Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 03/12/2020

Thursday, December 3, 2020 2:51:00 PM // ,

 Tin Biển Đông – 03/12/2020

Mỹ tăng cường trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Trọng Nghĩa

Đúng với nhận xét của nhiều quan sát viên, vào những ngày cuối trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng tốc độ trừng phạt Trung Quốc. Liên quan đến Biển Đông, mới đây các nguồn thạo tin đã xác định rằng Washington đã sẵn sàng bổ sung tập đoàn năng lượng khổng lồ Trung Quốc CNOOC vào danh sách các công ty Trung Quốc bị trừng phạt vì đang giúp Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền “phi pháp” trên Biển Đông.

Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC – China National Offshore Oil Corporation) là một tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, được yết giá trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 30/11/2020, tập đoàn này bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen càng lúc càng dài của các công ty Trung Quốc dính líu với quân đội Trung Quốc.

Theo giới quan sát, lý do khiến Mỹ trừng phạt CNOOC rất có thể là vì tập đoàn này đã góp phần đắc lực vào việc giúp chế độ Bắc Kinh thăm dò năng lượng tại vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tự cho là họ có chủ quyền rộng khắp, những yêu sách đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye xem là không có cơ sở pháp lý vào năm 2016, và mới đây, vào tháng 8 vừa qua, đã chính thức bị Mỹ coi là “phi pháp”.

Chính CNOOC là công ty chủ quản của giàn khoan HD-981 mà Trung Quốc đã đưa và cắm sâu bên trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014, gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Trước đó, ngay từ năm 2012, chính tập đoàn này đã phân lô vùng biển kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gọi thầu quốc tế vào khai thác, bất chấp việc nhiều lô đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn quốc tế thăm dò, trong đó có Exxon của Mỹ chẳng hạn.

Việc CNOOC bị đưa vào danh sách đen của Mỹ có hậu quả là ngăn chặn đầu tư Mỹ đổ vào tập đoàn này, cũng như ngăn cản hợp tác giữa tập đoàn Trung Quốc với các công ty Mỹ và quốc tế khác.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, giới đầu tư Hoa Kỳ, hiện đang nắm giữ tới 16,5% cổ phần niêm yết của CNOOC, sẽ bị buộc phải thoái vốn trong bối cảnh chiến dịch chống Trung Quốc đang diễn ra ở Washington.

Công cuộc hợp tác mà CNOOC đang tiến hành với các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, như Exxon Mobil, sẽ gặp trở ngại rất lớn, và đó sẽ có tác hại không nhỏ đối với tập đoàn Trung Quốc, vì lẽ CNOOC vẫn còn phải dựa vào thiết bị và công nghệ của phương Tây.

Theo ghi nhận của trang thông tin Hồng Kông Asia Times hôm 03/12, ít lâu sau khi có thông tin về việc tập đoàn dầu khí Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, ngày 30/11, cổ phiếu của CNOOC trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 14%.

Theo Asia Times, các biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền Trump chống lại tập đoàn năng lượng Trung Quốc là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm các nguồn năng lượng quý giá tại Biển Đông.

Khi tố cáo các hành vi ngoài vòng luật pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo nhân tạo mà họ đang chiếm giữ ở Trường Sa và Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã cho biết là sẽ trừng phạt các cá nhân và tập thể Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động áp đặt chủ quyền. Biện pháp nhắm vào CNOOC chính là nằm trong khuôn khổ đó.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201203-my-tang-cuong-trung-phat-trung-quoc-ve-van-de-bien-dong

Tàu hải quân của Malaysia và ĐCS Trung Quốc đối đầu ở Biển Đông

 Bình luậnĐông Phương

Truyền thông nước ngoài đưa tin, vào tháng Mười Một, cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến vào và thả neo ở cụm Bãi cạn Bắc Luconia (North Luconia Shoals) thuộc vùng biển phía bắc đảo Borneo, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) ngay lập tức triển khai tàu chiến đến đối phó. Hiện tại, tàu chiến Malaysia vẫn đang theo dõi tàu Trung Quốc. Hai bên đã bước vào một cuộc chiến kéo dài về vấn đề Biển Đông.

Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative, AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đăng một bài viết cho biết, hôm 19/11, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 5402 đã tiến vào vùng biển đặt giàn khoan dầu mà Malaysia và một công ty của Thái Lan cùng vận hành. Tàu 5402 neo đậu ở vị trí cách giàn khoan dầu chưa đầy 2 hải lý, Malaysia đã cử tàu phụ trợ “Bunga Mas Lima” của Hải quân Hoàng gia tới tuần tra.

Vài ngày sau, Malaysia cử một tàu tuần duyên lớp Keris Mã Lai tới tuần tra vùng biển gần đó và theo sát tàu tuần duyên Trung Quốc vào ngày 24/11.

Trang web Kwongwah của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ báo chí nước ngoài cho biết, việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng triển khai quân sự ở Biển Đông trong những năm gần đây đã khiến các nước láng giềng đề cao tinh thần cảnh giác, cả Malaysia và Trung Quốc đều thể hiện quyết tâm đối đầu lớn hơn.

Còn theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 5402 đã tiến vào và neo đậu gần Bãi cạn Luconia vào tháng trước, sau đó quấy rối dàn khoan và tàu tiếp tế của Malaysia. Phía Malaysia đã triển khai các tàu hải quân để đối phó, hiện tại tàu Malaysia vẫn tiếp tục theo dõi tàu Trung Quốc.

Theo tìm hiểu, Bãi cạn Luconia được Malaysia coi là thuộc vùng biển kinh tế của nước này nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với vùng nước này.

VOA dẫn lời ông Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao chuyên nghiên cứu về an ninh và chính sách đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế Malaysia và chỉ ra rằng, vị trí của cảnh sát biển Trung Quốc trong vụ việc này và các hành động theo dõi của Malaysia là đặc biệt đáng chú ý, và nó thực “khiến người ta bất an” vì sự việc tương tự hiếm khi xảy ra ở một địa điểm gần bờ biển như vậy.

Theo tài liệu, tàu cảnh sát biển Trung Quốc 5402 là tàu sản xuất trong nước có lượng choán nước 4.000 tấn, còn tàu tuần duyên lớp Keris Mã Lai cũng do nhà máy đóng tàu Trung Quốc làm ra, có lượng choán nước 680 tấn và được bàn giao vào đầu năm nay.

Trung Quốc và Malaysia cũng có tranh chấp chủ quyền ở Bãi cạn Nam Luconia (South Luconia Shoals) trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Gần đây, tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra rằng, vào cuối tháng Mười Một, tàu tuần duyên Trung Quốc đã đối đầu với một số tàu của Malaysia tại rạn san hô Luconia Breakers thuộc Bãi cạn Nam Luconia. Theo báo cáo, phía Trung Quốc đã tham gia vào việc khoan dò trái phép một giếng dầu ở vùng biển gần đó.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/the-gioi/tau-hai-quan-cua-malaysia-va-dcs-trung-quoc-doi-dau-o-bien-dong-111396.html

Việt Nam lại yêu cầu Trung Quốc và Đài Loan tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt tổ chức các chuyến du lịch tàu ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”

Đây là kêu gọi do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo vào chiều ngày 3 tháng 12. Bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng như vừa nêu khi được hỏi về quan điểm của Hà Nội đối với việc cơ quan chức năng tỉnh Hải Nam, Trung Quốc gần đây cho tái tục các chuyến tàu du lịch xuống quần đảo Hoàng Sa kể từ đầu tháng 12, và việc Hải quân Trung Quốc tiến hành tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa. Nước này đã bắt đầu các chuyến du lịch sinh thái ra quần đảo tranh chấp từ tháng 4/2013. Kế hoạch phát triển du lịch 2016 – 2020 của tỉnh Hải Nam là nâng cấp tàu du lịch ra Hoàng Sa, đưa thuyền du lịch định kỳ ra Trường Sa.

Cũng trong họp báo ngày 3/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đồng thời cũng lên tiếng về việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm 24 tháng 11 vừa qua.

Theo lời bà Lê Thị Thu Hằng thì hoạt động đó là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Trung Quốc, Đài Loan và bốn nước khác trong khu vực quanh Biển Đông gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

Bắc Kinh đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, để tuyên bố chủ quyền đến khoảng 90% khu vực biển này. Đây là nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng và cũng là nơi được đánh giá có trữ lượng dầu khí lớn, nguồn hải sản dồi dào.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc bị Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye hồi tháng 7 năm 2016 tuyên không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử. Tuy vậy Bắc Kinh không tuân thủ phán quyến của tòa và ngày càng quyết đoán hơn trong hoạt động bành trướng tại Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-again-asks-china-and-taiwan-to-respect-hanoi-s-sovereignty-in-the-scs-12032020064512.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.