Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 06/09/2019

Friday, September 6, 2019 4:38:00 PM // ,

TQ ngang ngược phản ứng

việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải hợp pháp ở Biển Đông

Sau khi Mỹ (28/8) điều tàu khu trục Wayne E. Meyer thuộc lớp Arleigh Burke tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ngang ngược đưa ra tuyên bố phản đối và có hành vi đe dọa Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Lý Hoa Mẫn ngang ngược cho biết, Bắc Kinh “đã gửi tàu thuyền và máy bay chiến đấu ra theo dõi, giám sát hoạt động của tàu Mỹ”; cho rằng tàu khu trục Wayne E. Meyer đã “xâm phạm vùng lãnh hải Trung Quốc” khi không được phép của chính quyền Bắc Kinh. Đồng thời ông Lý Hoa Mẫn không quên vu cáo “thực tế này chứng minh rằng cái gọi là tự do đi lại của Mỹ thực sự chính là sự xác quyết quyền bá chủ trên biển, phớt lờ luật pháp quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc và làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong vùng Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông; Trung Quốc thúc giục phía Mỹ hãy ngay lập tức chấm dứt các hành động mang tính khiêu khích như vậy, nhằm tránh để xảy ra những sự việc ngoài mong muốn”.
Được biết, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như quân sự hóa, cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo, khiến Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông,
tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực. Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (4) Đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới truyền thông và chuyên gia, học giả nhận định, Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, nhất là trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ Việt Nam là nhằm: Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Hoạt động tuần tra lần này diễn ra giữa lúc các quan chức thương mại Mỹ-Trung Quốc đang thúc đẩy các hoạt động đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước; Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc; Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016). Theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các quy định của UNCLOS, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập là bãi đá nửa chìm nửa nổi, chính vì vậy đá này chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải quanh khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn và đá Chữ Thập cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa. Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn và đá Chữ Thập. Một hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cần được tôn trọng và thực thi. Ngoài ra, Mỹ thúc đẩy tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa còn nhằm “dằn mặt”, phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam thời gian vừa qua.
Liên quan vấn đề này, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và là một quốc gia ven biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Tập trận Mỹ-ASEAN:

‘Mỹ sẽ không đứng yên nếu TQ tiếp tục ép VN’

Tina Hà GiangBBC Vietnamese
Cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Hoa Kỳ và 10 thành viên ASEAN từ 2 – 6/9/2019 , ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực Nam của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý.
Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ được cho là có nhiều ẩn ý chính trị, nhất là đối với Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bài viết ”Trung Quốc có nên lo lắng về tập trận hàng hải chung Mỹ-Asean?”, Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, phân tích ý nghĩa của cuộc tập trận hàng hải chung với Mỹ lần đầu tiên có sự hiện diện của cả 10 nước thành viên ASEAN với Hà Nội, Washington, và Bắc Kinh.
TS Collin Koh: Tập trận hàng hải ASEAN-US với tất cả các quốc gia ASEAN mang tính biểu tượng lớn. Điều đó có nghĩa là bất chấp sự bất mãn của Trung Quốc đối với những gì nước này xem là hành động bên ngoài xen vào tình hình Biển Đông, ASEAN rất muốn thấy sự tham gia của Mỹ trong một hiện diện quan trọng về quốc phòng và an ninh khu vực.
Riêng với Hà Nội, cuộc tập trận này cũng có thể tạo thành một hình thức ngăn chặn Bắc Kinh vượt qua ngưỡng sử dụng vũ lực để tìm cách thay đổi hiện trạng tranh chấp lãnh hải với Việt Nam.
BBC: Theo ông, với Hoa Kỳ, cuộc tập trận này mang ý nghĩa gì?
TS Collin Koh: Từ thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã muốn có cuộc tập trận này nhưng mãi đến giờ mới thực hiện được. Cuộc tập trận này và tầm quan trọng của nó cần được nhìn thấy trong bối cảnh cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Trung Quốc gần một năm trước, và đề xuất của Trung Quốc trong Dự thảo Duy nhất Bộ quy tắc Ứng xử về Biển Đông (SDNT), hịện đang được các nước ASEAN đàm phán. Đề xuất này quy định rằng “các bên không được tham gia tập trận với những nước ngoài vùng, trừ khi tất cả các bên liên quan được thông báo trước, và không phản đối.”
Về cơ bản, cuộc tập trận hàng hải ASEAN-US khẳng định vị thế của Hoa Kỳ đối với các cam kết an ninh liên tục trong khu vực.
BBC:Bài viết của ông đề cập đến vị thế của Hoa Kỳ theo Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố gần đây. Theo ông thì những điểm quan trọng nhất mà Việt Nam và Trung Quốc cần rút ra từ báo cáo này là gì?
TS Collin Koh: Điểm nổi bật của Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là chính sách tham gia quốc phòng và an ninh của Hoa Kỳ vào trong khu vực này không hề thay đổi mà còn sẽ tiếp tục được tăng cường. Về phía Việt Nam, Hà Nội có thể khai thác cơ hội này để nhờ Mỹ để đối phó với khẳng định chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Còn với Trung Quốc thì Bắc Kinh phải thấy là trong việc vẫn cam kết giúp duy trì hòa bình và an ninh khu vực, Mỹ đã rất quan tâm với những hành vi của Trung Quốc tại vùng biển này.
Điều này có thể có nghĩa là Bắc Kinh phải nhận ra rằng họ không thể hoàn toàn thống trị để đạt được những gì họ muốn trong khu vực, mặc dù họ đã phát triển mạnh mẽ.
BBC: Ông có thể giải thích ý nghĩa chính trị của cuộc tập trận này đối với các cuộc xung đột ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhìn theo quan điểm của Bắc Kinh?
TS Collin Koh: Mỹ muốn hợp tác khai thác năng lượng với Việt Nam. Nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ chiến lược vừa chớm nở giữa Hà Nội và Washington, cuộc tập trận này không chỉ báo hiệu sự bền vững của hiện diện an ninh của Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông, mà còn có thể ám chỉ rằng Mỹ sẽ không đứng yên nếu Bắc Kinh tiếp tục tìm cách ép buộc Việt Nam phá vỡ các quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Điều này có thể phục vụ như một tín hiệu cảnh báo xác thực cho Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh không rút lại mối đe dọa vũ lực ở cường độ thấp, ít nhất điều này có thể ngăn cản họ bắt tay vào các hành động quyết liệt hơn.
BBC:Ông viết rằng ”ASEAN có thể là phe chiến thắng lớn nhất trong cuộc tập trận này”. Tại sao?
TS Collin Koh: Tất nhiên, ASEAN có thể khẳng định tính trung lập của mình, và quan trọng hơn, khẳng định khái niệm bao gồm (inclusivity) của nó – khác với quan điểm loại trừ (exclusivity) của Bắc Kinh – đối với kiến ​​trúc khu vực. Tham gia tập trận với Mỹ cho thấy ASEAN và các quốc gia thành viên sẽ bảo vệ quyền tự chủ về chiến lược của họ trong việc lựa chọn với ai, và khi nào, họ muốn tham gia vào các hoạt động quốc phòng và an ninh bao gồm các cuộc tập trận chung. Và họ sẽ không phải chịu ảnh hưởng của bất kỳ quyền lực bên ngoài nào.
Về lâu dài, điều này chỉ có lợi cho ASEAN, và các cuộc tập trận có tính chất tương tự như vậy cũng có thể được tiến hành với các cường quốc khác.
BBC: Việc cuộc tập trận chung mở rộng đến mũi Cà Mau của Việt Nam, theo ông, có mang ý nghĩa gì không?
TS Collin Koh: Việc cuộc tập trận có thể kéo đến mũi Cà Mau, theo tôi, có thể có nghĩa là Trung Quốc phải xem xét yếu tố Biển Đông đằng sau cuộc tập trận hàng hải giữa các nước ASEAN và Mỹ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng việc tập trận đến tận đây được thiết kế có chủ đích truyền tải một thông điệp như vậy.
Tôi không có thông tin riêng tư về lý do tại sao cuộc tập trận lại đến gần Cà Mau, nhưng có lẽ sẽ không sai khi cho rằng ít nhất một số quốc gia thành viên ASEAN sẽ không thoải mái nếu việc tập trận đến Cà Mau rõ ràng là có ý định gửi tín hiệu Biển Đông tới Bắc Kinh, vì họ ngại bị cáo buộc tham gia nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo.
BBC:Với chuyến đi dự kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 10, ông có nghĩ là chủ đềquan hệ chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được mang ra bàn thảo luận không?
TS Collin Koh: Tôi tin như vậy. Như đã nói, Hoa Kỳ có lợi ích trực tiếp trong việc hợp tác năng lượng với Việt Nam, đặc biệt là dự án ngoài khơi của ExxonMobil tại vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, khía cạnh này sẽ tạo thành một phần của cuộc thảo luận về mối quan hệ chiến lược rộng lớn hơn. Nó cũng có thể bao gồm thảo luận về cách Hoa Kỳ có thể tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và thậm chí là chuyển giao phần cứng tiềm năng như tàu tuần tra.
BBC:Ông có nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho quan hệ chiến lược với Mỹ chưa, tại saocó hay không? Và trong mỗi kịch bản, yếu tố then chốt nào sẽ ảnh hưởng quyết định của Hà Nội?
TS Collin Koh: Trước bối cảnh những gì đang xảy ra ở Biển Đông cho đến giờ, tôi tin rằng Việt Nam, dù có thể không có ngay một hiệp ước liên minh với Mỹ, vẫn rất muốn, và sẵn sàng để tìm hiểu cách tăng cường thêm nữa quan hệ đối tác chiến lược của hai bên. Yếu tố Trung Quốc và tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ là động lực chính cho kịch bản như vậy. Nhưng có thể vẫn có những thách thức cản trở việc này.
Bất chấp mong muốn đến gần nhau hơn về mặt chiến lược mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có, đặc biệt là trong quan điểm của họ về một trật tự thế giới dựa trên quy tắc, và đương nhiên, Việt Nam hoan nghênh việc duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, vẫn có những khác biệt chính trị chưa được giải quyết về vấn đề nhân quyền. Khía cạnh này cho đến này chưa được đề cập đến, và dường như đã được gác qua một bên, khi cả hai nước đang tìm cách nhấn mạnh sự tương đồng, thay vì khác biệt, trong quan hệ đối tác của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể giảm khả năng là vấn đề này tái xuất hiện để ám ảnh giới tinh hoa về chính sách ở cả hai thủ đô.
Hà Nội có thể có một hướng đi là sẽ tiếp tục giữ quan điểm cởi mở trong việc đối thoại với Mỹ về vấn đề nhân quyền, nếu chủ đề này thỉnh thoảng xuất hiện trong tương lai. Một cơ chế đối thoại lành mạnh sẽ rất hữu ích trong việc làm để giảm thiểu bất kỳ phản ứng bất lợi nào có thể có trên quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn.

Không nói nhiều, Mỹ điều tàu khu trục

tuần tra Biển Đông răn đe TQ

Ngày 28/8, Mỹ đã điều tàu khu trục Wayne E. Meyer tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết, tàu khu trục Wayne E. Meyer đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa để “thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và duy trì quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo quy định của luật pháp quốc tế”.
USS Wayne E. Meyer (DDG 108) là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên được đặt theo tên của cố Chuẩn Đô đốc Wayne E. Meyer, người được xem là cha đẻ của Aegis – hệ thống vũ khí hiện đại trang bị cho các tàu Hải quân Mỹ trên toàn hạm đội. Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer do nhà máy đóng tàu BathIron Works chế tạo và hạ thủy ngày 18/10/2008. Đến tháng 6/2009, tàu hoàn thành các cuộc chạy thử trên biển và chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 7 cùng năm. Wayne E. Meyer thuộc biên chế của Hải đoàn Khu trục số 1, Nhóm tác chiến Tàu sân bay Số 1 (CSG-1) do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz USS Carl Vinson làm kỳ hạm. Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer có chiều dài 155 m, chiều rộng ngang thân 20,4 m, lượng giãn nước đầy tải 9.200 tấn và có tốc tộ tối đa 32 hải lý/h. USS Wayne E. Meyer được biên chế 2 trực thăng SH-60 (LAMPS 3); trang bị hệ thống phóng ngư lôi Mk-32, pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx, 1 pháo đa năng Mk-45, 4 súng máy, 6 ngư lôi hạng nhẹ, 96 ống phóng thẳng đứng mang tên lửa hành trình, phòng không tầm xa, phòng không tầm trung, chống ngầm; hệ thống tác chiến hiện đại Aegis với radar hoạt động liên tục, cường độ cao cho phép định vị chính xác 100 mục tiêu ở khoảng cách 190 km.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ liền điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn và đá Chữ Thập. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”; nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; nhấn mạnh “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; khẳng định “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Đá Vành Khăn và đá Chữ Thập là hai trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo. Trung Quốc thúc đẩy hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo này, xây dựng nhiều cơ sở quân sự và các đường băng đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và oanh tạc cơ hạng nặng. Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông. Đợt FONOP lần này được tiến hành trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang mạnh mẽ vào cuối tuần trước khi hai bên tung các đòn thuế ăn miếng trả miếng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (22/8) khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời không phủ nhận khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về những hành vi ngang ngược trên Biển Đông. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.