bay (dân dụng, quân sự, tìm kiếm cứu trợ thiện tai…) đều phải thông báo lịch trình, kế hoạch bay cho Trung Quốc và phải tuân thủ hành lang bay do Trung Quốc chỉ định. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có biện pháp can thiệp, kể cả việc sử dụng máy bay quân sự tấn công, xua đuổi nếu máy bay nước ngoài “vi phạm” ADIZ do Trung Quốc đặt ra.
Theo đánh giá của giới học giả, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ là hành động thách thức luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Việc tuyên bố ADIZ là hoàn toàn đơn phương và không dựa trên căn cứ pháp lý quốc tế hay thương thuyết với nước láng giềng. Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng không dân dụng đi qua vùng biển này. Một số hãng hàng không không muốn phiền toái với Bắc Kinh có thể nộp lộ trình bay, đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Mỹ sẽ xem xét bất kỳ hành động lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào của Trung Quốc trên Biển Đông là “hành vi khiêu khích, gây mất ổn định khu vực, làm gia tăng căng thẳng và nghiêm túc đặt câu hỏi về cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao. Vì vậy, chúng tôi thúc giục Trung Quốc không đơn phương thực hiện các hành động khiêu khích”.
Không những vậy, nếu Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông sẽ khiến căng thẳng leo thang mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Hàng không dân dụng quốc tế (Hiệp ước Chicago) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS), cụ thể:
Thứ nhất, việc sử dụng ADIZ để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển tranh chấp sẽ xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh (Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines), biến ADIZ thành công cụ để Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền của nước khác.
Thứ hai, ADIZ ở Biển Đông không thể được sử dụng để kiểm soát máy bay nước ngoài bay qua khu vực này (vì khu vực này vốn không thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc), máy bay, tàu thuyền các nước hoàn toàn có quyền qua lại trong khu vực mà không bị cản trở hay đe dọa.
http://biendong.net/bien-dong/35098-tq-chuan-bi-lap-adiz-o-bien-dong-tu-nam-2010-lo-ro-bo-mat-nham-hiem.html

Sau đại dịch, Sơn Đông ra biển

thử nghiệm hệ thống tác chiến

Sau thời gian gián đoạn vì Covid-19, Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, đã ra biển để thử nghiệm các hệ thống. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của tàu Sơn Đông trong năm 2020.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố nước này đang cho vận hành thử nghiệm tàu sân bay Sơn Đông tự đóng nhằm kiểm tra hệ thống vũ khí và các thiết bị trên tàu, tăng cường huấn luyện và cải thiện khả năng tác chiến của binh sĩ. Trước đó hồi đầu tháng 4/2020, tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 chiến hạm khác của Trung Quốc cũng đã diễn tập ở vùng biển phía Đông và Nam của Đài Loan.
Với sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế trong những năm gần đây, Trung Quốc đang mạnh tay chi cho lĩnh vực quốc phòng với ý đồ tăng sức cạnh tranh ở các “điểm nóng” trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từng bước gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực. Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những nước có mức chi quốc phòng hàng đầu thế giới khi luôn duy trì ngân sách quốc phòng ở mức hai con số, cao nhất vào năm 2011 khi chiếm tới 12,7% GDP.
Bất chấp nền kinh tế bị thiệt hại nặng vì dịch Covid-19 cũng như tổn thương do cuộc chiến thương mại với Mỹ, tuần trước, Quốc hội Trung Quốc vẫn thông qua ngân sách quốc phòng lên tới 178,2 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái. Mức tăng này tuy giảm so với mức tăng 7,5% của năm 2019, song vẫn là một con số đáng kể.
Với sức mạnh đang lên, Trung Quốc bắt đầu tăng cường “khoe cơ bắp”. Mới đây, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận mô phỏng những cuộc đối đầu trực tiếp với máy bay và chiến hạm nước ngoài ở Biển Đông. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận bao gồm việc đuổi máy bay nước ngoài ra khỏi không phận Trung Quốc. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu mục tiêu của cuộc diễn tập là nhằm vào Mỹ.
Trong khu vực, Indonesia là quốc gia đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19 đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc, khi hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng với các tàu tuần duyên hộ tống hồi cuối năm ngoái đi vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Tiếp đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu chiến Trung Quốc thì chĩa pháo vào tàu tuần tra của Philippines trên Biển Đông. Giữa tháng 4-2020, tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, bám theo đuôi tàu West Capella, một tàu thăm dò làm việc theo hợp đồng với công ty dầu khí quốc gia Malaysia – Petronas.
Không chỉ gây sức ép về quân sự, Trung Quốc còn dùng công cụ kinh tế để áp đặt tham vọng của mình. Bởi sự ràng buộc về lợi ích kinh tế với đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Malaysia thường không nhấn mạnh vào vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Dù đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc hồi năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hầu như cũng không đề cập đến phán quyết của tòa. Trung Quốc cũng ứng xử ngày càng cứng rắn với các nước được cho là làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, điển hình là động thái áp thuế chống bán phá giá hơn 80% đối với sản phẩm lúa mạch Australia nhập khẩu vì nước này thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.
Trung Quốc leo thang căng thẳng nghiêm trọng trên Biển Đông
Rõ ràng, việc Trung Quốc từng bước khẳng định ưu thế về quân sự và kinh tế trong khu vực dẫn đến thực tế nước này sẵn sàng thách thức các nước khác mà không ngại bị trả đũa. Hành vi gây hấn của Bắc Kinh không mới nhưng theo bài viết của tác giả Suyash Desai trên tờ The Diplomat “không giống trước đây, lần này, Trung Quốc tham gia với tất cả các bên trong khu vực và liên khu vực cùng lúc ở Biển Đông và Hoa Đông”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hiện dựa vào cả 3 công cụ là quân sự, dân sự và ngoại giao để chuyển tiếp những yêu sách chủ quyền với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Chính vì thế, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần cùng nhau lên tiếng phản đối để tạo sức ép ngoại giao, chính trị kiềm chế Trung Quốc.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines, cho rằng: “Trước những hành động của Bắc Kinh có thể gây bất ổn cả khu vực, đã đến lúc các nước ASEAN cần đưa ra một tuyên bố chung đa phương để phản đối”.
Tương tự, chuyên gia Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đưa ra giải pháp: “Các nước trong khu vực phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung Quốc. Từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên”.
Ông Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, thì kêu gọi nước này cùng với Việt Nam và Malaysia nên tổ chức tuần tra chung để đối phó tình trạng Trung Quốc leo thang căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Hội Nhà báo nước ngoài ở Philippines tổ chức, ông Antonio Carpio cho rằng hải quân của 3 nước có thể tuần tra chung trong lãnh hải của mỗi nước và điều này sẽ gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng “Trung Quốc không thể loại chúng tôi theo từng quốc gia một. Chúng tôi đoàn kết”.
Với các nước ngoài khu vực nhưng cũng có lợi ích như về tự do hàng hải ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng có thể can dự bằng nhiều cách. Đô đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu và Hiệu trưởng Trường luật và ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts cho rằng Mỹ nên tìm cách dàn trận dựa trên sự lên án ngoại giao của tất cả các quốc gia trên Biển Đông cộng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Ông James Stavridis cũng cho rằng cần có thêm các cuộc tuần tra hàng hải của không chỉ Mỹ mà cả các nước  khác, kể cả các quốc gia NATO như Anh và Pháp.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu sân bay Sơn Đông đã ra biển thử nghiệm ở phía bắc Hoàng Hải, song không tiết lộ địa điểm cụ thể. Phó Hạm trưởng tàu Sơn Đông Li Yongxuan cho biết tàu đang khẩn trương hoàn thiện năng lực của mình; nhấn mạnh “Sơn Đông cần nhanh chóng tích hợp nhóm tác chiến tàu sân bay vào hệ thống chiến đấu tổng thể và sẽ nỗ lực để biến tàu sân bay thành con tàu chiến đấu và chiến thắng”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết mục đích của đợt huấn luyện nhằm kiểm tra hiệu suất của vũ khí và thiết bị, nâng cao trình độ huấn luyện của thủy thủ đoàn tàu sân bay.
Trước đó, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát phóng sự cho biết máy bay tiêm kích J-15 đã thực hành cất và hạ cánh trên tàu sân bay Sơn Đông
Các hoạt động thử nghiệm trước đó của tàu sân bay Sơn Đông đã bị gián đoạn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Sơn Đông ra biển huấn luyện kể từ khi được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019.
Một đoạn clip do CCTV phát hành cho thấy tiêm kích trên hạm J-15 đã. Ren Guoqiang, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết mục đích của đợt huấn luyện nhằm kiểm tra hiệu suất của vũ khí và thiết bị, nâng cao trình độ huấn luyện của thủy thủ đoàn tàu sân bay.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore), cho biết con tàu mới cần thử nghiệm các hệ thống của nó.
“Sơn Đông là một con tàu mới được đóng. Dù Trung Quốc đã có chút kinh nghiệm đối với tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng cần nhớ rằng Liêu Ninh nguyên bản là một tàu sân bay chưa hoàn thành của Liên Xô mà Trung Quốc mua từ Ukraine và tân trang lại. Liêu Ninh cũng phải tiến hành rất nhiều thử nghiệm trước khi được tuyên bố có thể hoạt động như một tàu sân bay”, ông Koh nói.
Tàu sân bay Sơn Đông được thiết kế dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh với một số cải tiến ở tháp chỉ huy. Kích thước lớn hơn so với Liêu Ninh một chút, cho phép nó mang nhiều máy bay hơn.
Tuy vậy, Sơn Đông vẫn giữ thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu” tương tự tàu sân bay Liêu Ninh. Điều đó khiến các tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay bị giới hạn tải trọng vũ khí và nhiêu liệu. Đặc biệt không thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn.
http://biendong.net/bien-dong/35096-sau-dai-dich-son-dong-ra-bien-thu-nghiem-he-thong-tac-chien.html

Phát biểu của Ngoại trưởng TQ không thể biện hộ

cho hành động hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông

Ngày 24/5/2020, phát hiểu tại cuộc họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc không tận dụng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) để khẳng định sư thống trị ở Biển Đông. Ông Vương Nghị cho rằng “Không có bằng chứng ủng hộ tuyên bố Trung Quốc đang sử dụng dịch Covid-19 để mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông”.
Phát biểu của ông Vương Nghị không thể che đậy cho những hành vi sai trái của Bắc Kinh những ngày qua và không thể lừa bịp được cộng đồng quốc tế. Ông ta nói rằng không có bằng chứng ư? Xin nêu ra đây một loạt các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trong những ngày cả thế giới đang phải dốc sức ứng phó với đại dịch Covid-19 để làm bằng chứng phản bác lại phát biểu của ông Vương Nghị.
- Ngay trong những ngày cuối năm 2019 – đầu năm 2020, khi mà Trung Quốc dịch covid bùng phát ở Trung Quốc với tâm dịch là Vũ Hán, Bắc Kinh đã cho tàu hải cảnh bảo vệ cho tàu cá Trung Quốc xâm nhập đanh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, buộc Indonesia phải điều tàu của lực lượng An ninh Biển ra thực địa chặn đuổi tàu cá Trung Quốc và đích thân Tổng thống Indonesia phải ra thị sát ở Natuna để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
- Ngày 05/3/2020, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vu cáo trắng trợn tàu cá Việt Nam xâm nhập vào “khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc” “đánh bắt cá” và “hoạt động trinh sát, gián điệp”. Đây là bước đi của Trung Quốc để chuẩn bị cho các hành vi gây hấn của họ ở Biển Đông trong thời gian đại dịch Covid-19, một cách làm mà giới cầm quyền Bắc Kinh thường sử dụng trước khi triển khai các hoạt động leo thang mới ở Biển Đông là “đổ lỗi cho đối phương để lấy cớ hành động”.
- Ngày 20/03/2020, Tân Hoa Xã ngang nhiên đưa tin, Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là sự khởi đầu cho một loạt các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông dưới thời đại dịch Covid-19.
- Hành động nghiêm trọng nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 02/4/2020 khiến Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối; Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều Nghị sĩ Mỹ ra tuyên bố lên án hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc; Philippines cũng ra tuyên bố phản đối hanh vi vô nhân đạo của Trung Quốc, bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với Việt Nam.
- Cũng trong tháng 4/2020, Philippines cho biết, tàu chiến của Trung Quốc đã chĩa radar vào tàu của hải quân Philippines từ tháng 2/2020 và Philippines đã trao công hàm phản đối; Trung Quốc cho nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông tập trận; đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển xâm lấn vùng biển Malaysia và quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia khiến Mỹ phải điều tàu chiến và máy bay ném bom tầm xa đến khu vực này.
- Trong 3 ngày liên tiếp trung tuần tháng 4/2020, Trung Quốc đã ra những văn bản bất hợp pháp liên quan đến Biển Đông: ngày 17/4, Trung Quốc gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc vu cáo, đe dọa Việt Nam; ngày 18/4, Trung Quốc ngang nhiên công bố lập “quận Tây Sa (Hoàng Sa)” và “quận Nam Sa (Trường Sa)”; ngày 19/4, Trung Quốc công bố đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông, trong đó có những bãi ngầm nằm gần sát bờ biển của các nước ven Biển Đông.
Tạm đưa ra đây 6 nhóm việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông giữa lúc cả khu vực và thế giới đang phải gồng mình lên để chống đại dịch Covid-19 để làm bằng chứng minh cho lời ông Vương Nghị nói không phải là sự thật.
Không chỉ các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia mà nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Nhật, EU… đã lên án hành vi của Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid để tăng cường các hoạt động gây hấn nhằm thống trị Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc hợp tác với các nước tập trung chống dịch.
Mỹ hết sức bất bình trước việc Trung Quốc thấy một số tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu sân bay phải tạm dừng hoạt động chống dịch nên đã tranh thủ lấn lướt ở Biển Đông. Vì vậy, dù đang phải nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19, Mỹ vẫn điều nhiều tàu chiến (bao gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục, tàu đổ bộ tấn công, tàu chiến đấu ven bờ…) và máy bay ném bom chiến lược tầm xa đến hoạt động trên Biển Đông để cảnh cáo. Mới đây, Mỹ còn điều cả tàu ngầm hạt nhân đến Biển Đông và điều ngay tàu sân bay (sau thời gian tạm dừng hoạt động vì Covid-19) đến Biển Đông.
Cùng với việc lên án Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh, yêu cầu mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona, nhiều quan chức Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và các Nghị sĩ mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng đại dịch để gây hấn ở Biển Đông và khẳng định quyết tâm không để Trung Quốc làm càn, bắt nạt các nước ven Biển Đông.
Chẳng lẽ ông Vương Nghị – đại diện cho ngành Ngoại giao của Trung Quốc – lại không nhìn, không nghe thấy những điều đó sao? Điều mỉa mai hơn là ông Vương Nghị lại còn lớn tiếng nói rằng “đang hợp tác tốt với các nước trong khu vực”, vu cáo Mỹ điều máy bay quân sự và tàu chiến vào Biển Đông “can thiệp”. Việc Mỹ phải điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông cũng là “cực chẳng đã” giữa lúc đại dịch để đáp trả hành động đơn phương ngang ngược của Trung Quốc.
Còn ông Vương Nghị nói “đang hợp tác tốt” với các nước láng giềng trong khu vực bằng việc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; cho tàu chiến chĩa radar vào tàu hải quân Philippines; cho nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia hay cho tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia đó sao…?
Liệu những hợp tác kiểu như trên sẽ giúp cho “tình hình Biển Đông ổn định” được như lời ông Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo được không? Chỉ qua những hoạt động nêu trên của Trung Quốc ở Biển Đông mọi người đều thấy rõ là Trung Quốc “hợp tác” hay chèn ép, bắt nạt. Với ông Vương Nghị và những người lãnh đạo Bắc Kinh thì hợp tác tốt có lẽ là các nước ven Biển Đông phải im lặng trước
những hành vi hung hăng của Trung Quốc; hợp tác tốt là phải chấp nhận để Trung Quốc hoành hành, thôn tính, độc chiếm Biển Đông.
Dẫu biết rằng Trung Quốc thường bất nhất giữa lời nói và hành động, nhưng việc ông Vương Nghị – nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc lại có những lời nói “đổi trắng thay đen” như vậy mà không xấu hổ thì quả thật là đáng sợ.
Sự thật luôn là chân lý, Trung Quốc là kẻ reo rắc đại dịch Covid-19 cho cả thế giới và đang lợi dụng đại dịch để gây hấn thực hiện mưu đồ thống trị Biển Đông mọi người đều rõ. Sự biện minh và những lời dối trá của ông Vương Nghị chỉ càng làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu thêm.
http://biendong.net/bien-dong/35095-phat-bieu-cua-ngoai-truong-tq-khong-the-bien-ho-cho-hanh-dong-hieu-chien-cua-bac-kinh-o-bien-dong.html

Trung Cộng ngày càng hung hăng hơn

trong chính trường toàn cầu

Vào hôm thứ Năm (4/6), một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Trung Cộng đang phô trương sức mạnh địa chính trị của họ khi các quốc gia trên thế giới đang chống chọi với đại dịch coronavirus – một dấu hiệu thể hiện niềm tin của Bắc Kinh rằng “thời điểm của Trung Cộng đã đến”.
Ngoài việc thúc đẩy một luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông, Trung Cộng củng cố lập trường của họ đối với Đài Loan – nơi mà họ xem là một tỉnh bướng bỉnh phải được thống nhất với đại lục. Bắc Kinh cũng tiếp tục gây hấn trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và gần đây là tại biên giới với Ấn Độ.
Các chuyên gia địa chính trị tuyên bố rằng việc Trung Cộng trỗi dậy như một cường quốc toàn cầu là nhân tố chính gây ra căng thẳng với Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới được xem là siêu cường toàn cầu và là nhà lãnh đạo thế giới kể từ Thế chiến II. Nhưng Hoa Kỳ dường như nhượng lại phần lớn quyền lãnh đạo toàn cầu kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. Điều đó mở ra cơ hội cho Trung Cộng theo đuổi một số mục tiêu địa chính trị lâu dài hơn.
Bắc Kinh không hề để đại dịch coronavirus ảnh hưởng đến một số mục tiêu lãnh thổ của họ. Nước này giữ vững sự kiểm soát ở Biển Đông, nơi họ có các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn với nhiều quốc gia bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy giàu tài nguyên. Đây là tuyến vận tải thương mại quan trọng, nơi hàng nghìn tỷ mỹ kim thương mại thế giới lưu thông. (BBT)
TAGS:
https://www.sbtn.tv/trung-cong-ngay-cang-hung-hang-hon-trong-chinh-truong-toan-cau/

Hác Hải Đông thành lập ‘Nhà nước Liên bang

Trung Quốc mới’, cư dân mạng ‘đón chờ hộ chiếu’

Vũ Dương
Cầu thủ bóng đá nổi tiếng Trung Quốc Hác Hải Đông ngày 4 tháng 6 đọc bản tuyên ngôn thành lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới”, khiến cộng đồng mạng không khỏi chấn động. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mau chóng chặn Weibo của ông, nhưng cư dân mạng đã ca ngợi ông là một trang “nam tử Hán thật sự”. Nhiều người Trung Quốc hy vọng rằng tổ chức này sẽ sớm ban hành hộ chiếu “Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới” có thể tự do thông hành đến các nước trên thế giới, thay thế cho hộ chiếu do ĐCSTQ cấp phát hiện thời.
Ngày 4 tháng 6 là kỷ niệm 31 năm cuộc thảm sát sinh viên đòi quyền dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 của ĐCSTQ. Lễ tuyên bố thành lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới” do ông Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ khởi xướng, được phát trực tiếp trên Internet vào lúc 7 giờ hơn sáng ngày hôm đó.
Tại buổi lễ tuyên bố, Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Nhà Trắng, đã đọc bản tuyên bố bằng tiếng Anh; ông Hác Hải Đông đọc bản tuyên bố bằng tiếng Trung trên truyền hình trực tiếp. Hác Hải Đông đã liệt kê hết thảy những tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi thành lập chính quyền, và tuyên bố thành lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới, đồng thời nói rõ cương lĩnh lập quốc.
Trong một video được đăng trên Youtube, Hác Hải Đông tuyên bố: “Xóa sổ ĐCSTQ là cần thiết để chính nghĩa trường tồn. ĐCSTQ được tổ chức khủng bố được Cộng sản Quốc tế tài trợ nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp của Trung Quốc lúc bấy giờ. Sự thống trị độc tài của nó ở Trung Quốc đã thai nghén cho một loạt các tội ác chống lại loài người: Phớt lờ nhân quyền, hủy hoại nhân tính, chà đạp dân chủ, vi phạm pháp luật, hủy bỏ hiệp ước, tắm máu Hồng Kông, giết hại người dân Tây Tạng, xuất khẩu tham nhũng và mang lại nguy hại cho toàn cầu”.
Hác Hải Đông trong phần mở đầu của bản tuyên ngôn cũng chỉ ra rằng: ĐCSTQ “sử dụng virus Corona Vũ Hán để tiến hành một cuộc tấn công sinh vũ khí sinh học nhắm vào toàn thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và mạng sống của con người. Thật đúng là tội ác cùng cực, trời đất không dung!”.
“Lật đổ ĐCSTQ là cần thiết để phá bỏ xiềng xích của người dân Trung Quốc và là điều thật sự cần thiết để mang lại hòa bình yên ổn cho thế giới. Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới không có ĐCSTQ là điều cần thiết cho toàn thể người dân và là điều cần thiết để gây dựng một xã hội phồn vinh hùng cường”. Sau khi phát biểu xong, Hác Hải Đông tuyên bố kiến lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới”.
“Tuyên ngôn kiến quốc” của Hác Hải Đông khiến cộng đồng người Hoa trong nước và hải ngoại không khỏi chấn động, ĐCSTQ càng thêm hoảng loạn. Cùng ngày, Weibo của Hác Hải Đông với gần 7,7 triệu fan hâm mộ đã bị ĐCSTQ chặn hoàn toàn, các chức năng bình luận liên quan cũng bị khóa. Weibo của con trai ông là Hác Nhuận Trạch ban đầu còn có thể được vào được, nhưng sau một loạt bình luận chúc mừng như “Thái tử điện hạ”, “Thái tử liên bang”, phần bình luận cũng đã bị chặn. Thông tin về vợ ông là bà Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying) (vận động viên cầu lông nổi tiếng Trung Quốc và từng đoạt giải quán quân cầu lông thế giới) cũng đã bị tất cả các trang mạng Trung Quốc chặn hoàn toàn, Weibo cũng đã bị xóa.
Có nguồn tin cho hay, nhiều hãng truyền thông ở Trung Quốc đã nhận lệnh cấm đưa tin về Hác Hải Đông. Ba chữ Hác Hải Đông cũng đã trở thành từ khóa nhạy cảm trên Internet. Các kênh truyền thông của ĐCSTQ thậm chí không dám nhắc đến tên ông mà chỉ dám viết cầu thủ H. để tiến hành lên án và công kích ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Deutsche Welle của Đức, một đồng đội cũ của Hác Hải Đông đã “không khỏi chấn động” trước việc làm này của ông. Người này nói rằng những đồng đội của Hác Hải Đông vẫn sống ở Trung Quốc không thể hiểu nổi hành động tuyên bố ‘lập quốc’ này. Một số người thậm chí còn nói rằng ông ấy bị “điên”.
Nhưng một số đồng đội cũ của ông Hác sống ở nước ngoài bày tỏ sự khen ngợi trước sự can đảm của ông. Một trong số họ than thở: “Anh ấy là một người có địa vị trong xã hội Trung Quốc, mà dám đứng ra như thế, quá tuyệt vời”.
Sau khi Hác Hải Đông phát sóng “Tuyên ngôn Liên bang Trung Quốc mới”, ông và vợ đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn với Luther Media. Ông Hác liên tục cảm ơn vợ vì nghĩ rằng sự hỗ trợ của cô sẽ giúp ông không đơn độc trên con đường tìm kiếm tự do dân chủ cho người dân Trung Quốc.
Ông Hác Hải Đông nói: “Khi một người đàn ông đưa ra quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, người thân yêu, con cái, thì sự bất an trong lòng chính là cô đơn nhất! Cô ấy đứng lên vào lúc này, tham gia cùng tôi! Cô ấy nói: ‘Sao có thể để anh một mình đối diện với áp lực như thế?’ Tôi – Hác Hải Đông cả đời không hối tiếc bởi vì có người yêu thương bên cạnh, tôi thấy rất đáng!”.
Cùng ngày, ông đã đăng tải một dòng trạng thái lên Twitter: “Hôm nay, chúng tôi đã có được lựa chọn vĩ đại nhất, đúng đắn nhất trong suốt một đời này của chúng, chính là tôi đã đích thân đọc bản tuyên ngôn thành lập ‘Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới’! Đây đúng là vinh diệu của cả cuộc đời! Cảm ơn vợ vì đã ủng hộ anh!”. Những lời này của ông khiến không ít cư dân mạng xúc động.
Theo ntdtv.com,
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hac-hai-dong-thanh-lap-nha-nuoc-tan-lb-trung-quoc-cu-dan-mang-don-cho-ho-chieu-moi.html

Huyền thoại bóng đá Trung Quốc:

Chính quyền ở Bắc Kinh nên bị loại khỏi nhân loại

Băng Thanh
Vào hôm 4/6, trong một video đăng trên kênh YouTube, ông Hác Hải Đông, cựu cầu thủ ghi bàn hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi lật đổ nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không nên bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chà đạp thêm nữa. Tôi nghĩ rằng chính quyền này nên bị loại khỏi nhân loại. Đây là kết luận tôi đạt được sau 50 năm sống trên đời”, ông nói trong video, theo Reuters.
Ông Hác Hải Đông (Hao Haidong), 50 tuổi, là một ngôi sao lớn trong làng bóng đá Trung Quốc trong những năm 1990 và 2000. Ông chơi cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc hơn 100 lần và góp phần đưa Trung Quốc đến vòng chung kết World Cup duy nhất của nước này vào năm 2002.
Theo Reuters, ông xuất hiện trong video cùng vợ, bà Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying), ngôi sao trong làng cầu lông Trung Quốc. Video được công bố trên kênh YouTube của tỷ phú Quách Văn Quý hiện đang sống lưu vong tại Mỹ vào ngày 4/6, ngày kỷ niệm 31 năm chính quyền Trung Quốc ra lệnh thảm sát sinh viên yêu cầu dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn.
Trước đó, vào hôm 3/6, một nhóm các máy bay mang biểu ngữ chứa nội dung “Chúc mừng Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” đã bay qua New York, và được tỷ phú Quách Văn Quý cùng ông Steve Bannon, cựu cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát trực tiếp (Live stream) từ một chiếc thuyền, theo tờ New York Post.
“Kể từ hôm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không còn là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc nữa”, tỷ phú Quách Văn Quý nói khi phát Live stream, theo New York Post.
“Tôi ở đây để nói với những người yêu hòa bình, có lòng nhân ái và tôn trọng luật pháp rằng, chúng tôi sẽ kết thúc chính quyền Trung Quốc một lần và mãi mãi. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ hàng trăm quốc gia”, ông Quách nói.
Trong một video khác được đưa lên YouTube, ông Hác Hải Đông đã đọc tuyên ngôn “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới”, đồng thời ông nhấn mạnh rằng chỉ khi nhà cầm quyền ở Bắc Kinh được loại bỏ thì mới mang lại công lý cho thế giới. Ông nói thêm rằng đề xuất của ông đã được tỷ phú Quách Văn Quý, ông Steve Bannon ủng hộ và sẽ đề nghị công dân Trung Quốc bỏ phiếu cho chính phủ của họ.
Sau tuyên bố của ông Hải Đông, tài khoản mạng xã hội Weibo của ông, với hơn 7 triệu người theo dõi, đã bị xóa vào ngày 4/6. Tất cả các vấn đề liên quan đến cựu ngôi sao Hải Đông trên Zhihu của Trung Quốc, trang web mà người dùng có thể tạo lập, trả lời, chỉnh sửa và tổ chức các câu hỏi cũng đã bị xóa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề này từ hãng tin Reuters.
https://www.dkn.tv/the-gioi/huyen-thoai-bong-da-trung-quoc-chinh-quyen-o-bac-kinh-nen-bi-loai-khoi-nhan-loai.html

Cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc

kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản

Thanh Phương
Cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc Hác Hải Đông (Hao Haidong) đã kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản nhân kỷ niệm 31 vụ đàn áp Thiên An Môn 1989.
Hác Hải Đông, năm nay 50 tuổi, là tiền đạo quốc tế ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc, với tổng cộng 41 quả ghi bàn trong 106 trận dưới màu áo đội tuyển quốc gia. Một phần nhờ các bàn thắng của Hác Hải Đông mà Trung Quốc lọt vào vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới 2002. Sau đó, ông sang đá cho một câu lạc bộ ở Anh Quốc, rồi cuối cùng sang định cư ở Tây Ban Nha, nơi mà con trai ông cũng là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Ngày 04/06/2020, đúng kỷ niệm 31 năm vụ  thảm sát Thiên An Môn, một đoạn video được phát tán trên mạng trong đó huyền thoại bóng đá này kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc. Xuất hiện cùng với người vợ trong đoạn video này, Hác Hải Đông tuyên bố từ lâu ông không còn tin vào đảng Cộng sản Trung Quốc nữa, và xem đây là « một tổ chức khủng bố » cần phải « bị tống khứ khỏi nhân loại ».
Cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc, giả từ sân cỏ từ năm 2008, cho biết ông đi đến kết luận nói trên do vụ Thiên An Môn, nhưng cũng do chính sách đàn áp ở Tây Tạng và Hồng Kông cũng như những đe dọa của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Ông còn lên án nạn tham nhũng trong bóng đá Trung Quốc và việc đàn áp quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác ở Trung Quốc. Hác Hải Đông tuyên bố ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Liên bang của Trung Hoa mới, dự án do nhà tài phiệt lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) và nhà hoạt động chính trị Mỹ Steve Bannon, từng là cánh tay mặt của tổng thống Trump
Khi được hỏi về những tuyên bố nói trên của Hác Hải Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói : « Tôi không quan tâm đến những lời lẽ phi lý như thế ». Nhưng theo hãng tin AFP, tài khoản từng có đến 7,5 triệu followers của Hác Hải Đông trên mạng Weibo của Trung Quốc đã bị đình chỉ hôm 05/06 . Còn theo trang Bitter Winter, chuyên về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, các tờ báo thể thao ở Trung Quốc được lệnh là kể từ nay không nhắc đến tên Hác Hải Đông nữa.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200606-c%E1%BB%B1u-ng%C3%B4i-sao-b%C3%B3ng-%C4%91%C3%A1-trung-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-l%E1%BA%ADt-%C4%91%E1%BB%95-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n

Cảnh Sảng

rời vị trí phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Triệu Hằng
Trong cuộc họp báo ngày 5/6, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) thông báo sẽ rời vị trí phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo CGTN, ông Cảnh Sảng đảm nhiệm vai trò người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2016. Cho đến nay ông ta đã chủ trì gần 400 cuộc họp báo lớn nhỏ.
Theo Thời báo Hoàn cầu, Cảnh Sảng sinh năm 1973, là người phát ngôn thứ 30 của Bộ và đã thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao hơn 20 năm.
Trong vai trò phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Cảnh Sảng thường mạnh miệng đưa ra những luận điệu ngang ngược của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ông ta còn được giới truyền thông quốc tế mô tả là một trong các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc, theo sau một bộ phim hành động cùng tên.
Chưa rõ sau khi rời vị trí phát ngôn viên ông Cảnh Sảng sẽ nắm giữ vai trò gì kế tiếp, nhưng Thời báo Hoàn Cầu nhận định có thể ông ta sẽ làm việc trong Phái đoàn Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/canh-sang-roi-vi-tri-phat-ngon-vien-bo-ngoai-giao-trung-quoc.html

Chiến tranh Trung – Ấn có thể nổ ra! Trung Quốc

chuyển hơn 5.000 xe quân sự tới biên giới suốt đêm

Bình luậnMinh Thanh
Mặc dù để giải quyết cuộc xung đột biên giới không ngừng leo thang, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc hội đàm cấp tướng ở Ladakh vào ngày 6/6. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đẩy mạnh việc chuyển quân tới biên giới Trung – Ấn, bao gồm các xe vận chuyển thiết bị lớn, tên lửa, xe bọc thép, xe tăng, tàu sân bay bọc thép và nhiều loại tàu sân bay khác, số lượng lên tới hơn 5.000, 6.000. Hiện tại, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không muốn nhượng bộ, và e rằng cuộc chiến Trung – Ấn là không thể tránh khỏi.
Vào ngày 5/6, một đoạn video được cư dân mạng lan truyền cho thấy trên đường cao tốc Tân Tạng cách biên giới Trung – Ấn không xa, tất cả các phương tiện đều bị dừng lại và chờ cho những xe vận chuyển quân đội đi qua. Theo ước tính của cư dân mạng, tại hiện trường có khoảng 5.000 hoặc 6.000 xe quân sự đi qua, không ngừng nghỉ suốt đêm. Trong hơn 24 giờ các xe quân sự đi qua, tất cả các tín hiệu sóng đã bị chặn, khiến cho không thể thực hiện cuộc gọi, gửi tin nhắn và sử dụng WeChat.
Thời gian quay video này ước tính là từ ngày 3/6 đến 5/6. Cư dân mạng quay video nói: “Những gì bạn đang thấy là trạm kiểm soát Hồng Liễu Xuyên trên đường Tân Tạng. Đây là quốc lộ 219. Chúng tôi bị kẹt ở đây từ chiều hôm qua và các xe quân sự liên tục đi qua, buổi tối chúng tôi phải ở trong quán trọ nhỏ này. Sáng sớm hôm nay xe quân sự lại bắt đầu đi tiếp. Chúng tôi đã bị dừng ở đây 24 giờ. Các xe quân sự đã đi qua, ước tính khoảng 5.000 hoặc 6.000 xe, có xe chở vật tư, thiết bị lớn, tên lửa, xe bọc thép mới, xe tăng mới, và nhiều binh sĩ”.
“Có lẽ các xe quân sự đang đi qua, chúng tôi đang chờ ở đây. Hiện ống kính chỉ phương hướng từ Tân Cương đến Tây Tạng. Những xe quân sự này di chuyển từ Tân Cương qua Tây Tạng. Có thể nói là ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, do xe quân sự đi qua nên tất cả các tín hiệu sóng trên đường đều bị chặn. Chúng tôi không thể gọi điện thoại, gửi tin nhắn và sử dụng WeChat. Chúng tôi chỉ biết đợi ở đây và hy vọng xe sẽ sớm được lưu thông”.Vào ngày 5/6, cư dân mạng đã đăng một video khác cho thấy cuộc đối đầu rất kỳ lạ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ: Mặc dù lần này không có va chạm tay chân, nhưng binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đối mặt nhau khoảng cách chỉ chưa đầy 1 mét.  Cả hai bên đưa ra các biểu ngữ riêng của mình.
Được biết, ĐCSTQ hiện đang triển khai khoảng 2.500 quân tại Hồ Pangong, đồng thời tăng dần cơ sở hạ tầng và vũ khí tạm thời. Con số này có thể không bao gồm các binh lực hiện đang được vận chuyển tới . Quân đội Ấn Độ đã triển khai khoảng 3.000 quân tiếp viện và pháo binh.
Hồ Pangong được coi là một địa điểm chiến lược, và phía Ấn Độ cho rằng một khi nơi này bị Trung Quốc chiếm đóng, Ladakh sẽ mất đi bức thành bảo vệ.
Minh Thanh
Theo SOH
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/chien-tranh-trung-an-co-the-no-ra-trung-quoc-chuyen-hon-5000-xe-quan-su-toi-bien-gioi-suot-dem-43278.html

Trung – Ấn đồng ý

giải quyết tranh chấp biên giới trong ‘hòa bình’

Băng Thanh
Hôm 5/6, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết tranh chấp về đường biên giới chung tại vùng Ladakh trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) bằng những kênh ngoại giao.
Thông tin trên được Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.
Tuyên bố được đưa ra một ngày trước khi các tướng lãnh hàng đầu của hai nước gặp nhau gần vị trí đối đầu tại biên giới để nỗ lực tìm kiếm phương cách xuống thang tình hình.
Các giới chức Ấn Độ nói cả hai phía sẽ chú trọng đầu tiên đến việc quân đội Ấn Độ và quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc rút binh sĩ và các thiết bị được triển khai trong khu vực.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các giới chức cao cấp của hai nước đã họp hội nghị bằng video và đồng ý rằng “hai bên sẽ giải quyết những khác biệt qua những cuộc thảo luận ôn hòa” và sẽ không để trở thành tranh chấp.
Tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tình hình chung tại khu vực biên giới Trung – Ấn hiện đang “ổn định và kiểm soát được”.
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.
Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.
Tuy nhiên, tình hình bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/5, hiện nay chưa rõ nguyên nhân căng thẳng bắt nguồn từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-an-dong-y-giai-quyet-tranh-chap-bien-gioi-trong-hoa-binh.html

Một nhà đối lập Thái Lan bị bắt ở Cam Bốt :

Biểu tình phản đối ở Bangkok

Thu Hằng
Wanchalearm Satsaksit, một nhà đấu tranh dân chủ Thái Lan, tị nạn tại Cam Bốt, đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc gần nhà riêng ở Phnom Penh vào tối 04/06/2020, theo tin của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch).
Wanchalearm Satsaksit đã phải chạy khỏi Thái Lan năm 2014, sau cuộc đảo chính của quân đội do tướng Prayut Chan-o-Cha, hiện là thủ tướng, cầm đầu. Theo thông tín viên RFI Juliette Buchez tại Phnom Penh, nhà đối lập bị Thái Lan truy nã từ năm 2018 nhưng tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bangkok.
Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền lo ngại cho tính mạng của nhà đấu tranh và yêu cầu mở điều tra ngay lập tức. Trong khi đó, hàng trăm người đã biểu tình tại Bangkok ngày 05/06, bất chấp tình trạng khẩn cấp chống dịch Covid-19, để đòi chính phủ giải thích.
Tường thuật từ Bangkok của thông tín viên RFI Carol Isoux :
« Gần 100 người biểu tình đã tập hợp sau khi được thông báo về vụ bắt cóc nhà đối lập trẻ, rất nổi tiếng trong giới đấu tranh.
Vụ bắt cóc không xảy ra ở Bangkok mà ở thủ đô Phnom Penh của nước láng giềng Cam Bốt, nơi ông tị nạn từ vài năm nay. Vừa rời khỏi nhà vào chiều thứ Năm 04/06, Wanchalerm, 37 tuổi, thấy một chiếc ô tô đen lao tới. Theo một số nhân chứng, nhiều người đàn ông mặc trang phục giống nhau ra khỏi xe, bóp cổ nhà đối lập rồi bắt ông vào trong xe. Từ lúc đó không còn bất kì tin tức nào về nhà đấu tranh này.
Từ hơn hai năm nay và kể từ khi quốc vương mới lên ngôi ở Thái Lan, có ít nhất 8 nhà đối lập với chế độ quân chủ đã mất tích. Họ gần như không có cơ may sống sót, theo giải thích của một nhà báo Thái Lan : “Mọi người còn nhớ các vụ tương tự xảy ra ở Lào, trong đó người ta đã tìm thấy 2 thi thể, 6 người khác mất tích. Không một ai nhìn thấy họ từ lúc đó và cũng không hề được nghe nói về họ. Có thể là người ta đã không tìm thấy thi thể của những người đó, nhưng rõ ràng là họ đã bị ám sát”.
Cách đây vài tháng, hai thi thể bị đổ xi măng lên đã được tìm thấy trên sông Mêkông. Nhiều trường hợp mất tích tương tự đã xảy ra ở Lào, Việt Nam và Cam Bốt. Chủ đề này vô cùng nhạy cảm. Đề cập những vụ mất tích như vậy trên truyền thông Thái Lan đã là tự chuốc lấy rủi ro ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200606-m%E1%BB%99t-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-th%C3%A1i-lan-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-%E1%BB%9F-cam-b%E1%BB%91t-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-%E1%BB%9F-bangkok

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.