Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 03/12/2019

Tuesday, December 3, 2019 2:37:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 03/12/2019

Đàm phán thương mại Mỹ – Trung ngưng trệ

‘vì luật Hong Kong’

Nguồn tin từ đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia đàm phán thương mại Mỹ – Trung khẳng định đàm phán đã ngưng trệ vì đạo luật Hong Kong.
Thông tin này do trang Axios đưa ngày 2-12, dẫn lời “một nguồn tin thân cận trong đội đàm phán của Tổng thống Trump”.
Axios là trang tin về chính trị Mỹ do các cựu phóng viên tờ báo chính trị Politico thành lập. Hãng tin Reuters cũng vừa trích lại bản tin của Axios.
Theo đó một tuần trước, các nguồn tin Mỹ thạo về vấn đề đàm phán thương mại với Trung Quốc khẳng định đang tiến gần tới thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1″. Tuy nhiên sự lạc quan ấy giờ có vẻ hơi sớm.
Cuối tháng qua, ông Trump đã ký vào luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong. Nội dung luật này bao gồm việc cho phép Mỹ trừng phạt quan chức Hong Kong và Trung Quốc nếu vi phạm nhân quyền. Ngoài ra luật cũng có thể cho phép Mỹ hủy quy chế đặc biệt về việc mua được những công nghệ nhạy cảm.
Chính vì vậy, hành động ký thành luật của Tổng thống Trump được cho là chọc giận Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Theo một nguồn tin của Axios, đàm phán thương mại Mỹ – Trung đúng là đã “ngưng trệ vì luật Hong Kong”. Nguồn này cũng khẳng định cần phải có thời gian “để cho phép tình hình chính trị trong nước của Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình lắng dịu”, và ông Trump dự kiến sẽ hoãn kế hoạch thuế quan tháng 12 để duy trì đối thoại.
Trang Axios dẫn hai nguồn tin khác thạo vấn đề đàm phán Trung Quốc nói rằng nhiều trở ngại căn bản vẫn chưa được giải quyết. Những trở ngại này bao gồm việc ông Trump sẽ gỡ bỏ bao nhiêu thuế quan lên hàng Trung Quốc, cơ chế nào sẽ được thực thi trong thỏa thuận, và liệu Trung Quốc sẽ đảm bảo mua hàng nông sản Mỹ như thế nào?
Bên cạnh đó, một số vấn đề hậu cần cũng chưa được chốt. Ví dụ đội ngũ của ông Trump muốn tìm địa điểm để ký kết, ví dụ Iowa hoặc Trại David, song đến nay chưa đạt được đồng thuận với phía Trung Quốc.
Giữa tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án việc ông Trump ký luật Hong Kong, cho rằng đây là hành động can thiệp nghiêm trọng vào nội bộ Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31857-dam-phan-thuong-mai-my-trung-ngung-tre-vi-luat-hong-kong.html

Cạnh tranh Mỹ-Trung đã chia rẽ internet như thế nào?

David SilverbergPhóng viên Kinh doanh và Công nghệ
Khi Hyunjin Seo thăm Bắc Kinh tháng Bảy năm ngoái, cô lướt Google News trên điện thoại của mình và phát hiện vài bài báo về một vụ tấn công Đại Sứ Quán Mỹ tại đây.
Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?
“Người Tuyết bé nhỏ” và “Ròm” – nghịch lý kiểm duyệt ở VN
Video Tiktok dạy làm đẹp gây sốt vì chỉ trích Trung Quốc
Phó Giáo sư khoa báo chí trường Đại học Kansas, Hyunjin Seo đã vượt qua được kiểm duyệt nội dung số gắt gao của Trung Quốc nhờ dịch vụ chuyển vùng của công ty điện thoại ở Mỹ mà cô đang dùng. Việc này cho phép cô truy cập được vào các website trên Google vốn không hiển thị ở Trung Quốc.
“Tôi nói với các bạn Trung Quốc về quả bom nổ bên ngoài Đại Sứ Quán Mỹ nhưng họ không biết tôi đang nói về cái gì, bởi vì thông tin này không xuất hiện trên trang tìm kiếm của họ,” Seo, người dạy các khóa về truyền thông số, nhớ lại.
Trải nghiệm của Hyunjin Seo rất phổ biến đối với bất kỳ người phương Tây nào tới Trung Quốc.
Internet ở đất nước đông dân nhất thế giới này bị kiểm duyệt gắt gao, khiến các chuyên gia ngờ rằng trong tương lai có thể có hai internet riêng rẽ – nửa này do Trung Quốc dẫn dắt, và nửa kia do Mỹ.
Quan điểm này được cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đưa ra vào năm ngoái.
Tại một sự kiện cá nhân, khi một nhà kinh tế học hỏi ông Schmidt (hiện là thành viên hội đồng quạn trị công ty mẹ của Google, Alphabet) về khả năng internet bị phân chia thành hai cực với các luật lệ khác nhau, ông trả lời “Tôi nghĩ rằng kịch bản khả dĩ nhất hiện nay không phải là sự phân tán, mà là sự phân chia thành một internet do Trung Quốc dẫn dắt, một internet-không-Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt.”
Sự chia rẽ này trên thực tế đã diễn ra, do Tường Lửa của Trung Quốc, một chương trình do chính phủ tài trợ để kiểm duyệt nội dung số. Người dùng Trung Quốc không thể truy cập Facebook, Twitter, Dropbox hoặc Pinterest, trong số các trang thông dụng khác.
Họ cũng không thể đọc các thông tin online về vụ thảm sát Thiên An Môn hoặc đọc các chỉ trích nhắm vào Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thậm chí các hình ảnh online trong Winnie the Pooh cũng bị cấm ở Trung Quốc sau khi người biểu tình so sánh mặt ông Tập với nhân vật hoặc hình Disney này.
“Tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới, các công ty công nghệ đang rời đi bởi vì họ không thể hoạt động một cách triệt để như họ muốn, bằng việc chia sẻ tự do các thông tin online,” cô Seo cho hay.
Sự kiểm duyệt này có nghĩa các doanh nhân nước ngoài sẽ bị cản trở nếu họ muốn mở rộng hoạt động sang Trung Quốc – một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới.”
Quy mô của công ty như thế nào không thành vấn đề, để hoạt động ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài phải thực hiện rất nhiều việc khó khăn có thể gây rắc rối cho chọ.
Trong khi các dịch vụ và sản phẩm của Apple vẫn được lưu hành ở Trung Quốc, công ty công nghệ khổng lồ có trụ sở ở California này đã gây tranh cãi xung quanh hoạt động của mình tại thị trường Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc đã yêu cầu Apple loại bỏ app New York Times và Skype ở App Store. Apple tuân thủ.
Google cũng lội vào vùng nước của Trung Quốc, chỉ để đối mặt với chỉ trích gay gắt. Nổi bật nhất là việc Google bí mật xây dựng một giao diện tìm kiếm để cạnh tranh với Baidu của Trung Quốc.
Trang Google bằng tiếng Trung này sẽ kiểm duyệt những kết quả tìm kiếm liên quan đến vi phạm nhân quyền và các luật gây tranh cãi. “Dự án Rồng bay” được bóc trần trong một bài báo năm 2018 của The
Intercept – một hãng tin online chủ trương ‘báo chí đối nghịch” – và Google cuối cùng đã phải bỏ dự án này.
“Khi bạn gõ các cụm từ trên hệ thống tìm kiếm ở Trung Quốc, bạn sẽ nhận được nhiều kết quả khác với cái mà bạn tìm thấy ở phương Tây,” Sarah Cook, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc của Freedom House, một tổ chức giám sát độc lập của Mỹ tập trung vào nhân quyền. “Lằn ranh đỏ của cái đang bị kiểm duyệt liên tục thay đổi.”
Năm 2019 đánh dấu năm thứ tư liên tiếp Freedom House xếp Trung Quốc ở vị trí chót bảng tự do internet trong báo cáo thường niên “Tự do trên mạng”.
Một doanh nghiệp muốn vào làm ăn ở Trung Quốc phải hoặc vâng lời hoặc ra đi. Ví dụ LinkedIn không cho phép người dùng Trung Quốc truy cập các trang nhạy cảm về chính trị hoặc các bài đăng của những người ở nước ngoài.
Tại sao những sự cấm đoán như vậy lại được thực hiện trên một công cụ được thiết kế đặc biệt cho các lĩnh vực thông tin, truyền thông và tranh luận?
“Kiểm duyệt liên quan đến tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa ra một quan điểm chính thống về nhà nước,” Renren Yang, trợ lý giáo sư về văn hóa đại chúng Trung Quốc hiện đại tại đại học British Columbia, cho hay.
Trong khi người dùng internet Trung Quốc không thể dùng Google và WhatsApp, họ đã có hai thứ tương tự để thay thế, Baidu và WeChat.
Trong khi đó, Amazon đã đóng cửa các shop online ở Trung Quốc đầu năm nay do doanh số nghèo nàn trong khi cố cạnh tranh với Alibaba.
Không phải là Trung Quốc đang tạo ra một internet song song của riêng mình hay sao?
“Một internet của một Trung Quốc cô lập là tách mình khỏi phần còn lại của thế giới,” bà Cook nói. “Và cái đáng lo ngại là các nước khác đang học theo Trung Quốc bằng việc khóa truy cập vào một số website hoặc làm chậm dịch vụ internet trong lúc có biểu tình.”
Giáo sư Yang nói điều này chỉ làm lợi cho Trung Quốc để có thêm nhiều công ty phương Tây vốn đang tìm cách hoạt động ở nước này. “Ví dụ, cạnh tranh với các công ty telecom địa phương ở Trung Quốc sẽ tạo ra các công nghệ mới và các dịch vụ mới mà người dùng có thể mua và sử dụng. Cạnh tranh thúc đẩy sáng tạo.”
Giáo sư Seo thì không lạc quan về việc Trung Quốc sẽ sớm thay đổi các chính sách online. “Từ khi Trung Quốc thay thế truyền thông phương Tây bằng các app và các trang riêng của họ, họ thực sự không cần các công ty công nghệ phương Tây.”
Các chuyên gia khác thì hi vọng rằng sự chia rẽ trên Internet sẽ không kéo dài.
Giáo sư Yang nói: “Một ngày nào đó, tôi muốn nhìn thấy Tường Lửa được dỡ bỏ, như bức tường Berlin.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50639883

Giới học giả Mỹ liên tục chỉ trích,

lên án hành vi sai trái của TQ ở Biển Đông

Thời gian gần đây, giới nghiên cứu của Mỹ liên tục cho rằng những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây tác động xấu đến toàn khu vực và các nước cần có thái độ rõ ràng trong vấn đề này.
Giáo sư  John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland của Mỹ cho rằng, các hành vi của Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia… là điều không thể chấp nhận được. Do đó, các nước trong đó có Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Giáo sư Rennie Short nhấn mạnh, Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, theo Giáo sư Rennie Short, để làm được điều này, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bởi Trung
Quốc luôn “ỷ vào sức mạnh của mình” để tiếp tục gây sức ép với Việt Nam và các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông buộc các nước phải chấp thuận các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Trung Quốc được cho là cường quốc “không quan tâm gì đến lý lẽ” khi họ đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông, như việc liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines; tự động bồi đắp, xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp trên các đảo chìm chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Ngoài ra, , trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai cường quốc gia. Việc thế giới ngày càng quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines hay Indonesia, cho thấy vấn đề Biển Đông là vấn đề của khu vực, của quốc tế. Chính vì thế, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. Ngoài ra, việc các nước ASEAN phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược nội khối, sẽ giúp đảm bảo an ninh, ổn định khu vực và an toàn trên Biển Đông. Việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu này.
Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ, khẳng định: Việt Nam luôn nhất quán trong việc chỉ ra những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác một cách phi pháp. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây là cách làm rất có hiệu quả của Việt Nam. Trong mỗi trường hợp cụ thể, Việt Nam lại có cách phản ứng thích hợp, trong đó có cân nhắc đến tình hình chung. Điều này khiến tình hình Biển Đông dù có những lúc căng thẳng nhưng luôn được hạ nhiệt kịp thời. Các chuyên gia cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt tình đoàn kết trong ASEAN để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang chịu áp lực không nhỏ từ Trung Quốc và có quan điểm hết sức khác biệt về cách thức hành xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Theo ông James Kraska, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ, Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc gia và đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt với các đối tác có ảnh hưởng lớn trên thế giới để nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Đông thay vì phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc. Nếu Việt Nam có thể tiến hành các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với các đối tác như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản hay Australia, điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến những toan tính của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một biện pháp khác mà Việt Nam có thể làm là phối hợp với các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình ký kết COC với Trung Quốc.
Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải có trụ sở ở Mỹ cho rằng Trung Quốc đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông. Cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc. Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Được biết, ngay sau khi Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chính giới, chuyên gia, học giả và truyền thông Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về quan hệ Mỹ – Trung tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (24/10) một lần nữa đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một loạt chính sách của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhất là hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đặc biệt lên án các hành vi bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Theo đó, hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách xử sự với các nước láng giềng trong năm qua vẫn tiếp tục càng lúc càng mang tính khiêu khích. Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng tàu dân quân biển để thường xuyên hăm dọa các thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc còn tìm cách dùng vũ lực để ép Việt Nam, không cho khoan dầu và khí đốt thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển của Việt Nam”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”; cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD.
Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà trong bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay, rằng Bắc Kinh sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; nhấn mạnh “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
http://biendong.net/bien-dong/31878-gioi-hoc-gia-my-lien-tuc-chi-trich-len-an-hanh-vi-sai-trai-cua-tq-o-bien-dong.html

Điều tra luận tội Tổng thống:

Phe Dân chủ tiến hành các bước kế tiếp

Các nhà lập pháp bên đảng Dân chủ tuần này sẽ thực hiện một bước quan trọng trong quá trình tiến tới luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc khởi sự các cuộc điều trần báo hiệu rằng các cáo trạng chính thức sẽ được loan báo trong vài tuần tới đây.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ tổ chức điều trần vào ngày 4/12 để giải thích cho công chúng hiểu rõ những gì cấu thành một sai phạm có thể luận tội đối với Tổng thống.
Ủy ban này cũng sẽ nhận báo cáo từ Ủy ban Tình báo Hạ viện đề ra những bằng chứng mà phe Dân chủ nói là cho thấy ông Trump lạm dụng chức vụ để thu lợi ích chính trị cho bản thân.
Mọi sự chú ý đang dồn vào những nỗ lực của ông Trump áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị là Joe Biden, cựu Phó Tổng thống đang ra ứng cử trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, và con trai ông ta là Hunter Biden, thành viên trong ban quản trị của một công ty năng lượng Ukraine.
Ông Trump khẳng định không làm gì sai và nói rằng cuộc điện đàm hôm 25/7 với Tổng thống Ukraine là ‘tuyệt vời’. Trong cuộc trao đổi đó, ông đã thúc giục Ukraine điều tra nhà Biden.
Trong các cuộc điều trần sắp tới, Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ nghe trình bày từ 4 học giả pháp lý về các cơ sở mà một Tổng thống Mỹ có thể bị truất phế.
Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Trump và luật sư của ông sẽ không tham gia cuộc điều trần vào ngày 4/12, viện lý do thiếu sự công bằng cốt lõi.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91i%E1%BB%81u-tra-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-phe-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-ti%E1%BA%BFn-h%C3%A0nh-c%C3%A1c-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-k%E1%BA%BF-ti%E1%BA%BFp/5190037.html

Bạch Ốc:Trump không tham gia điều trần

hôm thứ Tư 3/12

Toà Bạch Ốc hôm Chủ nhật nói với các nhà lập pháp Dân chủ rằng Tổng thống Trump và các luật sư của ông sẽ không tham gia phiên điều trần luận tội tại quốc hội trong tuần này, viện lý do cuộc điều trần thiếu “công bằng cơ bản”.
Hãng tin Reuters dẫn lời các phụ tá của TT Trump, tỏ thái độ thách thức trước hai hạn chót quan trọng mà ông Trump phải đối mặt tại quốc hội trong tuần này khi đảng Dân chủ chuẩn bị chuyển trọng tâm cuộc điều tra luận tội từ giai đoạn tìm hiểu thực tế sang xem xét các cáo buộc về hành vi sai trái có thể xảy ra liên quan tới cách xử lý của TT Trump đối với Ukraine.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã được giao nhiệm vụ xem xét các cáo buộc ghi trong hồ sơ luận tội, ủy ban này đã ra hạn chót cho TT Trump là đến 6 giờ chiều (2300 GMT) hôm Chủ nhật, phải cho biết liệu ông Trump có cử một luật sư tham gia các thủ tục của ủy ban tư pháp trong ngày thứ Tư 4/12 hay không.
Reuters trích dẫn thư của Luật sư Toà Bạch Ốc Pat Cipollone viết cho Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler nói rằng:
“Không thể trông đợi chúng tôi tham gia phiên điều trần trong khi các nhân chứng vẫn chưa được nêu tên, và trong khi vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có sẽ được Ủy ban Tư pháp xét xử công bằng thông qua các buổi điều trần bổ sung hay không”.
Trong khi viện lý do “tình trạng hoàn toàn thiếu công bằng pháp lý” và ‘công bằng cơ bản đối với tổng thống” trong quá trình luận tội – Luật sư Cipollone không loại trừ khả năng tham gia các thủ tục tố tụng tiếp theo. Nhưng ông Cipollone ra dấu hiệu cho thấy là trước tiên Đảng Dân chủ sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ quan trọng về mặt thủ tục.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Nadler đã ra thêm một hạn chót cho Toà Bạch Ốc là tới thứ Sáu này, phải cho biết liệu TT Trump có sẽ phát động một chiến dịch pháp lý để bảo vệ Tổng thống trong các thủ tục luận tội sâu rộng hơn, hay không.
Các thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp không trả lời lập tức yêu cầu bình luận về quyết định của Toà Bạch Ốc từ chối tham gia phiên điều trần.
Phản hồi thư của Toà Bạch Ốc, Dân biểu Dân chủ Don Beyer viết trên Twitter: “Cho tới giờ, chưa có một khiếu nại về thủ tục nào của Tổng thống Trump và các đồng minh Cộng hoà của ông trong quốc hội, là thành thực.”
Vẫn theo Reuters, trong giai đoạn điều trần kín cũng như tại phiên điều trần công khai trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, Tổng thống Trump và các đồng minh của ông tại quốc hội chỉ trích cuộc điều tra là được xúc tiến quá vội vàng và bất công cho ông Trump, khi không cho phép Luật sư Toà Bạch Ốc có mặt và gọi nhân chứng.
https://www.voatiengviet.com/a/tbo-trump-se-khong-tham-gia-dieu-tran-h%C3%B4m-thu-tu/5189621.html

Kinh tế gia Mỹ: Nhân loại sẽ thoát hiểm,

nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch

Trọng Thành
Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 25) khai mạc hôm qua, 02/12/2019, với lời cảnh tỉnh đầy hình ảnh của tổng thư ký Antonio Guterres : Xin mọi người hãy đừng làm ”những con đà điểu lững thững dạo chơi”, trong lúc thế giới đang bốc cháy (1). Trước thềm thượng đỉnh, kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ Jeremy Rifkin cho ra mắt cuốn sách “Le New Deal vert mondial” tại Pháp.
Kinh tế gia Jeremy Rifkin, được công chúng biết đến nhiều với khái niệm ”cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba”, nhận định với niềm lạc quan thận trọng : Nhân loại sẽ thoát hiểm, nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch. Jeremy Rifkin khẳng định bước ngoặt chuyển đổi quyết định sẽ phải xảy ra vào quãng năm 2028. Nếu khúc ngoặt chuyển đổi quyết định sang kinh tế Xanh diễn ra trước thời điểm này, thì nhân loại sẽ thoát hiểm. Ông nhấn mạnh “trong trường hợp ngược lại thì chúng ta sẽ rơi xuống vực thẳm“.
Mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn của báo Le Monde với tác giả cuốn sách New Deal vert mondial (”Thỏa Thuận Xanh toàn cầu mới”) (NXB Les Liens qui libèrent) (2).
***
Cuốn sách mới của ông khẳng định là nền văn minh dựa vào năng lượng hóa thạch sẽ sụp đổ vào cái ngưỡng 2028. Tại sao lại là thời điểm này ?
Chúng ta đang ở trong giai đoạn bình minh của một cuộc chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, liên quan đến ”tiến trình hủy diệt sáng tạo”, đã được kinh tế gia Joseph Schumpeter (1883-1950) mô tả. Nhiều người vẫn còn chưa ý thức được sự thay đổi này, bởi năng lượng mặt trời và gió hiện mới chỉ chiếm có 3% tổng năng lượng thế giới vào năm 2017. Tỉ lệ này rõ ràng vẫn còn là thấp so với năng lượng hóa thạch, tuy nhiên cần chú ý đây là loại hình năng lượng đang tăng trưởng mạnh nhất, ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.
Kết quả là : Lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến khi đạt đến cái ngưỡng bùng phát (point de bascule), kể từ đó tiến trình chuyển tiếp sẽ thực sự diễn ra, thể hiện rõ ràng với sự sụp đổ của nền văn minh dựa trên các năng lượng hóa thạch, loại năng lượng mà các nhà đầu tư sẽ ồ ạt rời bỏ.
Đọc thêm : Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới ?
Theo Carbon Tracker Initiative (viện tư vấn Anh, chuyên tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đến các thị trường tài chính), ngưỡng bùng phát này sẽ đạt được khi 14% tổng năng lượng thế giới do mặt trời và gió cung cấp. Hiện Liên Âu đã đạt đến ngưỡng này. Trên quy mô toàn cầu, cái ngưỡng này sẽ đến vào khoảng năm 2028.
Liệu có lạc quan quá không khi cho rằng các thị trường, vốn rất không hoàn hảo, sẽ hậu thuẫn cho tiến trình chuyển đổi này ?
Tôi đã từng nghĩ là không, nhưng trong trường hợp này, tôi tin tưởng là các thị trường sẽ là đồng minh của tiến trình chuyển đổi năng lượng. Vấn đề là xem xem nguồn tiền dùng để rót vào các đầu tư cần thiết cho ”Thỏa Thuận Xanh toàn cầu mới” sẽ được lấy từ đâu ra ?
Nguồn tiền, về cơ bản, sẽ đến từ các quỹ hưu trí, hiện đang quản lý tiền lương hưu tiết kiệm của hàng triệu người lao động trên toàn thế giới. Hiện tại, ước tính tổng số tiền này là khoảng 37.000 tỉ đô la, trong đó chỉ riêng với nước Mỹ là 22.300 tỉ đô la. Mà, các nhà đầu tư dài hạn đã bắt đầu rút vốn khỏi các công nghiệp hóa thạch, để chuyển sang đầu tư vào các năng lượng tái tạo. Đây chính là đòn bẩy cho công cuộc chuyển hóa và các đầu tư lớn.
Liệu ông có đánh giá thấp sự kháng cự của các lobby (ủng hộ năng lượng hóa thạch), chưa kể đến các lãnh đạo quốc gia hoài nghi biến đổi khí hậu, như tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Đây là một chủ đề thực sự. Một số ngành công nghiệp, như các công nghệ tin học, giao thông vận tải, đã bắt đầu từ bỏ năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp khác, không trực tiếp phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, như dược phẩm hay hóa chất, có nguy cơ phải chuốc lấy các tổn thất ghê gớm, do ”các cổ phiếu bị mất giá do thị trường thay đổi” (actif bloqué). Cụ thể là loại cổ phiếu rất nhanh chóng trở nên giá rẻ như bèo, liên quan đến các đường ống dẫn nhiên liệu không còn được sử dụng, cơ sở dự trữ năng lượng, các trạm cung ứng xăng – dầu thế hệ cũ…
Vào năm 2015, ngân hàng Citigroup ước tính tổng trị giá của các cổ phiếu loại này lên đến 100.000 tỉ đô la. Những tồn thất tiềm tàng này sẽ dẫn đến những phản ứng kháng cự. Đây sẽ là một trong các phương diện của sự sụp đổ của nền văn minh dựa vào năng lượng hóa thạch ; Chúng ta không thể tránh được sự sụp đổ này. Toàn bộ vấn đề chủ yếu là cần phải khởi động ”Thỏa Thuận Xanh mới” ngay từ bây giờ, nhằm xây dựng được các cơ sở hạ tầng, kịp thời phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, trước khi nền công nghiệp dựa trên năng lượng hóa thạch sụp đổ. Trong trường hợp ngược lại thì chúng ta sẽ rơi xuống vực thẳm.
Trên phương diện nào, mô hình năng lượng mới này sẽ được cuộc ”cách mạng công nghiệp thứ ba” tạo điều kiện thuận lợi ? Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba mà ông cho rằng bắt đầu khởi sự.
Cuộc cách mạng – hiện đang diễn ra trong lĩnh vực truyền thông, trong giao thông và trong việc sản xuất năng lượng – sẽ làm biến đổi sâu sắc chủ nghĩa tư bản. Nhờ năng lượng mặt trời và gió, kể từ giờ mỗi ngôi nhà hay một khu phố đã có thể tự sản xuất được điện cho mình. Máy in 3D sẽ làm biến đổi sâu sắc cách thức sản xuất, sẽ trở nên phi tập trung hóa hơn rất nhiều. ”Dữ liệu lớn” (Big data) và các đồ vật nối mạng sẽ cho phép nhận biết và đáp ứng được các nhu cầu về năng lượng, một cách trực tiếp, tức thời.
Phương thức kinh doanh của chính các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi. Như vậy, vai trò của các công ty điện sẽ không còn là chỉ cung cấp điện, mà là quản lý các thông tin và dòng dữ liệu, cho phép các trao đổi điện giữa các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, phi tập trung, với những người tiêu thụ. Một số công ty đã bắt đầu làm công việc này.
Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như vậy sẽ đòi hỏi những đầu tư lớn. Vậy có thể chỉ trông cậy duy nhất vào ”thị trường” để có được nguồn tài chính ?
Không, điều cơ bản là các cơ sở hạ tầng này thuộc về lĩnh vực công. Hiện nay, đã có hàng trăm thành phố và khu phố tiên phong tại châu Âu thí điểm một loại hình công nghệ này hay công nghệ khác, tạo điều kiện cho việc tự trị về năng lượng.
Làm thế nào để (tiến trình xây dựng các cơ sở hạ tầng) vươn tới một quy mô lớn hơn, thu hút được những người đầu tư dài hạn ? Các quốc gia có một vai trò quan trọng ở đây, thông qua các nguồn tín dụng với lãi suất thấp, hoặc tái định hướng đầu tư một phần ngân sách Nhà nước vào những dự án như vậy.
Tại Pháp, chính quyền có thể dựa vào hệ thống các ngân hàng xanh toàn quốc. Các ngân hàng này có thể tung ra các loại trái phiếu xanh. Các quỹ hưu trí có thể mua lại các trái phiếu này, ví dụ như vậy. Và nguồn tiền này sẽ được dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng nói trên. Chính quyền cấp vùng làm nhiệm vụ định hướng cho các hoạt động xây dựng như vậy.
Phải chăng việc định hướng trên quy mô quốc gia sẽ không hiệu quả hơn ?
Chính quyền trung ương sẽ phải xác lập khuôn khổ pháp quy và các hỗ trợ để giúp các vùng trong tiến trình chuyển tiếp này. Một trong những bài học kinh nghiệm mà ê kíp của tôi và tôi có được tại vùng Hauts-de-France (miền bắc nước Pháp), từ nhiều năm nay với Hội Đồng Vùng và phòng Thương Mại của vùng, là công cuộc chuyển đổi về sinh thái và xã hội chỉ có thể vận hành được, nếu toàn bộ các tác nhân địa phương – dân biểu, doanh nghiệp, hiệp hội, công dân – tham gia. Chúng tôi mời họ tham gia vào ”các hội đồng các chuyên gia”, do các chính quyền cơ sở và cấp vùng đề cử. Những hội đồng này được tham khảo ý kiến thường xuyên, và họ có trách nhiệm theo sát việc thực hiện các dự án. Mô hình này hiện vận hành tốt, và có thể được nhân rộng sang những nơi khác.
Đối mặt với các thảm họa khí hậu liên tiếp đang chờ đón chúng ta, mỗi vùng sẽ phải phát triển các năng lực chống chọi để sinh tồn riêng cho mình, nhằm có được khả năng tạo nguồn năng lượng riêng trong trường hợp có thảm họa toàn quốc, hay thậm chí tấn công tin học nhắm vào mạng lưới điện. Một năng lực chống chọi để sinh tồn như vậy sẽ dễ dàng hơn với việc các địa phương tự sản xuất năng lượng. Nhà nước trung ương, về phần mình, sẽ phải đóng vai trò điều hợp. Một mô hình như vậy sẽ dễ dàng được thực hiện tại những quốc gia theo thể chế liên bang, như Đức chẳng hạn. Và khó hơn đối với các nước theo thể chế tập quyền, như Pháp.
Trước tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng, liệu có phải đã quá trễ ?
Tại Hoa Kỳ, phải 30 năm mới có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên – về cơ bản là hệ thống đường sắt – diễn ra từ 1860 đến 1890. Rồi phải mất 20 năm nữa, từ 1908 đến 1933, mới xây dựng được cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai : Mạng lưới điện. Nếu chúng ta bắt tay ngay từ bây giờ, chúng ta có thể kịp xây dựng nhanh chóng cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba.
Các căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện nay liệu có đẩy lùi những ưu tiên này xuống bình diện thứ hai?
Đây là chính là nỗi ám ảnh, sợ hãi chi phối tôi, vào mỗi buổi sáng, khi tôi thức dậy. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nếu chúng ta không thay đổi các phương thức sản xuất của chúng ta một cách triệt để, và ngay từ bây giờ, thì nhân loại sẽ lâm nguy. Phong trào của giới giới trẻ (Fridays for Future / Những ngày thứ Sáu vì tương lai) tập hợp xung quanh thiếu nữ Greta Thunberg (nhà tranh đấu môi trường người Thụy Điển) mang lại cho tôi hy vọng : chúng ta đang chứng kiến cuộc nổi dậy đầu tiên tầm cỡ hành tinh (3).
Thế hệ này là thế hệ đầu tiên ý thức được là mỗi hành động của chúng ta, đặc biệt là việc tiêu thụ, để lại những hệ quả đối với phần còn lại của thế giới. Đây là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng tự hỏi là : làm thế nào mà phong trào này chuyển hóa được từ vai trò của người tiên tri, của người phản kháng, sang vai trò của những chủ thể hành động ? Hy vọng của tôi là họ sẽ đầu tư năng lượng vào tiến trình chuyển hóa đang diễn ra tại các khu vực, vào các hội đồng chuyên gia địa phương, để góp phần vào cuộc chuyển đổi sang năng lượng Xanh.
Ghi chú
1 – “Khai mạc Thượng đỉnh Khí hậu: LHQ kêu gọi nhân loại chọn giải pháp“, RFI 02/12/2019.
2 – Nguyên bản tiếng Anh tác phẩm :”The Green New Deal: Why the Fossil Fuel Civilization Will Collapse by 2028, and the Bold Economic Plan to Save Life on Earth“.
3 – Xem thêm bài “Khí hậu: Thêm 250.000 ‘‘Greta Thunberg’’ cho nướ
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191203-nh%C3%A2n-lo%E1%BA%A1i-tho%C3%A1t-hi%E1%BB%83m-n%E1%BA%BFu-k%E1%BB%8Bp-b%E1%BB%8F-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-h%C3%B3a-th%E1%BA%A1ch

Thượng đỉnh NATO khai mạc trong không khí nghi kỵ

Tú Anh
Sinh nhật lần thứ 70 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc vào ngày 04/12/2019 tại Watford, ngoại ô bắc Luân Đôn. Nhưng từ hôm nay 03/12, hầu hết lãnh đạo 29 thành viên đã đến thủ đô Anh Quốc.
Để giải tỏa phần nào các bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương và hai bờ Địa Trung Hải, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức có hai cuộc gặp riêng với nguyên thủ Hoa Kỳ. Sau đó lãnh đạo Pháp, Đức và Anh sẽ gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích dự báo sẽ có nhiều căng thẳng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích:
Cuộc họp thượng đỉnh của NATO bị giáng cấp thành hội kiến giữa các nhà lãnh đạo là sự thật chứ không phải là câu chuyện ngôn từ : một phần vì thời gian eo hẹp và nhất là vì các nước đồng minh nghi kỵ lẫn nhau.
Châu Âu lo ngại bị tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi như trường hợp Syria. Vì thế, Liên Âu thông báo đóng góp thêm vào chi phí hoạt động của Liên minh để giúp cho Hoa Kỳ giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng thẳng thừng đòi đồng minh gia tăng ngân sách quốc phòng.
Tây phương cũng nghi kỵ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nghi kỵ chiến dịch Syria của Ankara và kế hoạch mua tên lửa Nga.
NATO cũng bị dao động vì nước Pháp và những lời tuyên bố của tổng thống Macron cách nay một tháng, cho là Liên minh đã ”chết não”.
Tại Luân Đôn, tổng thống Pháp sẽ có thể thẩm định : liệu đạp của ông vào tổ kiến lửa có gây tác động mạnh như mong muốn, cũng như có thể đo lường được mối quan hệ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra sao, sau khi ông Erdogen đáp trả, người bị “chết não” chính là tổng thống Macron.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191203-nato-s%E1%BA%AFp-di%E1%BB%85n-ra-trong-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD-b%E1%BA%A5t-h%C3%B2a

Liệu thượng đỉnh Watford có thể cứu “não bộ” của NATO?

Tú Anh
Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, 70 năm sau ngày ký kết, bị nhiều nước thành viên quan trọng nhất đặt vào thế thử thách tồn vong. Sinh nhật lần thứ 70 tại Watford, ngoại ô Luân Đôn, lẽ ra phải được tổ chức linh đình, có nguy cơ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và châu Âu cũng như giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, cột trụ ở bờ nam Địa Trung Hải đang gây cản trở cho liên minh. Paris muốn điểm hẹn Watford là cơ hội « để làm sáng tỏ » lập trường của mỗi thành viên. Còn Washington ?
NATO chết não bộ hay não bộ tổng thống Pháp đã chết ? Theo giới phân tích, tiếng bấc tiếng chì giữa Paris và Ankara xảy ra không đúng lúc.
Ông François Heisbourg, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Pháp, có lẽ là người tóm lược chính xác hiện trạng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương : « NATO là một công cụ phòng thủ gìn giữ hoà bình hiệu nghiệm và thành công ngoạn mục từ ngày thành lập. Trong suốt 70 năm, nhờ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà phần lớn lãnh thổ châu Âu được hoà bình. Đây là cơ hội để chào mừng sinh nhật chứ không phải để than vãn. Tuy nhiên, thế giới đã đổi thay, 70 năm là thời khắc có vẻ gần nấm mộ hơn là chiếc nôi em bé ».
Chuyên gia François Heisbourg mượn hình ảnh « nấm mộ » còn bác sĩ Macron định bệnh « chết não » để minh họa cho những vấn nạn đang làm tê liệt NATO.
Hồ sơ thứ nhất là tài chính, Donald Trump một mặt gây sức ép một cách thô bạo với đồng minh châu Âu, mặt khác quyết định giảm phần đóng góp. Để xoa dịu Hoa Kỳ, nước Đức của Angela Merkel thông báo và cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1,18% GDP (cách  nay 5  năm) lên 1,42% trong năm tới để đạt chỉ tiêu 2% vào năm 2030.
Đó là đáp án của Berlin vì Cộng Hoà Liên Bang Đức xem NATO là ô dù bảo vệ an ninh chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài. Thế nhưng đối với Pháp thì hơi khác. Tổng thống Macron không muốn nói đến tiền đóng góp thêm vào ngân sách mà muốn NATO phải có một chiến lược mới : Phải định nghĩa ai là kẻ thù chung ? Quan hệ giữa các đồng minh phải như thế nào ? Mà trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia quốc phòng châu Âu, Nicolas Gros-Verheyde, Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan là « kẻ gây rối loạn trong nội bộ NATO chứ không phải vì xung khắc với Pháp mà thôi. Mua tên lửa S-400 của Nga, ký thỏa thuận biển với Libya để tranh giành vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp, không thể xem là thái độ thân thiện với đồng minh. Đó là chưa kể Ankara tấn công truy sát lực lượng Kurdistan ở Syria, đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống Daech ».
Về phần tổng thống Pháp, khi muốn kéo Nga vào bàn cờ an ninh Châu Âu, chủ nhân điện Kremlin gây bất bình cho Đức và nhất là các nước Đông Âu và Baltic từng bị Matxcơva kềm tỏa cho đến thập niên 1990.
Tổng thống Macron sẽ gặp đồng nhiệm Ba Lan để làm sáng tỏ lập trường.
Rạn nứt thêm hay hàn gắn ? Và để làm gì, theo mưu tính của Donald Trump?
Tình trạng bất đồng này, theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, sẽ làn rạn nứt Liên minh và vô tình đi đúng vào mong ước của Nga.
Tuy nhiên, cũng theo Jens Stoltenberg, cho dù thời gian họp thượng đỉnh chính thức chỉ có 3 tiếng đồng hồ vào ngày thứ Tư, các quyết định được thông qua đều quan trọng, bởi vì liên quan đến lãnh vực « hành quân phòng thủ NATO và đối phó với Trung Quốc, cường quốc chỉ đứng sau Mỹ về ngân sách quân sự».
Để xoa dịu Paris, tổng thư ký NATO có thể sẽ được trao nhiệm vụ thành lập ủy ban xem xét lại quan hệ với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Donald Trump ủng hộ bằng hình thức này hay hình thức khác .
Huy động Châu Âu trong bối cảnh Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc trong một loạt hồ sơ từ thương chiến cho đến Biển Đông và Hồng Kông có thể là mục tiêu chính của Washington tại Watford.
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, trong những ngày gần đây, Washington tỏ ra hòa dịu với Liên minh. Một viên chức Nhà Trắng tuyên bố « tổng thống Donald Trump cam kết tăng cường sức mạnh của NATO và chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa hiện tại và tương lai ».
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191203-li%E1%BB%87u-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-watford-c%C3%B3-th%E1%BB%83-c%E1%BB%A9u-n%C3%A3o-b%E1%BB%99-c%E1%BB%A7a-nato

Thuế GAFA: Mỹ đe dọa đánh thuế 100% lên hàng Pháp

Thụy My
Liệu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mở ra một cuộc chiến tranh thương mại mới, và lần này thì với Pháp ? Washington dọa sẽ đánh thuế 100 % lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Pháp để trả đũa việc Paris áp thuế lên bốn tập đoàn kỹ thuật số Mỹ (GAFA).
Từ San Francisco, thông tín viên Éric de Salve cho biết thêm chi tiết :
« Sâm banh, phô mai, mỹ phẩm, túi xách tay… Washington dọa đánh mạnh vào biểu tượng trung tâm hàng xa xỉ Pháp. Chính quyền ông Trump đã lập ra danh sách hàng nhập khẩu từ Pháp, bị đe dọa đánh thuế đến 100%. Lần này các loại rượu vang thông thường được « tha », nhưng tổng cộng 2,4 tỉ đô la hàng Pháp đang nằm trong tầm ngắm.
Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã mở điều tra về việc vi phạm luật thương mại từ tháng Bảy, đúng vào lúc điện Elysée quyết định đánh thuế 3% lên doanh số trên đất Pháp của bốn tập đoàn GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon).
Trong báo cáo, đại diện thương mại Mỹ đánh giá sắc thuế này mang tính kỳ thị, quá đáng, bất công và nặng nề đối với các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ. Đồng thời tố cáo chủ trương bảo hộ ngày càng tăng lên nơi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Đề nghị trả đũa của cơ quan thương mại Mỹ còn phải được ông Donald Trump thông qua, nhưng người ta không mấy nghi ngờ về điều này. Mùa hè rồi tổng thống Mỹ trên Twitter đã từng đả kích đồng nhiệm Pháp là « ngu xuẩn » trong hồ sơ trên. Và hai nguyên thủ sẽ sớm có dịp trao đổi với nhau một lần nữa, vì các biện pháp trừng phạt này được loan báo một hôm trước cuộc gặp song phương hôm nay tại Luân Đôn, nhân hội nghị thượng đỉnh NATO ».
Hôm nay cổ phiếu tập đoàn hàng hiệu LVMH và mỹ phẩm L’Oréal của Pháp đã bị sụt giá trên thị trường chứng khoán Paris. Bộ trưởng Thương Mại Pháp Bruno Le Maire chỉ trích dự định của Hoa Kỳ, đe dọa châu Âu sẽ trả đũa, đồng thời cảnh báo về hậu quả kinh tế của chiến tranh thương mại.
Mỹ sẽ đánh thuế lên nhôm và thép của Achentina, Brazil
Hôm qua 2/12 trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tái lập việc áp thuế lên thép và nhôm của Brazil và Achentina, gây ngạc nhiên cho hai nước liên quan. Trên thực tế, nhôm, thép của hai nước này xuất qua Mỹ không bị đánh thuế trong năm 2018, chỉ bị hạn chế bằng quota. Có thể do thương chiến, Trung Quốc quay sang mua nông sản của Brazil và Achentina thay vì Mỹ, nhất là đậu nành, đây là điều khiến ông Trump nổi giận.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191203-thu%E1%BA%BF-gafa-m%E1%BB%B9-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-%C4%91%C3%A1nh-thu%E1%BA%BF-100-l%C3%AAn-h%C3%A0ng-ph%C3%A1p

“Nữ hoàng băng giá 2″ lập kỷ lục mới

Tuấn Thảo
Tựa như một trận tuyết lở, Nữ hoàng băng giá phần hai (Frozen 2) đổ ập vào thị trường quốc tế. Sau Bắc Mỹ, chưa gì tập nhì lại phá kỷ lục trong tuần công chiếu đầu tiên tại Pháp. Nhiều khán giả đã rủ nhau đi xem phim Disney kể lại chuyến phiêu lưu mới của hai chị em Elsa và Anna với chàng trai sơn cước Kristoff, chú tuần lộc Sven và người tuyết khôi hài Olaf.
Ngày xuất hiện trở lại của các nhân vật quen thuộc này trên màn ảnh lớn đã thu hút hơn hai triệu lượt khán giả, tức là phá kỷ lục của bộ phim hoạt hình ‘‘Thế giới của Nemo’’ (1,8 triệu lượt người xem chuyến phiêu lưu của chú cá hề trong tuần lễ đầu tiên vào năm 2003) và cao hơn cả bộ phim ‘‘Nữ hoàng băng giá’’ tập một (1,3 triệu lượt người xem trong 7 ngày đầu công chiếu vào năm 2013).
Còn trên thị trường quốc tế, phần hai của ‘‘Frozen’’ Nữ hoàng băng giá tính tới thời điểm 03/12/2019 đã thu về hơn 742 triệu đô la trên toàn thế giới (288 triệu đô la doanh thu riêng tại Hoa Kỳ, 453 triệu tại các quốc gia khác), điều đó khiến cho các nhà sản xuất hy vọng rằng tập nhì biết đâu chừng sẽ phá luôn kỷ lục 1,65 tỷ đô la của phiên bản mới của Vua Sư Tử (The Lion King 2019).
Về nội dung, phần nhì của ‘‘Nữ hoàng băng giá’’ tập trung khai thác những câu chuyện bí mật của gia đình trị vì vương quốc Arendelle (vua Agnarr và nữ hoàng Iduna), và qua đó giải đáp phần nào những thắc mắc của giới hâm mộ ‘‘tí hon’’ về xuất xứ của nữ hoàng Elsa, cũng như phép thuật phi thường của cô gái có khả năng ‘‘kiểm soát’’ băng tuyết.
Phim khai thác cùng một công thức
Tiếp nối phần một, nữ hoàng Elsa tiếp tục trị vì Arendelle cùng với cô em gái là công chúa Anna. Một ngày kia, Elsa ngầm nhận ra có một thứ âm thanh giống như tiếng ai nói luôn văng vẳng bên tai mình. Nhưng chỉ có một mình Elsa mới nhận thấy, còn người khác thì không nghe được. Rời khỏi hoàng cung, Elsa một mình lẻn ra bên ngoài, đi theo tiếng gọi mời và vô tình đánh thức linh hồn của đất, nước, lửa và gió. Cùng với những người bạn đồng hành, Elsa và Anna quyết định vượt ra ngoài biên giới vương quốc Arendelle, dấn thân thám hiểm vào rừng rậm để tìm hiểu về bí mật gia đình đã bị chôn giấu từ thuở khai thiên lập địa.
Elsa khám phá rằng hai chị em cô có hai dòng máu của hai bộ tộc Northuldra và Arendelle. Tộc người Northuldra luôn tôn thờ tất cả những gì thiên nhiên đã ban tặng cho họ và phép thuật ‘‘băng giá’’ của nữ hoàng Elsa sẽ là chiếc chìa khóa giải tỏa những khúc mắc có từ thời xa xưa, đền bù lại những gì đã bị tước đoạt từ khu rừng thần tiên sâu thẳm. Trong phần cuối bộ phim, chàng trai miền sơn cước Kristoff
cầu hôn Elsa. Cô nhường ngôi nữ hoàng Andarelle lại cho cô em gái Anna, còn chính cô sẽ cai quản khu rừng thần tiên này, hy vọng tạo ra một nền hòa bình lâu dài cho cả hai vương quốc.
Tập nhì của Nữ hoàng băng giá được phát hành 6 năm sau tập một, nhưng chưa chắc gì đã là một tin vui đối với giới phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ vẫn còn bị ám ảnh bởi giai điệu Let It Go (Libérée ….. Délivrée) phát liên tục trong một thời gian dài, để rồi tạo ra hiện tượng nhái đi nhái lại. Cặp đạo diễn Jennifer Lee và Chris Buck lần này tiếp tục áp dụng ‘‘công thức’’ giúp cho bộ phim ăn khách, qua việc khai thác các nhân vật chính quyen thuộc, bộ phim truyện vẫn nhắm cùng đối tượng : các fan nhí, khán giả nhỏ tuổi và gia đình của các em.
Phóng tác tự do, chiều sâu ngụ ngôn ?
Tuy gọi là phóng tác từ chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen, nhưng tập đoàn Disney không quan tâm đến sự đối đầu chính-tà trong mỗi con người, hay quan hệ xung khắc giữa các bộ tộc với nhau, phim Disney chỉ tập trung vào câu chuyện gia đình, ca ngợi tình chị em. Lối phóng tác tự do ấy, nếu không nói là một cách đọc quá đơn giản, lại làm mất đi chiều sâu ngụ ngôn của câu chuyện cổ tích.
Những khán giả lớn tuổi hơn vẫn thích thú nhờ các tuyến nhân vật phụ. Các màn pha trò của người tuyết Olaf, của chàng trai ‘‘miền núi’’ Kristoff hay của chú tuần lộc Sven (cũng như nhân vật chú lừa trong loạt phim Shrek) tạo ra được những điểm nhấn hài hước, giúp cho các tuyến truyện chính bớt khô khan, nghiêm túc hơn.
Cho dù kỳ này, vẫn chưa có giai điệu và bài hát nào trong tập nhì có thể sánh bằng ca khúc chủ đề ‘‘Let It Go’’ trong tập một và như vậy tập nhạc phim Nữ hoàng băng giá thứ nhất vẫn không sợ bị soán ngôi, sau khi bán hơn 10 triệu album trên toàn thế giới. Nhưng về mặt doanh thu ở các rạp hát, các nhà sản xuất hy vọng rằng, câu chuyện của Nữ hoàng băng giá Elsa, tuy phép thuật không còn thần kỳ như trước, vẫn có khả năng làm thổn thức đến tan chảy trái tim của những khán giả nhỏ tuổi trong mùa đông năm nay.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191203-n%E1%BB%AF-ho%C3%A0ng-b%C4%83ng-gi%C3%A1-2-l%E1%BA%ADp-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-m%E1%BB%9Bi

Thụy Điển đề nghị cho Việt Nam vay 1 tỷ đô la

 để xây dựng sân bay Long Thành

Tập đoàn Tín dụng Xuất khẩu của Thụy Điển (SEK) vừa đề nghị cho phía Việt Nam vay 1 tỷ đô la để xây dựng sân bay Long Thành, với điều kiện 30% thiết bị và công nghệ sử dụng là của Thụy Điển, theo trang tin Scandasia.
Theo VnEconomy, tại Hội thảo Dự án Cảng  hàng không Quốc tế Long Thành diễn ra hồi tuần trước, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư của Việt Nam cho biết Việt Nam đang xem xét đề nghị này. Ông Thắng cho biết dự án sân bay Long Thành cần một khoản đầu tư lớn và những hỗ trợ tài chính từ các nước khác, bao gồm cả những đối tác phát triển của Việt Nam như Thụy Điển là vô cùng quan trọng.
Theo thông tin từ hội thảo, SEK đề nghị một khoản vay cho Việt Nam với mức lãi suất là 4,2% một năm.
Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là bà Ann Mawe, nhân chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 vừa qua, hai Thủ tướng đã trao đổi về khoản vay để đầu tư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngành quản lý không lưu của Việt Nam.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015 với định hướng xây dựng sân bay này thành một sân bay tầm cỡ quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/ năm và 5 triệu tấn hàng hóa/ năm. Tổng vốn đầu tư là 16 tỷ đô la. Giai đoạn 1 của dự án được dự kiến triển khai vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025 với tổng mức đầu tư là khoảng 5 tỷ đô la
Dự án sân bay Long Thành trước đó đã gặp phải một số những chỉ trích từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng trong khi sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh có thể mở rộng và nâng cấp, Việt Nam không cần thiết phải đầu tư quá nhiều tiền vào một sân bay mới ở quá xa thành phố như sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Các chuyên gia cũng cho rằng vốn đầu tư cho sân
bay là quá cao và lo ngại sẽ có những đội vốn giống như một số các dự án hạ tầng cơ sở khác ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/sweden-offers-1bn-loan-to-build-vn-s-long-thanh-airport-12032019075719.html

Cơ quan tình báo Đan Mạch cảnh báo TQ đang âm mưu

tiến hành các hoạt động quân sự ở Bắc Cực

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cảnh báo rằng các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ về khoa học mà còn phục vụ cho “mục đích kép”, bao gồm cả mục đích quân sự.
Theo thông tin trên, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen (29/11) cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực. Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ về khoa học mà còn phục vụ cho “mục đích kép”, bao gồm cả mục đích quân sự; nhấn mạnh Đan Mạch đã xem xét các hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực và nhận ra rằng, quân đội Trung Quốc cho thấy họ ngày càng quan tâm tới việc tham gia vào các hoạt động đó. Ông Findsen từ chối nêu cụ thể các cuộc thám hiểm nghiên cứu có liên quan tới quân đội Trung Quốc, song cho biết các bằng chứng xuất hiện trong những năm gần đây đã báo hiệu một “diễn biến mới”. Ngoài ra, Cơ quan tình báo Đan Mạch cũng cảnh báo về sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. Theo phía Đan Mạch, cuộc chơi của các cường quốc đang được định hình giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc, khiến cấp độ căng thẳng tại Bắc Cực gia tăng.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc cực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (6/5) đã kêu gọi các quốc gia Bắc Cực giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại Bắc Cực do “hành vi gây hấn ở các khu vực khác”, đồng thời cho biết Mỹ lập kế hoạch tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, nhằm kiềm chế “những hành vi hung hăng” của Nga và Trung Quốc ở khu vực này.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, hiện Trung Quốc đang phát triển các tuyến đường biển ở Bắc Băng Dương. Loại hoạt động này là một phần của kế hoạch rất quen thuộc. Bắc Kinh đang cố gắng phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng bằng tiền Trung Quốc, và trong một số trường hợp là bằng các công ty Trung Quốc và công nhân Trung Quốc, để đảm bảo sự hiện diện liên tục của sức mạnh Trung Quốc ở Bắc Cực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã công bố một báo cáo nói rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các nhà nghiên cứu dân sự ở Bắc Cực để tăng cường sự hiện diện quân sự, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm trong khu vực như một biện pháp ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân. Vì vậy, các quốc gia Bắc Cực cần nghiên cứu kỹ hoạt động này. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các quốc gia Bắc Cực “đừng quên hành vi của Trung Quốc tại các khu vực khác và cũng nên lấy đó làm thước đo khi đánh giá các hoạt động của Bắc Kinh tại Bắc Cực”; đồng thời cho rằng những hành động của Trung Quốc khiến cho người ta nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhắc lại rằng Trung Quốc đã được cấp tư cách quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực. Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện các điều kiện này và đóng góp có trách nhiệm cho khu vực. Bắc Kinh mong muốn hưởng quy chế ngang bằng với các quốc gia Bắc Cực, nhưng khoảng cách ngắn nhất giữa Trung Quốc và Bắc Cực là 900 dặm (1.448 km). Chỉ có khái niệm các quốc gia Bắc Cực và phi Bắc Cực, không có khái niệm thứ ba. Những tuyên bố ngược lại không cung cấp cho Trung Quốc quyền về bất cứ điều gì. Song, ông Pompeo bày tỏ hoan nghênh các khoản đầu tư minh bạch của Trung Quốc theo đuổi lợi ích kinh tế và vì mục tiêu an ninh quốc gia. Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư vào Bắc Cực, gần 90 tỉ USD kể từ năm 2012 đến 2017, và nhắm mục tiêu hưởng trọn lợi ích từ những ưu thế của “Cung đường phương bắc”, còn gọi là “Con đường tơ lụa Bắc Cực” dựa theo mô hình BRI do Trung Quốc xây hoặc cấp tiền để xây dựng đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. “Con đường tơ lụa Bắc Cực” gồm kế hoạch phát triển các tuyến hàng hải đang được sử dụng nhiều nhờ sự tan băng do tình trạng trái đất nóng dần lên. Các tuyến này sẽ cho phép tàu thủy rút ngắn hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bằng cách đi qua vùng bắc Nga. Mỹ xem “Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Nga-Trung là một nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết, khu vực Bắc Cực đã trở thành vũ đài cạnh tranh quyền lực toàn cầu nhằm sở hữu nguồn dầu thô, khoáng sản dự trữ và nguồn cá. Bắc Cực là một vùng hoang dã nhưng không có nghĩa nơi này phải trở thành một vùng phi pháp luật; nhấn mạnh hành xử hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác sẽ cho thấy cách họ đối xử với Bắc Cực”, đồng thời cảnh báo những kịch bản mà nhiều nước đã trở thành con nợ lớn của Trung Quốc, khi các nước này tham gia dự án cơ sở hạ tầng Một vành đai-Một con đường (BRI) của Trung Quốc. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng, đón nhận những vụ đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác tràn lan nguồn tài nguyên tự nhiên.
Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2. Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt (tương đương với 1.670 ngàn tỉ m3) chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Ngoài ra, Bắc Cực còn rất giàu tiềm năng khoáng sản. Khu vực này có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cần biết rằng mỏ kẽm lớn nhất thế giới đang nằm ở Alaska, một bang nằm gần Bắc Cực của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga.
Trong những năm gần đây, với nỗ lực trở thành một siêu cường toàn cầu, Trung Quốc thường xuyên vướng vào tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và chống lại luật pháp quốc tế. Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong biển băng tan rộng lớn của Bắc Cực. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy việc chiếm lĩnh một phần lớn hơn trong khu vực nhằm mở các tuyến thương mại mới, khai thác dầu khí và tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Về mặt địa lý, Trung Quốc không ở gần vòng cực Bắc. Điều này khiến Trung Quốc ở thế bất lợi chính trị lớn so với 8 quốc gia tạo nên Hội đồng Bắc Cực. Tuy nhiên, năm 2013, Trung Quốc đã giành được vị trí quan sát viên không bỏ phiếu trong Hội đồng Bắc Cực bên cạnh Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Trung Quốc cũng đã xuất bản Sách Trắng chiến lược Bắc Cực (1/2018) đầu tiên, tuyên bố quyền lợi tại khu vực trong khi cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi về tham vọng lãnh thổ của mình. Trong tài liệu này, Trung Quốc tự nhận là một “quốc gia gần Bắc Cực”, nói rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có “tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc”. Sách trắng nêu chi tiết kế hoạch của Bắc Kinh về “Con đường tơ lụa Bắc Cực” như một phần của chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhằm xây dựng hành lang thương mại khắp thế giới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh tuyên bố lý do chính cho mối quan tâm của họ đối với Bắc Cực là nghiên cứu khoa học. Trong Sách trắng, Trung Quốc nêu chi tiết mong muốn điều tra các tác động của biến đổi khí hậu để “giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu”. Tuy nhiên, những người hoài nghi lập luận rằng tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn kinh tế và chính trị của việc thống trị một khu vực giàu tài nguyên. Để đảm bảo vị trí đó, Trung Quốc đang tăng cường khả năng hiện diện tại Bắc Cực.
http://biendong.net/bien-dong/31875-co-quan-tinh-bao-dan-mach-canh-bao-tq-dang-am-muu-tien-hanh-cac-hoat-dong-quan-su-o-bac-cuc.html

Vụ bắn rơi máy bay MH17:

Nga không giao nghi can cho Hà Lan

Nga từ chối yêu cầu của Hà Lan không giao nộp nghi can trong vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, trái với luật Châu Âu, các công tố viên cho biết ngày 2/12.
Hà Lan xác định Volodymyr Tsemakh, một công dân Ukraine, là một nghi can trong vụ bắn rơi máy bay MH17 vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hai phần ba hành khách là công dân Hà Lan, nước đang dẫn đầu cuộc điều tra thảm họa vừa kể.
MH17 bị bắn rớt từ không trung trên lãnh thổ do phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine kiểm soát khi đang bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Các nhà điều tra cho hay phi đạn bắn trúng máy bay xuất phát từ một bệ phóng được vận chuyển từ một căn cứ quân sự của Nga ở Kursk, ngay bên kia biên giới.
Moscow khẳng định không làm gì sai.
Hà Lan truy lùng Tsemakh như một nghi phạm nhưng không nằm trong số 4 người (gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine) sắp bị đưa ra xét xử khiếm diện tại một tòa án của Hà Lan vào tháng Ba tới đây về tội sát nhân trong vụ bắn rớt máy bay MH17.
“Cơ quan Công tố kết luận Nga cố ý cho phép ông Tsemakh rời Liên bang Nga và từ chối thi hành đề nghị của Hà Lan trong khi chiếu theo Công ước Dẫn độ Châu Âu, họ bắt buộc phải thi hành,” cơ quan công tố Hà Lan nói trong thông cáo.
Nga không dẫn độ công dân của mình nhưng các công tố viên Hà Lan nói không có trở ngại trong vụ này vì Tsemakh là một công dân Ukraine.
Các công tố viên Hà Lan chưa quyết định có truy tố Tsemakh hay không.
Tsemakh, người mà cơ quan an ninh Ukraine đã xác minh là một cựu tư lệnh của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Đông Ukraine, được giao cho Nga trong cuộc trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev hồi tháng 9.
Các công tố viên Hà Lan cho biết họ đã yêu cầu Mosocw bắt Tsemakh và giao nộp cho Hà Lan thẩm vấn nhưng tới ngày 19/11 nhận được thông báo rằng Nga không thể tuân thủ vì không rõ tung tích người này hiện ở đâu.
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFn-r%C6%A1i-m%C3%A1y-bay-mh17-nga-kh%C3%B4ng-giao-nghi-can-cho-h%C3%A0-lan/5190039.html

Nga, Trung Quốc

khánh thành ống dẫn khí đốt Siberia-TQ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai 2/12 giám sát việc khánh thành dự án vận chuyển khí đốt thiên nhiên từ Siberia đến khu vực đông bắc Trung Quốc, một dự án sẽ thúc đẩy các quan hệ kinh tế và chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh, theo Reuters.
Lượng khí đốt thiên nhiên vận chuyển sang Trung Quốc qua trung gian ống dẫn khí đốt ‘Sức mạnh Siberia’ phản ánh các nỗ lực của Moscow xoay trục sang phương Đông nhằm giảm thiểu tác động của những hậu quả do lệnh cấm vận kinh tế của các nước phương Tây được áp đặt từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Chính sách này đã giúp cho Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga và mang đến cho Nga một thị trường mới đầy tiềm năng bên ngoài châu Âu. Dự án được khánh thành giữa lúc Moscow hy vọng sẽ triển khai thêm hai dự án năng lượng lớn khác: đường ống khí đốt dưới đáy biển Baltic 2 tới Đức và đường ống TurkStream tới Thổ Nhĩ Kỳ và miền nam châu Âu.
Đường ống ‘Sức mạnh Siberia’ dài 3.000 km sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ Chayandinskoye và Kovytka ở phía đông Siberia. Dự kiến dự án này sẽ kéo dài ba thập kỷ, mang lại cho nhà nước Nga 400 tỉ đô la.
Đường ống mới sẽ đi qua Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga, và đi vào Cát Lâm và Liêu Ninh, trung tâm ngũ cốc hàng đầu của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập nói với ông Putin qua liên kết video hôm thứ Hai rằng đường ống dẫn khí mới ra mắt là một dự án “mang tính bước ngoặt trong hợp tác năng lượng song phương” và là một ví dụ về sự hội nhập sâu sắc và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Giá cả mà Trung Quốc phải trả để có khí đốt của Nga thông qua đường ống mới vẫn được giữ bí mật.
Cả ông Putin và ông Tập đều từ chối bình luận hôm 2/12 về giá cả mà Bắc Kinh phải trả theo hợp đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-tq-khanh-thanh-ong-dan-khi-dot-siberia-tq/5189919.html

Liệu Nhật Bản có sản xuất vũ khí hạt nhân?

Trung Quốc cảnh báo các nước láng giềng và Nga nên cảnh giác với Nhật Bản, vì nước này sẵn sàng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tờ báo Sohu của Trung Quốc gọi Nhật Bản là một cường quốc hạt nhân và kêu gọi các nước láng giềng, bao gồm Nga phải cảnh giác. Nguồn tin này cho biết, dưới cái cớ phát triển các nhà máy điện hạt nhân dân sự Nhật Bản đã có được một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân, đủ để sản xuất 6 nghìn quả bom hạt nhân.
Tờ báo nhấn mạnh rằng, trong nhiều thập kỷ qua với sự hỗ trợ của đồng minh phương Tây, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế.
Hiện tại, Tokyo đóng vai trò tích cực trên trường quốc tế và thậm chí thách thức 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cụ thể, Nhật Bản đã bắt đầu phát triển các tàu sân bay trực
thăng lớp Izumo và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiên tiến… Mặc dù thực tế là nước này không sản xuất vũ khí hạt nhân, tuy nhiên hiện nay Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới sử dụng công nghệ hạt nhân.
Tờ báo cũng cho biết rằng, Nhật Bản là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về mức độ sẵn sàng chiến đấu và trình độ công nghệ rất cao. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Tokyo có thể nhanh chóng tạo ra vũ khí hạt nhân bằng vật liệu của mình.
Việc phi quân sự hóa Nhật Bản diễn ra sau khi nước này đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ II. Nước này buộc phải từ bỏ nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất vũ khí hạt nhân.
Hiện tại, có 9 cường quốc hạt nhân trên thế giới: Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Israel. Nga và Hoa Kỳ có tiềm năng lớn nhất trong lĩnh vực này, theo nhiều ước tính họ chiếm khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của toàn thế giới.
Chính giữa hai quốc gia này đang có những tranh chấp về việc việc kiểm soát loại vũ khí này. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn với việc Washington khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF). Theo hiệp ước này, Nga và Mỹ phải tiến hành hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất (từ 1000 km đến 5500 km) và tầm ngắn (từ 500 km đến 1000 km).
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3) vẫn là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Hoa Kỳ. Đến năm 2021 hiệp ước này sẽ hết hạn. Tuy nhiên, phía Washington đang có ý định sẽ không gia hạn hiệp ước này. Chủ đề này thu hút sự quan tâm của giới chính trị các nước.
Vào cuối tháng 10/2019, tờ báo Sohu đã viết rằng, Hoa Kỳ sẽ không dám tấn công Nga vì tiềm năng hạt nhân của Nga rất lớn. Tờ báo này tin rằng, Washington sợ Moscow ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ.
http://biendong.net/bi-n-nong/31863-lieu-nhat-ban-co-san-xuat-vu-khi-hat-nhan.html

Triều Tiên:

Tùy Mỹ chọn “quà Giáng sinh”, Trump đáp trả

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 3/12 nói ông vẫn tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng cũng hỏi kèm rằng ông Kim “thích bắn tên lửa lắm phải không?”, theo tin Reuters.
“Đó là lý do vì sao tôi gọi ông ấy là Gã Tên Lửa”, Reuters dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên trong cuộc họp với người đứng đầu NATO ở London. Tổng thống Mỹ nói ông hy vọng ông Kim sẽ phi hạt nhân hóa, nhưng nói thêm rằng “Chúng tôi sẽ bàn thảo thêm”.
Trước đó trong ngày, Triều Tiên lên tiếng nói rằng Hoa Kỳ đang cố câu giờ đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, và ngầm đưa ra đe doạ đối với Washington nhằm giảm nhẹ các đòi hỏi của Mỹ, Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 3/12.
Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song, người phụ trách các vấn đề về Hoa Kỳ, cáo buộc Washington “câu giờ” thay vì tương nhượng trong đàm phán.
“Cuộc đối thoại mà Mỹ ca ngợi, về cơ bản, không có gì ngoài mánh khóe dại dột nhằm trói buộc Triều Tiên phải đối thoại và sử dụng nó phục vụ cho lợi ích chính trị và cuộc bầu cử ở Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Ri nói trong một tuyên bố trên truyền thông nhà nước KCNA.
“Phần còn lại bây giờ là tùy thuộc vào lựa chọn của Hoa Kỳ, hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ, món quà Giáng sinh nào mà nước này muốn nhận”.
Ông Ri chỉ ra một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi “đối thoại thực chất” sau khi Triều Tiên thử nghiệm thêm nhiều tên lửa mới hôm thứ Năm.
Các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ rơi vào bế tắc sau khi một cuộc họp cấp làm việc kéo dài một ngày vào tháng 10 ở Stockholm bị thất bại.
Ông Kim đã đặt ra thời hạn cuối năm để Washington thể hiện sự linh hoạt trong quan điểm của mình, nhưng các quan chức Hoa Kỳ xem thời hạn này là giả tạo.
https://www.voatiengviet.com/a/tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-t%C3%B9y-m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%8Dn-qu%C3%A0-gi%C3%A1ng-sinh-trump-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3/5190942.html

Trưởng đặc khu Hồng Kông lo ngại

về hậu quả của luật Nhân Quyền Mỹ

Thụy My
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu Hồng Kông, hôm nay 03/12/2019 cảnh báo đạo luật được Hoa Kỳ ban hành nhằm ủng hộ người biểu tình có thể làm phương hại đến lòng tin của doanh nghiệp, trong lúc phong trào phản kháng đã làm cho nền kinh tế Hồng Kông lâm vào suy thoái.
Phát biểu trước các nhà báo, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông (Hong Kong human rights and democracy Act) gây tác động lên lòng tin của giới kinh doanh, vì họ « lo ngại về các hành động của chính phủ Mỹ trong tương lai ». Trưởng đặc khu cũng loan báo sẽ có những biện pháp bổ sung để hỗ trợ cho nền kinh tế Hồng Kông, bên cạnh việc giải ngân tài trợ cho lãnh vực giao thông và du lịch.
Các cuộc biểu tình chống chính quyền làm rung chuyển đặc khu kể từ tháng Sáu đến nay đã khiến nền kinh tế Hồng Kông lần đầu tiên bị suy sụp kể từ 10 năm qua.
Đạo luật được Thượng Viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua (và chỉ có vỏn vẹn 1 phiếu chống trên 417 phiếu tại Hạ Viện), đòi hỏi bộ Ngoại Giao Mỹ phải xét mỗi năm ít nhất một lần xem Hồng Kông có đủ quyền tự quyết hay không. Nếu không, Hồng Kông sẽ không còn được dành cho các đặc quyền trong thương mại với Mỹ – một ưu tiên lâu nay đã giúp cho cựu thuộc địa Anh trở thành trung tâm tài chính thế giới.
Bên cạnh đó theo Hong Kong Free Press, các dân biểu dân chủ đang soạn thảo một dự luật nhằm giảm nhẹ mức phạt dành cho tội danh « tụ tập bất hợp pháp » từ 3 năm còn 6 tháng tù, và tội danh « nổi dậy » từ 10 năm còn 3 năm tù. Để bị kết tội « nổi dậy », số người liên can tối thiểu phải là 12, và phải có chung mục đích, và tội danh này phải do tòa án quyết định.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191203-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-%C4%91%E1%BA%B7c-khu-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-lo-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-h%E1%BA%ADu-qu%E1%BA%A3-c%E1%BB%A7a-lu%E1%BA%ADt-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-m%E1%BB%B9

Người Hồng Kông sang lánh nạn tại Đài Loan

tăng gần 30%

Thụy My
Từ khi khởi đầu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đến nay, số người Hồng Kông chạy sang Đài Loan tạm trú đã tăng vọt. Theo AFP, trong 9 tháng đầu năm nay, số người Hồng Kông được cấp thẻ tạm trú tại Đài Loan tăng gần 30%. Phải chăng Đài Loan là mảnh đất lành cho dân Hồng Kông lánh nạn ?
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre gởi về bài phóng sự :
« Liệu một ngày nào đó Đài Loan sẽ trở thành nơi tị nạn cho những người Hồng Kông bị Trung Quốc đe dọa ? Chỉ cách đặc khu có một giờ bay, câu hỏi này đã được nghiêm túc đặt ra. Nhưng vấn đề là Đài Loan không có luật tị nạn.
Yu Fan Chen, phát ngôn viên của một tập thể luật sư chuyên hỗ trợ người Hồng Kông tị nạn ở Đài Loan, cho biết : Theo các quy định hiện nay, rất hiếm có người được cấp giấy phép cư trú vì lý do chính trị. Chúng tôi đòi hỏi một luật di trú thực sự của Đài Loan, một đạo luật có thể áp dụng cho những người bị đe dọa vì quan điểm của họ, cho dù đó là người Hồng Kông, Trung Quốc, Tây Tạng hoặc bất kỳ nước nào khác.
Trong quá khứ, nhiều dự luật tị nạn có mục đích đón nhận các nhà ly khai Tây Tạng đã bị Quốc Hội Đài Loan bác bỏ.
Hiện nay Đài Loan đang trong chiến dịch tranh cử, và đảng Dân Tiến cầm quyền muốn tránh đặt ra vấn đề này một lần nữa. Lý Yến Dong (Yen Jong Lee), phát ngôn viên của đảng Dân Tiến, nói : Chúng tôi liệu đã sẵn sàng để nhận hết những người này hay chưa ? Còn phải xem lại hệ thống y tế, xã hội… nhưng vấn đề còn là quan hệ giữa Đài Loan với Hồng Kông, với Trung Quốc. Đó là một chủ đề nhạy cảm.
Theo các tổ chức phi chính phủ, chỉ có vài trăm người Hồng Kông chạy sang Đài Loan vì lý do chính trị. Hầu hết trong số này hiện vẫn muốn quay về Hồng Kông tiếp tục tranh đấu ».
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191203-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-sang-l%C3%A1nh-n%E1%BA%A1n-t%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%A0i-loan-t%C4%83ng-g%E1%BA%A7n-30

TikTok bị cáo buộc

gửi dữ liệu cá nhân tại Mỹ về Trung Quốc

App chia sẻ video TikTok của Trung Quốc là đối tượng của một vụ kiện tập thể ở Mỹ, cáo buộc app chuyển “số lượng lớn” dữ liệu người dùng về Trung Quốc.
Những người tham gia vào vụ kiện tập thể này nói rằng Tiktok đã “lén lút” thu thập nội dung mà không có sự đồng ý của người dùng.
Thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, TikTok có một lượng khá lớn người dùng tại Hoa Kỳ.
Trên phạm vi toàn thế giới, TikTok được cho là có khoảng nửa tỉ người dùng. Hãng này trước đây đã nói rằng, họ không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Hoa Kỳ vào các máy chủ Trung Quốc.
Video Tiktok dạy làm đẹp gây sốt vì chỉ trích Trung Quốc
TikTok và Apple từ chối khai báo về Trung Quốc
Tuy nhiên, nền tảng truyền thông xã hội đang thu hút rất nhiều người dùng trẻ này đang phải đối mặt với áp lực tại Mỹ về vấn đề thu thập và kiểm duyệt dữ liệu.
Vụ kiện này được đệ trình lên tòa án California hồi tuần trước, tuyên bố TikTok “trắng trợn … thu thập và chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc một lượng lớn dữ liệu người dùng và nhận dạng cá nhân.”
Những người đệ đơn cáo buộc rằng, dữ liệu này có thể được sử dụng để xác định, tạo lập hồ sơ và theo dõi người dùng ở Mỹ cả trong “hiện tại và tương lai”.
Nguyên đơn có tên là Misty Hong, một sinh viên đại học ở California, nói rằng trong năm nay, cô đã tải ứng dụng này xuống nhưng không tạo tài khoản.
Vài tháng sau, cô cáo buộc TikTok đã tự tạo tài khoản cho cô và “lén lút” lấy các video dạng thô mà cô đã tạo ra nhưng chưa bao giờ có ý định đăng tải lển mạng.
Dữ liệu này được gửi đến hai máy chủ tại Trung Quốc, được hỗ trợ bởi Tencent và Alibaba.
Vụ kiện cũng lập luận, TikTok đã kiếm lợi bất chính từ việc “bí mật thu thập” dữ liệu riêng tư bằng cách dùng dữ liệu đó để đạt mục tiêu kiếm “doanh thu và lợi nhuận quảng cáo lớn hơn.”
TikTok chưa trả lời các đề nghị phản hồi cáo buộc trên.
TikTok là gì?
Số lượng người dùng TikTok bùng nổ trong những năm gần đây, chủ yếu là những người dưới 20 tuổi.
Người dùng sử dụng ứng dụng này để chia sẻ các video dài 15 giây thường liên quan đến hát nhép các bài hát, các câu chuyện gây cười hoặc định dạng lặp lại.
Tuy nhiên, các mối lo ngại cũng gia tăng liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gây áp lực, muốn TikTok làm sáng tỏ cáo buộc là công ty này thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
TikTok đã phản ứng lại các cáo buộc về sự can thiệp của chính phủ, nói rằng công ty “không xóa những nội dung” mà chính quyền Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Hồi tháng 10 năm nay, công ty này cho biết họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc để xóa bất kỳ nội dung nào và công ty này cũng “sẽ không làm như vậy giả như có được yêu cầu.”
Công ty này nói rằng, tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ được lưu trữ ngay tại Mỹ, cùng với một bản sao lưu ở Singapore.
Tuy nhiên, công ty đã bị chỉ trích nặng nề hồi tuần trước trong vụ một cô gái người Mỹ đã bị chặn dịch vụ sau khi cô đăng một clip chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Công ty này sau đó đã phải bỏ việc chặn và xin lỗi.
Còn tại Trung Quốc, TikTok vận hành một phiên bản tương tự nhưng riêng biệt, được gọi là Douyin.
Hồi tháng 7/2019, Mark Zuckerberg, người đứng đầu Facebook, trong một cuộc họp, đã thừa nhận TikTok là sản phẩm Internet đầu tiên từ Trung Quốc hoạt động tốt ở cấp độ toàn cầu.
Facebook có kế hoạch cạnh tranh với TikTok bằng ứng dụng Lasso, đã phát hành vào tháng 11/2018 nhưng đến nay mới chỉ có ở Mỹ.
TikTok ở Việt Nam
Người Việt Nam ‘dùng mạng xã hội nhiều hơn cả Trung Quốc’
Mạng xã hội của VN có đang đi sai hướng?
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ người dùng TikTok tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tính đến tháng 3 năm 2019, mỗi tháng, TikTok có hơn 12 triệu người dùng tại Việt Nam và hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung, theo số liệu của VnExpress dẫn từ TikTok Việt Nam.
Từ cuối năm 2018, TikTok đã chính thức giới thiệu Trung tâm An toàn kết hợp với việc thành lập Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam, khi đó nói: “TikTok khuyến khích người dùng tôn trọng cũng như tuân theo các hướng dẫn an toàn để chung tay tạo nên một môi trường ứng dụng lành mạnh và thân thiện cho tất cả người dùng.”
TikTok cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Tổng cục Du lịch trong các chiến dịch quảng bá du lịch thông qua ứng dụng TikTok.
Tại một tọa đàm hôm 21/3 ở Hà Nội, TikTok được hỏi có cung cấp thông tin người dùng nếu cơ quan điều tra Việt Nam yêu cầu.
Ông Nguyễn Lâm Thanh được trích lời nói nếu có yêu cầu chính thống từ một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tik Tok sẽ cung cấp thông tin theo yêu cầu, theo trang ICTNews tường thuật.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50645845

‘Can thiệp nội chính TQ’

là lời dối trá tẩy não của ĐCSTQ

Mỗi khi xã hội quốc tế tiến lên tiếng chỉ trích và trừng phạt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì hành vi đàn áp người dân tàn bạo, ĐCSTQ luôn lấy cái cớ “không cho phép can thiệp nội chính Trung Quốc” để tiến hành chống chế.
Ngày 20/11, sau 5 tháng ĐCSTQ tiến hành trấn áp bạo lực phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ kéo dài liên tiếp hơn 5 tháng, lưỡng viện Mỹ đã lần lượt thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, qua điều chỉnh, dự luật cũng được Hạ viện thông qua chỉ với 1 phiếu chống.
Dự luật này khi vừa được thông qua, ĐCSTQ lập tức như nổ tung. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Ủy ban ngoại sự Nhân đại toàn quốc, Ủy ban ngoại sự Chính hiệp toàn quốc, Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Macau thuộc Quốc vụ viện, Văn phòng liên lạc Trung ương, “kiên quyết phản đối” Mỹ “can thiệp nội chính Trung Quốc”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc triệu kiến Đại diện văn phòng sứ quán Mỹ tại Trung Quốc để “kiên quyết phản đối” Mỹ “can thiệp nội chính Trung Quốc”. Tân Hoa Xã trong 6 tiếng đã liên tiếp đăng 31 bản tin, chỉ trích mạnh mẽ Mỹ “can thiệp nội chính Trung Quốc”. Ngày 25/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn triệu kiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad để phản đối Mỹ “can thiệp nội chính Trung Quốc”.
Đối mặt với làn sóng kháng nghị “điếc tai nhức óc” của ĐCSTQ, Tổng thống Mỹ Trump không bị lay động, ngày 27/11, trước Lễ Tạ ơn một ngày, ông đã chính thức ký thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, đồng thời còn ký thông qua Dự luật Cấm xuất khẩu trang bị phòng chống bạo động sang Hồng Kông.
Ông Trump cho biết: “Tôi đã ký những dự luật này xuất phát từ sự tôn trọng Chủ tịch Tập, Trung Quốc và người dân Hồng Kông. [Các luật này] được ban hành với hy vọng rằng các Lãnh đạo và các Đại diện của Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể giải quyết một cách thiện chí những khác biệt của họ hướng đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người.”
Vậy có phải Tổng thống Trump “can thiệp nội chính Trung Quốc” hay không?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng phát biểu thẳng thắn: “Chúng tôi có các tiêu chuẩn nhân quyền áp dụng cho các nơi trên thế giới, Hồng Kông cũng không ngoại lệ.” Cũng tức là, ông Trump dựa vào tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát để ký Dự luật Nhân quyền Hồng Kông.
Nhân quyền là điều thiêng liêng không thể xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, không phải là một khái niệm giai cấp, không phải là một khái niệm giới hạn trong khu vực nào đó, mà là một giá trị phổ quát. Đây là nền tảng của rất nhiều công ước quốc tế, bao gồm cả nhiều công ước nhân quyền mà Trung Quốc đã ký như Công ước cấm dùng nhục hình.
ĐCSTQ nắm quyền 70 năm qua, đã phát động hơn 50 phong trào chính trị tanh mùi máu và tàn bạo, giết hại 80 triệu người Trung Quốc. Năm 1989, cách đây 30 năm, ĐCSTQ đại khai sát giới trên Quảng trường Thiên An Môn, tạo ra thảm sát Lục Tứ khiến cả thế giới chấn động. Đến năm 1999, cách đây 20 năm, ĐCSTQ phát động đại bức hại điên cuồng nhắm vào Pháp Luân Công, mổ sống lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công trên quy mô lớn, bị coi là “tội ác chưa từng có trên Trái Đất này”.
Trong năm nay, từ ngày 12/6 đến nay, ĐCSTQ đã dịch chuyển các thủ đoạn lưu manh dùng để bức hại Pháp Luân Công tại Đại Lục suốt 20 năm qua sang Hồng Kông, đã vượt quá giới hạn thấp nhất của đạo đức và luật pháp để biểu diễn sự điên cuồng cuối cùng tại Hồng Kông, khiến cho tình hình nhân quyền Hồng Kông xấu đi nhanh chóng.
Dưới sự chỉ huy và kiểm soát của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ, chỉ trong thời gian 5 tháng, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng 10.000 quả lựu đạn hơi cay, bắt giữ khoảng 5.000 người, người nhỏ nhất chỉ 11 tuổi. ĐCSTQ dung túng hắc cảnh, phần tử xã hội đen bắt bớ người lung tung, đánh người đến chết, đánh phụ nữ mang thai, đánh người lớn tuổi, đánh trẻ nhỏ, đánh phóng viên, đánh nghị viên Hội đồng lập pháp, đánh nhân viên tình nguyện, thậm chí mạo xưng người biểu tình phóng hỏa, phá hoại của công, tấn công người dân; xâm hại tình dục, cưỡng bức, thay nhau cưỡng bức, thiếu nữ 15 tuổi bị phát hiện xác trôi trên mặt biển trong tình trạng lõa thể bị nghi bị sát hại. Người dân Hồng Kông đang đối mặt với tình hình nhân quyền xấu nhất trong lịch sử.
Một cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục đã vượt tường lửa, sau khi đọc được những tình trạng bi thảm của người Hồng Kông đã viết: “Quân cảnh bao vây tấn công Đại học Bách khoa Hồng Kông, hàng trăm sinh viên từ trên cây cầu vượt trong trường đã đu dây để thoát khỏi trường. Video cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để ngăn chặn và video hết sinh viên này đến sinh viên khác bị nhóm cảnh sát bao vây ngược đãi, liên tiếp được đăng tải lên mạng đã khiến cho nhiều người phẫn nộ. Có cư dân mạng nói: ‘Từ xưa đến nay, chính phủ công khai dùng trường đại học làm chiến trường, coi sinh viên như kẻ địch, ĐCSTQ coi như là số 1! Việc này đã vạch trần toàn bộ hình tượng chủ nghĩa độc tài cho toàn thế giới thấy!’ ‘Tấn công đại học, đe dọa tòa án, tấn công nhà thờ … phóng hỏa tòa soạn báo, đây đã không phải là thách thức ‘một quốc gia, hai chế độ’ mà là thách thức thế giới văn minh.”
Bởi vì ĐCSTQ thông qua “Vạn lý tường lửa” để tách biệt cư dân mạng Đại Lục với toàn thế giới, nên nhiều cư dân mạng Đại Lục nhìn không thấy hành vi bạo hành của hắc cảnh Hồng Kông và phần tử xã hội đen tại Hồng Kông. Nhưng ở bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, mọi thông tin đều công khai. Và bất cứ một người nào có lương tri khi nhìn thấy khung cảnh đẫm máu và tàn bạo này, đều sẽ thương cảm và rơi nước mắt cho người Hồng Kông.
Trong tình huống này, lưỡng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, Tổng thống Mỹ Trump cũng trong tình huống này đã ký thông qua dự luật.
Dưới sự thúc đẩy của lương tri, đạo đức, chính nghĩa và nhân tính, họ dùng hành động thực tế để ngăn chặn hành vi bạo ngược của ĐCSTQ. Đây là sự ủng hộ quý giá đối với những người dân Hồng Kông đang dùng sinh mạng để bảo vệ tự do.
Đây chính là nói “không” với ĐCSTQ tà ác. Đây là sự quan tâm, giúp đỡ và lên tiếng đối với những người Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực và lừa dối, bị xâm phạm quyền con người. Đây rõ ràng không phải là “can thiệp nội chính Trung Quốc”.
Sở dĩ ĐCSTQ lớn tiếng “kiên quyết phản đối” Mỹ “can thiệp nội chính Trung Quốc”, là bởi vì Đạo luật Nhân quyền Hồng Kông quy định rõ ràng, sẽ tiến hành chế tài đối với quan chức chính phủ Hồng Kông và quan chức ĐCSTQ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Hồng Kông, bao gồm không cấp visa nhập cảnh vào Mỹ, đóng băng tài sản của họ tại Mỹ, v.v.
Rất nhiều người là họ hàng và thân nhân của quan chức chính phủ Hồng Kông cũng như quan chức ĐCSTQ đều đang ở Mỹ, họ có tiền gửi tại ngân hàng, có cổ phiếu, quỹ, nhà ở sang trọng, công ty, v.v tại Mỹ. Do đó, họ lo lắng Mỹ sẽ cắt đứt đường tiền tài và đường lui của họ.
Đối với những quan chức chính phủ Hồng Kông và quan chức ĐCSTQ dung túng cho hắc cảnh đánh chết người Hồng Kông, cưỡng hiếp, thay nhau cưỡng hiếp nữ sinh viên, tấn công cả phụ nữ mang thai trên đường phố, đánh người già, đánh trẻ em, thì việc thực thi chế tài đối với họ là đúng hay sai?
Những kẻ xâm hại nhân quyền này nếu đến Mỹ, Mỹ sẽ không cấp visa cho họ; tài sản của họ tại Mỹ, Mỹ sẽ ra lệnh đóng băng, không cho phép họ vừa chà đạp nhân quyền lại vừa hưởng thụ điều tốt ở Mỹ. Đây lẽ nào không phải là trừng phạt cái ác, nêu cao điều thiện sao?
Có thể nói, logic mà ĐCSTQ “kiên quyết phản đối” Mỹ “can thiệp vào nội chính Trung Quốc” gồm hai luận điểm cơ bản: (1) Việc  ĐCSTQ hay hắc cảnh giết người phóng hỏa ở Hồng Kông, Mỹ không được quản, đây là nội chính của tôi; (2) Sau khi giết người phóng hỏa, người của ĐCSTQ còn muốn tự do đi vào nước Mỹ, tự do ở trên đất Mỹ hưởng thụ cuộc sống xa hoa.
Ngày 22/11, Tổng thống Trump đã trả lời phỏng vấn của Fox News và cho biết: “Nếu không có tôi, thì Hồng Kông đã bị nghiền nát trong vòng 14 phút.” Trong lúc Hồng Kông đối mặt với hủy diệt, Tổng thống Trump đã đứng ra, dùng tâm thiện để cứu Hồng Kông khỏi nguy nan. Đây là can thiệp nội chính sao?
Ngày 27/11, Tổng thống Trump đã chính thức ký thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, cũng không phải là “can thiệp nội chính Trung Quốc”, mà là tặng cho người dân Hồng Kông một món quà tốt nhất trong dịp Lễ Tạ ơn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31866-can-thiep-noi-chinh-tq-la-loi-doi-tra-tay-nao-cua-dcstq.html

Đưa khinh khí cầu ra đá Vành Khăn:

TQ coi thường luật pháp và công luận quốc tế

Hình ảnh chụp vệ tinh của Công ty ImageSat International (ISI) của Israel cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc đã đưa khinh khí cầu ra hoạt động trái phép tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo thông tin trên, trong số các bức ảnh chụp của Công ty ImageSat International (ISI), có một bức ảnh vệ tinh cho thấy một vật thể hình khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bức ảnh trên được ISI chụp vào ngày 18.11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai một thiết bị hình khinh khí cầu, mà ISI cho là được sử dụng với mục đích thu thập thông tin quân sự tại khu vực này. ISI nhận định, “khinh khí cầu trong ảnh khả năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự. Việc sử dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình hình ở khu vực giàu tài nguyên này”.
Còn theo báo cáo của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về máy bay trên không vào năm 2017 trong đó những khinh khí cầu khổng lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay tầm thấp. Những chiếc khinh khí cầu này có thể duy trì ổn định trong một thời gian dài với hiệu quả cao cùng với chi phí thấp, giúp giám sát một khu vực với phạm vi lớn khi các máy bay do thám không được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện cho quân đội Trung Quốc. Các thiết bị bay này đang được triển khai tại một số điểm nóng chiến lược của Trung Quốc như biên giới với Bắc Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Theo Kanwa Asian Defense, những chiếc khinh khí cầu có thể giám sát cả mục tiêu trên không và các đối tượng mặt đất trong vòng bán kính 300km (186 dặm).
Được biết, đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay.
Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên đá Vành Khăn. Tháng 1/2018 Trung Quốc điều hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đến đá Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc lại khánh thành các trạm khí tượng tại và tuyên truyền rằng mục đích của trạm này là “đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí”. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.
Trong những năm gần đây, nhằm tìm cách kiểm soát vùng trời, vùng biển ở Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch điên rồ, bất chấp luật pháp quốc tế. Đầu tiên phải kể đến hệ thống hệ thống vệ tinh giám sát trên không trái phép của Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh đã tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống vệ tinh hiện đại, có tầm quan sát tốt. Ngoài việc phục vụ các mục đích dân sự, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc còn được triển khai thành lực lượng trinh sát chiến lược, được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, kiểm soát và theo dõi quân sự. Trong đó, việc giám sát, theo dõi phi pháp ở Biển Đông là một trong những mục tiêu chiến lược được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm. Giám sát biển được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một
cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ. Bắt đầu từ tháng 5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Đến tháng 4/2006, Bắc Kinh phóng vệ tinh Dao cảm để đẩy nhanh quá trình kiểm soát, theo dõi ở Biển Đông. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh Hải Dương-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Cùng năm, Bắc Kinh triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Năm 2012, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới, 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất. Trung Quốc cũng đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Trong năm 2016, Bắc Kinh phóng vệ tinh “Gaofen3” được trang bị hệ thống radar, có khả năng chụp hình ảnh từ vũ trụ với độ phân giải lên tới 1 mét và hoạt động được trong mọi thời thiết để “giám sát môi trường biển, đảo, đá, tàu và các giếng dầu”. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ phóng thêm 10 vệ tinh quang học và 15 vệ tinh Hải Dương để tăng cường giám sát Biển Đông. Đáng chú ý, những vệ tinh trên còn có khả năng phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu. Song song với việc phóng vệ tinh vào vũ trụ, Trung Quốc cũng xây dựng, đưa vào sử dụng các trạm thu nhận tín hiệu mặt đất, trong đó có trạm đặt tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, được lắp đặt hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh gồm: vệ tinh Thực tiễn số 9, vệ tinh Gám sát môi trường và thiên tai, vệ tinh Giám sát tài nguyên số 3… và truyền dữ liệu bằng cáp quang tốc độ cao. Với trạm này, Trung Quốc được cho là có khả năng thu thập dữ liệu qua vệ tinh về khu vực Biển Đông, qua đó, phân tích, dự báo tình hình môi trường, giám sát thiên tai, nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu, giám sát trái phép những thay đổi đối với các đảo trên Biển Đông cũng như giúp nước này hoàn thiện trái phép các hệ thống nghiên cứu khoa học như: hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống giám sát băng cháy, hệ thống nghiên cứu địa chất đáy biển, hệ thống giám sát tài nguyên nguồn cá…
Tiếp đến là mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông do Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang xây dựng để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông. Văn phòng Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”; tuyên truyền rằng “hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp”.
Ngoài là, Trung Quốc còn triển khai hệ thống định vị ở Biển Đông. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Theo đó, những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước. Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này. Theo thông tin từ phòng thí nghiệm trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km2 Biển Đông. Trong khi đó, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông. Nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc có thể nằm ở phần sâu nhất của đại dương (từ 6.000 – 11.000m). Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD). Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.
Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.
http://biendong.net/bien-dong/31877-dua-khinh-khi-cau-ra-da-vanh-khan-tq-coi-thuong-luat-phap-va-cong-luan-quoc-te.html

Chia sẻ từ nội bộ ĐCSTQ: “Chúng tôi đã đến đường cùng”

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chuyên gia Arthur Waldron về vấn đề quan hệ Mỹ – Trung tiết lộ, một nhân viên trợ tá cấp cao thân cận với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã chia sẻ rằng: Chúng tôi đã đi đến đường cùng. Ông Arthur Waldron kiến nghị Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và đội ngũ của ông ấy cần xem xét chuẩn bị cách ứng phó với vấn đề ĐCSTQ sụp đổ cùng việc quy hàng của những thế lực nội bộ ĐCSTQ.
Hôm 29/11, trang Twitter GlobalHimalaya đã tweet một video phỏng vấn của “Kênh lãnh đạo tư tưởng Mỹ” (American Thought Leaders). Theo đó trong bài phỏng vấn chuyên gia Arthur Waldron – Giáo sư Quan hệ Quốc tế và Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã nhận định tình hình hiện tại của Trung Quốc: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tương tự như sự tan rã của Liên Xô trước đây. Vấn đề không phải một khi chế độ ĐCSTQ sụp đổ là đồng nghĩa sụp đổ của Trung Quốc, mà ĐCSTQ sụp đổ thì nước Trung Quốc vẫn còn đó, nhưng hệ thống chính trị thay đổi mà thôi.”
Chuyên gia Arthur Waldron cho rằng, vì thiếu hiểu biết đúng đắn thực tế, về cơ bản không biết gì về tình hình thực tế của người dân nên Chính phủ ĐCSTQ làm việc theo kiểu nghĩ đâu làm đó, rất tùy tiện và vô lối.
Ông nhận định rằng Chính phủ của ĐCSTQ hiểu rất rõ rằng ngày hấp hối đã cận kề. Ông tiết lộ thông tin một trợ tá cấp cao thân cận của ông Tập Cận Bình đã thẳng thắn chia sẻ với ông: “Arthur Waldron, chúng tôi đã đi đến đường cùng. Mọi người đều biết rằng thể chế này đã kết thúc. Những bước đi tiếp theo chúng tôi không biết phải đi như thế nào, vì giống như có mìn ở khắp nơi, bước sai một bước là có thể tan xương nát thịt.”
Ông chỉ ra vấn đề đau đầu thực sự là làm thế nào để thoát ra khỏi vũng lầy của chủ nghĩa cộng sản, qua đó đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và đội ngũ của ông ấy nên nghiên cứu cách đối phó khi ĐCSTQ sụp đổ, vấn đề quy hàng của các thế lực trong ĐCSTQ và chuyện chuyển đổi thể chế chính trị tại Trung Quốc.
Trong phần kết phỏng vấn, chuyên gia Arthur Waldron cho biết, ông từng nghĩ chuyến đi lần trước đến Trung Quốc là chuyến cuối cùng, nhưng giờ đây những thay đổi về thế cuộc đã khiến ông thay đổi suy nghĩ. Ông mong muốn sau khi hoàn thành công việc sẽ có thể cùng người vợ trở về Trung Quốc, để nhìn thấy một “Trung Quốc mới”.
Kể từ năm ngoái, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, nguồn ​​vốn nước ngoài chảy ra, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cùng với dịch tả lợn châu Phi khiến giá cả trong nước tăng vọt, người dân khắp nơi than oán. Trong khi tình trạng hủ bại trong ĐCSTQ thì ngày càng không thể hóa giải, bộ máy hành chính đấu đá rệu rã khiến chính lệnh khó lọt khỏi Trung Nam Hải. Còn bộ máy chính trị vì gia cố chế độ độc tài toàn trị nên thắt chặt quản chế xã hội bằng bóp nghẹt nhân quyền, khiến cộng đồng quốc tế liên tục phải lên tiếng chỉ trích.
Một số sự kiện lớn gần đây đã khiến chính quyền Bắc Kinh căng thẳng hơn, trước tiên là cựu đặc vụ Vương Lập Cường của ĐCSTQ quy hàng Úc và tiết lộ thông tin gây sốc trong công luận, bao gồm tuyên bố đã tham gia vào kế hoạch thao túng bầu cử Đài Loan và Hồng Kông, bắt cóc nhà bất đồng chính kiến với ĐCSTQ. Vợ chồng ông chủ Hướng Tâm, chủ tịch Công ty Đầu tư sáng tạo Trung Quốc (China Innovation Investment) cũng đã bị bắt giữ để điều tra tại Đài Loan.
Các tài liệu bí mật liên quan đến đàn áp nhân quyền ở Tân Cương lần lượt được đưa ra trước cộng đồng quốc tế, bác bỏ biện bạch của ĐCSTQ tuyên bố rằng Tân Cương chỉ có các trung tâm dạy nghề chứ không có trại tập trung. Thêm nữa là thảm bại của phe kiến chế thân ĐCSTQ trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông đã làm nhà cầm quyền Bắc Kinh mất mặt.
Hôm 25/11, kết quả bầu cử của Hội đồng quận Hồng Kông cho thấy, trong số 452 khu vực bầu cử thì phe dân chủ đã giành được 388 ghế Hội đồng quận tại Hồng Kông, chiếm hơn 85% tổng số ghế. Phe kiến chế thân ĐCSTQ chỉ giành được 13% số ghế với 59 ghế. Có truyền thông thân ĐCSTQ cho biết, kết quả bầu cử đã khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh bị sốc, vì họ không ngờ sức mạnh của “cơn sóng thần” lại lớn đến thế.
Cùng ngày (25/11), biên tập viên kỳ cựu James Palmer của tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ đã viết bài nhận định trên Washington Post chỉ ra rằng bầu cử tại Hồng Kông đã phá tan ảo tưởng chiến thắng của Bắc Kinh, cho rằng đảng phái nằm dưới kiểm soát của họ sẽ giành chiến thắng. Như thường lệ, bộ máy truyền thông của ĐCSTQ đã chuẩn bị sẵn những bản thảo đăng tải ăn mừng chiến thắng, thế nhưng kết quả bầu cử đầy bất ngờ đã gây hoảng loạn các phòng tin tức ở Bắc Kinh. Lý do ở đây rất đơn giản, vì cách truyền thông sai lệch của bộ máy tuyên truyền ĐCSTQ, chỉ dám dẫn những nội dung làm vui lòng lãnh đạo, vì mọi thông tin tiêu cực có thể bị quy kết là “không trung thành”.
Tác giả liệt kê một loạt các sự kiện quốc tế làm bẽ mặt ĐCSTQ nêu trên (đặc vụ của ĐCSTQ bỏ trốn, rò rỉ các tài liệu bí mật về Tân Cương, thất bại của phe thân ĐCSTQ trong bầu cử ở Hồng Kông) khiến chính giới Bắc Kinh thêm khốn đốn. Những cú đánh này đã một lần nữa châm ngòi cho những đồn đoán về cuộc chiến nội bộ của lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ), bối cảnh khiến cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra càng như khó khăn hơn trong tìm phương án để có thể sớm giải tỏa.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31864-chia-se-tu-noi-bo-dcstq-chung-toi-da-den-duong-cung.html

TQ ‘ra đòn’

đáp trả việc Mỹ thông qua luật về Hồng Kông

Trung Quốc đã đình chỉ các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới Hồng Kông và áp đặt “lệnh trừng phạt” đối với một số tổ chức phi chính phủ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở đặc khu Hồng Kông.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng tuyên bố rằng nước này đã xử phạt các tổ chức phi chính phủ, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Freedom House và Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), vì đã kích động những người biểu tình hành động bạo lực và thúc đẩy tâm lý ly khai ở Hồng Kông. “Những nhóm này chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn hiện tại ở Hồng Kông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng các biện pháp này là phản ứng trực tiếp đối với Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019, đã được ông Trump ký ban hành vào tuần trước. Luật này cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng luật về Hồng Kông sẽ giúp duy trì nền dân chủ và trừng phạt các quan chức cảnh sát có hành động ngược đãi những người biểu tình ôn hòa. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng hành động này can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/31861-tq-ra-don-dap-tra-viec-my-thong-qua-luat-ve-hong-kong.html

Ngoại trưởng Trung Quốc đến Hàn Quốc

để cải thiện quan hệ song phương

Mai Vân
Ngoại trưởng Vương Nghị là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc công du Hàn Quốc lần đầu tiên từ 5 năm nay. Theo các quan chức Hàn Quốc, ông Vương Nghị đến Seoul vào ngày mai, 04/12/2019, và sẽ hội đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc cũng như gặp tổng thống Moon Jae In.
Mục tiêu chuyến thăm là cải thiện quan hệ song phương đã bị lạnh nhạt hẳn đi từ năm 2017, sau khi Seoul cho Washington đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc. Theo bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, chuyến thăm của ông Vương Nghị là cơ hội để củng cố quan hệ trong tình hình mới, với các vấn đề song phương và khu vực trong chương trình nghị sự.
Cả hai bên dự kiến thảo luận chủ yếu về hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản sắp tới tại Trung Quốc mà tổng thống Moon Jae In sẽ dự, cũng như khả năng chủ tịch Trung Quốc công du Hàn Quốc năm tới.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, đối với Seoul, việc cải thiện được quan hệ với Bắc Kinh là một điều rất cần thiết để thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, một đồng minh lâu năm của Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Vương Nghị cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ đang ngày càng bất đồng về việc đóng góp tài chính của Seoul cho việc đồn trú của khoảng 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc.
Trong vòng hai năm qua, sau khi Seoul cho Washington thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa tên lửa của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã giận dữ tố cáo quyết định đó, cho rằng loại radar cực mạnh của hệ thống lá chắn Mỹ có thể phủ sóng lên lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã trả đũa Seoul bằng nhiều biện pháp kinh tế ngấm ngầm, gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp du lịch, mỹ phẩm và giải trí của Hàn Quốc, vốn đã phát triển nhờ nhu cầu của người tiêu thụ Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul.
Sau khi tổng thống Moon Jae In nhậm chức vào năm 2017, hai bên đã tìm cách hàn gắn quan hệ thông qua một thỏa thuận mà Hàn Quốc công nhận mối quan ngại của Trung Quốc và hứa sẽ không cho Mỹ triển khai thêm hệ thống THAAD.
Tuy vậy, các quan hệ kinh tế Trung-Hàn đã không được phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, quan hệ hai bên còn bị khuấy động từ những vụ phi cơ Trung Quốc xâm phạm khu vực phòng không của Hàn Quốc.
Thứ Sáu 29/11 vừa qua, quân đội Hàn Quốc đã phải cho chiến đấu cơ cất cánh để sẵn sàng đối phó sau khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc trong hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ.
Trước đó, vào tháng Bảy, chiến đấu cơ Hàn Quốc đã phải bắn cảnh báo một máy bay chiến đấu của Nga, xâm phạm không phận Hàn Quốc trong cuộc tuần tra không quân Nga-Trung đầu tiên trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191203-ngoa%CC%A3i-tr%C6%B0%C6%A1%CC%89ng-tq-se%CC%83-%C4%91%C3%AA%CC%81n-ha%CC%80n-qu%C3%B4%CC%81c-%C4%91%C3%AA%CC%89-ca%CC%89i-thi%C3%AA%CC%A3n-quan-h%C3%AA%CC%A3

Thái Lan có quay lưng lại Mỹ

để hướng tới đối tác quân sự TQ?

Việc Thái Lan cùng một lúc ký thỏa thuận mua vũ khí cả với Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc một lần nữa dấy lên câu hỏi có phải đất nước chùa vàng đang quay lưng lại với Mỹ và hướng về Trung Quốc.
Một bản tin của Bloomberg cho biết khi ký một tuyên bố về viễn cảnh tương lai với Mỹ tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngồi lặng im, trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hùng hồn nói về cam kết của một đồng minh lâu đời, ở thời điểm ”đầy áp lực và đe dọa từ bên ngoài”- một ám chỉ rõ ràng về Trung Quốc.
Chưa đầy một giờ sau đó, Prayuth ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mơ hồ tương tự với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe. Prayuth còn đồng thời cam kết hỗ trợ các chính sách quan trọng của Bắc Kinh như Sáng kiến Vành đai, Con đường để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ chót của Mỹ là gì?
Thương chiến Mỹ-Trung: Thái Lan ráo riết cạnh tranh với VN
Đến Berlin Ngoại trưởng Mỹ công kích cả Nga lẫn Trung Quốc
Bất kể câu trả lời là như thế nào, Mỹ có lý do để quan tâm.
Dù Thái Lan không cam kết điều gì cụ thể trong hai thỏa thuận nói trên, nhưng động thái đu dây của Prayuth cho thấy Trung Quốc đã xâm nhập được vào quốc gia có mối liên hệ quân sự sâu sắc với Mỹ trong nhiều thập niên.
Được cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush chỉ định là một ”đồng minh lớn không thuộc Nato” từ năm 2003, Thái Lan đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp Mỹ dàn trận trong cuộc chiến Việt Nam, khi cả hai nước hợp tác để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản.
Quan hệ Mỹ-Thái, tuy thế, xuống dốc thảm hại sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, vì luật pháp của Hoa Kỳ hạn chế quan hệ quốc phòng với nước này cho đến khi nền dân chủ được khôi phục.
Đó là cơ hội để Trung Quốc nhẩy vào lấp đầy khoảng trống, mở rộng các cuộc tập trận quân sự, và cuối cùng ký với Thái Lan 10 hợp đồng quốc phòng, trong đó có đơn đặt hàng lớn nhất của nước này từ trước đến nay.
Cụ thể, Thái sẽ bỏ ra 1,03 tỷ đôla để mua của Trung Quốc ba tàu ngầm diesel-điện và 48 xe tăng chiến đấu, viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết.
Nhận định về sự việc này, Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu của Viện ‘Các vấn đề Đông Nam Á’ nói:
”Cuối cùng, sự vẽ lại quan hệ Thái Lan – Hoa Kỳ có nghĩa là Thái Lan đang thấy mình là trung tâm của một cuộc giằng co địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.”
Trong khi đó Raksak Rojphimphun, tổng giám đốc chính sách và kế hoạch của Bộ Quốc phòng Thái Lan, nói bên lề một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ở khu vực Bangkok tháng trước rằng:
”Đây là việc tạo thế cân bằng – chúng tôi không thể chọn hẳn phe nào, mà phải thân thiện với mọi người. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ. Chúng tôi không thể chọn bạn bè.”
Trước nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, sau cuộc bầu cử tháng 3 ở Thái Lan, mà giới quan sát cho rằng không tự do mà cũng không công bằng, chính quyền Trump đã nhanh chóng có động thái bù đắp chỗ đã mất.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ca ngợi Thái Lan về việc trở lại khu vực dân chủ trong chuyến thăm Bangkok vào tháng 8, khi của ông thúc đẩy chiến lược xuất khẩu vũ khí ”Mua hàng Mỹ” của Hoa Kỳ.
Và đúng tinh thần ”không chọn hẳn bên nào”, Thái Lan cho biết hồi tháng 8 là họ sẽ nhận từ Hoa Kỳ 70 xe bọc thép Stryker vào cuối năm nay và họ có kế hoạch mua thêm 50 chiếc nữa. Tháng sau, quân đội Thái Lan cho biết họ đã mua 8 máy bay trực thăng trinh sát tấn công hạng nhẹ AH-6i trong một thỏa thuận trị giá 138 triệu đôla.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ nằm trong lãnh vực bán vũ khí, mà còn mở rộng sang các cuộc tập trận quân sự trong những năm gần đây. Thái Lan tiếp tục tổ chức cuộc tập trận “Cobra Gold” do Mỹ hậu thuẫn, cuộc tập trận quân sự lớn nhất châu Á, năm nay có sự tham gia của 29 quốc gia bao gồm 4.500 nhân viên Mỹ và vài chục người từ Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Thái Lan cũng tham gia tập trận quân sự với Trung Quốc nhiều hơn với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, theo Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS – Yusof Ishak.
Theo dữ liệu của SIPRI, doanh số bán vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ 644 triệu đôla năm 2008 lên 1,04 tỷ đôla năm 2018. Tuy nhiên, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc còn rất yếu so với xuất khẩu trung bình của Mỹ, hơn 9 tỷ đôla hàng năm trong suốt 10 năm qua. Chỉ riêng năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu vũ khí trị giá 10,5 tỷ đôla cho quân đội các nước ngoài.
Đối với ngân sách quốc phòng khoảng 7,7 tỷ đôla hàng năm của Thái Lan, Trung Quốc có thể cung cấp một số vũ khí giá rẻ hơn so với Mỹ.
Giờ đây, là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ năm thế giới, Trung Quốc bán vũ khí phần lớn cho các nước láng giềng, trong đó châu Á chiếm 75% tổng doanh số, với Pakistan, Bangladesh và Myanmar là những khách hàng lớn nhất.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp trong chương trình vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI nhận xét:
”Đông Nam Á là một thị trường quốc phòng đang phát triển, nơi các quốc gia có nhiều tiền hơn để chi tiêu và cảm thấy cần phải phản ứng với mức chi tiêu quân sự của các nước láng giềng.”
Việc Hoa Kỳ giảm sự tham gia vào Châu Á đã thúc đẩy nhiều quốc gia hướng tới Trung Quốc.
”Hoa Kỳ rõ ràng đã trở thành một đối tác ngày càng không thể trông cậy vào.” Siemon Wezeman kết luận.
Suy cho cùng, vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn, Bắc Kinh lại không bắt các đối tác phải cải thiện dân chủ.
Vì thế nếu Thái Lan thật sự quay lưng với Hoa Kỳ và ngày càng nghiêng dần về Trung Quốc, điều này có lẽ không làm ai ngạc nhiên.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50642095

“Ăn phải trái đắng”,

Sri Lanka muốn đòi lại cảng cho TQ thuê

Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lên nắm quyền, Sri Lanka đang muốn đòi lại cảng Hambantota đã cho Tập đoàn cảng biển thương mại Trung Quốc đứng đầu thuê cảng này trong 99 năm, bắt đầu từ năm 2018 vì lý do lợi ích quốc gia.
Năm 2017, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thay đổi các điều khoản trong hợp đồng xây cảng Hambantota, nói rằng sẽ khó trả khoản nợ nước này vay của Trung Quốc để thực hiện dự án. Ông đồng ý cho một liên doanh do Tập đoàn cảng biển thương mại Trung Quốc đứng đầu thuê cảng này trong 99 năm, bắt đầu từ năm 2018. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lên cầm quyền, Sri Lanka đang muốn đảo ngược lại điều đó và đòi lại cảng biển trên từ Trung Quốc. Theo cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương và là cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, Sri Lanka muốn Trung Quốc trao trả lại cảng Hambantota; cho rằng “điều lý tưởng nhất sẽ là trở lại nguyên trạng” và “Sri Lanka trả nợ đúng hạn theo cách nước này đã đồng ý từ đầu mà không có sự xáo trộn nào”.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng “thỏa thuận cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên nền tảng bình đẳng và tham vấn” và “Trung Quốc mong chờ làm việc với Sri Lanka để đưa Hambantota thành trung tâm vận tải mới ở Ấn Độ dương và phát triển nền kinh tế địa phương”.
Cảng Hambantota là tâm điểm của những tranh cãi xung quanh sáng kiến Vành đai Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng để xây dựng hệ thống giao thông kết nối từ Kenya đến Myanmar, trong đó có những cáo buộc rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dục các nước nghèo vào bẫy nợ. Tại Sri Lanka, thỏa thuận cho thuê cảng Hambantota vấp phải sự phản đối từ đảng của ông Rajapaksa. Chính giới, học giả Sri Lanka cho rằng “đây là một thỏa thuận liên quan đến chủ quyền” và khó có khả năng nó sẽ bị bỏ hoặc thay đổi theo cách lớn như vậy. Nỗ lực đảo ngược thỏa thuận này có thể giúp chính phủ mới của Sri Lanka, đứng đầu là Tổng thống Gotabaya và Thủ tướng Mahinda, thể hiện quyết tâm thay đổi hợp đồng bị coi là đe dọa đến an ninh quốc gia của Sri Lanka. Đây cũng là thông điệp tranh cử chủ chốt của ông Gotabaya.
Được biết, hầu hết các dự án đầu tư cảng biển của Trung Quốc ở nước ngoài đều nằm trải dọc theo 3 “hành lang kinh tế xanh”, một sáng kiến của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, với tham vọng kết nối châu Á với châu Phi, châu Đại Dương và châu Âu trong khuôn khổ chung của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Đóng vai trò trung tâm là “hành lang” nối từ Trung Quốc tới Ấn Độ Dương, châu Phi đến Địa Trung Hải. Hành lang này gắn liền với những dự án chủ chốt khác của BRI, như Hàng lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Hành lang Kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar. Dọc tuyến hành lang biển này, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào những cảng tại Gwadar (Pakistan), Colombo và Hambantota (đều tại Sri Lanka). 4 dự án đầu tư khác cũng được lên kế hoạch tại Malaysia. Trung Quốc cũng đang đàm phán đầu tư cảng biển tại Tanjung Priok (Indonesia) và Kyaukpyu (Myanmar). Hành lang thứ hai nối Trung Quốc với Úc và Nam Thái Bình Dương. Úc là thị trường đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào cảng biển tại Darwin, Newcastle và Melbourne của Australia. Cảng Darwin xuất khẩu 35% lượng gia súc của Úc trong khi cảng Newcastle xuất khẩu 40% lượng than của nước này. Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất đối với cả 2 sản phẩm này của Australia. Hành lang thứ ba, nối Trung Quốc với châu Âu qua Bắc Băng Dương, hiện chưa được khai thác nhiều, nhưng có tiềm năng rất quan trọng vì có thể rút ngắn hải trình vận tải hàng hóa được nhiều ngày. Các dự án được Trung Quốc đứng sau lưng, dưới dạng đàm phán hoặc đang bỏ thầu đầu tư, bao gồm các cảng tại Arkhangelsk (Nga), Klaipeda (Litva), Kirkenes (Na Uy) và một cảng nước sâu tại phía Bắc của Iceland.
Để thâu tóm các cảng biển chiến lược trên, các công ty Trung Quốc, với sự hậu thuẫn về tài chính và ảnh hưởng chính trị của chính quyền Trung Quốc đã triển khai nhiều “kế hoạch” thâu hiểm. Đầu tiên, Trung Quốc sử dụng nguồn vốn vay, giúp hỗ trợ tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nước nghèo cần, đổi lại Bắc Kinh yêu cầu được tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ khoáng sản tới cảng biển. Đáng chú ý, thay vì cung cấp các khoản trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi, Trung Quốc hỗ trợ các khoản vay liên quan đến dự án lớn với lãi suất thị trường, không minh bạch, ít đánh giá tác động tới môi trường và xã hội. Thứ hai, không như cách thức cho vay của các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), những tài sản thế chấp cho khoản vay của Trung Quốc là các tài sản quan trọng mang tính chiến lược và có giá trị lâu dài (kể cả đôi khi không đem lại lợi ích về mặt ngắn hạn). Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cách sử dụng các khoản vay cũng như viện trợ đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm giành lấy ảnh hưởng trên thế giới. Thỏa thuận về khoản nợ cũng làm gia tăng một số cáo buộc gay gắt nhất về Sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng các chương trình cho vay và đầu tư toàn cầu đang mở rộng “chiếc bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra với những quốc gia yếu kém trên thế giới, làm gia tăng tham nhũng và các hành vi chuyên quyền tại các nền dân chủ vẫn còn đang phải đấu tranh. Thứ ba, Trung Quốc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đấu thầu để mua lại chính thức các cảng biển chiến lược trên thế giới như Tập đoàn phát triển cảng Merchants, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc; Công ty Trung Quốc như Cosco Shipping Ports… Thứ tư, Trung Quốc dùng tiền tệ để thao túng chính trường một số nước kém phát triển, từ đó đạt được những lợi ích cần thiết. Trong các cuộc bầu cử năm 2015 của Sri Lanka, các khoản thanh toán lớn từ quỹ xây dựng cảng Trung Quốc được rót thẳng vào các hoạt động và công tác vận động bầu cử cho ông Rajapaksa, người đã chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc và được coi là đồng minh quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng tầm ảnh hưởng khỏi Ấn Độ ở khu vực Nam Á.Các nghiên cứu do chính phủ tiến hành đã kết luận rằng cảng biển ở Hambantota không hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên ông Rajapaksa bật đèn xanh cho dự án và sau đó tuyên bố là Trung Quốc đã nhập cuộc. Khoản vay lớn đầu tiên mà Sri Lanka nhận là 307 triệu USD từ Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được khoản vay, Sri Lanka buộc phải chọn công ty Cảng Trung Quốc (CHEC) làm đơn vị thi công.
Việc thâu tóm hàng loạt các cảng biển chiến lược trên thế giới ngoài phục vụ mục địch kinh tế, nó còn hỗ trợ các kế hoạch quân sự của Trung Quốc. Thứ nhất, việc thâu tóm các cảng biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, giúp nước này giải quyết tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước bằng việc thúc đẩy xuất khẩu. Từng bước biến những nước bản địa trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh muốn đạt được các lợi ích chiến lược, bao gồm mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao, đảm bảo tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn và đạt được lợi thế trước các cường quốc khác trên thế giới. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để quân đội Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc từng góp 8.000 lính cho lực lượng gìn giữ hòa bình dự bị của LHQ. Theo công ty chuyên về nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ và tập đoàn, doanh nghiệp thương mại (Stratfor) của Mỹ, trong vòng 5 năm qua, có một xu hướng mà Stratfor quan sát được là lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tích cực hơn hẳn. Số lượng nhiệm vụ được triển khai là rất cao và dự đoán sẽ còn tăng lên nữa. Có điều là các hoạt động nhộn nhịp của Hải quân Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi khả năng hậu cần hạn chế trên phạm vi thế giới. Cụ thể là khả năng tiếp tế trên đường, tức là các tàu có thể tiếp nhiên liệu ngay trên biển hoặc có các cảng phục vụ công tác tiếp tế nhu yếu phẩm và bảo trì. Dù Trung Quốc có đội tàu tiếp vận lớn thứ hai thế giới, họ vẫn chỉ đảm bảo được việc tiếp tế trong khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đầu tư mạnh để đóng các con tàu tiếp vận mới, Trung Quốc đang tích cực phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại. Trước hết là tăng khả năng hậu cần cảng biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tiếp đó là tăng khả năng hoạt động của các hạm đội Trung Quốc trên toàn cầu để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển. Thứ tư, Trung Quốc tích cực triển khai các biện pháp thâu tóm cảng biển quốc tế để tìm cách thúc đẩy xu hướng di dân. Khi xây dựng cảng nước sâu Trung Quốc sẽ đưa công nhân từ trong nước tới những nước bản địa. Những công nhân này sẽ lấy vợ, sinh con và lập thành những cộng đồng Hoa kiều ở nước bản địa. Đó là cách di dân, tạo công ăn việc làm cho công nhân trong nước. Thứ năm, việc đầu tư xây dựng các hải cảng ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xây dựng “Chuỗi ngọc trai trên biển” của Trung Quốc. Đây là kế hoạch xây dựng vành đai căn cứ quân sự chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương và tới tận bờ biển châu Phi. Với việc kết nối thành công các hệ thống cảng biển trên, Trung Quốc sẽ phá vỡ thế bao vây của Mỹ và các nước đồng minh đang tạo ra ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Các cảng nước sâu đang xây dựng tại Campuchia có thể chứa hầu hết các tàu khu trục và chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc. Đó là một phần trong mạng lưới các cảng Trung Quốc đầu tư ở châu Á, đặc biệt là ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia. Những hải cảng này đóng vai trò vô cùng quan trong trong việc theo đuổi mục tiêu thống trị khu vực. Thứ sáu, các cảng thương mại có thể xây dựng với mục tiêu dần dần phát triển thành các “điểm hỗ trợ chiến lược” có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong việc kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Washington, việc đầu tư vào các cảng biển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh. Thứ bảy, việc nắm quyền kiểm soát các cảng biện gần căn cứ quân sự của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ các hoạt động tàu của Mỹ, biết được các hoạt động bảo trì, có quyền truy cập vào các thiết bị di chuyển đến và từ các địa điểm sửa chữa và tương tác một cách tự do với các thủy thủ của chúng tôi trong các giai đoạn kéo dài. Thứ tám, nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Việc mua những cảng mới này cũng giúp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào nền chính trị và kinh tế của thế giới. Mặc dù số tiền mà nước này đã bỏ ra có thể nhiều đến mức vô lý, điều mà Trung Quốc đang nhận lại được là chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế mà họ có thể duy trì trong nhiều thập kỷ, tạo ra một mô hình kinh tế địa chính trị mới. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã luôn nở nụ cười và nói về các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế như dự án hàng hải của Trung Quốc đang tạo ra các mặt trận mới của thế kỷ 21, nơi lợi thế về kinh tế là vũ khí chủ đạo.
Tuy nhiên, chiến lược đầu tư vào cảng biển của Trung Quốc tiềm ẩn một số rủi ro. Sự phục hồi của thương mại toàn cầu đã diễn ra chậm chạp trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính, làm dấy lên những tranh cãi về việc phải chăng cách thức tiến hành thương mại đã thay đổi về cơ bản. Ngày càng xuất hiện xu hướng địa phương hóa khâu sản xuất thay vì xây dựng theo kiểu chuỗi cung cấp toàn cầu. Những phát minh như công nghệ in 3D khiến cho việc vận tải hàng hóa có thể trở nên không còn quá cần thiết như trước kia. Bên cạnh đó, xu thế bảo hộ thương mại trên phạm vi toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, không loại trừ khả năng các công ty và tập đoàn của Trung Quốc đang đầu tư quá mức vào hệ thống cảng biển toàn cầu. Một rủi ro khác đối với Trung Quốc xuất phát từ sự thất thường về tâm trạng chính trị của các nước chủ nhà. Đầu tư vào các cảng biển có thể bị xem là nhạy cảm, nhất là khi đầu tư của các công ty Trung Quốc lại được xem là gắn liền với những mục tiêu chiến lược quốc gia toàn diện hơn. Bangladesh đã hủy một hợp đồng xây dựng cảng nước sâu với Trung Quốc tại Sonadia năm 2016 trong bối cảnh quốc gia Nam Á này tìm cách cân bằng quan hệ với Ấn Độ và Mỹ. Lẽ ra Sonadia đã trở thành cảng biển nước sâu đầu tiên của Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/31873-an-phai-trai-dang-sri-lanka-muon-doi-lai-cang-cho-tq-thue.html

Ấn Độ đuổi tàu Trung Quốc

xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế

Thụy My
Hôm nay, 03/12/2019, Hải Quân Ấn Độ đã xua đuổi một tàu khảo sát Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở gần Port Blair.
Theo Times of India, chiếc tàu khảo sát Shi Yan 1 của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát gần Port Blair thuộc quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết chiếc tàu này đã bị máy bay giám sát biển phát hiện.
Ngay sau đó Hải Quân Ấn Độ đã điều một chiến hạm đến nơi, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ. Sau khi bị cảnh cáo, chiếc Shi Yan 1 đã di chuyển về hướng khác, có thể là về Trung Quốc.
Chiếc tàu khảo sát của Trung Quốc có thể được Bắc Kinh gởi đến để dọ thám các hoạt động của Ấn Độ tại vùng biển quanh các đảo thuộc Ấn Độ, nơi New Delhi quan sát chặt chẽ giao thông hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.
Gần đây, các phi cơ giám sát biển P-81 của Hải Quân Ấn Độ đã phát hiện bảy chiến hạm Trung Quốc hoạt động bên trong cũng như xung quanh khu vực Ấn Độ Dương, và còn chụp được ảnh chiếc tàu đổ bộ Xian-32 (Tây An) của Trung Quốc.
Bắc Kinh nói rằng tàu Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương nhằm tuần tra chống hải tặc. Tuy nhiên New Delhi phản bác, nhấn mạnh rằng sử dụng các chiến hạm với các tàu ngầm nguyên tử hộ tống để chống hải tặc là vô lý.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191203-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-%C4%91u%E1%BB%95i-t%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c-x%C3%A2m-nh%E1%BA%ADp-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BA%B7c-quy%E1%BB%81n-kinh-t%E1%BA%BF

Cảnh báo đỏ của Australia:

Đại học TQ hợp tác với giới tình báo quân đội

Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã công bố báo cáo cho biết 115 trường đại học Trung Quốc được cho là có các mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Do vậy, các trường đại học Australia được khuyến cáo không nên hợp tác với các trường này.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), việc hợp tác với các trường đại học Trung Quốc có thể bị tác động bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoặc các cơ quan an ninh vì mục đích quân sự, nhân quyền hoặc giám sát. Hiện có 115 trường đại học Trung Quốc được cho là có các mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Do vậy, các trường đại học Australia không nên hợp tác với các trường này.
Giới chuyên gia của ASPI cho biết, kể từ năm 2005, hơn 2.500 nhà khoa học và các kỹ sư quân sự Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này đã tới làm việc ở Anh, Mỹ, Australia. Các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược và mới nổi như vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ định vị và phương tiện tự điều khiển. Theo báo cáo của ASPI, các “du học sinh” này được che giấu thân phận tới từ các cơ quan nghiên cứu quân sự tại Trung Quốc và trong hồ sơ cho thấy có quan hệ với các trường đại học dân sự, viện nghiên cứu ở Trung Quốc, một số trong đó thậm chí còn không tồn tại. Chuyên gia Joske của ASPI mô tả phương thức mới này của Bắc Kinh là một sự tấn công quân sự học thuật giúp Bắc Kinh lấy được thông tin về các vũ khí nhạy cảm và nghiên cứu truyền thông từ nước ngoài như một cách làm tổn hại tới lợi ích chiến lược của phương Tây; đồng thời khẳng định gần như tất các nhà khoa học quân sự được quân đội gửi ra nước ngoài đều là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ thường về nước đúng hạn thay vì nán lại ở quốc gia du học.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao khi hãng tin Reuters (25/11) đưa tin, Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) cho biết đang điều tra nghi vấn Trung Quốc tìm cách gài gián điệp vào quốc hội nước này. Tình báo Australia xác định rằng, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng nhằm vào quốc hội và 3 đảng chính trị lớn nhất của Australia trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Thông tin về cuộc điều tra được đưa ra trong bối cảnh một người tự nhận là “điệp viên” của Trung Quốc đã đào tẩu sang Australia, cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động can thiệp chính trị vào các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Australia.
Không chỉ Australia, Mỹ hiện cũng đang lo ngại về việc hợp tác giáo dục với Trung Quốc vì nghi ngờ Bắc Kinh cài cắm gián điệp vào số lưu học sinh đang học tập tại Mỹ. Chính quyền Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi ăn cắp, mặt khác đã tung ra một loạt những biện pháp ngăn chặn, trong đó có việc phòng chống các hình thức gián điệp công nghiệp. Biện pháp cụ thể nhất đã được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành là rút ngắn thời hạn visa từ tối đa 5 năm xuống còn 1 năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất công nghệ cao. Theo các quan chức Mỹ, biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực thiết yếu cho an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đang cân nhắc một biện pháp khác là rà soát kỹ lưỡng lý lịch các sinh viên Trung Quốc qua Mỹ du học. Theo giới chức Mỹ, chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng kiểm tra thêm về nhân thân sinh viên Trung Quốc ngay từ trước khi họ đến Mỹ. Công việc cần làm bao gồm việc kiểm tra lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, rà soát các tài khoảng mạng xã hội và các mối quan hệ của các sinh viên với các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm phát hiện cứ manh mối khả nghi nào về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó. Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo các giới chức ngành giáo dục về cách thức phát hiện các hành vi gián điệp và tin tặc. Quan chức này giải thích: “Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đi đều phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới Mỹ vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào đến Mỹ đều có ràng buộc với chính phủ”. Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc
là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với việc Bắc Kinh bị cho là đã sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.
Đáp trả thông tin trên, Trung Quốc khẳng định người tự xưng là “điệp viên đào tẩu” ở Australia là một kẻ lừa đảo, đang bị truy nã vì tội hình sự ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (25/11) đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới nghi vấn can thiệp công việc nội bộ của Australia; cho rằng một số chính trị gia, viện nghiên cứu và truyền thông Australia đã căng thẳng quá mức về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Họ đã đạt đến mức độ cuồng loạn và căng thẳng cực độ. Những câu chuyện như “gián điệp Trung Quốc” hay “sự can thiệp của Trung Quốc vào Australia” chỉ là những lời dối trá”; nhấn mạnh “Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Chúng tôi phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Australia và các nước khác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng tôi không can thiệp và cũng không bao giờ quan tâm tới việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.
http://biendong.net/bien-dong/31876-canh-bao-do-cua-australia-dai-hoc-tq-hop-tac-voi-gioi-tinh-bao-quan-doi.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.