Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 06/05/2019

Monday, May 6, 2019 5:27:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 06/05/2019

TQ phản đối tàu chiến Mỹ vào vùng biển Trường Sa

Hai tàu chiến Mỹ đã tới gần các hòn đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hôm thứ Hai ngày 6/5.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang rất căng thẳng, sau khi Tổng thống Donal Trump nói ông sẽ áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc vào thứ Sáu tới vì đàm phán diễn ra ‘quá chậm chạp’.
Hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ là USS Preble và USS Chung-Hoon đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý từ bãi đá Gaven và Chigua trong Quần đảo Trường Sa, một người phát ngôn của quân đội Mỹ nói với Reuters.
Việt Nam gọi Gaven là bãi đá Khói Nam, Trung Quốc đang chiếm giữ bãi này và gọi là Nam Huân Tiêu. Chigua là bãi đá gần Gạc Ma.
Tư lệnh Clay Doss, người phát ngôn cho Hạm đội Bảy, nói hành trình ‘vô hại’ của hai chiến hạm nhằm mục đích “thách thức việc tuyên bố chủ quyền quá mức (excessive maritime claims) và đảm bảo khả năng tiếp cận đường thủy theo sự điều chỉnh của luật quốc tế .”
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hải quân nước này đã yêu cầu tàu chiến Mỹ rời đi sau khi chúng vào hải phận gần bãi đá Gaven và Chigua ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Tam Sa, AFP đưa tin.
“Những hành động của tàu chiến Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và xâm hại hòa bình, anh ninh và trật tự ở những vùng biển tương thích,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo.
“Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và phản đối hoàn toàn đối với hoạt động này,” ông Cảnh Sảng nói thêm và chỉ ra rằng hai tàu Mỹ đã vào vùng biển khi “không được cho phép”.
Ông Cảnh Sảng thì tuyên bố tình hình ở Biển Đông đang “ổn định liên tục” nhờ “nỗ lực chung” của Bắc Kinh và các nước ASEAN.
“Trong những hoàn cảnh đó, Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ ngừng các hành động khiêu khích, tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc và tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa,” ông Cảnh nói.
Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần có lời qua tiếng lại về những động thái của Bắc Kinh mà Washington nói là quân sự hóa Biển Đông.
Phía Trung Quốc nói hành động xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo và bãi đá nhân tạo là ‘tự vệ’.
Bắc Kinh cho rằng Mỹ làm căng thẳng trong khu vực dâng cao hơn qua việc điều tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo này.
Hoa Kỳ mới đây nói sẽ công bố một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới trong tháng này nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn quân sự hóa Biển Đông.
Quan hệ giữa hai nước có căng thẳng trong những tuần gần đây, sau khi hai tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan và có lời đe dọa của người đứng đầu hải quân Hoa Kỳ nhắm vào các tàu phi vũ trang của Trung Quốc.

Việc quân sự hóa, mở rộng đá Chữ Thập và Huy Gơ

ở Trường Sa của TQ vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế

Chữ Thập và Huy Gơ là hai đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng, kiểm soát trái phép. Sau đó, nước này đã liên tục mở rộng, cải tạo để biến hai đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này.
Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiến hành chiếm đóng, kiểm soát đá Chữ Thập, sau đó không ngừng mở rộng, cải tạo xây dựng , ý đồ muốn biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất của nước này án ngữ ở Biển Đông, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền trong vùng biển này. Trong khi đó, bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, hay còn gọi là đá Tư Nghĩa. Bãi đá này chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Cũng trong năm 1988, Trung Quốc bất ngờ cho quân đội chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.
Chữ Thập là một trong 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất hiện nay. Trong thời gian ngắn chưa đầy 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m được trang bị hệ thông thông tin liên lạc gồm ăng-ten, radar. Nước này đã phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 10/2018, Trung Quốc đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nước này còn dựng lên một tượng đài để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Trên đá Chữ Thập có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc.
Tại bãi đá Huy Gơ, Trung Quốc xây dựng một toà nhà kiên cố 02 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 02 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Trung Quốc huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ cũng với ý đồ nham hiểm là biến nơi đây thành căn cứ quân sự tiền đồn của họ. Theo các báo cáo mới nhất từ các nước, hiện nay căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100m. Trung Quốc còn cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Huy Gơ, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.
Nghiêm trọng nhất là việc Trung Quốc lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên đá Chữ Thập. Bên cạnh đó là hầm, kho chứa bom, đạn và các khí tài quân sự khác. Nhiều cơ sở radar và hầm chứa tên lửa cũng được phát hiện khắp hòn đảo. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt trên 2 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam các thiết bị có khả năng làm nghẽn hệ thống radar và liên lạc. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc đang xây dựng tại đá Chữ Thập một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.
Dư luận đang quan ngại việc Trung Quốc sử dụng “chiến lược cải bắp” tại đá Huy Gơ. Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc duy trì số lượng lớn tàu các loại xung quanh khu vực đá này. Có thời điểm, số lượng tàu khoảng từ 40 đến 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, về ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi. Đáng chú ý, trong số đó có cả những tàu tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được phía Trung Quốc đưa vào danh sách tàu cá. Những tàu cá này của Trung Quốc nổi tiếng hung hăng và sẵn sàng sử dụng vũ khí để ngăn cản, xuôi đuổi khi có tàu nước ngoài tiếp cận khu vực xung quanh bãi Huy Gơ. Đội ngư dân là lực lượng “hải quân mới” của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước.
Cộng đồng quốc tế, khu vực quan ngại sâu sắc về hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo về hệ lụy của hành động này. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thâp là “một sự leo thang lớn”. Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt – Trung đàm phán vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Viêt Nam và Trung Quốc (24-25/4) đã tiến hành đàm phán vòng XI Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng VIII Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.
Tại cuộc họp, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến về các công việc của hai Nhóm công tác, khẳng định nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký năm 2011, và chỉ đạo của Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam – Trung Quốc nhất trí duy trì lộ trình đã thống nhất, cùng nhau thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời trao đổi về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà hai nước đều là thành viên. Hai bên nhất trí tổ chức đàm phán vòng XII Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng IX Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển vào cuối năm 2019 tại Trung Quốc.
Được biết, Việt Nam và Trung Quốc (25/12/2000) đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký kết được tổ chức với sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đức Lương và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Trong các vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ là xác định đường biên giới trên đất liền; phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên Biển Đông (mà thực chất là vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), trong các vấn đề trên, vấn đề biên giới trên đất liền đã được giải quyết bằng việc ký kết Hiệp ước trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30/12/1999.
Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt Nam và Trung Quốc có diện tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, còn phía Trung Quốc khoảng 695 km. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc phòng. Đặc thù của Vịnh là chiều ngang tương đối hẹp, từ trước tới nay hai nước chưa hề phân định Vịnh. Theo Công ước luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, thì toàn bộ Vịnh Bắc Bộ là vùng chồng lấn và trong thực tế thời gian qua có tranh chấp, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước. Trước tình hình đó, hai nước đều có nhu cầu tiến hành đàm phán để phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm đạt hai mục tiêu cơ bản và lâu dài: một là xác định đường phân giới rạch ròi, phân chia vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước láng giềng ; hai là giải quyết vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Ngoài ý nghĩa về an ninh, quốc phòng, Vịnh Bắc Bộ còn có ý nghĩa lớn về kinh tế, có nguồn lợi hải sản phong phú. Hai nước đều có nhu cầu hợp tác đánh bắt, bảo vệ môi trường và bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh. Vào các năm 1957, 1961 và 1963 hai nước có ký các thỏa thuận cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong Vịnh ngoài phạm vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải đảo mỗi bên. Các thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào những năm 70.
Trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Việt Nam không chủ trương gắn vấn đề nghề cá mang tính kinh tế, kỹ thuật với vấn đề phân định quốc giới mang tính chiến lược lâu dài. Nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ là việc không giải quyết được vấn đề nghề cá có thể dẫn đến hậu quả là khó giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Lúc đó toàn bộ Vịnh sẽ tiếp tục bị coi là vùng chồng lấn giữa hai bên, và tình hình ở đó sẽ tiếp tục mất ổn định. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước luật Biển năm 1982. Nhằm mục đích tạo thuận lợi tối đa cho việc giải quyết vấn đề phân định và trên cơ sở cân nhắc kỹ mọi khía cạnh trong quan hệ hai nước cũng như thực tiễn quốc tế, Việt Nam đã đồng ý lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ. Cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tiến hành từ đầu những năm 70. Trong các năm 1974 và 1977 – 1978, hai nước đã tiến hành 2 vòng đàm phán về phân định. Nhưng do điều kiện lúc đó nên đàm phán không có kết quả. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai bên đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới – lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là “Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong Vịnh để đi đến một
giải pháp công bằng”. Thực hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Một thuận lợi hết sức lớn lao đối với quá trình đàm phán là quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và toàn diện, lãnh đạo của hai bên luôn luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và tháng 2/1999 của Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Với tinh thần đó, trong năm 1998 và 1999 hai bên chủ yếu dành ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Năm 2000 cuộc đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ được đẩy mạnh và đi vào giải quyết thực chất (1 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp liên tiếp giữa 2 trưởng đoàn cấp chính phủ và 8 vòng đàm phán cấp chuyên viên).
Trong quá trình đàm phán, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc như sau để giải quyết: một là, căn cứ vào các quy định của Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc luật pháp quốc tế và tập quán được công nhận rộng rãi; hai là, hai bên tính đến các đặc thù của Vịnh Bắc Bộ như sự hiện diện của các đảo, chiều dài bờ biển…; ba là, việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu cầu phát triển quan hệ giữa hai nước; bốn là, bảo đảm nguyên tắc công bằng và chiếu cố lợi ích của nhau. Về diện tích, phía Trung Quốc kiên trì chủ trương đại thể chia đôi, thừa nhận Việt Nam có thể nhỉnh hơn nhưng hơn không đáng kể. Việt Nam chủ trương giải pháp công bằng phải phù hợp với các hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh như sự hiện diện của các đảo của Việt Nam, chiều dài bờ biển của Việt Nam lớn hơn… Do đó, kết quả của giải pháp phân định phù hợp với yêu cầu Việt Nam đặt ra. Về diện tích tổng thể Việt Nam được 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% (Việt Nam hơn Trung Quốc 6,46% tức là khoảng 8205 km2), đường phân định cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, đảo Cồn Cỏ được hưởng 50% hiệu lực. Về khía cạnh tài nguyên, giải pháp phân định đạt được cũng bảo đảm việc phân chia lợi ích một cách công bằng. Hai bên đã phân chia rõ ràng phần thềm lục địa để mỗi bên đều có thể tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên trong phạm vi thềm lục địa của mình mà không bị bên kia can thiệp hoặc gây khó khăn. Trong trường hợp có cấu tạo mỏ vắt qua đường phân định thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc khai thác và phân chia lợi ích của việc khai thác đó.
Cuộc đàm phán về nghề cá được khởi động muộn hơn. Cho mãi đến tháng 4/2000, Việt Nam mới tán thành đàm phán nghề cá. Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Như vậy, đảm bảo cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý: đại bộ phận cách bờ của Việt Nam 35 – 59 hải lý và có 2 điểm cách bờ là 28 hải lý. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn). Hai bên cũng đã thỏa thuận các điều khoản liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh. Ba nguyên tắc lớn của vùng đánh cá chung là: vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung; sản lượng và số tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ 3 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hai bên thỏa thuận lập Uủy ban liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế liên quan đến vùng đánh cá chung. Ngoài vùng đánh cá chung ra, hai bên thỏa thuận về dàn xếp quá độ với thời hạn 4 năm ở phía Bắc vĩ tuyến 20 cho tàu thuyền của hai bên tiếp tục được đánh bắt. Phạm vi cụ thể của vùng này hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. Sau thời hạn quá độ, tàu thuyền của các bên về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, trừ khi được bên kia cho phép. Đồng thời hai bên cũng thỏa thuận lập một vùng đệm nhỏ ở ngoài cửa sông Bắc Luân với mục đích là tạo thuận lợi cho việc ra vào của các tàu cá nhỏ (nếu phát hiện các tàu đó đánh cá thì cảnh cáo và buộc rời khỏi vùng nước của mình). Vùng này dài 10 hải lý và tính từ đường phân định rộng 3 hải lý về mỗi bên.
Về tổng thể, các giải pháp đạt được trong quá trình đàm phán và được thể hiện trong hai bản Hiệp định là thỏa đáng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên. Các Hiệp định đó là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài, thể hiện nỗ lực, thiện chí và tính đến sự quan tâm, nhân nhượng từ cả hai phía. Đối với Việt Nam, việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tiếp theo việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền năm 1999, có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó Việt Nam đã đạt được mục tiêu là giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới – lãnh thổ tồn đọng lâu nay giữa hai nước. Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc
để quản lý biên giới, lãnh thổ, thực hiện mục tiêu là xây dựng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hai nước. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã xác định trọn vẹn đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hiệp định đã ghi nhận cam kết của hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên trong phạm vi các vùng biển của mình. Hiệp định cũng đã đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ tài nguyên khoáng sản nằm trong Vịnh. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vừa mới ký với Trung Quốc này là Hiệp định phân định biển thứ hai của nước Việt Nam (Hiệp định phân định biển đầu tiên là Hiệp định phân định các vùng biển giữa Việt Nam và Thái Lan ký năm 1997) và là Hiệp định phân định biển gần đây nhất ở trong khu vực). Do đó ý nghĩa của Hiệp định này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ Việt – Trung mà thực sự góp phần vào việc ổn định hòa bình trong khu vực.

TQ lại hứa miệng về việc

“đảm bảo hòa bình, hữu nghị” ở Biển Đông

Phát biểu tại một diễn đàn đàn sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (24/4) cho rằng “tự do hàng hải không nên được sử dụng để xâm phạm quyền của các nước khác”.
Theo ông Thẩm Kim Long, mọi người phải tuân theo luật lệ và “bảo vệ trật tự tốt đẹp”, đồng thời khẳng định “tự do hàng hải là một khái niệm được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nó không nên được sử dụng làm cái cớ để xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia duyên hải”. Ngoài ra, ông Thẩm Kim Long còn cho rằng “Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông với các nước tranh chấp khác; đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.
Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc
Đầu tiên, về yếu tố địa chính trị: Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Tuy nhiên, không gian sinh tồn của Trung Quốc đang bị “kìm hãm” bởi các nước láng giềng. Nếu phát triển về phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt và bị Nga chặn đường; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới. Vì vậy, yêu tiên chiến lược duy nhất của Trung Quốc là tìm mọi cách đột phá xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông để mở rộng “không gian sinh tồn” của Trung Quốc.
Thứ hai, nếu giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí và hải sản. Đối với Trung Quốc, đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá để đáp ứng “cơn khát” năng lượng của mình. Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Tuy Biển Đông chiếm diện tích 2,5% bề mặt Trái đất, song nó là một trong những khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào trên thế giới và cũng là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD. Tại thời điểm hiện tại, hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu người.
Thứ ba, giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu kiểm soát được Biển Đông, làm chủ được các tuyến đường thương mại trên Biển Đông, Trung Quốc vừa có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn vận chuyển dầu của mình từ Trung Đông, Bắc Phi về, mà còn áp đặt được ý chí chính trị của mình đối với các nước trong và ngoài khu vực có các hoạt động giao thương, vận chuyển liên quan đến các tuyến hàng hải trên Biển
Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc, làm thất bại chiến lược “xoay trục” châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN. Theo số liệu thống kê, Biển Đông là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Thứ tư, khống chế, làm chủ được Biển Đông là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Trung Quốc thực hiện được tham vọng nước lớn, hiện thực hóa giấc mơ Đại Trung Hoa. Ngược lại, nếu mất quyền kiểm soát Biển Đông, bị phong tỏa các tuyến giao thông huyết mạch qua Biển Đông, nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị gián đoạn, nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã, đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông bằng nhiều biện pháp.
Vì sao Biển Đông căng thẳng
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai tổng thể nhiều biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, biến khu vực này trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Những điểm nổi bật trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc là củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách “chủ quyền” (phi pháp); đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông; phê phán hành vi của các quốc gia khác cùng với việc nhấn mạnh thái độ kiềm chế và hành vi tự vệ của Trung Quốc; cải tạo phi pháp và tiến hành quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông; sử dụng vũ lực, ngoại giao, kinh tế để ngăn chặn các nước hiện diện trong khu vực…
Để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn (họ thường dùng những tàu có trọng tải lớn, có công suất hút lên đến 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m), nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã biến 7 bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron), Ga Ven (Gaven) và Tư Nghĩa (Hughes) thành các đảo nhân tạo với chi phí hàng trăm tỷ USD. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây dựng các cảng, hải đăng, đường băng, bệnh viện, sân chơi thể thảo, lắp đặt radar, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo… ra 7 đảo nhân tạo.
Không những vậy, Trung Quốc cũng đã tiến hành tái cơ cấu lại lực lượng quân đội, cải tạo, nâng cấp căn cứ quân sự ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân; nó cũng có khu vực neo đậu cho tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Malacca và, và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Pháo binh số 2 của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2.000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhằm củng cố chứng cứ pháp lý để bảo vệ “chủ quyền” và thực hiện âm mưu độc chiếm ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập (01/10/1949) đã đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước về biển đảo, ban hành các quy định mới liên quan đến quản lý biển, kiện toàn hệ thống cơ quan thực thi luật biển, trong đó có nhiều quy định mang tính then chốt, được Trung Quốc áp dụng đối phó với cộng đồng quốc tế và các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và tỉnh thành trực thuộc của Trung Quốc đã đưa ra 77 Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy… liên quan chính sách hải dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Hệ thống các quy định pháp luật của Trung Quốc bao gồm một số khía cạnh chính: Luật bảo vệ
chủ quyền và an ninh biển. Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản pháp luật khẳng định “chủ quyền” trên biển như: Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 04/9/1958); Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 25/2/1992); Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (ngày 15/5/1996); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (năm 1996); Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 29/6/1998); Luật Bảo vệ hải đảo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 26/12/2009)… Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ban hành năm 1986, sửa đổi 04 lần vào các năm 2000, 2004, 2009 và 2013), trong đó đưa ra nhiều quy định về bảo vệ, khai thác thủy, hải sản. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy liên quan như Luật Bảo vệ môi trường biển (năm 1982 sửa đổi năm 1999), Điều lệ quản lý bảo vệ môi trường thăm dò khai thác dầu trên biển (ngày 29/12/1983); Điều lệ quản lý ngăn ngừa ô nhiễm các vùng biển từ tàu thuyền (ngày 29/12/1983); Điều lệ quản lý việc đổ các chất thải xuống biển (ngày 06/3/1985); Điều lệ quản lý phòng trị ô nhiễm do các hạng mục công trình xây dựng bờ biển tổn hại tới môi trường biển (ngày 25/5/1990)….
Ngoài ra, các tỉnh, thành của Trung Quốc (có vị trí địa lí giáp biển) đều đưa ra các quy định, Điều lệ về quản lý sử dụng biển: Quy định quản lý nghiên cứu khoa học biển liên quan tới bên ngoài nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 18/6/1996); Quy định về việc đặt dây cáp và ống dẫn ngầm dưới đáy biển (ngày 11/2/1989); Điều lệ hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí biển với nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 30/1/1982, sửa đổi ngày 23/9/2001), Luật Quản lý sử dụng khu vực biển (năm 2011), Quy chế quản lý quyền sử dụng khu vực biển và cách thức đăng ký quyền sử dụng khu vực biển (năm 2006), Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (01/01/2013)…. Đáng chú ý, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam, quy định cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được phép “lên tàu kiểm tra, khám xét, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc”. Các hành vi bị coi là xâm phạm trái phép như: Dừng đỗ bất hợp pháp; tự động xuất, nhập cảnh; lên các đảo của tỉnh Hải Nam quản lý một cách bất hợp pháp; phá hoại thiết bị phòng vệ biển; xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia…
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (tháng 6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa). Tháng 11/2012, Trung Quốc cho in đường lưỡi bò lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân nước này. Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh từng bước nội luật hóa, tăng cường ý thức của người dân về yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc liên tục sử dụng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự để tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc liên tục sử dụng nhiều thủ đoạn ngăn chặn, thậm chí ép buộc nhiều đối tác của Việt Nam phải ngừng khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, cụ thể: Ngày 23/03/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã yêu cầu Công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) ngừng khai thác tại mỏ khí Cá Rồng Đỏ là dự án mỏ sâu của Việt Nam nằm ngoài khơi Biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Mỏ này được cho là gồm 12 cụm giếng và sẽ cung ứng 25.000 – 30.000 thùng dầu/ngày và 60 triệu m3 khí/ngày. Ngày 17/5/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố phản đối hoạt động khoan dầu của Công ty Rosneft Vietnam BV, một nhánh thuộc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft của Nga, tại mỏ Lan Đỏ, Lô 06.1 trên thềm lục địa Việt Nam.
Cùng với hoạt động ngặn chặn phi pháp các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc tích cực đầu tư tài chính, nhân sự, nghiên cứu khóa học kỹ thuật để thăm dò, khai thác trộm dầu khí ở Biển Đông. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 90 – 116 hải lý. Ngoài ra, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên công khai nhiều lần mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển của Việt Nam. Các lô này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý, chồng lên các lô từ 128 đến
132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí.
Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch phát triển năng lượng trên biển: (1) Nâng cấp, tối ưu hóa nguồn cung năng lượng thông qua: Xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển; thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa lọc dầu, triển khai chương trình nâng cao chất lượng dầu thành phẩm. (2) Xây dựng mạng lưới vận tải năng lượng hiện đại: Quy hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển các hình thức vận chuyển năng lượng, dầu khí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân chia năng lượng; nhanh chóng xây dựng mạng lưới vận chuyển và trữ năng lượng hiện đại, hỗ trợ cho nhau, thuận tiện và đảm bảo an toàn; tối ưu hóa việc xây dựng mạng lưới điện và hệ thống truyền tải điện giữa các khu vực; nhanh chóng xây dựng đường ống dẫn dầu nhập khẩu chiến lược trên bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân phối dầu khí. (3) Xây dựng hệ thống năng lượng thông minh: Nhanh chóng thúc đẩy phát triển công nghệ hóa trong toàn bộ quy trình và toàn bộ lĩnh vực năng lượng; nâng cao khả năng tự thích ứng một cách bền vững; các ứng dụng liên quan phát triển năng lượng, quản lý, phân phối và tích trữ.
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Trung Quốc thường sử dụng lực lượng tàu ngư chính và tuần duyên cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tầu cá của các nước. Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt. Trung Quốc cho rằng mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chý ý là lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong “đường 9 đoạn”, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác; thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không thảm khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác; Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước.
Không những vậy, Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.
Trung Quốc liên tục thất hứa về Biển Đông
Trước khi ông Thẩm Kim Long cam kết “biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, đã có quá nhiều giới quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra các cam kết tương tự về việc đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như không quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (9/2015) đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Trước đó, nhiều quan chức của Trung Quốc cũng cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và Trung Quốc không có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hay chạy đua vũ trang trong khu vực. Gần đây nhất, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Trưởng đoàn của Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc khẳng định phát biểu của Mỹ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí tới Biển Đông là “thiếu trách nhiệm, những hành động của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia, tránh nguy cơ xâm lược từ các nước khác”.
Tuy nhiên, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông (bất chấp cam kết trước đây của Tập Cận Bình) là nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc; đồng thời tìm cách gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông cũng phục vụ mục đích “răn đe” và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.
Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế
Việc quân sự hóa cao độ của Trung Quốc tại các đảo được xây dựng trái phép trên Biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh trên toàn khu vực và xa hơn thế, đồng thời đặt ra nguy cơ xảy ra xung đột dữ dội, đặt toàn bộ các nước có tranh chấp khác trong đường ngắm của Trung Quốc. Quá trình quân sự hóa tăng cường tại các tiền đồn tôn tạo trái phép” của Trung Quốc sẽ “chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây ra sự mất lòng tin giữa các nước có tranh chấp”.
Không những vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.
Phản ứng của Việt Nam
Trong số các bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là nước có đầy đủ chứng cứ pháp lý và căn cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam đã thực thi đa dạng, tổng hòa nhiều biện pháp thiết thực góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC), Luật Biển Việt Nam. Yêu cầu chiến lược của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác. Chủ trương cụ thể là: (1) Trong xử lý vấn đề Biển Đông, cần giữ vững độc lập, tự chủ, gắn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. (2) Tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, tăng cường thực hiện và bảo vệ kinh tế biển, nhất là hoạt động dầu khí và đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lý; bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. (3) Duy trì nguyên trạng Biển Đông; bảo vệ quyền đánh bắt cá chính đáng của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam cũng chủ động, tích cực cùng các bên liên quan đàm phán tìm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được đối với các khu vực tranh chấp. (4) Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Trung và các nước có liên quan, phấn đấu không để xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.