Tin Việt Nam – 02/12/2019
Tuesday, December 3, 2019
4:37:00 AM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
‘Điểm nóng’ buôn người Việt Nam
kiếm ‘hàng chục tỉ đôla mỗi năm’
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.Báo cáo tại một hội nghị hôm 29/11 về công tác hỗ trợ nạn nhân buôn người trở về, Thượng tác Lê Văn Nhãn – phó trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán bán người của Cục Cảnh sát Hình sự – được báo chí Việt Nam dẫn lời nói: “Việt Nam được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp tại khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong với ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người lên tới hàng chục tỉ đôla mỗi năm”.
Mặc dù vậy, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động lại không cung cấp con số cụ thể được cho là “siêu lợi nhuận” từ nạn buôn người tại Việt Nam.
Tình trạng buôn người tại Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý của công luận thế giới kể từ sau khi xảy ra vụ 39 người Việt nhập cư bất hợp pháp chết trong một xe tải chở hàng đông lạnh ở Anh vào cuối tháng Mười.
Sau hơn một tháng phối hợp trong công tác điều tra và xác định danh tính nạn nhân giữa hai phía Anh-Việt, 39 thi hài và tro cốt của các nạn nhân cuối cùng đã được đưa về đến Việt Nam vào ngày 30/11.
Sau vụ việc này, một số tỉnh ở miền Nam như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đang gặp khó khăn trong chủ trương xuất khẩu lao động vì số lượng người đăng ký tham gia giảm mạnh, kém xa chỉ tiêu đặt ra.
Trong đó, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Cà Mau, ông Từ Hoàng Ân, thừa nhận với báo Lao Động rằng tình hình xuất khẩu lao động của tỉnh đang “gặp khó” sau vụ 39 người chết. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh này mới chỉ có 250 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra cho năm 2019 là 400 người.
Tình trạng thiếu hụt số lượng người tham gia xuất khẩu lao động đang khiến cho các tỉnh trên phải “đẩy mạnh tuyên truyền” và đưa ra các chính sách hỗ trợ vay vốn, bảo hiểm… để khuyến khích người dân đi lao động ở nước ngoài.
Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, cho biết tại hội nghị rằng trong vòng 6 năm qua, Việt Nam đã có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người.
Các nạn nhân buôn người thường là phụ nữ và trẻ em ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trình độ học vấn kém, theo Bộ Công an.
Kết bạn, môi giới hôn nhân, cò mồi đưa ra nước ngoài lao động… là “những thủ đoạn” quen thuộc mà những kẻ buôn người sử dụng để đưa các nạn nhân vào đường dây buôn người.
“Một trong những thủ đoạn của bọn mua bán người là giả danh cán bộ công an, bộ đội biên phòng để gọi điện tán tỉnh, làm quen với nạn nhân, giả vờ yêu, hứa hẹn tổ chức đám cưới rồi hẹn hò, rủ đi chơi, từ đó khống chế, đe doạ và đem bán ra nước ngoài”, báo Pháp Luật dẫn lời Thượng tá Lê Văn Nhãn cho biết thêm tại hội nghị.
Ngoài ra, theo ghi nhận của Bộ Công an, Việt Nam đã phá được một đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia đã mua bán thận của hàng trăm nạn nhân trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2019, thu lợi hàng chục tỉ đồng, và một số đường dây môi giới, mua bán phụ nữ sang Trung Quốc đẻ thuê với giá 400 – 500 triệu đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91i%E1%BB%83m-n%C3%B3ng-bu%C3%B4n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vn-ki%E1%BA%BFm-h%C3%A0ng-ch%E1%BB%A5c-t%E1%BB%89-%C4%91%C3%B4la-m%E1%BB%97i-n%C4%83m-/5189668.html
Mẹ Hồ Duy Hải mong
đón con trai về trước Tết Canh Tý 2020
Ben NgôMẹ của tử tù Hồ Duy Hải chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về hành trình 12 năm kêu oan ròng rã “nước mắt cạn khô” và bày tỏ mong muốn được đón con trai về nhà trước Tết Canh Tý 2020.
Sau 12 năm kêu oan, tử tù Hồ Duy Hải, người bị kết tội giết người và cướp tài sản vừa có thêm một cơ hội sống khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xoá bỏ toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30/11.
Theo truyền thông trong nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, để nghị Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Toà án Nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thảm Toà án Nhân dân tối cao TP. HCM đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào năm 2011.
Trả lời RFA hôm 2/12, bà Nguyễn Thị Loan nói về cảm giác khi được tin về bản kháng nghị:
“Tôi rất vui mừng vì cái giám đốc thẩm này tôi đã chờ đợi xuyên suốt 12 năm qua. Tôi vui và cũng biết ơn tất cả mọi người trong và ngoài nước đã trợ giúp tôi một đoạn đường dài như vậy mới được ngày hôm nay. Không có nỗi vui mừng nào mà tả nổi hết.”
“Gia đình tôi đã đi đòi công lý suốt 12 năm qua, coi như là nước mắt cạn khô rồi, tiền bạc đất đai nhà cửa thì không nói. Bây giờ là không mong gì, chỉ mong có bảy chữ thôi, ‘yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm’ mà hôm nay mới được. Xin nói là hôm nay tôi mới được toại nguyện.”
Bà Nguyễn Thị Loan nói là bà đang chuẩn bị đi qua trại giam Công an tỉnh Long An “xin cho con trai được tại ngoại vì đã có kháng nghị giám đốc thẩm thì con trai tôi vô tội hoàn toàn” và “nay mai phải trả tự do cho con trai tôi”.
Bà Loan kể về lần gần nhất đi thăm anh Hồ Duy Hải, người bị giam từ năm 23 tuổi và nay đã 35 tuổi:
“Lần gần nhất là hôm 14/10 là tôi gặp con trai tôi. Còn vừa qua là hôm 29/11 thì tôi chỉ được gửi đồ ăn thôi. Từ ngày hoãn thi hành án đến giờ thì con tôi ốm lắm. Nó đi như một ông già… Nhắc tới là tôi đau dữ lắm, không thể nào mà… Tưởng tượng mà tôi nằm nghĩ con tôi chờ đợi đã quá mỏi mòn rồi. Bản thân mình bị oan sai mà bị giam cầm trong chốn lao tù, bóng tối nhà giam. Tôi thì không thấy được cái phòng con tôi bị giam nhưng mà tôi tưởng tượng không có nỗi đau nào mà tả nổi đau trong trại giam.”
Đề cập về hành trình kêu oan cho con, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ rằng “có những lúc mệt mỏi chứ không bao giờ muốn bỏ cuộc” và những lúc bà bị bệnh thì “đều cố gắng vượt qua, để mau hết bệnh, tới ngày đi Hà Nội tới chỗ Phủ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội dùng hết sức lực la lên, hy vọng rằng tiếng nói của tôi được lên camera, chứ còn đơn đã gửi trên 2.000 bộ mà không thấy sự phản hồi nào”.
“Phải thả con trai tôi về thôi trong năm 2019 thôi. Cái bức xúc của tôi. Tôi thay vào đó là sự căm hờn và oán hận. Xin phép mọi người hiểu cái nỗi lòng của người mẹ là tại sao tôi phải nói những câu đó, quá khổ rồi. Tới một ngày tôi ra ngoài trời, la lên ‘ông Trời ơi, đừng bất công với gia đình tôi nữa, gia đình tôi khổ như vầy là đủ lắm rồi!’
Kể về mối cơ duyên nhận được sự giúp đỡ của bà Trần Thị Nga, tức blogger Thúy Nga, người hiện đang thi hành án 9 năm tù với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’, bà Nguyễn Thị Loan nói:
“Trước ngày hoãn thi hành án, tôi chạy ra Hà Nội cùng với chị tôi. Tình cờ gặp qua cô Thúy Nga này. Lúc đó tôi đang la lên. Cô ấy đi ngoài đường thấy và chạy lại hỏi ‘vụ gì mà bác bức xúc như vậy’. Vô tình mà cô ấy đi qua đi lại. Cô ấy không biết tôi là ai mà tôi cũng không biết cô ấy là ai. Lúc đó cô ấy nói ‘thôi bác bình tĩnh, để con hướng dẫn bác qua tòa, rồi bác nói, chứ giờ bác đứng đây bác la mà chủ tịch Quốc hội đâu có ở đây, người ta ở trên lầu, trên cao mà bác đứng đây bác la thì có ai nghe đâu. Cô Thúy Nga giúp đỡ tôi qua tòa, cất tiếng nói lên bác chánh tòa…”
Bà Nguyễn Thị Loan cũng kể thêm về một “người ơn” khác là bà Lê Thị Nga, thời điểm mấy năm trước là phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội:
“Hoãn thi hành án xong, trong vòng mấy ngày đó thì có một cuộc điện thoại. Chị tôi không biết là ai. Người đó nói là ‘bà không cần biết tôi là ai, bà đi về trong Nam đi, sẽ có người giải quyết cho cháu bà dừng thi hành án lại. Hai chị em tôi mới vừa về, chưa kịp mừng cái sáng bữa sau có tin thi hành án con trai tôi. Tôi mới nói ‘chuyện gì mà kỳ cục vậy’. Cái có cú điện thoại hỏi ‘giờ thi hành án con bà, bà nghĩ sao?’. Tôi mới nói ‘nghĩ gì, bây giờ tính diệt con tôi giết người diệt khẩu hoặc bịt đầu mối, giờ tôi sẽ
không tin ai hết, tôi sẽ ra Hà Nội gặp lãnh đạo cấp lớn nhất ở trung ương để hỏi tại sao con tôi bị oan mà sao lại bị giết.”
“Cô Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội vào giám sát ở tỉnh Long An. Cô đã gặp con trai tôi và gọi kêu gia đình tôi đến gặp ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chỗ nhà khách lãnh đạo. Cô rất là có tâm, nói là đã làm việc với hai luật sư của gia đình tôi rồi, luật sư Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong, trong ba ngày khác nhau. Khi sắp về thì cô mới nói là hai bà cho tôi hỏi về quá trình Hồ Duy Hải từ nhỏ đến lớn rồi cho chúng tôi ra về.”
Bà Nguyễn Thị Loan nói bà “tâm đắc có một đại biểu như bà Lê Thị Nga” và vui mừng khi nghe bà Nga lên làm chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội vì bà Nga “rất có tâm, lên nắm quyền, soi xét người dân như là dân oan Hồ Duy Hải”.
Bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ thêm rằng bà đang ngóng đợi ngày về của con trai:
“Tôi rất là hy vọng vì tôi nghĩ là một khi mà trung ương đã chỉ đạo, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nhận thấy con tôi oan, cho kháng nghị giám đốc thẩm, thì chuyện thả con tôi về, quý ông quý bà ngoài đó [Hà Nội] cũng phải giải quyết cho con tôi về trong năm 2019 Kỷ Hợi này.”
“Nguyện vọng của tôi là, tôi nghĩ là cái tâm của quý ngài đã biết đến cái sự oan của Hồ Duy Hải thì thả về thôi, con tôi quá bị oan rồi mà cứ giam cầm ở trong đó đâu có được. Mà năm nay tôi nói là tôi chỉ chịu đựng được hết năm 2019 Kỷ Hợi này thôi. Con tôi mà cứ bị giam hoài như vậy là tôi không thể nào chịu nổi. Quá sức chịu đựng của tôi rồi. Tôi xin nói như vầy, cơ quan nào làm sai thì cứ nhận đi. Riêng còn gia đình tôi thì cũng không biết quy trách nhiệm về ai hết, miễn là nhận làm sai thì thả Hồ Duy Hải con trai tôi về thôi chứ bây giờ con tôi oan mà cứ nhốt trong đó hoài. Tôi không chịu. Để sang năm 2020 là tôi khổ lắm đó. Tôi nhớ con tôi nhiều lắm luôn, tôi sẽ không chịu nổi đâu.”
Trong quyết định kháng nghị mới nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ ra một loạt các sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng như: bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai làm trong giải quyết vụ án.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008, Hồ Duy Hải đã không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn chưa được làm rõ.
Vụ án Hồ Duy Hải được coi là một trong những vụ được chú ý nhiều nhất trong các năm qua tại Việt Nam và khiến quốc tế phải lên tiếng.
Theo nội dung vụ án, Hồ Duy Hải quen biết với hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An vào năm 2007. Sáng ngày 14/1/2008, người ta phát hiện hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó ở tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 2008 và 2009 đều xác định Hải, lúc đó mới 23 tuổi, đã “giết người” và “cướp tài sản”, và tuyên án tử hình.
Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đã đi kêu oan cho con ở khắp nơi nhiều năm ròng rã.
Hồi tháng trước, Ân xá Quốc tế Na Uy đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng Bí Thư – Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi huỷ bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Trước đó, vào tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.
Năm 2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.
Trước đó, vào tháng 12/2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ho-duy-hai-mom-12022019074542.html
Asia Times: Bắt Phạm Chí Dũng,
đảng Cộng Sản Việt Nam gia tăng trấn áp
Thụy MyTác giả David Hutt trên Asia Times qua bài viết về mang tựa đề « Việt Nam tấn công vào một nhà báo » đã nhận định, mong muốn của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm trấn áp những tiếng nói mà ông cho là « dũng cảm và đàng hoàng nhất » chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Theo tổ chức Human Rights Watch, số tù nhân chính trị ở Việt Nam lên tới trên 130 người. Project 88 – một tổ chức lấy tên theo Điều 88 Luật Hình sự khắc nghiệt của Việt Nam – thì ước lượng con số các nhà hoạt động bị cầm tù 269, và 143 người khác có nguy cơ bị bắt.
Giờ đây người đã được thêm vào « bảng phong thần » vẫn đang tăng lên là Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập không sợ hãi. Vào cuối tháng 11, ông Dũng đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vì cáo buộc « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam » theo Điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.
« Đảng nay đứng về phía người giàu »
Thông báo của Công an TP HCM nói rằng ông Phạm Chí Dũng « có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm, tác động xấu đến ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thành phố ». Ông Dũng có nguy cơ phải lãnh án từ 5 đến 20 năm tù giam. Ông đã bị bắt theo Điều 79 và Điều 88 Luật Hình sự vào năm 2012 nhưng chỉ ở tù sáu tháng. Tuy nhiên, với sự trấn áp của Đảng Cộng sản qua những phiên tòa gần đây, tác giả cho rằng Viện Kiểm sát sẽ đề nghị những bản án nặng nề cho ông Phạm Chí Dũng.
David Hutt viết : « Ông Dũng là người đầu tiên tôi gặp khi tôi bắt đầu viết về chính trị Việt Nam vào năm 2014. Cuộc gặp mặt của chúng tôi bắt đầu không mấy tốt đẹp, khi người phiên dịch tỏ ra lúng túng khi dịch những câu hỏi mà tôi đã viết ra. Chúng tôi phải xoay sở qua việc phối hợp giữa tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp ».
Tác giả mô tả « Với bộ ria mép mỏng, dáng người dong dỏng cao và mái tóc bù xù », trong lần đầu tiên gặp gỡ ông có cảm giác Phạm Chí Dũng giống như một bức ảnh của George Orwell đã từng thấy. Và tinh thần của ông Dũng cũng giống như Orwell, trong một chế độ toàn trị mà Orwell đã mô tả.
Các bài viết của ông về kinh tế, như người ta có thể chờ đợi nơi một tiến sĩ kinh tế, mang tính dự báo và chua cay. Những bài viết này cố gắng trả lời những câu hỏi mà chẳng mấy ai còn bận tâm đặt ra. Chẳng hạn, trong một bài viết gần đây, ông đã đặt nghi vấn về tỉ lệ tăng trưởng GDP chính thức của Việt Nam, và phê phán khoản nợ công nguy hại mà Đảng Cộng sản đang làm cho nhà nước thêm nặng gánh.
Cái nhìn của ông về chính sách đối ngoại luôn chất chứa nhiều thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực thường nhập nhằng, khó hiểu là quan hệ Việt -Trung. Khả năng của Phạm Chí Dũng về việc bóc trần những sự việc phức tạp trong nội bộ Đảng Cộng sản là không thể thay thế được. Điều quan trọng nhất là ông không sợ hãi. Chỉ cần lướt qua một loạt những bài báo gần đây của ông Dũng, sẽ thấy sự đa dạng và khôn khéo trong các vấn đề mà ông đặt ra một cách thông minh.
David Hutt nhận định, có lẽ vinh dự lớn lao nhất đối với một nhà báo làm việc trong một chế độ độc tài khi được gọi là mối đe dọa cho nhà nước, nhưng các bài báo của ông Dũng không phải là nổi loạn, cũng chẳng phải là không yêu nước. Quan điểm của ông là Đảng Cộng sản phải nhận lấy trách nhiệm. Phạm Chí Dũng nói : « Đảng đang trong ngõ cụt. Đảng nay đứng về phía những người giàu; chẳng còn chủ nghĩa xã hội nữa, và bất bình đẳng đang tăng lên ».
« Tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết… »
Phạm Chí Dũng đã thoát khỏi tư tưởng của đảng Cộng Sản, nhưng giữ nguyên lý tưởng về tự do, bình đẳng mà đảng này cho là được thành lập để xúc tiến. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông vào đảng năm 25 tuổi và làm việc cho Ban Nội chính Thành ủy trong suốt 16 năm. Trong những năm cuối còn làm việc tại đây, ông Dũng đã bí mật viết bài với một bút danh.
Sau khi bị bắt khẩn cấp và tống giam năm 2012, ông Dũng đã theo chân ông Lê Hiếu Đằng từ bỏ Đảng Cộng sản năm 2013. Ông Đằng là một luật gia có đến 40 năm tuổi đảng.
Trong « Tâm thư từ bỏ đảng » ngày 05/11/2013, ông Dũng viết: « Tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái…Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm ».
Sau đó ông đã góp phần thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức không bao giờ được Đảng Cộng Sản cho phép hoạt động, nhưng vẫn cứ hoạt động. David Hutt cho rằng cũng như Vaclav Havel, cựu tổng thống Tiệp Khắc, Phạm Chí Dũng cùng với nhiều nhà báo, nhà đấu tranh khác sống
như thể Việt Nam đang được tự do, các quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là điều đương nhiên.
Tháng 8/2019, Phạm Chí Dũng bị đưa lên một chương trình Đối Diện của truyền thông nhà nước, mang tên « Mặt trái của mạng xã hội », mô tả các nhà báo độc lập và nhà hoạt động như những kẻ âm mưu. Ông Dũng tuyên bố : « Tôi thách bất kỳ tổ chức đảng, đài phát thanh hoặc đài truyền hình nào có thể chỉ ra một sự kiện nào không chính xác trong các bài viết hoặc bài trả lời phỏng vấn của tôi, hoặc nêu rõ bất kỳ câu nào sai lạc hoặc kích động ».
Ông nói thêm là ông có quyền đi kiện. « Tôi biết là rất khó thắng kiện tại một tòa án Việt Nam, nhưng tôi có thể kiện được họ sau này, chứ không phải bây giờ ».
Mỹ nuông chiều đảng Cộng Sản, Việt Nam khó cải thiện nhân quyền
Tác giả nhận định, việc bắt giữ Phạm Chí Dũng diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng Sản ra tay trấn áp, bắt bớ nhiều hơn từ năm 2016 ; và đặt câu hỏi, liệu cộng đồng quốc tế, cụ thể là Hoa Kỳ, ít ra cũng cố gắng làm được một điều gì ? Có lẽ là không.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được các chính quyền Mỹ liên tiếp nuông chiều, đặc biệt là tổng thống Barack Obama, cho rằng Hoa Kỳ phải duy trì liên minh chiến lược với Hà Nội vì Việt Nam chống đối lại sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên, điều mà các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ ít quan tâm, là Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể tự hủy diệt mình nếu hoàn toàn đứng về phía Bắc Kinh. Đó là vì tinh thần dân tộc và chống Trung Quốc hiện phổ biến trong xã hội Việt Nam, đảng bị coi là con rối của Bắc Kinh. Theo David Hutt, thật ra Washington có thể hành động nhiều hơn là họ nghĩ, khi đòi hỏi cải thiện nhân quyền.
Dân biểu Christopher Smith trong phiên điều trần của Tiểu ban Châu Phi, Y tế và Nhân quyền Toàn cầu, Các tổ chức Quốc tế thuộc Hạ Viện Mỹ vào tháng 6 năm 2018 đã phê phán : « Chính sách của Hoa Kỳ đã làm người dân Việt Nam thất bại ». Ông Smith chỉ trích cả hai đảng đã giúp các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam làm giàu, gây thiệt hại cho khát vọng người dân Việt Nam về tự do và nhân quyền.
Không chỉ thế, mà các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã kết liễu nỗ lực của Quốc Hội nhằm thông qua các biện pháp trừng phạt Việt Nam. Theo tác giả, trong phiên điều trần trên đây, dân biểu Smith còn tiết lộ, Vietnam Human Rights Act, dự luật về nhân quyền Việt Nam đã bị Thượng Viện bác bỏ bốn lần, và cựu ngoại trưởng John Kerry là người luôn phản bác dự luật này. Ông Christopher Smith nói thêm, tập đoàn Podesta và các tổ chức vận động hành lang khác luôn cố gắng xếp lại dự luật trên.
Theo tác giả David Hutt, đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã chi trả nhiều tiền cho Podesta Group, một công ty vận động hành lang cho anh em Podesta điều hành. Ông John Podesta là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, từng là chánh văn phòng của tổng thống Bill Clinton. Còn Tony Podesta là thành viên hội đồng quản trị của casino Hồ Tràm tại Việt Nam, mà sở hữu chủ là tỉ phú Mỹ Philip Falcone – người được cho là đã giúp Marc Kasowitz, luật sư của Donald Trump dàn xếp một cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Trump và thủ tướng Việt Nam vào tháng 12 năm 2016.
http://vi.rfi.fr/vi%E1%BB%87t-nam/20191202-asia-times-b%E1%BA%AFt-ph%E1%BA%A1m-ch%C3%AD-d%C5%A9ng-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t-nam-gia-t%C4%83ng-tr%E1%BA%A5n-%C3%A1p
Sao không đem các nhân vật văn học
đặt tên phố ở Việt Nam?
Hà HiểnViệt Nam đã đổi thay nhiều so với 2, 3 thập niên trước
Những ai có thể có tên được đặt cho các đường phố hay địa danh khác của Việt Nam?
Nhiều người có thể trả lời ngay rằng đó là những nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp dựng nước và cứu nước như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học…, bao gồm cả những nhân vật truyền thuyết như Hùng Vương, An Dương Vương, Lạc Long Quân…
Thuý Kiều, Từ Hải và thời giặc biển Đông Á
Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm
Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’
Đoạn cuối Hanoi Cinematheque
Các nhà hoạt động chính trị, nhà yêu nước, nhà văn hóa, bác học, nhà ngôn ngữ… và cả các nhà truyền giáo đã có công trong việc phát triển văn hóa, ngôn ngữ và các lĩnh vực khác cho đất nước như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Alexandre de Rhodes… cũng rất xứng đáng có tên được đặt cho các địa danh của Việt Nam
Tất nhiên là không thể tránh khỏi còn có những nhân vật khác như các cụ Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Trần Phú… cũng phải có tên vì họ là những người có công xây dựng nên chế độ XHCN ở Việt Nam. Chế độ này đang tồn tại thì họ được chế độ đó vinh danh là điều tất nhiên, không nên thắc mắc làm gì…
Tương tự như thế, nếu các cụ Karl Marx, cụ Lenin cũng có tên được đặt cho núi này, suối kia, công viên nọ trên một đất nước mà Nhà nước đang cai trị lấy học thuyết của các cụ ấy làm nền tảng cho sự sống còn của mình thì cũng là điều không nên bàn cãi.
Chỉ có điều, nếu chế độ vinh danh cụ Mác, cụ Lê vì đã có công truyền bá cái học thuyết mà mình tôn thờ ấy thì nếu đồng bào Công giáo cũng muốn có một đường phố nào đó của đất nước mang tên Cụ Alexandre de Rhodes vì có công truyền bá Đạo Thiên Chúa vào Việt Nam cũng là điều nên tôn trọng khi Tổ quốc không chỉ là nơi tá túc riêng của người cộng sản mà là ngôi nhà chung của tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo và dân tộc.
Nói thế để thấy lập luận của GS Nguyễn Đắc Xuân đại ý rằng Cụ Alexandre de Rhodes có công truyền đạo với người Công giáo thì không xứng đáng để người khác tôn vinh là không ổn.
Nếu có người cũng lại lập luận theo cách tương tự rằng cụ Mác, cụ Lê chỉ có công với người cộng sản thì cũng không nên lấy tên các cụ này đặt cho các địa danh ở Việt Nam thì có mà… loạn!
Đằng này Cụ Rhodes còn có công phát triển chữ Quốc Ngữ tuyệt vời cho người Việt. Mà thứ chữ này cũng đang được dùng không chỉ trong các cuốn Kinh Thánh của các học trò cụ Rhodes ở Việt Nam mà còn được dùng trong các bộ Lê-nin toàn tập đang trưng bày trong hiệu sách nhân dân to nhất ở Hà Nội nữa.
Ngoài ra, có thể kể đến tên các nhà văn, nhà thơ như Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tú Xương, Nguyễn Du… mà tên của họ cũng đã được đặt cho các đường phố ở Việt Nam và điều đó là hoàn toàn xứng đáng.
Nhưng còn ai nữa không?
Các đô thị của Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Nếu chỉ lấy tên các nhân vật ở trên để đặt cho các đường phố thì cái “ngân hàng tên” ấy cũng đã đến lúc cạn.
Vì thế có người đã có ý kiến nên lấy các sô thứ tự như 1, 2, 12, 20… để đặt tên (hoặc tạm đặt tên) cho các đường phố mới. Nhưng theo tôi còn một danh sách các nhân vật nữa mà tên của họ có thể được đặt cho các đường phố ở Việt Nam.
Đó là những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm văn học Việt Nam ở các thời kỳ khác nhau, từ Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Chị Hằng, Chú Cuội cho đến Kiều, Kim Trọng, Tám Bính, Chí Phèo, Thị Nở, Chị Dậu…
Đừng nên bám lấy lối tư duy từ trước đến nay là phải lấy tên các nhân vật có công với nước, với chế độ để đặt tên cho các đường phố. Lấy tên của các nhân vật văn học cho mục đích này cũng là một cách để cho các thế hệ mai sau không bao giờ quên các tác phẩm văn học Việt Nam đã đi vào lịch sử văn học hoặc là điển tích văn hóa của Việt Nam. Đấy là một cách xử lý có văn hóa đối với nhưng vấn đề có tính văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Thực ra thì ở một nơi là thành phố Hải Phòng tôi biết đã có một đường phố mang tên một nhân vật thần thoại trong văn học, đó là đường Thiên Lôi. Vậy thì Chị Hằng hay Chú Cuội hoàn toàn có thể là tên của những đường phố khác! Tại sao không?
Nguyễn Du đã được đặt tên phố thì tại sao không thể làm điều tương tự với Kiều? Tương tự như vậy, Nam Cao đã có tên thì tại sao tên Chí Phèo hay Thị Nở lại không thể có trên các đường phố Việt Nam? “Chị Dậu” cũng là một cái tên đáng đặt vì đó vừa là một nhân vật văn học nổi tiếng vừa là lời nhắc nhở cho các cấp chính quyền ngày nay chăm lo hơn nữa cho đời sống của nhân dân.
Việc lấy tên các nhân vật trong văn học Việt Nam để đặt cho các đường phố cũng là cách quảng bá và giới thiệu văn học và văn hóa Việt Nam với thế giới. Sẽ có những ông Tây bà Đầm đi trên đường phố Chí Phèo và thật là thú vị nếu từ đó họ muốn tìm hiểu xem ông Chí Phèo là ông nào.
Hoặc khi đi trên đường Chú Cuội hay Hằng Nga, họ sẽ thấy là người Việt đã từng… lên Cung Trăng trước cả Mỹ hay Liên Xô hàng ngàn năm!
Thế nên, chỉ ước một ngày nào đó được thong dong trên đường Chí Phèo để mơ về nàng Thị Nở một thời, hay được ăn phở ở phố Chị Dậu để nghĩ về những cảnh đời của những người dân Việt nào đó vẫn còn nghèo đói không có đủ cơm ăn áo mặc ở đâu đó…
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50607890
Xử lý sông Tô Lịch:
phía Nhật phản bác chính quyền Hà Nội
TS Tadashi Yamamura JEBO và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (bên trái), ông Hà được cho là đã ”đánh giá rất cao” về công nghệ này ngày 30/10 .Thông cáo của lãnh đạo Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản (JEBO) ngày 1/12 mô tả điều được gọi là phát biểu “vô căn cứ, không hiểu mục tiêu” của đại diện chính quyền Hà Nội liên quan tới dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, bị cáo buộc đã phát biểu rằng “kết quả thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản làm sạch nước sông Tô Lịch thất bại”.
“Ông Giám đốc Sở Xây dựng là người đại diện cho chính quyền Hà Nội mà cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND TP nên buộc chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản, cũng như danh dự cá nhân của chúng tôi liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch,” Tiến sĩ Tadashi Yamamura – Chủ tịch JEBO nói trong thông cáo.
Vụ cháy Rạng Đông: “Dân không còn biết tin vào đâu”
Vượt qua nỗi sợ, người trẻ Việt tuần hành vì môi trường
Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm
Hà Nội ‘chưa thuê tư vấn TQ’
Thông cáo mô tả ông Dụ ”không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại” trong buổi họp đánh giá về kết quả dự do Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì ngày 29/10/2019.
Có thể vì lý do này lý do khác chưa hoặc không muốn sử dụng Công nghệ của Nhật Bản nhưng không nên và không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm như vậy
Tiến sĩ Tadashi Yamamura , Chủ tịch JEBO
“Chúng tôi không hiểu không hiểu động cơ, mục đích là gì, căn cứ vào Kết luận đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND Thành phố mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lại có thể vượt thẩm quyền và phát ngôn đánh giá rằng, kết quả Dự án chúng tôi là thất bại?”
“Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn Việt Nam cho thấy chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây đã có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần… bùn sông Tô Lịch (trong khu xử lý) giảm nhiều nhất 76,3cm từ 91.3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm. Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam đã thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm đều sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang Hồ Tây….
“Vậy căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng lại đánh giá kết quả dự án là thất bại,” thông cáo đặt câu hỏi.
Lãnh đạo JEBO nói mặc dù Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào cho dự án tài trợ thí điểm này và có thể vì lý do này lý do khác chưa hoặc không muốn sử dụng công nghệ của Nhật Bản nhưng không nên và không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm như vậy.
Một chuyên gia người Việt có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức của Nhật Bản về môi trường muốn ẩn danh nói với BBC News Tiếng Việt rằng “lợi ích nhóm, tư duy cục bộ, các sở ban ngành [Việt Nam] không phối hợp, quan liêu và ”thiếu phong bì” thì việc không thể chạy được”.
Thông cáo của JEBO đưa ra trong bối cảnh đang có một đề xuất gây tranh cãi theo đó “pha loãng” nước sông Tô Lịch, được mô tả là “chưa nước nào làm”.
Đề án “hồi sinh” sông Tô Lịch của công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bằng cách bơm nước từ sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch dư kiến tốn 150 tỷ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện KHCN & Quản lý Môi trường được dẫn lời nói rằng kế này là không khả thi và rằng “Việc đổ nước vào dòng sông “chết” như vậy để lan tỏa ra khắp nơi là “không thể chấp nhận được”.
Vòng đời của dự án này tính trong 25 năm cũng sẽ ngốn hết thêm 200 tỷ tiền điện, chưa kể chi phí nhân công, chi phí vận hành khác.
Sáu mục tiêu dự án thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản
Mục tiêu 1: Thứ nhất là chứng minh việc xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối (ở cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor mùi hôi thối gần như không còn.
Mục tiêu 2: Thứ hai là chứng minh việc phân hủy tận gốc một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O mà không cần nạo vét cơ học.
Mục tiêu 3: Thứ ba là chứng minh mô phỏng theo xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).
Mục tiêu 4: Thứ tư là bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt.
Mục tiêu 5: Thứ năm là chứng minh nguyên lý kích hoạt vi sinh vật có lợi tăng, làm ức chế và giảm số lượng vi khuẩn có hại như Coliform, E.coli để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống cạnh khu thí điểm và cả dòng sông trong lương lai.
Mục tiêu 6: Thứ sáu là hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).
Phía Nhật mô tả họ đạt 6/6 mục tiêu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50626440
SOCAR sẽ cung cấp 5 triệu thùng dầu thô
cho Việt Nam vào năm 2020
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã ký thỏa thuận với Công ty năng lượng SOCAR của Azerbaijan để mua 5 triệu thùng dầu thô vào năm 2020.Thông tin trên được BSR cho biết trên website của BSR và trang mạng Hellenic Shippingnews. Reuters dẫn lại vào ngày 1/12/2019.
Theo thỏa thuận, SOCAR Trading sẽ cung cấp 5 triệu thùng dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quốc trong nửa đầu năm 2020.
BSR cho biết, dầu thô mà SOCAR cung cấp sẽ là sản phẩm dầu thô chiến lược từ năm 2020 cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau khi mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu thô đã được đưa về 0% và có hiệu lực từ tháng 11.
Tuần trước, BSR cũng cho biết đơn vị sẽ nhập 8 đến 10 triệu thùng dầu thô từ West Texas Intermediate và Bonny Light trong năm 2020 cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Việt Nam đã và đang nhập khẩu nhiều hơn dầu thô để cân đối nguồn dầu thô trong nước khi nguồn dự trữ đang giảm dần; cũng như việc Trung Quốc đang gia tăng vị thế tại khu vực cản trở việc thăm dò khai thác ngoài khơi.
Theo nguồn tin từ chính phủ Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2019, sản lượng nhập khẩu dầu thô tăng 66% so với năm ngoái đạt 7,44 triệu tấn (khoảng 54 triệu thùng).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-signs-crude-oil-supply-deal-for-2020-with-socar-12022019081150.html
Việt Nam – Australia
đối thoại an ninh cấp thứ trưởng lần thứ 2
Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam – Australia lần thứ hai vừa diễn ra phiên họp toàn thể thứ nhất hôm 2/12/2019 tại Hà Nội.Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Lương Tam Quang và ông Marc Ablong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Australia đồng chủ trì đối thoại.
Thứ trưởng Lương Tam Quang khi phát biểu tại phiên họp nói, sau 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Australia ngày càng tăng cường trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, quốc phòng… và có những bước phát triển nhanh chóng, thuận lợi kể từ khi hai nước chính thức thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia vào năm 2018.
Ông Quang cũng cho biết, Việt Nam đánh giá cao vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Australia trong khu vực.
Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Australia Marc Ablong khẳng định việc triển khai các thỏa thuận, cam kết tại Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng lần thứ nhất tại Australia giữa các cơ quan thực thi pháp luật Australia và Bộ Công an Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố lòng tin, thúc đẩy triển khai nội hàm Đối tác chiến lược Australia – Việt Nam.
Ông Marc Ablong cũng đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam – Australia lần thứ hai.
Ngoài ra, tại phiên đối thoại lần này, hai nước cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao; phòng, chống lạm dụng trẻ em, quản lý xuất nhập cảnh di trú và các vấn đề an ninh khu vực mà hai nước cùng quan tâm…
Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam – Australia lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 2 và 3 tháng 12 năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-australia-deputy-ministerial-level-security-dialogue-12022019091139.html
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB-8002 cùng với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và giao lưu với lực lượng bảo vệ bờ biển nước này tại cảng Yokohama vào ngày 2/12.Truyền thông trong nước loan tin cho biết tàu CSB 8002 do thượng tá Trần Xuân Lương phó tư lệnh tham mưu trưởng Vùng cảnh sát biển 2, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới chào xã giao ông Shimatani Kinihiro, phó tư lệnh vùng 3 Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (LLBVBB) Nhật Bản. Thượng tá Trần Xuân Lương đã bày tỏ cảm ơn về sự hỗ trợ của chính phủ Nhật và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật kể từ khi hai nước ký bản ghi nhớ vào năm 2015.
Thượng tá Trần Xuân Lương còn nhấn mạnh rằng, chuyến thăm cảng Yokohama lần này của tàu CSB 8002 là một trong những hoạt động tiếp nối, giao lưu, hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng đi vào hiệu quả, góp phần thúc đẩy an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hòa bình và ổn định phát triển của hai nước và là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Được biết vào năm 2015, CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nước về việc tàu tuần tra bờ biển Nhật thăm Việt Nam, tổ chức các cuộc họp song phương hai nước, chương trình trao đổi kinh nghiệm về hệ thống luật CSB và việc thực thi pháp luật trên biển, huấn luyện về quy trình khám xét trên tàu cho CSB Việt Nam và nhiều chương trình khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-coast-guard-ship-visits-japan-12022019085915.html
Giá như…
Nguyễn Anh TuấnSáng nay trên đường ra sân bay Nội Bài, xe Grab của tôi bị tắc lại mươi phút đoạn cầu vượt Cầu Giấy về Bưởi. Anh lái xe nhiều kinh nghiệm đoán ra ngay chỉ có thể là tai nạn.
Lúc xe thoát được lướt qua tôi mới sững sờ trước một bé gái nằm bất động, đầu bê bết máu [1]. Xung quanh nhiều người, thật dễ hiểu, ngoài gọi cho 115, chẳng biết làm gì khác. Trách sao được, biết làm gì bây giờ trong tình huống đấy?
Anh lái xe và tôi cứ thấp thỏm không yên. Tôi hỏi anh, ít nhất 10 phút trôi qua khi mình bị tắc lại, sao không nghe tiếng còi hụ cấp cứu? Rành đường xá, anh tiếp lời, đúng rồi, quanh đây nhiều bệnh viện, sao cứu thương chậm thế?
Tôi không biết gì về y học, tôi chỉ thấy đầu bé ra máu nhiều quá, nhanh hay chậm hơn dù chỉ một phút hẳn cũng rất hệ trọng với tính mạng em lúc này.
Nhiều người sẽ bảo ‘đấy, lại cứ so sánh với nước giàu’, nhưng tôi không thể không nghĩ đến nhiều nước trên thế giới có tiêu chuẩn về việc trong tối đa bao lâu xe cứu thương phải đến được với người bị tai nạn hoặc bệnh tật đe dọa tính mạng (life threatening). Ở Anh chẳng hạn, tiêu chuẩn mới nhất là 7 phút [2].
Tôi không dám trách các bệnh viện, đội trực xe cứu thương, hay ngay cả tổng đài 115. Tất cả những người làm việc trong khu vực công đều có thể biện minh không ai cãi được rằng lương đến đâu, nhiệt tình đến đó. Đồng lương chết đói trách sao lòng nhiệt thành không chết yểu.
Tôi chỉ còn có thể giá như:
Giá như nguồn lực quốc gia không bị ăn tàn phá hại trong những tập đoàn nhà nước mà dành cho khu vực tư nhân để đất nước thịnh vượng hơn, đủ sức trả lương sống được cho người làm khu vực công;
Giá như bầu sữa ngân sách không bị vắt kiệt cho những dự án vừa lãng phí vừa thất thoát, mỗi người Việt sẽ được chăm lo hơn, từ sức khỏe cho đến học vấn;
Giá như Hà Nội, thay vì giao đất công dưới gầm bàn, công khai đấu giá trăm, ngàn lô đất vàng thì lo gì thiếu nguồn lực nâng tầm chất lượng cuộc sống cho dân thủ đô;
Giá như lãnh đạo thủ đô phải tranh cử vất vả mới nắm được quyền, hẳn mới có động lực để luôn phải nghĩ cách giải quyết các vấn nạn đô thị, từ tai nạn giao thông đến khả năng phản ứng kịp thời từ cứu thương cho đến cứu hỏa.
Dẫu biết rằng ngay cả khi mọi chuyện giá như ở trên thành hiện thực, em bé sáng nay có thể vẫn ra đi, bởi tai nạn chết người nước nào cũng có, dù giàu hay nghèo.
Song ít nhất, em có thêm một cơ hội.
Bởi vậy, đừng giá như nữa. Sẽ thật xấu hổ nếu chúng ta, tôi và bạn, cứ mãi giá như và chẳng làm gì để cho con cháu mình có thêm một cơ hội.
—
[1] http://kinhtedothi.vn/thong-tin-moi-nhat-tu-vu-xe-ban-tai-gay-tai-nan-bo-tron-tren-vanh-dai-2-358972.html
[2] https://www.nuffieldtrust.org.uk/resource/ambulance-response-times
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/if-only-12012019193651.html
Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự -
Một tội danh không có hậu quả
Nguyễn Ngọc GiàNgày càng có rất nhiều người dân bị buộc tội và kết án bằng điều luật 117 thuộc Bộ Luật Hình Sự (BLHS) hiện hành. Theo đó, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) quy định cụ thể như sau:
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Quan hệ Nhân – Quả của điều 117 không xảy ra.
Điều 243 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) cho biết, bản cáo trạng phải ghi rõ: ”… thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…”
Như vậy, khi bị truy tố theo tội danh 117 BLHS, Viện Kiểm Sát phải chứng minh điều quan trọng nhất: MỨC ĐỘ THIỆT HẠI DO HÀNH VI “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” mà người đang đứng trước tòa đã gây ra.
Căn cứ để xác định “mức độ thiệt hại” như điều 243 BLTTHS quy định, lại buộc phải căn cứ vào Luật Giám Định Tư Pháp (LGĐTP)
LGĐTP gồm 8 Chương và 46 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Trong luật này, không có bất kỳ một điều nào quy định phải “giám định tư tưởng”. Điều này có nghĩa, khi kết án một người phạm vào điều 117, Viện Kiểm Sát và Tòa Án phải chứng minh được:
a) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân của cá nhân đang bị truy tố phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.
b) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân của cá nhân đang bị truy tố phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.
c) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý của cá nhân đang bị truy tố phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.
Nghĩa là Viện Kiểm Sát và Tòa Án phải xác định cá nhân đang bị truy tố, chính vì “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCNVN” dẫn đến sự việc cụ thể như 5 ví dụ dưới đây:
1/ Mười ngàn người dân xuống đường biểu tình, nên gây ra đình trệ cho công ty, nhà máy., từ đó gây thiệt hại 100 tỉ đồng mỗi ngày cho các doanh nghiệp.
2/ Một trăm ngàn người dân xuống đường biểu tình làm tắc nghẽn giao thông, từ đó gây thiệt hại 1.000 tỉ đồng mỗi ngày cho xã hội.
3/ Hai mươi ngàn người dân xuống đường biểu tình làm các công sở Nhà nước đình trệ trong việc phục vụ nhân dân, gây thiệt hại 300 tỉ đồng mỗi ngày cho ngân sách Nhà nước.
4/ Chủ tịch nước bị đột quỵ, vì quá uất ức do người đang bị truy tố gây ra từ những tài liệu của họ hay Thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo bần thần tê tái đến mức choáng váng đến nỗi té từ lầu 8 xuống đất và chết, bởi chính những bài viết của họ phỉ báng đến tận cùng. Từ đó làm cho nhà nước CHXHCNVN phải tốn thêm chi phí hàng năm là 100 tỉ đồng cho Chủ tịch nước đáng kính nói trên, cũng như để lại hậu quả cho toàn gia đình của vị thứ trưởng nỗi đau khôn nguôi đến mức trầm cảm mà ngân sách nhà nước tiếp tục tiêu tốn để chữa trị.
5/ Vì những bài viết đó – chính nó đã trực tiếp xúi giục Bộ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông nhận hối lộ ba triệu đô la Mỹ mà nhà nước CHXHCNVN bị thế lực thù địch bôi nhọ tràn lan trên mạng xã hội v.v…
Và còn rất nhiều hậu quả cụ thể khác mà chỉ qua “giám định tư pháp” mới có đủ căn cứ truy tố và kết án theo điều 117 một cách khoa học và kẻ bị kết án hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Kết Luận
Tại Đại hội XII diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016, ĐCSVN đã thông qua Cương lĩnh về lĩnh vực tư tưởng, trong đó có một thay đổi rất quan trọng:
“…tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…”
Viện Kiểm Sát và Tòa Án nên chấp hành theo Cương lĩnh và Hiến pháp để sao cho những ai bị kết án từ “tội danh 117″, họ phải thấy rõ tư tưởng, hành vi của mình là “trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.
Song song đó, Viện Kiểm Sát và Tòa Án phải chứng minh và xác định rõ các thiệt hại cụ thể mà người bị kết án gây ra. Lúc đó, những người bị kết án chỉ còn cách duy nhất – cúi đầu nhận tội.
Hình ảnh và uy danh của ĐCSVN cũng như của nhà nước CHXHCNVN càng thêm ngời sáng trên trường quốc tế qua cách làm việc khoa học và văn minh như thế.
Ghi chú: Các số liệu trong 5 ví dụ chỉ là con số giả định nhưng cần phải đưa ra cụ thể, bởi vì đó là công việc của Giám Định Viên theo Luật Giám Định Tư Pháp. Nghĩa là, mọi kết quả giám định phải có số liệu cụ thể, rõ ràng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/article-117-crime-no-proved-consequences-12012019192535.html
0 comments