Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 06/05/2019

Monday, May 6, 2019 5:31:00 PM // ,


Đọc báo Pháp – 06/05/2019

Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải của châu Á ?

Bài viết trên báo Le Figaro, trang 17 thu hút độc giả quan tâm về châu Á. Kèm theo đó là ba tấm bản đồ về các vùng biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương với các hàng chú thích “Một khu vực chiến lược đối với các hoạt động thương mại … tâm điểm của tham vọng Trung Quốc … có thể dẫn tới xung đột”.
Cyrille Pluyette trở lại với sự kiện tháng 4/2019, Trung Quốc tức giận vì Pháp điều chiến hạm Vendémiaire đi ngang eo biển Đài Loan. Bắc Kinh coi đây là một hành vi “bất hợp pháp” vì “không muốn bất kỳ một ai gây trở ngại cho tham vọng của mình đối với vùng biển này”.
Tác giả lần lượt giải đáp các câu hỏi : “Tại sao Bắc Kinh đã có phản ứng khi tàu Vendémiaire tiến vào eo biển Đài Loan ? Phải chăng Bắc Kinh xem toàn bộ eo biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc” ? Về phía Paris, Hải Quân Pháp cho biết “trung bình mỗi năm vẫn đi ngang khu vực eo biển Đài Loan một lần” và hoạt động trong vùng biển được phép lưu thông. “Vậy tại sao lần này Trung Quốc lại phản ứng gay gắt” ? Hai lý do cho phép trả lời câu hỏi này : thứ nhất Bắc Kinh bực mình vì cho rằng Paris về hùa với Mỹ, thực thi quyền “tự do hàng hải” và Trung Quốc muốn dằn mặt Pháp sau khi tổng thống Macron thông báo tăng cường hiện diện trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, đẩy mạnh hợp tác với hải quân Nhật Bản trong vùng. Thứ nhì, là Trung Quốc muốn thị uy vài tuần lễ trước diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Singapore và chiếc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp sẽ dừng lại tại cảng Singapore nhân dịp này.
Một số các câu hỏi khác được tác giả bài báo trên Le Figaro nêu ra : “Đâu là mục đích của Hải Quân Mỹ khi đưa tàu chiến vào vùng eo biển Đài Loan ? Thực hư về sức mạnh của Hải Quân Trung Quốc và liệu rằng tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc có đang thay đổi trong khu vực châu Á Thái Bình Dương hay không” ?
Chiến thuật của Bắc Triều Tiên để mặc cả với Mỹ
Cũng Le Figaro trở lại với vụ Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm tên lửa tầm ngắn cách nay hai ngày và tờ báo ghi nhận : “Kim Jong Un phô trương cơ bắp nhằm thúc đẩy trở lại đàm phán với Hoa Kỳ”.
Trăng mật Donald Trump – Kim Jong Un có dấu hiệu “mệt mỏi” từ sau hai thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội. Một chuyên gia Mỹ cho rằng đến nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn chưa “nuốt trôi” việc ông đã ra về tay không sau lần gặp gỡ cuối cùng với tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Do vậy, các động thái gần đây như vụ thử vũ khí chiến thuật có trang bị hệ thống dẫn đường vào tháng 4/2019, và vụ thử tên lửa từ bãi Hodo hôm 04/05/2019 là “một thông điệp nhằm thúc giục Donald Trump quay lại bàn đàm phán, với những đòi hỏi mà Bình Nhưỡng có thể dễ chấp nhận hơn. Đồng thời đây cũng là cách để Kim Jong Un trấn an công luận Bắc Triều Tiên” về khả năng quân sự của chế độ.
Le Figaro trích lời chuyên gia Scott Snyder thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Mỹ, Council of Foreign Relations, Kim Jong Un phải tỏ ra cứng rắn để chứng minh về thế mạnh của ông đã phần nào bị sứt mẻ từ sau thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội. Chính vì muốn củng cố sức mạnh mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khai thác lá bài ngoại giao qua việc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Mỹ Su Mi Terry thuộc trung tâm CSIS chờ đợi: “Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục cho thử nghiệm tên lửa, nhưng sẽ không vượt quá lằn ranh đỏ, nghĩa là sẽ tránh thử nghiệm tên lửa liên lục địa, và sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước lớn trên thế giới” để mặc cả với Washington.
Pháp: Thực tế thách thức tổng thống Macron
Ngày mai 07/05/2019 đánh dấu đúng hai năm Emmanuel Macron, đắc cử tổng thống Pháp. Hai năm trong điện Elysée, Emmanuel Macron là một vị tổng thống “cô đơn”, tựa của La Croix trên nền bức ảnh ông một mình trên những bậc thềm của phủ tổng thống. Tờ báo phân tích : “Macron không có được những vị bộ trưởng tầm cỡ, chính phủ thiếu trọng lượng còn đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông thì còn quá non nớt. Đó là những nhược điểm lớn của chủ nhân điện Elysée”. La Croix so sánh : tháng 6/2017 trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, Emmanuel Macron được 57 % người Pháp tín nhiệm. Gần hai năm sau, theo thăm dò được thực hiện hồi tháng 4/2019, chính sách của nguyên thủ Pháp chỉ còn được 26 % dân chúng tán đồng.
Báo Le Figaro nói đến hai năm “Thực tế đặt vị tổng thống trước những thử thách”. Tờ báo thiên hữu phân tích tổng thống Pháp đánh mất hào quang từ sau tai tiếng mang tên Benalla bị phơi bày ra ánh sáng. Alexandre Benalla là một cận vệ và cũng là người thân tín nhất của Macron. Tiếp theo đó là nhiều nhân vật nặng ký trong chính phủ, nhiều cố vấn trung thành với Emmanuel Macron đua nhau từ chức. Tham vọng cải tổ sâu rộng đất nước từ kinh tế, đến xã hội, y tế và cả kế hoạch cải tổ Hiến Pháp tổng thống Macron muốn tiến hành đều bị đóng băng. Ngay cả tham vọng cải tổ Liên Hiệp Châu Âu cũng không còn sức thuyết phục đối với các đối tác chính của Paris, đứng đầu là Đức.
Đến mùa thu vừa qua, phong trào Áo Vàng bùng lên và đã kéo dài suối 25 tuần lễ mà vẫn chưa tới hồi kết. Tổng thống Emmanuel Macron đã hai lần thông báo một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu công luận, tốn hàng chục tỷ euro. Nhưng Le Figaro lo ngại vẫn chưa giải tỏa được những bức xúc trong xã hội, của những “người nổi loạn vì bất công thuế khóa”.
Báo Le Figaro tiếc rằng, “khủng hoảng Áo Vàng đã buộc Emmanuel Macron phải hoãn lại nhiều dự án cải tổ” từ kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng, đến hệ thống an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp …
Bà phù thủy trong thung lũng tin học Silicon Valley
Les Echos tặng cho một phụ nữ danh hiệu “cơn ác mộng của vùng thung lũng tin học Silicon Valley. Đó là nhà báo Kara Swisher, 56 tuổi : người đàn bà có ảnh hưởng lớn nhất ở sườn tây nước Mỹ. Bà đã chứng kiến ngày những tập đoàn như Netscape hay AOL ra đời, mời từ Steve Jobs đến Bill Gates tham luận, và cũng là người đã tấn cho Yahoo! một đòn chí tử, là người khiến Marc Zuckerberg đổ mồ hôi hột.
Sở dĩ có quyền sinh sát trong tay như vậy do Kara Swosher có 1,3 triệu follower trên Twitter, là sáng lập viên của trang mạng Re/code và từ 20 năm qua, chỉ cần một tiếng nói của bà cũng đủ để những công ty high tech ở thung lũng Silicon Valley “lên voi hay xuống chó”.
Cựu lãnh đạo Twitter Dick Costolo giải thích : “Kara Swisher mà nhắc đến tên của hãng nào, là lập tức người người nghe theo. Bà là một nhà báo ngoại hạng và rất có uy tín với giới trong ngành. Người ta theo chân bà trên các mạng xã hội để xem Kara phán những gì. Swisher là một loại hàn thử biểu rất chính xác”.
Người Mỹ hào phóng với nhà thờ Đức Bà Paris
Người Mỹ hào phóng đóng góp để xây dựng lại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Phụ trang văn hóa của tờ Le Figaro cho biết quỹ FHS có trụ sở tại New York, từ ba tuần qua làm việc không ngơi tay. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu người liên lạc với quỹ này, để tặng khi thì 5 khi thì 10 đô la hay 10 triệu đô la, giúp nước Pháp xây dựng lại Nhà Thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn hôm 15/04/2019.
Một quỹ khác mang tên Những người Bạn của Notre Dame đến nay đã quyên góp được 850.000 đô la… Các buổi hòa nhạc gây quỹ tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris được dân New York, Washington hay San Francisco, New Orleans nhiệt tình tham gia. Trong số các vị mạnh thường quân ấy, có rất, rất nhiều người chưa bao giờ được đặt chân đến Pháp, Paris hay Nhà Thờ Đức Bà.
Nhưng một người nói với phóng viên của báo Le Figaro, “Notre Dame de Paris là của tất cả mọi người, của cả thế giới (…) Vụ hỏa hoạn vừa rồi là hồi chuông thức tỉnh công luận, rằng tất cả mọi người đều họ có trách nhiệm chăm chút cho di sản mà chúng ta đã kế thừa của cha ông, và đến lượt chúng ta phải tiếp tục gìn giữ những gì đã có để truyền lại cho các thế hệ sau này”.

Báo Libération: “Điện Biên Phủ, lòng chảo tai họa”

“Cách nay 65 năm, quân đội Pháp xem thường sức mạnh của Việt Minh, thất trận thảm bại trong lòng chảo Bắc Kỳ. Các hiệp định hòa bình sau đó là điểm khởi đầu, khai tử đế chế thực dân”. Laurent Joffrin của báo Libération mở đầu bài viết về trận đánh Điện Biên Phủ như trên và tờ báo dành bốn trang để nhìn lại sự kiện này.
Ngày 15/03/1954 trung tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ dùng lựu đạn tự sát. Cả một biểu tượng. Qua cử chỉ tuyệt vọng của Piroth người ta ý thức được rằng “chính sách thực dân bắt đầu lung lay, chiến tranh Đông Dương vừa xa vời, vừa không được lòng dân, là một cuộc chiến đẫm máu, phi lý và vô ích”.
Libération nhắc lại với độc giả chặng đường dài từ tháng 3/1954 rồi đến cuộc tổng tấn công ngày 01 tháng 5 và hồi kết ngày mồng 7 : Pháp thất thủ. Khoảng 8.000 lính Việt Nam thiệt mạng ; 2.000 bên phía Pháp ; 11.000 tù binh. Trong số này, chỉ có 3.290 người sống sót cho tới sau hiệp định hòa bình 20/07/1954.
“Điện Biên Phủ là hồi kết của những năm dài trong chính sách thực dân của Pháp. Sau Điện Biên Phủ, Mặt Trận Giải Phóng Algeri FLN vùng lên. Chiến thắng của Võ Nguyên Giáp tạo nên sức mạnh cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tại các quốc gia bị đô hộ (…) Độc lập của các quốc gia này nảy sinh từ lòng chảo ẩm ướt nơi vùng núi rừng Bắc Kỳ : Điện Biên Phủ”.
Bên cạnh bài viết của Laurent Joffrin, tờ báo đã tìm đến với hai nhân vật đã trải qua trận đánh lịch sử này. Người thứ nhất là đại tá Jacques Allaire, một lính dù trong trận đánh Điện Biên Phủ. 65 năm sau ông gọi đấy là một “thảm họa” đã “ngấm vào da thịt ông”.
Nhân vật thứ nhì là ông Đoàn Minh Tuấn. Mùa xuân năm 1954 trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông là một công binh 17 tuổi. Libération gặp được ông trong căn hộ ở Antony, ngoại ô phía nam Paris. Tiếp phóng viên Libération, ông cụ nói : suýt quên mất ngày mồng 7 tháng 5, và đã “sang trang” giai đoạn ấy.
Nhưng chỉ cần khơi lại một chút ký ức, những hình ảnh Điện Biên Phủ lại tràn về. Ông còn nhớ rõ, trong trận đánh quyết định ngày 13 tháng 3, có từ 20 đến 30 người trong đơn vị đã ngã xuống. Ông chỉ bị thương nhẹ ở chân. Gần hai tháng sau, khi quân Pháp đầu hàng, ông đã trông thấy những binh sĩ Pháp “rất gầy gò và rất thiểu não”.
65 năm sau, cụ Đoàn Minh Tuấn mỉm cười “chiến tranh là một bài học trải nghiệm của thời trai tráng. Nhưng không có gì là anh hùng cả, có biết bao người cũng đã trải qua kinh nghiệm này”.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Libya: Haftar gạt ý tưởng ngừng bắn trong mùa Ramadan.
Trong một đoạn ghi âm gởi đến Lực Lượng Vũ Trang Quốc Gia Libya ANL ngày 05/05/2019, thống chế Khalifa Haftar kêu gọi các binh sĩ chiến đấu hết mình, đánh cho « kẻ thù một bài học cho đến khi đuổi được chúng ra khỏi miền đất yêu thương ». Lời kêu gọi này được đưa ra đúng vào thời điểm mùa lễ chay Ramadan bắt đầu từ thứ Hai 06/05/2019, vài giờ sau khi Liên Hiệp Quốc kêu gọi một tuần hưu chiến nhân đạo tại Libya.
(AFP) – Pháp mở phiên xử France Telecom.
Tập đoàn viễn thông lớn nhất của Pháp, còn biết đến dưới tên gọi Orange từ năm 2013, bị cáo buộc « quấy rối tinh thần » có quy mô lớn. Vụ xét xử bắt đầu từ hôm nay 06/05/2019 nhắm vào bảy cựu lãnh đạo tập đoàn trong đó có cựu chủ tịch Didier Lombard, 77 tuổi và cựu giám đốc nhân sự, Olivier Barberot 64 tuổi. Vụ việc có liên quan đến kế hoạch giảm 22.000 nhân sự và điều chuyển hơn 10.000 người khác. Kế hoạch này bị nghi ngờ là nguồn gốc của làn sóng tự tử trong tập đoàn.
(AFP) – Hội nghị Bắc Cực: Môi trường và nguồn tài nguyên là trọng tâm.
Ngoại trưởng các nước có một phần lãnh thổ nằm trong vùng Bắc Cực hôm nay 06/05/2019 tụ họp về tại Phần Lan để thảo luận về việc quản lý khu vực. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh có những căng thẳng liên quan đến hiện tượng khí hậu ấm dần và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
(AFP) – Bắc Macedonia : Ứng viên đảng Xã Hội Dân Chủ, thân Châu Âu, đắc cử tổng thống. 
Theo kết quả của 99% phiếu được kiểm, ông Stevo Pendarovski đã về đầu trong vòng hai bầu cử tổng thống ngày 05/05/2019, với 51,7% phiếu bầu, trong lúc ứng viên bảo thủ, xu hướng dân túy, Gordana Siljanovska Davkova, được 44,7%. Tổng thống tân cử được các đảng trong liên minh cần quyền ủng hộ, đã cam kết thay đổi tên nước, tức thêm từ « Bắc » vào Macedonia, để Hy Lạp không dùng quyền phủ quyết ngăn chặn việc gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu.
(AFP) –Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ về các trại cải tạo Tân Cương. 
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay 06/05/2019 bác bỏ cáo buộc của thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Randall Schriver tuần trước, rằng hiện có khoảng 3 triệu người hầu hết là Hồi Giáo bị giam trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Cảnh Sảng kêu gọi phía Mỹ « từ bỏ thành kiến và không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc thông qua vấn đề Tân Cương ».
(AFP) – Pháp bị kiện vì từ chối nhận con cái quân thánh chiến. 
Ông bà của hai trẻ em đang bị kẹt cùng với người mẹ thánh chiến tại một trại của người Kurdistan ở Syria đã kiện lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (CEDH) vì chính phủ Pháp từ chối cho ba mẹ con hồi hương. Họ bị thương trong trận đánh ở Baghouz, sào huyệt cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, và được đưa về trại tị nạn Al Hol, nơi nạn dịch tả, bệnh lao đang lan tràn.
(Reuters) –Boeing mất 13 tháng mới báo cáo về hệ thống cảnh báo của 737 MAX. 
Phải hơn một năm trời, hãng Boeing mới báo cho cơ quan hàng không dân dụng liên bang Hoa Kỳ về việc đã gỡ bỏ hệ thống cảnh báo cho kiểu máy bay Boeing 737 MAX trong khi trước đây được mặc nhiên lắp đặt. Tuy vậy hôm qua 05/05/2019 tập đoàn hàng không Mỹ vẫn khẳng định hệ thống này không ảnh hưởng về mặt an ninh.
(AFP) – Doanh thu phim « Avengers : Hồi kết » vượt cả Titanic. 
Bộ phim thứ 22 của không gian Marvel mang tên « Avengers : Hồi kết »cho đến hôm qua 05/05/2019 đã thu được 2,19 tỉ đô la sau hai tuần lễ công chiếu trên thế giới, vượt quá bộ phim kinh điển nổi tiếng lâu nay là Titanic (2,18 tỉ đô la). Trong đó chỉ riêng tại Trung Quốc đã đạt 575,8 triệu đô la doanh thu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.