Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 05/11/2020

Thursday, November 5, 2020 6:59:00 PM // ,

 Tin khắp nơi – 05/11/2020

Khảo sát: Cử tri Mỹ chọn ông Trump cho kinh tế; ông Biden cho đại dịch

Một khảo sát mới của Mỹ, AP VoteCast, cho thấy cử tri Hoa Kỳ đang quan tâm đến hai vấn đề lớn là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước đại dịch COVID-19 và lèo lái nền kinh tế đang bị tổn thương. Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên tổng thống đều không giành được sự tín nhiệm hoàn toàn cho cả hai vấn đề trên.

Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia tại Trường đại học Chicago thực hiện dành cho các hãng thông tấn Mỹ, với 110.484 người tham gia trong 8 ngày, kể cả sau khi các phòng phiếu đóng cửa, cho thấy nhiều cử tri Hoa Kỳ tin rằng Cựu phó tổng thống Joe Biden có khả năng đối phó đại dịch tốt hơn Tổng thống Trump, và đây là vấn đề cấp bách cần quan tâm của 4/10 cử tri.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại giành được nhiều lựa chọn của cử tri tham gia khảo sát hơn ông Biden trong câu hỏi “Ai là người tốt hơn cho việc tái thiết nền kinh tế với gần 11 triệu người mất việc và các doanh nghiệp nhỏ đang chật vật trải qua một mùa đông ảm đạm?”. Có khoảng 3/10 cử tri xếp hạng đây là vấn đề cấp bách nhất.

Đêm bầu cử 3/11 của Mỹ đã trôi qua mà chưa thể công bố người chiến thắng.

Ông Trump tiếp tục thu hút sự ủng hộ từ cử tri nam giới da trắng, người da trắng không có bằng đại học, những người sống ở các thị trấn nhỏ và các cộng đồng ở nông thôn. Ông Biden nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ phụ nữ, các sinh viên tốt nghiệp đại học, thanh niên và cử tri da đen, người gốc Tây Ban Nha và người gốc Á châu.

Theo AP, việc hàng triệu cử tri Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm cho thấy rõ ràng tâm lý lo lắng và hồi hộp của họ.

Khoảng 6/10 cử tri, với hầu hết là cử tri ủng hộ ông Biden và khoảng 1/4 cử tri bầu cho ông Trump, nói rằng họ nghĩ mọi chuyện đều không ổn tại Mỹ. Chỉ có khoảng 4/10 cử tri cho rằng nền kinh tế đang tốt hoặc xuất sắc, số còn lại cho rằng tình trang không tốt lắm hoặc kém.

Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người và đang gia tăng lây nhiễm trên khắp nước Mỹ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, các cử tri vẫn chia rẽ về việc liệu Mỹ có thực sự ngăn chặn sự lây lan của virus hay không. Khoảng một nửa số cử tri cho rằng ít nhất virus đang trong tầm kiểm soát, trong khi khoảng một nửa số người nói rằng nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các cử tri ở các bang chiến trường quan trọng cũng chia sẻ sự lo lắng về virus corona và tình trạng lây lan của nó.

Tại Wisconsin, nơi có số ca bệnh tăng đột biến trong tháng 10, gần một nửa số cử tri nói rằng đại dịch là vấn đề hàng đầu mà nước Mỹ phải đối mặt và khoảng 6/10 số người nói rằng nó không được kiểm soát. Khoảng 2/3 cử tri cho rằng chính phủ nên ưu tiên ngăn chặn sự lây lan của virus ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc kinh tế bị ảnh hưởng.

Khoảng một nửa số cử tri Wisconsin nói rằng ông Biden sẽ làm tốt hơn trong việc chống lại virus. Cử tri ở Michigan và Pennsylvania cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại chiếm lợi thế trong việc quản lý kinh tế, với khoảng một nửa số cử tri ở các bang này tin rằng ông sẽ làm tốt hơn ông Biden.

https://www.voatiengviet.com/a/kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-c%E1%BB%AD-tri-m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%8Dn-%C3%B4ng-trump-%C4%91i%E1%BB%81u-h%C3%A0nh-kinh-t%E1%BA%BF-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-%C3%B4ng-biden-x%E1%BB%AD-l%C3%BD-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch/5648285.html

Ông Biden đoán mình sẽ thắng và cầm quyền

với tư cách ‘Tổng thống Mỹ’

Triệu Hằng

Fox News đưa tin, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã có một giọng điệu lạc quan vào chiều thứ Tư, nói rằng ông dự đoán mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và sẽ cầm quyền với tư cách là một “Tổng thống Mỹ.”

Ông Biden, phát biểu từ Trung tâm Chase ở Wilmington, tiểu bang Delaware, đã khoe khoang về tỷ lệ cử tri “bất thường” trong cuộc đua năm 2020, chỉ vài giờ sau khi Bàn Quyết định của Fox News dự đoán rằng cựu Phó tổng thống đã giành chiến thắng tại bang Wisconsin, theo Fox News.

Fox News dẫn lời Biden nói rằng ông “không ở đây để tuyên bố rằng chúng tôi đã thắng”, mà để “báo cáo rằng khi kiểm đếm kết thúc, chúng tôi tin chúng tôi sẽ là người chiến thắng.”

Ông Biden cho biết ông cảm thấy “rất tốt” về Pennsylvania và Michigan, và nói rằng nhiều phiếu bầu còn lại sẽ được kiểm đếm, đó là những phiếu “bỏ qua thư”, lưu ý rằng chiến dịch Biden đã “giành được 78% phiếu bầu qua thư ở Pennsylvania.”

Ông Biden đã khoe về chiến thắng của mình ở các bang chiến trường quan trọng, nhưng nói rằng có “ý nghĩa đặc biệt” đối với ông rằng ông và người đồng hành của mình, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đại diện bang California là họ “đã giành được phần lớn người dân Mỹ.”

Trong khi đó, Pennsylvania và Michigan là hai tiểu bang mà chính quyền ở đây đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận bầu cử.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-biden-doan-minh-se-thang-va-cam-quyen-voi-tu-cach-tong-thong-my.html

Bầu cử Mỹ: Kết quả có thể được quyết định tại tòa án?

Đảng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang trên đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ nhưng đối thủ Đảng Cộng hòa của ông là Tổng thống Donald Trump đang thách thức việc kiểm phiếu ở bốn bang quan trọng. Vậy điều gì có thể xảy ra?

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã tuyên bố, mà không có bằng chứng, rằng có gian lận cử tri, và muốn ngăn chặn việc kiểm phiếu ở Pennsylvania, Wisconsin, Georgia và Michigan.

Chúng tôi trao đổi với các chuyên gia pháp lý về ý nghĩa của việc này – và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu cuộc đua kéo dài.

Trump khởi kiện khi con đường chiến thắng thu hẹp

Bầu cử Mỹ 2020: Ai sẽ chiến thắng dễ dàng hơn?

Chúng ta có thể biết kết quả ngay?

Có và không. Thông thường, khi dữ liệu cho thấy một ứng cử viên có vị trí dẫn đầu không thể đánh bại, các mạng lớn của Hoa Kỳ tuyên bố một ứng viên là người chiến thắng. Điều này có xu hướng xảy ra vào đầu giờ sáng sau ngày bỏ phiếu.

Đây không phải là kết quả chính thức, cuối cùng – chúng là những dự đoán và cuộc kiểm phiếu chính thức cuối cùng luôn mất nhiều ngày để tính.

Nhưng số lượng lớn phiếu bầu năm nay có nghĩa là việc kiểm phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là khi một số tiểu bang chiến trường không cho phép kiểm phiếu trước ngày bầu cử.

Vì vậy, họ phải kiểm đếm mọi thứ trong ngày bầu cử và việc kiểm phiếu qua bưu điện có thể mất nhiều thời gian hơn so với phiếu trực tiếp do các yêu cầu về tính xác thực.

Matthew Weil, giám đốc dự án bầu cử của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách lưỡng đảng, nói nếu cuộc đua quá sát nút, và không ứng cử viên nào nhượng bộ, việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục bình thường.

Những trở ngại trước khi bỏ phiếu

Đây là một cuộc bầu cử đầy tranh chấp liên quan đến luật pháp.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba, đã có hơn 300 vụ kiện trên 44 tiểu bang liên quan đến việc bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay.

Các vụ kiện này tập trung vào một loạt các vấn đề như thời hạn gửi và nhận phiếu bầu, yêu cầu chữ ký của nhân chứng và các phong bì được sử dụng để gửi phiếu.

Các tiểu bang do đảng Cộng hòa nắm nói các hạn chế này cần thiết để ngăn chặn hành vi gian lận cử tri.

Nhưng các thành viên Đảng Dân chủ nói đây là những nỗ lực nhằm ngăn cản mọi người thực hiện quyền công dân của họ.

Những thách thức mà Trump đưa ra là gì?

Wisconsin

Ban vận động của tổng thống nói họ đã yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin “dựa trên những bất thường đã thấy” hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào cuộc kiểm phiếu lại này sẽ diễn ra, vì thông thường những cuộc kiểm phiếu lại không xảy ra cho đến khi các quan chức quận hoàn thành việc kiểm tra các phiếu bầu. Hạn chót của tiểu bang cho việc này là ngày 17/11.

Giáo sư Richard Briffault của Đại học Luật Columbia nói rằng cũng có một cuộc kiểm phiếu lại ở Wisconsin vào năm 2016, và nó đã “thay đổi khoảng một trăm phiếu”.

Ông giải thích: “Việc kiểm phiếu lại không phải là một phương tiện thách thức tính hợp pháp của một cuộc bỏ phiếu. Nó chỉ là một phương tiện để đảm bảo rằng các tính toán là đúng.”

Michigan

Ông Trump đã giành được tiểu bang Michigan vào năm 2016 với tỷ lệ chênh lệch thấp nhất – chỉ hơn 10.700 phiếu. Vào ngày 4/11, chiến dịch tranh cử của ông đã thông báo một vụ kiện để yêu cầu dừng việc kiểm phiếu ở đó, mặc dù 96% số phiếu đã được các quan chức bầu cử địa phương kiểm tra một cách không chính thức.

Ông Biden đã được xác định thắng ở Michigan.

Pennsylvania

Thách thức ở đây tập trung vào quyết định của tiểu bang về việc đếm các lá phiếu được đóng dấu bưu điện trước Ngày Bầu cử nhưng đến muộn đến ba ngày. Đảng Cộng hòa đang chuẩn bị kiện ở tiểu bang này.

Ông Weil nói rằng ông lo ngại nhất là tranh chấp này vì tòa án tối cao Mỹ ngưng xử lý vụ việc trước cuộc bầu cử – và trước khi Thẩm phán Amy Coney Barrett được bổ nhiệm.

“Họ đã chỉ ra, trong một số ý kiến bất đồng, rằng họ quan tâm đến việc đếm những phiếu đến muộn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có nguy cơ một số lá phiếu [qua bưu điện] được gửi đi vào ngày bầu cử và không được nhận cho đến thứ Sáu có thể bị loại bỏ. Tôi nghĩ đó sẽ là kết quả sai, nhưng tôi nghĩ đó là kết quả có thể xảy ra về mặt pháp lý. “

Nhưng Weil nói thêm rằng cuộc bầu cử sẽ phải “rất, rất sát nút để điều đó trở nên quan trọng”. Ông chỉ ra rằng giới chức tiểu bang đã gửi thông báo trước ngày bầu cử kêu gọi cử tri nộp phiếu bầu vắng mặt của họ tại các điểm bỏ phiếu thay vì bỏ qua bưu điện. “Vì vậy, dự đoán của tôi là sẽ không có một số lượng lớn các lá phiếu có thể bị loại bỏ, nếu các cử tri làm đúng như vậy.”

Giáo sư Briffault cũng chỉ ra rằng các lá phiếu đến muộn đang được tính riêng và nói rằng nếu ông Biden có thể vượt lên dẫn đầu mà không cần tính đến các phiếu đến muộn này, ông không thấy có cơ sở nào để kiện.

Nhưng chiến dịch tranh cử của Trump đã tuyên bố chiến thắng ở tiểu bang này mặc dù vẫn còn hơn một triệu phiếu bầu cần được kiểm. Chưa có hãng tin lớn nào của Hoa Kỳ dự đoán người chiến thắng tại đây.

Georgia

Đảng Cộng hòa và chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đệ đơn kiện tại Hạt Chatham của Georgia để yêu cầu tạm dừng việc kiểm phiếu, cáo buộc có vấn đề trong quá trình xử lý phiếu bầu vắng mặt.

Chủ tịch đảng Cộng hòa Georgia David Shafer tweet rằng các quan sát viên của đảng này đã nhìn thấy một phụ nữ “trộn hơn 50 lá phiếu vào chồng phiếu bầu vắng mặt chưa đếm”.

Họ đã yêu cầu một thẩm phán giải trình các lá phiếu của quận nhận được sau khi các cuộc bỏ phiếu đóng cửa vào Ngày Bầu cử.

Điều gì có thể được đưa ra Tối cao Pháp viện?

Đầu ngày thứ Tư, ông Trump cũng tuyên bố gian lận bỏ phiếu mà không có bằng chứng, và nói thêm: “Chúng tôi sẽ đưa ra Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – chúng tôi muốn tất cả các cuộc bỏ phiếu dừng lại.”

Việc bỏ phiếu đã dừng lại – các cuộc thăm dò đóng cửa vào Ngày Bầu cử, mặc dù vẫn có câu hỏi về những lá phiếu được gửi về quận muộn, như ở Pennsylvania.

Ông Weil nói: “Tòa án tối cao không có bất kỳ loại quyền lực đặc biệt nào để ngăn chặn quá trình kiểm phiếu hợp pháp.”

Giáo sư Briffault cũng nói rằng các chiến dịch tranh cử có thể kiện tụng về các kết quả sát nút ở các tiểu bang quan trọng, nhưng “dù sao thì họ vẫn phải có [một trường hợp] làm dấy lên mối quan ngại về hiến pháp” thì mới có thể đến được Tối cao Pháp viện.

“Không có quy trình tiêu chuẩn nào để đưa các tranh chấp bầu cử lên Tối cao Pháp viện. Nó rất bất thường và nó sẽ phải liên quan đến một vấn đề rất quan trọng.”

Nếu kết quả bầu cử bị phản đối, các đội pháp lý cần thách thức kết quả đó tại các tòa án tiểu bang. Các thẩm phán tiểu bang sau đó sẽ cần phải công nhận các thách thức này và ra lệnh kiểm phiếu lại, và các thẩm phán của Tối cao Pháp viện sau đó có thể được yêu cầu lật lại phán quyết.

Ở một số nơi, việc kiểm phiếu tự động được kích hoạt nếu kết quả đủ sát nút – bạn có thể nhớ Florida trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa George W Bush và Al Gore (xem thêm về việc này trong phần dưới đây).

Quá trình này có thể kéo dài bao lâu?

Bởi vì đây là một cuộc chạy đua vào chức tổng thống, có những thời hạn quan trọng của liên bang và hiến pháp để vận hành mọi việc:

Các tiểu bang có khoảng năm tuần kể từ ngày 3/11 để tìm ra ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống. Đây được gọi là thời hạn cuối của “bến cảng an toàn”, và năm nay, là ngày 8/12.

Nếu các tiểu bang vẫn chưa giải quyết được vấn đề đại cử tri của mình trước ngày này – hãy nhớ rằng tổng thống được chọn bởi một cử tri đoàn chứ không phải phổ thông đầu phiếu – Quốc hội có thể quy định rằng các đại cử tri của họ sẽ không được tính trong cuộc kiểm phiếu cuối cùng.

Vào ngày 14/12, các đại cử tri nhóm họp tại các tiểu bang của họ để bỏ phiếu.

Nếu chúng ta vẫn không có người chiến thắng đa số sau ngày 6/1, thì Quốc hội sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử – gọi là cuộc bầu cử ngẫu nhiên.

Hạ viện sẽ chọn tổng thống trong khi Thượng viện xác nhận phó tổng thống. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy tổng thống và phó tổng thống từ các đảng khác nhau, nhưng có thể bạn chưa cần chuẩn bị bảng hiệu Biden-Pence đâu.

Mỗi phái đoàn của Hạ viện được một phiếu bầu. Ai giành được 26 phái đoàn sẽ là tân tổng thống Mỹ.

Nhưng ông Weil lưu ý rằng “sẽ phải có rất nhiều điều bị thi hành sai thì mới đi đến tình huống này khi Hạ viện và Thượng viện thực sự quyết định nhiệm kỳ tổng thống”. Cụ thể, kết quả cuộc bầu cử sẽ cần phải rất sát nút.

Ông nói: “Không chỉ là việc một số tiểu bang phải chuẩn bị cho việc giành giật. Chúng ta có thể có một số bất đồng ở các tiểu bang và vẫn có một ứng cử viên nhận được 270 phiếu đại cử tri.”

Tại sao các tiểu bang có thể không tuyên bố người chiến thắng?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân các tiểu bang không thể thống nhất việc ứng cử viên nào có được phiếu đại cử tri của mình? Bạn có thể tưởng tượng điều này xảy ra nếu một bên lập luận rằng kết quả kiểm phiếu cuối cùng là không chính xác hoặc bị gian lận.

Các tiểu bang chiến trường quan trọng ở North Carolina, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin hiện đều có các chính phủ bị chia rẽ – các thống đốc thuộc đảng Dân chủ nhưng các cơ quan lập pháp thuộc đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Trong một cuộc bầu cử có tranh chấp, về mặt lý thuyết, các nhà lập pháp có thể tách khỏi các thống đốc của họ và đệ trình các đại cử tri được chứng nhận của riêng họ lên Quốc hội. (Điều này xảy ra vào năm 1876.)

Quốc hội sẽ cần xác định số phiếu bầu của ai được tính – phiếu bầu được nộp bởi cơ quan lập pháp hay bởi các thống đốc.

Nếu Hạ viện và Thượng viện đều đồng ý thì không có vấn đề gì. Nếu họ bất đồng, chúng ta chưa từng có tiền lệ này, mặc dù một số chuyên gia nói rằng luật liên bang có lợi cho các đại cử tri của thống đốc.

Thời hạn cuối cùng

Nếu không có vấn đề gì, vào ngày 20/1, Hiến pháp nói rằng phải có một nhiệm kỳ tổng thống mới.

Ông Weil nói: “Vào buổi trưa, chúng tôi phải tuyên thệ với ai đó trở thành tổng thống. Nếu không có kết quả, chúng tôi sẽ tiến hành kế hoạch bổ nhiệm người thay thế.”

Ông Weil lưu ý rằng chúng ta cũng có thể thấy một kịch bản với Hạ viện bế tắc về việc chọn ra một tổng thống, nhưng Thượng viện xác nhận chọn ra một phó tổng thống.

Nếu Hạ viện không thể giải quyết việc này trước Ngày nhậm chức, phó chủ tịch do Thượng viện lựa chọn sẽ trở thành tổng thống.

Tiếp đó, nếu không có phó tổng thống – Chủ tịch Hạ viện (hiện là đảng viên Dân chủ, Nancy Pelosi) sẽ trở thành phó tổng thống mới.

Chúng ta từng xem vở kịch này chưa?

Cho đến nay, cuộc bầu cử năm 2000 là cuộc duy nhất do Tối cao Pháp viện quyết định, khi George Bush đánh bại Al Gore.

Đó là một cuộc đua căng thẳng giữa ông Gore của đảng Dân chủ và ông Bush của đảng Cộng hòa. Vào ngày bầu cử, Gore đã giành được số phiếu phổ thông, nhưng kết quả phiếu cử tri đoàn lại sát nút. Mọi thứ xoay quanh việc Florida phân chia 25 phiếu đại cử tri như thế nào.

Kết quả cuộc đua đủ sát nút để kích hoạt một cuộc kiểm phiếu lại. Nhóm của ông Gore đã yêu cầu bốn quận thực hiện việc kiểm phiếu lại bằng tay, khiến chiến dịch của Bush kiện. Nhiều tuần sau, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết có lợi cho Bush với kết quả 5-4. Ông Gore nhượng bộ và Tổng thống Bush vào Nhà Trắng.

Có hai ví dụ khác về các kết quả bất thường:

Quyết định vào phút chót, 1876

Các nhà lập pháp có một vụ bầu cử lộn xộn khác xảy ra năm 1876, giữa đảng viên Dân chủ Samuel Tilden và đảng viên Cộng hòa Rutherford Hayes. Tilden thiếu một phiếu đại cử tri để chiến thắng. Bốn tiểu bang xảy ra tranh chấp bầu cử – và nếu Hayes thắng những cuộc tranh chấp đó, ông ấy sẽ thắng tất cả.

Các nhà lập pháp đã chỉ định một ủy ban lưỡng đảng để quyết định người chiến thắng. Do đó có Thỏa hiệp năm 1877: Hayes thắng – với tỷ số chênh lệch một phiếu đại cử tri – bằng cách thương lượng với các đảng viên Đảng Dân chủ miền Nam. Cuộc bầu cử đã được giải quyết chỉ hai ngày trước Ngày nhậm chức.

Nhận được hầu hết các phiếu cử tri vẫn không đủ, 1824

Năm 1824, người giành được phiếu phổ thông và nhiều phiếu cử tri nhất đã không thắng trong cuộc bầu cử.

Andrew Jackson dường như đã đánh bại John Quincy Adams trong gang tấc cho chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ thứ sáu, nhưng vì cả hai ứng cử viên đều không đảm bảo đa số nên quyết định đã thuộc về Hạ viện, theo Hiến pháp.

Chủ tịch Hạ viện lúc đó, Henry Clay, không phải là một người hâm mộ Jackson. Trong cái được gọi là “cuộc mặc cả tham nhũng”, Clay đã thương lượng với các nhà lập pháp Hạ viện và Adams để đảm bảo chiến thắng cho Adams – và chức Ngoại trưởng cho chính ông

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54820656

Bầu cử Mỹ : Biden tiến gần hơn đến Nhà Trắng

Thanh Phương

Tính đến tối qua, 04/11/2020, ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden đã tiến gần hơn đến Nhà Trắng sau khi giành thắng lợi ở hai bang chủ chốt. Về phần tổng thống mãn nhiệm Mỹ, Donald Trump phát động một cuộc chiến tư pháp để ngăn chận thắng lợi của đối thủ.

Sau khi giành được thêm hai bang Wisconsin và Michigan (sau Arizona) từ tay ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, ông Joe Biden kể từ nay nắm trong tay lá phiếu của 264 đại cử tri, tức là chỉ cần 6 phiếu nữa là đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trong khi đó tại bang Pennsylvania, tính đến hôm qua, ông Donald Trump vẫn qua mặt đối thủ Dân Chủ, nhưng khoảng cách giữa hai ông đang ngày càng bị thu hẹp, khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm. Đa số các phiếu được kiểm xong là bầu cho ông Biden.

Không chấp nhận thua cuộc, tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành nhiều thủ tục tư pháp. Tai Wisconsin, nơi mà ứng cử viên Dân Chủ thắng sát nút, nhóm phu trách tranh cử của ông Trump đòi kiểm lại phiếu và yêu cầu một thẩm phán địa phương xem xét lại các phiếu đã được kiểm. Họ cũng kiện để đòi tạm ngưng kiểm phiếu ở bang Pennsylvania. Bản thân ông Trump đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư

cũng đã dọa sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp, nhưng không nói rõ là để làm gì. Phe của ông Trump cũng loan truyền nhiều tin đồn về gian lận phiếu. Hôm qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã chỉ trích « những cáo buộc vô căn cứ » của tổng thống Mỹ về bầu cử.

Như vậy là lần đầu tiên kể từ năm 2000, người dân Mỹ vẫn chưa biết tên của vị tân tổng thống một ngày sau bầu cử. Chưa bao giờ người dân Mỹ đi bỏ phiếu đông đảo như thế : 160 triệu cử tri đã đi bầu, tức là tỷ lệ tham gia lên đến 66,9%, so với 59,2% năm 2016, theo US Elections Project. Đặc biệt lần này có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua bưu điện. Tại một số thành phố, việc mở thư và scan các phiếu bầu sẽ mất nhiều tuần.

Trong khi đó tình hình tại nhiều bang đang ngày càng căng thẳng, theo tường trình của thông tín viên Eric de Salves từ San Francisco :

“Người dân Mỹ vẫn chưa biết tên vị tân tổng thống, căng thẳng bắt đầu dâng lên tại nhiều bang mà hai ứng cử viên tranh phiếu gay go như Michigan hay Arizona. Những ủng hộ viên của Donald Trump, mà một số có mang vũ khí, đã biểu tình trước trung tâm bầu cử nơi mà phiếu đang được kiểm. Một số người đòi phải ngưng kiểm phiếu, những người khác thì ngược lại, đòi phải kiểm cho đến cùng tại những nơi mà họ nghĩ là có nhiều phiếu bỏ cho ứng cử viên của họ.

Những cuộc biểu tình này diễn ra sau khi có những cáo buộc của ông Donald Trump về gian lận bầu cử. Trên mạng Twitter, tổng thống mãn nhiệm khẳng định « phe Dân Chủ đã làm việc cật lực để tạo ra 500.000 lá phiếu ở Pennsylvania, Michigan », nhưng ông không đưa ra một bằng chứng nào.

Trong khi đó, đối thủ của ông có vẻ như tiến gần hơn đến Nhà Trắng. Joe Biden đã giành chiến thắng ở hai bang vùng Midwest đã từng bầu cho Trump vào năm 2016 : Wisconsin và Michigan. Một bang khác của Trump là Arizona cũng nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Dân Chủ. Donald Trump vẫn dẫn đầu ở Georgia và Pennsylvania. Nhưng khoảng cách dẫn đầu ngày càng bị rút ngắn khi ngày càng có nhiều phiếu bầu qua bưu điện được kiểm.”

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-biden-ti%E1%BA%BFn-g%E1%BA%A7n-h%C6%A1n-%C4%91%E1%BA%BFn-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng

Biden nhích gần hơn tới Tòa Bạch Ốc,

sau chiến thắng ở Michigan, Wisconsin

Ông Joe Biden giành được hai bang chiến địa rất có giá là Michigan và Wisconsin hôm thứ Tư 4/11, lấy lại được một khu vực chủ yếu của cái gọi là “bức tường xanh” đã vuột khỏi tay của các thành viên đảng Dân chủ cách đây 4 năm, thu hẹp đáng kể cơ may của Tổng thống Donald Trump được tái cử.

Gần trọn 2 ngày sau ngày bầu cử, chưa có ứng cử viên nào chiếm được đủ 270 số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc. Nhưng thắng lợi của ông Biden ở các bang Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) giúp ông nâng số phiếu đại cử tri giành được lên 264 phiếu, có nghĩa là ông Biden chỉ cần thắng thêm một bang nữa là có thể vượt qua rào cản cuối cùng để trở thành tổng thống tân cử của Mỹ.

Ông Biden đã nhận được hơn 71 triệu phiếu cử tri, nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Xuất hiện cùng người đứng chung liên danh, bà Kamala Harris, tại một cuộc họp báo hôm 4/11 ông Biden nói ông xem như sẽ giành được chiếc ghế Tổng thống, mặc dù ông không tuyên bố chiến thắng.

“Tôi sẽ điều hành đất nước trong tư cách là một Tổng thống của Hoa Kỳ. Sẽ không còn bang đỏ bang xanh khi chúng tôi thắng cử. Chỉ có Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà thôi.”

Tuyên bố đó tương phản hẳn với ông Trump, khi trong cùng ngày, ông Trump tuyên bố ông đã thắng cử, bất chấp hàng triệu phiếu bầu chưa được kiểm và cuộc đua còn lâu mới kết thúc.

Hãng tin AP tuyên bố ông Biden thắng tại bang Wisconsin sau khi các giới chức bầu cử tại bang này loan báo đã kiểm tất cả các số phiếu còn lại, trừ một vài trăm phiếu từ một thị trấn nhỏ.

Tại bang Pennsylvania, hãy còn quá sớm để tuyên bố người thắng cử.

“Tôi sẽ điều hành đất nước trong tư cách là một Tổng thống của Hoa Kỳ. Sẽ không còn bang đỏ bang xanh khi chúng tôi thắng cử. Chỉ có Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà thôi.

Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ

Trong khi đó, trong suốt ngày thứ Tư 4/11, Tổng thống Trump không rời Tòa Bạch Ốc mà tụ tập với các cố vấn, ông bày tỏ giận dữ về những tường trình của giới truyền thông cho thấy đối thủ chính trị của ông bên đảng Dân chủ đang chiếm được các bang chiến trường chủ yếu.

Ông Trump tuyên bố không đúng sự thật rằng ông đã giành được thắng lợi tại nhiều bang quan trọng, đồng thời ông đẩy mạnh các thuyết âm mưu về những thắng lợi của phe Dân chủ giữa lúc các phiếu bầu sớm và phiếu bầu khiếm diện đang được đếm.

Giữa lúc đối thủ Biden nhích lại gần hơn con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiếm Tòa Bạch Ốc, chiến dịch vận động của Tổng thống Trump khởi động chiến lược pháp lý mà ông đã báo hiệu trước trong nhiều tuần qua, đó là tấn công vào sự tin cậy đối với tiến trình bầu cử tại những bang nơi kết quả cho thấy ông có thể thất cử.

Các thành viên đảng Dân chủ chế giễu các thách thức pháp lý mà chiến dịch vận động của ông Trump khởi động hôm thứ Tư tại Pennsylvania, Michigan và Georgia. Bất chấp động thái thù nghịch, một loạt vụ kiện khó có thể tác động tới kết quả bầu cử chung cuộc.

Chiến dịch vận động của ông Trump cho biết các đơn khiếu kiện phụ trội, ngoài các thách thức pháp lý đã xúc tiến tại các bang Pennsylvania và Nevada, đòi cho các quan sát viên của chiến dịch vận động tiếp cận các địa điểm nơi mà các phiếu bầu đang được kiểm tra và tính, và nêu lên những quan tâm về các phiếu bầu khiếm diện.

Hãng tin AP tuyên bố Michigan đã về tay ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm thứ Tư, nhưng chưa tuyến bố ai thắng cử tại các bang Nevada, Pennsylvania hay Georgia.

Chiến dịch của Tổng thống Trump loan báo họ có thể yêu cầu tái kiểm các phiếu bầu ở bang Wisconsin, một tiểu bang mà AP chiều hôm 4/11 tuyên bố ông Biden đã giành chiến thắng.

Người quản lý chiến dịch vận động của Tổng thống Trump, ông Bill Stepien, viện “những bất thường tại nhiều quận của bang Wisconsin”, nhưng không cung cấp chi tiết về những sự bất thường đó.

Ông Biden hôm thứ Tư nhấn mạnh cuộc kiểm phiếu phải tiếp tục tại tất cả các bang. Ông nói: “Không một ai có thể cướp đi nền dân chủ của chúng ta – bây giờ, hay trong tương lai”.

https://www.voatiengviet.com/a/biden-nhich-gan-hon-toi-toa-bach-oc-sau-chien-thang-o-michigan-wisconsin/5649241.html

Bầu cử Mỹ: TT Trump khởi kiện

khi con đường chiến thắng thu hẹp

Tổng thống Donald Trump và Joe Biden đều tuyên bố thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ngay cả khi kết quả cuối cùng vẫn còn chưa chắc chắn. Và cả hai bên đều sẵn sàng khởi kiện.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang thách thức việc kiểm phiếu ở các tiểu bang quan trọng như Wisconsin, Pennsylvania và Michigan.

Ông Biden thắng ở Michigan và Wisconsin. Hiện chưa có kết quả ở Pennsylvania.

Chiến thắng ở cả ba tiểu bang quan trọng này sẽ giúp ông Biden chiến thắng chung cuộc.

Bầu cử Mỹ: Ba kịch bản có thể xảy ra

Tại sao nhiều người Việt ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump và chống Trung Quốc?

Ông Biden không ngừng tuyên bố mình đã thắng cử. Ông nói ông tự tin rằng mình đủ khả năng để đánh bại Donald Trump.

Tổng số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba được dự đoán là cao nhất trong 120 năm qua, ở mức 66,9%, theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ.

Các chiến dịch tranh cử nói gì?

Chiều thứ Tư, ông Biden phát biểu ở Wilmington, Delaware: “Khi cuộc kiểm đếm kết thúc, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ là người chiến thắng.”

Ông nói thêm: “Tôi sẽ cầm quyền với tư cách là một tổng thống Mỹ. Bản thân nhiệm kỳ tổng thống không phải là một thể chế đảng phái.”

Ông nói ông cảm thấy “rất ổn” về Pennsylvania, mặc dù chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng họ “tuyên bố chiến thắng” ở tiểu bang này dựa trên việc kiểm đếm “mọi lá phiếu hợp pháp”.

Trợ lý cấp cao chiến dịch tranh cử của Trump, Jason Miller nói: “Cuối tuần này, toàn quốc sẽ thấy rõ rằng Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence sẽ được bầu thêm 4 năm nữa.”

Trump vẫn có thể giành chiến thắng?

Ông Biden có lợi thế trong cuộc đua tích lũy 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để giành được Nhà Trắng. Ông Biden có 243 phiếu, trong khi ông Trump có 214.

Trong cuộc bầu cử Mỹ, cử tri quyết định các cuộc tranh cử cấp tiểu bang chứ không phải là một cuộc bầu cử quốc gia, đơn lẻ. Mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ có một số phiếu đại cử tri đoàn nhất định, một phần dựa trên dân số bang mình. Tổng cộng 538 phiếu đại cử tri.

Frank Snepp: ‘Ông Trump không hề chống cộng sản hay chống TQ’

Donald Trump và Joe Biden qua năm tháng

Những điểm cần chú ý trong đêm bầu cử Mỹ

Nếu ông Trump thua ở Wisconsin (10 phiếu đại cử tri đoàn), ông phải giành được Georgia (16 phiếu), Bắc Carolina (15), Pennsylvania (20) và Arizona (11) hoặc Nevada (6) để giành ưu thế.

Tổng thống dẫn đầu một điểm ở cả Bắc Carolina và Georgia, cũng như ở Nevada. Chiến dịch tranh cử của Trump hy vọng ông vẫn có thể chiếm được Arizona.

Ông Biden có lợi thế 3 điểm ở bang từng rất bảo thủ này với gần 90% số phiếu được kiểm, và CBS cho rằng việc này ‘có khả năng’ là một chiến thắng cho đảng Dân chủ.

Nhưng Thống đốc Đảng Cộng hòa Doug Ducey của bang Arizona cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư: “Các kết quả thay đổi rất nhiều từng giờ, và từ đêm qua cho đến hôm nay.

“Với hàng trăm nghìn phiếu bầu vẫn còn tồn đọng, điều quan trọng là chúng tôi phải kiên nhẫn trước khi tuyên bố bất kỳ việc lên xuống nào của các lá phiếu.” Nhận xét của ông dẫn đến một lời trách móc ngầm đối với Fox News, hãng này đã tuyên bố chiến thắng sớm ở bang này cho ông Biden vào đêm bầu cử.

Những thách thức pháp lý nào đang xảy ra?

Chiến dịch tranh cử của Trump cho biết tổng thống sẽ chính thức yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, với lý do có “sự bất thường ở một số quận của Wisconsin”.

Kết quả không đầy đủ cho thấy chênh lệch giữa ông Trump và ông Biden ở Wisconsin là dưới một điểm phần trăm, điều này cho phép một ứng cử viên yêu cầu một cuộc kiểm phiếu lại.

Chiến dịch của ông Trump cũng đã đệ đơn kiện ở Michigan để yêu cầu ngừng kiểm phiếu ở đó vì cho rằng họ bị từ chối “quyền tiếp cận” để quan sát việc mở các lá phiếu và việc kiểm phiếu.

Tại Detroit, Michigan, vào chiều thứ Tư, cảnh sát đã được gọi đến để canh cửa một cơ sở kiểm phiếu khi một số người biểu tình bên ngoài yêu cầu được tiếp cận để theo dõi quá trình này. Theo Detroit Free-Press, đã có khoảng 200 người quan sát cuộc bỏ phiếu bên trong tòa nhà.

Các quan chức đã được nhìn thấy che các cửa sổ của Trung tâm TCF, nơi các lá phiếu gửi qua bưu điện đang được kiểm tra.

Chiến dịch tranh cử của Trump cũng đã đệ đơn hai vụ kiện ở Pennsylvania để đòi tạm dừng tất cả việc kiểm phiếu “cho đến khi có sự minh bạch”.

Tổng thống Trump dẫn đầu 5 điểm ở bang Keystone, nhưng hàng trăm nghìn phiếu bầu vẫn được kiểm đếm.

Ông Trump cũng đang kiện Georgia để đòi tạm dừng kiểm phiếu ở đó. Chiến dịch của ông cho biết một quan sát viên của đảng Cộng hòa ở bang miền nam này đã chứng kiến 53 lá phiếu qua bưu điện gửi đến muộn đã bị thêm bất hợp pháp vào một chồng phiếu bầu ở Hạt Chatham.

Ông Trump đã giành chiến thắng ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania trong cuộc bầu cử năm 2016.

Vào đầu giờ ngày thứ Tư, ông tuyên bố từ Nhà Trắng rằng ông đã thắng và nói rằng ông sẽ đưa cuộc bầu cử lên Tối cao Pháp viện.

Chiến dịch tranh cử của Trump đang yêu cầu các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa giúp tài trợ cho các vụ kiện.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel nói: “Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi đang tiếp tục.”

Người đồng hành của ông Biden, Kamala Harris, cũng tweet yêu cầu những người ủng hộ đóng góp 5 đôla để giúp trả cho một cuộc chiến có thể “kéo dài trong nhiều tuần”.

Cố vấn pháp lý cấp cao của chiến dịch tranh cử Biden, Bob Bauer nói rằng không có căn cứ nào để ông Trump vô hiệu hóa các lá phiếu hợp pháp.

Các kết quả quan trọng khác?

Hy vọng của ông Biden về một chiến thắng thuyết phục sớm trong đêm bầu cử bị cản trở khi ông Trump, bất chấp các dự đoán của các cuộc thăm dò, thắng ở các tiểu bang chiến trường quan trọng.

Ông Trump đã nắm giữ một số tiểu bang quan trọng, gồm Texas, Ohio và Iowa. Tổng thống cũng giành chiến thắng tại tiểu bang Florida, tiểu bang nhà của ông, chiến trường nóng bỏng nhất trong đêm, bất chấp hai chuyến thăm mới đây của cựu Tổng thống Barack Obama – đồng minh và là sếp cũ của ông Biden.

Nhưng ông Biden đã chống lại nỗ lực của đối thủ để thắng ở New Hampshire và Minnesota.

Còn các cuộc đua vào quốc hội thì sao?

Giấc mơ của Đảng Dân chủ về một làn sóng xanh trong các cuộc đua vào Quốc hội – đóng vai trò như một sự phản đối ông Trump và đảng Cộng hòa – đã tan thành mây khói.

Hy vọng giành quyền kiểm soát Thượng viện của đảng Dân chủ dường như đang tắt dần khi ngày bầu cử khép lại. Họ được dự đoán sẽ giành được hai ghế ở Colorado và Arizona, nhưng lại mất một ghế ở Alabama.

Các cuộc đua vào Thượng viện ở North Carolina và Michigan vẫn chưa được quyết định, và một cuộc đua khác ở Georgia sẽ được tiến hành thông qua một cuộc bỏ phiếu vào tháng Giêng.

Nhưng Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông cảm thấy “khá tốt” về các cuộc tranh cử còn lại. Các đảng viên Cộng hòa hiện kiểm soát Thượng viện 53-47.

Ông McConnell và đồng minh của Trump, Lindsey Graham, đều được bầu lại vào các ghế của họ lần lượt ở Kentucky và South Carolina.

Đảng Cộng hòa cũng giữ các ghế Thượng viện khác ở Maine, Montana, Texas và Iowa.

Và có một sự thụt lùi bất ngờ cho đảng Dân chủ trong các cuộc đua vào Hạ viện. Đảng Dân chủ đã hy vọng giành được 15 ghế trong Hạ viện Quốc hội mà họ hiện đang kiểm soát.

Thay vào đó, họ phải đối mặt với đa số giảm sau khi bảy người đương nhiệm thua cuộc và không đánh bại được ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Một trong những nhà lập pháp đảng Cộng hòa sắp tới, ở Georgia, được mô tả là người ủng hộ thuyết âm mưu QAnon thân Trump.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54820654

Bầu cử Mỹ: OSCE bác bỏ lập luận của TT Trump

về các vụ “gian lận”

Trọng Nghĩa

Sau những tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về những điều mà ông cho là “gian lận” trong cuộc bầu cử ngày 03/11 vừa qua, các quan sát viên quốc tế của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) mà Hoa Kỳ là thành viên, vào hôm qua, 04/11/2020, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt những “cáo buộc vô căn cứ” của chủ nhân  Nhà Trắng.

Dân biểu Đức Michael Georg Link, điều phối viên của các quan sát viên của OSCE, chịu trách nhiệm theo dõi cuộc bầu cử cho rằng: “Không ai – không một chính trị gia hay một người dân cử nào – có quyền hạn chế quyền bỏ phiếu của người dân”. Dân biểu này nói thêm: “Sau một chiến dịch vận động căng thẳng như vậy, việc bảo đảm mọi phiếu bầu đều được kiểm là nghĩa vụ cơ bản đối với tất cả các cơ quan chính phủ“.

Phái bộ OSCE kết luận rằng “cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 đã diễn ra một cách có hiệu quả và tốt đẹp, bất chấp thách thức đến từ đại dịch Covid-19.”

Tuy nhiên, phái bộ cũng ghi nhận: “Chiến dịch vận động tranh cử đã bộc lộ tình trạng chia rẽ sâu sắc, đôi khi cản trở cuộc tranh luận chính trị và bao gồm các cáo buộc vô căn cứ về việc gian lận có hệ thống.”

Vào lúc kết quả đang lần lượt được công bố trong đêm từ 03 đến 04/11, ông Donald Trump đã sớm tuyên bố “chiến thắng lớn” của ông và cáo buộc đảng Dân Chủ “đánh cắp” thắng lợi này bằng cách bỏ phiếu sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Đối với OSCE : “Những tuyên bố này của một tổng thống tái ứng cử làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các thể chế Nhà nước và bị nhiều người coi là nguy cơ làm bạo lực chính trị gia tăng sau cuộc bầu cử“. 

Với 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các nước châu Âu, OSCE là một trong số ít các diễn đàn đối thoại giữa phương Tây và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Facebook và Twitter cố gắng kềm chế Trump và những tin đồn thất thiệt

Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, Facebook và Twitter đã phải đối mặt với một loạt thông tin sai lệch trong ngày diễn ra cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là các nguồn tin bị đánh giá là sai lạc đến từ ông Trump, theo đó chủ nhân Nhà Trắng tự nhận là mình đã thắng cử.

Twitter đã gắn vào hầu như là một nửa các tin nhắn của tổng thống Mỹ hàng chữ cảnh báo: “Một phần hoặc toàn bộ nội dung được chia sẻ trong thông điệp đang bị phản bác và có khả năng gây hiểu lầm về cách tham gia một cuộc bầu cử.”

Trên Facebook, các tin nhắn của Donald Trump vẫn có thể đọc được, nhưng Facebook đã liên kết những tin này với Trung Tâm Thông Tin Bầu Cử của mình, cho thấy kết quả chính thức chưa ngã ngũ, đang rất khít khao giữa ông Trump và đối thủ Biden trong cuộc chạy đua giành đại cử tri. Facebook nói rõ: “Ngay sau khi tổng thống Donald Trump bắt đầu tuyên bố chiến thắng sớm, chúng tôi đã đăng thông

báo trên Facebook và Instagram cho biết rằng việc kiểm phiếu đang được tiến hành và vẫn chưa có người chiến thắng“.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-bau-cu-my-osce-bac-b%E1%BB%8F-tt-trump

Bầu cử Mỹ 2020 : Bốn bang vẫn nắm giữ

vận mệnh tổng thống Hoa Kỳ thứ 46

Thanh Hà

Theo kết quả kiểm phiếu tính đến 1 giờ sáng ngày 05/11/2020, giờ Paris được hãng tin Pháp AFP ghi nhận chỉ cần giành được 1 trong số 4 bang « chiến trường » là cũng đủ để cho phép đảng Dân Chủ chiếm được Nhà Trắng. Tuy nhiên tất cả còn tùy thuộc vào kết quả kiểm phiếu tại các bang Georgia, Nevada, Bắc Carolina và nhất là Pennsylvania.

Tại bang Georgia miền đông nam Hoa Kỳ với 16 đại cử tri, 94 % số phiếu đã được kiểm và tổng thống Trump tuy dẫn đầu nhưng khoảng cách so với đối thủ Biden đang bị thu hẹp lại. Ở bang Nevada, xứ sở của sòng bạc lớn nhất nước Mỹ, với 6 đại cử tri, ngược lại ứng viên đảng Dân Chủ đang dẫn đầu. Chính quyền bang này sẽ thông báo kết quả vào tối nay. Trong khi đó ở Bắc Carolina, với 15 đại cử tri, một bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa, ứng viên Trump đang dẫn đầu cuộc đua với 50,1 % tỷ lệ ủng hộ nhưng vẫn còn 5 % số phiếu chưa được kiểm. Nhưng hồi hộp nhất là kết quả ở bang Pennsylvania với 20 đại cử tri, ở khu vực đông bắc Mỹ. Bang này cho biết phải đợi đến Thứ Sáu này mới có thể chính thức thông báo kết quả.

Cho dù kết quả còn chưa ngã ngũ, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng có vẻ như đã chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp như tường trình của thông tín viên đài RFI Anne Corpet từ thủ đô Washington :

« Tôi không đến đây để thông báo với quý vị là chúng ta đã thắng, nhưng tôi có mặt để nói với quý vị rằng, một khi công việc kiểm phiếu kết thúc, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thắng. Phải tính tất cả các lá phiếu ». Joe Biden thận trọng tế nhị và tránh tỏ thái độ đắc thắng. Tuy nhiên ông đặt mình vào tư thế của một nhà lãnh đạo muốn hàn gắn một đất nước đang bị chia rẽ. Joe Biden tuyên bố : « Một khi biết được kết quả, chúng ta cần bỏ lại phía sau những lời lẽ hung hăng (…) Chúng ta sẽ phải ngừng xem những người đối lập chính trị với mình là kẻ thù ». Trên mạng xã hội Twitter Donald Trump tiếp tục châm thêm củi lửa vào thành phần ủng hộ ông qua những cáo buộc gian lận. Ban vận động tranh cử của ông có những chiến lược khác nhau tùy theo từng bang. Tại Winsconsin, phe này thông báo kiện đòi kiểm lại phiếu bầu. Với bang Pennsylvania, thì họ đòi ngưng kiểm phiếu. Lãnh đạo nhóm vận động tranh cử của tổng thống Trump quả quyết, « từ nay đến cuối tuần, việc Donald Trump tái đắc cử sẽ rõ ràng hiển nhiên đối với toàn thể quốc gia ». Dù vậy, đối với đương kim chủ nhân Nhà Trắng, con đường đưa ông vào nhiềm kỳ thứ hai  càng lúc càng chật hẹp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-2020-b%E1%BB%91n-bang-v%E1%BA%ABn-n%E1%BA%AFm-gi%E1%BB%AF-v%E1%BA%ADn-m%E1%BB%87nh-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-hoa-k%E1%BB%B3-th%E1%BB%A9-46

Bầu cử Mỹ 2020: Ai sẽ chiến thắng dễ dàng hơn?

Anthony Zurcher

Đó là ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và người chiến thắng vẫn chưa được định rõ. Nhưng khi các lá phiếu từ hơn 160 triệu người Mỹ vẫn đang tiếp tục được kiểm đếm, một bức tranh khác trở thành tiêu điểm.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sai sự thật rằng mình đã giành chiến thắng và cáo buộc đối thủ của mình gian lận bầu cử. Ông đăng hàng loạt tweet (những tweet này đã bị gắn nhãn gây tranh cãi và sai sự thật) cho rằng đối thủ của ông đang ngụy tạo các phiếu bầu. Tuy nhiên, điều này không đúng như vậy ở thời điểm này. Vẫn còn hàng triệu phiếu bầu hợp lệ đang được kiểm đếm.

Bây giờ, ông Biden được dự đoán sẽ thắng tại Michigan và truyền thông Mỹ cũng dự báo ông cũng sẽ thắng ở Wisconsin, cuộc đua đang sôi sục trên toàn quốc khi chỉ còn một vài tiểu bang chưa có kết quả. Arizona, Nevada, Georgia và Pennsylvania.

Phản ứng quốc tế về kết quả kiểm phiếu ở Mỹ

Bầu cử đang diễn ra, hai ông Trump và Biden ai có triển vọng thắng?

Biden đang có được 243 phiếu đại cử tri và Trump có 214 phiếu. Nhà Trắng sẽ nằm trong tay người đạt được con số 270.

Đây là những điều mà cả hai ứng cử viên cần để thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Joe Biden làm sao để thắng

Nói một cách tóm tắt, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chỉ đơn giản phải duy trì vị trí dẫn đầu mà ông đang nắm giữ ở Arizona, Nevada và Wisconsin (các bang có màu xanh nhạt trên bản đồ). Nếu làm được, Biden sẽ giành được 270 phiếu đại cử tri – mức tối thiểu cần thiết để vào Nhà Trắng.

Tại Michigan, Biden đã vượt lên dẫn trước Trump vào sáng sớm khi các lá phiếu gửi qua thư được đếm ở Detroit, nơi có tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ cao – và đến chiều muộn, ông được dự báo sẽ giành chiến thắng ở tiểu bang này. Ở tiểu bang Wisconsin láng giềng, xu hướng đó cũng có lợi cho Biden. Đảng Cộng hòa đang nói về việc kiểm phiếu lại.

Biden vẫn duy trì ổn định vị trí dẫn đầu ở Arizona với nhiều lá phiếu gửi qua thư hơn đang được kiểm đếm. Cách biệt số phiếu ở Nevada chỉ là vài nghìn, nhưng tất cả các phiếu bầu được đếm trong ngày bầu cử – đang nghiêng về đảng Cộng hòa – chỉ còn lại các lá phiếu gửi qua thư, thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.

Hiện tại, Biden dường như có ít trở ngại hơn trên con đường trở thành tổng thống.

Donald Trump làm sao để thắng

Giống như Biden, để giữ được Nhà Trắng, ông Trump phải bám trụ ở các tiểu bang quan trọng còn lại nơi ông đang dẫn đầu. Trong trường hợp của TT Trump, đó là Pennsylvania và Georgia (màu đỏ nhạt trên bản đồ ở trên). Sau đó, đảng Cộng hòa phải giành được ít nhất một trong những tiểu bang mà ông Biden đang đứng đầu đã đề cập ở trên.

Nevada là một bang có cách biệt rất ít. Không cần nhiều biến đổi lớn để chuyển bang này thành của ông Trump. Nếu các lá phiếu gửi đến muộn (được đóng dấu bưu điện vào ngày bầu cử nhưng mất thêm thời gian để chuyển đến sau đó) cho kết quả là của những cử tri độc lập nghiêng về Trump hay của đảng Cộng hòa chứ không phải của đảng Dân chủ như dự đoán, viễn cảnh ông Trump thành tổng thống có thể sáng sủa hơn một cách đáng kể.

Arizona là một tiểu bang có thể đảo ngược tình thế với tổng thống. Giống như Nevada, Arizona chỉ còn lại những lá phiếu qua bưu điện đang được đếm. Tuy nhiên, tiểu bang cũng có truyền thống lâu đời cử tri bầu qua bưu điện và các đảng viên Đảng Dân chủ ở Arizona không có nhiều lợi thế như họ có ở Nevada. Sự vượt trội của Biden ở Arizona lớn hơn so với cách biệt của ông ở Nevada, nhưng cũng có khả năng có một sự đảo chiều lớn.

Đối với Wisconsin, nó đang đi theo hướng bất lợi cho tổng thống. Trong khi Trump có thể nuôi hy vọng ở các bang chiến trường Trung Tây này, các con số lại đang rời xa ông.

Kế hoạch dự phòng của Biden

Lộ trình trở lại Nhà Trắng của Trump có thể phụ thuộc vào việc nắm giữ vị trí dẫn đầu của ông ở Pennsylvania và Georgia, nhưng điều đó không có nghĩa là Trump sẽ an toàn ở một trong hai tiểu bang này. Các lá phiếu còn lại sẽ được kiểm đếm ở Georgia là từ các quận thuộc đảng Dân chủ xung quanh Atlanta.

Ở Pennsylvania, có hơn một triệu lá phiếu được gửi qua bưu điện còn lại để kiểm kê. Mặc dù Trump đang dẫn đầu với cách biệt lớn ở Keystone State, nhưng xu hướng kiểm phiếu thúc đẩy Biden dẫn đầu ở Wisconsin và Michigan cũng có thể phát huy tại đây.

Nếu Biden giành được Pennsylvania, việc mất cả Arizona và Nevada cũng không là vấn đề. Nếu đảng Dân chủ ‘đảo ngược’ được Georgia, ông có có thể mất tiểubang này hoặc tiểu bang kia (nếu không thì phiếu đại cử tri sẽ cân nhau và phải quyết định ở Hạ viện).

Nói cách khác, không giống Trump, Biden có nhiều con đường khác nhau để đi đến chiến thắng. Chúng có thể ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn rất thực tế.

Cuộc đấu pháp lý trước mặt

Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, kịch bản vốn là ác mộng đang dần hiện rõ, khi Biden tuyên bố ông đang trên đường chiến thắng và Trump cáo buộc gian lận và đánh cắp cử tri mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.

Đó là công thức cho hận thù gay gắt và một cuộc chiến kéo dài tại tòa án, kết thúc với những người ủng hộ bên thua cuộc cảm thấy tức giận và bị lừa. Ban vận động Trump đã thông báo rằng họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin.

Bầu cử Mỹ 2020: Lằn ranh chia đôi nước Mỹ

Donald Trump và Joe Biden qua năm tháng

Dù chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng điều rõ ràng có thể thấy trong đêm bầu cử là Mỹ tiếp tục là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Các cử tri Mỹ đã không cự tuyệt Trump theo một cách mạnh mẽ nào. Họ cũng không cho ông sự hậu thuẫn rầm rộ mà tổng thống hằng mong đợi.

Thay vào đó, các chiến tuyến được vạch ra – và cuộc giao đấu chính trị sẽ tiếp tục bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử này.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54790337

Bầu cử Mỹ: Kiểm chứng những cáo buộc

về cuộc bỏ phiếu ở Pennsylvania

Trong khi chưa có kết quả cho một cuộc bầu cử đang bị tranh chấp gay gắt ở Hoa Kỳ, những tuyên bố có thể gây hiểu lầm đang lan truyền trên mạng xã hội về việc bỏ phiếu và kiểm phiếu ở các tiểu bang quan trọng.

Việc đếm phiếu hiện vẫn đang diễn ra ở tiểu bang Pennsylvania – ban Kiểm chứng và Giám sát của BBC News đã xem xét một số cáo buộc được chia sẻ rộng rãi nhất về tình hình ở đây.

Người theo dõi đếm phiếu không không được vào (nhưng sau đó đã được)

Một video lan truyền rộng rãi cho thấy một người theo dõi phòng phiếu bị từ chối không cho vào một điểm bỏ phiếu ở Philadelphia.

Video này có gần hai triệu lượt xem trên Twitter và được chia sẻ bởi nhiều tài khoản của người ủng hộ Trump, nói rằng người theo dõi đếm phiếu của Đảng Cộng hòa bị cấm cửa.

Người đàn ông trong video, Gary Feldman, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở địa phương, đã được các quan chức phòng phiếu yêu cầu đợi bên ngoài – và một phụ nữ nói với ông rằng chứng chỉ theo dõi ”đếm phiếu toàn thành phố” của ông không hợp lệ trong điểm bỏ phiếu cụ thể đó.

Đoạn video này xác thực và Garry Feldman đã bị ngăn không cho vào, nhưng hóa ra có sự nhầm lẫn về các quy tắc.

Người theo dõi đếm phiếu trước đây chỉ được phép ở một trạm bỏ phiếu nhất định, nhưng giờ đây họ có thể vào nhiều địa điểm trên khắp Philadelphia.

Các ủy viên của thành phố Philadelphia nói người đàn ông này sau đó đã được phép vào nhà nơi bỏ phiếu và nhận được lời xin lỗi.

Áp phích của đảng Dân chủ không vi phạm quy tắc

Một tweet được chia sẻ bởi Mike Roman, người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Trump, tuyên bố rằng áp phích của đảng Dân chủ là “vi phạm tầm nhìn” vì ở gần điểm bỏ phiếu.

Tweet của ông đề cập đến “những điều tồi tệ” đang xảy ra.

Quy tắc bầu cử ở Pennsylvania cấm các tài liệu, bảng, biểu ngữ và tài liệu vận động tranh cử được trưng bầy trong vòng 3 mét của phòng phiếu.

Bài đăng mà ông Roman ban đầu đã khuếch đại – hiện bị dán nhãn là vi phạm các quy tắc của Twitter – thu hút được sức hút đáng kể trên mạng, nhưng đã bị văn phòng Biện lý quận Philadelphia bác bỏ.

Họ nói đã điều tra đơn kiện và thấy rằng ra rằng địa điểm bỏ phiếu thực ra “nằm trong một căn phòng bên trong và biển báo được đề cập cách đó hơn 3 mét”.

Vì vậy, điều đó không vi phạm các quy tắc bầu cử như bị cáo buộc.

Không, phiếu bầu cho Trump không bị “vứt đi”

Tuyên bố sai trái này xuất hiện trên Instagram, nói rằng một nhân viên bầu cử ở Quận Erie, Pennsylvania đã vứt đi hơn 100 phiếu bầu cho Tổng thống Trump.

Cáo buộc được chia sẻ dưới dạng ảnh chụp màn hình bởi doanh nhân Mike Coudrey, người sau đó đã xóa tweet này đi, mặc dù nó đã được tweet lại hơn 6.000 lần vào thời điểm đó.

Ảnh chụp màn hình cũng đã được chia sẻ trên Facebook bởi nhiều nhóm ủng hộ Trump và các nhóm khác, nhưng một số giờ đã bị xóa.

Hội đồng bầu cử của Quận Erie đã bác bỏ cáo buộc này, gọi nó là “sai”.

Hội đồng viết trong một văn bản:

“Người đưa ra tuyên bố [về việc vứt phiếu bầu] không làm việc dưới hình thức nào với Quận Erie hoặc có bất kỳ dính líu gì đến quá trình bầu cử của Quận Erie. Trên thực tế, cá nhân đó không phải là cử tri đã đăng ký và không được cho là cư dân của Quận Erie. “

Không, nhân viên phòng phiếu vẫn chưa ngừng đếm

Cáo buộc rằng các nhân viên bầu cử ở thành phố Philadelphia không còn đếm phiếu đã được truyền đi, và được luật sư riêng của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani, tiếp thu.

Ông Giuliani đề cập đến việc ông Trump đang dẫn đầu trong tiểu bang và nói “cỗ máy gian xảo của Đảng Dân chủ Philly” đã ngừng đếm phiếu.

Nhưng điều này bị phủ nhận bởi Ủy viên Thành phố Philadelphia Al Schmidt, người đưa ra một tuyên bố trên Twitter rằng Philadelphia sẽ không ngừng đếm.

Một tuyên bố khác từ các ủy viên thành phố nói rõ rằng việc kiểm đếm vẫn đang tiếp tục, nhưng có một số sự chậm trễ trong việc báo cáo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đếm cả ngày.”

Tuyên bố thừa nhận rằng vì lý do kỹ thuật và do số lượng phiếu bầu qua thư, việc báo cáo kết quả sẽ được giữ lại cho đến ngày hôm sau.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54820594

Ngoại trưởng bang Pennsylvania

tự ý thay đổi quy trình bầu cử

Lục Du

Ngoại trưởng của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, một đảng viên Dân chủ, đã thay đổi thủ tục bầu cử vào ngày 1/11 và một lần nữa vào ngày 2/11, tạo ra sự hỗn loạn ở các hạt, theo The BL.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Jake Corman (R-Pa.) ở bang Pennsylvania và Thượng nghị sĩ Joe Scarnati (R-Pa.) đã yêu cầu bà Boockvar từ chức ngay lập tức.

“Kathy Boockvar phải từ chức Ngoại trưởng Pennsylvania sau những hành động mới nhất này nhằm làm suy yếu hệ thống bầu cử của bang và làm tổn hại đến tính toàn vẹn và sự tự tin trong các cuộc bầu cử của chúng tôi”, các thượng nghị sĩ viết trong tuyên bố của họ.

Bà Boockvar nói với Tòa án Tối cao vào ngày 28/10 rằng các lá phiếu đến sau 8 giờ tối vào ngày 3/11 sẽ được đặt sang một bên.

Sau đó, 36 giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu, bà Boockvar lại “ra lệnh cho các hạt xem xét những lá phiếu đó ‘càng sớm càng tốt sau khi nhận được chúng’”, tuyên bố của các thượng nghị sĩ cho biết.

Ngày hôm sau, bà lại thay đổi các quy tắc, ra lệnh cho các hạt hỗ trợ các cử tri có lá phiếu bị sai sót để họ có thể bỏ phiếu trên một lá phiếu tạm thời. Và một số hạt đã đi theo những chỉ dẫn vội vàng này.

“Không có cơ sở cho hướng dẫn này trong pháp luật hiện hành. Bà ấy đã tạo ra quy trình mới này từ con số không”, các thượng nghị sĩ cảnh báo, với những thay đổi này, bà Boockvar đang vi phạm Bộ luật Bầu cử của tiểu bang mà bà đã tuyên thệ tuân thủ.

Mặt khác, trong bối cảnh căng thẳng về kết quả bỏ phiếu khó hiểu, một số bang, được kiểm soát bởi đảng Dân chủ, bị nghi ngờ gian lận, chẳng hạn như trường hợp của Pennsylvania.

Thống đốc Pennsylvania, một đảng viên Dân chủ, cho biết vào ngày 4/11 rằng vẫn còn một triệu phiếu bầu trong thư sẽ được kiểm đếm, điều này càng gây ra nhiều nghi ngờ về tính công chính của hoạt động bầu cử ở bang chiến địa có 20 phiếu đại cử tri.

“Pennsylvania là tiểu bang DUY NHẤT vẫn phải đếm phiếu qua thư. TẠI SAO? Đây có vẻ là một vấn đề và Pa [Pennsylvania] là bang có nhiều công nhân #Poll [bỏ phiếu] nhất. #whatswrongwiththis [việc này là sao]? #StopTheSteal [hãy ngừng ăn cắp]”, tài khoản Twitter @blonde1704 viết.

Tweet của Thống đốc Tom Wolf và của tài khoản @blonde

Các tình huống tương tự với Pennsylvania đang diễn ra ở các bang khác, chẳng hạn như Wisconsin, nơi giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, Bill Stepien, ám chỉ đến những bất thường khiến cần phải kiểm lại phiếu bầu.

Stepien cảnh báo: “Đã có báo cáo về những bất thường ở một số hạt của Wisconsin làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về tính hợp lệ của kết quả [bầu cử]”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-bang-pennsylvania-tu-y-thay-doi-quy-trinh-bau-cu.html

Bầu cử Mỹ : Phong trào ủng hộ Trump

 lan rộng hơn và vững chắc hơn

Thanh Phương

Cho dù người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này là ai đi nữa, thì một điều chắc chắn là phong trào ủng hộ Donald Trump đã lan rộng hơn, vững chắc hơn là người ta tưởng và phong trào sẽ tiếp tục tồn tại sau bầu cử, theo nhận định của hãng tin AFP hôm qua, 04/11/2020.

Cho tới nay người ta vẫn nghĩ rằng thành phần cử tri của nhà tỷ phú New York chủ yếu là những người Mỹ da trắng, lớn tuổi và sống tập trung ở nông thôn. Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, ít nhất là ông

Donald Trump sẽ có tổng số phiếu bầu đứng hàng thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ, sau Joe Biden và Barack Obama (năm 2008).

Tuy chỉ có một thiểu số trong cộng đồng người gốc Mỹ Latinh ủng hộ, ứng cử viên Cộng Hòa đã huy động được thành phần cử tri này để giành thắng lợp áp đảo tại Florida, một trong những bang có tính chất quyết định trong mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Hôm qua, cây viết xã luận của tờ nhật báo Philadelphia Abraham Gutman đã ghi nhận : « Trước cuộc bầu cử, nhiều chuyên gia giải thích với chúng tôi rằng Trump không thu hút được thêm cử tri theo phe của ông ». Vậy mà, tổng thống mãn nhiệm ít nhất đã thu được thêm 4 triệu cử tri so với năm 2016.

Ông Gutman viết thêm : « Cho dù kết quả như thế nào, báo chí sẽ phải nghiêm túc tự hỏi : vì sao đã có không biết bao nhiêu bài báo nói về cử tri của Trump, vậy mà chẳng ai thấy là phong trào ủng hộ ông đã phát triển mạnh như thế nào. »

Trong những tháng qua, hàng chục cuộc mít tinh của ông Donald Trump đều thu hút rất đông người. Ấy là chưa kể vô số những cuộc tuần hành bằng xe hơi, môtô, hay bằng tàu để ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa.

AFP trích lời ông Jim Worthington, sáng lập viên hiệp hội People4Trump, tại Newton, bang Pennsylvania : « Các ủng hộ viên tôn sùng ông, bởi vì ông đặt nước Mỹ và người dân Mỹ lên trên hết ».

Cho dù bị chỉ trích nặng nề về cách đối phó với đại dịch Covid-19, mặc dù bị chê trách về chính sách nhập cư quá cứng rắn, cũng như bất chấp những tuyên bố “văng mạng” của ông, nhà tỷ phú New York vẫn được lòng cử tri cánh hữu, không thua gì Ronald Reagan trước đây.

Ông John Feehery, cộng sự viên của văn phòng luật sư EFB Advocacy, từng làm việc cho nhiều nghị sĩ Cộng Hòa, cũng lấy làm lạ về sức thu hút của ông Trump và tạm đưa ra một cách giải thích: « Ông ấy nghĩ sao nói vậy và người ta thích điều đó ».

Cũng theo giải thích của ông Feehery, ấy là chưa kể xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác. Không có Trump thì cũng sẽ có một nhân vật khác đứng lên đại diện cho xu hướng này.

Cho dù Trump thất cử, phong trào này sẽ không biến mất, như dự báo của Jim Worthington : « Chúng tôi sẽ tập hợp lại và sẽ quyết định con đường đi tiếp ».

Về ảnh hưởng của phong trào ủng hộ Trump đối với đảng Cộng Hòa, thất bại trong cuộc bầu cử lần này (nếu có) cũng không làm nó suy yếu đi bao nhiêu. AFP trích lời giáo sư khoa học chính trị của đại học Boston College : « Rất có thể là phong trào này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị nước Mỹ ít nhất là trong bốn năm nữa ».

Về phần John Feehery, ông cho biết không lấy làm ngạc nhiên nếu Donald Trump lại ra ứng cử một lần nữa vào năm 2024. Jim Worthington, sáng lập viên hiệp hội People4Trump, cũng tin rằng nếu tái ứng cử, Donald Trump sẽ được rất nhiều sự ủng hộ. Ông cũng lưu ý là 4 năm nữa, ông Trump cũng chỉ mới bằng tuổi Joe Biden bây giờ !

Liệu ai có thể thay thế Donald Trump nếu ông không tiếp tục lao vào cuộc đua đến Nhà Trắng ? Jim Worthington và những người khác nghĩ rằng người xứng đáng kế thừa nhà tỷ phú chính là con gái của ông, Ivanka. Nhưng đối với giáo sư David Hopkins, Boston College, « một phần sức thu hút của Trump chính là cá tính của ông ấy, cho nên sức thu hút này sẽ khó có thể được truyền sang người khác sau khi ông ra đi ». 

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201105-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-phong-tr%C3%A0o-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-trump-lan-r%E1%BB%99ng-h%C6%A1n-v%C3%A0-v%E1%BB%AFng-ch%E1%BA%AFc-h%C6%A1n

Kiểm phiếu bầu cử Mỹ 2020:

lo ngại Tối Cao Pháp Viện can thiệp như năm 2000

Trọng Thành

Ngày 05/11/2020, nước Mỹ chưa có kết quả bầu tổng thống. Kết quả sơ bộ cho thấy hai ứng  viên đang ngang ngửa. Trong lúc kiểm phiếu đang diễn ra tại một số bang quyết định, ứng cử viên Donald Trump dọasẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện, yêu cầu đình chỉ việc kiểm phiếu bầu, gửi qua đường bưu điện tại một số nơi. Viễn cảnh cuộc chiến pháp lý liên quan đến kiểm phiếu hứa hẹn sẽ căng thẳng. 

Hiện tại ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden dẫn trước 264 phiếu đại cử tri, theo một số tổng hợp kết quả sơ bộ, tức coi như chỉ còn thiếu 6 phiếu bầu để đắc cử, vượt xa ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, 214 phiếu. Tuy nhiên, cuộc đấu chưa ngã ngũ.

Con số tổng hợp phiếu bầu nói trên mới chỉ là tạm thời. Ông Donald Trump một mặt có cơ hội cao, sớm san bằng khoảng cách, với hàng chục phiếu đại cử tri nằm trong tầm tay, tại một số bang căn cứ địa của phe Cộng Hòa, mặt khác, phía Cộng Hòa cũng bắt đầu cuộc chiến pháp lý, chống lại điều mà họ cho là « bất hợp pháp ». Mục « Theo dòng thời sự » của RFI hôm nay, tổng hợp báo chí Pháp, giới thiệu một số nét chính của cuộc chiến pháp lý liên quan đến kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

1 – Phe Cộng Hòa và ứng cử viên Donald Trump phản đối và đòi hỏi những gì ? 

Theo AFP, sáng sớm hôm qua (04/11), trong một phát biểu từ Nhà Trắng, ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm khẳng định có nhiều gian lận trong cuộc bỏ phiếu. Nhóm phụ trách tranh cử của tổng thống Trump đã tung ra cuộc tấn công pháp lý đầu tiên tại bang Wisconsin, nơi ứng viên Joe Biden được coi là chiến thắng, với khoảng cách dưới 1% tổng số phiếu, theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ. Phe Cộng Hòa muốn kiểm lại toàn bộ phiếu. Phe Cộng Hòa cũng đệ đơn lên tư pháp ở cấp bang, yêu cầu đình chỉ việc kiểm phiếu tiếp tại « bang chiến trường » Pennsylvania, cũng như tại hai bang Michigan và Georgia, nơi khoảng cách giữa hai ứng viên rất sít sao. 

Tại sao đình chỉ việc kiểm phiếu tiếp ? Đài Europe 1 dẫn quan điểm của phe Cộng Hòa, theo đó, các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện đến sau ngày bầu cử 03/11, là không thể chấp nhận được, vì có nguy cơ gian lận cao. Sáng hôm qua, ứng cử viên Donald Trump khẳng định ông đã dẫn trước tại một số bang then chốt, nhưng đột ngột khoảng cách thu hẹp một cách kỳ lạ, với sự xuất hiện của rất nhiều phiếu bầu « không biết từ đâu tới ». Trên Twitter, ứng cử viên Donald Trump khẳng định mình là nạn nhân của phiếu bầu giả mạo quy mô lớn, và sự thật chính ông là người chiến thắng. Ngay từ tối mùng 3/11, tức tối ngày bầu cử, ông Trump dọa sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện. 

2 – Phản ứng của phe Dân Chủ ra sao ? 

Phe Dân Chủ sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý. Trước tình thế phe Cộng Hòa mở ra nhiều mặt trận pháp lý, nhóm của ứng viên Joe Biden mở cuộc vận động gây quỹ. Hôm qua, trợ tá của ông Biden, ứng cử viên phó tổng thống, bà Kamala Harris, thông báo trên Twitter: « Trump đe dọa kiện lên tư pháp để ngăn cản toàn bộ số phiếu bầu được kiểm » và « công việc của ban vận động bầu cử có thể sẽ phải kéo dài thêm nhiều tuần nữa ». 

3 – Thực hư ra sao về việc phe Cộng Hòa và ứng cử viên Donald Trump lên án gian lận quy mô lớn ?  

Trong khi chờ đợi tái kiểm phiếu để làm sáng tỏ tình hình tại một số nơi, trước hết cần nhấn mạnh một nét chung là tại Hoa Kỳ, mỗi bang có thể ra quy định riêng về việc kiểm phiếu và tái kiểm phiếu. Theo báo chí Pháp, tại bang Wisconsin, các quy định bầu cử cho phép chấp nhận yêu cầu tái kiểm phiếu của ứng cử viên, bị dẫn trước dưới 1% phiếu bầu (chính quyền bang sẽ bồi hoàn chi phí của việc tái kiểm phiếu, nếu khoảng cách này là dưới 0,25%). 

Yêu cầu đình chỉ kiểm phiếu tại bang Michigan liên quan đến việc mà giám đốc chương trình tranh cử ông Trump, Bill Stepien, cho là nhóm của bên Cộng Hòa « không có điều kiện tiếp cận » để quan sát việc kiểm phiếu, theo luật của bang.  Ngoài hai vụ kiện nói trên, còn có khoảng 300 đơn kiện khác, của cả hai phe, tại hàng chục bang, đặc biệt liên quan đến việc thay đổi luật bầu cử địa phương, do bối cảnh đại dịch. 

Riêng tại bang Pennsylvania, việc ứng cử viên Donald Trump đòi đình chỉ việc kiểm phiếu đến sau ngày 03/11 là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước. Trong suốt thời gian cuối kỳ tranh cử, ông Donald Trump đã liên tục thể hiện quan điểm nghi ngờ phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, mà theo ông, có thể bị gian lận quy mô lớn, có lợi cho phe Dân Chủ. Giờ đây ông Trump tiếp tục dọa sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện. 

Trên thực tế, chính quyền bang Pennsylvania đã ra quyết định cho phép tiếp nhận phiếu bầu, đóng dấu bưu điện muộn nhất vào ngày 03/11, và có thể đến trễ ba ngày, so với ngày bỏ phiếu chính thức, do dịch bệnh. Tình dịch bệnh khiến rất nhiều cử tri chọn bỏ phiếu qua bưu điện. Pennsylvania không phải là bang duy nhất chấp nhận phiếu đến trễ. Bang Bắc Carolina cho hạn 6 ngày. Hồi tuần trước, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết cho rằng việc bang Pennsylvania cho phép kiểm phiếu đến sau ngày bầu cử là « hợp pháp ». 

Báo Le Monde dẫn lời chưởng lý bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro, khẳng định khiếu nại của nhóm tranh cử của ứng viên Donald Trump là « mang tính chính trị hơn là pháp lý », và tiến trình kiểm phiếu tại bang diễn ra minh bạch, với sự chứng kiến của nhiều quan sát viên. Không hề có quan hệ nào giữa gian lận và bỏ phiếu tại bang này. 

Pennsylvania có đến 3,1 triệu phiếu bầu qua bưu điện, nên thời gian bỏ phiếu sẽ kéo dài. Việc tất cả các phiếu này chỉ được chính thức kiểm từ ngày 03/11, khiến có nhiều biến động lớn trong quá trình kiểm phiếu trong ngày 04/11. Thoạt tiên số phiếu đã kiểm cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump cao, sau đó khoảng cách giữa hai ứng cử viên giảm mạnh, sau khi nhiều phiếu tới qua đường Bưu điện đến lượt kiểm. Theo Francetvinfo, thì sự biến động nói trên là chuyện bình thường, do việc cử tri bỏ phiếu bằng đường Bưu điện đại đa số ủng hộ bên Dân Chủ. 

4 – Tình hình kiện tụng sẽ đi đến đâu? Tối Cao Pháp Viện có vào cuộc hay không ? 

Khả năng Tối Cao Pháp Viện vào cuộc là khá cao. Theo nhà bình luận Neil Cavuto, trên đài Mỹ Fox News, được Les Echos dẫn lại, quy mô cuộc chiến pháp lý của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 này lớn hơn nhiều so với cuộc chiến pháp lý hồi 2000, giữa ứng cử viên Dân Chủ Al Gore với ứng viên Cộng Hòa George W. Bush. Ngoài việc tại nhiều bang, nơi khoảng cách khá sít sao, như Michigan, Nevada, Wisconsin hay Georgia, đã hoặc có thể được hai phe Cộng Hòa hoặc Dân Chủ yêu cầu tái kiểm, tâm điểm chú ý tập trung vào bang Pennsylvania, bang chiến trường mà kết quả chưa ngã ngũ, có số phiếu đại cử tri cao nhất (20 phiếu).

Một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện cho biết có thể sẽ xem xét lại vấn đề tại Pennsylvania, nếu xuất hiện một số yếu tố mới.

Theo một số nhà quan sát, phe Cộng Hòa muốn tái diễn lại kịch bản năm 2000, khi Tối Cao Pháp Viện can thiệp, bằng quyết định ngưng kiểm phiếu. Ứng cử viên George W. Bush được chấp nhận chiến thắng với khoảng cách chỉ 527 phiếu bầu so với đối thủ Al Gore.  

5 – Có nhiều khả năng Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết có lợi cho ứng cử viên Donald Trump hay không ? « Kịch bản năm 2000 » có tái diễn ? 

Trong bài trả lời phỏng vấn Libération, ngày 04/11, giáo sư luật Idris Fassassi, Đại học Amiens, một chuyên gia về Hoa Kỳ, cho biết can thiệp của Tối Cao Pháp Viện như vào năm 2000 là điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, bởi mỗi bang có luật bầu cử khác nhau. Can thiệp của Tối Cao Pháp Viện hồi đó, với 5 thuận 4 chống, sau đó đã bị chỉ trích. 

Lần này, Tối Cao Pháp Viện đã chấp thuận quan điểm của chính quyền bang Pennsylvania. Giới luật gia nhìn chung nghi ngờ về khả năng Tối Cao Pháp Viện có thể thụ lý một vụ kiện như vậy. Theo luật gia Idris Fassassi, tuy Tối Cao Pháp Viện hiện nghiêng hẳn về « phe bảo thủ », với tương quan 6 / 3, thế nhưng, các thẩm phán vốn theo quan điểm bảo thủ vẫn cố gắng giữ lập trường trung lập về chính trị, không thiên vị để bảo đảm tính độc lập của tư pháp, bảo đảm uy tín cá nhân.  

Tuy nhiên, với những gì đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, kịch bản này không phải là không thể. Ông Trump cũng có thể đặt nhiều kỳ vọng vào thẩm phán mới, bà Amy Coney Barette, vừa được bổ nhiệm, do đích thân tổng thống mãn nhiệm Donald Trump hậu thuẫn. Luật gia Idris Fassassi nhấn mạnh là cần cảnh giác với kịch bản này. Nếu Tối Cao Pháp Viện lần này đưa ra một quyết định bất công, phản ứng trong xã hội Mỹ sẽ rất dữ dội, khác hẳn năm 2000. Theo Idris Fassassi, người đứng đầu Tối Cao Pháp Viện, có lập trường bảo thủ, đã hiểu rõ điều này, nên đã có một « lập trường mang tính thỏa hiệp », khi chấp thuận việc bang Pennsylvania cho phép nhận phiếu bầu trễ. Một số quan sát dự đoán, nếu ông Trump đưa vụ việc lên Tối Cao Pháp Viện, thì kết quả bầu cử chính thức sẽ chỉ có được trong nhiều tuần nữa. Luật gia Idris Fassassi cũng lo ngại Tối Cao Pháp Viện có thể từ bỏ lập trường độc lập, dưới áp lực của phe Cộng Hòa.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-bau-cu-my-2000-tranh-chap-phap-ly

Bộ Tư pháp Mỹ: Đặc vụ liên bang được phép

vào các điểm kiểm phiếu sau Ngày Bầu cử

Triệu Hằng

The Hill dẫn The NYT cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ nói với các công tố viên vào hôm thứ Tư rằng các đặc vụ liên bang có vũ trang được phép vào các trung tâm kiểm phiếu để điều tra nghi vấn gian lận phiếu bầu.

Tờ báo Mỹ cho hay, ba nguồn tin đã mô tả lại một email được gửi lúc 1h30 sáng từ Chưởng lý Richard Donoghue nói rằng một luật cấm chính quyền liên bang có vũ trang vào các phòng bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử, nhưng luật này không áp dụng cho các điểm bỏ phiếu và các điểm đang kiểm phiếu sau Ngày Bầu cử.

Trong email, Richard Donoghue cho biết, luật “không ngăn chặn những người thực thi pháp luật liên bang có vũ trang phản ứng, điều tra hoặc ngăn chặn tội phạm liên bang tại các điểm bỏ phiếu kín hoặc tại các điểm khác nơi phiếu bầu đang được kiểm.”

Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hôm 4/11 đã đệ đơn kiện ở 3 bang chiến trường là Michigan, Pennsylvania và Georgia để tạm dừng hoặc phản đối việc kiểm phiếu với cáo buộc gian lận.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-tu-phap-my-dac-vu-lien-bang-duoc-phep-vao-cac-diem-kiem-phieu-sau-ngay-bau-cu.html

Gian lận đảng Dân chủ: Rất nhiều hoạt động đáng ngờ

tại các điểm bỏ phiếu được báo cáo

Hương Thảo

Tờ Gateaway Pundit đã nhận được một số báo cáo từ các nguồn của mình tại các điểm bỏ phiếu, từ bạo lực chống lại quan sát viên kiểm phiếu của Đảng Cộng hòa đến những chiếc xe mờ ám đến điểm bỏ phiếu vào sáng sớm hôm sau bầu cử để bỏ lại những bao tải phiếu bầu đáng ngờ, tất cả đều dành cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Đêm ngày bầu cử hôm thứ Ba (3/11), Tổng thống Trump đã phát biểu trước người dân Mỹ:

“Chúng tôi đã sẵn sàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Thành thật mà nói, chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Đây là một trò gian lận đang hoành hành trên đất nước chúng ta. Đây là một trò gian lận [bầu cử] đối với cử tri Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn tất cả việc kiểm đếm phải dừng lại. Chúng tôi không muốn họ tìm được thêm bất kỳ lá phiếu [giả mạo] nào lúc 4 giờ sáng (sau hôm bầu cử). Chúng tôi sẽ giành chiến thắng và theo như tôi được biết thì chúng tôi đã thắng rồi!”

Nhưng cơn ác mộng của Tổng thống Trump đã trở thành sự thật. Khi Tổng thống Trump đang dẫn trước ở bang Michigan so với đối thủ với hơn 300.000 phiếu bầu và bang Wisconsin với 210.000 phiếu bầu, thì khi việc kiểm phiếu “tạm dừng” về đêm, và chỉ đến sáng hôm sau đúng khoảng 300.000 phiếu bầu đột ngột xuất hiện một cách kỳ lạ cho Joe Biden.

”OK. Vậy cả hai bang Michigan và Wisconsin đều có số phiếu bầu cho Biden vọt lên thẳng theo đồ thị khi số phiếu bầu cho Biden được bơm vào”, người dùng Derek Duck (@ duckdiver19) đăng trên Twitter cá nhân ngày 4/11/2020 kèm một đồ thị mô tả số phiều bầu cho Joe Biden.

Biểu đồ, theo giải thích bởi Derek Duck, cho thấy đường màu xanh lam (biểu thị số phiếu bầu của Joe Biden) vọt thẳng đứng lên như thế nào tại thời điểm họ “bơm” 300.000 phiếu bầu đáng ngờ tại hai tiểu bang.

Số phiếu bầu của ông Biden tăng vọt sau đêm bầu cử theo hình thẳng đứng tại hai bang Wisconsin và Michigan, trong khi của ông Trump gần như không thay đổi (ảnh chụp màn hình Twitter của Derek Duck).

Tăng vọt 200.000 lá phiếu bầu cho Biden ở Michigan chỉ trong 1 đêm

Theo các nguồn tin của Gateaway Pundit, đêm ngày 3/11 tại Trung tâm Hội nghị TCF ở thành phố Detroit, Quận Wayne, bang Michigan, nơi các lá phiếu đang được kiểm đếm, đột nhiên ở đâu đó xuất hiện một chiếc xe Ferrari, một chiếc xe tải và một chiếc xe hơi Chrysler 300, bên trong chứa đầy phiếu bầu, đến đậu tại khu vực ga-ra lớn. Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, tất cả những chiếc xe này đều có biển số ngoại bang (bên ngoài bang Michigan)?!!! Nguồn tin này của Gateaway Pundit được ẩn danh.

Những người kiểm phiếu ở đó tuyên bố rằng ông Trump không có cơ hội thắng nào ở đây, bất kỳ ai cũng có thể thắng ở đó trừ ông Trump.

Nguồn tin ẩn danh nói rằng một số người đã chụp ảnh chiếc xe Ferrari và xe van, nhưng không chụp ảnh chiếc Chrysler 300.

Những chiếc xe này đậu đuôi xe hướng về phía tường nên không ai có thể chụp ảnh biển số xe của chúng, vì ở Michigan, các xe không đặt biển số xe ở phía trước mà ở phía sau.

Ngoài ra, những người kiểm phiếu ở đó cũng cho biết họ hiện đang đếm số phiếu trong quân đội, khoảng 7000 phiếu.

Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi phiếu quân sự phải được sao chép lại nội dung từ phiếu gốc để kiểm, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gian lân. Nguồn tin cho biết anh ta không biết tại sao, nhưng anh cảm thấy điều này thật đáng ngại.

Quan sát viên kiểm phiếu bị đe dọa ở Detroit

Trước các hoạt động đáng ngờ, một số người theo dõi cuộc kiểm phiếu của Đảng Cộng hòa đã được gọi đến Detroit.

Theo lời kể của một số người theo dõi cuộc kiểm phiếu này, môi trường điểm kiểm phiếu đối với họ là khá là đáng sợ. Một nhân v đảng Dân chủ đã gọi cảnh sát đến để đe dọa một quan sát viên trẻ tuổi của Đảng Cộng hòa. Họ đang cố gắng uy hiếp tất cả các cử tri của Đảng Cộng hòa tại đây.

Không biết từ đâu, 35.000 lá phiếu đã được chuyển đến trong đêm qua. Nơi này có rất nhiều cửa ra vào và có đến hơn 1000 người đang bận rộn làm việc (video dưới). Bất cứ ai cũng có thể bước vào với một thùng phiếu mà không ai có thể nhận ra. Các phương tiện truyền thông chủ lưu thì đều đang chờ đợi để tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng.

Video khu kiểm đếm phiếu ở Detroit, bang Michigan:

Họ xếp thành một hàng và đi ra phía sau phòng để đếm số phiếu bầu; quá trình kiểm đếm hầu như không thể được nhìn thấy.

Một video được đăng trên Twitter (video dưới) cho biết rằng: “Khung cảnh tại trung tâm điểm kiểm phiếu bầu vắng mặt của Detroit đang trở nên nóng hơn. Các cửa sổ hiện đang được che lại. Các cáo buộc vi phạm. Ngoại trưởng của bang nói rằng bà hoan nghênh việc quan sát viên đến kiểm phiếu.”

Người dùng Twitter Derek Duck hôm 4/11 viết:

“Bang Wisconsin, với hơn 100.000 lá phiếu xuất hiện qua đêm, tất cả cho Biden.

Ý tôi là hãy XEM biểu đồ này của bang Wisconsin.

Người dùng Twitter Derek Duck đã hiển thị biểu đồ các lá phiếu ở bang Wisconsin nơi TT Trump đang dẫn trước ứng viên Biden 210.000 phiếu vào đêm bầu cử (3/11) thì đột nhiên vào rạng sáng hôm sau (4/11), có đến 100.000 phiếu tất cả đều “hiển thị” bổ sung cho ông Biden.

Theo logic thông thường, tại một bang mà đang bỏ phiếu cho TT Trump dẫn trước đối thủ, thì nếu có 100.000 lá phiếu thật xuất hiện, thì một tỷ lệ lớn số phiếu bầu trong đó sẽ phải đề tên TT Trump.

Anh Derek Duck cho biết thêm, hạt Milwaukee ở Wisconsin đáng nhẽ sẽ phải báo cáo số liệu phiếu bầu cập nhật của mình lúc 1 giờ sáng. Sau đó, việc này bị trì hoãn đến 2 giờ sáng, rồi đến 3 giờ sáng. Sau 3 giờ 30 sáng, Joe Biden xuất hiện và dẫn trước 4,1 % so với ông Trump.

https://www.dkn.tv/the-gioi/gian-lan-dang-dan-chu-rat-nhieu-hoat-dong-dang-ngo-tai-cac-diem-bo-phieu-duoc-bao-cao.html

Gian lận bầu cử bang Michigan?

Số phiếu bầu cho Biden tăng vọt qua đêm một cách kỳ lạ

Quý Khải

Ngày càng có nhiều suy đoán từ dân chúng Mỹ rằng ứng viên Đảng Dân Chủ Joe Biden đang nhận được hàng chục nghìn phiếu bầu bổ sung “một cách kỳ lạ”, nhất là trong bối cảnh số phiếu bầu cho các đối thủ của vị cựu phó tổng thống này không hề thay đổi trong quá trình kiểm đếm phiếu theo thời gian, theo the BL.

Một cử tri Michigan đã chất vấn tình trạng nhảy vọt đáng kể số phiếu bầu cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, nhất là khi số phiếu bầu không hề thay đổi đối với Tổng thống Donald Trump, ứng viên Đảng Tự do Jo Jorgensen, ứng viên Đảng Xanh Howie Hawkins, ứng cử viên Đảng Hiến pháp Don Blankenship và ứng cử viên Đảng Liên minh Roque De La Fuente (có nhiều ứng viên Tổng thống ngoài ông Biden và TT Trump, nhưng các ứng viên này có số phiếu bầu không đáng kể).

“Người dùng mạng xã hội đang lan truyền hai bức ảnh chụp màn hình bản đồ bầu cử cho thấy Joe Biden nhận được hơn 138.000 phiếu bầu chỉ trong một lần cập nhật số liệu qua đêm ở bang Michigan, trong khi số phiếu bầu của các ứng viên còn lại lại không hề thay đổi”, Clara Hendricks cho biết trong một video được chia sẻ trên YouTube. “Biden đang được ban cho những phiếu bầu một cách kỳ lạ và tôi đang tự hỏi các bạn sẽ giải thích như thế nào về điều này”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng bang Michigan thuộc đảng Dân chủ bà Jocelyn Benson đã bác bỏ những bằng chứng được chia sẻ trên mạng xã hội là “thông tin sai lệch” mặc dù chính bà chưa từng xem chúng.

“Chúng tôi đã thấy trong một số cuộc bầu cử trong năm nay, việc sử dụng đồ họa giả để cố gắng chỉ ra rằng có một số loại vấn đề đang xảy ra,” bà tuyên bố. “Dù tôi chưa thấy cụ thể những cái [đồ họa] mà mọi người đang bàn tán đến nhưng cần lưu ý rằng các nguồn thông tin đáng tin cậy về số phiếu bầu ở bang Michigan này phải là các quan chức bầu cử và trang web của các hạt thuộc bang, và trang web của chúng tôi hiện đang báo cáo ra các dữ liệu”.

Bà Benson cũng thừa nhận Bang Michigan đã hứng chịu nhiều ngờ vực và sự dò xét, đặc biệt là kể từ khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 3 tháng 11.

Bà nói: “Chúng tôi thực sự khuyến khích mọi người nhận thức được rằng chúng tôi hiểu là con mắt của cả nước đang đổ dồn về Michigan và các cử tri của chúng tôi, và những lá phiếu này”.

Tại thời điểm công bố, hơn 5,3 triệu phiếu bầu đã được kiểm đếm ở bang Michigan, trong đó Biden có 49,9%, TT Trump có 48,6%, Jorgensen 1,1%, Hawkins 0,2%, và cả hai ứng viên Blankenship và De La Fuente đều có 0,1%, theo số liệu từ Google.

https://www.dkn.tv/the-gioi/gian-lan-bau-cu-bang-michigan-so-phieu-bau-cho-biden-tang-vot-qua-dem-mot-cach-ky-la.html

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện ở Georgia

Triệu Hằng

Nghi có gian lận, những người phản đối hô vang “dừng đếm” bên ngoài phòng kiểm phiếu, tại Trung tâm TCF sau Ngày bầu cử ở Detroit, tiểu bang Michigan, ngày 4/11/2020 (ảnh: Reuters).

Chiến dịch yêu cầu: Xác định và tách phiếu bầu qua thư đến muộn đã được trà trộn với phiếu bầu kịp thời hạn.

The Hill đưa tin, Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hôm thứ Tư đã đệ đơn kiện nhằm yêu cầu các quan chức bầu cử ở quận Chatham, tiểu bang Georgia xác định và tách các phiếu bầu qua thư đến muộn.

Đi kèm vụ kiện là một bản tuyên thệ từ một người theo dõi cuộc bỏ phiếu cho biết anh đã chứng kiến 53 lá phiếu qua thư đến sau 7 giờ tối Ngày Bầu cử, đây là thời hạn chót của tiểu bang này, và những phiếu đến muộn đã được trà trộn với các lá phiếu kịp thời hạn.

“Chúng tôi sẽ không cho phép các quan chức bầu cử của đảng Dân chủ đánh cắp cuộc bầu cử này từ Tổng thống Trump bằng những lá phiếu muộn, bất hợp pháp”, phó giám đốc Chiến dịch Tổng thống Trump Justin Clark cho biết trong một tuyên bố.

“Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa Georgia đã đệ đơn yêu cầu tất cả các quận của Georgia tách bất kỳ và tất cả các lá phiếu đến muộn khỏi tất cả các lá phiếu được bỏ phiếu hợp pháp để đảm bảo một cuộc bầu cử tự do, công bằng, trong đó chỉ những lá phiếu hợp pháp, hợp lệ mới được tính.”

Tổng thống Trump đã dẫn trước Joe Biden 1 điểm phần trăm ở tiểu bang Georgia với ước tính 95% số phiếu được kiểm đếm tại đó, The Hill dẫn tin The New York Times.

Chiến dịch Trump đã đệ đơn kiện ở Pennsylvania, nơi nắm giữ nhiều phiếu đại cử tri nhất trong số các bang còn lại chưa công bố kết quả, và yêu cầu điều tra một số phiếu bầu qua thư, một phương pháp bỏ phiếu mà những người ủng hộ Biden ưa thích hơn là những người ủng hộ Tổng thống Trump.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chien-dich-tt-trump-de-don-kien-o-georgia.html

Chiến dịch TT Trump đệ đơn kiện ở Georgia

Triệu Hằng

Chiến dịch yêu cầu: Xác định và tách phiếu bầu qua thư đến muộn đã được trà trộn với phiếu bầu kịp thời hạn.

The Hill đưa tin, Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hôm thứ Tư đã đệ đơn kiện nhằm yêu cầu các quan chức bầu cử ở quận Chatham, tiểu bang Georgia xác định và tách các phiếu bầu qua thư đến muộn.

Đi kèm vụ kiện là một bản tuyên thệ từ một người theo dõi cuộc bỏ phiếu cho biết anh đã chứng kiến 53 lá phiếu qua thư đến sau 7 giờ tối Ngày Bầu cử, đây là thời hạn chót của tiểu bang này, và những phiếu đến muộn đã được trà trộn với các lá phiếu kịp thời hạn.

“Chúng tôi sẽ không cho phép các quan chức bầu cử của đảng Dân chủ đánh cắp cuộc bầu cử này từ Tổng thống Trump bằng những lá phiếu muộn, bất hợp pháp”, phó giám đốc Chiến dịch Tổng thống Trump Justin Clark cho biết trong một tuyên bố.

“Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa Georgia đã đệ đơn yêu cầu tất cả các quận của Georgia tách bất kỳ và tất cả các lá phiếu đến muộn khỏi tất cả các lá phiếu được bỏ phiếu hợp pháp để đảm bảo một cuộc bầu cử tự do, công bằng, trong đó chỉ những lá phiếu hợp pháp, hợp lệ mới được tính.”

Tổng thống Trump đã dẫn trước Joe Biden 1 điểm phần trăm ở tiểu bang Georgia với ước tính 95% số phiếu được kiểm đếm tại đó, The Hill dẫn tin The New York Times.

Chiến dịch Trump đã đệ đơn kiện ở Pennsylvania, nơi nắm giữ nhiều phiếu đại cử tri nhất trong số các bang còn lại chưa công bố kết quả, và yêu cầu điều tra một số phiếu bầu qua thư, một phương pháp bỏ phiếu mà những người ủng hộ Biden ưa thích hơn là những người ủng hộ Tổng thống Trump.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chien-dich-tt-trump-de-don-kien-o-georgia.html

Video: Nhân viên bưu chính Hoa Kỳ tố giác

 được chỉ thị gian lận phiếu bầu tại Michigan

Phụng Minh

Một người tố giác tại Công ty Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) ở Michigan tuyên bố rằng, cấp trên đã hướng dẫn nhân viên gian lận phiếu bầu để trông như nó được nhận vào ngày 3/11.

Project Vertas vừa có một video cho biết người tố giác tại USPS Michigan đã vạch trần hành vi gian lận đối với các phiếu bầu cử tại tiểu bang này, theo đó anh nói với người sáng lập và Giám đốc điều hành Project Veritas, James O’Keefe, rằng người giám sát của anh ấy đã hướng dẫn những người vận chuyển thư tại địa điểm làm việc của anh rằng tất cả các phong bì phiếu bầu mới nên được tách biệt trong các thùng, để nhân viên bưu điện có thể đánh dấu bưu điện một cách gian lận, trông như đã được nhận vào ngày 3/11.

Theo Project Veritas, người tố giác vụ gian lận phiếu bầu tại Michigan đã liên hệ với Project Veritas – một kênh truyền thông độc lập và cho biết, anh ta làm việc cho chi nhánh bưu cục Barlow thuộc Bưu chính Thành phố Traverse (tiểu bang Michigan).

Người tố giác cho biết anh đã bị sốc khi giám sát buổi sáng của Chi nhánh Barlow, Jonathan Clarke, nói với một nhóm người vận chuyển thư về cách xử lý các lá phiếu trễ.

Tiết lộ với người sáng lập Project Veritas, người giấu tên giải thích: “Chúng tôi đã được yêu cầu sáng nay rằng phải thu thập bất kỳ lá phiếu nào mà chúng tôi tìm thấy trong hộp thư gửi đi, tách chúng ra vào cuối ngày, để họ có thể đóng dấu bằng tay dấu của ngày hôm trước. Và đưa họ qua hệ thống Express Mail, để đến bất cứ nơi nào họ cần đến”.

Luật Michigan quy định rằng các lá phiếu phải được nhận trước 8 giờ tối vào Ngày Bầu cử, tức ngày 3/11, mới được tính. Thời hạn này đã được khẳng định bởi Tòa phúc thẩm Michigan.

Nghĩa là “cấp trên” của “người tố giác” ra chỉ thị cho nhân viên của mình (bao gồm cả anh ấy) đóng dấu vào các lá phiếu đến vào ngày 4/11 thành ngày 3/11, để lách luật Michigan quy định rằng tất cả các lá phiếu hợp pháp phải đến trước 8h tối của Ngày bầu cử (3/11).

O’Keefe, người đã phỏng vấn người tố giác trong một cuộc gọi video cho biết: “Dự án Veritas của chúng tôi đang chấp nhận rủi ro rất lớn để giúp đưa ra sự thật”

James O’Keefe hỏi: “Người ta tự tay đóng dấu chúng vào ngày 3/11?”

Người tố giác của USPS: “Vâng”

O’Keefe: “Điều đó có vẻ sai “.

Người tố giác của USPS: “Vâng, đó là lý do tại sao tôi đưa ra thông tin này. Đó là một điều rất mờ ám, ngoài ra, theo như tôi biết, chúng tôi không nên đếm những lá phiếu được đóng dấu bưu điện sau ngày 3/11 ở bang Michigan”..

Khi được hỏi lý do tại sao anh ta quyết định làm việc này, người tố giác trả lời: “Đó là một sự tính toán thiếu hoàn hảo. Tôi không thích như vậy. Họ kêu gào tham nhũng. Ngoài ra, (tôi) biết các bưu chính nghiêng về chính trị, điều đó có vẻ không ổn”.

Video : https://twitter.com/i/status/1324174186366074880

Người tố giác cũng khuyến khích các nhân viên bưu điện cùng tham gia với anh ấy để báo cáo bất kỳ hành vi gian lận nào có thể gặp phải.

O’Keefe đã liên hệ với người giám sát của người tố giác, tức là nhân vật “cấp trên” được cho là đã ra lệnh cho nhân viên của mình gửi phiếu bầu vắng mặt muộn hơn (sau ngày 3/11), tuy nhiên người đàn ông này đã ngay lập tức cúp máy.

Trước đó, người sáng lập trang Project Veritas đã tweet vào thứ Tư (4/11 theo giờ miền Đông, Hoa Kỳ) cho biết sẽ tiết lộ câu chuyện “bom tấn” vào tối cùng ngày.

Video : https://twitter.com/i/status/1324137133683212289

O’Keefe đã chứng minh người tố giác là một nhân viên USPS qua hai bức ảnh sau:

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhan-vien-buu-chinh-hoa-ky-to-giac-duoc-chi-thi-gian-lan-phieu-bau-tai-michigan.html

Phát hiện nhiều người chết bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ

Thanh Hải

Mới đây, Hội đồng Bầu cử thành phố New York phát hiện có nhiều lá phiếu gửi đến đây với danh tính của những cử tri đã chết, trang New York Post đưa tin.

Hồ sơ cho thấy hội đồng bầu cử Thành phố New York hôm 24/9 đã nhận được một lá phiếu vắng mặt từ cử tri Frances M. Reckhow sống ở Đại lộ Bedell, Quận Đảo Staten. Lá phiếu đăng ký là một đảng viên đảng Dân chủ.

Đến ngày 8/10, Hội đồng bầu cử này xác định lá phiếu này hợp lệ nhưng sau đó phát hiện bà Reckhow, sinh ngày 6/7/1915 và đã qua đời từ năm 2012.

Hội đồng bầu cử đã liên hệ với Carol Huben, con gái bà Reckhow, một đảng viên Cộng hòa đã đăng ký hồ sơ bỏ phiếu cùng địa chỉ với bà Reckhow, nhưng chưa nhận được phản hồi. Hiện lá phiếu đang được điều tra.

Một lá phiếu vắng mặt khác cũng được gửi qua thư từ bà Gertrude Nizzere, cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ. Hồ sơ cho thấy bà Nizzere sinh ngày 7-2-1919, tính đến nay đã hơn 101 tuổi. Thông tin gửi kèm cho thấy bà Nizzere sống ở đường Shore, thành phố Brooklyn. Hồ sơ cho thấy lá phiếu của bà Nizzere đã được gửi qua đường bưu điện vào ngày 9/10 và nó đã được Hội đồng bầu cử nhận vào ngày 13/10 và tuyên bố lá phiếu hợp lệ vào ngày 25/10.

Tuy nhiên, sau khi xem xét thêm, cơ quan này tuyên bố lá phiếu của bà Nizzere “không hợp lệ” vì theo hồ sơ bà đã qua đời vào tháng 7/2016.

Theo Fox News, tại bang Florida, ủy ban bầu cử cũng đã phát hiện hơn 50 người đã chết bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng vẫn chưa rõ động cơ.

Trong suốt chiến dịch vận động tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump luôn bày tỏ lo ngại và cảnh báo rằng những lá phiếu qua thư tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận.

https://www.dkn.tv/the-gioi/phat-hien-nhieu-nguoi-chet-bo-phieu-bau-tong-thong-my.html

Ohio: Nổ súng vào nhà có tấm biển ‘Dump Trump’

Triệu Hằng

The Hill đưa tin, cảnh sát Ohio đang điều tra vụ bắn một ngôi nhà vào sáng sớm hôm thứ Tư, sau khi người trong nhà cho biết anh ta tin rằng ngôi nhà bị bắn là do một tấm biển có nội dung “vứt bỏ Trump” hiển thị trên cửa sổ nhà anh ta.

Cư dân ở Green, tiểu bang Ohio, trình báo với nhà chức trách rằng một người không rõ danh tính đã đi vào sân nhà anh ta và giật lấy tấm biển chống Trump của anh ta, News 5 Cleveland đưa tin.

Một người thứ hai sau đó đã bắn vào tấm biển “Dump Trump” xuyên qua cửa sổ, Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Summit cho biết.

Cửa sổ và vách của ngôi nhà đã bị hư hại. Nhà chức trách cho biết, họ đã thu được hai vỏ đạn súng ngắn ở hiện trường.

Người dân này nói rằng, trước khi xảy ra vụ nổ súng, ai đó đã chụp ảnh các tấm biển này và đặt chúng vào hộp thư nhà anh ta cùng với những bưu phẩm ủng hộ Tổng thống Donald Trump, theo văn phòng cảnh sát trưởng.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ohio-no-sung-vao-nha-co-tam-bien-dump-trump.html

Đảng Dân chủ tại Pennsylvania bị tố

lợi dụng chức vụ để gian lận bầu cử

Hải Lam

Lawrence Tabas, Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Pennsylvania đã tố giới chức đảng Dân chủ trong khu vực đã lợi dụng chức vụ của họ để gian lận trong cuộc bầu cử.

Ông Tabas phát biểu trong chương trình “America’s Newsroom” của Fox News hôm 4/11: “Mọi người hãy nhìn xem, các quan chức được bầu của đảng Dân chủ ở bang chúng ta, thống đốc, ngoại trưởng, tổng chưởng lý, họ đã lợi dụng chức vụ của mình để gian lận, liên tục thay đổi các quy tắc xuyên suốt, và nếu các quy tắc, luật pháp và Hiến pháp được tất cả các bên, kể cả đảng Dân chủ tuân theo, và một tiêu chuẩn được áp dụng, một tiêu chuẩn công bằng, bình đẳng trong tiểu bang của chúng ta, thì Tổng thống (Trump) sẽ thắng”

Theo Breitbart, trước đó, ông Tabas nhận định: “Tôi nghĩ tổng thống sẽ thắng ở bang Pennsylvania”.

Fox Carolina đưa tin, Justin Clark, phó giám đốc chiến dịch tranh của Tổng thống Trump, cho biết trong một tuyên bố hôm 4/11 (5/10 giờ Việt Nam) rằng chiến dịch đang “kiện để ngăn chặn các quan chức của đảng Dân chủ kiểm phiếu và xử lý phiếu bầu mà không có sự theo dõi của các quan sát viên đảng Cộng hòa” ở bang chiến địa Pennsylvania. Ông cho biết chiến dịch muốn “tạm thời ngừng kiểm phiếu cho đến khi có sự minh bạch và đảng Cộng hòa có thể đảm bảo tất cả việc kiểm đếm được thực hiện trung thực và theo luật”.

Ông Clark cũng cho biết chiến dịch sẽ tìm cách can thiệp vào một vụ kiện của Tòa án Tối cao đang diễn ra liên quan đến thời hạn nhận các lá phiếu gửi qua thư.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-dan-chu-tai-pennsylvania-bi-to-loi-dung-chuc-vu-de-gian-lan-bau-cu.html

Los Angeles cho phép các doanh nghiệp

từ chối phục vụ khách hàng không đeo khẩu trang

Vào thứ tư (ngày 4 tháng 11), Hội đồng thành phố Los Angeles đã bỏ phiếu cho phép các doanh nghiệp từ chối tiếp nhận hoặc phục vụ những khách hàng không đeo khẩu trang. Dự luật này được công bố lần đầu tiên vào tháng bảy bởi Nghị viên Herb Wesson.

Vào thời điểm đó, Wesson cho biết các chủ doanh nghiệp nhỏ và nhân viên của họ đang mạo hiểm mạng sống để trụ vững giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng này, và hành động đeo khẩu trang sẽ cứu sống nhiều mạng người và góp phần giúp người dân chiến thắng đại dịch.

Hội đồng thành phố đã đồng lòng thông qua dự luật. Ông Wesson, người đang tranh giành một ghế trong Ban Giám sát Quận L.A., đã không có mặt. (BBT)

Hoa Kỳ chính thức rời khỏi hiệp ước khí hậu toàn cầu

 trong bối cảnh chưa có kết quả bầu cử

Tin từ WASHINGTON/BRUSSELS – Vào hôm thứ Tư (4/1), Hoa Kỳ chính thức rời khỏi Thỏa thuận Paris, thực hiện lời hứa cũ của Tổng thống Trump về việc rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Đối thủ đảng Dân chủ của tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden, cam kết sẽ tham gia lại thỏa thuận này nếu đắc cử. Hoa Kỳ vẫn là một bên tham gia Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Tổng thư ký Patricia Espinosa của UNFCCC cho biết cơ quan này sẽ “sẵn sàng hỗ trợ Hoa Kỳ trong bất kỳ nỗ lực nào để tái gia nhập Hiệp định Paris”.

Tổng thống Trump lần đầu tiên công bố ý định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định vào tháng 6 năm 2017, cho rằng hiệp định này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ. Chính quyền chính thức gửi thông báo về việc rút khỏi Liên Hiệp Quốc vào ngày 4 tháng 11 năm 2019, cần một năm để có hiệu lực.

Hành động này biến Hoa Kỳ trở thành quốc gia duy nhất trong số 197 nước ký kết rút khỏi hiệp định, được ký kết vào năm 2015. Các nhà ngoại giao khí hậu hiện tại và trước đây cho biết nhiệm vụ kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức an toàn sẽ khó khăn hơn nếu không có sức mạnh tài chính và ngoại giao của Hoa Kỳ.

Ông Gahouma-Bekale cho biết, việc Hoa Kỳ rút lui cũng sẽ tạo ra một “sự thiếu hụt đáng kể” trong quỹ tài chính khí hậu toàn cầu, đồng thời đề cập đến một cam kết từ thời cựu tổng thống Obama về việc đóng góp 3 tỷ mỹ kim vào quỹ để giúp các quốc gia dễ bị thiệt hại vì đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó chỉ có 1 tỷ mỹ kim được chuyển giao. (BBT)

Ở Venezuela, nhiều người hy vọng

Tổng Thống Trump sẽ giành chiến thắng

để tiếp tục gây áp lực lên ông Nicolas Maduro

Tin từ CARACAS, Venezuela – Nhiều người Venezuela đang hy vọng Tổng thống Trump tái đắc cử, với chiến dịch trừng phạt mạnh tay chống lại Đảng Xã hội cầm quyền của quốc gia Nam Mỹ.

Chính quyền tổng thống Trump cam kết rằng các lệnh trừng phạt sẽ lật đổ ông Maduro, người chịu trách nhiệm cho một cuộc suy thoái kinh tế thảm khốc thúc đẩy một làn sóng di cư hàng loạt. Nhưng sau gần hai năm, chiến lược này không thể lay chuyển ông khỏi vị trí nắm quyền và các nhà phê bình cho rằng các biện pháp này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo của thành viên OPEC một thời thịnh vượng bằng cách làm tổn hại đến dòng tiền của chính phủ và làm phức tạp hóa việc nhập cảng các mặt hàng quan trọng như xăng dầu.

Bất chấp việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cam kết sẽ không giảm nhẹ các biện pháp chống lại ông Maduro, một số người Venezuela tin rằng ông sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn tương tự như cựu Tổng thống Barack Obama.

Tại thủ đô Bogota, ông Tomas Guanipa, đại diện của Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela tại Colombia, cho biết ông Juan Guaido hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây áp lực với ông Maduro, bất kể tổng thống  Trump hay ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng.

Trên một con phố thương mại ở phía đông Caracas của tầng lớp trung lưu vào sáng hôm thứ Tư, nơi những công nhân mặc áo sờn và khẩu trang tự khâu sải bước trên phố, nhiều người tin rằng tổng thống Donald Trump sẽ giành chiến thắng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/o-venezuela-nhieu-nguoi-hy-vong-tong-thong-trump-se-gianh-chien-thang-de-tiep-tuc-gay-ap-luc-len-ong-nicolas-maduro/

EU cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 do virus lây lan

Giữa lúc các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục leo thang, Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cắt giảm dự báo phục hồi kinh tế sau đại dịch corona cho năm tới, nói rằng phải đến năm 2023 nền kinh tế của khối mới đạt trở lại mức trước đại dịch Covid-19.

Dự báo tăng trưởng cho năm 2021 chỉ ở mức 4,2% so với 6,1% được dự báo trước đó đối với 19 quốc gia sử dụng đồng euro.

EU giảm dự báo tăng trưởng giữa lúc chính phủ các nước thành viên ghi nhận các ca nhiễm Covid ngày càng tăng, cùng với số người bệnh và số ca tử vong, trong bối cảnh các nước phải đề ra một số biện pháp hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp. Ủy ban còn cảnh báo dịch bệnh diễn biến phức tạp có nghĩa là các dự báo tăng trưởng sẽ bị chi phối bởi một mức độ bất ổn cao.

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và nền kinh tế của khối 27 nước đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 7, 8 và 9, sau các đợt đóng cửa và hành vi thận trọng của người tiêu dùng trong nửa đầu năm, tác động tới các hoạt động kinh doanh. GDP quý 3 tăng 12,7% so với quý trước, mức tăng lớn nhất kể từ khi các số liệu thống kê bắt đầu được thu thập vào năm 1995.

Mở cửa trở lại đã góp phần giúp ủy ban nâng ước tính về sản lượng cho cả năm nay, và giờ cho rằng nền kinh tế sẽ co cụm 7,8% thay vì 8,7% được dự báo trước đó.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis nói “Dự báo này được đưa ra giữa lúc làn sóng thứ hai của đại dịch gây ra nhiều bất ổn hơn, phá tan hy vọng về một tiến trình phục hồi nhanh chóng… Nhưng qua cơn sóng gió này, chúng ta đã thể hiện sự quyết tâm và đoàn kết”.

Ông Dombrovskis viện dẫn các biện pháp kích thích và hỗ trợ kinh tế trên diện rộng được thực hiện ở cấp độ EU, dẫn đầu là một gói phục hồi sẽ cung cấp 750 tỷ euro cho các khoản vay và trợ cấp nhằm khởi động nền kinh tế hoạt động trở lại từ năm 2021 trở đi.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-cat-giam-du-bao-tang-truong-nam-2021/5649663.html

Covid-19 : Tuần lễ thời trang đầu năm 2021 bị hủy bỏ

Tuấn Thảo

Luân Đôn là thành phố đầu tiên thông báo hồi đầu tuần hủy bỏ Fashion Week ‘‘Menswear’’ Tuần lễ thời trang phái nam, dự trù vào đầu năm 2021. Đồng thời, ban giám đốc cũng đang xem xét lại toàn bộ cách tổ chức sự kiện này cho những kỳ tới. Theo giới chuyên ngành thời trang, quyết định của Luân Đôn có khả năng tạo hiệu ứng dây chuyền cho các thành phố lớn khác như Milano, New York hay Paris. 

Trong bản thông cáo chính thức, British Fashion Council (Hội đồng Thời trang Anh quốc) đã hủy bỏ việc tổ chức Tuần lễ thời trang Luân Đôn, với các bộ sưu tập dành riêng cho nam giới. Trong làng thời trang quốc tế, đây là sự kiện quan trọng đầu tiên khai mạc chương trình sinh hoạt thường niên. Theo đề

nghị của Hội đồng Thời trang Anh, các nhà thiết kế thời trang phái nam vẫn có thể tham gia vào đợt biểu diễn thời trang phái nữ dự trù diễn ra từ ngày 19/02 đến 23/02/2021. 

Tuần lễ thời trang không còn phân biệt nam nữ

Nói như thế có nghĩa là Fashion Week Luân Đôn không còn phân biệt hai giới và đơn giản hóa cách tổ chức khi giới thiệu cùng lúc cả hai bộ sưu tập thời trang nữ cũng như nam. Các nhà thiết kế trang phục nam giới như vậy không mất cơ hội để giới thiệu với giới truyền thông công việc của họ trong thời gian qua. Các đợt trình diễn thời trang sẽ được tổ chức song song hay là xen kẽ trên lịch biểu diễn. Dĩ nhiên là trong trường hợp tình hình dịch bệnh càng trở nên tồi tệ hơn, không có lý do gì để duy trì Fashion Week, như điều đã từng xẩy ra hồi tháng 02/2020.

Theo thông lệ, các Fashion Week thường được tổ chức thành 4 sự kiện lớn : hai Tuần lễ thời trang dành cho nam giới, vào tháng Giêng và tháng Sáu, còn hai Tuần lễ kia dành cho các bộ sưu tập thời trang nữ giới, vào tháng Hai và tháng Chín. Nhưng năm nay, rất có thể là chỉ còn hai trên bốn sự kiện này được duy trì. Việc sát nhập hai sự kiện thành một, có cả thời trang nữ và nam, theo đánh giá của giới chuyên ngành, vẫn là biện pháp khả thi và ổn thỏa nhất.

Nhiều sự kiện bị hủy do hiệu ứng domino 

Mô hình này đã manh nha từ hồi tháng 06/2020. Trong mùa dịch Covid-19, hầu hết các thành phố lớn như Luân Đôn, Milano, New York, Paris hay Tokyo đều đã chủ yếu giới thiệu các bộ sưu tập thời trang trên mạng. Trong trường hợp có tổ chức các liveshow giới thiệu trực tiếp các kiểu y phục thời trang với người mẫu trên sàn diễn, các sự kiện này thường không có khán giả tham gia tại chỗ hoặc không có sự hiện diện của báo chí. 

Theo giới chuyên ngành, sự kiện Luân Đôn hủy bỏ việc tổ chức Fashion Week ‘‘Menswear’’ cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, nhất là vào lúc Thủ tướng Anh Boris Johnson Anh vừa ban hành lệnh tái phong tỏa từ ngày 05/11 cho đến 02/12/2020, và có khả năng được triển hạn, trong trường hợp đà lây lan của dịch Covid-19 không được kiềm chế kịp thời. Quyết định của Luân Đôn có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino. Trước mắt, hai thành phố quan trọng khác là Milano và Paris cũng cho biết ý định không duy trì Fashion Week ‘‘Menswear’’ vào trung tuần tháng 01/2021. 

Cũng như trong ngành văn hóa, làng thời trang châu Âu một lần nữa lâm vào khó khăn trước đà tiến của làn sóng thứ nhì, dù rằng các tác hại của làn sóng thứ nhất vẫn chưa xong. Có khá nhiều công ty và thương hiệu thời trang vẫn chưa thật sự bình phục, tìm lại được số doanh thu cần thiết để bù đắp thất thu, cũng như có đủ lượng tiền dự trữ để chịu đựng thêm một cú sốc thứ nhì. Anh, Ý, cũng như Pháp đều có cùng một mẫu số : các doanh nghiệp nhỏ và trung bình lần này có nguy cơ bị xóa tên trên thị trường hoặc là bị các tập đoàn lớn sát nhập mua lại, nếu thương hiệu muốn được duy trì tồn tại.

Brexit khiến ngành thời trang Anh thêm đau đầu

Về phía nước Anh, Luân Đôn còn có một vấn đề lớn khác chưa được giải quyết dứt điểm, đó là hồ sơ Brexit. Có lẽ cũng vì vậy mà Hội đồng Thời trang Anh quốc (British Fashion Council) đã thận trọng đi đến quyết định không tổ chức Tuần lễ thời trang phái nam, trước những khó khăn không chỉ liên quan đến tình hình Covid-19, mà còn có thêm vấn đề vận chuyển hàng hóa, tự do đi lại đối với các nhà thiết kế cũng như hàng rào thuế quan sau Brexit. 

Mặc dù nước Anh đã rời khỏi Liên hiệp châu Âu vào tháng Giêng  năm ngoái, nhưng chính phủ Anh vẫn còn đang đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa Luân Đôn với toàn khối châu Âu. Trước mắt, các vòng đàm phán vẫn chưa ngã ngũ, trong khi thời kỳ chuyển tiếp đối với nước Anh sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31/12/2020. Yếu tố khó lường này làm cho ban tổ chức các Tuần lễ thời trang Luân Đôn càng thêm đau đầu.

Theo các số liệu chính thức, ngành thời trang Anh quốc sử tuyển dụng hơn 890.000 nhân viên mỗi năm, kể cả nhân viên có hợp đồng dài hạn hay làm việc theo đơn đặt hàng của các công ty may mặc. Trong năm 2019, doanh thu của ngành thời trang Anh nói chung lên tới 35 tỷ bảng Anh (tương đương với 39 tỷ euro). Trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 lên các ngành kinh tế, Hội đồng Thời trang Anh (British Fashion Council) đã lập ra một quỹ hỗ trợ khẩn cấp gồm một triệu bảng Anh (tương đương với 1,09 triệu euro) hầu giúp đỡ các nhà thiết kế độc lập cũng như những doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung bình có nguy cơ bị phá sản.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-thoi-trang-covid-anh

Pháp cho rằng kết quả bầu cử Hoa Kỳ

không làm thay đổi quan hệ thương mại

giữa Mỹ và Châu Âu

Tin Paris, Pháp – Vào thứ Tư, 4 tháng 11, Bộ Trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire dự đoán rằng kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ không giúp thay đổi gì nhiều trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu, và Washington ít có khả năng sẽ đình chỉ sự đối đầu với Brussels, bất kể Tổng Thống Trump có tái đắc cử hay không.

Lên tiếng với đài Radio Classique, ông Le Maire nói Hoa Kỳ đã không thân thiện với các quốc gia châu Âu từ vài năm qua. Do đó, bất kể ông Joe Biden hay ông  Trump thắng cử, thực tế này cũng sẽ không thay đổi, và Châu Mỹ đang tách rời khỏi các mối liên hệ với châu Âu.

Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành nhiều lệnh đánh thuế trị giá nhiều tỷ Mỹ kim đối với hàng hóa châu Âu trong 4 năm qua, vì cho rằng các công ty Mỹ đã gặp nhiều rào cản không công bằng khi cố gắng kinh doanh tại châu lục này. Ngoài châu Âu, chính phủ Trump cũng nhắm vào Trung Cộng, nói rằng quốc gia này cũng góp phần vào tình trạng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, bằng cách chận không cho hàng Mỹ bán vào đại lục, trong khi lại xuất cảng lượng hàng hóa khổng lồ đến Hoa Kỳ.

Bộ Trưởng Le Maire cho rằng kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ có lẽ chỉ làm thay đổi quan hệ giữa Washington với Trung Cộng nói riêng, và với toàn châu Á nói chung. Trong khi đó, châu Âu không phải là đối tác mà Hoa Kỳ cân nhắc điều chỉnh quan hệ. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/phap-cho-rang-ket-qua-bau-cu-hoa-ky-khong-lam-thay-doi-quan-he-thuong-mai-giua-my-va-chau-au/

Pháp cân nhắc lệnh giới nghiêm mới ở Paris

khi nhiều người phớt lờ các hạn chế COVID-19

Tin từ PARIS, Pháp – Pháp có thể áp dụng lại lệnh giới nghiêm ban đêm đối với Paris và có thể là cả các khu vực xung quanh trong bối cảnh chính phủ thất vọng vì quá nhiều người đang phớt lờ các quy định phong tỏa khi sự lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng.

Pháp làm chậm đáng kể sự lây lan của coronavirus vào mùa xuân với một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu Âu. Nhưng 10 tháng sau đại dịch và với mùa đông đang cận kề, nhiều người đang không muốn phải chịu đựng thêm một đợt phong tỏa khác.

Văn phòng Thủ tướng Jean Castex cho biết quyết định cuối cùng về lệnh giới nghiêm vẫn chưa được đưa ra. Một nguồn tin chính phủ cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và các bộ trưởng nội các cấp cao vào hôm thứ Tư (4/11).

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế COVID-19 mới kích động sự phản đối trên toàn châu Âu, ngay cả khi các quốc gia bao gồm Pháp và Tây Ban Nha đối mặt với số ca lây nhiễm kỷ lục hàng ngày và các bệnh viện đứng trước nguy cơ quá tải.

Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Veran cho biết ở Paris, mỗi 30 giây lại có một người bị nhiễm bệnh, trong khi một người Paris nhập viện với căn bệnh này sau mỗi 15 phút. Các cơ quan y tế báo cáo 52,518 trường hợp COVID-19 mới vào hôm thứ Hai (2/11).

Bốn bệnh nhân COVID bị bệnh nặng sẽ được vận chuyển bằng máy bay đến Vannes, miền Tây nước Pháp, từ Corsica để giảm bớt áp lực cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt của hòn đảo Địa Trung Hải. (BBT)

https://www.sbtn.tv/phap-can-nhac-lenh-gioi-nghiem-moi-o-paris-khi-nhieu-nguoi-phot-lo-cac-han-che-covid-19/

Covid-19 : Thêm hơn 40.000 ca nhiễm tại Pháp

Thanh Hà

Một tuần lễ kể từ khi Pháp tái ban hành biện pháp phong tỏa, tình hình dịch bệnh vẫn chưa khả quan hơn. Ngày 04/11/2020, bộ Y Tế thông báo có thêm hơn 40.000 bệnh nhân dương tính với virus corona trong 24 giờ qua, gần 400 người qua đời tại bệnh viện.

Hiện tại trên toàn quốc có trên 4.000 ca Covid-19 điều trị trong các phòng hồi sức. Các giới chức y tế Pháp báo động bệnh nhân Covid-19 chiếm 80 % số giường hồi sức trên toàn quốc. Chính phủ không thông báo nội dung cuộc họp của Hội Đồng Khoa Học ngày hôm qua do tổng thống Macron chủ trì. Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện Pháp Frédéric Valletoux kêu gọi chính quyền siết chặt thêm nữa các biện pháp ngăn ngừa dịch cho tới khi nào « các thống kê cho thấy tình hình khả quan hơn »

Tại châu Âu, Anh quốc kể từ hôm nay lệnh tái phong tỏa bắt đầu có hiệu lực. Các sinh hoạt được cho là không cần thiết đều bị đình chỉ. Riêng trường học vẫn mở cửa. Thủ tướng Boris Johnson hứa hẹn, dỡ

bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 02/12/2020. Tại Ý, lệnh giới nghiệm trên toàn quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày mai, thứ Sáu 06/11/2020.

Nga hôm nay cho biết có thêm 19.400 bệnh nhân Covid-19, hơn 5.200 được phát hiện tại thủ đô Matxcơva. Đô trưởng Matxcơva, Serguei Sobyanin, báo động « tình hình tại chỗ đang thực sự xấu đi »

Nhìn sang Hoa Kỳ vào lúc mọi chú ý dồn vào kết quả bầu cử tổng thống, trường đại học Y khoa Johns Hopkins thông báo số ca lây nhiễm mới trong ngày 04/2020 ngấp nghé ngưỡng 100.000.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201105-covid-19-th%C3%AAm-h%C6%A1n-40-000-ca-nhi%E1%BB%85m-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p

Căng thẳng Pháp-Thổ càng lúc càng gia tăng

Thanh Hà

Paris lên án Ankara có những tuyên bố khơi dậy « bạo động, thậm chí hận thù ». Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian ngày 05/11/2020 cho biết như trên sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan de dọa « trả đũa đích đáng » việc tổ chức mang tên Sói Xám có xu hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Pháp bị giải tán.

Bên cạnh bất đồng về hồ sơ Syria, Libya đến vấn đề khai thác tài nguyên ở phía đông Địa Trung Hải, đây là hồ sơ mới gây sóng gió trong bang giao giữa hai thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Thông tín viên Anne Andlauer tại Istanbul giải thích  thêm về tổ chức được biết dưới tên gọi Sói Xám :

« Trong thông cáo với lời lẽ rất gay gắt, bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ coi quyết định của Pháp là một sự “khiêu khích” và xem đây là bằng chứng cho thấy, xin trích, chính phủ Pháp “hoàn toàn bị chi phối bởi các phe nhóm gây ảnh hưởng Armenia”. Ankara yêu cầu Paris “bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của người Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Pháp” và cam kết sẽ “áp trả một cách cứng rắn nhất”.

Chính quyền Ankara cũng cho rằng Pháp đã “hoang tưởng” khi gọi tổ chức Sói Xám là một phong trào. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Sói Xám là biệt danh của những thành viên hay cảm tình viên của tổ chức có tên gọi “Gia Đình Lý Tưởng”, mà từ 50 năm qua nằm trong quỹ đạo của MHP, đảng dân tộc chủ nghĩa cực hữu.

Nếu như tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức “Gia Đình Lý Tưởng” tồn tại hợp pháp, thì những người tự coi là Sói Xám, tại Thổ Nhĩ Kỳ và ở nước ngoài, thường chỉ là những cảm tình viên ủng hộ tư tưởng coi các cộng đồng thiểu số tôn giáo và sắc tộc là một mối dọa.

Năm năm trở lại đây, những con Sói Xám, trên thực tế, đã xích lại gần tổng thống Erdogan, bởi vì đảng MHP đã trở thành đồng minh không thể thiếu trong liên minh cầm quyền của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ». 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-ph%C3%A1p-th%E1%BB%95-c%C3%A0ng-l%C3%BAc-c%C3%A0ng-gia-t%C4%83ng

Đức sẽ triển khai chiến hạm

đến tuần tra vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Mai Vân

Trả lời nhật báo Úc Sydney Morning Herald ngày 02/11/2020, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã tiết lộ rằng chính quyền Berlin sẽ cho triển khai một hộ tống hạm đến tuần tra tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương vào năm tới. Cam kết của Đức được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước Châu Âu, trong đó có Đức, có thái độ cảnh giác đối với Trung Quốc.

Bộ trưởng Đức còn xác định rằng Berlin có ý định tăng cường hợp tác, cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương, với các cường quốc trong khu vực, để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Lấy nước Úc làm ví dụ, bà Kramp-Karrenbauer nói đến một dự án đang được đàm phán giữa Berlin và Canberra về việc biệt phái các sĩ quan Đức lên hoạt động trên các tàu của Hải Quân Úc.

Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 03/11, tuyên bố của bà bộ trưởng Quốc Phòng Đức được đưa ra hai tháng sau khi Berlin là thành viên thứ hai của Liên Hiệp châu Âu công bố chính sách về Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trước nước Đức, vào năm 2018, bộ Ngoại Giao Pháp đã công bố một tài liệu về chiến lược cho vùng này, sau bài phát biểu về chính sách của tổng thống Emmanuel Macron tại Úc vào đầu năm đó. Qua năm 2019, đến lượt bộ Quốc Phòng Pháp đưa ra một chiến lược an ninh cho khu vực.

Đức hy vọng toàn EU sẽ có chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tài liệu của Đức phản ánh cách tiếp cận toàn chính phủ, nêu bật vai trò của Liên Hiệp Châu Âu. Chính phủ Đức hy vọng rằng “các đề cương về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể được sử dụng làm cơ sở cho một chiến lược của toàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong tương lai”.

Phát biểu với báo Sydney Morning Herald, bà Kramp-Karrenbauer nói : “Tôi tin rằng các tranh chấp lãnh thổ, việc vi phạm luật pháp quốc tế và tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc chỉ có thể được tiếp cận một cách đa phương.”

Tờ báo cũng dẫn lời bà nói rằng Đức đang “làm việc trong nội bộ khối NATO” để xây dựng quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực.

Bình luận của Kramp-Karrenbauer được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang có dấu hiệu rất quan tâm đến vùng Ấn Độ  – Thái Bình Dương, không chỉ do lo ngại về an ninh mà còn về sức mạnh kinh tế – địa chính trị và công nghệ của Trung Quốc.

Đúng theo hướng phát triển của cấu trúc an ninh đang hình thành trong khu vực, vượt ra ngoài mô hình “liên minh và đối thoại”  truyền thống của Mỹ, các cường quốc châu Âu đang tiếp cận khu vực theo cách hình thành các mạng lưới. Ví dụ, Pháp không chỉ tăng cường quan hệ song phương với các nước như Ấn Độ và Úc, mà còn tham gia vào một cơ chế đối thoại ba bên.

Về phần mình, đề cương về Ấn Độ – Thái Bình Dương của Đức xem khối Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia là trung tâm và vai trò của EU trong tư cách là một đối tác của ASEAN, mặc dù EU cũng tìm cách tham gia vào các thể chế khác như Diễn Đàn các đảo Thái Bình Dương, Sáng Kiến ​​Vịnh Bengal về Hợp Tác Kinh Tế và Kỹ Thuật Đa Ngành (BIMSTEC) và Hiệp Hội Vành Đai Ấn Độ Dương – Indian Ocean Rim Association.

Điều thú vị là, để duy trì trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực, chính phủ Đức cũng tìm cách cải tổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cùng với Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Phi, Đức đang tranh cử để trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Đề cương Ấn Độ – Thái Bình Dương hồi tháng 9 của Đức lưu ý rằng nước này sẽ làm việc với Ấn Độ và Nhật Bản để cải tổ Hội Đồng Bảo An.

Đức đang ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc

Mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, chính phủ liên minh do bà Angela Merkel đứng đầu ở Berlin gần đây đã áp dụng đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc. Tại một cuộc họp gần đây của Đại Hội Đồng Liên Hiêp Quốc, được sự ủng hộ của 38 quốc gia khác, Đức đã lên án mạnh mẽ cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở Hồng Kông vào mùa hè.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng ngoài những lo ngại xung quanh vấn đề an ninh khu vực, vấn đề thiết bị 5G của Trung Quốc (và các tác động đến an ninh quốc gia) cũng như cách cho vay mang tính chất bẫy nợ mà Bắc Kinh dành cho nước khác để xây dựng cơ sở hạ tầng, đại dịch Covid-19 đang diễn ra cũng góp phần làm gia tăng thái độ hoài nghi Trung Quốc trong Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng đồng thời, bằng cách thận trọng tránh cách đơn độc tiếp cận vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, các cường quốc tầm trung châu Âu đã chứng tỏ hạn chế về năng lực của họ, khi phải đối mặt với những thách thức an ninh khó khăn trong khu vực, và đã chọn cách lướt qua các khó khăn của nhiệm vụ kềm chế chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Bà Kramp-Karrenbauer, trong cuộc phỏng vấn với báo Úc, đã từ chối bình luận về việc liệu chiến hạm sắp được triển khai của Đức có tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay không.  Cho đến nay, chỉ có Hải Quân Mỹ làm việc này, mà cũng không thường xuyên lắm. Điều hiển nhiên là một hộ tống hạm đơn độc của Đức, nếu chỉ hoạt động trong khu vực, không thể bắn đi một tín hiệu quân sự mạnh mẽ.

Tuy nhiên theo The Diplomat, riêng việc các cường quốc châu Âu như Đức – vốn được nhiều người ở châu Á coi là mềm mỏng với Trung Quốc – đang ngày càng quan ngại về Bắc Kinh, đồng thời cùng quan tâm về Ấn Độ – Thái Bình Dương, đã là một sự thay đổi lớn.

Theo ông Rory Medcalf thuộc Đại Học Quốc Gia Úc, bài phỏng vấn Kramp-Karrenbauer là một bằng chứng phản bác suy nghĩ của nhiều người vẫn lập luận rằng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương là “một trò điên rồ lấy Hoa Kỳ làm trung tâm.”

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-duc-an-do-thai-binh-duong-an-ninh

Khủng bố ở Áo: Chính quyền thừa nhận

thất bại trong việc giám sát hung thủ

Trọng Nghĩa

Nhà chức trách Áo vào hôm qua 04/11/2020 đã thừa nhận thất bại trong việc theo dõi kẻ khủng bố, thủ phạm giết hại 4 người và làm 15 người bị thương ở thủ đô Vienna vào thứ Hai 02/11 vừa qua. Không những đã bị hung thủ đánh lừa, các cơ quan tình báo Áo còn bị cho là đã bỏ qua thông tin về kẻ sát nhân do cảnh sát Slovakia cung cấp trước đó.

Cảnh sát Áo đã công nhận rằng thủ phạm có tên trong danh sách đen cần theo dõi, đã bị giam giữ nhưng lại được ân xá vào năm ngoái. Theo bộ trưởng Nội Vụ Áo, kẻ khủng bố đã đánh lừa được chính quyền khi tỏ vẻ hối cải cho dù vẫn bí mật chuẩn bị ra tay.

Nhưng sai lầm nghiêm trọng nhất là việc cơ quan tình báo Áo có dấu hiệu là đã bỏ qua những thông tin rất quan trọng về hung thủ. Trên trang Facebook của mình, cảnh sát Slovakia vào hôm qua cho biết là kẻ khủng bố đã từ Vienna qua Slovakia vào mùa hè năm ngoái để tìm cách mua đạn dược.

Nhân vật này thuộc một nhóm Hồi giáo cực đoan người Áo vốn đã bị tình báo Slovakia phát hiện ngay, vì không có giấy tờ chính thức để biện minh cho việc mua đạn dược. Không mua được gì, nhóm này sau đó đã rời đi. Tình báo Slovakia đã báo động cho các đồng nghiệp Áo về vụ này, và trong một cuộc họp báo hôm qua, bộ trưởng Nội Vụ Áo xác nhận vụ việc, nhưng cho biết là thông tin đã bị thất lạc do trục trặc nội bộ tại Áo.

Xin nhắc lại là kẻ khủng bố đã bị cảnh sát Áo bắn chết ngay sau khi hành động tại trung tâm thủ đô Vienna, nổi tiếng là yên bình. Cho đến nay, cư dân Vienna vẫn bị sốc vì vụ khủng bố, như ghi nhận của Isaure Hiace, thông tín viên RFI tại Áo trong phóng sự sau đây:

Đối với Michaela Strobl, một phụ nữ có mặt trong khu phố cổ của Vienna không xa nơi bị khủng bố đúng vào lúc xảy ra vụ tấn công, thì những gì bà đã trải qua rất khó mà quên được. Bà nói: “Tôi đang đi xe đạp, vì vậy tôi phải trốn ngay vào trong một tòa nhà, và một người rất tốt bụng đã mời tôi đến căn hộ của anh ấy cùng với ba người khác. Tâm trạng chúng tôi khá căng thẳng. Hôm nay, vẫn có rất nhiều cảnh sát trên đường phố, điều mà tôi thực sự không thích chút nào. Nhưng theo thời gian, chúng tôi sẽ bình tâm trở lại.”

Robert Kellner, một giáo sư trẻ, thừa nhận ông có chút lo lắng cho tương lai: “Trong vài năm tới, nhiều người đang ngồi tù vì là thành viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ được thả ra và điều đó khá đáng sợ. Chúng tôi tự nhủ rằng chỉ cần ba trong mười người trong số họ, còn nuôi ý tưởng làm hại cho xã hội, thì đó sẽ là một thảm họa.”

Ông Heinz, 40 tuổi, một cư dân thành phố Vienna, dự đoán là vụ khủng bố tấn công sẽ để lại những hậu quả sâu sắc cho nước Áo, sẽ làm dấy lên những cuộc tranh luận, đặc biệt là về cách đối phó với bạo lực.

Một lần nữa vào hôm nay, một số hoạt động tưởng niệm các nạn nhân sẽ được tổ chức, trong đó có một buỗi lễ do tổ chức IGGÖ, cơ quan đại diện cho người Hồi giáo ở Áo, tiến hành.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201105-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-%E1%BB%9F-%C3%A1o-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-th%E1%BB%ABa-nh%E1%BA%ADn-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i-trong-vi%E1%BB%87c-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-hung-th%E1%BB%A7

Người đàn ông Bắc Hàn vượt biên

tuyên bố muốn đào tẩu

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Năm (5/11), các viên chức Seoul cho biết một người đàn ông Bắc Hàn vượt qua biên giới kiên cố với Nam Hàn tuyên bố rằng ông muốn đào tẩu sang miền Nam. Người đàn ông này bị bắt giữ tại Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên vào hôm thứ Tư, vài giờ sau khi ông bị phát hiện khi đang băng qua hàng rào dây thép gai được lắp dọc theo biên giới, kích động một chiến dịch tìm kiếm khẩn cấp.

Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Nam Hàn cho biết các nhà chức trách mở một cuộc điều tra về cách người đàn ông này vượt qua biên giới. Phát ngôn viên Kim Joon-rak của JCS cho biết các cơ quan kiểm soát biên giới đang được kiểm tra thêm sau khi cuộc tìm kiếm người đàn ông cho thấy một số phần của hàng rào có trang bị hệ thống giám sát điện tử bị hư hại, có thể là do bão. Ông Kim cho biết thêm rằng các binh sĩ Bắc Hàn không có hành động bất thường nào.

Vụ đào tẩu này diễn ra ngay khi Seoul mở lại các chuyến tham viếng đến khu vực phía nam của DMZ, nơi chứng kiến một số vụ đụng độ vũ trang nhưng cũng là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng liên Triều, bao gồm một số hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất.

Các chuyến tham viếng bị tạm dừng vào tháng 10 năm 2019 sau khi dịch tả lợn châu Phi chết người bùng phát ở Bắc Hàn, và sau đó là do những lo sợ về coronavirus mới trong năm nay. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ong-bac-han-vuot-bien-tuyen-bo-muon-dao-tau/

Đài Loan đã dự trù biện pháp

bảo vệ dân khi bị Trung Quốc tấn công

Lục Du

Trong bối cảnh máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với tần suất ngày càng tăng, Đài Bắc đã cam kết cung cấp hơn 117.000 nơi trú ẩn cho người dân trong trường hợp hòn đảo bị quân đội Trung Quốc tấn công, theo Taiwan News.

Khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hành động quân sự hung hăng xung quanh Đài Loan, bao gồm cả các cuộc xâm nhập không ngừng của các máy bay chiến đấu, nghị sĩ Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) Cao Hồng Yên đã gửi một văn bản yêu cầu Nội các cho biết các biện pháp của chính phủ trong trường hợp có những biến động về tình hình quân sự.

Đáp lại, Nội các tuyên bố rằng ngoài việc tăng cường sự sẵn sàng của quân đội quốc gia, chính phủ Đài Loan cũng sẽ nâng cao hiểu biết cơ bản của người dân về các quy trình sơ tán khẩn cấp và cứu hộ.

Ông Cao đề nghị chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn nên chuẩn bị trước các biện pháp ứng phó để đề phòng các hành động của quân đội Trung Quốc. Ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, ông đề nghị nâng cao nhận thức của người dân về việc đối phó với tình huống khẩn cấp quốc gia.

Ông Cao lưu ý rằng hầu hết người Đài Loan chưa bao giờ gặp chiến tranh và thiếu kiến thức cơ bản về quy trình sơ tán khẩn cấp và cứu hộ.

Tiếp theo, ông kêu gọi chính phủ Đài Loan thông tin rộng rãi hơn cho người dân về những việc cần làm trong trường hợp bị tấn công, bao gồm các hầm trú ẩn và trạm y tế gần nhất cho tính huống bị không kích hoặc bị thương.

Nhà lập pháp chỉ ra rằng Thụy Điển, Thụy Sĩ và Israel đã ban hành sách hướng dẫn phòng thủ dân sự cho công dân của mình. Ông Cao đề nghị thêm rằng ngoài các nơi trú ẩn, chính phủ cũng nên nhắc nhở người dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn và nước uống, cũng như cách nhận biết thông tin sai lệch.

Theo Bộ Nội vụ (MOI), Đài Loan hiện có 117.669 cơ sở sơ tán trên cả nước dùng cho tình huống hòn đảo bị xâm lược hoặc bị không kích. Nhiều năm qua, cảnh sát đã treo biển báo trên các lối vào và lối ra của các tòa nhà, cho thấy chúng có thể được sử dụng cho trường hợp Đài Loan bị lực lượng bên kia eo biển tấn công.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-loan-da-du-tru-bien-phap-bao-ve-dan-khi-bi-trung-quoc-tan-cong.html

Trung Quốc cho phép hải cảnh sử dụng vũ khí

Hôm 4 tháng 11 năm 2020, Trung Quốc công khai dự thảo luật sửa đổi cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Hoa Lục. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Đài truyền hình NHK của Nhật Bản.

Cụ thể, theo dự thảo đưa ra lực lượng bảo vệ bờ biển được phép sử dụng vũ khí để xua đuổi tàu thuyền nước ngoài bị cho xâm phạm lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn thủy thủ đoàn cũng như được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân theo mệnh lệnh trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các tàu tuần tra của Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku và đuổi các tàu đánh cá Nhật Bản đang hoạt động trong vùng biển này.

Phản ứng về việc này, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 5 tháng 11, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội, ông Dương Hoài Nam, lại tái khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Cảnh sát biển Trung Quốc những năm gần đây đã được hợp nhất vào lực lượng cảnh sát vũ trang và đội tàu tuần duyên đã được nâng cấp với các tàu lớn hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-permits-marine-surveillance-force-to-use-weapons-11052020072509.html

Vụ đình chỉ IPO Ant Group của Jack Ma cho thấy

 Tập Cận Bình đang giật dây đằng sau hậu trường

Đại Nghĩa

Mục lục bài viết          

Bài phát biểu mạo hiểm của Jack Ma

Sự dè chừng ngày càng tăng

‘Bị giật dây’

Việc Trung Quốc đột ngột dừng thương vụ IPO lớn nhất thế giới đối với Ant Group của Jack Ma, đã gửi đến các nhà đầu tư toàn cầu một thông điệp rõ ràng: Mọi cánh cửa tài chính sẽ chỉ được thực hiện theo những điều kiện có lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bloomberg cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã gây sốc cho giới đầu tư toàn cầu vào hôm thứ Ba (3/11), khi đình chỉ đợt niêm yết cổ phiếu (IPO) của Ant Group Co., một công ty fintech thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma – người giàu thứ hai Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra chỉ hai ngày trước khi cổ phiếu được giao dịch trong một chiến dịch niêm yết đã thu hút được ít nhất 3 nghìn tỷ USD đơn đặt hàng từ các nhà đầu tư cá nhân.

Thời điểm đưa ra quyết định một lần nữa cho thấy đối với ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sự ổn định tài chính và chính trị được ưu tiên hơn việc nhường quyền kiểm soát nền kinh tế – đặc biệt là đối với một công ty tư nhân. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc cho phép tiến hành IPO có thể khiến Ant tác động quá lớn đến hệ thống tài chính, gây ra những rủi ro lớn hơn, cuối cùng có thể làm suy yếu khả năng nắm quyền của đảng.

 Victor Shih, phó giáo sư tại UC San Diego và là tác giả của cuốn sách “Phe phái và tài chính ở Trung Quốc: Xung đột của giới tinh hoa và lạm phát” cho biết: “Đảng đang thể hiện sức mạnh của mình. Nó đang nói với Jack Ma dù anh đáng chuẩn bị có đợt IPO lớn nhất thế giới, nhưng đó không phải là vấn đề lớn đối với ĐCSTQ, vốn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Trong khi ĐCSTQ có nhiều công cụ để dẹp yên những người bất đồng chính kiến, các quan chức địa phương nhiều khi phải vật lộn để kiềm chế sự bất mãn của người dân đến từ các vấn đề miếng cơm manh áo hàng ngày như tranh chấp lao động, gian lận đầu tư và thảm họa môi trường. Để giảm thiểu bất kỳ mối đe dọa nào đối với hệ thống tài chính hoặc quyền lực của đảng, chính phủ của ông Tập trong thập kỷ qua đã chứng minh rằng họ không khó khăn gì khi hạ gục các tỷ phú và các công ty tư nhân.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, câu chuyện Ant đã đặt dấu hỏi về khả năng tồn tại của Hồng Kông và Thượng Hải như những trung tâm tài chính thế giới. Điều này đặc biệt được chú trọng sau khi Trung Quốc hồi tuần trước đã đánh tín hiệu cho một sự cởi mở lớn hơn trong kế hoạch phát triển 5 năm tới. Theo đó, nó đặt ra lộ trình hiện thực hóa những lời hứa trước đây về việc cho phép tiếp cận nước ngoài nhiều hơn, đồng thời dần dần nới lỏng kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ và dòng vốn.

Fraser Howie, tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Quỹ tài chính mong manh của một Trung Quốc đang trỗi dậy”, cho biết cả trình tự và việc sắp đặt mốc thời gian các sự kiện trong thương vụ IPO thất bại này sẽ làm dấy lên nghi ngờ của các nhà đầu tư nước ngoài về cam kết của Trung Quốc đối với sự minh bạch của một thị trường vốn mở và hiện đại.

Howie nói: “Nó gửi một số tín hiệu, thường là mâu thuẫn. Do đó, các nhà đầu tư sẽ phải dè chừng về quá trình niêm yết ở Trung Quốc, họ sẽ lo ngại về việc tiết lộ thông tin, họ sẽ lo ngại trước những động thái tùy tiện về phía các cơ quan quản lý [Trung Quốc]”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này của phía chính quyền là không ngạc nhiên, ngay cả khi thời điểm bị gián đoạn. Các nhà quản lý Trung Quốc nhận định mô hình kinh doanh của Ant cho phép họ tính phí cao hơn cho các giao dịch, trong khi các ngân hàng nhà nước phải chịu hầu hết rủi ro. Cùng lúc khi Ant tìm cách niêm yết, các nhà chức trách đang chạy đua để phát triển các quy tắc buộc các công ty

tài chính phải yêu cầu vốn cao hơn. Họ cũng đang có kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, đây là một phần trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát đối với sự ổn định của hệ thống thanh toán.

Hôm thứ Tư, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết họ ủng hộ quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải về việc chặn một đợt chào bán công khai lần đầu “vội vã”. Những thay đổi trong quy định của ngành công nghiệp fintech có “tác động lớn” đến cấu trúc hoạt động và mô hình lợi nhuận của Ant, theo một tuyên bố.

Bài phát biểu mạo hiểm của Jack Ma

Tại một hội nghị ở Thượng Hải vào ngày 24 tháng 10, Ma đã đổ lỗi cho các cơ quan quản lý toàn cầu vì đã tập trung quá nhiều vào quản trị rủi ro và chỉ trích các biện pháp của chính Trung Quốc trong việc kìm hãm sự đổi mới. Phát biểu này được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn – một người thân tín của ông Tập – kêu gọi cân bằng giữa các sáng tạo trong ngành tài chính (VD: fintech, hay công nghệ tài chính) và các quy định mạnh mẽ để ngăn ngừa các rủi ro tài chính mới phát sinh.

“Có vẻ như dù cố ý hay không, Ma đã công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Trung Quốc đối với quy định tài chính,” Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại hãng tư vấn Gavekal Research Limited cho biết.

Nhận xét của Ma được đưa ra ngay trước khi ĐCSTQ tổ chức cuộc họp quan trọng để hoạch định nền kinh tế Trung Quốc trong 15 năm tới, đưa các vấn đề về công nghệ, ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Sau khi cuộc họp kết thúc, các nhà quản lý đã đưa ra các quy định mới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ant, đồng thời triệu tập Ma đến Bắc Kinh vào thứ Hai (26/10). Và thương vụ IPO đã bị đình chỉ vào ngay ngày hôm sau.

Tại Trung Quốc, truyền thông nhà nước đã nêu bật việc Ant không tuân thủ các quy định, trong khi tuyên dương cơ chế giám sát thị trường và kiểm soát rủi ro của chính quyền. Trong một bài bình luận cuối ngày thứ Ba, tờ Economic Daily do đảng hậu thuẫn cho biết, việc đình chỉ thương vụ IPO cho thấy “mọi liên kết của thị trường vốn đều có các quy tắc hoàn hảo và các phương pháp giám sát nghiêm túc”.

Sự dè chừng ngày càng tăng

Các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường giám sát các công ty tư nhân trong vài năm trở lại đây. Vào năm 2018, ngân hàng trung ương đã xác định Ant và các công ty khác là công ty holding (chuyên nắm vốn), khiến họ bị giám sát chặt chẽ hơn vì vai trò ngày càng tăng của họ đối với dòng tiền và hệ thống tài chính quốc gia.

Cùng năm đó, các cơ quan quản lý đã thâu tóm Tập đoàn Bảo hiểm An Bang (Anbang Insurance Group Co.,) công ty biểu tượng cho kỷ nguyên thâu tóm các doanh nghiệp Trung Quốc ngoại cỡ gần đây của ĐCSTQ, bỏ tù cựu chủ tịch của nó vì tội gian lận. HNA Group Co. và Tomorrow Holding Co. sau đó đã bị chính quyền tiếp quản hoặc giải thể, trong khi China Evergrande Group vào tháng 9 đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiền mặt tiềm ẩn có thể mang đến các rủi ro hệ thống cho Trung Quốc.

Hăng hái và thẳng thừng, Ma có lẽ là doanh nhân nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Nhà tài phiệt đi khắp nơi trên thế giới này là cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc, người từng tranh luận với Elon Musk trên các diễn đàn quốc tế và là nhân vật thường xuyên góp mặt tại các cuộc họp hàng năm ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ). Ông đã tạo ra hai tập đoàn trị giá hàng trăm tỷ đô la và đã tự coi bản thân là một nhà vô địch hỗ trợ thúc đẩy hoạt động thương mại kinh doanh của những người tí hon và các doanh nghiệp nhỏ thông qua nền tảng Alibaba.

Tuy nhiên, vào thứ Tư, các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc phần lớn đã thể hiện thái độ lãnh đạm với Ma. Một người đăng Weibo ẩn danh đã viết “nếu bạn không ra ngoài tìm kiếm rắc rối, rắc rối sẽ không tìm thấy bạn.” Một người khác châm biếm rằng “đã đến lúc Jack Ma thức tỉnh, lắng nghe nhiều hơn và nói ít đi”.

‘Bị giật dây’

Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, diễn biến này có khả năng củng cố quan điểm rằng Đảng sẵn sàng xuống tay khi đưa ra các quyết định kinh doanh lớn – và mọi biện pháp mở cửa sẽ được hiệu chỉnh cẩn thận, xét đến tác động đối với Đảng. Điều đó có thể còn quan trọng hơn trong những năm tới khi Trung Quốc tìm cách phát triển các công nghệ cốt lõi của riêng mình, khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Hoa Kỳ.

Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kỹ thuật số tại công ty tư vấn Trivium China ở Bắc Kinh, cho biết: “Điều này gửi một tín hiệu đến các công ty công nghệ lớn rằng họ không bao giờ là quá lớn chừng nào Đảng vẫn còn nắm quyền”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/vu-dinh-chi-ipo-ant-group-cua-jack-ma-cho-thay-tap-can-binh-dang-giat-day-dang-sau-hau-truong.html

Tìm kiếm về bầu cử Mỹ trên Weibo

lên tới 5,6 tỷ lượt bất chấp giới hạn thông tin

Thiện Phong

Cuộc bầu cử Hoa Kỳ đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại ra lệnh cho các phương tiện truyền thông chính thức của mình ngăn chặn các bài báo liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân thậm chí còn lạnh lùng nói rằng, “Trung Quốc không có quan điểm về vấn đề này”. Tuy nhiên, người dân Đại lục lại vô cùng quan tâm đến những thông tin liên quan.

Theo dữ liệu về lượt tìm kiếm trên Weibo vào hôm thứ Tư (4/11), chủ đề “Bầu cử Hoa Kỳ” đã được tìm kiếm tới 5,63 tỷ lần, nhưng nó chỉ đứng thứ 12 trong danh sách các chủ đề nóng. Dường như đã có sự thao túng bảng xếp hạng và cố tình làm giảm sức nóng của cuộc bầu cử Mỹ, theo Vision Times.

Lượng đọc và số lượng người thảo luận về các chủ đề trên Weibo luôn là một trong những chỉ số cho thấy cư dân mạng Trung Quốc đại lục đang quan tâm tới điều gì.

Theo dữ liệu từ đêm muộn ngày 4/11 theo giờ Bắc Kinh, nội dung được gắn nhãn là “bầu cử cử Hoa Kỳ” đã nhận được 5,63 tỷ lượt đọc và 1,339 triệu lượt thảo luận, vượt xa thông tin nóng hổi gần đây ở đại lục “Ant Group tạm ngừng niêm yết” với 1,05 tỷ lượt tím kiếm và được thảo luận 100.000 lần.

Điều phóng đại vô lý nhất là nội dung có dán nhãn về một vụ việc liên quan tới trẻ sơ sinh lại đứng đầu trong danh sách tìm kiếm nóng, với 230.000 lượt xem, mà cuộc “Tổng tuyển cử Hoa Kỳ” lại thực sự không lọt vào top 10 bảng xếp hạng, chỉ đứng thứ 12.

Trên thực tế, hiệu suất của các báo cáo và bình luận chính thức của các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ về cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 3/11 là cực kỳ thấp.

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang dần bước vào giai đoạn kiểm phiếu, một phóng viên báo chí nước ngoài đã hỏi người phát ngôn Vương Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/11 rằng, mặc dù kết quả bầu cử Tổng thống vẫn chưa được công bố nhưng một số người cho rằng Trump sẽ chiến thắng một lần nữa. Trung Quốc có ý kiến ​​gì về vấn đề này?Vương Bân đáp lại một cách nhẹ nhàng, việc kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành.

Theo Đài Á Châu Tự do, một mệnh lệnh được cho là từ Ban Tuyên truyền của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã được ban hành cho nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Nội dung yêu cầu các tin tức liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ phải thông qua một “sự sắp xếp thống nhất” và dựa trên “nguồn tiêu chuẩn” lấy từ Tân Hoa xã. Tin tức liên quan sau đó đã được xác nhận bởi ít nhất 4 biên tập viên làm việc trong 3 phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Tin tức bầu cử Hoa Kỳ mà người Trung Quốc xem gần đây trên TV và trên Internet đều là những tin tức nói xấu nước Mỹ như “xã hội Mỹ hỗn loạn sau bầu cử” như báo chí nhà nước đưa tin, CCTV đã nhiều lần phát sóng các cuộc bạo loạn đường phố trước đó. Các trang web đã xuất bản nhiều bài báo như “Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đã làm hại cả thế giới”. Tất cả đều rất là tiêu cực.

Tài khoản công khai trên WeChat “Ngưu Đạn Cầm” có nguồn gốc từ Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo cho rằng cuộc bầu cử Mỹ thực sự phản ánh sự xé rách cùng cực của xã hội Mỹ.

Ông chế giễu các doanh nhân ở một số thành phố của Mỹ vì sợ bạo loạn gây ra bởi kết quả bầu cử, nên họ đã đóng đinh tất cả các cửa ra vào và cửa sổ bằng ván gỗ. “Liệu trong vài ngày tới, đường phố nước Mỹ có thể yên ổn không? Liệu nước Mỹ có thể dẹp yên được không?”

Trước loạt hành động nói trên của ĐCSTQ, tờ Apple Daily đưa tin, nhà bình luận cấp cao Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng một trong những lý do là người Trung Quốc luôn coi Mỹ là điểm đến mong muốn nhất của người nhập cư và học tập.

Ngay cả khi chính quyền ĐCSTQ phỉ báng Hoa Kỳ và chặn hoặc hạn chế các bản tin và thông tin có liên quan, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự chú ý của họ đối với Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Trung Quốc không có hệ thống bầu cử dân chủ, và người dân đại lục không được hưởng quyền này, đương nhiên họ vô cùng tò mò về các thông tin liên quan và thậm chí rất khao khát kiến ​​thức.

Lưu Nhuệ Thiệu cũng nhận định rằng, trên thực tế, cuộc bầu cử tổng thống Trung Hoa Dân Quốc vào đầu năm nay cũng được người dân đại lục rất quan tâm, đặc biệt là không khí tranh cử nóng bỏng mà người đại lục không có cơ hội cảm nhận.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã sử dụng các nhà văn như Hồ Tích Tiến và Ngưu Đạn Cầm để cố ý làm mất uy tín cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. Điều này cũng không thể tách rời khỏi tâm lý đấu tranh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tim-kiem-ve-bau-cu-my-tren-weibo-len-toi-56-ty-luot-bat-chap-gioi-han-thong-tin.html

Trung Quốc cân nhắc

mục tiêu tăng trưởng 5% GDP cho kế hoạch 5 năm

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sắp đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm khoảng 5% cho 5 năm tới, ở các mức thấp hơn so với trước đây giữa lúc những rủi ro toàn cầu đang làm mờ đi triển vọng phát triển, các nguồn tin nắm về chính sách cho biết.

Bắc Kinh đang hướng tới một mục tiêu tăng trưởng linh hoạt hơn cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 để đối phó với các rủi ro từ bên ngoài do đại dịch và những rạn nứt với Hoa Kỳ gây ra, ba người tham gia cuộc thảo luận nội bộ cho biết sau cuộc họp lãnh đạo để lập ra chương trình nghị sự vào tuần trước.

Họ cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra vì chính phủ còn đang soạn thảo các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội chi tiết trong kế hoạch 5 năm, dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản.

Tại cuộc họp tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình và những người khác đưa ra chi tiết cho kế hoạch 5 năm của Trung Quốc và các mục tiêu chính trong 15 năm tới.

Các mục tiêu này gồm đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia “có thu nhập cao” vào năm 2025 và tiến tới một quốc gia “phát triển vừa phải” vào năm 2035, nghĩa là thu nhập trên 20.000 USD/người.

Ngân hàng Thế giới định nghĩa các quốc gia “thu nhập cao” là những quốc gia có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trên 12.535 đô la. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 10.410 đô la vào năm 2019, theo Ngân hàng Thế giới.

Các mục tiêu dự kiến sẽ được công bố khi kế hoạch 5 năm được thông qua tại kỳ họp quốc hội thường niên vào đầu năm 2021.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-can-nhac-muc-tieu-tang-truong-cho-ke-hoach-5-nam/5649551.html

Kinh tế Indonesia rơi vào suy thoái,

lần đầu trong 20 năm

Nền kinh tế Indonesia đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn hai thập niên, giữa lúc Indonesia đang chật vật kiểm soát đại dịch Covid-19.

Sở Thống kê Indonesia hôm 5/11 cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã co cụm theo đà 3,5% hàng năm trong thời gian từ tháng 7 tới tháng 9, quý thứ hai liên tiếp kinh tế co cụm.

Trong quý trước, kinh tế co cụm 5,32% và quý trước đó, kinh tế tăng 2,9% trong thời gian từ tháng 1 tới tháng 3/2020, đã tăng trưởng chậm nhất trong gần 2 thập niên.

Indonesia báo cáo hơn 425.000 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận, con số cao nhất ở Đông Nam Á, và thứ nhì tại Châu Á, chỉ thua có Ấn Độ, với 8,3 triệu ca nhiễm đã xác nhận.

Những sự đi lại bằng máy bay và xe lửa giảm sút mạnh giữa lúc chính quyền tạm ngưng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, và đóng cửa nhiều văn phòng để chặn đà lây lan của dịch bệnh, ông Suhariyanto, người đứng đầu cơ quan nói.

Ông Suhariyanto nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta rằng các hoạt động trong lĩnh vực hậu cần và ngành khách sạn cũng giảm mạnh trong khi người dân ở trong nhà, và không ăn uống ở các nhà hàng.

Một nền kinh tế được coi là suy thoái, nếu nó co cụm trong hai quý liên tiếp. Phần lớn các nền kinh tế khu vực cũng đang suy thoái, giữa lúc các dịch vụ hàng không bị tê liệt do kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế khác.

Cuộc suy thoái cuối cùng của Indonesia xảy ra vào năm 1997. Tình trạng này đã đẩy nhanh việc nhà độc tài Suharto bị lật đổ.

Chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tìm cách vực dậy nền kinh tế bằng cách giảm bớt thuế và tăng chi cho công tác hỗ trợ xã hội và chăm sóc y tế công.

Chính phủ Widodo hồi tháng Sáu chuẩn thuận một kế hoạch hỗ trợ trọn gói trị giá 677,2 nghìn tỉ rupiah- tương đương với 47,9 tỉ USD, để hồi sinh nền kinh tế bị vùi dập, lớn hơn gói hỗ trợ kinh tế trị giá 641,17 nghìn tỉ rupiah – tức 45,3 tỉ USD, đã phân bổ vào cuối tháng Tư, nhưng giải ngân chậm và các đợt bùng phát dịch Covid đã cản trở tiến trình phục hồi.

“Chúng tôi tiếp tục dự kiến đà tăng trưởng sẽ chậm trong vài quý sắp tới giữa lúc Indonesia đang chật vật đối phó với dịch Covid-19,” ông Nicholas Mapa của ING Economics nói.

Indonesia báo cáo hơn 14.000 ca tử vong vì dịch Covid-19 tính cho tới hôm thứ Năm 5/11, và mỗi tháng tính từ trung tuần tháng 9 năm nay, mỗi ngày lại có thêm từ 3000 tới 4000 ca nhiễm mới.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác cảnh báo rằng nạn thất nghiệp và những những cú sốc khác do đại dịch gây ra đang đe dọa lật ngược những tiến bộ trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại nhiều nước, trong đó có Indonesia.

https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-indonesia-roi-vao-suy-thoai-lan-dau-trong-20-nam/5649687.html

Ấn Độ có thể ra mắt vắc-xin Covid-19

vào tháng 2 năm tới

Một nhà khoa học cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói với Reuters rằng một loại vắc xin COVID-19 được chính phủ Ấn Độ hậu thuẫn có thể sớm được tung ra thị trường, có lẽ vào tháng 2 – sớm hơn trông đợi nhiều tháng.

Bharat Biotech, một công ty tư nhân đang phát triển COVAXIN với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) do chính phủ điều hành, trước đó đã hy vọng ra mắt vắc-xin vào quý hai năm sau.

Từ New Delhi, nhà khoa học của ICMR Rajni Kant, một thành viên của đội đặc nhiệm chống COVID-19, hôm thứ Năm 5/11 cho biết: “Vắc-xin đã chứng tỏ là hiệu quả”.

“Dự kiến vào đầu năm sau, tháng 2 hoặc tháng 3, sẽ có vắc-xin.”

Việc ra mắt vào tháng 2/2020 sẽ đưa COVAXIN trở thành loại vắc-xin đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được tung ra thị trường.

Số người nhiễm virus corona ở Ấn Độ đã tăng 50.201 ca hôm thứ Năm lên 8,36 triệu, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Số người chết tăng 704 người, với tổng số hiện tại là 124.315 người. Mức tăng các ca nhiễm và tử vong mỗi ngày đã chậm lại kể từ mức đỉnh điểm vào giữa tháng 9.

Ông Kant, người đứng đầu ban điều phối, chính sách, kế hoạch và quản lý nghiên cứu của ICMR, cho biết Bộ y tế sẽ quyết định liệu có thể tiêm COVAXIN cho người trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn ba hay không.

“Vắc-xin đã chứng tỏ là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 và trong các nghiên cứu trên động vật – vì vậy nó an toàn tuy nhiên không thể đoan chắc 100% cho tới khi các thử nghiệm giai đoạn 3 kết thúc”, ông Kant nói.

Một số ứng viên vắc-xin hàng đầu đã được thử nghiệm giai đoạn cuối. Một loại vắc-xin thử nghiệm do tập đoàn AstraZeneca do nước Anh phát triển là một trong những loại vắc-xin tiên tiến nhất mà nước Anh dự kiến tung ra vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2021.

Các vắc-xin giai đoạn cuối khác đang phát triển gồm vắc-xin của các công ty Moderna, Pfizer, với đối tác BioNTech SE, và Johnson & Johnson

https://www.voatiengviet.com/a/an-do-co-the-ra-mat-vac-xin-covid-19-vao-thang-hai-nam-toi/5649448.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.