Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 06/05/2019

Monday, May 6, 2019 5:28:00 PM // ,


Tin Việt Nam – 06/05/2019

Bạn hữu ‘bị chặn’ khi tới thăm Anh Ba Sàm

“Hàng chục nhân viên an ninh mặc thường phục” được cho là hiện diện bên ngoài ngôi nhà của blogger Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết tới với tên gọi Anh Ba Sàm, ngay sau khi ông được trả tự do sau 5 năm bị giam trong tù.
Ông Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm, được trả tự do hôm 5/5 sau khi mãn hạn tù. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông, cho biết trong thông tin đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng bà đã đón chồng mình từ Trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa.
Luật sư Trần Vũ Hải, người từng bào chữa cho ông Vinh, cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng ông “bị chặn vì thăm Anh Ba Sàm trở về.”
“Tôi vừa mang hoa đến thăm bạn tôi, Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm, vừa được tự do sau 5 năm tù và trở về nhà ở Hà Nội,” ông Hải viết ngày 5/5. “Tuy nhiên đến trước ngõ nhà anh, gần 50 người, phần lớn không mặc quân phục chặn tôi.”
Theo bức ảnh mà luật sư từng bào chữa nhiều nhà đồng chính kiến đăng kèm thông tin trên, có thể thấy hàng chục người đứng, ngồi bên ngoài một quán cà phê. VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được liệu đó có phải là các nhân viên an ninh hay không.
Từ trước ngày Anh Ba Sàm được trả tự do, một số nhà hoạt động cho biết trên Facebook cá nhân rằng họ “được an ninh đến tận nhà”, “khuyên” và “ngăn không cho đi đón” blogger được nhiều người biết tiếng này.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A viết, nhưng không cho biết chi tiết: “Công an đe những người quý anh Vinh từ cả tháng nay: Không được đi đón ông Vinh.”
Quá trình trả tự do cho ông ông Vinh hôm 5/5 cũng diễn ra trong tình trạng an ninh trại giam và khu vực lân cận được thắt chặt, theo bà Hà. Bà cho biết rằng “xung quanh cổng trại giam có hàng trăm cảnh sát giao thông lẫn an ninh chìm, đồng thời có hai xe ôtô đi trước và sau xe của gia đình trong suốt một chặng đường dài sau khi xe rời khỏi trại giam.”
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động sống ở Hà Nội, cho VOA biết rằng việc ngăn cản người đến chào đón những tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm mãn hạn tù “là chuyện bình thường dưới chế độ Cộng sản.”
“Họ không muốn những người mà gọi là tù chính trị được người dân đón chào. Họ muốn những người đó là những thứ gì đó mà bị xã hội xa lánh. Cho nên họ dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những người đi đón, những người đến thăm, gặp. Họ không muốn ngày ra tù của một người tù chính trị lại trở thành một sự kiện truyền thông.”
Cũng theo TS Nguyễn Quang A, “cảnh sát tư tưởng (tức ban Tuyên giáo Trung ương) lệnh cho các báo chính thông không được nói về việc ra tù của Anh Ba Sàm.”
Theo quan sát của VOA, không có bản tin nào trên truyền thông chính thống đưa tin về việc ông Vinh ra tù.
Ông Vinh bị bắt vào tháng 4/2014 về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng cho rằng các bài viết đăng tải trên trang Anh Ba Sàm “có nội dung xuyên tạc, thể hiện quan điểm một chiều chống lại đảng cộng sản, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo Việt Nam”.
Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên án bản án 5 năm dành cho ông Vinh. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từng bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam “sử dụng các điều luật hình sự để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa”.
Theo Luật Khoa Tạp Chí, ông Vinh thuộc về thế hệ nhà báo tiên phong trong trào lưu báo chí độc lập Việt Nam. Trang web về pháp luật thường thức cho rằng với việc sáng lập trang báo mạng Anh Ba Sàm, với chủ trương “phá vòng nô lệ”, ông Vinh “trực tiếp thách thức hệ thống kiểm duyệt của chính quyền”.
“Chúng tôi vui mừng chào đón anh (Vinh) trở về,” anh Tuyến cho biết. “Anh Ba Sàm, nếu ở ngoài, sẽ đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, cho đất nước, cho người dân. Trang Anh Ba Sàm đã giúp nhiều người Việt ở trong nước và ngoài nước mở mang (kiến thức).”

Nhà hoạt động Hà Văn Nam bị đề nghị truy tố

với tội danh “gây rối trật tự công cộng”

Tin ngày 06/5/2019: Theo luật sư Trần Thu Nam, công an cộng sản ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra kết luận điều tra và đề nghị khởi tố nhà hoạt động Hà Văn Nam cùng với 6 người khác theo tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015.
Theo kết luận điều tra này, 7 người đã thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng và phía công an đề nghị truy tố theo khoản 2 của Điều 318, với mức án từ 2 đến 7 năm tù giam cho mỗi một bị can.
Luật sư Nam cho biết đây là một vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai, chụp mũ đối với Hà Văn Nam. Một số luật sư sẽ làm hết sức mình để bảo vệ cho anh.
Anh Nam, sinh năm 1981, là một thạc sỹ quản trị kinh doanh và giám đốc một doanh nghiệp. Anh tham gia vào chiến dịch chống BOT bẩn ở nhiều nơi ở Việt Nam.
Anh Nam cùng với nhiều nhà hoạt động xã hội khác thực hiện nhiều hoạt động nhằm phản đối việc thu phí của nhiều trạm thu phí vì những trạm này không được đặt đúng vị trí.  Họ làm nhiều hành động, bao gồm sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hoặc thật lớn để thanh toán tiền khi đến các trạm thu phí trên nhằm kéo dài thời gian chi trả và như vậy gây tắc nghẽn giao thông, buộc chủ trạm thu phí phải mở cửa cho xe chạy tự do. Chính vì các hoạt động này của họ mà các chủ trạm thu phí rất tức và sử dụng côn đồ hay cấu kết với công an để đánh đập, sách nhiễu người chống BOT.
Cuối tháng 1, anh Nam bị một nhóm mặc thường phục bắt cóc và đánh đập anh trước khi bỏ anh xuống ở một địa điểm thuộc huyện Đan Phượng. Anh bị gãy xương sườn và nhiều vết đau khắp cơ thể. Anh là một trong nhiều nhà hoạt động chống BOT bị đánh đập, giam hãm trong xe riêng nhiều giờ trong vài tháng gần đây.
Ngày 05/3, công an Bắc Ninh đã đến nhà riêng của anh ở Hà Nội để bắt anh.
Việt Nam hiện nay có gần 100 trạm thu phí BOT (Build-Operate-Transfer) trên khắp cả nước. Rất nhiều trong số này bị cố tình đặt sai vị trí nhằm giúp chủ đầu tư thu được nhiều tiền phí, kể cả từ những xe không sử dụng dịch vụ. Tất cả các trạm thu phí BOT đều có quan chức cao cấp của chính quyền CSVN chống lưng.
Quốc Tuấn

Tư lệnh quân khu 9 và nhiều lãnh đạo vào “lò” cùng một ngày

Tin Vietnam.–  Báo Vnexpress loan tin, chiều ngày 5 tháng 5 năm 2019, tại kỳ họp thứ 35, Ủy ban Kiểm tra Trung ương CSVN đã xem xét kỷ luật một loạt lãnh đạo ở một số cơ quan.
Tại Quân khu 9 có trung tướng CSVN Nguyễn Hoàng Thủy, Phó bí thư đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9, và đại tá CSVN Trương Thanh Nam, đảng ủy viên, Phó tham mưu trưởng Quân khu 9. Ông Thủy và ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong công tác cai quản, sử dụng đất tại Sư đoàn 8, khiến nhiều tổ chức đảng, và đảng viên liên quan bị kỷ luật. Vì vậy, trung ương quyết định cắt hết tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Nam, và cảnh cáo ông Thủy.
Cũng trong lĩnh vực quân đội có đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng bộ Quốc Phòng CSVN đã được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của Quân chủng Hải quân, và chịu trách nhiệm cá nhân trong công tác cai quản, sử dụng đất quốc phòng. Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, cựu Ủy viên Trung ương đảng, cựu Ủy viên Quân ủy Trung ương, cựu Bí thư đảng ủy, cựu Chính ủy Quân chủng phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu về những sai phạm, khuyết điểm của ban thường vụ đảng ủy Quân chủng. Chuẩn đốc Lê Văn Đạo, cựu đảng ủy viên, cựu Phó tư lệnh Quân chủng cũng phải chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng, và trách nhiệm cá nhân trong công tác cai quản, sử dụng đất quốc phòng.
Ngoài các tướng tá quân đội, thì Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng kết luận sai phạm đối với ông Vũ Văn Ninh, cựu Phó thủ tướng CSVN, và ông Phạm Viết Muôn, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, và để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số công ty của bộ Giao thông vận tải.
Cuối cùng là ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Nguyễn Bá Thanh bị đề nghị thi hành kỷ luật.
An Nhiên

Ông Vũ Văn Ninh bị qui trách nhiệm vụ cảng Quy Nhơn

Báo chí trong nước đồng loạt đăng tải về vai trò của cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong việc bán hết cảng biển Quy Nhơn cho tư nhân.
Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố về kết luận theo đó nói ông Vũ Văn Ninh “có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải”.
Ngày 1/10/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn trong đó nói việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và “75,01% cổ phần mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước; các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Bài của báo Tuổi Trẻ hôm 6/5/2019 mô tả điều báo này gọi là “trong vòng chưa đến 2 năm, từ là tài sản của Nhà nước, cảng Quy Nhơn đã về tay doanh nghiệp tư nhân”.
Sự việc xảy ra được cho là liên quan tới hai văn bản của ông Ninh ký hồi tháng 2/2013, tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đặc biệt là tháng 9/2014 theo đó bán hết vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn.
Chỉ một năm sau đó, tới tháng 9/2015, 86,23% vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Quy Nhơn đã do Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành, một công ty tư nhân ở Hà Nội nắm giữ, theo truyền thông trong nước.
Những “vi phạm và khuyết điểm” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói tới xảy ra trong giai đoạn ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng quy trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có sai phạm và yêu cầu thu hồi vốn nhà nước, tuy nhiên đến nay việc thu hồi này “vẫn chưa thực hiện xong”, theo truyền thông trong nước.
Quyết định kỷ luật một cựu phó thủ tướng cho thấy dường như chiến dịch chống tham nhũng không dừng lại ở hàm bộ trưởng, theo nhận định của một nhà quan sát muốn ẩn danh tại Hà Nội. “Tới đây có khả năng sẽ có thêm các “Táo kinh tế khác” được mang ra xử lý”, người này nói thêm.
Ông Vũ Văn Ninh là Bộ trưởng Bộ Tài chính trong hơn 5 năm và là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong hơn 3 năm.
Ngồi ghế phó thủ tướng từ tháng 8/2011, ông Vũ Văn Ninh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm kiêm nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội động quản trị của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ ngày 1 tháng 1 năm 2008.
Thanh tra chính phủ hồi năm 2016 nói “siêu tổng công ty SCIC” để xảy ra nhiều sai phạm.
Ông Ninh cũng được Thủ tướng Dũng cử làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, doanh nghiệp nhà nước đầy bê bối.
Luật sư Trần Vũ Hải bình luận trên Facebook cá nhân rằng ông “Tôi đọc kỹ nội dung, tôi không thấy mấy ông (ông Đinh La Thăng, ông Vũ Văn Ninh) sai cái gì.
“Tôi ủng hộ bán hết cổ phần của doanh nghiệp nhà nước đối với những cơ sở vật chất này. Quan trọng là quá trình bán, phải bán đấu giá, đấu thầu chọn nhà đầu tư chiến lược và cam kết (có bảo đảm) thực hiện đúng việc quản lý, khai thác và đầu tư cảng.”
Thời báo Kinh tế Việt Nam vào cuối năm ngoái mô tả “Khối cảng biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu, cổ phần hóa” trong khi báo Pháp luật vào tháng Ba năm nay mô tả Nhiều cảng biển “thay da đổi thịt” sau cổ phần hóa.
Bài báo nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai trong việc cổ phần hóa cảng này.

Con trai Nguyễn Bá Thanh bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

đề nghị thi hành kỷ luật

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa có đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành Uỷ Đà Nẵng, con trai của cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Kết luật của Uỷ ban đưa ra sau kỳ họp lần thứ 35 từ ngày 24 đến 26 tháng 4 cho biết ông Nguyễn Bá Cảnh đã vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trước đó, vào ngày 12/4, Thành uỷ Đà Nẵng đã bỏ phiếu đồng ý đề nghị cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh.
Theo quy trình, Thành ủy Đà Nẵng trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật ông Cảnh theo thẩm quyền.
Ông Cảnh bị xác định là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, đồng thời vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Việt Nam: Dạy về một quá khứ bạo lực

Nguyễn Thị ThủyGửi cho BBC Tiếng Việt từ bang Oregon, Hoa Kỳ
Ý kiến nói thanh thiếu niên “cần được đứng độc lập như những công dân kiến tạo tương lai để nhìn về quá khứ, chứ không phải phương tiện để duy trì một chính thể chính trị”.
Hơn 40 năm tái lập hoà bình, Việt Nam vẫn nói về cuộc chiến gây thương vong cho hàng triệu người với quan điểm ngợi ca bạo lực cách mạng. Liệu trẻ em ở một đất nước ‘yêu chuộng hoà bình’ có được hiểu khác, nói khác về bạo lực không?
Trẻ em – phương tiện và đối tượng
Nghiên cứu mới đây của giáo sư Dror, Đại học Texas, về giáo dục ở hai miền Nam – Bắc Việt Nam chỉ ra một sự khác biệt lớn về cách trẻ con được dạy trong nhà trường trong bối cảnh chiến tranh.
Ví dụ, hình ảnh em bé miền Bắc trong một bức vẽ đăng trên ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng Tết 1969 có đoạn thơ minh họa: ‘Mình đã thêm một tuổi/Cao thêm mấy phân rồi/Sắp được đi bộ đội/Đánh Mỹ chạy cong đuôi’.
Trong khi đó, em bé ở miền Nam vẫn mơ màng trong một bài thơ trên tạp chí Thằng Bờm năm 1972: ‘Mùa xuân cây xanh lá/Hoa thơm ngát trên cành/Nhưng em buồn biết mấy/Nay đã thêm tuổi rồi’.
Qua khảo sát hàng loạt ấn phẩm sách báo dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên ở hai miền, giáo sư Dror chỉ ra, ở miền Bắc, giai cấp và ý thức hệ chính trị ‘bao trùm lên các giá trị đạo đức’. Các bài học lịch sử cũng được thống nhất phê duyệt từ trên xuống. Người cộng sản ‘coi trẻ em là cũng chiến sĩ’, và chuẩn bị từ rất sớm cho các em bước vào cuộc chiến.
Ở miền Nam, sách giáo khoa trong nhà trường ‘không dạy thanh thiếu niên phải căm thù đối phương’. Các bài học văn hóa, lịch sử cho trẻ vẫn xây dựng trên một không gian yên bình. Nhiều sách báo thể hiện nhiều dòng cảm xúc pha trộn của thanh thiếu niên: sợ hãi chiến tranh, cầu nguyện cho hoà bình, hay mơ mộng lãng mạn chuyện yêu đương.
Nói cách khác, trẻ em sinh ra ở Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này, một bên được coi là đối tượng để huấn luyện thành phương tiện cho một mục tiêu chính trị lớn hơn, một bên được ít nhiều dành cho không gian riêng, được bảo vệ khỏi các áp lực chính trị bên ngoài.
‘Bình thường hóa bạo lực’
Trong thế kỷ 20, phần lớn người Việt Nam đã sống trong bối cảnh bạo lực bị bình thường hóa. Bạo lực trở thành cách giải quyết chính yếu, thậm chí duy nhất, của hầu hết các vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị.
Chẳng hạn, để giải quyết vấn đề phân phối lại ruộng đất và của cải, người ta tiến hành cải cách ruộng đất. Tức là cưỡng chế và tịch thu của một nhóm người để chia lại cho nhóm khác.
Hay để quy nạp mọi luồng suy nghĩ và phát ngôn về một nguồn chính thống, người ta bỏ tù hoặc lưu đày những người nói, nghĩ, viết khác biệt. Tức cũng là một cách lấy bạo lực để đáp trả lại các hành động phi bạo lực.
Nhiều thế hệ người Việt Nam sinh ra cho đến gần cuối thế kỷ vẫn phải chứng kiến cách xã hội vận hành cơ bản bằng bạo lực. Về mặt xã hội học, ‘bình thường hóa bạo lực’ để lại những di chấn nặng nề, sâu đậm lên đời sống, cách hành xử của người dân rất nhiều thế hệ về sau.
‘Bạo lực cách mạng’ là một cụm từ quen thuộc dùng trong các sách Việt Nam, kể cả sách giáo khoa dành cho trẻ em trên ghế nhà trường. Bạo lực được dạy là một yếu tố cần thiết, hiển nhiên để đạt được mục đích cách mạng.
Khi trẻ em được chứng kiến và được dạy về vai trò tối thượng của bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, không ngạc nhiên khi các em sẽ tin rằng đó là biện pháp để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Khi đó, bạo lực càng bị xoáy sâu vào quy trình ‘bình thường hóa’. Bạo lực càng dễ được chấp nhận, càng dễ được vận hành, và càng khó loại bỏ hơn.
Trẻ em được quyền gì’?
Từ giữa thập niên 1990, chính phủ Việt Nam thay đổi chính sách ngoại giao, ‘muốn làm bạn với tất cả các nước’. Việt Nam muốn xây dựng một hình ảnh ‘đất nước yêu chuộng hoà bình’. Thủ đô Hà Nội được gắn nhãn ‘thành phố vì hoà bình’.
Hiển nhiên là không một quốc gia nào không yêu chuộng hoà bình. Nhưng ‘yêu chuộng hòa bình’ cụ thể như thế nào thì có thể quan sát được từ nhiều góc độ.
Vậy một ‘đất nước vì hoà bình’ sẽ mong trẻ thơ được sống trong một môi trường như thế nào? Trẻ thơ không còn phải căm thù. Không phải ca ngợi sự bắn giết. Không còn tự hào dân tộc mình đã đánh và giết bao nhiêu người.
Trẻ thơ ở một đất nước hoà bình xứng đáng được hưởng những đặc quyền cơ bản nhất là được đánh giá lại chiến tranh. Được coi chiến tranh là không bao giờ đáng tự hào, dù với bất kì lý do gì.
Hơn nữa, thế hệ trẻ được quyền, được khuyến khích đi tìm câu trả lời cho giả thuyết: chúng ta đã có thể ngừng cuộc chiến sớm hơn mấy giờ, mấy ngày, mấy tháng, mấy năm? Nếu không dùng bạo lực, chúng ta được và mất gì? Nếu không phải là bạo lực, nhân loại có thể giải quyết các mâu thuẫn bằng cách nào?
Kể cả khi sách lịch sử hiện nay không nhấn mạnh bài học về đấu tranh phi bạo lực, người Việt Nam cũng đủ thông tin để biết rằng, những nhà cách mạng được vinh danh là vĩ đại nhất thế kỷ 20 đều là những người chủ trương phi bạo lực. Chủ trương được khởi xướng bởi Gandhi giúp Ấn Độ thoát thực dân Anh, tiếp nối bởi Martin Lurther King Jr. trong phong trào đấu tranh dành quyền cho người da màu ở Mỹ, và Nelson Mandala trong phong trào chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.
Dạy về một quá khứ bạo lực
Tập hợp 12 tác giả trong cuốn ‘Teaching the Violent Past’ (Dạy về một quá khứ bạo lực) khảo sát 10 dân tộc từng trải qua bạo lực, hiện đang hàn gắn vết thương đó như thế nào thông qua việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường.
Dù đó những nước đã trở nên giàu có và dân chủ như Nhật, Đức, Canada, hay là những quốc gia còn nghèo khó như Guatemala, Pakistan, tiến trình hàn gắn vết thương bạo lực đều không hề dễ dàng.
Nhưng trên con đường đi đến một dân tộc hoà bình hơn, nhân văn hơn, bài học chung nhất đều là đối diện với lịch sử bằng cách nhận diện sự mất mát do bạo lực gây ra. Việc dạy và học lịch sử trong nhà trường được hé mở ra không gian cho nhiều cách diễn giải.
Hơn hết, thanh thiếu niên, vừa được coi là đối tượng và chủ thể của giáo dục, được đứng độc lập như những công dân kiến tạo tương lai để nhìn về quá khứ, chứ không phải phương tiện để duy trì một chính thể chính trị.
Bài thể hiện quan điểm và văn phong của Nguyễn Thị Thủy, một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ bang Oregon, Hoa Kỳ.

EU từ chối 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam

Liên Minh Châu Âu- EU vừa từ chối hoặc cho giám sát 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ Công Thương Chính phủ Hà Nội công bố thông tin vừa nêu hôm 6/5/2019.
Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến 1/5/2019, có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Trong đó, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép. Một lô hàng cá da trơn đông lạnh bị Bỉ từ chối. Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát và Pháp cảnh báo 1 lô hàng cá ngừ nhiễm chất cấm nghiêm trọng.
Cũng theo Bộ Công thương Việt Nam, trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu khác cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về. Ngoài ra, hiện thuỷ sản Việt vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” vào EU.
Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu sẽ đến Việt Nam xem xét việc thực thi các khuyến nghị của EC trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Nếu các khuyến nghị được đáp ứng thì ‘thẻ vàng’ sẽ được gỡ bỏ; còn nếu không thì có khả năng bị ‘thẻ đỏ’.

Tại sao chỉ nhà thầu Trung Cộng muốn làm xa lộ Bắc- Nam?

Tin Vietnam.–  Báo Vietnamnet ngày 6 tháng 5 năm 2019 loan tin, cả tuyến xa lộ Bắc- Nam được chia thành 11 dự án, trong đó ba dự án là đầu tư công, tám dự án còn lại được thực hiện theo hình thức BOT. Nhưng cả tám dự án BOT này chỉ có mình nhà đầu tư Trung Cộng quan tâm, muốn thực hiện. Các nhà đầu tư ở những nước phát triển không hề tìm hiểu, còn các nhà đầu tư quốc nội thì không đủ năng lực để tham gia.
Ông Lê công Nhường, đại biểu quốc hội cảnh báo với nhà cầm quyền nên thận trọng. Ông Nhường phân tích, tuyến xa nộ này là quốc lộ huyết mạch quốc gia xuyên suốt từ Bắc đến Nam, là cột sống của đất nước, đóng vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, nếu để duy nhất một nhà đầu tư ngoại quốc thực hiện toàn bộ 8 dự án BOT thì nguy cơ độc quyền rất cao. Theo ông Nhường, vấn đề độc quyền ở đây là tổ chức thu phí, và kiểm soát tuyến xa lộ. Và nếu nhà đầu tư kéo dài thời gian thực hiện, đẩy vốn lên cao để kéo dài thời gian thu phí qua trạm BOT thì nhà cầm quyền sẽ tính như thế nào? Và có thể kiểm soát được không? Trường hợp thứ hai, nếu có biến cố hoặc có tranh chấp với nhà đầu tư ngoại quốc, họ đóng trạm BOT thì người dân sẽ đi bằng đường nào?
Vì các nguyên nhân trên, ông Nhường khuyên nhà cầm quyền không nên giao cả tám dự án BOT cho  nhà đầu tư của một nước. Ông Nhường nhắc nhở thêm, thời gian qua, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Cộng thực hiện đều chậm tiến độ, đội vốn, và chất lượng kém.
An Nhiên

Khai mạc chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2019

tại Việt Nam

Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2019 được khai mạc vào ngày 6/5 tại Tuy Hòa, Việt Nam.
Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam còn có Australia, Canada, Anh, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Phillipine, Hàn Quốc và Thái Lan cùng tham dự.
Tin cũng cho biết, trong chương trình năm nay, quân nhân Mỹ, Việt và các tổ chức phi chính phủ của các nước đối tác sẽ trao đổi chuyên sâu về sơ cứu và y tế dự phòng, các hội thảo chăm sóc ý tế, ứng phó thiên tai, cũng như hoạt động hỗ trợ cộng đồng.
Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, phát biểu trong buổi lễ cho biết Hoa Kỳ muốn thông qua chương trình này để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu khi xây dựng khả năng ứng phó cùng các nước đồng minh, từ đó đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đông thời Hoa Kỳ mong muốn các nước trong khu vực này đều vững mạnh, độc lập, và không bị áp bức.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương được thành lập sau vụ sóng thần xảy ra hồi tháng 12/2014 khiến nhiều nơi trong khu vực Nam và Đông Nam Á bị tàn phá.
Theo đó, các chuyên gia trong lãnh vực xây dựng, y tế sẽ phối hợp cùng nước chủ nhà triển khai các dự án, trao đổi y tế cộng đồng cũng như tổ chức các hội thảo y tế và các hoạt động ứng phó thảm họa.

40 quận/huyện tạm dừng xét tuyển

 xuất khẩu công nhân sang Hàn Quốc

Hàn Quốc tạm thời ngưng chương trình tuyển chọn công nhân Việt Nam ở 40/100 quận/huyện sang nước này làm việc trong năm 2019.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 5, dẫn nguồn từ thông báo của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho biết lý do Hàn Quốc tạm ngưng tuyển chọn là do công nhân Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Hiện tại có đến 100 quận/huyện có số lượng từ 60 người trở lên lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc, trong năm 2019, sẽ tạm ngưng tuyển chọn người lao động ở 40 trong số 100 quận/huyện vì có trên 30% không về nước, thuộc các tỉnh bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình và Bắc Ninh.
Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho biết theo yêu cầu của Hàn Quốc, nếu số lượng và tỷ lệ lao động bất hợp pháp trong danh sách 40 quận/huyện này không thuyên giảm thì sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2020; còn như thuyên giảm thì Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội sẽ gỡ bỏ việc tạm dừng này.
Cục Lao Động Ngoài Nước, thuộc Bộ Lao Động- Thương Binh & Xã Hội của Việt Nam thông báo vào năm ngoái có hơn 6500 người Việt sang Hàn Quốc làm việc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.