Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Cả Mỹ và TQ sẽ có lợi khi Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân

Saturday, May 4, 2019 6:23:00 PM // ,

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có nhiều lợi ích chung trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên tại thành phố Vladivostok đã kéo dài hơn 3 giờ với những kết quả được cả hai nhà lãnh đạo đánh giá “rất hài lòng”.
Trả lời phóng viên sau cuộc gặp, Tổng thống Vladimir Putin cho biết sẽ thông báo các nội dung liên quan đến cả Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ngày 24/4/2019 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Nga và Triều Tiên trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù Washington chưa đưa ra bình luận gì về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều nhưng bài viết này sẽ đưa thêm một số nhận định về lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc trong việc phối hợp giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc và Mỹ chủ trương thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhưng hợp tác trên lĩnh vực an ninh, nhất là tại Đông Á còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến nhu cầu hợp tác chung giữa hai bên.
Giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể tạo cơ hội cho Trung-Mỹ tăng cường hợp tác an ninh, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác, góp phần ổn định quan hệ Trung-Mỹ.
Từ sau khi Tổng thống Donald Trump xác định Trung Quốc là “đối thủ”, xung đột chiến lược và ma sát thương mại Mỹ-Trung càng trở nên gay gắt, hai bên, nhất là Trung Quốc, càng cần tìm kiếm cơ hội hợp tác mới để giảm căng thẳng quan hệ hai nước, đưa quan hệ hai nước đi vào quỹ đạo bình thường.
Thứ hai, Mỹ-Trung đều mong muốn có một môi trường ổn định và đều coi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một điều kiện tất yếu để đạt được mục tiêu này.
Ngăn chặn sự uy hiếp bằng vũ khí hạt nhân, ngăn chặn chạy đua hạt nhân, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đều thuộc về lợi ích của cả hai nước.
Tại Đông Bắc Á, ngoài Bình Nhưỡng, cả Tokyo và Seoul đều chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân. Trung Quốc và các đồng minh chủ yếu của Mỹ cũng như ngay cả bản thân nước Mỹ sẽ là nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của nguy cơ hạt nhân.
Động lực chủ yếu thúc đẩy chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên là các lợi ích kinh tế và an ninh.
Trên mặt trận kinh tế, mặc dù cán cân thương mại hai bên nghiêng về phía Triều Tiên, nhưng một thị trường khu vực cởi mở và ổn định vẫn có lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc.
Quyền tiếp cận cảng biển không bị đóng băng ở Rason, nơi có cảng Rajin, có thể rút ngắn các tuyến vận tải biển từ Trung Quốc đến Nhật Bản, các thành phố ở phía nam Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á.
Hàng hóa được vận chuyển qua Rajin chủ yếu là gỗ xẻ, than đá và các vật liệu thô dùng trong xây dựng mà phần lớn đang chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) nói chuyện với ông Tập Cận Bình ở Đại Liên, Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5/2018 (Ảnh: AP)
Thứ ba, cả Trung Quốc và Mỹ đều có nghĩa vụ pháp lý đối với bán đảo Triều Tiên. “Hiệp định hữu nghị hợp tác hỗ trợ lẫn nhau Trung-Triều” ký năm 1961 vẫn có hiệu lực. Như vậy, Trung Quốc vẫn có nghĩa vụ đồng minh theo pháp lý đối với Triều Tiên.
Tương tự như vậy, Mỹ cũng có nghĩa vụ đồng minh với Hàn Quốc theo quy định của “Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ-Hàn” ký năm 1953.
Đây là một thực tế mà Trung Quốc và Mỹ không thể không tính đến và những nghĩa vụ này đương nhiên ảnh hưởng đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thứ tư, bắt đầu từ năm 2003, sau khi Triều Tiên rút khỏi “Hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân”, nguy cơ hạt nhân Triều Tiên lại bùng phát. Mỹ và Trung Quốc chủ trương giải quyết qua con đường đối thoại.
Hai bên Trung, Mỹ đã có sự hợp tác, cùng thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đạt được những kết quả nhất định.
Đáng chú ý, các bên đã đi đến “Tuyên bố chung 19/9/2005” và “Văn bản hành động thực hiện ngày 13/2/2007”.
Sau hai văn bản này, với sự chủ động của Trung Quốc và phối hợp của Mỹ, trong khuôn khổ đàm phán 6 bên, các nhóm công tác gồm “nhóm Mỹ-Triều”, “nhóm Nhật-Triều”, “nhóm phi hạt nhân hóa”, “nhóm năng lượng” và “nhóm cơ chế hòa bình an ninh Đông Bắc Á” đã được thành lập, hoạt động cho đến năm 2013 khi Triều Tiên rút khỏi đàm phán 6 bên.
Theo đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều có nhận thức chung nhất định về tầm quan trọng, tính cần thiết và mục tiêu của quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Những nhận thức chung này vẫn có thể là nhân tố thuận lợi cho sự hợp tác Trung-Mỹ trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Thứ năm, hai bên đều có nhu cầu nâng cao ảnh hưởng quốc tế của mình thông qua tiến trình thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và bảo đảm hòa bình cho bán đảo cũng như ổn định của khu vực Đông Bắc Á.
Hoàn thiện cơ chế và hệ thống biện pháp cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những lĩnh vực mà Mỹ muốn thông qua đó để thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới của mình.
Trung Quốc thì muốn nêu cao vai trò “nước lớn có trách nhiệm”, nhất là sau khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.
Điều này có nghĩa là Bắc Kinh và Mỹ chia sẻ lợi ích và ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Do Triều Tiên bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế nên các mối quan ngại đã gia tăng về khả năng thiếu hụt công nghệ hạt nhân ở Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn và quản lý tai nạn hạt nhân.
Sự quan ngại như vậy đã trở nên rõ ràng vào tháng 9/2017, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, khi các báo cáo về việc một địa điểm thử hạt nhân bị sụp đổ làm dấy lên những quan ngại về khả năng tràn phóng xạ.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.