Đọc báo Pháp – 04/02/2019
Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi :
Thách thức lớn của châu Âu
Chủ đề Trung Quốc chiếm nhiều tựa trang nhất báo Pháp hôm nay. Le Monde có hồ sơ lớn về tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Tựa trang nhất của La Croix : « Những điểm yếu của người khổng lồ Trung Quốc ». Châu Âu gia tăng áp lực với chính quyền Maduro tại Venezuela là đề tài chính của Le Figaro. Viễn cảnh nước Pháp tổ chức trưng cầu dân ý sau cuộc Thảo luận toàn quốc cũng được báo chí nói đến nhiều.
Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của Le Monde : « Hoa Vi : Một thách thức với Liên Âu ». Le Monde thừa nhận là, « bị hấp dẫn bởi thị trường Hoa lục khổng lồ », phương Tây trong một thời gian dài đã nhắm mắt trước một loạt các hoạt động khác thường của chính quyền Bắc Kinh như vai trò chỉ đạo của Nhà nước đối với nền kinh tế, các hàng rào bảo hộ mậu dịch được ngụy trang, hay việc không tôn trọng nguyên tắc sở hữu trí tuệ. Điều bất ngờ đối với phương Tây là Trung Quốc đã trỗi dậy hết sức nhanh chóng. Trường hợp tập đoàn Hoa Vi là một ví dụ tiêu biểu.
Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, Hoa Vi đã trở thành một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực mạng điện thoại di động thế hệ mới 5G. Giờ đây mạng lưới 5G – mà Hoa Vi tham gia hoặc cung cấp thiết bị tại nhiều quốc gia – đang bị nghi ngờ trở thành công cụ cực kỳ hùng mạnh, mà chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng vào các mục tiêu gián điệp hay phá hoại.
Mối quan hệ giữa tập đoàn viễn thông « tư nhân » này, cũng như đa số các doanh nghiệp Trung Quốc với Bắc Kinh là điều gây ngờ vực lớn, bởi quyền lực bao trùm của chế độ Cộng Sản tại nước này. Một luật mới của Trung Quốc ra đời năm 2017 bắt buộc mọi doanh nhân và công dân phải cộng tác với các cơ quan an ninh, và không được phép công bố thông tin về mối quan hệ bí mật này. Cũng có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều có thể bị buộc phải làm gián điệp cho chính quyền.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên quyết định ngăn chặn các hoạt động của Hoa Vi, cho dù tập đoàn này liên tục khẳng định không phải là công cụ của Bắc Kinh. Washington vừa khởi sự một chiến dịch ngoại giao rộng lớn nhằm thuyết phục các nước đồng minh đóng cửa với Hoa Vi. Giám đốc tài chính của Hoa Vi vừa bị Hoa Kỳ chính thức yêu cầu dẫn độ, vì một nghi án liên quan đến quan hệ với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Một số người làm việc cho Hoa Vi bị truy tố vì tội gián điệp.
Thế khó xử của Liên Âu
Thế nhưng, theo Le Monde, Liên Âu đang ở trong thế khó xử với Hoa Vi, trước hết bởi không thể áp dụng với công ty này các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các biện pháp đi ngược lại với nền kinh tế thị trường, mà chính châu Âu thường phê phán Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác khiến các nước châu Âu rất dè dặt trước Hoa Vi, là bởi bản thân các tập đoàn hàng đầu của châu Âu, như Nokia hay Ericsson đang lùi bước tại thị trường chiến lược này.
Theo tập đoàn Đức Deutsche Telecom, việc loại trừ Hoa Vi có thể sẽ khiến cho việc triển khai mạng 5G ở châu Âu bị trễ hai năm, gây thiệt hại nhiều tỉ euro cho các nhà khai thác.
Le Monde nhấn mạnh đến tình thế đầy thách thức hiện nay, khi Hoa Kỳ, một mặt ngăn chặn Hoa Vi, mặt khác cũng có thể lấy nhà cung cấp phương tiện viễn thông này làm một lá bài mặc cả với Bắc Kinh. Washington có thể bất ngờ mở cửa trở lại cho Hoa Vi, nếu đạt được một số nhân nhượng.
Theo Le Monde, để không rơi vào thế bị động trong cuộc chiến ngoại giao và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khối 27 nước phải đoàn kết, xây dựng một chính sách chung nhằm thúc đẩy cách tân công nghệ, cũng như một chính sách tự vệ chung. Hoa Vi chính là một « trắc nghiệm » đối với châu Âu.
Nếu không vượt qua được trắc nghiệm này, khối 27 nước sẽ trở nên phụ thuộc nặng nề về công nghệ, và rốt cuộc là bất lực về chính trị.
Ngăn chặn Hoa Vi : Châu Âu tìm cách phối hợp
Một người phát ngôn của bộ Nội Vụ Đức cuối tuần trước cho biết hiện tại chính phủ chưa ra quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt, Berlin chủ trương hoàn toàn minh bạch về nguồn gốc các thiết bị 5G, và hai tập đoàn viễn thông chủ chốt của Đức đã thống nhất sẽ loại bỏ hoàn toàn thiết bị Hoa Vi.
Tại Pháp, đầu tuần qua, chính phủ đã chuyển qua Thượng Viện một dự thảo sửa đổi luật, cho phép tăng cường kiểm soát các mạng viễn thông. Tuy không nhắm vào công ty cụ thể nào, nhưng ắt hẳn Hoa Vi nằm trong tầm ngắm. Tại Anh, Na Uy, nhiều quan chức chính quyền kêu gọi hành động khẩn cấp. Ba Lan và Cộng Hòa Séc cũng cho biết đang suy nghĩ về vấn đề này.
Tại Litva, nhà khai thác Telia sử dụng các thiết bị của Hoa Vi chính thức khởi sự mạng 5G vào tháng 12/2018. Một nhóm nghị sĩ kêu gọi cơ quan an ninh quốc gia chú ý đến hồ sơ này.
Bruxelles dường như đang chuẩn bị cho một hành động phối hợp. Hôm thứ Tư tuần trước, bốn quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu cho hãng tin Reuters hay là Liên Âu sẽ xem xét một số chiến lược ứng phó chung, trong đó có việc sửa đổi các quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, được đưa ra vào năm 2016, để « cản đường Trung Quốc ».
Trên thực tế, Les Echos cũng thừa nhận là ngăn chặn hoặc loại trừ các thiết bị của Hoa Vi có thể gây ra nhiều hệ quả về chính trị, và đặc biệt là kinh tế. Hiệp hội GSMA, tập hợp hàng trăm nhà sản xuất và khai thác điện thoại di động toàn thế giới, đã đề nghị họp khẩn để bàn về vấn đề Hoa Vi.
Cũng nhật báo Les Echos lưu ý là hai tập đoàn hàng đầu châu Âu về viễn thông, Nokia và Erikson, sau hai năm suy yếu, bắt đầu cải thiện được tình hình vào năm ngoái. Việc đẩy được Hoa Vi ra khỏi thị trường châu Âu có thể mang lại cho các tập đoàn của châu lục nhiều hợp đồng béo bở, nhưng đổi lại, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ trả đũa, và cánh cửa vào thị trường Trung Quốc sẽ khép lại. Mà, khu vực này chiếm khoảng 10% doanh số của các nhà cung cấp châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn chung, việc đổi mới thế hệ cơ sở hạ tầng viễn thông 5G sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị.
« Những điểm yếu » của người khổng lồ Trung Quốc
Các tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị coi là một mối đe dọa với châu Âu, nhưng về nội tình quốc gia này thì sao ? La Croix có hồ sơ lớn « Những điểm yếu của người khổng lồ Trung Quốc».
Trong số báo ra vào ngày 30 Tết cổ truyền của vùng Viễn Đông, La Croix lưu ý với độc giả : trong lúc người Trung Quốc chuẩn bị đón mừng năm Hợi, một năm được coi là mang lại hy vọng cho giàu sang và thịnh vượng, thì chế độ Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trước hết là một nền kinh tế đang ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn, căng thẳng chính trị nội bộ và trong xã hội gia tăng.
Hình ảnh của Trung Quốc với bên ngoài đang ngày càng xuống cấp, đặc biệt là tình trạng đàn áp khốc liệt nhắm vào cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, ngày càng được thế giới biết đến, đàn áp tự do ngôn luận gia tăng. Theo một số nhà nghiên cứu, tại phương Tây, người ta ngày càng nhìn Trung Quốc với thái độ tỉnh táo hơn. Đặc biệt với vụ Hoa Vi, chiếc mặt nạ đã rớt xuống. Rốt cục mọi người cũng hiểu ra rằng « Trung Quốc sẽ không thể cứu được thế giới », thái độ cổ vũ cho một thế giới đa phương của chính quyền Bắc Kinh chỉ là một « miếng mồi », để nhử những người thơ ngây.
La Croix cũng nhấn mạnh là năm nay chế độ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt dịp kỉ niệm lớn. 60 năm đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn khỏi Tây Tạng sang Ấn Độ tị nạn. 30 năm vụ thảm sát chống lại các sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.
Venezuela : Châu Âu gia tăng áp lực cho bầu cử tự do
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela là tâm điểm của thời sự quốc tế. Le Monde có bài « Châu Âu gia tăng sức ép lên chính quyền Maduro ».
Le Figaro cũng như ghi nhận là Liên Hiệp Châu Âu khó lòng đưa ra một tiếng nói thống nhất để gây áp lực mạnh hơn với chính quyền Venezuela. Thiếu đồng thuận, 6 nước châu Âu kiên quyết nhất đã quyết định lên tiếng trước, với việc đe dọa nếu Caracas không tổ chức lại bầu cử tổng thống, châu Âu sẽ thừa nhận ông Juan Guaido, chủ tịch Quốc Hội, tổng thống tự phong, làm quyền tổng thống.
Hôm thứ Năm vừa qua, cuộc họp đầu tiên của nhóm tiếp xúc quốc tế do Liên Âu chủ trì, đã diễn ra tại Montevideo, thủ đô Uruguay. Ngoài đại diện Liên Hiệp Châu Âu, còn có 8 quốc gia châu Âu và 14 nước châu Mỹ Latinh.
Mục tiêu của nỗ lực quốc tế nói trên, theo lãnh đạo ngoại giao châu Âu là để giúp Venezuela đi đến một cuộc bầu cử tự do thực sự. Trả lời phỏng vấn đài France Intern sáng nay, ngoại trưởng Pháp cho biết 7 nước châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh) sẽ phối hợp chặt chẽ, để ủng hộ việc ông Juan Guido tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Chiều hôm qua, Áo cũng quyết định tham gia vào sáng kiến này.
Tổng thống Pháp nêu khả năng
trưng cầu dân ý cùng lúc với bầu cử châu Âu
Trở lại tình hình nước Pháp, báo chí hôm nay đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Macron nêu khả năng tổ chức trưng cầu dân ý, để khép lại cuộc Thảo luận toàn quốc, kéo dài 2 tháng.
Nhật báo Les Echos cho biết tổng thống Macron hôm nay, bắt đầu thảo luận với các đảng phái tại Quốc Hội về khả năng tổ chức trưng cầu dân ý, nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Hàng loạt câu hỏi để ngỏ, về ngày tổ chức (trùng với cuộc bầu cử Nghị Viện hay không ?), những vấn đề nào được nêu ra ? theo hình thức nào ? Tổng thống Macron tuyên bố không loại trừ bất cứ giải pháp nào, và để ngỏ cho thảo luận.
Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération cho biết tổng thống Macron muốn gây ấn tượng, khi đưa ra đề xuất có thể tổ chức trưng cầu dân ý đúng vào ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu 26/5, để lấy ý kiến toàn dân về hàng loạt vấn đề được nêu ra trong cuộc Thảo luận toàn quốc, sẽ khép lại ngày 15/03. Libération đặt câu hỏi : Phải chăng đây sẽ là « một bigbang bầu cử », đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị, bùng phát với phong trào Áo Vàng ?
Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì bày tỏ lo ngại trước việc tổng thống Macron đang có xu hướng thiên về tổ chức trưng cầu dân ý. Le Figaro dẫn lời lãnh đạo đảng cánh trung Modem, chính trị gia François Bayrou. Theo ông, nếu quyết định này không được chuẩn bị tốt, không có một chiến lược vững chắc, thì cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề của nước Pháp sẽ làm lu mờ các vấn đề lớn của châu Âu hiện nay. Xã luận Le Figaro với tựa đề « Cần tiến hành một cách thận trọng », nhắc lại kinh nghiệm trưng cầu dân ý như một « con dao hai lưỡi » từng được tổng thống de Gaulle sử dụng cách nay nửa thế kỷ. Trưng cầu dân ý có thể mở ra cánh cửa cho « những câu trả lời mang tính mỵ dân nhất ».
Pháp : Hai nhà xã hội học gần 100 tuổi
thảo luận về các vấn đề đương đại
Nhật báo Libération dành toàn bộ hồ sơ đầu dài 4 trang, cho cuộc đối thoại giữa hai nhà xã hội học kỳ cựu, Edgar Morin và Alain Touraine, về hàng loạt chủ đề lớn, từ nhập cư, chủ nghĩa dân tộc, sinh thái, châu Âu hay phong trào Áo Vàng…
Bài xã luận của Libération mang tựa đề « Giải pháp khác », mở đầu với bình luận : « Từng trải không phải là kẻ thù của sự tươi mới … ». Trường hợp hai nhà xã hội học Pháp có tuổi đời gần một thế kỷ (Edgar Morin sinh năm 1921, Alain Touraine 1925) được nêu ra như một dẫn chứng tiêu biểu. Theo Libération, hai ông Edgar Morin và Alain Touraine nằm trong số một số trí thức cấp tiến ít ỏi kiên trì chủ trương các lý tưởng toàn cầu mang tính nhân văn, vì một nhân loại « đoàn kết » và « bình đẳng », một hành tinh là « tổ quốc chung », trái ngược lại với xu thế co cụm về bản sắc, với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tại nhiều xã hội.
Theo hai nhà khoa học Pháp, thái độ với người nhập cư chính là « một trắc nghiệm với nền dân chủ » hiện nay, cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh là « yếu tố quyết định » trong con đường vươn lên của nhân loại… Trong không khí giới trí thức đang bị đè nặng bởi bóng ma của nỗi sợ suy thoái, nỗi lo hãi trước những người lạ…, tư tưởng của Edgar Morin và Alain Touraine mang lại « một luồng gió thuần khiết tuyệt vời », theo ghi nhận của Libération.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Mỹ tăng gấp 7 lần quân số ở biên giới với Mêhicô.
Để chống di dân nhập cư, bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ đưa thêm 3.750 quân xuống biên giới phía nam. Tổng cộng, lực lượng biên phòng từ 600 sẽ tăng lên thành 4.350 người. Thời gian bố trí là 3 tháng. Lực lượng này có thể được tăng giảm tùy tình thế để chu toàn nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, theo thông báo Lầu Năm Góc công bố hôm Chủ Nhật 03/02/2019.
(AFP) – Tổng thống Pháp dự tính giải pháp trưng cầu dân ý.
Theo báo Le Journal du Dimanche, 03/02/2019, dường như ông Emmanuel Macron nghiêng về giải pháp này để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng. Các chủ đề hỏi ý kiến dân sẽ được xác định sau cuộc thảo luận toàn quốc. Tuy nhiên, thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm nay tuyên bố ý tưởng này không nằm trong chương trình nghị sự vào lúc này.
(AFP) – Tìm thấy xác máy bay chở cầu thủ Emiliano Sala mất tích.
Gần hai tuần sau khi biến mất trên biển Manche, xác chiếc máy bay du lịch chở ngôi sao bóng đá Achentina đang lên, đã được tàu ngầm tìm kiếm phát hiện dưới đáy biển. Cầu thủ Sala, 28 tuổi, là thần tượng của giới mộ điệu bóng đá Pháp, nhất là ở câu lạc bộ Nantes. Sala cùng với phi công David Ibbotson, 59 tuổi, mất tích trong đêm 21/01, trên đường bay sang Anh đầu quân cho đội banh Cardiff.
(AFP) – Công du Nhật Bản, thủ tướng Đức ủng hộ tự do mậu dịch.
Bắt đầu chuyến công du Nhật Bản trong hai ngày, kể từ 04/02/2019, thủ tướng Angela Merkel đánh giá hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 01/02 là có lợi cho cả đôi bên. Theo lịch trình, thủ tướng Đức ngày mai tiếp kiến Nhật hoàng Akihito, người sẽ thoái vị vào cuối tháng 04/2019.
(AFP) – Minh tinh điện ảnh Angelina Jolie thăm trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh.
Với tư cách đặc sứ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Angelina Jolie ngày 04/02/2019 có mặt tại Cox’s Bazar, nơi khoảng 700 ngàn người Rohingya tạm cư từ sau đợt bạo động vào tháng 08/2017 tại Miến Điện. Cảnh sát trưởng tại khu vực này cho biết, ngày mai Angelina Joliemới tới thăm các trại ti nạn của người Rohingya. Trước khi kết thúc chuyến công tác hai ngày, Angelina Joliesẽ tiếp xúc với thủ tướng và ngoại trưởng Bangladesh để bàn về hồ sơ người Rohingya.
(Reuters) – Philipines : Thủ phạm vụ đánh bom một nhà thờ Thiên Chúa Giáo tại đảo Jolo hôm 27/01/2019 ra đầu thú.
Cảnh sát Philippines ngày 04/01/2019 thông báo Kammah Pae, người được coi là đầu não vụ tấn công nói trên và 4 tòng phạm đã “nộp mình” vào cuối tuần qua. Đây kết quả chiến dịch truy lùng do quân đội Philippines tiến hành. Trong chiến dịch mở ra hôm Thứ Bảy 02/02 tại thị trấn Patikul, tỉnh Sulu, miền nam Philippines, 5 quân nhân và 3 chiến binh của tổ chức Hồi Giáo cực đoan Abou Sayyaf tử vong.
(AFP) – Thái Lan tiếp tục tạm giam một cựu cầu thủ Bahrein.
Ra tòa lần đầu tiên hôm nay, 04/02/2019, tại Bangkok, cựu cầu thủ bóng đá Bahrein Hakeem Ali Al-Araibi từ chối bị dẫn độ về nước, nên sẽ tiếp tục bị tạm giam tại Thái Lan thêm ít nhất hai tháng nữa. Hiện đang có một cuộc vận động quốc tế để đòi cho cựu cầu thủ Barhein được trở về Úc, nơi mà anh đang được hưởng quy chế tị nạn. Hakeem Ali Al-Araibi đã bị tòa án ở Barhein tuyên án khiếm diện 10 năm tù, do bị cáo buộc đã gây hư hại cho một đồn cảnh sát vào năm 2012 trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ.
(AFP) – Nguy cơ tan băng trên dãy Hymalaya và Hindou Kouch.
Theo một nghiên cứu trung tâm đa quốc gia ICIMOD, trụ sở tại Ktmandu-Nepal, thực hiện và công bố hôm nay, 2/3 băng tuyết trên dãy Himalaya và Hindou Kouch sẽ bị tan chảy trước ngưỡng năm 2100. Trải dài trên 3.500 cây số từ Afghanistan đến Miến Điện, hai dãy núi Hindou Kouch và Himalaya là các nguồn dự trữ nước của châu Á, cấp nước cho sông Hằng, sông Mekong và Hoàng Hà. Châu Á đang cần từ 3 đến 4,6 tỷ đô la/năm để thích nghi với biến đổi khí hậu. Phí tổn này sẽ tăng đến gần 8 tỷ/năm vào những năm 2050.
(AFP) – Salvador : Một ứng cử viên trẻ đắc cử tổng thống.
Ông Nayib Bukele, 37 tuổi, đã đắc cử tổng thống Salvador ngay từ vòng đầu hôm qua, 03/02/2019, với tỷ lệ phiếu trên 53%, theo các kết quả không chính thức. Cả hai đối thủ chính của Bukele đều đã công nhận chiến thắng này của ứng cử viên đảng bảo thủ GANA. Nguyên là thị trưởng San Salvador, ông Bukele sẽ là tổng thống thứ sáu của Salvador, tính từ năm 1992, tức là kể từ khi nội chiến tại nước này chấm dứt.
(AFP) – Facebook tròn 15 năm tuổi.
Ngày 04/02/2019, mạng xã hội Facebook mừng sinh nhật lần thứ 15. Đúng ngày này năm 2004, Marck Zuckerberg mở không gian giao lưu giữa một nhóm sinh viên Mỹ. 15 năm sau, Facebook trở thành mạng xã hội được 2,3 tỷ người trên hành tinh sử dụng. Facebook đạt doanh thu 55 tỷ đô la, 98 % là tiền quảng cáo.
(AFP) – Úc huy động quân đội bắt cá sấu.
Nhiều khu vực tại miền đông bắc nước Úc bị ngập lụt vì mưa lũ, cá sấu tràn lên bờ khiến quân đội phải can thiệp. Tại bang Queensland, ngày 04/02/2019, quân đội được điều đến thành phố ven biển Townsville, nơi nhà cửa bị ngập nước, cá sấu tràn vào các khu nhà ở. Chính quyền kêu gọi dân chúng đề cao cảnh giác. Mưa lũ bất thường khiến 16.000 căn hộ tại bang Queensland bị mất điện, 20.000 ngôi nhà bị đe dọa ngập nước.
0 comments