Tin Việt Nam – 03/12/2019
Tuesday, December 3, 2019
2:39:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Cơ quan chức năng địa phương lại vây vườn rau Lộc Hưng
Những cư dân có nhà tại khu đất bị cưỡng chế ‘Vườn rau Lộc Hưng’ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 12 tố cáo chính quyền địa phương huy động hàng trăm người đến vườn rau để treo biển “dự án ma” nhằm tìm cách hợp thức hóa việc lấy đất của dân.Đây là khu đất đã bị chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế vào tháng 1 năm nay khiến gần 200 căn nhà của nười dân bị đập phá với cáo buộc “xây dựng trái phép.
Người dân ở đây hôm 3/12 cho RFA biết lực lượng chức năng địa phương đã điều hơn 500 người đeo khẩu trang, cùng đội vệ sinh môi trường cũng như đại diện các hội đoàn nhà nước.
Mục đích cuộc làm việc với thành phần đông đảo như vừa nêu được cư dân Vườn Rau Lộc Hưng dẫn lời từ những người thuộc lực lượng chức năng là ‘dọn cỏ’.
Ông Cao Hà Trực, một cư dân có nhà bị cưỡng chế tại Vườn Rau Lộc Hưng, cho Đài Á Châu Tự Do biết về thực tế diễn ra tại khu vực vào ngày 3 tháng 12 như sau:
“ Sáng hôm nay, một sự bất ngờ là họ đưa lực lượng tới, từ 6h30 đến 7h30 thì tiến hành đưa lực lượng trên 200 người tới Vườn rau Lộc Hưng. Trong đó, lực lượng gồm có công an, trật tự đô thị, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và những lực lượng khác bịt khẩu trang. Họ không nói gì hết nhưng nghe một tin rằng là họ xuống dọn cỏ. Họ đưa lực lượng xuống, máy cắt cỏ, xe múc, và xịt xuống trừ sâu để diệt muỗi ô nhiễm môi trường. Nhưng thực ra khi chúng tôi đến hiện trường, thì họ đưa lực lượng rất đông chủ yếu là nhắm đến thay ba pano, bảng thay đổi quy hoạch.”
Cư dân Vườn Rau Lộc Hưng nhắc lại những dự án mà cơ quan chức năng địa phương đưa ra đều là những dự án ‘ma’ nhằm có thể hợp thức hóa việc thu hồi khu đất Vườn Rau Lộc Hưng. Theo cư dân Vườn Rau Lộc Hưng, cơ quan chức năng địa phương đã 5 lần thay đổi các dự án được vạch ra đối với khu đất Vườn Rau Lộc Hưng.
Ông Cao Hà Trực cho biết về điều này:
“Tất cả những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đều xảy ra tình trạng là họ thay đổi dự án để trục lợi, bất kể dự án nào kể cả chợ. Họ thay đổi dự án để có lợi cho nhóm lợi ích phía sau, nên dự án nào cũng nhằm ‘lừa dân, mị dân’ thôi.”
Vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay, cơ quan chức năng Phường 6, Quận Tân Bình tiến hành biện pháp cưỡng chế, đập phá gần 200 căn nhà của những người dân tại khu đất Vườn Rau Lộc Hưng với lý do ‘xây dựng trái phép’.
Trong khi đó, cư dân ở Vườn Rau Lộc Hưng lại cho rằng cha ông họ đến lập nghiệp tại đây từ năm 1954.
Từ năm 1999, cư dân Vườn Rau Lộc Hưng bắt đầu khiếu nại, khiếu kiện khi họ phát hiện không được chính quyền địa phương cho đăng ký quyền sử dụng đất theo luật định.
Tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài tại Việt Nam vẫn tiếp diễn lâu nay tại Việt Nam. Ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, vụ Thụ Thiêm kéo dài hơn 20 năm qua một số đời lãnh đạo đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/loc-hung-garden-swarmed-with-local-authorities-12032019085148.html
Công an và ‘côn đồ có tổ chức’ dừng chương trình
trao quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
Linh mục Công giáo Anton Lê Ngọc Thanh đưa ra cáo buộc Công an và ‘côn đồ có tổ chức’ dừng chương trình trao quà cho thương phế binh VNCH ở Tiền Giang, Long An.Vào ngày 3 tháng 12, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, quản xứ Nhà thờ Sáu Bọng ở Cần Thơ và là “người cổ động” Chương trình Tri ân thương phế binh VNCH như lời ông tự giới thiệu, kể với RFA về sự cố mà ông chứng kiến hôm 2/12.
“Buổi trao quà ngày hôm qua là chương trình của các anh chị em tình nguyện viên cộng tác với Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ, với Cha Vũ để trao quà cho thương phế binh ở 13 tỉnh miền Tây. Lần trước cách đây vài tuần, mọi việc thuận lợi ở tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Không có vấn đề gì xảy ra.“
“Còn ngày hôm qua, là tình trạng họ tạo ra bầu không khí căng thẳng cực kỳ. Các ông thương phế binh quy tụ lại ở Cai Lậy để nhận quà chia sẻ như mùa xuân đến sớm, thì 10 người nhận ban đầu không có vấn đề gì. Nhưng sau đó bắt đầu có chuyện họ gây cản trở. Khi bắt đầu đến vài chục người thì họ ngăn cấm, không cho làm việc nữa.”
“Và từ đó, nhóm bắt đầu di chuyển về Mỹ Tho. Ngay tại Mỹ Tho thì họ điều động đủ thứ công an giao thông, cảnh sát cơ động, an ninh, kể cả những nhóm dân phòng. Cứ cách nhà thờ một mét thì ba bốn người cách đều nhau vậy. Các ông thương phế binh thì họ ngồi trên bệ phía nhà thờ cho đỡ mỏi chân thì cũng bị đuổi. Tức là họ đối xử một cách kỳ cục, ít nhất là đối với những người khuyết tật.”
Hôm 3/12, một thương phế binh VNCH hiện sống tại tỉnh Tiền Giang đề nghị ẩn danh tính vì lý do an toàn, kể với RFA về buổi phát quà diễn ra “sợ quá sợ” tại Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho hôm 2/12:
“Hồi đó tôi là lính thủy quân lục chiến Tiểu đoàn 2, bị thương tại Quảng Trị, bị thương cánh tay phải thành thử giờ không làm được gì, phải nhờ cũng khổ lắm. Thành thử được tin nhận quà thì mừng lắm nhưng mà kỳ rồi khổ sở, sợ quá. Tại vì mình dính đến chế độ trước mà, sợ chính quyền lắm.”
“Nhân viên mấy cô ở Dòng Chúa Cứu Thế hẹn là 9 giờ 30 ở Nhà thờ Chính Tòa thì mấy anh em tui đến đó thì chính quyền người ta không có cho. Rồi mình đi vòng vòng không dám, lát sau đi ra phía sau thì
có chiếc xe thì mấy cô ngồi đó nói ‘mấy chú từ từ đi lại’ rồi tụi tôi ở ngoài vô, ở trong thì nói số quân đúng thì chúng tôi được nhận quà.”
Người thương phế binh này cho biết thêm là sau khi nhận quà thì ông và một số người khác “được nói tản đi”.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh đánh giá “cái sự lo sợ chi phối hành động của những người thuộc phía chính quyền, chứ không phải vì lý do bảo vệ an ninh trật tự gì cả, vì các thương phế binh không có hành động gì gây mất trật tự cả”.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh mô tả những người cản trở việc phát quà cho thương phế binh “là người mặc sắc phục công an khu vực, công an giao thông và cả cảnh sát cơ động, và cả an ninh đeo khẩu trang đi theo là côn đồ có tổ chức”.
Vị linh mục từng điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn nói là do mình “không có thông tin gì khác nên không biết là vì lý do gì mà người của chính quyền hành xử như vậy.”
Hôm 3/12, RFA gọi điện đến trực ban Công an tỉnh Tiền Giang, Long An nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi về vụ việc.
Hồi tháng 9 năm 2019, Dòng Chúa Cứu Thế cộng đoàn Cần Thạnh, Nhà Cần Giờ, ra tuyên bố về việc tiếp tục Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tuyên bố, các tu sĩ, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ cho biết, theo tinh thần và mục tiêu phát triển con người toàn diện của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ “muốn tiếp tục lựa chọn tinh thần tri ân đối với thương phế binh VNCH”, rằng sự đồng hành của họ “không chỉ là một trợ giúp về mặt vật chất, mà còn là sự biết ơn và quý thương phế binh VNCH, những người đã gìn giữ hòa bình và an ninh không tiếc thân thể của mình”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-and-let-thugs-interfere-event-for-south-vn-disabled-veterans-priest-said-12032019080733.html
Bị truy nã hàng chục năm
nhưng vẫn leo đến chức chánh văn phòng tòa án!
Truyền thông trong nước vào ngày 30/11/2019 đồng loạt dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Hòa Bình về việc tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Quang Huy, 46 tuổi là người có lệnh truy nã cách đây 26 năm về tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Trước khi bị bắt, ông này giữ chức Chánh Văn phòng tòa án nhân dân huyện Cao Phong.Những điều không thể nhưng tồn tại
Theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình thì ông Huy cùng với 4 người khác có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống thủy điện Hòa Bình và đây được xem là công trình an ninh quốc gia. Sau khi bị phanh phui, 4 người đã bị xét xử và lãnh án tù; còn ông Huy bị truy nã.
Tuy nhiên, ông Huy vẫn sinh sống tại chính khu vực ông từng phạm tội và thậm chí còn vào làm việc trong cơ quan công quyền nhà nước về pháp luật, được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong và ông đã hoàn thành lớp thẩm phán và đang chờ đợi xem xét bổ nhiệm. Sự việc bị phanh phui khi cơ quan công an xác minh lý lịch người thân của ông.
Dư luận xã hội xôn xao đặt câu hỏi vì sao ngành Tư pháp Việt Nam và đặt biệt là ngành tòa án nắm rõ về pháp luật, cũng như quy trình kiểm duyệt khắt khe lý lịch trước khi vào làm trong các cơ quan công quyền nhưng hàng chục năm qua vẫn không thể phát hiện vụ ông Huy?
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố Nha trang nhiều năm có nhận định rằng, ông không quá bất ngờ với điều đó. Theo ông Võ Văn Tạo thì nhiều người bị truy nã chạy trốn đến khu vực vùng sâu vùng xa thay đổi họ hay khai mất giấy tờ để làm lại là điều không khó:
“Chuyện người ta khai mất cái này cái kia dễ lắm, mất chứng minh thư, mất hộ khẩu…ở những vùng xa xôi như thế thì thật ra công an hay hệ thống chính quyền cấp thấp họ cũng dễ dãi và thậm chí chỉ cần bữa nhậu là cũng xong hay tí tiền bôi trơn là qua hết. Nên đối với trường hợp ông tòa án kia là điều có thể xảy ra. Điều này nó có thể xảy ra ở bất cứ người nào chứ không phải chỉ riêng ngành tòa án. Tòa án đó cũng chỉ là tòa cấp nhỏ chứ không phải cao và khu vực địa bàn ở vùng núi hẻo lánh chứ không
phải ở đô thị lớn nên những tòa án ở nơi đó việc tìm kiếm nhân sự nó cũng không phải là điều dễ dàng và mình có thể hiểu hoàn cảnh như thế.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng từ Sài Gòn, từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố HCM nhận định rằng, ông và nhiều người bàng hoàng về thông tin liên quan ộng Nguyễn Quang Huy.
“…về thi hành án tại VN đặc biệt là về vấn đề hình sự như vậy thì họ làm rất là chặt chẻ mà để xảy ra tình huống như vậy là điều cực kỳ hiếm. Tôi làm luật sư khi mà để xảy ra tình trạng này thì không hiểu cơ quan pháp lý làm như thế nào nhưng dù sao nó cũng là tỉnh vùng cao vùng xa, nhưng dù là vùng nào đi nữa mà đã xảy ra mà họ tìm cách khắc phục thì những điều này đối với những người trong lĩnh vực ngành nghề của tôi thì khó lòng nào có thể tìm hiểu cặn kẻ được hơn.”
Luật sư Dũng còn cho hay, tại Việt Nam thì có nhiều chuyện không thể tưởng tượng được là có thể xảy ra nhưng đã xảy ra tại Việt Nam, nhiều điều kỳ lạ nhưng người ta đã dám đưa ra công luận và khắc phục chuyện đó thì như vậy thì nhìn về hướng tích cực hơn có thể thấy các cơ quan chức năng đã nhận thấy sai trong lỗ hổng pháp lý và cần phải xử lý.
Đùn đẩy trách nhiệm
Vào ngày 2/12/2019, ông Nguyễn Thanh Tùng trưởng phòng tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình trả lời với báo giới trong nước rằng; ông Nguyễn Quang Huy được tuyển dụng vào công chức ngành tòa án từ năm 2000. Năm 2003, toàn bộ hồ sơ gốc của cán bộ công chức thuộc diện Sở Tư pháp quản lý tách sang công tác ở tòa án được chuyển sang cho tòa án quản lý. Khi tiếp nhận hồ sơ ông Huy không có thông tin nào liên quan việc bị truy nã và đã tin tưởng vào hồ sơ gốc.
Ngoài ra, ông Tùng nói thêm“Năm 1999, ông Huy được kết nạp Đảng, lúc đó là UBND xã Thái Bình, Đảng ủy xã Thái Bình xét kết nạp. Chúng tôi không tiếp cận hồ sơ Đảng của ông Nguyễn Quang Huy. Vì hồ sơ Đảng quản lý theo cấp đảng, còn chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước” (trích từ Tuổi trẻ đăng ngày 2/12/2019)
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì ít có cơ quan nào dám nhận trách nhiệm về sự việc đối với những vụ việc ở mức độ nghiêm trọng như thế nên cánh mà họ (chính quyền –pv) thường làm nhất là đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
“Tôi thì cũng không quá bất ngờ đâu vì tôi biết cách tổ chức nhân sự tại VN nó có vấn đề. Chặt chẻ thì rất là chặt chẻ nhưng thưa thì cũng thưa hơn ai hết nên mới để bị lọt ra người có lệnh truy nã mà lại làm chức vụ cao đến như vậy. Đối với chức vụ lên tới chánh văn phòng tòa án thì người bắt buộc phải là Đảng viên nên khi kiểm tra lý lịch của người này thì không chỉ kiểm tra lý lịch thông thường mà phải kiểm tra lý lịch về các mối quan hệ của họ, lý lịch của họ nữa. Thế nhưng người này vẫn vượt qua hai lần kiểm tra gắt gao như vậy thì rõ ràng động cơ không bình thường và chắt chắn là có vấn đề gì đó.”
Thanh lọc bộ máy chính quyền?
Qua sự việc trên, dư luận xã hội liên tưởng đến một số vụ án cũng tương tự bị phanh phui như vụ Trần Thị Ngọc Thảo (hay Ái Sa) từ một nữ nhân viên gội đầu chỉ học xong cấp hai mượn bằng cấp 3 của chị để leo lên chức Trưởng phòng Quản trị văn phòng tỉnh Ủy Đắk Lắk…
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy trình công tác bổ nhiệm cán bộ tại Việt Nam thực sự có vấn đề từ vấn nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền đang lũng đoạn toàn bộ hệ thống công quyền của Việt Nam.
Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định điều này đã được nhiều người lên tiếng và thậm chí những người nắm giữ cương vị rất cao cũng đã lên tiếng nhiều về vấn nạn này. Tuy nhiên “Quá trình đề bạc cán bộ thì nó lại khép kín và chủ yếu là Đảng làm công tác tổ chức, tất cả do Đảng “đạo diễn” hết, nên có đưa ra ngoài thì cũng chỉ là hình thức thôi và họ làm điều đó kín như bưng vậy đó. Muốn chui vào làm cán bộ nhà nước có chức có quyền thăng thưởng này nọ thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào cấp ủy đảng của địa phương bộ ngành…mà họ làm điều này thì kín như bưng, thậm chí ai mà tiết lộ ra trước kỳ bầu cử là bị kỷ luật. Nên chính vì thế nó mới đẻ ra nạn chạy chức chạy quyền.”
Luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận rằng, việc cơ quan chức năng phanh phui những vụ việc nghiêm trọng như vậy là dấu hiệu tích cực, nhưng “Chắc chắn là nó vẫn còn nhiều nhưng vấn đề khắc phục nó như thế nào và họ sẽ giảm bớt dần chứ nói không còn tình trạng đó nữa thì không bao giờ xảy ra ở đất nước này đâu.”
Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì chia sẻ hy vọng đây là một bước thanh lọc để làm sạch bộ máy cán bộ chính quyền: “Tôi mong muốn có sự rà soát một cách căn bản đối với tất cả mọi trường hợp đã được đề suất, điều thứ hai là trong tương lai mọi chức vụ quyền hạn một khi được bổ nhiệm nên thông qua sự tuyển dụng công khai và có sự cạnh tranh thì chúng ta mới tuyển dụng được người thật sự có tài làm ứng viên cho các chức vụ quan trọng của nhà nước.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/wanted-for-years-but-managing-to-be-court-office-chief-12022019155151.html
Masan sẽ ‘số một thị trường bán lẻ’ VN
sau sáp nhập VinMart?
Hai tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, Vingroup và Masan, vừa thỏa thuận xong về nguyên tắc để sáp nhập mảng bán lẻ.Chủ tịch SK Group gặp lãnh đạo Vingroup và Masan
Vingroup và tỉ phú Phạm Nhật Vượng: ‘Ngưỡng mộ, lo ngại’
Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập “Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam”, theo thông cáo.
Cụ thể, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập.
Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Đa số ý kiến người Việt trên Facebook hôm 3/12 cho rằng động thái này là vì Vingroup không thành công trong việc mở các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Tuy nhiên, bản tin của Reuters chỉ ra rằng việc sáp nhập sẽ làm nên công ty bán lẻ “lớn nhất” Việt Nam.
Nói với hãng tin Bloomberg, Trần Nhật Trung, nhà phân tích ở ACB Securities, cho rằng Masan sẽ tận dụng được mạng lưới phân phối của Vingroup cho Masan MEATLife, công ty cung cấp thịt tươi.
Masan MEATLife đặt mục tiêu sẽ trở thành công ty “hàng đầu dẫn dắt ngành thịt Việt Nam”, theo trang web chính thức.
Vingroup và Masan còn phải hoàn tất thủ tục pháp lý để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Nếu việc sáp nhập thành công, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart +.
Công ty này cũng sẽ nắm hệ thống 14 nông trường của VinEco.
Thông cáo cho biết Masan “sẽ nhận lại ngọn cờ” của Vingroup để phát triển lĩnh vực bán lẻ.
Vingroup tuyên bố thỏa thuận này sẽ giúp họ “tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp”.
Thông cáo nói Vingroup muốn trở thành “Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế”.
VinMart+, thuộc tập đoàn Vingroup, là hệ thống cửa hàng tiện lợi duy nhất tại Việt Nam đã vượt được quá con số 1.000.
Theo thống kê gần đây nhất, tổng số cửa hàng VinMart+ đã lên 1.700 (chưa tính các cửa hàng VinMart).
Theo một số chuyên gia hàng đầu ngành bán lẻ ở Việt Nam nói với BBC, 1.000 là con số tối thiểu cần phải có trước khi một chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể hòa vốn và bắt đầu có lời.
Bách Hóa Xanh, thành viên của tập đoàn Thế Giới Di Động, là đối thủ lớn nhất của VinMart+, có khoảng 405 cửa hàng (số liệu cuối năm 2018).
Vị trí của Masan
Ra đời năm 2013, công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan.
Đây là công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu trong các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống.
Danh mục sản phẩm của Masan Consumer có các sản phẩm như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Kokomi, Vinacafe, Wake-up, Vĩnh Hảo và Quang Hanh.
Người sáng lập, TS. Nguyễn Đăng Quang, đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc của Masan Group.
Ông Đăng Quang nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Công nghệ của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và bằng Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.
Các công ty thành viên chính của Tập đoàn bao gồm:
Masan Consumer Holdings là công ty chính của Masan Group.
Ngoài ra là Masan Nutri-Science, được giới thiệu là công ty tích hợp chuỗi giá trị thịt hoàn chỉnh lớn nhất Việt Nam.
Masan cũng thành lập Masan Resources, chế biến sản phẩm hóa chất vonfram và nguyên liệu chiến lược phục vụ sản xuất công nghiệp.
Masan còn đang nắm giữ 20% cổ phần tại ngân hàng Techcombank.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50635945
Phó thủ tướng Vũ Đức Đạm lãnh đạo toàn diện Bộ Y Tế
Ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng, sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ liên quan đến lãnh đạo hoạt động của Bộ Y Tế Việt Nam.Thông tin này được Bộ trưởng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ vào chiều ngày 2 tháng 12 ở Hà Nội.
Theo lời của Ông Mai Tiến Dũng thì Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân công phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Hiện các cơ quan của Đảng, của Chính Phủ đang thực hiện qui trình nhân sự Bộ trưởng Y tế.
Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại vào sáng ngày 2 tháng 12, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến phiên họp chính phủ thường kỳ.
Vào ngày 22 tháng 11, Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết miễm nhiệm chức bộ trưởng y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến trên cơ sở tờ trình của đề nghị của chính phủ.
Hiện bà này được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam bổ nhiệm làm trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thay cho ông Nguyễn Quốc Triệu.
Ông Vũ Đức Đam sinh năm 1963 là phó thủ tướng chính phủ Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021. Trước hết, ông được phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực giáo dục- đào tạo,, khoa học- công nghệ, lao động- việc làm, các vấn đề xã hội, thông tin- truyền thông, văn hóa, du lịch, thể dục, thể thao, y tế. dân số, gia đình vả trẻ em. Ông là chũ tịch Ủy Ban Quốc gia phòng chống AIDS và chống tệ nạn ma túy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-health-ministry-under-deputy-pm-vu-duc-dam-12022019124804.html
Chủ tịch Hà Nội không cung cấp thêm
thông tin về vụ án Nhật Cường
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 3 tháng 12 khi bị báo chí trong nước đặt câu hỏi liên quan vụ án Công ty Nhật Cường, chỉ trả lời ngắn gọn ‘chờ cơ quan điều tra kết luận!’ và không cung cấp thêm thông tin gì thêm.Trả lời của ông Nguyễn Đức Chung cho báo chí như vừa nêu được đưa ra bên hành lang kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV.
Đối với trường hợp một số cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung cũng chỉ trả lời ‘chờ cơ quan điều tra kết luận’.
Cũng bên hành lang kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khi trả lời cùng vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, cơ quan điều tra đang vào cuộc và sẽ có kết luận cụ thể: ‘Nguyên tắc cơ quan điều tra đã làm rồi thì phải để cơ quan điều tra, còn mình phải hợp tác với cơ quan điều tra,.
Cũng trong ngày 3/12, khi báo chí nêu câu hỏi tượng tự với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền quanh vụ việc Cty Nhật Cường và mới đây cơ quan điều tra vừa khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ, nguyên cán bộ Sở KH&ĐT Hà Nội, ông chỉ trả lời ‘đã có rà soát và báo cáo UBND thành phố’… ‘nên để hôm khác trao đổi’…’Có gì thì mời đến Sở, anh em sẽ có bộ phận, phân công anh em có phát ngôn, cung cấp thông tin’…
Trước đó, vào ngày 29/11, Bộ Công an cho biết, đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.
Ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Cty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Cty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường, hiện đang bị truy nã.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-of-hanoi-nhat-cuong-case-waiting-for-the-investigation-agency-to-conclude-12032019083455.html
Tỉnh Bắc Cạn được yêu cầu xác minh
thông tin 13 mộ liệt sỹ không có hài cốt
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, vào ngày 3/12 yêu cầu Chính quyền tỉnh Bắc Cạn xác minh thông tin liên quan một phóng sự do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, công chiếu hôm 2/12 phản ánh hàng loạt mộ liệt sỹ không có hài cốt tại nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh này.Truyền thông quốc nội cho biết công văn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi đến Cục Người có công và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn trong chiều cùng ngày yêu cầu xác minh thông tin như vừa nêu.
Theo phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam thì gia đình của 13 liệt sỹ là thanh niên xung phong hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ hồi đầu tháng 8 năm 1968, cho biết 13 ngôi mộ được thờ cúng hơn 50 năm qua chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất đá, mà không có hài cốt sau khi được khai quật để giám định ADN.
Thân nhân của 13 liệt sỹ nói với báo giới rằng lời giải thích của lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn rằng những túi nylon đất đá được tìm thấy có thể do hài cốt đã hóa thành đất là không thuyết phục, bởi vì mộ của một liệt sỹ khác cũng hy sinh cùng năm 1968 và được khai quật cùng đợt để giám định ADN lại có đầy đủ hủ sành và hài cốt.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu Chính quyền tỉnh Bắc Cạn kiểm tra và báo cáo trước 16 giờ ngày 4/12.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-molisa-requests-investigating-the-information-martyrs-tombs-wt-remains-12032019075238.html
Những bất hợp lý trong ngân sách giáo dục Việt Nam
Diễm Thi, RFANhững dự án tiền tỷ
Từ nhiều năm qua, rất nhiều những dự án trong ngành giáo dục với kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả mang lại rất nhỏ, thậm chí phá sản, ‘tiền mất, tật mang’ khiến dư luận xã hội lên tiếng, nhưng rồi đâu lại vào đó.
Một trong những vụ đang gây xôn xao trong công luận, là khoản tiền 16 triệu USD được chi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa mới. Đến nay bộ sách không thể ra đời và 16 triệu USD cũng chưa có lời giải thích hợp lý với người dân.
Đây là một phần trong Dự án Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8 tháng 8 năm 2016 và kết thúc vào năm 2020 với kinh phí khoảng 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Khoản tiền 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Đến tháng 5 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo không thực hiện được việc này, do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông cho báo chí trong nước biết, số tiền trên được dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, biên tập, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa. Ngoài ra, có một phần kinh phí làm sách giáo khoa song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, sách chữ nổi Braile phục vụ cho học sinh khiếm thị.
Phải có một cuộc tuyển chọn xem ai đưa ra được những chủ trương, những chính sách hợp lý nhất, khả thi nhất thì người ấy mới được lựa chọn. Đây là lựa chọn theo lý lịch, và theo tôi thì ai muốn làm bộ trưởng phải là người dễ sai, dễ bảo. – Ông Nguyễn Khắc Mai
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM gần 10 năm lên tiếng với RFA về việc này:
“Vụ sách giáo khoa với kinh phí 16 triệu đô la thì thật sự là số tiền lớn, nhưng nếu làm cho ra hồn thì cũng đáng. Tuy nhiên cho phép tôi nhắc lại, số tiền 16 triệu đô la này không thấm vào đâu so với những số tiền mất mát từ trước tới giờ.
Số tiền khủng khiếp nhất tôi xin được nhắc lại là vào năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra một dự án thay đổi sách giáo khoa với ngân quỹ đề nghị là 70.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Nếu số tiền này để lo cho giáo dục thì sẽ làm được rất nhiều chuyện.”
Sau khi xã hội lên tiếng mạnh mẽ thì họ giảm xuống còn khoảng 35.000 tỷ đồng (1 tỷ rưỡi đô la). Đến hôm nay tôi không biết dự án này đi về đâu.”
Ông cũng nói thêm rằng chuyện đầu tư, sử dụng ngân quỹ bất hợp lý không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã kéo dài gần 20 năm nay rồi và ngày càng nặng.
Một dự án với kinh phí “khủng” với mục tiêu được cho là “hoang tưởng”, đó là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được Thủ tướng Chính phủ (lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng) phê duyệt vào tháng 9 năm 2008 với kinh phí 9.300 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) với mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Đến tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mục tiêu của đề án thiếu thực tế và đến năm 2020 chưa thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong đề án này dù lúc đó đã tiêu tốn hết 5.400 tỷ đồng, tức hơn một nửa kinh phí.
Để xảy ra những bê bối trong ngành giáo dục thì trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu bộ này. Muốn thay đổi thì phải thay vị này nhưng ở Việt Nam thì đây lại là một vấn nạn nữa. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương nhận xét:
“Với tình trạng như hiện nay, một dự án kinh tế phải đấu thầu lên đấu thầu xuống mà phải lựa chọn vị bộ trưởng để quản lý ngành giáo dục thì chả có ‘đấu thầu’ gì cả. Phải có một cuộc tuyển chọn xem ai đưa ra được những chủ trương, những chính sách hợp lý nhất, khả thi nhất thì người ấy mới được lựa chọn. Đây là lựa chọn theo lý lịch, và theo tôi thì ai muốn làm bộ trưởng phải là người dễ sai, dễ bảo.”
Chi tiêu không hợp lý
Một điều dễ nhận thấy trong các dự án tiền tỷ của ngành giáo dục là phân bổ ngân sách không hợp lý. Một dự án ước tính đến 70.000 tỷ đồng vào năm 2011 rút xuống còn khoảng 35.000 tỷ đồng vào năm 2014 cho thấy ngay từ ban đầu đã đưa ra con số bất hợp lý.
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định về những cái bất hợp lý liên quan đến ngân sách cho giáo dục mà ông cho là sai lầm chứ không phải khuyết điểm:
“Vấn đề kinh phí cho giáo dục có hai cái bất hợp lý: Thứ nhất là kinh phí cho giáo dục thấp so với thế giới cũng như so với hoàn cảnh, nhu cầu cần thiết của Việt Nam. Lương giáo viên rất thấp, kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng rất thấp. Đấy là một nghịch lý và là một sai lầm chứ không phải là khuyết điểm; Thứ hai là cách sử dụng kinh phí được cấp. Sử dụng không hợp lý, lãng phí. Có thể nói là hiệu quả rất thấp. Điều này ai cũng thấy.
Có những phòng thí nghiệm bỏ không, không sử dụng vì không có năng lực đi kèm để sử dụng. Chương trình thì nói một đằng dạy một nẻo, đào tạo thầy giáo một nẻo khác.”
Quốc Hội cũng từng báo cáo một dự án đầu tư thiết bị cho các trường học ở Việt Nam trong 5 năm, từ 2002 đến 2007 là 1 tỷ đô la…Nếu vẫn tiếp tục thì đừng nói chuyện cải tổ gì hết. Chúng ta sẽ mãi mãi gặp vấn đề về giáo dục! – GS. Phạm Minh Hoàng
Ông Nguyễn Khắc Mai phân tích thêm rằng có những dự án nếu để các nhà chuyên môn thực hiện thì có khi giá lại rất thấp, rất rẻ. Nhưng để có được những dự án như thế thì lại không dễ dàng chút nào. Đó là thực trạng trong việc quản lý của chính phủ và ngành giáo dục hiện nay.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói thêm về cách chi tiêu không hợp lý, lãng phí, thất thoát và không hiệu quả mà ông từng biết:
“Quốc Hội cũng từng báo cáo một dự án đầu tư thiết bị cho các trường học ở Việt Nam trong 5 năm, từ 2002 đến 2007 là 1 tỷ đô la. Bản thân tôi lúc còn dạy tôi thấy cách xài tiền hoang phí dĩ nhiên ở tầm mức khác. Các thầy cô tôi tạm gọi là đồng lõa với nhau rút kinh phí của Nhà nước bằng cách tạo ra những dự án chả đi vào đâu cả. Tôi biết những dự án đó chỉ “để chơi”, như những đề tài nghiên cứu khoa học chỉ có 6 tháng thì nghiên cứu cái gì?”
Theo vị giáo sư này, đây là một bức xúc không chỉ với những người trong ngành giáo dục mà nó là bức xúc của toàn xã hội, vì đây là tiền thuế của dân mà chi tiêu quá hoang phí. Ông kết luận:
“Nếu vẫn tiếp tục thì đừng nói chuyện cải tổ gì hết. Chúng ta sẽ mãi mãi gặp vấn đề về giáo dục!”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/unreasonable-in-using-funds-for-education-dt-12022019135035.html
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius:
Kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội mới
Lê Viết ThọBBC News Tiếng ViệtÔng Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google, nói rằng sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội cho rất nhiều người.
Masan sẽ ‘số một thị trường bán lẻ’ VN sau sáp nhập VinMart?
Rủi ro khi làm doanh nhân ở Việt Nam là gì?
Bản phúc trình mà Google phối hợp với một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore Temasek Holdings và tập đoàn tư vấn tài chính Bain & Company công bố hồi tháng 10 năm nay cho thấy, quy mô ngành kinh doanh dựa trên nền tảng internet của khu vực Đông Nam Á đang trên đà vượt quá con số 100 tỷ đô la trong năm nay và sẽ tăng lên gấp ba vào năm 2025.
Phúc trình này dự đoán, Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất về thương mại trực tuyến trên thế giới, nhờ vào lực lượng dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều.
Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google và là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, cũng có chung nhận xét như vậy.
Ông nói rằng, thay đổi lớn nhất mà ông được chứng kiến ở châu Á trong 30 năm vừa qua là việc internet đã mở ra cơ hội cho mọi người, nhất là những người trẻ tiếp nhận thông tin, kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài, hay cũng có thể chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu giải trí.
Ông Osius nói: “Tất cả những điều ấy, trước đây, có mơ người ta cũng sẽ không bao giờ hình dung được. Còn giờ, ai cũng có thể học được các kỹ năng mới, như tạo code hay học thêm một ngoại ngữ mới, tất cả đều đơn giản chỉ bằng cách lên mạng.
“Và cùng với điều đó, các doanh nghiệp nhỏ châu Á cũng có thêm những phương cách mới để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh số.
“Thêm nữa, ai cũng có thể lên mạng tìm việc làm. Và đây mới là điều thực sự ý nghĩa, bởi tất thảy chúng ta đều hiểu, sự trao quyền sẽ có ý nghĩa như thế nào,” ông Osius nói.
Tận dụng cơ hội
Nhưng theo ông Osius, điều có ý nghĩa hơn cả chính là việc Internet đang giúp cho những người yếu thế hay kém may mắn có thể tận dụng cơ hội của nền kinh tế kết nối để vươn lên.
Ông Osius dẫn chứng câu chuyện của anh Lê Nguyên Bình và chị Mai Thị Kim Quyên ở Hội An.
Năm 15 tuổi, anh Bình bị liệt sau một lần mắc bệnh và từ đó, cuộc sống của anh gắn với chiếc xe lăn.
Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người có thể đã bị gục ngã hoàn toàn trước số phận.
Nhưng anh Bình đã tự học tin học, lập diễn đàn trên mạng dành cho người khuyết tật cũng như lập trung tâm tin học dạy lại cho những người khác.
Năm 2015 anh được tạp chí eChip bình chọn là Hiệp sĩ công nghệ thông tin.
Nhưng anh Bình và chị Quyên còn muốn làm một điều gì đó nữa, để vừa tạo cho họ một động lực sống và còn có thể giúp đỡ những người kém may mắn khác.
Và họ đã tạo ra “Reaching Out Teahouse” (Hòa nhập) – một tiệm trà và bán hàng lưu niệm thủ công ở Hội An.
Điểm đặc biệt là họ sử dụng quảng cáo trực tuyến và các công cụ trên Internet để phát triển việc kinh doanh, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.
Sản phẩm thủ công mà tiệm này bán ra hoàn toàn do người khuyết tật làm ra.
Qua Internet, họ cũng tạo lập và phát triển một mạng lưới chuyên hỗ trợ cho những người khác cũng gặp những trở ngại về thể chất tương tự với họ.
“Không có internet, làm sao có những loại hình doanh nghiệp xã hội như vậy,” ông Osius nhận định.
Trách nhiệm của các công ty công nghệ
Những thay đổi như vậy hoàn toàn không phải là điều hiển nhiên, Xét đến cùng, dẫu cho kỹ thuật có tiến bộ đến dâu, thì khởi điểm vẫn là con người – những người biết nắm bắt và mở ra sự thay đổi nhờ kỹ thuật mới.
“Chúng ta cần tiếp tục mở rộng những lợi ích và cơ hội này đến nhiều người hơn ở Việt Nam và trong khu vực,” ông Osius nói.
Nhưng lâu nay, khi nói đến việc đó, người ta thường đặt yêu cầu với chính phủ trong việc bảo đảm việc truy cập internet cho nhiều người, nhất là trong tình cảnh, khoảng cách về khả năng tiếp cận số (digital divide) vẫn là một thực tế, không chỉ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bản thân những công ty công nghệ lớn, như Google hay Facebook cũng phải nhận lãnh trách nhiệm.
Chẳng hạn, với Google, ông Ted dẫn số liệu cho biết, chương trình Tăng tốc kỹ thuật số Việt Nam 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0) được công ty này bắt đầu triển khai từ năm 2018.
Đến nay, Google đã đào tạo miễn phí cho 500 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay, Google cũng đã đào tạo 85 ngàn người kinh doanh nhỏ tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Vào tháng 8/2019, Google cũng ra mắt Xe buýt kỹ thuật số, giúp người dân, nhất là những người sống ở nông thôn, tiếp cận dễ dàng hơn với các đào tạo về kỹ thuật số.
Xe buýt kỹ thuật số đã hoàn thành tuyến đường đầu tiên với 1.000 km, với hơn 3.300 người tại 10 tỉnh Đông Bắc Việt Nam được huấn luyện.
Đến tháng 12/2020, xe này sẽ tiếp tục đi đến 49 tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam.
Google cũng hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam ra mắt ứng dụng Google Primer, giúp người dân khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận hơn với việc đào tạo số.
Tiềm năng kinh tế số
Nói về triển vọng của phát triển kinh tế số, ông Osius nói rằng, điều đó là vô hạn.
“Bốn năm qua, chúng tôi cùng Temasek Holdings và Bain & Company thực hiện phúc trình thường niên về nền kinh tế internet Đông Nam Á. Và cũng hàng năm, sự tăng trưởng của nền kinh tế này đã vượt quá sự kỳ vọng của chúng tôi.
“Chẳng như, mới 12 tháng trước, chúng tôi cho rằng, quy mô của nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á sẽ đạt 250 tỉ đô la vào năm 2025. Nhưng giờ, chúng tôi nghĩ con số đó sẽ là 300 tỉ đô la.
“Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như gọi xe (ride-hailing) và thương mại điện tử. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy sự phát triển trong thanh toán số.
“Sự gia tăng như vậy có thể sẽ mang lại tác động khá sâu sắc, nếu chúng ta biết rằng, hiện nhiều người dân ở khu vực Đông Nam Á thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng,” ông Osiusnói.
Với Việt Nam, ông Osius nói rằng, nước này có nền kinh tế số phát triển nhanh thứ ba và có quy mô lớn vào hàng thứ hai trong khu vực.
Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế dựa trên internet có tác động lớn nhất đến GDP. Điều này cho thấy sự phát triển manh mẽ của kỹ thuật số ở Việt Nam, khi mà năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, và trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động mỗi ngày.
Theo phúc trình nói trên, tại Đông Nam Á, V iệt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.
Nền kinh tế số tại Việt Nam, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ đã đạt 12 tỉ đô la năm 2019 và sẽ lên đến con số 43 tỉ đô la vào năm 2025.
Tự do Internet?
Tuy nhiên, dẫu Việt Nam có sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế số như vậy nhưng nước này vẫn nằm chót bảng về tự do Internet, theo báo cáo “Freedom on the Net 2019″ (Tự do trên mạng 2019), do tổ chức Freedom House công bố đầu tháng 11 năm nay.
Dân Việt dùng mạng xã hội nhiều, nhưng Việt Nam đứng chót bảng tự do Internet
Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?
Việt Nam và tham vọng ‘có Facebook’ nội địa
Báo cáo này xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet, với số điểm 24 trên tổng số 100.
Với con số này, Việt Nam đứng gần chót bảng và chỉ trên có Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.
Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp sau tất cả các nước được đánh giá kể cả các nước láng giềng Đông Nam Á và chỉ trên Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50648735
Việt Nam – Liên Bang Nga
đối thoại quốc phòng lần thứ 5
Việt Nam và Nga vừa có Đối thoại Chiến lược Quốc phòng lần thứ 5, tổ chức ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 3/12, theo báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin vào cùng ngày.Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực bao gồm trao đổi đoàn cấp cao, đào tạo, hợp tác Quân binh chủng, kỹ thuật quân sự, diễn đàn đa phương, chính trị quân sự, quân y, và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đối thoại lần này được chủ trì bởi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng A.V. Fomin – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, tại đối thoại lần này, phía Nga bày tỏ mong muốn Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, sẽ ủng hộ và tạo điều kiện để LB Nga tham gia ngày càng hiệu quả vào cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Nga cũng khẳng định sẽ tích cực tham gia các hoạt động quân sự – quốc phòng do Việt Nam chủ trì trong năm tới.
Hai bên cũng đồng ý phải duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, khẳng định quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nga hiện là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Hồi năm ngoái, hãng tin TASS của Nga cho biết Việt Nam vừa ký một hợp đồng đặt mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga lên đến hơn 1 tỷ đô la. Thông tin này được đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Nga hồi tháng 9 năm 2018.
Tổng thống Nga Putin cũng từng lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016. Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện được cho là có lợi cho phía Việt Nam và bất lợi cho phía Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-and-russia-hold-5th-defense-dialogue-12032019075119.html
0 comments