Chương trình Thời sự thứ Sáu, 06/09/2019
Chery Radio
Cẩm Nhung | 06/09/2019
Nguồn: https://cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-sau-06092019-rd2304591
Tin nước Úc:
- Melbourne: Tưng bừng Lễ hội Đèn lồng 2019 trên khắp thành phố Melbourne
- Victoria: Tăng cường hỗ trợ để thu hút giáo viên giỏi đến giảng dạy ở khu vực hẻo lánh
- Di trú: Trẻ em được sinh ra tại Úc chưa hẳn sẽ được công nhận là công dân của nước này
- Victoria: Hãng vận tải V/Line được phép triển khai chiến dịch tuyển dụng ứng viên nữ
- Tin Úc: Nền kinh tế Úc chứng kiến mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 20 năm
- Wyndham: Chợ đêm Tarneit sẽ quay trở lại với hàng loạt mặt hàng đa dạng
- Wyndham: Độc đáo lễ hội Wyndham Ganesh Festival của cộng đồng người Ấn Độ
- Victoria: Cảnh sát giảm mục tiêu kiểm tra hơi thở tài xế sau vụ bê bối ngụy tạo hàng trăm ngàn kết quả
- Tin vắn
Tin thế giới:
Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg cho biết, các nghị sỹ Anh sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 9/9 về đề nghị có nên tổ chức cuộc bầu cử sớm hay không. Trước đó, ngày 4/9, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu bác đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới, đồng thời thông qua một dự luật có thể buộc Thủ tướng phải trì hoãn tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Theo ông Rees-Mogg, dự luật trì hoãn Brexit một khi được Thượng viện Anh thông qua, sẽ nhanh chóng nhận được sự đồng ý của Hoàng gia Anh. Trong khi đó, Công đảng đối lập Anh tuyên bố đảng này sẽ không ủng hộ tổng tuyển cử sớm cho đến khi dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới trở thành luật - một khả năng dự kiến sẽ xảy ra trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 9/9 tới.
Ngày 5/9, tập đoàn khí đốt tự nhiên Novatek của Nga thông báo khởi công dự án sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng tại vùng Bắc Cực. Thông báo cho biết, dự này là sự hợp tác giữa các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp với tổng số vốn đầu lên tới 21 tỷ USD. Theo tập đoàn Novatek, dự án sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng tại vùng Bắc Cực khi hoàn thành sẽ giúp phát triển mỏ khí đốt Utrenneye và xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí thiên nhiên trên bán đảo Gydan ở Bắc Cực. Nhà máy này sẽ hoạt động với công suất 19,8 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi năm và dự kiến sẽ xuất khẩu lô sản phẩm đầu tiên vào năm 2023.
Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa đưa ra tuyên bố, Thủ đô mới của Indonesia sẽ được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon. Theo Tổng thống Indonesia, thủ đô mới đặt tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo sẽ sở hữu một hệ thống đô thị hiệu quả và là cứ địa cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo, bên cạnh trụ sở các cơ quan chính phủ. Ngoài ra, thủ đô mới cũng sẽ có nhiều cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại, công viên và hệ thống giao thông xanh bằng xe điện. Lý do Indonesia chuyển thủ đô vì Jakarta đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng. Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 32 tỷ USD.
Giới chức thành phố New York của Mỹ thông báo đã dập thành công dịch sởi tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua, sau khi xác nhận không có thêm trường hợp mắc sởi nào được ghi nhận từ giữa tháng 7 vừa qua tại đây. Các trường học và mẫu giáo là trọng tâm trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch sởi của chính phủ. Tuy nhiên, người dân vẫn cần tiêm phòng vaccine để bảo vệ cho trẻ em và cộng đồng, bởi nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan từ nơi khác vẫn hiện hữu.
Michigan đã trở thành tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ ban hành lệnh cấm các loại thuốc lá điện tử có hương liệu. Động thái trên nhằm ngăn các nhà sản xuất sử dụng hương vị kẹo hấp dẫn để lôi kéo những người trẻ tuổi đến với chất nicotine. Lệnh này cấm bán tại các cửa hàng cũng như bán trực tuyến. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và sẽ kéo dài trong vòng 6 tháng, trong khi các nhà lập pháp tiểu bang tiếp tục soạn thảo một dự luật cấm vĩnh viễn. Lệnh cấm thuốc lá điện tử hương liệu được ban hành sau khi có báo cáo về các bệnh nhân mắc bệnh phổi nghiêm trọng do hút thuốc lá điện tử hơi nước trên khắp nước Mỹ.
Ngày 5/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo sẽ mở lại tuyến đường di cư vào châu Âu nếu không nhận được những khoản hỗ trợ quốc tế phù hợp. Phát biểu tại thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hậu cần để quốc gia này xây dựng nơi ở tại các vùng sâu bên trong miền Bắc Syria khoảng 30km và cung cấp cho người dân các điều kiện sống đảm bảo yêu cầu nhân đạo. Mục tiêu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là hồi hương ít nhất một triệu người di cư Syria về "vùng an toàn" mà quốc gia này thiết lập dọc chiều dài 450km biên giới với Syria. Ông Erdogan nhấn mạnh đây là việc cần làm và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gánh vác một mình, đồng thời cảnh báo sẽ "mở cửa" cho người di cư thực hiện hành trình sang châu Âu.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ sản xuất các loại tên lửa bị cấm trong hiệp ước hạt nhân INF vừa kết thúc vào tháng 8. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng Moscow sẽ không triển khai loại vũ khí này nếu Mỹ không thực hiện trước. Ông Putin cho biết ông quan ngại về cuộc thảo luận của Mỹ để triển khai tên lửa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một hoạt động triển khai vũ khí mà ông cho rằng tầm bắn có thể sẽ với tới các phần lãnh thổ Nga.
Mỹ đưa ra một khoản tiền thưởng tới 15 triệu USD cho bất kỳ ai có thông tin có thể giúp làm gián đoạn hoạt động tài chính của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Khoản tiền thưởng này được thông báo trong chương trình Tiền thưởng cho Công lý được vận hành bởi Bộ Ngoại giao Mỹ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bị Washington liệt vào danh sách tổ chức khủng bố vào tháng 4 vừa qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang tìm kiếm thông tin về bất kỳ cá nhân hay công ty nào được cho là đang giúp Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trong việc “vi phạm cấm vận từ Mỹ và quốc tế”, cũng như những ai có quan hệ làm ăn với lực lượng quân sự này. Washington cũng công bố một gói trừng phạt mới đối với mạng lưới mà họ gọi là “dầu mỏ cho khủng bố” được vận hành bởi lực lượng này.
Hôm 5/9, hơn một chục người thương vong trong một vụ đánh bom xe tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Theo cảnh sát địa phương, vụ nổ xảy ra lúc 10h10 sáng gần trạm kiểm soát tại khu vực có trụ sở của cơ quan an ninh quốc gia, Đại sứ quán của Mỹ. Xe cứu thương đã đến hiện trường. Ngay sau vụ đánh bom, lực lượng Taliban thừa nhận thực hiện vụ tấn công. Mỹ và lực lượng phiến quân Taliban đã đạt được một dự thảo thỏa thuận hòa bình, theo đó Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Đổi lại Taliban sẽ cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.
Iran vừa tuyên bố, từ ngày 6/9, nước này sẽ mở rộng hoạt động nghiên cứu và làm giàu urani có thể lên đến mức 20%. Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, nước này sẽ thực hiện bước đi tiếp theo trong việc cắt giảm cam kết thỏa thuận hạt nhân là tái khởi động và phát triển các máy ly tâm làm giàu urani. Tổng thống Iran tuyên bố, châu Âu sẽ có thêm 2 tháng kể từ hạn chót mà Iran từng đặt ra trước đó vào ngày 6/9 để thực hiện các cam kết của họ nhằm bảo vệ lợi ích của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ấn Độ vừa đặt hàng vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga với giá 14,5 tỷ USD, đánh dấu bước đột phá trong quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước. Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga Dmitry Shugaev cho biết, bất chấp áp lực từ Mỹ, hàng loạt hợp đồng quân sự quan trọng đã được ký trong năm 2018 và năm 2019 giữa hai nước như: thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD, 4 tàu khu trục hộ vệ đa năng cùng số lượng lớn tiêm kích và tên lửa cho không quân. Nga cũng đang đàm phán hợp đồng cung cấp và chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa phòng không vác vai Igla-S cho Ấn Độ sau khi thắng gói thầu trị giá 1 tỷ USD.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora ngày 5/9 cho biết nước này và Bình Nhưỡng sẽ tổ chức một số chuyến thăm qua lại, trong đó có cả những chuyến thăm cấp cao. Đai sứ Nga đồng thời tiết lộ quốc gia Đông Bắc Á đang cân nhắc lời mời của Nga với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, một phần của Thế chiến thứ 2. Ngoài ra, theo nhà ngoại giao này, Nga đã xem xét một cơ hội chuyển viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên thông qua các kênh đặc biệt giữa hai nước trong bối cảnh tình hình lương thực ở nước này vẫn khó khăn.
Tin thể thao:
Vòng loại World Cup 2022: Trên Bung Karno tối 5/9, Indonesia đã có trận cầu kịch tính khi tiếp đối thủ nhiều duyên nợ Malaysia ở vòng loại World Cup 2022. Kết quả là Malaysia đã giành chiến thắng 3-2. Vào ngày 10/10, Malaysia sẽ làm khách trên sân Mỹ Đình của tuyển Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia sẽ đối đầu Thái Lan trên sân Thammasat, vào ngày 10/9. Tại bảng A, Philippines để thua 2-5 trước Syria. Ở bảng C, chủ nhà Campuchia dù bị dẫn bàn sớm nhưng vẫn cầm chân Hồng Kông Trung Quốc với tỉ số 1-1. Bảng D, chủ nhà Singapore xuất sắc cầm chân đối thủ mạnh Yemen 2-2. Ở bảng F, Myanmar chơi với 10 cầu thủ trong gần nửa giờ cuối đã để thua Mông Cổ với tỉ số 0-1.
Vòng loại EURO 2020: Bảng F vòng loại EURO 2020, Tây Ban Nha thắng sát nút 2-1 trước Romania. Với kết quả này, TBN tiếp tục đứng đầu bảng F trong khi Romania rơi xuống thứ 4 do Na Uy và Thụy Điển đều đã thắng. TBN sẽ gặp đảo Faroe ngày Chủ nhật còn Romania đón Malta. Tại bảng J, ĐT Italia giành chiến thắng với tỉ số 3-1 trước ĐT Armenia dù Armenia mới là đội chơi lấn lướt và có bàn mở tỷ số ở phút 11. Belotti 28', 80'; Pellegrini 77' là những người lập công cho Italia.
Sao trẻ Real được vinh danh. Tài năng trẻ Martin Odegaard mới đây đã được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất tháng 8 của Real Sociedad. Tiền vệ người Na Uy hiện đang đá cho Sociedad theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm từ Real Madrid và đã ra sân cả 3 trận từ đầu mùa (đều đá đủ 90 phút) tại La Liga, ghi được 1 bàn thắng.
Diego Maradona tái xuất làm huấn luyện viên: Huyền thoại Diego Maradona vừa ký hợp đồng để chính thức trở thành HLV của CLB Gimnasia ở Argentina. Đội bóng này được thành lập từ năm 1887, là một trong những CLB bóng dá chuyên nghiệp lâu đời nhất tại Nam Mỹ. Tuy nhiên, Gimnasia chỉ mới 1 lần duy nhất giành danh hiệu ở một giải đấu chuyên nghiệp vào năm 1993. Mùa giải này, sau 5 trận đấu, Gimnasia mới chỉ có 1 điểm và đang đứng bét bảng tại giải VĐQG Argentina. Maradona thành công rực rỡ trong sự nghiệp cầu thủ nhưng nghiệp cầm quân của ông lại khá bấp bênh. Ở những CLB đã từng dẫn dắt, nhiệm kỳ dài nhất của ông cũng chỉ kéo dài... 13 tháng.
Messi được tự do rời Barca: Tờ El Pais (Tây Ban Nha) gây bất ngờ khi tiết lộ Lionel Messi hoàn toàn có thể rời Barcelona theo dạng tự do vào cuối mùa giải này. Theo El Pais, đây là thỏa thuận trong hợp đồng Messi đã ký với Barca. Kể từ năm 2005 tới nay, Messi đã trải qua 8 lần gia hạn hợp đồng với Barca. Ở lần gần nhất năm 2017, 2 bên đã thống nhất điều khoản để Messi tự do ra đi vào cuối mỗi mùa giải nếu tiền đạo Argentina không còn muốn gắn bó. Tất nhiên, Barca cũng có một ràng buộc, đó là Messi chỉ được chọn đội bóng ngoài châu Âu. Không chỉ Messi, các huyền thoại của Barca như Carles Puyol, Xavi hay Andres Iniesta cũng có điều khoản tương tự trong hợp đồng ở những năm cuối cùng tại Camp Nou.
Inter Milan muốn có Mario Gotze. Theo tin từ báo chí Đức, Mario Gotze đã nằm trong danh sách mua sắm của Inter trong mùa hè năm nay nhưng họ đã không tiếp cận anh vì muốn tập trung cho vụ mua Romelu Lukaku lẫn tống đi Mauro Icardi. Họ đang có dự định sẽ đón Gotze về CLB vào năm sau khi Gotze đáo hạn hợp đồng với Dortmund.
MU hẹn gặp đại diện của Paul Pogba: Truyền thông Anh đưa tin ban lãnh đạo MU đã liên lạc với người đại diện của Paul Pogba để đặt lịch cho một cuộc hẹn. Cuộc gặp mặt này không gì ngoài mục đích bàn bạc để mở đàm phán gia hạn với cầu thủ người Pháp. Hợp đồng của Pogba với MU còn hạn tới 2021. Nếu không gấp rút gia hạn, MU dễ mất tiền vệ sinh năm 1993 sau mùa giải này. Để thuyết phục Pogba ở lại, MU được cho sẽ đề nghị mức lương hấp dẫn. Việc bán được Lukaku với giá 73 triệu bảng và được Inter Milan san sẻ gánh nặng trả lương cho Sanchez giúp MU có thể dồn tiền cho vụ Pogba.
Neymar có thể đơn phương rời PSG năm 2020. Một điều luật của FIFA cho phép Neymar đơn phương chấm dứt hợp đồng với PSG. Điều luật có thể giải phóng Neymar là điều 17 của Đạo luật chuyển nhượng cầu thủ, do FIFA ban hành từ năm 2001. Theo đó, cầu thủ có thể tự chấm dứt hợp đồng khi đạt hai điều kiện: thi đấu đủ ba mùa với hợp đồng ký ở thời điểm dưới 28 tuổi (hai năm nếu ký sau thời điểm này) và chưa gia hạn hợp đồng. Neymar sẽ đạt cả hai điều kiện này vào tháng 6/2020.
Serena Williams - Elina Svitolina, bán kết đơn nữ US Open 2019: Tái ngộ mỹ nhân người Ukraine - Elina Svitolina, Serena Williams quyết tâm "trả nợ" để tiến vào chung kết US Open trên sân nhà. Serena cực kỳ bản lĩnh kết thúc trận đấu sau chỉ 70 phút. Serena Williams đã thắng Svitolina 6-3, 6-1 để lần thứ 10 lọt vào trận chung kết đơn nữ US Open và đối đầu tay vợt trẻ Canada Bianca Andreescu. Trước đó, Bianca Andreescu đã đánh bại hạt giống số 13 Belinda Bencic của Thụy Sĩ 7-6 (3), 7-5 ở bán kết.
Fan "lỗ" vì Federer thua sốc US Open: Roger Federer phải dừng bước ngay tứ kết US Open sau trận thua Grigor Dimitrov (2-3). Không chỉ vậy, thất bại của Federer còn khiến một CĐV "lỗ nặng". Do quá tin tưởng vào khả năng xuất hiện "siêu kinh điển" Federer - Nadal, CĐV này quyết định đầu tư 53000 đô la mua 4 vé VIP xem trận chung kết và rao bán trên website chuyên về vé "chợ đen". Tuy nhiên thất bại của Federer khiến cơ hội "làm giàu" tiêu tan. Được biết, thời điểm Federer dẫn Dimitrov 2-1, giá vé rẻ nhất xem chung kết US Open là 486 đô la, tuy nhiên sau khi Federer bị loại, mức giá giảm xuống còn 176 đô la.
Khủng hoảng Iran có thể để lại hậu quả lâu dài hơn cả Chiến tranh Iraq
Sự chia rẽ xuyên Đại Tây Dương hiện nay trong vấn đề Iran có thể dẫn tới một kỷ nguyên mới bất ổn hơn trong nền chính trị toàn cầu.
Khi phát động cuộc chiến ở Iraq vào năm 2003, Mỹ đã vấp phải sự phản đối sâu sắc từ các đồng minh chính của họ như Pháp và Đức – những nước nhất trí với phán xét của Mỹ liên quan đến Tổng thống Saddam Hussein nhưng lại cực lực bất đồng với Mỹ về việc sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề này. Kết quả là tình trạng suy giảm đột ngột trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Ngày nay, quan hệ giữa đôi bên tiếp tục đứng trước nguy cơ rạn nứt hơn nữa do chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Iran.
Cuộc chiến Iraq đã dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương do Đức và Pháp cực lực phản đối dùng vũ lực để ngăn chặn Iraq sở hữu được vũ khí hủy diệt hàng loạt. Pháp và Đức khi đó theo đuổi giải pháp ngoại giao và họ đặt nghi vấn đối với cáo buộc Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tuyên bố của Mỹ cho rằng việc dựng lên một chính phủ mới ở đây sẽ dẫn tới sự phát triển của nền “dân chủ” trong khu vực. Lúc đó bản thân châu Âu cũng chia rẽ về vấn đề Iraq, nhưng 16 năm sau, châu Âu gần như hoàn toàn nhất trí coi cuộc xâm lược này là một sai lầm và là một ví dụ về chủ nghĩa đơn phương Mỹ.
Chia rẽ sâu sắc về thỏa thuận hạt nhân Iran
Trong khi đó, việc Iran gần đây vượt qua mức tối đa về làm giàu uranium do Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA, còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran) quy định và việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, kết hợp với việc quân Mỹ được triển khai tới Saudi Arabia lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Iraq, đã làm tăng rủi ro xung đột ở Iran và căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.
Khi còn là ứng viên Tổng thống, ông Trump liên tục chỉ trích Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Obama nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump cho rằng thỏa thuận này quá hẹp và không đủ cứng rắn. Còn đối với châu Âu, thỏa thuận này là một thành công do mục đích của nó là giới hạn, và thỏa thuận đó đã tạo thời gian cho thương lượng thêm.
Hồi tháng 8/2018 khi ông Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và đơn phương áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế quy mô lớn, ông đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga – các nước này tuyên bố họ quyết tâm bám lấy thỏa thuận hạt nhân đã có.
Năm 2019 đã chứng kiến việc Mỹ gia tăng áp lực lên Iran, còn châu Âu thì nỗ lực không ngừng để cứu thỏa thuận hạt nhân.
Châu Âu tìm cách vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của Mỹ
Gần như ngay sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã tìm phương thức để tránh tác dụng từ các lệnh trừng phạt Mỹ. Theo ông này, Liên minh châu Âu có thể sử dụng một quy chế để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các lệnh trừng phạt phụ của Mỹ. Hồi tháng 8/2018, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi châu Âu làm đối trọng với Mỹ và cổ xúy cho việc tạo ra một cơ chế thanh toán châu Âu giống với hệ thống Hội Viễn thông Tài chính liên Ngân hàng Toàn thế giới (SWIFT). Đến tháng 9/2018, Cao ủy châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini công bố việc cho ra đời một “phương tiện có mục đích đặc biệt” (SPV) cho phép các công ty châu Âu lách qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục hoạt động thương mại với Iran, với hy vọng duy trì được thỏa thuận hạt nhân Iran.
SPV sau đó đã được hình thành chính thức với tư cách là Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX) và gần đây đã hoạt động đầy đủ. Xa hơn nữa, vào tháng 12/2018 Ủy ban châu Âu đã giới thiệu các bước nhằm gia tăng vai trò của đồng euro trong thanh toán toàn cầu. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấm dứt đề nghị của Ngoại trưởng Maas về một SWIFT châu Âu, còn INSTEX vẫn thiên về biểu tượng và không có công ty nào sử dụng hệ thống đó cả.
Nếu chiến tranh nổ ra, điều này sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng di cư.
Cả Mỹ và châu Âu cùng chịu thiệt hại
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã ảnh hưởng lớn tới các lợi ích về thương mại và an ninh của châu Âu. Để bảo vệ cả hai mặt này, châu Âu đã đe dọa áp dụng các biện pháp mà nếu được tiến hành đầy đủ sẽ bắt đầu một quá trình đảo ngược tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu đã mở ra từ cuối Thế chiến 2. Các bước đi như vậy sẽ giáng một đòn vào trái tim sức mạnh kinh tế Mỹ bằng cách đưa các giao dịch thương mại và tài chính ra khỏi Mỹ.
Nhưng không như Iraq, sự đổ vỡ nào đó liên quan đến Iran có thể là bước ngoặt tiêu cực, không chỉ là trong chuyện quan hệ ngoại giao. Hệ quả xấu khi ấy sẽ là tình trạng Balkan hóa tài chính xuất phát từ đường lối chính trị cũng như khó khăn lớn hơn trong việc điều phối các phản ứng trước các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai…
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 06/09/2019 là 1 AUD = 0.681 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 06/09/2019 là 1 AUD = 15,842 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 31 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–14 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–15 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 20-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 16–27 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–25 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 35-50 km/h. Nhiệt độ dao động từ 11–20 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–20 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc mưa đá, gió di chuyển với vận tốc từ 15-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 8–13 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, chiều tối có mưa đá hoặc sấm sét, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào
0 comments