Mâu thuẫn nảy lửa với Australia, Trung Quốc tăng tốc ngoại giao chiến lang.
Thứ năm, 03/12/2020
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn theo phong cách “chiến lang” trong cuộc tranh cãi với Australia về bức ảnh gây căng thẳng cho quan hệ hai nước.
Khi Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì một bức ảnh khiêu khích trên mạng xã hội Twitter, trong đó mô tả binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngay lập tức đáp trả và đặt câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Australia có bị thiếu “nhận thức về đúng và sai” hay không.
Phản ứng của bà Hoa đã tạo nên “cơn sốt” ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận được nhiều lời khen trên mạng xã hội vì đã thể hiện hiện đúng “phong thái của một cường quốc”.
Ông Triệu Lập Kiên, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là cấp phó của bà Hoa Xuân Oánh, cũng nhận được nhiều sự ủng hộ khi đăng bức ảnh và dòng tweet gây tranh cãi lên Twitter.
Mạng lưới truyền thông nhà nước rộng rãi của Trung Quốc cũng nhanh chóng vào cuộc, đăng tải những tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vụ việc. Tân Hoa Xã gọi yêu cầu xin lỗi của Thủ tướng Australia là “hoàn toàn lố bịch”, trong khi Thời báo Hoàn cầu cũng đăng bài xã luận chỉ trích Australia.
Những diễn biến trên cho thấy giọng điệu ngoại giao của Trung Quốc ngày càng bị thôi thúc bởi những lo ngại trong nước, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết chấn hưng đất nước và làn sóng chỉ trích từ nước ngoài do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu đã làm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc tại quốc gia châu Á.
Trong bối cảnh đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang thể hiện vai trò như những tiếng nói bảo vệ mạnh mẽ nhất cho chính quyền Bắc Kinh.
Ngoại giao chiến lang
Các nhà ngoại giao như bà Hoa Xuân Oánh, ông Triệu Lập Kiên hay ông Lưu Hiểu Minh – Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã trở thành những “người nổi tiếng” trên Internet ở Trung Quốc. Họ được xem là những “chiến binh sói”, lấy theo tên bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc, nhằm chỉ phong cách ngoại giao quyết liệt và cứng rắn.
“Tôi nghĩ chiến lược này chủ yếu làm hài lòng người dân trong nước. Nó không hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu, mà chỉ nhằm thúc đẩy lòng tự tôn dân tộc trong nước”, giáo sư truyền thông Fang Kecheng tại Đại học Hong Kong Trung Quốc nhận định.
Sự thay đổi trên chỉ là một trong những vấn đề mà chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden phải đối mặt trên mặt trận ngoại giao vốn ngày càng quyết liệt sau 4 năm nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ngoài việc phản bác tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Australia hay Thủ tướng Canada, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thường xuyên chỉ trích các quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân trong nước trong bối cảnh môi trường truyền thông tại nước này bị kiểm duyệt chặt chẽ. Cả Twitter và Facebook đều bị cấm ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng các nền tảng truyền thông do nhà nước kiểm soát để đáp trả làn sóng chỉ trích từ nước ngoài, bằng cách mô tả phương Tây đạo đức giả trong các vấn đề như thương mại, an ninh hay nhân quyền.
Bà Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng bênh vực dòng tweet gây tranh cãi của ông Triệu Lập Kiên, cho rằng đây là bình luận phù hợp dựa trên báo cáo về tội ác chiến tranh do lực lượng đặc nhiệm Australia gây ra ở Afghanistan.
Một cuộc điều tra chính thức kéo dài 4 năm đã tìm ra bằng chứng cho thấy, một số binh sĩ Australia đã sát hại 39 tù nhân và dân thường Afghanistan trong thời gian tham chiến ở Afghanistan. Chi tiết gây sốc này khiến chính phủ và quân đội Australia phải xin lỗi Afghanistan và người dân nước này.
“Phía Australia đã phản ứng mạnh mẽ trước việc đồng nghiệp của tôi đăng bài lên Twitter. Có phải họ nghĩ rằng việc họ sát hại không thương tiếc dân thường Afghanistan là hợp lý, còn việc lên án sự tàn ác đó lại không phù hợp? Mạng sống của người Afghanistan cũng rất đáng giá”, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phủ nhận mối liên hệ giữa dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên với những tranh cãi đang “phủ bóng” quan hệ Trung Quốc – Australia kể từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 hồi đầu năm nay.
Các đồng minh của Australia, gồm New Zealand và Anh, đứng về phía Canberra để lên án dòng tweet của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia cũng góp một phần tiếng nói vào cuộc khẩu chiến giữa hai bên.
Theo Bloomberg, SCMP
0 comments