Tin Biển Đông – 06/06/2020
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt
sắp quay lại biển Đông sau sự việc nhiễm COVID-19
Tin từ Hoa Kỳ: Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt sắp vượt qua sự kiện thuỷ thủ đoàn lây nhiễm với coronavirus, khôi phục hoạt động và sắp được đưa trở lại hoạt động ở Biển Đông.
Dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoa Kỳ, VTC News đưa tin hàng không mẫu hạm này vừa quay trở lại biển để kiểm tra kỹ thuật trong tháng. Sau đó hàng không mẫu hạm quay về căn cứ Guam đón những thủy thủ đã hết cách ly COVID-19 và khôi phục hoàn toàn hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Hiện tàu này đã rời căn cứ hải quân đảo Guam và vào vùng biển gần Philippines, nhằm “sẵn sàng bảo đảm an ninh hàng hải, duy trì tự do trên biển theo luật pháp và hải quan quốc tế, hợp tác với các đối tác quốc tế và đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.”
Sau khi rời Việt Nam vào đầu tháng 3, hơn 1.100 thủy thủ trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt được xác nhận nhiễm Covid-19 và 1 người thiệt mạng. Ít nhất 4.000 thủy thủ trên tàu được đưa đi cách ly điều trị tại Guam còn bản thân con tàu thì được khử trùng. Sau 14 ngày cách ly, những thủy thủ được xác nhận không nhiễm virus được phép quay lại tàu.
Liên quan đến vụ lây nhiễm này, hạm trưởng Brett Crozier bị cách chức và giờ đây hàng không mẫu hạm nằm dưới sự chỉ huy của hạm trưởng Carlos Sardiello. Gần đây, Hoa Kỳ gửi công hàm ngoại giao tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách đường lưỡi bò vô lý của Trung Cộng.
Trong nhiều tháng vừa qua, quân đội Hoa Kỳ đưa nhiều tàu chiến và phi cơ tới Biển Đông nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển giàu tài nguyên và quan trọng cho giao thương quốc tế này. (BBT)
Cảnh giác với việc TQ thiết lập
Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông
Vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) được hiểu là phạm vi một vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay khi bay qua vùng này phải được nhận diện, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. ADIZ không đồng nghĩa với vùng trời lãnh thổ quốc gia (không phận), nhưng do những đòi hỏi của quốc gia thiết lập, nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng. Một vùng nhận diện phòng không như thế thực chất là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Ngoài Mỹ, có Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Pakistan, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc và Đài Loan đã thiết lập ADIZ.
Hiện nay, không có một thỏa thuận hay định chế quốc tế nào điều chỉnh vấn đề này, các quốc gia không bị điều luật nào cấm hoặc cho phép một cách rõ ràng về việc thiết lập một ADIZ như vậy. Do đó, các quốc gia thiết lập ADIZ chủ yếu dựa vào những lập luận của riêng mình để giải thích cho việc thiết lập chúng. Cần phải nhấn mạnh rằng, các ADIZ có thể bao gồm những khu vực, phạm vi nằm ngoài lãnh thổ vùng trời của các quốc gia (có thể bao trùm lên vùng trời phía trên vùng đặc quyền kinh tế), và chúng không thể được dùng để bào chữa cho việc mở rộng lãnh thổ vùng trời.
Tương tự như nguyên tắc “đất thống trị biển” trong luật biển quốc tế, phạm vi ADIZ phải có sự gắn kết logic với lãnh thổ của quốc gia tuyên bố. Điều đó có nghĩa một quốc gia không thể mặc nhiên tuyên bố một khu vực vùng trời quốc tế nào đó đặt dưới sự kiểm soát của mình nếu không có cơ sở chứng minh chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ bên dưới nó. Cũng chính vì lý do đó, những ADIZ như vậy không thể được thiết lập trên những vùng lãnh thổ đang có tranh chấp vì sẽ tạo ra căng thẳng, xung đột về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia liên quan.
Ông Alexander L.Vuving – chuyên gia trong lĩnh vực an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu/Mỹ, trong bài viết đăng trên tờ The National Interest/Mỹ ngày 25/7/2016 cho biết, năm 2013, ngay trong ngày Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Phát ngôn viên Bộ này đã công khai tuyên bố: “Trung Quốc sẽ thiết lập các ADIZ khác vào thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất việc chuẩn bị”. Kể từ đó, trong những phát ngôn chính thức, cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ thiết
lập ADIZ ở Biển Đông. Họ còn lặp đi, lặp lại rằng đó là quyền của Trung Quốc như một quốc gia có chủ quyền. Thêm vào đó, những nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc thỉnh thoảng lại nói với các nhà báo nước ngoài rằng, Trung Quốc đã có kế hoạch và đã sẵn sàng áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Đầu năm 2017, đại tá Liang Fang, một chiến lược gia nổi tiếng ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã công khai kêu gọi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Những phát ngôn công khai này có thể chỉ để răn đe các đối thủ của Trung Quốc, nhưng khả năng Bắc Kinh thành lập ADIZ ở Biển Đông không phải là không có thật.
Như vậy, câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây là ADIZ có chức năng gì mà Trung Quốc lại “hăm hở” với nó đến thế. Tìm hiểu vấn đề này mới thấy, vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự, ADIZ còn có thể thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao và pháp lý đối với quốc gia. Theo đó:
Một là, ADIZ như một “cơ chế” cảnh báo sớm. Đây vốn là mục đích nguyên thuỷ của ADIZ khi Mỹ lần đầu tiên tạo ra nó trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm làm giảm nguy cơ bị Liên Xô bất ngờ tiến công trên không. Bắc Kinh ngày nay thì quan ngại về các hoạt động gián điệp của Mỹ hơn là một cuộc tiến công bất ngờ từ Mỹ hay từ các nước láng giềng trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc muốn giảm hoạt động giám sát của Mỹ dọc bờ biển của họ, thì năng lực thực thi ADIZ sẽ quan trọng hơn là một lời tuyên bố chính thức, vì Washington đã công khai lập trường không công nhận cũng như không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc.
Hai là, ADIZ như một khu vực cấm xâm nhập, nghĩa là việc thiết lập ADIZ có thể cung cấp cơ sở pháp lý để không cho máy bay nước ngoài bay vào những khu vực nhất định. ADIZ mà Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông thậm chí còn đòi hỏi máy bay nước ngoài khi quá cảnh ở không phận quốc tế và không hướng về lãnh thổ Trung Quốc vẫn phải thông báo với họ.
Ba là, ADIZ với chức năng đánh dấu chủ quyền. Mặc dù ADIZ không phải là một yêu sách lãnh thổ, nhưng nó có thể được sử dụng để thực hiện một số hình thức của quyền chủ quyền và quản lý vùng trời trên một vùng lãnh thổ. Sự chấp nhận hay phục tùng của máy bay nước ngoài sau đó có thể được hiểu như là sự công nhận rằng, quốc gia sở hữu ADIZ đang thực thi chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ.
Bốn là, ADIZ như một “con bài” để mặc cả, nghĩa là nó có thể làm mạnh thêm vị thế của quốc gia đã tuyên bố thiết lập nó trong “bàn cờ” với các quốc gia khác. Ví dụ, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông đã củng cố vị thế của Bắc Kinh khi đối diện với Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nó còn giúp Trung Quốc một cơ sở pháp lý để cho những máy bay chiến đấu của họ tranh giành vùng trời trên quần đảo này với máy bay của Nhật Bản và mở rộng khu vực tranh chấp thực tế không chỉ giới hạn ở những vùng nước lân cận quần đảo, mà còn cả không phận phía trên quần đảo. ADIZ ở biển Hoa Đông còn giúp Trung Quốc tạo ra hiện trạng mới trong khu vực.
Năm là, ADIZ được coi như một “thiết bị” phát tín hiệu. Một quốc gia có thể tuyên bố lập ADIZ nhằm phát đi tín hiệu về một điều gì đó quan trọng. Khán giả của tín hiệu này có thể ở trong nước hoặc quốc tế hoặc cả hai. Việc công bố lập ADIZ trong sự phản đối của quốc tế có thể là phát tín hiệu thể hiện sự quyết tâm; cũng có thể là tín hiệu của một sự tức giận và vì vậy, một cách gián tiếp, nó phát đi tín hiệu về khả năng sẽ giáng đòn trừng phạt nhằm phản ứng lại một sự kiện trước đó đã gây tổn thương cho quốc gia tuyên bố thiết lập ADIZ. Việc thi hành một ADIZ cũng có thể là phát tín hiệu về năng lực của quốc gia đó. Các yếu tố quyết tâm, giận dữ và năng lực thực thi có thể có tác dụng ngăn cản các quốc gia bên ngoài không làm gì xúc phạm đến quốc gia đó.
Liên quan đến chức năng này, liệu một ADIZ có thể được sử dụng như một tín hiệu trấn an các quốc gia khác về mong muốn hợp tác hay không? Một số nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc đã cố gắng sử dụng ADIZ ở biển Hoa Đông “như một công cụ để thu hút sự chú ý chứ không phải là công cụ xâm lược”. Tuy nhiên, phản ứng quốc tế cho thấy chỉ có “kẻ ngốc” mới sử dụng ADIZ để phát tín hiệu hợp tác.
Sáu là, ADIZ với chức năng răn đe, tức là việc thiết lập ADIZ sẽ có tác dụng răn đe các quốc gia khác không được làm những điều mà quốc gia tuyên bố thiết lập ADIZ không mong muốn.
Câu hỏi thứ hai đặt ra là thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì và hậu quả sẽ ra sao? Ngày 01/6/2016, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng/Hong Kong cho biết, Trung Quốc đang xúc tiến thành lập ADIZ ở Biển Đông, có phạm vi bao trùm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và bảy đá ở quần đảo Trường Sa, tất cả đều thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép. Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc thiết lập ADIZ phụ thuộc vào các điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông thì:
Thứ nhất, nó chứng tỏ Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, sẵn sàng hành động mạnh hơn ở Biển Đông để áp đặt chủ quyền. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng tuyên bố, nước này có quyền lập ADIZ ở Biển
Đông và lớn tiếng cho rằng, “nếu Quân đội Mỹ tiếp tục thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ có cơ hội tốt để tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông”. Đây là một tuyên bố ngang ngược, bởi lẽ về mặt pháp lý quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ” và không có cơ sở pháp lý quốc tế để chứng minh điều đó tại phần lớn Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam luôn khẳng định một cách rõ ràng, nhất quán về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo những nguyên tắc của luật pháp quốc tế về chiếm hữu thực sự lãnh thổ. Điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông có phạm vi bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì đó là hành động bất hợp pháp, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Việc Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông cho thấy, đây là bước đi có tính toán trong việc khẳng định chủ quyền phi pháp của nước này tại Biển Đông; là hành động thể hiện sự phớt lờ các quyền hợp pháp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về tự do hàng hải, hàng không. Qua đây, nó cũng cho thấy Trung Quốc muốn chuyển tải thông điệp với thế giới rằng, cộng đồng quốc tế sẽ phải chấp nhận yêu sách “chủ quyền” của nước này theo cách mà họ muốn. Đây cũng là một “toan tính” nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, giống như cách mà Trung Quốc đã làm trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013 để khẳng định “chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư.
Thứ hai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do hàng không trên vùng trời Biển Đông, đe dọa an toàn và tự do hàng không trên vùng biển này không chỉ đối với Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á; đặt hoạt động hàng không ở khu vực trong vòng kiểm soát của Trung Quốc. Do ADIZ được thiết lập một cách đơn phương, nên quốc gia tuyên bố ADIZ sẽ đưa ra các yêu cầu bắt buộc với các phương tiện bay khi bay qua khu vực này, như phải gửi trước kế hoạch bay; thiết lập sự nhận dạng hai chiều bằng việc lắp đặt các thiết bị nhận dạng radar thứ cấp; phương tiện bay phải được nhận dạng, thông báo vị trí; thiết lập kiểm soát bằng cơ chế thông báo tại các điểm báo cáo bắt buộc… Quan trọng hơn là phải chịu những biện pháp chế tài như có thể bị buộc nhận dạng bởi các máy bay quân sự của Trung Quốc hoặc buộc phải rời khỏi khu vực và chịu những biện pháp chế tài khác do Trung Quốc đưa ra.
Mặt khác, việc Trung Quốc hiện diện quân sự trên các thực thể bồi đắp trái phép tại Biển Đông dẫn đến khả năng hoạt động hàng không bình thường tại khu vực này sẽ bị kiểm soát và cản trở bởi chính Trung Quốc. Đây là bước tiếp theo trong ý đồ “độc chiếm”, “độc quyền” kiểm soát vùng trời trên Biển Đông vốn phải được đảm bảo tự do, an ninh tuyệt đối cho hoạt động hàng hải, hàng không. Sự kiện hồi tháng 7/2015, Trung Quốc yêu cầu máy bay của hãng hàng không Lào bay trên biển Hoa Đông phải khai báo hoàn toàn có thể sẽ lặp lại tại Biển Đông, nơi mà các hoạt động hàng không dân dụng diễn ra khá nhộn nhịp, nếu như Bắc Kinh thiết lập ADIZ tại khu vực này.
Câu hỏi thứ ba đặt ra là về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông tháng 11/2013, từ đó đến nay, dư luận thường xuyên quan tâm là liệu Trung Quốc có thiết lập ADIZ ở Biển Đông không và nếu có thì khi nào, với kích thước, phạm vi ra sao?
Năm 2016, ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa hai nước ở Biển Đông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó đã tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng thiết lập ADIZ ở Biển Đông nếu thấy cần thiết. Sau tuyên bố này, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng ngang nhiên cho rằng, Bắc Kinh “có quyền thiết lập một ADIZ trong vùng biển của Trung Quốc”. Trước đó, cựu Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Khanh tuyên bố, Bắc Kinh có quyền lập ADIZ ở Biển Đông. Gần đây, tờ báo Focus Taiwan của Đài Loan ra ngày 18/5/2020 dẫn thông tin từ Trung tướng Ye Gou-huei – Phụ trách các chiến dịch quân sự và kế hoạch tại Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ vào lúc này. Tuy nhiên, trước đó, ngày 04/5/2020, cũng báo Taiwan đưa tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận việc Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.
Đó là những thông tin từ phía Trung Quốc, còn về phía Mỹ, Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ gần đây cho rằng, Trung Quốc có thể lần lượt lập ra hai ADIZ (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, ưu tiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh, sau đó chờ cho đến khi năng lực quân sự mạnh lên, Trung Quốc sẽ lập ra ADIZ thứ hai ở Biển Đông, bao trùm lên quần đảo Trường Sa. Ngày 21/7/2015, phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington/Mỹ, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, động thái tiếp theo của Trung Quốc sau khi hoàn tất xây dựng những đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là lập
ADIZ ở Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền “đường chín khúc” phi lý bao trùm gần như cả Biển Đông.
Đáng chú ý, gần đây, ông Richard Heydarian – chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã nhận định rằng, “Trung Quốc đang tiến gần tới việc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông”. Nhận định của ông Heydarian được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, đầu tháng 5/2020, một máy bay chiến lược H-6K đã diễn tập cất hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã xây dựng phi pháp một đường băng dài khoảng 2.000m. Việc Bắc Kinh triển khai tên lửa hay máy bay ném bom chiến lược đến Biển Đông đang làm dấy lên lo ngại về việc họ sẽ thiết lập ADIZ tại khu vực này. Ông Richard Heydarian cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển khung xương của ADIZ trên Biển Đông, nhằm đạt được khả năng áp đặt một vùng kiểm soát trong lâu dài” và “chúng ta đang ngày càng tới gần thời điểm Trung Quốc sẽ tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông”.
Giữa lúc hầu như cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, thì từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động ngang ngược và vô lối ở Biển Đông, khiến cho các nước trong và ngoài khu vực rất quan ngại, Mỹ buộc phải gia tăng lực lượng quân sự để “kiềm chế”, xuất hiện nhiều yếu tố cho sự ra đời một ADIZ từ phía Trung Quốc. Chính vì thế, không loại trừ khả năng Bắc Kinh “liều lĩnh” thiết lập một ADIZ ở Biển Đông bởi đây là việc làm đã được họ tính toán trong các bước đi nhằm thực hiện mưu đồ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Vì thế, các nước trong và ngoài khu vực cần nêu cao cảnh giác, chủ động có các giải pháp đi trước nhằm “cảnh tỉnh” hoặc ngăn chặn Trung Quốc sớm dừng lại, không nên cố tình thiết lập ADIZ tại Biển Đông, vì như thế sẽ đẩy các nước trong, ngoài khu vực và Trung Quốc vào một “trận chiến” còn nguy hiểm hơn Covid-19.
0 comments