Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 06/09/2019

Friday, September 6, 2019 4:47:00 PM // ,

Đọc  báo Pháp – 06/09/2019

Trung Quốc tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ

từ tiểu học để đồng hóa

Trang nhất Libération hôm nay 06/09/2019đăng ảnh các trẻ em Duy Ngô Nhĩ với dòng tựa lớn « Trung Quốc đang đày đọa các em này », và dành bốn trang lớn để tố cáo tình trạng « Người Duy Ngô Nhĩ bị giam hãm từ lúc mới đến trường ».
Bài xã luận của Libération mang tựa đề « Không thể dung thứ », đặt câu hỏi, có ai biết được trẻ em bị tách khỏi cha mẹ đang bị cải tạo, chỉ vì là người Duy Ngô Nhĩ ? Ai biết được chính quyền Trung Quốc đã phá vỡ cơ cấu gia đình, khi buộc con cái phải tố cáo khi thấy cha mẹ cầu nguyện hoặc ăn chay ?
Nếu tình trạng của người Tây Tạng gây xúc động cho cộng đồng quốc tế, thì việc người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp lại không được quan tâm. Tệ hơn nữa, để giữ quan hệ (chủ yếu là kinh tế) với Bắc Kinh, chủ đề này không được nhắc đến trong các cuộc họp song phương, đa phương.
Cho dù không được vào Tân Cương, hai nhà báo của Libération đã có được nhiều nguồn thông tin cho thấy một cuộc thanh lọc đang diễn ra. Cả một dân tộc đang bị đồng hóa, kể cả trẻ em mới 8 tháng. Bị tách rời khỏi gia đình, không được nói bằng tiếng mẹ đẻ, bị xúi giục phản bội lại người thân… trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị tẩy não.
Nỗ lực biến trẻ em Duy Ngô Nhĩ thành người Hán
Tờ báo mô tả những trường tiểu học và mẫu giáo mang những cái tên đẹp đẽ, nhưng được bao bọc bằng những hàng rào điện 10.000 volt, những chiếc loa phóng thanh phát ra những bài tuyên truyền và các bốt gác của công an trong sân trường. Thông qua hệ thống nội trú bắt buộc, hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang là nạn nhân của chủ trương chuyển đổi cả một thế hệ người Hồi giáo trẻ thành người Hán.
Nhà dân tộc học Sabine Trebinjac của CNRS nhận định : « Trung Quốc muốn tạo ra những trẻ em người Hoa hoàn hảo. Việc tách rời các em khỏi gia đình là nhằm mục đích cắt đứt khỏi nền văn hóa dân tộc, tăng cường việc diệt chủng ».
Từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), cựu bí thư Tây Tạng lên nắm quyền ở Tân Cương tháng 8/2016, thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi, Kazakhstan, Kirghizstan bị đàn áp dữ dội. Vùng đất giàu tài nguyên chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc bị giám sát bằng công nghệ cao với vô số camera, các dữ liệu sinh trắc bị cướp, điện thoại bị cài phần mềm gián điệp và người dân bị cấm di chuyển nếu không có giấy phép đi đường.
Dân chúng bị cấm uống rượu, cấm để râu dài, cấm đặt tên Hồi giáo cho con mới sinh…và chỉ cần gọi điện thoại ra nước ngoài cũng đủ để vào tù vì tội « cực đoan tôn giáo ». Thậm chí còn bị kết án tử hình, như nhà địa lý học Tiyip Taspholat, hiệu trưởng trường đại học Tân Cương, mùa thu vừa rồi bị cáo buộc « nuôi dưỡng sự gắn bó thầm lặng với nền văn hóa » Duy Ngô Nhĩ.
Bên cạnh việc cầm tù, từ 2007 diễn ra chiến dịch bắt đi cải tạo hàng loạt. Có ít nhất một triệu người dân địa phương, dù giàu hay nghèo, là nông dân hay giảng viên đại học, nghệ sĩ, vận động viên, tiểu thương, Hồi giáo, không tôn giáo hoặc có khi Công giáo, đã bị tống vào các trại cải tạo được canh gác nghiêm ngặt. Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, chen chúc sau những bức tường cao, trong những xà-lim chật kín, họ phải học thuộc lòng « tư tưởng Tập Cận Bình ». Trại viên phải lao động nặng nhọc với thù lao tượng trưng.
Học sinh Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức vào nội trú từ lớp 4
Nhờ cuộc điều tra tỉ mỉ của nhà nghiên cứu độc lập người Đức, Adrian Zenz, công bố vào tháng Bảy trên Political Risk, ngày nay người ta biết rằng cả trẻ em cũng bị giam hãm. Ông Zenz khẳng định với Libération : « Việc tẩy não thiếu nhi Duy Ngô Nhĩ nằm trong một chiến dịch tương đương với người lớn. Tại một số trường, các em bé từ 8 tháng đến 1 tuổi mà cha mẹ bị đi cải tạo, phải ở luôn trong trường, mặc dù còn có những người thân khác. Các học sinh vẫn còn cha mẹ thì phải nội trú từ thứ Hai đến tối thứ Sáu, không được gặp gia đình ».
Chế độ nội trú là bắt buộc kể từ lớp 4, và theo nhà nghiên cứu trên, có thể hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị giữ trong các trường. Tại một số quận phía nam Tân Cương, số lượng các bé đi nhà trẻ và mẫu giáo tăng gấp bốn, số giáo viên gấp 12 lần so với tỉ lệ trung bình cả nước.
Tháng 2/2017, khi các ảnh vệ tinh cho thấy các trại cải tạo cho người lớn mọc lên, chính quyền ra lệnh xây dựng 4.387 trường mẫu giáo « song ngữ » (cần phải hiểu là không có tiếng Duy Ngô Nhĩ). Mục tiêu là đón nhận 562.900 học sinh mới từ nay đến 2020, trong khi sĩ số hiện nay đã là 759.000 em. Các giáo viên dạy tiếng Hoa được tuyển mộ trên toàn quốc, và riêng tại Kachgar có 5 triệu dân đủ chủng tộc, đã có đến 11.917 giáo viên tiếng Hoa được tuyển trong năm 2018.
« Mục tiêu của Bắc Kinh là buộc trẻ em chối bỏ bản sắc của mình, một số bé còn quên luôn tiếng mẹ đẻ » - nhà thơ kiêm ngôn ngữ học Duy Ngô Nhĩ Abduweli Ayup tố cáo. Ông tị nạn tại Na Uy sau khi bị bắt năm 2013 vì đã mở một trường dạy song song tiếng Duy Ngô Nhĩ với tiếng Anh và tiếng quan thoại. Một trong các bạn của Ayup, là cán bộ cao cấp ngỡ rằng được ưu tiên, hè năm ngoái đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công an ập đến nhà buộc vợ ông phải chọn « hoặc là chồng hoặc là đảng », rốt cuộc người chồng phải ly dị bằng tin nhắn, từ đó đến nay không còn tin tức vợ con.
Diệt chủng văn hóa
Bị sách nhiễu lúc đang ở tận Pháp, Bỉ, Canada, người Duy Ngô Nhĩ không dám công khai tố cáo vì sợ người thân còn ở Tân Cương bị liên lụy. Tiến sĩ toán Gene Bunin đã lập ra cơ sở dữ liệu « Xinjiang Victims Database », và đã thu thập được trên 5.000 bằng chứng đàn áp thông qua các video, mạng xã hội, bản sao các công văn…Đây có thể là cơ sở phục vụ cho các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhưng mục đích chính là thúc đẩy dân tộc này lên tiếng. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở nước ngoài coi đi coi lại các video tuyên truyền của Bắc Kinh với hy vọng tìm kiếm người thân ở Tân Cương.
Bắc Kinh trông cậy vào việc giảm tỉ lệ sinh sản nơi người Duy Ngô Nhĩ do các cặp vợ chồng bị tách rời, để Hán hóa Tân Cương. Chính sách đặc miễn cho phép có nhiều con ở Tân Cương đã bị hủy bỏ năm 2017, phố biến việc « kế hoạch hóa gia đình », và khuyến khích hôn nhân dị chủng với người Hán chính gốc, nhiều khi được trả tiền. Chính sách đồng hóa này rất tốn kém : Shohrat Zakir, phó bí thư
đảng ủy Tân Cương tiết lộ chính quyền trung ương đã chuyển cho vùng này 210 tỉ euro từ 2012 đến 2018.
Tỉ lệ người Hán ở Tân Cương năm 1949, khi quân Mao Trạch Đông tràn vào xâm chiếm, chỉ có 6%, nay là 45% và chỉ tiêu đưa ra là 70% dân số.
Đối với Kyle Matthews, giám đốc viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, thì có thể gọi việc giam giữ hàng loạt, trấn áp trí thức, phá hủy những cơ sở tôn giáo của cả một dân tộc là một dạng diệt chủng, theo Công ước Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc có ký kết. Nhà nghiên cứu Adrian Zenz thì cho rằng đây là « diệt chủng văn hóa » một cách âm thầm.
Chính sách giam hãm trẻ vị thành niên cũng vi phạm Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc ký kết năm 1992. Theo đó, « tại những nước có nhiều sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, trẻ em không thể bị tước quyền thụ hưởng nền văn hóa của mình, hành đạo, hay sử dụng tiếng mẹ đẻ ».
Hồng Kông rút dự luật dẫn độ : « Quá trễ và quá ít ! »
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Hồng Kông cho biết việc rút lại dự luật dẫn độ là « quá ít, quá trễ » để làm dịu đi cơn phẫn nộ.
Đây là cảm giác chung của nhiều người biểu tình. Một áp-phích trên mạng do những người phụ trách truyền thông của phong trào đăng lên, tổng kết : « Ba đôi mắt đã bị hư, 1.183 vụ câu lưu, trên 100 người bị khởi tố, hai vụ tấn công khủng bố và vô số vụ bạo lực cảnh sát, 8 mạng người đã hy sinh, và quý vị nghĩ rằng rút lại dự luật là đã đủ ? »
Một phát ngôn viên của phong trào biểu tình, có bí danh kháng chiến là « Miss Chan », đội nón bảo hộ và che mặt, tuyên bố trong cuộc họp báo bất ngờ vào ban đêm : « Chúng tôi thậm chí chẳng cần thay đổi khẩu hiệu, hãy đáp ứng đủ năm yêu sách của người dân. Hôm nay chính quyền đã đáp ứng một, vậy còn lại bốn yêu sách nữa ». Theo cô, giải pháp của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là « chữa hoại thư bằng băng keo ».
Bà Lâm đã bác bỏ yêu cầu ân xá cho tất cả những người biểu tình có nguy cơ bị khởi tố, lập ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Bà chỉ hứa mở đối thoại trực tiếp với người dân và nghiên cứu sâu hơn những bất toàn của xã hội. Bên cạnh khát vọng dân chủ, Hồng Kông còn là thành phố mà bất bình đẳng vô cùng lớn, đặc biệt là nhà đất hoàn toàn ngoài tầm với, vì nằm trong tay một số gia tộc giàu sang.
Mối nguy dân túy tại Anh
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay phân tích về thị trường địa ốc Pháp đang tăng giá vùn vụt. La Croix dành trang nhất cho nhận xét của bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire « Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 20 không còn đất sống », ông cổ vũ châu Âu nên trở thành một « lục địa tư bản có trách nhiệm ». Le Figaro lo ngại về tình hình « Căng thẳng trở lại giữa Iran và Hoa Kỳ ».
Le Monde chú ý đến « Chiến lược Brexit của thủ tướng Anh Boris Johnson », với bài xã luận báo động về « Mối nguy dân túy tại Anh ».
Chỉ sáu tuần lễ sau khi lên nắm quyền cuối tháng Bảy, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp chịu đựng những thất bại ở Nghị Viện. Chiến lược của ông bây giờ là mô tả các nghị sĩ bất đồng ý kiến như những kẻ phản bội lại Brexit để làm họ mất phiếu của cử tri, với những từ ngữ của thời chiến như « đầu hàng », « hợp tác với địch ».
Boris Johnson muốn đóng vai « nhân dân Brexit » chống lại giới tinh hoa ở Luân Đôn đã « bán mình » cho Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Monde, đây là một chiến lược nguy hiểm không chỉ cho Anh quốc : chủ nghĩa dân túy làm băng hoại các nền dân chủ là một tin xấu cho toàn châu lục.
Achentina : Các bài học của Macri cho Macron
Còn đối với Pháp, Les Echos cảnh báo « Achentina : Các bài học của Macri cho Macron ». Tổng thống Achentina, Mauricio Macri đang thất bại trong việc chống lại dân túy, và đây là kinh nghiệm mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần rút ra.
Ông Macri đắc cử tổng thống Achentina năm 2015 với nhiều điểm tương tự như Macron : một chính khách cánh trung chống mị dân, nhà cải cách thực dụng muốn vừa tự do hóa nền kinh tế, vừa bảo đảm phúc lợi xã hội. Nhưng nền kinh tế Achentina đang đi xuống, lạm phát lên tới mức 50%, nợ công tăng gấp đôi, đồng peso mất 2/3 giá trị so với đồng đô la.
Achentina không phải là Pháp : là một trong 10 nước giàu nhất thế giới cách đây một thế kỷ, đất nước này dần dà suy sụp mà các tổng thống dân túy từ Juan Peron đến Cristina Kirchner không dựng dậy nổi. Không có một tổng thống dân chủ xã hội nào kết thúc được nhiệm kỳ, người cuối cùng là
Fernando de la Rua năm 2001 đã phải tẩu thoát khỏi Dinh tổng thống bằng trực thăng để chạy trốn đám đông giận dữ.
Theo tờ báo, có ba bài học cho ông Macron. Thứ nhất, các nhà cải cách luôn cô đơn, thứ hai, những thói quen xấu từ nhiều thập niên trước luôn tồn tại, và thứ ba, cần cải cách một cách nhanh chóng và sâu sắc.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Chính phủ Ý hy vọng Bruxelles tỏ ra mềm dẻo. 
Chính phủ mới của Ý đang hy vọng Ủy Ban Châu Âu sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn về vấn đề thâm thủng ngân sách, và đề nghị này có thể sẽ được đáp ứng một cách thuận lợi hơn so với trước đây. Cách thức thúc đẩy trở lại tăng trưởng kinh tế của nước Ý sẽ là trọng tâm của diễn đàn The European House – Ambrosetti, khai mạc hôm nay và kéo dài 3 ngày tại thành phố Cernobbio, với sự tham dự của hàng chục lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, tổng thống Ý Sergio Mattarella, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc : Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân.
 Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm qua, 05/09/2019. Năm 2018, chế độ Bình Nhưỡng đã thông báo tạm ngưng các vụ thử nghiệm hạt nhân và bắn tên lửa tầm xa, đồng thời đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Nhưng Bắc Triều Tiên đã không dừng việc phát triển các đầu đạn hạt nhân, theo một nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, trong một báo cáo về giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8. Cũng theo báo cáo này, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục khai thác cơ sở làm giàu chất uranium Yongbyon. Trong những tuần gần đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa tầm ngắn, để bày tỏ sự bất bình của họ về các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
(Reuters) – Đài Loan cảnh báo đảo Solomon về ‘bẫy nợ’ Trung Quốc. 
Sau khi Solomon để lộ ý định cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chính quyền Đài Bắc ngày 06/09/2019 đã cảnh báo đảo quốc miền Nam Thái Bình Dương này về nguy cơ sập vào “bẫy nợ của Trung Quốc”. Một phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng « Sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ… Các công trình hạ tầng hào nhoáng, đắt đỏ mà Trung Quốc cam kết, đã gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái địa phương và vi phạm chủ quyền của họ ».
(AFP) – Một phụ nữ Mỹ bị bắt tại phi trường Manila vì giấu một trẻ sơ sinh trong túi xách. 
Chính quyền Philippines đã tố cáo một phụ nữ Mỹ lén đưa một trẻ sơ sinh ra khỏi Philippines bằng cách bỏ vào túi xách mang theo người để lên máy bay về Mỹ. Sự vụ bị đổ bể khi bà chuẩn bị ra máy bay vào hôm thứ Tư, 04/08/2019. Bà đã qua được các chốt kiểm tra một cách yên ổn. Người phụ nữ tên Jennifer Talbot, 42 tuổi, không có giấy tờ gì về đứa trẻ mới 6 ngày mà bà muốn mang đi khỏi Philippines. Bà đã bị truy tố hôm qua, 05/09 về tội buôn người, có thể bị hàng chục năm tù. Bà Jennifer Talbot có được đứa trẻ này trong trường hợp nào thì vẫn còn trong vòng điều tra.
(AFP) – Chiến tranh thương mại có thể làm kinh tế Mỹ mất 1% tăng trưởng từ nay đến đầu năm 2020. 
Đây là lời cảnh báo từ một nghiên cứu của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, công bố ngày 04/09/2019. Đây là một trong những lần đầu tiên mà Cục Dự Trữ Liên Bang, bị tổng thống Trump chỉ trích vì không hạ lãi suất nhiều như ông mong muốn, đã cố gắng đánh giá thiệt hại mà các căng thẳng thương mại gây ra cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.
(AFP) – Cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ trần, thọ 95 tuổi. 
Ông nhập viện tại Singapore từ 5 tháng nay, và qua đời ngày 06/09/2019. Chính người kế nhiệm ông là Emmerson Mnangagwa, đã thông báo tin này hôm nay trên Twitter. Ông Mugabe được xem là người hùng dân tộc, giành độc lập cho đất nước và đã trị vì đất nước từ năm 1980, nhưng sau đó bị mang tiếng là độc tài. Vào năm 2017, khi ông muốn nhường chiếc ghế lãnh đạo cho người vợ Grace Marufu, điều này đã khiến giới quân đội nổi giận, khiến ông phải từ nhiệm vào tháng 11 năm cùng năm. Người ép ông Mugabe từ nhiệm chính là người hiện kế nhiêm Mnangagwa.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.