Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 05/06/2020

Friday, June 5, 2020 8:23:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 05/06/2020

Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền tại Biển Đông nhân đợt dịch Covid-19

Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết Trung Quốc đang lợi dụng coronavirus để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách gia tăng hoạt động hải quân nhằm đe dọa các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển đó.
Hãng Reuters loan tin vào ngày 5/6 dẫn phát biểu của Trung tướng Kevin Schneider rằng trong suốt mùa đại dịch Covid19, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động ở Biển Đông khi huy động các tàu hải quân, tàu tuần tra và đội dân quân biển dưới vỏ ngụy trang là tàu cá để quấy rối các tàu khác trong vùng biển.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động ở Biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng các hoạt động hàng hải của họ trong khu vực mang tính chất hòa bình.
Bộ phận báo chí thuôc Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo do ngoài giờ làm việc nên chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhật Bản là nơi tập trung lực lượng quân đội Hoa Kỳ lớn nhất ởchâu Á, bao gồm một nhóm tàu sân bay tấn công, lực lượng đổ bộ và phi đội chiến đấu cơ. Ngoài việc bảo vệ Nhật Bản, quân đội Hoa Kỳ còn được triển khai để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, trong đó có Biển Đông.
Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các rạn san hô ở Biển Đông giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng là một tuyến đường hàng hải quan trọng.
Ngoài Trung Quốc, Đài Loan; một số nước khác trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

TQ âm mưu từ lâu, chỉ chờ cơ hội tuyên bố ADIZ trên biển Đông

Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông từ năm 2010, cùng thời điểm thông báo kế hoạch lập vùng kiểm soát tương tự trên biển Hoa Đông. Hiện Bắc Kinh chỉ chờ cơ hội để làm điều đó, báo Hong Kong SCMP dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc tiết lộ.
Kế hoạch lập ADIZ của Trung Quốc bao trùm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và quần đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), theo nguồn tin giấu tên từ quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc âm mưu lập ADIZ trên biển Đông ngay từ hồi tuyên bố sẽ ADIZ trên biển Hoa Đông từ năm 2010 và thực thi năm 2013. Nguồn tin nói rằng giới chức Trung Quốc đang chờ thời cơ để làm việc này trên biển Đông.
Bắc Kinh vẫn giữ kín điều này. Quan chức phụ trách quốc phòng Đài Loan hôm 4/5 nói rằng ông biết về kế hoạch của đại lục.
Vùng nhận diện phòng không là vùng trời trên một khu vực biển hoặc đất liền không tranh chấp, được lập ra để phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia. Nhiều nước đã lập ADIZ nhưng khái niệm này không được định nghĩa hay quy định bởi bất kỳ hiệp ước hay tổ chức quốc tế nào.
Nhiều nhà quan sát quân sự cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và làm xấu quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Ông Lu Li-Shih, cựu giảng viên Học viên hải quân Đài Loan tại TP Cao Hùng, nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên biển Đông, đặc biệt là những đường băng và hệ thống radar trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn cũng là một phần trong kế hoạch lập ADIZ trên biển Đông.
“Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy quân đội Trung Quốc đã điều máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay chống ngầm KQ-200 ra đá Chữ Thập”, ông Lu nói về những bức ảnh do hãng ImageSat International của Israel và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, Mỹ, công bố gần đây.
Một điều rõ ràng là các hệ thống giám sát không gian đang được xây dựng trên cấu trúc này, gợi ý rằng các máy bay chiến đấu – cần được bảo vệ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và lượng muối cao ở khu vực – sẽ sớm được đưa đến đó, ông Lu nhận định.
“Một khi các máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc đến đó, chúng sẽ cùng các máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm thực hiện tuần tra kiểu trong ADIZ”, ông nói.
Li Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh và là một sĩ quan quân đội về hưu, nói rằng các nước thường chờ cơ hội công bố ADIZ cho đến khi có đủ phương tiện phát hiện, năng lực chiến đấu và hạ tầng cần thiết để quản lý nói. Chuyên gia này nhận định, nếu có cơ hội, Bắc Kinh có thể sớm công bố ADIZ trên biển Đông.
“Bắc Kinh tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông từ khi quân đội còn chưa đủ năng lực phát hiện, theo dấu và xua đuổi máy bay nước ngoài”, ông Li nói.
Một nguồn tin quân sự giấu tên nói với SCMP rằng ngoài vấn đề chuẩn bị, Bắc Kinh hiểu rằng biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông nên cần sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
“Bắc Kinh lưỡng lực tuyên bố ADIZ trên biển Đông do một số vấn đề kỹ thuật, chính trị và tính toán ngoại giao. Nhưng vấn đề thực tế nhất là quân đội Trung Quốc trước đây chưa đủ khả năng xua đuổi các máy bay nước ngoài trên biển Đông, khu vực rộng hơn nhiều so với biển Hoa Đông và chi phí hỗ trợ ADIZ sẽ rất lớn”, ông Li nói.
Tháng trước, các máy bay Mỹ, trong đó có máy bay trinh sát EP-3E và máy bay ném bom chiến lược RC-135U, tiến hành ít nhất 9 chuyến bay trên biển Đông, theo trang web chuyên theo dõi các chuyến bay Aircraft Spots.
Trong cuộc trao đổi với các phóng viên Việt Nam gần đây, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, cho rằng nếu tuyên bố ADIZ trên biển Đông, Trung Quốc có thể làm ở khu vực phía bắc biển Đông trước. Nước này đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) nên có thể thực thi hiệu quả. Còn nếu tuyên bố ADIZ ở cả Trường Sa, nơi nhiều nước liên quan đang kiểm soát các cấu trúc thì Trung Quốc khó có thể thực thi và có thể dẫn đến khủng hoảng lòng tin giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
“Trước khi hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, tôi hoài nghi Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông”, bà Glaser nói.
Bà cho rằng Trung Quốc có thể đã lên kế hoạch cho việc này, nhưng các nước như Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng có lợi ích khi ngăn chặn điều đó xảy ra. “Chúng ta cần tiếp tục gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng họ chớ nên làm như vậy”, bà Glaser nói.

Bước đi quân sự hóa nguy hiểm để khống chế Biển Đông

Việc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông được xem như là bước đi cuối đầy nguy hiểm của Trung Quốc trong kế hoạch quân sự hoàn toàn vùng biển này nhằm phục vụ cho tham vọng khống chế, áp đặt chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Trung Quốc sẵn sàng đi bước nguy hiểm lập ADIZ ở Biển Đông
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) ngày 31-5 dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ rất sớm, vào năm 2010. ADIZ mà Bắc Kinh toan tính thiết lập ở Biển Đông, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sẽ bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía Bắc Biển Đông cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cũng theo nguồn tin quân sự này, Trung Quốc hiện đang chờ thời điểm công bố về ADIZ ở Biển Đông.
Trước đó, đầu tháng 5 vừa qua, một trang tin của Đài Loan (Trung Quốc) dẫn lời một quan chức thuộc lực lượng phòng vệ của vùng lãnh thổ này cũng cho biết, Trung Quốc đang tiến tới hình thành ADIZ ở Biển Đông. Nhìn nhận về khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, chuyên gia  quân sự Carl O.Schuster, nguyên cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cho rằng chắc chắn Bắc Kinh đã có kế hoạch ADIZ ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông từng được giới quân sự khu vực và thế giới nhiều lần đề cập, nhất là sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố về ADIZ ở biển Hoa Đông vào tháng 11-2013. Tuyên bố đơn phương này đã làm dấy lên căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ bởi ADIZ này chồng lấn lên bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhìn vào thực tế quá trình Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ồ ạt ở Biển Đông thời gian qua, càng thấy nhận định về việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ bao phủ hầu hết bầu trời vùng biển này là có cơ sở. Bên cạnh căn cứ quân sự lớn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm
đóng từ năm 1974, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng trái phép 3 trong số 7 bãi đá, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1988 thành các căn cứ quân sự quy mô lớn. Đó là 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Trung Quốc thời gian qua đã xây dựng hạ tầng quân sự như nhà chứa máy bay, đường băng dài 3.000m ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Với các hệ thống hạ tầng này, Trung Quốc có thể điều động các loại máy bay tiêm kích J-11, J-15 đến 3 bãi đá này, trong khi các loại máy bay J-10 và J-11 đã từng hiện diện ở đảo Phú Lâm. Khi triển khai các loại máy bay tiêm kích J-10, J-11 hay J-15 ở cả các đảo và thực thể chiếm đóng trái phép thuộc hai quân đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn có thể thiết lập mạng lưới máy bay tiêm kích với tầm bay bao phủ toàn bộ Biển Đông để thực hiện kiểm soát ADIZ.
Bên cạnh lực lượng máy bay tiêm kích, Trung Quốc còn triển khai tới các đảo Phú Lâm và các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, được xem là hệ thống tên lửa phòng không  “S-300 phiên bản Trung Quốc”. Với tầm bắn khoảng 250km, tên lửa HQ-9 của Trung Quốc có thể theo dõi và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên bầu trời bao phủ gần hết Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc còn sẵn sàng triển khai biên đội tác chiến tàu sân bay mang theo máy bay J-15 và nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục có trang bị hệ thống tên lửa đối không HHQ-9 với tầm bắn trên 200km để kiểm soát ADIZ ở Biển Đông.
Đi cùng với các loại vũ khí trên, Trung Quốc cũng đã triển khai các hệ thống radar, máy bay trinh sát để xây dựng mạng lưới kiểm soát không phận ở Biển Đông. Mới đây, giữa tháng 5 vừa qua, hình ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty ảnh vệ tinh thương mại quốc tế ImageSat (ISI) cho thấy, các máy bay trinh át KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện ở bãi đá Chữ Thập.
 Chuốc lấy hậu quả về mặt pháp lý và thực tế nếu lập ADIZ ở Biển Đông
Theo các chuyên gia quân sự, ADIZ vốn được thiết lập nhằm xác định không phận máy bay tiếp cận một quốc gia vì các lý do an ninh và ADIZ giúp các nước phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng của máy bay nước ngoài, qua đó tăng cường an ninh quốc gia. Nói cách khác, mục đích của việc thiết lập ADIZ là cho phép một quốc gia có đủ thời gian để chuẩn bị cho một vụ tấn công tiềm tàng từ trên không.
Trong các khu vực ADIZ, máy bay nước ngoài phải chấp hành các quy định về nhận diện mà quốc gia lập yêu cầu như đệ trình các kế hoạch bay, duy trì đường dây liên lạc hai chiều bằng sóng vô tuyến và vận hành hệ thống tiếp sóng radar thứ cấp… Các khu vực ADIZ thường được thiết lập trên không phận quốc tế tiếp giáp với không phận quốc gia của các nước.
Các chuyên gia quân sự cho rằng ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở biển Hoa Đông và đang toan tính lập ở Biển Đông còn có thêm mục đích khác, đó là hòng áp đặt chủ quyền. Khi các máy bay của quốc gia khác bay vào ADIZ mà Trung Quốc đơn phương thiết lập phải khai báo thì chẳng khác nào chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc nếu cố tình công bố ADIZ để áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở trên Biển Đông hay khu vực thì càng làm cho quốc tế nhận rõ hơn âm mưu của Trung Quốc trong các hoạt động và sẽ chuốc lấy hậu quả rất lớn về mặt pháp lý cũng như sự chỉ trích, phản đối và phản kháng của các bên liên quan.
Trước hết, ADIZ ở Biển Đông có thể chồng lấn lên các Vùng thông báo bay (FIR) theo sự phân định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trong khu vực như các FIR TP.HCM, Manila, Singapore và Kota Kinabalu (Malaysia).
Việc bất chấp luật pháp, quy định quốc tế trong khi Trung Quốc là một thành viên của ICAO chắc chắn sẽ thể dẫn tới những chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, do tranh chấp chủ quyền “5 nước 6 bên” ở Biển Đông, ADIZ nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh phải đương đầu với các phản ứng của tất cả các nước liên quan tới tranh chấp.
Biển Đông hơn thế còn là vùng biển chiến lược quan trọng với các cường quốc hàng đầu thế giới nên không có chuyện các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp… chấp nhận phải khai báo với Bắc Kinh khi đi vào ADIZ do Trung Quốc đơn phương thiết lập ở Biển Đông. Nói cách khác, ADIZ trong trường hợp Trung Quốc đơn phương tuyên bố chỉ là “hữu danh vô thực” ở Biển Đông, tương tự như ADIZ ở biển Hoa Đông.
Cố tình bất chấp tất cả để lập ADIZ ở Biển Đông hòng áp đặt chủ quyền phi pháp, Trung Quốc vì thế sẽ rơi vào thế yếu về mặt pháp lý, về mặt chính trị cũng như ngoại giao và đặc biệt về mặt an ninh quốc phòng. Các quốc gia khu vực và thế giới sẽ thêm đoàn kết và hợp tác để cô lập, đồng thời đáp trả bước đi nguy hiểm trong quá trình quân sự hóa hòng khống chế Biển Đông.

Đài Loan sẽ điều tàu tuần tra lớn nhất xuống Biển Đông?

Đài Loan được cho là sẽ đưa vào biên chế tàu tuần tra xa bờ 4.000 tấn đầu tiên trong cuối năm nay để tăng cường sự hiện diện của vùng lãnh thổ này ở Biển Đông.
2.6, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dự lễ đặt tên và hạ thủy chiếc tàu tuần tra nói trên tại thành phố cảng Cao Hùng thuộc phía nam Đài Loan. Theo đó, tàu được đặt tên là Gia Nghĩa, tên của một huyện ở miền trung Đài Loan, theo hãng tin CNA.
Tại buổi lễ, bà Thái nhấn mạnh tàu Gia Nghĩa sẽ là tàu lớn nhất trong đội tàu thuộc Cục Tuần duyên Đài Loan (CGA) và sẽ giúp tăng cường khả năng tuần tra của đội tàu này.
Tàu Gia Nghĩa có chiều dài 125 m và chiều rộng 16.5 m, có thể chạy tới 10.000 hải lý với vận tốc tối đa 37 km/giờ. Tàu được trang bị một bệ phóng rốc két có thể tấn công mục tiêu trong tầm 10 km và 2 khẩu pháo 20 mm cùng nhiều vòi rồng với tầm hoạt động 120 m.
Tàu Gia Nghĩa là chiếc đầu tiên trong 4 chiếc tàu tuần tra 4.000 tấn được đóng cho CGA, với tổng trị giá 11,74 tỉ đài tệ (392 triệu USD), theo CGA. Ba chiếc còn lại sẽ được bàn giao trước năm 2025.
Theo tờ South China Morning Post, một khi được đưa vào biên chế, tàu Gia Nghĩa sẽ được triển khai tuần tra ở Biển Đông để củng cố sự hiện diện của Đài Loan trong khu vực. Đài Loan đang chiếm đóng phi pháp đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và đang kiểm soát quần đảo Đông Sa ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.